Thứ Tư, 31 tháng 7, 2019

CÂU CHUYỆN LỊCH SỬ 88

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Trận đánh ác liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam

Trận không chiến ác liệt Israel bắn rơi 88 chiến đấu cơ Syria

Thứ Ba, ngày 30/07/2019 00:30 AM (GMT+7)

Trong quá khứ, các chiến đấu cơ Israel không ít lần không chiến với các nước Ả Rập mà Syria thường là nạn nhân. Trong một trận đánh nổi tiếng, các máy bay Israel đã bắn hạ tới 88 chiến đấu cơ Syria.

Trận không chiến ác liệt Israel bắn rơi 88 chiến đấu cơ Syria - 1
Chiến đấu cơ Israel.
Tháng 6.1982, cuộc nội chiến Liban bắt đầu nổ ra trong suốt 7 năm. Đây là cuộc xung đột giữa lượng dân quân theo Công giáo của và các nhóm vũ trang theo đạo Hồi, bao gồm Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO).
Kể từ năm 1976, Syria bắt đầu có dấu hiệu tăng cường binh sĩ, xe tăng, tên lửa phòng không và máy bay đến thủ đô Damascus, vốn chỉ cách biên giới Liban khoảng 80km.
Ở mặt trận phía nam, sư đoàn thiết giáp số 10 được triển khai đến Thung lũng Bekaa đối phó Israel. Đề phòng Israel đưa máy bay không kích, khu vực này được gia cố bằng 3 lữ đoàn tên lửa, tổng cộng có 19 tổ hợp tên lửa phòng không, trong số này có 2 tổ hợp SA-2, 2 tổ hợp SA-3 và 15 tổ hợp tân tiến nhất thời đó là SA-6 (Nga gọi là 2K12 Kub).
Lấy lý do đảm bảo lợi ích của Israel ở Liban, quân đội Israel công khai dội bom, nã pháo vào các vị trí của lực lượng nổi dậy PLO ở phía bắc. Mục đích của Israel là đẩy lùi PLO và các lực lượng thân Syria ra khỏi lãnh thổ phía nam của Liban.
Đồng thời, Israel cũng cho các máy bay trinh sát bí mật chụp lại trận địa tên lửa Syria, thu thập “tín hiệu liên lạc của đối phương”. Sứ mệnh này hoàn toàn do máy bay không người lái thực hiện.
Đến tháng 6.1982, PLO bắt đầu mở chiến dịch nã pháo/rocket suốt 12 ngày vào lãnh thổ phía bắc Israel, khiến 60 dân thường thương vong. Đây là lần đầu tiên người dân Israel phải đi sơ tán kể từ năm 1947.
Trận không chiến ác liệt Israel bắn rơi 88 chiến đấu cơ Syria - 2
Syria sở hữu hệ thống phòng không SA-6 tối tân thời bấy giờ.
Ngày 3.6.1982, PLO còn cử người ám sát đại sứ Israel ở London Anh. Kết quả là Israel phát động chiến dịch toàn diện chống PLO.
11 giờ sáng ngày 6.6, 7 sư đoàn bộ binh cơ giới Israel với 60.000 quân, 500 xe tăng tiến vào lãnh thổ Liban qua 3 ngả, bao gồm cả Thung lũng Bekaa. Israel yêu cầu quân đội Syria không can thiệp, nhưng giao tranh giữa hai quốc gia có nhiều duyên nợ này tiếp tục nổ ra.
Ở dưới mặt đất, bộ binh Israel và Syria giao tranh ác liệt. Quân đội Israel đề ra phương án phá hủy các tổ hợp tên lửa phòng không Syria để mở đường yểm trợ từ trên không.
14 giờ chiều ngày 9.6, các máy bay Israel ồ ạt tấn công làm hai đợt. Đợt đầu tiên gồm có 96 máy bay F-15 và F-16. Đợt thứ hai được dùng để tấn công các khẩu đội tên lửa địa đối không, bao gồm 92 máy bay.
Các máy bay Israel bay vào trận địa tên lửa Syria, tung ra các thiết bị tác chiến điện tử để đánh lạc hướng radar đối phương. Chỉ 10 phút đầu tiên của trận không chiến, 10 tổ hợp tên lửa phòng không Syria bị vô hiệu hóa hoặc tạm thời không còn khả năng tác chiến vì đã phóng hết tên lửa trang bị sẵn.
4 phút sau, các oanh tạc cơ Israel, bao gồm 26 chiếc F-4E và các máy bay C2 ồ ạt tấn công bằng tên lửa dẫn đường và bom thông minh. Một số máy bay F-4E còn mang theo bom nặng 900kg, dẫn đường bằng laser.
Đến 14 giờ 35 phút chiều, 17 trong tổng số 19 tổ hợp phòng không Syria bị vô hiệu hóa. Đây là lúc khoảng 60 tiêm kích MiG của Syria xuất hiện trên bầu trời.
Phía Israel đã chuẩn bị sẵn từ trước nên rút các oanh tạc cơ và đưa tiêm kích F-15 và F-16 nghênh chiến. Nhờ máy bay cảnh báo sớm Grumman E-2C, các tiêm kích Israel có được thông tin tương đối đầy đủ về phi đội máy bay Syria.
Ngược lại, các trạm radar ở sâu trong lãnh thổ Syria chỉ cung cấp được thông tin khá hạn chế cho những chiếc MiG-21 và MiG-23 áp sát đối phương.
Trận không chiến ác liệt Israel bắn rơi 88 chiến đấu cơ Syria - 3
Cứ mỗi lần Israel phát động chiến dịch quân sự, lực lượng Ả Rập lại chịu thất bại "muối mặt".
Một phi công Syria kể lại: “Khi áp sát ở cự ly 10-15km, radar của chúng tôi gặp trục trặc, không phát hiện được mục tiêu. Liên lạc với radar dưới mặt đất cũng bị gián đoạn”.
Trong 3 ngày không chiến trên bầu trời, từ 9-11.6.1982, hai bên đều không ngừng tung ra các chiến đấu cơ chỉ mang tên lửa đối không để triệt hạ đối thủ.
Cứ hai phi đội MiG-23BN của Syria bay cùng với một phi đội MiG-21 vào trận địa và hầu hết đều bị bắn hạ. Tổn thất bên phía Syria trong ngày đầu tiên là 17 tổ hợp phòng không và 29 chiếc MiG.
Kết thúc giao tranh, Israel tuyên bố bắn rơi 88 chiến đấu cơ Syria, tiêm kích F-15 lập 33 chiến công, F-16 lập 44 chiến công. Tổn thất bên phía Israel không được tiết lộ, nhưng được cho là 13 máy bay, bao gồm một chiếc F-16, một chiếc F-4E, một chiếc C-2, hai chiếc A-4 và vài trực thăng. F-15 không bị bắn rơi một chiếc nào.
Sau trận đánh, Tổng thống Syria khi đó là Hafez al-Assad đã đến Moscow yêu cầu trợ giúp khẩn cấp. Liên Xô từ chối nhưng viện trợ cho Syria một lượng lớn vũ khí, điều nguyên soái Pavel Stepanovich Kutakhov đến tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra với các tổ hợp phòng không Syria.
Một năm sau, ủy ban tìm kiếm sự thật của Mỹ dưới quyền trung tướng John Chain, đã đến Israel để học hỏi bí quyết của người Israel.


Theo Đăng Nguyễn - NI (Dân Việt)

Trận không chiến long trời lở đất của 4.500 máy bay

Thứ Tư, ngày 02/11/2016 00:30 AM (GMT+7)

Trận không chiến dữ dội nhất trong lịch sử giữa chiến đấu cơ Anh và Đức kéo dài gần 4 tháng, huy động tổng cộng 4.513 máy bay, dẫn đến những tổn thất nặng nề của cả hai bên và thất bại mang tính lịch sử đầu tiên của trùm phát xít Hitler.

Trận không chiến long trời lở đất của 4.500 máy bay - 1
Phát xít Đức chuẩn bị cho trận không chiến lịch sử với 2.550 máy bay, còn lực lượng phía Anh là 1.963 chiếc (Ảnh minh họa)
Chiến tranh Thế giới lần hai là cuộc chiến rộng khắp và thảm khốc nhất trong lịch sử nhân loại. Cuộc chiến kéo dài 6 năm đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 70 triệu người trên toàn thế giới; kéo theo hàng loạt những phát minh về quân sự như vũ khí nguyên tử, máy bay phản lực… Quyết định cục diện Thế Chiến 2 bao gồm những trận đánh đã đi vào lịch sử với số lượng khổng lồ trang thiết bị vũ khí của các bên tham chiến.
Mùa hè năm 1940, sau khi Pháp đầu hàng quân Đức, Anh là quốc gia duy nhất ở Tây Âu chưa khuất phục trùm phát xít Hitler. Muốn mở cuộc tấn công lên lãnh thổ Anh, quân Đức cần phải kiểm soát eo biển Anh, chia rẽ phía nam nước Anh và phía bắc Pháp, chiến dịch Sư tử biển khi đó được hình thành.
Theo kế hoạch, 100.000 quân Đức sẽ đổ bộ lên hai bãi biển Kent và Sussex để mở chiến dịch xâm lược Anh. Để làm được điều này, phát xít Đức sẽ phải chiếm được thế thượng phong trên bầu trời.
Sức mạnh không quân Anh khi đó chủ yếu dựa vào hai máy bay Spitfire và Hurricane trong khi phe Đức là máy bay Messcherschmitt và máy bay ném bom Junker – một trong những máy bay tốt nhất trong Thế chiến 2.
Tương quan lực lượng
Đức chuẩn bị cho trận không chiến lịch sử với 2.550 máy bay còn lực lượng phía Anh là 1.963 chiếc. Máy bay Anh vốn được sản xuất với chất lượng khá tốt nhưng thiếu các phi công dày dạn kinh nghiệm. Nhiều phi công Anh đã thiệt mạng trong cuộc chiến ở Pháp. Những tổn thất đó là không thể bù đắp.
Đóng vai trò là phe phòng thủ, không quân Anh có những lợi thế nhất định so với Đức. Anh có radar hiện đại, giúp cảnh báo sớm về sự xuất hiện của máy bay Đức. Cho đến mùa xuân năm 1940, Anh đã xây dựng 51 trạm radar ở bờ biển phía nam. Anh cũng duy trì Quân đoàn Quan sát phòng không Hoàng gia (ROC), sử dụng các phương tiện theo dõi từ phức tạp đến cơ bản nhất như ống nhòm.
Trận không chiến long trời lở đất của 4.500 máy bay - 2
Máy bay tiêm kích huyền thoại Hurricane của Anh.
Các máy bay Anh có lợi thế về thời gian chiến đấu trên không ở Kent và Sussex do có thể nhanh chóng hạ cánh nạp nhiên liệu trong khi máy bay Đức phải trải qua quãng đường dài. Việc biên chế quá nhiều máy bay ném bom mà thiếu đi các chiến đấu cơ cần thiết cũng khiến cho chiến dịch của Đức gặp nhiều khó khăn. Các máy bay Đức nếu sử dụng hết cơ số đạn sẽ hoàn toàn vô dụng và không thể bảo vệ oanh tạc cơ trên bầu trời Anh.
Thủ tướng Anh Churchill khi đó đánh giá: "Máy bay Đức nhanh hơn và có khả năng bay cao hơn, nhưng máy bay của Anh cơ động hơn và được trang bị vũ khí tốt hơn".
Thất bại chiến lược đầu tiên của Hitler
Trận chiến nước Anh là chiến dịch đầu tiên trong lịch sử mà hai lực lượng quân sự chỉ đối đầu nhau bằng máy bay trên không. Trước đó, chưa bao giờ có cuộc oanh tạc và đụng độ trên không trong thời gian dài và mức độ tàn khốc như vậy.
Giới lãnh đạo Đức hy vọng rằng các những đợt tấn công đầu sẽ thu hút một số lượng lớn máy bay tiêm kích Anh. Nhưng sau những trận đụng độ đầu tiên, không quân Anh đã khôn khéo chuyển máy bay của mình vào sâu hơn trong đất liền làm cho máy bay Đức không thể tấn công.
Adolf Galland, người được phong tướng phát xít Đức khi mới 29 tuổi nhận xét: "Các máy bay Đức trong tình trạng như con chó bị xích, muốn nhảy bổ vào xâu xé kẻ thù, nhưng vì ở xa hơn tầm xích nên không làm gì được".
Vì không chiến chủ yếu trên bầu trời Anh, nên nếu phi công Anh chẳng may bị bắn rơi và nhảy dù được thì ngay hôm sau đã có thể tiếp tục tham chiến, nhưng nếu phi công Đức bị bắn rơi thì sẽ bị bắt làm tù binh.
Cho đến hết tháng 7, không quân Anh tổn thất 150 máy bay còn phía Đức là 268. Từ tháng 8, Đức đổi chiến thuật oanh tạc sân bay, trạm radar và phòng chỉ huy với hy vọng máy bay Anh không thể cất cánh. Không có radar, không quân Anh không thể kịp thời đưa ra phương án phòng vệ trước hướng tấn công của Đức.
Trận không chiến long trời lở đất của 4.500 máy bay - 3
Phi đội máy bay ném bom Heinkel He-111 của phát xít Đức trong trận Không chiến nước Anh.
Ngày 13.8.1940 được gọi là "Ngày Đại bàng". Theo lệnh của Hitler, không quân Đức phải dốc sức đánh bại lực lượng không quân Anh để có thể chuyển sang giai đoạn tiếp theo của chiến dịch.
Không quân Đức đã chia thành hai đợt tấn công với tổng cộng 1.485 lượt máy bay cất cánh để đồng loạt tấn công các sân bay, trạm radar và nhà máy sản xuất máy bay ở miền nam nước Anh.
Giữa tháng 8, máy bay ném bom và tiêm kích của Đức lại mở đợt tấn công ồ ạt mới. Không quân Anh khôn khéo vừa đáp trả vừa chủ động lùi xa khỏi tầm bay của máy bay Đức, khiến phía Đức chịu thiệt hại nặng nề. Ngày 18/8 sau đó là ngày kịch chiến dữ dội nhất với thiệt hại lớn nhất ở cả hai bên: Phía Đức mất 100 máy bay, trong khi phía Anh mất đi 135 chiếc.
Sai lầm của thống chế Herman Goering, chỉ huy lực lượng không quân Đức là việc không dứt khoát oanh tạc trạm radar Anh cũng như không đánh giá chính xác những kiệt quệ mà phía Anh phải đối diện trong một cuộc không chiến kéo dài. Chuyển mục tiêu sang đánh bom các thành phố cũng gián tiếp giúp không quân Anh củng cố lực lượng, các phi công có thêm thời gian nghỉ ngơi.
Trận đánh ác liệt cuối cùng diễn ra vào ngày 15.9 với 1.500 máy bay của hai bên tham chiến. Trong hồi ký, Thủ tướng Anh Churchill nhận định: "Đây là một trận đánh quyết định và giống như trận Waterloo". Khi đó, ông Churchill vừa hút xì gà vừa theo dõi trận chiến trong trung tâm chỉ huy của phi đoàn máy bay tiêm kích 11 ở Uxbridge. Một viên sĩ quan đã yêu cầu vị Tổng tư lệnh tắt thuốc: "Thưa ngài, ở đây cấm hút thuốc!". Churchill tắt thuốc và điếu thuốc đó được đóng khung và treo ở sở chỉ huy làm bùa hộ mệnh cho các phi công.
Trận không chiến long trời lở đất của 4.500 máy bay - 4
Máy bay Đức bị bắn rơi trong trận Không chiến Anh.
Ngày 15.9 cũng là thời điểm cuối cùng mà Hilter còn kiên nhẫn cho cuộc đối đầu trên không với Anh. Chỉ riêng trong ngày đó, Đức mất 60 máy bay còn tổn thất phía Anh là 28. Ngày 17.9, trùm phát xít Đức được cho là đã tuyên bố hoãn vô thời hạn chiến dịch xâm lược Anh dù những đợt ném bom lẻ tẻ vẫn diễn ra sau đó.
Cho đến ngày cuối cùng, phía Anh đã mất khoảng gần 80% số máy bay chiến đấu tương đương 1.744 chiếc. Phát xít Đức tổn thất gần 75% tổng số máy bay, tương đương 1.977 chiếc. Tổng cộng 2 bên thiệt hại hơn 3.700 máy bay. Theo các chuyên gia quân sự, thêm một nguyên nhân dẫn đến thất bại ê chề của phát xít Đức đó là không quân nước này bị nhiễu loạn bởi thời tiết dày đặc sương mù đặc trưng của nước Anh.
Đây là thất bại đầu tiên của quân đội Đức và dẫn đến bước ngoặt quan trọng trong lịch sử Thế Chiến 2. Người Anh coi đây là một chiến thắng mang tính quyết định, chặn đứng bước tiến của quân Đức ở mặt trận phía tây.
Mặt khác, chiến thắng này còn dẫn đến sự tham chiến của nước Anh trong trận chiến Đại Tây Dương và trận Normandie năm 1944.
Chiến thắng của Anh được xem là trận phòng không mẫu mực trong thế kỷ 20. Ngày 15.9 hàng năm được Anh và nhân loại ghi nhớ là trận không chiến lịch sử, một cột mốc quan trọng trong việc chặn đứng quân đoàn Phát xít trong chiến dịch thôn tính toàn bộ châu Âu.
Đây chính là thời khắc mà những người con nước Anh quyết định vận mệnh lịch sử của toàn bộ nhân loại, cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill khi đó nhận định về trận không chiến này.
________________
Theo Đăng Nguyễn (Dân Việt)

Trận hải chiến lớn chưa từng thấy trong lịch sử hiện đại

Thứ Ba, ngày 01/11/2016 00:30 AM (GMT+7)

12 tàu sân bay, hàng trăm tàu chiến, 2.200 máy bay đã được huy động trong trận hải chiến lớn nhất lịch sử chiến tranh hiện đại giữa hải quân Mỹ và hải quân Đế quốc Nhật Bản ở vịnh Leyte, Philippines.

Trận hải chiến lớn chưa từng thấy trong lịch sử hiện đại - 1
Ảnh minh họa.
Chiến tranh Thế giới lần hai là cuộc chiến rộng khắp và thảm khốc nhất trong lịch sử nhân loại. Cuộc chiến kéo dài 6 năm đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 70 triệu người trên toàn thế giới; kéo theo hàng loạt những phát minh về quân sự như vũ khí nguyên tử, máy bay phản lực… Quyết định cục diện Thế Chiến 2 bao gồm những trận đánh đã đi vào lịch sử với số lượng khổng lồ trang thiết bị vũ khí của các bên tham chiến.
Trận chiến vịnh Leyte (hải chiến Philippines lần 2) được các nhà sử học đánh giá là cuộc đối đầu trên biển lớn nhất trong chiến tranh hiện đại dựa trên tiềm lực quân sự của hai bên. Khí tài quân sự hiện đại Mỹ và Nhật Bản đổ vào chiến trường rộng lớn tới 260.000 km2.
Đây được coi là một trong những trận chiến quan trọng nhất trong Thế chiến 2, quyết định sức mạnh hải quân Mỹ và Nhật Bản cũng như khả năng kiểm soát Thái Bình Dương. Trận chiến vịnh Leyte bao gồm 4 trận đánh tại biển Sibuyan, biển Surigao, Cape Engaño và Samar từ ngày 23-26.10.1944.
Bối cảnh lịch sử
Từ tháng 8.1942 đến đầu năm 1944, hải quân Mỹ đã đánh bật lực lượng Nhật Bản ra khỏi các đảo ở phía Nam và miền trung Thái Bình Dương. Giữa năm 1944, hải quân Mỹ đã chiếm được một số đảo quan trọng, bàn đạp cho máy bay ném bom B-29 xuất kích tấn công các đảo chính của Nhật Bản.
Ban đầu, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ thiên về giải pháp cô lập lực lượng Nhật tại Philippines và tấn công Đài Loan. Nhưng Đại tướng Lục quân Douglas MacArthur lại muốn tấn công vào Philippines, cắt ngang con đường tiếp tế chiến lược của Nhật Bản.
Để lại Philippines trong tay quân Nhật sẽ là một đòn đánh vào thanh thế của Mỹ và là một sự sỉ nhục vào danh dự cá nhân của MacArthur. Bởi năm 1942 ông đã phát biểu câu nói nổi tiếng: "Tôi sẽ trở lại", ám chỉ rằng sẽ trở lại Philippines.
Sau khi xem xét các yếu tố chiến lược, hải quân Mỹ quyết định mở cuộc tấn công vào Philippines nhằm cắt đứt tuyến vận tải biển chiến lược của Nhật Bản qua vịnh Leyte.
Trận hải chiến lớn chưa từng thấy trong lịch sử hiện đại - 2
Đại tướng lục quân Mỹ Douglas MacArthur (giữa).
Theo kế hoạch, quân đội do tướng MacArthur chỉ huy sẽ đổ bộ lên đảo ở bờ đông Leyte. Các kỹ sư quân sự sẽ xây dựng một sân bay tạm thời để quân đội Mỹ làm bàn đạp tấn công sâu hơn vào Philippines. Hạm đội 7 đóng vai trò yểm trợ đổ bộ và chiến đấu trực tiếp với hải quân Nhật. Ngoài ra, Mỹ còn hạm đội 3 do Đô đốc William F. Halsey, Jr đóng vai trò yểm trợ gần bờ nếu tàu chiến Nhật áp sát.
Việc thiếu tổng chỉ huy làm cho sự phối hợp giữa các lực lượng không đồng nhất, khiến hải quân Mỹ chiến đấu không hiệu quả như kế hoạch. May mắn rằng lực lượng Nhật Bản với 3 chỉ huy riêng biệt, cũng không có tổng chỉ huy chung.
Trận hải chiến lớn chưa từng thấy trong lịch sử hiện đại - 3
Hàng trăm tàu chiến Mỹ và Nhật Bản đã tham gia vào hải chiến lớn nhất lịch sử ở vịnh Leyte.
Đến ngày 20.10, hải quân Mỹ đã huy động đến vịnh Leyte 8 tàu sân bay cỡ lớn, 8 tàu tuần dương hạng nhẹ, 18 tàu tuần dương hộ tống, 12 thiết giáp hạm, 24 tàu tuần dương, 141 tàu khu trục và khoảng 1.500 máy bay. Trong khi đó, lực lượng Nhật Bản chỉ có 4 tàu sân bay, 9 thiết giáp hạm, 19 tàu tuần dương, 34 tàu khu trục và 700 máy bay.
Điểm mạnh của hải quân Nhật lúc đó là hai thiết giáp hạm lớn nhất và mạnh nhất, bao gồm Yamato và Mushashi. Hải quân Mỹ dựa vào ưu thế của các tàu sân bay cỡ lớn cùng 1.500 máy bay.
Chôn vùi 300.000 tấn sắt thép
Để chuẩn bị cho trận hải chiến quyết định, từ ngày 12.10, hạm đội 3 tấn công các sân bay ở đảo Đài Loan và quần đảo Ryukyu nhằm tiêu diệt lực lượng không quân Nhật Bản tại đây, dọn đường cho cuộc đổ bộ vào Leyte. Chiến dịch này kéo dài đến ngày 16.10 với chiến thắng của quân đội Mỹ.
Hai ngày sau đó, lực lượng Mỹ chiếm đảo Homonhon và Dinagat, mở đường tiến vào vịnh Leyte. Nhật Bản chuyển sang chiến lược Sho-1. Phó đô đốc Jisaburō Ozawa chỉ huy mũi tấn công phía Bắc làm nhiệm vụ thu hút lực lượng Mỹ ra khỏi vịnh Leyte.
Nhóm tàu này làm nhiệm vụ mồi nhử trong khi đó các tàu chiến ở phía Nam do Phó đô đốc Shoji Nishimura chỉ huy tấn công vào khu vực eo biển Surigao. Nhóm tàu chiến ở tâm do Phó đô đốc Takeo Kurita chỉ huy đột kích qua eo biển San Bernardino.
Trận hải chiến lớn chưa từng thấy trong lịch sử hiện đại - 4
Thủy thủ trên tàu sân bay Zuikaku thực hiện nghi lễ chào cờ cuối cùng sau khi nó bị trúng đạn nghiêng hẳn sang một bên và nhanh chóng bị chìm sau đó.
Trong trận hải chiến vịnh Leyte, lần đầu tiên các phi công Nhật Bản dùng đòn tấn công cảm tử (kamikaze) một cách có tổ chức. Ngày 20.10.1944, hải quân Mỹ bắt đầu đổ bộ lên đảo Leyte khá dễ dàng. Cho đến cuối ngày, 100.000 tấn hàng tiếp tế đã được chuyển đến Leyte.
Cuộc chạm trán giữa hải quân đôi bên lên đến đỉnh điểm của sự ác liệt với quy mô chưa từng có kéo dài 3 ngày, từ ngày 23.10. Một ngày trước đó, 4 hạm đội Nhật Bản lấn lướt hướng về phía hải quân Mỹ để nghênh chiến.
Ngày 23.10, hải quân Mỹ sớm chiếm lợi thế nhờ uy lực của tàu ngầm, đánh đắm hai tàu tuần dương Nhật thuộc quyền chỉ huy của Phó đô đốc Takeo Kurita. Tàu tuần dương thứ ba hư hỏng nặng và phải trở về Brunei.
Trận hải chiến lớn chưa từng thấy trong lịch sử hiện đại - 5
Thiết giáp hạm Yamato sau khi trúng một quả bom.
Sáng ngày 24.10, Nhật phản công nhờ 200 máy bay cất cánh trên đảo Luzon, vô hiệu hóa tàu sân bay hạng nhẹ Princeton. Tàu sân bay của Phó đô đốc Jisaburō Ozawa dùng hai phần ba máy bay tấn công hạm đội 3 Mỹ do Đô đốc William F. Halsey, Jr nhưng không thành công. Các phi công trên tàu sân bay Nhật vẫn còn thiếu kinh nghiệm chiến đấu. Ở phía nam, tàu chiến Nhật tấn công hạm đội 7 Mỹ nhưng cũng thất bại, thậm chí còn mất 70 máy bay.
Chống đỡ thành công đợt tấn công của Nhật, hải quân Mỹ đồng loạt phản công, 5 đợt không kích suốt từ sáng đến chiều đã đánh chìm thiết giáp hạm Musashi, một trong hai niềm kiêu hãnh của hải quân Nhật.
Tâm điểm của trận chiến diễn ra vào ngày 25.10 khi các phi công dày dạn kinh nghiệm của Mỹ đánh chìm toàn bộ 4 tàu sân bay Nhật do Phó đô đốc Jisaburō Ozawa chỉ huy. Tình cảnh phía nam thậm chí còn tồi tệ hơn khi Phó đô đốc Shoji Nishimura để mất gần như toàn bộ tàu chiến, chỉ còn một tàu khu trục quay trở về.
Đế quốc Nhật chỉ giành được ưu thế ở khu vực trung tâm, khi sức mạnh từ thiết giáp hạm đã đánh chìm một tàu sân bay Mỹ. Hướng đến vịnh Leyte, hạm đội do Phó Đô đốc Takeo Kurita chỉ huy còn đánh chìm tàu sân bay hộ tống Gambier Bay và 3 tàu khác. Lực lượng Nhật cũng tổn thất 3 tàu tuần dương và 1 chiếc bị hư hại nặng. Suốt cả ngày 25.10, Phó Đô đốc Kurita cố gắng truy đuổi hạm đội Mỹ trong vô vọng và chấp nhận bỏ cuộc vào lúc 6 giờ chiều.
Trận hải chiến lớn chưa từng thấy trong lịch sử hiện đại - 6
Tàu sân bay hạng nhẹ USS Princeton bốc cháy sau khi trúng bom từ máy bay Nhật Bản.
Đến ngày 26.10, trận chiến vịnh Leyte gần như đã kết thúc khi hạm đội 3 Mỹ chỉ truy đuổi và đánh chìm được một tàu tuần dương Nhật trong khi các tàu Nhật đang rút chạy khỏi khu vực.
Kết thúc trận chiến, hải quân Nhật thiệt hại nặng nề, tổn thất 3 thiết giáp hạm (bao gồm niềm kiêu hãnh Musashi), 4 tàu sân bay, 10 tàu tuần dương và 9 tàu khu trục. Tổng cộng 300.000 tấn sắt thép chìm xuống biển. Hải quân Mỹ chỉ thiệt hại tương đương 37.000 tấn, bao gồm 1 tàu sân bay hạng nhẹ và 2 tàu sân bay hộ tống cùng một vài tàu chiến khác.
Trong khi Mỹ dễ dàng bù đắp thiệt hại thì hải quân Nhật mất hoàn toàn năng lực chiến đấu. Hải quân Mỹ từ đây có thể tiến thẳng đến chính quốc Nhật Bản mà không gặp phải bất cứ sự phản kháng đáng kể nào trên biển. Trong nhiệm vụ cuối cùng, thiết giáp hạm Yamato đã bị đánh chìm trên đường đến Okinawa.
Đô đốc Yonai, Bộ trưởng Hải quân Nhật khi đó nhận ra rằng thất bại ở Leyte “tương đương với việc để mất Philippines. “Tôi nghĩ rằng đó là lúc cuộc chiến đến hồi kết thúc”.
Sau này, Đô đốc Nhật Bản Ozawa chia sẻ: “Kể từ sau trận chiến này, các tàu chiến Nhật Bản gần như tê liệt hoàn toàn, đế quốc Nhật chỉ còn biết dựa vào lực lượng trên bộ và các đợt tấn công cảm tử trên bầu trời”.
Thiệt hại quá lớn cùng với sự sụt giảm nghiêm trọng về sản xuất quốc phòng do thiếu nguyên liệu sản xuất dẫn đến hạm đội Liên hợp Nhật Bản và quân đội Nhật Bản dần mất sức chiến đấu rồi bị đánh bại hoàn toàn.
________________
Theo Đăng Nguyễn (Dân Việt) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét