Thứ Năm, 29 tháng 8, 2019

BỘ MẶT CHIẾN TRANH 40

 
MỘT MAI GIÃ TỪ VŨ KHÍ (HẢI SUKA)

-Trong tình trạng chiến tranh đầy chết chóc và tan hoang, bản chất sống của loài người trở nên cực hạn về mọi phía:
+Yêu thương vô vàn mà cũng hận thù vô song
+Thông minh trí tuệ bao nhiêu thì cũng ngu ngốc, mù quáng bấy nhiêu.
+Tuyệt đỉnh dũng cảm thì cũng tột cùng hèn nhát.
+Vừa là thánh thần vừa là quỉ dữ.
...
-Chiến tranh mang bộ mặt gớm ghiếc, tởm lợm đến khủng khiếp, không thể tả được, dù bôi son trát phấn như thế nào, tung hô ra sao.
-Chiến tranh là thể hiện sự thờ ơ, vô cảm khốn nạn tột cùng về việc hủy diệt tàn bạo cuộc sống và thân phận con người.
-Chiến tranh phi nghĩa là chiến tranh "nặn ra" lý do từ không có lý do, hủy diệt và tàn phá cuộc sống một cách không chính đáng. Chiến tranh chính nghĩa là chiến tranh  nảy sinh từ việc chống chiến tranh phi nghĩa, được hủy diệt và tàn phá cuộc sống một cách chính đáng (?).
-Tóm lại, bộ mặt thật của chiến tranh nhìn từ mọi phía nói chung là độc ác, thiểu năng trí tuệ đến ngỡ ngàng của con người khôn ngoan, có lý trí.
-Ngày chiến thắng 30/4, lũ bán nước cay cú gọi là ngày quốc hận, người cộng sản cực đoan cho rằng đó là ngày toàn dân phải vui mừng, riêng cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, người có vợ con đều chết trong chiến tranh, thì nói, đó là ngày có triệu người vui và cũng có triệu người buồn.
-Lão Tử, một đại hiền triết thời cổ đại của Trung Quốc, từng nói: "Giết hại nhiều người thì nên lấy lòng bi ai mà khóc, chiến thắng thì nên lấy tang lễ mà xử".
 
when the man comes around - johny cash (vietnam footage)

------------------------------------------------------- 
(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Chiến dịch Berlin





Đế chế hùng mạnh bậc nhất lịch sử sụp đổ vì mối thù truyền kiếp với Nga

Thứ Ba, ngày 20/08/2019 00:30 AM (GMT+7)

Đế chế Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) tồn tại được 623 năm, từng đánh bại những đối thủ sừng sỏ như đế chế La Mã, nhưng đến khi tranh đấu với Nga thì bắt đầu xuống dốc không phanh.

Đế chế hùng mạnh bậc nhất lịch sử sụp đổ vì mối thù truyền kiếp với Nga - 1
Đế chế Ottoman từng đánh đâu thắng đó, cho đến khi chạm tới vùng đất của Nga.
Đế chế Ottoman hình thành ở vùng đất ngày nay gọi là Anatolia, do một thủ lĩnh bộ tộc Kayi tên Osman thành lập vào cuối thế kỷ 13. Đế chế Ottoman trỗi dậy ở thời kỳ mà hai đế chế hùng mạnh nhất thời bấy giờ là Đế chế La Mã và Đế chế Byzantine (Đông La Mã) đều đã suy yếu vì chiến tranh liên miên.
Đến giữa thế kỷ 14, Đế chế Ottoman tiến sâu về phía tây, kiểm soát vùng Balkan. 100 năm sau, đế chế Ottoman góp công lật đổ đế chế La Mã và đến thế kỷ 17, đế chế Ottoman đã kiểm soát một khu vực rộng lớn, trải dài từ Tây Á, đông nam và trung châu Âu, phía bắc và đông bắc Phi, vùng Caucasus.
Ở thời kỳ đỉnh cao, đế chế Ottoman kiểm soát hơn 5,6 triệu km2 diện tích lãnh thổ với số dân 15 triệu người. Đế chế Ottoman luôn được biết đến là một trong những đế chế lớn nhất và mạnh nhất lịch sử nhân loại.
Mối thù truyền kiếp giữa Nga-Ottoman
Điều duy nhất mà đế chế này không làm được là cạnh tranh quyền lực với đế quốc Nga. Mối quan hệ kình địch Nga-Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) hình thành từ thế kỷ 16. Đó là khi đế quốc Nga trỗi dậy mạnh mẽ, vươn tầm ảnh hưởng đến Đông Âu và Bắc Âu. Sa hoàng Nga coi mình là người bảo vệ của cộng đồng Cơ Đốc giáo ở phương Đông sau khi thành Constantinople (Istanbul ngày nay) thất thủ năm 1453 dưới tay Đế chế Ottoman của người Thổ. Đế chế Ottoman sau này lấy Constantinople làm thủ đô và trở thành “cái gai” trong mắt Nga.

