Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2019

BỘ MẶT CHIẾN TRANH 37

 
Duy Khánh - Một Mai Giã Từ Vũ Khí (thâu trước 75)

-Trong tình trạng chiến tranh đầy chết chóc và tan hoang, bản chất sống của loài người trở nên cực hạn về mọi phía:
+Yêu thương vô vàn mà cũng hận thù vô song
+Thông minh trí tuệ bao nhiêu thì cũng ngu ngốc, mù quáng bấy nhiêu.
+Tuyệt đỉnh dũng cảm thì cũng tột cùng hèn nhát.
+Vừa là thánh thần vừa là quỉ dữ.
...
-Chiến tranh mang bộ mặt gớm ghiếc, tởm lợm đến khủng khiếp, không thể tả được, dù bôi son trát phấn như thế nào, tung hô ra sao.
-Chiến tranh là thể hiện sự thờ ơ, vô cảm khốn nạn tột cùng về việc hủy diệt tàn bạo cuộc sống và thân phận con người.
-Chiến tranh phi nghĩa là chiến tranh "nặn ra" lý do từ không có lý do, hủy diệt và tàn phá cuộc sống một cách không chính đáng. Chiến tranh chính nghĩa là chiến tranh  nảy sinh từ việc chống chiến tranh phi nghĩa, được hủy diệt và tàn phá cuộc sống một cách chính đáng (?).
-Tóm lại, bộ mặt thật của chiến tranh nhìn từ mọi phía nói chung là độc ác, thiểu năng trí tuệ đến ngỡ ngàng của con người khôn ngoan, có lý trí.
-Ngày chiến thắng 30/4, lũ bán nước cay cú gọi là ngày quốc hận, người cộng sản cực đoan cho rằng đó là ngày toàn dân phải vui mừng, riêng cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, người có vợ con đều chết trong chiến tranh, thì nói, đó là ngày có triệu người vui và cũng có triệu người buồn.
-Lão Tử, một đại hiền triết thời cổ đại của Trung Quốc, từng nói: "Giết hại nhiều người thì nên lấy lòng bi ai mà khóc, chiến thắng thì nên lấy tang lễ mà xử".
 
Pink Floyd: Welcome to the Machine (anti war version)

------------------------------------------------------- 
(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Những Trận Chiến 1 Ngày Khiến Lịch Sử Cũng Phải Khiếp Vía - Bí Ẩn Lịch Sử Thế Giới

Trận đánh đẫm máu nhất mặt trận Thái Bình Dương diễn ra ở đâu?

Thất bại trong trận Okinawa ngày 22/6/1945 đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại của Đế quốc Nhật, kết thúc cuộc chiến ác liệt nhất trong lịch sử nhân loại.


   
Theo Military History, sau khi Đức Quốc xã yếu thế co cụm về gần Berlin, phe Đồng minh dồn sức mạnh sang mặt trận Thái Bình Dương nhằm đánh bại Đế quốc Nhật. Các sĩ quan chỉ huy Mỹ nhận thấy, đảo Okinawa là vị trí mang tầm chiến lược. Hòn đảo nằm cách khoảng 550 km về phía nam Nhật Bản. Địa điểm này có thể làm cơ sở triển khai các máy bay chiến đấu và tập kết lực lượng để tấn công vào lục địa Nhật.
 tran danh dam mau nhat mat tran thai binh duong dien ra o dau? hinh anh 1
Lực lượng đổ bộ của phe Đồng minh tiếp cận bờ biển đảo Okinawa. Ảnh: Japanfocus.
Phía Tokyo cũng nhận thấy vai trò quan trọng của hòn đảo nên ra sức củng cố lực lượng và các vị trí phòng thủ. Họ điều động những chiến hạm mạnh nhất trong đó có siêu thiết giáp hạm Yamato đến bảo vệ đảo. Đặc biệt, Không quân Nhật huy động hàng nghìn máy bay cho chiến thuật tấn công cảm tử “kamikaze”.
Với quyết tâm chiếm Okinawa, phe Đồng minh huy động một lực lượng khổng lồ gồm 183.000 quân sau tăng lên 250.000 thuộc Quân đoàn 10 do tướng Simon B. Buckner chỉ huy; 450 tàu chiến các loại, bao gồm 17 tàu sân bay, hàng trăm tàu đổ bộ cùng 1.000 máy bay chiến đấu.
Lực lượng phòng thủ của Nhật gồm 130.000 quân, trong đó có 9.000 binh lính của Hải quân Đế quốc Nhật, còn lại thuộc Quân đoàn 32. Bên cạnh đó, rất nhiều dân quân và lực lượng bán vũ trang khác trên đảo cũng tham gia. Khoảng 1.500 máy bay làm nhiệm vụ cảm tử cùng hàng nghìn máy bay của hải quân và không quân.
Trận chiến đẫm máu nhất
Sáng sớm 1/4/1945, quân đoàn thủy quân lục chiến 24, với sự yểm trợ hỏa lực của các tàu chiến và máy bay, bắt đầu đổ quân lên bãi biển Hagushi, phía bắc Okinawa. Lực lượng tình báo Mỹ đã có tính toán sai lầm về quân số Nhật trên đảo. Họ ước tính khoảng 67.000 binh lính nhưng thực tế hơn 130.000.
 tran danh dam mau nhat mat tran thai binh duong dien ra o dau? hinh anh 2
Siêu thiết giáp hạm Yamato, biểu tượng sức mạnh của Hải quân Đế quốc Nhật Bản phát nổ sau đợt tấn công dữ dội của Không quân Mỹ. Ảnh: Wikipedia.
Trung tướng Mitsuru Ushijima, chỉ huy quân đội Nhật ở Okinawa ra lệnh cho binh lính tử thủ. Trên đảo có hàng nghìn lô cốt cùng rất nhiều ụ pháo hướng ra biển pháo kích dữ dội vào các xuồng đổ bộ. Bên cạnh đó, lực lượng máy bay tấn công mạnh vào hạm đội tàu chiến ngoài khơi.
Ở phía nam Okinawa, sư đoàn bộ binh 96 và 7 vấp phải sự kháng cự ác liệt của quân Nhật khiến lực lượng đổ bộ không thể tiếp cận bờ biển. Tuy nhiên, cuối tháng 4, phe Đồng minh với sức mạnh áp đảo đã vượt qua phòng tuyến Machinato. Ngày 4/5, quân đoàn 32 của Nhật tổ chức phản công quy mô lớn với ý định đánh vòng ra phía sau lưng lực lượng Đồng minh.
Tướng Ushijima đã huy động pháo binh bắn khoảng 13.000 đạn hỗ trợ cho đợt phản công. Tuy nhiên, lực lượng pháo binh quân đội Mỹ bắn trả hiệu quả, phá hủy hàng chục khẩu đại bác của Nhật. Chiến dịch của quân Nhật phá sản và chịu nhiều tổn thất. Đến giữa tháng 6, quân đoàn 32 vỡ trận, lực lượng còn lại co cụm về phía đông nam Okinawa.
Ngày 18/6, tướng Bunker thiệt mạng trong đợt pháo kích của Nhật khi đang theo dõi tình hình chiến trận. Tàn quân của Nhật kháng cự yếu ớt đến ngày 21/6. Tướng Ushijima tự sát trong hầm chỉ huy ngày 22/6, cùng ngày đại tá Hiromichi Yahara đầu hàng phe Đồng minh. Trận chiến lớn nhất mặt trận Thái Bình Dương kết thúc sau 82 ngày giao tranh ác liệt.
Các nhà sử học nhận định, về quy mô, trận Okinawa chỉ đứng sau cuộc đổ bộ Normandy trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 và đây là trận chiến gây thương vong nhiều nhất trên mặt trận Thái Bình Dương.
Tổn thất nặng nề cho đôi bên
Phe Đồng minh chiến thắng và chiếm đóng đảo Okinawa nhưng họ phải chịu tổn thất không nhỏ. Khoảng 7.374 lính thiệt mạng trong nỗ lực chiếm đảo, 31.807 người thương vong, 239 trường hợp mất tích, 225 xe tăng bị phá hủy.
 tran danh dam mau nhat mat tran thai binh duong dien ra o dau? hinh anh 3
Tàu sân bay USS Bunker Hill bốc cháy sau đợt tấn công cảm tử của máy bay Nhật. Ảnh: Picturahistoria.
Hải quân Đồng minh cũng thiệt hại nặng với 34 chiến hạm chìm (bao gồm 12 tàu khu trục), 368 chiếc hỏng (bao gồm tàu sân bay USS Bunker Hill). Số thủy thủ thiệt mạng là 4.907 người. Không quân tổn thất 763 máy bay.
Khoảng 105.000 binh lính Nhật tử trận, hơn 7.500 người bị bắt. Hải quân Nhật tổn thất 16 tàu chiến trong đó có siêu thiết giáp hạm Yamato, một tàu tuần dương, 4 khu trục hạm, khoảng 10.000 thủy thủ thiệt mạng.
Tổn thất của Không quân Nhật có nhiều nguồn với số lượng khác biệt khá lớn, Totallyhistory ước tính 4.000 chiếc, Wikipedia thống kê khoảng 7.800 máy bay còn trang Military History đưa ra con số 2.800 phi cơ các loại.
Chưa đầy 2 tháng sau khi thất thủ tại Okinawa cùng với việc Mỹ dội 2 bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, Đế quốc Nhật tuyên bố đầu hàng phe Đồng minh. Cuộc chiến đẫm máu nhất lịch sử nhân loại chính thức kết thúc.
Theo Quốc Việt (Zing)



Vị hoàng đế bá chủ Châu Âu mắc sai lầm "nướng" 70 vạn quân ở Nga, khiến cả đế chế diệt vong

Thứ Hai, ngày 19/08/2019 00:30 AM (GMT+7)

Hoàng đế Pháp Napoleon ở giai đoạn đỉnh cao quyền lực từng huy động gần 70 vạn quân xâm lược Nga nhưng cuối cùng nhận thất bại cay đắng, đặt dấu chấm hết cho Đệ nhất Đế chế Pháp mà mình thành lập.

Vị hoàng đế bá chủ Châu Âu mắc sai lầm "nướng" 70 vạn quân ở Nga, khiến cả đế chế diệt vong - 1
Napoleon cầm trên tay vương miện, chính thức trở thành hoàng đế Pháp.
Sau khi nắm quyền lực vào năm 1799, hoàng đế Napoleon Bonaparte lập nên Đệ Nhất Đế chế Pháp. Ngày 2.12.1804, Napoleon chính thức được được Giáo hoàng Alexander VII làm lễ sắc phong tại Nhà thờ Đức Bà Paris, nhưng khi đến nghi thức đội vương miện thì Napoleon đã giật lấy từ tay giáo hoàng và tự đội lên đầu mình.
Napoleon nắm quyền trong bối cảnh nước Pháp có nhiều rối ren cả trong nước và ngoài nước. Hoàng đế Pháp chủ trương tiếp tục chiến tranh với các vương quốc châu Âu lúc bấy giờ.
Nắm quyền bá chủ châu Âu
Những chiến thắng ban đầu giúp Napoleon nắm quyền kiểm soát gần như toàn bộ châu Âu, thao túng các quốc gia khác. Napoleon sáp nhập hai vùng đất ngày nay là Bỉ và Hà Lan vào Pháp, nối tiếp sau đó là Italia, Croatia và Đức. Một số vương quốc ở Thụy Sĩ, Ba Lan được trao quyền tự trị.
Tây Ban Nha từng là đế quốc quyền lực vào thế kỷ 15, nhưng đến khi Napoleon xuất hiện thì cũng phải quy hàng. Dù vậy, các cuộc kháng chiến ở Tây Ban Nha vẫn diễn ra dai dẳng.

Một số nước khác như Áo, Phổ và Nga bị đánh bại đến mức trở thành đồng minh của Napoleon. Chỉ có Anh nằm ngoài tầm kiểm soát nhờ eo biển chiến lược chia cắt với châu Âu.
Năm 1806, Napoleon quyết định trừng phạt Anh bằng đòn cấm vận mang tên phong tỏa lục địa. Mục đích là đẩy nền kinh tế của Anh đến chỗ chết ngạt, ngăn cản hoạt động buôn bán của Anh với toàn bộ các nước trên lục địa châu Âu dưới quyền của Napoleon, bao gồm cả các quốc gia đồng minh
Nhưng các quốc gia châu Âu cũng chịu ảnh hưởng mạnh bởi lệnh cấm này. Đến năm 1810, Sa hoàng Alexander I của Nga “chịu hết nổi” vì thương mại rơi xuống mức thấp và giá trị đồng rúp giảm  thê thảm, nên đơn phương ngừng thực thi cấm vận.
Vị hoàng đế bá chủ Châu Âu mắc sai lầm "nướng" 70 vạn quân ở Nga, khiến cả đế chế diệt vong - 2
Phác họa cảnh Napleon rút khỏi Moscow, Nga.
Alexander I còn áp thuế mạnh các mặt hàng xa xỉ của Pháp để đáp trả việc Napoleon muốn kết hôn với một trong những chị em gái của mình. Alexander I cũng có những biện pháp đề phòng vì lo ngại Napoleon sẽ kích động chủ nghĩa dân tộc ở Ba Lan – quốc gia có mối thù truyền kiếp với Nga.
D.M.G. Sutherland, giáo sư sử học tại Đại học Maryland, Mỹ - người từng viết hai cuốn sách về thời Napoleon, nói: “Đến tận ngày nay, mối quan hệ thân mật  giữa Pháp và Ba Lan vẫn còn nguyên vẹn”.
Napoleon từng coi Nga là đồng minh cốt lõi vì quốc gia này nằm cách xa trung tâm châu Âu, không có tranh chấp lãnh thổ với Pháp. Nhưng trước sự ngang ngạnh của Alexander I, Napoleon đã công khai  ý định “dạy cho Sa hoàng Nga  một bài học”.
Cuộc chiến tranh mù quáng
Năm 1812, hoàng đế Napoleon huy động một đội quân liên hợp từ tất cả các nước châu Âu, nằm dưới quyền chỉ huy duy nhất của một người là Napoleon. Đội quân này tiến vào lãnh thổ Nga vào ngày 24.6.1812.
“Đó là đội quân đa quốc gia của châu Âu lớn nhất kể từ các cuộc Thập tự Chinh”, sử gia Sutherland nói. Các thống kê lịch sử có phần khác nhau đôi chút, nhưng ước tính đội quân này có nòng cốt là 450.000 binh sĩ Pháp và tổng cộng là 685.000 binh sĩ. Đội quân này vượt sông Niemen để đối đầu với quân đội Nga khi đó chỉ có khoảng 200.000 người.
Gần 70 vạn quân của Napoleon được coi là một lực lượng rất lớn, ở thời đại mà các cuộc chiến tranh đã chuyển hoàn toàn từ cung và kiếm sang súng và pháo.
Trong cuộc Cách mạng Mỹ diễn ra trước đó vài chục năm, đội quân của Geogre Washington chỉ có 15.000 người
Mục tiêu của Napoleon là đánh nhanh thắng nhanh,  buộc Alexander I phải ngồi vào bàn đàm phán. Với lực lượng đông đảo, không ngạc nhiên khi Grande Armée (đại quân Pháp) chiếm thành phố Vilna vào ngày 27.6, tức là 3 ngày sau khi phát động chiến tranh.
Nhưng ngay cả khi cuộc chiến diễn ra vào mùa hè, thời tiết cũng không ủng hộ Napoleon. Đêm nào quân Pháp cũng chứng kiến cảnh đồng đội bỏ mạng vì bệnh dịch. Lương thực để duy trì đội quân khổng lồ này cũng là thách thức lớn.
Vị hoàng đế bá chủ Châu Âu mắc sai lầm "nướng" 70 vạn quân ở Nga, khiến cả đế chế diệt vong - 3
Đội quân thiện chiến của Napoleon không chịu nổi giá rét ở Nga.
Napoleon khi đó vẫn tự tin nói: “Ta đã vượt qua muôn màn khó khăn hơn khi chiến đấu với những kẻ mọi rợ ở phương bắc”.
“Thanh kiếm đã rút ra không thể thu hồi được nữa. Hãy đẩy người Nga về với băng giá để 25 năm nữa họ không còn can thiệp vào tình hình chính trị châu Âu”, Napoleon nói, theo History.
Đến cuối tháng 7, quân Nga tiếp tục chiến lược  rút lui, đốt cháy tất cả những gì phải bỏ lại. Giữa tháng 8, người Nga thiêu rụi cả thành phố Smolensk. Nông dân cũng hưởng ứng bằng cách đốt cháy mùa màng để quân Pháp không lấy được bất cứ thứ gì.
“Dĩ nhiên là chiến lược thiêu rụi mọi thứ đã đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn đoàn quân Pháp duy trì sức mạnh”, David A. Bell, giáo sư sử học tại Đại học Princeton, nói.
Mùa hè nóng nực khiến binh sĩ Pháp mắc nhiều bệnh tật truyền nhiễm. Hàng ngàn người bỏ mạng ở Smolensk. Nhưng quân Nga chỉ thực sự quyết phòng thủ trong trận Borodino vào ngày 7.9.1812, cách Moscow khoảng 120km.
Trong trận này, quân Pháp và Nga không ngừng nã pháo vào nhau, bên này tấn công thì bên kia phòng ngự và ngược lại. Không giây phút nào tiếng súng ngừng lại.
Ước tính 70.000 binh sĩ của cả hai bên thiệt mạng chỉ trong một ngày. Thay vì chuẩn bị cho ngày thứ hai,  người Nga rút lui, mở đường để Napoleon tiến vào  Moscow.
Ngày 14.9.1812, đại quân Đức chiếm thủ đô Moscow và những gì trước mắt chỉ là lửa cháy khắp nơi. Đa số người dân  đã sơ tán, thủ đô trống không chẳng còn gì.
Napoleon hạ lệnh đóng quân ở Moscow, chờ Alexander I đầu hàng. Suốt một tháng trời, Napoleon chờ đợi trong vô vọng, không một ai đầu hàng cả. Hoàng đế Pháp phải ra lệnh rút quân nếu không muốn chết rét trên đất Nga.
Vị hoàng đế bá chủ Châu Âu mắc sai lầm "nướng" 70 vạn quân ở Nga, khiến cả đế chế diệt vong - 4
Napoleon qua đời sau 6 năm bị đưa đi lưu đày.
Đến thời điểm này, đội quân của Napoleon từ 70 vạn chỉ còn 10 vạn người. Đa số chết vì những lý do không liên quan đến chiến đấu, đào ngũ, hoặc đơn giản là đi lạc đường.
Napoleon muốn rút lui về phía nam để củng cố lực lượng, nhưng buộc phải lựa chọn con đường từng tiến quân, vì quân Nga áp dụng chiến  thuật du kích. Mùa đông kéo đến khiến đội quân bách chiến bách thắng của Napoleon chết vì đói và rét. “Tình hình tồi tệ hết sức nhanh chóng”, Sheperd Paine, chủ tịch hiệp hội lịch sử thời Napoleon nói. “Quân Pháp đang chết mòn từng ngày”.
Cuối tháng 11, đại quân Pháp mới trở về nơi an toàn, khi qua cầu Berezina ở vùng đất ngày nay là Belarus. “Từ đây, gần như mỗi binh sĩ còn sống sót phải tự lo cho mình”, Paine nói.
Sau thất bại muối mặt của Napoleon, cả châu Âu đã nhận ra hoàng đế Pháp không phải là người bất khả chiến bại.
Các quốc gia như Áo, Phổ, Thụy Điển quay sang ủng hộ Anh và Nga. Sau này, Napoleon vẫn huy động được  một đội quân đông đảo, nhưng không bao giờ đạt đến độ chuyên nghiệp và thiện chiến như 70 vạn quân từng xâm lược Nga.
Tháng 10.1813, Napoleon nhận lấy bại nặng nề trong trận Leipzig. Một năm sau, thủ đô Paris thất thủ, Napoleon bị bắt sống, bị đem đi lưu đày. Năm 1815, Napoleon một lần cuối cùng giành quyền lực bằng trận Waterloo nhưng bị liên quân Anh dẫn đầu đánh tan tác.
Bình luận về thất bại của Napoleon, nhà sử học David A. Bell nói: “Charles XII của Thụy Điển đã từng viễn chinh sang đất Nga nhưng thất bại, Napoleon cũng thất bại và sau này là Hitler. Dường như bất kỳ một cuộc xâm lược Nga nào cũng không thể thành công”.

Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp (Dân Việt)





Quốc gia từng có thời cơ xóa sổ nước Nga khỏi bản đồ thế giới

Chủ Nhật, ngày 18/08/2019 00:30 AM (GMT+7)

Quốc gia này có cơ hội quét sạch tận gốc đối thủ không đội trời chung là Nga và trở thành kẻ thống trị duy nhất của Đông Âu vào đầu thế kỷ thứ 17.

Quốc gia từng có thời cơ xóa sổ nước Nga khỏi bản đồ thế giới - 1
Ba Lan từng có giai đoạn trong lịch sử suýt chút nữa thôn tính được Nga, giành quyền bá chủ Đông Âu.
Suốt hàng thế kỷ, Đông Âu là chiến trường của hai chủng tộc Slav. Đó là người Nga và người Ba Lan. Điều đáng nói là Nga càng chiến thắng bao nhiêu thì tầm ảnh hưởng của Ba Lan ngày càng bị thu hẹp bấy nhiêu.
Tuy nhiên cũng có một giai đoạn duy nhất trong lịch sử mà người Ba Lan có cơ hội rõ ràng nhất để khiến người Nga quỳ gối.
Đó là vào đầu thế kỷ 17, khi Nga rơi vào bất ổn nội bộ sau cái chết của Ivan IV - vị sa hoàng đầu tiên của Nga, còn được biết đến với cái tên Ivan Khủng khiếp hay Ivan Bạo chúa.
Khối thịnh vượng chung Ba Lan-Lithuania đã chiếm được Kremlin và đưa dòng dõi hoàng gia Ba Lan trở thành Sa hoàng Nga.
Nỗ lực đầu tiên
Năm 1604, sau một thời gian dài chờ đợi, liên minh Ba Lan-Lithuania dựng nên một hậu duệ giả mạo của Ivain IV, gọi là False Dmitry I – người tuyên bố mình người thừa kế ngai vàng hợp pháp ở Nga, sau vụ ám sát bất thành.

False Dmitry I từng có thời gian sống ở Ba Lan và được giới quý tộc Ba Lan lựa chọn làm người tranh ngôi Sa hoàng Nga.
Năm 1605, False Dmitry I dẫn đạo quân gồm 3.500 người từ Ba Lan tiến về Moscow để “đòi lại quyền lực”, khi đó thuộc về tay Sa hoàng Boris Godunov – người có em gái cưới con trai của vua Ivan IV.
Những phe phái chống đối Boris cũng nhân cơ hội này hội quân với Dmitry. Khi giao tranh dở dang thì Boris đột ngột qua đời và False Dmitry I đường hoàng lên ngai vàng ở Nga.
Trái với hi vọng của Ba Lan, kẻ giả mạo không trở thành con rối và cũng không thực hiện lời hứa khi được liên minh Ba Lan-Lithuania giúp đỡ, cụ thể là nhượng lại phần lãnh thổ ở phía tây và xây dựng nhà thờ Công giáo ở Nga.
Quốc gia từng có thời cơ xóa sổ nước Nga khỏi bản đồ thế giới - 2
Vua Ba Lan Sigismund III là người lập kế hoạch đưa con trai trở thành Sa hoàng Nga.
Nhưng False Dmitry I cũng không nắm quyền được lâu vì sự tranh giành quyền lực trong giới quý tộc Nga, Ngày 27.5.1606, kẻ giả mạo bị ám sát, dẫn đến một khoảng thời gian Ba Lan tìm cơ hội khác để xâm nhập vào Nga.
Lần thứ hai
Năm 1609, nội bộ Nga lại mâu thuẫn giữa giới quý tộc và Sa hoàng mới lên ngôi là Vasily IV. Giới quý tộc Nga mệt mỏi với mâu thuẫn nội bộ, ngày càng nghiêng về ý tưởng mời một ứng viên từ bên ngoài và con trai vua Ba Lan rất phù hợp để làm người lãnh đạo mới.
Vasily IV biết vị thế của mình bị đe dọa, liền lập liên minh với kẻ thù của Ba Lan là Thụy Điển. Chiến tranh Ba Lan-Nga bùng nổ.
Ngày 4.7.1610, tại trận Klushino, liên quân Ba Lan-Lithuania do thủ lĩnh Cossack Hetman Stanislav Zolkiewski chỉ huy, đánh bại liên quân Nga-Thụy Điển. Sa hoàng Vasily IV bị lật đổ.
Hai tháng sau, người dân Nga thề trung thành với “Sa hoàng và Hoàng tử Vladislav Sigismundovich” – con trai của vua Ba Lan Sigismund III. Vladislav, khi đó mới 14 tuổi, không xuất hiện trong lễ tuyên thệ ở Moscow.
Trên thực tế, đích thân Sigismund III ký các sắc lệnh và mệnh lệnh, điều hành nước Nga từ Ba Lan. Nhưng Sigismund III không thể can thiệp quá sâu vào nội bộ nước Nga vì sự phản đối của giới quý tộc Nga.
Theo thỏa thuận Ba Lan-Nga, tín ngưỡng Công giáo và giới quý tộc Ba Lan đều không có quyền áp đặt ở Nga. Thay vì trở thành một quốc gia, Ba Lan và Nga đạt thỏa thuận về một nền “hòa bình vĩnh hằng”, cam kết cùng hành động chống lại kẻ thù chung và thực hiện tự do thương mại.
Cực chẳng đã, Sigismund III đơn phương đưa quân tiến vào Moscow, chiếm Điện Kremlin, với toan tính xóa sổ hoàn toàn nước Nga khỏi bản đồ thế giới.
Lần cuối cùng
Binh sĩ Ba Lan-Lithuania đồn trú bị người dân địa phương Nga phản đối dữ dội. Một quý tộc Ba Lan tên Blinsky trong tình trạng say rượu đã gây hư hại nặng cho biểu tượng Đức Mẹ đồng trinh ở Cổng Sretensky.
Để xoa dịu cơn phẫn nộ của người địa phương, chỉ huy Điện Kremlin Alexander Gonsevsky, ra lệnh chặt tay của kẻ phạm tội và đem thiêu sống Blinsky tại quảng trường.
Quốc gia từng có thời cơ xóa sổ nước Nga khỏi bản đồ thế giới - 3
Quân Ba Lan đầu hàng ở Moscow.
Nhưng cơn phẫn nộ của người Moscow đã lên tới đỉnh diểm, biến thành phong trào giải phóng. Ngày 1/4/1611, một cuộc đụng độ giữa người Moscow và một nhóm người Ba Lan và Litva đã biến thành một cuộc tắm máu. Gonosevsky đã không thể ngăn được điều này.
Mọi toan tính của vua Ba Lan Sigimund III về việc chờ cho con trai Vladislav đủ lớn để lãnh đạo nước Nga đã sụp đổ. Mùa xuân năm 1611, hầu hết Moscow đã được giải phóng và lực lượng Ba Lan-Litva đồn trú trong điện Kremlin bị bao vây và rơi vào cảnh cùng quẫn. Hy vọng của lực lượng đồn trú tan biến khi đội quân tiếp viện Ba Lan bị đánh bại gần Moscow.
Một thành viên hoàng tộc Nga tên Mikhail Fedorovich Romanov nhân cơ hội này tuyên bố trở thành Sa hoàng Nga, vào ngày 21.7.1613. Điều đó có nghĩa là nước Nga rơi vào tình trạng có hai Sa hoàng, với một là con trai của vua Ba Lan.
Đại sứ Đế quốc La Mã Thần thánh, Erasmus Gandelius, khi đó cũng không biết giải quyết ra sao. “Một đất nước có hai người lãnh đạo, một bên là lửa, một bên là nước, làm sao lại có thể dung hòa được 2 nhân tố này?”
Cuối năm 1616, Sa hoàng Vladislav, năm đó 20 tuổi, cố gắng củng cố quyền lực một lần cuối. Quân đội Ba Lan-Lithuania lại bao vây Moscow, nhưng lần này, người Ba Lan đã không thể giúp được Vladislav. Nội bộ nước Nga khi đó cũng nghiêng về ủng hộ Sa hoàng Romanov.
Sau cái chết của Sigismund III năm 1632, Vladislav trở thành vua của Khối thịnh vượng chung Ba Lan-Lithuania. Hai năm sau, Vladislav mới từ bỏ từ bỏ tuyên bố mình là chủ nhân ngai vàng Nga.
Duyên nợ giữa Ba Lan và Nga cứ như vậy tiếp nối đến tận ngày nay, nhưng cứ mỗi lần trải qua chiến tranh, Nga lại càng trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, còn Ba Lan có lẽ chỉ biết ngậm ngùi khi họ từng có cơ hội mười mươi để xóa sổ đối thủ ở phía đông, nhưng rồi lại thất bại.
__________________
Nhắc đến những lần thất bại của các thế lực bên ngoài can thiệp vào Nga, không thể không nhắc đến chiến dịch xâm lược Nga của hoàng đế Pháp Napoleon. Bài viết tới sẽ nhìn lại nguyên nhân và sức mạnh của đế chế Pháp thời Napoleon cho đến khi sụp đổ vì xâm lược Nga.
Quốc gia từng là đế chế hùng mạnh, chỉ vì xâm lược Nga mà đánh mất tất cả
400 năm trước, quốc gia Bắc Âu từng là cường quốc quân sự, thậm chí đạt đến tầm của một đế chế, nhưng một sai...

Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp (Dân Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét