BỘ MẶT CHIẾN TRANH 33
-Trong tình trạng chiến tranh đầy chết chóc và tan hoang, bản chất sống của loài người trở nên cực hạn về mọi phía:
+Yêu thương vô vàn mà cũng hận thù vô song
+Thông minh trí tuệ bao nhiêu thì cũng ngu ngốc, mù quáng bấy nhiêu.
+Tuyệt đỉnh dũng cảm thì cũng tột cùng hèn nhát.
+Vừa là thánh thần vừa là quỉ dữ.
...
-Chiến tranh mang bộ mặt gớm ghiếc, tởm lợm đến khủng khiếp, không thể tả được, dù bôi son trát phấn như thế nào, tung hô ra sao.
-Chiến tranh là thể hiện sự thờ ơ, vô cảm khốn nạn tột cùng về việc hủy diệt tàn bạo cuộc sống và thân phận con người.
-Chiến tranh phi nghĩa là chiến tranh "nặn ra" lý do từ không có lý do, hủy diệt và tàn phá cuộc sống một cách không chính đáng. Chiến tranh chính nghĩa là chiến tranh nảy sinh từ việc chống chiến tranh phi nghĩa, được hủy diệt và tàn phá cuộc sống một cách chính đáng (?).
-Tóm lại, bộ mặt thật của chiến tranh nhìn từ mọi phía nói chung là độc ác, thiểu năng trí tuệ đến ngỡ ngàng của con người khôn ngoan, có lý trí.
-Ngày chiến thắng 30/4, lũ bán nước cay cú gọi là ngày quốc hận, người cộng sản cực đoan cho rằng đó là ngày toàn dân phải vui mừng, riêng cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, người có vợ con đều chết trong chiến tranh, thì nói, đó là ngày có triệu người vui và cũng có triệu người buồn.
-Lão Tử, một đại hiền triết thời cổ đại của Trung Quốc, từng nói: "Giết hại nhiều người thì nên lấy lòng bi ai mà khóc, chiến thắng thì nên lấy tang lễ mà xử".
The Pogues - The band played waltzing matilda
(ĐC sưu tầm trên NET)
Lạnh Gáy 10 Cuộc Chiến Đẫm Máu Nhất Lịch Sử Nhân Loại - Nỗi Khiếp Sợ Hàng Ngàn Năm Của Thế Giới
Nghi vấn quanh trận chiến sinh tử giữa hai huyền thoại bắn tỉa
Câu chuyện của huyền thoại bắn tỉa Liên Xô
Zaitsev về cuộc đọ sức một mất một còn với thiếu tá bắn tỉa phát xít Đức
còn nhiều điểm gây nghi ngờ.
'Quý cô tử thần' - nữ xạ thủ bắn tỉa khiến phát xít khiếp sợ / Bi kịch của người lính bắn tỉa giữ kỷ lục thế giới
![]() |
Thành phố Stalingrad hoang tàn trong chiến dịch chống phát xít Đức xâm lược năm 1942. Ảnh: Wikimedia
|
Mùa đông năm 1942, thành phố Stalingrad của Liên Xô trở thành tâm điểm
giao tranh ác liệt trong cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của Hồng quân
trước cuộc xâm lược của phát xít Đức. Thành phố hoang tàn đổ nát vì bom
đạn này cũng được cho là nơi đã diễn ra trận đấu súng sinh tử nổi tiếng
nhất giữa hai lính bắn tỉa huyền thoại, theo WarisBoring.
Một bên là Vasily Zaitsev, lính bắn tỉa cự phách của quân đội Liên Xô
với bảng thành tích tiêu diệt khoảng 400 tên địch, bên kia là "thiếu tá
Konig", hiệu trưởng trường bắn tỉa của quân đội Đức ở Berlin, người được
bộ tư lệnh tối cao phát xít Đức biệt phái tới Stalingrad để săn lùng
Zaitsev. Họ chạm mặt nhau trong một buổi chiều định mệnh, với màn săn
đuổi, đấu trí một mất một còn, và chỉ có Zaitsev sống sót để kể lại câu
chuyện.
Trận đấu súng sinh tử giữa hai siêu xạ thủ này trở thành nguồn cảm hứng
cho nhiều tác phẩm nghệ thuật, trong đó có bộ phim "Enemy at the Gate"
(Kẻ thù trước cửa) năm 2001. Trong cuốn tự truyện "Những ghi chép của
một lính bắn tỉa Nga", Zaitsev đã thuật lại cách ông nghiên cứu chiến
trường tỉ mỉ như thế nào, nghi binh ra sao để có thể hạ gục được Konig
giữa những tòa nhà đổ nát dọc chiến tuyến Xô - Đức.
Người lính bắn tỉa cự phách của Hồng quân Liên Xô kể rằng ông phải cùng người đồng đội Kulikov tìm cách gài bẫy Konig, bởi tay súng này đã từng hạ gục nhiều chiến sĩ bắn tỉa của Hồng quân.
"Kulikov bắn một phát đạn vu vơ để thu hút sự chú ý của Konig. Tuy nhiên
chúng tôi quyết định án binh bất động trong buổi sáng ngày hôm đó, bởi
ánh sáng Mặt trời phản xạ từ kính ngắm có thể khiến chúng tôi bị lộ. Vào
buổi chiều, chúng tôi ở trong bóng râm, trong khi Mặt trời chiếu thẳng
vào vị trí của tay súng bắn tỉa Đức", Zaitsev viết trong cuốn tự truyện.
Ông bất ngờ phát hiện một tia sáng lóe lên bên dưới một tấm tôn nằm giữa
những bức tường đổ nát. Đó có thể là ánh sáng phản xạ từ súng trường
của Konig, nhưng cũng có thể chỉ là một mảnh thủy tinh vỡ.
Để chắc ăn, Zaitsev ra hiệu cho Kulikov đang nấp sau bức tường dùng gậy
giơ chiếc mũ sắt lên phía trên. Tiếng súng rền vang, tay bắn tỉa Đức đã
nhắm trúng vào chiếc mũ sắt đó. Kulikov giả vờ nhổm dậy và hét to rồi
gục xuống như thể vừa trúng đạn.
![]() |
Vasily Zaitsev, huyền thoại bắn tỉa của Hồng quân Liên Xô. Ảnh: Wikimedia
|
Đó là khoảnh khắc mà Konig phải trả giá cho sai lầm cuối cùng của mình,
Zaitsev viết. Cho rằng kẻ địch đã chết, Konig ló nửa đầu lên khỏi tấm
tôn để quan sát thành tích. "Tôi lập tức nổ súng, đầu của anh ta gục
xuống, kính ngắm quang học trên khẩu súng trường của xạ thủ này lóe lên
dưới ánh mặt trời".
Những điểm bất hợp lý
Theo sử gia người Anh Frank Ellis, trận đấu súng sinh tử với "thiếu tá Konig" mà Zaitsev kể lại có
thể chỉ là một huyền thoại của chiến tranh, chứ không hẳn là một sự
kiện đã xảy ra trong lịch sử. Trong cuốn "Vạc dầu Stalingrad" xuất bản
năm 2013, Ellis đã chỉ ra những lỗ hổng trong câu chuyện này.
Trước hết, ở Đức không thấy nhắc đến tay súng bắn tỉa bậc thầy nào tên
là "thiếu tá Konig" từng tồn tại. Người Đức cũng không thành lập trường
bắn tỉa nào ở Berlin trong năm 1942 hay 1943, thời điểm trận Stalingrad
diễn ra.
Ellis cũng lưu ý rằng Zaitsev thường ghi ngày tháng cụ thể cho mỗi sự
kiện trong cuốn sách của ông, nhưng huyền thoại bắn tỉa này không hề đề
cập đến thời điểm chính xác của trận đối đầu sinh tử với Konig. "Không
một người Liên Xô nào nói đến ngày tháng chính xác khi Konig bị bắn hạ", Ellis viết.
Ellis cũng chỉ ra những điểm mâu thuẫn trong câu chuyện của Zaitsev.
Zaitsve kể rằng ông bắn hạ Konig vào buổi chiều, khi chiếu thẳng vào
khẩu súng trường hay kính ngắm của xạ thủ Đức. Như vậy, Konig chắc chắn
phải nằm đối diện hướng Tây, trong khi chiến tuyến của người Đức ở
Stalingrad lại quay sang hướng Đông.
Một số người cho rằng Konig là một lính bắn tỉa nên
có thể đã xâm nhập vào phía sau vị trí của xạ thủ Liên Xô và nằm đối
diện hướng Tây. Tuy nhiên, trong cuốn tự truyện của mình, Zaitsev nói
rằng hố bắn tỉa của Konig nằm ở vùng đất không bóng người trước chiến
tuyến Đức, chứng tỏ ông nằm đối diện hướng Đông.
Với những điểm bất hợp lý này, Ellis cho rằng "thiếu tá Konig"
thực ra chỉ là một xạ thủ bắn tỉa bình thường của Đức chứ không phải là
tay súng cự phách, đối thủ đáng gờm của Zaitsev như lâu nay người ta vẫn
nghĩ.
![]() |
Một tay súng bắn tỉa của Đức trong Thế chiến II. Ảnh: Wikimedia
|
Trong thế chiến II, quân đội Liên Xô và Đức sử dụng phổ biến lực
lượng bắn tỉa để tiêu diệt các sĩ quan, lính pháo binh và xạ thủ súng
máy của kẻ thù. Liên Xô đặc biệt ưa chuộng sử dụng lực lượng này ở
Stalingrad, và lính bắn tỉa Liên Xô sử dụng khẩu Mosin-Nagant tiêu chuẩn
đã trở thành nỗi kinh hoàng của lính Đức. Nhiều tài liệu lưu trữ của
Đức cho thấy quân đội phát xít đã ra nhiều cảnh báo đối với binh sĩ về
nguy cơ mất mạng bởi lính bắn tỉa khi di chuyển ra khỏi chiến hào.
Dù còn nhiều điểm bất hợp lý, câu chuyện về cuộc đọ súng sinh tử
của những xạ thủ huyền thoại ở Stalingrad cũng cho thấy sự cuốn hút của
những xạ thủ bắn tỉa sở hữu kỹ năng xạ kích lão luyện. Có thể những gì
Zaitsev kể lại trong cuốn tự truyện của mình phần lớn là thêu dệt, nó
vẫn là một câu chuyện rất thú vị của Thế chiến II.
Duy Sơn
Trận thảm bại của đại quân Ottoman làm thay đổi lịch sử châu Âu
Đế chế Ottoman nuôi tham vọng xâm chiếm cả châu
Âu, nhưng bị chặn lại trước tinh thần quyết tử của các Hiệp sĩ Cứu tế
trên đảo Malta.
![]() |
Tranh vẽ mô tả cảnh quân Ottoman đổ bộ lên đảo Malta. Ảnh: War History.
|
Năm 1565, đế chế Ottoman phát động chiến dịch tấn công Malta, hòn đảo
thưa thớt dân cư ở trung tâm Địa Trung Hải, nhằm xây dựng bàn đạp xâm
lược châu Âu. Tuy nhiên, kế hoạch này đã thất bại khi vấp phải sự kháng
cự của các Hiệp sĩ Cứu tế cố thủ trên đảo trong trận đánh được coi là
một trong những sự kiện mang tính bước ngoặt làm thay đổi lịch sử châu
Âu.
Vào thời điểm đó, đế chế Ottoman dưới thời Suleiman Đại đế dường như bất
khả chiến bại trong các cuộc chinh phạt mở rộng lãnh thổ. Sau khi chiếm
Ai Cập năm 1517, họ kiểm soát toàn bộ khu vực đông Địa Trung Hải. Một
năm sau, họ chiếm Algeria, nơi thuận tiện để phát động tấn công cả Italy
và Tây Ban Nha.
Tuy nhiên, Suleiman Đại đế nhận ra rằng đội quân của mình chưa phải đối
thủ trên biển của các nước châu Âu và bắt đầu xây dựng lực lượng hải
quân hùng hậu. Sau khi chứng tỏ sức mạnh trong trận hải chiến ngoài khơi
Tunisia trước hải quân liên minh Cơ đốc giáo do Tây Ban Nha dẫn đầu,
Suleiman Đại đế quyết định tấn công Malta.
Nhờ mạng lưới gián điệp ở Istanbul, thủ lĩnh nhóm Hiệp sĩ Cứu tế Jean
Parisot de La Valette biết trước về cuộc tấn công và bắt đầu tổ chức
phòng thủ, xây dựng các pháo đài và tập hợp quân đội ở châu Âu.
Khi quân Ottoman đến nơi, lực lượng ban đầu gồm 500 Hiệp sĩ Cứu tế trên
đảo đã được bổ sung đáng kể. Họ có tất cả 6.100 binh sĩ được huấn luyện
và tuyển mộ thêm khoảng 9.000 dân địa phương. Đối đầu với họ là 40.000
quân Ottoman, trong đó gồm khoảng 9.000 kỵ binh, 6.000 cấm vệ quân
Janissary tinh nhuệ.
Trước khi quân Ottoman đổ bộ lên đảo, La Valette quyết định áp dụng
chiến lược "tiêu thổ" nhằm cắt mọi nguồn nước uống và lương thực của đối
phương. Ông ra lệnh thu hoạch toàn bộ các loại cây lương thực ngay cả
khi chúng chưa kịp chín, đồng thời bỏ thuốc độc vào các giếng nước quanh
pháo đài.
Ngày 18/5/1565, chiến thuyền của quân Ottoman áp sát đảo Malta nhưng bộ
binh không đổ bộ lên bờ do chỉ huy bộ binh và hải quân bất đồng về nơi
đổ quân. Một ngày sau, họ quyết định bắt đầu tấn công vị trí gần pháo
đài Saint Elmo, một trong ba công trình trọng yếu bảo vệ hòn đảo.
Quân Ottoman dùng đại bác oanh tạc pháo đài Saint Elmo từ cả trên biển
và trên đất liền. Tuy nhiên, thủ lĩnh nhóm Hiệp sĩ Cứu tế nhận định
chính xác rằng đối phương sẽ tấn công cứ điểm này trước nên đã tập trung
pháo binh tại đây và đáp trả quyết liệt.
Tuy nhiên, sau nhiều ngày giao tranh, hỏa lực áp đảo của quân Ottoman đã
biến pháo đài thành đống gạch vụn, các hiệp sĩ chỉ có thể sơ tán người
bị thương và củng cố cứ điểm vào ban đêm. Sau một tuần tấn công trực
tiếp, cấm vệ quân Janissary chiếm được một phần pháo đài, nhưng cuộc
chiến vẫn diễn ra suốt gần ba tuần sau đó.
![]() |
Lực lượng Ottoman trong một cuộc đổ bộ. Ảnh: War History.
|
Dragut, chỉ huy tối cao của quân Ottoman trong trận đánh, tỏ ra chán nản
với tốc độ tiến quân chậm chạp nên ra lệnh hạ thấp nòng đại bác khi bắn
phá pháo đài. Tuy nhiên, quyết định này khiến một quả đạn bắn trúng
công sự trước mặt, một mảnh đạn văng ra khiến ông này thiệt mạng.
Sau nhiều tuần giao tranh, quân Ottoman hứng chịu tổn thất nặng nề, mất
một nửa số lính Janissary tinh nhuệ, nhưng cuối cùng cũng tràn được vào
pháo đài và giết chết toàn bộ binh sĩ cố thủ bên trong.
Từ thông tin của một lính Ottoman đào tẩu, lực lượng Hiệp sĩ Cứu tế biết
đối phương sắp tấn công quy mô lớn vào bán đảo Senglea, nơi có pháo đài
Saint Michael án ngữ. Cuộc tấn công dự kiến diễn ra từ hai hướng trên
biển và đất liền.
Lực lượng phòng thủ tại pháo đài này đặt các khẩu đội đại bác sát mặt
biển để che giấu lực lượng. Quân Ottoman không nhận ra điều này cho đến
khi vào quá gần và bị trúng những loạt đại bác dữ dội. Mũi tấn công trên
bộ cũng bị chặn đứng sau khi Hiệp sĩ Cứu tế được tăng viện. Quân
Ottoman thiệt hại hơn 1.000 người, trong khi nhóm Hiệp sĩ Cứu tế chỉ
chịu thương vong rất ít.
Ngày 7/8/1565, quân Ottoman tấn công vào thành phố Birgu sau khi vây hãm
và pháo kích ác liệt vào cứ điểm này. Khi các Hiệp sĩ Cứu tế sắp mất cứ
điểm, quân Ottoman lại đột ngột rút lui.
Nguyên nhân là một chỉ huy kỵ binh Cơ đốc giáo đã phát động cuộc tấn
công nhằm vào phía sau phòng tuyến quân Ottoman, khiến các chỉ huy
Ottoman cho rằng đây là viện binh của những Hiệp sĩ Cứu tế. Trên thực
tế, lực lượng Cơ đốc giáo phải mất một tháng nữa mới đến nơi.
Quân Ottoman cuối cùng quyết định tấn công pháo đài Saint Michael và
thành phố Mdina, nhưng đợt công kích pháo đài thất bại do lực lượng
phòng thủ sử dụng nhiều vũ khí để phá hủy tháp công thành của đối
phương.
Mũi tấn công vào Mdina là hy vọng cuối cùng để quân Ottoman xoay chuyển
cục diện. Thành phố gần như không được bảo vệ, lực lượng phòng thủ cũng
tỏ ra hoảng loạn khi thấy quân Ottoman tiến công. Họ không nắm được tính
năng vũ khí của chính mình và khai hỏa đại bác từ khi đối phương ở
ngoài tầm bắn.
Tuy nhiên, điều này lại khiến quân Ottoman tin rằng lực lượng ở Mdina có
nhiều đạn đến mức có thể khai hỏa mà không cần quan tâm tới độ chính
xác. Họ ngừng tấn công và lui binh.
![]() |
Quân lính của Don Garcia truy kích quân Ottoman. Ảnh: War History.
|
Đêm 7/9/1565, lực lượng tăng viện cho Hiệp sĩ Cứu tế gồm 8.000 người
dưới quyền Don Garcia, một vị tướng người Tây Ban Nha, đến nơi. Sự xuất
hiện của lực lượng chi viện này khiến quân Ottoman bị bất ngờ.
Cho tới khi rút được về thuyền chiến, quân Ottoman mất tới 30% quân số,
trong khi phe Hiệp sĩ Cứu tế mất khoảng 1/4 binh sĩ và 1/3 dân thường
trên đảo thiệt mạng. Lực lượng phòng thủ sống sót qua vô số cuộc tấn
công và những đợt pháo kích với tổng cộng 130.000 quả đạn đại bác.
Một số sử gia cho rằng trận chiến này đã chặn đứng tham vọng chinh phạt
châu Âu và đưa Hồi giáo thay thế Cơ đốc giáo ở châu lục này của đế chế
Ottoman. "Nếu quân Ottoman giành thắng lợi trong trận Malta, toàn bộ tín
đồ Cơ đốc giáo ở châu Âu sẽ gặp nguy hiểm", nữ hoàng Anh Elizabeth I
từng nói.
Sau trận chiến này, các vương quốc Cơ đốc giáo và các dòng hiệp sĩ quyết
định gạt bỏ mâu thuẫn và thành lập Liên minh Thánh chiến. Lực lượng này
giành thắng lợi quyết định trước Đế chế Ottoman trong trận Lepanto năm
1571.
Duy Sơn (Theo War History)
Cuộc tử thủ của gần 1.000 người Do Thái trước 5.000 quân La Mã năm 70
Bị quân La Mã với số lượng áp đảo vây hãm thời gian dài, người Do Thái ở pháo đài Masada quyết định tự sát thay vì đầu hàng.
![]() |
Di tích pháo đài Masada ngày nay. Ảnh: Wikipedia.
|
Vào thế kỷ thứ nhất, đế quốc La Mã thống trị Địa Trung Hải và đánh chiếm
nhiều vùng đất rộng lớn ở Trung Đông, trong đó có vương quốc Hasmoneans
của người Israel. Tuy nhiên, sự cai trị tàn bạo của đế quốc La Mã đã
khiến người Do Thái liên tục vùng lên đấu tranh vũ trang, trong đó sự
kiện đáng nhớ nhất là trận tử thủ của gần 1.000 người Do Thái tại pháo
đài Masada năm 70, theo War History.
Năm 66, người Do Thái ở tỉnh Judea, ngày nay là khu vực phía bắc Israel,
bắt đầu vùng lên chống lại đế chế La Mã. Ban đầu, cuộc khởi nghĩa thành
công khi biến thành phố Jerusalem thành căn cứ địa vững chắc. Tuy
nhiên, Jerusalem thất thủ sau cuộc bao vây và đột kích của quân La Mã
vào năm 70, buộc quân nổi dậy rút về co cụm phòng thủ ở pháo đài Masada.
Masada là pháo đài kiêm cung điện do vua Herod Đại đế của Judea xây
dựng. Nó được thiết kế làm nơi trú ẩn cho nhà vua trong những thời điểm
khủng hoảng.
Pháo đài Masada được đánh giá là kiệt tác về kiến trúc, cũng là thử
thách khó nhằn với mọi kẻ thù muốn vây hãm. Công trình này tọa lạc trên
đỉnh một ngọn núi, bao quanh là dốc đứng, cách duy nhất để tiếp cận nó
là tuyến đường độc đạo quanh co ở sườn đông ngọn núi. Đây là đoạn đường
dài, hiểm trở, buộc lực lượng tấn công phải chia ra thành từng nhóm nhỏ
tiếp cận, khiến họ dễ bị quân phòng ngự tập kích từ trên cao.
Thông thường, khi không thể tấn công một thành trì, người ta sẽ vây hãm
nó trong thời gian dài, cắt đứt nguồn tiếp tế để lực lượng phòng thủ bị
đói khát. Tuy nhiên, Masada lại là nơi có thể đối phó với mọi mối đe
dọa. Ở đây có các hầm chứa nằm sâu trong lòng núi để tích trữ nước mưa
và nhà kho chứa đầy thực phẩm, thậm chí có cả không gian trồng trọt để
sản xuất thực phẩm tươi.
![]() |
Khu vực tập kết của quân La Mã trước trận vây hãm. Ảnh: Wikipedia.
|
Khoảng 960 người Do Thái có mặt trong pháo đài, chủ yếu là trẻ em, phụ
nữ và người già, khi quân La Mã kéo đến. Chỉ huy nhóm người này là
Eleazer Ben Yair, chiến binh xuất thân trong gia đình có truyền thống
chống lại đế chế La Mã.
La Mã huy động Quân đoàn Fretensis số 10 và lực lượng hỗ trợ với quân số
trên 5.000 binh sĩ, đông gấp 5 lần số người ở trong pháo đài Masada.
Chỉ huy lực lượng vây hãm là Flavius Silva, thống đốc cai quản tỉnh
Judea.
Quân La Mã xây thành lũy hình tròn xung quanh pháo đài Masada, nhằm ngăn
đối phương thoát ra tìm viện binh hoặc phát động phản công. Thành lũy
được xây bằng đá và lợi dụng địa hình sẵn có với kích cỡ đủ rộng để tuần
tra canh gác, đồng thời có nhiều tháp canh để theo dõi mọi động thái
tại Masada. Trên thành lũy còn bố trí máy bắn đá để tấn công ngay khi
phát hiện đối phương.
Tuyến phòng thủ của La Mã cũng có nơi tập kết lực lượng để phát động tấn
công. Khu vực này cách pháo đài Masada 280 m, cho phép các đơn vị bộ
binh áp sát pháo đài mà không bị lộ diện trước lực lượng phòng thủ, cũng
như giúp công binh có vị trí lắp đặt máy bắn đá gần phòng tuyến của
người Do Thái.
Lợi dụng các khối đá sẵn có, đội công binh La Mã xây một đoạn dốc dài
bằng đất và gạch vụn chạy từ nơi tập kết trên sa mạc đến đỉnh ngọn đồi. Ở
phía sau phòng tuyến, họ chế tạo một tháp công thành để đối phó với
cánh cổng lớn của pháo đài Masada.
Chiến thuật này khiến lực lượng phòng thủ bên trong pháo đài không có
cách nào để đối phó. Quân đội La Mã tin chắc sẽ giành được thắng lợi
nhanh chóng và những người bên trong Masada sẽ phải buông vũ khí đầu
hàng.
Tuy nhiên, trước khi quân đội La Mã kịp tấn công, những người Do Thái đã
giết hết gia đình của mình và tự sát. Họ dường như nhận ra kết cục
không thể tránh khỏi của cuộc tấn công và quyết định không chịu đầu hàng
đối phương. Khi quân La Mã vào trong pháo đài, họ chỉ tìm thấy hàng
trăm xác chết.
Sự kiện pháo đài Masada thất thủ đã đặt dấu chấm hết cho cuộc nổi dậy ở
Judea, nhưng câu chuyện từ cuộc tử thủ này đã trở thành nguồn cảm hứng
cho những thế hệ người Do Thái sau này.
![]() |
Phần dốc tấn công pháo đài do công binh La Mã xây dựng. Ảnh: Wikipedia.
|
Duy Sơn
Trận tử thủ của 800 lính Ba Lan trước 42.000 quân Đức năm 1939
Một đơn vị 800 lính Ba Lan đã cầm chân quân đoàn thiện chiến đông gấp 52 lần của phát xít Đức suốt ba ngày.
Những trận chiến trên bộ đẫm máu nhất thế kỷ 20 / Cuộc tập trận thảm họa khiến 800 lính Mỹ thiệt mạng trong Thế chiến II
![]() |
Đại úy Władysław Raginis. Ảnh: Wikipedia.
|
Khi phát xít Đức tràn qua biên giới Ba Lan ngày 1/9/1939, đại úy
Władysław Raginis được giao nhiệm vụ chỉ huy lực lượng phòng thủ tại khu
vực Wizna, cách tiền tuyến 65 km. Trong trận đánh này, 800 lính dưới
quyền Raginis đã cầm chân 42.000 lính Đức suốt 72 giờ, biến Wizna trở
thành một trong những biểu tượng nổi bật nhất của lòng dũng cảm trong
Thế chiến II, theo War History.
Đại úy Raginis phục vụ trong Quân đoàn Biên phòng Ba Lan, đơn vị tinh
nhuệ có nhiệm vụ bảo vệ đường biên giới Ba Lan trước mọi cuộc xâm lược.
Mùa hè năm 1939, trước nguy cơ xâm lăng từ phát xít Đức, Raginis chỉ huy
lực lượng phòng thủ ở Wizna xây dựng hệ thống hầm hào, công sự, sẵn
sàng chiến đấu.
Khi Thế chiến II nổ ra, lực lượng dưới quyền Raginis gồm khoảng 800
quân, được trang bị hai súng trường chống tăng, 6 pháo diệt tăng cỡ nòng
76 mm và 42 khẩu súng máy. Thị trấn Wizna được xây dựng như một pháo
đài nhỏ, nhưng hệ thống lô cốt và hầm hào chưa được hoàn thiện khi chiến
sự nổ ra. Raginis hy vọng các điểm phòng thủ có thể cầm chân đối phương
trong vài ngày, nhưng không biết lực lượng khổng lồ của phát xít Đức
đang tiến tới khu vực này.
Ở bên kia chiến tuyến, Quân đoàn 19 Đức của tướng Heinz Guderian gồm 42.000 quân được trang bị 350 xe tăng, 657 khẩu pháo và cối các loại bắt đầu tiến công Ba Lan.
Lực lượng Đức bao vây các điểm phòng thủ biên giới của Ba Lan, chia cắt
chúng với nửa phía đông nước này. Sau 6 ngày giao tranh, quân Đức tiến
đến sông Narew và thị trấn Wizna.
Sáng 7/9/1939, kỵ binh trinh sát Ba Lan phát hiện thiết giáp Đức đang
tiến về phía thị trấn Wizna nên báo động cho quân chủ lực phía sau. Công
binh Ba Lan cho nổ tung cây cầu duy nhất qua sông Narew, giúp quân của
Raginis có thêm thời gian chuẩn bị.
![]() |
Các mũi tấn công của Đức (màu đỏ) nhằm vào Wizna. Đồ họa: Wikipedia.
|
Khi đêm xuống, lực lượng hai bên bắt đầu giáp mặt. Trinh sát đường không
Đức phát hiện mạng lưới chiến hào và lô cốt dài 6,5 km chạy từ Wizna
đến Krupiki. Quân Đức không biết chính xác quân số Ba Lan, trong khi lực
lượng phòng thủ biết rõ mình bị áp đảo về số lượng.
Lợi dụng đêm tối, bộ binh Đức tìm cách vượt sông, nhắm vào điểm yếu
trong tuyến phòng thủ Ba Lan. Tuy nhiên, khi quân Đức đến gần lô cốt đầu
tiên, súng máy bên trong khai hỏa quét qua đội hình, gây thương vong
lớn và buộc lính Đức phải rút lui.
Ngày hôm sau, oanh tạc cơ Đức thả tờ rơi kêu gọi đầu hàng. Đại úy
Raginis và trung úy Brykalksi, phó chỉ huy lực lượng phòng thủ, tuyên bố
sẽ tử thủ đến cùng và buộc quân Đức phải trả giá đắt.
Chiều 8/9, không quân và pháo binh Đức bắt đầu oanh tạc các vị trí tiền
phương, buộc quân Ba Lan rút vào trú ẩn trong lô cốt. Quân Đức tấn công
hai lô cốt nằm tách biệt ở phía bắc sông Narew, bao vây họ từ ba phía.
Súng trường và súng máy Ba Lan cầm chân được bộ binh Đức cho đến khi đối
phương nã pháo dồn dập, khiến hai trung đội phòng thủ phải rút lui.
Tuyến phòng thủ duy nhất của quân Ba Lan ở phía bắc là sông Narew, trong
khi ở phía nam, quân Đức đã tràn qua cánh đồng hướng về các chốt của
quân Ba Lan. Tuy nhiên, quân Đức chỉ có thể tiến chậm ở địa hình trống
trải và bùn lầy. Quân của Raginis tập trung hỏa lực súng trường và súng
máy vào bộ binh Đức, nhưng lực lượng này tiếp tục tiến công dưới sự yểm
trợ của thiết giáp. Bị bắn phá dữ dội, quân Ba Lan phải rút từ chiến hào
vào trong lô cốt kiên cố và chịu nhiều thương vong.
Đến cuối ngày, xe tăng Đức vượt qua phòng tuyến của Ba Lan, nhưng bộ
binh vẫn không thể áp sát lô cốt. Raginis và đồng đội hiểu rằng họ sẽ
không có tiếp viện để chống lại cuộc tiến công.
Giao tranh diễn ra xuyên đêm, quân Đức cố gắng chiếm các lô cốt vòng
ngoài, trong khi lính Ba Lan tiếp tục cầm chân đối phương, khiến hai bên
chịu thương vong lớn. Dưới sự yểm trợ của xe tăng, công binh Đức dùng
thuốc nổ phá hủy từng lô cốt một, dần đẩy lùi lực lượng phòng thủ Ba
Lan.
![]() |
Phần còn lại của một lô cốt tại Wizna. Ảnh: Wikipedia.
|
Đến sáng 10/9, quân Ba Lan chỉ còn co cụm cố thủ trong hai lô cốt. Một
lính Đức mang theo cờ trắng tiếp cận phòng tuyến, yêu cầu ngừng bắn để
chôn cất người chết và thương thuyết điều khoản đầu hàng cho phía Ba
Lan.
Raginis phải đưa ra lựa chọn khó khăn, tiếp tục chiến đấu để cầm chân
đối phương lâu hơn hoặc đầu hàng để cứu binh sĩ dưới quyền. Nhận thấy
phần lớn các đồng đội đều bị thương và gần hết đạn, Raginis quyết định
đầu hàng để không lãng phí mạng sống của họ. Bản thân đại úy Raginis
cũng bị thương nặng, nhưng quyết không để bị bắt làm tù binh nên đã rút
lựu đạn tự sát sau khi bảo đảm binh lính Ba Lan được an toàn.
Trận đánh Wizna đã trở thành biểu tượng dũng cảm của Ba Lan. Dù đối mặt
với đối phương đông gấp 52 lần, đội quân dưới quyền đại úy Raginis đã
dũng cảm cầm chân một trong những lực lượng thiện chiến nhất của Đức
trong suốt 72 giờ.
Duy Sơn
Nhận xét
Đăng nhận xét