BỘ MẶT CHIẾN TRANH 34
MỘT MAI GIẢ TỪ VỦ KHÍ - ĐƯỜNG HƯNG COVER 2018
-Trong tình trạng chiến tranh đầy chết chóc và tan hoang, bản chất sống của loài người trở nên cực hạn về mọi phía:
+Yêu thương vô vàn mà cũng hận thù vô song
+Thông minh trí tuệ bao nhiêu thì cũng ngu ngốc, mù quáng bấy nhiêu.
+Tuyệt đỉnh dũng cảm thì cũng tột cùng hèn nhát.
+Vừa là thánh thần vừa là quỉ dữ.
...
-Chiến tranh mang bộ mặt gớm ghiếc, tởm lợm đến khủng khiếp, không thể tả được, dù bôi son trát phấn như thế nào, tung hô ra sao.
-Chiến tranh là thể hiện sự thờ ơ, vô cảm khốn nạn tột cùng về việc hủy diệt tàn bạo cuộc sống và thân phận con người.
-Chiến tranh phi nghĩa là chiến tranh "nặn ra" lý do từ không có lý do, hủy diệt và tàn phá cuộc sống một cách không chính đáng. Chiến tranh chính nghĩa là chiến tranh nảy sinh từ việc chống chiến tranh phi nghĩa, được hủy diệt và tàn phá cuộc sống một cách chính đáng (?).
-Tóm lại, bộ mặt thật của chiến tranh nhìn từ mọi phía nói chung là độc ác, thiểu năng trí tuệ đến ngỡ ngàng của con người khôn ngoan, có lý trí.
-Ngày chiến thắng 30/4, lũ bán nước cay cú gọi là ngày quốc hận, người cộng sản cực đoan cho rằng đó là ngày toàn dân phải vui mừng, riêng cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, người có vợ con đều chết trong chiến tranh, thì nói, đó là ngày có triệu người vui và cũng có triệu người buồn.
-Lão Tử, một đại hiền triết thời cổ đại của Trung Quốc, từng nói: "Giết hại nhiều người thì nên lấy lòng bi ai mà khóc, chiến thắng thì nên lấy tang lễ mà xử".
Barry McGuire - Eve of Destruction
(ĐC sưu tầm trên NET)
10 Vũ Khí Và Chiến Thuật Đáng Sợ Nhất Trong Chiến Tranh Cổ Đại
dàn trận đỉnh của đỉnh
Trận tập kích xóa sổ không quân Mỹ ở Philippines trong Thế chiến II
Sự chủ quan khiến Mỹ trả giá đắt trong trận tập kích của phát xít Nhật vào căn cứ không quân chủ lực ở Philippines.
5 mối đe dọa lớn nhất đối với tàu sân bay Mỹ / Tiêm kích F-35B lần đầu tiếp dầu trên không ở Nhật
![]() |
Các máy bay B-17 bị phá hủy trong cuộc tấn công. Ảnh: Euronet.
|
Lúc 3h sáng 8/12/1941 theo giờ Philippines, tướng Mỹ Douglas MacArthur
bị đánh thức bởi cú điện thoại thông báo Nhật Bản vừa tấn công Trân Châu
Cảng đồng thời được cảnh báo về một cuộc tập kích có thể xảy ra đối với
căn cứ không quân chủ lực của Mỹ ở Philippines. Thế nhưng 9 giờ sau,
người Mỹ vẫn bị bất ngờ bởi cuộc tấn công của gần 200 máy bay Nhật Bản
vào căn cứ không quân Clark, theo National Interest.
Theo chuyên gia quân sự Michael Peck, vụ tập kích này dự kiến diễn ra
cùng lúc với cuộc tấn công Trân Châu Cảng để tối đa hóa yếu tố bất ngờ,
khiến máy bay Mỹ không kịp cất cánh. Tuy nhiên, sương mù ở căn cứ trên
đảo Đài Loan khiến các máy bay Nhật không thể xuất phát đúng giờ, nên
trận tập kích vào Philippines diễn ra muộn hơn rất nhiều so với trận
Trân Châu Cảng.
Đến căn cứ Clark sau hành trình dài 1.126 km, các phi công Nhật chuẩn bị
tâm lý đối đầu với lực lượng tiêm kích hùng hậu của Mỹ. Thế nhưng họ
rất bất ngờ khi nhận thấy không phận Philippines lúc đó không hề có bóng dáng máy bay Mỹ.
Thuận lợi hơn nữa là thay vì phân tán sang các đường băng phụ, các
máy bay chiến đấu Mỹ lại đỗ thành hàng trên đường băng trong căn cứ
Clark, trở thành mục tiêu hoàn hảo cho bom và hỏa lực súng máy của Nhật.
Trong vòng vài phút, lực lượng không quân hùng hậu của Mỹ ở sân bay
Clark, lá chắn trụ cột của Mỹ ở Philippines, gần như bị xóa sổ.
Đây là thảm họa có tác động nặng nề không kém trận Trân Châu Cảng. Quân
Mỹ ở Trân Châu Cảng có thể nói rằng họ bị bất ngờ về chiến thuật và
chiến lược, nhưng các đơn vị ở Philippines không có lý do gì để bào chữa
bởi đã được cảnh báo 9 giờ trước vụ tấn công.
Người đáng bị chỉ trích nhiều nhất là tướng Douglas MacArthur. Tuy vậy,
tình hình lúc đó cũng khiến mọi chỉ huy gặp khó khăn. Thủ đô Manila của
Philippines chỉ cách Nhật Bản 3.218 km, nhưng cách Trân Châu Cảng 8.040
km và San Francisco tới 11.265 km. Trong thập niên 1930, Mỹ nhận ra rằng
sức mạnh quân sự Nhật Bản đã lớn đến mức việc bảo vệ lực lượng đồn trú ở
Philippines là nhiệm vụ bất khả thi.
Mỹ lường trước trường hợp đánh mất Philippines khi nổ
ra xung đột với Nhật Bản nên đã vạch ra kế hoạch rút lui đến bán đảo
Bataan và ngăn không cho đối phương sử dụng cảng chiến lược Manila. Họ
sẽ chờ hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ tấn công dọc Thái Bình Dương
để giải vây.
Chiến lược này là cách tốt nhất dựa trên vị trí thực địa. Tuy nhiên, năm
1941, trước sự hối thúc của tướng MacArthur, chính phủ Mỹ quyết định
tăng cường 35 oanh tạc cơ hạng nặng B-17 đến Philippines. Các pháo đài
bay với tầm hoạt động gần 1.609 km có thể bẻ gẫy đợt tấn công của Nhật
Bản ở tây Thái Bình Dương.
![]() |
Máy bay Mỹ chụm thành hàng là mục tiêu dễ dàng cho phi cơ Nhật. Ảnh: Lougopal.
|
Cuộc tấn công của Nhật không hoàn toàn bất ngờ, bởi chiến tranh trên
không đã diễn ra nhiều tháng trước. Tuy nhiên, hệ thống chỉ huy Mỹ bị tê
liệt bởi tình trạng bất hòa và mệt mỏi. Tướng MacArthur và tướng Lewis
Brereton, chỉ huy không quân thuộc quyền, đều không có sự chuẩn bị rõ
ràng cho tình huống chiến tranh, như phân tán lượng lớn máy bay ở sân
bay Clark sang các sân bay dự bị.
"Thay vì nhanh chóng di chuyển các oanh tạc cơ ra xa, chỉ huy quân sự Mỹ
ở Manila lại lo lắng về khả năng bị tấn công phá hoại, nên tăng cường
canh gác và sắp xếp các máy bay chụm lại với nhau để tránh điệp viên đối
phương", sử gia Daniel Mortensen cho biết.
"Cả Brereton và MacArthur đều không chú ý đúng mức tới cảnh báo về khả
năng tấn công của Nhật Bản để dừng bữa tiệc tối thứ bảy ở khách sạn nơi
MacArthur ở. Phi hành đoàn của oanh tạc cơ B-17 ở sân bay Clark dự tiệc
tới tận 2h sáng ngày 8/12, thời điểm máy bay đầu tiên của Nhật Bản tập
kích Trân Châu Cảng", ông Mortensen nói thêm.
Khi nghe tin về vụ tập kích Trân Châu Cảng, Brerenton muốn cho phi đội
B-17 xuất kích ngay lập tức để tấn công sân bay Nhật ở Đài Loan. Việc
này có thể khiến các máy bay Nhật không thể cất cánh, nhưng MacArthur và
đội ngũ trợ lý đã hoãn kế hoạch đến 11h sáng. Một giờ sau, khi oanh tạc
cơ Mỹ đang được lắp vũ khí và nạp nhiên liệu thì đội oanh tạc cơ Nhật
Bản đã đến nơi.
![]() |
Sơ đồ tiến quân của Nhật sau trận ném bom sân bay Clark. Ảnh: Wikipedia.
|
Hậu quả thảm khốc là 12 oanh tạc cơ B-17 bị phá hủy và 4 chiếc khác bị
hỏng. Rất nhiều tiêm kích P-40 bị phá hủy trên mặt đất hoặc bị máy bay
A6M Zero bắn hạ. Đến khi kết thúc trận chiến, một nửa không đoàn Mỹ đồn
trú ở Philippines bị xóa sổ. Các phi công sống sót cố gắng chống trả,
nhưng lực lượng đổ bộ Nhật Bản vẫn tiến hành kế hoạch do không vấp phải
các cuộc không kích Mỹ.
Đến ngày 8/5, những lính Mỹ cuối cùng ở Philippines buộc phải đầu hàng.
Rất nhiều người sống sót sau đó đã thiệt mạng ở các trại tù Nhật tại
Bataan.
Duy Sơn
Mẫu tàu ngầm tự sát của Nhật trong Thế chiến II
Tàu ngầm Kairyu được Nhật phát triển trong tuyệt vọng, nhằm đối phó với cuộc đổ bộ của Mỹ và đồng minh cuối Thế chiến II.
Thiết kế siêu tàu ngầm chở xe tăng của Liên Xô sau Thế chiến II
![]() |
Một tàu ngầm lớp Kairyu trong bảo tàng ở Nhật Bản. Ảnh: Wikipedia.
|
Trong bối cảnh hải quân thiệt hại nặng nề trong những tháng cuối Thế
Chiến II, Nhật Bản cố tìm phương thức ngăn chặn một chiến dịch đổ bộ quy
mô lớn của quân Đồng minh. Dự án chế tạo hàng trăm tàu ngầm tự sát cỡ
nhỏ mang tên Kairyu được đề xuất nhằm đánh chìm các tàu chiến và tàu vận
tải của đối phương trước khi chúng kịp tiếp cận bờ biển Nhật, theo Popular Mechanics.
