Thứ Tư, 6 tháng 2, 2019

TIN BUỒN 44 (Danh thủ Nguyễn Kim Hằng)

(ĐC sưu tầm trên NET)

Những tượng đài đã mất: Thăng trầm Hải quan...!
Nói đến Hải quan là nói đến một thế hệ hào hùng của bóng đá Sài Gòn. Người hâm mộ so sánh nếu Cảng Sài Gòn đá đẹp, chỉ để nhìn ngắm và tôn thờ thì ngược lại Hải quan đi vào lòng người bằng sự ngưỡng mộ.
Nói đến Hải quan mà không nói đến gia đình Hồ Thanh là chưa hiểu hết về đội bóng này. Có đến 7 anh em trai nhưng 6 người từng chơi cho Hải quan, trong đó thành công nhất và gắn liền thăng trầm với đội bóng chính là Hồ Thanh Cang.
Luôn đại diện TP.HCM đá quốc tế
Ông được xem là chứng nhân lịch sử có mặt từ ngày đầu khi đội thành lập (chỉ 4 tháng sau ngày đất nước thống nhất) và thi đấu với đội Ngân hàng đúng ngày quốc khánh 2.9.1975. Sau đó ông cùng đội vô địch giải Cửu Long năm 1976, hạng ba giải A1 toàn quốc lần đầu năm 1980 sau đó trở thành HLV tạo nhiều dấu ấn. Đến những năm cuối thập niên 1980, ông Cang lại gạt nước mắt đau đớn khi Hải quan bị “xé” nát sau biến cố 3 đội TP.HCM thất bại trong một chiều mưa ở tứ kết giải VĐQG năm 1987.
Ông Hồ Thanh Cang nhớ lại: “Đội Hải quan ra đời trên nền tảng đội Quan thuế cũ và sau đó được giao cho phân cục Hải quan TP.HCM quản lý. Khi đó đội tập hợp rất nhiều cầu thủ hay của miền Nam như Đỗ Thới Vinh, Phạm Văn Lắm, Phan Dương Cẩm (tự Hiển), Lê Văn Sang (Sang tiều), Cù Sinh, Cù Hè, Lê Kim Thanh (Bình lùn) và anh em chúng tôi như Hồ Thanh Hưng (tự Cải), Hồ Thanh Chinh, Hồ Thanh Cang. Ngoài việc là đội duy nhất thắng được Tổng cục Đường sắt từ miền Bắc vào thi đấu năm 1976, chúng tôi còn tranh các giải trong nước và có lúc thắng lúc thua với Cảng Sài Gòn (CSG) hay Sở Công nghiệp, nhưng luôn được chọn đại diện TP.HCM thi đấu quốc tế và tạo niềm tin cho khán giả nhờ lối thi đấu máu lửa, nhiệt huyết, thực dụng. Như lần đầu Hải quan tăng cường mang tên TP.HCM đã thắng Thiên Tân (Trung Quốc) 4-1 năm 1977, làm nòng cốt cho đội VN 1 đá giải SKDA 1984, sau này đá với các đội đến từ Liên Xô như Bông lúa, Dinamo Kirop, Gianghirit... đều chơi ngang ngửa, nhiều lúc khiến cho đối thủ phải ngỡ ngàng”.
Dưới bàn tay của HLV Hồ Thanh Cang, đội còn có thế hệ kế thừa xuất sắc đã góp công lớn đoạt danh hiệu á quân giải VĐQG năm 1982 -1983, hạng ba năm 1986 như cặp trung vệ thép Nguyễn Kim Hằng, Phan Văn Tần luôn khiến các mũi nhọn của đối phương ngán ngại vì sự khôn ngoan, lạnh lùng, chắc chắn; hậu vệ cánh Thái Công Hoàng, Tô Văn Hải, thủ môn Vũ Nhật Thành, tiền vệ Hồ Thanh Dũng, Trương Văn Dưỡng, Nguyễn Văn Chung... luôn chơi với khí thế ngùn ngụt. Đặc biệt là hàng công với bộ ba cánh phải Nguyễn Hoàng Minh (Minh nhí), trung phong Nguyễn Văn Thành (Thành gù) và cánh trái Lưu Tấn Liêm luôn như những mũi tên xé gió, đã làm tan nát biết bao hàng phòng ngự các đội từ nam chí bắc, kể cả các đội quốc tế đến thi đấu tại VN.
Sau này, thế hệ tiếp theo như Trung Hải, Đinh Thanh Hải, Lưu Tấn Phước... dưới bàn tay HLV Nguyễn Kim Hằng đã góp công đưa Hải quan vô địch QG năm 1991 sau khi thắng Quảng Nam Đà Nẵng (QNĐN) bằng đá loạt đá luân lưu 11 m trên sân Thống Nhất, hay thế hệ sau của Đỗ Khải, Nguyên Chương, Chí Mỹ, Anh Trung đã 2 lần vô địch Cúp QG năm 1996, 1997.
Có nhiều sự cố
Không kể cú va chạm “nảy lửa” vào tháng 12.1975 với các cầu thủ CSG khiến một số cầu thủ Hải quan bị cấm thi đấu thì số phận của đội bóng này cũng không được ưu ái bằng CSG hay Sở Công nghiệp. Năm 1987, sau thất bại đồng loạt của bóng đá TP.HCM ở giải VĐQG, Sở TDTT đã chủ trương 3 đội TP.HCM nhập thành 2 để tăng sức mạnh, thế là các cầu thủ Hải quan bị xé lẻ để đưa về các đội khác. Ông Cang nói: “Lúc đó chúng tôi rất buồn vì cách làm này bởi mạnh đâu chưa thấy mà chỉ sau thời gian ngắn bóng đá TP đã yếu đi rõ rệt do các sự tăng cường đều không hiệu quả và làm mất đi bản sắc trong lối chơi đã gầy dựng của các đội. Thế là sau đó trở lại phương án cũ, Hải quan lại được củng cố”.
Một loạt biến cố khác như vụ bỏ cuộc không thi đấu lại trận bán kết giải đội mạnh toàn quốc năm 1990 với Quảng Nam - Đà Nẵng do BTC và trọng tài “đổi trắng thay đen” khi trước đó công nhận bàn thắng phút 114 của Hải quan nhưng hôm sau lại hủy. Hay một loạt cầu thủ phải ra trước vành móng ngựa vì dính đến bán độ dàn xếp tỷ số với 5 đội bóng khác có liên quan nhóm Sơn cao, Nghĩa vé số năm 1997 cũng ít nhiều làm hình ảnh đội Hải quan bị tổn thương.
Năm 1998, Hải quan thua trong trận chung kết ngược với Huế phải xuống hạng nhất. Đến năm 2001, đội xếp hạng 11 phải xuống chơi ở giải hạng nhì. Tình hình bi đát cộng với việc chuyển đổi cơ chế khiến số phận đội Hải quan càng không thể duy trì. Năm 2002, đội chính thức giải thể, chấm dứt 27 năm tồn tại.

 

 

 

 

Vĩnh biệt cựu trung vệ 'thép' Nguyễn Kim Hằng

Biết anh lâm trọng bệnh gần 4 năm nay và từng nghe anh than thở 'chắc mình không còn lâu nửa', nhưng tôi không khỏi bất ngờ khi nghe tin Nguyễn Kim Hằng vĩnh viễn ra đi vào ngay ngày đầu năm Kỷ Hợi ở tuổi 64.
Cựu trung vệ lẫy lừng Nguyễn Kim Hằng đã từ trần - Ảnh: Khả Hòa
Có lẽ tôi là một trong số ít phóng viên ngưỡng mộ và có dịp gần gũi với anh Nguyễn Kim Hằng từ những năm đầu sau giải phóng khi anh chập chững vào nghề. Tôi biết anh đã dấn thân như thế nào và chứng kiến anh trở thành một trong những tượng đài của bóng đá Việt Nam vào những năm từ cuối thập niên 70 đền cuối thập niên 90 của thế kỷ trước ra sao.
Năm 1976 cái tên Nguyễn Kim Hằng nghe rất giống con gái nổi lên như cồn và trở thành thần tượng của những đứa trẻ mê bóng đá như tôi lúc đó. Anh chơi ở vị trí trung vệ và là đội trưởng đội Thanh Niên quận Bình Thạnh, một trong những đội bóng mạnh của giải bóng đá hạng B toàn thành cùng với các đội Sở Giao Thông Vận Tải, Bộ Tư lệnh Thành, Quân đoàn 4, Xí Nghiệp Công Trình 4, Citroen và Thanh Niên Cảng Sài Gòn làm mưa làm gió từ các sân Hoa Lư, Đạt Đức, Trần Phú đến Quân khu 7 và chung kết ở sân Thống Nhất..
Ở tuổi 21 (anh sinh năm 1955), nhưng Nguyễn Kim Hằng đã thể hiện tầm bao quát như một tiền vệ tổ chức tài hoa, có ảnh hưởng rất lớn trong lối chơi của cả đội. Thời đó đi xem anh đá tôi và các bạn ở trường Thạnh Mỹ Tây hay gọi anh là Beckenbauer vì chơi với dáng dấp hệt như “hoàng đế” của tuyển Cộng hòa Liên bang Đức khi đó và cách chơi chẳng khác nào một libero dâng cao.
Nguyễn Kim Hằng, cựu trung vệ và huấn luyện viên đưa Hải quan vô địch quốc gia
Còn so sánh với bậc đàn anh trong nước, chúng tôi hay nhắc anh như một Phạm Huỳnh Tam Lang vì phong cách chơi vô cùng chững chạc, cản phá giỏi, lấy bóng trong chân đối phương điệu nghệ, sẵn sàng đá rắn và đá đau một cách kín đáo khiến cho các chân sút hay thời đó như Hứa Hiền Triết, Hồ Thủy, Hoa Mạnh Dũng, Huỳnh Đình Phi nhiều lần phải “bất lực” khi đối mặt với Nguyễn Kim Hằng.
Thật ra lứa học sinh trường Đạt Đức trước 1975 như tôi đã biết anh Nguyễn Kim Hằng khi anh còn khoác áo đội học sinh Đạt Đức đối đầu với Võ Trường Toản chơi hay đến nổi một số đội bóng hạng danh dự của miền Nam thời trước đã từng muốn có anh trong đội hình.
Trước giải Cửu Long 1976, Hải quan, đội sau này đã giành ngôi vô địch đã từng cử nhiều tên tuổi kinh nghiệm như Phạm Văn Lắm, Đỗ Thới Vinh, Lê Kim Thanh (tức Bình lùn) tìm cách đưa anh Hằng về đội nhưng bất thành vì như sau này anh kể lại “Tôi muốn đi lên từ những giải đấu trẻ, muốn tự trưởng thành ở sân chơi nhỏ. Hơn nửa tôi thích Cảng Sài Gòn hơn, thích cách chơi của anh Tam Lang và Lê Đình Thăng, những người đã “day” cho tôi cách đá bóng chủ yếu bằng đầu chứ không phải chỉ hoàn toàn dùng sức của một trung vệ’
Chính sau khi cùng Thanh Niên Bình Thạnh giành hang tư giải hạng B, Cảng Sài Gòn khi nghe anh tâm sự như vậy đã kéo Kim Hằng về. Tưởng chừng môi trường mới được yêu thích đó sẽ chắp cánh cho tài năng của anh bay xa và bay cao. Nhưng sau này khi kể lại giai đoạn đó chính anh cũng bùi ngùi tự trách mình “Về Cảng rồi mới thấy không thể nào được tạo cơ hội ra sân thay thế được anh Tam Lang và anh Thăng.
Cặp trung vệ Nguyễn Kim Hằng và Phan Văn Tần - Ảnh: ảnh Tư liệu
Khi một trong 2 anh vắng mặt cũng không đến lượt mình. Vì khi đó Cảng có quá nhiều trung vệ hay như Nguyễn Phúc hay Lạc Phước Hải. Ngay anh ruột tôi là hậu vệ trái Nguyễn Vinh Quang nhiều lần cũng tìm cách khen trước toàn đội về nỗ lực tập luyện của tôi. Nhưng sự thật là tôi vẫn bị xem là còn quá trẻ để được khoác lên mình mào áo trắng tinh khôi của Cảng Sài Gòn”.
Anh Hằng kể tiếp định mệnh đã đưa anh về Hải quan “Bước ngoặt đến với tôi là khi Hài quan đặt lại vấn đề và trao cho mình cơ hội bởi khi đó anh Sang Hoàng đế (Trần Kim Sang) đã lớn tuổi xin nghỉ, mình đã tìm được một vị trí được chơi cùng thế hệ lẫy lừng như Cù Sinh, Hồ Thanh Cang, Lê Văn Sang (Sang tiều), Bình lùn, anh Lắm rổ..nên mình đã nhanh chóng trưởng thành”.
Anh Hằng còn thổ lộ ước nguyện là khi đá cho Hải quan anh ao ước được đối đầu với Cảng Sài Gòn, được so tài với chính “thần tượng” Tam Lang. Nhưng ước nguyện đó đã không thể thành sự thật khi anh Tam Lang giải nghệ để đi học lớp huấn luyện viên ở Đức.
Nguyễn Kim Hằng (trái, hàng ngồi) và Minh nhí, Phan Văn Tần (hàng đứng) Ảnh Tư liệu
Nguyễn Kim Hằng đã trở thành trung vệ thép từ khi gắn bó với Hải quan, trở thành đội trưởng đội Thanh Niên TP.HCM thi đấu giải vô địch 3 thành phố lớn kết nghĩa vào năm 1977 cùng với Hà Nội và Hải Phòng. Anh cũng trở thành người đội trưởng tài năng sau khi các đàn anh lần lượt chia tay để dìu dắt một tập thể Hải quan mới trẻ trung, khát vọng.
Anh trở thành bức tường vững chắc tạo nên tên tuổi lẫy lừng cho bộ tứ vệ Hải quan những năm 80 gồm Nguyễn Kim Hằng, Phan Văn Tần, Tô Văn Hải và Thái Công Hoàng làm khiếp vía nhiều hàng tiền đạo nổi tiềng thời đó của Tổng cục Đường Sắt, Công an Hà Nội, Than Quảng Ninh, Cảng Sài Gòn, Sở Công Nghiệp..giúp cho thế công của Hải quan với bộ tam phong Nguyễn Hoàng Minh (Minh nhí), Nguyễn Văn Thành và Lưu Tấn Liêm chơi thăng hoa, ghi bàn tưng bừng ở phía trên.
Nguyễn Kim Hằng (tứ 2 từ trái , hàng đứng) cùng toàn đội Hải quan hạng nhì giải A 1 toán quốc 1983
Chính nhờ sự chỉ huy của Kim Hằng mà Hải quan thời đó luôn là đội bóng phía Nam duy nhất đủ sức đối đầu thành công với lối đá “quái” của các đội phía Bắc và luôn được chọn làm đại diện cho bóng đá TP.HCM thi đấu quốc tế với các đội bóng Liên Xô cũ sang Việt Nam và được chọn làm nòng cốt cho đội Việt Nam 2 thi đấu giải SKDA bao gồm đội tuyển quân đội các nước Xã Hội Chủ Nghĩa trên thế giới.
Khi giải nghệ và chuyển qua công tác huấn luyện từ cuối thập niên 80, dù chưa hề có bằng cấp chính quy nhưng Nguyễn Kim Hằng bằng tài năng và kinh nghiệm của mình nổi tiếng với lần đưa Hải quan đi thẳng một lèo đến ngôi vô địch năm 1991 trên sân Thống Nhất sau khi vượt qua Quảng Nam - Đà Nẵng đồng đều và có nhiều ngôi sao lớn thời bấy giờ như Phan Thanh Hùng, Trần Minh Toàn, Phan Công Thìn, Bùi Thông Tuân, Lê Văn Sinh, Nguyễn Hữu Cầu, Trương Văn Lợi...
Nguyễn Kim Hằng chỉ đạo đội Hải quan
Hải quan khi đó lực lượng chỉ mới lắp ghép trở lại sau sự phân tán về 2 đội Cảng Sài Gòn và Sở Công Nghiệp (chủ trương của TPHCM sau giải vô địch quốc gia năm 1987 là xóa tên Hải quan trên bản đồ bóng đá đỉnh cao bằng cách nhập cầu thủ hay nhất của đội này về 2 đội Cảng Sài Gòn, Sở Công Nghiệp để tập trung lực lượng mạnh nhất.
Nhưng điều này lại không hiệu quả khi các cầu thủ lắp ghép này không làm cho 2 đội tiêu biểu mạnh lên , ngược lại đã gây ra sự phản ứng rất nhiều của người hâm mộ, buộc lòng sau đó ngành Thể thao TP.HCM phải sửa sai việc gom đội này và tạo cơ hội cho Hải quan quay lại) nhưng đã chơi quá hay làm nức lòng người xem..
Năm 1990, Hải quan mới gầy dựng lại chỉ còn vài trụ cột như Lưu Tấn Liêm, Trương Văn Dưỡng, Nguyễn Trung Hải..bị xem là yếu nhất trong số 3 đội bóng TP HCM nhưng dưới bàn tay huấn luyện viên Nguyễn Kim Hằng dù có rất nhiều cầu thủ phong trào như Đinh Thanh Hải, Nguyễn Tấn Quyền và cầu thủ ngoại tỉnh dạt về như Âu Dương Thanh, Trình Văn Thiện..cùng với số trẻ mới ra lò từ trường năng khiếu như Đỗ Khải, Nguyễn Anh Trung, nhưng đã thi đấu rất hay, sau đó từng 2 lần đoạt Cúp quốc gia năm 1996, 1997 khiến người hâm mộ hết lời thán phục.
Khi chuyển đổi sang cơ chế thị trường, Hải quan không còn kinh phí để nuôi đội bóng nên đã sống một cách lây lất nhưng anh Nguyễn Kim Hằng vẫn cùng các học trò gắng gượng trụ hạng qua từng mùa giải, bị chao đảo nhưng dưới bàn tay lèo lái của anh Hải quan vẫn đứng vững trong sóng gió.
Có một giai thoại mà chính người trong cuộc kể lại có năm Hải quan phải ra bắc thi đấu mà kinh phí chỉ đủ để di chuyển còn tiền ăn ở vẫn thiếu trước hụt sau. Anh Hằng đã vay mượn khắp nơi thậm chí đã có ý định thế chấp chính ngôi nhà của mình để có tiển hỗ trợ thêm lương, động viên các cầu thủ, giúp đội bóng duy trì sự tồn tại thêm một thời gian.
Huấn luyện viên Nguyễn Kim Hằng (phải) chỉ đạo đội Tiền Giang
Tính cách khẳng khái, bộc trực, chơi hết mình, cầm quân giỏi, quan hệ rộng, biết truyền lửa cho học trò của anh Nguyễn Kim Hằng đã được rất nhiều lãnh đạo các đội bóng tình thành phía Nam đánh giá cao và cầu thủ khắp nơi yêu quý . Vì thế khi đội Hải quan không còn nửa, anh Hằng lần lượt được 6 đội bóng mời về làm huấn luyện viên trưởng hoặc giám đốc kỹ thuật như Đà Nẵng, Quân khu 7, Huế, An Giang, Tiền Giang, Quảng Ngãi. Ở đâu dù ngắn hay dài anh Hằng cũng ít nhiều tạo dấu ấn.
Nhưng cũng chính thái độ thắng thắn của mình nên không ít lần anh Hằng đã xãy ra đụng chạm với một số lãnh đạo khác được ấn xuống cầm đội bóng nhưng lại muốn thích can thiệp vào chuyên môn. Chính vài năm trước khi tôi hỏi sao anh không trụ lai lâu để có thành tích với địa phương rồi hãy rút, anh Hằng cười phá lên trả lời “Thành tích ai không muốn. Nhưng tôi làm việc mà cứ phải bị kiềm soát một cách vô lý và có những can thiệp thô bạo thì làm sao làm được. Tôi yêu ghét rất rõ ràng nên không chấp nhận sự chi phối này”
Chính vì thế mà đang tuổi sung mãn, anh Hằng quyết định giải nghệ huấn luyện viên ở tuồi 57 và suốt 7 năm qua anh chỉ ở nhà và mở một quán ăn nho nhỏ ở quận Bình Thạnh (TP HCM). Căn bệnh quái ác mà có lần anh phát hiện từ hơn chục năm trước có lẽ đã phát tiết trong thời gian anh nghỉ ngơi này và càng gần trở lại đây nó đã trở nên nặng hơn.
Nguyễn Kim Hằng huấn luyện 6 đội khác nhau
Một nghĩa cử đẹp khiến nhiều người phải xúc động khi trước khi mất, anh đã bộc bạch ý định hiến xác cho khoa học, giúp ích cho đời như khi anh còn tung hoành trên sân cỏ thuở nào.Gia đình anh đã thực hiện đúng tâm nguyện đó để anh yên lòng nhắm mắt ra đi
Vĩnh biệt anh, một trung vệ thép, một lá chắn cừ khôi, một nhà cầm quân tạo nhiều dấu ân, một tài năng thành công trên cả 2 cương vị cầu thủ và huấn luyện viên. Hồi tưởng và ghi lại những câu chuyện đã qua với anh như một kỷ niệm khó phai đối với tôi và những người hâm mộ anh cũng như đội Hải quan lẩy lừng thời đó. Anh ra đi thanh thản anh nhé vì những gì anh cống hiến cho đời, cho bóng đá Việt Nam giai đoạn thập niên cuối 70 đến cuối 90 thế kỷ trước sẽ còn đọng lại rất lâu trong ký ức mọi người.
* Di ảnh cựu trung vệ Nguyễn Kim Hằng được đặt tại Nhà tang lễ thành phố (25 đường Lê Quý Đôn, Q.3) từ 8 giờ ngày 6/2 (mùng 2 tết) đến 17 giờ ngày 7/2 (mùng 3 tết ). Những người thân, bạn bè, đồng nghiệp và các học trò của anh sẽ đến viếng trước khi xác anh được hiến cho khoa học.
Quang Tuyến

Cựu HLV Nguyễn Kim Hằng qua đời ở tuổi 64

SGGPO
Ngay ngày đầu Xuân, giới bóng đá Việt Nam đã bàng hoàng trước thông tin ông Nguyễn Kim Hằng đã từ trần sau một thời gian lâm bệnh ở tuổi 64.
HLV Nguyễn Kim Hằng (bìa phải) tại lớp học HLV AFC. Ảnh: QUỐC CƯỜNG
HLV Nguyễn Kim Hằng (bìa phải) tại lớp học HLV AFC. Ảnh: QUỐC CƯỜNG
Ông Nguyễn Kim Hằng thuộc thế hệ cầu thủ đầu tiên của đội Hải Quan được thành lập sau ngày đất nước thống nhất.
Thời điểm ấy, Hải Quan tập hợp dàn cầu thủ tài năng, ngoài bộ ba Nguyễn Hoàng Minh – Nguyễn Văn Thành – Lưu Tấn Liêm trên hàng công, ở hàng thủ còn có cặp trung vệ nổi tiếng Phan Văn Tần – Nguyễn Kim Hằng. Với dàn cầu thủ trên cùng lối chơi tấn công đẹp mắt, Hải Quan chỉ đứng thứ 2 về lượng khán giả mến mộ ở khu vực phía Nam, sau Cảng Sài Gòn.
Cựu HLV Nguyễn Kim Hằng qua đời ở tuổi 64 ảnh 1 HLV Nguyễn Kim Hằng cùng đội Hải Quan. Ảnh: BẠCH DƯƠNG
Hậu vệ Nguyễn Kim Hằng sau khi nghỉ thi đấu đã tiếp tục thành công trong vai trò HLV đội Hải Quan trong thập niên 1990. Với kinh nghiệm của mình, sau khi nghỉ làm việc ở đội Hải Quan, ông đã được Đà Nẵng mời về làm Giám đối kỹ thuật trong thời điểm đội bóng sông Hàn do “thế hệ vàng” Trần Minh Toàn, Trần Vũ, Phan Thanh Hùng, Trương Văn Lợi dẫn dắt. Sau đó ông còn được Quân khu 7, An Giang, Quảng Ngãi, Tiền Giang, Huế mời về dẫn dắt.
Ông cũng có tên trong Ban huấn luyện đội tuyển Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games năm 1991, làm trợ lý cho ông Vũ Văn Tư. Có thể nói, trong các thế hệ HLV bóng đá tại TPHCM từ trước đến nay, ông Nguyễn Kim Hằng đứng trong tốp đầu về tài năng và thành tích, chỉ sau các HLV Tam Lang và Hồ Thanh Cang.
Cựu HLV Nguyễn Kim Hằng qua đời ở tuổi 64 ảnh 2 Và tron vai trò HLV trưởng đội Huda Huế
Do ông Hằng quyết định hiến xác, nên di ảnh của ông đặt tại Nhà tang lễ Thành phố, số 25 đường Lê Quý Đôn, Quận 3 từ sáng mùng 2 Tết.
Bạn bè, đồng đội cũ tiếc thương HLV Nguyễn Kim Hằng...
Cựu HLV Nguyễn Kim Hằng qua đời ở tuổi 64 ảnh 3
 
Cựu HLV Nguyễn Kim Hằng qua đời ở tuổi 64 ảnh 4
 
Cựu HLV Nguyễn Kim Hằng qua đời ở tuổi 64 ảnh 5
QUỐC CƯỜNG

Bóng đá Việt Nam năm Kỷ Hợi: Giấc mơ World Cup, cuỗm vàng SEA Games

17:36 Thứ ba 05/02/2019 | 3
BongDa.com.vn Trong năm âm lịch Kỷ Hợi sắp tới, bóng đá Việt Nam sẽ trải qua nhiều sự kiện, giải đấu rất quan trọng mà NHM không thể bỏ qua.
1. Giải vô địch U22 Đông Nam Á (17-27/02/2019)
Bóng đá Việt Nam năm Kỷ Hợi: Giấc mơ World Cup, cuỗm vàng SEA Games - Bóng Đá

 U22 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Nguyễn Quốc Tuấn sẽ tham dự giải U22 Đông Nam Á.

Là bước đệm cho vòng loại U23 châu Á 2020 và SEA Games 30 diễn ra vào cuối năm, giải U22 Đông Nam Á chính là nơi để HLV Park Hang-seo tìm kiếm những tài năng trẻ (ngoài thành viên của ĐTQG). Dưới sự dẫn dắt của HLV Nguyễn Quốc Tuấn cùng sự góp mặt của những cái tên đáng chú ý như: Thanh Hậu, Hoàng Nam, Thanh Bình, Tùng Quốc, Tiến Dụng... U22 Việt Nam hứa hẹn sẽ giành được thứ hạng cao ở giải đấu diễn ra tại Campuchia.
Chung bảng với Timor-Leste, Philippines và đặc biệt là Thái Lan, Những ngôi sao vàng sẽ có dịp thử sức mình và thể hiện tài năng để khẳng định giá trị của bản thân với thầy Park.
2. Vòng loại U23 châu Á (18-26/03/2019)
Bóng đá Việt Nam năm Kỷ Hợi: Giấc mơ World Cup, cuỗm vàng SEA Games - Bóng Đá

 U23 Việt Nam tiếp tục được kỳ vọng tại vòng loại U23 châu Á 2020.

Với ngôi Á quân ở giải U23 châu Á 2018, đoàn quân của HLV Park Hang-seo tiếp tục được kì vọng sẽ vượt qua vòng loại U23 châu Á 2020. Niềm tin này càng được cũng cố khi U23 Việt Nam được chơi trên sân nhà (sân Thống Nhất, TPHCM) dưới sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả này.
Với nồng cốt là những gương mặt đã tạo dựng được thương hiệu ở ĐTQG như Tiến Dũng, Văn Hậu, Văn Toàn, Quang Hải, ... cùng với những gương mặt ưu tú của lứa U22 Việt Nam, chắc chắn ĐT U23 Việt Nam sẽ là một đối trọng rất đáng gờm bên cạnh Thái Lan, Indonesia và Brunei.
3. Siêu cúp Đông Á - Đông Nam Á (dự kiến tháng 06/2019)
Bóng đá Việt Nam năm Kỷ Hợi: Giấc mơ World Cup, cuỗm vàng SEA Games - Bóng Đá

 ĐT Việt Nam sẽ có trận đấu giao hữu với ĐT Hàn Quốc.

Trận đấu mang tính chất giao hữu, cọ xát giữa đương kim vô địch Đông Á Hàn Quốc và nhà vua mới của Đông Nam Á là Việt Nam. Ban đầu, cuộc chạm trán này dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 26/03/2019 tuy nhiên nó lại trùng ngày với trận đấu cuối cùng của U23 Việt Nam tại vòng loại U23 châu Á 2020 thế nên đã được cân nhắc dời sang tháng 06/2019.
Đây sẽ là dịp để HLV Park Hang-seo đưa ra những thử nghiệm chuẩn bị cho các trận đấu tại vòng loại World Cup 2022. Bên cạnh đó, việc gặp gỡ và đối đầu với những ngôi sao đẳng cấp của đội bóng xứ kim chi cũng là một trải nghiệm quý giá của các tuyển thủ Việt Nam.
4. Vòng loại World Cup 2022
Bóng đá Việt Nam năm Kỷ Hợi: Giấc mơ World Cup, cuỗm vàng SEA Games - Bóng Đá

 Sức mạnh ĐT Việt Nam đã được khẳng định ở AFF Cup 2018 và Asian Cup 2019.

Sau chiến tích vang dội tại AFF Cup 2018 và Asian Cup 2019, ĐT Việt Nam được NHM rất kỳ vọng vào khả năng tiến xa tại vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á. Dẫu biết để có thể vươn lên, tiệm cận với những đội bóng hàng đầu châu lục, bóng đá Việt Nam rất cần những lộ trình dài hơi. Nhưng việc thi đấu ngang ngửa, thậm chí là dành những kết quả có lợi ở vòng loại World Cup cũng là quá đủ với giới mộ điệu bóng đá nước nhà.
Từ tháng 9 đến tháng 11/2019, ĐT Việt Nam sẽ có 6 trận tại vòng loại World Cup 2022 diễn ra vào 3 giai đoạn. Các trận đấu sẽ diễn ra vào các ngày 5 và 10/09, ngày 10 và 15/10, ngày 14 và 19/11. Các đối thủ sẽ được xác định sau lễ bốc thăm.
5. SEA Games 30 (30/11 - 10/12/2019)
Bóng đá Việt Nam năm Kỷ Hợi: Giấc mơ World Cup, cuỗm vàng SEA Games - Bóng Đá

 NHM Việt Nam vẫn "nuôi" giấc mộng vàng SEA Games.

Trong những giải đấu lớn trong năm Kỷ Hợi, có lẽ SEA Games 30 chính là nơi NHM Việt Nam dành nhiều niềm tin, sự hy vọng vào thành công của thầy trò HLV Park Hang-seo. Bởi lẽ ở đấu trường này, Những ngôi sao vàng vẫn chưa thể có được chiếc HCV danh giá.
Trong hơn 10 năm qua, các CĐV Việt Nam cứ lần lượt "khóc hận" sau những trận thua cay đắng ở giải đấu khu vực này. Và với những cầu thủ trẻ tài năng hiện tài cùng tài dụng binh của thầy Park, khả năng "cuỗm vàng" SEA Games là không quá xa tầm với của Những ngôi sao vàng.
Đăng Huy | 16:50 05/02/2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét