Thứ Hai, 26 tháng 8, 2019

QUÁI KIỆT LÀNG CỜ 10

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Ván Cờ Hay Nhất Mọi Thời Đại - Tập 1
  
Ván Cờ Hay Nhất Mọi Thời Đại - Tập 2
  
Ván Cờ Hay Nhất Mọi Thời Đại - Tập 3
  
Ván Cờ Hay Nhất Mọi Thời Đại - Tập 4


Kể chuyện cờ tướng P8: Khô Mộc Thiền Sư


alt
Mang danh một nhân vật lừng lẫy võ lâm giang hồ : "Khô Mộc Thiền Sư", nhưng Dương Thanh Danh  lại nhỏ nhắn, hiền lành ít nói.Ông như một gốc cây cổ thụ già lặng lẽ tỏa bóng mát che chở cho các mầm non năng khiếu cờ Tướng TPHCM đâm chồi nảy lộc....
Vượt lên số phận, tạo dựng nghiệp cờ
Khoảng hơn ba chục năm trước, giới giang hồ cờ độ Sài Gòn bắt đầu chú ý đến một "thằng nhỏ" đánh cờ tuyệt hay, tính toán cực kỳ thông minh, sắc nét. "Thằng nhỏ" còn hay đi chung với thiên tài "Lác chảy" Trần Quới nên càng được chú ý nhiều hơn. Nhưng khác với kỳ vương Trần Quới - chuyên đánh độ, cờ bạc - "thằng nhỏ" kia đi xem đánh cờ, chơi cờ chỉ để học hỏi kinh nghiệm. "Thằng nhỏ" đó chính là Dương Thanh Danh. Rồi đường đời rẽ đôi hai ngả: Trần Quới cùng một nhóm bạn cờ bỏ quê hương ra đi và mất tích từ năm 1988. Còn Dương Thanh Danh thì lặng lẽ với đời, mải mê với sự nghiệp cờ,  kể cả đến khi làng cờ phong tặng cho ông danh hiệu Khô Mộc Thiền Sư lẫy lừng thiên hạ thì ông vẫn thế...

Dương Thanh Danh kể mình bị bệnh lao phổi, một trong tứ chứng nan y thời đó, không thuốc gì chữa được. Cũng chính căn bệnh này đã cướp đi nhiều tài hoa của của làng cờ Sài Gòn khi tuổi đời họ còn rất trẻ. Đậu xong tú tài, bệnh phổi nổi lên nặng, ông phải bỏ học ngang. Vừa lo chữa bệnh , vừa phải mưu sinh bằng những việc nhẹ, chỉ lúc rảnh rỗi ông mới đến được với cờ. Nhờ tập thái cực quyền với quyết tâm bền bỉ, ông qua được cơn hiểm nghèo. Và cũng chính nhờ đức tính thật thà, không thích cờ bạc mà Dương Thanh Danh thoát khỏi cái bẫy của nghiệp cờ luôn giăng ra với các kỳ thủ : vì đánh độ nhiều, ăn uống thất thường, lao tâm khổ tứ suy nghĩ, nhiều kỳ thủ mắc bệnh lao phổi đã phải chết sớm hơn người thường.
Hỏi thật Dương Thanh Danh, đến giờ có nợ nần, bài bạc gì không, ông nhỏ nhẹ: "Mình tiêu xài cũng ít, chưa hề nợ nần gì ai". Ông cũng chẳng hút thuốc hay bia rượu. Nói về đánh cờ độ, thấy ông cũng không hứng thú: "Ngày xưa, cũng có thời gian vài năm đánh độ nhưng do hoàn cảnh. Đánh để học hỏi, cũng bị nhiều người kêu chơi giùm, họ hùn tiền vô cho mình đánh. Quan trọng là mình không thích cờ bạc nên từ hồi đó đến giờ không đánh độ nữa". Tóm tắt về con người Khô Mộc Thiền Sư, theo lão danh thủ Phạm Tấn Hòa là: " Anh Danh có nhân cách đáng kính, biết vượt lên số phận".

