Thứ Năm, 14 tháng 2, 2019

NÉT KHÁC BIỆT 21

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
ĐỐT PHÁO NGÀY TẾT XƯA - KỶ NIỆM MỘT THỜI KHÓ QUÊN
Ngày Tết, chợt nhớ tiếng pháo giao thừa...
Lại một năm nữa trôi qua, một năm mới lại đến. Đã hơn 10 năm rồi kể từ khi nhà nước cấm đốt pháo… những đêm giao thừa cứ trôi qua lặng lẽ, thậm chí có người đã không còn nghĩ đến chuyện đón giao thừa nữa… Dẫu biết rõ chuyện cấm đốt pháo là chuyện tất yếu phải thực hiện nhưng trong lòng tôi vẫn cứ thấy tiếc, thấy nhớ mỗi khi tới giờ chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Cái cảm giác rộn ràng hào hứng chờ đón giao thừa trong tiếng pháo của ngày xưa vẫn không bao giờ phai mờ trong tôi.
Pháo, không biết có tự bao giờ nhưng từ khi tôi lớn lên đã thấy thích được ăn tết. Hồi nhỏ tôi có biết đến chuyện đón xuân đón tết là cái chi đâu, tôi chỉ biết một điều là chỉ khi nào tết đến thì mới có pháo nổ. và tôi thì thích pháo vô cùng. Với thằng Tiến tôi ngày xưa thì cái đêm giao thừa nó luôn dài khủng khiếp, suốt một năm trời chưa có ngày nào tôi thức quá 11h vậy mà đêm giao thừa tôi có thể thức cho tới hết giao thừa để xem đốt pháo. Thế mới biết ngày xưa tiếng pháo nó gắn liền với tết như thế nào…
Ngày đó người dân ở quê tôi nghèo lắm, nhưng cho dù có nghèo cỡ nào đi nữa thì cũng ráng chuẩn bị cho nhà mình ít nhất một phong pháo nhỏ cho đêm giao thừa… Nhà tôi cũng không ngoại lệ, khi thấy ông Ba ở nhà kế bên bắt đầu lặt lá cây mai thì tôi cũng bắt đầu lo thu gom đồ ve chai trong nhà để vừa dọn dẹp nhà cửa đón tết vừa có đồ ve chai bán cho bà Tư – cái bà mà có cái giọng rao ve chai ngọt…ơi là ngọt… mà tôi ngày ấy cứ chọc bà là…điệu chảy nước. Nhưng được cái là lần nào tôi bán đồ ve chai cho bà, sau khi tính tiền tôi xin bà thêm vài đồng nữa … bà cũng cho luôn nên tôi khoái lắm, chỉ canh me để bán ve chai cho bà mà thôi.
Gom góp hết đồ ve chai trong nhà cũng đủ tiền cho tôi chạy qua tiệm tạp hóa của ông Bảy Còm bên chợ Phước Thọ mua để dành một phong pháo chuột. Và cũng kể từ ngày đó cho đến lúc giao thừa, hể lúc nào rảnh là tôi đem phong pháo ra cầm xăm soi, ngắm nghía cho đã… Ngày đó chị tui làm trong cơ quan nhà nước nên cuối năm ngoài quà tết là bánh mứt ra, cơ quan còn phát cho chị tôi thêm một phong pháo tiểu nữa. Thế là nhà tôi có được hai phong pháo để đón giao thừa, so với nhiều nhà khác thì không bằng một góc của người ta, nhưng với tôi, với gia đình tôi như thể cũng đã “ quành cháng” dữ lắm rồi…
Rồi ngày giao thừa cũng tới, không biết mọi người thì sao chứ riêng tôi thì cái ngày có không khí tết nhứt, vui nhứt, rộn ràng nhứt vẫn là ngày 30 tết. Ngay từ lúc hừng đông thì chị tôi đã bắt đầu đi chợ mua đồ về nấu cơm cúng ông bà, mẹ tôi thì lui cui lo kho thịt và làm món khổ qua hầm truớc để cúng ông bà, sau là cho tôi ăn - món mà tôi đây khoái khẩu, năm nào mẹ cũng làm cho tôi một nồi khổ qua dồn cá Thác Lác bự chảng, ăn đã luôn… Còn tui thì lo đi cắt lá chuối về phơi héo để chiều cả nhà sẽ gói bánh tét. Sau khi cúng và đón ông bà xong, cả nhà tôi quây quần ngồi ăn với nhau một bữa cơm mà với tôi có thể gọi là …ngon nhất trong năm. Rồi cả nhà bắt tay vô gói bánh tét, mỗi người một tay tôi thì chỉ đảm nhiệm công đoạn cuối cùng khá quan trọng là… cột dây lát. Bởi vì trong tất cả công đoạn gói bánh tét tui không biết làm cái gì hơn ngoài việc đó…he he....
Gói xong cái nào thì tôi xách luôn cái bánh đó qua nhà cậu Năm gửi chung với nồi bánh Tét của cậu Năm, vì nhà tôi không có cái nồi nào bự để có thể nấu bánh Tét được hết trừ cái nồi nấu cám heo của nhà tôi…hi ..hi….
Ngày xưa đa số người dân quê tôi chọn việc nấu bánh Tét vào đêm giao thừa cũng là muốn có việc để thức cho đến giờ giao thừa luôn, chứ nếu mà không có nồi bánh tét thì tôi nghĩ chắc mọi người đi ngủ hết vì cả ngày ai cũng quần quật lo chuẩn bị Tết nhứt mệt đừ rồi. Thế nhưng riêng thằng tôi thì không cần có nồi bánh tét tôi cũng có thể thức tới giờ giao thừa được… vì một động cơ duy nhất: Pháo Giao Thừa!
Khi còn chút xíu nữa là tới giờ giao thừa thì mẹ tôi bắt đầu kêu tôi phụ mẹ khiêng bàn thờ ra sân, dọn nhang đèn và trái cây chuẩn bị cho mẹ cúng giao thừa. Tôi vẫn không thể nào quên được cái cảm giác háo hức, rộn ràng trong tôi ở cái khoảnh khắc ấy, lúc đó tuy rằng tôi còn nhỏ lắm, tui thật tình không biết sự chuyển giao năm mới có ý nghĩa gì hết nhưng không hiểu sao tôi vẫn thấy nôn nao dể sợ. Hình ảnh quê tôi trong đêm 30 tết, ngay giờ khắc giao thừa ấy thật là đẹp, thiêng liêng và đáng nhớ!…
Ngày đó quê tôi chưa có điện, bình thường buổi tối sau khi cơm nước xong thì ai nấy đều tắt đèn dầu ngủ sớm, trong nhà nhìn ra sân thì chỉ thấy một màn trời tối mịt mà thôi, đi “tè” thằng tôi còn không dám đi nữa là…Nhưng trong đêm giao thừa thì khác hẳn nghen! Tôi dám đi ra ngoài sân đứng luôn!Bởi vì lúc đó từ ngoài sân đứng nhìn xung quanh tôi thấy rất nhiều đốm lữa lập lòe phát ra từ những bàn thờ cúng giao thừa cũng mọi nhà trong xóm, xa có, gần có. Và hầu như mọi người ai cũng ra sân mà đứng hết, vừa để lạy ông bà tổ tiên và cũng vừa chờ đón cái giây phút tưng bừng nhất: Đốt pháo giao thừa.
Dù còn rất nhỏ nhưng năm nào cũng vậy, tui luôn là người treo pháo và châm lữa đốt pháo, bởi tôi là người đàn ông duy nhất trong nhà mà, hè… hè…!!! Tôi treo phong pháo lên nhánh cây mận trước nhà, rồi lấy một nhánh cây khác, cột một tờ giấy lên một đầu cây, Tôi châm lữa đốt tờ giấy và cầm đầu kia của nhánh cây đứng từ xa mà …châm đốt pháo!!! Vì lúc còn nhỏ tôi đã dám cầm hộp quẹt châm trực tiếp vào ngòi pháo đâu!!?
Cùng lúc đó bốn bề rần rần vang rền tiếng pháo, to nhỏ, xa gần, nỗ vang cả một vùng quê của tôi…tôi cảm giác như cả thể giới như tụ hội lại một chổ gần nhà tôi vậy, hướng nào cũng nghe pháo nổ hết, nhà tui thì chỉ “đùng đùng…” chừng ba mươi giây là xong nhưng những nhà khác người ta đốt phong pháo dài cả mét, thậm chí còn đốt hai, ba phong luôn… cho nên tôi đứng nghe mà thấy đã cái lổ tai làm sao. Thời gian đốt pháo giao thừa thật ngắn ngủi, tiếng pháo rồi cũng tắt đi trong sự tiếc nuối của thằng tôi. tôi cố gắng đứng ngóng nghe một vài nơi pháo còn nổ lẻ tẻ ở đâu đó cho đến khi bốn bề im hẳn như mọi ngày.... Pháo tết thật ra không phải chỉ tới ngày tết tôi mới được thưởng thức, nhưng cái cảm giác sung sướng hân hoan, hồi hộp, nôn nao trong lòng khi pháo nổ thì chỉ có đêm giao thừa tôi mới thấy được...
Mẹ tôi lúc nào cũng dặn trước là ngay sau giờ giao thừa xong cho đến hết ngày mùng một tôi không được tới nhà ai, sợ lỡ mang điều không hay đến nhà người ta, ảnh hưởng suốt năm… cho nên tôi chỉ dám đứng ở sân nhà mình mà nhìn pháo nổ ở nhà hàng xóm thôi, chứ nếu không thì tôi đã chạy luôn tới nhà người ta để coi pháo tận mắt rồi.
Chưa hết đâu nghen, sau khi tiếng pháo thưa dần và dứt hẳn thì một mùi thuốc pháo cay cay, nồng nồng theo gió bay khắp xóm… và xộc vào mũi bạn! cái mùi thật khó mà ngữi nhưng tôi lúc đó cũng nhận thức được một điều là cho dù nó khó ngửi nhưng phải đến một năm bạn mới được “thưởng thức” một lần lận… cho nên với tui thì cái mùi pháo nó rất là đặc biệt. Đặc biệt đến nỗi sau này lên Sài Gòn sinh sống, có một lần tôi tình cờ thấy mấy đứa nhỏ kiếm đâu ra mấy viên pháo và tụi nó đốt ngoài đầu hẻm, chỉ mới thoáng nghe cái mùi quen thuộc ấy thôi mà tôi đã ứa nước mắt ngon lành. Lúc đó tôi mới biết ngoài cài vùng quê bên bờ sông bé nhỏ, ngoài gia đình, bạn bè nối khố…thì con một thứ mà tôi mà tôi khắc sâu trong lòng mình đó là tiếng pháo giao thừa và cái mùi pháo cay nồng đó.
Đẵ hơn chục năm đón giao thừa không có pháo, tôi biết không chỉ riêng gì tôi thấy nhớ pháo đâu… Bây giờ đón tết trong hoàn cảnh mới, không có tiếng pháo, nhưng người ta cũng tìm đủ mọi cách để thỏa mãn nỗi nhớ ấy bằng nhiều cách như nghe tiếng pháo qua băng ghi âm hay châm bể bong bóng…thậm chí người ta mua hẳn một chùm pháo…nhựa về treo trong nhà cho nó có không khí như xưa…
Ngày nay và có lẽ mãi về sau nữa.... “Pháo” chỉ còn là một từ trong từ điển tiếng việt, và hình ảnh chùm pháo nổ tung tóe, và hình ảnh lũ con nít xúm lại lượm pháo chỉ còn trong bảo tàng mà thôi. Hơn mười năm qua, những đứa trẻ sinh ra sau khi không còn tiếng pháo trong những ngày tết liệu chúng có biết pháo là gì không? Ngày tết chúng sẽ hiểu gì không khi mà cứ nghe người lớn đọc câu “Thịt mỡ, dưa hành câu đối đỏ. Cây nêu tràng pháo, bánh chưng xanh...”???
Có thể chúng ta - những bật làm cha làm mẹ sẽ cố giải thích cho con cái chúng ta hiểu, nhưng rồi suốt đời của chúng sẽ không bao giờ có được cái cảm giác nôn nao chờ đón giờ khắc đốt pháo giao thừa, chúng sẽ không biết là phải thức cho đến giờ giao thừa để làm gì? có chăng là xem đốt pháo hoa trên tivi.....vì việc cúng giao thừa đã có cha mẹ chúng lo rồi, chúng chỉ còn biết lo ngủ sớm để sáng mùng một dậy sớm đi chúc tết, mừng tuổi ông ba cha mẹ ....rồi để được nhận tiền xì xì …vậy thôi.
Nói chi xa xôi, ngay cả bản thân tôi bây giờ cũng vậy, tôi thật tình không biết đêm giao thừa mình ráng thức cho đến nữa đêm để làm cái gì nữa. Có còn cái gì để mình nôn nao chờ đón nữa đâu??? Giờ giao thừa với tôi bây giờ cũng chỉ còn là …giờ giao thừa mà thôi. Giây phút này đây tui bổng thấy thèm nghe một tiếng pháo biết bao, một tiếng pháo nổ nhỏ xíu thôi cũng được…. Tôi cũng thèm được hít cái mùi của khói pháo vô cùng, một chút thoang thoảng thôi cũng được nữa…Cũng như những đêm giao thừa không tiếng pháo đã qua, Đêm nay, tôi chỉ nhớ... chỉ ao ước có được một điều ít ỏi vậy thôi. Dĩ nhiên tôi cũng biết điều đó là không thể, bởi vì nếu mà có được… tôi tin chắc rằng: Tôi sẽ khóc… khóc thật nhiều!

Không có mô tả ảnh.
Không có mô tả ảnh.




Đón Xuân Này Nhớ Xuân Xưa - Phương Anh


Nhớ mùi xác pháo


“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ 
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”

Tiếng pháo tép chính là âm thanh gọi Tết về
 Tết xưa truyền thống trong Xu không có câu đối đỏ, chẳng có bánh chưng xanh, cây nêu ngày Tết lại càng không. Nhưng Tết trong Xu còn nhiều may mắn, Xu từng bịt kín tai hân hoan bên tiếng pháo nổ đùng đoàng, từng nhặt xác pháo trải đỏ trước sân nhà, từng được mùi xác pháo um trọn cái Tết chân quê. Tết là Tết, là ngày đầu năm xé lịch, là lì xì, là múa lân, là ông địa, là quần áo mới và dưa hấu chỉ một mùa trong năm được đỏ, mùa Tết.
Có nhiều thứ gọi là đặc trưng ngày Tết: dưa hấu, bánh chưng, mai vàng, đào thắm, chợ Tết, chợ Hoa, bánh mứt, lì xì. Nhưng “Hòa theo tiếng pháo đì đùng, mừng xuân nay đã về rồi”, nhiều người vẫn nói tiếng pháo chính là âm thanh gọi Tết về, nhưng theo Xu thì, tiếng Pháo là âm thanh khẳng định Tết chắc chắn nhất, Tết về “thô bạo”, một cái Tết thật “giật mình”, ì đùng ì đoàng, rần rần Tết về “đập” cửa xông đất từng nhà, Pháo đỏ tươi, Tết về rạng rỡ. Tết không pháo luôn là cái Tết “rất thiếu” cho những đời 8x trở về trước, Tết ko pháo là cái Tết “rất giả” mà hằng năm các em các cháu vẫn hỏi “tại sao pháo không nổ” – ” =.=’ pháo treo cành mai mà nổ cái gì “, mà chẳng biết từ đâu mà bọn nhỏ lại định hình được cái gọi là “pháo Tết” khác hẳn pháo hoa mà ti vi vẫn chiếu trực tiếp vào đêm giao thừa.
Nhà Xu ngày xưa đốt pháo tép vào rạng sáng mùng 1 Tết. Bây giờ cũng vậy, các chộn rộn, hứng khởi khác của ngày đầu năm cũng ào ào vào sáng mùng 1. Cái cổng nhà Xu khi ấy bằng khung sắt đã gỉ sét bong tróc, pháo đỏ được treo ngày giữa cổng trước sân nhà, cái mùi xác pháo nó um vào trong cái gỉ sét ấy, quyện thành một mùi bền bỉ, hết Tết rồi, mỗi ngày xách cặp đi học, sáng sáng cái mát mát lành lành của mùa xuân, đứng mãi ngay cổng, nghe mùi xác pháo, bài học những ngày đầu sau Tết đi học lại, nó cũng tan tác như pháo nổ.


Mùi xác pháo là cái mùi quyện lại “chặt” nhất, cái thứ mùi cháy cháy khét khét quyện vào tóc của Xu, quyện vào những 365 ngày những cái Tết xưa ấy, quyện vào kí ức của Xu hằng mười mấy năm trời rồi, tắm gội bao nhiều lần, gột rửa bao nhiêu lâu, không Tết năm nào mà Xu không thèm mùi xác pháo.
Mấy ngày trước, trang facebook Hà Nội Phố post bức ảnh dưới đây với lời bày tỏ đầy tiếc rẻ rằng: “Ước gì trong ảnh là khói pháo thì thích biết bao, thật nhớ cái mùi khét đó quá”. Nghe xốn xang, buồn nhỉ, khói kia là khói xe, là khói bụi, mùi khét kia là cái mùi của cái sự lưu luyến, lưu luyến một điều gì đó đã tàn lụi từ lâu.
Nhà nước ta chính thức đốt pháo từ khoảng năm 1994 hay 1995 thì phải, đại khái là hình như cái Tết năm 1996 thì không nhà nào còn được đì đoàng tiếng pháo nữa. Năm đó chắc Xu cũng là 5, 6 tuổi gì ấy. Nhiêu đó kí ức mà tiếng pháo nổ năm ấy vẫn còn vang trong tiềm thức năm nay. Gần 20 năm rồi, ít ỏi gì hay chăng?
Năm nảo năm nao, năm 2008, có làng Đồng Kỵ (Bắc Ninh), mồng bốn Tết “được” một số bài báo viết đại ý là những người dân ấy bất chấp lệnh cấm đốt pháo của nhà nước, rằng thái độ coi thường luật pháp của họ làm mất đi vẻ đẹp truyền thống của lễ hội rước pháo Đồng Kỵ truyền thống của làng. Xu không ý kiến gì về sự việc của người dân làng Đồng Kỵ. Thật ra là Xu cảm nhận được cái “thèm” pháo của họ từ việc nhân cái “thèm” của Xu lên gấp nhiều lần hơn thế – Xu nghĩ cái mùi xác pháo, cái tiếng pháo “đinh tai nhức óc” ấy, cái “hủ tục” làm đánh mất vẻ đẹp lễ hội truyền thống trong thời kỳ đổi mới ấy, nó quyện vào trong gen trong máu của người dân nơi ấy, trong tiếng đưa nôi của lũ trẻ thơ, trong bầu mắt nhăn nheo mờ đục của những cụ già một thời tự tay châm ngòi đốt pháo,… Hơn chục năm sau lệnh cấm, các bài báo truyền nhau hình ảnh đám trẻ làng Đồng Kỵ xúm xụm nhặt xác pháo tàn, pháo xịt, cảnh tượng mà những tưởng chẳng bao giờ được thấy nữa, Xu không biết người dân khắp cả nước đã nghĩ gì, đám trẻ thơ ấy chục năm sau này, sẽ nghĩ gì, Xu thì đang “thèm” mùi xác pháo quá đi mất.

Trẻ em xông vào nhặt Pháo xịt… làng Đồng Kỵ (Bắc Ninh) năm 2008
Rước pháo giả, đốt pháo thật ở làng Đồng Kỵ – Bắc Ninh (2008)

Nghe nhiều người viết bài kể lại cái cảm giác “nhảy vào giữa đống giấy đỏ mà lục lọi tìm ra những trái pháo bị xì”, Xu nhớ mình cũng đã từng như thế nhưng chẳng còn nhớ nỗi hình dạng giấy đỏ của pháo nổ vụn ra như thế nào, cả trái pháo nhìn ra làm sao, trái pháo bị xì cũng chẳng thể tưởng tượng nó như thế nào.
Xu thích cách gọi của nhà sử học Dương Trung Quốc rằng, “Nếu trở lại được tiếng pháo của văn hóa thì đó là điều hết sức đáng mừng”. Tiếng pháo của văn hóa. Nói chung, Xu không phải trẻ ranh khao khát niềm vui của tiếng pháo nổ inh ỏi mà viết bài này, Xu cũng biết có nhiều điều đáng lo đáng ngại. Nhưng hôm nay viết về pháo mà luật nhà nước đã cấm rồi nên Xu chẳng viết về “ý thức an toàn trong ngày Tết đốt pháo”, Xu tâm huyết hết sức lăng xê cái cảm giác “thòm thèm” vang lên như tiếng pháo nổ trong tiềm thức của những kẻ may mắn được một lần nghe “thơm” mùi pháo Tết.
Tạm gọi là không liên quan nhưng có một bài báo đã viết rằng (thật ra chủ nhân bài viết này hẳn cũng nhen nhớm thèm mùi pháo lắm nhưng cái lo ngại của người ấy về nguy hại quá đà của đốt pháo vô ý thức cao hơn Xu nhiều) : “bao giờ mà 2h sáng người điều khiển phương tiện giao thông ở Việt Nam vẫn dừng trước đèn đỏ, lúc không hề có cảnh sát giao thông, chỉ một mình lưu thông trên đường lái xe vẫn tự dừng lại thì có thể cho đốt pháo lại”. Ôi, thế thì đến bao giờ. Thật lòng mà nói, bao giờ mà 2h sáng người dân đi ngoài phố không sợ cướp không sợ kẻ gian thì Xu chẳng ngại đứng chờ đèn giao thông, vì an toàn của Xu cơ mà. Pháo cũng vậy, lắm người đốt pháo bị oan.
Thí dụ như, nhà nước mình hằng năm cũng tổ chức bắn pháo hoa cho người dân xem rồi truyền hình trực tiếp, cũng có tiếng nổ bì bụp, và rất đẹp nữa, mọi người cũng hân hoan hổ hởi nhưng cảm giác hoàn toàn khác. Với Xu thì, pháo hoa là pháo hoa, thực sự không thể nào thay thế cho pháo tép năm xưa được. Giả sử, nhà nước ta tổ chức đốt loại pháo văn hóa kia, cũng bằng như cách đốt pháo hoa thì hay biết mấy. Lúc ấy, cách ly cũng được, hạn chế cũng được, tiết kiệm cũng được, để cái mùi xác pháo kia quyện vào không khí của ngày Tết hòa vào không khí rộn ràng khắp các xóm các làng, để cái tiếng pháo “hung tợn” khẳng định Tết về rầm rầm rộ rộ ngay cửa nhà kia rồi.
Đối với Xu, Tết khác, năm mới khác. Năm mới là Tết tây mà những năm gần đây chúng ta hưởng ứng không khí tất niên vui vẻ vào thời khắc giao thừa lan truyền từ phương Tây về, cái rộn ràng lan tỏa từ ngày giáng sinh đến thời khắc 0h mà cả thế giới “happy new year”. Tết ta khác, Tết ta là “holiday”, là một kỳ nghỉ xuân kéo dài tận những 10 ngày mà lúc nào ta cũng cảm thấy nghỉ Tết thật ít. Tết ta như tiếng pháo tép pháo dây, rần rần, i đùng, pháo nổ xong là tiếp theo một dư vị kéo dài của “mùi xác pháo”. Là cái không khí “may mắn, đỏ tươi” trải tràn khắp thôn xóm như là giấy pháo đỏ tươi tưởng là những cánh hoa đào rụng trước sân nhà. Chúng ta mừng Tết khác với không khí “happy new year”, khác lắm, khi không còn tiếng pháo, nhiều năm sau Tết về, Xu vẫn chống cằm vào đêm giao thừa, tự hỏi mình đợi Tết làm gì vào sáng mồng một Tết, mọi thứ vẫn tất bật mà sao lợt lạt. Giống như càng hiện đại, càng đổi mới, chúng ta ăn uống có kiêng có khem, rằng ngọt quá không hay, mặn quá không tốt, sức khỏe là vàng, nhưng cái “đậm đà” kia, nhạt nhẽo mất rồi.  
 
Ngày 30 Tết, Xu lại chống cằm nhớ cái dư âm của tiếng pháo năm xưa. Ngỏ nhỏ đã không còn, cái giếng cũ cũng bị lấp bằng lối sống mới, cái khung cửa sắt tàn gỉ đến mờ nhạt trong kí ức. Mọi thứ đã đổi thay nhưng Tết về người ta vẫn còn nhớ thiết nhớ tha mùi pháo. Đến gần hai mươi năm không còn đốt pháo, pháo có hại quá, “ăn hại” vào tiềm thức, rồi ở luôn trong đó mãi đến giờ. Ngày 30 Tết, Xu lại chống cằm, bật youtube để nghe tiếng pháo ì đùng mà đâu đó trên thế giới, người Châu Á tha hương được nghe vang một tiếng pháo, nhớ lưu luyến cái Tết quê nhà mà quên rằng, Tết quê nhà nay, có còn tiếng pháo nữa đâu. 
“Thời gian đã gạn lọc tất cả rồi
Cả anh, cả em
Cả mùi xác pháo trong em
Tuổi 20 của em
Rồi tuổi 12 của em nữa 
Chỉ còn là một cái tên nghe lạ lẫm
“Mùa xuân của hoa tiêm”
Có lẻ 6 tuổi trong em là mùi xác pháo
Rồi sau đó, em chẳng còn nhớ được gì thêm nữa”
Thơ kiểu Xu tui
Bổ sung nóng hổi lúc 11:42 pm đêm Giao Thừa, năm nay Xu sẽ được nghe tiếng pháo giòn tan, i đùng nhức óc, thưa, pháo giả =.=’ có âm thanh gần giống nhất có thể. Thời buổi này có cung có cầu, để không vi phạm pháp luật mà vẫn vui nhà vui cửa, hồi tưởng tiếng pháo Tết của năm xưa, dượng của Xu sắm một tràng pháo điện tử nổ râm ran, đèn chớm tắt, báo Tết ĐÙNG ĐÙNG ĐÙNG…
Đoản Ca Xuân - Phương Anh

Phong vị tết Hà Nội xưa trong văn Vũ Bằng và Thạch Lam

Nhiều nét thanh lịch của Hà Nội hào hoa xưa có lẽ giờ đã là “vang bóng một thời”, nhưng văn chương thực như một món quà, đã lưu giữ lại được những điều đã dần tàn phai ấy.
Những ngày giáp tết, đọc văn chương Vũ Bằng, Thạch Lam, thật dễ để tìm thấy những hồn xưa dấu cũ, phong tình của tết Hà Nội một thuở.
Vũ Bằng: Viết về Tết lay động lòng người
Vũ Bằng “yêu tháng chạp không biết bao nhiêu, nhưng yêu nhất là những ngày giáp Tết, thời tiết sao mà đã thế, con mắt tấm lòng sao mà đong đưa thế, lời nói, tiếng chào sao mà duyên dáng tơ mơ thế”.
Phải chăng vì thế, trong văn ông, Tết không chỉ là khoảnh khắc của sự chuyển mùa, của tiết thời tuần hoàn theo lẽ tự nhiên của vũ trụ mà còn là một ký ức văn hóa luôn gắn với tâm thức con người mà ở đó văn hóa phong tục, tập quán ngày Tết là một trong những nét văn hóa để lại dấu ấn sâu đậm nhất.
Phong vi tet Ha Noi xua trong van Vu Bang va Thach Lam hinh anh 1
Thương nhớ mười hai - tập tạp bút nổi tiếng của Vũ Bằng.
Cũng như mọi người dân nước Việt, những phong tục, tập quán ấy không chỉ ăn sâu vào tâm thức Vũ Bằng mà đã trở thành nỗi ám ảnh của vô thức và tâm linh, được thể hiện sinh động qua những trang viết của ông.
Chúng ta không lấy làm ngạc nhiên tại sao trong sáng tác của Vũ Bằng lại có nhiều tác phẩm viết về Tết lay động lòng người đến thế. Có thể kể đến Mơ về những cái tết xa với những anh em văn nghệ tiền chiến, Chén trà đầu xuânNgoảnh lại trông xuânTranh gà tranh lợn với ngày tết Việt Nam
Không những thế, trong tác phẩm tùy bút nổi tiếng Thương nhớ mười hai, ngoài tháng mười hai được đặt tên Tháng Chạp, nhớ ơi chợ Tết, Vũ Bằng còn dành riêng chương cuối Tết, hỡi cô mặc áo yếm xanh để hoài niệm và ca ngợi những giá trị văn hóa phong tục truyền thống rất đặc sắc trong ngày Tết của dân tộc, làm thổn thức lòng người.
Có thể nói, qua những sáng tác của mình, Vũ Bằng đã khắc họa thật sinh động chân dung văn hóa tinh thần ngày Tết của dân tộc, vừa truyền thống lại vừa hiện đại, vừa tự sự lại vừa trữ tình, vừa hiện thực lại vừa lãng mạn…
Và trong đó, những nét văn hóa phong tục ngày Tết là một phần không thể thiếu của chân dung văn hóa tinh thần ấy.
Thạch Lam: Tết thanh đạm và thân thương
Ai cũng biết đến Thạch Lam với những truyện ngắn giàu tính nhân văn, nhưng ông còn là một người nghệ sĩ thanh lịch và lãng tử của đất Hà thành.
Qua những truyện ngắn như Cô hàng xén, ta biết rằng Thạch Lam rất hay nói tới sự nhẫn nại, sự hy sinh. Thì ngay khi đi trên đường phố nhộn nhịp, ông cũng không quên điều đó.
“Các thiếu nữ trong ngày sắm Tết có rất nhiều vẻ đáng yêu. Đi đâu mà vội vàng thế? Về chậm sợ mẹ mắng hay sao? áo quần không kịp trang điểm, mái tóc không kịp vuốt ve, cho nên có một vẻ lơ đễnh, một vẻ xuềnh xoàng khả ái!
Giờ này là giờ các cô đảm đang, đi mua đi bán, đem cái vui vẻ cho em trai và mẹ già, các cô hết lòng lắm. Chen lấn vào đám đông, không sợ bị chèn ép xô đẩy. Đi guốc cao cho khỏi lấm gấu quần. Và nhất là tự nhiên và dung dị”.
Tác giả Nhà mẹ LêGió lạnh đầu mùa còn dành không ít dòng để nói về Tết của người nghèo:
“…ở ngoài bãi sông, Tết lại có một vẻ riêng đặc biệt. Trông đứa bé đội mũ bông, áo mới dài và rộng, đeo chiếc khánh mạ vàng, nhặt ngòi pháo đốt, thấy cả cái Tết ái ngại và nho nhỏ của cả một vùng”.
Không khí của tết, của mùa xuân, thanh đạm, tĩnh lặng, cứ thế đổ tràn lên từng trang viết của Thạch Lam. Ông nâng niu, bày biện mọi giản đơn một cách thật tao nhã.
Phong vi tet Ha Noi xua trong van Vu Bang va Thach Lam hinh anh 2
Tác phẩm Hà Nội băm sáu phố phường của nhà văn Thạch Lam.
Một nét Tết Hà Nội, dưới con mắt Thạch Lam:
“Đêm 29 Tết, vào giờ trước giao thừa… có ai lên trước chợ Đồng Xuân, để nhìn những cái gì còn lại, những cái gì bị khinh bỉ từ chiều? Những cành đào xấu xí, ít hoa; những bát thuỷ tiên tơi tả, đã chuyền tay hết người này sang người khác mà không được ai mua, những chậu cây cúc và thược dược rã rời và lấm đất. Dưới mưa bụi, bùn đã vấy lên trên những cành đào, mai rải rác trên đường, bao nhiêu bàn chân dày xéo (…).
Để trang điểm cho những căn buồng tiều tuỵ, những căn nhà lá nghèo nàn ở các ngoại ô đối với nhiều người, tuy xấu xí tơi tả mặc dầu, những thứ ấy cũng vẫn là biểu hiện của ước mong, của trông đợi”.
Ở đây mọi tình cảm không ồn ào song lại rất thấm thía, càng hiểu cái nghèo túng chật vật của hoàn cảnh người ta cảm thấy nặng lòng với đất nước đã nuôi nấng mình lớn lên. Đó là cách nhìn, là tấm lòng của những trí thức chân chính.
Hà Nội băm sáu phố phường của Thạch Lam dành phần lớn số trang viết về nét văn hoá ẩm thực của người Hà Nội, đặc biệt là các loại quà Hà Nội. Đây có thể nói là những trang viết đặc sắc nhất của ngòi bút Thạch Lam.
Ông cho rằng: "Quà Hà Nội xưa nay vẫn có tiếng là ngon lành và lịch sự. Bao nhiêu ý tốt, tình hay gửi vào trong một chút quà nơi đô hội, món quà đem đến cho khắp nơi vị sành và trang nhã của băm sáu phố phường".
Ông khẳng định: "Quà... tức là người". Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà ngòi bút của ông miêu tả thật kỹ lưỡng cái cách mà người Hà Nội làm các loại quà và thưởng thức chúng ra sao.
Phong vị của tết xưa, cứ neo theo từng trang văn chương nhuần nhị ấy mà được lưu giữ, được sống dậy, như một món quà tết cho những độc giả hôm nay, đã đi rất xa những ngày tết xưa cũ ấy.
 
Như Quỳnh - Câu Chuyện Đầu Năm

Xuân về, nhớ pháo Tết ngày xưa


Cuộc sống tiện ích, hiện đại càng khiến con người xa dần với những giá trị truyền thống, nhất là vào những dịp Tết đến, xuân về...

Cuộc sống hiện đại đã mang đến một cái Tết hiện đại cùng với pháo hoa và đêm giao thừa nhích chân từng bước một vì tắc đường… Hương vị ngày Tết xưa mai một dần. Tết cổ truyền theo đúng nghĩa giờ đây chỉ còn trong hoài niệm của người đã từng sống trong những cái Tết xưa.

Những em bé tần ngần mê mẩn trước hàng pháo...(Ảnh: Internet)
Những em bé tần ngần mê mẩn trước hàng pháo…(Ảnh: Internet)
Cây nêu ngày Tết... (Ảnh: Internet)
Cây nêu ngày Tết… (Ảnh: Internet)

Mỗi dịp Tết đến xuân sang, những kỷ niệm thời thơ ấu lại quay về và mỗi người một cảm xúc, mỗi người một câu chuyện… Chúng tôi tổng hợp lại những chia sẻ trên internet của nhiều người khác nhau cùng có một điểm chung là hoài niệm về cái Tết xưa…
Bạn Linh Hương chia sẻ : “Hương không thích hương vị ngày Tết hiện đại bằng thời thơ ấu vì cuộc sống hiện đại, con người có nhiều thay đổi, bận rộn hơn. Không còn những đêm nấu bánh chưng như thủa nào, không còn ngửi thấy mùi khói pháo, không còn tập trung ăn tất niên ở nhà mà chủ yếu đặt ở nhà hàng….

Quây quần bên nồi bánh chưng... (Ảnh: Internet)
Quây quần bên nồi bánh chưng… (Ảnh: Internet)

Nhớ lại những cái Tết xưa hồi còn thơ ấu mà thèm thuồng. Tuổi thơ ấu nằm bên ngoài lo toan, nhu cầu, dự tính…. Cái Tết lúc ấy là một vùng thật sự hạnh phúc trong đời. Thích nhất là đêm 30 quây quần bên nồi bánh chưng, thức với đêm giao thừa, giờ khắc thiêng liêng bước sang một năm mới, với từng câu chúc, từng lời mừng tuổi ông, bà, bố mẹ. Bao năm rồi, với cái Tết nơi phố thị vừa náo nhiệt, vừa lộng lẫy với đèn hoa rực rỡ, cần là có các thứ: nào bánh trái, hoa quả, đủ các loại. Chỉ việc cầm tiền ra cửa hàng, hay chợ Tết thế là xong. Thèm biết chừng nào cái Tết của ngày xưa”, Hương tiếc nuối.

Trò chơi đánh đu ngày Tết...(Ảnh: Internet)
Trò chơi đánh đu ngày Tết… (Ảnh: Internet)
Pháo tép hồng từng là linh hồn Tết đối với mọi nhà (Ảnh: Internet)
Pháo tép hồng từng là linh hồn Tết đối với mọi nhà (Ảnh: Internet)

Pháo tép, pháo đùng, hay pháo cây, pháo cối?
Tết ngày xưa trong tâm thức của nhiều người tuy thiếu thốn hơn nhưng cảm giác vui hơn, háo hức hơn. “Mình là 8x đời cuối, nhưng không vì thế mà mình quên những kí ức về Tết ngày xưa. Mình còn nhớ cứ mỗi khi Tết đến, bố mình lại mua về 3 loại pháo: 1 là các băng pháo đùng to bằng cục pin, 2 là pháo tép, mỗi viên băng bé xíu và cuối cùng là pháo cây, mỗi khi bóp vào đầu và châm lửa là nó phụt phụt ra. Ngày Tết, trước cửa mỗi nhà đều căng 1 sợi dây để treo pháo. Nhà mình ở trong ngõ nhỏ, nên người ta căng dây cho cả ngõ luôn. Trước cửa mỗi nhà đều có 1 dây pháo đùng. Còn pháo tép cho trẻ con đốt nghịch thôi. Không khí Tết ngày xưa nó đúng là Tết hơn. Trẻ con ai cũng háo hức, và đúng là càng lớn thì cảm giác về Tết càng phai nhạt dần”.

Chợ Tết xưa... (Ảnh: Internet)
Chợ Tết xưa… (Ảnh: Internet)

Cuộc sống tiện ích, hiện đại càng khiến con người xa dần với những giá trị truyền thống, nhất là vào những dịp Tết đến, xuân về. Cũng là đón Tết, nhưng cái Tết bây giờ đơn giản hơn nhiều, khi người ta bỏ tiền ra là có thể mua tất cả những gì mình muốn. Thậm chí, những món ăn ngày Tết cũng không còn là đặc biệt nữa khi ngày thường chúng ta vẫn có thể thưởng thức trong các nhà hàng đặc sản.” – Một thành viên trên một diễn đàn chia sẻ.

Chợ hoa đào quất xưa...(Ảnh: internet)
Chợ hoa đào quất xưa… (Ảnh: Internet)
Bài ký của blogger tên Hoàng Công Danh trên vuonxuanquyty có đoạn đầy cảm xúc:
Trong những hoài niệm về thuở ấu thời của mình, thế hệ 8X trở về trước ai cũng nhớ pháo Tết; nhớ những quả pháo nhỏ móc nhau trên một sợi dây tim, nhớ tiếng nổ đêm ba mươi, nhớ màu đỏ nhuộm thắm khoảnh sân nhà sáng mùng một. Cứ mỗi độ Tết đến, như có một âm vọng pháo ngày xưa trở về thắc thỏm bên tai.

Nhớ những quả pháo nhỏ móc nhau trên một sợi dây tim, nhớ tiếng nổ đêm ba mươi, nhớ màu đỏ nhuộm thắm khoảnh sân nhà sáng mùng một (Ảnh: Internet)
Nhớ những quả pháo nhỏ móc nhau trên một sợi dây tim, nhớ tiếng nổ đêm ba mươi, nhớ màu đỏ nhuộm thắm khoảnh sân nhà sáng mùng một (Ảnh: Internet)

Tháng chạp đi chợ, rau cải của mạ (mẹ) màu xanh, mứt gừng màu vàng, khoai tía riềng màu tím… Nổi lên giữa nhốn nháo sắc màu ấy là cái đỏ của pháo treo trong các hàng tạp hoá. Tết đến sớm hơn từ những ô chợ nhỏ, người người đi sắm hàng Tết không quên mua vài phong pháo về đốt; nhà khá giả thì hai ba phong, nhà nghèo mấy cũng nhất thiết có một phong đốt vào giao thừa. Tết không có pháo là ông bà khó biết đường để về cùng, ngày trước người ta quan niệm như thế.

Pháo tép là loại pháo đồ chơi của con nít (Ảnh: Internet)
Pháo tép là loại pháo đồ chơi của con nít (Ảnh: Internet)

Đi chợ những ngày cuối năm thích nhất hai việc. Thứ nhất là đến hàng mứt, cô bán hàng cho một nhúm mứt dừa ăn thử, nếm cái ngọt của dừa quyện với đường như muốn lịm đi! Thứ hai là đòi mạ mua cho mấy phong pháo con, gọi là pháo tép. Pháo tép là loại pháo đồ chơi của con nít, phong pháo dài cỡ một gang tay được nhuộm màu xanh đỏ vàng từng chặng xen kẽ. Ngày đó mỗi phong pháo tép giá hai trăm đồng, bằng tiền mua hai cái bánh ít. Hàng bán pháo tép của o Nguyệt nằm bên trái hàng bán bánh ít của mụ Khung. Mạ cho hai trăm bạc cầm tới chỗ đó rồi cứ đứng thần mặt ra không biết nên mua pháo hay mua bánh vì cái gì cũng thích. Rứa là o Nguyệt cho một phong pháo và mụ Khung cho bánh không lấy tiền. Hai trăm đồng đó đem về cho thằng Cưng, nó lại đến đứng thần mặt trước hàng pháo. Cả lũ con nít làng rồng rắn ra chợ rồi lại rồng rắn về nhà, trên tay có pháo có bánh. Đúng là vui như Tết!

Những em bé tần ngần mê mẩn trước hàng pháo...(Ảnh: Internet)
Những em bé tần ngần mê mẩn trước hàng pháo… (Ảnh: Internet)
Trẻ con cứ nghe tiếng nổ là kéo nhau chạy tới coi... (Ảnh: internet)
Trẻ con cứ nghe tiếng nổ là kéo nhau chạy tới coi… (Ảnh: Internet)

Năm nào cũng thế, hai nhăm ngày chạp, mệ nội (bà nội) mới từ trên Lao Bảo về và mang theo những phong pháo. Thằng bé tôi đi khắp xóm khoe với mấy đứa con nít là pháo nhà mình mua ở bên Lào, sẽ nổ to nhất làng. Tết lấy pháo làm tín hiệu, trẻ con lấy pháo so sánh nhà mình với nhà bạn ăn Tết to hay nhỏ. Pháo mua về đặt trên bàn thờ, anh em tôi cứ chạy quanh vói đầu lên nhìn, cứ đếm đốt ngón tay mong Tết đến mau cho rồi để đốt pháo.
Nhà khá giả thì chiều ba mươi cúng tất niên đã đốt pháo. Trẻ con cứ nghe có tiếng nổ là kéo nhau chạy tới coi. Khói pháo cuối năm quyện với khói từ trong bếp, buổi chiều chợt trở nên bãng lãng ngan ngát bùi ngùi xao xuyến đến lạ; mùi pháo hăng hắc xộc thẳng vào mũi chẳng thể nào quên được.

Mùi pháo hăng hắc xộc thẳng vào mũi không thể nào quên được... (Ảnh: Internet)
Mùi pháo hăng hắc xộc thẳng vào mũi không thể nào quên được… (Ảnh: Internet)

Khoảnh khắc đêm giao thừa…
Đêm giao thừa trời tối như bưng, nhà nhà treo pháo trên những cây cao, phong pháo dài ngoẵng dõng xuống như cái lưỡi thè liếm vào đất mơn man xuân. Phút chuyển khắc, hướng đông hướng tây, xóm trên xóm dưới thi nhau pháo nổ. Việc châm lửa đốt pháo thường do người đàn ông lớn tuổi nhất trong nhà thực hiện. Ông nội năm nào cũng chít áo đóng khăn từ sớm, đi quanh mấy vòng như để quấy lên cái không khí mùa xuân. Ông đi ra ngõ, tôi đoán chắc ông đi rước tổ tiên về ăn Tết cùng cả nhà. Dạo xong ông tới chỗ cây mít trước nhà, ở đó phong pháo đã móc sẵn từ đầu hôm, ông châm lửa vào và pháo nổ lên những tiếng “Tết! Tết!”.

Pháo nổ những tiếng “Tết! Tết!”... (Ảnh: internet)
Pháo nổ những tiếng “Tết! Tết!”… (Ảnh: internet)

Đêm trừ tịch ai cũng thức, người lớn trẻ con, đàn ông đàn bà cho đến lợn gà mèo chó. Có đứa trẻ làng thức không nổi nên thiếp ngủ đi lúc nào không biết, nhưng tới giao thừa nghe râm ran pháo là tự dưng bật dậy. Trẻ con và mùa xuân có gì đó giống nhau, đều được đánh thức bởi tiếng pháo. Hai anh em tôi cứ níu lấy vạt áo dài của ông nội mà nhảy, còn mấy chú thì đứng canh nhau chờ pháo nổ xong để vào nhặt. Mỗi phong pháo có vài quả pháo tống to nhất đơm xen cách trên sợi tim chính, cứ cháy đến đoạn nào gặp thì tiếng nổ to đùng lên. Tội nhất là lũ chó, quanh năm giữ nhà giữ cửa canh kẻ xấu vào ban đêm, thế mà tới giao thừa lại phải bỏ chạy ra ngoài bờ ruộng đứng hói mồm vào sủa inh ỏi.

Trẻ con và mùa xuân có gì đó giống nhau, đều được đánh thức bởi tiếng pháo.. (Ảnh: internet)
Trẻ con và mùa xuân có gì đó giống nhau, đều được đánh thức bởi tiếng pháo.. (Ảnh: internet)

Mỗi phong pháo cháy độ năm bảy phút, thế nhưng phải mất nửa giờ sau mới hết nghe tiếng nổ bởi có nhà đợi hàng xóm đốt xong rồi mình đốt sau, hoặc chắp thêm pháo vào đốt tiếp. Cả làng lắng lại mấy phút, nhường cái im lặng cho mùa xuân dạo bước vào nhà. Lúc đó ông nội nhủ anh em tôi vào ngủ, sáng mai mới được phép nhặt pháo. Hai anh em vào nằm ngủ, đứa mô cũng thỏ thẻ thì thầm vào tai mạ, nói sáng mai mạ thức con dậy sớm hơn nghe, để con ra nhặt pháo trước.
Sáng mùng một: im lặng cho mùa xuân dạo bước vào nhà…
Đêm chuyển giao giữa hai năm dường như thời gian ngắn lại, vừa mới nằm một nhoáng đã nghe gà gáy. Tiếng gà đầu năm mới cũng gióng giả mạnh mẽ hào sảng hơn. Anh Trứ dậy trước, rón rén chui ra khỏi màn nhè nhẹ để tôi không tỉnh giấc; nhưng tôi biết được, thế là hai anh em cùng vùng chạy ra gốc mít. Xác pháo đêm qua vãi ra đỏ hồng một góc nương quanh cây mít. Mấy miếng giấy nhỏ nổ ra vướng lên trên ngọn cây, bỗng nhiên mít “nở hoa đỏ”. Bên kia cây mai cũng rực chín vàng sắc cánh hoa, sau một đêm mà mai bung độ đồng loạt. Có lẽ đó là nhờ tiếng pháo thức giấc những búp mai, mùi khói pháo quyến rũ khiến cánh mai nở ra để ngửi được nhiều hơn.
Hai anh em tranh nhau nhặt những quả pháo chưa kịp nổ, chúng nằm lẫn lộn giữa mớ xác pháo và hạt cốm nổ trộn muối đêm qua ông vãi khi cúng giao thừa. Nhét chiếc áo thun vào lưng quần xà lỏn, bụng ngực trở thành cái túi tha hồ mà bỏ pháo. Cả hai anh em nhanh tay tranh nhau nhặt, lúc đầu cứ vơ đại cả pháo quả lẫn xác giấy. Có khi cả hai cùng nhìn thấy một quả ở phía xa, vậy là ùa chạy đến hớt hãi chụp.
Mấy quả pháo rụng xuống đất tim còn y nguyên thì nhặt cất đi, ra năm đem đốt. Loại pháo cháy hết tim nhưng chưa nổ, hoặc do dây tim kết không chặt nên nó đứt thẳng trước khi lửa đến được gọi là pháo xì. Những viên pháo xì này sẽ bóc vỏ giấy ra lấy cái chất thuốc bồi kẽm trắng ở trong. Chất kẽm này đem pha nước thành màu nhũ trắng bạc rất đẹp để sơn phết lung tung. Anh Trứ khéo tay, hay nắn tượng Phật bằng đất, phơi cho khô rồi phết màu nhũ ruột pháo lên là bức tượng y như làm bằng kim loại.
Tranh nhau mặc quần áo đẹp…
Nhặt pháo xong thì trời đã sáng hẳn, hai anh em nhìn nhau nói “Tết rồi!”, xong lại tranh nhau chạy vào mặc áo quần đẹp. Nhà hàng xóm không có trẻ con, cứ sáng đầu năm là hai anh em tôi chạy sang nhặt pháo. Bà cụ ra nói: “Chà! Nhà tui năm ni có hai ông Thần Tài vô đạp đất sớm dữ hè!”. Người quê rất coi trọng chuyện đạp đất (xông đất), hễ có con nít vào đạp đất là coi như năm đó an nhàn đầy đủ, có lẽ họ nghĩ con trẻ thì bao giờ cũng vô tư hồn nhiên, ăn no mặc đủ. Cứ thế, y chang năm nào hai anh em tôi cũng thành những vị Thần Tài vào ban phước cho nhà hàng xóm. Nhặt pháo xong, anh em tôi còn được lì xì tiền và mấy cái bánh in bọc giấy ngũ sắc, ở quê gọi là bánh Cộ mỗi độ Tết mới có. Con nít trong xóm ngày Tết cứ tíu ta tíu tít đem pháo ra khoe và thi coi đứa mô nhặt được nhiều hơn. Có khi mấy đứa góp pháo nhặt được lại, rồi kết thành chùm đem móc ở một cành cây ngoài đường làng và đốt.
Trong mấy ngày Tết, những nhà khá giả hay đốt pháo vào ban trưa, lúc làm lễ cúng đưa đầu năm (mùng 2 hay mùng 3 Tết). Hoặc lúc có khách quý phương xa về thì đốt pháo thể hiện sự trân trọng chào mừng. Hễ cứ nghe tiếng pháo là cả lũ trẻ kéo nhau đến nhà đó, chực pháo cháy xong thì nhào vô nhặt. Có khi đang gồng tay xô nhau tranh một quả pháo thì bỗng dưng quả pháo cháy ngầm rồi nổ đùng, cả mấy đứa hết hồn.
Đã hơn chục năm rồi dân mình không được đốt pháo, trải qua chừng ấy năm mọi thứ rộn ràng hơn nhưng hồn Tết thì dường như bị nhạt mất. Có ai lục lại trong két sắt nhà mình, chỗ ngày xưa từng giấu mấy quả pháo nhặt được, xem có còn sót lại mảnh giấy xác pháo nào không? Có ai đi qua góc vườn cây mít, nơi từng móc những xâu pháo đợi giao thừa châm lửa, ngửi xem có còn sợi khói thơm mùi nao nao nào không? Có ai nằm trong đêm trừ tịch lặng thinh rồi hóng đợi nghe tiếng pháo đì đùng không?
Chỉ có nỗi hoài niệm trả lời cùng tôi!
Hà Phương Linh biên tập

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét