Thứ Năm, 29 tháng 8, 2019

QUÁI KIỆT LÀNG CỜ 11

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Tay chơi cờ tướng BÁ ĐẠO và TÀN ÁC nhất lịch sử, không ai nghĩ ra

Ba thiên tài cờ tướng của Trung Quốc !, Câu chuyện vỉa hè



Hồ Vinh Hoa-Hứa Ngân Xuyên-Triệu Hâm Hâm
(Ván cờ tướng đầy kịch tính của Hồ Vinh Hoa)
Dưới đây là bài viết đánh giá về các anh tài cờ tướng Trung Quốc đăng trên tạp chí Kỳ Nghệ tháng 1 năm 2008 (Tác giả : Nhạn Điểm Thanh Thiên) :

Từ năm 1956,khi giải vô địch cờ tướng quốc gia lần đầu tiên được tổ chức,tính đến nay đã qua hơn 40 năm tranh đấu,kỳ đàn Trung Quốc đã chứng kiến sự lên ngôi của 13 nhà vô địch khác nhau.Họ đều là những danh kỳ thủ xuất chúng nổi bật hơn cả giữa hàng nghìn,hàng vạn các kỳ thủ khắp Trung Hoa.Tuy nhiên thời gian thì dài và anh hùng không hiếm nhưng mới chỉ xuất hiện có 3 nhân vật thiếu niên nhờ vào tài năng kiệt xuất mà có được vinh quang tột đỉnh khi tuổi đời chưa đến đôi mươi.Thực là những bậc anh tài,thiên tư kỳ lạ vậy !

Người thứ nhất khi mới ở tuổi 15 sinh ở thành phố Thượng Hải tên là Hồ Vinh Hoa,người thứ 2 sinh ở huyện Huệ Lai tỉnh Quảng Đông tên là Hứa Ngân Xuyên,còn người thứ 3 mới đây nhất tên là Triệu Hâm Hâm sinh ở huyện Ôn Lĩnh tỉnh Chiết Giang năm nay 20 tuổi nhưng đã lên ngôi cách đó 1 năm khi tuổi đời mới 19 mà thôi.

Năm 1960,thiếu niên Hồ Vinh Hoa lần đầu tham chiến tại giải đấu quốc gia toàn quốc ngay tại trận thứ nhất đã phải đụng độ “Kỳ đàn thần đồng” của tỉnh Hồ Bắc là Lý Nghĩa Đình mà không hề thua kém.Trận thứ 2 đụng độ “Sát tượng minh vương” của tỉnh Liêu Ninh là Mạnh Lập Quốc đã chiến thắng vẻ vang,gây cơn chấn động đầu tiên trong làng cờ.Trận thứ 3 tiếp kiến “Thần Châu đệ nhất nhân” và cũng là tượng kỳ quốc thủ,Dương Quan Lân,đã đánh 1 trận xuất thần,trung tàn ghê gớm buộc họ Dương phải đầu hàng.Sau đó liên hồi gây ra sóng to gió lớn,cuối cùng ở trận cuối cùng (trận thứ 10) gặp “Lão tiên nhân” Lưu Ức Từ,bằng tài cao chí lớn đã xảo diệu điều binh lập nên đại nghiệp mở đầu thời kỳ Hồ Vinh Hoa thập liên bá chủ kéo dài mãi sau này.

Hứa Ngân Xuyên tham gia kỳ đàn trong lúc quần hùng cát cứ phân tranh.Năm 1991,khi mới 16 tuổi đã đoạt hạng 3 toàn quốc được giới cờ đặt cho biệt danh là Tiểu Ngân Xuyên.Năm 1992,hội ngộ Hồ Vinh Hoa,lĩnh hội ý tứ cho rằng sau này sẽ là kỳ vương Trung Quốc.Năm 1993,Thanh Đảo hội chiến,Tiểu Hứa đệ nhất kỳ phong giáp mặt hàng loạt các anh hùng bách chiến như “Đông phương điện não” Liễu Đại Hoa,”Yên Triệu kiêu tử” Lý Lai Quần,”Giang Nam tài tử” Từ Thiên Hồng,”Tân Đông Bắc Hổ” Triệu Quốc Vinh,”Dương Thành thiếu soái” Lữ Khâm mà không hề nao núng và đã đánh đến trận cuối cùng chiến thắng trước “Bố cục chuyên gia” Hà Bắc Diêm Văn Thanh để đắc vị đăng quang chính thức hoành không xuất thế.

Triệu Hâm Hâm,Tiểu bá vương miền Hoa Đông lại là hiện tượng mới của kỳ đàn Trung Quốc ngày nay.Bắt đầu nổi danh từ những năm đầu của thế kỷ mới.Năm 2002,Tiểu Triệu đoạt ngôi vô địch Trung Quốc ở độ tuổi thiếu niên.Năm 2004,khi mới 16 tuổi đã đứng hạng 6 Trung Quốc được phong Tượng kỳ đại sư.Năm 2006,trong cuộc hội chiến vinh danh Dương tiền bối lại đoạt được đệ nhất Dương Quan Lân Bôi trước rất nhiều hảo thủ.Năm 2007,tại giải Y Thái Bôi toàn quốc tổ chức ở Nội Mông Cổ,phong độ thăng hoa,liên hồi bách chiến,sau đó dùng đến tuyệt kỹ cờ nhanh loại bỏ cả Triệu Quốc Vinh và Lữ thiếu soái để một mình độc chiếm ngôi đầu,trở thành người thứ 13 trong lịch sử Trung Quốc từ trước đến nay có được vinh dự tối cao này.

Ba vị Hồ,Hứa,Triệu khi mới ở tuổi thiếu niên đã 3 lần gây lên chấn động,làm xôn xao toàn bộ giới cờ,quả thật đều khiến người ta kinh ngạc !

Sở dĩ như vậy vì cả 3 khi còn rất nhỏ đều được thừa hưởng niềm say mê đánh cờ từ gia đình,được cha mẹ dạy dỗ,truyền thụ sự hứng thú,đam mê với các quân cờ kỳ lạ,chính là gốc rễ cơ bản nhất để phát triển tài năng trở thành những anh tài tiếng tăm lừng lẫy khắp nước.Kỳ vương Hồ Vinh Hoa khi được các ký giả hỏi chuyện đều luôn nhắc đến sự truyền thụ những nước cờ đầu tiên của người cha khi ấy chỉ là 1 người công nhân bình thường ở bến Thượng Hải,còn như kỳ vương Hứa Ngân Xuyên thì may mắn hơn lúc còn ấu thơ được chính cha mình,1 người chơi cờ có tiếng ở địa phương tận tình dạy dỗ.Tân khoa Trạng nguyên Triệu Hâm Hâm thì xuất thân trong 1 gia đình doanh nhân ở Ôn Lĩnh,cha tuy bận bịu kinh doanh nhưng lại rất đam mê cờ tướng,sẵn sàng bỏ nhiều tiền của cho con học đánh cờ,sau này lại cho phép con theo nghiệp cờ với mong muốn trở thành người tài tiếng tăm nổi bật.

Để có thể trở thành những đại cao thủ như ngày nay thì cả 3 người Hồ,Hứa,Triệu đều không chỉ nhờ ở bản thân mà vẫn phải cần đến sự giúp đỡ,bồi đắp của các bậc danh sư,tài năng mới mãn thành và đạt được thành công như ý.Hồ Vinh Hoa thuở nhỏ theo học Đại Khánh tiên sinh được tập luyện bài bản mới có nhiều bước tiến sau này nhập tuyển lại được 2 lão danh thủ trứ danh toàn quốc là Hà Thuận An và Từ Thiên Lợi hết lòng đào tạo nên dù còn khá ít tuổi nhưng Hồ Vinh Hoa đã thông thạo rất nhiều chiêu thức cổ kim và lãnh hội đầy đủ tinh hoa của thế giới kỳ nghệ.Hứa Ngân Xuyên sau khi nhờ cha truyền thụ,võ công chỉ đủ để đoạt được quán quân nhi đồng sau chuyển sang theo học danh thủ Chương Hán Cường của Quảng Đông,nhờ thế kỳ nghệ mới ngày một tiến nhanh,đạt được thành công bước đầu,rồi khi 12 tuổi được nhận vào đội tuyển cờ tướng Quảng Đông có thêm sự huấn luyện nghiêm túc của các danh gia đương thời như Dương Quan Lân,Thái Phúc Như nên mới nhanh chóng thành tài và đảm đương trọng trách dành cho các kỳ thủ cao cấp nhất.Còn Hoa Đông tiểu tướng,Triệu Hâm Hâm khi còn 7,8 tuổi vốn đã là 1 thần đồng của huyện Ôn Lĩnh.Tiểu Triệu với danh hiệu Bách chiến hoan quân khi tham gia thi đấu ở tỉnh đều gặt hái vô số thành tích và để lại rất nhiều ấn tượng khó quên.Sau đó Triệu được chuyển sang học tập với 2 danh thủ là Trần Hàn Phong và Vương Hâm Hải thì kỳ nghệ bỗng chốc đại tiến cực nhanh.Năm 14 tuổi đã đoạt được danh hiệu quan quân thiếu niên toàn Trung Quốc được danh thủ năm xưa là Tổng tiêu đầu của đội cờ Thâm Quyến là đại sư Lưu Tinh chú ý,mời vào đội cờ của mình tham chiến các giải quốc gia,sau này khi ngồi ở vị trí tiên phong tại Giải đồng đội toàn quốc năm 2002,Tiểu Triệu với 9 trận bất bại (7 thắng,2 hòa) trở thành 1 hiện tượng rất đáng chú ý của năm đó.Đặc cấp đại sư Mạnh Lập Quốc chứng kiến bước tiến thần tốc của Tiểu Triệu còn viết hẳn 1 bài đánh giá đăng trên tạp chí Kỳ nghệ công khai ngưỡng mộ tài năng của Triệu đủ thấy Triệu tuy còn nhỏ nhưng chắc chắn đã không phải là 1 kẻ tầm thường !

Dẫu biết “Tự cổ anh hùng xuất thiếu niên” chỉ bằng những căn cơ nhen nhóm,chỉ học từ chỗ đơn sơ “Mã tẩu nhật,Tượng tẩu điền,Xa hoành trực,Pháo cách sơn” mà sau vẫn có thể trở thành nhất quốc kỳ quân thì tất không thể chỉ nhờ vào mỗi có thiên tư tuyệt đỉnh trời ban mà cần phải có tinh thần mạnh mẽ,ý chí phi thường,ngày đêm rèn luyện công phu như giũa ngọc mài kim mới mong có được thành tựu to lớn sau này.Hồ Vinh Hoa dù 15 tuổi đã ở ngôi cao nhưng vẫn không hề tự mãn,vẫn một lòng học đạo 2 lão danh sư,sau cùng vận dụng như ý mới có được sự nghiệp liên bá lẫy lừng về sau.Hứa Ngân Xuyên năm 12 tuổi đã phải rời xa gia đình một mình lên tỉnh tập trung quyết tâm cầu nghệ.Triệu Hâm Hâm sau khi đoạt ngôi quán quân thiếu niên Trung Quốc nhưng tinh thần không lung lay,ngoài việc học Trung học ở trường ra thì ngày đêm vẫn không quên tập huấn nâng cao trình độ cùng các bậc đàn anh tại Trung tâm cờ tướng Hải Dương Trung của tỉnh Chiết Giang.

Hồ,Hứa,Triệu cũng như bao kỳ thủ kiệt xuất khác,xuất phát điểm thì khác nhau nhưng mục đích chung thì giống nhau là đều luôn luôn không muốn dừng lại,luôn muốn cầu tiến trong mọi tình thế của mình.Hồ Vinh Hoa khi đã quá ngũ tuần nhưng uy phong vẫn chưa hề suy giảm không phải vì tài nghệ của lão tướng quân này quá mức ổn định mà vì Hồ Vinh Hoa nhất quyết bỏ qua ý định thoái ẩn phong đao,vẫn luôn cầu mong chiến đấu,cống hiến và thách thức sự tiến lên của lớp trẻ.Hứa Ngân Xuyên sau khi đã có tên tuổi,trong suốt 10 năm đạt được vô số thành công nhưng vẫn chưa vừa lòng,tinh thần và thể lực lúc nào cũng ở trạng thái dồi dào,lầm trận là quyết thắng,phát huy hết mọi khả năng của mình.Triệu Hâm Hâm,tuổi còn trẻ,tính tình vui vẻ nhưng niềm say mê và khả năng tập trung thì rất lớn.Trước trận nói nói cười cười tự nhiên thoải mái.Trong trận nghiêm chỉnh,lặng lẽ.Sau trận vẫn chưa muốn bỏ qua,vẫn thích bình luận thêm về ván đấu.Tại giải Dương Quan Lân Bôi lần thứ 2 năm 2006 đã từng luận kiếm với Lữ Khâm đến tận nửa đêm mà chưa muốn dứt.

Hồ,Hứa,Triệu,3 vị kỳ thủ xét về tâm lý thì dù cho tuổi đời có khác nhau nhưng phong thái thi đấu,tiến thủ thì rất mực vững vàng,bản lĩnh.Mỗi người một phong cách nhưng tựu chung lại đều ở nước cờ tự nhiên với niềm tin tuyệt đối.”Công tâm vi thượng”,điều khiển quân cờ mà mình đang có,suy nghĩ thấu đáo,nhận xét tinh tường,tấn công vào mọi trang thái yếu kém của quân địch,buộc quân địch phải tự đầu hàng.Cách đánh biến hóa khôn lường nhưng không phát sinh kiêu ngạo,coi thường nên nhờ thế sức cờ đuợc duy trì ở mức tối thượng,đạt được vô chiêu mà thắng hữu chiêu,đi từ hết thắng lợi này đến thắng lợi khác chắc chắn không phải nhờ ở may mắn và sự ngẫu nhiên.Hồ Vinh Hoa được biết đến với phong cách chơi cờ Đa mưu thiện biến,quỷ đạo cơ binh.Hứa Ngân Xuyên nổi danh với công phu Kim Cương bất hoại,lối đánh chính thường dĩ bất biến ứng vạn biến.Triệu Hâm Hâm bản tính sáng tạo,khảng khái,lấy nhanh thắng nhanh,lấy vô thắng vô,dùng hữu hạ hữu,bất luận cương nhu đều là hòa hơp.Hồ,Hứa,Triệu khi lâm trận thấy biến thì không sợ,cơ mưu linh hoạt,phân tích rõ ràng,đi cờ dứt khoát phản ánh trạng thái thi đấu tinh anh,sắc sảo,bền vững dài lâu.

Người Trung Quốc vốn dĩ rất tin vào mệnh trời,trong lĩnh vực cờ tướng cũng thế.Họ tin rằng các kỳ thủ kiệt xuất đều là những người có thiên tướng chiếu mệnh.Mà đã là có thiên tướng thì dù có thất bại thế nào thì vẫn có thể đứng lên đạt được những gì mong muốn.”Khổ tâm chí,lao cân cốt,tiên nhược suy,hậu mãn thành”.Năm 1960,sau 1 vài thắng lợi rất đáng ngạc nhiên,Hồ Vinh Hoa gặp Vương Gia Lương bị danh tướng Hoa Bắc này xuất tuyệt chiêu thí quân công sát,Hồ không đỡ nổi mà thốt lên rằng ” Sát chiêu cao” nhưng dù vậy vẫn không chột dạ mà tiếp tục tiến lên.Rồi đến thời kỳ 1980 bị mất chức vô địch ở Lạc Sơn vào tay Liễu Đại Hoa,không còn xưng hùng xưng bá được nữa,tiếp đó trong các năm 1981,1982 lại liên tục thất bại.Kỳ nghiệp đã có phần chững lại.Rút ra từ thất bại đó,Hồ Vinh Hoa thâm sơn luyện kiếm để đến năm 1983 mới quay trở lại uy chấn giang hồ đoạt được quan quân,lấy lại danh tiếng năm xưa trở thành truyền kỳ không dứt của kỳ đàn Trung Hoa đại lục.Hứa Ngân Xuyên sau 2 năm tham gia giải cá nhân toàn quốc dù sắp vinh quang nhưng lại tuột mất.Năm 1992,hội ngộ Hồ Vinh Hoa,trên thế thắng lại thất bại nên chưa thuyết phục được quần hùng nhưng sau đó vì không cam lòng mà quyết tâm phục hận đến lần thứ 3 mới có cơ hội lên ngôi,hội kiến Triệu Quốc Vinh bị Triệu dùng chủy thủ “đoản thối xa” đánh cho tan tành nhưng vẫn ngẩng đầu tiến về phía trước,cuối cùng đắc vị quán quân,xưng vương từ đó.Triệu Hâm Hâm năm 17 tuổi tham gia giải cá nhân toàn quốc bị vướng vào rắc rối bên lề bị cấm thi đấu 1 năm,sau đó bị nhiều điều tiếng không hay,đúng là 1 cú sốc khó thể vượt qua nhất là với 1 kỳ thủ tuổi đời còn quá non trẻ.Tuy nhiên Tiểu Triệu đã bỏ qua nhiều lời phê bình,không phát sinh tư tưởng chán chường bỏ nghiệp nên cuối cùng đến năm 19 tuổi vẫn được đến Nội Mông Cổ thi đấu,đánh cờ chậm không khuất phục hết chư hầu,đến khi đấu cờ nhanh tình hình lại không sáng sủa,lành ít dữ nhiều bỗng dưng tâm tư thoát ngộ liên tục đánh ra thần chiêu quái biến vào tới tận trận chung kết rồi đoạt luôn quán quân,lập nên công trạng to lớn cho quê hương mà từ đó vang danh khắp nước,trở thành ngôi sáng sáng chói trên kỳ đàn Trung Quốc ngày nay.

Hồ,Hứa,Triệu thực lực có thừa,cộng thêm tinh thần bền vững,có ý chí quật khởi mạnh mẽ,cầu tiến,có thắng có bại nhưng đều luôn coi trọng lấy đó làm bài học cho mình,sau đó nhờ vào lợi thế thiên tài trời ban mà phát huy đúng lúc đạt được công lao bậc nhất đến các danh thủ lâu năm đều phải hằng mơ ước,người bình thường chắc phải mấy mấy chục năm bỏ nhiều tâm huyết may ra mới có được thành công như thế.Họ không phải ở mức cao siêu thần thánh mà đều nhờ ở 1 khát vọng lớn lao,khai phá và nghiên cứu đầy đủ những lý thuyết cờ đã qua trở thành năng lực,tài nghệ ngấm dần vào tiềm thức của chính mình.Dựa trên nền tảng về 1 kho kiến thức vững vàng rồi từ đó biến hóa lên chứ không hề là sự ngẫu nhiên bộc phát.Hồ Vinh trong khi thi đấu các giải lớn vẫn không quên bỏ nhiêu công sức chuyên tâm xem lại các dạng khai cục cổ để cải tiến rồi bổ sung chỉnh lý cho phù hợp với thực tiễn của mình.Hứa Ngân Xuyên,căn bản thâm hậu coi chuyện nghiên cứu Khai cục là rất quan trọng,trong lối đánh chính thường bất biến vẫn luôn có điểm đột phá mới nhờ thế mới dành được nhiều chiến thắng vẻ vang.Triệu Hâm Hâm thừa hưởng tinh hoa trận thức của mấy trăm năm cộng lại nhưng không quá gò bó,vận dụng linh hoạt,sáng tạo,trong trận vẫn can đảm đem ra thử nghiệm chiêu mới,biến hóa kỳ lạ gây bất ngờ cho đối phương.

Thời đại mới,phát triển hơn,cờ tướng chắc chắn sẽ còn có nhiều bước tiến dài mạnh mẽ,sẽ xuất hiện nhiều anh tài cờ tướng tuổi trẻ và tài cao hơn nữa.Nhưng với những gì đã qua,đã được chứng thực,đã được ghi chép tỉ mỉ,cặn kẽ,có thứ tự và khoa học hơn có thể tạm coi như kỳ đàn ngày nay mới chỉ có 3 vị tướng gia đáng được gọi là thiên tài xuất chúng vậy.Ở họ chứa đựng đầy đủ tố chất và biểu hiện hơn người đủ sức thu hút lòng người mến mộ.Hồ Vinh Hoa với 40 năm chinh chiến chói lọi đại diện cho 1 thế hệ kỳ thủ năm xưa đang trên đường khai phá lý luận và thực tiễn thi đấu khốc liệt,khẩn trương của cờ tướng hiện đại.Hứa Ngân Xuyên với kiến văn sâu sắc,tư duy sâu xa,đại diện cho thế hệ kỳ thủ đương thời vừa tiếp thu vốn cũ,vừa mở rộng phát triển nâng cao lý luận hiện đại của cờ tướng.Triệu Hâm Hâm với lối nghĩ táo bạo,phong cách tự tin,không quên tinh hoa nguồn cội đại diện cho 1 thế hệ kỳ thủ tương lai,không ngừng tìm tòi,giao lưu mở rộng,trao đổi thông tin để đi đến 1 mức độ hoàn thiện và phổ quát hơn nữa trong nghệ thuật chơi cờ.

Chuyện đời lạ lùng của “Kỳ vương đất Bắc”

Dân trí Những năm bao cấp, dưới gốc thị đầu dốc Hàng Kèn - chếch góc Đại sứ quán Pháp và báo Đại Đoàn Kết bây giờ - có hai nhân vật thú vị hay ngồi. Một người là thầy bói, một người mở sới đánh cờ với cả thiên hạ. Người đánh cờ ấy chính là “Kỳ vương đất Bắc”- Nguyễn Tấn Thọ.

Giai thoại Kỳ vương
Hành trình đi tìm những con người bình dị mà cao quý của đất Hà Thành đã là cầu nối cho tôi gặp ông Tấn Thọ. Con người đã gắn bó với một nét văn hóa, có thể rất nhỏ nhưng đặc trưng của Hà Nội, mà nhắc đến, nghĩ đến là gợi nhớ ngay về Hà Nội, vừa gần gũi thân quen nhưng rất đáng tự hào.
Trong căn phòng diện tích chưa đến 20m2 ở một con ngõ nhỏ trên phố Trương Hán Siêu (Hoàn Kiếm, Hà Nội), nhìn ông lão tóc trắng, dáng người chậm chạp với đôi tai nghễnh ngãng, có ai ngờ chính là kì thủ lừng lẫy một thời. Ký ức về đời cờ giờ đây lúc liền mạch khi đứt quãng trong trí óc lão đại kì vương năm nay đã ngoài cửu tuần. Nhưng suốt cuộc trò chuyện, cứ nhắc đến cờ tôi thấy ông luôn chăm chú lắng nghe, gương mặt hiền hậu nở nụ cười.


“Kỳ vương đất Bắc” Nguyễn Tấn Thọ sống giản dị trong ngôi nhà nhỏ cùng con cháu (ảnh: Quỳnh Nguyên)
Nhấn để phóng to ảnh
“Kỳ vương đất Bắc” Nguyễn Tấn Thọ sống giản dị trong ngôi nhà nhỏ cùng con cháu (ảnh: Quỳnh Nguyên)
Với phong cách tấn công như vũ bão, cộng với việc sở hữu đôi tai dài, dầy dặn nên giới giang hồ kì thủ gọi là ông Tấn Thọ, quên mất cái tên khai sinh Nguyễn Văn Pho. 18 tuổi, ông Tấn Thọ đã đoạt chức vô địch cờ tướng Hà Nội. Một mạch nhiều năm liền vô địch cờ tướng toàn miền bắc, cái tên “Kỳ vương đất bắc” cũng theo đó mà thành, gắn bó với ông suốt 65 năm nay.
Vợ ông- bà Lâm Thị Lan bảo ông Tấn Thọ mê cờ lắm, như thể đó lẽ sống của đời mình. “Kỳ Vương” có một người con trai tên là Nguyễn Tiến Cường. Anh Cường bảo, trong kí ức tuổi thơ anh luôn nhớ hình ảnh cha ngày chơi, đêm khuya thanh vắng, tĩnh lặng đọc kỳ trận, nghiên cứu thế cờ. Suy nghĩ cờ nhiều đến nỗi gầy rạc cả người.


Người vợ hiền thảo của Kỳ vương (ảnh: Quỳnh Nguyên)
Nhấn để phóng to ảnh
Người vợ hiền thảo của Kỳ vương (ảnh: Quỳnh Nguyên)
Anh Cường kể, thời đó, ông đánh tốt đến nỗi mấy người xung quanh đứng xem chán quá bỏ về vì đã biết trước kết quả sau vài nước đi. Ông cứ liên tục giành được rất nhiều cúp trong các giải đấu. Có lần ông nhận được chiếc cúp làm bằng 1 nén bạc, sau đó, ông đem bán chiếc cúp lấy tiền chi tiêu. Đó là chiếc cúp vô cùng quý giá vẫn còn trong trí nhớ ông cho đến ngày hôm nay.
Do mê cờ từ bé nên anh Cường được nhiều dịp theo cha đi tỉ cờ khắp Bắc - Trung – Nam. Có lần, đến sới cờ Kinh Bắc giật giải, có tới 7 người chụm lại đánh với mình ông  Nguyễn Tấn Thọ. "Họ chơi theo lối "cờ tai", tức là đứng ngoài nhặt nước sót hộ người làng đang trong cuộc cờ, rồi mách nước. “Không nhẽ  lại nói họ gọi hết cả làng ra đây", anh Cường cười và thuật lại lời của cha...
Cả cuộc đời "Kỳ Vương" chinh chiến cờ không biết sợ ai. Sau năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, nghe nói trong đó nhiều người chơi cờ tuyệt lắm, "Kỳ Vương đất Bắc" cũng mấy lần khăn gói nhảy tàu vào Nam tỉ cờ.
Có lần, tháng 4/1988, hai danh thủ cờ Hà Nội là Nguyễn Tấn Thọ và Đinh Trường Sơn vào Sài Gòn tỉ đấu theo lời mời. Trong những trận đấu đó, có trận đấu kinh điển với cao thủ Trần Quới (còn gọi là Lác Chảy), đây được coi là trận so tài giữa Kỳ Vương 2 miền. Trần Quới vốn là một thiên tài cờ, đã lừng danh trong giới giang hồ cờ và lần lượt đánh thắng các tay cờ cự phách nhất Sài Gòn khi đó. Những trận gặp nhau ấy khi ông đã bước vào tuổi 52 còn Trần Quới  mới 30 đang độ sung sức, tuy nhiên cả hai lần thi đấu cả thảy 4 ván với nhau hai bên không bên nào thắng bên nào, trong đó có một ván cờ mù.
Kỳ vương “quy ẩn”
Cả một đời đánh đổi và cống hiến cho thăng trầm cờ tướng kinh kì, “Kỳ vương đất Bắc” Nguyễn Tấn Thọ về nghỉ hưu với lương ít ỏi một triệu đồng, ngoài ra không có bất kì trợ cấp nào khác.
Nhưng tâm huyết với cờ chưa dừng, "Kỳ vương đất Bắc" vẫn hàng chục năm tham gia tổ chức giải cờ tướng Chùa Vua - Hà Nội và giải cờ tướng Văn Miếu. Mãi đến mấy năm gần đây, khi không còn đủ sức khoẻ nữa ông mới về nhà nghỉ hẳn. “Hổ phụ sinh hổ tử”, anh Tiến Cường cũng đã nhiều lần vô địch giải cờ Chùa Vua, vô địch giải Văn Miếu, vốn là những nơi quy tụ rất nhiều kỳ thủ hàng năm đến so tài. Anh cũng đang đứng ra thay cha tổ chức các giải cờ xuân thường niên hàng năm tại Hà Nội.


Ông Nguyễn Tấn Thọ (người đội mũ, đeo kính) giữa những người yêu cờ khi còn khỏe (Ảnh tư liệu)
Nhấn để phóng to ảnh
Ông Nguyễn Tấn Thọ (người đội mũ, đeo kính) giữa những người yêu cờ khi còn khỏe (Ảnh tư liệu)
Con trai Kỳ vương chia sẻ: “Đời cờ cha tôi đúc kết lại trong 3 cuốn sách "Cờ tướng - những vấn đề cơ bản", "Những thế cờ sưu tầm và chọn lọc", "Khai cục, trung cục và tàn cục". Trong đó có cuốn viết chung với những tác giả từng là cao thủ cờ một thời”.
Ngoài ra, còn có rất nhiều bài đăng trên báo Đại đoàn kết những thế cờ khó do ông nghĩ ra để độc giả tham gia giải cờ vui trong thời gian dài, nhưng không có nhiều người giải được thế cờ của ông.
Cuộc đời những danh thủ cờ tướng khá lạ lùng. Có người chết trẻ, có người về già trở nên cực kỳ giàu có. Kể như ngay chính người từng thi đấu cờ với ông.  Năm 1988, khi Hồ Vinh Hoa, giành danh hiệu "Kỳ Vương" lần đầu tiên và được phong Đặc cấp quốc tế đại sư, năm 1982 và năm 1991 được thưởng Huân chương thể thao danh dự của Ủy ban TDTT Trung Quốc, thì "Kỳ Vương đất Bắc" ở Hà Nội vẫn đang thầm lặng đeo đuổi những cuộc tỉ cờ trong nhân gian, trăn trở với từng thế cờ vô thưởng vô phạt của đời cờ nghèo.
Lúc về già, Kỳ vương của chúng ta, ông sống giản dị cùng con cháu, một cuộc đời hoàn toàn không vinh hoa, danh lợi. Sau cơn tai biến xảy ra vài năm trước khiến việc nghe và nói chuyện của ông trở nên khó khăn hơn. Đã có lúc tưởng chừng ông không còn gượng dậy nổi và phải nằm liệt một chỗ, nhưng người đàn ông đã một đời ngang dọc với cờ vẫn lạc quan vui sống.
Có lẽ, thú chơi cờ nhiều khiến ông được rèn giũa, sống một đời nhường nhịn, ôn hòa, được nhiều người nể trọng. Bạn cờ khắp nơi vẫn thường đến thăm, cùng ông ôn lại chuyện cờ và bàn luận chuyện đời. Tôi cứ nhớ mãi về những câu thơ ông đọc :“Sống là động nhưng lòng luôn bất động/ Sống là thương nhưng lòng chẳng vấn vương/ Sống yên vui danh lợi mãi coi thường/ Tâm bất động giữa dòng đời biến động”.
Tôi nắm lấy tay ông, cảm giác gần gũi như người thân. Sau này và mãi mãi, những trận thư hùng, tranh tài gay cấn của ông rồi chỉ còn lưu truyền qua những giai thoại. Nhưng, cũng giống như ông, những kì thủ đã lưu giữ trong chính đời sống của mình những giấc mơ, những sáng tạo và dâng hiến cho đời sống của vùng đất kinh kì. Họ đã mang những vẻ đẹp của văn hóa Thăng Long truyền vào cộng đồng.
Quỳnh Nguyên

Trận cờ năm 1988 giữa " Kỳ vương đất Bắc " Nguyễn Tấn Thọ và " thiên tài phương Nam " Trần Quới

Đăng lúc: 10:35 15/10/2017 - Lượt xem : 834
Kỳ vương Nguyễn Tấn Thọ tên thật là Nguyễn Văn Pho sinh năm 1929 tại Hà Nội. Năm 12 được thầy Ngô Đình Ngọc tận tình chỉ dạy , 18 tuổi đã vô địch Hà Nội.
Trong hình ảnh có thể có: 8 người, mọi người đang ngồi

Thời đó ông đã giao đấu với tất cả các đàn anh đồng thời là cao thủ lừng lẫy thời bấy giờ, gồm tam kiệt: Du - Yến - Lịch, tứ trụ: Hùng - Chi - Vệ - Bột và hầu như thắng cả. Phong cách tấn công như vũ bão, cộng với việc sở hữu đôi tai dài, dầy dặn nên giang hồ cờ tướng gọi ông là “Tấn Thọ”. Cái tên “Kỳ Vương đất Bắc” của ông có từ năm 1951, do ông Trí Tầu buôn thuốc Bắc là người gọi đầu tiên, rồi “dân giang hồ” cứ theo đó gọi mãi mà thành.

Năm 1957, ông và các kỳ thủ Bảy Chấn (Nguyễn Văn Chấn), Trần Sang, Trương Trọng Bảo, Đào Tuấn Bình thành lập nhóm “Ngũ Tốt” cùng giữ chuyên mục cờ tướng cho báo Thống Nhất.
Cả cuộc đời Kỳ Vương không sợ ai. Sau 1975, nghe nói miền Nam nhiều người chơi cờ tuyệt lắm, Kỳ Vương mấy lần khăn gói nhảy tàu vào Nam. Một người Sài Gòn biết tiếng Kỳ Vương, nên mời ở lại khách sạn, nuôi ăn ở, treo bảng thách đấu các danh thủ và giao hẹn với ông hễ thắng một ngày thì trả một vé tàu. Ba ngày, Kỳ Vương miền Bắc hòa ba trận với Mai Thanh Minh, Nguyễn Văn Xuân và Trần Quới, ba kỳ thủ bậc nhất Sài Gòn, còn lại là thắng cả.
Danh thủ Trần Quới hay còn gọi là Lác Chảy, là cháu đích tôn của cụ Trần Vô Thám, một người dạy cờ bên Đài Loan, được gọi là Đệ bát đẳng Kỳ vương và là con trai của danh thủ Trần Minh Anh. Trần Quới là một thiên tài cờ đầy những giai thoại, gia nhập làng cờ giang hồ rất sớm, chủ yếu là để kiếm sống, từ tuổi 15 đã tự lập được bằng cờ. Tới năm 20 tuổi trở đi thì Trần Quới đã lừng danh trong giới giang hồ và lần lượt đánh thắng các tay cờ cự phách nhất Sài Gòn lúc bấy giờ.

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang ngồi

Năm 20 tuổi (1978) lần đầu tiên Trần Quới đoạt ngôi Vô địch cờ tướng toàn Sài Gòn sau trận chung kết gay cấn với danh thủ Hứa Kim Thành (tức Tiểu Nam Vang). Sau khi đoạt ngôi, Trần Quới về làm đài chủ tại Trung tâm Văn hóa quận 5 (Đại Thế giới cũ) và thu hút được rất đông danh thủ tứ xứ đến tỉ thí. Chưa môt ai có thể thắng nổi Trần Quới ở kỳ đài này, dù đất Sài Gòn, Chợ Lớn có bao nhiêu tay cờ siêu hạng, thành tích đầy mình thì mới thấy hết tài năng của Quới - “thiên tài cờ phương Nam”.
Trận cờ giữa Kỳ Vương đất Bắc và Thiên tài phương nam được diễn ra vào tháng 4 năm 1988 . Hai cao thủ đấu với nhau 3 ván cờ , trong đó có 2 ván cờ chậm và 1 ván cờ mù (cờ tưởng). Kết quả là bất phân thắng bại.

Ván 1 : Nguyễn Tấn Thọ tiên hòa Trần Quới

Ván 2 : Trần Quới tiên hòa Nguyễn Tấn Thọ

Ván 3 : cờ mù Nguyễn Tấn Thọ tiên hòa Trần Quới

Giai thoại của "Kỳ vương đất Bắc"

15:53 Chủ nhật 22/02/2015

Nhìn ông lão tóc trắng, bước đi khệnh khạng trong bộ quần áo nhàu nhĩ, ít ai ngờ rằng ông chính là "Kỳ Vương đất Bắc" lừng lẫy một thời.

12 tuổi tập đi những nước cờ đầu tiên. 15 tuổi, khi đang tầm sư học đạo tại sới võ do anh trai mở, ông được nhà thơ chữ Hán tài năng Ngô Linh Ngọc chỉ bảo những nước cờ đầu tiên. Từ đó, ông bén duyên và theo nghiệp cờ cho đến tận bây giờ.
Nghiệp cờ
Nhìn ông lão tóc trắng, bước đi khệnh khạng trong bộ quần áo nhàu nhĩ, ít ai ngờ rằng ông lão đang ngồi trước mặt tôi lúc này chính là "Kỳ Vương đất Bắc" lừng lẫy giang hồ cờ một thời. Ông đã từng "chinh chiến" Bắc Nam, tỉ cờ với các cao thủ hàng đầu đất nước.
Nghiệp cờ đến với ông như một cơ duyên trời định. Năm 18 tuổi, ông đã vô địch cờ Hà Nội. Các đàn anh đồng thời là cao thủ lừng lẫy thời bấy giờ, ông đều đã từng kỳ đấu và hầu như thắng cả.
Phong cách tấn công như vũ bão, cộng với việc sở hữu đôi tai dài, dầy dặn nên giang hồ cờ tướng gọi ông là "Tấn Thọ". Cho đến tận bây giờ, người ta vẫn gọi ông với cái tên này, hầu như không mấy ai còn nhớ cái tên khai sinh Nguyễn Văn Pho của ông nữa.
Trong những lần đi "tỉ thí", người ta thấy ông có phong cách tấn công mạnh mẽ, nước cờ táo bạo mà chặt chẽ uyên thâm vô cùng, xứ Bắc ít người sánh kịp, nên phong ông là "Kỳ vương đất Bắc". Rồi cái tên gọi đó theo ông cho mãi đến sau này.
Kỳ Vương Nguyễn Tiến Thọ đang tính nước cờ
"Trong thời bao cấp, do giỏi tiếng Pháp, ông được giao công tác biên dịch tài liệu cho cơ quan. Các văn bản, tài liệu thường được ông dịch nhanh chóng và chính xác, nhưng ông do quá ham mê cờ, ông nói với cơ quan là mất nhiều thời gian để dịch tài liệu nên ở nhà dịch, rồi dành có thời gian thừa đi chơi cờ. Kết quả, công việc hoàn thành mà ông vẫn thỏa mãn được niềm ham mê cờ của mình" - vợ ông tươi cười kể về câu chuyện của chồng.
Ông đã tham gia viết 3 cuốn sách "Cờ tướng - những vấn đề cơ bản", "Những thế cờ sưu tầm và chọn lọc", "Khai cục, trung cục và tàn cục". Trong đó có cuốn viết chung với những tác giả từng là cao thủ cờ một thời.
Ngoài rất nhiều bài viết trên báo cho những người yêu cờ, ông cũng đã từng gửi đăng trên báo Đại đoàn kết những thế cờ khó do ông nghĩ ra để độc giả tham gia giải cờ vui trong thời gian dài, nhưng không có nhiều người giải được thế cờ của ông.
"Kỳ Vương đất Bắc" đã có hàng chục năm tham gia tổ chức giải cờ tướng Chùa Vua - Hà Nội và giải cờ tướng Văn Miếu. Người tham gia các giải cờ ông dẫn mỗi ngày một đông hơn. Mãi đến mấy năm gần đây, khi không còn đủ sức khoẻ nữa ông mới về nhà nghỉ hẳn. Cờ tướng Việt Nam có được như ngày hôm nay âu cũng là một phần nhờ những con người như Nguyễn Tấn Thọ.
Giai thoại "Kỳ Vương đất Bắc"
Năm 1958, Nguyễn Tấn Thọ giành giải vô địch cờ tướng Hà Nội. Mười năm sau, năm 1968, Nguyễn Tấn Thọ vô địch cờ tướng miền Bắc. Cuộc đời ông bước sang một trang khác từ đây.
Ông bắt đầu đi tỉ cờ khắp Bắc - Trung - Nam, cuộc đời chơi cờ trải qua không biết bao trận thư hùng, tranh tài gay cấn. Ngày chơi, đêm khuya thanh vắng, tĩnh lặng đọc kỳ trận, nghiên cứu thế cờ. Suy nghĩ cờ nhiều đến nỗi gầy rạc cả người.
Có lần, đến sới cờ Kinh Bắc giật giải, có tới 7 người chụm lại đánh với mình Nguyễn Tấn Thọ. "Họ chơi theo lối "cờ tai", tức là đứng ngoài nhặt nước sót hộ người làng đang trong cuộc cờ, rồi mách nước. Không nhẽ tôi lại nói họ "gọi hết cả làng ra đây", ông mủm mỉm cười và nhớ lại.
Thời đó, ông đánh tốt đến nỗi mấy người xung quanh đứng xem chán quá bỏ về vì đã biết trước kết quả sau vài nước đi. Ông cứ liên tục giành được rất nhiều cúp trong các giải đấu. Có lần ông nhận được chiếc cúp làm bằng 1 nén bạc, sau đó, ông đem bán chiếc cúp lấy tiền chi tiêu. Đó là chiếc cúp vô cùng quý giá vẫn còn trong trí nhớ ông cho đến ngày hôm nay.
Người con trai lớn của ông là anh Nguyễn Tiến Cường kể lại, hàng chục năm trước, bố ông có một người bạn tên là Biểu, quê Thái Bình, thách đấu cờ và bị thua cược mất 18 cây đàn tam thập lục rất quý giá thời bấy giờ cho các cao thủ cờ Hải Phòng.
Biết tin, ông Thọ lập tức đi tỉ cờ thách thức với những cao thủ Hải Phòng đó và thắng lại được 18 cây đàn cho người bạn của mình. Sau khi ông ra về, người Hải Phòng mới ngã ngửa rằng, người tỉ thí cờ cùng mình là Nguyễn Tấn Thọ, "Kỳ Vương" nghe danh đã lâu mà chưa biết mặt.
Năm 1966, Trung Quốc cử 3 cao thủ cờ của họ là Dương Quan Lân, Sái Phúc Như và Hồ Vinh Hoa sang thi đấu hữu nghị với làng cờ Hà Nội. Nguyễn Tấn Thọ lại được cử tiếp chiêu. Ông đánh 3 trận, 2 hòa và 1 thua.
"Tôi chỉ được báo trước cho có khoảng một tuần, còn không được xem kỳ bản để nghiên cứu xem người ta đã chơi thế nào", ông Thọ nói.
Ông thất trận trước thiên tài cờ tướng trăm năm có một, người được coi như "Phượng hoàng tái sinh" trong giới kỳ nghệ của Trung Quốc đại lục là Hồ Vinh Hoa sau 171 nước. Trận thua hàng chục năm về trước đó vẫn còn trong tâm trí ông như mới ngày hôm qua.
Nước cờ của Kỳ Vương vẫn còn minh mẫn
Cả cuộc đời "Kỳ Vương" chinh chiến cờ không biết sợ ai. Sau năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, nghe nói trong đó nhiều người chơi cờ tuyệt lắm, "Kỳ Vương đất Bắc" cũng mấy lần khăn gói nhảy tàu vào Nam tỉ cờ.
Có lần, tháng 4/1988, hai danh thủ cờ Hà Nội là Nguyễn Tấn Thọ và Đinh Trường Sơn vào Sài Gòn tỉ đấu theo lời mời, trong ba ngày, "Kỳ Vương đất Bắc" hòa ba trận với Mai Thanh Minh, Nguyễn Văn Xuân và Trần Quới, ba kỳ thủ bậc nhất Sài Gòn lúc bấy giờ, còn lại là toàn thắng.
Trong những trận đấu đó, có trận đấu kinh điển với cao thủ Trần Quới, đây được coi là trận so tài giữa Kỳ Vương 2 miền. Trần Quới vốn là một thiên tài cờ, đã lừng danh trong giới giang hồ cờ và lần lượt đánh thắng các tay cờ cự phách nhất Sài Gòn khi đó.
Cuộc cờ hôm đó hấp dẫn và hồi hộp đến từng nước đi. Cuối cùng hai ván cờ giao hữu đều đưa đến kết quả hòa nhau, không ai dám mạo hiểm nước cờ nên không bên nào mở được tỷ số.
Lão "Kỳ Vương" quy ẩn
Khác với những suy nghĩ ban đầu của tôi, là sẽ được bước chân vào ngôi nhà rộng rãi khang trang của một kiện tướng cờ cả đời ngang dọc, người góp phần không nhỏ cho sự hưng thịnh của làng cờ tướng trong nước nhưng cuộc đời "Kỳ Vương" hoàn toàn không vinh hoa, danh lợi.
Ông là người con thứ 6, trong một gia đình gồm có 7 anh chị em. Hiện nay, tất cả những anh chị em của ông đều đã ra đi. Ông sống giản dị cùng con cái trong một con ngõ nhỏ trên phố Trương Hán Siêu, Hà Nội. Căn phòng nhỏ với diện tích chưa đến 20m2.
Tôi gặp ông ngồi đó trên chiếc giường nệm cũ, tránh cơn gió lạnh đầu xuân đang ập đến bao trùm lấy căn phòng nhỏ đơn sơ. Đôi tai nghễnh ngãng, dáng người chậm chạp nhưng những ký ức về đời cờ đã qua của ông vẫn còn lưu lại khá rõ trong trí óc lão kiện tướng nay đã gần cửu tuần.
Cuộc đời giản dị của "Kỳ Vương" sau một đời ngang dọc kỳ đấu
Năm 1988, khi Hồ Vinh Hoa, giành danh hiệu "Kỳ Vương" lần đầu tiên và được phong Đặc cấp quốc tế đại sư, năm 1982 và năm 1991 được thưởng Huân chương thể thao danh dự của Ủy ban TDTT Trung Quốc, thì "Kỳ Vương đất Bắc" ở Hà Nội vẫn đang thầm lặng đeo đuổi những cuộc tỉ cờ trong nhân gian, trăn trở với từng thế cờ vô thưởng vô phạt của đời cờ nghèo.
Cờ yêu cầu người chơi phải tính toán, mà cuộc đời vốn nhiều điều sơ sót, sai lầm không ai có thể tránh khỏi. Chơi cờ nhiều khiến ông được rèn giũa, sống một đời nhường nhịn, ôn hoa, được nhiều người nể trọng. Vì thế, cho đến nay, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, bạn cờ khắp nơi vẫn đến thăm, nghe ông kể chuyện cờ và bàn luận chuyện đời.
Hổ phụ sinh hổ tử, người con trai lớn của "Kỳ Vương" mãi sau này khi đã lập gia đình mới bước chân vào nghiệp cờ theo cha. Đến nay, anh Cường cũng đã năm lần vô địch giải cờ Chùa Vua, vô địch giải Văn Miếu, vốn là những nơi quy tụ rất nhiều kỳ thủ hàng năm đến so tài. Anh Cường cũng đang đứng ra thay cha tổ chức các giải cờ xuân thường niên hàng năm tại Hà Nội.
Sinh năm 1929, "Kỳ Vương đất Bắc" năm xưa, nay đã 86 tuổi và yếu đi nhiều. Sau cơn tai biến xảy ra vài năm trước, có lúc tưởng chừng ông không còn gượng dậy nổi và phải nằm liệt một chỗ, nhưng người đàn ông đã một đời ngang dọc với tình yêu cờ vẫn đầy nỗ lực, đứng vững trước sóng gió tuổi già.
Chiếc áo len chui đầu đã sờn chỉ, chiếc quần kaki lem nhem màu, mái tóc trắng như cước và hàng râu bạc lởm chởm. Khoác bên mình cái túi da con màu đen đã cũ, đôi tay chầm chậm xếp cờ, "Kỳ Vương" rủ tôi vào bàn: “Cậu biết đánh không?”.
Tôi ngồi cùng ông. Cờ của "Kỳ Vương" vẫn nhanh và minh mẫn lắm, sắc sảo trong từng nước đi, cờ cuộc như đã ngấm vào máu thịt của ông, ông chiếu tôi khi chưa tới 20 nước cờ.
Ngoài chế độ lương hưu hơn 1 triệu đồng/tháng do nghỉ mất sức, ông không được hưởng bất kỳ chế độ nào sau một đời đánh đổi và cống hiến cho thăng trầm cờ tướng đất kinh kỳ. “Đời kỳ thủ nghèo lắm”, ông chép miệng nhìn tôi cười hiền, tay dịch pháo công thành.
Nguồn: Motthegioi.vn
Nguyễn Trần Chung | 00:00 30/11/-0001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét