Xem phim: "Kẻ cắp xe đạp"

(ĐC sưu tầm trên NET)

[Phim hay] Kẻ cắp xe đạp - Kiệt tác Oscar phim nói tiếng nước ngoài hay nhất

Tấn thảm kịch của hiện thực gây xúc động mạnh đến người xem.

    [Phim hay] Kẻ cắp xe đạp - Kiệt tác Oscar phim nói tiếng nước ngoài hay nhất
    Thông tin:
    Tên phim: Kẻ cắp xe đạp (The Bicycle Thief )
    Đạo diễn: Vittorio De Sica
    Thể loại: Hình sự, Tâm lý,
    Diễn viên: Lamberto Maggiorani, Enzo Staiola, Lianella Carell
    Bạn có thể xem online bộ phim này trên SohaPhim tại đây.

    Giới thiệu:
    Kẻ cắp xe đạp ra đời năm 1948 là câu chuyện của Ricci - một người thất nghiệp ở Rome, sau một thời gian dài cuối cùng cũng tìm được một công việc là dán quảng cáo với điều kiện phải có xe đạp đi làm. Điều này đã buộc vợ anh bán rất nhiều đồ trong nhà mới có thể mua được một chiếc xe.
    Thế nhưng khi anh đang dán tấm áp phích ngoài đường thì bị người ta ăn cắp mất công cụ kiếm sống. Anh và cậu con trai Bruno phải chạy đi tìm xe một cách vô vọng trong thành phố rộng mênh mang với hàng trăm ngàn người đói khổ như mình.
    Và sau cùng khi tóm được tên ăn cắp, hắn lại được cả một đám đông bao che nên anh không thể tìm lại được chiếc xe. Trong lúc túng quẫn và loạn trí, anh đã ăn cắp một chiếc xe khác nhưng không thành.
    Chỉ thế thôi, một sự việc vụn vặn nhỏ bé xảy ra thường xuyên trong mọi xã hội nhưng đã được De Sica biến thành một tấn thảm kịch xúc động người xem. Nó như một bản cáo trạng buộc tội chế độ đã gây ra nạn thất nghiệp, đưa con người vào hành vi trái với lương tâm và lẽ sống của mình.
    “Kẻ cắp” Ricci
    Niềm vui của hai vợ chồng khi biết tin Ricci tìm được việc làm
    Ngày đầu tiên đi làm

    Bộ phim cuốn hút người xem ở những chi tiết nhỏ rất cảm động chứ không phải là ở sự kịch tính với nhiều bước ngoặt của một số bộ phim khác. 
    Trong phim có nhiều chi tiết gợi mở và giàu ý nghĩa. Như trường đoạn Maria - vợ Ricci - đến xem bói và gần cuối phim chính Ricci cũng tới để xem vận mệnh của mình - một thông điệp về tương lai vô định. Cả hai con người tuyệt vọng ấy đều không mê tín, không van xin lạy lục thần linh khi họ đói khổ, không trách cứ Chúa khi họ lâm vào cảnh đường cùng, nhưng họ đều muốn biết liệu trong cuộc đời mình có còn ánh sáng phía trước. Tuy không thể biết trước được điều gì nhưng những con người nghèo khổ kia không biết tin vào điều gì, họ tới xem tiên đoán như một lời cầu nguyện hy vọng cuộc đời mình sẽ khấm khá hơn.
    Hay hai hình ảnh đầy tính đối lập nhau là lúc Ricci bị mất xe, chỉ mình anh đuổi theo tên cướp. Tất cả đường phố gần như là vắng vẻ chỉ một vài người dửng dưng đi lại. Nhưng lúc Ricci đi ăn cắp xe thì bao nhiêu người đuổi theo, vây quanh và lấy lại chiếc xe một cách dễ dàng. Đó có phải là sự bất công của xã hội dành cho người nghèo - kẻ giàu?
    Hai cha con đi trong mưa tìm xe đạp
    Bữa ăn tối trong nhà hàng khi công cuộc tìm kiếm thất bại

    Diễn xuất của diễn viên trong phim không mấy nổi bật. Nhưng đó lại là một trong những điểm làm nên thành công của bộ phim. Đây chính là phong cách làm phim theo cách quay phim tài liệu phóng sự mà Zavattini là người chủ trương đề xuất. Để cho nhân vật sống, máy quay đuổi theo ghi hình. Rất rõ ràng, mang tính phổ biến chứ không cường điệu hay nhân hóa lên, rất chân thực gần gũi với từng người, từng cuộc sống hàng ngày, đặc biệt rất phù hợp với tâm lý hành động của nhân vật. 
    Như khi mất xe Ricci đã lao đi tìm ở khắp những nơi có thể tìm được, mọi ngóc ngách của thành phố. Và Rome đã hiện hết lên trong khuôn hình. Hay lúc tuyệt vọng vì không tìm được xe và tình cảm cha con sâu sắc dấy lên, Ricci đã đưa Bruno tới một quán ăn và tự hào nói với con "Con có thể ăn cho thỏa thích". Đó chính là những suy nghĩ, hành động rất thật của một người lao động bình thường được đặt vào hoàn cảnh đó.
    Phim sử dụng những hình ảnh vô cùng cảm động do cậu bé Bruno mang lại. Chi tiết Bruno lau thật kỹ càng, nhẹ nhàng chiếc xe cho thấy tình cảm yêu quý và trân trọng xe là thế. Đó là tài sản lớn nhất trong nhà cậu. Khi thấy cha mình ra về tay không, cậu chỉ hỏi "Xe bị hỏng hả bố?" và rồi im lặng đi bên cha như sợ ông sẽ nói ra điều mình đang lo sợ. Bruno cũng cuống cuồng đi tìm chiếc xe với cha mình vì cậu ý thức được tầm quan trọng của nó với đời sống gia đình cậu. Mất nó, bố sẽ mất việc, cậu sẽ đói. Cậu cũng như một người đàn ông đã trưởng thành, lo toan cho đời sống gia đình mình, cũng thất thểu thất vọng vì không tìm được xe. 
    Nhưng tình tiết cảm động nhất là lúc Bruno tròn xoe đôi mắt nhìn cha mình đang bị bao vây và bị mắng chửi là đồ ăn cắp, bị giải đi. Cậu nhặt chiếc mũ vừa đi vừa khóc vừa phủi bụi. Người cha thì quá đau khổ vì đã để con mình nhìn thấy hành động xấu xa đó. Hành động mà cả hai cha con đã lên án và căm ghét. Đến cuối phim, cảnh kết là hai cha con nhập vào đoàn người thất thần tiến về phía trước - một tương lai không biết sẽ ra sao.
    Ricci “làm liều” và bị bắt
    Cậu bé Bruno ôm tay bố và liên tục gọi “papa”

    Bộ phim phản ánh một xã hội khủng hoảng, dân chúng khốn khổ, nhiều bất công xã hội nhưng chứa đựng tình người sâu sắc và cảm động. Vấn đề đặt ra trong phim có tính thời sự và chuẩn mực cho tới tận ngày nay. 
    Hành động của Ricci là hành động bộc phát của một người dân nghèo bất kỳ trong hoàn cảnh đó, không mang tính diễn, bộ phim thành công không chỉ ở cốt truyện, cảnh quay mà còn ở chính những người diễn viên không chuyên này. Họ như đang sống cho chính họ, như đang làm những gì cần phải làm để cuộc sống thực của họ được khấm khá hơn. 
    Như quan điểm của các nhà làm phim Tân hiện thực "Phim là đời. Đời là phim". Vì vậy khuôn mặt ảo não của Ricci, nỗi buồn trong đôi mắt của Bruno hay sự chán chường trong cả hành động của Maria đều là thật. Thật đến mức khán giả cũng bị nỗi buồn ấy xâm chiếm.
    Thành phố với những tòa nhà cổ kính hiện lên trên màn ảnh làm cho hai bố con Ricci lạc lõng và nhỏ bé biết bao. Và khi họ nhập vào đoàn người thì tác giả cũng ngụ ý rằng, bao con người khác cũng như họ, cũng có những nỗi lo, nỗi buồn khốn khổ giống họ.

    Đạo diễn bộ phim
    Vittorio De Sica là đạo diễn của kiệt tác thế giới " Kẻ cắp xe đạp" - đoạt giải Oscar đầu tiên cho thể loại phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất. 
    (Những phim trước năm 1949 được trao giải thưởng danh dự tương đương với giải Oscar, nhưng không có tượng vàng cho thể loại này).
    Ông cũng là một trong những trụ cột chính, những cây đại thụ sáng lập ra trào lưu Tân hiện thực. Trong cuộc đời mình, ông đã hoạt động sáng tạo nghệ thuật không ngừng nghỉ và có một số lượng tác phẩm nhiều hơn hẳn các đạo diễn cùng thời.
    Ông từng vinh dự nhận bốn giải Oscar cho hạng mục "phim nói tiếng nước ngoài hay nhất". Đó là các phim "Sciuscia" - 1947, "Kẻ cắp xe đạp" - 1949, "Hôm qua, hôm nay và ngày mai" - 1964, "Khu vườn của Phinxi Contini" - 1971.













    Khánh Sơn
    Theo Trí Thức Trẻ
    http://hdonline.vn/phim-bicycle-thieves-ke-cap-xe-dap-10217.html 

    Nhận xét

    Bài đăng phổ biến từ blog này

    TT&HĐ I - 9/d

    MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

    MỌC CÁNH