Căng thẳng Nga-Ottoman lên đến đỉnh diểm khi đế chế tiếp tục mở rộng lãnh thổ vào Trung Đông và vùng Balkans - khu vực sinh sống của người Slav theo Chính thống giáo, được Nga bảo vệ.
Từ năm 1568 đến 1878, đế chế Ottoman của người Thổ đã tiến hành 12 cuộc chiến tranh với đế quốc Nga, nhằm mở rộng lãnh thổ về phía biển Đen và khu vực Caucasus. Trong các cuộc chiến này, Nga giành chiến thắng 8 lần, còn người Thổ chỉ chiến thắng 4 lần.
Đế chế hùng mạnh bậc nhất lịch sử sụp đổ vì mối thù truyền kiếp với Nga - 2
Đế chế Ottoman ở thời hùng mạnh nhất.
Các trận chiến liên miên và phần lớn thua cuộc thuộc người Thổ đã khiến đế chế Ottoman suy yếu. Các sultan (vua) vào lúc này thường chỉ vui thú hưởng lạc trong hậu cung. Đến khi các đối thủ ở châu Âu và đế quốc Nga trỗi dậy mạnh mẽ thì các vị vua Ottoman vội vàng tiến hành cải cách nhưng đều đã muộn.
Giai đoạn năm 1568-1570, cuộc chiến đầu tiên giữa đế chế Ottoman và đế quốc Nga nổ ra chỉ vì vua Ottoman có kế hoạch xây dựng một kênh đào, đi qua vùng đất mà Sa hoàng Nga là Ivan Bạo chúa chiếm được.
Người Thổ khi đó chưa quá lo ngại Nga nên chỉ đem đến vùng Balkan một đội quân nhỏ và công binh. Cuộc chiến kết thúc khi đội quân Ottoman vừa bị chết cóng, vừa phải đối đầu với đội quân thiện chiến đến từ phương đông.
Đến năm 1676, Đế chế Ottoman lại gây chiến với Nga ở vùng đất ngày nay là Ukraine. Người Thổ muốn tiếp tục mở rộng lãnh thổ vào sâu trong lãnh địa của người Slav, bằng cách sử dụng chính những người Slav ở Crimea để phục vụ chiến tranh với đế quốc Nga. Cuộc chiến kết thúc với phần thắng nghiêng về Nga, dù lãnh thổ của hai phe không thay đổi;
Năm 1686, tình hình trở nên khó khăn khi các quốc gia ở châu Âu, Áo, liên minh Ba Lan-Lithuania ngả về Nga để đẩy lùi đế chế Ottoman khỏi Hungary, Ba Lan và vùng Balkan. Trong khi người Thổ chịu tổn thất nặng nề, đế quốc Nga gần như không tốn binh lực vì để các đồng minh phương Tây gánh hầu hết phần việc.
Năm 1710, vua Thụy Điển Charles XII bại trận ở Nga và rút chạy về thành trì của người Thổ ở vùng đất ngày nay là Modolva. Quân Nga do Sa hoàng Peter Đại đế dẫn đầu yêu cầu người Thổ giao nộp Charles XII. Nhưng quân Ottoman phản ứng bằng cách tràn ra tấn công, khiến quân Nga thiệt hại nặng. Thừa thắng xông lên, đế chế Ottoman chiếm lại vùng Azoz bị mất và khiến Nga phải cam kết không can thiệp vào vấn đề nội bộ của liên minh Ba Lan-Lithuania – là đồng minh của Ottoman ở thời điểm đó.
Đế chế hùng mạnh xuống dốc không phanh
Đế chế hùng mạnh bậc nhất lịch sử sụp đổ vì mối thù truyền kiếp với Nga - 3
Đế chế Ottoman từng nắm quyền kiểm soát đến Ukraine và Crimea ngày nay.
Trận đánh bắt đầu sự xuống dốc của đế chế Ottoman chính là cuộc chiến với Nga giai doạn 1768-1774. Người Thổ được đánh giá trên cơ trong cuộc chiến này bởi đế quốc Nga có phần suy yếu và bị vấn đề nổi loạn ở Ba Lan chi phối.
Hải quân Ottoman ở Biển Đen khi đó chiếm trọn sức mạnh trên biển, trong khi bộ binh là một trong những lực lượng tinh nhuệ nhất lúc bấy giờ. Nhưng kết quả cuộc chiến hoàn toàn bất ngờ. Người Nga đánh bại đế chế Ottoman dù Anh, Pháp và Áo cố gắng can thiệp bằng ngoại giao. Quân Nga tiếp tục nhấn chìm hạm đội Ottoman ở Địa Trung Hải, Caucasus và Crimea.
13 năm sau, người Thổ liên tiếng yêu cầu đế quốc Nga trả lại Crimea và các cảng biển quan trọng ở Biển Đen. Đáp trả lại, Nga liên minh với Áo đánh sâu vào trong lãnh thổ Ottoman, thậm chí còn đến ngay trước thành trì Istanbul. Mọi chuyện chỉ chấm dứt khi đế chế Ottoman ký hiệp ước công nhận chủ quyền của Nga với Crimea và vùng đất ngày nay là Ukraine.
Trong cuộc chiến tranh Crimea năm 1853-1856, đế chế Ottoman giành chiến thắng cuối cùng trước đối thủ truyền kiếp là Nga. Ottoman khi đó yếu đến mức cần có Pháp, Anh nhảy vào can thiệp vì mâu thuẫn trong việc phân chia quyền lực ở vùng đất của người Thổ. Chiến thắng này không giúp đế chế Ottoman giành được thêm bất cứ vùng đất nào, trong khi đế quốc Nga bị phong tỏa ở Biển Đen.
Ngày 29.10.1914, đế chế Ottoman phát động cuộc chiến với Nga ở bờ Biển Đen, sau này leo thang thành Thế chiến 1. Anh và Pháp lúc này lại đổi phe, liên minh với Nga gây chiến với đế chế Ottoman. Đó là lúc các cường quốc hiện đại xâu xé lãnh thổ Ottoman.
Theo hiệp ước năm 1920, Pháp và Anh chiếm các vùng đất ở Trung Đông. Quân đồng minh tiến vào thủ đô Constantinople với lý do chấm dứt chiến tranh. Đế chế Ottoman lúc này chỉ còn kiểm soát một vùng đất nhỏ ở Anatolia.
Đó là lúc những người Thổ Nhĩ Kỳ theo chủ nghĩa dân tộc đứng lên đấu tranh đòi độc lập. Năm 1922, đế chế Ottoman chính thức chấm dứt sự tồn tại, đặt nền móng cho nhà nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay.

Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp (Dân Việt)



Vị hoàng đế bá chủ Châu Âu mắc sai lầm "nướng" 70 vạn quân ở Nga, khiến cả đế chế diệt vong

Thứ Hai, ngày 19/08/2019 00:30 AM (GMT+7)

Hoàng đế Pháp Napoleon ở giai đoạn đỉnh cao quyền lực từng huy động gần 70 vạn quân xâm lược Nga nhưng cuối cùng nhận thất bại cay đắng, đặt dấu chấm hết cho Đệ nhất Đế chế Pháp mà mình thành lập.

Vị hoàng đế bá chủ Châu Âu mắc sai lầm "nướng" 70 vạn quân ở Nga, khiến cả đế chế diệt vong - 1
Napoleon cầm trên tay vương miện, chính thức trở thành hoàng đế Pháp.
Sau khi nắm quyền lực vào năm 1799, hoàng đế Napoleon Bonaparte lập nên Đệ Nhất Đế chế Pháp. Ngày 2.12.1804, Napoleon chính thức được được Giáo hoàng Alexander VII làm lễ sắc phong tại Nhà thờ Đức Bà Paris, nhưng khi đến nghi thức đội vương miện thì Napoleon đã giật lấy từ tay giáo hoàng và tự đội lên đầu mình.
Napoleon nắm quyền trong bối cảnh nước Pháp có nhiều rối ren cả trong nước và ngoài nước. Hoàng đế Pháp chủ trương tiếp tục chiến tranh với các vương quốc châu Âu lúc bấy giờ.
Nắm quyền bá chủ châu Âu
Những chiến thắng ban đầu giúp Napoleon nắm quyền kiểm soát gần như toàn bộ châu Âu, thao túng các quốc gia khác. Napoleon sáp nhập hai vùng đất ngày nay là Bỉ và Hà Lan vào Pháp, nối tiếp sau đó là Italia, Croatia và Đức. Một số vương quốc ở Thụy Sĩ, Ba Lan được trao quyền tự trị.
Tây Ban Nha từng là đế quốc quyền lực vào thế kỷ 15, nhưng đến khi Napoleon xuất hiện thì cũng phải quy hàng. Dù vậy, các cuộc kháng chiến ở Tây Ban Nha vẫn diễn ra dai dẳng.

Một số nước khác như Áo, Phổ và Nga bị đánh bại đến mức trở thành đồng minh của Napoleon. Chỉ có Anh nằm ngoài tầm kiểm soát nhờ eo biển chiến lược chia cắt với châu Âu.
Năm 1806, Napoleon quyết định trừng phạt Anh bằng đòn cấm vận mang tên phong tỏa lục địa. Mục đích là đẩy nền kinh tế của Anh đến chỗ chết ngạt, ngăn cản hoạt động buôn bán của Anh với toàn bộ các nước trên lục địa châu Âu dưới quyền của Napoleon, bao gồm cả các quốc gia đồng minh
Nhưng các quốc gia châu Âu cũng chịu ảnh hưởng mạnh bởi lệnh cấm này. Đến năm 1810, Sa hoàng Alexander I của Nga “chịu hết nổi” vì thương mại rơi xuống mức thấp và giá trị đồng rúp giảm  thê thảm, nên đơn phương ngừng thực thi cấm vận.
Vị hoàng đế bá chủ Châu Âu mắc sai lầm "nướng" 70 vạn quân ở Nga, khiến cả đế chế diệt vong - 2
Phác họa cảnh Napleon rút khỏi Moscow, Nga.
Alexander I còn áp thuế mạnh các mặt hàng xa xỉ của Pháp để đáp trả việc Napoleon muốn kết hôn với một trong những chị em gái của mình. Alexander I cũng có những biện pháp đề phòng vì lo ngại Napoleon sẽ kích động chủ nghĩa dân tộc ở Ba Lan – quốc gia có mối thù truyền kiếp với Nga.
D.M.G. Sutherland, giáo sư sử học tại Đại học Maryland, Mỹ - người từng viết hai cuốn sách về thời Napoleon, nói: “Đến tận ngày nay, mối quan hệ thân mật  giữa Pháp và Ba Lan vẫn còn nguyên vẹn”.
Napoleon từng coi Nga là đồng minh cốt lõi vì quốc gia này nằm cách xa trung tâm châu Âu, không có tranh chấp lãnh thổ với Pháp. Nhưng trước sự ngang ngạnh của Alexander I, Napoleon đã công khai  ý định “dạy cho Sa hoàng Nga  một bài học”.
Cuộc chiến tranh mù quáng
Năm 1812, hoàng đế Napoleon huy động một đội quân liên hợp từ tất cả các nước châu Âu, nằm dưới quyền chỉ huy duy nhất của một người là Napoleon. Đội quân này tiến vào lãnh thổ Nga vào ngày 24.6.1812.
“Đó là đội quân đa quốc gia của châu Âu lớn nhất kể từ các cuộc Thập tự Chinh”, sử gia Sutherland nói. Các thống kê lịch sử có phần khác nhau đôi chút, nhưng ước tính đội quân này có nòng cốt là 450.000 binh sĩ Pháp và tổng cộng là 685.000 binh sĩ. Đội quân này vượt sông Niemen để đối đầu với quân đội Nga khi đó chỉ có khoảng 200.000 người.
Gần 70 vạn quân của Napoleon được coi là một lực lượng rất lớn, ở thời đại mà các cuộc chiến tranh đã chuyển hoàn toàn từ cung và kiếm sang súng và pháo.
Trong cuộc Cách mạng Mỹ diễn ra trước đó vài chục năm, đội quân của Geogre Washington chỉ có 15.000 người
Mục tiêu của Napoleon là đánh nhanh thắng nhanh,  buộc Alexander I phải ngồi vào bàn đàm phán. Với lực lượng đông đảo, không ngạc nhiên khi Grande Armée (đại quân Pháp) chiếm thành phố Vilna vào ngày 27.6, tức là 3 ngày sau khi phát động chiến tranh.
Nhưng ngay cả khi cuộc chiến diễn ra vào mùa hè, thời tiết cũng không ủng hộ Napoleon. Đêm nào quân Pháp cũng chứng kiến cảnh đồng đội bỏ mạng vì bệnh dịch. Lương thực để duy trì đội quân khổng lồ này cũng là thách thức lớn.
Vị hoàng đế bá chủ Châu Âu mắc sai lầm "nướng" 70 vạn quân ở Nga, khiến cả đế chế diệt vong - 3
Đội quân thiện chiến của Napoleon không chịu nổi giá rét ở Nga.
Napoleon khi đó vẫn tự tin nói: “Ta đã vượt qua muôn màn khó khăn hơn khi chiến đấu với những kẻ mọi rợ ở phương bắc”.
“Thanh kiếm đã rút ra không thể thu hồi được nữa. Hãy đẩy người Nga về với băng giá để 25 năm nữa họ không còn can thiệp vào tình hình chính trị châu Âu”, Napoleon nói, theo History.
Đến cuối tháng 7, quân Nga tiếp tục chiến lược  rút lui, đốt cháy tất cả những gì phải bỏ lại. Giữa tháng 8, người Nga thiêu rụi cả thành phố Smolensk. Nông dân cũng hưởng ứng bằng cách đốt cháy mùa màng để quân Pháp không lấy được bất cứ thứ gì.
“Dĩ nhiên là chiến lược thiêu rụi mọi thứ đã đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn đoàn quân Pháp duy trì sức mạnh”, David A. Bell, giáo sư sử học tại Đại học Princeton, nói.
Mùa hè nóng nực khiến binh sĩ Pháp mắc nhiều bệnh tật truyền nhiễm. Hàng ngàn người bỏ mạng ở Smolensk. Nhưng quân Nga chỉ thực sự quyết phòng thủ trong trận Borodino vào ngày 7.9.1812, cách Moscow khoảng 120km.
Trong trận này, quân Pháp và Nga không ngừng nã pháo vào nhau, bên này tấn công thì bên kia phòng ngự và ngược lại. Không giây phút nào tiếng súng ngừng lại.
Ước tính 70.000 binh sĩ của cả hai bên thiệt mạng chỉ trong một ngày. Thay vì chuẩn bị cho ngày thứ hai,  người Nga rút lui, mở đường để Napoleon tiến vào  Moscow.
Ngày 14.9.1812, đại quân Đức chiếm thủ đô Moscow và những gì trước mắt chỉ là lửa cháy khắp nơi. Đa số người dân  đã sơ tán, thủ đô trống không chẳng còn gì.
Napoleon hạ lệnh đóng quân ở Moscow, chờ Alexander I đầu hàng. Suốt một tháng trời, Napoleon chờ đợi trong vô vọng, không một ai đầu hàng cả. Hoàng đế Pháp phải ra lệnh rút quân nếu không muốn chết rét trên đất Nga.
Vị hoàng đế bá chủ Châu Âu mắc sai lầm "nướng" 70 vạn quân ở Nga, khiến cả đế chế diệt vong - 4
Napoleon qua đời sau 6 năm bị đưa đi lưu đày.
Đến thời điểm này, đội quân của Napoleon từ 70 vạn chỉ còn 10 vạn người. Đa số chết vì những lý do không liên quan đến chiến đấu, đào ngũ, hoặc đơn giản là đi lạc đường.
Napoleon muốn rút lui về phía nam để củng cố lực lượng, nhưng buộc phải lựa chọn con đường từng tiến quân, vì quân Nga áp dụng chiến  thuật du kích. Mùa đông kéo đến khiến đội quân bách chiến bách thắng của Napoleon chết vì đói và rét. “Tình hình tồi tệ hết sức nhanh chóng”, Sheperd Paine, chủ tịch hiệp hội lịch sử thời Napoleon nói. “Quân Pháp đang chết mòn từng ngày”.
Cuối tháng 11, đại quân Pháp mới trở về nơi an toàn, khi qua cầu Berezina ở vùng đất ngày nay là Belarus. “Từ đây, gần như mỗi binh sĩ còn sống sót phải tự lo cho mình”, Paine nói.
Sau thất bại muối mặt của Napoleon, cả châu Âu đã nhận ra hoàng đế Pháp không phải là người bất khả chiến bại.
Các quốc gia như Áo, Phổ, Thụy Điển quay sang ủng hộ Anh và Nga. Sau này, Napoleon vẫn huy động được  một đội quân đông đảo, nhưng không bao giờ đạt đến độ chuyên nghiệp và thiện chiến như 70 vạn quân từng xâm lược Nga.
Tháng 10.1813, Napoleon nhận lấy bại nặng nề trong trận Leipzig. Một năm sau, thủ đô Paris thất thủ, Napoleon bị bắt sống, bị đem đi lưu đày. Năm 1815, Napoleon một lần cuối cùng giành quyền lực bằng trận Waterloo nhưng bị liên quân Anh dẫn đầu đánh tan tác.
Bình luận về thất bại của Napoleon, nhà sử học David A. Bell nói: “Charles XII của Thụy Điển đã từng viễn chinh sang đất Nga nhưng thất bại, Napoleon cũng thất bại và sau này là Hitler. Dường như bất kỳ một cuộc xâm lược Nga nào cũng không thể thành công”.

Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp (Dân Việt)



Trận thảm bại của Nga trước Thổ Nhĩ Kỳ, đưa hải quân Nga về con số 0

Thứ Ba, ngày 25/09/2018 00:30 AM (GMT+7)

Nước Nga thời Sa hoàng Peter Đại đế đánh dấu sự xuất hiện của các hạm đội tàu chiến Nga và là một trong những lần hiếm hoi người Nga để đế chế Ottoman đánh bại.

Trận thảm bại của Nga trước Thổ Nhĩ Kỳ, đưa hải quân Nga về con số 0 - 1
Peter Đại đế là nhà cải cách kiệt xuất của nước Nga.
Trong giai đoạn 1676-1878, đế chế Ottoman của người Thổ đã tiến hành 12 cuộc chiến tranh với đế quốc Nga Sa hoàng. Cuộc chiến nhằm tranh giành quyền kiểm soát lãnh thổ phía biển Đen và khu vực Caucasus. Trong đó, Nga giành chiến thắng 8 lần, còn Thổ Nhĩ Kỳ chỉ thắng 4 lần.
Nhân vật góp công lớn nhưng cũng có những sai lầm quyết định chính là Peter Đại đế, một trong những Sa hoàng nổi tiếng nhất trong lịch sử Nga.
Người đưa nước Nga ra biển lớn
Khi Peter Đại đế đế lên ngôi, nước Nga tuy có lãnh thổ rộng lớn nhưng không có đường thông ra biển Baltic hoặc biển Đen để thông thương với các nước Tây Âu có trình độ văn minh cao hơn. Đó là lý do Peter Đại đế quyết dùng chiến tranh để mở rộng lãnh thổ, lấy đường thông ra biển.
Để tiến ra biển Đen, trước tiên người Nga phải lấy được pháo đài Azov. Khi đó biển Azov nằm trong tầm kiểm soát của người Tatar, cai trị dưới sự bảo trợ của đế quốc Ottoman. Tháng 1.1695, Peter Đại đế mang 3 vạn quân tấn công Azov.

Để đề phòng, người Tatar đã cho xây nhiều đồn lũy tại sông Đông, vốn là con đường từ biển Azov chảy ra. Chiến dịch quân sự đầu tiên nhằm vào Azov thất bại vì nước Nga chưa có hải quân nên không thể cô lập được pháo đài Azov. Ngược lại, quân địch lại được hải quân tiếp viện nên phòng ngự hiệu quả.
Ngay sau thất bại, Peter Đại đế ra lệnh tập trung toàn lực đóng tàu. Đích thân Peter Đại đế tới công xưởng, cầm búa và vào làm việc với công nhân đóng tàu. Trong vòng một năm, Nga sở hữu 18 chiến thuyền, bao gồm 7 thuyền buồm trang bị đại bác, cùng hàng loạt các tàu chở binh lính và quân nhu.
Trận thảm bại của Nga trước Thổ Nhĩ Kỳ, đưa hải quân Nga về con số 0 - 2
Peter Đại đế chủ trương lấy chiến tranh để đưa nước Nga ra biển lớn.
Tháng 5.1696, Peter Đại đế phát động tấn công Azov lần 2. Trong vòng chưa đầy một tháng, quân Nga kéo tới chân thành công phá. Trên mặt biển, tàu chiến Nga cũng đụng độ dữ dội với đối phương nhưng giành chiến thắng quyết định.
Người Tatar buộc phải cố thủ trong pháo đài Azov cho đến khi phải đầu hàng vào ngày 18.7. Lấy được Azov, Peter Đại đế có bàn đạp đưa hải quân Nga tiến ra Biển Đen. Tình hình sau đó thay đổi khi người Ottoman ký hòa ước với đế quốc Áo, vốn là  kẻ thù truyền kiếp của họ.
Phải một mình đương đầu với đế quốc Ottoman, Peter Đại đế tạm thời hủy bỏ mục tiêu tiến ra biển Đen để kiểm soát vùng biển Baltic
Thất bại bằng tổn thất của cả hạm đội
Sau chiến thắng trước Thụy Điển ở Poltava vào năm 1709, vua Karl II của Thụy Điển bỏ chạy về lãnh địa do đế quốc Ottoman kiểm soát. Sa hoàng khi đó yêu cầu Sultan của đế quốc Ottoman là Ahmed III trả vua Thụy Điển về Nga trị tội.
Cuộc đàm phán căng thẳng kết thúc với việc đế quốc Ottoman kiên quyết không trả người. Người Ottoman từ lâu muốn “hất cẳng” người Nga khỏi pháo đài Azov, ngăn hải quân Nga mở đường ra Biển Đen.
Năm 1710, đế quốc Ottoman tuyên chiến với nước Nga Sa hoàng. Peter Đại đế đã có một trong những sai lầm lớn nhất trong cuộc đời, khi vội vàng gây chiến với đế quốc Ottoman mà không đánh giá kỹ thực lực đối thủ.
Trận thảm bại của Nga trước Thổ Nhĩ Kỳ, đưa hải quân Nga về con số 0 - 3
Peter Đại đế từng thảm bại trước đế chế Ottoman.
Mặc dù bị tuyên chiến trước nhưng Peter Đại đế là người chủ động khởi xướng chiến dịch Pruth. 38.000 quân Nga do đích thâm Peter Đại đế chỉ huy liên kết 5.000 quân đến từ Vương quốc xứ Moldavia để tiến sâu xuống phía nam, đụng độ với đế quốc Ottoman.
Hai đội quân giao tranh kịch liệt trên sông Pruth mà Peter Đại đế không biết rằng quân Ottoman có tới 200.000 người. Kết quả là chỉ sau 4 ngày, tàn quân Nga cùng Peter Đại đế và tướng Boris Sheremetev bị vây chặt.
Để tránh bị hủy diệt, Peter Đại đế buộc phải đồng ý mọi điều khoản mà Sultan Ahmed III đề ra.
Giao tranh chấm dứt vào ngày 21.7.1711 với Hiệp ước Pruth. Theo đó, nước Nga Sa hoàng phải trả lại Azov cho đế quốc Ottoman. Taganrog cùng nhiều pháo đài khác của Nga trong khu vực bị san phẳng. Peter Đại đế cũng phải cam kết không được can thiệp vào tình hình cộng đồng Ba Lan-Litva.
Thất bại này giáng một đòn mạnh vào tham vọng ra biển lớn của người Nga. Toàn bộ hạm đội ở Azov với hàng trăm tàu lớn nhỏ bị phá hủy. Một số tàu bị đem bán trong khi số phận của những tàu khác không được rõ. Cùng với việc phải thay đổi chiến lược phương nam, hải quân Nga cũng phải gây dựng lại từ con số 0.
Ngày nay, luật sư người Gruzia, Alexander Mikaberidze, người chuyên nghiên cứu lịch sử Nga, Gruzia nói rằng đế quốc Ottoman ký thỏa thuận hòa bình với người Nga là một sai lầm. Bởi với lực lượng hùng hậu, người Ottoman hoàn toàn có thể bắt sống Peter Đại đế làm tù binh và lịch sử có thể sang trang mới.
Bởi không có Peter, Nga không thể tiếp tục trỗi dậy, trở thành một thế lực đe dọa đế quốc Ottoman hàng trăm năm sau.
___________________
Đế quốc Nga từng một mình chống lại liên minh giữa người Thổ, Anh và Pháp. Kết quả cuộc chiến này như thế nào mời độc giả đón đọc bài dài kỳ tiếp theo.

Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp (Dân Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét