Thứ Tư, 21 tháng 8, 2019

CỜ HÒA (ĐL)

 
BÀI HÁT VỀ CỜ TƯỚNG


CỜ HÒA
So kè tài cán, kéo cờ ra
Bày binh bố trận, vạch sơn hà
Nhấp tiên, một đứa dò la trước  
Để rồi ào ạt cuộc can qua

Dí tốt, vượt sông, xe, pháo, ngựa
Hàng ngang ứng chiến, bát trận đồ
Xe lệch, pháo lồng, song song mã
Ghểnh sĩ, gác bồ, xuất tướng ra
 
Cò cưa tiến thoái, quân tơi tả
Bì bõm vòng quanh, tướng te tua 
Binh pháp, quyền mưu phô diễn cả
Cờ tàn, hết nước, rủ nhau...hòa!

                                                                 Trần Hạnh Thu
 
Đọc bài thơ "Đánh Cờ", nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Người soạn: Vương Khánh Hưng




 

Kể chuyện cờ Tướng P1 : Nguồn gốc cờ Tướng

Nguồn gốc cờ tướng là vấn đề rất thú vị, hiện nay vẫn còn đang tranh luận và tiếp tục được tìm tòi , khảo cứu. Ai là người phát minh? Dân tộc nào là ông tổ của cờ tướng , Trung quốc hay Ấn độ? Mời các bạn cùng xem bài sưu tầm sau...
Giả thuyết lịch sử
Hiện nay có 2 giả thuyết chính về nguồn gốc cờ tướng :
1. Cờ tướng do cờ Lục bác phát triển mà thành. Cờ Lục bác du nhập vào Ấn độ, phát triển thành Saturanga. Saturanga sao đó lại du nhập ngược vào Trung quốc, kết hợp với cờ tướng đang có để trở thành cờ tướng ngày nay.
2. Cờ tướng là do Saturanga, một phát minh của người Ấn độ, du nhập vào Trung quốc phát triển mà thành, không liên quan gì đến cờ Lục bác.

Giả thuyết 1 được sự ủng hộ chủ yếu là từ các trang web của Trung quốc trong đó có wikipedia (tiếng Trung).Theo giả thuyết này thì cờ tướng đã có ở Trung quốc rất lâu trước khi người Ấn có Saturanga. Trong các tác phẩm từ thời Chiến quốc như “ Thuyết Uyển” và “Chiêu hồn-Sở từ” đã có nhắc đến cờ tướng (mà người Trung quốc vẫn gọi là Tượng kỳ). Giả thuyết 2 được các học giả phương Tây và cả trang wikipedia (tiếng Việt) ủng hộ. Để làm rõ giả thuyết nào đáng tin hơn, hãy xem cách đi cờ Saturanga :

-Tốt : mỗi lần di chuyển chỉ tấn 1 ô về phía trước, đi thẳng nhưng ăn chéo như cờ vua. Chỉ luôn luôn tấn 1 ô, không bao giờ nhảy 2 ô, vì vậy không có việc ăn tốt qua đường, cũng không có chuyện phong cấp.
- Vua, Xe và Mã có cách di chuyển hoàn toàn giống như cờ vua (mã không bị cản)
- Sĩ : Mỗi lần có 4 vị trí để di chuyển , đi tới ô chéo góc liền kề (giống như cờ tướng)
- Tượng : Đi giống như sĩ nhưng dài gấp đôi (giống như cờ tướng nhưng không bị cản)
Cũng xin lưu ý rằng vị trí ban đầu của các quân cờ không hoàn toàn giống như cờ vua vì 2 quân Vua đặt chéo nhau, không cùng 1 cột.

Rõ ràng cờ Saturanga có một số điểm giống cờ vua và một số điểm giống cờ tướng. Điều này cũng dễ hiểu vì chính bàn cờ Saturanga khi du nhập sang phương Tây thì trở thành cờ vua, còn du nhập vào Trung quốc thì trở thành cờ tướng.  

 Những cải tiến của người Trung quốc.
Cải tiến đầu tiên và cũng quan trọng nhất là vị trí đặt quân cờ : đặt ở giao điểm các đường chứ không đặt trên ô, quân di chuyển trên đường chứ không nhảy từ ô này sang ô khác. Chỉ với động tác này, bàn cờ tăng thêm số điểm đặt quân từ 64 của Saturanga lên 81, số quân ở hàng cuối từ 8 tăng lên 9. Vua giờ đây đã có thể ở ngay trục giữa và rất dễ dàng nhận thấy quân thêm vào bên phải vua chỉ có thể là 1 con sĩ, có vậy mới đảm bảo sự cân đối của bàn cờ.
Sau đó là phải vẽ đường cho quân Sĩ, chữ X trước mặt Vua được thêm vào và thế là ta có cửu cung.

Cờ tướng cổ đại không có quân Pháo. Các nhà nghiên cứu đều thống nhất là quân Pháo được bổ sung từ cuối thời nhà Đường (618-907), là quân cờ ra đời muộn nhất trong bàn cờ tướng. Nhiều người cho rằng quân Pháo xuất hiện muộn là do ngày xưa không có pháo binh. Sự thật hoàn toàn không phải vậy. Pháo binh xuất hiện rất sớm trong chiến tranh thời xưa. Vấn đề là muốn đưa Pháo vào bàn cờ thì bàn cờ đó phải đủ rộng . Bàn cờ 64 ô nếu muốn thêm quân Pháo thì cũng không biết phải đặt ở đâu khi quân 2 bên đông nghẹt như lô cốt thời nay! Bàn cờ tướng có chỗ đặt quân Pháo là nhờ số điểm đặt quân nhiều hơn (81 so 64). Xin nói thêm là bàn cờ Saturanga khi du nhập vào Thái Lan đã phát triển thành makruk, sang Nhật phát triển thành shogi. Hai loại cờ này đều không có quân Pháo chỉ vì đặt quân trên ô. Chỉ có bàn cờ janggi của Hàn quốc là có quân Pháo vì loại cờ này xuất thân từ cờ tướng sau khi cải tiến của Trung quốc, cũng đặt quân trên đường.

Người Trung quốc khi ấy phải mất nhiều thời gian loay hoay tìm vị trí cho quân Pháo này và cuối cùng cũng tìm được vị trí lý tưởng cho quân Pháo như chúng ta thấy trên bàn cờ ngày nay. Tuy nhiên, để có vị trí này thì hàng chốt phải đẩy rất xa lên phía trước. Kết quả là không đấu thủ nào dám tấn chốt vì chỉ cần tiến lên 1 bước thì sẽ bị chốt đối phương ăn mất ! Thế là Sở hà Hán giới ra đời, tạo thêm không gian ngăn cách 2 bên. Khi "hà" xuất hiện trên bàn cờ, 9 điểm đặt quân nữa được tăng thêm. Như vậy, bàn cờ tướng bây giờ đã có 90 điểm so với 64, đó là một sự mở rộng đáng kể. Diện tích chung của bàn cờ hầu như không tăng mấy (chỉ tăng thêm 8 ô) nhưng số điểm tăng thêm được 1 phần 3.

Quân cờ trong cờ tướng cũng được cách tân.Theo các tài liệu lịch sử, cờ tướng ở thời Đường được gọi là Tượng hý (du hý - trò chơi) có đặc điểm là quân cờ lập thể, bàn cờ có 64 ô vuông xen kẽ hai màu trắng đen, giống hệt bàn cờ vua hiện nay. Loại bàn cờ này đã được để lại trên các bức tranh dệt "Cầm, Kỳ, Thi, Hoạ" cũng như trên các vật dụng bằng sứ thời Đường.Thế nhưng sang thời Tống (960-1279) thì quân cờ trở nên dẹt và phẳng, trên có ghi chữ như quân cờ tướng ngày nay. Phải chăng đây là sự “cải lùi” ? Yếu tố kinh tế là một giả thuyết tuy dễ thuyết phục nhiều người nhưng chấp nhận giả thuyết này khác nào cho rằng người dân thời Tống nghèo hơn (hay tiết kiệm hơn) người dân thời Đường? Sự thật chẳng qua là khi người ta chấp nhận thay đổi vị trí đặt quân thì cũng dễ dàng chấp nhận những thay đổi khác như hình dạng quân cờ. Còn một lý do khác có thể thấy khi hình dung bàn cờ vua ngày nay: Nếu quân cờ đặt trên ô thì quân cờ không thể che hết ô, nhưng nếu đặt trên đường thì quân cờ có thể che hết đường, nghĩa là sẽ khó quan sát hơn.

Không còn nghi ngờ gì nữa, chính Saturanga là tiền thân của cờ tướng và cả cờ vua ngày nay. Bàn cờ tướng ngày nay là sự phát triển từ Saturanga, không liên quan đến 1 loại cờ nào khác. Khi người dân Trung quốc tiếp xúc với bàn cờ Saturanga, họ đã nhận ra sự ưu việt của loại cờ này so với cờ tướng hiện có lúc đó. Kết quả là hàng ngoại lấn lướt hàng nội, chiếm hết “thị phần”, thậm chí chiếm luôn cả “ thương hiệu”. Chuyện này không phải chỉ có ở bộ môn cờ. Bàn cờ tướng đã có ở Trung quốc từ trước khi Saturanga du nhập đã bị thất truyền, không còn ai chơi nữa .Tóm lại, giả thuyết 2 đáng tin cậy hơn.

Hóa ra bàn cờ tướng mà chúng ta vẫn chơi ngày nay là sản phẩm trí tuệ của hàng vạn người, thuộc nhiều thế hệ, nhiều dân tộc và phải mất hàng ngàn năm mới định hình !


Thú chơi tao nhã trong ‘Bát Nhã’ (P.1): Cờ tướng ẩn giấu huyền cơ binh pháp bên trong



Xưa nay, “cầm, kỳ, thư, hoạ, thi, tửu, hoa, trà” luôn được coi là tám thú vui thanh nhã của các bậc tao nhân mặc khách. Kỳ (chơi cờ) đứng sau cầm (chơi đàn) là môn nghệ thuật tao nhã, vừa tiêu khiển lúc nhàn rỗi, lại rèn luyện tâm nhẫn nại, trí tuệ thâm sâu, tầm nhìn xa rộng.
Cờ là môn nghệ thuật trí tuệ cổ đại Á Đông, gồm cờ vây (vi kỳ) và cờ tướng (tượng kỳ). Trò chơi cờ cổ đại nhất là lục bác và vi kỳ (cờ vây), do đó gọi chung là “bác dịch” (chơi cờ). Trong Luận ngữ – Dương Hóa, Khổng Tử nói: “Cơm no cả ngày, chẳng dụng tâm làm gì, sao có thể như thế được! Chẳng phải có người chơi cờ đó sao? Hãy chơi cờ, còn có tác dụng tốt với bản thân”. Khổng Tử cho rằng khi nhàn rỗi vô sự, hãy chơi cờ (lục bác, vi kỳ) vì nó là trò chơi vừa tiêu khiển mà lại vừa mở mang trí tuệ.
Nguồn gốc cờ tướng (tượng kỳ)
Tương truyền cờ tướng khởi nguồn từ thời Hoàng Đế. Hoảng Bổ Chi thời Bắc Tống viết trong Quảng tượng hý cách – Tự rằng: Trò chơi tượng hý là trò chơi quân sự, là cuộc chiến của Hoàng Đế, lấy trận đuổi mãnh thú, tượng (voi) là bậc anh hùng của các loài thú. Do đó trò chơi quân sự lấy tên tượng hý làm tên.
Cờ tướng xuất hiện sớm nhất vào thời Chiến Quốc. Trong Sở từ – Chiêu hồn đã ghi chép về cờ tướng và cách chơi: “Dùng đá ngọc chế thành quân giống con xúc xắc, bàn cờ to bằng cái rèm, mỗi bên có 6 quân. Cách chơi là chia quân ra hai bên đối nghịch nhau cùng tiến quân (hai người hoặc hai nhóm người chơi), tấn công nhau, ép đối phương vào đường chết, cuối cùng kẻ giành được mâu thì chiến thắng. Đánh bại quân địch (Thời Xuân Thu biên chế quân đội cứ 5 người là một Ngũ), hoan hô chiến thắng”.
Thời Xuân Thu Chiến Quốc cho đến thời Tần Hán, chiến loạn liên miên, khói lửa chiến tranh nổi lên tứ phía. Cờ tướng ra đời trong bối cảnh đó. Chiến tranh quân sự và thi đấu thể thao có nhiều điểm tương đồng, lấy chiến thắng làm mục đích cuối cùng, quá trình đối kháng là biểu hiện của các hành động kỹ thuật, có mưu lược chỉ đạo lại có thủ đoạn chiến thuật.
Thời Xuân Thu Chiến Quốc cho đến thời Tần Hán, chiến loạn liên miên, khói lửa chiến tranh nổi lên tứ phía. Cờ tướng ra đời trong bối cảnh đó. (Ảnh minh họa: cotuong.vn)
Cờ tướng là trò chơi trí tuệ mô phỏng chiến tranh cổ đại. Mỗi ván cờ đều ở trên bàn cờ bé như gang tấc mà diễn dịch ra giáo mác, ngựa xe, binh sỹ tương phùng. Xe, mã, pháo, binh (tốt) trên bàn cờ tượng trưng cho chiến xa, chiến mã, hỏa pháo (hoặc xe ném đá) và binh sỹ. So với các môn thể thao khác, cờ tướng có quan hệ nội tại trực tiếp nhất với quân sự cổ đại. Tư tưởng chiến lược và đặc trưng chiến thuật của cờ tướng cũng chịu ảnh hưởng tư tưởng quân sự cổ đại.
Nhưng hoàn thiện cờ tướng thì có lẽ là Hàn Tín thời Hán. Hàn Tín là đại tướng của Lưu Bang. Một lần Lưu Bang phái Hàn Tín đánh nước Triệu, Hàn Tín để cho quân sỹ có đầu óc thông minh nên đã cải tiến phát minh ra cờ tướng. Hàn Tín cho rằng, chơi cờ tướng có thể giải tỏa áp lực, huấn luyện khả năng đọc xem sa bàn (mô hình chiến trường), nên khích lệ tướng sỹ chơi cờ tướng. Tướng sỹ chơi cờ tướng cũng có được rất nhiều vui thú, quên đi nỗi thống khổ của chiến tranh.
Lưu Bang tự xưng là con của Xích Đế nên quân cờ màu đỏ. Hạng Vũ thời trẻ có lần thấy Tần Thủy Hoàng đi tuần, đoàn xe dài dằng dặc, mỗi xe cắm một lá cờ đen, trông như một con rồng đen đang uốn lượn, rất lấy làm hâm mộ, từ đó thích màu đen, lấy màu đen làm cờ hiệu quân đội mình, bản thân ông cũng cưỡi ngựa đen Ô Chuy. Vì vậy quân cờ hai bên chia đen – đỏ, với biên giới là Sở hà, Hán giới (Sông nước Sở, địa giới nước Hán).
Cờ tướng 32 quân, bàn cờ nho nhỏ, Sở hà Hán giới, đỏ đen đối đầu, gió giật mây vần, khó mà đoán định, ẩn chứa bên trong là đạo lý tiến thoái tồn vong, lại có biết bao huyền diệu âm dương, dài ngắn.
Chuyện chơi cờ tướng
Văn Thiên Tường đời Bắc Tống chơi cờ theo phong cách rất độc đáo. Khi ông làm tri châu Cám Châu, Giang Tây, thường với cao thủ cờ nổi tiếng vùng Giang Nam là Chu Tử Thiện đến giữa sông đấu cờ. Họ để bàn cờ làm bằng gỗ trên mặt nước, vừa du ngoạn vừa đấu cờ, đến khi hoàng hôn mới khoan khoái trở về.
Văn nhân mặc khách đều có duyên với cờ, thích làm thơ về cờ, đã để lại rất nhiều kiệt tác khoan khoái lòng người. (Ảnh minh họa: pinterest.com)
Văn nhân mặc khách đều có duyên với cờ, thích làm thơ về cờ, đã để lại rất nhiều kiệt tác khoan khoái lòng người. Nổi tiếng hơn cả có bài “Khốc tượng kỳ thi” (Thơ khóc cờ tướng) của Vương Dương Minh, một nhà triết học đời Minh.
Khi Vương Dương Minh còn nhỏ, một lần chơi cờ trên bờ sông với bạn, mải chơi quên ăn, mẹ gọi nhiều lần, cậu đều không thưa. Mẹ cậu giận quá, bèn bước đến ném các quân cờ xuống sông.
Vương Dương Minh tiếc nuối khôn nguôi, bất giác ngâm luôn một bài thơ làm mọi người phải vỗ bàn khen ngợi:
Cờ tướng trên tay lạc thú thay
Khổ nỗi mẹ nghiêm ném mất bay
Binh tốt rớt sông không thể cứu
Tướng quân đuối nước cũng đành thôi
Mã phi ngàn dặm theo dòng nước
Sỹ chốn ba sông sóng cuốn trôi
Pháo gầm một tiếng long trời đất
Tượng kia gục ngã ruột gan rơi.
Những câu thơ tỏ rõ ý chí của một đại tướng, nhìn thấy quân sĩ “chết” mà lòng đau đớn khôn cùng. Quả đúng vậy, sau này Vương Dương Minh trở thành một vị tướng tài ba, văn võ song toàn, là cột trụ của triều Minh, đánh dẹp và chấn chỉnh khắp nơi, đến tận ngoài 80 tuổi vẫn cầm quân ra trận.
Bàn cờ tiên Côn Sơn
Đỉnh Côn Sơn có khu đất phẳng, có tảng đá giống hình bàn cờ và hai người đang chơi cờ, tục gọi là bàn cờ tiên (hiện nay không còn, do hơn 20 năm trước cải tạo di tích đã sơ ý để phá mất).
Tương truyền vào những ngày mây mù che phủ kín đỉnh núi, đất trời giao hòa, các Tiên nhân hạ phàm du ngoạn, chơi cờ trên đỉnh Côn Sơn. Một hôm các vị Tiên đang say sưa chơi cờ, nghe thấy có tiếng người ồn ào đi đến, liền bỏ bàn cờ đang chơi dở ở đó mà bay đi, nên gọi là bàn cờ tiên.
(Ảnh minh họa: battlertea.com)
Cờ không chỉ là thú tiêu dao tao nhã của Tiên nhân, ẩn sỹ, mà cờ còn đào luyện quan niệm đạo đức tư tưởng, hành vi phép tắc, thẩm mỹ và tư duy con người. Trong cờ có điềm đạm, khoáng đạt, phong nhã, cơ trí và mưu lược, triết học, thi ca, nghệ thuật, tất cả đều nằm trong cờ.
Khi chơi cờ, người chơi ngồi cung kính, ngay ngắn, bình tâm tĩnh trí, điều hòa hơi thở, khiến cho toàn bộ thân, tâm yên định, lòng không chú ý đến xung quanh, không vội, không chậm, an nhiên tự tại, khiến thân thể ở trạng thái tốt nhất vần chuyển theo âm dương ngũ hành. Tinh, khí, thần của toàn thân điều hòa, thông với khí thái hòa của vũ trụ, giống như trạng thái luyện khí công vậy.
Triêu Lộ

Thú chơi tao nhã trong ‘Bát Nhã’ (P.2): Tình người như giấy từng trang mỏng, thế sự như cờ mỗi ván thay



“Cờ không chỉ là trò chơi tiêu khiển, mà còn đào luyện quan niệm đạo đức tư tưởng, hành vi phép tắc, thẩm mỹ và tư duy con người. Trong cờ có điềm đạm, khoáng đạt, phong nhã, cơ trí và mưu lược, triết học, thi ca, nghệ thuật, tất cả đều nằm trong cờ”. 
Thời Đông Tấn đã xảy ra một cuộc chiến tranh nổi tiếng lấy ít thắng nhiều, gọi là cuộc chiến Phì Thủy. Quân Đông Tấn chỉ với 8 vạn binh mã đã đánh bại đại quân 80 vạn quân Tiền Tần. Khi tin thắng trận truyền về kinh thành Kiến Khang, vị tướng quân tổng chỉ huy chiến dịch của Đông Tấn là Tạ An đang chơi cờ với bằng hữu, ông xem lướt báo cáo xong rồi để ra một bên, tiếp tục chơi cờ, tựa như mọi việc đều đã nằm trong dự tính của ông cả rồi. Người bạn có hỏi, ông chỉ nói bình thản: Không có gì, chỉ là lũ trẻ đã đánh bại quân địch mà thôi.
Tạ An là bậc tướng tài, thao lược trên chiến trường cũng như trong cuộc cờ, đều nằm trong dự tính cả. Phong thái chơi cờ cũng thể hiện rõ bản lĩnh tướng tài, lòng dù có sấm sét mà sắc mặt vẫn như mặt nước hồ thu phẳng lặng.
Cờ vây có nguồn gốc từ Trung Quốc cổ đại, là một trong những hình thức thể thao loại cờ lâu đời nhất. Thời gian xuất hiện khoảng thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên. Tương truyền, vua Nghiêu mơ thấy Hoàng Đế (người mở đầu thời Ngũ Đế) chơi cờ với vị tiên Dung Thành. Nhà vua thấy tiên Dung Thành chơi một loại cờ gồm một bàn cờ và các quân trắng đen, bèn thỉnh cầu tiên dạy cờ cho mình. Đang chơi cờ hay bỗng vua Nghiêu tỉnh lại. Nhà vua ngẫm ra thấy hay quá bèn tìm cách nhớ lại và bổ khuyết thêm các quy tắc, luật lệ và sáng tạo ra môn cờ vây, vì mục đích của nó là vây chiếm lãnh thổ, đất đai.
Tương truyền con trai của Nghiêu là Đan Chu thông minh nhưng rất ương bướng, tự phụ, cố chấp, bất hảo. Nghiêu đã dùng cờ vây để giáo dục, rèn luyện tính tình Đan Chu. Sau này Đan Chu trở thành người hiền tài và truyền bá cờ vây ra khắp thiên hạ.
Cờ vây dần dần phát triển ra các nước Á Đông, là một môn bắt buộc của giới trí thức xưa để tu thân dưỡng tính, là một trong tứ nghệ “Cầm kỳ thư họa”.
Có thể thấy, cờ vây ngay từ ban đầu khi ra đời đã là công cụ để giáo dục, có tác dụng khai mở trí tuệ, rèn luyện tâm tính.
Cờ vây ngay từ ban đầu khi ra đời đã là công cụ để giáo dục, có tác dụng khai mở trí tuệ, rèn luyện tâm tính. (Ảnh: pinterest.com)
Cờ là bộ phận quan trọng trong cuộc sống văn hóa phương Đông. Cờ không chỉ là trò chơi tiêu khiển, mà còn đào luyện quan niệm đạo đức tư tưởng, hành vi phép tắc, thẩm mỹ và tư duy con người. Trong cờ có điềm đạm, khoáng đạt, phong nhã, cơ trí và mưu lược, triết học, thi ca, nghệ thuật, tất cả đều nằm trong cờ.
Khi chơi cờ, người chơi ngồi cung kính, ngay ngắn, bình tâm tĩnh trí, điều hòa hơi thở, khiến cho toàn bộ thân, tâm yên định, lòng không chú ý đến xung quanh, không vội, không chậm, an nhiên tự tại, khiến thân thể ở trạng thái tốt nhất vận chuyển theo âm dương ngũ hành, tinh, khí, thần của toàn thân điều hòa, thông với khí thái hòa của vũ trụ, giống như trạng thái luyện khí công vậy.
Cờ vây thực sự là công cụ người cổ đại quan sát bầu trời. Bàn cờ đại diện cho bầu trời, quân cờ là những vì sao. Bàn cờ chia làm 4 bộ phần, có 361 điểm giao nhau, hợp với tự nhiên: trời tròn đất vuông, 4 mùa thay đổi, 1 năm (âm lịch) 361 ngày.
Giữa bàn cờ là Thái cực, quân cờ đen trắng biểu thị âm dương. Quân cờ không chia cấp bậc, chức năng, tùy ý đặt quân, cạnh tranh bình đẳng, giống như Đại Đạo chí giản. Chơi cờ chính là diễn dịch sự vận động của lưỡng cực âm dương: đối lập, ước chế, cân bằng, chuyển hóa.
Lúc nhàn rỗi, chơi cờ kết bạn, tăng cường trí tuệ. Bàn cờ tuy nhỏ, nhưng huyền diệu nhiều biến hóa, người nhân thì thấy nhân, kẻ trí thì thấy trí. Như thiên địa âm dương, vương chính, binh pháp thao lược, đối nhân xử thế, tiến thoái lấy bỏ, v.v..
Cuộc cờ như chiến trường, hai bên đen trắng bày binh bố trận, tấn công phòng thủ, đấu trí đọ dũng. Không những không được hèn nhát bảo thủ, mà cũng không được tham công mạo hiểm.
Cờ vây coi trọng tầm nhìn đại cuộc, không tính cái lợi nhất thời, không tranh được mất một nơi. Gặp khó khăn thất bại không được nản chí, tạm chiếm ưu thế, không được khinh địch, luôn luôn xem toàn cuộc. Văn sỹ Đông Hán Ứng Trường nói: “Đạo chơi cờ, quý ở nghiêm cẩn”. Cần có đại lược xuất thế, lại cần phải có mưu tinh xảo nhập thế.
Văn sỹ Đông Hán Ứng Trường nói: “Đạo chơi cờ, quý ở nghiêm cẩn”. (Ảnh minh họa: youhuafuzhi.com)
Các trạng thái chơi cờ rất nhiều, nên biểu hiện ra sự tu dưỡng tính cách của kỳ thủ. Lo được lo mất, ôn hòa quyết đoán, do dự không quyết, tranh từng tấc đất, trợn mắt báo thù, loạn mưu lớn, bại toàn cuộc, lòng đã tính hết, tỉnh bơ như không, biến bị động thành chủ động.
Thắng cố nhiên là vui, bại cũng đáng mừng. Kỳ phùng địch thủ, tướng gặp lương tài. Tránh xa chốn ồn ào náo nhiệt, đắm chìm vào trong ván cờ, khí an định thần thái nhàn nhã, yên tĩnh sâu xa, ung dung đại lượng.
Cảnh giới chơi cờ cao siêu nhất, đương nhiên là xuất thần nhập hóa, có thể gia nhập hàng ngũ Thần tiên. Kế đến là chơi cờ không lao thần phí sức, vận dụng cái huyền diệu ở nhất tâm. Kế tiếp là ý tứ thế nào cũng được, thập bát ban võ nghệ đều có thể lấy ra sử dụng.
Trong lịch sử, các nhân vật tiêu biểu của Nho – Phật – Đạo, các bậc đế vương, quan tướng, nhà chính trị, nhà quân sự, nhà văn, nhà toán học, nhà triết học, v.v… đều ca ngợi cờ vây, cho rằng thọ ích rất nhiều từ chơi cờ.
Hoàng đế Khang Hy cũng là người mê cờ, mỗi khi nhàn rỗi lại chơi một vài ván. Một lần, Khang Hy dẫn tùy tùng đi săn, cơn nghiền cờ bỗng nổi lên, bèn bày cờ ra chơi với một vị đại thần. Khang Hy đã nhanh chóng thắng liền 3 ván. Vẫn còn hứng thú, ông bèn tìm một cao thủ cờ đến chơi, đó là viên thị vệ tên gọi Nhân Phúc. Nhân Phúc cũng là người mê cờ, chơi cờ cũng rất chuyên tâm, chăm chú. Nhân Phúc rất cao cờ, nhất thời quên mất đối thủ là hoàng đế, liên tiếp tấn công đối thủ. Lão thái giám Quách Kế Công đứng quanh xem thấy hoàng đế chắc chắn sẽ thua rồi, thế là cái khó ló cái khôn nói: “Khởi tấu hoàng thượng, dưới núi phát hiện ra có con mãnh hổ, mời hoàng thượng mau chóng đi săn”.
(Ảnh minh họa: britannica.com)
Khang Hy nghe thấy vậy rất mừng, nói với Nhân Phúc: “Ngươi cứ đợi đây, đợi ta săn hổ về chúng ta chơi tiếp”. Nói rồi lên ngựa xách cung lao xuống núi. Nhưng dưới núi nào có con hổ nào, chỉ phát hiện ra một con hươu. Khang Hy thích săn bắn, là một thợ săn lão luyện, nên ông biết, có hươu thì nhất định không có hổ, nghĩ rằng Quách Kế Công già cả mắt hoa, nhìn hươu thành hổ.
Khang Hy cũng rất thích săn hươu. Con hươu này chạy rất nhanh, Khang Hy thúc ngựa theo sát, vượt qua mấy quả núi cuối cùng cũng bắn hạ được hươu. Qua mấy ngày, Khang  Hy mới nhớ ra ván cờ chơi dở với Nhân Phúc, bèn quay trở lại quả núi kia, thấy Nhân Phúc vẫn quỳ bên bàn cờ, không hề nhúc nhích. Lúc đó Khang Hy mới phát hiện ra Nhân Phúc trung hậu thủ chức kia đã chết, ông rất buồn. Từ đó Khang Hy luôn hối lỗi, thề sẽ không bao giờ thất tín nữa.
Cờ là nghệ thuật, nhưng cũng là tu dưỡng, với mỗi người ở các tầng thứ tu dưỡng khác nhau đều sẽ thể hiện ra sự khác nhau trên bàn cờ, vì bàn cờ cũng là cuộc đời, là nhân sinh. Con người rốt cuộc cũng là đi các nước cờ cuộc đời của mình cho đến khi kết thúc, lại xóa đi chơi ván mới, như câu thơ xưa rằng:
Tình người như giấy từng trang mỏng,
Thế sự như cờ mỗi ván thay.
Triêu Lộ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét