Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2019

KÝ ỨC CHÓI LỌI 110

 
Dáng Đứng Việt Nam - Trọng Tấn

-Xét được sống còn trong no đủ là mưu cầu cơ bản và ước nguyện chính đáng của mọi cuộc đời, thì sẽ phân biệt được chiến tranh phi nghĩa và chiến tranh chính nghĩa, sự phòng vệ chính đáng cũng như sự bắt buộc hạ sát lực lượng đối kháng. Và khi phải hành động xả thân vì lẽ phải, con người trở nên vô cùng cao quí.
-Nhưng xét trên bình diện đánh giá sự sống là thứ quí giá nhất trên đời, thì giết chóc lẫn nhau, dù là giết chóc bắt buộc, là hành động mù quáng đích thực của con người, và chiến tranh, dù là chiến tranh chính nghĩa, thì kẻ gây chiến vẫn bị coi là kẻ loạn trí vô hạn, dù đó là sự loạn trí tự giác, nhân danh bảo vệ sự sống! 
-Đứng lên trên tất cả mà phán xét, thì:
trí tuệ siêu việt của con người hóa ra là ngu ngốc bậc nhất!
-Chân lý là đây:
Chiến tranh là mệnh lệnh tối thượng của tự nhiên mù quáng đối với trí tuệ sáng suốt của loài người: hãy giết chóc lẫn nhau!
-Mục đích của mọi cuộc chiến tranh, của mọi phía xung đột đều là cố giết chóc để dành lấy danh lợi. 
-Xét như thế mới hiểu được vì sao một dân tộc nhỏ bé, lạc hậu dám kiên quyết tiến hành chiến tranh với một siêu cường để giành lấy sự sống, thoát kiếp nô lệ.
-Và nhất là khi dân tộc đó giành được thắng lợi, thì thắng lợi đó được coi là của thần thánh.
-Như vậy, muốn không còn chiến tranh nữa, con người thực sự phải biết tôn sùng cuộc sống, ghê tởm giết chóc, coi cuộc sống là thứ tối thượng, không được xâm phạm, hoặc không còn lòng tham và tính tư hữu, hoặc trở lại lối nghĩ tăm tối như hổ báo, hoặc sáng suốt như nước, triệt tiêu hận thù!
-Nhưng hết chiến tranh rồi, xã hội loài người có hết bạo tàn, giết chóc lẫn nhau? 
-Và vô cớ tàn sát sinh linh, con người có phải là loài ác độc nhất trong muôn loài sinh vật!?
-Chiến tranh, dù có thần thánh đến mấy, thì cũng là hành động mang hơi hám của ác quỉ!
-Lịch sử loài người cho thấy, chưa có đế quốc nào, chưa có thế lực nào làm được bá chủ thế giới. Muốn làm chúa tể thế giới thì phải giết người, phải chà đạp sự sống, phải ngu xuẩn, nghĩa là phải tự hủy diệt bản thân mình trước đã! 


----------------------------------------------------------------------------
(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Lính bắn tỉa F313 Nguyễn Quang Tuệ "Đằng sau anh nó lên nhiều lắm"
  
"Đó là những trận đánh không bao giờ tôi quên được."

Chiến tranh biên giới 1979: Vệt ký ức sinh – tử của vị Đại tá giữa mưa pháo Trung Quốc

Thanh Lam |
Chiến tranh biên giới 1979: Vệt ký ức sinh – tử của vị Đại tá giữa mưa pháo Trung Quốc

Với Đại tá Nguyễn Kim Hồng, 10 năm giữa lằn ranh sinh tử của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 mãi là vệt ký ức chói sáng không thể nào quên về những tháng ngày đầy gian khổ, kiên cường của quân và dân Việt Nam để bảo vệ từng tấc đất mẹ Việt Nam anh hùng.

Buổi sáng sớm 40 năm trước, ngày 17/2/1979, Trung Quốc bất ngờ đưa hơn 600.000 quân và hàng ngàn xe tăng, khí tài quân sự ồ ạt tràn qua biên giới với mục đích tấn công 6 tỉnh phía Bắc nước ta.
Trong thời khắc non sông bị xâm phạm ấy, quân và dân ta đã anh dũng đánh trả, đứng lên bảo vệ bờ cõi non sông dù phải trải qua những đau thương, mất mát lớn vô cùng. Trong cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc, hàng nghìn người con ưu tú của đất Việt Nam anh hùng đã ngã xuống để làm nên những trang sử chói sáng của dòng dõi con lạc cháu hồng.
Những ngày tháng ác liệt ấy, vẫn mãi là vệt ký ức không thể nào quên của vị Đại tá 87 tuổi, sống tại căn nhà trong một con ngõ nhỏ nằm trên đường Hai Bà Trưng, TP. Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Những đau thương thời gian không thể xóa nhòa
Tháng Giêng năm 1947, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ "Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có súng gươm thì dùng cuốc thuổng gây gộc đánh quân thù xâm lược", cậu thiếu niên vừa tròn 15 tuổi có tên Nguyễn Kim Hồng (tên thường gọi Kim Hồng) đã xung phong lên đường tham gia đội dân quân tự vệ.
Là nhân chứng lịch sử đi qua những ngày tháng nạn đói năm 1945, nhìn dáng người gầy gò, xanh xao của cậu thiếu niên nhiệt tình nhiều cán bộ cách mạng e ngại, sợ cậu bé 15 tuổi không chịu được gian khổ, ác liệt của chiến trường. Phải mất hơn một ngày thuyết phục, cuối cùng chàng trai Kim Hồng cũng được nhận vào đội dân quân tự vệ.
Trong cuộc kháng chiến 9 năm gian khổ chống thực dân Pháp, anh bộ đội Cụ Hồ có tên Kim Hồng kinh qua nhiều vị trí. Trước cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, ông Kim Hồng đã là tham mưu trưởng kỹ thuật của quân khu II tại bộ Quốc phòng.
Ngày 17/2/1979 khi hay tin Trung Quốc đưa quân sang đánh biên giới phía Bắc ông và 6 cán bộ có kinh nghiệm chiến đấu ở chiến trường miền Nam được điều động lên khu vực tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là tỉnh Yên Bái , Lào Cai), bổ nhiệm làm tham mưu trưởng kỹ thuật của Quân khu.
Chiến tranh biên giới 1979: Vệt ký ức sinh – tử của vị Đại tá giữa mưa pháo Trung Quốc - Ảnh 1.
Đại tá Kim Hồng nhớ lại những năm tháng chiến tranh khốc liệt nơi biên giới phía Bắc bảo vệ Tổ quốc.
"Ngày 19/2 chúng tôi lên đến nơi khi đó là ở km 21 Yên Bái, đập vào mắt chúng tôi là cảnh bốn bề hoang tàn, xơ xác. Cây cối bị chặt phá, nhà cửa, giếng nước cũng bị đập phá tan hoang. Ngoài người lớn, có cả trẻ nhỏ vô tội bị giết hại dã man, xác người nằm la liệt. Sau phút lặng người vì đau xót, tôi cùng các đồng đội dằn lòng mình đi thu dọn lại chiến trường, tìm đồng đội hy sinh và những người bị thương. Đây là cảnh tượng khiến tôi ám ảnh mãi đến tận bây giờ", vị Đại tá 87 tuổi đau đáu nhớ lại ký ức về chiến trường biên giới phía Bắc.
Đại tá Kim Hồng hồi tưởng lại: "Thời điểm năm 1979, Trung Quốc chủ yếu dùng sức người là chính, họ dùng cả dân của họ để làm lá chắn cho đội quân tiến sang biên giới Việt Nam. Do địa hình các tỉnh biên giới phía Bắc chủ yếu là rừng núi, cây cối um tùm vì vậy, quân đội Trung Quốc để dân của họ đi trước cầm dao phát bờ bụi rậm, bộ đội đi sau. Khi đó, quân đội ta rơi vào hai tình thế lưỡng nan:
Một là, nếu không đánh thì sẽ bị kẻ địch giết. Hai là, nếu đánh thì sẽ làm hại đến người dân vô tội nên khi ấy chúng ta đã rất phân vân. Thế nhưng, khi địch ồ ạt tấn công, pháo bắn cấp tập, quân ta thương vong nặng nề buộc chúng ta phải lựa chọn cầm súng đánh. Chiến trường bảo vệ biên giới phía Bắc diễn ra rất ác liệt. Cứ địch chiếm thì ta lại tiến công lại, rồi quân Trung Quốc lại áp sát nã đạn pháo, cao điểm có ngày cả hai bên đánh nhau tới 5-7 lần".
Trong ký ức vị Đại tá 87 tuổi, cuộc đời nhà binh của ông chưa tham gia trận đánh nào mà quân địch lại sử dụng nhiều pháo đến như vậy. "Tôi gọi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc thời điểm đó là đại tiệc bắn pháo của Trung Quốc. Địch dùng pháo nhiều không kể xiết, thậm chí dùng cả pháo 105 bắn ầm ầm vào quân ta", ông Kim Hồng chia sẻ.
Vị Đại tá này kể tiếp: "Là tham mưu trưởng kỹ thuật, trực tiếp đảm bảo kỹ thuật cho anh em, tôi có trách nhiệm đến từng nơi diễn ra trận đánh quan sát, nắm tình hình ở đâu khó khăn về kỹ thuật thì có phân đội kỹ thuật đi theo để đảm bảo pháo, súng có thể bắn được.
Những đồng đội bị thương thì đều được chuyển về tập trung nên tôi cũng được tiếp xúc, chăm lo sức khỏe và tổ chức chôn cất cho các đồng chí đã hy sinh. Nhìn những vết thương trên cơ thể đồng đội lúc ấy tôi không còn lời nào có thể diễn tả hết được. Thế nhưng, trong những lần trò chuyện với những người bị thương, ai cũng nói sẵn sàng hy sinh, họ không sợ cái chết chỉ để hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc".
Quyết tử cho Tổ quốc