Năm 1945, Mỹ dùng chiến thuật "nhảy cóc qua các đảo" nhằm đẩy lùi quân
Nhật từ Hawaii cho đến sát đất liền nước này. Trước nguy cơ thất bại,
Tokyo đã áp dụng chiến thuật tấn công tự sát bằng máy bay với tên gọi
Kamikaze (Thần phong), trước khi phát triển dự án Kairyu để tung đòn tự
sát dưới lòng biển.
Mỗi tàu ngầm Kairyu dài hơn 17 m, rộng 1,2 m, có lượng giãn nước 19 tấn
và thủy thủ đoàn hai người. Nó có tầm hoạt động 725 km và tốc độ 10 km/h
khi nổi, có thể di chuyển liên tục 61 km với tốc độ 5,5 km/h khi lặn.
Các tàu Kairyu được trang bị hai ống phóng ngư lôi ngoài thân và một
khối thuốc nổ ở mũi. Giống các phi công Kamikaze, thủy thủ đoàn trên tàu
ngầm Kairyu sẵn sàng liều chết để hoàn thành nhiệm vụ.
Theo kế hoạch, những chiếc Kairyu sẽ tấn công, đánh chìm tàu chiến quân
Đồng minh khi chúng áp sát đất liền Nhật Bản. Chúng sẽ ẩn sâu dưới biển,
sau đó bất ngờ xuất hiện giữa đội hình đối phương và phóng ngư lôi,
ngăn tàu vận tải đổ quân và thiết bị phục vụ chiến dịch đổ bộ. Sau khi
phóng ngư lôi, tàu ngầm Nhật sẽ lao thẳng vào mục tiêu khác để kích hoạt
khối nổ ở mũi tàu, tăng tối đa thiệt hại cho đối phương.
Tuy nhiên, quân đội Mỹ sau đó quyết định ném bom hạt nhân xuống Nhật Bản
thay vì tiến hành chiến dịch đổ bộ để hạn chế thương vong. Nhật Bản đầu
hàng trước khi hạm đội tàu ngầm Kairyu được đưa vào sử dụng. Sau chiến
tranh, quân Đồng minh tịch thu những tàu ngầm này để nghiên cứu, nhưng
không có nước nào chế tạo mẫu vũ khí tương tự.
Duy Sơn
Sĩ quan điện đài Nhật châm ngòi cho trận tập kích Trân Châu Cảng
Sự cố tình chậm trễ của sĩ quan điện đài ở Tokyo đã đẩy Nhật và Mỹ vào vòng xoáy đối đầu, bắt đầu bằng trận đánh Trân Châu Cảng.
Chiến dịch Mỹ bí mật hỗ trợ Liên Xô tiến đánh Nhật năm 1945 / Tham vọng sở hữu vũ khí phát 'tia tử thần' của Nhật trong Thế chiến II
Tàu chiến Mỹ bị thiệt hại nặng sau cuộc tập kích. Video: US Navy.
Sáng 7/12/1941, khoảng 350 chiến đấu cơ Nhật Bản bất ngờ tập kích Trân
Châu Cảng, căn cứ hải quân chiến lược của Mỹ quần đảo Hawaii. Cuộc tấn
công khiến 2.403 người thiệt mạng và 19 tàu chiến bị phá hủy, trong đó
thiết giáp hạm USS Arizona bị phá hủy hoàn toàn.
Trân Châu Cảng được xem là trận đánh thay đổi lịch sử Mỹ và Thế chiến II
và sử gia Craig Nelson cho rằng trong trận chiến này có vai trò không
nhỏ của thiếu tá Morio Tomura, sĩ quan phụ trách Phòng điện báo Tokyo,
theo Popular Mechanics.
Trước khi trận chiến Trân Châu Cảng nổ ra, Mỹ và Nhật đã có nhiều cuộc
đàm phán hòa bình nhằm tránh nguy cơ nổ ra chiến tranh giữa hai nước.
Phương tiện liên lạc chủ yếu và hiệu quả nhất giữa Washington và Tokyo
trong thời gian này là các bức điện báo vô tuyến. Những bức điện này
trước khi đến được tay Nhật hoàng sẽ phải qua Phòng điện báo Tokyo của
thiếu tá Tomura.
Ngày 6/12/1941, Tổng thống Mỹ lúc đó là Franklin D. Roosevelt gửi một
bức điện báo cho Thiên hoàng Hirohito, kêu gọi hai nước xây dựng quan hệ
hữu nghị và hòa bình lâu dài. Đây được coi là thông điệp hòa giải quan
trọng, thể hiện thiện chí của Mỹ nhằm tránh chiến tranh với Nhật.
Tuy nhiên, thiếu tá Tomura đã cố tình trì hoãn và chỉ mang bức điện tới
Cung điện Hoàng gia sau 10 tiếng, bởi ông này cho rằng chiến tranh là
vận mệnh không thể tránh khỏi với nước Nhật.
Khi bức điện được Tomura đưa đến nơi, chính phủ Nhật đã soạn xong tuyên
bố kết thúc đàm phán và tuyên chiến với Mỹ. Họ yêu cầu Tomura gửi bức
điện thể hiện tuyên bố này đến Mỹ khoảng 30 phút trước cuộc tấn công,
nhằm thể hiện tinh thần mã thượng và võ sĩ đạo của người Nhật.
Tuy nhiên, thiếu tá Tomura lại một lần nữa cố tình trì hoãn và chỉ gửi
bức điện cho người Mỹ khoảng hai giờ sau trận tập kích Trân Châu Cảng,
khiến Mỹ coi vụ tấn công là hành động đánh lén đê hèn và tuyên chiến với
Nhật.
"Có thể nói toàn bộ những sự kiện xảy ra ngày hôm đó đều do thiếu tá
Tomura gây ra", sử gia Nelson nhận xét. Ông cũng cho rằng ngoài hành
động cố ý của Tomura, những hiểu lầm trước đó của Mỹ và Nhật trên bàn
đàm phán cũng khiến họ bị cuốn vào vòng xoáy chiến tranh.
Trước trận tập kích Trân Châu Cảng, Mỹ coi Nhật Bản là đối thủ giống Đức
Quốc xã, do chủ nghĩa quân phiệt của Nhật khá tương đồng với tư tưởng
phát xít. Tuy nhiên, họ không biết chính trường Nhật Bản rối ren đến mức
chính quyền thay đổi 15 lần chỉ trong 14 năm.
Từng có thời điểm Washington có thể đàm phán hòa bình với Tokyo, khi đó
sắp nằm trong quyền kiểm soát của Fumimaro Konoe, thủ tướng dân sự cuối
cùng của đế quốc Nhật. Nhận định sai lầm về chính trường Nhật Bản của Mỹ
chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới xung đột không thể tránh
khỏi giữa hai quốc gia.
Về phía Nhật, không phải quan chức cấp cao nào trong chính quyền nước
này cũng ủng hộ giải pháp đối đầu quân sự với Mỹ, trong đó có cả đô đốc
Isokoru Yamamoto, tư lệnh hải quân Nhật và cũng là người lên kế hoạch
tập kích Trân Châu Cảng.
![]() |
Tàu khu trục USS Shaw phát nổ sau khi trúng bom. Ảnh: US Navy.
|
"Ông ấy đã cảnh báo cuộc tấn công như vậy sẽ đánh thức con rồng đang ngủ
say, khiến Nhật khó có hy vọng giành chiến thắng. Tuy nhiên, ý kiến của
ông ấy đã bị phớt lờ", Keith Huxen, giám đốc nghiên cứu và lịch sử ở
Bảo tàng Quốc gia Thế chiến II của Mỹ, cho biết. Nhận định của đô đốc
Yamamoto được chứng minh là chính xác, khi Mỹ bắt đầu tham chiến và
giành lại lợi thế từ đối phương.
Trận tập kích Trân Châu Cảng của Nhật không chỉ khiến 2.403 người chết
và hơn 1.100 người bị thương. Nhiều người sống sót sau trận đánh đã bị
rối loạn căng thẳng hậu chấn thương (PTSD), chứng rối loạn tâm lý chưa
được biết đến khi đó.
Theo một báo cáo năm 1989, 65% người thoát chết vẫn mắc chứng PTSD trong
hàng chục năm sau vụ tập kích Trân Châu Cảng. 25% trong số này tiết lộ
những thứ bình thường như tiếng động cơ cũng khiến họ giật mình và hồi
tưởng lại sự kiện bi thảm này.
![]() |
Đài tưởng niệm xây trên xác tàu Arizona bị đánh chìm trong trận tập kích. Ảnh: US Navy.
|
Sterling Cale, dược sĩ hải quân trên thiết giáp hạm USS Arizona, là một
trường hợp điển hình của di chứng tâm lý sau vụ Trân Châu Cảng. Ông đã
nhảy xuống biển và cứu hàng chục đồng đội khi máy bay Nhật bắt đầu cuộc
tấn công. Tàu Arizona nổ tung không lâu sau đó, khi Cale vẫn đang giải
cứu những người dưới biển.
6 năm sau, khi Cale và gia đình đi nghỉ ở biển, một cơn sóng bất ngờ kéo
con trai hai tuổi của ông ra khơi. Cale nhảy xuống biển để cứu con,
nhưng ngay lập tức bị hoảng loạn và cứng đờ người. Chú chó của gia đình
đã kéo đứa bé vào bờ an toàn, nhưng chấn thương tâm lý khiến Cale không
bao giờ còn dám lại gần bờ biển nữa.
Duy Sơn
Sai lầm khiến tàu sân bay Nhật nổ tung vì một quả ngư lôi năm 1944
Tàu sân bay Taiho có giáp dày, nhưng lỗi thiết kế và quyết định sai lầm của sĩ quan khiến nó bị xé nát chỉ vì một quả ngư lôi.
Quả dừa cứu mạng John F. Kennedy trong thời Thế chiến II / Kế hoạch trả thù phát xít Đức của người Do Thái sau Thế chiến II
![]() |
Tàu sân bay Taiho tại khu vực Tawitawi, Borneo, tháng 5/1944. Ảnh: Armoured Carriers.
|
Sáng 19/6/1944, tàu ngầm USS Albacore (SS-218) của Mỹ phóng sáu ngư lôi
nhằm thẳng tàu sân bay Taiho của phát xít Nhật trong trận Hải chiến Biển
Philippine, trận chiến giữa các tàu sân bay lớn nhất trong Thế chiến II
và cũng là chiến dịch quy mô lớn cuối cùng của hải quân Nhật thời kỳ
này, theo War Is Boring.
"Vệt bong bóng trắng nổi lên trên mặt biển khi những quả ngư lôi lao
tới", trung tá Shioyama Sakuichi, người sống sót trên tàu Taiho, kể lại.
"Lệnh báo động ngư lôi được ban ra, loa phóng thanh trên đài chỉ huy
liên tục phát mệnh lệnh và một số thủy thủ cảm thấy ớn lạnh".
Trong số 6 ngư lôi của tàu ngầm Albacore phóng ra, chỉ có một quả bắn
trúng tàu sân bay Taiho, một quả bị phi công Nhật lái tiêm kích gần đó
lao thẳng vào và phá hủy, bốn ngư lôi còn lại trượt mục tiêu.
Một quả ngư lôi dường như không gây thiệt hại gì đáng kể cho tàu sân bay
Taiho, vốn có lớp giáp dày hơn nhiều so với các lớp tàu sân bay tiền
nhiệm và có thể chịu được đầu nổ 300 kg của ngư lôi.
Thế nhưng 7 tiếng sau khi trúng ngư lôi, tàu sân bay Taiho nổ tung rồi
chìm xuống biển với 1.650 thủy thủ và hàng chục máy bay, chỉ 500 người
sống sót. Vào thời điểm bị đánh chìm, tàu sân bay Taiho mới hoạt động
được ba tháng và đây là thiệt hại không thể khôi phục của hải quân đế
quốc Nhật Bản.
Xét về mặt thiết kế, tàu sân bay Taiho rất khó bị đánh chìm với chỉ một
ngư lôi. Tàu có lớp giáp dày hơn phần lớn các tàu sân bay của hải quân
Nhật khi đó, ngoại trừ tàu sân bay Shinano vốn được chế tạo trên cơ sở
phần thân của siêu thiết giáp hạm lớp Yamato.
Sàn đáp của tàu Taiho được bọc thép, thay vì lát gỗ như các tàu sân bay
thế hệ trước của Nhật. Lớp sàn đáp bằng gỗ giúp tàu sân bay nhẹ hơn và
ổn định hơn, nhưng lại dễ dàng bị bom địch xuyên thủng.
Năm 1942, một máy bay SBD Dauntless của Mỹ thả quả bom nặng 454 kg trúng
tàu sân bay Kaga, xuyên thủng lớp sàn gỗ và kích nổ số nhiên liệu con
tàu mang theo. Kaga là một trong 4 tàu sân bay Nhật bị tiêu diệt trong
trận hải chiến Midway.
Sàn đáp bằng thép của Taiho khắc phục được nhược điểm này, đồng thời có
thể phục vụ 84 máy bay chiến đấu cùng lúc. Vào năm 1944, hải quân Nhật
cắt giảm số máy bay trên tàu sân bay này xuống 77 chiếc, trong đó có 27
tiêm kích, 27 oanh tạc cơ bổ nhào, 16 máy bay phóng lôi và ba trinh sát
cơ.
Tuy nhiên, sàn đáp bọc thép cũng khiến trọng lượng của tàu sân bay Taiho
tăng lên, khiến nó có lượng giãn nước lên đến 37.870 tấn và đáy khoang
chứa máy bay của con tàu gần như nằm ngang mực nước biển.
Giếng thang máy vận chuyển máy bay từ khoang chứa lên sàn đáp có điểm
thấp nhất nằm dưới mực nước biển, đây chính là lỗi thiết kế nghiêm trọng
khiến con tàu chìm xuống biển khi chỉ mới trúng một ngư lôi dù được bọc
thép rất dày.
Khi ngư lôi của tàu ngầm USS Albacore đánh trúng thân tàu Taiho, vụ nổ
phá thủng lớp vỏ giếng thang máy và xuyên thủng khoang chứa xăng máy bay
nằm ngay phía dưới giếng thang máy của tàu Taiho.
Giếng thang máy lúc này tràn ngập nước biển và hỗn hợp xăng máy bay. Đội
kiểm soát thiệt hại trên tàu Taiho lúng túng đối phó với tình trạng của
con tàu sau khi trúng ngư lôi, không ai nghĩ đến việc sử dụng bọt chữa
cháy của hệ thống trong khoang chứa máy bay để phủ lên giếng thang máy,
ngăn tình trạng xăng bốc hơi.
Sĩ quan chỉ huy kiểm soát thiệt hại của tàu Taiho sau đó ra lệnh tăng
công suất hệ thống thông gió lên tối đa để đẩy khói từ vụ nổ ra khỏi
khoang chứa máy bay. Quyết định sai lầm này khiến hơi xăng từ giếng
thang máy theo hệ thống thông gió lan khắp các khoang tàu, biến Taiho
thành một quả bom khổng lồ có thể bùng nổ bất cứ lúc nào khi xuất hiện
một tia lửa nhỏ.
Vụ nổ đầu tiên xảy ra vào lúc 14h30 và gần hai tiếng sau, một vụ nổ
khủng khiếp xé nát tàu sân bay Taiho, khiến con tàu chìm xuống đáy biển.
Nguyễn Tiến
Thảm kịch biến tàu ngầm Liên Xô thành nấm mồ titan rò rỉ phóng xạ dưới biển
Sự cố vỡ ống dẫn khí khiến tàu ngầm Komsomolets
chìm xuống biển cùng 42 thủy thủ, lò phản ứng tiếp tục rò rỉ phóng xạ ra
môi trường.
Xác tàu ngầm Liên Xô rò rỉ phóng xạ sau 30 năm dưới đáy biển
Xác tàu Komsomolets rò rỉ phóng xạ sau 30 năm dưới đáy biển. Video: Havforskning.
Các nhà khoa học Na Uy trong chuyến khảo sát xác tàu ngầm Komsomolets ở
vùng biển cách đảo Bear của nước này 180 km đã phát hiện nước biển tại
đây có nồng độ phóng xạ cao hơn mức bình thường 100.000 lần, thậm chí
tới 800.000 lần ở mẫu nước biển nhiễm phóng xạ cao nhất. Họ lo ngại
chiếc tàu ngầm hạt nhân Liên Xô này sẽ trở thành một thảm họa mới về môi
trường, sau tai nạn thảm khốc khiến nó chìm xuống đáy biển 30 năm
trước.
Năm 1966, Viện Thiết kế Rubin của Liên Xô được yêu cầu phát triển mẫu
tàu ngầm tối tân mang ngư lôi hạng nặng và tên lửa hành trình trang bị
đầu đạn hạt nhân, cùng khả năng lặn sâu gấp nhiều lần các tàu ngầm Mỹ
cùng thời.
Kết quả là sự ra đời của tàu ngầm Đề án 685 "Plavnik", với chiếc đầu
tiên và duy nhất của dự án này mang tên mã K-278 được khởi đóng năm 1978
tại nhà máy Sevmash. Con tàu được hạ thủy vào tháng 6/1983 và biên chế
sau đó 6 tháng.
Với mục tiêu lặn sâu hơn mọi vũ khí của đối phương, K-278 được trang bị
hàng loạt công nghệ hiện đại nhất của Liên Xô thời đó. Tàu ứng dụng
thiết kế hai thân vỏ, trong đó phần thân chịu lực bên trong được chế tạo
hoàn toàn bằng hợp kim titan 48T, vật liệu cực kỳ đắt đỏ với độ bền
tương đương thép nhưng chỉ nhẹ bằng một nửa.
Việc hàn các tấm titan lớn để tạo thành vỏ tàu cũng rất tốn kém, do quá
trình này cần được thực hiện trong môi trường khí trơ không có oxy. Kỹ
thuật viên trong lúc hàn phải mặc đồ bảo hộ kín hoàn toàn với hệ thống
cấp dưỡng khí độc lập như các phi hành gia.
Tàu ngầm K-278 hoàn thiện dài 117 m, rộng 11 m và có lượng giãn nước
8.000 tấn khi lặn. Vỏ chịu lực titan cho phép K-278 lặn sâu tới 1.250 m,
gấp 4 lần độ sâu hành trình của tàu ngầm Mỹ. Lò phản ứng hạt nhân
OK-650 cho phép tàu đạt tốc độ tối đa 56 km/h dưới lòng biển.
K-278 đóng vai trò nền tảng thử nghiệm công nghệ tàu ngầm cho Liên Xô,
khả năng tác chiến chỉ là ưu tiên thứ yếu. Được trang bị hệ thống điều
khiển tự động hiện đại, con tàu chỉ cần tối đa 64 người vận hành so với
hơn 100 thủy thủ trên tàu ngầm cùng thời.
Sau khi được biên chế vào tháng 12/1983, con tàu trải qua hàng loạt thử
nghiệm trong vòng 4 năm tiếp theo. K-278 lập kỷ lục vào năm 1984 khi lặn
xuống độ sâu 1.020 m, sâu nhất với mọi tàu ngầm quân sự và chỉ thua kém
những tàu lặn khoa học được thiết kế đặc biệt.
![]() |
Tàu ngầm K-278 trước một chuyến thử nghiệm trên biển. Ảnh: Topwar.
|
Các tàu ngầm hạt nhân hiện đại nhất của Mỹ như lớp Los Angeles và
Virginia chỉ lặn xuống độ sâu 240 m, trong khi ba tàu ngầm đắt đỏ thuộc
lớp Seawolf cũng chỉ đạt mức 490 m. Ngay cả ngư lôi Mark 48 hiện đại
cũng không thể lặn sâu quá 800 m. Điều này khiến K-278 được mệnh danh là
tàu ngầm "bất khả xâm phạm", nằm ngoài tầm với của mọi vũ khí trong
biên chế đối phương.
Tháng 10/1988, K-278 được đặt tên Komsomolets, trở thành một trong số ít
tàu ngầm Liên Xô có tên riêng. Komsomolets bắt đầu chuyến tuần tra đầu
tiên với 69 thành viên thủy thủ đoàn vào tháng 3/1989 dưới quyền của đại
tá hải quân Evgeny Vanin. Tuy nhiên, đây cũng là chuyến tuần tra cuối
cùng và duy nhất của tàu ngầm này.
Ngày 7/4/1989, trong ngày tuần tra thứ 39, sự cố bắt đầu xảy ra khi
Komsomolets đang di chuyển trên vùng biển quốc tế ở độ sâu 386 m, cách
bờ biển Na Uy hơn 500 km về phía bắc. Lúc 10h55, nguồn điện trên tàu đột
nhiên trồi sụt bất thường. 5 phút sau, thủy thủ Nodari Bukhnikashvili
báo cáo mọi thứ vẫn ổn trong khoang số 7.
Tuy nhiên, đường ống dẫn khí áp suất cao kết nối với bể dằn ở khoang số 7
bất ngờ bị bục ngay sau đó và làm hư hại hệ thống dẫn dầu. Một bảng
điện bị chập ở khoang số 7 đã làm tia dầu bốc cháy, ngọn lửa nhanh chóng
lan ra xung quanh do môi trường có nồng độ oxy cao.
Ba phút sau, thiếu tá Vyacheslav Yudin, sĩ quan giám sát cơ giới ở phòng
điều khiển, phát hiện nhiệt độ gia tăng nhanh chóng ở đuôi tàu. Yudin
liên lạc với Bukhnikashvili qua bộ đàm nhưng không thấy trả lời, sau đó
báo cáo với hạm trưởng Vanin và phát lệnh báo động.
"Tôi đang nghỉ ngơi trong khoang thì còi báo động vang lên. Tôi lao tới
vị trí và cùng tham gia cứu con tàu với các thành viên thủy thủ đoàn",
Igor Kalinin, sĩ quan sonar trên tàu Komsomlets khi đó, nhớ lại.
Kỹ sư trưởng Valentin Babenko đề xuất phương án dập lửa bằng freon, loại
khí làm lạnh không bắt cháy nhưng có thể gây tử vong cho con người. Đại
tá Vanin tỏ ra lưỡng lự bởi còn một số thủy thủ trong khoang số 7.
Hạm trưởng sau đó miễn cưỡng ra lệnh xả khí freon vào khoang số 7, thủy
thủ Bukhnikashvili cũng trở thành người đầu tiên thiệt mạng trên
Komsomolets. Dù vậy, khí freon không dập tắt được ngọn lửa bởi đường ống
khí nén bị bục liên tục cấp oxy cho nó và biến khoang số 7 thành một lò
lửa. Ngọn lửa nhanh chóng vượt ngoài tầm khống chế của thủy thủ đoàn.
Áp suất lớn ở khoang số 7 đẩy dầu lọt vào khoang số 6. Ngọn lửa lan qua
khoang số 6 qua ống cáp điện, bất chấp việc cửa chống lửa giữa hai
khoang đã được đóng. Các thủy thủ trong khoang số 6 không kịp đeo mặt nạ
phòng độc và nhanh chóng tử vong do ngạt khói.
![]() |
Tàu ngầm Komsomolets ra biển thử nghiệm năm 1985. Ảnh: Topwar.
|
Máy phát điện của tàu ngừng hoạt động, khiến hệ thống bảo vệ lò phản ứng
hạt nhân được tự động kích hoạt để ngăn tình trạng quá tải. Sĩ quan
điều khiển sau đó áp dụng biện pháp tắt khẩn cấp để ngăn lõi lò nóng
chảy và gây rò rỉ phóng xạ, nhưng điều này cũng vô hiệu hóa nguồn năng
lượng duy nhất trên tàu.
Lúc 11h13, năng lượng cho tàu bị cắt hoàn toàn, hệ thống thủy lực cũng
ngừng hoạt động khi Komsomolets đang ở độ sâu 152 m. Con tàu không thể
quay chân vịt và điều chỉnh cánh lái để nổi lên mặt nước. Đại tá Vanin
ra lệnh tiến hành quy trình nổi khẩn cấp, bơm khí áp suất cao vào các bể
dằn và phát tín hiệu cầu cứu về sở chỉ huy.
Tuy nhiên, nổi lên được mặt nước không có nghĩa là Komsomolets đã hết
nguy hiểm. Lúc 11h21, ngọn lửa đạt nhiệt độ 1.000 độ C và lan theo hệ
thống dây cáp đến tất cả các khoang. Toàn bộ thủy thủ đoàn đều tham gia
cứu tàu và phải đeo mặt nạ nối với hệ thống cung cấp không khí khẩn cấp.
Tuy nhiên, khí độc không mùi CO nhiễm vào hệ thống dưỡng khí khiến
nhiều người bị chóng mặt.
Vanin tiếp tục đánh tín hiệu cầu cứu về Hạm đội Phương Bắc. Sở chỉ huy
nhận được bức điện mật không đầy đủ lúc 11h41, họ chỉ biết một tàu ngầm
Liên Xô bị mắc kẹt ở đâu đó và không quân được báo động.
12h19 chiều, đại tá Vanin bỏ qua giao thức bảo mật và gửi điện thông báo
rõ tên, địa điểm và tình hình khẩn cấp trên tàu. Tư lệnh Hạm đội Phương
Bắc ra lệnh áp dụng mọi biện pháp để cứu thủy thủ đoàn, kể cả kêu gọi
hỗ trợ từ Na Uy, đồng thời điều động ba tàu hoạt động cách Komsomolets
hơn 100 km đến ứng cứu.
14h40, máy bay cứu hộ phát hiện tàu ngầm đang nổi lập lờ trên mặt nước.
Các thủy thủ cho rằng họ sẽ sớm được cứu nên nhiều người không mặc áo
giữ nhiệt, dù nước biển lạnh 2 độ C có thể khiến họ tử vong trong vòng
15 phút.
Không lâu sau, gió và sóng biển cao tới 1,2 m buộc các thủy thủ đứng
trên boong phải bám vào bề mặt trơn trượt. Hầu hết thủy thủ đều trèo ra
bên ngoài vì không chịu nổi khói bên trong tàu, dù lực lượng cứu hộ cần
ít nhất 3 giờ nữa mới tới nơi.
Nỗ lực cứu tàu không thành công và Komsomolets bắt đầu chìm lúc 16h30.
Đại tá Vanin phát tín hiệu cầu cứu lần cuối qua vô tuyến, sau đó ra lệnh
cho thủy thủ đoàn bỏ tàu.
![]() |
Xác tàu K-278 nằm dưới đáy biển. Ảnh: Zvezda.
|
Lúc 17h, hai xuồng cứu hộ được bơm hơi và thả ra từ mũi tàu để các thủy
thủ trèo lên, còn Vanin quyết định trở lại bên trong để tìm kiếm những
người còn lại. "Hạm trưởng trèo lên boong và có thể dễ dàng nhảy xuống
nước như chúng tôi. Dù vậy, ông ấy nhìn lên trời và trèo xuống để hỗ trợ
những người vẫn còn mắc kẹt trong con tàu đang chìm", Kalinin nhớ lại.
6 người trong tàu vẫn còn tia hy vọng là kén thoát hiểm ở đài chỉ huy,
tính năng không có trên các tàu ngầm Mỹ. Vanin dẫn họ tới vị trí kén,
nhưng một người bị lạc trong làn khói dày đặc và không thể vào trong,
bất chấp nỗ lực mở cửa của những người còn lại.
Chiếc kén bắn ra khỏi Komsomolets và nổi lên cùng 5 người bên trong khi
vỏ tàu bị áp lực nước dưới đáy biển ép nát. Việc nổi lên quá nhanh khiến
kén bị giảm áp đột ngột và phần nắp bung mạnh ra ngoài. Hai người thiệt
mạng tại chỗ, đại tá Vanin và một người khác bất tỉnh. Nước biển nhanh
chóng tràn vào kén, làm nó chìm xuống cùng 4 người bên trong. Chỉ có
thủy thủ Slyusarenko kịp thoát ra ngoài.
Những người bỏ tàu trước đó cũng chưa thoát khỏi nguy hiểm khi xuồng cứu
hộ bị lật hoặc nằm ngoài tầm với. Máy bay cứu hộ thả nhiều bè cứu hộ cỡ
nhỏ, nhưng nhiều thủy thủ đã tử vong do hạ thân nhiệt và chết đuối
trước đó.
Khoảng hơn 18h, tàu chế biến hải sản B-64/10 Aleksey Khlobystov có mặt
tại hiện trường và cứu được 30 thủy thủ, nhưng ba người trong số đó tử
vong vì hít phải khí độc và nhiễm lạnh. Tổng cộng 42 sĩ quan và thủy thủ
thiệt mạng trong sự cố, tàu ngầm K-278 Komsomolets chìm xuống độ sâu
1.680 m với hai quả tên lửa hạt nhân.
Chính phủ Nga từng có kế hoạch trục vớt Komsomolets nhưng phải từ bỏ
khi nguy cơ xảy ra thảm họa rò rỉ phóng xạ là quá lớn. Moskva đã dùng
các biện pháp đặc biệt để bao kín con tàu với hy vọng biến nó thành một
nấm mồ titan khổng lồ dưới đáy biển Barents, nhưng có vẻ như cách thức
này không ngăn cản được phóng xạ rò rỉ khỏi xác chiếc tàu ngầm xấu số.
Vũ Anh (Theo National Interest)
Tin liên quan:
- Hỏa hoạn - mối đe dọa lớn nhất với tàu ngầm quân sự
- Tàu ngầm tuyệt mật của Nga bị cháy từ khoang chứa pin điện
- Những sự cố cháy nổ gây tổn thất lớn cho lực lượng tàu ngầm Nga
- 5 thảm họa tàu ngầm gây nhiều thương vong nhất thế giới
- Vụ tàu chiến Mỹ bắn rơi máy bay Iran làm 290 người chết cách đây 31 năm
Lịch sử quân sự
-
Con chim bồ câu cứu mạng gần 200 lính Mỹ trong Thế chiến I
-
Cuộc đối đầu giữa tàu Tuần duyên Mỹ và tàu ngầm Đức năm 1943
-
Chiến dịch tàu ngầm Anh săn đuổi tàu sân bay Argentina năm 1982
-
Thảm bại của nhóm tàu sân bay Mỹ trong cuộc tập trận năm 2002
-
Chuyến bay dằn mặt Pakistan của trinh sát cơ Ấn Độ năm 1997
Nhận xét
Đăng nhận xét