BỘ MẶT CHIẾN TRANH 09
-Chiến
tranh mang bộ mặt gớm ghiếc, tởm lợm đến khủng khiếp, không thể tả được,
dù bôi son trát phấn như thế nào, tung hô ra sao.
-Chiến tranh là thể hiện sự thờ ơ, vô cảm khốn nạn tột cùng về việc hủy diệt tàn bạo cuộc sống và thân phận con người.
-Chiến tranh phi nghĩa là chiến tranh "nặn ra" lý do từ không có lý do, hủy diệt và tàn phá cuộc sống một cách không chính đáng. Chiến tranh chính nghĩa là chiến tranh nảy sinh từ việc chống chiến tranh phi nghĩa, được hủy diệt và tàn phá cuộc sống một cách chính đáng (?).
-Tóm lại, bộ mặt thật của chiến tranh nói chung là độc ác, ngu xuẩn và mù quáng đến ngỡ ngàng của con người khôn ngoan, có lý trí.
-Ngày chiến thắng 30/4, lũ bán nước cay cú gọi là ngày quốc hận, người cộng sản cực đoan cho rằng đó là ngày toàn dân phải vui mừng, riêng cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, người có vợ con đều chết trong chiến tranh, thì nói, đó là ngày có triệu người vui và cũng có triệu người buồn.
-Lão Tử, một đại hiền triết thời cổ đại của Trung Quốc, từng nói: "Giết hại nhiều người thì nên lấy lòng bi ai mà khóc, chiến thắng thì nên lấy tang lễ mà xử".
-------------------------------------------------------
(ĐC sưu tầm trên NET)
Cận cảnh chiến trường khốc liệt ở Syria, Iraq
Phước Tuấn
-Chiến tranh là thể hiện sự thờ ơ, vô cảm khốn nạn tột cùng về việc hủy diệt tàn bạo cuộc sống và thân phận con người.
-Chiến tranh phi nghĩa là chiến tranh "nặn ra" lý do từ không có lý do, hủy diệt và tàn phá cuộc sống một cách không chính đáng. Chiến tranh chính nghĩa là chiến tranh nảy sinh từ việc chống chiến tranh phi nghĩa, được hủy diệt và tàn phá cuộc sống một cách chính đáng (?).
-Tóm lại, bộ mặt thật của chiến tranh nói chung là độc ác, ngu xuẩn và mù quáng đến ngỡ ngàng của con người khôn ngoan, có lý trí.
-Ngày chiến thắng 30/4, lũ bán nước cay cú gọi là ngày quốc hận, người cộng sản cực đoan cho rằng đó là ngày toàn dân phải vui mừng, riêng cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, người có vợ con đều chết trong chiến tranh, thì nói, đó là ngày có triệu người vui và cũng có triệu người buồn.
-Lão Tử, một đại hiền triết thời cổ đại của Trung Quốc, từng nói: "Giết hại nhiều người thì nên lấy lòng bi ai mà khóc, chiến thắng thì nên lấy tang lễ mà xử".
Đại Bác Ru Đêm - Nhạc: Trịnh Công Sơn – Ca sĩ: Khánh Ly
-------------------------------------------------------
(ĐC sưu tầm trên NET)
Những trận chiến khốc liệt ở chiến trường biên giới Tây Nam
Bên kia biên giới, các chiến sĩ Việt Nam không
chỉ để lại một phần tuổi trẻ, mà cả một phần thân thể của mình và máu
xương của đồng đội.
Lục những tờ lịch đầu tiên của năm mới, Đại tá Ngô Đức Tấn (85 tuổi)
nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 94, Quân khu 5 bồi hồi nhớ về cột
mốc 40 năm trước. Ngày 7/1/1979, thủ đô Phnom Penh (Campuchia) được giải
phóng sau vất vả trường kỳ, phải đánh đổi bằng xương máu của ông và
đồng đội.
Ông kể tháng 3/1976, Quân khu 5 cử Trung đoàn 94 hành quân lên huyện Chư
Prong, Gia Lai trấn giữ biên giới. Khmer Đỏ ở Campuchia lúc này không
chỉ gây hấn với Việt Nam mà còn tàn bạo với đồng bào trong nước.
Từ bên kia, một đoàn 22 người dân Campuchia cùng con voi vượt đường rừng
đến Việt Nam tránh Pol Pot. Trên lưng voi có một phụ nữ sắp sinh.
Bộ đội Việt Nam đã cưu mang, cấp gạo, lương thực cho họ. Nhờ con voi,
nhóm người này đã giúp người Việt việc đồng áng, vận chuyển để nhận lúa
gạo, lương thực. Họ trở thành nguồn tin cho quân đội Việt Nam và đồng
thời làm phiên dịch để các chiến sĩ và chỉ huy hiểu được địa hình, cầu
cống, sông ngòi.
Đại tá Ngô Đức Tấn kể lại những ngày chiến đấu trên chiến trường Campuchia. Ảnh: Phạm Linh.
|
Nửa cuối 1978, quân đội Pol Pot tấn công quyết liệt. Họ dùng trâu, xe bò
đi trước để phá mìn, dọn đường cho lính đánh Việt Nam. "Chúng tôi đánh
trả kịch liệt. Những trận đánh rất căng thẳng, họ dùng pháo binh dồn dập
tấn công, bò vô trong chốt của mình. Các vùng đất sát biên giới bị
giành qua giật lại nhiều lần", ông Tấn nói. Nhiều chiến sĩ đã hy sinh vì
nhiệm vụ phòng ngự.
Ngày 25/8/1978, ba sư đoàn 2, 307, 309 của Quân khu 5 và Quân khu 7 được
lệnh tấn công tỉnh Ratanakiri qua đường 19. Trên đường tiến quân, quân
Pol Pot cài mìn dày đặc và phục trong rừng chặn đánh. Để mở đường, đơn
vị của ông Tấn dùng máy bay rải đạn cối hai bên đường để đẩy lui quân
Pol Pot.
"Tiếng đạn cối nổ như tiếng bắp rang, sau khi máy bay dọn đường thì xe
tăng, bộ binh tiến qua. Chúng tôi bị phục kích nhưng sự chống cự không
đáng kể", ông Tấn thuật lại. Quá trình tiến công diễn ra nhiều ngày, từ
làng ngày qua làng khác, phải mất từ nửa ngày đến hai ngày vượt qua địa
hình rừng núi.
Đến trung tâm Natanariki, nơi dân cư vốn đông đúc giờ hoang vắng, nhiều
người đã bị Pol Pot sát hại, một số trốn trong rừng, một số tháo chạy
theo Pol Pot về phía Tây. "Vì đã dọn đường nên thương vong anh em không
nhiều", cựu Trung đoàn trưởng nói.
Đến đây, sư đoàn 309 và ba trung đoàn được lệnh về Việt Nam và bổ sung
lực lượng cho các mũi tiến công khác. Quân khu 5 tiếp tục thành lập Sư
đoàn 315, cùng hai sư đoàn cũ thành lập mặt trận 579.
Ba sư đoàn với hàng nghìn binh lính tiếp tục vượt sông Srepok đến tỉnh
Stung Treng. Qua con sông này, một nhịp cầu do Pháp xây dựng vẫn chưa
hoàn thành, các chiến sĩ mặt trận 579 qua sông bằng phà qua bờ bên kia.
"Hai trung đoàn 29 và 95 đã qua sông, nhưng bị chặn lại ở giao lộ đường
19 và đường 13 từ Phom Penh qua Lào", ông Tấn kể. Khi đang qua sông cùng
trung đoàn 94, ông Tấn nhận lệnh tiếp binh để phá tan điểm chốt của Pol
Pot trên giao lộ đường 13 và 19.
Ông Tấn quả quyết đây là lần ông bị quân Pol Pot chống trả quyết liệt
nhất trên đường tiến công. Để bẻ gãy điểm chốt, ông cử hai tiểu đoàn
tiến sâu vào rừng, đến gần giao lộ tạo thế gọng kiềm bao vây khiến quân
đội Pol Pot bất ngờ.
Tại đây, quân đội Pol Pot dùng súng AK bắn trả, nhưng cùng lúc đó lực
lượng đang tiến công trên đường 19 cũng đã tiến đến bao vây. Quân Khmer
Đỏ bị tiêu diệt, bộ đội Việt Nam thu giữ được một xe quân sự, súng và
lương thực tiến về thị xã Strung Treng.
Chiến sĩ Quân khu 5 trên chiến trường Campuchia. Ảnh: Tư liệu.
|
Người chỉ huy Trung đoàn 94 nhớ lại, lúc này ông cho kéo pháo đến bờ
sông Mekong và để một tiểu đoàn phòng ngự chờ thời cơ. Một tiểu đoàn
khác canh giữ sân bay Strung Treng. Một tiểu đoàn được ông chỉ huy hỗ
trợ cho Quân khu 7 chiếm tỉnh Kratie.
Sau khi tỉnh Kratie được bình định, trung đoàn 94 tập trung lực lượng tấn công tỉnh Preah Vihear bên kia sông Mekong.
"Nước sông chảy xiết nên phải hướng mũi tàu về phía Tây, lực nước sẽ đẩy
xuống để đến nơi cần tiếp bờ bên kia", Trung đoàn trưởng Tấn tính toán.
Sáng hôm sau, trung đoàn dùng đạn pháo bắn, dùng tàu Pol Pot bỏ lại,
tàu cá của dân đổ bộ qua Preah Vihear. Họ tiếp tục tiến về trung tâm
tỉnh, rồi tiến đến cuối Preah Vihear, giáp ranh biên giới Lào để truy
quét Pol Pot.
"Pol Pot không có đây, các anh đánh phía Tây", ông Tấn thuật lại lời
người dân Lào nói. Ngày 7/1, tin Campuchia được giải phóng lan truyền,
19 sư đoàn của Pol Pot chạy qua Thái Lan hoặc đang lẩn trốn trong rừng
được lan đi. Nhưng trung đoàn 94 không trở về Phnom Pênh mà tiếp tục lại
truy quét tàn quân.
Sau này, ông Tấn được bổ nhiệm là Sư đoàn phó kiêm Tham mưu trưởng Sư
đoàn 307, tiếp tục làm nhiệm vụ ở Preah Vihear đến năm 1989.
"Tôi may mắn hơn nhiều chiến sĩ khác đã hy sinh ở tuổi đôi mươi. Tôi đã
cố gắng hết sức, nhưng đi đến đâu thì làm nghĩa trang đến đó", người chỉ
huy năm nào ngậm ngùi. Ông kể, Trung đoàn phải tổ chức một đội mộc để
làm hòm cho người nằm xuống.
"Khi có anh em chết thì đưa về nghĩa trang. Một thời gian sau, các đoàn
vận tải sẽ đưa xác về chôn ở Đức Cơ, Gia Lai. Nhờ vậy mà không có ai
phải nằm lại trên đất khách", người chỉ huy nói. Ông vẫn ám ảnh với mùi
tử thi khi xác chiến sĩ trương lên, phải tẩm xăng đốt xác trước khi mang
về.
Cũng như Đại tá Tấn, Thượng tướng Bùi Văn Huấn (Út Lê, 74 tuổi), nguyên
Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam mỗi lần nhắc
về trận chiến Tây Nam 40 năm trước vẫn không khỏi những bùi ngùi trước
sự mất mát của đồng đội.
Thượng tướng Bùi Văn Huấn. Ảnh: Phước Tuấn.
|
Nằm trong thế trận phòng thủ liên hoàn của vùng Tây Nam Bộ, An Giang là
mục tiêu quan trọng của Pol Pot khi tiến hành xâm lược Việt Nam. Năm
1977, Quân khu 9 bàn giao Trung đoàn bộ binh 24 cho tỉnh An Giang, đồng
thời thành lập thêm Trung đoàn bộ binh 162 và sau đó là Trung đoàn 163,
phục vụ cho cuộc chiến Tây Nam.
Những năm diễn ra chiến tranh Tây Nam, ông Út Lê làm Chính ủy Trung đoàn
162 với bảy đại đội trực thuộc, tổng số 2.000 quân. Đơn vị này được
giao nhiệm vụ phụ trách hơn 50 km biên giới ở ba huyện Châu Đốc, An Phú,
Tân Châu. Trung đoàn phải đánh trước bộ đội của quân khu 9 hơn một tuần
nhằm "nhử" địch.
Thời kỳ ác liệt của cuộc chiến, theo tướng Huấn, là khoảng giữa năm 1977
khi quân Pol Pot chủ động tấn công. Một hôm, đơn vị đang đào kênh thủy
lợi cánh đồng ở Tri Tôn thì bị địch đánh qua dữ dội.
Đêm đó, ông cùng một chỉ huy khác của trung đoàn lên Huyện đội Tịnh Biên
để hỏi tình hình. Sau khi bàn bạc, ông nêu ý kiến: "Tình hình này mình
đánh rất khó, tôi nghĩ nên cử một trung đội bắn qua để kìm chân địch sau
đó đưa đại bộ phận qua An Phú đánh bên kia". Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh
sau khi nghe báo cáo thì đồng ý phương án trên.
Sáng hôm sau, mé bên kia sông quân Pol Pot rất đông, liên tục tấn công với công sự chiến hào dày đặc. Trung đoàn 162 dùng hỏa lực khống chế phía bên kia, đồng thời cho bộ đội vượt sông.
"Đạn dược được gói cho vào bọc nylon để khi chiến sĩ lặn xuống nước sẽ
tránh không bị đối phương phát hiện. Tới bờ bên kia, quân của trung đoàn
đánh chiếm từng chiến hào, diệt được nhiều địch song thiệt hại cũng
đáng kể", ông nhớ lại.
Trung đoàn có 12 trung đội trưởng thì 11 người bị thương và hy sinh. Vài
ngày sau, quân chủ lực của quân khu mới lên, tấn công, giành lại vị
thế.
Cuối năm 1977, Tiểu đoàn 7 phối hợp với Trung đoàn 162 của tỉnh An Giang
cùng hai đại đội địa phương Phú Châu phá vỡ thế phòng ngự của quân Pol
Pot, tiếp tục phát triển lên Mương Vú (Campuchia).
Quân Pol Pot đánh bật lực lượng công an vũ trang, chiếm toàn bộ bờ bắc
sông Bình Di rồi thọc sâu vào xã An Khánh, đánh mạnh các chốt công an,
biên phòng. Hai đại đội của Trung đoàn 162 sau đó đã đánh chặn quân Pol
Pot khiến họ rút lui, 11 quân Pol Pot thiệt mạng.
Tướng Út Lê cho biết trong giai đoạn tổng phản công chiến lược từ cuối
năm 1978, lực lượng vũ trang tỉnh An Giang được giao nhiệm vụ nổ súng mở
màn cho chiến dịch để nghi binh, hút địch, tạo đà cho Quân khu 9 tiến
công ở hướng chủ yếu. Trung đoàn 162 nhận nhiệm vụ đánh ở hai
tỉnh Kandal và Takeo.
Trong những ngày tháng đánh đuổi tàn quân Pol Pot bên Campuchia, tướng
Út Lê chứng kiến nhiều trận đánh ác liệt mà nhiều chiến sĩ của ông hy
sinh nơi chiến trường. Trong bóng đêm, hầu như hôm nào hai bên cũng bắn
nhau năm lần bảy lượt, bữa nào cũng có thương vong.
Tháng 3/1979, đại đội 1 có trận đánh mở rộng lên quận Chúp, tỉnh Kampot
thì bị quân Pol Pot phản kích, gần hết đơn vị thiệt mạng. Hơn 20 ngày
sau, Trung đoàn tổ chức đánh lại chiếm địa bàn, đồng thời thu xác anh em
để mai táng.
"Nhiều xác lúc đó đã thối rữa. Anh em gói ghém lại rồi vác xốc lên đầu,
chẳng ai sợ gì mùi hôi thối. Tình đồng chí, tình đồng đội với nhau lớn
lắm", ông kể, giọng xúc động.
Không chỉ hy sinh trên chiến trường, nhiều người chết vì bị gài mìn,
bệnh tật, sốt rét. Trung đoàn hơn 2.000 quân thì hy sinh 270 người, bị
thương hơn 1.200 lượt.
"Tôi cũng có lần suýt chết. Có lần đang đưa đại đội qua sông thì bên kia
khẩu đại liên của quân Pol Pot bắn qua. Ông lái xe nói với tôi: Hình
như anh bị trúng đạn đó. Tôi quay lại mới thấy lưng mình bị phồng rộp vì
đạn sượt qua", ông kể.
Trong cuộc tổng phản công chiến lược bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam,
Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định đưa phần lớn các sư đoàn
bộ binh chủ lực áp sát biên giới Việt Nam (19 trong tổng số 24 sư đoàn).
Năm mục tiêu tấn công chiến lược gồm: khối chủ lực đối diện với ta ở dọc
biên giới; cơ quan đầu não của chính quyền Campuchia Dân chủ ở Phnom
Penh; cảng Kongpong Som; các sân bay lớn như Kampong Chonang, Siem Reap,
Battambang và các tuyến đường bộ chính dọc biên giới Campuchia - Thái
Lan.
Các quân khu 5, 7, 9 và các quân đoàn 2,3,4 phối hợp với bộ đội địa
phương các tỉnh dọc biên giới tiến công các mục tiêu trên. Kết thúc
chiến dịch đợt 1, ngày cuối cùng của năm 1978, toàn bộ lãnh thổ Việt Nam
bị quân Pol Pot lấn chiếm được thu hồi.
Quân tình nguyện Việt Nam cùng lực lượng vũ trang Campuchia mở đợt tấn
công tổng lực, giải phóng Phnom Penh và toàn bộ đất nước này vào ngày
17/1/1979.
Phạm Linh - Mạnh Tùng
Cuộc trốn chạy khỏi diệt chủng Pol Pot của người Campuchia hơn 40 năm trước
Hàng chục nghìn người dân Campuchia sợ hãi dưới chế độ diệt chủng Pol Pot phải dắt díu nhau chạy sang Việt Nam tị nạn.
Biên giới Tây Nam những ngày đầu năm trở nên nóng hơn khi Nam Bộ bước
vào mùa khô. Nhiều địa danh gắn bó với dòng người Campuchia chạy nạn
khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot hơn 40 năm trước như Suối Rúc, bàu Châu
É, ngã ba chợ Miên... ở Tây Ninh giờ đã không còn.
Khu vực bàu Châu É nay là cánh đồng xanh mướt, trải dài hàng chục nghìn
ha thuộc xã Tân Phú, huyện Tân Châu. Đường trải nhựa vào tận cuối xóm,
nhiều căn nhà bêtông khang trang. Hàng chục nghìn người Khmer ngày ấy
giờ chỉ còn chừng 20 gia đình với gần 100 nhân khẩu bám lại lập nghiệp.
Ông Lắc Son nhớ lại cảnh tháo chạy của gia đình. Ảnh: Phước Tuấn.
|
Ông Lắc Son (58 tuổi), một người Khmer gốc Campuchia vừa cắt cỏ về cho
bò ăn, ngồi trầm ngâm trước cửa nhà. Sau khi Phnom Penh giải phóng, đồng
bào lũ lượt trở về quê hương thì gia đình ông ở lại, chọn Việt Nam là
quê hương thứ hai. Cuộc sống bình yên không làm ông lãng quên ký ức đau
thương về cuộc trốn chạy khỏi đất mẹ năm nào. Khi nhắc lại, ông thốt
lên: "hãi hùng, khổ cực lắm".
Quê ông Son là một ngôi làng nhỏ ở tỉnh Svay Rieng, cách biên giới Việt
Nam chừng 50 km. Trong trí nhớ của người nông dân, nơi ấy có cánh đồng
lúa bao quanh, cuộc sống nghèo khó nhưng êm đềm. Nhưng mọi thứ đã đảo
lộn khi tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary lên nắm quyền năm 1975.
Năm 1977, thiếu niên Lắc Son vừa tròn 17 tuổi. Chàng trai bị Khmer Đỏ
bắt đi làm thủy lợi, cày cuốc... cùng hàng trăm thanh thiếu niên trong
vùng. Đàn ông thì cuốc đất, đào hầm, đàn bà con gái thì tát nước, cấy
lúa... "Mặt trời chưa mọc, bụng chưa ăn gì thì chúng đã bắt mọi người ra
đồng làm. Ngày ăn được hai bữa trưa và chiều, mỗi lần một chén cơm",
ông Son kể.
Bị bắt lao động như khổ sai, nhưng người làng không ai dám kháng cự vì
sợ làm phật ý sẽ bị giết. Son mới lớn nhưng đã hiểu chuyện, chỉ im lặng
làm việc. Dưới ách cai trị hà khắc của Khmer Đỏ, nỗi sợ hãi bao trùm,
cái chết treo lửng trên đầu ngôi làng vốn yên bình. "Có lần chúng nghi
ngờ người anh họ của tôi ăn riêng, chia rẽ tập thể nên trói tay, bịt mắt
đưa đi. Từ ngày đó, anh ấy không về nữa", ông ngậm ngùi.
Hai năm sau khi Pol Pot nắm quyền, ngôi làng ngày càng tiêu điều, số
người chết vì bị hành quyết tập thể, hoặc bị bắt đi lính ngày càng
nhiều. Những người còn sống sức lực kiệt quệ, suy dinh dưỡng. "Không còn
đường sống nếu ở lại, chúng tôi bàn nhau cách trốn sang Việt Nam để
lánh nạn", ông nói về quyết định của gia đình.
Đêm khuya trung tuần tháng 10/1977, trời Svay Rieng tối mịt, cha mẹ ông
dắt bốn anh em rời làng. Hành trang cho cuộc chạy trốn là 20 kg gạo,
xoong nồi, chén bát và ít quần áo.
Cùng đi có bốn gia đình khác, nhóm 40 người có nhiều người già và trẻ
nhỏ. Họ vừa đi vừa dò la, quan sát, bởi lúc này, quân Pol Pot đóng dày
đặc trên các con đường để ngăn chặn dòng người chạy trốn. "Hễ phát hiện
là chúng giết tại chỗ", ông Son chợt rùng mình, cắt ngang lời kể.
Cố gạt nỗi sợ, họ hướng về phía Đông để đến Việt Nam, men theo những
đồng ruộng, mương nước. Cánh đồng lúa lúc này đã gần chín, thân lúa cao
gần một mét trở thành "thành lũy" che chở cho những người bỏ trốn.
"Chúng tôi phải khom người để đi. Những lúc thấy bóng dáng của chúng,
người lớn dặn cả đoàn nằm xuống trườn trên mặt đất, áo quần đồ đạc, gạo
ướt hết", ông nhớ lại.
Vừa rời khỏi làng chưa xa, một nhóm người đi sau bị phát hiện, quân
Khmer Đỏ nổ súng giết sạch, không còn một ai. "Thấy vậy ai cũng sợ, em
trai tôi lúc đó còn nhỏ nghe tiếng súng liền khóc, mẹ phải bịt miệng lại
dỗ dành, cứ nghĩ chết đến nơi", người đàn ông nói. Vì sợ bị phát hiện,
mẹ ông không dám nấu cơm, cả nhà ăn gạo sống cầm hơi.
Một ngày sau cuộc tháo chạy, gia đình Son đến xóm nhỏ bỏ hoang khi trời
chạng vạng. Ở đây họ nấu cơm ăn và nghỉ ngơi lấy sức. Nhưng khi mọi
người vừa chợp mắt thì tiếng súng nổ lại vang lên chát chúa. Ánh đèn và
tiếng hò hét của quân Khmer Đỏ dội vào xóm nhỏ hoang vắng. "Chúng tôi
bật dậy, ôm đồ đạc bỏ chạy ra hướng cánh đồng, nhiều người già bệnh tật
không chạy nổi đành ở lại", ông kể tiếp.
Giọng ông Son chùng xuống khi nhắc về ông ngoại: "Sau một ngày lăn lê bò
trườn trên những cánh đồng, chân cụ sưng lên, không thể chạy được nữa.
Ông nói chúng tôi cứ chạy đi để tìm đường sống, còn ông già rồi chết
cũng không sao". Nuốt nước mắt, cha mẹ ông dắt bốn anh em chạy theo nhóm
người hỗn loạn. Phía sau họ, tiếng súng nổ như dí sát theo.
Trốn ở ngoài đồng chừng một giờ, thấy tiếng súng đã ngớt, ông Son được
mẹ bảo quay lại tìm cụ. Nhưng khi ông lần về lại căn nhà nơi gia đình
trú ngụ thì chỉ còn cảnh hoang vắng, xung quanh xác người ngổn ngang.
Tìm chừng mười phút, ông quay lại tiếp tục đi về phía Việt Nam.
Tiếng súng vẫn không ngớt trên những cánh đồng biên giới. Nhưng trên
đường trốn chạy, gia đình ông phát hiện một toán quân với màu cờ khác.
Đó là bộ đội Việt Nam trên đường rút quân về. "Gia đình tôi reo hò chạy
lại. Các anh ấy thấy người dân cũng vui vẻ, hối thúc đi nhanh về phía
trước để họ bảo vệ đằng sau. Những cụ già, trẻ em đi không nổi được đưa
lên xe tăng, xe đò, người lớn thì đi bộ theo một hàng dài, lúc này sự
sống như mới nẩy mầm", mắt ông sáng lên khi tả niềm vui lúc đó.
Người dân Campuchia chạy sang Việt Nam lánh nạn diệt chủng của Khmer Đỏ. Ảnh: Tư liệu.
|
Nhóm người được đưa về Bến Sỏi, lên sà lan qua sông Vàm Cỏ Đông, đến khu
vực lánh nạn thuộc huyện Châu Thành. Cuối năm 1977, thấy pháo kích của
quân Khmer Đỏ ngày càng dữ dội, chính quyền tỉnh Tây Ninh quyết định đưa
họ về bàu Châu É để khai hoang, lập nghiệp, ổn định cuộc sống.
Trên vùng đất mới, nhờ siêng năng cần cù, gia đình ông khai phá được vài
mẫu đất để trồng lúa, khoai mì, bắp... Một năm sau, ông nên duyên vợ
chồng với một cô gái Khmer cũng là người Campuchia chạy nạn.
"Sau giải phóng Phnom Penh, tôi có quay lại quê cũ nhưng căn nhà của cha
mẹ đã bị phá bỏ, ruộng đồng cũng không còn nên ở lại. Cuộc sống giờ đã
ổn định, tôi thấy hài lòng khi chọn Việt Nam làm quê hương thứ hai", ông
Son tâm sự.
Sống cạnh nhà ông Lắc Son, ông Nhô Rưng (49 tuổi) đến Việt Nam sau đó
một tháng. Rời Campuchia khi mới tám tuổi, ông Rưng vẫn không thể quên
tuổi thơ khắc nghiệt nơi cố hương.
Gia đình ông Rưng có cha mẹ và bốn chị em. Làng cũ của họ tại Campuchia
cách biên giới Việt Nam chừng 5 km. Khi đó, ông Rưng phải chăn bò cho
Khmer Đỏ. "Sợ tôi bị bắt đi xa, cha mẹ luôn dặn dò không được nói bậy,
làm phật ý lính Pol Pot", ông kể.
"Lúc ấy, chùa chiền ở làng tôi bị đập bỏ, ruộng lúa bị tịch thu, tiền
không xài, giao thương với người Việt coi như là điều cấm kỵ. Việc bắt
cá dưới ruộng ăn cũng không được, muốn ăn thì phải lén lút chứ không là
bị giết", ông Rưng nói với vẻ hãi hùng.
Ngày chạy trốn sang Việt Nam, cha mẹ ông mang được ít chén bát, quần áo,
bạt che mưa, mùng mền, và hai con bò. Họ men theo những con đường ruộng
để đi trong đêm, đến gần biên giới thì gặp bộ đội Việt Nam. "Ở đây, bộ
đội cho chúng tôi ở tạm hai ngày trong một vườn cao su. Họ cấp gạo,
khoai mì, mùng mền cho dân lánh nạn. Sau đó dùng ôtô chở về bàu Châu É",
ông nói.
Hiện gia đình ông Rưng gồm bốn thế hệ đã sinh sống và lập nghiệp ở huyện
Tân Châu. Chị gái ông trong thời gian lánh nạn đã chọn người đàn ông
Việt Nam làm chồng. "Con cái giờ cũng đã lập gia đình và ở riêng, vợ
chồng cô con gái cũng được nhà nước quan tâm tặng nhà tình nghĩa nhằm ổn
định cuộc sống", ông Rưng niềm nở.
Cùng chạy trốn với gia đình ông Rưng, nhiều người như ông Lóc Lao, Nhô
Ram, Nhô Rát, Nhô Lon... cũng đã ở lại Tân Châu lập nghiệp.
Bà Hà Thị Huệ, Phó chủ tịch UBND xã Tân Phú, cho biết cộng đồng người
Khmer gốc Campuchia ở ấp Tân Châu chủ yếu làm nông nghiệp, kinh tế tương
đối ổn định với mức trung bình khá. "Cùng với người Chăm, người Khmer
cùng hòa nhập với cộng đồng người Việt. Chúng tôi luôn tạo điều kiện tốt
nhất cho họ yên tâm phát triển kinh tế cũng như đời sống tinh thần,
phong tục", bà Huệ nói.
Trung tướng Triệu Xuân Hòa, nguyên Tư lệnh Quân khu 7 cho biết trong hai
năm 1977-1978, đã có hàng chục nghìn người dân Campuchia chạy sang Việt
Nam lánh nạn, trong đó có nhiều nhà hoạt động cách mạng như Hun Sen
(Thủ tướng Campuchia hiện nay), Heng Samrin, Tea Banh, Bu Thoong...
Việc bố trí nơi định cư cho họ diễn ra liên tục trong thời gian đó trên
các tỉnh biên giới, phần lớn tập trung ở Tây Ninh, Bình Phước (Sông Bé
cũ), Long An...
Ban đầu, với tinh thần hữu nghị giữa hai nước, giải quyết xung đột biên
giới trên tinh thần đàm phán hòa bình, những người chạy sang đều được
Nhà nước trao trả về. "Tuy nhiên sau mỗi lần trả về ấy, tập đoàn Pol Pot
tàn ác giết sạch, thì chúng ta bắt đầu mới dang vòng tay giúp đỡ, kể cả
người dân và lực lượng cách mạng", trung tướng Hòa cho biết.
Nơi tập đoàn Khmer Đỏ sát hại 11 thầy cô rồi ném xuống giếng tại trường
Tiểu học Tân Thành, cạnh Quốc lộ 22B, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, Tây
Ninh. Ảnh: Phước Tuấn.
|
Tháng 5/1978, tại căn cứ Suối Râm, nay là xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai), dưới sự giúp đỡ của Quân đội Việt Nam, Lực lượng vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia ra
đời do Hun Sen làm Chỉ huy trưởng với 125 thành viên. Sau sáu tháng,
đoàn 125 đã thành lập 15 tiểu đoàn, 76 đội công tác và một đội văn công
với tổng số quân gần 10.000 người.
Họ chính là những đơn vị vũ trang đầu tiên sát cánh cùng các đơn vị Quân
tình nguyện Việt Nam tấn công giải phóng Phnom Penh khỏi ách thống trị
của tập đoàn diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary vào ngày 7/1/1979.
Căn cứ Suối Râm hiện vẫn còn dấu tích của lực lượng cách mạng Campuchia.
Nơi yên nghỉ của 49 người lính trẻ trong thời gian chiến đấu và huấn
luyện được Quân khu 7 xây dựng, sửa sang thành Di tích lịch sử căn cứ
125 vào năm 2012. Phần lớn họ nằm lại do bị thương nặng từ Campuchia đưa
về hoặc bệnh khi ở Việt Nam. Những người yêu nước ấy vĩnh viễn nằm lại
khi chưa kịp nhìn đất nước được giải phóng (ngày 17/1/1979).
Phước Tuấn
Hơn 3.000 dân Ba Chúc bị Pol Pot thảm sát trong ký ức người sống sót
Trong 12 ngày tràn vào xã Ba Chúc (An Giang) hơn
40 năm trước, quân Khmer Đỏ tàn sát hàng nghìn dân thường vô tội, chỉ
hơn 20 người sống sót.
Một ngày đầu năm, ông Út Oanh (Lê Văn Oanh, 60 tuổi) lấm tấm mồ hôi sau
buổi phụ hồ. Tranh thủ giờ nghỉ trưa, ông tạt vào chợ mua nén nhang, rồi
rẽ về hướng Nhà mồ Ba Chúc, nơi lưu giữ hơn 1.000 hài cốt trong tổng số
3.000 người dân bị Pol Pot sát hại trong 12 ngày đêm, hơn 40 năm trước.
Đốt nén nhang, ông đưa mắt nhìn quanh bốn bức tường, nơi những chiếc sọ
người được đánh số, phân loại theo độ tuổi, hốc mắt trống rỗng, như tìm
kiếm một niềm an ủi, rằng trong đó có mẹ mình.
Ông Út Oanh kể lại hành trình 8 ngày đêm trốn chạy khỏi Pol Pot. Ảnh: Phước Tuấn.
|
Người đàn ông da ngăm đen đứng mãi một hồi lâu, đưa tay dụi mắt, ký ức
đau thương ùa về như chỉ mới hôm qua. Chạy lên núi trốn Pol Pot cùng 200
người dân Ba Chúc, Út Oanh may mắn sống sót, nhưng hình ảnh người mẹ bị
sát hại đến giờ vẫn khiến ông đau nhói.
"Trưa hôm đó, Pol Pot tràn qua xã Ba Chúc, chúng đốt nhà, sát hại tất cả
ai nhìn thấy dọc đường", ông Oanh mở đầu dòng hồi ức ngày 18/4/1978
bằng khung cảnh hỗn loạn, nháo nhác. 11 người trong gia đình ông không
chạy kịp, trốn vào hầm bí mật dưới nền nhà.
Hôm sau, thấy cả nhà mệt lả vì đói khát, Út Oanh đánh liều kéo nắp hầm,
"mở đường máu" cho cả nhà chạy thoát. Chàng trai 20 tuổi cầm dao, rựa tử
thủ, thoát sau cùng, bị quân Khmer Đỏ phát hiện, bắn suýt chết.
Chạy được chừng trăm mét, nam thanh niên ngoái nhìn căn nhà bị thiêu
rụi, rồi tiếp tục men theo đường núi, đến chùa Long Châu, nơi có hơn 200
người dân đang tá túc để tìm gia đình nhưng không thấy ai. "Lát sau,
Pol Pot tiếp tục tràn vào bắn chết nhiều người, tôi cùng những người còn
lại chạy trối chết lên núi Tượng trú ẩn", ông kể, giọng gấp gáp.
Cuộc truy đuổi của quân Pol Pot chưa dừng lại. Rạng sáng hôm sau, những
người chạy trốn đói lả, Út Oanh cùng 20 người khác mò xuống núi, đến
ruộng khoai mì tìm thức ăn. Đang cặm cụi đào mì thì nghe tiếng bước chân
rầm rập, Út Oanh chỉ kịp kêu lên một tiếng thất thanh "Miên tới", nhưng
đã quá muộn.
Nhóm năm tên Pol Pot da ngăm đen, phần lớn là thiếu niên độ 15,16 tuổi
với ánh nhìn man dại, chĩa súng vào người dân. 20 người, trong đó có cả
những đứa trẻ bụng lép kẹp, đói khát bị chúng sát hại trong chốc lát,
bằng súng và cả dao, gậy gộc, riêng Út Oanh chạy thoát.
"Đêm đến, khi quân Pol Pot rút đi, tôi bò lại rẫy mì, dùng tay bới được
hơn chục củ, ăn sống ngấu nghiến cho đỡ đói, rồi cột số còn lại vào cạp
quần, bò lại hang núi tiếp tục lẩn trốn", ông nhớ lại. Trên hang núi,
ông cùng những người còn sống lựa những hốc đá nơi gần các tử thi bị sát
hại trú ẩn, nhờ mùi hôi thối mà Pol Pot bỏ qua không phát hiện.
Đến ngày 20/4, ông tình cờ gặp lại mẹ trên núi, mừng mừng tủi tủi. Mẹ
con họ hỏi tung tích những người thân còn lại trong gia đình, trong lòng
đầy lo lắng. Đoàn tụ chưa được bao lâu, họ thấy một toán quân Pol Pot
từ xa đi tới.
Biết mình khó thoát, người mẹ rưng rưng xoa đầu con: "Tao già rồi chạy
không nổi nữa, mày còn trẻ nên ráng sống cho đàng hoàng, nghe con", rồi
đẩy ông vào lùm tre. Nhóm lính xuất hiện, xả đạn vào bà. Chiều hôm đó,
ông cố lần theo vết máu và hỏi thăm những người gặp dọc đường tung tích
mẹ nhưng không được.
Ngày tiếp theo, Pol Pot tiếp tục càn lên núi, chúng xua chó đánh hơi
khắp các hang động. Nhiều gia đình trốn trong hang đang giữa bữa ăn, bị
chúng phát hiện ném lựu đạn, không ai sống sót.
"Có gia đình đang lẩn trốn trong hang thì trẻ con khóc thét, sợ bại lộ
liên lụy nhiều người khác, họ phải đau đớn bịt mũi con đến khi chúng bất
động", ông Oanh mắt rơm rớm nhớ lại như in từng chi tiết dù đã 40 năm
trôi qua.
Nhà mồ Ba Chúc (huyện Tri Tôn, An Giang), nơi lưu giữ hơn 1.000 bộ hài cốt người dân bị Pol Pot sát hại. Ảnh: Phước Tuấn.
|
Nhóm người đợi đêm đến mò trở lại xóm ấp tìm gạo, cơm khô, sau đó múc
nước mưa ở các hốc đá nấu cháo cho trẻ con ăn. Buổi sáng, họ tiếp tục di
chuyển từ hang này sang hang khác, từ núi Tượng đến núi Dài tránh Pol
Pot.
Út Oanh dùng cây nhọn đâm vào thân chuối tìm thấy dọc đường lấy nước cho
đoàn người uống, rồi đào củ rừng ăn cầm cự qua ngày. Nhờ có kinh nghiệm
theo bộ đội tải đạn từ trước, khá rành mọi ngóc ngách trên núi, ông dẫn
nhóm người đi bằng những con đường ít ai biết. Ông cũng dặn mọi người
cởi hết đồ màu trắng, thay đồ đen để khó bị phát hiện từ xa.
Bốn ngày sau cuộc trốn chạy, quân Pol Pot đốt cây cỏ xung quanh núi để
xua đuổi người dân. Út Oanh cùng nhóm người đang tháo chạy thì gặp một
toán lính, chúng lạnh lùng xả súng vào đoàn người.
Nhiều người gục ngã, ông hoảng loạn, nấp vào một hốc đá, sau đó chạy
theo quán tính, băng đường rừng, rẽ xuống một cánh đồng trống. Tiếng
súng vẫn còn vang vọng từ xa, Út Oanh vẫn chạy theo bản năng dù sức lực
đã gần như cạn kiệt. Trời chập choạng tối, chân ông bị vấp phải sợi dây
kẽm của một chốt địch bỏ lại, ngã xuống va vào một mỏm đá bất tỉnh.
Đêm đó, ông thức dậy giữa rẫy mì vắng hoe, đầu đau như búa bổ, hai đầu
gối ê ẩm, bê bết máu. Quanh ông, tiếng dế kêu râm ran, những người bị
Pol Pot sát hại những ngày trước đó nằm vắt lên nhau, bắt đầu trương
lên. Mùi tử thi xộc vào mũi.
Nằm thêm một lúc, Út Oanh sờ khắp người lần nữa xem có bị thương chỗ nào
không, rồi ông cố trườn qua các tử thi, hướng về phía bờ sông cách đó
gần một cây số. Cổ họng khát cháy, ông đưa tay định vốc nước uống thì
phát hiện có mùi lạ. Sau phút định thần, ông rụng rời phát hiện quanh đó
xác người trôi dập dềnh cả một đoạn sông.
Cách đó vài trăm mét, những cái bóng đen từ phía bên này cánh đồng đang
lom khom, cố băng qua phía bên kia sông. Nhưng đường đạn sáng lòa xé
toạc màn đêm, kèm theo tiếng súng đì đùng từ một chốt địch đã ngăn cản
họ.
Những bóng đen từ từ gục xuống, phía sau họ, những cái bóng đen còn lại
im bặt, bởi chỉ cần một tiếng gào khóc của ai đó vào lúc này cũng có thể
khiến cả nhóm bị giết. Út Oanh ứa nước mắt, cắn răng, mười đầu ngón tay
bấu chặt vào doi đất cặp bờ sông.
Ông nhận ra những người mặc áo đen đó là dân Ba Chúc đã cùng mình trốn
chạy suốt bốn ngày đêm trước lúc ông bất tỉnh. Út Oanh định lao về phía
họ, nhưng kịp dằn lòng, chờ đến lúc đạn ngớt. Nằm giữa "cánh đồng thi
thể người", Út Oanh không còn sợ chết nữa, nhưng ông tự dặn mình phải cố
sống để tìm lại gia đình đang thất lạc.
Những ngày sau đó, ông và những người còn sống chạy gần 30 cây số, khi
đến địa phận Kiên Giang, lớp bị giết, lớp giẫm phải mìn chỉ còn lại hơn
20 người. Suốt tám ngày trốn chạy, ông gần như không tắm, trên người chỉ
mặc đúng một cái quần ngắn, người đen đúa như lính Pol Pot, da mọc đầy
ghẻ lở, cổ họng lở loét, giọng lơ lớ vì nhiều ngày uống nước từ thân cây
chuối.
"Khi thấy bộ đội từ xa, tôi lấy hết sức lực la lớn, con ở Ba Chúc, là
người Việt Nam. Hôm đó nếu la chậm xíu có khi họ tưởng mình Pol Pot thì
bị ăn đạn xong đời rồi", ông Út tươi cười nói.
Được bộ đội cho đi nhờ xe, ông trở về lại Ba Chúc, gặp lại chín người
còn lại trong gia đình, vẫn bình yên vô sự sau cuộc trốn chạy. Ông kể
lại lúc gặp mẹ, cả nhà chia nhau đi tìm thi thể bà nhưng không thấy.
Nhưng như vậy đã là may mắn so với những gia đình khác.
Đưa tay sờ vết sẹo khá to ở một bên đùi do trúng pháo của Pol Pot, ông Nguyễn Văn Nghiệp (59 tuổi) bảo rằng, trong buổi sáng định mệnh ấy, nhờ vết sẹo này mà ông cùng người em trai thoát chết.
Một sáng giữa tháng 4/1978, một trái pháo của Pol Pot rơi trúng chùa Tam
Bảo (Ba Chúc), nơi gia đình ông Nghiệp cùng nhiều người dân khác đang
trú ẩn. 80 người chết, riêng ông cùng đứa em trai bị thương ở chân, tay,
được đưa đến Tri Tôn, sau đó chuyển về Long Xuyên. Nằm bệnh viện đúng
một tuần, người anh thứ ba đang chăm sóc ông tại bệnh viện trở lại nhà
lấy tiền, và đó là lần cuối cùng hai anh em gặp nhau.
"Qua hôm sau, người quen báo tin người anh thứ ba bị kẹt lại với cha mẹ,
anh em, gia đình tôi tổng cộng 11 người đều bị Pol Pot sát hại, lúc
nghe xong, tôi bị sốc nặng đến mức không khóc nổi", ông Nghiệp nhớ lại.
Điều trị gần một năm, hai anh em ông Nghiệp về quê, phải sống chung với
người bác vì nhà cửa đã bị Pol Pot đốt sạch. Một người quen sau đó đưa
tấm thẻ căn cước của cha ông mà họ nhặt được trong lúc thu dọn các thi
thể để đưa vào nhà mồ Ba Chúc.
Ông Nghiệp xúc động nhớ lại vụ 11 người trong gia đình bị Pol Pot sát hại. Ảnh: Hoàng Nam.
|
"Không tìm được thi thể người thân, nhưng tôi cũng an ủi phần nào vì tin
chắc họ có trong hơn 1.000 hài cốt hiện ở nhà mồ Ba Chúc", ông Nghiệp
xúc động. Ông tự an ủi rằng mình còn may mắn vì không tận mắt chứng kiến
cảnh đau lòng, để phải sống nốt phần đời còn lại với nổi ám ảnh ấy.
Cách nhà mồ Ba Chúc khoảng 100 mét, hơn một năm nay, bà Hà Thị Nga (80 tuổi), người cuối cùng trong dòng họ gần 100 người bị sát hại còn sống sót trở bệnh nặng bởi di chứng của những vết thương cũ.
"Sau năm 1978, chị tôi nhận dọn dẹp, hương khói tại nhà mồ Ba Chúc để
được ở bên chồng con cho nguôi ngoai nỗi buồn. Mấy năm gần đây, vết
thương ở đầu tái phát, chị trở bệnh, giờ đã gần như quên hết mọi thứ",
em gái bà Nga nói.
Sáng tháng Tư 41 năm trước, bà Nga cùng chồng và 6 đứa con đang cùng
người dân trên đường chạy trốn thì bị Pol Pot bắt giữ. Chúng đưa gia
đình bà cùng gần 80 người họ hàng ra cánh đồng vắng, rồi lần lượt xử tử.
Từng người thân bà bị sát hại dã man. Bà Nga sau đó bị chúng bắn, viên
đạn xuyên qua cổ trúng phần mềm. Chúng tiếp tục dùng gậy bồi thêm nhiều
nhát vào đầu bà. Tưởng bà chết nên chúng bỏ đi.
Chập choạng tối, bà Nga tỉnh dậy giữa "cánh đồng xác người", hóa điên
dại vì thi thể chồng cùng sáu đứa con và 80 thi thể họ hàng nằm bên
cạnh.
Bà nén đau, cố lê khỏi nơi chết chóc, sau đó trầm mình dưới một con kênh
vì phát hiện quân Pol Pot phía xa. Suốt 12 ngày sau đó, thân mang
thương tích và liên tục trốn chạy, nhưng người phụ nữ đã tận mắt chứng
kiến thảm cảnh có một sức mạnh phi thường, vẫn cố sống sót cho đến khi
gặp bộ đội giải phóng.
Chiều buông ở cánh đồng Ba Chúc, ông Nghiệp đứng trầm ngâm bên bờ đê
phía sau nhà, phóng tầm mắt về phía "cánh đồng xác người" năm xưa, giờ
đã là đồng lúa, mướp, khổ qua xanh mướt. Cách đó vài cây số, ông Út Oanh
vượt qua dốc núi Tượng về nhà sau một ngày phụ hồ mệt nhoài.
Ngọn núi năm xưa 200 người lẩn trốn giờ xanh màu xoài, mít. Mấy năm qua,
vợ ông lên các hốc đá núi, cưa thân cây mít về đẽo thành những cái mõ
tròn, bán cho du khách kiếm chút tiền nuôi thằng cháu nội. Bà bảo gỗ cây
mít ở núi Tượng đẽo mõ tiếng thanh, trong ít nơi nào sánh được.
"Tôi vẫn luôn nói với bà nhà, rằng mình còn sống là đã may mắn hơn hàng
nghìn người khác, nên giờ đôi khi có vất vả chút, nhưng cũng ráng sống
cho đàng hoàng tử tế", ông Út Oanh nói.
Hoàng Nam
Pol Pot thảm sát người dân Ba Chúc trong năm 1977 - 1978
Những hình ảnh tố cáo tội ác của Pol Pot đối với người dân Ba Chúc (An Giang).
Thi thể người dân Ba Chúc bị Pol Pot sát hại bên hông chùa Phi Lai, tháng 4/1978.
|
Pol Pot đưa người dân ra cánh đồng giết người hàng loạt.
|
Xóm làng Ba Chúc bị bọn Pol Pot đốt phá.
|
Nhà cửa người dân cũng bị Pol Pot đập bỏ, đốt phá trong thời gian chiếm đóng.
|
Người dân sống trong màn trời chiếu đất vì bọn Pol Pot đã đốt hết nhà cửa.
|
Một người đàn ông tìm kiếm tài sản trên nền nhà sau khi bọn Pol Pot chiếm đóng năm 1978.
|
Em nhỏ này sống sót sau khi cả gia đình bị Pol Pot giết hại vào đêm 1/5/1977.
|
Bộ đội Việt Nam bắt giữ, áp giải trên 20 tù binh Pol Pot tại An Giang năm 1978.
|
Người dân huyện Bảy Núi, An Giang sơ tán năm 1978.
|
Hang Ba Lê, nơi gần 50 người trong dòng họ ẩn náu bị chúng giết.
|
Dùi, vật dụng được Pol Pot dùng để đập đầu, giết hại người dân Ba Chúc năm 1978.
|
Mìn trống cơm, vũ khí Pol Pot dùng để giết hại người dân Ba Chúc.
|
Khu nhà mồ tập thể và nơi trưng bày Chứng tích tội ác Pol Pot được xây
dựng bên hông chùa Tam Bửu tại thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, An
Giang.
|
Nhận xét
Đăng nhận xét