Kết thúc đợt 1, Đại tá Kim Hồng cùng đồng đội tiếp tục di chuyển lên km 12 ở Vị Xuyên – Lao Chải (Hà Giang). Tại đây, có cao điểm 1509, địch muốn chiếm đóng làm bàn đạp khống chế toàn bộ các nơi khác.
Chiến trường tại đây rất khốc liệt, khoảng 400 đồng đội của ông đã mãi mãi ngã xuống, đau xót vô cùng. Thế nhưng dù phải hy sinh nhưng chúng ta phải chấp nhận để giữ bằng được, bởi đây là cứ điểm quan trọng quyết định cục diện của cuộc chiến.
"Tại Vị Xuyên – Lao Chải, trước khi đổ bộ vào, quân đội Trung Quốc đánh vào cầu Thanh Thủy (huyện Vị Xuyên) đầu tiên. Địch dùng pháo bắn tới tấp vào trận địa, bắn vào cả những nơi mà họ nghi bộ đội ta đóng quân và bắn vào 29 cao điểm bộ đội ta đang canh giữ, nhưng Vị Xuyên là cao điểm mạnh nhất. Khi pháo bắn nhiều như vậy là quân đội ta biết rằng Trung Quốc sẽ tấn công bằng bộ binh.
Nên khi pháo bắn dồn dập, tất cả anh em xuống hầm ẩn nấp. Khi hết pháo bắn rồi thì mới ra khỏi hầm chiến đấu. Tôi còn nhớ lúc ấy ở dưới hầm mà tiếng hò hét của quân Trung Quốc ác liệt, thậm chí có cả kèn đi theo. Nhưng, bằng mọi giá, có hy sinh, đổ máu thì chúng ta phải giữ bằng được cao điểm ấy, không cho phép địch lấn chiếm và chúng ta đã giữ được cao điểm 1509 – Vị Xuyên", ông Kim Hồng hồi tưởng lại trận đánh ác liệt.
Trong quá trình tham gia chiến đấu cùng các đồng đội, Đại tá Kim Hồng vẫn còn nhớ như in về một sư đoàn 344 vô cùng đặc biệt. Sư đoàn 344 khi ấy toàn phụ nữ làm đường. Khi Trung Quốc bắt đầu đánh sang thì những nữ thanh niên xung phong rút lui, nhưng sau đó cả sư đoàn cùng quyết tâm tham gia chiến đấu. Điều này thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc, đồng lòng của quân và dân không kể già trẻ, trai, gái đều đứng lên cầm súng bảo vệ non sông Tổ quốc.
Suốt quá trình trực tiếp chỉ huy, tham mưu trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, Đại tá Kim Hồng cho hay có những kỷ niệm sâu sắc thể hiện tình cảm đồng chí đồng đội gắn kết, một lòng vì Tổ quốc, mà đến hôm nay, khi nhắc lại ông vẫn lâng lâng niềm tự hào.
"Trong quá trình tham gia chiến đấu ở Vị Xuyên – Lao Chải, trong lúc đang chỉnh sửa kỹ thuật, triển khai nhiệm vụ tôi bị đạn pháo của địch vùi dập dưới chiến hào. Khi đó, có hai chiến sĩ của sư đoàn 313 ra bới hầm lên để kéo tôi ra, nếu không tôi đã không còn sống sót đến ngày hôm nay", Đại tá Kim Hồng nhớ về giây phút mình được đồng đội cứu sống.
Chiến tranh biên giới 1979: Vệt ký ức sinh – tử của vị Đại tá giữa mưa pháo Trung Quốc - Ảnh 2.
Ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông chưa khi nào cho phép mình nghỉ ngơi, ông vẫn hăng say viết hồi ký, làm thơ…
Theo lời của Đại tá Hồng, trong cuộc chiến gian khổ, thiếu thốn đủ thứ thì mỗi ngày quân ta chỉ được ăn 2 nắm cơm, rồi lại cầm súng chiến đấu. Có nhiều đêm trên rừng mưa rét, mọi người lại cùng ra ruộng nhổ sắn mang về lùi bên bếp lửa cùng ăn.
"Lúc này, tôi mới thấm thía câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: Chia nhau một củ sắn lùi/bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng". Chúng tôi, những người lính sống với nhau bằng tình cảm gắn bó, như anh em, cha con ruột thịt và cùng sẵn sàng sinh tử trên chiến hào khi đánh giặc…
Có lẽ, đây chính là sức mạnh chiến đấu của quân đội nhân dân Việt Nam trong chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Đó là một quân đội chiến đấu vì chính nghĩa, một quân đội dưới sự lãnh đạo của Đảng, vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên của nhân dân mới làm được những việc đó", Đại tá Kim Hồng nhấn mạnh.
40 năm theo nghiệp nhà binh trải qua rất nhiều trận đánh lớn, với Đại tá Kim Hồng đó là những ngày tháng ông cùng đồng chí, đồng đội nằm giữa ranh giới sinh tử để ngày hôm nay đây được sống trong hòa bình . Tâm trí ông lúc nào cũng nhớ tới những đồng đội ngã xuống để ông và mọi người có hòa bình hôm nay.
Đại tá Kim Hồng bày tỏ: "Tôi luôn biết ơn những người đã ngã xuống để tôi được sống, nhiều khi tôi khóc khi nghĩ đến hàng ngàn anh em đã nằm lại nơi chiến trường. Kể từ khi cuộc chiến tranh ác liệt ấy kết thúc, tôi vẫn cùng những đồng chí khác tìm về nơi chiến trường xưa để thắp nén hương tưởng nhớ đến những người đồng chí đã ngã xuống, chiến trường xưa nay đã đổi khác nhưng chúng tôi dặn lòng mình không thể quên, không được phép lãng quên những ký ức hào hùng đã qua".
Kết thúc cuộc trò chuyện với chúng tôi, Đại tá Kim Hồng đọc một bài thơ mà ông vừa sáng tác như một sự tưởng nhớ về đồng chí, đồng đội nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc (17/2/1979).
"Đất nước thăng hoa
40 năm ấy đã trôi qua
Đánh đuổi xâm lăng cứu nước nhà
Đồng đội bao người nằm lại đó
Anh em mấy đứa bước đi xa
Mường Khương, Bát Xát còn nồng ấm
Phong Thổ, Vị Xuyên vẫn mặn mà
Quét sạch quân thù xây dựng nước
Cõi bờ bền vững đất thăng hoa".
theo Người đưa tin

Dư luận Trung Quốc về Chiến tranh Tháng 2 năm 1979: Một cuộc chiến vô nghĩa, trái đạo lý và thảm bại

Thu Thủy |
Dư luận Trung Quốc về Chiến tranh Tháng 2 năm 1979: Một cuộc chiến vô nghĩa, trái đạo lý và thảm bại
Nữ dân quân Cao Bằng dẫn giải tù binh Trung Quốc bị bắt

Đã 40 năm trôi qua kể từ ngày 17.2.1979, Trung Quốc huy động 60 vạn quân gồm nhiều quân đoàn chủ lực với sự yểm trợ của hàng nghìn xe tăng, trọng pháo ồ ạt mở cuộc tiến công xâm lược vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta.

Chính quyền Bắc Kinh khi đó nói, họ tiến hành cái gọi là "Chiến tranh phản kích tự vệ" để đáp trả "những hành động khiêu khích chống Trung Quốc của Việt Nam", "chi viện cuộc kháng chiến của nhân dân Campuchia"... Rằng, họ đã giành chiến thắng và cuộc chiến "phản kích tự vệ" đó đã đạt được mục đích đề ra" v.v. và v.v..
Tuy nhiên, sau 40 năm, ngày càng có nhiều người Trung Quốc hiểu biết, tôn trọng lẽ phải, nhất là các học giả và những người lính đã từng tham gia cuộc chiến tranh năm ấy nhận rõ sự thực, dũng cảm phản bác lại những điều mà họ từng ngộ nhận; công bố và phân tích về những thực tế phũ phàng của "cuộc chiến tranh vô nghĩa" trái đạo lý ấy...
"Một cuộc chiến tranh gây tranh cãi"
Dưới tiêu đề "Cựu binh tham chiến vạch ra 11 vấn đề bên trong của Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam", diễn đàn Cường quốc của báo điện tử "Nhân dân Nhật báo" (bbs1.people.com.cn) ngày 13.7.2016 đã đăng hình ảnh cô nữ du kích người Tày súng trong tay đang dẫn giải toán tù binh Trung Quốc kèm theo chú thích:
"Nữ binh Việt Nam giám sát các binh lính Trung Quốc bị bắt trong Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam năm 1979; mà đó là cả một đại đội đầu hàng tập thể".
Dưới bức ảnh, tác giả viết: "Vào tết Thanh Minh năm nay, có cựu binh từng tham gia cuộc Chiến tranh Trung – Việt năm 1979 đã bằng những điều bản thân trải qua, lật tẩy 11 vấn đề bên trong cuộc chiến đang được yêu cầu phải quên đi ấy.
Rất nhiều người lại nêu ra: tính mạng các binh sĩ chỉ có giá tiền ngang một con lợn liệu có đáng phải tham gia cuộc chiến tranh đó? Vì sao Trung Quốc đem tiền đi viện trợ nước khác ở khắp nơi mà không có những người bạn thực sự?
Trên Diễn đàn mạng Thiên Nhai (Chân trời, "Tianya.cn") có đăng bài viết của tác giả lấy nick là "Shuqinghaigui" là biên tập viên của một tòa soạn báo, từng tham gia cái gọi là "Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam".
Người này cho biết ông 16 tuổi vào lính, 19 tuổi bị thương trở thành quân nhân tàn phế, nhiều năm nay đã viết bài và đi khắp nơi đói quyền lợi hợp pháp cho các lính bị thương khi xưa.
Cựu binh này viết với giọng thương cảm: "Chúng tôi đã tuổi quá ngũ tuần, đang già đi, một số chiến hữu bắt đầu nhớ lại cuộc chiến tranh mình đã trải qua năm xưa, cũng tức là "Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam".
Cùng với thời gian qua đi, nay nhớ lại những hiện tượng kỳ quái khi đó, bỗng rút ra những kết luận mà chính bản thân cũng cảm thấy lạ lẫm".
Cựu binh này ý thức được rằng, khi mô tả liên quan đến cuộc chiến tranh sinh tử, mọi người thường thích nói quá lên. Mỗi khi đọc những bài viết kể lại cuộc chiến đó đều cảm thấy rất nhiều điều không đúng thực tế, đều tự mình thấy mình là người tự thân trải qua cuộc chiến, cần phải đứng ra nói vài điều, sửa đổi tận gốc.
Ông ta bày tỏ, tuy ông không có quyền uy, nhưng những điều ông nói đều là sự trải nghiệm, cảm nhận hoặc khảo chứng chân thực về cuộc chiến tranh ấy.
Dư luận Trung Quốc về Chiến tranh Tháng 2 năm 1979: Một cuộc chiến vô nghĩa, trái đạo lý và thảm bại - Ảnh 1.
Một nghĩa địa lính Trung Quốc bị chết trong Chiến tranh Tháng 2.1979 tại huyện Malipho, Vân Nam (Ảnh tư liệu Trung Quốc)
Sĩ quan chỉ huy chiến trường hầu như không biết tác chiến hiệp đồng binh chủng, bộ thống soái cao nhất thì chiến lược hỗn loạn.
Chiến tranh không đạt được mục đích "trừng phạt Việt Nam, phá hủy tiềm lực và tài nguyên, sát thương quân chủ lực và phá hoại chiến lược quân sự", cũng không đạt mục tiêu chiến lược chính trị "làm Việt Nam tan rã, giúp chính phủ mới thân Hoa lên cầm quyền".
Tuy nhiên mục tiêu chính trị quan trọng trong nước là giải quyết vấn đề nắm quyền chỉ huy quân đội thì đã được giải quyết thuận lợi". Tác giả này viết: "Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam là một cuộc chiến có vấn đề nghiêm trọng về cả hoạch định lẫn chỉ huy, cần phải nhìn nhận lại…"
Cuộc chiến đó thương vong quá nhiều. Quân đội ta (tức Trung Quốc) không thể hiện được ưu thế về trang bị và chiến thuật; hệ thống hậu cần và tiếp tế hỗn loạn, thiếu sự hiệp đồng giữa bộ binh - xe tăng và mặt đất - trên không, không quân và tên lửa chiến lược không tham chiến. Vũ khí nhẹ quân lính sử dụng quá cũ, không thực hiện được áp chế hỏa lực…
Tác giả "Shuqinghaigui" nêu lên "11 vấn đề bên trong cuộc chiến tranh cần được làm sáng tỏ", bao gồm:
"1. Về nguyên nhân gây chiến tranh, đến nay vẫn chưa được giải thích công khai, chính thức và khiến người ta tin phục.
Thậm chí tướng Trương Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến/Tổng bộ Tham mưu (con trai nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Trương Ái Bình) cũng thừa nhận trong hai cuốn sách của ông "Đi ra từ chiến tranh" và "Đặc công cuối cùng náu mình ở Đại lục": về nguyên nhân của cuộc chiến tranh ấy, ngay Bộ trưởng Quốc phòng khi đó cũng không rõ vì sao phải tiến hành.
2. Mục đích chiến lược cơ bản không đạt được. Trong cuộc chiến tranh đó, chúng ta chiếm ưu thế tuyệt đối cả về binh lực lẫn hỏa lực, nhưng chúng ta không đạt được mục đích chiến lược là tiêu diệt 2 sư đoàn chủ lực 316A và 316B của Việt Nam.
3. Trang bị tiên tiến chỉ để trưng bày. Khi đó ta có các trang bị hiện đại máy bay, xe tăng, tên lửa, nhưng do những người chỉ huy không biết tác chiến hiệp đồng nên các trang bị đó trở thành đồ trang trí.
Vốn ra một chiếc máy bay có thể giải quyết được vấn đề phong tỏa, nhưng phải dùng đến cả trung đoàn bộ binh, đi ngược lại quan niệm giá trị trong chiến tranh.
4. Bảo đảm hậu cần cực kỳ kém cỏi. Tôi (tác giả) bị thương ngày 19.2, nhưng mãi tới ngày 27.2 mới được chữa chạy bài bản, trong suốt thời gian đó chỉ được cho uống 1 viên Sulfonamide tác dụng chậm khiến vết thương nhiễm trùng, buộc phải tháo bỏ ngón chân cái ở chân trái.
Nhiều thương binh do chưa được học cách sơ cứu đơn giản đã bị đưa ra chiến trường nên sau khi bị thương vì mìn, không biết cách cầm máu đã bị chết vì chảy kiệt máu. Một thương binh trước khi chết còn nắm tay tôi chửi rủa "Bọn quân y chó má, chết mẹ chúng nó đi!".
Dư luận Trung Quốc về Chiến tranh Tháng 2 năm 1979: Một cuộc chiến vô nghĩa, trái đạo lý và thảm bại - Ảnh 2.
Chiến tranh đã mang lại nỗi đau mất con cho hàng vạn bà mẹ Trung Quốc (Ảnh tư liệu Trung Quốc )

5. Tấn công không có bài bản. Vừa khai chiến, bộ đội đã ào ạt kéo lên. Khi tôi (tác giả) ở điểm cao 796, nhìn xa nhìn gần, khắp mặt đất toàn là lính ta.
Khi đó tôi đã phẫn nộ nói với Tham mưu trưởng: "Vào trong xóm tìm một đứa trẻ cũng không chỉ huy tồi như thế". Một quả pháo, một loạt đạn của đối phương cũng quét sạch cả một mảng lớn lính ta.
6. Pháo nhỏ bắn bừa, pháo lớn thì hạn chế. Hỏa lực pháo đi kèm bắn không hạn chế đạn, các loại trọng pháo 152 ly và 130 ly thì đều hạn chế, có lúc phải được Tổng bộ tham mưu phê chuẩn mới được bắn, nhưng lính thì tung không hạn chế.
7. Hiện tượng tự thương trên chiến trường liên tiếp xảy ra. Để trốn tránh đi đánh nhau, một số binh lính sau khi vượt biên "đánh kẻ xâm lược" đã tự bắn vào chân mình.
8. Mức tiền trợ cấp cho người bị thương vẫn là tiêu chuẩn thời Chiến tranh giải phóng (tức trước khi Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập năm 1949).
Chính sách chúng ta đề ra đã quá lạc hậu. Sau khi bị thương, tôi chỉ được cấp 15 tệ (Nhân dân tệ) tiền thương tật, đó là tiêu chuẩn thời Chiến dịch Hoài Hải (nội chiến với Tưởng Giới Thạch trước 1949); chỉ bằng 1/100.000 mức tiêu chuẩn của Anh, Mỹ cùng thời kỳ, trong khi lúc đó GDP của Trung Quốc cũng không chênh lệch với các nước này lớn đến mức ấy.
9. Tiền tuất cho lính tử trận chỉ tương đương giá một con lợn. Khi đó mỗi liệt sĩ chỉ được 300 tệ tiền tuất, đúng bằng giá một con lợn. (1 Nhân dân tệ hiện nay tương đương 3.500 VND)
10. Tiền cho lính bị thương xuất ngũ còn thê thảm hơn. Sau khi tôi (tác giả) bị thương xuất ngũ, hơn chục năm đầu mỗi năm chỉ được nhận 30 tệ tiền xương máu. Năm 2010 sau 31 năm bị thương mới nhận được quà úy lạo của chính phủ.
Đêm hôm đó, tôi nắm cái quà kỉ niệm ấy (cũng trị giá 300 tệ), một mình ngồi uống rượu; uống mãi, uống mãi, nước mắt chảy giàn giụa. Hơn 30 năm rồi, những cựu binh chúng tôi nhiều người vẫn chưa có nhà ở, chưa lấy được vợ!
Dư luận Trung Quốc về Chiến tranh Tháng 2 năm 1979: Một cuộc chiến vô nghĩa, trái đạo lý và thảm bại - Ảnh 3.
Một người lính Trung Quốc kêu khóc bên cạnh người bạn bị chết (Ảnh tư liệu Trung Quốc)

11. Những sách ghi chép chân thực về cuộc chiến tranh ấy không thể xuất bản được. Năm 2010, tôi (tác giả) căn cứ vào những gì mình đã trải qua viết được hai cuốn sách "Ghi chép của một thương binh chiến tranh Việt Nam" và "Thực sắc", đăng lên mạng, gây bùng nổ khắp nước. Nhưng cuốn đầu được thông báo là "không thể xuất bản".
Sách về "Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam " không được kích động quá, chỉ được gọi là "Xung đột vũ trang cục bộ ở phía Nam". Một cuộc chiến tranh làm đổ máu mấy chục vạn người mà không cho nói đến như thế, trong tương lai ai sẽ đi đánh nhau cho các người đây?
Cuộc "Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam" năm 1979, rất nhiều binh sĩ Trung Quốc đã trở thành vật hy sinh. Họ chết vì cái gì?".
11 vấn đề được người cựu binh đó nêu lên đã gây cộng hưởng trong cộng đồng mạng. Có cư dân mạng nêu lên quan điểm của bản thân về cuộc chiến tranh đó: cái gọi là "Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam" khiến mấy vạn người đổ máu hy sinh đó, về đối ngoại là để giải cứu "người anh em Khmer Đỏ", về đối nội là để Đặng Tiểu Bình nắm quyền chỉ huy quân đội và thiết lập uy quyền.
Cũng có cư dân mạng đưa ra lời cảnh báo: đất nước này có đáng để anh đi liều mạng hay không? Liều mạng mà không được thừa nhận, sinh mạng chỉ đáng giá tiền một con lợn, chỉ dám ở đây oán trách, không cẩn thận sẽ bị đàn áp, bắt giam.
Cũng có người nêu lên điều đáng phải suy nghĩ: vì sao Trung Quốc viện trợ nước khác khắp nơi nhưng lại rất ít bạn bè?...".
theo Viettimes

Ký ức về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2-1979

VIẾT THỊNH |
Ký ức về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2-1979

Ông Nguyễn Xuân Thu, người đã có mặt trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, đã chia sẻ những ký ức của mình về buổi sáng ngày 17-2-1979, thời điểm quân Trung Quốc tràn sang tấn công sáu tỉnh phía bắc của nước ta.

Lúc đó ông Nguyễn Xuân Thu đang là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 - Sao Vàng, người trực tiếp chỉ huy đơn vị phòng ngự trên hướng chủ yếu của Quân đoàn tại khu vực Đồng Đăng ngày đầu tiên.
Ba ngày chiến đấu độc lập
Ông Nguyễn Xuân Thu hồi tưởng lại ký ức sau 40 năm của thời khắc ấy. “Ngày 17-2-1979 , 5 giờ sáng tôi nhận được điện thoại qua Sở chỉ huy Trung đoàn, Tiểu đoàn 4 vào sẵn sàng chiến đấu 100%... Chỉ bấy nhiêu thôi thì pháo địch đã cắt đứt dây điện thoại của Trung đoàn và trùm kín trận địa của tiểu đoàn”, ông Nguyễn Xuân Thu nhớ lại.
Ngay sau đó, chiến sĩ thông tin của Tiểu đoàn hi sinh và máy cũng hỏng, Tiểu đoàn 4 mất liên lạc với Trung đoàn và Sư đoàn kể từ đó. Ba ngày liền, Tiểu đoàn chiến đấu độc lập trên trận địa của mình mà không có pháo binh và lực lượng bộ binh cơ động chi viện.
Ký ức về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2-1979 - Ảnh 1.
Bộ đội ta tiến vào Cao Bằng, ảnh chụp ngày 25-2-1979, khoảng 1 tuần sau khi cuộc chiến nổ ra. Ảnh Tư liệu.
Dù vậy, toàn Tiểu đoàn vẫn giữ chốt đến ngày 20-2-1979. Đến ngày 21, với sức tấn công của một Sư đoàn bộ binh quân Trung Quốc và một tiểu đoàn xe tăng thì một số điểm trong trận địa của Tiểu đoàn đã không cầm cự nổi.
Do lực lượng quá mất cân đối, Tiểu đoàn phải lui về xây dựng trận địa phòng ngự tại cao điểm 300 phía nam Đồng Đăng (Lạng Sơn) và bắt được liên lạc với Trung đoàn. “Lúc đó Trung đoàn mới biết tôi còn sống và bộ đội tiểu đoàn 4 vẫn chiến đấu trên trận địa của mình trong những ngày mất liên lạc”, CCB Nguyễn Xuân Thu kể.
Trong câu chuyện của mình, ông Nguyễn Xuân Thu vẫn luôn nhớ về những đồng đội đã nằm đâu đó trên các chiến hào. Đâu đó trên những mảnh đất nhuốm màu bom đạn năm xưa nhưng chưa được trở về.
Những chiến sĩ “đột xuất”
Khi tiếng súng nổ ra, lời bài hát: Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới. Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới… được vọng vang ở mọi nơi. Nhiều người đã tình nguyện xung phong ra trận, rất nhiều người vẫn còn là sinh viên của các trường Đại học trên cả nước.
Những người đạt đủ tiêu chuẩn nhanh chóng bổ sung vào các binh chủng nhanh chóng tiến quân về nơi có tiếng bom dội ngày đêm. Nhưng ngoài những người lính được biên chế ấy, vẫn có những người lính "ngoài biên chế".
Câu chuyện này đã được tác giả Xuân Mai kể lại trong cuốn Những người đi giữ biên cương. Lúc chiến sự đang diễn ra quyết liệt, chiến sĩ trinh sát phát hiện một bóng người bám theo đường hào chạy lên. Khi được giữ lại, trinh sát hỏi ra mới biết đó là em Nông Văn Viền, lúc đó mới 14 tuổi là người dân tộc Tày.
Ký ức về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2-1979 - Ảnh 2.
Bên cạnh những chiến sĩ biên chế, có cả những chiến sĩ đột xuất trên các chốt. Ảnh Tư liệu.
Nông Văn Viền kể, khi giặc tràn lên quê hương mình bố mẹ đang ở dưới hầm nhưng bị địch phát hiện và sát hại. Viền vì xuống hầm không kịp, trốn vào vườn mía nên thoát được nhưng phải chứng kiến cảnh đau thương của cha mẹ mình.
Lúc địch đi rồi, Nông Văn Viền đã đi theo chiến hào chạy ngược lên với suy nghĩ: “Thằng giặc giết cả nhà cháu, cháu phải giết lại nó”.
Dù đã dùng mọi cách để đưa Viền trở lại hậu phương, nhưng cậu bé vẫn òa khóc không chịu. Bất đắc dĩ, Đại đội trưởng đơn vị lúc đó phải để em lại và giao cho một trinh sát hướng dẫn cách bắn súng, ném lựu đạn và Viền đã chiến đấu rất ngoan cường.
Ký ức về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2-1979 - Ảnh 4.
Xác xe tăng định trên trận địa. Ảnh Wpress.
Những người lính ngoài biên chế như Nông Văn Viền những ngày đó không phải là chuyện hiếm gặp. Các cựu binh của Quân đoàn 14 còn kể đến nhiều những người trẻ vì không được tuyển vào chính thức nhưng cứ theo hướng pháo rền, đạn nổ mà tiến lên.
theo Pháp Luật TP. HCM

Tướng Trung Quốc bẽ bàng vì ảo tưởng ngông cuồng "chiếm Hà Nội trong vòng 1 tuần"

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |
Tướng Trung Quốc bẽ bàng vì ảo tưởng ngông cuồng "chiếm Hà Nội trong vòng 1 tuần"
Hai nữ chiến sĩ Việt Nam dẫn giải tù binh Trung Quốc ở Cao Bằng ngày 25/2/1979. Nguồn ảnh: Sovfoto.

Túc Dụ, Thứ trưởng Quốc phòng Trung Quốc từng huênh hoang rằng chỉ cần dùng một phần lực lượng của các quân khu Quảng Châu và Côn Minh là đủ để đánh chiếm Hà Nội trong 1 tuần.

Tướng Trung Quốc bẽ bàng vì ảo tưởng ngông cuồng chiếm Hà Nội trong vòng 1 tuần - Ảnh 1.
Là hai quốc gia láng giềng, "núi liền núi, sông liền sông"- như lời một bài hát, song lịch sử bang giao Việt Nam- Trung Quốc có nhiều khúc quanh co, gập ghềnh.
Từ sau khi Ngô Quyền với chiến thắng Bạch Đằng chấm dứt ngót 1.000 năm "Bắc thuộc", giành lại nền độc lập cho nước nhà thì các triều đại phong kiến Trung Quốc đã nhiều lần cất quân xâm lược Việt Nam. Tuy nhiên, các cuộc chiến tranh xâm lược đó trước sau đều bị quân dân Việt Nam đánh bại.
Những năm 60 của thế kỷ trước, thất bại trong việc lôi kéo Việt Nam chống Liên Xô và hành động theo ý mình trong đánh Mỹ, Trung Quốc đã trở mặt bắt tay với Mỹ chống phá Việt Nam. Khi nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thì sự chống phá của Trung Quốc với Việt Nam càng trở nên rõ ràng.
Ngoài việc cắt đứt viện trợ, ngăn cản thông thương, tạo ra vụ "nạn kiều" nhằm phá hoại sự ổn định kinh tế - xã hội Việt Nam thì Trung Quốc còn dung dưỡng cho Khmer Đỏ chống phá Việt Nam từ phía Tây Nam, tạo nên một gọng kìm hòng "bóp chết" Việt Nam.
Bất chấp sự chống phá đó, nhân dân Việt Nam vẫn kiên trì con đường độc lập của mình. Không chỉ vậy, bằng đòn phản công vũ bão, chỉ trong vòng 1 tuần lễ, quân đội Việt Nam cùng với lực lượng của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia đã đánh tan hàng chục sư đoàn chủ lực Khmer Đỏ, giải phóng thủ đô Phnom Pênh, cứu nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng.
Vốn đã sẵn âm mưu tiến công Việt Nam, trong tình thế ấy, để cứu nguy cho Khmer Đỏ, nhà cầm quyền Trung Quốc đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới vào ngày 17/2/1979 với cái cớ hết sức nực cười là "phản công tự vệ".
Để thực hiện mục đích đó, tư tưởng chỉ đạo được nhà cầm quyền Trung Quốc đặt ra cho cuộc chiến tranh là "đánh nhanh, thắng nhanh", "đốt sạch, phá sạch" với sự tham gia của hai Đại quân khu Quảng Tây và Côn Minh quân số tổng cộng lên đến 600.000 người cùng hàng nghìn phương tiện chiến tranh.
Tướng Trung Quốc bẽ bàng vì ảo tưởng ngông cuồng chiếm Hà Nội trong vòng 1 tuần - Ảnh 2.
Binh pháp truyền thống của quân đội Trung Quốc đã được nhấn mạnh đó là việc dùng hai đội quân nhằm "Tập trung biển người để bao vây đối phương từ hai bên sườn nhằm tiêu diệt từng bộ phận đối phương bằng những trận đánh hủy diệt theo phương thức đánh nhanh rút gọn".
Nguyên tắc chủ đạo khi giao chiến là "ngưu đao sát kê" (dùng dao mổ trâu để giết gà) gồm ba điểm: tập trung tấn công vào vị trí quan trọng nhưng không phải điểm mạnh của đối phương; sử dụng lực lượng và hỏa lực áp đảo (tiền pháo hậu xung) để đập tan hàng phòng ngự của đối phương tại những những điểm mấu chốt; các đơn vị xung kích phải hết sức nhanh chóng thọc sâu và tấn công trọng địa của phía bên kia.
Ảo tưởng vào sự áp đảo về binh lực, cuối tháng 12/1978, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Túc Dụ báo cáo tại Kì họp thứ ba của Đảng Cộng sản Trung Quốc rằng chỉ cần dùng một phần lực lượng của các quân khu Quảng Châu và Côn Minh là đủ để đánh chiếm Hà Nội trong vòng 1 tuần.
Quả thật, nếu so sánh về tương quan lực lượng hai bên vào thời điểm Trung Quốc phát động chiến tranh- ngày 17/2/1979, nhiều người Trung Quốc cũng đã ảo tưởng như thế.
Trung Quốc đã huy động 9 quân đoàn chủ lực và một số sư đoàn bộ binh độc lập (tổng cộng 32 sư đoàn), 6 trung đoàn xe tăng, 4 sư đoàn và nhiều trung đoàn pháo binh, phòng không. Lực lượng được huy động khoảng trên 60 vạn binh sĩ, 550 xe tăng, 480 khẩu pháo, 1.260 súng cối và dàn hỏa tiễn, chưa kể hơn 200 tàu chiến của hạm đội Nam Hải và 948 máy bay sẵn sàng phía sau.
Tướng Trung Quốc bẽ bàng vì ảo tưởng ngông cuồng chiếm Hà Nội trong vòng 1 tuần - Ảnh 3.
Ngoài lực lượng quân chính quy, Trung Quốc còn huy động hàng chục vạn dân công và lực lượng dân binh ở các tỉnh biên giới để tải đồ tiếp tế, phục vụ, tải thương, hỗ trợ quân chính quy phục vụ cho chiến dịch. Chỉ riêng tại Quảng Tây đã có đến 215.000 dân công được huy động.
Còn về phía Việt Nam, do phần lớn các quân đoàn chính quy đang chiến đấu ở Campuchia nên phòng thủ ở biên giới với Trung Quốc chỉ có một số sư đoàn chủ lực của Quân khu I và II cùng các đơn vị bộ đội địa phương tỉnh, huyện, công an vũ trang (biên phòng) và dân quân tự vệ.
Lực lượng tinh nhuệ nhất của phía Việt Nam đóng ở biên giới Việt-Trung là Sư đoàn 3 (đóng tại Lạng Sơn) và sư đoàn 316A (đóng tại Sa Pa). Ngoài ra còn có các sư đoàn 346 ở Cao Bằng, 325B ở Quảng Ninh, 345 ở Lào Cai, 326 ở Phong Thổ, Lai Châu và các trung đoàn độc lập 141, 147, 148, 197, trung đoàn pháo binh 68, các trung đoàn quân địa phương 95, 121, 192, 254 và 741.
Toàn bộ lực lượng phía Việt Nam tham gia phòng thủ biên giới lúc đó có khoảng 70.000 quân, sau được hai sư đoàn (327 và 337) từ tuyến sau lên Lạng Sơn tiếp viện. Riêng Quân đoàn 1 vẫn đóng quanh Hà Nội đề phòng Trung Quốc tiến sâu vào trung tâm.
Tướng Trung Quốc bẽ bàng vì ảo tưởng ngông cuồng chiếm Hà Nội trong vòng 1 tuần - Ảnh 4.
5 giờ sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979, sau một trận pháo kích dữ dội vào trận địa phòng ngự của phía Việt Nam, hơn  120.000 quân lính và xe tăng, thiết giáp Trung Quốc bắt đầu tiến vào lãnh thổ Việt Nam trên toàn tuyến biên giới.
Cánh phía đông có sở chỉ huy tiền phương đặt tại Nam Ninh với mục tiêu chính là Lạng Sơn. Có hai hướng tiến song song, hướng thứ nhất do quân đoàn 42A dẫn đầu từ Long Châu đánh vào Đồng Đăng nhằm làm bàn đạp đánh Lạng Sơn; hướng thứ hai do quân đoàn 41A dẫn đầu từ Tĩnh Tây và Long Châu tiến vào Cao Bằng và Đông Khê. Ngoài ra còn có quân đoàn 55A tiến từ Phòng Thành vào Móng Cái.
Cánh phía tây có sở chỉ huy tiền phương đặt tại Mông Tự, có 3 hướng tiến công chính. Hướng thứ nhất do các quân đoàn 13A và 11A dẫn đầu đánh vào thị xã Lào Cai. Hướng thứ hai từ Văn Sơn đánh vào Hà Giang. Hướng thứ 3 do sư đoàn 42D của quân đoàn 14A dẫn đầu đánh từ Kim Bình vào Lai Châu.
Tổng cộng quân Trung Quốc xâm nhập Việt Nam trên 26 điểm trải dài trên toàn tuyến biên giới.
Trong ngày đầu của cuộc chiến, với sự áp đảo về binh lực, chiến thuật biển lửa và biển người của Trung Quốc tỏ ra có kết quả. Quân Trung Quốc tiến được vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam trên dưới 10 km và chiếm được một số thị trấn. Chiến sự ác liệt nhất diễn ra tại các vùng Bát Xát, Mường Khương ở tây bắc và Đồng Đăng, cửa khẩu Hữu Nghị, Thông Nông ở đông bắc.
Tuy nhiên, trước sự kháng cự ngoan cường và sự mưu trí sáng tạo của các lực lượng phòng ngự phía Việt Nam, đà tiến công của quân Trung Quốc nhanh chóng bị khựng lại. Quân Trung Quốc hầu như không thể sử dụng lực lượng ở mức sư đoàn mà phải dùng đội hình nhỏ và thay đổi chiến thuật.
Tướng Trung Quốc bẽ bàng vì ảo tưởng ngông cuồng chiếm Hà Nội trong vòng 1 tuần - Ảnh 5.
Ảnh: Sputnik
Trên toàn mặt trận, chiến sự diễn ra ngày càng khốc liệt, trong đó ác liệt nhất phải kể đến là trận chiến tại Đồng Đăng- thị trấn nằm sát biên giới Việt- Trung trên hướng Lạng Sơn. Đây là trận địa phòng thủ của Trung đoàn 12 Tây Sơn, Sư đoàn 3 Sao Vàng. Lực lượng Trung Quốc tiến công vào Đồng Đăng là 2 sư đoàn bộ binh, 1 trung đoàn xe tăng, và chi viện của 6 trung đoàn pháo binh Trung Quốc.
Mặc dù bị cô lập, không được chi viện nhưng lực lượng phòng thủ tại đây đã kiên cường chiến đấu đến những người cuối cùng, trụ được cho đến ngày 23.2. Ngày cuối cùng tại Pháo đài Đồng Đăng, nơi có hệ thống phòng thủ kiên cố nhất, quân Trung Quốc đã dùng bộc phá đánh sập cửa chính, dùng súng phun lửa, thả lựu đạn, bắn đạn hóa học vào các lỗ thông hơi làm thiệt mạng hầu hết thương binh cũng như dân quanh vùng đến đây lánh nạn.
Đổi lại, trong trận Đồng Đăng, phía Trung Quốc đã thương vong hơn 2.000 binh lính (trong đó 531 chết). Chiếm được Đồng Đăng, quân Trung Quốc tập trung lực lượng chuẩn bị tiến công Lạng Sơn, một trong những mục tiêu chủ yếu của cuộc chiến mà nếu chiếm được thì bọn chúng sẽ rộng đường tiến về Hà Nội với khoảng cách chỉ 135 km.
Để tăng cường khả năng chiến đấu phòng thủ và chuẩn bị phản công, ngày 25 tháng 2, Bộ chỉ huy tối cao phía Việt Nam quyết định thành lập Quân đoàn 14 thuộc Quân khu 1 và Bộ chỉ huy thống nhất Lạng Sơn do Thiếu tướng Hoàng Đan làm tư lệnh với lực lượng bao gồm các Sư đoàn 3, 327, 338, 337 (đang từ Quân khu 4 ra) cùng các đơn vị trực thuộc khác.
Những ngày tiếp theo, chiến sự vẫn tiếp diễn khốc liệt trên toàn tuyến biên giới nhưng tập trung là ở hướng Lạng Sơn. Trung Quốc đã điều tới đây thêm 2 sư đoàn từ Đồng Đăng và Lộc Bình (phía đông nam Lạng Sơn) đồng thời tiếp tục đưa thêm quân mới từ hậu phương thâm nhập Việt Nam để tăng viện
Trận đánh chiếm thị xã Lạng Sơn bắt đầu lúc 6 giờ sáng ngày 27.2. Các Sư đoàn 3, 337, của Việt Nam đã tổ chức phòng thủ chặt chẽ và phản ứng mãnh liệt trước các đợt tấn công lớn của quân Trung Quốc. Các trận đánh đẫm máu xảy ra tại khu vực cầu Khánh Khê, Cốc Chủ, Quán Hồ, các điểm cao 800, 477, 417...
Sau gần 1 tuần giành giật các điểm cao quanh Lạng Sơn, ngày 2/3 quân Trung Quốc bắt đầu bao vây thị xã Lạng Sơn và sử dụng 6 sư đoàn tấn công đồng loạt trên nhiều hướng. Chiều ngày 4/3, một cánh quân Trung Quốc đã vượt sông Kỳ Cùng, chiếm điểm cao 340 và vào tới thị xã Lạng Sơn, một cánh quân khác của sư đoàn 128 Trung Quốc cũng chiếm sân bay Mai Pha, điểm cao 391 ở phía tây nam thị xã.
Phía Việt Nam đã điều động các sư đoàn chủ lực có xe tăng, pháo binh, không quân hỗ trợ áp sát mặt trận, chuẩn bị phản công giải phóng các khu vực bị chiếm đóng. Quân đoàn 14 với các sư đoàn 337, 327, 338 hầu như còn nguyên vẹn đang bố trí quanh thị xã Lạng Sơn. Quân đoàn 2 đang làm nhiệm vụ tại Campuchia cũng được lệnh cơ động gấp toàn bộ lực lượng về nước, tập kết phía sau Quân đoàn 14.
Ngày 5/3/1979, Nhà nước Việt Nam ra lệnh tổng động viên toàn quốc chống xâm lược. Lo ngại trước sức phản công mãnh liệt của Việt Nam, trưa cùng ngày, Trung Quốc tuyên bố bắt đầu rút quân.
Tướng Trung Quốc bẽ bàng vì ảo tưởng ngông cuồng chiếm Hà Nội trong vòng 1 tuần - Ảnh 6.
Như vậy là, quân Trung Quốc đã bị cầm chân suốt 16 ngày ở thị xã Lạng Sơn, một thị xã chỉ cách biên giới 15 km và còn cách xa Hà Nội tới 135 km. Trung bình mỗi ngày quân Trung Quốc chỉ tiến được 0,9 km và chúng đã mất 16 ngày chỉ để tiến được 1/10 quãng đường tới Hà Nội.
Và chuyện ảo tưởng "chiếm Hà Nội trong 1 tuần" chỉ là giấc mơ ngông cuồng của những kẻ xâm lược.
theo Trí Thức Trẻ

Vì sao Trung Quốc mất một nửa số xe tăng Type 62 trong CTBG 1979?

Hải Dương |
Vì sao Trung Quốc mất một nửa số xe tăng Type 62 trong CTBG 1979?

Theo số liệu thống kê, trong cuộc xâm lược năm 1979 đã có khoảng 100 xe tăng Type 62 của Trung Quốc bị bộ đội Việt Nam tiêu diệt.

Type 62 là loại xe tăng hạng nhẹ do Trung Quốc nghiên cứu phát triển vào thập niên 1960, nguyên mẫu đầu tiên hoàn thành năm 1962 và được chế tạo hàng loạt từ năm 1963, với tổng số 1.499 chiếc xuất xưởng.
Trung Quốc dự định biên chế xe tăng Type 62 cho các đơn vị bộ binh đóng quân ở vùng núi hay sông nước, thậm chí cho cả lính thủy đánh bộ. Bên cạnh đó nó còn được xuất khẩu sang nhiều nước châu Á và châu Phi như Triều Tiên, Bangladesh, Congo, Mali, Sudan...

Xe tăng hạng nhẹ Type 62
Xe tăng hạng nhẹ Type 62
Về cơ bản, Type 62 là thiết kế giản lược từ T-54 của Liên Xô với rất nhiều nét tương đồng về ngoại hình. Khác biệt lớn nhất là nó sử dụng pháo Type 62-85TC 85 mm với cơ số 47 viên đạn thay vì D-10T2S cỡ 100 mm.
Type 62 có kíp lái 4 người; chiều dài 5,6 m (7,9 m với pháo quay về phía trước); chiều rộng 2,86 m; chiều cao 2,25 m; trọng lượng 21 tấn. Ngoài pháo chính xe còn được trang bị 1 súng máy đồng trục 7,62 mm và 1 súng máy phòng không 12,7 mm.
Động cơ diesel 12150L-3 công suất 430 mã lực cho tốc độ tối đa 60 km/h, tầm hoạt động 510 km, leo được dốc 60%, vượt vật cản cao 0,7 m, vượt hào rộng 2,55 m và lội nước sâu 1,3 m. Xe có hệ thống chữa cháy tự động nhưng thiếu khả năng phòng vệ NBC.
Vỏ giáp của xe tăng Type 62 rất mỏng, dày nhất là 50 mm trên tháp pháo, thân xe từ 15 - 35 mm, chỉ chống lại được vũ khí bộ binh nhẹ hoặc mảnh đạn và gần như bất lực hoàn toàn trước các loại súng chống tăng.
Do thiếu hệ thống điều khiển hỏa lực cũng như kính ngắm đêm, chỉ có kính ngắm quang học đơn giản mà tầm bắn hiệu quả của pháo 85 mm chỉ đạt 1.200 m, khiến Type 62 mất đi rất nhiều sức chiến đấu, đặc biệt là ở địa hình đồi núi nhiều vật cản như biên giới phía Bắc.
Yếu kém về mặt kỹ thuật lại thêm việc phải đối đầu với một quân đội thiện chiến như Việt Nam, nên dễ hiểu vì sao Trung Quốc mất tới một nửa trong tổng số 200 xe tăng Type 62 huy động cho cuộc chiến tranh xâm lược năm 1979.

Phiên bản nâng cấp Type 62G
Phiên bản nâng cấp Type 62G
Nhận thấy những điểm yếu của Type 62, Trung Quốc đã phải cấp tốc đưa ra bản nâng cấp Type 62-I vào đầu thập niên 1980. Xe được trang bị diềm chắn xích, thiết bị đo xa laser cho khả năng tác xạ tốt hơn, tấm chắn bảo vệ xạ thủ súng máy... tổng cộng gồm 33 cải tiến
Biến thể Type 62G là gói nâng cấp cuối cùng với tháp pháo hàn kiểu mới, trang bị thêm giáp phản ứng nổ, thay thế pháo 85 mm bằng pháo 105 mm mạnh mẽ hơn, bổ sung 4 ống phóng đạn khói ngụy trang mỗi bên cũng như hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại.
Mặc dù có nhiều cải tiến đáng kể nhưng nhìn chung Type 62 vẫn không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của chiến tranh hiện đại, do vậy nó đã bị Quân đội Trung Quốc loại biên trong năm 2011, sau gần 5 thập kỷ phục vụ.
theo Thế giới trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét