Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2019

BỘ MẶT CHIẾN TRANH 30

 
Giã từ vũ khí remix

-Trong tình trạng chiến tranh đầy chết chóc và tan hoang, bản chất sống của loài người trở nên cực hạn về mọi phía:
+Yêu thương vô vàn mà cũng hận thù vô song
+Thông minh trí tuệ bao nhiêu thì cũng ngu ngốc, mù quáng bấy nhiêu.
+Tuyệt đỉnh dũng cảm thì cũng tột cùng hèn nhát.
+Vừa là thánh thần vừa là quỉ dữ.
...
-Chiến tranh mang bộ mặt gớm ghiếc, tởm lợm đến khủng khiếp, không thể tả được, dù bôi son trát phấn như thế nào, tung hô ra sao.
-Chiến tranh là thể hiện sự thờ ơ, vô cảm khốn nạn tột cùng về việc hủy diệt tàn bạo cuộc sống và thân phận con người.
-Chiến tranh phi nghĩa là chiến tranh "nặn ra" lý do từ không có lý do, hủy diệt và tàn phá cuộc sống một cách không chính đáng. Chiến tranh chính nghĩa là chiến tranh  nảy sinh từ việc chống chiến tranh phi nghĩa, được hủy diệt và tàn phá cuộc sống một cách chính đáng (?).
-Tóm lại, bộ mặt thật của chiến tranh nhìn từ mọi phía nói chung là độc ác, thiểu năng trí tuệ đến ngỡ ngàng của con người khôn ngoan, có lý trí.
-Ngày chiến thắng 30/4, lũ bán nước cay cú gọi là ngày quốc hận, người cộng sản cực đoan cho rằng đó là ngày toàn dân phải vui mừng, riêng cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, người có vợ con đều chết trong chiến tranh, thì nói, đó là ngày có triệu người vui và cũng có triệu người buồn.
-Lão Tử, một đại hiền triết thời cổ đại của Trung Quốc, từng nói: "Giết hại nhiều người thì nên lấy lòng bi ai mà khóc, chiến thắng thì nên lấy tang lễ mà xử".
 
"Cowboy Miền Viễn Tây" - Hòa tấu - Nhạc Phim

------------------------------------------------------- 
(ĐC sưu tầm trên NET)
 
AI CẬP- trận chiến khốc liệt 

Cuộc chiến khiến nước Nga lâm cảnh khốn cùng, 1,7 triệu người tử vong

Thứ Năm, ngày 27/09/2018 00:30 AM (GMT+7)

Đế quốc Nga dấn thân vào Thế chiến 1 và bước ra với những tổn thất nặng nề, tạo tiền đề để Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra, chấm dứt thời kỳ cai trị của Sa hoàng suốt hàng trăm năm.

Cuộc chiến khiến nước Nga lâm cảnh khốn cùng, 1,7 triệu người tử vong - 1
Gia đình Sa hoàng cuối cùng của nước Nga, Nikolai II.
Thế chiến 1 được coi là thảm họa cuối cùng đối với đế quốc Nga, dẫn đến sự sụp đổ không thể tránh khỏi vào tháng 10.1917.
Người Nga tham chiến với tư cách chống lại sự trỗi dậy của đế quốc Đức nhưng thương vong lớn khủng khiếp ở thời điểm đó đã tạo nên những mâu thuẫn sâu sắc bên trong nội bộ nước Nga.
Theo báo Nga RBTH, 1,7 triệu binh sĩ thiệt mạng, 4,9 triệu người bị thương chỉ là sự khởi đầu. Bởi sau khi rút khỏi Thế chiến 1, Nga rơi vào vòng xoáy của cuộc nội chiến giữa những người ủng hộ Sa hoàng Nikolai II và những người Bolshevik.
Trận đánh thay đổi lịch sử
Khởi đầu Thế chiến 1 với khí thế rực lửa, người Nga sớm bị quân Đức dội gáo nước lạnh trong trận chiến Tannenberg năm 1914.
Ngày 1.8.1914, Đế quốc Đức tuyên chiến với Đế quốc Nga. Theo kế hoạch của Bá tước Alfred von Schliffen, người Đức dự định kết thúc sớm chiến tranh bằng cách đánh bại Pháp trong 4-6 tuần, rồi chuyển sang mặt trận phía Đông đánh Nga.
Cuộc chiến khiến nước Nga lâm cảnh khốn cùng, 1,7 triệu người tử vong - 2
Tannenberg là trận đánh hủy diệt tập đoàn quân số 2 của Nga.
Người Nga biết điều này nên chủ động mở cuộc tấn công trước ở vùng lãnh thổ giáp Đông Phổ và Nga. Diễn ra từ ngày 26-30.8.1914, trận Tannenberg giúp Đức thoát khỏi sự vây hãm của Nga tại mặt trận phía Đông. Người Đức xác định Nga là mối đe dọa tiềm tàng nên hoàng đế Đức quyết định điều tập đoàn quân số 8 (tương đương 100.000-150.000 người) phòng thủ tại Đông Phổ.
Sáng sớm ngày 26.8, Nga tấn công Đông Phổ với sức mạnh của tập đoàn quân số 1 và số 2, vốn có ưu thế vượt trội so với tập đoàn quân số 8 của Đức. Do chỉ huy yếu kém và thiếu sự hiệp đồng tác chiến, quân Nga nhanh chóng bị đối phương phản công, đẩy lùi.
Đánh giá về thất bại này, các nhà sử học nhận định rằng tướng Alexander Samsonov đã không thể liên kết và nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ tập đoàn quân số 1 do tướng Paul Rennenkampf chỉ huy. Kết quả là tập đoàn quân số 2 của Samsonov đơn độc giao chiến với tập đoàn quân của Đức tướng Erich Ludendorff và Paul von Hindenburg chỉ huy.
Kết quả là hai cánh của tập đoàn quân số 2 của Nga lần lượt bị bẻ gãy. Toàn bộ tập đoàn quân số 2 bị tiêu diệt hoàn toàn. Trong số 200.000 binh sĩ của tập đoàn quân số 2, chỉ có 10.000 người kịp đào thoát.
Cuộc chiến khiến nước Nga lâm cảnh khốn cùng, 1,7 triệu người tử vong - 3
Tướng Alexander Samsonov tự sát sau khi để tập đoàn quân số 2 bị hủy diệt.
Tối ngày 30.8, thay vì thông báo thất bại đến Sa hoàng Nikolai II, tướng Samsonov một mình đi bộ vào rừng và tự sát. Thi thể của Samsonov chỉ được tìm thấy một năm sau đó và được trao trả cho Nga.
Phía quân Đức chỉ thương vong 20.000 người nhưng lấy được 500 khẩu pháo. Sau trận đánh quyết định ở Tannenberg, đế quốc Nga rơi vào thế bị động, để rồi buộc phải rút chạy khỏi Ba Lan và Ukraine, trước đợt tổng tiến công quy mô lớn của đế quốc Đức năm 1915.
Riêng trong chiến dịch rút lui khỏi Ba Lan, quân Nga tổn thất tới 500.000 người, làm tổn hại mạnh mẽ đến ý chí chiến đấu của binh sĩ.
Đế quốc Nga sụp đổ
Đến năm 1917, nền kinh tế Nga không chịu nổi sức nặng chiến tranh, dân chúng khốn cùng, thất nghiệp, nạn đói lan rộng.
Những thất bại liên tiếp gây gây bất mãn cao độ trong nhân dân và quân đội Nga. Quân lính đã quá khổ vì chiến tranh lại căm thù tầng lớp sĩ quan quý tộc, không còn lòng ái quốc như khi chiến tranh mới nổ ra.
Lệnh tổng động viên 10 triệu người tham gia nhập ngũ làm cho sản xuất nông nghiệp của Nga suy thoái trầm trọng. Từ năm 1916-1917, sản lượng lương thực giảm 20%.
Nạn mất mùa, đói kém xảy ra khắp nơi. Sản xuất công nghiệp cũng đình trệ, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Nền tài chính nước Nga lâm vào tình trạng khủng hoảng.
Từ tháng 8.1914-3.1917, Sa hoàng Nga chi vào cuộc chiến 29,6 tỷ rúp, cao gấp 3 lần tổng thu quốc khố. Để có tiền chi dùng cho cuộc chiến, Sa hoàng Nikolai II liên tục áp những loại thuế mới mới và phát hành trái phiếu vay nợ trong dân. Con số vay nợ đã tăng đến 36,6 tỷ Rupee vào năm 1917.
Cuộc chiến khiến nước Nga lâm cảnh khốn cùng, 1,7 triệu người tử vong - 4
Lãnh tụ V.I.Lênin, người lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng Mười Nga.
Đến năm 1917, cách mạng Nga bùng nổ. Sa hoàng thoái vị vào tháng 3.1917, quân đội Nga tan rã. Lenin với tư cách lãnh đạo Đảng Bolshevik, đã giành chính quyền trong cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga.
Đứng trước tình thế thù trong giặc ngoài, Lenin ký hòa ước Brest-litovs với riêng đế quốc Đức, trao cho Đức vùng Ba Lan, Tây Belarus, Ukraine và các nước vùng Baltic, bồi thường 6 tỷ mark vàng cho Đức.
Việc nhân nhượng Đức nằm trong dự tính của Lenin, rằng đế quốc Đức sẽ sớm thất bại trong Thế chiến 1. Hòa ước ký kết do đó sẽ trở nên vô hiệu, nước Nga không cần bồi thường chiến phí nữa. Nhận định này có phần chính xác khi nước Đức bại trận chỉ sau 8 tháng.
Nước Nga Xô viết sau đó tiến quân thu hồi lại phía đông Ukraine và Belarus. Đến cuối cùng, Nga tổn thất 842.000 km2 lãnh thổ (tương đương 15,4%), vốn là nơi sinh sống của 31,5 triệu người (23,3% dân số trước chiến tranh).
Sự sụp đổ của đế quốc Nga dẫn đến sự hình thành các nước mới, bao gồm Ba Lan, Latvia, Estonia, Lithuania và lần đầu tiên, Phần Lan giành độc lập trong lịch sử.
Ngày nay, tình hình địa chính trị ở Đông Âu vẫn căng thẳng, bắt nguồn từ những thất bại của Đế quốc Nga trong Thế chiến 1, báo Nga RBTH kết luận.

Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp (Dân Việt

Trận đánh biên giới 120 lính Ấn Độ khiến Pakistan "ôm hận" mãi mãi

Thứ Ba, ngày 27/11/2018 02:00 AM (GMT+7)

Ấn Độ nổi tiếng với những trận đánh không cân sức trước quân Trung Quốc ở biên giới, và họ cũng từng dạy cho quốc gia láng giềng Pakistan một bài học nhớ đời, trong cuộc chiến năm 1971.

Trận đánh biên giới 120 lính Ấn Độ khiến Pakistan "ôm hận" mãi mãi - 1
Những chiếc xe tăng Pakistan bị phá hủy hoặc bị bỏ lại được Ấn Độ đem về trưng bày.
Năm 1971, Pakistan mở đợt không kích phủ đầu vào 11 căn cứ không quân Ấn Độ, khơi mào chiến tranh Ấn Độ-Pakistan. Đây là một trong những cuộc chiến tranh ngắn nhất trong lịch sử, khi kéo dài chưa đầy hai tuần.
Pakistan đặt mục tiêu tấn công Ấn Độ từ khu vực biên giới Longewala với 2.000 binh sĩ, một lữ đoàn bộ binh cơ giới và 45 xe tăng. Ngược lại, phía Ấn Độ chỉ có 120 lính biên phòng.
Kế hoạch tấn công phủ đầu Ấn Độ
Tình hình cuối năm 1971 trở nên bất lợi với Pakistan khi Ấn Độ không ngừng hỗ trợ, thúc đẩy phong trào đấu tranh giành độc lập ở Đông Paksitan (nay là Bangladesh).
Tổng thống Paksitan Yahya Khan khi đó hiểu rằng không thể giữ Đông Paksitan được lâu hơn nữa trước sức ép từ phía Ấn Độ. Khan muốn tấn công phủ đầu, chiếm càng nhiều vùng đất do Ấn Độ kiểm soát càng tốt để làm công cụ trên bàn đàm phán.
Theo kế hoạch, Pakistan dựa vào không quân và lực lượng bộ binh cơ giới để tấn công chớp nhoáng vào phía tây Ấn Độ và sau đó lập phòng tuyến củng cố vùng đất chiếm được.
Pakistan huy động 2.000 binh sĩ, 45 xe tăng và một lữ đoàn bộ binh cơ giới, với mục tiêu chiếm Longewala, Ramgarh and Jaisalmer càng nhanh càng tốt.
Nhưng các chỉ huy Pakistan đã chủ quan khi không đánh giá kỹ tình hình ở Longewala, vì nơi này không phù hợp để bộ binh cơ giới có thể đánh nhanh thắng nhanh.
Tối ngày 3.12.1971, Pakistan tuyên chiến khi cho máy bay đồng loạt xuất kích, oanh tạc dữ đội các phòng tuyến ở tây Ấn Độ. Binh sĩ và xe tăng Pakistan cũng tiến đến Longewala sẵn sàng cho đợt tấn công vào tối ngày 4.12.
Trận đánh biên giới 120 lính Ấn Độ khiến Pakistan "ôm hận" mãi mãi - 2
Binh sĩ Ấn Độ ăn mừng trên xe tăng chiếm được từ Pakistan.
Cùng ngày, lính biên phòng Ấn Độ đã phát hiện một lượng lớn xe tăng, binh sĩ Pakistan tập kết cho trận đánh ở Longewala.
Họ yêu cầu được yểm trợ bằng pháo binh và máy bay, nhưng nhận được mệnh lệnh rằng tiếp viện chỉ có thể đến vào sáng hôm sau.
120 lính biên phòng Ấn Độ do thiếu tá Kuldip Singh Chandpuri chỉ huy chỉ có vũ khí mạnh nhất là súng không giật M40 106 mm.
Đây là mẫu súng chống tăng hạng nhẹ, do Mỹ sản xuất, được sử dụng rộng rãi trong Chiến tranh Triều Tiên và nhiều cuộc chiến khác cho đến nay.
Lực lượng đồn trú bị bao vây hoàn toàn, quân số ít ỏi và hỏa lực cũng lép vế so với đối phương. Sau một hồi suy tính, Chandpuri quyết định ở lại cầm chân quân Pakistan, chờ tiếp viện đến vào sáng hôm sau. Bởi các binh sĩ Ấn Độ có ưu thế phòng thủ hơn trong khi nếu rút chạy thì có thể vẫn không thoát được lữ đoàn bộ binh cơ giới Pakistan.
120 lính Ấn Độ quyết chiến trong đêm
Đồng hồ điểm đúng nửa đêm và thời điểm đến rạng sáng còn khoảng 6 giờ đồng hồ. Có thể nói đêm hôm đó là một đêm dài đối với cả những người lính Ấn Độ và Pakistan.
Pháo binh Pakistan nã đạn dữ dội ngay trong đêm về phía căn cứ Ấn Độ ở Longewala để dọn đường cho bộ binh cơ giới tiến vào. Lực lượng phòng thủ Ấn Độ không hề bắn trả cho đến khi xe tăng Pakistan tiến đến gần ở cự ly 12-30 mét.
Khi thời cơ đến, họ dùng súng không giật 106mm nhằm vào phần giáp mỏng nhất của xe tăng và loại khỏi vòng chiến đấu hàng loạt phương tiện cơ giới bên phía Pakistan.
Trận đánh biên giới 120 lính Ấn Độ khiến Pakistan "ôm hận" mãi mãi - 3
Các máy bay Ấn Độ xuất kích vào sáng sớm hôm sau đóng vai trò then chốt vào chiến thắng.
Bộ binh Pakistan trong đêm tối vướng phải hàng rào dây thép của Ấn Độ và tưởng nhầm là bãi mìn nên loay hoay xoay trở. Những chiếc xe tăng bị bắn cháy và phát nổ soi sáng cả một khu vực chiến trường. Khói bốc lên cũng càng khiến binh lính Pakistan khó nhận diện mục tiêu.
Lực lượng xe tăng Paksitan chờ hai giờ để công binh có thể dò mìn nhưng phát hiện ra không hề có bãi mìn nào.
Đến lúc đó hàng chục xe tăng Pakistan mới bắt đầu tìm cách bao vây lực lượng Ấn Độ, nhưng lại vướng vào cát lún và không thể di chuyển. Những chiếc xe tăng này dễ dàng trở thành mồi ngon cho súng không giật M40.
Những kẻ tấn công trở nên bối rối, cả tiểu đoàn tăng thiết giáp biến thành gà để phi công Ấn Độ “vặt lông” vào sáng sớm. Ước tính Pakistan tổn thất 500 phương tiện vũ khí, bao gồm 34 xe tăng, 200 lính bộ binh thiệt mạng trong khi tổn thất bên phía Ấn Độ chỉ là 2 người.
Vài ngày sau, lực lượng tăng thiếp giáp tiếp viện Ấn Độ nhanh chóng mở đợt phản công nhằm đẩy kẻ địch lùi xa khỏi Longewala và thừa thắng quét sạch nốt quân địch còn chốt chặn ở Đông Paksitan.
Kết quả là vào ngày 16.12.1971, Pakistan phải tuyên bố ngừng chiến dịch quân sự, chấp nhận Đông Pakistan ly khai và trở thành quốc gia Bangladesh độc lập.
Chỉ huy đơn vị Ấn Độ ở lại cầm chân quân Pakistan, thiếu tá Kuldip Singh Chandpuri được phong tặng danh hiệu anh hùng và huân chương cao quý hạng hai Maha Vir Chakra.
Chiến công của những người lính Ấn Độ ở Longewala được phác họa trong bộ phim Bollywood mang tên “Biên giới”.
____________________
Lích sử chiến tranh hiện đại ghi nhận trận đánh kỳ tích khi chỉ 47 người chặn đứng đợt tấn công của 5.000 binh sĩ và hàng loạt tàu chiến. Bài dài kỳ thứ ba sẽ điểm lại trận đánh này trong cuộc nội chiến Mỹ.

Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp (Dân Việt

Trận đánh kỳ lạ: 47 người đánh bại 5.000 quân trong nội chiến Mỹ

Thứ Tư, ngày 28/11/2018 00:30 AM (GMT+7)

Đây là một trong những trận đánh hiếm hoi trong lịch sử mà lực lượng ít ỏi hơn nhiều lại giành chiến thắng quyết định, trong khi không tổn thất một người nào.

Trận đánh kỳ lạ: 47 người đánh bại 5.000 quân trong nội chiến Mỹ - 1
Liên minh miền Nam chỉ với 47 người đã buộc quân miền Bắc với 5.000 binh sĩ phải rút lui.
Trận chiến Đèo Sabine lần hai diễn ra trong cuộc nội chiến Mỹ. Năm 1863, tướng William B. Franklin dẫn một lực lượng của liên bang miền bắc tấn công đèo Sabine để có thể tiến vào bang Texas bằng đường thủy.
Đội quân của Franklin gồm 5.000 lính, 4 chiến hạm, 18 tàu chở quân. Trong khi đó, đối thủ của họ chỉ là khoảng 47 binh sĩ thuộc một trung đoàn pháo binh của Liên minh miền nam. Đồn trú tại pháo đài Griffin, họ chịu sự chỉ huy của trung úy Richard Dowling và có 6 khẩu pháo.
Nội chiến Mỹ đẫm máu
Sau khi Abraham Lincoln đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 1860, 11 tiểu bang theo chế độ nô lệ ở miền Nam Hoa Kỳ đã tuyên bố ly khai khỏi Hợp chúng quốc Hoa Kỳ và lập ra liên minh miền Nam. 25 tiểu bang còn lại ủng hộ chính phủ liên bang miền Bắc. Lincoln chủ trương xóa bỏ chế độ nô lệ, trong khi liên minh miền Nam phản đối điều này và kết quả là chiến tranh nổ ra.
Sau hai năm đầu tiên nội chiến với những thắng lợi liên tiếp, cuộc chiến dần trở nên bất lợi với liên minh miền Nam. Đến năm 1863, phe miền Nam bắt đầu để mất những vùng lãnh thổ chiếm được, không còn thể hiện được ưu thế trên chiến trường.
Ở Gettysburg, nơi được coi là thành trì của liên minh miền Nam, liên bang miền Bắc đã giáng đòn mạnh mẽ để chiếm được thành trì này trong trận đánh ngày 1-3.7.1863, dù tồn thất tới 23.049 binh sĩ.
Ở Vicksburg, liên bang miền Bắc chia đôi lực lượng phe miền Nam làm đôi, sau khi chiếm quyền kiểm soát con sông Mississippi.
Đây là bàn đạp để liên bang miền Bắc tiếp tục tiến sâu xuống phía nam, nhắm đến Texas. Nhiều tàu chở quân, tàu pháo sẵn sàng khởi hành từ New Orleans, hướng qua đèo Sabine.
Trận đánh kỳ lạ: 47 người đánh bại 5.000 quân trong nội chiến Mỹ - 2
Ông Don Smart đã có hàng chục năm diễn lại những trận đánh nổi tiếng, bao gồm trận Đèo Sabine lần hai.
Trận đánh ở Đèo Sabine lần hai diễn ra vào ngày 8.9.1863 được ghi nhớ với chiến công lịch sử của phe miền Nam, khi làm nên điều không tưởng và ngăn liên bang miền Bắc bén mảng đến Texas trong suốt hai năm còn lại của nội chiến.
Don Smart, 67 tuổi, là một người chuyên diễn lại trận đánh lịch sử trong cuộc nội chiến và dĩ nhiên ông rất quen thuộc với trận đánh ở Đèo Sabine lần hai.
“Tôi đã diễn lại các trận đánh suốt hơn 20 năm qua”, Smart nói. “Nhưng trận đánh ở Đèo Sabine khiến tôi nhớ rõ nhất”.
Bởi đây là trận đánh sống còn đối với riêng bang Texas, Smart nói. Liên bang miền Bắc có thể dùng 5.000 quân chính quy và 10.000 quân dự bị để ngăn phe miền Nam giao thương với Mexico, bằng cách chiếm các cảng biển chính.
Nếu thành công, phe miền Nam có thể sớm cạn kiệt nguồn lực, không thể kéo dài chiến tranh. Tát cả những gì phe miền Bắc cần làm là vượt qua pháo đài Griffin ở Đèo Sabine. Trung úy Richard Dowling, chỉ huy pháo đài khi đó có không đến 50 binh sĩ dưới quyền, và 6 khẩu pháo.
Theo kế hoạch, 5.000 binh sĩ miền bắc với 4 tàu pháo và 18 tàu chở quân sẽ vượt qua Đèo Sabine bằng đường biển.
Trận chiến sống còn với bang Texas
Sáng sớm ngày 8.9, các tàu pháo của liên bang miền Bắc nã đạn dữ dội vào pháo đài Griffin. Dowling ra lệnh cho binh sĩ dưới quyền bình tĩnh chờ đối phương đến gần mới khai hỏa. Lợi thế của Dowling là đã sắp đặt sẵn 6 khẩu pháo ở vị trí thuận lợi để giáng đòn bất ngờ vào tầu chiến đối phương.
Kết quả trận đánh diễn ra thảm hại đối với một liên bang miền Bắc đang hừng hực khí thế. Tàu Khi tàu USS Sachem, USS Clifton của liên bang miền Bắc tiến đến gần căn cứ ở khoảng cách không đến 1km, Dowling ra lệnh cho binh sĩ đồng loại khai hỏa.
Sau 45 phút giao tranh ác liệt đầu tiên, tàu USS Sachem chìm nghỉm trước loạt đạn pháo trúng vào nồi hơi nước. Tàu USS Cliffton bị vô hiệu hóa hoàn toàn, rơi vào tay liên minh miền Nam.
Binh sĩ phe miền Nam phá hủy hoặc làm hỏng nhiều tàu của đối phương đến nỗi chúng chặn ngang dòng sông. Tình thế ấy buộc tướng William B. Franklin, chỉ huy chiến dịch của phe miền Bắc ra lệnh rút lui về New Orleans.
Trận đánh kỳ lạ: 47 người đánh bại 5.000 quân trong nội chiến Mỹ - 3
Hàng chục tàu chiến của phe miền Bắc tiến vào Texas qua pháo đài Grifffin nhưng buộc phải rút lui.
Theo các nhà sử học Mỹ, phe miền bắc trong trận đánh này tổn thất tới 200 người, hai tàu pháo bị đánh chìm hoặc rơi vào tay quân miền Nam. Ngược lại, phe miền Nam không mất một người nào.
Chiến thắng của Dowling và các đồng đội đã ngăn liên bang miền Bắc chiếm Texas trong suốt hai năm còn lại của cuộc nội chiến, giúp khu vực này không bị tàn phá bởi chiến tranh.
“Texas được cứu khỏi sự hủy diệt, giống như phần còn lại của liên minh miền Nam”, Smart nói.
Ngày nay, một phần của tàu USS Cliffton vẫn còn được trưng bày trong bảo tàng. Sau trận đánh ở Đèo Sabine lần hai, liên minh miền Nam sửa chữa lại tàu Cliffton, sử dụng nó làm vật cản ngăn phe miền Bắc.
Dù giành chiến thắng không tưởng ở Đèo Sabine nhưng nỗ lực trên là không đủ để liên minh miền Nam có thể kết thúc chiến tranh trong vinh quang.
Quân miền Bắc đông hơn gấp đôi, lại có tướng giỏi chỉ huy và Tổng thống Mỹ Lincoln thì tiếp tục đắc cử lần hai, dẫn đến kết cục thắng lợi tất yếu vào năm 1865.
Kết quả sau nội chiến là toàn bộ người nô lệ tại các bang miền Nam được thả tự do. Nô lệ tại các tiểu bang ranh giới, kể cả Washington, D.C., được trả tự do vào mùa xuân năm 1865. Tổng cộng có khoảng 4 triệu nô lệ được tự do.

Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp (Dân Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét