Thứ Hai, 18 tháng 2, 2019

KÝ ỨC CHÓI LỌI 108

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Vì sao 200 lính tinh nhuệ Mỹ không thể tiêu diệt được 10 người lính Việt Nam?

Dừng chân bên suối La La...

Cập nhật: Thứ ba, 20/3/2018 - 11h52'
Bản Chùa ở xã Cam Tuyền, H.Cam Lộ (Quảng Trị) nghe có vẻ gần nhưng đường gập ghềnh rất xa. Đến đập Tân Kim - Đá Mài, một công trình thủy lợi lớn của Quảng Trị là bắt đầu thấy nhà sàn của bản lấp ló. Phía sau Bản Chùa là núi Cù Đinh, trước mặt là núi Cu Lơ, bao bọc bản làng Vân Kiều duy nhất của H.Cam Lộ. Những dãy núi này đều có ngọn đồi không tên. Ông Hồ Văn Via, Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh (CCB) Bản Chùa cho biết đồi Không tên gắn với trận đánh diệt Mỹ vang dội của "Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ" 51 năm trước trong bài hát "Ơi con suối La La" thuộc núi Cù Đinh mà bản dựa lưng vào. Suối La La hiền hòa qua Bản Chùa và róc rách quanh cả ngọn đồi không tên trước mặt trước khi đổ ra sông Hiếu.
Con suối La La chảy qua Bản Chùa trước khi đổ ra sông Hiếu (H.Cam Lộ).
Trước khi lên đây, chúng tôi hỏi thăm qua trưởng thôn Bản Chùa về con suối và đồi Không tên trong bài hát "Ơi con suối La La" của nhạc sĩ Huy Thục thì được anh Hiền trưởng thôn nhiệt tình hướng dẫn gặp CCB Via, người cao niên uy tín của bản bởi ông từng chiến đấu giữ bản những năm tháng ác liệt, nắm bắt và hiểu nhiều chuyện của vùng núi oanh liệt, trung kiên này. Vừa đến đầu bản, tình cờ gặp anh Hồ Văn Hiếu (1978) đang từ rẫy về, chúng tôi vội bắt chuyện để xác thực thêm về con suối đang tìm. "Bản Chùa chính xác có suối La La, mà thôi đi đến nhà già Via hỏi thêm cho kỹ vì trước đây không ai gọi tên đó", anh Hiếu kể mà cũng như tò mò. Chúng tôi tiếp tục đi ngang qua đồi Máu, nghe gọi đã lạnh lưng. Tuy nhiên, đồi Máu là tên do đồng bào đặt chừng 2 thập kỷ trước, không liên quan đến lịch sử kháng chiến mà do từng xảy ra một vụ cướp có đổ máu nên dân bản đặt để nhắc nhớ, răn đe. Đối lập với tên gọi, đồi Máu lấp lánh rừng cây tươi mát. Đặc biệt, màu tím mơ rẫy dứa trải dài, kéo tận lòng bản đẹp đến nao lòng.
Già Via niềm nở đón chúng tôi và bày tỏ sự thú vị khi được hỏi về con suối La La, về đồi Không tên trong năm 1967. Điều ấy cũng bất chợt gợi lên trong ông nhiều hồi ức khác về những năm kháng chiến chống Mỹ. Bản Chùa có vị trí vô cùng hiểm trở, nằm gọn giữa núi Cù Đinh và Cu Lơ với những cao điểm ác liệt, và trên tuyến đường vận tải từ bắc vào, Bản Chùa gần như bị bom đạn cày nát. "Bom Na-pal, máy bay giặc quần thảo, rải chất độc da cam. Cây cối trụi hết, chỉ mỗi tre là sống sót, dân bản phải dần được rút ra Bắc. Còn bộ đội với du kích địa phương trụ bám, chiến đấu", ông Via nhớ lại. Không chỉ Bản Chùa, trên chiến trường Quảng Trị đều khốc liệt từng phút giây.
Theo sử liệu, trên chiến trường Quảng Trị, trong năm 1967, lực lượng vũ trang Quảng Trị đã phối hợp chiến đấu, độc lập chiến đấu 281 trận, tiêu diệt 13.219 tên địch, bắn cháy 129 máy bay, 708 xe quân sự, thu được 667 súng các loại, phá hủy hàng trăm tấn phương tiện chiến tranh của địch. Cùng với hoạt động quân sự mạnh mẽ ở vùng đồng bằng, bộ đội Mặt trận đường 9 - Bắc Quảng Trị đã mở chiến dịch tiến công lớn, dài ngày từ tháng 2 đến 9 - 1967, tổ chức 1.621 trận đánh, trong đó có những trận hiệp đồng binh chủng, tiêu diệt 32.657 tên địch; thực hiện tốt ý định "giam chân, thu hút" một lực lượng quan trọng binh hỏa lực của Mỹ -ngụy, tạo điều kiện cho đồng bằng đô thị giành thế chủ động tiến công. Cũng vào tháng 2-1967, tại chân núi Cù Đinh, tiểu đội 10 chiến sĩ do Trung sĩ Bùi Ngọc Đủ làm tiểu đội trưởng (Sư đoàn 324) nhận nhiệm vụ bảo vệ kho đạn H12 và H6, chuẩn bị đánh vào căn cứ của Mỹ trên điểm cao 241, Quán Ngang và Bộ chỉ huy Quân sự Mỹ ở TX Đông Hà. Hàng ngày, các chiến sĩ lấy nước để uống từ một con suối chảy từ cao điểm 544 xuống. Đây là con suối nhỏ, kéo dài qua nhiều chân đồi. Sáng 28-2- 1967, 200 lính Mỹ với vũ khí hiện đại bất ngờ đổ bộ xuống đồi Không tên (nay cách Bản Chùa vài km). Rơi vào thế bị động, lực lượng không cân sức nhưng tiểu đội Bùi Ngọc Đủ quyết tâm bẻ gãy từng đợt tấn công, chặn bước tiêu diệt quân địch. Cho đến hoàng hôn, khi tên chỉ huy của địch bị tiêu diệt buộc chúng đành rút lui, tiêu hao lực lượng gần hết. Phía tiểu đội anh hùng cũng đã có 7 chiến sĩ ngã xuống... Để ca ngợi 10 chiến sĩ đã dũng cảm chiến đấu, nhạc sĩ Huy Thục đã sáng tác ngay bài hát "Ơi con suối La La". Bài hát sau đó đã được vang lên khắp các chiến trường để cổ vũ tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ. Và cũng từ đây, tên gọi suối La La gắn chặt với địa danh Cù Đinh - Cu Lơ, trong đó có Bản Chùa.
CCB Via (phải) cùng già bản Vàn kể về con suối La La.
Chúng tôi hỏi dân làng Bản Chùa về con suối gắn với chiến công anh hùng của tiểu đội Bùi Ngọc Đủ có phải tên là La La? Già Via cũng như trưởng bản Hồ Văn Vàn đều kể rằng tên gọi đó là bộ đội đặt, còn trước đó theo tiếng Vân Kiều, con suối qua bản được gọi một cách dễ hiểu là Tun Nhả, tiếng Kinh là Khe Chùa. Dân bản cho biết trên con suối đó có một cây cổ thụ tán rộng, có hình như mái chùa nên bà con gọi như thế. Từ năm 1967 về sau, tên gọi gốc gần như biến mất và được mặc định là suối La La một cách tự nhiên. Đến tận bây giờ, người dân Bản Chùa không mấy băn khoăn vì sao con suối được gọi là La La, mà họ tự hào vì do Bội đội Cụ Hồ đặt. Thực tế, suối La La nhỏ và nông, nhưng đến mùa mưa nó cũng hung tợn, nguy hiểm không kém. Chúng tôi được già Via và dân bản dẫn ra tận con suối. Tháng 3, con nước hiền hòa, mát rượi, uốn lượn quanh bản. Tại đây, công nhân cũng đang gấp rút thi công cầu qua suối. Công trình có quy mô khá lớn, sắp tới sẽ góp phần thay đổi lớn đời sống kinh tế của bà con nơi đây. "Khai thác rừng trồng hay sản xuất nông nghiệp sẽ thuận lợi hơn, xe cộ vận chuyển dễ dàng hơn", già Via phấn khởi. Chúng tôi nhìn ra đôi bờ suối, những rẫy dứa trông lấp lánh hẳn, nối với màu xanh của những cánh rừng chạy ngút ngàn. Hỏi thêm về đời sống bà con, già Via cho hay Bản Chùa có trên 70 hộ, đều mang họ Bác Hồ, tuy kinh tế vẫn khó khăn nhưng nơi đây mọi người sống hòa nhã, thương yêu đùm bọc nhau. Đặc biệt, những hủ tục lạc hậu như "nối dây" đã được loại bỏ. Chúng tôi trở ra bản trên con đường đang được mở rộng, lại nhớ nhịp cầu qua suối La La vừa hoàn thành, tin lắm đời sống của đồng bào Bản Chùa mai này sẽ đổi thay nhiều hơn...
BẢO HÀ

Gặp nhân vật trong bài hát "Ơi con suối La La"

TP - Những chiến công hiển hách của Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ - nhân vật trong bài "Ơi con suối La La" của tác giả Huy Thục - lừng danh hơn 40 năm qua. Song, ông còn nhiều chiến công thầm lặng sau ngày 30/4/1975.
Ông Bùi Ngọc Đủ. Ảnh: Huỳnh Kiên.
Ngày 17/3/2009, Bùi Ngọc Đủ rời Tây Nguyên ra Hà Nội nhận danh hiệu “Anh hùng Lực lượng Vũ trang Tiểu đội Vận tải Bùi Ngọc Đủ” do Chủ tịch nước phong tặng.
Chiều muộn, chúng tôi về tổ dân phố 1, thị trấn Kon Dỡng, Mang Yang, Gia Lai) tìm Anh hùng Bùi Ngọc Đủ.
Kon Dỡng bảy năm trở lại đây được chọn làm trung tâm của huyện mới Mang Yang, được lên thị trấn chứ trước đây, thời ông Đủ chọn lập nghiệp là vùng sâu vùng xa, hẻo lánh.
May hôm nay ông có ở nhà. Căn hộ nhỏ khá sạch sẽ ngăn nắp, bày biện đơn sơ, ngược với danh tiếng lẫy lừng chủ nhân. Quanh khu vườn hàng trăm giò lan rừng khoe sắc.
Ở tuổi 71, dũng sĩ diệt Mỹ năm nào vẫn giữ nét nhanh nhẹn, tinh anh, mắt sáng quắc và mái tóc chỉ điểm vài sợi bạc.
Bùi Ngọc Đủ quê Hoằng Hóa, Thanh Hóa, tham gia bộ đội từ năm 1961, vào Quảng Trị năm 1963, đánh Mỹ 140 trận ở những chiến trường ác liệt từ Quảng Trị, Tây Nguyên rồi vào giải phóng Sài Gòn.
Chiến công vang dội nhất vinh danh tên ông là trận đánh ngày 26/2/1967 tại đồi không tên dưới chân núi Cù Đinh, Cam Lộ, Quảng Trị có con suối La La hiền hoà.
Hôm đó, tiểu đội Bùi Ngọc Đủ nhận nhiệm vụ bảo vệ kho chứa 3.000 viên đạn H12 và H6, chuẩn bị đánh vào căn cứ của Mỹ trên điểm cao 241, Quán Ngang và bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Đông Hà.
Tiểu đội gồm 10 người, tuổi từ 18 đến 24, do Trung sĩ Bùi Ngọc Đủ, trung đội phó làm tiểu đội trưởng, hạ sĩ Đặng Văn Hạng làm tổ trưởng Đảng và tám chiến sĩ.
Khoảng 7 giờ sáng 28/2/1967, đi lấy nước dưới suối La La về, Bùi Ngọc Đủ phát hiện địch dàn đội hình bao vây tiểu đội. Lựu đạn nổ bất ngờ tám tên Mỹ to lớn đổ gục tại chỗ. Lập tức, anh gọi toàn đơn vị vào vị trí chiến đấu. 15 khẩu trung liên và hàng trăm khẩu AR15 của địch đồng loạt nhả đạn.
Chúng điên cuồng gọi chi viện. Trên trời, bốn máy bay F105 quần đảo ném bom, hai máy bay trực thăng phóng rocket. Do cự ly của tiểu đội ta quá gần địch nên đạn pháo và bom của chúng không phát huy hiệu quả.
Địch vẫn tù mù trước tài ngụy trang của tiểu đội, chúng không rõ ta bao nhiêu quân, trận địa thế nào. Chiến sĩ Nguyễn Nhân Nhê hy sinh từ đợt tấn công thứ hai, chiến sĩ Lê Bá Chính bị thương trong đợt tấn công thứ tư. Tiểu đội chỉ còn lại tám người.
Đến khoảng 12 giờ trưa, Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ đã bẻ gãy 10 đợt tấn công của địch. Khoảng 17 giờ, trong đợt tấn công thứ 15, tên chỉ huy địch bị ta tiêu diệt.
Sẩm tối, cũng là lúc đại đội đưa lực lượng vào chi viện và chuyển 3.000 quả đạn pháo đi nơi khác an toàn. Địch để lại  41 xác chết trên trận địa, ta thu 101 khẩu  AR 15 và nhiều chiến lợi phẩm.
Chiến thắng của Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ góp phần quan trọng để Trung đoàn 84 lập nên chiến thắng giòn giã ngày 7/3/1967, phá hủy 21 khẩu pháo, 30 xe vận tải, năm xe tăng, diệt và làm bị thương hơn 1.000 tên địch.
Kỳ tích “1 thắng 20” của Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ ngay sau đó được nhạc sĩ Huy Thục sáng tác bài “Ơi con suối La La” cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của bộ đội ta trên khắp các mặt trận.
Trận chiến mới ở Tây Nguyên
“Ơi con suối La La! Nước trong xanh hiền hòa, chảy quanh đồi không tên. Nay đồi đã mang tên Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ - Mười dũng sĩ diệt Mỹ…”
Nhạc Huy Thục
Sau chiến công ở đồi không tên Bùi Ngọc Đủ được ra thăm miền Bắc gặp Bác Hồ và các lãnh tụ Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp căn dặn: “Các đồng chí phải đưa được pháo vào giải phóng miền Nam”.
Năm 1970, Bùi Ngọc Đủ cùng đơn vị rời Ninh Bình vào chiến trường Tây Nguyên. Ngày 24/2/1972, Bùi Ngọc Đủ lúc này là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2 pháo binh thuộc Trung đoàn 675 chỉ huy đơn vị đánh vào Đắc To -Tân Cảnh.
Trận đánh chiến lược này giải phóng một phần rộng lớn ở Bắc Tây Nguyên, mở ra thế trận mới trên địa bàn quan trọng này. Đêm 10/3, tiếng đạn pháo của tiểu đoàn pháo 2 vang rền giáng sấm sét xuống Buôn Ma Thuột báo hiệu cuộc sập đổ hoàn toàn của chế độ ngụy quyền Sài Gòn.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đơn vị của ông giải phóng Bình Long, Bình Phước, rồi thẳng tiến đánh Củ Chi vào Sài Gòn ngày 30/4/1975.
Trong chiến tranh, ông trải qua khắp các chiến trường ác liệt nhất, đánh trực diện với địch 140 trận, ngoài ra còn bị giội bom, phục kích liên miên, song chỉ duy nhất một lần ông bị thương, khi ấy đang ở chiến trường Tây Nguyên.
Không biết có phải vì duyên do một phần máu xương gửi lại đất này mà khi nước nhà thống nhất, ông nhận nhiệm vụ quay trở lại chiến trường Tây Nguyên.
Năm 1977, trước nhiệm vụ chính trị ở Gia Lai-Kon Tum rất cần cán bộ có bản lĩnh, ông Đủ rời quân ngũ với quân hàm thiếu tá, về làm Phó ban Tổ chức Huyện Mang Yang, Phó ban Cải tạo Công thương nghiệp.
Ful rô hoạt động ráo riết ở nhiều nơi, một mình ông đi làm bí thư sáu xã Kon Dỡng, Đăk Yá, K’Tang… của huyện Mang Yang.
Ổn định an ninh chính trị ở cơ sở, cấp trên rút ông về làm chủ tịch công đoàn huyện. Năm 1995, nghỉ hưu, ông được địa phương tín nhiệm bầu làm chủ tịch hội cựu chiến binh, chủ tịch hội khuyến học huyện Mang Yang mới.
Những ngày ông làm bí thư sáu xã, Fulro hoạt động dữ dội. Bằng những kinh nghiệm từ chiến trường, ông Đủ chỉ huy đánh 17 trận với Fulrô.
Khi về làm chủ tịch hội cựu chiến binh, thấy bà con dân tộc thiểu số thường xuyên bị đói giáp hạt, ông cùng ông Nguyễn Khắc Lưu, lúc đó là phó chủ tịch hội vận động các hội viên, mở “kho  thóc cựu chiến binh”.
Mỗi cựu chiến binh thu hoạch mùa góp 20kg lúa vào kho thóc này. Cả huyện Mang Yang có 37 kho thóc có lúc lên gần 1.000 tấn ở tất cả các xã. Đến vụ giáp hạt, ai thiếu đói được cựu chiến binh xuất số thóc này hỗ trợ. Nhiều gia đình ở Mang Yang thoát đói thoát nghèo nhờ những kho thóc này.
Từ năm 2003, tham gia hội khuyến học huyện, ông cũng vận động được quỹ vài trăm triệu đồng, do cán bộ nhân viên trong huyện, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm quyên góp.
Những học sinh có thành tích xuất sắc, con em đồng bào dân tộc thiểu số đạt thành tích khá, hoặc những gia đình giáo viên khó khăn được quỹ này giúp sức. Các chi hội khuyến học có mặt ở tất cả các xã, các trường trong huyện.
Cả đời Bùi Ngọc Đủ tham gia cách mạng không màng danh lợi. Về huyện Mang Yang (cũ) từ rất sớm, đất đai ở thị trấn Đắc Đoa và thị trấn Mang Yang bây giờ giá tính tiền triệu, tiền tỷ song ông cũng mặc. Vợ chồng con cái ông khai hoang, lập vườn sâu bên trong sườn núi trồng trọt chăn nuôi.
Ở tuổi 72, ông vẫn chăm sóc cà phê, tiêu, lúa cùng với lương hưu chăm lo cho ba con còn  học đại học. Ngày 16/4/2009 khi chúng tôi có mặt ở Kon Dỡng, ông Đủ cho hay, hôm sau ông được mời dự hội nghị biểu dương những người sản xuất giỏi.
Bùi Ngọc Đủ, tên một cá nhân đã thành tên một đơn vị.  

Một dũng sĩ diệt Mỹ chưa được công nhận Anh hùng

22:09 23/07/2007
Sau lần bị "hiểu nhầm", có đợt ông Bùi Ngọc Đủ làm lại hồ sơ để phong Anh hùng. Trong lúc chưa xong thì có nhà báo lại viết Bùi Ngọc Đủ là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân nên bị truy ngược vì "cầm đèn chạy trước ôtô". Rồi chuyện cũng không thành.
Dũng sĩ diệt Mỹ Bùi Ngọc Đủ vừa kể chuyện, vừa tìm lại những kỷ niệm về mình.
Xuất thân từ công nhân đường sắt, nhưng rồi anh xung phong đi bộ đội đánh Mỹ. Sinh ra và lớn lên ở Quảng Xương, Thanh Hóa nhưng anh nặng tình với chiến trường Quảng Trị và Tây Nguyên...
Người dũng sĩ diệt Mỹ mang tên Bùi Ngọc Đủ ấy đã làm nên bao kì tích anh hùng.
Tên anh thành tên tiểu đội
Khi xưa, mỗi lần tôi nghe bài hát "Ơi, dòng suối La La" là sướng rơn cả người bởi khí thế hừng hực của quân ta qua một trận thắng Mỹ. Cái tên Dũng sĩ diệt Mỹ Bùi Ngọc Đủ đi vào trong bài hát ấy như một huyền thoại anh hùng thật đáng tôn vinh và tự hào.
Sau này tôi mới biết bài hát ấy của nhạc sĩ Huy Thục sáng tác năm 1967, ca ngợi trận đánh thắng rất anh hùng của tiểu đội do Bùi Ngọc Đủ chỉ huy bảo vệ kho đạn ở khu đồi không tên thuộc làng Chanh, xã Tân Kim, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.
Sau bao nhiêu năm lịch sử, hôm nay tôi có dịp tìm về thị trấn Kon Dỡng, Mang Yang, Gia Lai và được gặp lại Bùi Ngọc Đủ, người Dũng sĩ diệt Mỹ năm xưa đã đi vào lịch sử.
Khi biết tôi tìm gặp, ông cười thật hiền và nói: "Tôi đã từng bị đau đầu vì nhiều nhà báo lắm rồi". Tôi ngớ người và sau đó mới hiểu chuyện cũ kể lại, khi xưa có lần ông đang làm hồ sơ để phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thì có tin nhà báo viết về câu trả lời của ông rằng: "Ta không bắn thằng Mỹ thì nó bắn ta...". Vậy thôi, ông nói thật trần trụi như nông dân vậy mà không được phong Anh hùng đợt ấy.
Ông bảo, thực ra mình không nói như vậy mà chỉ là muốn diễn tả đại ý sự thật của vấn đề trong một trận chiến ác liệt, một mất một còn, giữa cái chết và sự sống thì buộc chúng ta phải quyết tâm cao. Vậy mà bị hiểu nhầm! Nhưng rồi sau đó, có đợt ông làm lại hồ sơ để phong Anh hùng, trong lúc chưa xong thì có nhà báo lại viết Bùi Ngọc Đủ là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân nên bị truy ngược vì "cầm đèn chạy trước ôtô" và rồi chuyện ấy cũng không thành. Còn năm nay, hồ sơ của ông đã gửi lên cấp Trung ương và chờ quyết định cuối cùng...
Dẫu chưa được chính thức phong danh hiệu Anh hùng, nhưng thành tích của ông đã thể hiện rõ phẩm chất anh hùng rồi. Nghe tôi nói vậy, Bùi Ngọc Đủ cười rất hiền, chân chất tính nông dân và nói: "Tôi già rồi, năm nay đã sang tuổi 69, danh lợi há chi nữa, chỉ có điều là muốn tổng kết cuộc đời mình bằng một trang sử đẹp đẽ, có hậu".
Hơn 130 trận đánh pháo binh và bộ binh có Bùi Ngọc Đủ tham gia, tôi cảm thấy thật kính phục. Không ai nghĩ một con người có thân hình nho nhỏ như ông mà lại làm nên những kỳ tích diệu kỳ, làm cho kẻ thù khiếp sợ.
Bên điếu thuốc lá toả khói trắng xóa, Bùi Ngọc Đủ bùi ngùi nhớ lại như in trận đánh ở đồi không tên, bên con suối La La, Cam Lộ, Quảng Trị diễn ra ngày 28/2/1967. Hôm ấy khoảng 8h sáng, nghe có tiếng động tiến về phía kho đạn, Bùi Ngọc Đủ lên tiếng: "Có phải các đồng chí của ta không?". Không nghe ai đáp lại mà chỉ có súng nổ về phía mình. Bùi Ngọc Đủ ra lệnh: "Tất cả anh em về vị trí chiến đấu!".
Lúc đầu hàng chục khẩu trung liên của quân Mỹ dồn dập nhả đạn về phía tiểu đội của Bùi Ngọc Đủ, nhưng anh em đã chiến đấu ngoan cường nên đánh bật quân Mỹ ra ngoài. Sau đó quân Mỹ huy động máy bay giội bom và bắn pháo tới 15 đợt nhưng chúng vẫn thất bại. Tiểu đội do Bùi Ngọc Đủ chỉ huy tất cả chỉ có 10 anh em nhưng đã chiến thắng hơn 200 lính thủy đánh bộ của Mỹ.
Trận đánh kết thúc lúc 18h cùng ngày, ta đã tiêu diệt hơn 100 lính Mỹ, phía ta có 2 đồng chí hy sinh và 2 đồng chí bị thương. Trận thắng lịch sử này được phát động học tập trong toàn quân để nêu gương và vinh dự được báo cáo thành tích với Bác Hồ.
Những năm tháng vào chiến trường Tây Nguyên và chiến dịch Nam Lào, Bùi Ngọc Đủ cũng đã tham gia nhiều trận đánh anh dũng như trận đánh Đắk Tô - Tân Cảnh, Kon Tum, tiêu diệt gần hết 3 trung đoàn của địch. Tuy là thương binh 3/4 nhưng khi vết thương chưa lành, anh đã tiếp tục xung phong ra trận...
Người hùng của Tây Nguyên
Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, theo sự phân công của Đảng, Bùi Ngọc Đủ được cử về làm cán bộ tăng cường ở Mang Yang, Gia Lai. Ông trải qua nhiều chức vụ, từ Phó ban Tổ chức huyện đến Phó ban Cải tạo nông nghiệp...
Trong giai đoạn hoạt động của bọn phản động FULRO phức tạp, Bùi Ngọc Đủ lại được điều về cơ sở làm Bí thư Đảng ủy các xã nóng nhất trong huyện. Ông cùng lực lượng dân quân, Công an các xã đánh 17 trận, tiêu diệt và bắt sống hàng chục tên phản động FULRO độc ác.
Ngoài chuyện giỏi đánh giặc, Bùi Ngọc Đủ còn là người có nhiều đóng góp trong việc phát triển kinh tế, xã hội ở buôn làng Tây Nguyên. Năm 1995, Bùi Ngọc Đủ về nghỉ hưu nhưng cơ sở cứ tín nhiệm mãi không cho nghỉ, lại tham gia công tác ở Hội Cựu chiến binh. Phần lớn những cựu chiến binh ở Mang Yang thời ấy rất nghèo, Bùi Ngọc Đủ đứng ra tín chấp cho anh em hội viên vay gần 3 tỷ đồng của ngân hàng để phát triển kinh tế.
Có tiền, ông mở lớp tập huấn cho anh em cách làm ăn để xóa đói giảm nghèo. Rồi ông vận động xây dựng 36 "kho lúa cựu chiến binh" để cứu đói, giúp những gia đình nghèo, hoạn nạn. Sau 4 năm, Bùi Ngọc Đủ đã xóa gần hết 30% số hộ gia đình cựu chiến binh đói nghèo ở huyện.
Năm nay Bùi Ngọc Đủ chuẩn bị bước sang cái tuổi "thất thập cổ lai hy", ông bảo, tôi xin nghỉ thật nhưng về nhà anh em vẫn “bắt” làm Chủ tịch Hội Khuyến học. "Làm thì làm, tôi chỉ muốn con cháu mình noi gương thế hệ đi trước" - ông tâm sự. Bùi Ngọc Đủ thật xứng đáng Anh hùng
Ngọc Như


Trận chiến huyền thoại một chọi hai mươi trên đồi Không Tên (1967)

-----

Đồi Không Tên (28-2-1967) như cái tên bình dị của mình vốn rất ít được nêu lên trong các cuốn sách về lịch sử chiến tranh nhưng ít người biết rằng đó là một trong những trận đánh tiêu biểu nhất minh chứng cho nghệ thuật lấy ít địch nhiều và ý chí bằng thép của những người lính bộ binh Việt Nam, đồng thời cũng là một trong những nguồn cổ vũ lớn của phong trào thi đua diệt Mỹ trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam nước ta, cuội nguồn của bài hát “Ơi con suối La La” của nhạc sĩ Huy Thục về sau.

Trận đánh diễn ra từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều ngày 28-2-1967 trên một ngọn đồi dưới chân núi Cù Đinh (làng Chanh, xã Tân Kim, Cam Lộ, Quảng Trị) giữa 1 tiểu đội lính vận tải, bảo vệ kho [thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn pháo binh 84] và 200 lính biệt kích thủy quân lục chiến - lực lượng tinh nhuệ nhất của quân đội Hoa Kỳ.
Tiểu đội 10 người gồm Lương Văn Tầm, Nguyễn Hồng Kinh, Đặng Văn Hạ, Lê Văn Chính, Nguyễn Văn Tía, Nguyễn Nhân Nhe, Nguyễn Văn Niên, Nguyễn Văn Nhân, (?) do trung sĩ Bùi Ngọc Đủ chỉ huy có nhiệm vụ vận chuyển, xây dựng và bảo vệ kho chứa hơn 3.000 quả đạn pháo H6, H12, ĐKB dùng cho chiến dịch tấn công vào điểm cao 241 Quán Ngang, và Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ ở thị xã Đông Hà, Quảng Trị đầu năm 1967.

Nhận được tin thám báo, rạng sáng ngày 28-2-1967, chỉ huy quân đội Mỹ bất ngờ dùng trực thăng đổ 200 lính biệt kích thủy quân lục chiến lên khu vực Đồi Không Tên thuộc vùng Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị nhằm phá hủy kho đạn được mà theo đánh giá của họ là cực lớn của quân Giải phóng. Một trận đánh không cân sức đã diễn ra quanh con suối La La ngay dưới chân đồi.

10 tay súng Việt Nam được trang bị nhẹ, vũ khí cá nhân gồm 6 khẩu AK47, 4 khẩu súng trường CKC, lựu đạn quần nhau quyết liệt từng mét đất gần 1 ngày với một lực lượng trội hơn mình 20 lần, được pháo binh, không quân (2 trực thăng, 4 cường kích mặt đất) của chúng yểm trợ. Dù bị tấn công bất ngờ nhưng các chiến sĩ quân Giải phóng không hề hoảng loạn, nhanh chóng bố trí đội hình chiến đấu, kiên nhẫn chờ cho địch đến thật gần (5 - 6m) mới đồng loạt nổ súng vừa tạo ra hiệu suất tác xạ rất cao vừa gây nên nổi khiếp đảm khủng khiếp cho đối phương. Hiểu rằng mình đang bị vây chặt, tất cả mọi ưu thế về quân số, hỏa lực, bố trí binh lực, tính bất ngờ... đều thuộc về địch, quân mình chỉ có một ý chí quyết tâm cao, thông thạo địa hình, Tiểu đội trưởng Bùi Ngọc Đủ chia quân thành 3 toán, mỗi toán 3 người phụ trách các hướng khác nhau. Sau những đợt tấn công đầu tiên thất bại, quân Mỹ có lẽ cho rằng quân Giải phóng khá đông trên đồi nên gọi pháo binh và không quân cường kích chi viện, dồn dập trút pháo, bom lên các vị trí nghi ngờ có vị trí đối phương ẩn nấp. Sau mỗi đợt bắn phá ác liệt, biệt kích địch lại lần lượt tấn công lên ngọn đồi. Cứ sau mỗi đợt tấn công của địch, tiểu đội Bùi Ngọc Đủ lại hao mòn dần, các chiến sĩ lần lượt hi sinh, một số người bị thương rất nặng. Mặc dù bốn mặt bị vây chặt, đồng đội nối tiếp nhau lần lượt hi sinh, bị thương nặng nhưng những người lính Việt Nam vẫn chiến đấu cực kỳ có kỷ luật. Nhiều chiến sĩ bị thương nặng nhưng họ không hề rên la, nhiều chiến sĩ không để đồng đội băng bó mà vẫn chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng. Có người ở trận đầu đã bị thương đến trận sau tiếp tục dính đạn nhưng vẫn kiên cường chiến đấu cho đến giờ phút hi sinh. Các chiến sĩ không có một phút nào được nghỉ ngơi, tất cả họ đều không ăn, không uống, nhịn đi vệ sinh suốt gần 1 ngày trời quần nhau quyết liệt cùng địch trên ngọn đồi Không Tên. Đến cuối buổi chiều hai bên đã gần như kiệt sức.
Lợi dụng địa hình địa vật, tận dụng các ụ đất, đá, con suối để ẩn nấp, bố trí hỏa lực một cách thông minh, tiểu đội Bùi Ngọc Đủ đã kiên cường bám trụ, bảo vệ kho đạn cho đến những người cuối cùng. Không hề có chi viện, đến 5 giờ chiều họ đã đẩy lui 15 đợt tấn công của hơn 200 lính biệt kích thủy quân lục chiến Mỹ được pháo binh và không quân chi viện. Kế hoạch tấn công chớp nhoáng bằng lực lượng biệt kích tinh nhuệ phá sản, bị tổn thất nặng, quân Mỹ buộc phải rút lui từ 5 giờ chiến sau khi đã để mất từ 131 - 200 tay súng, trước khi quân Việt Nam từ tuyến sau kịp lên hỗ trợ cho tiểu đội phòng thủ.
Chiến đấu trong một tình thế cực kỳ hiểm nghèo, trang bị kém, Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ đã bảo vệ nguyên vẹn kho đạn gồm 3.000 quả đạn pháo và tên lửa (H6 & H12) - một kho báu khi đó. Trong 10 người lính chiến đấu trên ngọn đồi Không Tên, 7 chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất mẹ, 2 chiến sĩ bị thương nặng. Chiến công 1 diệt 20, Tiểu đội 10 người của Bùi Ngọc Đủ trở thành tấm gương cho toàn thể quân dân miền Nam thi đua tiêu diệt quân Mỹ xâm lược vào thời điểm đó.
--------
[Tổng hợp nhiều nguồn]
(Ảnh) Một trong những người đã viết lên huyền thoại Đồi Không Tên (1967) - Anh hùng lực lượng vũ trang, Thiếu tá Bùi Ngọc Đủ [Nguồn ảnh: QPVN]
-NĐT-

Anh hùng Bùi Ngọc Đủ đã vĩnh biệt “con suối La La”

QĐND Online - Tối ngày 28-3, tôi được anh em ở Ban CHQS huyện Mang Yang (Bộ CHQS tỉnh Gia Lai) thông báo tin buồn: Bác Bùi Ngọc Đủ - Anh hùng LLVT nhân dân đã từ trần. Dẫu biết rằng, sinh tử là lẽ thường, nhưng với tôi và nhiều anh em phóng viên báo chí trên địa bàn Tây Nguyên khi nghe tin buồn này vẫn lặng đi xúc động, thương tiếc.

Một người lính đã anh dũng xông pha nhiều trận mạc, cuối đời về làm bạn, sống và giúp bà con dân tộc thiểu số người Ba Na, Giơ Rai phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Cuối cùng lại chọn mảnh đất Tây Nguyên để an nghỉ. Bóng cây Kơ Nia và sóng nước La La sẽ ru người Anh hùng bình dị trong cõi vĩnh hằng.
 Anh hùng Bùi Ngọc Đủ.
Làm báo ở Tây Nguyên, tôi có dịp được đi nhiều, biết nhiều và viết cũng nhiều, nhưng với tôi, bác Bùi Ngọc Đủ, đã gặp một lần là nhớ mãi không quên. Không quên bởi lẽ bác Đủ rất bình dị, tình cảm và dễ gần. Lần đó vào khoảng cuối năm 2004, tôi đến thăm ông tại nhà và cũng lấy thông tin để viết bài “Người Dũng sĩ 1 thắng 20”. Với quần đùi, áo cộc ba lỗ, ông đang cho cá ăn, nhưng nghe có khách nên ông vội vã đi vào liền. Cứ tưởng một Thiếu tá quân đội tham gia cả mấy trăm trận đánh lớn nhỏ, đã từng làm cho kẻ thù, đặc biệt là quân Mỹ xâm lược khi nghe đến danh hiệu “Dũng sĩ 1 thắng 20” phải khiếp sợ là “oai lắm”, “chém gió lắm”. Nhưng ông khác hẳn, hiền từ khuôn mặt, giọng nói, cử chỉ…thân thiện như anh em thân thiết lâu ngày gặp lại. Tôi và ông kết bạn từ ngày đó và đã có nhiều kỷ niệm. Có lẽ cái khó quên nhất đến nay của tôi và đồng nghiệp làm báo ở Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung với Thiếu tá, Anh hùng LLVT Bùi Ngọc Đủ là lúc ông chưa được tuyên dương danh hiệu Anh hùngLLVT nhân dân, nhưng nghe đến tên và những chiến tích huyền thoại của ông thì mọi người “cứ tưởng” bác Đủ đã được phong danh hiệu này rồi. Chỉ đến khi trực tiếp gặp, nghe ông kể chuyện thì mọi người mới té ra là ông chưa được phong danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Có lần một phóng viên trẻ, gặp ông, viết bài về ông rất hay, đọng lại nhiều kỷ niệm, tình cảm trong lòng bạn đọc…Tuy nhiên, tác giả gọi ông là “anh hùng”, cái chất anh hùng của một người lính trận mạc, của Bộ đội Cụ Hồ tỏa sáng trong những lúc khó khăn nhất…Thế là hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân của ông bị xếp lại trên bàn vì bị coi là kiêu ngạo, “cầm đèn chạy trước... danh hiệu”. Mãi đến năm 2010 thì ông Bùi Ngọc Đủ mới được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Thiếu tá, Anh hùng LLVT Bùi Ngọc Đủ, sinh ngày 1-2-1942 tại xã Quảng Lộc, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Ông thường trú tại Thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Cũng như bao thanh niên khác, năm 1961, ông nhập ngũ đi B và được biên chế vào Tiểu đoàn 10, Trung đoàn 821, Sư đoàn 324. Suốt từ đó đến năm 1969, ông cùng đồng đội tham gia gần 100 trận đánh trên các chiến trường, lập nhiều chiến công, được tặng nhiều huân-huy chương các loại. Trong chuỗi thành tích đó, có lẽ trận đánh đêm 28-2-1967 tại đồi Không tên, thuộc làng Chanh, xã Tân Kim, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Trên cương vị là Tiểu đội trưởng thuộc Đại đội 12, Tiểu đoàn 10, Trung đoàn 821, Sư đoàn 324, ông và chín chiến sĩ trong tiểu đội đã anh dũng, đánh thắng và tiêu diệt hàng trăm tên lính thủy đánh bộ Mỹ bao vây cùng tầng tầng lớp lớp máy bay, phi pháo từ hạm đội 7 bắn vào đội hình phòng ngự chiến đấu tiểu đội Bùi Ngọc Đủ. Cảm kích trước tinh thần bất khuất của tiểu đội trưởng Bùi Ngọc Đủ và anh em trong trận thắng “không cân sức” trên,  nhạc sĩ Huy Thục đã sáng tác bài hát “Con suối La La”.
Đồng chí Bùi Ngọc Đủ  đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Năm 1970, Bùi Ngọc Đủ vào chiến trường Tây Nguyên. Ngày 24-2-1972, ông chỉ huy tiểu đoàn pháo binh 2 đánh vào Đăk Tô- Tân Cảnh. Ngày 20-4-1975, ông cùng sư đoàn của mình tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đánh vào Bình Phước, Củ Chi và giải phóng Sài Gòn ngày 30-4-1975. Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông mang quân hàm Thiếu tá và được cấp trên điều về làm Phó ban Tổ chức huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Sau đó ông giữ nhiều chức vụ khác nhau và chỉ huy 17 trận đánh với Fulrô. Năm 1995, ông nghỉ hưu và được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Chủ tịch Hội khuyến học huyện Mang Yang. Lúc ấy, ông thấy bà con dân tộc thiểu số hay bị đói giáp hạt, ông nảy ra sáng kiến “kho thóc cựu chiến binh” và cùng một số cán bộ vận động các hội viên mở và phát triển “kho thóc cựu chiến binh”. Mỗi cựu chiến binh thu hoạch mùa góp 20kg lúa vào kho thóc, cả huyện có 37 kho thóc, có lúc lên đến gần 1.000 tấn. Sau một thời gian ngắn, Bùi Ngọc Đủ cùng Hội CCB huyện đã xóa gần hết số hộ gia đình cựu chiến binh đói, nghèo ở huyện Mang Yang... Không chỉ vậy, ông còn vận động xây dựng quỹ khuyến học để giúp đỡ, khuyến khích những học sinh nghèo vượt khó, học giỏi và những giáo viên có  cuộc sống khó khăn. Đây là những việc làm mà Anh hùng Bùi Ngọc Đủ vô cùng tâm đắc và mãn nguyện. Ông tâm sự: “Thời gian qua Đảng, Nhà nước đã quan tâm nhiều đến cuộc sống người dân địa phương, tuy nhiên đâu đó vẫn còn một số bà con sống nghèo khổ. Mình là đảng viên, là cán bộ thấy bà con khó khăn là mình day dứt, nên phải cố gắng giúp đỡ bà con…”.
Tháng 3 Tây Nguyên, mùa con ong đi lấy mật, bầu trời nắng đẹp, bồng bềnh những đám mây hồng trắng…Vĩnh biệt ông, một người con áo lính anh hùng trên đất Tây Nguyên. Hương rừng Tây Nguyên, sóng nước La La sẽ theo ông về cõi vĩnh hằng!
Bài, ảnh: LÊ QUANG HỒI

Bùi Ngọc Đủ- Vẹn nguyên phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”

14:58, 01/05/2010 (GMT+7)
Ảnh: Hoàng Cư
Ảnh: Hoàng Cư
Sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, năm 1956, chàng trai 19 tuổi Bùi Ngọc Đủ đã tình nguyện lên đường nhập ngũ. Hơn 30 năm trực tiếp chiến đấu chống Mỹ- Ngụy và bọn phản động FULRO, ông lập nên rất nhiều chiến công.
 
Trong đời trận mạc, ông nhớ nhất chiến thắng tại điểm cao 241 (Cam Lộ, Quảng Trị). Sau 7 ngày đêm bí mật luồn sâu, đơn vị ông bất ngờ tấn công và chiến thắng oanh liệt tại cứ điểm Tà Cơn.
 
Ngày 28-2-1967, ông trực tiếp chỉ huy tiểu đội anh dũng đánh lui 15 đợt tấn công của 200 tên lính thủy đánh bộ Mỹ, tiêu diệt 41 tên, thu 9 khẩu súng tại trận địa, bảo vệ vững chắc thế trận. Sau chiến thắng lừng lẫy này, ông được đi báo cáo thành tích ở Quân khu, rồi ra Hà Nội, được Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen ngợi. Bà con và đồng đội lấy họ tên của ông đặt tên cho tiểu đội và đồi không tên; được nhạc sĩ Huy Thục cảm phục sáng tác bài hát “Dòng suối La La”. Chiếc túi vải đựng cơm vắt, khẩu súng AK của ông được trân trọng lưu giữ tại Bảo tàng Quân đội. Mười chiến sĩ trong tiểu đội của ông được phong tặng “Dũng sĩ diệt Mỹ” đầu tiên trong lực lượng pháo binh dự bị. Năm 2009, tiểu đội mang họ tên ông- Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
 
Nghỉ hưu năm 1994, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Kon Dơng (huyện Mang Yang cũ- Gia Lai). Tháng 10-2000, ông giữ chức Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Mang Yang. Không nề hà gian khó sớm khuya, ông luôn tích cực đi đến từng nhà, nơi làm việc của từng đồng đội để tuyên truyền, vận động họ tham gia tổ chức Hội. Không phụ lòng ông, cuối năm 2001 đã có 692 đồng đội, trong đó có 502 người Jrai, Bahnar tình nguyện tham gia tổ chức Hội. Tổ chức được củng cố, ông lại trằn trọc suy nghĩ đổi mới phương pháp hoạt động  gây quỹ Hội… Ông mạnh dạn đưa ý tưởng xây dựng quỹ Hội không chỉ bằng tiền mặt, mà còn bằng lúa. Đến nay, quỹ Hội Cựu chiến binh huyện Mang Yang đã lên hàng trăm triệu đồng, hàng chục tấn lúa. Nhờ có nguồn quỹ này mà các chi hội Cựu chiến binh có thêm điều kiện hoạt động và giúp đỡ các gia đình hội viên.
 
Hai năm qua, với vai trò Bí thư chi bộ tổ dân phố 1, thị trấn Kon Dơng, ông luôn đi đầu trong công việc, tích cực vận động bà con thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Ngoài 70 tuổi, mang nhiều thương tích trong người, mà vẫn ngày đêm lao động, chăm lo xây dựng các tổ chức hội, đoàn thể tiên phong đóng góp công của làm các công trình công cộng.
 
Nhìn thấy một ông già ngoài 70 tuổi vẫn trăn trở với việc chung, nhiều người tỏ ra khó hiểu. Với đồng đội, đồng chí, những người sống bên ông thì điều đó không có gì lạ, bởi ông là Bùi Ngọc Đủ- vẫn vẹn nguyên phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.
 
Hoàng Cư

Huy Thục và người anh hùng bên dòng La La

18/02/2014, 10:14 (GMT+7) 47 năm trước (1967) có ngọn "đồi không tên" gắn với chiến công của 10 dũng sĩ diệt Mỹ tiểu đội Bùi Ngọc Đủ tại Cam Lộ (Quảng Trị).
47 năm trước (1967) có ngọn "đồi không tên" gắn với chiến công của 10 dũng sĩ diệt Mỹ tiểu đội Bùi Ngọc Đủ tại Cam Lộ (Quảng Trị). Chiến công của những người dũng sĩ đã đi vào ca khúc “Dòng suối La La” của nhạc sĩ Huy Thục.
Mười dũng sĩ trong khúc hát năm xưa, năm 2009 đã được vinh danh Tiểu đội Anh hùng và Anh hùng Bùi Ngọc Đủ được vinh danh năm 2010. Dòng suối La La vẫn nay tuôn chảy như hát mãi chiến công của những người anh hùng.
Cuộc đời có lắm nhân duyên, nếu không theo đoàn văn công vào phục vụ tại chiến trường Quảng Trị thì nhạc sĩ Huy Thục (Lê Anh Chiến) không thể có chùm ca khúc nổi tiếng “Tiếng đàn ta lư", "Cô gái Pa Kô", "Dòng suối La La", "Chào đường 9 anh hùng", "Tiếng hát trên đường quê hương”.
Nếu không có mặt tại cao điểm "đồi không tên” bên dòng suối La La nơi đơn vị của Bùi Ngọc Đủ vừa chiến đấu đánh bại 15 trận tập kích của 200 lính thuỷ đánh bộ Mỹ năm 1967 thì không có nhân duyên giữa nhạc sĩ Huy Thục và dũng sĩ Bùi Ngọc Đủ.
Nhân duyên ấy theo họ bước ra sau chiến tranh mấy chục năm trời, để gặp lại nhau, trên miền đất cao nguyên nắng gió. Mới hay người dũng sĩ năm xưa giờ trở thành già làng giúp buôn làng cấy lúa nước, trồng cà phê, cao su, xoá đói giảm nghèo. Lại một lần nữa nhạc sĩ và dũng sĩ cùng đồng hành sau chặng trường chinh mấy chục năm trời.
Mới đây, tôi ghé thăm gia đình nhạc sĩ Huy Thục và rất tâm đắc với bức ảnh hai vợ chồng nhạc sĩ xắn quần ngồi bên tảng đá, thả chân suối dòng suối thơ mộng. Không cần lời giới thiệu của chủ nhà về bức ảnh, đọc những dòng chữ chính tay nhạc sĩ Huy Thục viết đề dưới bức ảnh đã thể hiện hết tình hết nghĩa bức ảnh này: “Anh đưa em về hát cùng “Dòng suối La La” để nhớ công em tháng ngày nuôi con vất vả, anh vào mặt trận viết tiếp bản hùng ca sống mãi. Nay về Cam Lộ, 40 năm nở rộ ngàn hoa kết trái trên "đồi không tên". Chim hót ban mai gọi ai mà vang vọng rừng già. Đẹp tình đôi ta soi gương nước trong xanh hiền hòa bên dòng suối La La”. Cam Lộ ngày 30/4/2012.
Vợ chồng nhạc sĩ Huy Thục thăm suối La La
Bức ảnh không chỉ đẹp vì người trong ảnh, đẹp vì cảnh dòng suối nên thơ, mà còn thật có ý nghĩa bởi bút tích của nhạc sĩ Huy Thục đề tặng vợ nơi hậu phương vững mạnh, trong những năm tháng nhạc sĩ ra chiến trường.
Nhạc sĩ Huy Thục kể: Tôi thật có duyên với miền đất ấy - chiến trường Quảng Trị những năm chiến tranh với Đường 9, Khe Sanh, Cam Lộ, Gio Linh, Gio An, Cồn Tiên, Dốc Miếu. Bà con Vân Kiều, Pa Kô... coi tôi như anh em trong nhà, kỉ niệm 30 năm Quảng Trị giải phóng, tôi được tỉnh mời vào thăm, như người đi xa trở về nhà, tình cảm của họ với tôi vẫn nguyên vẹn như xưa: “Ngày chiến thắng anh về cùng bản làng em hát/ Người con gái Pa Kô”. Và tôi đã trở về Quảng Trị trong đêm hội, bên bếp lửa bập bùng của bản làng, hát cùng những người con gái Pa Kô sau 30 năm quê hương giải phóng.
Tôi lại trở về đây, bên dòng suối La La, chợt nhớ thương dũng sĩ Bùi Ngọc Đủ, nhớ lại cuộc hành trình tôi tìm người trong bài hát “Dòng suối La La”.
Người đã tìm gặp rồi, lời ca tiên đoán: “Nay đồi đã mang tên/ Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ” vẫn chưa thành hiện thực. Tôi lại cùng với Bùi Ngọc Đủ hành trình theo những sự tích anh hùng của anh, tìm Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ, 10 dũng sĩ diệt Mỹ năm xưa, giờ ai còn ai mất? Bao giờ thì ngọn đồi không tên bên dòng suối La La mang tên Bùi Ngọc Đủ, như lời ca tôi viết? Liệu lời ca ấy có là lời tiên đoán?
Nhạc sĩ Huy Thục kể tiếp: Năm 1994, nhân duyên cho tôi biết tin về Bùi Ngọc Đủ trên một tờ báo. Sau đó trong chuyến công tác vào Tây Nguyên, tôi tìm đến xã Công Tần, huyện Mang Yang (Gia Lai), thăm nhà Bùi Ngọc Đủ. Khi tôi đến nhà, dũng sĩ đi làm rẫy, phải nhờ người gọi về. Nhận ra tôi là người nhạc sĩ từng gặp trên “đồi không tên” năm 1967, Bùi Ngọc Đủ ôm lấy tôi, cả hai cùng khóc và cảm động nhớ đến các bạn.
Chúng tôi kể lại kỉ niệm lần gặp nhau trên “đồi không tên”, bên dòng suối La La, để rồi Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ và “đồi không tên” đi vào khúc hát của tôi, bay bổng lời ca về những dũng sĩ diệt Mỹ bên dòng suối La La.
Bùi Ngọc Đủ kể rằng, sau trận đánh năm 1967, anh trở thành Dũng sĩ diệt Mỹ, năm 1968 được ra Bắc báo cáo thành tích với Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, rồi lại trở vào Nam chiến đấu, tham gia 130 trận đánh đến này thống nhất nước nhà. Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, theo sự phân công của tổ chức, anh được cử về làm cán bộ tăng cường ở huyện Mang Yang, nơi đây trở thành tổ ấm, quê hương thứ hai của anh.
 
Vợ chồng Anh hùng Bùi Ngọc Đủ chụp ảnh kỉ niệm với nhạc sĩ Huy Thục
Mấy chục năm mới gặp lại nhau, Bùi Ngọc Đủ vẫn sống rất giản dị, khiêm tốn. Từng ấy năm sống ở Tây Nguyên, nói tiếng đồng bào như người bản xứ, dũng sĩ vận động nhân dân trồng lúa nước, cà phê, hạt tiêu và là dũng sĩ diệt Phun - rô rất giỏi, vận động con em về đừng theo Phun - rô, được bà con coi như già làng nhưng người dân ở đây không hề biết ông là Dũng sĩ diệt Mỹ.
Sau cuộc gặp gỡ đó, Bùi Ngọc Đủ viết thư cho nhạc sĩ Huy Thục tâm sự: “Anh Thục ơi, người thân của em hiện không còn ai, em không còn anh em gì cả, nhờ anh mà mọi người mới biết tên em, anh cho em nhận anh làm anh của em nhé... Em rất biết ơn anh”. 
Nhạc sĩ Huy Thục nhớ lại: Nhân duyên cho chúng tôi tìm gặp lại nhau và trở thành anh em của nhau. Giờ đây chúng tôi chia sẻ với nhau những vui buồn, khó khăn trong cuộc sống.
Mong mỏi nhiều rồi cũng đến một ngày, trong đoàn cựu chiến binh chiến trường B4, B5 trở về Quảng Trị có Anh hùng Bùi Ngọc Đủ và có cả nhạc sĩ Huy Thục. Lần đầu tiên họ cùng nhau trở lại chiến trường xưa, nơi Bùi Ngọc Đủ từng chiến đấu, nơi đồng đội còn nằm lại.
Nhân kỉ niệm 40 năm giải phóng Quảng Trị, lần đầu tiên nhạc sĩ Huy Thục đưa vợ tới “đồi không tên” bên dòng suối La La và cùng chụp bức ảnh kỉ niệm trong niềm hạnh phúc, bởi năm 2009 tiểu đội 10 dũng sĩ diệt Mỹ trên “đồi không tên” trong trận đánh năm 1967 đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT. Bài hát “Dòng suối La La” có lời ca tiên đoán “Nay đồi đã mang tên/ Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ” đã thành hiện thực.
Năm 2010 là năm đáng ghi nhớ trong cuộc đời Dũng sĩ diệt Mỹ  Bùi Ngọc Đủ, sau chặng đường 43 năm, người anh hùng giữa đời thường được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT, ông cũng là một trong số 1.000 anh hùng trong cả nước về dự kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây là lần đầu tiên Anh hùng Bùi Ngọc Đủ được chụp chung bức ảnh kỉ niệm với vợ chồng người anh kết nghĩa Huy Thục.
Thế là niềm vui đã trọn vẹn, Bùi Ngọc Đủ giờ đây không chỉ Dũng sĩ diệt Mỹ mà còn là dũng sĩ diệt Phun - rô, dũng sĩ khuyến học, người làm kinh tế giỏi, già làng giúp dân trồng lúa nước, trồng cà phê, cao su hồ tiêu, giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng buôn làng bình yên no đủ, người cán bộ mẫu mực ở bất kì cương vị nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ...
Và dòng suối La La vẫn ngàn đời tuôn chảy, bài hát “Dòng suối La La” vẫn vang mãi khúc ca về Tiểu đội Anh hùng Bùi Ngọc Đủ.
NGHIÊM THỊ HẰNG

Gặp người anh hùng trong bài hát “Ơi con suối La La”

Dân trí Tháng 2/1967, cùng với 9 đồng đội của mình, tiểu đội trưởng Bùi Ngọc Đủ đã khiến đội quân 200 lính Mỹ với vũ khí hiện đại bị thương vong và phải rút lui. Chiến thắng 1 đấu 20 này đã được nhạc sĩ Huy Thục sáng tác bài “Ơi con suối La La”.

Hẳn rằng ít ai trong chúng ta cũng đã từng nghe bài hát nổi tiếng đầy hào hùng “Ơi con suối La La” của nhạc sĩ Huy Thục. Nhưng không phải ai cũng biết nội dung bài hát là một câu chuyện đầy hào hùng có thật trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Nhân vật chính trong bài hát là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Ngọc Đủ, SN 1942, trú tại thị trấn Kon Dỡng, Mang Yang, Gia Lai.
Anh hùng Bùi Ngọc Đủ vốn sinh ra tại xã Quảng Lộc (Quảng Xương, Thanh Hóa). Ông nhập ngũ năm 1961 tại Sư Đoàn 324 (tại Quỳnh Lưu, Nghệ An). Suốt thời gian tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước của mình, ông đã tham gia trên 300 trận đánh ở các chiến trường ác liệt từ Quảng Trị lên Tây Nguyên, rồi tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Nhưng chiến công vang dội nhất vinh danh tên ông là trận đánh ngày 28/2/1967, tại đồi Không tên dưới chân núi Cù Đinh, Cam Lộ, Quảng Trị có con suối hiền hòa mang tên La La. Ngày này, tiểu đội 10 chiến sĩ do Trung sĩ Bùi Ngọc Đủ làm tiểu đội trưởng lấy tên “Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ” nhận nhiệm vụ bảo vệ kho chứa 3.000 viên đạn H12 và H6, chuẩn bị đánh vào căn cứ của Mỹ trên điểm cao 241, Quán Ngang và bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở thị xã Đông Hà.
Đến khoảng 7h sáng cùng ngày, 200 lính Mỹ với vũ khí hiện đại bất ngờ đổ bộ lên khu vực đồi Không tên. Bị rơi vào thế bị động, với sự chênh lệch lực lượng khá lớn, nhưng điều đó không làm các chiến sĩ cách mạng Việt Nam hoảng loạn, tiểu đội trưởng Bùi Ngọc Đủ nhanh trí triển khai chiến thuật đánh trả lại quân địch, triển khai đội hình phù hợp, các chiến sĩ tận dụng những ụ đất, đá để ẩn nấp, chờ khi địch đến gần mới nổ súng…  Khi những loạt đạn của đối phương bay như mưa xối xả về phía Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ, các chiến sĩ cách mạng vẫn bình tĩnh ẩn nấp và chờ thời cơ.
Từng tốp lính Mỹ tiến lại gần khu vực của ta đều bị tiêu diệt, mỗi đợt tấn công của lính Mỹ đều bị Tiểu đội bẻ gãy, họ bị tiêu hao lực lượng nên không rõ được quân ta quân số bao nhiêu, trận địa thế nào khiến quân thù hoảng loạn, điên cuồng cầu cứu viện binh bằng những loạt bom từ máy bay và pháo binh. Từ 7h sáng đến 12h trưa, quân địch đã mở 10 đợt tấn công, 6 chiếc máy bay quần thảo trên bầu trời dội bom như mưa, nhưng do khoảng cách chiến đấu của cuộc chiến khá gần nhau nên quân địch đều bị thất bại.
Gặp người anh hùng trong bài hát “Ơi con suối La La”
Anh hùng trong bài hát "Ơi con suối La La" đang bồi hồi nhớ lại những trận đánh mà biết bao đồng đội mình đã ngã xuống
Còn quân ta, ở đợt tấn công thứ 2, chiến sĩ Nguyễn Nhân Nhê hy sinh và chiến sĩ Lê Bá Chính bị thương ở đợt tấn công thứ 4. Từ 12h đến 17h, quân địch mở thêm 5 đợt tấn công. Dù lực lượng của tiểu đội ngày càng tiêu hao, các chiến sĩ không một phút được nghỉ ngơi, đói và khát nhưng lòng yêu nước, ý chí chiến đấu càng bùng cháy mạnh mẽ khiến quân thù phải khiếp sợ. Đến khoảng 17h, trong đợt tấn công thứ 15, tên chỉ huy của địch bị tiêu diệt nên chúng đã rút lui khi lực lượng chỉ còn vài chục người.
Kết thúc các đợt tấn công, Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ chỉ còn 3 chiến sĩ, trong đó có 2 chiến sĩ bị thương: “Cả ngày nhịn ăn, nhịn uống chiến đấu, nhưng khi thấy đồng đội mình ngã xuống thì lòng căm thù giặc cướp nước trong mình càng sôi sùng sục. Lúc đó mình không còn biết sợ, ý chí chiến đấu càng cao, mình càng quyết tâm tiêu diệt giặc cướp nước dù có hy sinh cho tổ quốc thì đó là niềm vinh dự của mỗi người lính chúng tôi”, anh hùng Bùi Ngọc Đủ nhớ lại tâm trạng lúc chiến đấu.
Và anh hùng trong thời bình khi giúp dân đuổi giặc đói
Và anh hùng trong thời bình khi giúp dân đuổi giặc đói
Khi trời sẩm tối, cũng là lúc đại đội đưa lực lượng vào chi viện, đưa thương binh đi cứu chữa và thu nhiều chiến lợi phẩm. Chiến thắng của Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ đã góp phần quan trọng để Trung đoàn 84 lập nên nhiều chiến công khác. Kỳ tích “1 thắng 20” của Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ ngay sau đó được nhạc sĩ Huy Thục sáng tác bài hát “Ơi con suối La La” nhằm ca ngợi chiến công của Tiểu đội, đồng thời cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của bộ đội ta trên khắp các mặt trận.
Sau chiến công trên, Bùi Ngọc Đủ được ra thăm miền Bắc gặp Bác Hồ cùng các lãnh tụ Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp…
Năm 1970, Anh Hùng Bùi Ngọc Đủ vào chiến trường Tây Nguyên. Ngày 24/2/1972, ông chỉ huy tiểu đoàn pháo binh 2 đánh vào Đăk Tô- Tân Cảnh. Ngày 20/4/1975, ông cùng sư đoàn của mình tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đánh vào Bình Phước, Củ Chi và giải phóng Sài Gòn ngày 30/4/1975.
Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông Đủ lúc này mang quân hàm thiếu tá và được cấp trên điều về làm Phó ban Tổ chức huyện Mang Yang, Gia Lai, sau đó ông giữ nhiều chức vụ khác nhau và chỉ huy 17 trận đánh với Fulrô. Năm 1995, ông nghỉ hưu và được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội cựu chiến binh, Chủ tịch Hội khuyến học huyện Mang Yang.
Lúc này, ông thấy bà con dân tộc thiểu số hay bị đói giáp hạt, ông và một số cán bộ khác vận động các hội viên mở “kho thóc cựu chiến binh”. Mỗi cựu chiến binh thu hoạch mùa góp 20kg lúa vào kho thóc, cả huyện có 37 kho thóc, có lúc lên đến gần 1.000 tấn. Kho thóc đã hỗ trợ rất nhiều cho bà con mỗi khi đói giáp hạt… Không chỉ vậy, ông còn vận động quỹ khuyến học để giúp đỡ, khuyến khích những học sinh học giỏi, con em đồng bào dân tộc thiểu số đạt thành tích tốt hoặc những giáo viên khó khăn.
Là anh hùng trong thời chiến, và đến bây giờ, đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng Bùi Ngọc Đủ vẫn trở thành anh hùng trong lao động sản xuất.
Thiên Thư
  
Vĩnh biệt người anh hùng bên dòng suối La La- Bùi Ngọc Đủ
  
Ơi Con Suối La La - NSƯT Hồng Liên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét