Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2019

BỘ MẶT CHIẾN TRANH 04

-Chiến tranh mang bộ mặt gớm ghiếc, tởm lợm đến khủng khiếp, không thể tả được, dù bôi son trát phấn như thế nào, tung hô ra sao.
-Chiến tranh là thể hiện sự thờ ơ, vô cảm khốn nạn tột cùng về việc hủy diệt tàn bạo cuộc sống và thân phận con người.
-Chiến tranh phi nghĩa là chiến tranh "nặn ra" lý do từ không có lý do, hủy diệt và tàn phá cuộc sống một cách không chính đáng. Chiến tranh chính nghĩa là chiến tranh  nảy sinh từ việc chống chiến tranh phi nghĩa, được hủy diệt và tàn phá cuộc sống một cách chính đáng (?).
-Tóm lại, bộ mặt thật của chiến tranh nói chung là độc ác, ngu xuẩn và mù quáng đến ngỡ ngàng của con người khôn ngoan, có lý trí.
-Ngày chiến thắng 30/4, lũ bán nước cay cú gọi là ngày quốc hận, người cộng sản cực đoan cho rằng đó là ngày toàn dân phải vui mừng, riêng cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, người có vợ con đều chết trong chiến tranh, thì nói, đó là ngày có triệu người vui và cũng có triệu người buồn.
-Lão Tử, một đại hiền triết thời cổ đại của Trung Quốc, từng nói: "Giết hại nhiều người thì nên lấy lòng bi ai mà khóc, chiến thắng rồi thì nên lấy tang lễ mà xử". 
 
Hai sư thầy hát bolero - Hát cho người nằm xuống tri ân cố nhạc sĩ trịnh công sơn

------------------------------------------------------- 
(ĐC sưu tầm trên NET)
 
The Battle Of Neretva - Tank Scenes HD

Chiến trường K: Lính tình nguyện VN, giấc ngủ trên tấm ván của người chết và những lần giáp mặt "ma đói"

Xuân Tùng |

Chiến trường K: Lính tình nguyện VN, giấc ngủ trên tấm ván của người chết và những lần giáp mặt "ma đói"
Bộ đội tình nguyện Việt Nam trên chiến trường K.

Anh Chính rầu rĩ bảo: "Ma đói, ma đói đấy, chúng mày có đổ đạn đi cũng không trúng đâu. Cấm thằng nào đuổi, nó dẫn vào ổ phục đấy".

Cảnh hoang tàn và ghê rợn ở phum Th’mei
Mùa mưa đến, tiểu đoàn 4, Sư đoàn 9 chúng tôi rời khỏi vùng sơn lam chướng khí chân núi Aoral, vương quốc ma rừng sốt rét, về phum Th’mei ngoài ga Bamnak củng cố.
Th’ mei là một phum bỏ hoang, như hầu hết các phum trong khu vực. Dãy nhà sàn lừng lững, mái ngói lên rêu phủ bóng tối xuống mảnh sân đầy cỏ dại. Trên sân, mấy cái cối giã gạo đã mục thủng đáy chỏng trơ. Xoài tượng rụng vàng gốc bốc mùi men rượu chua nồng.
Bước lên thang, những bậc gỗ cũ kẽo kẹt sẵn sàng rụng xuống. Những ngôi nhà sàn rộng nhưng tăm tối, đầy ẩm mốc và tử khí.
Có khi thấy cả xác người đã phân huỷ, dưới lớp áo quần đã mủn là những bộ xương rã rời. Tóc rụng quanh sọ không tiêu huỷ, xếp thành lớp chằn chặn trên sàn.
Một ngôi nhà ngói lớn trong phum có bộ ván ngựa hai mảnh bằng loại gỗ mun đen dày rất đẹp. Chủ nhân cỗ ván đôi trường miên ngọa ngự bên trên, trong hình thù một bộ xương người.
Tóc dài xếp lớp buộc dây nilon, chắc đó là xương đàn bà còn trẻ. Chúng tôi dùng xẻng gạt, bỏ hết những gì còn lại hình hài của chủ nhân cũ xong, bốn thằng một tấm khiêng mang ra suối, nhờ nước xuôi dòng về cứ tiểu đoàn.
Trung đội thông tin đóng cọc ngâm hai tấm ván dưới suối gần tháng làm cầu tắm giặt. Anh Ky tiếc của, bảo khiêng lên làm ván nằm cho mát, lật mặt gỗ lại mà nằm, sợ đếch gì.
Khi mang 2 tấm ván lên nhà, thằng Quan với Toàn cồ không chịu nằm. Thằng Quan lính miền Tây mới bổ sung, học hết lớp 12 kiến thức đầy mình.
Nó có căn hợp hồn sao đó với bộ ván mới, mặc dù nó không bao giờ dám ngủ trên đó. Tuy nằm chỗ khác nhưng đêm liên tục nghiến răng kèn kẹt. Thỉnh thoảng lại lảm nhảm hoặc hét lên khi nằm mơ. Sau rồi nó ôm chiếu về nhà trung đội chỗ anh Nhương ở.
Tôi với anh Ky nằm chung đôi ván chẳng làm sao hết. Mất ngủ không, mộng mị cũng không. Hoàn toàn không có gì khác thường. Có điều tấm ván này là cái phong vũ biểu dự báo thời tiết khá chính xác.
Chiến trường K: Lính tình nguyện VN, giấc ngủ trên tấm ván của người chết và những lần giáp mặt ma đói - Ảnh 1.
Bộ đội tình nguyện Việt Nam trên chiến trường K.
Bình thường, thời tiết tốt không có vấn đề gì xảy ra. Hễ khi trên tấm ván thiêng ấy thấy một viền hình người nằm xuôi mờ mờ hiện ra, có thể đánh cá mười ăn một với chúng nó rằng ngày mai sẽ trời mưa sầm trời tối đất, kể cả đó đang là một ngày chớm mùa khô.
Bấy giờ đang là mùa mưa nên ngày nào cô ấy cũng hiện. Nó hẳn có duyên giời với những chàng trẻ trai bất cần, bóng vía cứng cáp cùng cuộc đời xông pha vô tư lự.
Rình rập ma đói mùa mưa
Mùa mưa đến cũng có nghĩa mùa sốt rét bắt đầu tác quái. Đơn vị đã có những người sốt nằm li bì. Quân số tác chiến bắt đầu giảm đi. Y tá tiểu đoàn và các đại đội phát thuốc Nivaquin.
Những toán địch nhỏ vẫn bâu bám rất sát. Chúng nó bám theo dân ra ngoài ga kiếm ăn vì trong rừng hết lương thực. Đơn vị đêm đêm tổ chức phục kích quanh chỗ dân ở tạm. Lính Pốt không liên lạc dọa dẫm dân lấy lương thực được, tụi nó sẽ trở thành ma đói, bởi ngay dân cũng còn đang đói.
Quanh ga có mấy phum cũ bỏ hoang, nơi các cây ăn quả đang ra trái. Bọn địch đói lần lũi ăn tranh cả trái cây với chúng tôi.
Xoài chín chúng nó mò vào ăn ngay gốc, xoài xanh chúng nó đập rụng mang đi hết. Nhiều gốc cây ổi dại thấy mấy quả xanh nham nhở vết răng lăn lóc dưới đất, nhựa còn chưa kịp thâm, chứng tỏ mấy con ma đói vừa đi qua đây.
Những sân nhà cũ, đậu đen mọc len với cỏ dại. Giống đậu đen bình thường đã biến đổi kỳ lạ thành một loài dây leo, vươn lên quấn hàng rào, chen nhau với các cây bụi khác. Chúng tôi hay lùng mót trái đậu chín, gom phơi nổ hạt để nấu chè.
Được vài bữa trở lại vườn đậu, đã thấy dấu dép vuông của mấy thằng ma Pốt đói đến thu hoạch trước. Nó ngắt cả ngọn đỗ non để ăn. Bọn tôi bắt chước, hái ngọn đỗ non nấu canh cũng thấy rất bùi, ngon hơn rau tàu bay môn thục.
Có lần đại đội rời đi lùng sục, địch mò hẳn vào chỗ trú quân tạm. Cái chum sứt lớn chúng tôi thái măng le ngâm chua để ăn dần. Tụi ma đói vớt hết sạch măng, sau đó đập tan cái chum. Anh Chính tức tối chửi bới rầm rĩ.
Người với ma quanh quẩn vờn nhau quanh cái ga xép. Một buổi sáng sớm mưa mù, đang đánh răng ở cái rãnh ven đường, tôi thấy 2 bóng đen khoác súng vật vờ trên đường lớn từ cửa rừng ra. Tôi chỉ tay, ra hiệu cho thằng Trung đang rửa mặt bên cạnh. Nó hấp tấp chạy sang bên kia đường về võng lấy súng.
Hai cái bóng thấy động dừng lại, dập dình cao thấp đứng nhìn một lát rồi lững thững trở lui. Lính đại đội kê súng ngắm bắn phát một, rành rẽ như bắn tập. Chúng vẫn lững thững không chạy, lả lướt đi trên các bụi trinh nữ như trêu ngươi trước cả chục họng súng xả đạn mà không phát nào tin.
Chiến trường K: Lính tình nguyện VN, giấc ngủ trên tấm ván của người chết và những lần giáp mặt ma đói - Ảnh 3.
Thiếu nữ Campuchia tặng hoa các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam
Anh Chính rầu rĩ bảo: "Ma đói, ma đói đấy, chúng mày có đổ đạn đi cũng không trúng đâu. Cấm thằng nào đuổi, nó dẫn vào ổ phục đấy". Khuất hẳn trong rừng, thấy tụi nó bắn lại 3 phát toác toác.
Thằng Trung bảo: "Địch anh ạ, không phải ma".
Anh Chính lại điên lên mắng: "Chúng mày chỉ bắn chim cu là thạo. Mấy thằng ăn cắp măng gần thế tao vừa nhắm mắt vừa bắn cũng trúng".
Không biết chúng nó giỡn bọn tôi hay không có sức để chạy. Tôi ra rẫy mì nhổ củ non về nấu canh. Củ mì mới ra bằng ngón chân cái thái vát nấu chua với lá giang ăn nhớt nhèo nhưng lạ miệng.
Khi rau đã cạn, canh mì non cũng là một thứ nuốt trôi cơm. Rũ đất củ xong, tranh thủ tắm suối và giặt luôn bộ quần áo đang mặc trên người. Một thằng trai phố, sau mấy năm lang bạt giờ cũng biết lụi cụi làm những việc canh trồng.
Buổi chiều lặng trong tiếng suối. Nằm ngửa tựa hòn đá mồ côi, thấy nước lùa cát chảy xoi xói dưới lưng thật buồn.Một cơn giông đen sầm đang tới. Mây đùn lên, dựng những hình thù quái dị, vần vụ như sóng thần trên đỉnh rừng.
Lớp mây nọ chồng lên khuất lấp lớp mây kia trông thật hùng vĩ. Thả nổi người bềnh bồng trong nước, lặng ngắm sự biến chuyển huyền diệu của vũ trụ, thấy mình đang ở rất xa. Bao giờ có một chiều mưa như thế này, được nằm dài trên cái giường ấm, bật ngọn đèn bàn đọc lại cuốn sách cũ, lười biếng chờ mẹ gọi dậy ăn cơm?
Chắc là còn lâu lắm.Mây cuốn dần, sà xuống tràn qua đỉnh cây dầu rái cao vút bên bờ suối trung đội vận tải. Cây dầu gốc to cỡ hơn hai người ôm, vảy thân rắn đanh, mốc xám như vảy sắt. Rừng ven suối tối sẫm như ngả sang đêm.
Mưa lộp bộp lắc rắc, rồi mưa dội ù ù. Lúc đó, một sự lạ lùng xảy ra ngay trước mắt. Từ các cành ngang của cây dầu cổ thụ, những tia sáng mảnh màu lá mạ kêu lách tách, toả lằng nhằng xuống đám rừng khộp mọc xung quanh.
    Các tia lửa xanh từ đó, lại nhay nháy như một bộ rễ trần khổng lồ phát sáng, toả xuống đám cây thấp hơn trong câm lặng.
    Cố tự trấn tĩnh, bụng bảo dạ rằng đây chỉ là sự phóng điện trong điện trường tĩnh điện cao, như bài học vật lý, bình thường thôi.
    Nhưng chợt nhớ Quỳnh xe lôi đi ném cá, ôm trọn quả tức thì mấy tháng trước đúng bến suối này. Lại nhớ đến những bóng ma Pốt đói rập rình, bắn mãi không trúng.
    Tóc đang ướt, nhưng có cảm giác cũng đang kêu lách tách, dựng đứng hết trên đỉnh đầu. Sự hoảng sợ bùng phát, làm tôi mất kiểm soát.
    Mưa quất rát lưỡi mới biết mồm mình đang há. Bỏ cả đám quần áo ướt và bó sắn, tôi hộc tốc trườn ngụp xuôi dòng suối về bếp tiểu đoàn. Chí đen đang cạo cháy trên bến anh nuôi kéo tôi lên.
    Hắn bảo: "Tóc mày ướt sao dựng cứng như lông nhím thế này. Cái mặt gì nom đen sịt như mặt thiên lôi".
    Chí đen hoàn toàn không biết tôi vừa giáp mặt thiên lôi.
    Chiến trường K: Lính tình nguyện VN, giấc ngủ trên tấm ván của người chết và những lần giáp mặt ma đói - Ảnh 5.

    Trận vượt sông bằng sức mạnh lớn nhất của QĐNDVN ở Campuchia và cuộc đào thoát kinh hoàng từ tay Thần Chết

    Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

    Trận vượt sông bằng sức mạnh lớn nhất của QĐNDVN ở Campuchia và cuộc đào thoát kinh hoàng từ tay Thần Chết
    Bộ đội xe tăng thực hành huấn luyện nội dung bơi vượt sông (Ảnh Giang Lam).


    Bọn địch có vẻ bình thản không để ý đến Tường nữa vì máu vẫn chảy nhiều. Anh nhẹ nhàng cho tay vào túi quần đưa quả US ra, rút chốt rồi lấy hết sức bình sinh bật dậy tung lựu đạn.

    Cuộc chiến ở chiến trường Campuchia được gọi là "cuộc chiến tranh không có tù binh". Đã lọt vào tay lũ quỷ khát máu Khmer Đỏ thì coi như chết. Ấy vậy mà cũng có những trường hợp đã đào thoát được một cách thần kỳ.
    Trận tiến công vượt sông bằng sức mạnh lớn nhất trên chiến trường Campuchia
    Tháng 12.1978, Lữ đoàn xe tăng 215 nhận lệnh chuẩn bị lên đường đi chiến đấu với quân Khmer Đỏ ở biên giới Tây Nam và Campuchia.
    Là một trong các đơn vị có trang bị đầy đủ và mạnh nhất trong binh chủng Tăng Thiết giáp nên lữ đoàn được coi là "Quả đấm thép" được tung vào chiến trường hỗ trợ các đơn vị phía Nam.
    Trận vượt sông bằng sức mạnh lớn nhất của QĐNDVN ở Campuchia và cuộc đào thoát kinh hoàng từ tay Thần Chết - Ảnh 1.
    Vì vậy, lực lượng của lữ đoàn không được sử dụng tập trung mà phải xé lẻ ra tăng cường cho các hướng khác nhau. Trong đó, Đại đội XT11 trang bị xe tăng bơi K63-85 được tăng cường cho Quân đoàn 3 tiến công từ hướng Đông Bắc.
    Khoảng 8h ngày 6.01.1979, Đại đội XT11tiến sát bờ sông Mê Kông. Dưới sông bộ binh Trung đoàn 48 và một số của Trung đoàn 64 đang chiến đấu quyết liệt với địch.
    Cả chiều dài sông Mê Kông đoạn qua thị xã Kongpong Chàm rộng khoảng trên dưới 1 km như bị đun sôi lên vì lửa đạn. Dưới sông là tàu thủy nhỏ, thuyền máy, ca nô v.v.. Trên bờ là đủ các loại hỏa lực từ xa đến bắn trực tiếp của cả pháo binh và xe tăng.
    Tại đây, quân Khmer Đỏ chủ động hơn vì lợi thế bờ sông dốc đứng, chỉ có hai đường lên xuống bến phà mà thôi. Giằng co mãi mà ta vẫn không chiếm được cửa mở để lên bờ bên kia dù xe tăng, pháo đã bắn trực tiếp sang nhiều.
    Cuối cùng tham mưu trường Sư 320 trực tiếp lên xe lệnh cho đại trưởng Ngô Sĩ Quyến chuẩn bị vượt sông. Chấp hành mệnh lệnh, cả đoàn xe tăng dũng mãnh xuống sông bơi theo đội hình zích- zắc chếch hướng nước chảy khoảng 15 đến 20 độ.
    Trận vượt sông bằng sức mạnh lớn nhất của QĐNDVN ở Campuchia và cuộc đào thoát kinh hoàng từ tay Thần Chết - Ảnh 2.
    Xe tăng dẫn dắt bộ binh xung phong trong diễn tập binh chủng hợp thành (Ảnh Giang Lam).
    Sau khi xuống sông, xe tăng phát huy hỏa lực khẩu 12ly7 và khẩu đại liên bên pháo để diệt địch. Dưới sự chi viện trực tiếp của hỏa lực xe tăng dưới sông, một số xuống máy của bộ binh đã bám được bờ sông cho bộ binh lên bờ.
    Sau gần một tiếng bơi và đánh nhau dưới nước, các xe tăng đã tiếp cận bờ sông, tiến lên theo đường bến phà và dùng tất cả vũ khí trên xe và bộ binh ồ ạt tiến công quân địch. Đạn bắn như mưa, quân Khmer Đỏ bị tiêu diệt khá nhiều, còn lại co cụm vào các nhà tầng ngõ phố lợi dụng địa hình chống trả điên cuồng.
    Sau khi mất tuyến phòng thủ kiên cố, Khmer Đỏ củng cố lực lượng hòng giành lại trận địa. Nhưng lúc đó các loại phương tiện vượt sông đã được công binh lắp ráp nhanh và cả đội hình tiến quân phía sau đã nhanh chóng sang sông chi viện nên thị xã Kông Pông Chàm nhanh chóng được giải phóng.
    Sau khi truy quét địch, bộ đội được quay lại thị xã ngủ lại 1 đêm. Gần sáng hôm sau có lệnh hành quân chiến đấu tiếp. Lúc này, Lữ đoàn xe tăng 273 lại đi trước dẫn đầu đội hình. Cả một đoàn quân xe pháo hàng mấy cây số vừa hành quân vừa chiến đấu gặp địch chống cự thưa thớt, yếu ớt không đáng kể ở trên đường.
    Tới một cứ điểm trên dãy đồi núi trọc chắn ngang qua đường, địch bố trí công sự, lô cốt có cả xe tăng và M113 chống trả quyết liệt.
    Đội hình phía trước thì đánh nhau dữ dội mà cả hàng km phía sau chỉ biết ngồi xem vì tuyến đường độc đạo, địa hình không cho phép xe tăng và xe cơ giới chở bộ binh lên chi viện được mà chỉ bắn pháo tầm xa chi viện mà thôi.
    Quá trưa một lúc, Đại đội XT11 được điều động vượt qua đội hình các đơn vị trên đường để lên chi viện cho đơn vị bạn đang đánh nhau phía trước. Trong trận đánh này, lái xe K63-85 số 684 Đàm Văn Tường bị thương tương đối nặng.
    Cuộc đào thoát thần kỳ từ tay "Thần Chết"
    Lúc đó khoảng 2 h chiều, Tường được y tá cùng các đồng đội sơ cứu rồi đưa vào trong xe nằm. Sắp tới bến phà Tôn lê Sáp, sau khi đã chiếm được một cứ điểm của địch trên đường đội hình được tạm nghỉ để kiểm tra kỹ thuật xe pháo, tiếp nhiên liệu, đạn dược ở phía sau chuyển lên.
    Tại đây, Tường được anh em đưa ra khỏi xe băng bó lại. Thấy gần đó có một chiếc xe nhỏ, kiểu xe DODGE cắm cờ chữ thập. Nghĩ đó là xe cứu thương của quân đoàn, anh em đưa Tường lên xe đó rồi đi đánh nhau tiếp.
    Chính trị viên Nguyễn Đức Khởi dặn dò Tường:
    "Đơn vị chuẩn bị chiến đấu vượt qua sông Tôn lê Sáp để tiến đánh thủ đô của địch. Trận chiến đấu tiếp có lẽ ác liệt hơn trước nữa. Bây giờ em nằm ở xe cứu thương này, nghe nói trận hôm nay có máy bay trực thăng sẽ vận chuyển thương binh về nước đang tập kết ở cách đây không xa. Chắc lát nữa lái xe họ sẽ chở em tới đó".
    Vừa đói, vừa mệt Tường nằm thiêm thiếp trên xe đến khi trời đã dần tối mà sao chẳng thấy lái xe cứu thương về và cũng chẳng có thêm một thương binh nào đến nửa. Nghi ngờ anh bò lại cốp xe kiểm tra.
    Trong cốp thấy toàn là thuốc lá có chữ ngoằn ngoèo, dưới đệm toàn là cá khô. Tường giật mình nghĩ ngay đến là mình bị bỏ nhầm lên xe cứu thương của địch.
    Khi phát hiện bị đưa nhầm vào xe cứu thương của địch Tường thật sự hoang mang. Anh nhét túi con dao găm tự chế cùng quả lựu đạn mỏ vịt US rồi bò chệch sang mép đường đầy cát và lưa thưa mấy bụi cây thấp lè tè để nằm. Không khí xung quanh nặng nề, mùi cháy còn khét lẹt. Một sự im lặng rùng rợn khi màn đêm buông xuống.
    Giấc ngủ đến với Tường lúc nào không hay. Khi nghe đau nhói ở ngực anh mở mắt ra thì thấy bị một tên địch dẫm lên ngực và một tên dí súng vào đầu.
    Sau khi tranh luận gì đó, hai tên bồng Tường vứt lên xe cứu thương rồi chúng nó lên xe nổ máy chạy. Hai tên ngồi ghế trước, hai tên còn lại ngồi cạnh đầu Tường, thỉnh thoảng chúng lại đạp lên người anh kiểm tra.
    Xe chay về hướng Tôn lê Sáp. Tường nằm như bất tỉnh nhưng suy nghĩ rất lung. Anh đoán chắc nó bắt mình về nơi đóng quân sẽ khai thác gì đó rồi giết thôi chứ mấy năm đánh nhau hai bên làm gì có trao đổi tù binh.
    Trận vượt sông bằng sức mạnh lớn nhất của QĐNDVN ở Campuchia và cuộc đào thoát kinh hoàng từ tay Thần Chết - Ảnh 4.
    Bộ đội ta chiến đấu bảo vệ Biên giới Tây Nam.
    Một quyết định đến với Tường: "phải nhanh chóng tự sát khi có thời cơ!". Lợi dụng tư thế nằm sấp hơi nghiêng, Tường nhẹ nhàng duỗi tay về phía túi quần có quả US. Tuy nhiên, khi cận kề cái chết Tường mới thấy giá trị cuộc sống và quyết định: "phải sống dù hy vọng hết sức nhỏ nhoi".
    Khi chiếc xe chạy rẽ vào con đường đất nên xóc và chậm hơn. Bọn địch có vẻ bình thản không để ý đến Tường nữa vì máu vẫn chảy rất nhiều. Tường nhẹ nhàng cho tay vào túi quần đưa quả US ra, lại nhẹ nhàng rút chốt mỏ vịt. Rút xong Tường lấy hết sức bình sinh bật dậy tung lựu đạn về ca-bin và lao ra khỏi xe.
    Tường rơi vào bụi cây bên mép đường. Một tiếng nổ đanh gọn. Chiếc xe vẫn chạy thêm vài mét rồi lao sang vệ đường bốc cháy.
    Rất đau và mệt nhưng Tường cố vùng chạy. Được một quãng cái lưng đau quá thì vừa chạy vừa bò rồi chui vào một bụi cây nằm nghỉ. Lúc này trời đã khá khuya. Đêm mờ đục rất khó xác định phương hướng nhưng ở xa xa có pháo hiệu bắn lên. Tường đoán nơi có pháo hiệu là bến phà Tôn lê Sáp.
    Nghỉ ngơi một lát Tường cắt hướng đi về phía đó. Quần áo thì rách bươn, vừa đi vừa quan sát, có lúc phải bò vì sợ sa vào tay quân giặc. Rồi tới khu vực mới đánh nhau lúc chiều có rải rác xác chết. Thấy có cái nhà tan hoang, lục lọi được ít cơm và thức ăn. Tường ăn ngon lành, sức khỏe cảm thấy khá lên đôi chút.
    Không thể đi tay không trong đêm được, Tường lật xác một tên Khmer Đỏ lấy khẩu AK bị nó đè lên. Tiếp tục đi đến gần sáng anh gặp con đường cái lớn. Đoán rằng đây là đường xuống bến phà, Tường đến gần rồi lợi dụng bờ đất cao nằm xuống nghỉ tạm và chờ thời cơ.
      Một lát sau, có tiếng động cơ từ xa. Tiếng máy to dần rồi ánh đèn pha chiếu đến. Tường nằm yên quan sát thấy là xe M113.
      Chiếc đầu đi qua rồi chiếc thứ hai. Đèn pha chiếu vào xe trước, anh sướng run người khi thấy thành viên ở trên nóc xe là bộ đội Việt Nam.
      Tường đứng dậy hô lớn mà xe vẫn chạy. Anh tiến ra giữa đường đón chiếc xe M113 thử ba, trên xe có mấy cần ăng ten kiểu xe của chỉ huy.
      Chiếc xe dừng lại, hai chiến sĩ nhảy xuống. Sau khi kiểm tra sơ bộ, họ cho anh lên xe. Đó là đoàn xe của Lữ đoàn XT273 và họ cũng đang tiến về phía Phnom Pênh.
      Ngày hôm sau, Tường đã tìm về được đơn vị của mình. Nghe anh kể lại câu chuyện, chính trị viên Nguyễn Đức Khởi và tất cả anh em trong đơn vị đều thốt lên: "Quả là một cuộc đào thoát thần kỳ khỏi tay Thần Chết!".
      (Ghi theo lời kể của Trung sỹ Đàm Văn Tường, nguyên chiến sĩ lái xe tăng số 684 thuộc Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn xe tăng 215)
      Trận vượt sông bằng sức mạnh lớn nhất của QĐNDVN ở Campuchia và cuộc đào thoát kinh hoàng từ tay Thần Chết - Ảnh 6.
      theo Trí Thức Trẻ
       

      Không có nhận xét nào:

      Đăng nhận xét