Người đi ươm mầm năng khiếu
"Từ 19, 20 tuổi trở đi, người mình lúc nào cũng chỉ được 36, 37 ký. Đi đánh giải, ngồi lâu chịu không được vì đau đầu. Cũng bị thua nhiều ván vì lý do sức khỏe" - ông Danh tâm sự. Mãi cho đến bây giờ, ông mới mập, rắn chắc hơn. Ông kể: "Mình mới mập lên sau này , giờ chắc cũng được hơn 45 ký, cũng nhờ bền bỉ tập luyện thái cực quyền, tháng ăn chay 4 ngày, ngày nào cũng đi dạy học ". Bước lại xe lấy bộ cờ trong túi xách trước giỏ xe, Khô Mộc Thiền Sư nói vừa mới đi đến trường dạy cờ cho một học sinh. Từ vài năm nay , Dương Thanh Danh được chuyển từ HLV Q5 lên đội tuyển TPHCM . Ông phụ trách đào tạo cho lớp năng khiếu gồm các em học sinh các lứa tuổi từ U9 đến U18 . Nhắc đến học sinh, thấy ông vui lắm: "Nhiều em còn nhỏ, chỉ 7-8 tuổi đã có năng khiếu. Các em gọi mình bằng thầy".

Hàng ngày , Khô Mộc Thiền Sư lại đều đặn lên lớp , chỉ dẫn cho các em ở đội cờ năng khiếu TPHCM. Có những bữa, các em kẹt học văn hóa không tập trung được, thầy Danh lại đến từng trường, dạy từng em một như bữa hôm nay. "Mình gặp các em là vui. Các em phải học văn hóa nhiều, cũng thông cảm . Nên mình chỉ dạy tại lớp, không ra bài về nhà". Nói chuyện về các học sinh thông minh hiếu động, chẳng nghe thầy Danh phàn nàn một tiếng, chỉ thấy khen: "Mình dạy các em khai cuộc, tàn cuộc, sửa cho các em các lỗi căn bản, hay gặp. Mong các em tiến bộ, sau này thi đấu giành giải".
Cứ mải miết lặng lẽ như thế , vậy mà nhiều tài năng năng khiếu của Sài Gòn đã xuất thân từ lò Dương Thanh Danh . Liên tiếp nhiều năm nay , TPHCM thống trị giải quốc gia ở các lứa tuổi trẻ nhờ từ những đóng góp của các em. Các phụ huynh biết tiếng đã đưa con đến tận nhà gửi gắm cho Khô Mộc Thiền Sư. Từ đó lớp cờ tướng năng khiếu ông đang dạy tại nhà được duy trì đều đặn dù ông không lấy học phí .Dương Thanh Danh tâm sự: "Mình ngòai 60 tuổi rồi , cuối đời không có niềm vui gì hơn dạy các em học. Những em nghèo mình đều dạy miễn phí , những em khác thì phụ huynh ép quá mình mới lấy...". Ông kể tiếp : " Mỗi lần 20/11 hay lễ tết vui lắm , phụ huynh đến nhà gửi tặng mình quà và thiệp chúc mừng". Hỏi quà gì , ông nói: "Người thì ký lạp xưởng, người thì thùng nước ngọt hay hộp bánh..."
Chia tay nhau giữa trưa hè Sài Gòn , thầy Danh lại vội vã đến lớp . Một người vì bệnh, phải bỏ học ngang, chưa được đào tạo kỹ năng sư phạm nhưng giờ được người đời tôn trọng gọi bằng thầy. Một kỳ thủ danh tiếng lừng lẫy nhưng cuối đời sống giản dị, trong sạch, chỉ mình ta với cờ, với các em học sinh. Nhìn bóng dáng nhỏ nhắn của thầy bước đi liêu xiêu giữa trời nắng gay gắt , lòng bỗng thấy mát rượi như gặp một gốc cây cổ thụ già xum xuê , đang uy nghi tỏa bóng mát cho học trò.



Kể chuyện cờ tướng P9: Độc Cô Cửu Kiếm


017
Mai Thanh Minh được xem người đi tiên phong mang cờ Tướng Việt Nam hội nhập cùng làng cờ thế giới...
Với những thành tích nhiều lần đọat chức vô địch quốc gia , là kỳ thủ Việt Nam đầu tiên đọat giải Phi Hoa Duệ và được phong danh hiệu Quốc tế Đại sư , Mai Thanh Minh được làng cờ tôn vinh gọi ông là Độc Cô Cửu Kiếm....
Con nhà tông , không giống lông cũng giống cánh
Mai Thanh Minh sinh ngày 07/03/1957, cùng tuổi với Trần Quới, là con thứ tư của ông Mai Văn Phú- người gốc Nam Định. Ông Phú vốn rất mê cờ từ khi còn ở quê nhà, sau này làm cho sở Trường tiền thì gia nhập làng cờ Hà Nội, quen thân với các cao thủ đất Thăng Long như Nguyễn Thi Hùng, Trương Trọng Bảo, Đặng Đình Yến, Nguyễn Tấn Thọ.. Trình độ lúc đó của ông Phú rất khá, thuộc lòng các chiêu thức trong Quất trung bí và Mai hoa phổ. Năm 1954, ông Phú vào Nam làm ở Sở Trường tiền Gia Định được bố trí nhà ở trong khu vực đỗ xe gần lăng Ông Bà Chiểu nên ông có điều kiện quen biết Lý Anh Mậu,Quách Anh Tú và một số anh em làng cờ Gia Định. Mai Thanh Minh được cha dạy cờ lúc mới 10 tuổi, hai người anh trai của Minh cũng biết chơi nhưng không ai đam mê. Chỉ có Minh hưởng được gien di truyền mạnh mẽ của cha nên từ khi theo nghiệp cờ thì không thể nào dứt ra được.
Mùa xuân năm 1979, Quận Phú Nhuận tổ chức giải vô địch cờ tướng , Mai Thanh Minh đã giành giải nhất một cách xuất sắc. Ngày đó, Minh vừa mới đi Thanh niên Xung phong về, đang điều trị bệnh sốt rét, mặt vàng như nghệ, thân hình gầy nhom, thỉnh thoảng lên cơn sốt run cầm cập. Thời gian này Minh rất tích cực luyện cờ, tìm gặp cao thủ Nguyễn Văn Tòng và thầy Ba Thái Văn Hiệp để học lý thuyết. Minh cũng thường đến nhà cao thủ bậc thầy đồng hương Pham Thanh Mai để được ông chỉ điểm, nâng cao công lực.
Năm 1985, TPHCM tổ chức giải cờ Tướng khu vực phía Nam. Trần Quới mặc dù chơi xuất sắc nhưng với thể thức tranh giải mới lạ, có đồng hồ chuyên dùng, đấu thủ phải tự ghi biên bản nên Quới thua Nguyễn Văn Xuân và hòa Lê Bỉnh. Mai Thanh Minh tận dụng ngay cơ hội, vượt lên đoạt chức vô địch. Từ đó Minh chính thức bước vào hàng ngũ những cao thủ hàng đầu đất Sài Gòn. Nhưng phải 7 năm sau nữa Mai Thanh Minh mới thực sự vang danh thiên hạ tại giải toàn quốc lần thứ nhất.
Nhà vô địch Việt Nam đầu tiên
Sau khi đất nước thống nhất được 17 năm , giải vô địch cờ tướng toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1992 tại Đà Nẵng. TPHCM cử đội tuyển gồm các cao thủ: Nguyễn Bá Hùng, Dương Nghiệp Lương, Mông Nhi, Dương Thanh Danh, Mai Thanh Minh và Diệp Khải Nguyên tham dự. Trận chung kết giữa Trần Văn Ninh (Đà Nẵng) và Mai Thanh Minh quyết định ai là nhà vô địch đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất. Ván cờ hay và cuốn hút tới mức hàng trăm người bên ngoài chen lấn cố sức đẩy ào cửa để tràn vào xem, BTC vất vả lắm mới đẩy lùi được họ ra ngoài. Kết quả Trần Văn Ninh thua và Mai Thanh Minh đã đi vào lịch sử cờ Tướng Việt Nam với tư cách là nhà vô địch đầu tiên.
Liên tiếp các năm sau đó 1993-1994-1995 , Mai Thanh Minh 3 lần đem chức vô địch quốc gia về cho TPHCM và làng cờ Sài Gòn gọi ông là Tứ Liên Bá. Năm 1998 Minh lại đọat ngôi vương và lập kỷ lục qua 7 lần tổ chức giải vô địch tòan quốc thì ông đã 5 lần giành được ngôi cao nhất, đây là một thành tích mà phải đến năm 2008 thì danh thủ Trềnh A Sáng (TPHCM) mới vượt qua được !
Người đại diện làng cờ mang chuông đi đánh xứ người
puta-3
Cố danh thủ QTĐS Mai Thanh Minh trong ván đấu gặp ĐC ĐS Liễu Đại Hoa (Trung Quốc) tại Cúp Phương Trang 2009.
Hùng bá làng cờ trong nước và được phong tặng danh hiệu Độc Cô Cửu Kiếm, Mai Thanh Minh nhiều lần khóac áo đội tuyển Việt Nam tham dự các giải quốc tế. Đặc biệt năm 1993 , lần đầu tiên cờ Tướng Việt Nam hội nhập cùng làng cờ thế giới qua giải vô địch thế giới tổ chức tại Bắc Kinh , trọng trách mang chuông đi đánh xứ người được đặt lên vai Mai Thanh Minh và đồng đội . Và tại giải này, Mai Thanh Minh đã không phụ lòng khán giả mộ điệu cả nước khi xuất sắc đoạt giải Phi Hoa Duệ , trong đó có những ván đấu bức hòa hai đặc cấp đại sư Trung Quốc là Từ Thiên Hồng và Triệu Quốc Vinh, khiến quần hùng thế giới kinh ngạc, thán phục. Báo chí Trung Quốc đã đưa tin về giải này, có viết: “Việt Nam bất ngờ xuất hiện trên kỳ đàn như một chú ngựa ô dũng mãnh. Rồi đây họ sẽ là đối thủ đáng gờm nhất của cờ Tướng Trung Quốc”.
Đối với Mai Thanh Minh, ông được xem là người tiên phong trong thời kỳ hội nhập, với những thành tích quốc tế như sau :
- Năm 1993 : Hạng nhất Phi Hoa Duệ - hạng 10 cá nhân tại Giải vô địch cờ tướng thế giới lần 3 tại Bắc Kinh , hạng 6 Giải các danh thủ châu Á lần thứ 6 tại Thái Lan.
- Năm 1994 : hạng nhì đồng đội cùng Trương Á Minh, Trần Văn Ninh và Mông Nhi tại Giải Đồng đội Châu Á lần thứ 8 tại Macau. Sau giải này Mai Thanh Minh được phong danh hiệu Quốc tế Đại sư.
- Năm 1995: hạng 11 tại Giải vô địch cờ tướng thế giới lần thứ 4 tại Singapore , hạng 7 tại Giải cờ tướng các danh thủ Châu Á lần thứ 7 tại Malaysia.
- Năm 1997: hạng nhất Phi Hoa Duệ - hạng 4 cá nhân tại Giải vô địch cờ tướng thế giới lần thứ 5 tại Hongkong.
- Năm 1998: hạng 10 Giải Phật Thừa Bôi tại Hawaii được thưởng 3.000 USD , hạng nhì đồng đội tại Giải đồng đội Châu Á lần thứ 10 tại Giang Tô.
- Năm 1999 : hạng 3 Giải Phật Thừa Bôi tại Hawaii, được thưởng 19.000 USD( trong đó có 3.000 USD để làm từ thiện).
- Năm 2001 : hạng 3 đồng đội tại Giải vô địch cờ tướng thế giới lần thứ 7 tại Macau.
Mai Thanh Minh đột ngột từ trần sau cơn tai biến mạch máu não vào năm 2010 khi mới 53 tuổi ! Ông để lại cho làng cờ nhiều học trò xuất sắc như QTĐS Nguyễn Trần Đỗ Ninh , QTĐS Trần Chánh Tâm , KTQG Nguyễn Nhật Duy....



Lại Lý Huynh: Nghiệp cờ tướng và nghiệp đời


Tuyên bố tạm ngừng thi đấu mọi giải quốc tế của “Nam phương công tử” Lại Lý Huynh ngay những ngày đầu năm 2018 khiến làng cờ bàng hoàng còn bản thân chàng kỳ thủ tài hoa cũng đối diện với những dòng cảm xúc dâng trào.



Kỳ thủ Lại Lý Huynh (trái) tuyên bố rút khỏi đội tuyển quốc gia
Kỳ thủ Lại Lý Huynh (trái) tuyên bố rút khỏi đội tuyển quốc gia
Cho đến nay, bộ sưu tập thành tích của Lại Lý Huynh được xếp vào hàng “khủng” của cờ tướng Việt Nam, chỉ kém hai danh kỳ Mai Thanh Minh và Trềnh A Sáng nhưng đứng trên hàng loạt hảo thủ khác. Chưa tròn 27 tuổi, thế nhưng với 3 danh hiệu vô địch quốc gia cùng ngôi quán quân nhiều giải đấu hàng đầu khác, Lại Lý Huynh xứng đáng được giới chuyên môn khen tặng là “một báu vật của làng cờ Việt”.



Lại Lý Huynh thi đấu không thành công trong năm 2017
Lại Lý Huynh thi đấu không thành công trong năm 2017
Năm 2017 không phải là một chặng đường thành công của kỳ thủ quê gốc Cà Mau nhưng đã gần như trở thành cư dân chính thức của Bình Dương từ 5 năm nay. Anh không đứng ở vị trí cao nhất tại Giải Vô địch toàn quốc, chẳng đăng quang tại Giải Vô địch đồng đội toàn quốc cũng như ở Giải Các đấu thủ mạnh toàn quốc như kỳ vọng. Thay vào đó, Lại Lý Huynh chỉ một lần thành công ở Giải Kỳ vương PTSC, sân chơi chỉ còn chút hư danh khi vắng đi những cuộc thư hùng nảy lửa giữa các ngôi sao.
Điều này khác hẳn với những gì diễn ra trước đó một năm khi Lại Lý Huynh kiếm được xấp xỉ cả tỷ đồng nhờ thành công ở các giải quốc tế như Dương Quan Lân bôi (vô địch bảng hải ngoại), Hàn Tín bôi (á quân), Cúp Các danh thủ Phương Trang (á quân), Giải cờ tướng Trí lực thế giới (hạng 4), Giải vô địch đồng đội châu Á (HCB) cùng với tấm HCV Giải Vô địch quốc gia bên cạnh việc sang Trung Quốc đấu thuê cho CLB cờ Hàng Châu tập đoàn.



Lại Lý Huynh dày dạn kinh nghiệm chinh chiến quốc tế
Lại Lý Huynh dày dạn kinh nghiệm chinh chiến quốc tế
Mất danh hiệu, không còn khoản thu nhập cao ngất ngưởng, đọng lại trong lòng Lại Lý Huynh không còn là chuyện tiền tài, danh vọng mà thay vào đó là một sự chán ngán đến tột cùng. “Tôi thậm chí đánh rơi luôn niềm tin vốn mong manh của mình vào thiết chế quản lý của bộ môn Cờ (Tổng cục TDTT) cũng như của tổ chức Liên đoàn Cờ tướng đang manh nha hình thành. Tôi không muốn nói đến một sự chèn ép nhưng ở cấp độ nào, bản thân tôi nói riêng, các kỳ thủ cờ tướng nói chung luôn thua thiệt trăm bề. Có những người ở vị thế ngỡ rất đáng kính thì lại luôn mở miệng với cụm từ “phí bôi trơn”. Có những vị tưởng rất thân thiết với dàn kỳ thủ chúng tôi thì thực tế lại đang tìm cách lợi dụng VĐV. Trong năm 2017, tôi bị cộng đồng mạng chỉ trích tương đối nặng nề vì sa sút thành tích, không kiếm nổi một ngôi vô địch cũng như bị “rơi đài” từ rất sớm khi thi đấu tuyển chọn VĐV đi tranh tài quốc tế. Không phải ai cũng hiểu, tôi hoàn toàn chẳng được phép tự tiện ra nước ngoài đánh thuê nếu chẳng có được sự đồng ý của Trung tâm HLTT Quốc gia TP HCM. Chuyện thi đấu tuyển chọn ở đội tuyển cờ tướng, hao hao giống vụ lùm xùm ở bộ môn bơi giữa hai tuyển thủ Lâm Quang Nhật và Nguyễn Hữu Kim Sơn. Tôi chỉ có vài giờ để từ lúc rời Hàng Châu về đến TP HCM rồi chạy như con thoi giữa TP HCM –Bình Dương và TP HCM để thi đấu. Tuyển thủ chúng tôi ra sức tranh tài để được quyền đại diện quốc gia thi đấu quốc tế nhưng ở những bài test tuyển chọn này, không có bất cứ ai giám sát các bên tham gia, khó tránh khỏi việc lợi dụng các thiết bị máy móc, công cụ hỗ trợ để tìm kiếm danh vọng phù hoa”, Lại Lý Huynh cho biết.
“Quới nhân độ mệnh”
Lực cờ thâm hậu nhờ thường xuyên được trui rèn ở các giải đấu quốc tế, Lại Lý Huynh còn may mắn có được những mạnh thường quân ẩn danh, thường xuyên bảo trợ để Huynh không phải bận tâm đến việc sinh kế, chỉ cần chuyên tâm vào việc trau dồi kỳ nghệ. Có lẽ Huynh là kỳ thủ hiếm hoi của làng cờ tướng Việt Nam thường xuyên được tập luyện trong một môi trường chuyên nghiệp với đầy đủ phương tiện hỗ trợ, từ máy tính cấu hình cực mạnh cùng các phần mềm cờ tướng hiện đại nhất được đặt mua khá tốn kém.

Lại Lý Huynh giờ chỉ thư giãn với cờ là chính
Công bằng mà nói, Lại Lý Huynh hiện không có đối thủ xứng tầm trong nước với sức cờ ngang ngửa các kỳ thủ thuộc Top 30 Trung Quốc, đủ để khiến một đội cờ nước này phải mời đích danh anh sang góp sức, điều chưa từng có trong lịch sử! Không chỉ tỏa sáng trên kỳ đài, cuộc sống đời thường của nhà vô địch này hầu như không vướng điều tiếng gì khi chẳng sa đà vào chuyện rượu chè, cờ bạc hay quan hệ tình cảm phức tạp. Đây mới chính là điều khiến đồng đạo làng cờ nể phục bản lĩnh sống của chàng trai 27 tuổi này.
Tuyên bố “không còn hùng tâm để thi đấu quốc tế”, nhiệm vụ của Lại Lý Huynh trong năm 2018 có lẽ chỉ là tập trung “chiến” các giải quốc gia, đúng với cam kết của anh trong hợp đồng dài hạn ký với quê hương thứ 2 Bình Dương. Việc cờ tướng không có tên trong chương trình thi đấu tại Đại hội thể thao toàn quốc 2018 khiến nhiệm vụ của Huynh trở nên “nhẹ nhàng” hơn rất nhiều một khi anh đã quyết định không tham gia đội tuyển dù có được triệu tập hay không. Tâm tư đầy uẩn ức của Lại Lý Huynh xem như đã đặt ra vô số câu hỏi mà tới đây, Đại hội thành lập Liên đoàn Cờ tướng Việt Nam phải có trách nhiệm giải đáp.

Lo kinh doanh, Lại Lý Huynh chưa biết trở lại với cờ ra sao
Tìm gặp Lại Lý Huynh trong những ngày cận tết Mậu Tuất, không khó để thấy anh vẫn cặm cụi với cơ ngơi mới là một tiệm games online với những trang thiết bị hiện đại bậc nhất hiện nay tại trung tâm thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương. Huynh cho biết, một phần trong kinh phí đầu tư ước cả tỷ đồng cho tiệm games này vẫn do vị mạnh thường quân quen biết hỗ trợ. Công việc của anh chỉ là khuếch trương cho hoạt động của tiệm bên cạnh việc duy trì hoạt động tập luyện cờ tướng. Nằm ở vị trí trang trọng nhất tại tiệm games này chính là bàn cờ tướng khổng lồ kích cỡ đến 9m2, trong đó, riêng các quân cờ được tiện bằng gỗ khá tinh xảo cũng có đường kính “khủng” gần 20cm. “Đây chính là nơi tôi rèn cờ, hầu tiếp cao thủ khắp nơi đến giao lưu học hỏi đồng thời cũng là một trong những hoạt động quảng bá trở lại cho tiệm games. Tôi hài lòng với cuộc sống của mình, chừng nào ngọn lửa đam mê bùng cháy trở lại và những người giàu nhiệt huyết tập hợp xung quanh ngôi nhà cờ tướng Việt Nam, khi đó chắc chắn tôi sẽ quay lại…”, nhà cựu vô địch Việt Nam tâm sự.
Theo : NLD.com.vn



8 Danh Thủ Làng Cờ Tướng Việt Nam

Làng cờ Tướng Việt Nam đang trên đà phát triển manh mẽ, có thể so sánh với các cường quốc cờ trên thế giới như Trung Quốc.
Ngày nay, cộng động cờ quốc tế đang dần công nhận Việt Nam là một quốc gia chơi cờ Tướng đáng gờm bên cạnh quốc qua đã nổi danh từ lâu như Trung Quốc.
Những danh cờ và cộng đồng cờ tướng đang phát triển mạnh mẽ đã giúp cái tên Việt Nam thêm nổi danh trên thế giới. Những cái tên tiếp theo sẽ là tiêu biểu cho sức mạnh cờ Việt Nam đã và đang lên như thế nào.
Bạch Mi Ưng Vương – Trương Á Minh

Trương Á Minh được xem là một trong Đặc cấp Đại Sư tương đương với kiện tướng cờ tướng quốc tế. Tài năng của ông đã gây tiếng vang trên đấu trường quốc tế vào năm 2014 khi giành được chức vô địch giải cờ quốc tế Dương Quan Lân( Trung Quốc).
Để đổi lấy những vinh quang của mình, Trương Á Minh đã bỏ công luyện tập rất nhiều, khác với nhiều người, ông không trải qua những khóa đào tạo chính thức nào. Cách của ông là luyện tập với các tay cờ giang hồ và cũng từ đó, mà ông già với cặp mày như Bạch Mi Ưng Vương gắn chặt với tên tuổi ông. Ông là một trong những trụ cột trong làng cờ Việt Nam hiện nay
Lại Lý Huynh – Cà Mau

Trong cộng đồng cờ tướng Việt Nam hiện nay, Lại Lý Huynh được xem là cờ thủ mạnh nhất Việt Nam hiện nay. Nhiều người hâm mộ Lại Lý Huynh vì những thành tích hết sức đáng nể của anh như Quán quân cờ tướng Quốc gia 2014, 3 lần vô địch giải TP Hồ Chí Minh, Huy chương bạc Đại hội thể thao châu Á trong nhà 2009, huy chương bạc giải vô địch đồng đội thế giới 2009.
Kỹ thuật chơi cờ của Lại Lý Huynh xuất sắc đều ở cả 3 đoạn cờ Khai cuộc, trung cuộc và tàn cuộc. Vì vậy, Lại Lý Huynh là cái tên thường thấy trong đội tuyển quốc gia thi đấu Quốc tế. Các đại sư cờ tướng khét tiếng từ Trung Quốc mà Lại Lý Huynh đã đối đầu như Ngạc Châu Sư Trưởng – Lưu Tông Trạch, Mạnh Thường Quân – Tăng Nguyên Giai, đều đã từng giao đấu với Lại Lý Huynh và kết quả Lại Lý Huynh cũng tỏ rõ sức cờ quán quân của mình rất cừ.
Đô đầu – Võ Minh Nhất

Cờ thủ tiêu biểu cho đội cờ tỉnh Bình Phước làm rạng danh cờ Việt Nam trong các đấu trường quốc tế với các thành tích như ngôi Quý quân cá nhân tại Giải cờ tướng quốc tế Tường An Bôi 2014 tổ chức ở TP Hạ Môn,tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) và xếp trong nhóm đầu nhận giải tại Giải Dương Quan Lân Bôi 2014.
Nguyễn Vũ Quân
Là người Hà Nội, sinh ra trong gia đình không mấy khá giả, Nguyễn Vũ Quân đã nỗ lực vươn lên với niềm đam mê cờ Tướng, dưới sự dìu dắt của HLV Trần Quốc Bảo. Phong cách cờ “nửa chính nửa tà”, và những sáng tạo, táo bạo, độc dị trong những nước cờ, Nguyễn Vũ Quân không những là tay cờ khó chịu với nhiều đấu thủ Việt Nam và Quốc Tế.
Thành tích để đời của anh có thể kể đến như 3 lần vô địch quốc gia 2004, 2005, 2009, HCĐ giải Vô địch cờ tướng thế giới 2005 và danh hiệu Đặc cấp đại sư trẻ tuổi nhất ở Việt Nam…Nhận xét công tâm, một HLV tại TP HCM cho biết: “Nguyễn Vũ Quân toàn năng, xuất sắc tại tất cả khai – trung – tàn cuộc.” Phong cách thi đấu điềm đạm, chuyên nghiệp là những điểm tạo thành công của anh.
Ông xích lô Trần Quốc Việt- “Sát nhân vô ảnh”

Trần Quốc Việt hành nghề xích lô, không được học hành bài bản, chỉ mải mê chạy theo đam mê cờ tướng từ trẻ đến khi các danh thủ cờ tướng đều khiếp sợ sức cờ của ông. Tại giải đấu Phương Trang IV, ông đã cầm hòa được những đại danh cờ tướng Trung Hoa.
Tại giải đó, ông về giải 4 và tạo điều kiện cho các đồng đội xếp hạng cao hơn trong giải đấu. Sở dĩ ông có biệt danh Sát nhân vô ảnh, vì lối cờ Phản Cung Mã của ông rất điêu luyện. Sau 10 năm gắn bó với đội tuyển TP HCM, ông về đầu quân cho đội cờ Tướng Bình Dương để có nhiều cơ hội giao lưu với các cao thủ khác. Trần Quốc Việt còn được biết đến là người rất thẳng thắn, vui tính, là ông chủ tiệm cà phê cờ tướng trong giới chơi cờ.
Nguyễn Hoàng Lâm

Là một trong những cái tên tiêu biểu trong đội tuyển cờ TP HCM, câu chuyện “duyên nợ” với cờ tướng của Nguyễn Hoàng Lâm có nhiều điểm thú vị. Sinh ra tại Từ Liêm, Hà Nội, Hoàng Lâm được cha mình dạy chơi cờ vua đầu tiên, sau đó, gia nhập những câu lạc bộ cờ ở Hà Nội.
10 tuổi là anh cùng gia đình chuyển vào TP HCM và có thành tích chinh chiến nhiều giải cờ trong nước và quốc tế. Thành tích cờ tướng của Nguyễn Hoàng Lâm có thể điểm qua như vô địch giải cờ tướng Châu Á tại Ma Cau – 2011, Huy chương vàng giải Châu Á, ngôi á quân tại Đại hội thể thao trí tuệ thế giới 2009, phong tặng Đặc cấp Quốc tế Đại Sư.
Trềnh A Sáng – Túy Kỳ Tiên

Trềnh A Sáng hay còn gọi là Hà Chảy là một vận động viên cờ Tướng Việt Nam. Tính đến nay, ông là kỳ thủ nam vô địch cờ tướng Việt Nam nhiều lần nhất- 7 lần vô địch toàn quốc, 3 lần quán quân liên tiếp từ 2000 đến 2002, được làng cờ xưng tụng danh hiệu “Tam liên quán”. Gừng càng già càng cay, dù đã qua tuổi tứ tuần, những nước cờ biến hóa, lối chơi linh hoạt của ông đều làm những kì thủ trẻ phải kiêng dè và học hỏi.
Thông thường, mỗi ngày ông đều dành thời gian nghiên cứu tài liệu và tập luyện cùng người bạn thân là Trương Á Minh, cũng là một danh thủ cờ tướng Việt Nam. Theo ông, muốn thành công trong thi đấu, ông đều dành thời gian để nghiên cứu lối chơi của các đối thủ và cách để gài bẫy đối thủ.
Ngô Lan Hương – Nữ Hoàng Cờ Tướng Việt Nam

Chị được xem là một trong nữ kỳ thủ xuất sắc số 1 tại Việt Nam hiện nay. Ngô Lan Hương có kinh nghiệm thi đấu nhiều năm trên cả đấu trường Việt Nam lẫn quốc tế. Trong phạm vi Việt Nam, Ngô Lan Hương giữ vị trí Á quân Nữ quốc gia tại Giải A1 toàn quốc 2014 cùng chiếc HCV cá nhân Nữ tại Giải vô địch TP HCM năm 2014 là đáng kể nhất. : quán quân giải A1 Việt Nam năm 2011, vô địch giải Cờ Tướng thế giới lần thứ 12 và Châu Á lần thứ 15,… Cô từng là nữ kỳ thủ duy nhất được Trung Quốc mời sang tham dự Đại hội Thể Thao Trí Tuệ thế giới 2011 ở Bắc Kinh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét