Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2019

GIAN NAN TÌNH NGƯỜI 25

-Thiên nhiên ban cho sinh vật tính luyến ái để duy trì nòi giống, dung dưỡng sự sống. Luyến ái có nguồn gốc bản năng.
- Ở động vật, tính luyến ái có phát triển, nhưng ở mức độ vừa phải, đúng mức cần thiết.
-Ở người, vì có tư duy trừu tượng mà tính luyến ái phát triển vượt bậc thành tình yêu, tình thương, nhiều lúc tăng giảm vượt giới hạn, vô lối, từ đó mà có những  hành động như quỉ dữ, vì danh lợi phi lý trí, mù quáng, dẫn đến tội ác man rợ. 
-Có thể nói, tính luyến ái ở con người chính là tình yêu thương. Ở trong giới hạn, nó là mặt phải nhân tính, thánh thiện. Vượt giới hạn, nó là mặt trái nhân tính, trở thành ác quỉ. 
-Qua đó mà thấy, không phải cứ có tư duy trừu tượng là sáng suốt. Con người tư duy nhiều khi mù quáng hơn con vật bản năng!

---------------------------------------------------------------
(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Ra ma vì tình

Phía sau tội ác

Thứ Ba, 27/09/2016, 15:41:52
 

Lực lượng công an dẫn giải đối tượng Tẩn Láo Lở thực nghiệm lại hiện trường vụ sát hại bốn người trong gia đình anh Tẩn Ông Nải. Ảnh | XUÂN MAI
Những tiếng súng ở Yên Bái đã cướp đi ba sinh mạng. Dù chưa có kết luận điều tra chính thức từ cơ quan công an nhưng những cái chết này đã gây rúng động trong dư luận. Chưa hẳn vì những người chết đều là những cán bộ trong đó có lãnh đạo cao nhất của một tỉnh miền núi nhưng rõ ràng những gì xảy ra đã là hồi chuông báo động về sự bất an của nền tảng đạo đức xã hội đang bị uy hiếp nghiêm trọng bởi tội ác.
Trở ngược thời gian, những vụ án giết người tàn bạo đã khiến người dân phải bàng hoàng thậm chí là lo lắng. Năm 2011 tại Bắc Giang, Lê Văn Luyện chỉ vì cầm cố chiếc xe máy đi mượn và tiêu hết, không có tiền chuộc chuẩn bị hai con dao nhọn và phớ đột nhập tiệm vàng Ngọc Bích lúc rạng sáng. Đây rõ ràng là bằng chứng của một toan tính tội ác chứ không đơn thuần chỉ là một vụ trộm thuần túy. Và những gì xảy ra hoàn toàn logic như vậy. Luyện khi bị phát hiện đã lạnh lùng xuống tay giết vợ chồng chủ nhà, đâm cô con gái lớn nhiều nhát và đoạt mạng cháu bé 18 tháng tuổi. Thật kinh sợ cho một tội ác phi nhân tính của một người tuổi vị thành niên. Vụ án giết người ở tiệm vàng Ngọc Bích kéo theo bao hệ lụy cho cả gia đình hung thủ và xã hội cùng sự mất mát không thể bù đắp nổi của gia đình chủ tiệm vàng. Luyện sa lưới, sáu người thân của Luyện vì che giấu và đồng lõa lần lượt vào tù trong đó có cả cha đẻ hung thủ. Cái tên Lê Văn Luyện trở thành một tính từ điển hình của tội ác. Điều gì đã khiến một thanh niên thậm chí còn được làng xóm đánh giá là hiền lành phạm tội ác tày đình như thế? Một câu hỏi thật không dễ trả lời. Được biết gia đình Luyện có mức sống trung bình ở địa phương, không phải dạng nghèo khó. Chỉ có thể lý giải phần nào ở động cơ gây án phụ thuộc vào tình thế Luyện đang rất cần tiền. Nhưng nếu chỉ vì thế mà một thanh niên chưa đủ 18 tuổi dám xuống tay đoạt mạng đến bốn người một lúc e rằng lý do kia chưa hẳn đã thuyết phục.
Chúng ta chưa quên vụ kẻ thủ ác Nguyễn Giang Anh tại Vĩnh Phú Tây, Phước Long (Bạc Liêu) giết người, hiếp dâm, cướp tài sản năm 2014. Nạn nhân Lê Thị Ba dù đã ở tuổi 75 nhưng vẫn bị ác thú hãm hiếp sau khi đã sát hại và cướp tài sản. Giang Anh mới 25 tuổi sống trong môi trường thiếu sự giáo dục của gia đình do cha mẹ bỏ nhau từ lúc y còn rất nhỏ. Không được học hành, hoàn cảnh sống bấp bênh làm thuê, làm mướn, có lẽ từ cái nghèo bức bách nên Giang Anh đã manh động phạm tội.
Chưa bao giờ xã hội lại phải đối mặt với những thách thức của tội ác như hôm nay. Chỉ tính riêng năm 2015, dù theo đánh giá của Tổng cục Cảnh sát là tình hình tội phạm giảm nhưng lại có đến năm vụ thảm sát tập thể gây sự căm phẫn của dư luận và hoang mang trong nhân dân. Đó là các vụ thảm sát bốn người ở Nghệ An, sáu người trong biệt thự ở Bình Phước, chém chết bốn người ở Yên Bái, bốn người bị giết ở Gia Lai và ở Thanh Hóa, chồng đầu độc vợ và hai con rồi tự tử. Thật là một con số kinh hoàng. Và gần đây nhất là vụ thảm sát ở thôn Phìn Ngan, xã Trịnh Tường, Bát Xát (Lào Cai) ngày 9-8 mà hung thủ Tẩn Láo Lở đã ra tay một cách tàn độc làm bốn người trong gia đình anh Tẩn Ông Nải thiệt mạng. Đáng báo động, trong đó nhiều vụ nguyên nhân gây án rất đỗi bình thường không đáng có. Ở vụ thảm sát Nghệ An, ác nhân Vi Văn Hai mới 20 tuổi chỉ vì một bất đồng bột phát dùng dao chém chết anh Lò Văn Thọ cùng mẹ, vợ và con anh. Gần như tương tự, do mâu thuẫn tranh chấp đất làm nương ở Yên Bái, hung thủ Đặng Văn Hùng dùng dao giết vợ chồng anh Trần Văn Long cùng con và em trai anh này. Vụ bốn người chết ở Gia Lai do nảy sinh cãi vã với vợ bị kích động nên hung thủ cầm dao rượt đuổi gây án. Những cái chết thật thương tâm và cực kỳ vô lý. Ở cả ba vụ thảm sát nói trên thủ phạm đều là những nông dân ít học và môi trường sống hẻo lánh, khó khăn. Điều đáng nói là sự điên cuồng của hung thủ khi thảm sát hàng loạt và manh động thực hiện tội ác đến cùng. Gây rúng động xã hội không kém vụ Lê Văn Luyện là vụ Nguyễn Hải Dương 24 tuổi chỉ vì bị chị Lê Thị Ánh Linh từ chối tình cảm đã nhẫn tâm lập kế hoạch giết cả nhà người yêu. Sáu người chết cùng hai án tử hình và 16 năm tù cho ba kẻ giết người là kết cục quá đau buồn sau vụ thảm sát dã man.
Có lẽ cũng cần phải kể thêm về những cái chết từ những vụ trộm chó. Đã có không ít những kẻ trộm bị người dân đánh hội đồng đến chết. Và cũng đã có những vụ chính kẻ trộm chó trong khi bị truy đuổi dùng dao thậm chí cả súng đoạt mạng người dân truy đuổi. Ở vụ Nguyễn Đức Tiềm cài thuốc nổ giết chết chị dâu cùng cháu gái thì mức độ tàn độc đã ở độ tinh vi. Khó có thể liệt kê hết được những cái chết tức tưởi. Hai người bạn thân chỉ vì nhậu cũng có thể đoạt mạng nhau. Thậm chí cái vô lý được đẩy đến tận cùng khi đôi tình nhân chỉ vì tranh cãi chuyện rửa bát cũng cầm dao đâm chết người yêu. Những va chạm rất bình thường trong đời sống đôi khi chỉ là một va quệt nhẹ trên đường cũng có thể xảy ra án mạng. Còn nhớ chưa lâu cũng là một vụ dùng súng bắn cấp trên của một đại úy cảnh sát giao thông trạm Suối Tre. Nguyên nhân cũng chỉ là mâu thuẫn từ một câu nói trong bàn nhậu. Điều gì đang xảy ra vậy? Những cái chết đang để lại phía sau nó vô vàn câu hỏi cần giải đáp.
Tội ác đang tấn công trực diện làm suy giảm nền tảng đạo đức xã hội.
Phải thẳng thắn thừa nhận rằng đạo đức xã hội đang xuống cấp nghiêm trọng. Tội ác đang tấn công trực diện làm suy giảm nền tảng đạo đức xã hội. Xã hội phát triển kéo theo những hệ lụy không thể tránh của lối sống hưởng thụ. Giáo dục xã hội lệch hướng. Một bộ phận không nhỏ thất học. Thanh thiếu niên bị xã hội, gia đình buông lỏng quản lý. Sự phân chia giai tầng xã hội dẫn đến chênh lệch thu nhập gây bất công xã hội. Tỷ lệ thất nghiệp quá lớn. Sự nghèo khổ dẫn đến nhận thức thấp. Đặc biệt là tâm lý bất ổn của không ít người trong mọi giai tầng xã hội. Những ức chế tinh thần dẫn đến những hành động bột phát đang là một mối nguy của xã hội. Nó là một trong những nguyên nhân của việc gây ra tội ác giết người. Còn rất nhiều nguyên nhân nữa. Cái ác đang hoành hành lấn át cái thiện. Cần phải chặn lại cái ác. Bằng mọi giá phải chặn lại để không còn những nhát dao chí mạng, những tiếng súng đau đớn như tiếng súng Yên Bái để mạng người không còn bị đoạt đi một cách vô lối, thương tâm. Chặn bằng cách gì và chặn thế nào thì lại là một câu chuyện rất dài. Chỉ biết nó cần sự thay đổi từ nhận thức đến hành động cả sự bình tâm trong mỗi một con người khi đối diện với cái ác.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ thảm sát ở Bình Phước. Ảnh | NGỌC LÊ
PHẠM NGỌC TIẾN

Đường đến tội ác của một nam sinh viên

Trong mắt mọi người, Lại Ôn Tùng (SN 1988, trú tại thôn Hòa Chanh, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) là một cậu sinh viên ngoan, học giỏi. Không ai ngờ, Tùng lại gây ra sự việc động trời với một cụ ông đã ngoài tuổi 90: Giết để cướp tài sản.
“Con ngoan” phạm tội
Mới đây, TAND cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên xử phúc thẩm đối với bị cáo Lại Ôn Tùng để xem xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo. Trước đó, Tùng bị cấp sơ thẩm tại TAND TP Hà Nội tuyên phạt mức án tử hình cho hai tội Giết người và Cướp tài sản.
Không ai đoái hoài đến Tùng, ngoài người dì ruột của bị cáo. Có mặt tại cả hai phiên tòa, chị không ngừng nức nở vì thương cháu, vì thấy có một phần lỗi mới xảy ra hậu quả đau lòng này.
Chị Sim - dì ruột bị cáo mỏi mắt chờ đợi một lần ngoảnh lại từ Tùng. Nhưng ánh mắt đứa cháu trai thấy hối hận và đau khổ luôn nhìn xuống đất. “Tôi sợ cháu trầm cảm mất thôi” – chị khóc nấc. Chị kể, bố mẹ Tùng đều là làm ruộng, chăm chỉ chịu khó làm ăn để nuôi con khôn lớn.
Tùng là con trai cả nên sớm ý thức được gia cảnh khó khăn của gia đình. Tùng chăm chỉ học hành, chịu khó, sau giờ học còn chăm sóc em gái nhỏ và đi làm thêm giúp đỡ bố mẹ. Mùa đông năm Tùng vừa 7 tuổi, mẹ Tùng bị sét đánh chết khi đang làm cỏ lúa ngoài đồng, để lại hai đứa con nhỏ cho người chồng lam lũ.
Mất mẹ, Tùng trở nên lầm lì, ít nói, ít tiếp xúc với mọi người. Dù vậy, cậu vẫn hết lòng yêu thương, bao bọc em gái và đỡ đần bố những việc trong nhà. Trong thâm tâm Tùng, cậu luôn ý thức việc phải học thật giỏi để sau này có thể dùng kiến thức của mình kiếm tiền, giúp gia đình thoát khỏi cảnh túng thiếu.
Bố Tùng cưới vợ mới, nhưng thay vì tu chí làm ăn, ông lại sa vào cờ bạc, rượu chè. Cứ say rượu về, ông lại trút lên đầu đứa con trai tội nghiệp những lời mắng chửi, chì chiết, thậm chí là đòn roi. Tùng càng sống thu mình, lặng lẽ hơn. Nhiều lần bố thua ờ bạc, chủ nợ đến đòi, Tùng lại phải đi vay hàng xóm để trả nợ cho bố. Thế nhưng, Tùng vẫn luôn đạt thành tích xuất sắc trong học tập. 12 năm liền, Tùng là học sinh xuất sắc của trường. Năm 2007, Tùng thi đỗ vào một trường đại học trên địa bàn TP Hà Nội, ôm khát vọng trở thành kỹ sư tin học. Hai năm đầu đại học, Tùng đều đạt học bổng của trường.
Khi Tùng học năm thứ ba, bố Tùng càng ngày càng ngụp lặn trong cờ bạc và không chu cấp học phí cho con trai. Tiền đi làm thêm của Tùng không đủ để chi trả học phí và sinh hoạt ở giữa thủ đô đắt đỏ. Tùng chán cảnh gia đình, càng trở nên lầm lì, xa lánh mọi người. Tùng cầu cứu người thân, đến xin tiền dì ruột, nhưng nghĩ cháu đã học xong, đã đi làm, chị Sim không cho Tùng tiền. Để có tiền, Tùng bỏ học đi làm thêm, rồi có người rủ rê vào con đường trộm cắp vặt. Từ một học sinh ngoan, Tùng bước chân vào con đường tội lỗi.
Bị cáo Lê Ôn Tùng tại phiên tòa xét xử
Án mạng đau lòng
Hôm ấy, Tùng về nhà. Thấy con trai, bố Tùng liên tục chửi mắng. Giữa bữa cơm trưa vừa dọn ra, bố Tùng đay nghiến con trai “không làm được trò trống gì cho ra hồn”. Tùng bực mình, đấu khẩu lại: “Bố cho con ăn thì con ăn cơm, không cho con ăn thì thôi”.
Tùng nghĩ, vào Nam sinh sống để bắt đầu cuộc sống mới. Thế nhưng, làm sao có tiền để đi? Tùng nghĩ đến những món tài sản sơ hở của người khác.
Một chiều tháng 8/2015, trời nhá nhem tối, Tùng men theo con đường làng, mắt dáo dác tìm kiếm xem gia đình nào sơ hở để gây án. Thấy gia đình nhà bà Nham đi vắng mà cửa không khóa, Tùng lẻn vào lục lọi nhưng tài sản trong nhà không có gì giá trị, ngoài cái ti vi cũ chỉ bán được vài trăm nghìn đồng. Tùng thất vọng trở ra thì thấy nhà cụ Tạ Văn Cát (91 tuổi) đang mở cửa.
Cụ Cát ở một mình, con cái đều đi làm ăn, lập nghiệp ở xa, thỉnh thoảng mới về nhà chơi. Dù đã hơn 90 tuổi, nhưng cụ vẫn còn minh mẫn. Các con đều là những người thành đạt nên thường cho cụ tiền để cụ ăn tiêu, mua sắm. Cụ cũng có lương hưu, mỗi tháng 5-6 triệu đồng, ngoài việc tiêu xài ra, cụ để dành mua vàng cất trữ trong nhà.
Tối hôm đó, sau khi đã ăn tối cụ vào giường nằm nghỉ. Trời mùa thu mát mẻ, cụ để cửa mở để đón khí trời. Tùng thấy cửa mở, liền trèo tường theo hướng ngõ bếp vào nhà. Nghe tiếng sột soạt,cụ ngồi dậy cầm đèn pin rọi khắp nhà. Sợ bị phát hiện, Tùng vội vàng vật ngã cụ xuống đất, dùng tay phải vòng qua gáy giữ đầu cụ, còn tay trái bóp cổ cụ già đến khi bất tỉnh.
Nghĩ cụ chưa chết, Tùng sờ vào chân nạn nhân thì thấy mạch còn đập. Đối tượng nhanh chóng lấy chiếc khăn mặt và nhét vào miệng cụ Cát rồi tiếp tục lấy một đoạn ống nước bằng nhựa mềm trong nhà tắm trói hai tay trước ngực nạn nhân.
Hành xử tàn ác với cụ ông 90 tuổi xong, Tùng ngang nhiên lấy chìa khóa và đèn pin vào lục lọi các tủ và ôm trọn số tiền 20 triệu, và 26 chỉ vàng bỏ trốn để mặc cụ ông nằm bất động. Sau đó Tùng vào thành phố Hồ Chí Minh, mang số vàng cướp được bán tại nhiều cửa hàng vàng khác nhau.
Về phần cụ Cát, phải đến tận ngày hôm sau, hàng xóm phát hiện điều bất thường nên bắc thang trèo sang thì phát hiện nạn nhân đã chết. Kết quả khám nghiệm cụ Cát tử vong do suy hô hấp cấp do bí tắc đường thở.
Sau hơn 4 tháng ăn tiêu hết số tiền trên, đến ngày 29/12/2015 Lại Ôn Tùng ra đầu thú. Khi con trai bị bắt về tội Giết người, cướp tài sản và ra tòa thì bố của Tùng vẫn không đến dự bất cứ phiên tòa nào.
Chỉ duy nhất dì ruột bị cáo có mặt ở tòa. Chị Sim chắp tay cúi mình xin lỗi gia đình nhà bị hại, đồng thời chị Sim cho biết tội lỗi của cháu gây ra, một phần cũng là lỗi do gia đình đã thiếu sự quan tâm, giúp đỡ Tùng trong lúc khó khăn. Chị Sim kể, từ khi mẹ Tùng mất bố lấy vợ và không chăm lo đến Tùng.
Ngày xét xử Tùng, người dân địa phương đã viết đơn, ký xác nhận Tùng được bà con rất mực yêu thương, nhưng vì hoàn cảnh gia đình bi đát và sự thiếu quan tâm, thờ ơ của người thân mà Tùng vướng vào vòng lao lý. Song, nhận thấy hành vi của bị cáo là xâm hại tính mạng và tài sản của người khác, HĐXX tuyên phạt bị cáo Lại Ôn Tùng 7 năm tội “Cướp tài sản”, tử hình “Giết người”. Tổng hình phạt “Tử hình” cho cả hai tội danh bị truy tố.
Nhiều người rời phiên tòa trong tiếng thở dài, tiếc nuối. Nếu bị cáo sống trong một môi trường khác thì có lẽ đã không có một kết cục đau lòng như thế.
Nam Anh

Lòng trắc ẩn vô tình thành… tội ác!

Dân trí Tôi thương bà cụ và có phần đồng cảm với chàng trai. Bởi nếu là chàng trai kia, với những tất bật trong công việc hằng ngày, tôi cũng sẽ quên như vậy. Vì đơn giản, tôi không ngờ bà lão lại ngồi chờ và giờ đây tình thương đã vô tình là tội ác…

Bà cụ bán rau bên lề đường nhưng không có ai mua. Một cô gái đến xem, rồi buông một câu đau lòng: “Rau của bà lợn cũng không thèm ăn”. Chờ khi cô gái bỏ đi, chàng trai trẻ cảm thương đã bỏ số tiền nhỏ mua giùm bà cụ toàn bộ số rau đó. Nhưng do công việc bận mải, anh gửi lại bà cụ với lời hẹn chiều về qua lấy.
Rồi bị cuốn vào công việc, anh quên bãng lời hẹn với bà cụ. Trong khi đó, bà cụ kiên nhẫn chờ chàng trai để gửi lại số rau đến tận đêm khuya trong giông gió. Và đó chính là nguyên nhân dẫn đến cơn nhiễm lạnh. Mấy hôm sau, nhớ lại lời hẹn, chàng trai trở lại tìm thì được biết giờ cụ chỉ còn là nấm mộ…
Bài thơ Một câu chuyện “đẹp hơn nước mắt” được “chuyển thể” từ câu chuyện trên facebook đăng tải ở BLOG Người yêu thơ đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ của đông đảo bạn đọc.
Nhiều và rất nhiều tình cảm kính trọng, thương yêu dành cho bà cụ và cảm động trước việc làm nhân ái, đầy lòng trắc ẩn của chàng trai.
Nhưng trong số đó, không ít người lại có cái nhìn khác. Họ lên án chàng trai bởi chính việc làm vô tâm của anh là nguyên nhân dẫn đến cái chết thương tâm của bà cụ.
Bạn Nguyễn Khánh Lam viết: “Một bà lão sống trung thực, tự trọng và một chàng trai có lòng trắc ẩn, thương người. Nhưng phải chi chàng trai thực sự để tâm đến bà lão, đến lời nói và việc làm của mình để thực hiện đến cùng thì câu chuyện đâu có kết thúc như thế. Để rồi chính anh và bao người phải day dứt”.
Bạn Lưu Bùi Quốc Bảo triết lý: “Giới hạn giữa cái tốt và cái xấu sao quá mong manh. Nếu ta đọc thoáng qua hành động của hai nhân vật thì sẽ thấy nhân vật nam đại diện cái tốt, nhân vật nữ đại diện cái xấu. Nhưng kết quả thì sao? Hành động xấu của nhân vật nữ không gây ra cái chết cho bà cụ còn hành động nhân vật nam gây ra cái chết cho bà cụ. Do vậy đã giúp thì phải giúp cho đến nơi đến chốn, phải tôn trọng lời nói và phải hành động theo lời nói, đừng để một phút đánh mất chính mình mà hối hận cả đời”.
Bạn Nguyễn Mai đặt câu hỏi: “Tôi đánh giá cao sự tốt bụng của cậu thanh niên mua rau giúp bà cụ. Nhưng tôi không hài lòng về cách giúp đỡ của cậu, giá như sự giúp đỡ của cậu trọn vẹn hơn, chắc chắn bà lão tốt bụng sẽ còn trên cõi đời này”
Bạn Nguyễn Trọng Ngọc có cái nhìn cảm thông với cả hai phía: “Chàng trai không xấu nhưng nhân cách của bà cụ thật là vĩ đại.Tôi xót thương cho bà cụ và có phần đồng cảm với chàng trai. Có thể nếu tôi là chàng trai kia với những tất bật trong công việc hằng ngày, tôi cũng sẽ quên như vậy vì đơn giản tôi không ngờ bà lão lại ngồi chờ và giờ đây tình thương đã vô tình là tội ác. Sẽ không có tòa án và tội trạng nhưng tòa án lương tâm thì sẽ theo tôi suốt cuộc đời. Xin lỗi cụ! Lời xin lỗi muộn màng nhưng có lẽ là lời xin lỗi ý nghĩa nhất trong cuộc đời”.
Bạn Nguyễn Hương Linh  thì tỏ ra phẫn nộ: “Lúc đầu mình thấy hành động của gã trai kia thật đẹp nhưng không ngờ cái kết của câu chuyện làm mình giận hắn đến thế. Mình giận hắn bao nhiêu thì lại càng thương bà cụ bấy nhiêu! Hỡi gã trai công sở ăm mặc lịch sự kia! Hãy xem xét lại hành động của chính minh đi”.
Bạn Hữu Lợi lại tự rút ra bài học: “Trường hợp này anh không có lỗi cố ý, nhưng anh phải hiểu rằng tiền của anh tuy không nhiều, nhưng sử dụng phải có mục đích và quan điểm cụ thể. Không được dùng kiểu ban ơn, bố thí như vậy đâu. Cụ già đi bán hàng là để kiếm sống chứ không phải để hành khất. Nếu anh thành tâm thì đã cầm luôn mấy mớ rau đi để bà cụ về nghỉ ngơi thì không xảy ra chuyện bi thảm...”
Bạn Trần Văn Huy chia sẻ: “Làm từ thiện cũng phải đúng cách. Một câu chuyện hay về một cảnh đời bình thường và một điển hình của sự vô tâm”.
Trần Trung Thành lại có cái nhìn rất nghiêm khắc: “Xét về mức độ độc ác thì chàng trai kia còn độc ác hơn cô gái nọ vì cô gái ấy dám nói thẳng ý nghĩ của mình còn chàng trai kia dù không cố ý nhưng do sĩ diện nên đã làm chết một mạng người”.
Đó chí là vài trong hàng trăm ý kiến bày tỏ quan điểm của mình xung quanh hành động của chàng trai với cái chết của bà cụ.
Phải chăng, lòng trắc ẩn lại trở thành tội ác?
BLOG Người yêu thơ

Tội ác của đứa con trai và nỗi đau người mẹ

Thương con, vợ chồng bà Nền không nỡ tố cáo việc Hùng sát hại hai bé gái cùng thôn, để rồi vướng lao lý, mang tiếng với xóm làng.
Giữa tuần qua, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm xét đơn xin giảm nhẹ của Đào Văn Hùng (32 tuổi, ở huyện Phú Xuyên) về tội Giết người và Hiếp dâm.
Hay tin tòa xử con trai lần hai, vợ chồng bà Nguyễn Thị Nền (65 tuổi) thuê xe ôm chở ra bến rồi đón xe buýt tới tham dự. Lần này, ông bà không phải ra trước tòa vì cả hai không kháng cáo bản án treo cấp sơ thẩm tuyên trước đó.
Đôi vợ chồng già lam lũ ngồi mãi ghế sau, nhìn đứa con trai đang chờ hai người giám hộ là chị của bị cáo tới. Do Hùng mắc bệnh tâm thần nên theo quy định pháp luật phải có người giám hộ.
Bà Nền đứng ngồi không yên, phần vì hai con gái chưa tới, phần lo bản án tử hình đang lơ lửng treo trên đầu con trai.
Người mẹ kể, 40 năm trước, bà kết hôn với ông, sinh được cả “đàn con”, trong khi gia đình nghèo khó. Trong số anh chị em, Hùng thông minh hơn hẳn. Hơn 10 năm trước, Hùng theo người anh vào miền Nam sinh sống. Thương em, người anh làm lụng vất vả, chắt chiu từng đồng để Hùng có cơ hội học hành đàng hoàng, với mong muốn thoát khỏi cảnh nghèo khó.
Học ngành tài chính, Hùng không làm ở đâu được lâu do tính khí thất thường. Từ miền Nam về quê, Hùng xin vào một số công ty và chỉ được một thời gian rồi nghỉ. Sau này, Hùng xin làm công nhân. “Thằng Hùng có những bất ổn về tâm thần”, bà nói và cho rằng từ ngày bị người yêu từ chối làm đám cưới, Hùng bỗng hoang tưởng, thường nói nhảm.
Bà Nền nói, trong số các con, Hùng bị ảnh hưởng từ bố - ông Đào Văn Đông. “Có lẽ là do di chứng từ ngày ông ấy đi chiến trường Khe Xanh”, bà tâm sự và cho hay Hùng phải đi điều trị tâm thần nhiều lần.
Trong gần nửa tiếng kể về con trai, ánh mắt người mẹ lúc rạng rỡ khi kể về thành tích hồi nhỏ của con trai, lúc buồn bã khi nhớ về tội lỗi con gây ra. Đó là tối 14/5/2016, nghe chồng hốt hoảng báo Hùng gây trọng tội, bà vội vàng chạy tới, chứng kiến Hùng đứng cạnh xác hai bé gái 11-12 tuổi.
“Tôi rối bời, không biết làm sao”, bà kể. Vợ chồng đều khóc nhưng không dám kêu to. Trong lúc quẫn trí, nghe Hùng bảo sẽ “giải quyết” xác hai đứa trẻ hàng xóm, ông bà chỉ biết khóc, không biết làm gì khác. Lúc đó, Hùng dặn ông bà không được nói cho ai biết, rồi đem xác nạn nhân chôn ở góc vườn trong nhà.
Biết rằng tội ác đó của đứa con nếu phải ra trước pháp luật sẽ phải nhận trừng phạt nghiêm khắc, hai ông bà “câm nín”. Họ sống trong trạng thái “tiến thoái lưỡng nan”, muốn trình báo nhưng lại sợ con vào tù, bị tử hình. 
Việc vợ chồng bà Nền che giấu tội lỗi của con khiến một phụ nữ trẻ gặp nạn. Trưa 19/11/2016, Hùng chặn đường cưỡng hiếp cô gái này. Gã bị người dân và cảnh sát vây bắt. Sau nhiều giờ, Hùng bị bắt giữ.
Trong quá trình điều tra hành vi hiếp dâm, Hùng khai đã sát hại hai bé gái hơn sáu tháng trước và chỉ chỗ giấu thi thể. Vợ chồng bà Nền vướng lao lý về hành vi Che giấu tội phạm. Ngày 7/2, TAND Hà Nội tuyên tử hình Hùng về các tội Giết người, Hiếp dâm; vợ chồng bà Nền bị tuyên 12 và 15 tháng tù treo.
Từ ngày Hùng vào tù, vợ chồng bà phải sống trong tủi nhục vì lời dèm pha của xóm làng. Công việc đồng áng ông bà không còn tâm trạng để làm vì sợ gặp những ánh mắt, lời nói cay nghiệt xung quanh.
Bà bảo, Hùng là con trai nên không thể bỏ được. “Chúng tôi cũng sống không được bao lâu, chỉ mong có phép mầu, cho Hùng một cơ hội được sống. Tâm thần nó không bình thường”, người mẹ nghẹn ngào.
Sau hai tiếng chờ đợi, phiên phúc thẩm phải hoãn do hai người giám hộ của Hùng không tới kịp, vợ chồng bà Nền nhờ luật sư gọi giúp xe ôm ra bến xe buýt ra về.
Việt Dũng

Cái xấu, cái ác đến từ đâu?

TTO - Vì sao tội phạm ngày càng nguy hiểm, “máu lạnh”, mất nhân tính? Vì sao tội ác ngày càng man rợ? Làm thế nào để mỗi người cất đi những bất an, lo lắng? Tuổi Trẻ giới thiệu hai ý kiến bạn đọc về vấn đề này.
Cái xấu, cái ác đến từ đâu? - Ảnh 1.© TIẾN LONG ghi Cái xấu, cái ác đến từ đâu? - Ảnh 1. * PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn (chuyên gia nghiên cứu tội phạm học): 
Cái xấu, cái ác đến từ đâu?
Ba, bốn năm gần đây có những vụ án nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Những trào lưu văn hóa, hiện tượng xã hội tiêu cực như chuyện hơn thua, tranh đoạt, nhu cầu thỏa mãn vật chất tăng nhưng điều kiện khả năng làm việc hạn chế, những yếu tố tệ nạn xã hội... đã tác động đến các tầng lớp dân cư, nhất là giới trẻ.
Những thú ăn chơi khắp nơi cũng đã kích động một bộ phận thích hưởng thụ ngoài khả năng của mình.
Trong mối quan hệ gia đình, nhiều người làm cha làm mẹ cũng đang chạy theo những giá trị ảo, lợi ích cá nhân, ích kỷ và vô cảm, thiếu sự kết nối tính thiện, tính nhân văn, lòng thơm thảo.
Trong từng gia đình, từ lời ăn tiếng nói, sự nhường nhịn, chia sẻ, giáo dục tình thương, sự tử tế giữa con người với nhau không được chú ý.
Bên cạnh đó, nhiều gia đình xung đột, bạo lực, ly tán tác động vào đạo đức, nhân cách, lối sống của trẻ.
Không ít gia đình có người "dính" vào tệ nạn xã hội như nghiện hút, rượu chè, cờ bạc, mại dâm... tác động đến các thành viên khác trong gia đình, họ có thể trở thành người xấu, những người có thể trở thành tội phạm trong một khoảnh khắc nào đó.
Ở nhà trường, tình trạng "chạy" điểm, "chạy" thầy, mua điểm, mua bằng, chủ nghĩa thành tích... không chỉ gây áp lực, tác động xấu đến đội ngũ giáo viên mà còn tác động vào nhận thức, tình cảm của học sinh.
Trong khi đó, những bài học nhân văn, làm người cũng như kỹ năng sống lại chưa thực sự quan tâm. Cho nên khi có yếu tố tác động xã hội tiêu cực vào thì các em rất dễ bị lệch chuẩn, người trẻ dễ sa vào con đường phạm tội.
Môi trường xã hội cũng rất quan trọng. Môi trường sống thường xuyên xung đột, tranh giành vì vụ việc nhỏ... hoặc tràn ngập tệ nạn, tiệm net, quán bar, karaoke, quán nhậu mọc lên từng vỉa hè tác động từng ngày vào nhân cách con người.
Ý thức chấp hành pháp luật của người dân hiện nay còn thiếu, nhất là vùng sâu vùng xa. Con người thiếu kiến thức về pháp luật, thêm có nhân cách xấu, khi có điều kiện họ sẵn sàng thực hiện tội phạm, đặc biệt những tội phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Về giải pháp, tôi cho rằng đạo đức, nhân cách tốt sẽ là sức đề kháng rất quan trọng ngăn cản người ta phạm tội (thay cho lối sống ích kỷ chỉ biết mình, không biết đến cộng đồng).
Việc ấy phải thực hiện từ trong gia đình, rồi đến nhà trường và xã hội. Cần tạo cho công dân ý thức biết ngăn chặn, tố cáo, tố giác và tự giác tham gia đấu tranh tội phạm. Nếu không họ sẽ thờ ơ, bỏ mặc, thậm chí tiếp tay cho tội phạm.
Chính quyền địa phương phải nâng cao được trách nhiệm tạo ra môi trường lành mạnh trong địa bàn: ngăn chặn, loại trừ các tệ nạn nhậu nhẹt, nghiện hút, cờ bạc...
* Lê Phạm Phương Lan (giảng viên tâm lý - ĐH Nguyễn Huệ, Đồng Nai):
Nâng cao ý thức và kỹ năng tự phòng vệ
Nếu có cuộc khảo sát người dân gần nơi có nữ sinh bị sát hại ở Điện Biên vào chiều 30 tết, mọi người không thể che giấu được nỗi lo lắng, bất an về tính chất nguy hiểm của đối tượng gây án. Bóng dáng những kẻ nghiện ngập, vô gia cư, có tiền án tiền sự quanh quẩn ở tận vùng sâu vùng xa. Ai đó ra đường cũng cảm thấy ám ảnh, hoang mang, sợ hãi sau vụ án này là điều dễ hiểu. Làm sao để người dân có thể yên tâm ngay trong chính ngôi nhà mình, làng xóm mình?
Theo tôi, phải có nhiều giải pháp đồng bộ từ trung ương đến cơ sở. Cụ thể như sau:
1. Công an địa phương cần thường xuyên phối hợp với cán bộ và người dân rà soát, khoanh vùng các đối tượng tiềm ẩn những nguy cơ gây án, nhất là các đối tượng nghiện ngập, cờ bạc, có tiền án tiền sự, bảo kê, đòi nợ thuê, sống lang thang... để dễ dàng sàng lọc, phân loại cũng như nhanh chóng xử lý khi có tình huống.
2. Tiếp tục tuyên truyền về pháp luật, đặc biệt là tại các vùng sâu vùng xa, trong vùng trọng điểm, nơi dễ phát sinh các hoạt động buôn bán ma túy, cờ bạc... Rất cần thiết phải trang bị cho người dân địa phương hiểu biết cơ bản và hành động theo pháp luật, nâng cao ý thức đề phòng cảnh giác, kỹ năng phòng vệ khi đối mặt với kẻ xấu cũng như kỹ năng chủ động phối hợp với cơ quan chức năng khi có tình huống bất trắc xảy ra.
3. Không phải tất cả những người đã từng nghiện ngập, có tiền án tiền sự đều là đối tượng sẽ gây ra tội ác, nhưng nguy cơ thực hiện hành vi phạm pháp của họ là rất lớn. Tâm lý "không còn gì để mất" và vì định kiến của một nhóm người trong xã hội dẫn đến việc họ dễ dàng phạm tội một cách chủ ý.
Vì thế, chính quyền địa phương phải luôn làm tốt việc hỗ trợ công ăn việc làm cho các đối tượng này, đồng thời quan tâm đến đời sống tinh thần và có biện pháp tuyên truyền giáo dục, quản lý, giám sát thường xuyên để họ cảm thấy được xã hội coi trọng và không dám vi phạm pháp luật.
TTO - 'Nếu có thưởng thì cũng có phạt, trách nhiệm của lực lượng công an đến đâu khi nạn nhân mất tích 3 ngày rồi bị giết?', nhiều bạn đọc đặt câu hỏi xung quanh việc Điện Biên khen thưởng lực lượng phá án vụ cô gái giao gà bị sát hại.

Cái ác chỉ có thể bị chinh phục bởi lòng yêu thương

Published
on
Ngày 16/12, phiên sơ thẩm “thảm án Uông Bí” đã diễn ra với án tử hình dành cho bị cáo duy nhất của vụ án.
“Thảm án Uông Bí” là cách mà báo chí gọi một vụ án đau lòng khi bốn người trong một gia đình bị chính người họ hàng của mình sát hại do ảnh hưởng của ma túy đá. Không ly kỳ như vụ án ở Bình Phước, nhưng vụ án ở Uông Bí vẫn hội đủ những yếu tố để tạo nên sự căm ghét của quần chúng: giết người, cướp của, nạn nhân là người thân, và bị cáo giết người trong tình trạng phê ma túy đá. Báo chí nhanh chóng chạy những dòng tít nói về bài học cảnh tỉnh cho những ai phê ma túy, và cộng đồng được dịp than thở về đạo đức xã hội xuống cấp.
Hôm phiên tòa diễn ra, báo chí vẫn làm tốt vai trò khơi gợi lòng căm ghét của xã hội bằng cách miêu tả cặn kẽ từng cử động trên mỗi mm gương mặt bị cáo.
“Bị cáo bình thản khi nghe án tử hình”, “bị cáo bình thản ngặm vú nhựa (thật ra là dụng cụ chống cắn lưỡi – bị cáo khai anh bị ám ảnh vì tội ác mình gây ra và đã nghĩ đến việc quyên sinh)”, “bị cáo nhếch mép cười khi nghe tuyên án tử“.
Tất cả những hình ảnh đó tương phản với nỗi thống khổ của gia đình nạn nhân (mà đau xót thay cũng là gia đình bị cáo). Báo chí cũng không quên tường thuật sự đay nghiến của chồng nạn nhân, rằng ông nghĩ “án tử hình là quá nhẹ” cho hắn. Một người thân khác của nạn nhân thì mong rằng “[bị cáo] phải chịu cực hình suốt đời“. Án tử hình bỗng chốc trở thành một hình phạt quá sức nhân văn cho kẻ thủ ác.
Nhưng ai cũng thừa nhận rằng, vết thương trong lòng gia đình nạn nhân sẽ chỉ nguôi ngoai đi phần nào. Còn nạn nhân thì mãi không thể sống lại được, chỉ có cơn say máu và khát vọng trả thù là bao trùm phiên xử.
Không ai nói về sự tha thứ. Không ai dám nói về sự tha thứ.
Trong những vụ án có án tử hình, báo chí ít khi nào khai thác sự ăn năn, hối cải của bị cáo, hay sự tha thứ của gia đình nạn nhân dành cho kẻ thủ ác. Còn nhớ, khi những bị cáo ở Bình Phước cúi đầu xin gia đình nạn nhân tha tội chết, báo chí vẫn kịp bắt lại những “cặp mắt trắng dã“, những “điệu cười khó hiểu” của bị cáo.
Khi Lê Văn Luyện bước ra vành móng ngựa và mọi người biết rằng không thể tử hình y được, những tình tiết về đời tư và sự sỉ nhục cá nhân y được khai thác để nguôi lòng mọi người. Án tử hình hóa ra không phải để ngăn ngừa điều gì như ai đó lầm tưởng mà là để xoa dịu xã hội.
Tôi quan tâm hơn đến thân phận kẻ thủ ác. Trước vành móng ngựa, nhân phẩm của bị cáo không còn bao nhiêu. Nhân phẩm ở đây tức là quyền con người. Nhiều người nghĩ rằng bị cáo xứng đáng bị như vậy vì hắn là kẻ ác, hắn đã gieo rắc tai ương cho xã hội. Nhưng xét cho cùng, ít ai trở nên ác một cách tự nhiên. Tính cách, bản thiện của con người xoay vần vì hoàn cảnh và môi trường xã hội. Hình phạt lẽ ra là để cải tạo và nỗ lực hướng thiện cho một con người lầm lỗi thì nay lại tiếp tục được dùng để trừng phạt và trả thù cho đám đông.
Làm thế nào để cảm hóa một kẻ sát nhân?  Tôi nhớ đến câu chuyện của phiên xử Gary Ridgway. Ridgway được mệnh danh là “sát nhân sông Xanh” (Green River Killer), kẻ đã gây ra vụ giết người hàng loạt đau lòng nhất nước Mỹ. Hắn bị buộc tội sát hại ít nhất 49 nạn nhân nữ và hãm hiếp thi thể của họ, người trẻ nhất có thể chỉ mới 12 tuổi. Hắn thú nhận xem việc giết phụ nữ là một “công việc”.
Tại phiên tòa xử Ridgway, người nhà các nạn nhân được mời phát biểu lời sau cùng. Hầu hết đều nguyền rủa hắn cho đến chết, có người còn cầu cho hắn không đầu thai kiếp sau. Tất cả đều dễ hiểu, vết thương trong lòng là quá lớn, đặc biệt là khi phản ứng lại với những lời này là một gương mặt bình thản, không cảm xúc của Ridgway.
Nhưng rồi, một người đàn ông xuất hiện tại phiên tòa. Tên ông là Robert Rule. Mái tóc ông bạc trắng, ông là bố của một nạn nhân bị hắn sát hại năm cô 16 tuổi. Giọng run rẩy, ông như kìm lại tiếng khóc và nói vào micro đặt tại phiên tòa:
–  Ông Ridgway ạ, có rất nhiều người ở đây căm thù ông… Nhưng tôi không căm thù ông. Ông đã khiến tôi khó có thể sống đúng như những gì tôi hằng tin tưởng, là những gì Chúa trời đã răn dạy tôi: đó là tha thứ. Nhưng ông Ridgway ạ, ông được tha thứ.
Lần đầu tiên, người ta thấy được một thứ hiếm hoi trên khuôn mặt “kẻ sát nhân máu lạnh” Ridgway, đó là “nước mắt”. Hắn khóc, và chúng ta nhận ra, hắn vẫn là con người – như chúng ta.
Những người ủng hộ án tử hình lẫn những người phản đối án tử hình đều mong muốn xã hội tốt đẹp hơn. Nhưng tôi không biết những người ủng hộ họ tin vào điều gì, còn tôi tin rằng “cái ác chỉ có thể bị chinh phục bởi tình yêu thương.”

Có tình thương sẽ bớt đi cái ác
Trong thời đại ngày nay con người đã ý thức được việc trau dồi nhân cách và trí tuệ, nhưng ở đâu đó cái ác vẫn tồn tại len lỏi trong phẩm chất dẫn đến nhiều hậu quả đau lòng xảy ra.
Hồi chuông cảnh báo về vấn đề đạo đức trong từng con người đang được gióng lên mạnh mẽ qua các con chữ đau buồn nằm dài trên các trang báo về những cái ác đang diễn ra hàng ngày quanh chúng ta.
Mới đây, một câu chuyện khiến dư luận rùng mình khi cái ác nằm ngay trong chính trái tim một người phụ nữ. Cái nghèo khó đã đè nặng lên vai chị, người chồng lại công tác xa bởi đồng tiền bát gạo, sự thông cảm nhẫn nhịn của hai vợ chồng có lẽ đã cạn kiệt. Mâu thuẫn gia đình đã đẩy lên đỉnh điểm khiến chị uất ức, mất khôn vứt đứa con 3 tháng tuổi của mình xuống giếng. Một sinh linh bé nhỏ vừa cất tiếng khóc đã phải từ dã cuộc đời này bởi chính người mẹ ruột của mình không có tình mẫu tử.
Cái ác lại lặp lại trong nhân phẩm người phụ nữ tại tỉnh Thái Nguyên. Một hành vi mà nhắm mắt người ta cũng không thể tưởng tượng nổi đó là hành vi của một con người, huống chi là một người đàn bà. Chồng chị đã phạm lầm lỗi với một người phụ nữ khác và dẫn đến hậu quả có con riêng. Và tình yêu của chị dành cho người chồng không có chỗ cho lòng vị tha, bao dung và độ lượng với kết quả sai lầm của chồng gây ra. Lại một sinh linh nữa chịu hậu quả đau đớn khi chị dùng kim đâm vào đầu đứa bé con riêng này.
Để giảm bớt tội ác cần trau dồi đạo đức cá nhân ngay từ thơ ấu. Ảnh: tinypic.com
Những mảnh đời nghèo túng, cơ cực quả là quá sức đối với nhiều người phụ nữ này. Nhưng từ thời phong kiến xa xưa, người phụ nữ Việt Nam đã phải chịu đựng sự gian nan vất vả, chịu nhiều thiệt thòi không được học hành, hiểu biết xã hội nhiều hơn gấp trăm lần thời nay mà họ vẫn chịu đựng và vươn lên nuôi dưỡng chồng con bằng tấm lòng nhân hậu, đức hi sinh lớn lao của mình. Có lẽ, cái nghèo, sự cùng quẫn không phải là lí do chính để biện minh cho cái ác của họ. Mà nguyên nhân dẫn đến hành động đó là họ không có tình thương.
Đáng buồn hơn là cái ác diễn ra nhiều nơi trên cả nước. Và vì không có tình thương nên cái ác tồn tại và phát triển mạnh mẽ trong cá nhân, gia đình hiện nay dẫn đến nhiều tội lỗi khác như con giết cha, cậu chặt ngón tay cháu mình. Cậu con trai 18 tuổi ở tỉnh Hải Dương vừa bị tuyên án tử hình vì đã giết bố đẻ của mình. Chỉ vì một lí do là cậu chơi điện tử về muộn và bị bố mắng. Tỉnh Vĩnh Long cách đây không lâu người ta lại đọc trên báo câu chuyện người chú đã chặt đứt ngón tay của cháu gái 14 tuổi của mình khi biết cháu có hành vi ăn trộm trứng vịt của nhà hàng xóm...
Có lẽ thời xưa xã hội cũng vẫn tồn tại cái ác như thế này, nhưng rõ ràng những năm gần đây, khi các kênh truyền thông công khai thông tin đến với người dân thì xã hội có phần hoang mang và lo sợ hơn.
Hầu như những tội ác gây ra đều thuộc về phạm trù đạo đức của con người. Suy ngẫm nguyên nhân dẫn đến những hành vi đó dường như xã hội ngày nay, ở trong trường học hay các buổi thảo luận, tọa đàm ngoài xã hội....đang quá chú ý đến những cái gọi là chuẩn mực đạo đức xã hội, nhưng có phần lãng quên đi giá trị đạo đức cá nhân trong cộng đồng. Do đó, cái ác mới vẫn còn tồn tại len lỏi trong ngóc ngách một số người hiện nay.
Môn học dạy về đạo đức đã được đưa vào giảng dạy cho chúng ta từ thời thơ bé. Bậc mầm non là môn lễ giáo, bậc tiểu học là môn Đạo đức, và bậc trung học là môn Giáo dục công dân. Nghe tên gọi bộ môn to tát, và dường như chương trình dạy là những điều lớn lao như ở khối Trung học là các khái niệm triết học, duy vật biện chứng, phủ định siêu hình, kinh tế vĩ mô, pháp luật....
Nhưng có một điều nghe tưởng như "biết rồi khổ lắm nói mãi", tưởng là "tầm thường" mà lại khó thực hiện và rất quan trọng cho hành trang nhân cách của các em bước vào đời, là cần truyền dạy cho các em phải có lòng thương, tình thương người. Đó là một trong những giá trị đạo đức cơ bản của một cá nhân con người. Trong gia đình bố mẹ cần có trách nhiệm trau dồi đạo đức cá nhân cho con mình. Và ở nhà trường, cần giảng dạy kĩ lưỡng đạo đức cá nhân với các em học sinh.
Thầy Lê Trương Sáng, Hiệu trưởng trường Nguyễn Văn Tố, quận 10 Tp.HCM cũng bày tỏ quan điểm: "GDCD là môn học nòng cốt, chương trình chúng ta có đủ các bài học về lòng bác ái, sự yêu thương nhưng không thấm vào đâu, không ấn tượng gì mấy đến đứa trẻ. Trong khi đó, hằng ngày mở mắt ra, trẻ thấy cảnh ăn chơi, thấy cái xấu, cái ác, chuyện bạc tiền, chủ nghĩa cá nhân nhan nhản trước mắt. Trẻ ngày nay năng động, sáng tạo hơn nhiều so với thế hệ trước nhưng cũng bàng quan, thờ ơ, vô tâm, vô cảm, ít có sự quan tâm đến người khác so với các thế hệ trước. Vì vậy theo tôi, nên giáo dục đạo đức HS bằng những điều gần gũi nhất: yêu cha, thương mẹ, kính thầy, mến bạn".
Bên cạnh đó, vai trò truyền thông báo chí cũng cần góp phần trách nhiệm làm giảm cái ác trong xã hội hiện nay, đó là tuyên truyền tôn vinh những giá trị đạo đức cá nhân hàng ngày hàng giờ làm việc từ thiện, đóng góp công sức lao động cho xã hội. Những tấm gương dù sống trong hoàn cảnh nghèo khó nhưng vẫn tràn đầy tình thương yêu với gia đình và những người xung quanh....sẽ là động lực thúc đẩy, khơi dậy tính lương thiện, lòng thương trong mỗi cá nhân con người. Có như vậy xã hội sẽ bớt tồn tại những cái ác hơn.
Lan Anh (Tuần Việt Nam)

Phía sau tội ác rợn người của kẻ tạt axit hàng loạt

 - “Dũng đã giết chết cuộc sống của con, cướp đi tương lai của con, thà Dũng giết chết con một lần rồi thôi, giờ thế này đến bao giờ con mới có lại được cuộc sống như xưa?...”, kéo chiếc khẩu trang che nửa mặt để lộ sự tàn phá kinh hoàng của axít, nạn nhân thốt lên từng lời đau đớn.
TAND TP.HCM vừa mở phiên sơ thẩm xét xử vụ án “giết người”, “cố ý gây thương tích” do bị cáo Nguyễn Văn Dũng (SN 1983, Bến Tre) thực hiện.
Tạt axít 7 người
Theo cáo trạng, năm 2009, Dũng quen biết với ông Hồng Văn Tài và những người thân của ông Tài, trong đó có Hồng Kim Huôi (SN 1990, quê Kiên Giang). Quá trình Huôi theo học ở TP.HCM, Dũng thường liên lạc và đem lòng yêu đơn phương cô gái trẻ.
Năm 2011, Dũng bày tỏ tình cảm nhưng bị Huôi từ chối. Bị khước từ tình cảm, Dũng theo dõi và phát hiện Huôi có bạn trai là anh Đ.M.T. Từ đó, Dũng thường xuyên gọi điện và nhắn tin chửi mắng, hăm dọa sẽ tạt mực, sơn, axit đối với Huôi. Bị đe dọa nhiều lần, chị Huôi làm đơn tố cáo đến Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an TP.HCM. Trong khi cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, xác minh đơn thư, để tránh việc bị Dũng tiếp tục quấy rối Huôi quyết định xin rút đơn, đổi số điện thoại và chuẩn bị kết hôn với anh T.
Khoảng 12h30p ngày 3/11/2013, tại trước nhà số 127 Nguyễn Văn Cừ (quận 5, TP.HCM), khi chị Huôi đang chào chị Tăng Thúy Hà để về quê ở Phú Quốc chuẩn bị làm đám hỏi thì bị Dũng lao tới dùng ca axit tạt thẳng vào người. Lúc này, các chị em của chị Huôi gồm H.K.Tr., H.K.L., Đ.H.T. đang đứng cạnh đó nên cũng bị axit làm bỏng.
Sau khi tạt vào Huôi, Dũng quăng chiếc ca đi thì lượng axít còn lại văng trúng gây thương tích cho chị Tăng Thúy Hà và 2 con của chị. Nghe tiếng tri hô, quần chúng nhân dân truy đuổi bắt được Dũng giao cho cơ quan công an xử lý.
Theo kết quả giám định, nạn nhân Hồng Kim Huôi bị bỏng độ II, III rải rác khắp cơ thể gồm vùng đầu, mặt, cổ ngực và tứ chi. Vùng mặt bị ảnh hưởng thẩm mỹ, bỏng kết mạc nên mắt trái hiện nhìn mờ, tỷ lệ thương tật 44%. Đối với nạn nhân Tăng Thúy Hà, chị cũng mang thương tích rải rác khắp cơ thể, mắt phải của chị bị hỏng do không thể mở ra được nữa, tỷ lệ thương tật 55%. Năm nạn nhân còn lại tỷ lệ thương tích từ 1 đến 10%.
Phía sau tội ác rợn người của kẻ tạt axit hàng loạt
Bị cáo trong giờ nghị án.
Quá trình điều tra cũng như tại tòa, Dũng thừa nhận hành vi gây án. Tuy nhiên, kẻ thủ ác cho rằng trước đây giữa mình và chị Huôi có thời gian yêu nhau, chị Huôi từng gọi điện cho Dũng hỏi mượn tiền nhiều lần trong đó có một lần lấy 28 triệu đồng nhưng không trả. Sau này, Dũng phát hiện Huôi yêu anh T. và lợi dụng mình nên mới đòi tiền. Khi nạn nhân không trả, hắn lên hăm dọa, lên kế hoạch tạt mực, tạt axít.
“Em chỉ cần nói đúng sự thật…”
Suốt phiên tòa, nghe những lời khai trên, nạn nhân Huôi bật khóc. Ngồi trên băng ghế người bị hại với chiếc khẩu trang và mái tóc che kín mặt, khi được tòa mời lên thẩm vấn, cô gái trẻ khẳng chưa bao giờ có tình cảm với Dũng.
“Dũng chỉ là bạn của cô và chú của con. Dũng nói không đúng sự thật. Thứ nhất, con và Dũng không hề có quan hệ tình cảm gì. Thứ 2, Dũng làm thuê với mức lương 3 triệu đồng/tháng (Dũng khai tại tòa – pv) tiền đâu mà Dũng cho con mượn nhiều lần? Thứ 3, nhà con dư sức lo cho con, không có chuyện con hỏi vay tiền Dũng”…, nước mắt chảy tràn trên gương mặt còn chằng chịt những vết sẹo do axít gây ra, nạn nhân Huôi bức xúc trình bày.
Giờ nghị án, Huôi tâm sự mình từng tốt nghiệp khoa ngoại ngữ ở một trường đại học tại TP.HCM. Cô và anh T. đã quen nhau 4 năm, chuẩn bị làm đám cưới. Hôm xảy ra vụ án, cô và các em đang chuẩn bị bắt taxi ra sân bay để về Phú Quốc làm đám hỏi. Thế nhưng…Tội ác của Dũng đã phá tan bao dự định, phá tan hạnh phúc của cô.
“Em có hận Dũng không?” – “Không, giờ đây hận có được gì đâu chị? Hận thù chỉ mang thêm cái khổ cho mình. Thế nhưng em chỉ cần Dũng nói cho đúng sự thật. Khi vụ án mới xảy ra, một số bài báo nói rằng em quan hệ tình cảm với Dũng, lợi dụng Dũng…Họ nghe theo lời Dũng viết những điều vô tâm lắm! Em nằm trên giường bệnh đối diện với bao đau đớn về thể xác nhưng em vẫn phải chịu những lời lẽ oan ức ấy, nếu không có sự động viên của người thân thì em đã chết”, cô gái chia sẻ.
Kéo chiếc khẩu trang và mái tóc đang che kín bên má trái, Huôi cho chúng tôi xem những vết thương trên mặt, trên cổ. Huôi cho biết đã trải qua 10 lần phẫu thuật, cắt thịt ở lưng đưa lên mặt, cắt thịt ở chân đắp lên lưng…bao lần tưởng chết đi sống lại. Cha mẹ Huôi kinh doanh nên kinh tế gia đình tương đối ổn định, từ ngày xảy ra vụ án cha mẹ đã phải chi gần 1 tỷ cho các cuộc phẫu thuật và điều trị.
Nói rồi Huôi kéo tay áo và vén cổ áo lên, những vết sẹo loang lổ, nhăn nhúm vằn vện…hiện ra khiến những người có mặt không khỏi bàng khoảng. Sự tàn phá của axít quá đỗi khủng khiếp! Có lẽ chính vì vậy nên khi luật sư bào chữa cho Dũng nói rằng bị cáo không phạm tội giết người, Huôi thốt lên bức xúc: “Dũng đã giết chết cuộc sống của con, cướp đi tương lai của con, thà Dũng giết con một lần rồi thôi, giờ thế này đến bao giờ con mới có lại được cuộc sống như xưa?...”.
Nghe những câu nói ấy, mẹ anh Tr. đưa tay vỗ về cô gái. Dù Huôi và con trai bà chưa làm đám cưới nhưng từ ngày vụ án xảy ra bà vẫn thường xuyên lui tới, động viên Huôi hãy cố lên đối diện với 10 ca phẫu thuật còn lại rồi mọi chuyện sẽ tốt đẹp như xưa. Mẹ anh Tr. cũng tâm sự trước đây tình cảm giữa Huôi và con trai bà rất tốt, chuyện Dũng đem lòng yêu đơn phương rồi nhắn tin hăm dọa Huôi và cả anh Tr. hai bên gia đình đều biết nhưng không ngờ xảy ra sự việc.
Ngồi cạnh Huôi, anh Tr. không nói một lời, chỉ có ánh mặt đầy cảm thương dành cho bạn gái. Khi được hỏi về chuyện tình cảm, giọng Huôi đầy chua xót: “Giờ em thế này rồi sao người ta còn dám cưới? Anh ấy đã có bạn gái khác rồi, em đâu dám nghĩ tới chuyện đó nữa, em chỉ biết cố gắng vì những người thân, vì bố mẹ đã phải lo cho em quá nhiều…”
Sau khi xem xét, HĐXX nhận định hành vi phạm tội của Dũng đặc biệt nghiêm trọng, bị cáo phạm tội có chủ mưu, tính toán kỹ trước khi gây án, bị cáo phạm tội với động cơ đê hèn, phạm tội với nhiều người, bị cáo sử dụng axít đậm đặc gây ra bao đau đớn về thể chất và tinh thần cho nạn nhân nên cần xử lý nghiêm.
Tuy nhiên, xét thấy bị cáo phạm tội lần đầu, nhân thân chưa tiền án tiền sự, trình độ văn hóa thấp nên cần xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt. Từ đó, tòa tuyên phạt Dũng 16 năm tù về tội “giết người”, 10 năm tù về tội “cố ý gây thương tích”, tổng hợp hình phạt là 26 năm tù.
M.Phượng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét