Thứ Năm, 25 tháng 7, 2019

CÂU CHUYỆN TÌNH BÁO 280

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Giải mã giáo trình dạy gián điệp của CIA ở Việt Nam

Nóng: Ukraine bắt được điệp viên tình báo quân đội Nga

authorMinh Nhật Thứ Ba, ngày 09/07/2019 07:00 AM (GMT+7)

(Dân Việt) Các quan chức an ninh Ukraine vừa vạch mặt và bắt giữ một điệp viên tình báo quân đội Nga đang tới Voronezh để gặp người tuyển dụng anh ta, theo Belsat.

 nong: ukraine bat duoc diep vien tinh bao quan doi nga hinh anh 1
Cụ thể, theo Belsat, người vừa bị bắt với cáo buộc là điệp viên tình báo quân đội Nga là cư dân ở Zaporizhzha. Người này làm việc tại doanh nghiệp quốc phòng Ukroboronprom của Ukraine.
Theo các nguồn tin, người này được tuyển dụng bởi một quan chức của Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Nga tại Crimea vốn được Moscow sáp nhập năm 2014.
Theo các nhà điều tra, người đàn ông này đã cung cấp cho phía Nga những thông tin thu thập được về lĩnh vực quân sự và công nghiệp của Ukraine cũng như tình hình chính trị ở khu vực Zaporizhzha.
Anh ta đã chuyển thông tin qua các kênh liên lạc điện tử, cũng như trong các cuộc họp cá nhân với người tuyển dụng mình trên lãnh thổ Liên bang Nga, Crimea và Belarus.
Người đàn ông bị bắt và bị buộc tội phản quốc nặng (theo Điều 111 Bộ luật hình sự của Ukraine).

Nhà ngoại giao Mỹ bị kết án tù vì nhận tiền của tình báo Trung Quốc

Nữ bị cáo 63 tuổi nhận hàng chục nghìn USD từ điệp viên của Trung Quốc để đổi lấy thông tin về hoạt động của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Candace Marie Claiborne. Ảnh: String News.
Candace Marie Claiborne. Ảnh: String News.
Candace Marie Claiborne, 63 tuổi, bị kết án 40 tháng tù hôm 9/7 vì khai man với các nhà điều tra số tiền đã nhận được từ tình báo Trung Quốc để trao đổi tài liệu của Mỹ.
Bộ Tư pháp Mỹ cho hay Claiborne thừa nhận đã âm mưu lừa gạt Mỹ trong vụ án cấp cao liên quan tới việc điệp viên Bắc Kinh tuyển mộ quan chức Mỹ nhằm thu thập thông tin tình báo tuyệt mật. Claiborne cũng bị phạt 40.000 USD.
Theo cáo trạng, Claiborne, chuyên gia quản lý văn phòng Bộ Ngoại giao Mỹ tại Bắc Kinh và Thượng Hải, bắt đầu tiếp xúc với hai người là điệp viên của Bộ Công an Trung Quốc năm 2007. Họ đã đưa bà "hàng chục nghìn USD" tiền mặt và quà tặng để đối lấy các tài liệu và thông tin về hoạt động của Bộ Ngoại giao. Claiborne bị bắt hai năm trước sau một cuộc điều tra nhưng không bị buộc tội gián điệp.
"Với tư cách là nhân viên chính phủ Mỹ, Claiborne có quyền tiếp cận thông tin đặc thù nhưng đã lạm dụng lòng tin đó", John Selleck, quyền trợ lý giám đốc FBI nói.
"Việc tình báo Trung Quốc nhằm mục tiêu vào những người nắm giữ tin tức an ninh Mỹ là mối đe dọa thường trực mà chúng ta phải đối mặt và bản án hôm nay cho thấy những người phản bội lòng tin của người dân Mỹ sẽ phải chịu trách nhiệm".
Hồi tháng 5, cựu nhân viên CIA Kevin Mallory, 62 tuổi, bị kết án 20 năm tù vì làm gián điệp cho Trung Quốc. Trong một vụ án khác, cựu sĩ quan CIA Jerry Chun Shing Lee, 54 tuổi, cũng nhận tội làm gián điệp cho Bắc Kinh và đối mặt án chung thân.
Hồng Hạnh (Theo AFP)

Đức điều tra ba phóng viên Trung Quốc bị nghi do thám đơn vị NATO

Các phóng viên được cho là có hành động đáng ngờ tại căn cứ ở Đức của NATO khi tới đưa tin về chuyến thăm của Thủ tướng Merkel.
Thủ tướng Đức Angela Merkel thăm đơn vị của NATO tại thành phố Munster hôm 10/5. Ảnh: AP.
Thủ tướng Đức Angela Merkel thăm đơn vị của NATO tại thành phố Munster hôm 10/5. Ảnh: AP.
Quân đội Đức đang điều tra những thông tin mà ba phóng viên Trung Quốc thu thập được khi tác nghiệp trong chuyến thăm một đơn vị thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 20/5.
Ba phóng viên này thuộc hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Xinhua, bị nghi ngờ do quay lại hình ảnh các thiết bị quân sự và phỏng vấn binh sĩ về thói quen hàng ngày của họ. Các phóng viên được cấp quyền vào khu vực huấn luyện Lực lượng Hỗn hợp Phản ứng Cực nhanh (VJTF) của NATO tại thành phố Munster, Đức.
Một quan chức tình báo Đức nói thêm rằng họ đã theo dõi Xinhua một thời gian do mối liên hệ của hãng thông tấn này với chính quyền Trung Quốc. Các phóng viên Xinhua bị nghi ngờ giúp Bắc Kinh thu thập dữ liệu và thông tin ở nước ngoài.
Chính phủ Mỹ hồi tháng 9/2018 yêu cầu Xinhua và đài truyền hình CGTN của Trung Quốc đăng ký theo Đạo luật Đăng ký Đại diện cho nước ngoài, khiến các cơ quan này phải khai báo toàn bộ hoạt động với Washington. 
Đức không có phương thức tương tự Mỹ để kiểm soát các cơ quan truyền thông. Tuy nhiên, các phóng viên vẫn bị truy tố nếu phạm tội. 
Ánh Ngọc (Theo Bloomberg)

Sergei Vronsky – Nhà chiêm tinh bí ẩn làm việc cho tình báo Xô Viết

Hồng Sơn |

Sergei Vronsky – Nhà chiêm tinh bí ẩn làm việc cho tình báo Xô Viết

Cơ quan phản gián của phát xít Đức ngay cả trong mơ cũng không thể ngờ rằng, nhà chiêm tinh nổi tiếng Sergei Vronsky được rất nhiều thủ lĩnh hàng đầu của Đế chế thứ ba yêu thích lại là một điệp viên của tình báo Xô Viết.

Tiểu sử và tài năng của nhà chiêm tinh này hiện vẫn đang khiến cho nhiều nhà nghiên cứu lịch sử phải đau đầu tìm hiểu. Vronsky vẫn được đánh giá là một trong những nhân cách bí ẩn và khó tin nhất của thế kỷ XX…
Gần như ngay sau khi Hitler lên nắm quyền vào năm 1933, một chàng thanh niên trẻ 18 tuổi có tên Sergei Vronsky đã rời Latvia để tới Berlin du học. Nếu xét theo mọi tiêu chí của châu Âu thời bấy giờ, anh chàng này có nguồn gốc khá cao quý. Cha của anh là bá tước Aleksei Vronsky có dòng máu quý tộc từ Ba Lan. Tổ tiên của họ chuyển tới nước Nga từ thế kỷ XVII.
Trước Cách mạng tháng 10, ông Aleksey từng làm chỉ huy ban mật mã trong Bộ tổng tham mưu quân đội Nga hoàng. Trong thời kỳ hỗn loạn sau năm 1917, gia đình ông đã bị sát hại. Sergei may mắn được một người vú nuôi che giấu, đưa tới Paris, sau đó qua Hội chữ thập đỏ tìm được ông bà đang sống tại Riga.
Sergei Vronsky – Nhà chiêm tinh bí ẩn làm việc cho tình báo Xô Viết - Ảnh 1.
Bà của Sergei khi đó cũng là một người rất giỏi về nghiên cứu những môn khoa học thần bí như chiêm tinh, xem tướng tay và ảo thuật. Vốn là một người thông minh lại được bà truyền dạy tận tình, Sergei ngay từ năm 7 tuổi đã biết lập biểu tử vi cho bạn bè và thầy giáo trong trường.
Cậu cũng sớm thể hiện những khả năng về việc thôi miên, các thuật về tâm lý; say mê nghiên cứu về chiêu hồn và ảo thuật.
Có thể nói, Sergei là một học sinh rất toàn diện, luôn đạt được kết quả xuất sắc tại trường học. Đến tuổi thanh niên, cậu đã có thể nói tới 13 ngôn ngữ khác nhau. Không chỉ là một con mọt sách, Sergei còn dành thời gian cho học đấu vật, quyền Anh, bơi, tennis, khiêu vũ và đàn nhạc v.v…
Ngoài việc tham gia đua xe, đến năm 17 tuổi, Sergei đã tốt nghiệp xuất sắc trường hàng không tại Innsbruck (Áo).
Sau khi đặt chân tới Đức, Sergei thi vào khoa y Trường đại học tổng hợp Berlin. Cậu sinh viên từ Latvia khi đó đã thể hiện những khả năng đặc biệt về các phương pháp chữa trị phi truyền thống: bịt mắt chuẩn đoán bệnh, dự đoán tiến trình của bệnh…
Cậu nhanh chóng được phát hiện và tuyển chọn vào một Viện nghiên cứu đặc biệt chuyên đào tạo những người có khả năng siêu nhiên để phục vụ cho chính quyền phát xít. Những học viên này được đào tạo chuyên sâu về trị liệu tâm lý, thôi miên…, được cử đi thực tập ở khắp nơi trên thế giới.
Vào thời điểm đó, giới lãnh đạo phát xít đặc biệt quan tâm tới thuật chiêm tinh, muốn làm rõ những bí mật trong số phận của mình để củng cố quyền lực. Hitler vào năm 1935 còn gọi chiêm tinh là "ngành khoa học của đế chế".
Tên trùm phát xít này bắt đầu tin tưởng đặc biệt vào những lời tiên đoán và lá số tử vi, sau khi được một nhà chiêm tinh dự báo về thất bại trong cuộc nổi dậy do ông ta tổ chức vào năm 1923 (khiến Hitler sau đó phải vào tù một thời gian).
Ngay sau khi tốt nghiệp xuất sắc khóa học, Sergei đã được gọi tới văn phòng hiệu trưởng, gặp gỡ một số quan chức cấp cao của quân đội Đức.
Ông được tuyên bố đã được tuyển chọn để phục vụ cho quốc trưởng và nước Đức phát xít. Hitler vào thời điểm đó không thể ngờ rằng, Sergei đã bí mật gia nhập Đảng cộng sản Đức từ năm 1933, và rất có thể từ thời điểm đó đã bắt đầu làm việc cho cơ quan tình báo Xôviết.
Dù không công khai khẳng định về sự hợp tác này, nhưng Sergei về sau đã thừa nhận: "Vào những năm tháng đáng sợ đó, tôi không chỉ là một sinh viên mà còn là một người hoạt động bí mật. Từ năm 1938, tôi đã vài lần bí mật tới Liên Xô…
Nhưng giờ đây tôi vẫn chưa có quyền nói rõ về chuyện này". Theo một số nhà nghiên cứu, nhiều khả năng những chuyển biến bất ngờ về nhận thức của Sergei là do tình bạn với Vilis Lacis, về sau là một nhà văn Latvia và là một nhà hoạt động cho phong trào cộng sản.
Nhà tiên tri riêng của Rudolf Hess
Ngay từ khi chuẩn bị tới Đức, một người quen trong gia đình Sergei đã đưa cho ông một lá thư giới thiệu gửi tới Johann Koch, một nhà lãnh đạo nổi tiếng của đảng phát xít.
Qua nhân vật này, Sergei lại có dịp làm quen với một lãnh đạo phát xít khác là Rudolf Hess, người cũng rất đam mê về khoa học huyền bí. Sau một loạt những lời tuyên đoán chính xác, Hess bắt đầu tin tưởng vô điều kiện vào người thanh niên mình mới quen.
"Chúng tôi có cùng sở thích về chiêm tinh - Sergei về sau đã kể lại về mối quan hệ của họ - Và Hess đã trở thành học trò đầu tiên của tôi. Ông ấy rất có khả năng về môn khoa học này, chỉ có điều còn rất thiếu tự tin…
Tôi đã cho ông ấy nhiều lời khuyên như cần quan hệ với ai, cần đề phòng hay thân cận với ai. Ông ấy luôn nghe theo những lời khuyên trên vì thông thường tôi luôn dự đoán chính xác".
Sergei được cho là đã dính líu trực tiếp tới một bí mật lớn của chính quyền phát xít, khi Hess - dù là một nhân vật thứ hai trong đảng phát xít chỉ sau Hitler - đã quyết định từ bỏ tất cả quyền lực và vật chất để bất ngờ bỏ trốn sang Anh.
Sergei Vronsky – Nhà chiêm tinh bí ẩn làm việc cho tình báo Xô Viết - Ảnh 2.
Có nhận định cho rằng, Rudolf Hess chính vì những lời tiên đoán của Sergei Vronsky nên đã quyết định chạy trốn sang Anh.
Có thông tin nhận định, Hess đã được tiên đoán trước về sự sụp đổ không thể tránh khỏi của chủ nghĩa phát xít. Trong hồi ký sau này của trùm mật vụ Walter Schellenberg cũng có đoạn nói về sự dính líu của các nhà chiêm tinh học đối với vụ bỏ trốn của Hess.
Bản thân Sergei cũng kể lại khá chi tiết về trường hợp này: "Cho đến năm 1941, chúng tôi đã hoàn toàn thân mật và cởi mở. Khi Rudolf biết về kế hoạch "Barbarossa", chúng tôi đã lập ra bản dự báo về chiêm tinh dựa trên ngày tháng chính xác bắt đầu chiến dịch.
Các tính toán trên đều dự đoán về sự sụp đổ hoàn toàn của nước Đức phát xít. Hess đã đề nghị Hitler đổi sang ngày khác nhưng quốc trưởng chỉ cười nhạo ông ta.
Hess thậm chí đã nghĩ tới việc chạy sang Nga, nhưng việc xem sao đã dự đoán về cái chết của ông ta. Phương án chạy sang Anh sẽ giúp đảm bảo mạng sống và đã đúng như vậy. Hess sống lâu hơn các đồng đội trong đảng phát xít của mình đến 50 năm".
Trong một buổi dạ hội, Hess đã giới thiệu Sergei với Eva Braun, được cô gái này đề nghị giúp dự đoán số phận của mình. Trong cuộc gặp sau, Sergei thông báo cô ta sẽ có "một tương lai đặc biệt" nhờ vào việc lấy chồng. Sau khi Hitler gặp Braun và yêu cô ta, Hess đã gọi điện ngay cho Sergei, cho biết những lời nói của ông đã trở thành sự thật.
Từ thời điểm đó, Sergei đã chiếm được sự tin cậy hoàn toàn của Hess, được đề xuất tham gia chữa bệnh bằng ngoại cảm cho các quan chức phát xít hàng đầu, kể cả Hitler, người khi đó đang mắc chứng bệnh đau dạ dày và rối loạn tâm lý. Nói đơn giản, ông đã trở thành một bác sĩ ngoại cảm nổi tiếng tại Berlin.
Những chiến công cho Moscow
Ngay từ khi tới Berlin, Sergei đã luôn ghi nhớ nội dung cuộc trò chuyện của những khách hàng cao cấp của mình, sau đó thông báo lại cho liên lạc viên của trung tâm tình báo Xôviết tại Đức. Ngoài ra, ông cũng được giao những nhiệm vụ cụ thể theo tình hình.
Sergei Vronsky – Nhà chiêm tinh bí ẩn làm việc cho tình báo Xô Viết - Ảnh 3.
Sergei Vronsky những năm cuối đời.
Chẳng hạn, Gergei được yêu cầu giúp cựu võ sĩ quyền Anh của Nga là Igor Miklasevski được tiếp cận và làm quen với những nhân vật gần gũi với quốc trưởng. Ông đã giới thiệu Igor với Max Schmeling, một nhà vô địch quyền Anh thế giới, người thường được Hitler mời đến chơi.
Theo hồi ức của các tình báo viên Xôviết, Igor khi đó được giao một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng: xâm nhập vào hàng ngũ những người thân cận của Hitler, qua đó tận dụng cơ hội thuận lợi để tiêu diệt trùm phát xít.
Trên thực tế, theo cuốn sách của chỉ huy cao cấp tình báo Pavel Sudoplatov, Stalin về sau đã bác bỏ kế hoạch trên, do lo ngại những kẻ thay thế Hitler có thể ký kết thỏa ước riêng với nước Anh.
Với bản tính quyết liệt và ưa thích mạo hiểm của mình, Sergei được cho là đã tham gia vào kế hoạch ám sát Hitler.
Theo dự kiến, quả bom được đặt tại quán bia Burgerbrau sẽ phát nổ vào ngày 8-11-1939, nhưng Hitler đã đến trước đó hơn nửa tiếng, đồng thời công suất vụ nổ cũng không đạt được mục tiêu đề ra. Chiến dịch thanh trừng hàng loạt sau đó chút nữa đã làm ảnh hưởng đến an toàn của bản thân Sergei.
Năm 1941, Sergei được cử tới châu Phi với tư cách một bác sĩ ngoại cảm trong thành phần quân đoàn của viên thống chế Erwin Rommel.
Viên tướng này đã tặng cho Sergei một khẩu súng cá nhân của mình mà không thể ngờ rằng, ông ta đã thua người Anh trên mặt trận này là do tay bác sĩ ngoại cảm đã thường xuyên cung cấp những thông tin quan trọng chiến lược của mình cho đối phương.
Cuộc trở về đầy trắc trở
Đầu năm 1942, Sergei nhận được chỉ thị bất ngờ phải quay trở lại Liên Xô. Một số nguồn tin cho rằng, nhiều khả năng mối quan hệ quá thân cận của ông với giới lãnh đạo phát xít đã khiến cho Moscow nghi ngờ.
Sergei Vronsky – Nhà chiêm tinh bí ẩn làm việc cho tình báo Xô Viết - Ảnh 4.
Cuốn sách "Chiêm tinh học cổ điển" của Vronsky.
Sergei quay trở lại Riga vào mùa xuân năm 1942, mạo hiểm xâm nhập vào một sân bay quân sự tại đây, thôi miên các thợ kỹ thuật, yêu cầu họ nạp nhiên liệu vào một chiếc máy bay nhỏ để tự lái vượt qua chiến tuyến. Chiếc máy bay của ông bị bắn rơi trên lãnh thổ Liên Xô.
Dù bị thương rất nặng, nhưng Sergei may mắn vẫn sống sót và phải nằm viện một thời gian dài. Xuất viện, ông đã phải trải qua một giai đoạn sống trong tình cảnh vất vưởng: cơ quan tình báo không thừa nhận là người của mình, còn bản thân không có công ăn việc làm.
Năm 1944, người bạn cũ Vilis Lacis (sau này trở thành thủ tướng Litva) đã tình cờ gặp lại Sergei, bố trí cho ông quay trở về Latvia làm thanh tra hàng không dân dụng, sau đó làm hiệu trưởng một trường trung học tại đây. Đến năm 1946, Sergei bất ngờ bị bắt giữ và kết án 25 năm tù.
Sergei được trả tự do vào năm 1951, sau khi bác sĩ tại bệnh viện kết luận ông chỉ còn sống được vài tháng do mắc bệnh ung thư... Suốt vài năm sau, Sergei sống một cuộc sống ẩn dật, kiếm tiền bằng việc lập lá số tử vi cho giới thượng lưu tại Moscow.
Khả năng của ông nhanh chóng được các quan chức tại điện Kremlin biết đến. Sau một cuộc trò chuyện với Khrutsev, Sergei được điều đến trung tâm nghiên cứu hàng không vũ trụ của Liên Xô tại Zvyozdny Gorodok, nơi đã làm quen được với rất nhiều nhà khoa học và phi công vũ trụ hàng đầu.
Chính ông đã đề nghị dời ngày phẫu thuật cho tổng công trình sư Sergei Korolev ấn định vào ngày 14-1-1966. Tuy nhiên đề xuất của ông đã không được chấp thuận, và Korolev chết ngay trên bàn phẫu thuật. Sergei về sau cũng dự đoán về cái chết của Yuri Gagarin, nhưng nhà du hành này cũng không hề tin.
Trong chuyến đi cùng Gagarin tới Mỹ vào năm 1962, Sergei đã gặp hai anh em nhà Kennedy và dự đoán trước về cái chết của họ do bị ám sát.
Chính những kết quả dự đoán rất chính xác của Sergei, Tổng thống Bush cha sau này đã liên hệ với ông vào cuối năm 1990, đề nghị đưa ra dự đoán về kết quả chiến dịch "Bão táp sa mạc". Cuối đời mình, Sergei chỉ tập trung vào việc viết tác phẩm 12 tập có tên "Chiêm tinh học cổ điển". Nhân vật đầy bí ẩn trong lịch sử này qua đời vào ngày 10-1-1998.
theo An Ninh Thế giới

Đức cảnh báo tình báo Trung Quốc ‘làm mưa làm gió’ trên mạng LinkedIn

11/12/2017 09:35 GMT+7

TTO - Người đứng đầu cơ quan tình báo nội địa Đức cảnh báo tình trạng Trung Quốc đang lợi dụng mạng xã hội việc làm LinkedIn để tuyển dụng gián điệp.

    Đức cảnh báo tình báo Trung Quốc ‘làm mưa làm gió’ trên mạng LinkedIn - Ảnh 1.
    Ông Hans-Georg Maassen, người đứng đầu cơ quan tình báo nội địa Đức (BfV) - Ảnh: REUTERS
    Theo Hãng tin AP, ông Hans-Georg Maassen, người đứng đầu cơ quan tình báo nội địa Đức (BfV), tin rằng hiện có hơn 10.000 người Đức đang bị các nhân viên tình báo Trung Quốc săn lùng với mục tiêu thuyết phục, tuyển dụng họ trở thành chuyên gia cố vấn, săn đầu người hoặc nhà nghiên cứu cho họ, chủ yếu trên mạng xã hội việc làm LinkedIn.
    Ông Hans-Georg Maassen nhận định: "Đây là một âm mưu có mục tiêu tác động tới nhiều lĩnh vực hoạt động, hòng xâm nhập các nghị viện, các bộ và cơ quan chính phủ cụ thể".
    Cũng theo ông Hans-Georg Maassen, các hacker Trung Quốc đang tăng cường triển khai nhiều cuộc tấn công nhằm vào các doanh nghiệp châu Âu thông qua những nguồn tin tin cậy của họ.
    Đầu năm nay, BfV đã thành lập lực lượng chuyên trách để xác minh việc sử dụng các hồ sơ giả mạo trên mạng xã hội việc làm LinkedIn trong cuộc điều tra kéo dài 9 tháng.
    BfV cũng đã cung cấp cho báo giới thông tin về 8 trong số những hồ sơ giả mạo có hoạt động sôi nổi nhất mà theo điều tra của họ đã được gián điệp Trung Quốc sử dụng để liên lạc với các tài khoản người dùng trên mạng LinkedIn.
    Các hồ sơ giả mạo này đã sử dụng những cái tên như Lily Wu, Laeticia Chen hoặc Alex Li. Trong đó cung cấp các bản sơ yếu lý lịch ấn tượng, hàng trăm thông tin liên lạc và các bức ảnh ứng viên trẻ rất thu hút, song trên thực tế không hề có.
    Ngoài ra BfV cũng liệt kê tên 6 tổ chức mà cơ quan này cho rằng gián điệp Trung Quốc đã sử dụng để che đậy mục đích tiếp cận ứng viên của họ. Trong đó có 2 tổ chức có tên là Association France Euro-Chine và Global View Strategic Consulting.
    BfV tỏ ra lo ngại khi tình báo Trung Quốc đang sử dụng phương pháp này để thậm chí tuyển dụng cả các chính trị gia cấp cao ở Đức trở thành nguồn tin cho họ.
    Ông Maassen cảnh báo các nhóm tội phạm mạng Trung Quốc đang sử dụng chiêu thức gọi là "các cuộc tấn công kiểu chuỗi cung cấp" nhằm vượt qua các biện pháp phòng vệ trên mạng của các doanh nghiệp.
    Theo đó những dạng thức tấn công kiểu này nhằm vào những nhân viên IT và những người đang làm việc cho các đơn vị cung cấp dịch vụ tin cậy, từ đó gửi phần mềm mã độc vào các hệ thống mạng của những tổ chức mà những kẻ tấn công có chủ định trước.
    BfV phân tích: "Các dạng phát tán mã độc kiểu này rất khó phát hiện, vì những kết nối mạng giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ và khách hàng của họ thường không bị nghi ngờ. Do đó sẽ tạo điều kiện cho những kẻ tấn công có thể ngụy trang tốt hơn trước".
    D. KIM THOA 

    Canada tố cáo hầu hết nhà báo Trung Quốc làm gián điệp

    22/05/2017 14:59 GMT+7

    TTO - Trong nhiều năm qua, Cục An ninh tình báo Canada đã giám sát các nhà báo Trung Quốc thường trú ở Ottawa vì nghi ngờ họ làm gián điệp cho Bắc Kinh.

    Nhân viên an ninh đưa phóng viên của Nhân dân Nhật báo (phải) ra ngoài vì người này xô đẩy nữ trợ lý của thủ tướng Canada - Ảnh: Reuters
    Nhân viên an ninh đưa phóng viên Lý Học Giang của Nhân dân Nhật báo (phải) ra ngoài vì người này xô đẩy nữ trợ lý của thủ tướng Canada - Ảnh: Reuters
    Theo điều tra riêng của báo La Presse (Canada) công bố trong tháng 5 này, Cục An ninh tình báo Canada (trực thuộc Bộ An ninh Công cộng) quan tâm đặc biệt đến các phóng viên thuộc cơ quan thường trú của Nhân dân Nhật báo và Tân Hoa xã tại thủ đô Ottawa.
    80% phóng viên Trung Quốc làm gián điệp
    Các phóng viên Trung Quốc thường trú đã gia nhập Diễn đàn Báo chí Quốc hội (tổ chức quy tụ các phóng viên nghị trường) thì vẫn có quyền ưu tiên tham dự các sự kiện do Văn phòng thủ tướng, các bộ hoặc các cơ quan chính phủ Canada tổ chức.
    Một nguồn tin giấu tên từng giữ vị trí quan trọng trong chính phủ trước đây của Thủ tướng Stephen Harper (2006-2015) tiết lộ: “Trong chính phủ ai cũng biết phóng viên các báo này giữ vai trò rất rõ tại Ottawa. Đó là thu thập thông tin chiến lược mà chính phủ Trung Quốc quan tâm. Bởi vậy ngay tại Ottawa cũng phải hành xử cẩn thận để tránh bị dò xét”.
    Một cựu nhân viên cấp cao của Cục An ninh tình báo Canada khẳng định tất cả cơ quan tình báo phương Tây mà đặc biệt là liên minh tình báo Five Eyes (Canada, Mỹ, Anh, Úc và New Zealand) đều minh định phóng viên Trung Quốc đều phục vụ cho chính phủ Trung Quốc.
    Nguồn tin này nhấn mạnh: “Họ là gián điệp. Chúng tôi đánh giá 80% phóng viên Trung Quốc trên thế giới làm gián điệp”.
    Báo La Presse đã liên lạc để hỏi thêm về vấn đề này nhưng văn phòng đại diện của hai tờ báo Nhân dân Nhật báo và Tân Hoa xã tại Ottawa cũng như đại sứ quán Trung Quốc đều không trả lời.
    Sa bẫy tình của nhà báo nữ Trung Quốc
    Dưới thời Thủ tướng Stephen Harper, hãng thông tấn Tân Hoa xã có ba phóng viên thường trú tại Ottawa. Hiện nay Tân Hoa xã và Nhân dân Nhật báo cử mỗi báo một phóng viên đưa tin thời sự tại Ottawa.
    Phản hồi với báo La Presse, ông Dan Brien, giám đốc truyền thông của bộ trưởng Bộ An ninh công cộng, không cung cấp chi tiết mục đích điều tra đối với các phóng viên Trung Quốc. 
    Ông giải thích: “Luật quy định về Cục An ninh tình báo rất rõ. Cục chỉ có thể mở cuộc điều tra đối với một phóng viên nếu có đủ thông tin cho thấy phóng viên này tham gia các hoạt động đe dọa an ninh quốc gia”.
    Một nguồn tin giấu tên cho biết trong các báo cáo hàng tuần về an ninh quốc gia cho thủ tướng đều thường xuyên nói đến hoạt động gián điệp của các viên chức Trung Quốc hoặc phóng viên Trung Quốc. Cũng vì thế mà lúc còn đương nhiệm, Thủ tướng Stephen Harper giữ thái độ không mấy mặn mà trong quan hệ với Trung Quốc.
    Trường hợp của hạ nghị sĩ Bob Dechert là ví dụ tiêu biểu. Một cựu lãnh đạo Cục An ninh tình báo Canada tiết lộ hồi tháng 9-2011, có tin ông Dechert đã gửi thư điện tử mùi mẫn cho một phóng viên nữ của Tân Hoa xã ở Toronto.
    Lúc đó ông Dechert giữ chức thư ký Quốc hội của Ngoại trưởng John Baird và như vậy có thể nắm được một số tài liệu mật. Chồng của phóng viên nữ nọ đọc được thư và đã chuyển cho một số nhà báo xem.
    Nguồn tin khẳng định ông Dechert đã rơi vào bẫy tình của phóng viên nữ nọ. Sau đó, ông Dechert đã bị Cục An ninh tình báo Canada điều tra.
    Phóng viên chỉ lo chụp ảnh quân sự!
    Năm 2011, văn phòng Thủ tướng Stephen Harper rất ngạc nhiên khi các phóng viên Nhân dân Nhật báo và Tân Hoa xã đăng ký theo đoàn của thủ tướng đến thăm Bắc cực. Cũng các phóng viên này tham gia chuyến thăm Bắc cực của thủ tướng vào năm 2012 và 2013.
    Một cộng sự cũ của Thủ tướng Harper kể trong các chuyến thăm, nhà báo Lý Học Giang của tờ Nhân dân Nhật báo không quan tâm chụp ảnh sự kiện liên quan đến thủ tướng mà chỉ canh me chụp rất nhiều ảnh về các cơ sở quân sự và trang thiết bị của quân đội Canada như máy bay, trực thăng.
    Thủ tướng Stephen Harper (thứ hai từ phải sang) đến Bắc cực năm 2012 -
 Ảnh: Bộ Quốc phòng Canada
    Thủ tướng Stephen Harper (thứ hai từ phải sang) đến Bắc cực năm 2012 - Ảnh: Bộ Quốc phòng Canada
    Trong chuyến đi năm 2013, phóng viên này xô đẩy nữ trợ lý báo chí của thủ tướng khi bị từ chối đặt câu hỏi và định giật micro. Lực lượng an ninh phải áp giải người này ra khỏi phòng. 
    Năm sau, Văn phòng thủ tướng quyết định không cho phóng viên Nhân dân Nhật báo và Tân Hoa xã tháp tùng chuyến đi Bắc cực.   
    Năm 2016, theo đề nghị của Cục An ninh tình báo Canada, Hạ viện thông báo với Diễn đàn Báo chí Quốc hội sẽ siết lại quy định an ninh đối với các phóng viên mới đăng ký đưa tin Quốc hội như lấy dấu vân tay, kiểm tra lý lịch tư pháp. Tuy nhiên do Diễn đàn Báo chí Quốc hội phản đối nên các biện pháp này chưa được thực hiện.    
    Nhà báo Canada bị mua chuộc
    Nhà báo Mark Bourrie đã viết tin về nghị trường Quốc hội từ nhiều năm nay. Ông đã có thời gian cộng tác với cơ quan thường trú Tân Hoa xã ở Ottawa khoảng một năm rưỡi. 
    Ông kể năm 2010, Trương Đại Thành - trưởng cơ quan thường trú Tân Hoa xã - giải thích rằng Tân Hoa xã muốn tăng cường sự hiện diện và thông tin vì Trung Quốc chưa có hãng thông tấn nổi tiếng như AFP, Reuters, La Presse.
    Sau đó, trưởng cơ quan thường trú đưa ra lời mời cộng tác. Ông Bourrie đồng ý nhưng có hơi ngờ vực. Vài người trong Diễn đàn Báo chí Quốc hội nói nhỏ với ông họ tin rằng Trương Đại Thành là gián điệp.
    Ông Bourrie viết chủ yếu về bầu cử liên bang năm 2011 hoặc các tin thông thường đại loại như thông báo của Ngân hàng trung ương Canada chứ ít viết về các vấn đề quân sự, trừ máy bay chiến đấu F-35.
    Mùa xuân năm 2012, lúc đức Đạt lai Lạt ma thăm Ottawa trong hai, ba ngày, có một cuộc hội thảo tổ chức ở Ottawa. Trương Đại Thành nhờ ông Bourrie theo dõi sự kiện này.
    Khi ông hỏi viết bài dài chừng bao nhiêu từ, người này nói chỉ muốn ông ghi chép sự kiện chứ không cần câu chuyện. 
    Sau đó có một sự kiện khác ở công viên Lansdowne. Trương Đại Thành đến đó và hỏi Bourrie: “Anh có biết Thủ tướng Stephen Harper và Đạt lai Lạt ma trò chuyện về chủ đề gì không?”. Nhà báo Canada trả lời “không”.
    Trả lời báo La Presse hồi đầu tháng 5-2017, nhà báo Mark Bourrie quả quyết Trương Đại Thành là gián điệp vì khi ông hỏi bài viết của ông sẽ được xử lý thế nào, người này trả lời sẽ gửi trực tiếp về Bắc Kinh chứ không đăng báo.
    Từ đó ông chấm dứt cộng tác với Tân Hoa xã và gửi thư cho Diễn đàn Báo chí Quốc hội thông báo Trương Đại Thành là gián điệp Trung Quốc.
    Nhà báo Mark Bourrie kể một lần nọ, trưởng cơ quan thường trú Tân Hoa xã Trương Đại Thành nhờ ông thu thập tên và địa chỉ những người biểu tình trong chuyến thăm Ottawa của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào vào năm 2010 nhưng ông đã từ chối. Ông biết trưởng cơ quan thường trú rất thân cận với người của đại sứ quán Trung Quốc.
    HOÀNG DUY LONG

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét