HỔ TƯỚNG TÀU (Tướng "khựa" đáng xấu hổ) 4

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Đại Tướng Khét Tiếng TQ Thất Trận Trên Đất VIỆT – Phần 4: NGUYỄN TRÃI Khuất Phục VƯƠNG THÔNG

Hội thề Đông Quan - nơi Vương Thông và giặc Minh cúi đầu nhục nhã


Trong thế đường cùng, tổng binh Vương Thông của nhà Minh buộc phải tham gia Hội thề Đông Quan theo yêu sách của Lê Lợi, chấp nhận rút quân về nước.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta những thắng lợi quân sự oanh liệt, đã đập tan ý chí xâm lược của kẻ thù, buộc chủ tướng của “thiên triều” phải chính thức và công khai tuyên bố đầu hàng, thề từ bỏ dã tâm xâm lược, xin rút quân về nước.
Hội thề Đồng Quan cũng được đánh giá là hình thức kết thúc chiến tranh sáng tạo, độc đáo trong lịch sử chống xâm lược của dân tộc ta, thể hiện ý chí, sức mạnh, truyền thống nhân đạo của người Việt Nam.

Vương Thông và cái giá của sự ngoan cố

Theo sách Lam Sơn thực lục, tháng 10/1426, Vương Thông bị đánh bại ở trận Tốt Động, Chúc Động, buộc phải rút vào Đông Quan cố thủ. Ở thế cùng, Vương Thông muốn cầu hòa để tìm lối thoát trong danh dự. Tuy nhiên, sau đó, y lại thay đổi ý định, đào hào, đắp lũy, gọi thêm viện binh.
Cuối năm 1427, vua nhà Minh sai Liễu Thăng đem 100.000 quân, Mộc Thạnh 50.000 quân, chia làm hai đạo tiến vào nước ta để cứu viện cho Vương Thông.
Hùng hổ tiến vào Đại Việt, tuy nhiên, khi vừa đến biên giới nước ta, Liễu Thăng đã bị chém mất đầu ở Quỷ Môn Quan (Lạng Sơn). Nghe tin này, “quân Mộc Thạnh xéo lên nhau chạy để thoát thân” .
Hoi the Dong Quan - noi Vuong Thong va giac Minh cui dau nhuc nha hinh anh 1
Tranh minh họa quân Minh đầu hàng. Nguồn: Sỹ Hòa/Báo Bình Phước.
Trong thế đường cùng, tổng binh Vương Thông và nội quan Sơn Thọ của nhà Minh sai sứ giả mang thư đến giảng hòa, xin mở cho đường về. Biết có thể dễ dàng diệt địch, tuy nhiên vì muốn giữ tinh thần hòa hiếu, sớm kết thúc chiến tranh để tránh cảnh lầm than cho nhân dân, Lê Lợi chấp nhận lời thỉnh cầu của kẻ địch, đồng thời gửi tặng cho chúng một số thổ sản và hải sản.
Được Lê Lợi chấp nhận, lại ở thế đường cùng, Vương Thông vẫn do dự chưa quyết. Sau đó, y lại đem hết quân trong thành ra đánh. Thấy kẻ địch bội ước, nghĩa quân Lam Sơn đặt phục binh rồi vờ thua chạy, quân Minh đuổi theo, rơi vào trận địa mai phục, bị đánh tan.
Trên đường bỏ chạy, Vương Thông ngã ngựa suýt bị bắt, nghĩa quân tiến đến cửa Nam thành, đắp bờ lũy chống giữ. Lê Lợi đốc các tướng đem quân đắp lũy từ phường Yên Hoa thẳng tới cửa Bắc thành Đông Quan “bốn mặt vây thành”. Trước khí thế của nghĩa quân Lam Sơn, quân Minh chỉ cố thủ,  không dám ra.

Đầu hàng nhục nhã để giữ mạng về nước

Trong thế cùng quẫn, không còn cách nào khác, Vương Thông lại xin giảng hòa lần hai. Lê Lợi đồng ý nhưng buộc chúng phải tham gia  Hội thề Đông Quan vào ngày 10/12/ 1427.
Để buộc kẻ địch phải rút quân về nước, từ bỏ hoàn toàn âm mưu xâm lược nước ta, bài văn hội thề đã được Lê Lợi, Nguyễn Trãi cùng các tướng lĩnh chuẩn bị chu đáo. Nội dung bài thề đến nay còn được lưu giữ cẩn thận trong nhiều tài liệu, trong đó có đoạn:
"Chúng tôi cùng nhau phát tự lòng thành, ước hẹn thề thốt với nhau: Từ sau khi lập lời thề này, quan tổng binh Thành sơn hầu là Vương Thông quả tự lòng thành, đúng theo lời bàn, đem quân về nước, không thể kéo dài năm tháng, để đợi viện binh đến nơi. Lại phải theo đúng sự lý trong bản tâu, đúng lời bàn trước mà làm...
...Về phía bọn quan Tổng binh Thành sơn hầu là Vương Thông, nếu không có lòng thực, lại tự trái lời thề, không làm theo lời bàn, lập tức đem quân về nước, còn kéo dài năm tháng để đợi viện binh;
Hoi the Dong Quan - noi Vuong Thong va giac Minh cui dau nhuc nha hinh anh 2
Trong thế cùng, Vương Thông và đồng bọn buộc phải chấp nhận đầu hàng. Ảnh: NXB trẻ.
Cùng là ngày về đến triều đình, lại không theo sự lý trong bản tâu, không sợ thần linh núi sông ở nước An Nam lại bàn khác đi, hoặc cho quan quân đi qua đâu cướp bóc nhân dân, thì trời, đất cùng là danh sơn, đại xuyên và thần kỳ các xứ tất đem bọn quan Tổng binh Thành sơn hầu là Vương Thông, tự bản thân cho đến cả nhà, thân thích, làm cho chết hết, và cả đến quan quân cũng không một người nào về được đến nhà".
Cuối bài có đoạn: "Nếu cả hai bên đều do lòng thành cả thì trời, đất thần minh đều phù hộ để bản thân mình mạnh khỏe, trong nhà mình vinh thịnh, cùng hưởng lộc vị, đều được bình yên. Trời, đất thần kỳ cùng soi xét cho!".
Theo những điều cam kết trong hội thề, hơn 100.000 quân Minh rút từ ngày 29/12/1427. Ngày 3/1/1428, Vương Thông cùng toán quân Minh cuối cùng ra khỏi nước ta, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn hoàn toàn thắng lợi.
Hội thề Đông Quan được xem là hình thức kết thúc chiến tranh sáng tạo, độc đáo trong lịch sử chống xâm lược. Nó thể hiện ý chí, sức mạnh, truyền thống nhân đạo của người Việt Nam.
Theo đánh giá của nhiều sử gia, quyết định của Lê Lợi vừa tránh gây tổn hại về nhân mạng cho cả quân ta và địch, bảo vệ được tính mạng, tài sản của nhân dân trong kinh đô Thăng Long, góp phần bảo vệ rất nhiều công trình kiến trúc khỏi chiến tranh tàn phá như thành lũy, chùa chiền, miếu mạo và nhiều công trình văn hóa quan trọng khác.



Vương Thông cầu cứu viện binh Bị vây hãm trong thành Đông Quan, Vương Thông buộc phải cầu cứu viện binh. Cuối cùng, những đạo viện binh cũng bị quân Lam Sơn đánh cho tan tác.
Video: VTV

Trận Tụy Động Vương Thông Thất Thế tháng 10/1426


Từ khi Bình Định Vương ở Lư Sơn vào đánh Nghệ An đến giờ, đánh đâu được đấy, thanh thế lừng lẫy, quân Minh khiếp sợ, đem tin về cho Minh Triều biết, Minh Đế liền sai Chinh Di Tướng Quân là Vương Thông và Tham Tướng là Mã Anh đem 5 vạn quân sang cứu Đông Quan. Trần Trí và Phương Chính thì phải cách hết cả quan tước bắt phải theo quân đi đánh giặc, còn Trần Hiệp thì cứ giữ chức Tham Tán Quân Vụ.

Vương Thông sang đến đất Đông Quan hội tất cả quân sĩ lại được mười vạn, cùng với bọn Trần Hiệp chia làm ba đạo đi đánh Bình Định Vương.

Vương Thông đem quân đến đóng ở bến Cổ Sở (thuộc huyện Thạch Thất, phủ Quốc Oai, Sơn Tây). Phương Chính đóng ở Sa Thôi (thuộc huyện Từ Liêm), Mã Kỳ đóng ở Thanh Oai, đồn lũy liên tiếp nhau một dãy dài hơn mấy mươi dặm.

Bọn Lý Triện, Đỗ Bí ở Ninh Kiều đem quân và voi đến phục ở Cổ Lãm, rồi cho quân đến đánh nhữ Mã Kỳ. Mã Kỳ đem tất cả quân đuổi đến cầu Tam La (ở giáp giới huyện Thanh Oai và huyện Từ Liêm), quân phục binh của Lý Triện đổ ra đánh, quân Minh thua chạy, nhiều người xuống đồng lầy, chạy không được, bị chém hơn 1.000 người. Lý Triện đuổi quân Minh đến Nhân Mục, bắt được hơn 500 người. Mã Kỳ một mình một ngựa chạy thoát được.

Bọn Lý Triện thừa thắng tiến lên đánh đạo quân Phương Chính. Nhưng Phương Chính thấy Mã Kỳ đã thua cũng rút quân lui, rồi cùng Mã Kỳ về hội với Phương Thông ở bến Cổ Sở.

Vương Thông liệu tất thế nào quân An Nam cũng đến đánh, bèn phục binh và phòng bị trước cả. Chợt có quân của Lý Triện đến. Quân Minh giả ra đánh rồi bỏ chạy, nhử quân ta và chỗ hiểm có chông sắt. Đi đến đấy, voi xéo phải chông đi không được, rồi lại có phục binh đổ ra đánh, Lý Triện thua chạy về giữ Cao Bộ (ở vùng Chương Đức, Mỹ Lương) và cho người về Thanh Đàm (tức là huyện Thanh Trì bây giờ) gọi bọn Đinh Lễ và Nguyễn Xí đến cứu.

Đinh Lễ và Nguyễn Xí đem 3.000 quân và hai con voi lập tức đêm hôm ấy đến Cao Bộ, rồi phân binh ra phục sẵn ở Tụy Động (thuộc huyện Mỹ Lương) và ở Chúc Động (thuộc huyện Chương Đức). Chợt bắt được tên thám tử của quân Minh, tra ra thì biết rằng quân Vương Thông đóng ở Ninh Kiều, có một đạo quân đi lẻn ra đường sau quân Lý Triện để đánh tập hậu, đại quân sang đò chỉ chờ lúc nào nghe súng thì hai mặt đổ lại cùng đánh.

Biết mưu ấy rồi, đến canh năm đêm hôm ấy, Đinh Lễ sai người bắn súng làm hiệu để đánh lừa quân giặc. Quả nhiên quân giặc nghe tiếng súng đều kéo ùa đến đánh. Bấy giờ phải độ trời mưa, đường lầy, quân Minh vừa đến Tụy Động thì bị quân ta bốn mặt đổ ra đánh, chém được quan Thượng Thư là Trần Hiệp, và Nội Quan là Lý Lượng. Còn những quân sĩ nhà Minh thì chết hại nhiều lắm: phần thì giày xéo lẫn nhau mà chết, phần thì ngã xuống sông chết đuối, cả thảy đến hơn năm vạn người; còn bị bắt sống hơn một vạn người, các đồ đạc khí giới thì lấy được không biết bao nhiêu mà kể. Trận Tụy Động đánh vào tháng mười năm bính ngọ (1426).

Phương Chính và Mã Kỳ chạy thoát được, rồi cùng với Vương Thông về giữ thành Đông Quan.

Bọn Đinh Lễ thừa thắng đem binh về vây thành và cho người về Lỗi Giang báo tin thắng trận cho Bình Định Vương biết.

Vương liền tiến binh ra Thanh Đàm, rồi một mặt sai Trần Nguyên Hãn đem 100 chiếc thuyền đi theo sông Lung Giang ra cửa Hát Giang (cửa sông Đáy thông với sông Cái) rồi thuận dòng sông Nhị Hà xuống đóng ở bến Đông Bộ Đầu ; một mặt sai bọn Bùi Bị đem hơn 1 vạn quân đi lẻn ra đóng ở Tây Dương Kiều, Vương tự dẫn đại quân đến hạ trại ở gần thành Đông Quan. Quân Minh giữ ở trong thành không ra đánh, bao nhiêu chiến thuyền thì Vương lấy được cả.

Kể từ ngày Bình Định Vương đem binh vào đánh Nghệ An đến giờ, tuy rằng đánh đâu được đấy, nhưng chưa có trận nào quan hệ bằng trận Tụy Động này. Bởi vì việc thắng bại trong 10 phần, đánh xong trận này, thì đã chắc được 7, 8 phần rồi. Quân thế nhà Minh chỉ còn ở trong mấy thành bị vây nữa mà thôi, mặt ngoài thì viện binh lại chưa có, mà dẫu cho có sang nữa, thì thế của Bình Định Vương cũng đã vững lắm rồi.

Nhưng cứ trong Việt Sử thì quân của Lý Triện và Đinh Lễ chẳng qua chỉ có mấy nghìn người mà thôi, làm thế nào mà phá được hơn 10 vạn quân tinh binh của Vương Thông ? Vả lại sử chép rằng đánh trận Tụy Động quân An Nam giết được hơn 5 vạn quân Minh, lại bắt được hơn 1 vạn người, như thế chẳng hóa ra quân Minh hèn lắm ru! E rằng nhà làm sử có ý thiên vị, cho nên sự thực không được rõ lắm. Nhưng dẫu thực hư thế nào mặc lòng, đại khái trận Tụy Động là một trận đánh nhau to, mà Vương Thông thì thua, phải rút quân về giữ thành Đông Quan rồi bị vây, còn Bình Định Vương thì ra bắc thu phục các châu huyện. Việc ấy chắc là thật có.
Bước đường cùng của Tổng binh Thành sơn hầu Vương Thông
Từ khi được cử làm tổng binh đi đàn áp lực lượng Lam Sơn, Vương Thông mắc ba lần đại nhục. Ba lần ấy đủ để thiêu huỷ toàn bộ uy danh của tướng quân thiên triều.
Mùa Đông năm Bính Ngọ (1426), quân Minh trên đất nước ta lâm vào tình thế rất khốn quẫn. Để cứu nguy, tháng 10 năm đó, vua Minh liền sai Thành sơn hầu Vương Thông làm tổng binh, cùng với bọn tham tướng Mã Anh, đem năm vạn quân và năm ngàn con ngựa, tiến thẳng sang Thăng Long. Nhưng, vừa sang đến nơi, Vương Thông đã bị thất bại thảm hại trong trận Tốt Động – Chúc Động. Vương Thông bị trọng thương, sau đó, cố thủ trong thành Thăng Long và kêu cứu thảm thiết. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 10, tờ 25 a-b) chép rằng:
“Vua (chỉ Lê Lợi – ND) thân đốc suất tướng sĩ vây đánh thành Đông Quan (tức thành Thăng Long – ND) suốt cả ngày đêm. Bọn tướng nhà Minh là Vương Thông, Sơn Thọ đánh trận nào thua trận đó, lấy làm lo sợ lắm. Thấy hết cả mưu hay chước lạ, viện binh thì không đến, chúng bèn cho người mang thư tới xin hoà, mong được an toàn về nước. Vua nói:
- Lời ấy đúng với ý ta. Vả chẳng, binh pháp nói là không đánh mà khuất phục được đối thủ mới là kế hay nhất.
(Nói rồi), bèn bằng lòng cho giảng hoà, lại hẹn ngày cho gọi quân sĩ ở khắp các thành tề tựu để kịp trở về một lúc. Vua sai bề tôi bàn với quân Minh, cho chúng được phép đi lại, mua bán như dân thường.
Bấy giờ, bọn nguỵ quan là Đô ti Trần Phong, Tham chính Lương Nhữ Hốt, Đô chỉ huy Trần An Vinh… đã can tội bán nước làm tay sai cho giặc, sợ rằng sau khi quân Minh rút về, chúng sẽ không còn sống sót, nên cố ngấm ngầm làm kế phá hoại. Chúng nói với quân Minh rằng:
- Trước kia, Ô Mã Nhi bị thua ở sông Bạch Đằng, phải đem quân về hàng. Hưng Đạo Vương cũng cho hàng, nhưng lập mưu dùng thuyền lớn chở họ về nước, xong, lấy người giỏi bơi lặn làm phu chèo thuyền. Thuyền ra đến ngoài biển, nhân lúc mọi người ngủ say, đang đêm, bọn phu thuyền lặn xuống, đục thủng đáy thuyền, làm cho những người đầu hàng đều bị chết đuối cả, không một ai sống sót trở về.
Bọn Vương thông tin lời ấy, bèn ngờ vực mà nảy ý khác, sai quân đắp thêm thành luỹ, đào hào và thả chông để tính kế chống đỡ, ngoài mặt nói hoà hiếu nhưng bên trong thì toan đánh lại. Chúng bí mật sai người mang thư bọc sáp, theo lối tắt mà về nước để xin viện binh. Vua bắt được người đưa thư, ghét chúng nuôi lòng tráo trở, liền bí mật mai phục khắp bốn phía thành Đông Quan, đón bọn giặc do thám, bắt được hơn ba ngàn tên và hơn năm ngàn con ngựa. Từ đấy, quân Minh đóng chặt cửa thành, không dám ra ngoài, sứ giả hai bên qua lại cũng dứt”.
Lời bàn:
Từ khi được cử làm tổng binh đi đàn áp lực lượng Lam Sơn, Vương Thông mắc ba lần đại nhục. Lần thứ nhất là lần bị thảm bại ở Tốt Động – Chúc Động, thân bị trọng thương, quân bị vây chặt trong thành Đông Quan, tiến không được, thoái cũng không xong, bi đát không thể tưởng tượng được. Lần thứ hai là lần này, trong thì trí quẫn lực kiệt, ngoài thì bọn nguỵ quan vì quá lo cho số mạng của bản thân mà xúi đông giục tây, kế cùng đâm ra phản trắc, hao binh tổn tướng mà chẳng thu được lợi lộc gì, thê thảm lại càng thêm thê thảm. Lần thứ ba là lần phải cúi đầu kí vào văn kiện đầu hàng không điều kiện và cút khỏi nước ta. Ba lần ấy đủ để thiêu huỷ toàn bộ uy danh của tướng quân thiên triều.
Vương Thông và các tướng phụ tá cùng bọn nguỵ quan quá bất tài chăng? Cứ như sử Trung Quốc chép mà xét thì chínhVương Thông là tướng tài trong số những tướng tài chứ chẳng phải là thường. Có chăng thì chỉ là ở chỗ, Lê Lợi và Nguyễn Trãi cùng các tướng lĩnh Lam Sơn tài hơn. Vả chẳng, đã là đội quân bất nghĩa thì làm gì có diệu kế để tự cứu mình.
 (Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần - NXB Giáo Dục)

Nguyễn Trãi thuyết phục Vương Thông đầu hàng

Sau chiến thắng vang dội ở trận đánh Chi Lăng – Xương Giang, tiêu diệt và tóm gọn 15 vạn quan quân nhà Minh ngay từ miền biên viễn, không cho bè lũ viện binh có cơ hội tiến sâu vào nước ta, bẻ gãy ý đồ tập hợp lực lượng trong đánh ra, ngoài đánh vào của quân Minh, Bình Định vương Lê Lợi cùng quân đội Lam Sơn ở thế thượng phong, đưa Vương thông vào thế “kế cùng, viện tuyệt”, càng như cảnh “chim lồng, cá chậu”, không có quyền tự định đoạt mạng sống cho mình.
leloi-nguyentrai
Vua Lê Lợi và Nguyễn Trãi
Cũng sau chiến thắng Chi Lăng – Xương Giang, Bình Định vương Lê Lợi chỉ cần tung một đòn đánh nhẹ cuối cùng là có thể hạ được thành Đông Quan dễ như trở bàn tay. Tuy vậy, Lê Lợi vẫn kiên định với chiến lược “Viện binh bị phá thì thành tất phải hàng, làm một việc mà được cả hai, đó mới là kế vẹn toàn”. Người được Lê Lợi tin cậy ủy thác việc chiêu dụ Vương Thông không ai khác, chính là Nguyễn Trãi, người đã đề xuất và kiên trì với giải pháp chiêu hàng quan quân nhà Minh đang cố thủ trong thành Đông Quan.
Để Vương Thông nhìn rõ đại cuộc và tình thế nguy hiểm của hắn, Nguyễn Trãi nói thẳng vào mặt tên tướng gian xảo: “Nay lấy một thành Đông Quan cỏn con, ta đem cả nước lại vây đánh quả là rất dễ”. Vương Thông vốn đã nao núng tinh thần, nhưng vẫn còn dùng dằng chưa quyết bởi tiếc nuối mảnh đất Đại Việt mà tập đoàn phong kiến phương Bắc bao phen dòm ngó xâm lược chưa thành.
Để Vương Thông dứt hẳn tơ tưởng đến viện quân và tăng cường thị uy hắn, Lê Lợi và Nguyễn Trãi cho giải tướng giặc trong đoàn viện binh bị bắt giữ làm tù binh là Thôi Tụ và Hoàng Phúc, lại cho bày cả song hổ phù của Liễu Thăng cùng hàng loạt vật dụng của các tướng Minh bị giết trong trận Chi Lăng – Xương Giang dưới chân thành Đông Quan cho Vương Thông và tay chân của hắn thấy rõ. Cùng với đó, Lê Lợi cho quân tiếp tục siết chặt vòng vây Đông Quan, lại cho đắp thêm lũy đất ở Cửa Nam và Cửa Bắc, làm như sắp đánh hạ thành Đông Quan đến nơi, khiến cho Vương Thông khiếp vía mà phải xin hàng.
Cuối cùng, mặc dù vẫn còn tiếc nuối, nhưng không còn cách nào khác, Vương Thông đành phải cúi đầu xin hàng trước đội quân Lam Sơn, kết thúc 7.629 ngày quân Minh nện gót chân trên đất Đại Việt.
Để buộc Vương Thông phải cúi đầu xin hàng, dâng thành Đông Quan cho Bình Định vương Lê Lợi, ngoài việc đẩy mạnh chiến dịch quân sự, chặt hết đường viện binh và viện lương của giặc, còn phải kể tới tài năng thuyết khách của Nguyễn Trãi. Chính bản thân Nguyễn Trãi đã 5 lần đích thân vào thành Đông Quan để chiêu dụ Vương Thông. Trước một Vương Thông gian xảo, đa nghi (hắn luôn lo sợ quân đội Lam Sơn cũng sẽ hành động lật lọng giống như hắn, giả vờ hòa hoãn để tiêu diệt hắn nếu hắn đồng ý kéo quân ra ngoài thành), Lê Lợi sẵn sàng đưa con trai của mình là Tư Tề cùng Lưu Nhân Chú vào thành để trao đổi con tin. Đây là bằng chứng cao nhất khẳng định sự chân thành của lãnh tụ nghĩa quân Lam Sơn, sẵn sàng mở con đường sống cho đoàn quân xâm lược bại trận.
Cuộc chiến giành độc lập cho đất nước của nghĩa quân Lam Sơn chính thức đi đến hồi kết khi Vương Thông đồng ý uống máu ăn thề xin rút quân khỏi Đại Việt. Sự kiện uống máu ăn thề, sử sách vẫn gọi là Hội thề Đông Quan, có một không hai trong lịch sử sẽ được chúng tôi giới thiệu tới quý bạn đọc trong bài tiếp theo…
Nguyễn Tào
Một dân tộc sau 20 năm chịu cảnh nô lệ, thế nhưng sau khi giành được chiến thắng đã đại nghĩa tha chết cho hơn 10 vạn đội quân của triều đình phương Bắc đã từng đô hộ mình. Không chỉ thế dân tộc đó còn sửa sang đường xá, cung cấp ngựa, thuyền cũng như lương thực đầy đủ để đội quân này về nước.
Tấm lòng đại nhân đại nghĩa ấy tưởng như chỉ là chuyện hoang đường, nhưng đã được người dân Đại Việt thực hiện, khiến kẻ xâm lăng chỉ có thể cảm kích đến chảy nước mắt, dù nhục nhã thua trận vẫn chỉ có thể cúi đầu tâm phục khẩu phục. Đó chính là cái kết “đại nghĩa” và “chí nhân” mà Nguyễn Trãi nói đến trong câu thơ:
ADVERTISEMENT
Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
Lấy chí nhân để thay cường bạo.

Tha chết cho 10 vạn giặc Minh - Người Việt đã từng là một dân tộc “đại nghĩa”
Nguyễn Trãi và Đại Cáo Bình Ngô. (Tranh qua thoibao.today)

Bối cảnh

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn nổ ra bắt đầu từ năm 1418. Giai đoạn đầu của cuộc khởi nghĩa, Lê Lợi cùng các nghĩa quân nhiều lần phải rút về núi Chí Linh trước sức mạnh của quân Minh.
Đến năm 1420, Nguyễn Trãi gia nhập nghĩa quân, ra mắt chủ tướng Lê Lợi với cuốn sách “Bình Ngô”, nêu những kế sách để đánh đuổi quân Minh. Được Lê Lợi tin tưởng, ông đã vạch ra kế sách chiến lược đánh quân Minh, từ đó nghĩa quân Lam Sơn giành được nhiều thắng lợi quan trọng và ngày càng lớn mạnh, hết tiến về phía Nam lại tiến ra Bắc, tiến quân đến đâu giành thắng lợi đến đó.

Tha chết cho 10 vạn giặc Minh - Người Việt đã từng là một dân tộc “đại nghĩa”
Nguyễn Trãi hiến kế cho Lê Lợi. (Tranh minh họa trong Việt Sử Bằng Tranh tập 23, họa sĩ Mạnh Quỳnh, qua hungsuviet.us)

Trước tình hình này, vào tháng 9/1426, nhà Minh cử Vương Thông làm tổng binh đưa 5 vạn viện binh sang, hợp với hơn 5 vạn quân ở Giao Chỉ thành hơn 10 vạn, tiến đánh quân Lam Sơn. Quân Minh bị nghĩa quân Lam Sơn đánh bại ở Tốt Động – Chúc Động. Vương Thông thua trận phải chạy vào thành Đông Quan (tức thành Thăng Long) cố thủ rồi cho người về nước xin thêm viện binh.
Nguyễn Trãi nhiều lần viết thư cho Vương Thông đề nghị nghị hòa, nhưng Vương Thông chỉ đồng ý nhằm kéo dài thời gian chờ viện binh, mặt khác cho đào hào cắm chông để cố thủ. Nguyễn Trãi biết được điều này nên cho quân vây thành chặt hơn, đồng thời gửi tiếp thư cho Vương Thông nói rõ nếu muốn hàng thì quân Minh phải ra hàng ngay.
Biết quân Minh không hàng vì còn hy vọng quân cứu viện, Nguyễn Trãi bèn tính kế đánh bại 15 vạn viện binh của Liễu Thăng và Mộc Thạnh.
10 vạn quân của Liễu Thăng đến ải Chi Lăng thì bị phục binh xông ra đánh úp khiến bị tan rã hoàn toàn, Liễu Thăng cũng bị tử trận.

Tha chết cho 10 vạn giặc Minh - Người Việt đã từng là một dân tộc “đại nghĩa”
Quân khởi nghĩa. (Tranh minh họa trong Việt Sử Bằng Tranh tập 23, họa sĩ Mạnh Quỳnh, qua hungsuviet.us)

Mộc Thạnh đưa 5 vạn quân đóng ở biên giới, chần chừ chưa vội tiến quân nhằm nghe ngóng cánh quân của Liễu Thăng. Quân Lam Sơn đưa một số tù binh mang sắc thư, phù ấn của Liễu Thăng đến báo cho Mộc Thạnh biết Liễu Thăng đã tử trận.
Cánh quân của Mộc Thạnh hay tin thì kinh hoàng, phút chốc cả 5 vạn quân tan vỡ quay đầu chạy về nước. Quân Lam Sơn thừa thắng đuổi theo khiến hàng vạn quân Minh bị tiêu diệt.
15 vạn viện binh thoáng chốc đã bị diệt sạch. Việc đánh thành Đông Quan lúc này là quá dễ với nghĩa quân Lam Sơn. Nhiều tướng bàn nên tấn công hạ thành, nhưng Nguyễn Trãi muốn chiêu hàng để đỡ hao tổn binh sĩ hai bên.

5 lần một thân một mình vào thành khuyên hàng

Để chiêu hàng Vương Thông, Nguyễn Trãi không chỉ nhiều lần viết thư khuyên nhủ, mà ông cũng đã phải 5 lần một mình vào thành Đông Quan nhằm phân tích tình hình khuyên nhủ các tướng quân Minh nên đầu hàng. Đồng thời ông cũng đảm bảo sẽ cung cấp đủ ngựa, thuyền, lương thực để toàn bộ 10 vạn quân Minh được an toàn trở về nước.
Thế nhưng quân Minh biết rằng, trong thời gian thống trị ở Giao Chỉ, họ đã gây rất nhiều nợ máu cho người dân nơi đây. Việc tha thứ cho 10 vạn quân gây bao nhiêu tội ác an toàn về nước được xem là điều không thể, nhất là các tướng chỉ huy. Vì thế mà các tướng Minh đều liều chết quyết giữ thành chứ không hàng.

Tha chết cho 10 vạn giặc Minh - Người Việt đã từng là một dân tộc “đại nghĩa”
Nguyễn Trãi vào thành khuyên hàng. (Tranh qua lichsuvn.net)

Vương Thông một mặt trả lời sẽ xem xét nhằm giảng hòa, một mặt cho quân dò la tình hình vây thành. Quân Minh tìm ra được điểm yếu, liền đem quân bất ngờ vượt thành đánh ra để phá vây. Thế nhưng quân Lam Sơn đã chuẩn bị trước tình huống này, nên giả thua bỏ chạy. Quân Minh đuổi theo thì rơi vào trận địa mai phục, Vương Thông bị ngã ngựa suýt nữa thì bị bắt, phải chạy tháo thân trở vào thành.
Vương Thông viết thư về báo với vua Minh về việc giảng hòa với quân Lam Sơn, trong thư có đoạn sau:
Chớ tham đất một góc mà làm nhọc quân đi muôn dặm, giả sử dùng quân được như số quân đi đánh khi đầu, lại được 6, 7, 8 đại tướng như bọn Trương Phụ thì mới có thể đánh được, tuy nhiên có đánh được cũng không thể giữ được…
Đại Việt sử ký toàn thư
Nguyễn Trãi dùng nhân nghĩa, kiên trì thuyết phục quân Minh đầu hàng, đúng như những gì ông viết trong “Bình Ngô đại cáo”:
Bó tay để đợi bại vong, giặc đã trí cùng lực kiệt
Chẳng đánh mà người chịu khuất, ta đây mưu phạt tâm công
Trước sự kiễn nhẫn cùng sự chân thành của Nguyễn Trãi, lại đang lâm cảnh đường cùng, Vương Thông đồng ý nghị hòa. Ông ta liền đưa một số tướng làm con tin giao cho quân Lam Sơn. Người dân cùng các tướng sĩ đến xem đều đề nghị xin cho giết bọn chúng, nhưng Lê Lợi đáp rằng:
Trả thù báo oán là thường tình của mọi người, nhưng không thích giết người là bản tâm của bậc nhân đức. Vả lại, người ta đã hàng, mà mình lại giết thì là điềm xấu không gì lớn bằng. Nếu cốt để hả nỗi căm giận trong chốc lát mà mang tiếng với muôn đời là giết kẻ đã hàng, thì chi bằng tha mạng sống cho ức vạn người, để dập tắt mối chiến tranh cho đời sau, sử xanh ghi chép tiếng thơm muôn đời, há chẳng lớn lao sao?
Đại Việt sử ký toàn thư

Tội ác quân Minh gây ra cho người dân Giao Chỉ

Nói đến đây, phải nhắc lại tội ác mà quân Minh từng gây ra cho người dân Giao Chỉ.
Năm 1407, sau khi đánh bại nhà Hồ, nhà Minh đã vơ vét mang về phương bắc 235.900 con voi, ngựa, trâu bò; thóc gạo 1,36 triệu thạch, thuyền bè 8.677 chiếc, cùng hơn 2,5 triệu khí giới. Đó là chưa kể số kim loại quý, cùng các mỏ vàng, bạc, ngọc trai, gỗ quí, lâm sản, hồ tiêu, v.v.
Nhằm thực hiện nền thống trị lâu dài, nhà Minh không ngừng xây thành lũy, cầu cống, đường sá. Hàng chục vạn dân đinh từ 16 đến 60 tuổi phải ra các công trường với chế độ lao dịch cưỡng bức và sinh hoạt rất thiếu thốn. Các công trường khai mỏ và mò ngọc trai cũng nhiều nhân công. Những người thợ phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, nguy hiểm đến tính mạng.

Tha chết cho 10 vạn giặc Minh - Người Việt đã từng là một dân tộc “đại nghĩa”
Tội ác của quân Minh. (Tranh minh họa trong Việt Sử Bằng Tranh tập 23, họa sĩ Mạnh Quỳnh, qua hungsuviet.us)

Chính sách thuế khóa nhà Minh áp dụng với Giao Chỉ rất nặng nề, trong đó có 2 ngạch chính là thuế ruộng đất và thuế công thương nghiệp. Nhà Minh cử nhiều hoạn quan sang Việt Nam để tiến hành thu thập thuế, cống gửi về kinh đô, đồng thời vơ vét thêm chừng ấy nữa cho riêng mình.
Ngoài ra, quân Minh còn liên tục đàn áp những nghĩa quân kháng Minh với những tội ác như chém giết, cướp bóc, mổ bụng đàn bà có thai, để khủng bố lòng người. Họ cũng không nhân từ với những người nổi dậy. Cuốn sách sử của Trung Quốc là “Minh sử bản mạt kỷ sự” có ghi chép về thời kỳ này rằng quân Minh đã “chôn sống hàng ngàn tù binh rồi chất xác họ thành núi, hoặc rút ruột người treo lên cây, hoặc nấu thịt người để lấy dầu”.
Nguyễn Trãi đã mô tả trong “Bình Ngô đại cáo” như sau:
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn,
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ.
Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế,
Gây binh kết oán trải hai mươi năm.
Bại nhân nghĩa nát cả đất trời,
Nặng thuế khoá sạch không đầm núi.
Người bị ép xuống biển dòng lưng mò ngọc, ngán thay cá mập thuồng luồng.
Kẻ bị đem vào núi đãi cát tìm vàng, khốn nỗi rừng sâu, nước độc.
Vét sản vật, bắt chim trả, chốn chốn lưới chăng,
Nhiễu nhân dân, bẫy hươu đen, nơi nơi cạm đặt.
Tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ,
Nheo nhóc thay kẻ goá bụa khốn cùng.
Thằng há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán ;
Nay xây nhà, mai đắp đất, chân tay nào phục dịch cho vừa.
Nặng nề những núi phu phen,
Tan tác cả nghề canh cửi.
Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi.
Lẽ nào trời đất dung tha,
Ai bảo thần nhân chịu được?
Các thủ lĩnh nghĩa quân Lam Sơn như Lê Lợi, Nguyễn trãi cùng các tướng sĩ khác đều có thù nhà với quân Minh. Hầu hết người dân Giao Chỉ đều khổ sở dưới sự áp bức của nhà Minh. Ấy vậy mà dân tộc ta lại có thể làm ra một quyết định “đại nghĩa”: tha cho và giúp đỡ toàn bộ đội quân từng gây tội ác thấu trời xanh như vậy trở về nước.

Hội thề Đông Quan

Ngày 22 tháng 11 năm Đinh Mùi (1427), toàn bộ quân Minh ra đầu hàng, các thủ lĩnh của hai bên tham gia hội thề ở phía Nam thành Đông Quan, ngay bên bờ Nhị Hà (nay là sông Hồng).
Rất nhiều người nhắc lại với chủ tướng Lê Lợi về sự thống khổ mà người dân từng chịu đựng, cũng như tội ác của quân Minh đã từng gây ra, thế nhưng Lê Lợi đáp rằng:
Việc dùng binh lấy sự toàn quân là hơn cả. Nay hãy để cho lũ Vương Thông về nói với vua Minh, trả lại đất cho nước ta, không còn trở lại xâm lấn, thì ta còn cầu gì hơn nữa, hà tất phải giết hết, để kết mối thù với nước lớn.
Đại Việt thông sử
Tại hội thề lịch sử Đông Quan, Vương Thông đại diện cho các tướng sĩ quân Minh đọc “bài văn hội thề”, thề rằng sẽ ngừng chiến mà rút quân về nước, việc rút quân về nước sẽ hoàn tất trong vòng 5 tháng, trên đường rút về không thực hiện việc cướp bóc sách nhiễu dân chúng, không tái diễn xâm lược Giao Chỉ.

Tha chết cho 10 vạn giặc Minh - Người Việt đã từng là một dân tộc “đại nghĩa”
Hội thề Đông Quan, bên phải là người Việt, bên trái là người Minh. (Tranh: Trí Thức VN)

Về phía nghĩa quân Lam Sơn cũng hứa cung cấp đủ ngựa, thuyền và lương thực cho hơn 10 vạn quân Minh rút về nước.
Kết thúc hội thề các tướng nhà Minh phải cúi đầu thực hiện đúng các cam kết mà nghĩa quân Lam Sơn đặt ra. Quân “thiên triều” cảm kích xấu hổ chảy nước mắt, dù nhục nhã nhưng phải tâm phục khẩu phục.
Lê Lợi lệnh cho các lộ ở Bắc Giang và Lạng Sơn tu sửa đường xá để quân Minh rút về nước. Quân Lam Sơn cũng cung cấp 500 thuyền và hơn 2 vạn ngựa cho quân Minh sử dụng, cũng như lương thực đầy đủ, các quan lại đô hộ của nhà Minh cũng được thả về nước sau đó. Các quân tướng nhà Minh trước khi về nước đã vô cùng cảm kích đến trước dinh Bồ Đề mà lạy tạ.

Tha chết cho 10 vạn giặc Minh - Người Việt đã từng là một dân tộc “đại nghĩa”
Quân Minh rút về Trung Quốc. (Tranh qua motthegioi.vn)

Sách “Đại Việt thông sử” có ghi chép rằng các tướng Minh là Phương Chính, Mã Kỳ tới dinh Bồ Đề cáo biệt Lê Lợi, ở lại chơi suốt cả buổi chiều, Lê Lợi sai sắm trâu ngựa, trướng vẽ và lễ phẩm hậu tặng.
“Đại Việt Sử ký Toàn thư” ghi chép rằng: “Tất cả đều tới dinh Bồ Đề lạy tạ mà về. Bọn Phương Chính vừa xúc động vừa hổ thẹn đến rơi nước mắt.”
Vương Thông nói chuyện với Lê Lợi suốt đêm rồi mới về nước, Lê Lợi cho đem trâu rượu, cờ thêu, trướng vẽ cùng các lễ vật tiễn chân rất hậu.
Về sự việc này Nguyễn Trãi có mô tả trong “Bình Ngô đại cáo” như sau:
Quân giặc các thành khốn đốn, cởi giáp ra hàng
Tướng giặc bị cầm tù, như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng
Thần Vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh
Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền,
Ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc,

Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa,
Về đến nước mà vẫn tim đập chân run.

Họ đã tham sống sợ chết mà hoà hiếu thực lòng
Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức.
Chẳng những mưu kế kì diệu
Cũng là chưa thấy xưa nay.
“Minh sử kỷ sự bản mạt” ghi chép rằng: “Vương Thông lực yếu mà phải xin hoà, Liễu Thăng lại sang rồi bị thua chết. Sau đó lại xuống chiếu sai sứ sang giao hảo và rút quân về, nhục nhã thực bằng Tân, Trịnh hội thề dưới chân thành, hổ thẹn ngang với Kính Đường cắt đất giảng hoà vậy”

Từng là một dân tộc “đại nghĩa”

Một dân tộc suốt 20 chịu cảnh nô lệ, người dân bị đô hộ rên xiết thấu cả trời xanh, như những gì Nguyễn Trãi đã mô tả:
Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi.
Thế nhưng một dân tộc được xem là nhược tiểu ấy sau khi chiến thắng đội quân hùng mạnh của “thiên triều”, vẫn bao dung không chấp vào tội ác, không chỉ tha cho toàn bộ đội quân hơn 10 vạn trở về nước, mà còn tu sửa đường xá, cung cấp ngựa xe, thuyền, và lương thực đầy đủ, đúng như những gì Nguyễn Trãi mô tả:
Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
Lấy chí nhân để thay cường bạo.
Đội quân được gọi là “thiên triều” ấy chỉ có thể cảm kích, “hổ thẹn đến rơi nước mắt”, thua trận phải tâm phục khẩu phục, sau này không còn có ý tưởng dòm ngó nước nam. Đó cũng chính là dùng đức để cảm hóa nhân tâm.
Có người bình rằng việc tha chết cho 10 vạn quân Minh chỉ là do vua quan Đại Việt muốn yên ổn, nhưng sự thật không phải là như vậy. Trong lịch sử nước ta đã rất nhiều lần người Việt đánh bại quân xâm lược mà không hề chùn bước vì muốn yên ổn. Hơn nữa, mối thù sâu đậm do quân Minh gây ra không phải là chỉ cần mấy chữ “muốn yên ổn” là có thể xóa nhòa được.

Tha chết cho 10 vạn giặc Minh - Người Việt đã từng là một dân tộc “đại nghĩa”
Nguyễn Trãi và Đại Cáo Bình Ngô. (Tranh qua honviet.com)

Tư tưởng của Nguyễn Trãi – “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, “đem đại nghĩa để thắng hung tàn” – đã thể hiện tấm lòng đại nghĩa của người dân Đại Việt, ghi lại một điểm sáng chói lọi nhất trong sử Việt. Thời khắc huy hoàng ấy không có được nhờ một chiến thắng, không đánh đổi bằng máu và nước mắt, mà đạt tới nhờ lòng vị tha.
Tiếc thay đến nay tư tưởng “chí nhân”, “đại nghĩa” của cha ông ta xưa kia đã bị thay thế bởi những điều xa lạ. Rất nhiều người Việt ngày nay vừa bình luận về một mâu thuẫn nào đó thì câu cửa miệng là “phải đấu tranh” để đạt được cái này cái kia. Áp dụng “đấu tranh giai cấp” vào trong xã hội, giáo dục “đấu tranh giai cấp” trong nhà trường, những sai lầm đó đã và đang hủy hoại phần quý giá nhất trong tâm hồn người Việt. Quan hệ giữa người với người ngày nay quả thật là quá căng thẳng.
Nếu xã hội Việt Nam ai ai cũng có thể bao dung tha thứ cho nhau, đối xử với nhau đều dùng Nhân, Nghĩa, vứt bỏ thứ “học thuyết đấu tranh” tồn tại bấy lâu nay, thì mối quan hệ xã hội mới có thể bền chặt, chúng ta mới có được cơ sở để xây dựng một đất nước hùng cường.
Trần Hưng

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NGẬM SẦU (ĐL)

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH