Thứ Hai, 25 tháng 2, 2019

CÒN ĐÓ TÌNH THƯƠNG 17

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Để gió cuốn đi - Khánh Ly
 
Tận mắt thấy 'giang hồ' làm khó anh Cường 3 Cu phát cơm từ thiện cho bệnh nhân nghèo
(GLO) Sẵn sàng sẻ chia yêu thương và luôn tâm niệm “Hạnh phúc là cho đi và sẽ còn mãi”, thời gian qua, Câu lạc bộ từ thiện Ánh Từ Quang (huyện Đức Cơ, Gia Lai) đã trở thành địa chỉ kết nối những trái tim yêu thương tới những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân nghèo, trẻ em thiếu may mắn… góp phần giúp họ vơi bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Các thành viên Câu lạc bộ từ thiện Ánh Từ Quang chuẩn bị những suất cơm cho bệnh nhân. Ảnh: N.S
Các thành viên Câu lạc bộ từ thiện Ánh Từ Quang chuẩn bị những suất cơm phát cho bệnh nhân. Ảnh: N.S
Dù đã triển khai nhiều hoạt động từ thiện từ trước đó nhưng đến ngày 13-3-2018, Câu lạc bộ từ thiện Ánh Từ Quang mới chính thức được thành lập. Cố vấn Ban điều hành và chủ nhiệm câu lạc bộ là Đại Đức Thích Nhuận Đạo-Trưởng ban Trị sự Phật giáo huyện Đức Cơ, Trụ trì chùa Từ Quang (thị trấn Chư Ty). Câu lạc bộ từ thiện Ánh Từ Quang là tổ chức gồm nhiều thành viên với nhiều thành phần, lứa tuổi, nghề nghiệp, mơ ước khác nhau. Nhưng ở họ có chung một tấm lòng thiện nguyện, hướng thiện. Bằng tấm lòng bao dung đồng cảm, các tình nguyện viên tham gia Câu lạc bộ không chỉ trực tiếp đóng góp công sức, tiền của mà còn tích cực huy động sự ủng hộ từ các nhà hảo tâm với mong muốn góp sức lực, tiền bạc, tình yêu thương của mình để giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn, những em nhỏ có hoàn cảnh gia đình khó khăn, những người già neo đơn thêm động lực vươn lên trong cuộc sống, những người đang mang trong mình bệnh hiểm nghèo thêm phần yêu đời, hy vọng vào điều kỳ diệu phía trước.

Chị Lê Thị Thu Thanh-tình nguyện viên Câu lạc bộ từ thiện Ánh Từ Quang, tâm sự: “Tất cả mọi người trong nhóm đều có hoàn cảnh kinh tế bình thường, cuộc sống còn nhiều khó khăn… Tuy nhiên, chúng tôi đều có chung một tấm lòng là muốn sẻ chia, mong muốn giúp những người bệnh, trẻ em nghèo, người già neo đơn bớt đi phần nào nỗi đau bệnh tật, sự thiếu vắng tình thương. Mỗi suất cơm, bữa cháo, phần quà không đáng giá bao nhiêu với những người có điều kiện, nhưng với các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân trong lúc hoạn nạn là quý giá. Nó không chỉ san sẻ khó khăn vật chất mà còn động viên tinh thần rất lớn cho các bệnh nhân”.

Hơn 2 tháng nay, cứ đều đặn vào mỗi sáng thứ ba hàng tuần, các tình nguyện viên tham gia Câu lạc bộ Ánh Từ Quang lại tập trung đông đủ để cùng nhau nấu những nồi cháo thơm ngon, những ly sữa đậu nành bổ dưỡng, những suất cơm ăn miễn phí được đem đến cho bệnh nhân nghèo đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ.

Mỗi buổi hoạt động như vậy với mức chi phí từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng để có khoảng 400 suất ăn miễn phí được trao tận tay những bệnh nhân nghèo. Kinh phí để thực hiện hoạt động này được huy động từ sự ủng hộ, đóng góp của bà con phật tử và các nhà hảo tâm trên địa bàn. Bệnh nhân Rơ Lan Thu (ở làng Pang, xã Ia Lang) điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ hơn 10 ngày, chia sẻ: “Thực sự chúng tôi thấy cảm động vô cùng không chỉ vì cho chúng tôi suất cơm, hộp cháo mà là sự ân cần, sẻ chia, động viên chúng tôi trong hoàn cảnh bệnh tật của các cô, các chú trong nhóm, họ như là niềm động viên cho người bệnh chúng tôi thêm phần lạc quan, yên tâm điều trị bệnh”.
Phát cơm cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ. Ảnh: N.S
Phát cơm cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ. Ảnh: N.S
Bằng nguồn quỹ vận động được, từ khi đi vào hoạt động đến nay, ngoài việc tham gia bếp ăn từ thiện, Câu lạc bộ Ánh Từ Quang còn đi thăm hỏi, tặng quà và hỗ trợ tiền cho các gia đình khó khăn, hoạn nạn trên địa bàn huyện Đức Cơ và các tỉnh, thành như: Quảng trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam… với số tiền hơn 100 triệu đồng. Mới đây nhất, Đại đức Thích Nhuận Đạo-Trưởng ban điều hành Câu lạc bộ cùng với các nhà hảo tâm đã đi thăm hỏi và trao số tiền gần 30 triệu đồng cho 3 gia đình khó khăn ở xã Ia Nan và thị trấn Chư Ty. Cả ba trường hợp này đều là người tàn tật, gia cảnh khó khăn. Đối với họ, số tiền gần 10 triệu đồng chưa nhiều nhưng có thể giúp họ vượt qua được khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.  

Trao đổi với P.V, Đại Đức Thích Nhuận Đạo-Cố vấn Ban điều hành Câu lạc bộ từ thiện Ánh Từ Quang, cho biết: “Xuất phát từ tấm lòng nhân ái của những người con Phật, chúng tôi nhận thấy trên địa bàn huyện Đức Cơ còn rất nhiều mảnh đời bất hạnh và đặc biệt bà con dân tộc thiểu số tại địa phương là những bệnh nhân đến điều trị tại Trung tâm Y tế huyện từ các xã vùng sâu, vùng xa. Mục đích để chúng tôi thành lập Câu lạc bộ từ thiện Ánh Từ Quang với mong muốn chia sẻ một chút khó khăn với bà con, đặc biệt là các bệnh nhân đang điều trị có một bát cháo cũng như suất cơm từ thiện do các phật tử cũng như các Mạnh Thường Quân xa gần đóng góp để làm ấm lòng người bệnh cũng như những gia đình có hoàn cảnh khó khăn”.

Với những hoạt động có ý nghĩa thiết thực được triển khai trong thời gian qua, Câu lạc bộ từ thiện Ánh Từ Quang thực sự đã trở thành nơi gắn kết những tấm lòng nhân ái, là cầu nối để những sự giúp đỡ, sẻ chia của cộng đồng đến được với những hoàn cảnh khó khăn. Đó cũng là sự thể hiện truyền thống đạo lý tốt đẹp “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam.
Ngọc Sang

Những tấm lòng thiện nguyện chia sẻ yêu thương giữa Thủ đô

0 Thu Hoài

ANTD.VN - Giữa Thủ đô Hà Nội ồn ào náo nhiệt, có những bạn trẻ, có những người luôn tìm cách cho đi mà không mong được nhận lại. Đơn giản chỉ là cùng chung tay chia sẻ yêu thương.
Hà Nội đất chật người đông, công nghệ phát triển khiến con người cũng có nhiều suy nghĩ thay đổi. Nhiều khi lòng tốt đặt không đúng chỗ, khiến con người trở nên xa cách, nghi ngờ lẫn nhau. Dù vậy, vẫn có những “Mạnh Thường Quân” sắn sàng làm việc thiện, dù có thể đôi khi lòng tốt đó bị hiểu sai, bị lợi dụng. Đối với họ, việc giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình là niềm vui trong cuộc sống. Thà giúp nhầm người chứ không thể thấy thương mà không giúp, thấy chết mà không cứu.
Hàng bánh mỳ trà đá… miễn phí
Rất nhiều người qua đường ấn tượng với tủ bánh mỳ miễn phí ở số 106 Cửa Bắc, Hà Nội. Một tủ kính bánh mỳ được đặt ngay sát mép đường, ai cần thì lấy, mỗi người một chiếc thôi nhưng khiến rất nhiều người lao động không còn phải lo cái đói nếu ngày hôm ấy chẳng buôn bán, kiếm được việc gì.
Tủ bánh mỳ từ thiện và bình trà đá đề chữ “miễn phí” đã dần quen thuộc với người dân sống tại con phố Cửa Bắc hơn một năm nay.
Chị Hiền Anh, chủ nhà hàng bánh mỳ Như Nguyệt, nơi đặt tủ bánh mỳ miễn phí chia sẻ: “Nhìn nhiều hoàn cảnh khó khăn mà không giúp đỡ được, tôi cảm thấy rất khó chịu. Bởi vậy nên tôi đã quyết định làm một tủ bánh mỳ miễn phí, ai thiếu họ sẽ đến lấy, như vậy là tôi có thể giúp được tất cả những trường hợp nghèo khó mình gặp rồi”.
Trung bình mỗi ngày, chị Hiền Anh mua khoảng 50 – 60 chiếc bánh mỳ bỏ đầy tủ kính, chỉ quá buổi trưa là hết bánh. Vào ngày thứ 5 hàng tuần, nhà hàng sẽ làm bánh mỳ kẹp trứng thay vì để những chiếc bánh mỳ không. Những ngày ấy, bánh mỳ còn hết nhanh hơn.
ảnh 1
Tủ bánh mì từ thiện thường hết sau giờ nghỉ trưa. Không chỉ có bánh mì mà bà chủ còn đặt thêm một bình nước phục vụ miễn phí.
Tuy nhiên, qua một thời gian đưa vào hoạt động, chủ quán bánh mỳ từ thiện cũng cho biết: “Đề biển mỗi người chỉ lấy một ổ nhưng nhiều người vẫn lấy đến 5-6 cái, tôi cũng đã nhắc, nhưng họ đều là những người lớn tuổi nên không dám nói nhiều”. Bên cạnh một số người có hoàn cảnh khó khăn thực sự thì vẫn còn những trường hợp thiếu ý thức khiến người làm từ thiện cũng phải trăn trở.
Tủ quần áo trao – nhận tình thương
Những ngày gần đây, tủ quần áo “ai thiếu đến lấy” đã mở ra một làn sóng trong xã hội, tuy nhiên hình thức này không chỉ được triển khai ở địa chỉ 97 Nguyễn Chí Thanh mà còn được đặt ở một số nơi khác như 14 Quán Sứ, 136 Âu Cơ… Ban đầu, hầu hết các tủ quần áo từ thiện đều được đặt ở ven đường, không có người trông coi nên đến cuối ngày, quần áo bị vo thành từng đống, không khác mớ vải vụn.
ảnh 2
Tủ quần áo “ai thiếu đến lấy” trên đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội đã nhận được rất nhiều quần áo quyên góp của người dân Thủ đô.
ảnh 3
Người đến lấy đồ thường là người dân lao động nghèo, có nhiều người đến lấy quần áo cho cả con cái.
Chính vì vậy, ở địa chỉ trên đường Nguyễn Chí Thanh, nhóm thiện nguyện Trao nhận tình thương đã phải cắt cử các thành viên thay nhau túc trực, nhắc nhở người dân có ý thức hơn để lòng tốt không bị vò nát thành đồ bỏ đi.
Trao đổi với anh Trần Huy Cường, một thành viên trong nhóm xây dựng tủ đồ miễn phí chia sẻ: “Ban đầu nhóm có đề ra phương án là mỗi người sẽ chỉ được lấy 1 – 2 chiếc, nhưng sau này đưa vào thực tiễn thì thấy nhiều trường hợp họ khó khăn thực sự nên để họ lấy thêm”.
Trong khoảng 3 tuần thực hiện chương trình tủ đồ từ thiện tại đường Nguyễn Chí Thanh, anh Cường cũng cho biết: “Tôi ở đây mới thấy có trường hợp rất khổ. Mấy hôm trời mưa mà vẫn có bà cụ 80 tuổi ra đây lấy đồ cho anh con trai 53 tuổi bị bại liệt đang nằm nhà. Tuy vậy nhưng sức mình cũng có hạn, không thể giúp đỡ được tất cả mọi người, bởi vậy nên tôi hy vọng nhóm chúng tôi đã vẽ ra đầu câu chuyện thì sẽ có những người tốt khác viết tiếp câu chuyện ấy”.
ảnh 4
Tủ đồ từ thiện Tặng và Nhận trên đường Âu Cơ còn khá mới mẻ nên chưa nhận được nhiều sự ủng hộ từ nhiều phía.
Cũng là câu chuyện về tủ đồ miễn phí ở số 136 Âu Cơ, Hà Nội, chị Lê Thu Hồng, chủ của tủ đồ này chia sẻ: “Trong cuộc sống có nhiều hoàn cảnh khó khăn lắm mà mình không biết được, những ai biết thì tôi đã giúp họ rồi, còn những ai tôi không biết thì đành để tủ đồ miễn phí này thay tôi trao tình thương tới họ”.
Tủ đồ của chị Hồng cũng đã đưa vào hoạt động được khoảng 4 tháng, còn khá mới, chưa tiếp cận được nhiều người, chủ yếu là người dân xung quanh và những người quen biết đóng góp quần áo, bởi vậy nên quần áo còn ít, không đa dạng như những nơi khác.
ảnh 5
Ở đây chủ yếu là người già và những người gánh hàng rong ghé vào lựa quần áo, ít có trẻ con hay nam giới.
Ông Tưởng, một người dân lao động quê ở tỉnh Thanh Hóa, hiện đang thuê trọ tại phố Yên Lãng, Hà Nội, cũng đến lựa độ nhưng rồi lại đặt lại, ông nói: “Tôi tuy nghèo thật nhưng mà đồ vừa thì tôi mới lấy, cái gì không vừa tôi để lại/ Lấy mang về mà không mặc tới thì phí lắm”.
ảnh 6
Bạn Tuấn Anh, sinh viên năm cuối khoa Kế toán, Đại học Nông nghiệp, đi quãng đường khá xa từ Gia Lâm sang để quyên góp quần áo không dùng tới. Tuấn Anh nói: “Sinh viên cũng không dư dả lắm nhưng tôi biết còn nhiều trường hợp khó khăn hơn mình nên muốn giúp đỡ họ”.
ảnh 7
Có một số cá nhân có điều kiện cũng đến để quyên góp nhiều bao tải quần áo.
Trong cuộc sống, ngay giữa Hà Nội, vẫn còn những tấm lòng tốt, họ trao đi nhưng không mong nhận lại. Được làm việc thiện đó là niềm vui rồi. Hy vọng việc sẻ chia yêu thương của họ sẽ được lan tỏa trong tương lai.

Những tấm lòng thiện nguyện đến từ TP. Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 06-07-2018, 10:00 - Lượt truy cập: 694
(GLO)- Vượt hơn 500 cây số, đoàn thiện nguyện đến từ TP. Hồ Chí Minh vừa tận tay trao những món quà nghĩa tình đến hộ nghèo, hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, giáo viên, học sinh, bệnh nhân phong ở huyện Ia Grai và huyện Chư Sê với tổng trị giá 300 triệu đồng.

Những món quà không chỉ mang ý nghĩa giá trị vật chất, san sẻ phần nào khó khăn với bà con nghèo nơi đây mà còn là nguồn động viên tinh thần giúp họ có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống.
Chia ngọt sẻ bùi
Đoàn thiện nguyện tặng quà cho hộ nghèo tại xã Ia Chía (huyện Ia Grai).    Ảnh: H.L
Đoàn thiện nguyện tặng quà cho hộ nghèo tại xã Ia Chía (huyện Ia Grai). Ảnh: H.L
Trời Gia Lai đổ cơn mưa nặng hạt ngay từ sáng sớm. Xuất phát từ chiều muộn hôm trước, 5 giờ sáng hôm sau, đoàn cán bộ hưu trí, cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN), Ban Dân vận quận 6 và một số bác sĩ tình nguyện, tiểu thương, doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh đã đến Gia Lai. Nơi đầu tiên đoàn dừng chân là huyện Chư Sê. Hành trình dài, nhiều người thấm mệt nhưng tất cả đều khẩn trương bắt tay vào việc. Tại xã Kông Htok, đoàn đã có cuộc gặp gỡ thân tình, ấm áp với 262 giáo viên và học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã. “Các cháu nhỏ rất đáng yêu. Những món quà này hy vọng ít nhiều sẽ giúp các cháu chuẩn bị năm học mới tươm tất, đủ đầy hơn”-chị Lương Thanh Trúc-Chủ tịch Hội LHPN quận 6, chia sẻ.
Tiếp nối hành trình, đoàn đến với xã biên giới Ia Chía (huyện Ia Grai). Phấn khởi nhận quà từ các nhà hảo tâm, bà Rơ Mah H’Mach (80 tuổi, làng Lang) chia sẻ niềm xúc động: “Đây là lần đầu tiên tôi được nhận quà hỗ trợ nhiều như thế này. Có gạo, dầu ăn, nước mắm, đường, bột ngọt… dùng được trong vài tháng đấy. Nhà neo người, chồng và con đều đã chết hết, ruộng không có nên mình chỉ sống dựa vào sự đùm bọc của bà con và người dân trong làng. Hôm nay được các nhà hảo tâm tới cho quà, tôi rất vui”. Bà H’Mach là một trong số 200 hộ nghèo ở xã Ia Chía được nhận hỗ trợ lần này.
Dẫn theo đứa con út và 4 đứa cháu nhỏ, chị Rơ Châm Blơng (40 tuổi, cùng làng) đến trụ sở UBND xã mong được các bác sĩ tình nguyện đến từ TP. Hồ Chí Minh khám bệnh. Chị Blơng chia sẻ: “Con mình bị đau trong miệng. Mấy ngày rồi nó sốt, không ăn được gì mà mình thì không có tiền đưa con đi khám bệnh. Khi hay tin có các bác sĩ về chữa bệnh miễn phí, mình liền đưa con tới đây”. Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện cháu bị viêm họng và phát thuốc điều trị. “Bác sĩ dặn mình về cho cháu uống thuốc và súc miệng bằng nước muối pha loãng trước khi đi ngủ. Bác sĩ bảo bệnh cháu không nghiêm trọng nhưng phải vệ sinh răng miệng 2 lần/ngày để tránh tái phát”-chị Blơng nói.
Đồng hành cùng phụ nữ biên cương
Thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” theo nội dung chương trình liên tịch giữa Hội LHPN tỉnh và Hội LHPN TP. Hồ Chí Minh, trong chuyến từ thiện tại Gia Lai lần này, đoàn công tác  đã trao 768 suất quà cho hộ nghèo người dân tộc thiểu số vùng biên giới, hội viên phụ nữ nghèo, học sinh nghèo vượt khó, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn và bệnh nhân phong tại các xã: Kông Htok (huyện Chư Sê), Ia O và Ia Chía (huyện Ia Grai). Các phần quà gồm tiền mặt, gạo và các nhu yếu phẩm… Ngoài ra, các bác sĩ tình nguyện tại TP. Hồ Chí Minh cũng đã tiến hành khám và phát thuốc miễn phí cho 200 lượt người dân tại xã biên giới Ia Chía.
Ông Siu Tin-Bí thư Đảng ủy xã Ia Chía, cho biết: Toàn xã có 1.784 hộ, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 60%. Xã có 10 thôn làng, số hộ nghèo chiếm 20,05%, hộ cận nghèo chiếm hơn 10%. Nhìn chung đời sống người dân còn nhiều khó khăn. “Đoàn thiện nguyện từ TP. Hồ Chí Minh đã không quản ngại đường sá xa xôi đem những phần quà trao tận tay người dân khiến chúng tôi rất cảm động. Chúng tôi trân trọng tấm lòng của các nhà hảo tâm đã chung tay cùng địa phương san sẻ khó khăn với người dân”-ông Siu Tin nói. Ia Chía cũng là địa phương được trao tặng nhiều phần quà nhất với 386 trường hợp, trong đó có 200 suất quà cho hộ nghèo, 100 suất cho học sinh nghèo, 50 suất cho giáo viên có hoàn cảnh khó khăn và 36 bệnh nhân phong.
Tại xã biên giới Ia O, Chủ tịch Hội LHPN quận 6 chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn được đồng hành cùng phụ nữ biên cương để góp phần nhỏ bé giúp đỡ các chị còn khó khăn, hy vọng rằng sẽ không ai bị bỏ lại phía sau trên hành trình phát triển”. Phát biểu trước đông đảo hội viên phụ nữ nghèo, bà Rơ Châm Dil-Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ia O, nhấn mạnh: “Chúng tôi cảm ơn sự chia sẻ, tấm lòng hảo tâm của các Mạnh Thường Quân. Tôi cũng hy vọng cùng với sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, chị em phụ nữ nghèo sẽ chủ động vươn lên, không ỷ lại, trông chờ để sớm vượt qua đói nghèo, cộng đồng trách nhiệm xây dựng gia đình phát triển và vì biên cương vững chắc”.​
Hải Lê-GLO
 


Thầy giáo trẻ với tấm lòng thiện nguyện

Đã từ nhiều năm nay, ngoài công việc giảng dạy, thầy giáo Nguyễn Quang Đại, giáo viên môn Ngữ văn, trường THPT Thanh Ba (huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) đã tích cực tổ chức các hoạt động thiện nguyện. Hoạt động đó của thầy đã phần nào chia sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong cuộc sống...
Thầy Đại (áo kẻ) trao quà cho người nghèo khi tổ chức thiện nguyện
Sau ba năm đứng trong quân ngũ, thầy giáo Nguyễn Quang Đại (sinh năm 1980) học khoa Ngữ văn, trường ĐHSP Hà Nội 2 và tốt nghiệp năm 2007. Xuất phát từ truyền thống gia đình, với tấm lòng yêu thương, đồng cảm, luôn sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, ngay từ khi là bộ đội, sinh viên, thầy Đại đã tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện do đơn vị, lớp, khoa và Đoàn trường tổ chức. Sau khi tốt nghiệp ĐHSP, thầy Đại tiếp tục tham gia các hoạt động này và đến năm 2015, hoạt động thiện nguyện mới được thầy tổ chức liên tục cho đến nay.
Với suy nghĩ, cuộc sống xung quanh mình có nhiều người, nhiều hoàn cảnh cơ cực, khó khăn, bệnh tật, nhiều em nhỏ mồ côi, nhiều người già không nơi nương tựa cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng để họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, thầy giáo Đại đã tự nguyện, tích cực tổ chức các hoạt động từ thiện tại địa phương nơi mình sống và công tác, tại các tỉnh vùng cao như: Sơn La, Hà Giang...
Thầy giáo Nguyễn Quang Đại (thứ 3 từ phải sang) trao quà cho người nghèo khi tổ chức thiện nguyện
Để các hoạt động thiện nguyện được tổ chức đúng mục đích và có ý nghĩa, trước khi tiến hành, thầy Đại đi khảo sát các đối tượng khó khăn cần sự giúp đỡ sau đó tuyên truyền, kêu gọi trực tiếp hoặc qua trang mạng xã hội để mọi người cùng chung tay giúp đỡ tinh thần, vật chất, kinh phí cho hoạt động.
Thầy Đại chia sẻ, muốn tổ chức được các hoạt động thiện nguyện, trước hết cần có tấm lòng đồng cảm, sẻ chia chân thành với những người gặp khó khăn. Người đứng ra tổ chức cần tận tình, tận tâm, chân thật thì sẽ được mọi người ủy thác. Đồng thời, khi kêu gọi mọi người cùng góp sức, góp kinh phí hay vật chất thì cần công khai rõ ràng, minh bạch và trao đến tận tay người trong diện được giúp đỡ. Từ đó nhận được sự tin tưởng của mọi người. Bản thân thầy Đại mỗi khi tổ chức thiện nguyện cũng tự nguyện trích một phần lương của mình để tổ chức.
Nhờ cách làm này, trong những năm qua, mỗi lần tổ chức thiện nguyện, thầy giáo Nguyễn Quang Đại đã được đông đảo đồng nghiệp, học sinh và các nhà hảo tâm ủng hộ bằng tinh thần và vật chất để có được những món quà giúp đỡ người nghèo. Đặc biệt, gia đình và nhà trường nơi thầy công tác rất ủng hộ việc làm của thầy Đại vì đó là những việc làm có ý nghĩa đối với cuộc sống, với những hoàn cảnh cơ nhỡ cần sự sẻ chia.
Mỗi lần tổ chức thăm hỏi, tặng quà tại các địa phương là mỗi lần để lại cho thầy giáo Nguyễn Quang Đại những trải nghiệm về cuộc sống, con người. Đặc biệt, có những kỷ niệm không thể nào quên khi thầy và bè bạn lặn lội lên vùng cao thiện nguyện. Thầy Đại kể rằng, có lần, đi đến vùng lũ Sơn La, đường đi rất nguy hiểm, xe chở nặng hơn 100 suất quà trị giá 1 triệu/suất. Bất ngờ, xe bị mất phanh trôi dốc, cả đoàn được một phen mất vía. May lần đó không xảy ra tan nạn. “Mặc dù có những chuyến đi khá nguy hiểm do đường đèo dốc nhưng lửa thiện nguyện vẫn không hề tắt mà càng tăng thêm lòng nhiệt tình và khát khao được sẻ chia” - thầy Đại nói.
Thiện nguyện để sẻ chia, để chung tay cùng cộng đồng giúp đỡ những những gia đình, những hoàn cảnh còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống là hoạt động đã và đang được toàn xã hội tổ chức ở khắp mọi nơi. Đó cũng là điều thôi thúc và trở thành lẽ sống tự nguyện của thầy giáo trẻ Nguyễn Quang Đại. Bởi lẽ, đó là những việc làm tử tế để cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn, cho mọi người gần gũi và yêu thương nhau hơn. Đó như một lẽ giản dị mà thánh thiện trong ca từ của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng...”.
Tính đến nay, nhờ liên tục tổ chức thiện nguyện hằng năm, với sự chung tay của mọi người, thầy Nguyễn Quang Đại đã giúp đỡ được gần 30 hoàn cảnh tại địa phương và các tỉnh vùng cao Hà Giang, Sơn La với số tiền gần 300 triệu đồng.
Khi hỏi về các hoạt động thiện nguyện giúp ích gì cho bản thân trong cuộc sống, công việc, đặc biệt là dạy học? Thầy Đại chia sẻ: “Tổ chức thiện nguyện bản thân mình luôn cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa, có nhiều dẫn chứng sinh động về con người, cuộc sống xung quanh để giáo dục các em học sinh biết yêu thương, biết chia sẻ với những người nghèo khổ xung quanh mình”. Thầy Đại cho biết, hè năm 2017 vừa qua, thầy có thành lập đội thiện nguyện mang tên 747 gồm 10 em học sinh nhiệt tình, đi quyên góp, chia sẻ và hoạt động khá hiệu quả tại địa phương.
Mọi hoạt động thiện nguyện do thầy Đại tổ chức đều hướng tới mục đích nhằm giúp những người nghèo khổ vơi đi một phần nhỏ khó khăn trong cuộc sống, giúp họ lạc quan hơn vì họ thấy và tin rằng xung quanh họ vẫn còn nhiều người tốt, nhiều người tử tế. Vì thế hãy vươn lên hoàn cảnh và sống có ích cho xã hội…
Nguyễn Thế Lượng (Trường THPT Hạ Hòa - Phú Thọ)

Ấm áp từ những tấm lòng thiện nguyện

Dịp này, các đơn vị đều đang chạy đua, giải quyết những công việc còn lại của năm cũ để đón chào năm mới với tâm thế mới, những CB, CNVCLĐ Công ty CP Đầu tư Xây dựng Dân dụng Hà Nội (HCCI) cũng vậy. Thế nhưng, với tấm lòng thiện nguyện, mong muốn mang một mùa xuân yêu thương đối với những hộ dân tại bản  Tà Phình 2, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La), họ đã vận động các nhà hảo tâm cùng chung tay chia sẻ, góp phần thêm cái Tết ấm nồng với người dân nơi đây.
Gói ghém yêu thương
Chương trình từ thiện “Trung thu yêu thương”
Những bát cháo nghĩa tình
Tà Phình 2 rộng 100ha, có 53 hộ với  100% dân số là người Mông, di dân tái định cư từ khu  rừng đặc dụng xã Xuân Nha về. Đời sống của bà con nơi đây còn trăm bề thiếu thốn,...
Chị Dương Khánh Huyền - Trưởng đoàn thiện nguyện, Chủ tịch Công đoàn HCCI - cho biết:Hôm lên với bà con Tả Phìn 2, tham gia chuyến đi có đủ thành phần: Công đoàn, Đoàn thanh niên, Ban nữ công, CBCNV các xí nghiệp và các cá nhân hảo tâm của các doanh nghiệp. Ai cũng mong đi thật nhanh đến nơi để sớm trao những món quà đầy tình đầy nghĩa cho bà con đón Tết thêm phần ấm áp”.
Niềm vui của những tấm lòng thiện nguyện công ty HCCI
Theo chị Huyền, mặc dù dân cư  tập trung thưa thớt trải dài trên một diện tích lớn, nhưng khi đoàn đến nơi đã thấy khoảng hơn 200 người dân tề tựu. Chúng tôi cảm nhận được những nụ cười, những ánh mắt tràn ngập niềm vui của bà con dân bản khi được khoác những tấm  áo, những khăn quàng cổ  ấm áp trong mùa đông giá lạnh…Những cái nắm tay, những lời cảm ơn chân thành… như tiếp thêm sức mạnh cho mỗi thành viên trong đoàn”.
Để có chuyến đi này, đoàn thiện nguyện của Công đoàn HCCI đã phải chuẩn bị trước từ hơn 2 tháng. Mọi người đều rất lo vì đây là lần đầu tiên công ty tiến hành đi phát quà từ thiện đến tận tay đồng bào nghèo vùng sâu, vùng xa, trong khi ít kinh nghiệm tổ chức. Nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn phát động, đoàn thiện nguyện đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ của các tập thể và cá nhân trong công ty. Trong đó, có Công ty Miwon Việt Nam ủng hộ 312 chai nước mắm 0,5 lít, Công ty CP Lương thực Bảo Minh ủng hộ 140 kg gạo…  
Chị Dương Huyền cùng các CBCNV công ty HCCI góp phần mang mùa xuân ấm áp đến với bà con Tà Phình 2.
Đặc biệt, vào các giờ nghỉ buổi trưa, các nữ CNVCLĐ HCCI đã tranh thủ đan khăn, gấp quần áo phẳng phiu để đóng gói. Ai cũng mải miết làm như muốn gửi gắm hết cả tình cảm của mình vào mỗi xuất quà. Kết quả, có gần 100 xuất quà Tết đã đến tay  mỗi hộ dân Tà Phình 2.  Mỗi  xuất quà trị giá  gần 500.000 đồng, gồm: 1 túi quần áo ấm, 4 chai nước mắm 0,5 lít, một túi gạo 2kg , một túi kẹo, một hộp bánh, khăn quàng cổ, tiền lì xì chúc Tết…
Chị  Huyền cho biết, hoạt động thiện nguyện là việc làm thường xuyên của Công đoàn HCCI. Chia sẻ với bà con Tà Phình 2 là một trong những hoạt động của Công đoàn công ty chào mừng Đại hội Công đoàn nhiệm kỳ 2016-2021 sắp tới và hướng tới kỷ niệm 45 năm thành lập công ty vào đầu năm 2017. “Trong thời khắc của mùa xuân sắp về, những món quà mà chúng tôi mang tới bà con Tà Phình 2, tuy nhỏ, nhưng đó là tấm lòng sẻ chia, là sự động viên chân thành mà chúng tôi muốn gửi tới bà con, với hy vọng góp phần  giúp bà con vượt qua được những khó khăn thiếu thốn trước mắt và hướng tới một cái tết trọn niềm vui.”- chị Huyền tâm sự.

Lan tỏa tấm lòng thiện nguyện

Bữa cơm trưa chỉ 1.000 đồng, những tủ quần áo cũ đặt ở vỉa hè để người nghèo đến lấy miễn phí, hay những suất cơm, bát cháo phát miễn phí... Tất cả những việc làm thiện nguyện ấy đã sưởi ấm tình người trong cái giá lạnh mùa đông.
Quán cơm 1.000 đồng giữa lòng Hà Nội
Chỉ 1.000 đồng, những người có hoàn cảnh khó khăn, các bạn sinh viên nghèo sẽ được thưởng thức suất cơm ngon lành với đầy đủ các món tự chọn trong một quán ăn khiến nhiều người cảm thấy ấm lòng giữa ngày đông lạnh giá của Thủ đô Hà Nội.
Những suất cơm từ thiện đặc biệt này nằm trong một quán ăn tại ngõ 120 đường Trần Bình (Hà Nội), phục vụ lao động nghèo, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vào trưa thứ 2 hàng tuần. Quán cơm có đầy đủ các món ăn tự chọn và ngon, không thua kém bất kỳ quán cơm nào khác có giá từ 20.000 - 40.000 đồng tại Hà Nội và được rất nhiều người ủng hộ. Chi phí mua đồ ăn, trả lương nhân viên... được trích một phần từ thu nhập của quán và cá nhân chủ quán.
Quán cơm từ thiện chỉ 1.000 đồng/suất là địa chỉ quen thuộc của người nghèo.
“Không gian sạch, đẹp của nhà hàng, thậm chí chúng tôi còn phục vụ miễn phí những người có hoàn cảnh khó khăn khi không có tiền. Hoặc những người trong bệnh viện hay đang lao động không đến được có thể nhờ những người đến đây mua về những suất cơm 1.000 đồng này cho họ", anh Nguyễn Anh Vũ, chủ quán cơm cho biết.
Nguyễn Minh Anh, sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo Trung ương chia sẻ: "Chúng em đến đây luôn cảm thấy thoải mái bởi tấm lòng thiện nguyện của chủ quán và nhân viên. Gia đình em có hoàn cảnh khó khăn, lên đây học chịu gánh nặng kinh tế rất lớn. Những suất ăn như thế này giúp chúng em rất nhiều và là động lực khiến chúng em phấn đấu nhiều hơn nữa".
Anh Nguyễn Văn Nam (quê Hà Nam) làm nghề xe ôm ở bến xe Mỹ Đình cho biết: “Hơn 1 năm trước tôi chở khách qua đây vô tình biết được quán này. Cơm rất ngon và sạch sẽ, nhân viên rất nhiệt tình nên thứ 2 tuần nào tôi cũng đến đây ăn”.
Chị Hoàng Thị Mai (quê Hưng Yên) làm nghề bán hoa quả dạo cho biết, sáng sớm tinh mơ chị đã chở hoa đi bán, tối mịt mới về đến phòng trọ. Bữa trưa của chị thường là chiếc bánh mì. Từ khi biết quán cơm với giá chỉ 1.000 đồng, trưa thứ 2 hàng tuần, chị đều qua ăn. “Được ăn bữa cơm ngon, sạch và đầy đủ như thế này, tôi thấy mình thật may mắn và cảm động trước tấm lòng của chủ quán. Hy vọng có nhiều quán cơm như thế này để nhiều người biết đến", chị Mai cho hay.
Bát cháo ấm miễn phí lúc 0 giờ cho người vô gia cư
Thời tiết nóng, lạnh, mưa hay khô thì những thành viên của nhóm Từ thiện chung tay S vẫn tận tâm với bát cháo tình nghĩa dành cho người vô gia cư ở Hà Nội. Trong cái giá rét thấu xương, những bát cháo ấm lúc 0 giờ càng trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Tặng cháo cho người vô gia cư trong đêm lạnh.
Từ 9 giờ tối, sau khi nhận đồ từ thiện của những tấm lòng hảo tâm tại nhà của một thành viên trong con ngõ nhỏ Bùi Ngọc Dương ( phường Thanh Nhàn, TP.Hà Nội), nhóm từ thiện chung tay S tập kết phân loại, nấu cháo và chuẩn bị những thứ cần thiết cho hành trình của đoàn. Ngoài những bát cháo ấm, đoàn tình nguyện còn dành những chai nước, thuốc men cho khoảng 100 người vô gia cư trên địa bàn TP. Hà Nội. Đây là công việc diễn ra hàng tuần của nhóm từ nhiều năm nay. Họ đi khắp các con phố, thân thuộc với người vô gia cư. Đoàn tình nguyện chia thành nhóm để đi hai cung đường khác nhau, để có thể tặng những bát cháo nóng, thuốc men, sữa, bánh mì. Không chỉ những người vô gia cư, nhóm còn tặng những lao động nghèo bát cháo ấm để họ ấm bụng làm việc trong đêm đông.
Những bát cháo nghi ngút khói xua đi cái lạnh, cái đói của những người vô gia cư. Thành viên của nhóm hầu hết là những bạn trẻ hoặc sinh viên hoặc đã đi làm đều chung tấm lòng thiện nguyện muốn giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Một cụ chia sẻ :''Tôi quê ở Thanh Hóa mới ra Hà Nội bán tăm bông. Trời lạnh, chân lại đau mỏi nên tôi không đi được nhiều, bán được ít hàng. Đêm đến được các cháu biếu bát cháo, ít thuốc thật cảm động vô cùng".
Đi tặng bát cháo cho người vô gia, nhóm tình nguyện còn dành thời gian quan tâm, trò chuyện, chia sẻ với họ những khó khăn, vất vả. Thấy được những nụ cười trên gương mặt người vô gia cư luôn là niềm hành phúc, động lực cho đoàn tình nguyện tiếp tục phát triển những hoạt động ý nghĩa.
Anh Phạm Ngọc Thành (Hội phó Từ thiện chung tay S) chia sẻ: ''Nhóm đã hoạt động được 4 năm, những người vô gia cư trên các nẻo đường chúng tôi đều biết. Thời gian nào họ ở đâu, hoàn cảnh gia đình ra sao, đau ốm bệnh tất thế nào, tất cả các thành viên trong nhóm đều nắm rõ. Hoạt động tặng cháo người vô gia cư, lao động nghèo trong đêm được Hội tổ chức thường xuyên và đều đặn, bất kể mưa rét. Giáp Tết năm trước, trời mưa giá buốt nhưng anh em vẫn đi, khi đó người vô gia cư họ xúc động lắm. Có lẽ đó cũng là những kỷ niệm mà cả đoàn không bao giờ quên''.
Một thành viên của nhóm chia sẻ: ''Em mới tham gia hoạt động cùng với nhóm được 4 tháng. Thấy được những hoạt động ý nghĩa của nhóm được lan tỏa trên mạng xã hội nên em đã quyết định tham gia. Sau những chuyến đi này tự bản thân em thay đổi, sống có ý nghĩa hơn".
Tủ quần áo “cũ người, mới ta”…
Với khẩu hiệu: “Ai thừa đến ủng hộ, ai thiếu đến lấy đi”, nhóm từ thiện gồm các bạn trẻ đã bỏ tiền túi để xây dựng tủ quần áo miễn phí dành cho người nghèo ở Hà Nội. Hành động đẹp của các bạn trẻ nhanh chóng được nhiều người ủng hộ. Đối với người nghèo được nhận những bộ quần áo ấm trong ngày đông càng thêm ý nghĩa. Tại địa điểm 97 Nguyễn Chí Thanh, một tủ quần áo được treo và gập ngăn nắp, gọn gàng với những chiếc áo khoác dạ, quần jean, quần áo rét của trẻ nhỏ cũng được đưa ra để những người nghèo lựa chọn. Không chỉ những người lớn tuổi, ngay cả những bạn sinh viên cũng đến để lựa cho mình những bộ đồ phù hợp.
Những tủ quần áo miễn phí này được nhiều người nghèo tìm đến.
Nguyễn Minh Tuấn, sinh viên Đại học Luật Hà Nội cho biết, em chọn được vài chiếc áo ấm từ tủ quần áo từ thiện này. “Đây là hành động vô cùng ý nghĩa, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái của người Việt Nam. Những bộ quần áo vẫn còn đẹp và ấm của nhiều người không dùng đến nhưng với chúng em cũng như nhiều lao động nghèo thì vẫn còn giá trị. Em gửi lời cảm ơn tới các anh chị đã nghĩ ra ý tưởng này”, Tuấn chia sẻ.
Hoàng Thị Xuân (SN 1990, quê Hải Dương) người quản lý đồng thời cũng là người tiếp nhận những cuộc gọi khi có người muốn ủng hộ quần áo cho biết: “Nhóm chúng tôi có khoảng 10 người, đa số là những người đã đi làm. Trước đây chúng tôi có vận động để giúp đỡ đồng bào vùng cao. Tuy nhiên, thấy nhiều quần áo còn mới, còn đẹp mà không biết đồng bào trên đó thích đồ gì, đồ nào họ mặc vừa, đồ nào không. Chính vì thế, chúng tôi lên ý tưởng làm các quầy hàng miễn phí này để giúp những người nghèo ở Hà Nội. Họ có thể đến đây tự chọn những món đồ mình thích và vừa vặn với bản thân mình. Với suy nghĩ đó tự mỗi thành viên bỏ tiền túi mùa đồ, đóng tủ và đã đi vào hoạt động”.
Không chỉ có vậy, Xuân cũng như những bạn trong nhóm đều có chung một suy nghĩ: “Khi còn sống hãy cố gắng làm nhiều việc thiện, việc tốt giúp đỡ mọi người. Đó cũng là cách tích đức cho con cháu sau này”. Chia sẻ về kinh phí, Xuân cho biết, thực tế chi phí để đóng tủ đựng quần áo như ở Nguyễn Chí Thanh chỉ khoảng 2,5 triệu đồng, với một người đó là khoản tiền lớn, vì thế nhóm quyết định chia theo đầu người, mỗi người vài trăm để có thể đóng được chiếc tủ đựng đồ đó. “Do chiếc tủ lớn, hơn nữa khi kéo đi kéo lại gây ảnh hưởng giao thông, nên hiện tại chúng tôi quyết định khóa cửa tủ và mua dây xích cố định luôn tại chỗ và sáng ra lại đến mở để người dân chọn đồ”, Xuân cho hay.
Nói về những khó khăn khi thực hiện ý tưởng này, Xuân cho biết: “Khó khăn nhất là địa điểm đặt tủ đồ. Vì không phải vỉa hè nào cũng đặt được, nếu đặt ở nơi có vỉa hè quá hẹp, người dân đứng chọn đồ đông sẽ gây tắc đường. Ngoài ra, kinh phí cũng như thời gian là vấn đề không ít trở ngại, vì các thành viên trong nhóm đa số là người mới đi làm và sinh viên nên kinh tế có hạn”.
Những hành động thiện nguyện của các bạn trẻ đã thắp lên niềm tin, tình yêu thương lan tỏa những hành động đẹp trong xã hội. Đâu đó trong mọi miền Tổ quốc vẫn có rất nhiều người cần sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng.
VÂN KHÁNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét