CÂU CHUYỆN TÌNH BÁO 279

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Bàn tay tình báo nước ngoài trong vụ di cư 1954

Mỹ bắt 4 người tình nghi gián điệp Trung Quốc

13/02/2008 07:43 GMT+7

TT - Ngày 12-2, Bộ Tư pháp Mỹ đã phải lên tiếng kêu ca về "mối nguy cơ an ninh quốc gia" trước các hoạt động gián điệp của Trung Quốc (TQ).

ktfqgvkU.jpg
Cảnh sát thu giữ tang vật tại nhà của Tai Kuo ở New Orleans
Trước đó một ngày, cảnh sát Mỹ đã bắt giữ bốn kẻ tình nghi ăn cắp thông tin tình báo của Mỹ tuồn cho Bắc Kinh.
ADVERTISEMENT
Hãng tin AP cho biết hai vụ bắt giữ tại thành phố Alexandria (bang Virginia) và Los Angeles diễn ra cùng ngày nhưng không hề có liên quan. Trong vụ đầu tiên, các công tố viên buộc tội Gregg W. Bergersen, 51 tuổi, nhân viên Bộ Quốc phòng Mỹ, đã bán thông tin của Lầu Năm Góc cho TQ.
AP cho biết Bergersen là chuyên viên phân tích chính sách hệ thống vũ khí của Bộ Quốc phòng. Thông tin mà Bergersen bán là tài liệu mật về các loại vũ khí và công nghệ quốc phòng Washington sẽ bán cho Đài Loan trong vòng năm năm tới. Bergersen trao tài liệu cho Tai Kuo, 58 tuổi, công dân Mỹ gốc Đài Loan, làm nghề bán đồ nội thất tại New Orleans.
Theo hồ sơ tòa án, Bergersen tỏ ra rất lo lắng trong một cuộc gặp với Tai Kuo. Trong đoạn băng do Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) thu lén, Bergersen đã nói: "Tôi sẽ vào tù mất, tôi không muốn ngồi tù”. Tai Kuo đáp lại: "Tôi cũng có thể sẽ phải vào tù”. Quan chức Bộ Tư pháp Mỹ miêu tả khi đó Tai Kuo còn cười khùng khục.
Kẻ tình nghi thứ ba trong vụ án này là một phụ nữ tên Yu Xin Kang, 33 tuổi, người nhập cư gốc TQ. FBI cho biết Yu đóng vai trò cầu nối giữa Tai Kuo và quan chức TQ tiếp nhận thông tin tình báo. Ngày 11-2, cảnh sát đã khám nhà Kuo tại New Orleans và Houma (bang Louisiana). Theo Hãng tin BBC, nếu bị kết án, Tai Kuo và Yu sẽ lãnh án tù chung thân, trong khi Bergersen phải ngồi tù 10 năm.
Ở vụ thứ hai, người bị bắt là cựu kỹ sư Hãng Boeing Dongfan "Greg" Chung, 72 tuổi. BBC dẫn lời quan chức Bộ Tư pháp Mỹ cho biết ông Chung đã ăn cắp thông tin về tàu vũ trụ Mỹ, máy bay quân sự C-17, tên lửa Delta IV và máy bay ném bom B-1 để trao cho Bắc Kinh.
Ông Chung là chuyên gia trong lĩnh vực tàu vũ trụ tại Hãng Rockwell International và Boeing trong suốt 30 năm trước khi nghỉ hưu năm 2002. Sau đó, ông Chung tiếp tục đóng vai trò nhà thầu cho Boeing đến năm 2006. Ông Chung bị FBI theo dõi suốt một năm qua do bị tình nghi có mối liên hệ với Chi Mak, can phạm bị buộc tội bán công nghệ quốc phòng của Mỹ cho TQ năm 2007.
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, ông Chung thường xuyên về TQ giảng dạy nhiều năm qua. Kể từ năm 1979, các quan chức Bắc Kinh đã tiếp cận ông Chung và đề nghị ông ta moi thông tin hàng không Mỹ. Trong bức thư trả lời Bắc Kinh, ông Chung khẳng định "muốn cống hiến cho quê hương". Nếu bị kết án, ông Chung sẽ phải ngồi tù 100 năm.
Theo AP, mới đây các quan chức Bộ Tư pháp khẳng định hoạt động gián điệp của TQ trên đất Mỹ đã "đạt đến mức độ của thời kỳ chiến tranh lạnh". Trợ lý bộ trưởng tư pháp Kenneth Wainstein khẳng định hai vụ án thể hiện phương thức tình báo khác nhau, nhưng cùng một mục đích là ăn cắp bí mật thương mại và quân sự Mỹ để phát triển khả năng quốc phòng.
"Đây là mối nguy cơ đối với an ninh quốc gia Mỹ và vị thế kinh tế của Mỹ trên trường quốc tế" - ông Wainstein khẳng định. Theo ông Wainstein, TQ tỏ ra "vô cùng lão luyện, quyết tâm và hành động có phương pháp trong các hoạt động tình báo". AP cho biết các quan chức Đại sứ quán TQ tại Mỹ từ chối bình luận về các vụ bắt giữ. Các cuộc gọi của báo giới đến Bộ Ngoại giao TQ tại Bắc Kinh cũng không có lời đáp.
HIẾU TRUNG

Cuộc chiến chống gián điệp - Kỳ 1: Các điệp vụ thất bại của Nga

18/01/2019 11:17 GMT+7

TTO - Quan hệ Nga và Mỹ căng thẳng đến mức tưởng chừng có đối đầu quân sự nhưng cuộc chiến chống gián điệp trong bóng tối lại căng thẳng không kém. Cuộc chiến ấy đang nóng như thời Chiến tranh lạnh.

Cuộc chiến chống gián điệp - Kỳ 1: Các điệp vụ thất bại của Nga - Ảnh 1.
Bộ Tư pháp Mỹ công bố quyết định truy tố bảy điệp viên Nga vào ngày 4-10-2018 - Ảnh: EPA
ADVERTISEMENT
Trước đây các cơ quan tình báo thường chiến đấu với nhau trong bóng tối. Điệp viên bị bắt chỉ được yêu cầu rời đi. Nay Hà Lan không để GRU ngấm ngầm hoạt động nữa.
Báo Trouw (Hà Lan)
Ngoài Nga, Mỹ và các đồng minh còn nhắm đến gián điệp Trung Quốc. Trong khi đó Nga, Trung Quốc và một số nước khác cũng có kế hoạch riêng của mình...
Tháng 10 có lẽ là tháng đen đủi nhất của các cơ quan tình báo Nga trong năm 2018. Các nước phương Tây đồng loạt chỉ đích danh Nga về nhiều vụ xâm nhập mạng.
Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc chiến chống gián điệp, đó là từ nay mọi hoạt động tình báo đều được phơi bày ra ánh sáng chứ không ngấm ngầm xử lý như trước.
Điệp vụ tại La Haye
Ngày 10-4-2018, bốn công dân Nga mang hộ chiếu ngoại giao bước xuống sân bay quốc tế ở Amsterdam (Hà Lan) sau chuyến bay đến từ Nga. Người của Đại sứ quán Nga tại Hà Lan ra sân bay đón. Nhờ tình báo Anh bắn tin trước, Cơ quan tình báo Hà Lan (MIVD) bắt đầu theo dõi.
Hôm sau, nhóm công dân Nga thuê một ôtô Citroen C3 màu xám đậm. Trong hai ngày, họ khảo sát xung quanh trụ sở Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) tại La Haye và chụp ảnh từ cửa sổ phòng lưu trú ở khách sạn Marriott gần đó.
Chiều thứ sáu 13-4, một ngày mang lại vận đen, chiếc Citroen C3 chạy đến đậu trong bãi xe khách sạn Marriott đối diện trụ sở OPCW. Đúng 16h30, nhóm người Nga được mô tả là bắt đầu vận hành thiết bị. Các đặc vụ MIVD đột ngột can thiệp và áp giải ngay ra máy bay trục xuất về Nga.
Sáu tháng sau, vào ngày 4-10-2018, Bộ Quốc phòng Hà Lan tổ chức họp báo công bố điệp vụ Nga tại La Haye. Bốn người Nga bị gọi là "điệp viên" gồm Aleksei Morenets, Evgenii Serebriakov, Oleg Sotnikov và Alexey Minin và bị cáo buộc làm việc cho Cơ quan Tình báo quân sự Nga (GRU).
Hai người là chuyên gia tin học và hai người còn lại phụ trách trinh sát mục tiêu. Kế hoạch của họ là xâm nhập mạng WiFi của OPCW để lấy thông tin.
MIVD đã tìm thấy sau xe Citroen C3 một ăngten kết nối với máy vi tính chĩa về hướng trụ sở OPCW. Ăngten được giấu dưới áo măngtô ngụy trang. MIVD cũng đã tịch thu 20.000 USD và 20.000 euro tiền mặt, tài liệu, điện thoại di động, máy chụp ảnh, máy vi tính cùng nhiều thiết bị khác.
Các bằng chứng thu thập được có vẻ quá dễ dàng.
Truyền thông phương Tây cho rằng nhóm người Nga để lại nhiều dấu vết chết người. Một điện thoại Sony Experia được kích hoạt lần đầu tại trạm điện thoại cạnh trụ sở GRU ở Matxcơva. Có lẽ họ định mang hóa đơn về nhà thanh toán với tài vụ nên vẫn giữ trong túi hóa đơn taxi ghi hành trình 32km đi từ con đường gần trụ sở GRU đến sân bay Matxcơva.
OPCW chính là cơ quan điều tra nhiều nghi án liên quan đến Nga, trong đó có vụ cựu điệp viên nhị trùng Nga Sergei Skripal và con gái bị đầu độc tại Anh. Sau chặng dừng ở Hà Lan, nhóm người Nga được cho là có dự tính đến Berne (Thụy Sĩ).
Tại Spiez cạnh thành phố Berne có phòng xét nghiệm thường được OPCW đặt hàng phân tích mẫu, trong đó có mẫu chất độc thần kinh trong vụ Sergei Skripal nêu trên.
Cuối tháng 3-2018, MIVD hợp tác với các cơ quan tình báo châu Âu cũng từng bắt giữ hai người được cho là "điệp viên Nga" đến Thụy Sĩ mang theo thiết bị xâm nhập mạng của phòng xét nghiệm ở Spiez.
Cuộc chiến chống gián điệp - Kỳ 1: Các điệp vụ thất bại của Nga - Ảnh 3.
Cô nàng mê súng Maria Butina - Ảnh: Facebook
Cô nàng điệp viên "máu" chơi súng
Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Ank Bijleveld giải thích "thông thường chúng tôi không công bố thông tin chiến dịch phản gián như thế", nhưng lần này Hà Lan hết sức quan ngại về hoạt động xâm nhập của các điệp viên Nga.
Cùng lúc Hà Lan họp báo, các nước Mỹ, Anh, Úc, Canada, New Zealand, Liên minh châu Âu và NATO đồng thanh lên tiếng chỉ trích Nga về các vụ tin tặc. Cùng với Canada, lần đầu tiên Anh chỉ đích danh GRU là đầu mối chỉ đạo.
Tại Mỹ ngày 4-10-2018, Bộ Tư pháp đã công bố quyết định truy tố bảy điệp viên GRU vì đánh cắp thông tin, rửa tiền, lừa đảo ngân hàng và mạo danh.
Từ năm 2014 đến tháng 5-2018, các điệp viên Nga đã âm mưu đánh cắp thông tin đối với các cơ quan thể thao lớn thế giới như Cơ quan Chống doping thế giới (WADA), Ủy ban Olympic quốc tế, Liên đoàn Bóng đá thế giới, Liên đoàn Điền kinh thế giới, Tòa án Trọng tài thể thao và hơn 30 cơ quan thể thao quốc gia.
Trước đó hồi tháng 7-2018, 12 điệp viên GRU cũng bị truy tố vì xâm nhập máy tính của Đảng Dân chủ trước bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Trong những vụ việc như thế, Nga đều lên tiếng phản bác như trong vụ mà phương Tây gọi là nữ điệp viên Nga Maria Valeryevna Butina.
Maria Valeryevna Butina 31 tuổi, là một cô gái Nga rất "máu" chơi súng. Butina thường lên Facebook và Twitter khoe hình ảnh cầm súng. Tại Nga, cô thành lập nhóm "Quyền mang súng".
Sau khi tốt nghiệp khoa chính trị học tại Đại học quốc gia Altai ở quê nhà Barnaul (Siberia), Butina làm trợ lý cho cựu nghị sĩ Aleksandr Torshin, phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga.
Từ năm 2013-2015, Butina cùng nghị sĩ nọ đã từng mời chủ tịch Hiệp hội Súng quốc gia Mỹ (NRA) sang Matxcơva và hai lần đến Mỹ dự hội nghị của NRA.
Tháng 8-2016, Butina sang Mỹ theo học thạc sĩ, thế nhưng trong hồ sơ nhập cảnh cô lại "quên" không khai làm trợ lý cho ông Aleksandr Torshin. Tại Mỹ, cô thường xuyên tiếp xúc với các nhân vật lãnh đạo NRA và không hay biết từ lâu FBI đã giám sát cô.
Ngày 15-6-2018, Maria Butina bị FBI bắt giữ vì hoạt động tình báo từ năm 2014-2017. Ban đầu cô không nhận tội nhưng đến ngày 13-12-2018 đã đạt được thỏa thuận nhận tội tại tòa án quận Columbia.
Butina khai nhận đã thiết lập các kênh không chính thức với Đảng Cộng hòa và NRA nhằm chiêu dụ các nhà chính trị Mỹ xem Nga là đồng minh. Dự kiến tòa sẽ tuyên án vào tháng 2-2019 với mức án tối đa 5 năm tù.
Trước những cáo buộc đó, hôm 14-12-2018, ông Dmitry Peskov - người phát ngôn của Điện Kremlin, nói rằng chính phủ Nga xem "các cáo buộc nhắm vào cô (Butina) là hoàn toàn không có căn cứ".
Còn Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói lời nhận tội của Butina chỉ đơn giản là một phần của gói mặc cả lời khai và rằng cô chỉ thỏa thuận nhận tội để được tự do. Ông cho rằng cô này đã bị tra tấn một kiểu nào đó bởi các quan chức thực thi pháp luật của Mỹ.
Cuộc chiến chống gián điệp - Kỳ 1: Các điệp vụ thất bại của Nga - Ảnh 4.
Ngày 4-10-2018, Bộ Quốc phòng Hà Lan tổ chức họp báo công bố điệp vụ xâm nhập mạng WiFi của bốn điệp viên Nga - Ảnh: ANP
HOÀNG DUY LONG

Cuộc chiến chống gián điệp - Kỳ 2: GRU lộ diện

19/01/2019 09:38 GMT+7

TTO - Cơ quan Quân báo Nga (GRU) ra đời ngày 5-11-1918, với một thời gian dài nổi tiếng là cơ quan tình báo hoạt động bí mật nhất của Nga. GRU điều hành mạng lưới điệp viên hoạt động ở nước ngoài và lực lượng đặc nhiệm ưu tú Spetsnaz.

Cuộc chiến chống gián điệp - Kỳ 2: GRU lộ diện - Ảnh 1.
Đặc vụ GRU Vladimir Popov đăng ảnh trên mạng xã hội - Ảnh: Bellingcat
Cuộc chiến bóng tối gián điệp và phản gián là chuyện quốc gia nào cũng phải làm để bảo vệ quyền lợi của mình. Thế nên trong những câu chuyện thường là mập mờ về cuộc chiến này, bên nào sử dụng truyền thông tốt hơn sẽ tạo ra ưu thế hơn.
Vì lẽ đó, người ta có cảm giác trong những năm gần đây, nhiều đặc vụ GRU được cho là đã bị lộ. Các nước phương Tây hợp đồng tác chiến "hài danh hài tánh" GRU hơi bị nhiều.
Nhà sử học Nga Alexander Kolpakidi nhận xét: "Tổn hại cho GRU rất khủng khiếp, từ đó GRU phải xem xét lại toàn bộ phương pháp tác nghiệp. Chưa bao giờ có tình cảnh phá sản như thế ở Nga".
Lộ danh lộ liễu vì mạng xã hội
GRU bị phương tây đơn phương cáo buộc liên quan đến các điệp vụ như sau:
- Đầu độc: Cựu điệp viên hai mang GRU Sergei Skripal và cô con gái Yulia bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok hôm 4-3-2018 tại thành phố Salisbury ở miền nam nước Anh. Anh cáo buộc hai đặc vụ GRU mang tên giả Alexander Petrov và Ruslan Boshirov liên can đến âm mưu đầu độc.
- Xâm nhập và tấn công mạng: GRU đã hậu thuẫn cho nhiều nhóm tin tặc tấn công mạng đối với Cơ quan Chống doping thế giới, các cơ quan thể thao quốc tế và quốc gia; tấn công mã độc NotPetya ảnh hưởng hàng trăm ngàn máy tính hồi tháng 6-2017; xâm nhập mạng máy tính của Đảng Dân chủ Mỹ; xâm nhập mạng WiFi của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) ở Hà Lan...
- Can thiệp: Nhiều đặc vụ GRU dưới vỏ bọc cố vấn đã hiện diện tại Syria và miền đông Ukraine. GRU đã điều động lực lượng đặc nhiệm Spetsnaz can thiệp trong vụ sáp nhập Crimea vào Nga năm 2014. Đặc vụ GRU còn liên can đến âm mưu đảo chính ở Montenegro vào tháng 10-2016.
Những tháng cuối năm 2018 là thời gian GRU trải qua cuộc khủng hoảng vô tiền khoáng hậu. 305 điệp viên bị trang web điều tra The Insider (Nga) và trang web Bellingcat (Anh) phanh phui danh tính.
GRU không còn giữ tính chất bí mật như trước nữa bởi một số đặc vụ hoạt động rất tay mơ. Các điệp vụ thất bại cùng có điểm chung là để lại dấu vết quá rõ ràng. Đây cũng là những yếu tố khiến người theo dõi thế giới gián điệp bất ngờ và dẫn đến hoài nghi về các cáo buộc.
Một đặc vụ GRU bị nghi ngờ tham gia âm mưu đảo chính ở Montenegro đã chuyển tiền qua dịch vụ Western Union cho cộng tác viên ở Belgrade (Serbia) với địa chỉ người gửi là địa chỉ GRU ở Matxcơva.
Hai đặc vụ GRU Eduard Shishmakov và Vladimir Popov ngang nhiên chụp ảnh đăng trên mạng xã hội trong lúc giám sát người được thuê tổ chức đảo chính ở Montenegro.
Trong vụ bốn điệp viên Nga tìm cách xâm nhập mạng WiFi của OPCW bị bắt quả tang hồi tháng 4-2018, cơ quan tình báo Hà Lan chỉ cần xem máy tính và đối chiếu giấy tờ tùy thân đã phát hiện chân tướng của họ.
Nhà sử học Alexander Kolpakidi đặt vấn đề: "Thời Liên Xô những người làm việc cho GRU đều là dân trí thức, còn bây giờ nhân viên GRU chỉ là các chàng trai bình thường ở nông thôn. Vậy làm sao kỳ vọng vào họ được?".
Tiến sĩ Pavel Felgenhauer (Nga) lý giải ưu điểm của GRU là nghi binh và tiến hành chiến dịch đặc biệt chứ không phải đào tạo điệp viên, bởi thế trình độ các đặc vụ rất chênh nhau.
Cuộc chiến chống gián điệp - Kỳ 2: GRU lộ diện - Ảnh 2.
GRU triển khai đội đặc nhiệm Spetsnaz đến Syria - Ảnh: DEBKA
Gió đã xoay chiều
Theo đánh giá của giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tình báo (Pháp) Eric Dénecé, dù nhiều điệp vụ thất bại nhưng GRU vẫn còn rất mạnh và sự việc một số đặc vụ GRU bị lộ chỉ có nghĩa phương Tây biết cách vạch chân tướng của GRU tốt hơn trước.
Ông giải thích: "Sergei Skripal trước đây là sĩ quan GRU được Anh tiếp cận từ năm 1966, sau đó quay sang làm việc cho Anh. Nhờ vậy Anh hiểu rõ hơn cách thức hoạt động của GRU".
Thời Liên Xô chưa tan rã, người ta thường nói đến Ủy ban An ninh quốc gia Xô viết (KGB). Sau đó, Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) kế thừa KGB được nhắc đến nhiều hơn chứ ít ai biết đến GRU.
Năm 2008, uy tín của GRU lao dốc vì phạm nhiều sai lầm trong đánh giá chiến sự Gruzia như đánh giá thấp sức kháng cự của quân đội Gruzia.
Cơ quan Tình báo nước ngoài Liên bang Nga (SVR) vốn chủ trương hoạt động tình báo nhẹ nhàng để không làm mích lòng các cường quốc phương Tây, thì nay phương thức hoạt động này không còn phù hợp nữa. Trong khi đó, GRU ngày càng chứng tỏ thích hợp với thực tế địa chính trị mới.
Tiến sĩ Mark Galeotti ở Viện Quan hệ quốc tế Prague (Cộng hòa Czech) giải thích Nga xem vụ sáp nhập Crimea vào Nga là điển hình thành công về phương thức làm việc đặc trưng của tình báo quân sự, do đó Nga không chỉ khen ngợi riêng lực lượng đặc nhiệm Spetsnaz mà khen ngợi toàn bộ chiến dịch do GRU chỉ đạo.
Việc chuyển hướng để thích hợp với thời đại mới của GRU nhờ vào kỹ thuật số. Lịch sử của GRU vốn đánh giá cao phương tiện viễn thông như là một phần công việc.
Đến kỷ nguyên web, dĩ nhiên GRU biết cách đào tạo nhân viên hoạt động tình báo trong thế giới ảo. Đây là điểm khác biệt của GRU so với FSB vốn chú trọng các nhóm tin tặc hữu hảo ngoài ngành.
Tiếp đến, các phương pháp của GRU phù hợp với tinh thần làm việc của Tổng thống Vladimir Putin. Ngày 2-11-2018, ông Putin đã phát biểu tại lễ kỷ niệm 100 năm thành lập GRU: "Tôi tin tưởng vào tính chuyên nghiệp, lòng can đảm cá nhân và tính kiên quyết của các bạn".
Hiện nay, có nhiều dấu hiệu cho thấy Nga đang tăng cường huy động các điệp viên ra nước ngoài hoạt động.
Ngoài GRU và SVR thì FSB ngày càng quan tâm đến quốc tế nhiều hơn mặc dù theo truyền thống cơ quan này thường chỉ xử lý các điệp vụ trong nước.
Nguyên nhân do Nga đánh giá NATO không được trang bị để đối phó với mối đe dọa nghiêm túc từ Nga và đây là thời cơ cần tận dụng.
Tiến sĩ Mark Galeotti nhận xét: "NATO được thành lập để đối phó với các vụ tấn công trực tiếp do quân đội thực hiện chứ không phải tấn công mạng hay chiến dịch của lực lượng đặc nhiệm".
Ông Putin muốn dùng lại tên GRU
Cơ quan Quân báo Nga mang tên Tổng cục Tình báo Bộ Tổng tham mưu quân đội Liên bang Nga (GRU) vào năm 1953 sau nhiều lần đổi tên.
Đến năm 2010, GRU được đổi tên thành Tổng cục Bộ Tổng tham mưu quân đội Liên bang Nga (GU), tức từ "tình báo" đã bị bỏ đi.
kỳ 2 gru ảnh 3 4(read-only)
Tổng thống Vladimir Putin phát biểu tại lễ kỷ niệm 100 năm thành lập GRU đầu tháng 11-2018 - Ảnh: Sputnik
Đầu tháng 11-2018, trong lễ kỷ niệm 100 năm thành lập cơ quan này, Tổng thống Putin đã đề nghị khôi phục tên GRU.
Ông nói: "Không biết từ tình báo biến đi đâu mất rồi? Tại sao chúng ta không sử dụng lại là tổng cục tình báo?".
Đến nay, trên thế giới báo chí vẫn sử dụng phổ biến tên gọi GRU hơn GU.
HOÀNG DUY LONG 

Cuộc chiến chống gián điệp - Kỳ 3: Mỹ - Trung đấu nhau trên thị trường vi mạch

20/01/2019 13:31 GMT+7

TTO - Theo Bộ Tư pháp Mỹ, từ năm 2006-2018, nhóm APT 10 đã tiến hành tối thiểu 2 chiến dịch tin tặc quy mô lớn để tấn công mạng nhiều doanh nghiệp tại 12 quốc gia. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa hai nước, Mỹ còn tố thêm nhiều vụ khác.

Cuộc chiến chống gián điệp - Kỳ 3: Mỹ - Trung đấu nhau trên thị trường vi mạch - Ảnh 1.
Bộ Tư pháp Mỹ công bố quyết định truy tố Chu Hoa và Trương Kiến Quốc - Ảnh: Getty Images
Tại cuộc họp báo ngày 20-12-2018, Bộ Tư pháp Mỹ đã công bố quyết định truy tố hai công dân Trung Quốc là Chu Hoa và Trương Kiến Quốc.
Hai người này là thành viên nhóm tin tặc nổi tiếng APT 10 (còn gọi là Red Appollo hay Stone Panda), bị nghi ngờ tấn công mạng tại nhiều nước nhằm đánh cắp công nghệ và thông tin thương mại phục vụ cho Bộ An ninh Trung Quốc.
Nhiều đặc vụ Trung Quốc bị truy tố
Bộ Tư pháp Mỹ tiết lộ trong 12 năm từ năm 2006-2018, nhóm APT 10 đã tiến hành tối thiểu hai chiến dịch tin tặc quy mô lớn để tấn công mạng đối với nhiều doanh nghiệp tại 12 quốc gia gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Phần Lan, Canada, Nhật, Ấn Độ, Brazil và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.
Chiến dịch đầu tiên mang tên "Chiến dịch đánh cắp công nghệ" bắt đầu từ năm 2006 nhắm đến 45 công ty công nghệ và cơ quan chính phủ Mỹ. Phương thức tiến hành khá cổ điển, đó là gửi email nhử để cài cửa hậu (kỹ thuật lừa spear phishing).
Các doanh nghiệp bị gài bẫy hoạt động trong nhiều lĩnh vực như hàng không, không gian, công nghệ tin học, điện tử, năng lượng, quốc phòng. Trong số đó có nhiều tên tuổi trong NASA hoặc Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley.
Chiến dịch thứ hai mang tên "Chiến dịch đánh cắp MSP" bắt đầu từ năm 2014 nhằm tấn công các nhà cung cấp dịch vụ quản lý với chiêu thức như đề nghị cung ứng dịch vụ cứu dữ liệu hay bảo vệ mạng, sau đó sử dụng phần mềm gián điệp đánh cắp thông tin.
Từ máy tính bị nhiễm, bọn tin tặc tiếp tục xâm nhập máy tính của các doanh nghiệp khác.
Không chỉ vụ Chu Hoa và Trương Kiến Quốc, trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa hai nước, Mỹ còn tố thêm nhiều vụ khác.
Ngày 25-9-2018, quân nhân dự bị Kỷ Siêu Quần (27 tuổi, người Trung Quốc) đã bị FBI bắt giữ tại Chicago vì âm mưu chuyển thông tin thu thập từ tám nhà khoa học và kỹ sư làm việc cho các công ty hàng không dân sự và quân sự.
Đến ngày 10-10-2018, Từ Ngạn Quân (38 tuổi) bị bắt ở Bỉ vào đầu tháng 4-2018 đã bị dẫn độ về Mỹ. Đây là lần đầu tiên Mỹ tiến hành dẫn độ một nhân viên tình báo Trung Quốc.
Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng Từ Ngạn Quân là sĩ quan tình báo làm việc cho Bộ An ninh Trung Quốc đã bị Mỹ truy tố vì âm mưu gián điệp kinh tế.
Người này bị nghi ngờ từ năm 2013 âm mưu đánh cắp thông tin bí mật của nhiều công ty hàng không Mỹ như GE Aviation (cung cấp động cơ máy bay) dưới hình thức mời các chuyên viên công ty sang Trung Quốc dự hội thảo mà không tốn một xu.
Từ Ngạn Quân sẽ bị xét xử tại Cincinnati (bang Ohio), nơi đặt văn phòng của GE Aviation.
Cuối tháng 10-2018, Mỹ tiếp tục truy tố 10 công dân Trung Quốc gồm bốn đặc vụ và sáu tin tặc bị tình nghi hoạt động gián điệp kinh tế.
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, trong thời gian tối thiểu năm tháng, những người này đã tìm cách đánh cắp dữ liệu, quyền sở hữu trí tuệ và thông tin thương mại bí mật của các công ty hàng không Mỹ và Pháp, đặc biệt là công nghệ động cơ.
Ngành công nghiệp bán dẫn rất quan trọng đối với các hệ thống phòng thủ và sức mạnh quân sự của Mỹ
Báo cáo của các cố vấn tổng thống Obama
Cuộc chiến chống gián điệp - Kỳ 3: Mỹ - Trung đấu nhau trên thị trường vi mạch - Ảnh 3.
Nhà máy sản xuất linh kiện máy tính xách tay của Trung Quốc rất cần vi mạch. Trong ảnh: nhà máy ở Lục An (tỉnh An Huy) - Ảnh: Getty Images
Trung Quốc cần, Mỹ cố ngăn chặn
Giám đốc nghiên cứu Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp (IRIS) Jean-Vincent Brisset nhận định trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, nhiều quốc gia sử dụng tình báo kinh tế để bù đắp tình trạng lạc hậu công nghệ với chi phí rẻ nhất và Trung Quốc không phải ngoại lệ.
Các nước phương Tây nhận ra gián điệp Trung Quốc rất tích cực tìm cách đánh cắp thông tin như cài thực tập sinh vào các công ty mục tiêu hay chiêu dụ công dân Mỹ gốc Trung Quốc đại lục và lãnh thổ Đài Loan.
Lĩnh vực đáng quan tâm là hàng không vì dù Trung Quốc được chuyển giao công nghệ một số loại máy bay như Sukhoi Su-33 do Ukraine cung cấp nhưng lại chưa đủ sức sản xuất máy bay hiện đại như các nước phương Tây.
Máy bay dân dụng Comac C919 của Trung Quốc (dự kiến đưa vào sử dụng năm 2020) được trang bị phần lớn là thiết bị của Mỹ và châu Âu. Một lĩnh vực then chốt khác mà Trung Quốc lệ thuộc nhiều vào nước ngoài là vi mạch điện tử.
Vi mạch là nền tảng của kỹ thuật số và an ninh quốc gia trong khi Trung Quốc phụ thuộc nguồn cung cấp vi mạch chất lượng cao từ bên ngoài và lệ thuộc tình hình nhập khẩu thiết bị bán dẫn còn hơn cả dầu mỏ.
Từ thời chính quyền của tổng thống Barack Obama, Mỹ đã lo ngại làn sóng đầu tư của Trung Quốc vào các công ty thiết bị bán dẫn ở Mỹ. Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (trực thuộc Bộ Tài chính) xem xét từng trường hợp đầu tư từ Trung Quốc để xem có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia hay không.
Ví dụ năm 2015, Tổng thống Obama không cho Hãng Intel bán một số loại vi mạch tiên tiến cho Trung Quốc. Năm sau, ông ngăn cản Quỹ đầu tư Fujian của Trung Quốc thâu tóm hãng sản xuất vi mạch Aixtron của Đức.
Aixtron sản xuất thiết bị bán dẫn hiện đại dùng cho đèn LED, laser và pin năng lượng mặt trời. Các thiết bị này có thể dùng trong quân sự và Trung Quốc có thể mua mà Mỹ không thể hạn chế.
Hai tuần trước khi ông Obama chấm dứt nhiệm kỳ, các cố vấn đã công bố báo cáo "Bảo đảm đi đầu dài hạn trong ngành công nghiệp bán dẫn".
Báo cáo đề nghị xem một bộ phận công nghệ bán dẫn là bí mật quốc gia, đồng thời có biện pháp ngăn chặn nạn gián điệp công nghệ.
Đến thời Tổng thống Donald Trump, cuộc chiến chống gián điệp công nghệ và bảo vệ lĩnh vực vi mạch điện tử càng được củng cố chặt hơn.
Các biện pháp ngăn chặn Tập đoàn công nghệ Huawei và Công ty viễn thông ZTE của Trung Quốc lấn chiếm thị phần ở Mỹ là ví dụ minh họa rõ nét nhất.
Hơn 19 tỉ USD cho vi mạch
Để thay đổi tình trạng lạc hậu, năm 2014 Bắc Kinh đã thông báo thành lập Quỹ đầu tư công nghiệp vi mạch quốc gia trị giá 19,3 tỉ USD. Vi mạch giữ vai trò quan trọng để Trung Quốc thúc đẩy chương trình "Made in China 2025".
Trung tuần tháng 1-2019, báo Wall Street Journal đưa tin cơ quan công tố liên bang Mỹ đã bắt đầu điều tra hình sự về vụ Huawei đánh cắp bí mật thương mại và công nghệ của Công ty viễn thông di động T-Mobile (chi nhánh của Tập đoàn Đức Deutsche Telekom).
Năm 2014, T-Mobile đã gửi đơn kiện Huawei đánh cắp công nghệ liên quan đến robot Tappy có chức năng kiểm tra chất lượng điện thoại thông minh.
________________________
HOÀNG DUY LONG

Nga buộc tội công dân Mỹ bị bắt tại Matxcơva là gián điệp

04/01/2019 07:00 GMT+7

TTO - Các công tố viên Nga buộc tội ông Paul Whelan, 48 tuổi, sinh tại Canada và là cựu quân nhân Thủy quân lục chiến của Mỹ bị bắt tại Matxcơva tuần trước, đã hoạt động gián điệp.

Nga buộc tội công dân Mỹ bị bắt tại Matxcơva là gián điệp - Ảnh 1.
Ông Paul Whelan - Ảnh: LATIMES
Hãng tin Ria Novosti dẫn lời ông Vladimir Zherebenkov, luật sư của ông Paul Whelan, cho biết sau khi bị buộc tội, tòa đã phát lệnh bắt giữ tạm thời với ông Paul Whelan.
Luật sư này cũng nói đã kháng cáo và yêu cầu tòa cho phép ông Paul Whelan được bảo lãnh tại ngoại trong thời gian chờ xét xử.
Hãng tin AFP dẫn thông báo của cơ quan an ninh nội địa FSB của Nga cho biết ông Whelan bị bắt ngày thứ sáu tuần trước (28-12) "trong lúc đang thực hiện hành vi gián điệp".
Gia đình ông Whelan bác bỏ việc này, cho biết ông đang tới Matxcơva để dự đám cưới của một người bạn lính ngày trước ở Thủy quân lục chiến với một phụ nữ Nga.
Ông Whelan phản đối những cáo buộc với mình. Nếu bị kết án, ông có thể đối mặt với 20 năm tù.
Luật sư của ông Whelan cho biết cựu quân nhân Mỹ "đang hành xử một cách hợp tác" và các nhà điều tra Nga cũng đang đối xử với ông theo cách "chuyên nghiệp và tử tế".
Những cáo buộc với ông Paul Whelan được công bố đúng một ngày sau khi đại sứ Mỹ tại Nga, ông Jon Huntsman, gặp ông Paul tại nhà tù Lefortovo ở Matxcơva.
Tới nay chính quyền Mỹ vẫn thận trọng trong các phát biểu công khai về vụ việc của ông Paul Whelan. Ngày 2-1 ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Washington vẫn đang tiếp tục tìm hiểu thêm về sự việc.
Theo công ty nơi ông Paul Whelan đang làm việc, nhà cung cấp linh kiện xe hơi BorgWarner có trụ sở tại Mỹ, ông Paul Whelan là giám đốc phụ trách an ninh toàn cầu của công ty này.
Thông báo của công ty nêu: "Ông ấy chịu trách nhiệm giám sát an ninh tại các cơ sở của chúng tôi tại Auburn Hills, Michigan và các địa điểm khác của công ty trên toàn thế giới".
Tháng 12 năm ngoái một công dân Nga, bà Maria Butina, đã nhận tội trước tòa liên bang tại Washington, thừa nhận hành vi là một điệp viên nước ngoài tại Mỹ. Bà Butina đối mặt với 6 tháng tù và sau đó sẽ bị trục xuất.
D. KIM THOA

Điệp viên Ba Lan lĩnh án 14 năm tù do đánh cắp thiết bị S-300

Tòa án Moskva buộc tội một công dân Ba Lan hoạt động gián điệp sau khi bắt quả tang người này mua bán thiết bị S-300 bất hợp pháp.


Tổ hợp phòng không S-300 của Nga. Ảnh: TASS.
Tổ hợp phòng không S-300 của Nga. Ảnh: TASS.
Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) ngày 25/6 cho biết tòa án thành phố Moskva đã tiến hành một phiên tòa xét xử kín đối với công dân Ba Lan Marian Radzajewski với tội danh gián điệp.
Theo FSB, Radzajewski đã tìm cách đánh cắp các bộ phận bí mật của hệ thống tên lửa phòng không S-300 và bị bắt quả tang trong khi thực hiện một giao dịch bất hợp pháp.
"Tòa án Moskva đã tuyên Marian Radzajewski phạm tội làm gián điệp theo điều 276 của Bộ luật hình sự Nga. Người này bị kết án 14 năm tù với chế độ quản thúc nghiêm ngặt", FSB nhấn mạnh.
Radzajewski bị cáo buộc hoạt động dưới sự chỉ đạo của một tổ chức Ba Lan, được cho nhà cung cấp hàng đầu của quân đội các cơ quan mật vụ nước này.
Hệ thống phòng không S-300 được tập đoàn Almaz-Antey phát triển, sử dụng tên lửa do Cục thiết kế MKB Fakel và NPO Novator chế tạo. S-300 có tầm bắn 200 km, hệ thống radar có thể theo dõi được hơn 20 mục tiêu cùng lúc. Liên Xô bắt đầu đưa S-300 vào biên chế từ năm 1978, hiện có gần 20 quốc gia trên thế giới sở hữu tổ hợp phòng không này. Nga sở hữu tất cả các phiên bản S-300 với khoảng 2.000 bệ phóng.
Nguyễn Hoàng (Theo Sputnik)

Cựu sĩ quan Nga lĩnh án 10 năm tù vì làm gián điệp cho Ukraine

Cựu thiếu tá cùng vợ bị cáo buộc chuyển nhiều thông tin về Hạm đội Biển Đen của Nga cho Ukraine.


Dmitry Dolgopolov. Ảnh: FSB.
Cựu thiếu tá hải quân Nga Dmitry Dolgopolov. Ảnh: FSB.
Tòa án Nga ngày 28/2 kết án cựu thiếu tá hải quân Dmitry Dolgopolov 10 năm tù và vợ của sĩ quan này lĩnh án 9 năm tù, sau khi hai vợ chồng này bị Tổng cục An ninh Liên bang (FSB) Nga bắt quả tang có hành vi làm gián điệp cho Ukraine vào tháng 9/2017 tại thành phố Simferopol, TASS đưa tin.
"Cơ quan điều tra phát hiện ra Sukhonosova, vợ của Dmitry Dolgopolov, được tuyển mộ bởi đại tá Igor Klimenk từ Tổng cục Tình báo thuộc Bộ Quốc phòng Ukraine. Sukhonosova lôi kéo Dolgopolov hợp tác với tình báo Ukraine để bán thông tin lấy tiền", theo thông tin của FSB.
Dolgopolov và vợ thừa nhận đã thu thập các thông tin liên quan đến hoạt động và đội hình của Hạm đội Biển Đen Nga, sau đó chuyển cho tình báo Ukraine. "Các thông tin bị lộ này có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng của Nga", đại diện FSB cho biết.
Cựu thiếu tá Dolgopolov từng phục vụ trong đơn vị hải quân A-1743 của Ukraine đóng quân tại thành phố Simferopol, bán đảo Crimea. Khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, Dolgopolov không trở về Ukraine mà gia nhập quân đội Nga, phục vụ trong Hạm đội Biển Đen và bị Ukraine truy tố vì tội phản bội.
Nguyễn Tiến

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NGẬM SẦU (ĐL)

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH