Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2019

BỘ MẶT CHIẾN TRANH 41

 
Một Mai Giã Từ Vũ Khí (Trịnh Lâm Ngân) Tiến Dũng

-Trong tình trạng chiến tranh đầy chết chóc và tan hoang, bản chất sống của loài người trở nên cực hạn về mọi phía:
+Yêu thương vô vàn mà cũng hận thù vô song
+Thông minh trí tuệ bao nhiêu thì cũng ngu ngốc, mù quáng bấy nhiêu.
+Tuyệt đỉnh dũng cảm thì cũng tột cùng hèn nhát.
+Vừa là thánh thần vừa là quỉ dữ.
...
-Chiến tranh mang bộ mặt gớm ghiếc, tởm lợm đến khủng khiếp, không thể tả được, dù bôi son trát phấn như thế nào, tung hô ra sao.
-Chiến tranh là thể hiện sự thờ ơ, vô cảm khốn nạn tột cùng về việc hủy diệt tàn bạo cuộc sống và thân phận con người.
-Chiến tranh phi nghĩa là chiến tranh "nặn ra" lý do từ không có lý do, hủy diệt và tàn phá cuộc sống một cách không chính đáng. Chiến tranh chính nghĩa là chiến tranh  nảy sinh từ việc chống chiến tranh phi nghĩa, được hủy diệt và tàn phá cuộc sống một cách chính đáng (?).
-Tóm lại, bộ mặt thật của chiến tranh nhìn từ mọi phía nói chung là độc ác, thiểu năng trí tuệ đến ngỡ ngàng của con người khôn ngoan, có lý trí.
-Ngày chiến thắng 30/4, lũ bán nước cay cú gọi là ngày quốc hận, người cộng sản cực đoan cho rằng đó là ngày toàn dân phải vui mừng, riêng cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, người có vợ con đều chết trong chiến tranh, thì nói, đó là ngày có triệu người vui và cũng có triệu người buồn.
-Lão Tử, một đại hiền triết thời cổ đại của Trung Quốc, từng nói: "Giết hại nhiều người thì nên lấy lòng bi ai mà khóc, chiến thắng thì nên lấy tang lễ mà xử".
 
Unknown Soldier by The Doors - Vietnam War Music Video
                                       

------------------------------------------------------- 
(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Cuộc chiến tranh vĩ đại - Tập 1: Kế hoạch Barbarossa

Trận tử thủ của 800 lính Ba Lan trước 42.000 quân Đức năm 1939

Một đơn vị 800 lính Ba Lan đã cầm chân quân đoàn thiện chiến đông gấp 52 lần của phát xít Đức suốt ba ngày.



Đại úy Władysław Raginis. Ảnh: Wikipedia.
Đại úy Władysław Raginis. Ảnh: Wikipedia.
Khi phát xít Đức tràn qua biên giới Ba Lan ngày 1/9/1939, đại úy Władysław Raginis được giao nhiệm vụ chỉ huy lực lượng phòng thủ tại khu vực Wizna, cách tiền tuyến 65 km. Trong trận đánh này, 800 lính dưới quyền Raginis đã cầm chân 42.000 lính Đức suốt 72 giờ, biến Wizna trở thành một trong những biểu tượng nổi bật nhất của lòng dũng cảm trong Thế chiến II, theo War History.
Đại úy Raginis phục vụ trong Quân đoàn Biên phòng Ba Lan, đơn vị tinh nhuệ có nhiệm vụ bảo vệ đường biên giới Ba Lan trước mọi cuộc xâm lược. Mùa hè năm 1939, trước nguy cơ xâm lăng từ phát xít Đức, Raginis chỉ huy lực lượng phòng thủ ở Wizna xây dựng hệ thống hầm hào, công sự, sẵn sàng chiến đấu.
Khi Thế chiến II nổ ra, lực lượng dưới quyền Raginis gồm khoảng 800 quân, được trang bị hai súng trường chống tăng, 6 pháo diệt tăng cỡ nòng 76 mm và 42 khẩu súng máy. Thị trấn Wizna được xây dựng như một pháo đài nhỏ, nhưng hệ thống lô cốt và hầm hào chưa được hoàn thiện khi chiến sự nổ ra. Raginis hy vọng các điểm phòng thủ có thể cầm chân đối phương trong vài ngày, nhưng không biết lực lượng khổng lồ của phát xít Đức đang tiến tới khu vực này.
Ở bên kia chiến tuyến, Quân đoàn 19 Đức của tướng Heinz Guderian gồm 42.000 quân được trang bị 350 xe tăng, 657 khẩu pháo và cối các loại bắt đầu tiến công Ba Lan. Lực lượng Đức bao vây các điểm phòng thủ biên giới của Ba Lan, chia cắt chúng với nửa phía đông nước này. Sau 6 ngày giao tranh, quân Đức tiến đến sông Narew và thị trấn Wizna.
Sáng 7/9/1939, kỵ binh trinh sát Ba Lan phát hiện thiết giáp Đức đang tiến về phía thị trấn Wizna nên báo động cho quân chủ lực phía sau. Công binh Ba Lan cho nổ tung cây cầu duy nhất qua sông Narew, giúp quân của Raginis có thêm thời gian chuẩn bị.
Các mũi tấn công của Đức (màu đỏ) nhằm vào Wizna. Đồ họa: Wikipedia.
Các mũi tấn công của Đức (màu đỏ) nhằm vào Wizna. Đồ họa: Wikipedia.
Khi đêm xuống, lực lượng hai bên bắt đầu giáp mặt. Trinh sát đường không Đức phát hiện mạng lưới chiến hào và lô cốt dài 6,5 km chạy từ Wizna đến Krupiki. Quân Đức không biết chính xác quân số Ba Lan, trong khi lực lượng phòng thủ biết rõ mình bị áp đảo về số lượng.
Lợi dụng đêm tối, bộ binh Đức tìm cách vượt sông, nhắm vào điểm yếu trong tuyến phòng thủ Ba Lan. Tuy nhiên, khi quân Đức đến gần lô cốt đầu tiên, súng máy bên trong khai hỏa quét qua đội hình, gây thương vong lớn và buộc lính Đức phải rút lui.
Ngày hôm sau, oanh tạc cơ Đức thả tờ rơi kêu gọi đầu hàng. Đại úy Raginis và trung úy Brykalksi, phó chỉ huy lực lượng phòng thủ, tuyên bố sẽ tử thủ đến cùng và buộc quân Đức phải trả giá đắt.
Chiều 8/9, không quân và pháo binh Đức bắt đầu oanh tạc các vị trí tiền phương, buộc quân Ba Lan rút vào trú ẩn trong lô cốt. Quân Đức tấn công hai lô cốt nằm tách biệt ở phía bắc sông Narew, bao vây họ từ ba phía. Súng trường và súng máy Ba Lan cầm chân được bộ binh Đức cho đến khi đối phương nã pháo dồn dập, khiến hai trung đội phòng thủ phải rút lui.
Tuyến phòng thủ duy nhất của quân Ba Lan ở phía bắc là sông Narew, trong khi ở phía nam, quân Đức đã tràn qua cánh đồng hướng về các chốt của quân Ba Lan. Tuy nhiên, quân Đức chỉ có thể tiến chậm ở địa hình trống trải và bùn lầy. Quân của Raginis tập trung hỏa lực súng trường và súng máy vào bộ binh Đức, nhưng lực lượng này tiếp tục tiến công dưới sự yểm trợ của thiết giáp. Bị bắn phá dữ dội, quân Ba Lan phải rút từ chiến hào vào trong lô cốt kiên cố và chịu nhiều thương vong.
Đến cuối ngày, xe tăng Đức vượt qua phòng tuyến của Ba Lan, nhưng bộ binh vẫn không thể áp sát lô cốt. Raginis và đồng đội hiểu rằng họ sẽ không có tiếp viện để chống lại cuộc tiến công.
Giao tranh diễn ra xuyên đêm, quân Đức cố gắng chiếm các lô cốt vòng ngoài, trong khi lính Ba Lan tiếp tục cầm chân đối phương, khiến hai bên chịu thương vong lớn. Dưới sự yểm trợ của xe tăng, công binh Đức dùng thuốc nổ phá hủy từng lô cốt một, dần đẩy lùi lực lượng phòng thủ Ba Lan.
Phần còn lại của một lô cốt tại Wizna. Ảnh: Wikipedia.
Phần còn lại của một lô cốt tại Wizna. Ảnh: Wikipedia.
Đến sáng 10/9, quân Ba Lan chỉ còn co cụm cố thủ trong hai lô cốt. Một lính Đức mang theo cờ trắng tiếp cận phòng tuyến, yêu cầu ngừng bắn để chôn cất người chết và thương thuyết điều khoản đầu hàng cho phía Ba Lan.
Raginis phải đưa ra lựa chọn khó khăn, tiếp tục chiến đấu để cầm chân đối phương lâu hơn hoặc đầu hàng để cứu binh sĩ dưới quyền. Nhận thấy phần lớn các đồng đội đều bị thương và gần hết đạn, Raginis quyết định đầu hàng để không lãng phí mạng sống của họ. Bản thân đại úy Raginis cũng bị thương nặng, nhưng quyết không để bị bắt làm tù binh nên đã rút lựu đạn tự sát sau khi bảo đảm binh lính Ba Lan được an toàn.
Trận đánh Wizna đã trở thành biểu tượng dũng cảm của Ba Lan. Dù đối mặt với đối phương đông gấp 52 lần, đội quân dưới quyền đại úy Raginis đã dũng cảm cầm chân một trong những lực lượng thiện chiến nhất của Đức trong suốt 72 giờ.
Duy Sơn

Cuộc tử thủ của gần 1.000 người Do Thái trước 5.000 quân La Mã năm 70

Bị quân La Mã với số lượng áp đảo vây hãm thời gian dài, người Do Thái ở pháo đài Masada quyết định tự sát thay vì đầu hàng.



Di tích pháo đài Masada ngày nay. Ảnh: Wikipedia.
Di tích pháo đài Masada ngày nay. Ảnh: Wikipedia.
Vào thế kỷ thứ nhất, đế quốc La Mã thống trị Địa Trung Hải và đánh chiếm nhiều vùng đất rộng lớn ở Trung Đông, trong đó có vương quốc Hasmoneans của người Israel. Tuy nhiên, sự cai trị tàn bạo của đế quốc La Mã đã khiến người Do Thái liên tục vùng lên đấu tranh vũ trang, trong đó sự kiện đáng nhớ nhất là trận tử thủ của gần 1.000 người Do Thái tại pháo đài Masada năm 70, theo War History.
Năm 66, người Do Thái ở tỉnh Judea, ngày nay là khu vực phía bắc Israel, bắt đầu vùng lên chống lại đế chế La Mã. Ban đầu, cuộc khởi nghĩa thành công khi biến thành phố Jerusalem thành căn cứ địa vững chắc. Tuy nhiên, Jerusalem thất thủ sau cuộc bao vây và đột kích của quân La Mã vào năm 70, buộc quân nổi dậy rút về co cụm phòng thủ ở pháo đài Masada.
Masada là pháo đài kiêm cung điện do vua Herod Đại đế của Judea xây dựng. Nó được thiết kế làm nơi trú ẩn cho nhà vua trong những thời điểm khủng hoảng.
Pháo đài Masada được đánh giá là kiệt tác về kiến trúc, cũng là thử thách khó nhằn với mọi kẻ thù muốn vây hãm. Công trình này tọa lạc trên đỉnh một ngọn núi, bao quanh là dốc đứng, cách duy nhất để tiếp cận nó là tuyến đường độc đạo quanh co ở sườn đông ngọn núi. Đây là đoạn đường dài, hiểm trở, buộc lực lượng tấn công phải chia ra thành từng nhóm nhỏ tiếp cận, khiến họ dễ bị quân phòng ngự tập kích từ trên cao.
Thông thường, khi không thể tấn công một thành trì, người ta sẽ vây hãm nó trong thời gian dài, cắt đứt nguồn tiếp tế để lực lượng phòng thủ bị đói khát. Tuy nhiên, Masada lại là nơi có thể đối phó với mọi mối đe dọa. Ở đây có các hầm chứa nằm sâu trong lòng núi để tích trữ nước mưa và nhà kho chứa đầy thực phẩm, thậm chí có cả không gian trồng trọt để sản xuất thực phẩm tươi.
Khu vực tập kết của lực lượng La Mã trước trận vây hãm. Ảnh: Wikipedia.
Khu vực tập kết của quân La Mã trước trận vây hãm. Ảnh: Wikipedia.
Khoảng 960 người Do Thái có mặt trong pháo đài, chủ yếu là trẻ em, phụ nữ và người già, khi quân La Mã kéo đến. Chỉ huy nhóm người này là Eleazer Ben Yair, chiến binh xuất thân trong gia đình có truyền thống chống lại đế chế La Mã.
La Mã huy động Quân đoàn Fretensis số 10 và lực lượng hỗ trợ với quân số trên 5.000 binh sĩ, đông gấp 5 lần số người ở trong pháo đài Masada. Chỉ huy lực lượng vây hãm là Flavius Silva, thống đốc cai quản tỉnh Judea.
Quân La Mã xây thành lũy hình tròn xung quanh pháo đài Masada, nhằm ngăn đối phương thoát ra tìm viện binh hoặc phát động phản công. Thành lũy được xây bằng đá và lợi dụng địa hình sẵn có với kích cỡ đủ rộng để tuần tra canh gác, đồng thời có nhiều tháp canh để theo dõi mọi động thái tại Masada. Trên thành lũy còn bố trí máy bắn đá để tấn công ngay khi phát hiện đối phương.
Tuyến phòng thủ của La Mã cũng có nơi tập kết lực lượng để phát động tấn công. Khu vực này cách pháo đài Masada 280 m, cho phép các đơn vị bộ binh áp sát pháo đài mà không bị lộ diện trước lực lượng phòng thủ, cũng như giúp công binh có vị trí lắp đặt máy bắn đá gần phòng tuyến của người Do Thái.
Lợi dụng các khối đá sẵn có, đội công binh La Mã xây một đoạn dốc dài bằng đất và gạch vụn chạy từ nơi tập kết trên sa mạc đến đỉnh ngọn đồi. Ở phía sau phòng tuyến, họ chế tạo một tháp công thành để đối phó với cánh cổng lớn của pháo đài Masada.
Chiến thuật này khiến lực lượng phòng thủ bên trong pháo đài không có cách nào để đối phó. Quân đội La Mã tin chắc sẽ giành được thắng lợi nhanh chóng và những người bên trong Masada sẽ phải buông vũ khí đầu hàng.
Tuy nhiên, trước khi quân đội La Mã kịp tấn công, những người Do Thái đã giết hết gia đình của mình và tự sát. Họ dường như nhận ra kết cục không thể tránh khỏi của cuộc tấn công và quyết định không chịu đầu hàng đối phương. Khi quân La Mã vào trong pháo đài, họ chỉ tìm thấy hàng trăm xác chết.
Sự kiện pháo đài Masada thất thủ đã đặt dấu chấm hết cho cuộc nổi dậy ở Judea, nhưng câu chuyện từ cuộc tử thủ này đã trở thành nguồn cảm hứng cho những thế hệ người Do Thái sau này.
Phần dốc tấn công do công binh La Mã xây dựng. Ảnh: Wikipedia.
Phần dốc tấn công pháo đài do công binh La Mã xây dựng. Ảnh: Wikipedia.
Duy Sơn

Ác mộng với quân Đức khi dùng vũ khí hóa học chống lính Nga năm 1915

Dù trúng khí độc, hàng chục lính Nga vẫn quyết chặn đứng cuộc tấn công pháo đài Osowiec và khiến quân Đức rút chạy trong sợ hãi.



Tranh mô tả lính Nga chống trả cuộc tấn công của Đức. Ảnh: RBTH.
Tranh mô tả lính Nga chống trả cuộc tấn công của Đức. Ảnh: RBTH.
Khi quân Đức bắt đầu một cuộc tấn công bằng khí độc vào pháo đài Osowiec của Nga vào ngày 6/8/1915, họ cho rằng đó sẽ là một trận đánh dễ dàng, khi binh sĩ Nga không được chuẩn bị để đối phó với vũ khí hóa học. Tuy nhiên, lính Đức đã gặp cơn ác mộng thật sự trước sự kháng cự quyết liệt những binh sĩ Nga đang hấp hối, khởi đầu cho trận đánh được mệnh danh là "cuộc tấn công của người chết", theo RBTH.
Pháo đài Osowiec nằm gần thị trấn Bialystok của Ba Lan, được coi là cái gai trong mắt của quân Đức trong Thế chiến I do có vị trí quan trọng, buộc Berlin phải triển khai nhiều lực lượng đối phó. Các đợt tấn công đầu tiên bắt đầu từ tháng 9/1914 với sự yểm trợ của máy bay và pháo binh nhưng đều không thành công. Sau nhiều lần thất bại, quân Đức bắt đầu áp dụng các biện pháp cực đoan để chiếm pháo đài.
Ngày 6/8/1915, lực lượng Đức bắt đầu bơm khí độc chlorine vào pháo đài. "Tất cả những người bám trụ bên ngoài pháo đài đều thiệt mạng. Cỏ ngả màu đen, trong khi lương thực nhiễm độc nặng và không thể ăn được. Pháo đài không được chuẩn bị cho một cuộc tấn công bằng khí độc", Sergey Khmelkov, một lính Nga sống sót sau trận đánh, nhớ lại.
Khmelkov cho biết các chỉ huy Nga không chuẩn bị kế hoạch đối phó với khí độc chlorine. Hầu hết các vị trí đóng quân và công sự đều không có hệ thống thông hơi cũng như bình dưỡng khí. Những chiếc mặt nạ phòng độc được phân phát từ trước cũng không có hiệu quả.
Địa điểm đặt pháo đài Osowiec nằm ở đông bắc Ba Lan. Đồ họa: Google Earth.
Địa điểm đặt pháo đài Osowiec nằm ở đông bắc Ba Lan. Đồ họa: Google Earth.
Ba trong số 4 đại đội đóng tại pháo đài Osowiec bị xóa sổ sau đòn tấn công hóa học của Đức, chỉ còn khoảng 100 binh sĩ thuộc Đại đội 13, Sư đoàn bộ binh số 226 trong tình trạng sống dở chết dở bám trụ trận địa. Lính Đức được trang bị mặt nạ phòng độc bí mật áp sát pháo đài, tự tin rằng cuộc tấn công sẽ rất dễ dàng khi toàn bộ lực lượng phòng thủ đã bị tiêu diệt.
Cuộc phản công của người chết
Quân Đức dễ dàng vượt qua phòng tuyến đầu tiên của Nga, đột kích qua lớp tường bảo vệ và tiến vào trong pháo đài. Đúng lúc đó, những người sống sót của Đại đội 13 bắt đầu cuộc phản kích dưới sự chỉ huy của thiếu úy Vladimir Kotlinsky.
"Tôi không thể mô tả được sự giận dữ của các binh sĩ Nga khi tiến về phía quân Đức, những kẻ đã đầu độc họ. Các loại hỏa lực của đối phương đều không thể cản bước những người lính đang phát cuồng", một lính Nga sống sót sau trận đánh cho biết.
60 binh sĩ của Đại đội 13 khai hỏa trong lúc run rẩy, ho ra máu, với khuôn mặt bọc kín bởi những miếng vải đẫm máu. "Dù bị đầu độc và kiệt sức, họ vẫn tiến lên với mục tiêu duy nhất là nghiền nát quân địch", một nhân chứng nhớ lại.
Thiếu úy Kotlinsky trước khi được điều đến pháo đài Osowiec. Ảnh: RBTH.
Thiếu úy Kotlinsky trước khi được điều đến pháo đài Osowiec. Ảnh: RBTH.
Khiếp sợ trước sức phản công điên cuồng và bộ dạng dị thường của những người lính Nga trúng chất độc hóa học, lính Đức hò nhau vứt vũ khí tháo chạy khỏi pháo đài và mắc vào chính hàng rào thép gai của mình. Tận dụng điều này, lính Nga tái chiếm phòng tuyến bảo vệ pháo đài và giành lại các khẩu pháo. Thiếu úy Kotlinsky bị thương nặng và thiệt mạng vào tối hôm đó.
Trong tháng 4 và 5/1915, liên quân Đức và Áo nhiều lần chọc thủng phòng tuyến của Nga ở Đông Phổ. Sự kháng cự của pháo đài Osowiec đã yểm trợ cho các cuộc rút lui chiến lược của Nga cho tới hết tháng 8, thời điểm việc giữ Osowiec không còn ý nghĩa.
Ngày 22/8, các binh sĩ Nga rời pháo đài Osowiec trong trật tự, sau khi phá hủy các bức tường và công trình phòng thủ kiên cố. "Cuộc phản công của trung úy Kotlinsky đã ngăn pháo đài rơi vào tay quân Đức, cứu sống hàng nghìn người khỏi một thảm họa cận kề. Lịch sử sẽ rất khác nếu người Đức chiến thắng trong trận đánh ngày 6/8/1915", sử gia Boris Egorov nhận định.
Vũ Anh

Chiến dịch mở đường vào đất Đức của 17.000 lính dù Đồng minh năm 1945

Quân Đồng minh huy động 1.600 vận tải cơ chở lực lượng hùng hậu đổ bộ đánh chiếm các cứ điểm Đức dọc sông Rhine để hỗ trợ bộ binh.



Vận tải cơ tham gia chiến dịch Varsity ngày 24/3/1945. Video: US Army.
Tháng 3/1945, quân Đồng minh giành lợi thế lớn ở mặt trận phía tây khi bẻ gãy cuộc tấn công quy mô lớn của Đức trong trận Bulge và bắt đầu tiến công lãnh thổ Đức. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trở ngại ngăn cản họ, trong đó có tuyến phòng ngự kiên cố của phát xít Đức dọc sông Rhine.
Trước tình hình đó, tướng Mỹ Dwight Eisenhower và nguyên soái Anh Bernard Montgomery quyết định đưa lực lượng vượt sông Rhine với sự yểm trợ của chiến dịch đổ bộ đường không quy mô lớn mang mật danh Varsity.
Chiến dịch Varsity dự kiến huy động ba sư đoàn lính dù, trong số này chỉ có Sư đoàn 6 của Anh là có kinh nghiệm chiến đấu. Đến khi triển khai, quân Đồng minh chỉ có đủ máy bay để vận chuyển hai sư đoàn. Do đó, chỉ có Sư đoàn 6 Anh và Sư đoàn 17 Mỹ tham chiến.
Mục tiêu chính của chiến dịch Varsity là chia cắt tuyến phòng thủ phát xít Đức quanh thành phố Wesel, phía bắc bang Rhine-Westphalia, miền tây nước Đức ngày nay. Các lính dù sau đó sẽ chiếm một số cứ điểm then chốt dọc sông Rhine, hỗ trợ chiến dịch tấn công của Quân đoàn 2 Anh. 
Sau khi chiếm được mục tiêu then chốt sau phòng tuyến Đức, lực lượng đổ bộ sẽ phải cố thủ trước các đợt phản công của đối phương cho đến khi quân chủ lực vượt sông.
Vận tải cơ và tàu lượn chở quân Đông minh trước giờ xuất phát. Ảnh: War History.
Vận tải cơ và tàu lượn chở quân Đông minh trước giờ xuất phát. Ảnh: War History.
Ngày 24/3/1945, 1.600 vận tải cơ chở 17.000 lính dù đồng loạt xuất kích, mở màn chiến dịch Varsity. Lực lượng tham gia đông đến mức đội hình máy bay cần hơn hai tiếng rưỡi mới vượt qua được một khu vực nhất định. Quân Mỹ đổ bộ ở khu vực tách biệt với liên quân Anh - Canada để thực hiện nhiệm vụ riêng.
Lực lượng đổ bộ đối mặt với nhiều khó khăn dù quân Đức lúc này đã suy yếu. Nhóm đầu tiên tiếp đất lúc 10h, ngay lập tức vấp phải hỏa lực từ bộ binh và pháo phòng không đối phương.
Khu vực nhảy dù của quân Mỹ bị sương mù bao phủ, một số binh sĩ tiếp đất lệch vị trí dự kiến, trong đó có trung đoàn dưới quyền chỉ huy của đại tá Edson Raff. Sau khi nhảy dù, họ tập hợp và di chuyển hơn ba km đến địa điểm tập kết theo kế hoạch.
Trên đường đi, Raff và đồng đội phải tiêu diệt các ụ súng máy và cứ điểm phòng ngự của phát xít Đức. Một nhóm lính khác dưới quyền chỉ huy của thiếu tá Paul Smith cũng phá hủy nhiều trận địa phòng không đối phương.
Tiểu đoàn 2 và 3 thuộc Trung đoàn 507 của Mỹ tìm cách chiếm, bảo vệ khu vực Diersfordter và một lâu đài. Họ diệt hai xe tăng và chiếm lâu đài lúc 15h, bắt sống 300 lính Đức. Quân Mỹ hoàn thành hầu hết các mục tiêu trong kế hoạch, phá hủy một số cứ điểm Đức và bắt 1.000 tù binh.
Lữ đoàn dù số 5 dưới sự chỉ huy của chuẩn tướng Nigel Poett là đơn vị tham gia trận giao tranh ác liệt nhất trong ngày. Họ gặp khó khăn khi hội quân do tầm nhìn kém và hỏa lực đối phương. Tuy nhiên, Lữ đoàn dù số 7 đã kịp thời đến nơi hỗ trợ bảo vệ khu vực tiếp đất.
Hai lữ đoàn sau đó di chuyển về Schnappenberg để hội quân với các đơn vị khác của Anh - Canada, chiếm được ba cây cầu bắc qua sông Issel. Họ cũng phối hợp với Trung đoàn Bộ binh dù số 513 Mỹ để chiếm làng Hamminkeln gần đó.
Bản đồ các khu vực đổ bộ của quân Đồng minh trong chiến dịch Varsity. Ảnh: Wikipedia.
Bản đồ các khu vực đổ bộ của quân Đồng minh trong chiến dịch Varsity. Ảnh: Wikipedia.
Lực lượng đổ bộ Đồng minh trụ vững trước một số đợt phản công của Đức cho đến nửa đêm, thời điểm bộ binh chủ lực vượt qua sông Rhine để tới chi viện. Đến ngày 27/3, tổng cộng 12 cây cầu cho lực lượng thiết giáp hạng nặng đã được bắc qua sông Rhine, quân Đồng minh có 14 sư đoàn tiến sâu khoảng 16 km vào lãnh thổ đối phương.
Đây được đánh giá là chiến dịch thành công khi mọi mục tiêu đều nhanh chóng được hoàn tất, quân Đồng minh bắt được 3.500-4000 tù binh Đức. Tuy nhiên, cái giá phải trả cũng rất lớn khi có khoảng 2.500 binh sĩ thương vong, chủ yếu là trong khi nhảy dù và tiếp đất.
Chiến dịch Varsity bẻ gãy sự kháng cự ở hậu phương Đức, cũng là cuộc đổ bộ đường không quy mô lớn cuối cùng của quân Đồng minh ở châu Âu. Đến tháng 4/1945, quân Đồng minh đã áp sát Berlin từ mọi phía, trước khi chính phủ Đức ký văn kiện đầu hàng vô điều kiện ngày 7/5/1945.
Duy Sơn (Theo War History)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét