Chuyển đến nội dung chính

MỌI MIỀN NƯỚC VIỆT 17(Đắk Nông)

(ĐC sưu tầm trên NET)




Bản đồ của Đắk Nông    
Đắk Nông
Tỉnh của Việt Nam
Đắk Nông hay Đắc Nông là một tỉnh ở Tây Nguyên Việt Nam. Tỉnh Đắk Nông được tái lập vào ngày 01 tháng 01 năm 2004, theo Nghị quyết số 23/2003/QH11 ban hành ngày 26 tháng 11 năm 2003 của Quốc hội trên cơ sở chia tách tỉnh Đăk Lăk thành 2 tỉnh mới là ... Wikipedia
Diện tích: 2.516 mi²
Dân số: 571.300 (2014)

ĐAK NÔNG – 13 THÁC NƯỚC GIỮA ĐẠI NGÀN

daknong_1
Ảnh: Những hang động khuyết sâu vào lòng núi trong khu vực
thác Đak G’lun

Trước khi tách ra từ tỉnh Đaklak vào năm 2004, vùng Gia Nghĩa – Đak Nông trong cái nhìn của người làm du lịch chỉ là điểm trung chuyển, dừng chân trên Quốc lộ 14 nhằm để khách thư giãn sau chặng đường dài mệt mỏi, hoặc mua bơ sáp, măng khô đặc sản Tây Nguyên .., rồi tiếp tục ngược xuôi lên Ban Mê Thuột hoặc trở về TPHCM, còn du lịch thì e rằng khó phát triển, bởi lẽ chẳng có thắng cảnh nào nổi tiếng ngoài thác Diệu Thanh vốn nằm khuất nẻo và đường xuống thác đã hư hỏng nặng. Thế nhưng, bây giờ trở lại Đak Nông, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi tham gia chuyến điền dã và chiêm ngưỡng 13 thác gềnh giữa đại ngàn, mới được Ngành Du lịch Đak Nông phát hiện cách đây không lâu
 
Giữa trưa, chúng tôi đặt chân tới đầu nguồn thác Đak G’lun nằm trong địa phận huyện biên giới Tuy Đức trên độ cao 728 mét so với mặt biển và cách ngã ba Kiến Đức 35 km hướng Tây Bắc nếu đi trên tỉnh lộ 681. Theo lối mòn xuống thác chúng tôi xuyên qua nhiều địa hình: vạt rừng Bằng Lăng với thân cây thẳng ngọn, những vách đá dựng đứng rễ cây cổ thụ bám đầy tựa những con trăn trườn mình bò ngổn ngang, thỉnh thoảng phải men theo con đường khuyết sâu vào lòng núi giống hang chân sóng nối liền hai động đá rộng lớn theo dạng hàm ếch trông rất ngoạn mục. Bất ngờ xuất hiện dưới tán lá rừng luồng nước khổng lồ tung mình trên độ cao hơn 50 mét đổ xuống ầm ì rung chuyển cả một góc rừng và phía chân thác ẩn hiện trong bụi nước bắn ra là sắc cầu vồng lung linh, huyền ảo. Cảnh vật thác Đak G’lun đẹp hoang dã như chuyện cổ tích , xứng danh “ Người đẹp giữa Đại ngàn” mà người M’Nông đã đặt tên.
daknong_4
Ảnh: Nghệ nhân đánh công chiêng hầu hết là nữ giới là điều hiếm thấy ở Tây Nguyên
Đêm ở Bon J’riêng – Gia Nghĩa thơm mùi nếp mới và thịt nướng từ ngôi nhà làng, còn ở phía trước sân, đống lửa bắt đầu cháy bùng lên sau khi già làng hoàn tất phần nghi thức mở hội trong tiếng cồng tiếng chiêng rộn rã, trầm hùng. Những bài nhạc cồng chiêng đón khách chúc sức khỏe, mừng lúa mới, mừng chiến thắng lần lượt được diễn tấu làm nền cho vòng xoang gồm 40 con người mấy thế hệ trong trang phục M’Nông đã làm sống lại đêm hội cồng chiêng thuở nào. Một điểm đặc sắc ở Bon J’riêng nghệ nhân đánh cồng chiêng chiếm phần đông là nữ giới, điều mà chúng tôi chưa hề thấy ở Tây Nguyên. Theo ông K’Bốt Phê Pul – Trưởng ban Dân tộc tỉnh Đak Nông “Cồng chiêng không do các dân tộc Tây Nguyên tự làm ra, mà mua hoặc đổi theo dạng hàng hóa từ nơi khác mang đến, tuy nhiên nó cũng phải qua quá trình được các nghệ nhân bản địa gò lại, chỉnh âm mới trở thành nhạc cụ. Hiện nay dân tộc M’Nông sống ở Đak Nông bảo lưu gần 20 bài nhạc cồng chiêng phục vụ nghi lễ: Mừng lúa mới, Lễ đâm trâu, tang lễ bỏ mả, Mừng chiến thắng, Mừng nhà mới, Lễ cầu an, chúc sức khỏe… và tùy nghi lễ bài cồng chiêng sẽ diễn tấu âm điệu khác nhau …. Sinh hoạt văn hóa cồng chiêng dân tộc M’Nông là hoạt động cộng đồng không phân biệt giới tính, tuổi tác và xem trọng vấn đề thừa kế nhằm giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống”

dak_nong_5
Ảnh: Thác Liêng Nung hùng vỹ, hoang dã giữa lòng thị xã Gia Nghĩa
Liêng Nung - dòng thác giữa lòng thị xã, tọa lạc trên Quốc lộ 28, cách Gia Nghĩa chưa tới 10 km và nổi tiếng hùng vĩ với 2 cột nước chảy xối xả trên vòm đá cao 30 mét tung bọt trắng xóa và bụi nước mù mịt cả một vùng. Còn nữa, dưới chân thác thân cây trôi dạt, chung quanh thác chưa có dấu hiệu can thiệp của con người nên vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên thủy. Đây được xem là nơi thu hút dân săn ảnh bởi chụp góc độ nào cũng đẹp, cũng lột tả được cái hồn thiên nhiên hoang dã.
Len Gun - cái tên cụm thác nước nằm trong vùng lõi Khu Bảo tồn Thiên nhiên Nam Nung huyện Đak Song, cách thị xã Gia Nghĩa 48 km vốn là nơi thâm sơn cùng cốc nên ít người biết đến thậm chí những anh Kiểm Lâm viên cũng thú nhận chỉ mới đặt chân tới 3 hoặc 4 thác là cùng. Và muốn khám phá cụm thác này, bắt buộc khách phải sử dụng xe mô tô kết hợp đi bộ xuyên rừng với tổng chiều dài 18 km dưới sự hướng dẫn của kiểm lâm. Cũng may gặp tổ Kiểm lâm cắm chốt tốt bụng vừa nhiệt tình dẫn đường lại cho chúng tôi mượn xe để tự lái.

dak_nong_8
Ảnh: Tác giả bên thác Lưu Ly, nằm giữa vùng đệm Khu Bảo tồn Thiên nhiên Nam Nung
Đó là một buổi trưa đầy nắng vàng phủ khắp núi rừng mênh mông và cô tịch, chúng tôi gồm 8 người ngồi trên 4 xe mô tô lần lượt trước sau theo con đường đất hướng vào Khu Bảo tồn Thiên nhiên Nam Nung, mà theo Giám đốc Nguyễn Công Cẩn có diện tích vùng lõi là 12.307 hecta và mặc dù chiếm đa số là rừng đặc dụng, nhưng chưa bị tác động bởi con người hay thiên tai. Ngay đây người ta phát hiện dấu chân của nhiều động vật quý hiếm như Voi, Hổ, Bò Tót, Beo lửa và hàng trăm loài chim thú khác... Đi chưa được bao lâu, thì gặp nhiều đoạn đường lầy lội, ổ gà ổ voi chằng chịt hoặc đắp mô xóc lộn gan lộn ruột, hậu quả của xe công vụ qua lại cầy xới. Cũng không ít nơi cây đổ ngổn ngang, đường trơn trượt như mỡ khiến các xe liên tục bị té ngã. Lúc này mới hiểu tại sao anh em kiểm lâm toàn phải sử dụng xe gắn máy để tuần tra.
Sau gần hai giờ đồng hồ mệt “bở hơi tai” vì đánh vật với con đường đầy gian khổ, chúng tôi dừng chân bên cánh rừng già rậm rạp và đâu đây văng vẳng tiếng thác đổ ầm ì. Tiếp tục luồn rừng trên 2 con dốc dựng đứng dưới tán cây bằng lăng và tre nứa “tranh tối tranh sáng”. Cuối cùng chúng tôi cũng đặt chân tới thác đầu nguồn hay gọi là thác Cả trong cụm bảy tầng nước chảy trắng xóa. Thật ra thác Cả không cao lại không đồ sộ như chúng tôi đã tưởng tượng nhưng nếu nhìn về hạ nguồn có thể thấy cả một vùng hẽm núi mênh mông xa tít, ghềnh đá nhấp nhô, những vực sâu gẩy khúc đang ẩn hiện trong bụi nước như sương như khói mới cảm giác thác hùng vĩ dường nào. Người ta kể, thác Len Gun dàn thành 7 tầng trên chiều dài 1 cây số và chêch lệch độ cao từ đỉnh thác cả đến chân thác cuối cùng khoảng 350 mét.
13 thác nước giữa đại ngàn, những Khu Bảo tồn Thiên nhiên được cố kết trong một không gian văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, tỉnh Đak Nông vốn có rất nhiều lợi thế để phát triển loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa .. Tuy nhiên, Ngành Du lịch địa phương cần phải đầu tư thêm về cơ sở hạ tầng đặc biệt về đường xá giao thông, điển hình như đường vào Khu Bảo tồn Thiên nhiên Nam Nung. Bên cạnh đó, xây dựng đường bậc thang, hàng rào bảo hiểm nhằm tạo điều kiện cho du khách đến thăm đồng thời đảm bảo sự an toàn. Chưa hết, cần… tuyên truyền cho người dân tham gia bảo vệ mội trường nhằm hưởng lợi từ du lịch, giảm bớt đói nghèo. Đó cũng là con đường đúng đắn để phát triển du lịch bền vững.
TTD
Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ TP. HCM

Danh lam thắng cảnh ở Đắk Nông - giữ chân du khách với núi rừng

Cũng như bao vùng cao nguyên khác của Tây Nguyên, Đắk Nông là một địa điểm thu hút du khách bởi nét hoàng sơ của núi rừng, những hồ nước trong xanh giữa chốn đại ngàn xanh và những hồ thác lớn. Có những buôn làng đan xen cư ngụ giữa núi rừng

Cũng như bao vùng cao nguyên khác của Tây Nguyên, Đắk Nông là một địa điểm thu hút du khách bởi nét hoàng sơ của núi rừng, những hồ nước trong xanh giữa chốn đại ngàn xanh và những hồ thác lớn. Có những buôn làng đan xen cư ngụ giữa núi rừng. Tới đây khách du lịch có thể lựa chọn cho minh nhiều chuyến đi cùng một lúc  như chuyến du lịch cộng đồng, chuyến du lịch văn hoá, du lịch sinh thái. Tất cả đều sẽ là những trải nghiệm tuyệt vời cho chuyến du lịch Đắk Nông của bạn.
Tại Đắk Nông luôn là địa điểm được khách du lịch ưa thích với những hồ nước mênh mông, đó là một vẻ đẹp tự nhiên hiếm thấy ở những nơi khác. Không phải là quá hoang sơ như những cánh rừng già hay không quá ồn ào như những con thác. Hồ ở đây khoác cho mình một vẻ đẹp bình dị. Mặt hồ lăn lăn vài gợn sóng phối hợp với khung cảnh rừng cây xanh mướt của đồi núi. Bạn sẽ được trải nghiệm một cảm giác chèo thuyền giữa mặt hồ bao la, ngắm nhìn những cảnh núi rừng và được hít thở không khí trong lành, thưởng thức những cơn gió dịu nhẹ của rừng núi. Ở Đắk Nông có 3 hồ nổi tiếng là hồ Ea Snô, hồ Tây và hồ Trúc.

Tại Với những khách du lịch thích khám phá trải nghiệm những điều mới lạ, hay thích phiêu lưu trong bạc ngàn của rừng cây thì lựa chọn đến với thác Đắk Nông là một lựa chọn hết sức lý tưởng. Bạn sẽ được khám phá một hệ sinh thái vô cùng đa dạng quanh thác nước. Thác nước nằm ẩn mình bên những tán cây tạo nên một vẻ đẹp kì vĩ.
Ngoài vẻ đẹp của thác nước thì cánh rừng cũng là một lựa chọn khác cho những người thích sự mạo hiểm. Đến với khu rừng Đắk Nông bạn sẽ tìm hiểu về một hệ sinh thái vô cùng phong phú và đa dạng gồm những loài động vật quý hiếm đang tồn tại ở nơi đây. Khu du lịch sinh thái – văn hoá và lịch sử Nậm Nung sẽ hội tự đủ những yếu tố bạn cần.
Vẫn còn nhiều con thác đẹp khác vẫn tồn tại giữa núi rừng Đắk Nông như là thác Dray Sáp, Thác Gia Long, Thác Trinh Nữ,… Mỗi con thác là mỗi nét đẹp riêng góp phần tạo nên bức tranh tuyệt hảo của núi rừng Đắk Nông.
Một địa điểm khác mà khách du lịch thích thú khi đến với Đắk Nông đó là khu du lịch Tà Đùng. Đây là khu du lịch với diện tích 22 103 ha và có nhiều loại động thực vật quý hiếm đang được bảo vệ trong khu rừng này. Không chỉ thu hút vẻ đẹp của cảnh quang thiên nhiên hoang sơ mà khu du lịch Tà Đùng còn là một địa điểm hấp dẫn để tham quan tìm hiểu về khoa học.

Cũng giống như Đắk Lắk, Đắk Nông cũng có những nếp nhà dài, nhà sàn của người dân tộc thiểu số. Đây là nét kiến trúc luôn thu hút du khách đến với tham quan miền núi rừng Tây Nguyên. Những căn nhà ở đây được làm với chất liệu là gỗ đậm nét cổ kính của người dân tộc thiểu số và luôn mang lại cho người ở một cảm giác dễ chịu trong thời gian nghỉ ngơi lại đây.
Ngoài ra ở Đắk Nông còn có nhiều nét văn hoá không thể không có trong đời sống tâm linh của người con nơi núi rừng. Lễ hội là dịp để con cháu tụ họp và tưởng nhớ đến tổ tiên và thần linh ở trên cao. Có một số lễ hội như là lễ cúng mừng sức khoẻ, lễ hội đua voi, lễ cúng mừng lúa mới,…

Văn hóa dân gian người M'Nông ở Đắk Nông

Đắk Nông là vùng đất hội tụ và giao thoa nhiều vùng văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Nơi đây còn lưu trữ nhiều nét văn hoá đặc trưng thể hiện qua các lễ hội gắn với đời sống tâm linh của người dân như là sinh hoạt cồng chiêng, sử thi, văn hoá ẩm thực, các điệu múa dân gian truyền thống,…

Sự hình thành của cộng đồng đã tạo cho Đắk Nông nhiều loại văn hoá truyền thống có giá trị. Qua nhiều di chỉ được khai quật thì các nhà khảo cổ học đã tìm ra được nhiều dụng cụ dùng để lao động như cuốc nhỏ chân dài, rìu, bôn,…Các dấu tích của trước đây đã cho thấy đời sống sinh hoạt văn hoá của người xưa. Từ đó chúng ta thấy rằng đời sống tinh thần rất phong phú và đa dạng như là âm nhạc, trang sức, nghệ thuật trình diễn,…
Bên cạnh đó thì hệ thống lễ nghi phục vụ cho đời sống tâm linh như là lễ mừng lúa mới, lễ hội mừng mùa, lễ hội ăn cơm mới, lễ hội kết nghĩa,…. Đồng thời người dân ở đây còn sở hữu một kho tàng văn học dân gian truyền miệng rất đa dạng như là truyện cổ, cao dao, tục ngữ,…
Không gian văn hoá cồng chiên Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là một di sản văn hoá phi vật thể vào năm 2005. Người dân Tây Nguyên nói chung và người Đắk Nông nói riêng đã tạo nên một giá trị di sản nhân loại đó. Chỉ có đời sống của con người gắn với núi rừng, dòng sông, với ngôi nhà dài và chiếc cồng, chiếc chiêng,… thì mới làm nên được sự hấp dẫn riêng cho không gia văn hoá của Tây Nguyên.
Cồng chiêng và nghệ thuật biễu diễn cồng chiêng là một trong những nét văn hoá gắn liền với đời sống tín ngưỡng và tinh thần của người dân vùng cao. Nó được thể hiện qua các nghi thức như là ẩm thực dân gian, lễ hội,… Cồng chiêng là một loại nhạc cụ với khả năng trình diễn phải độc lập và có kết hợp với các loại nhạc cụ khác không thể thiếu trong các mùa lễ hội như quy mô nhỏ một gia đình cũng như cả cộng đồng. Đặc điểm rất nổi bật của dàn cồng chiêng này là sự kết hợp kinh hoạt giữa những tiết tấu là những âm thanh của núi rừng của tiếng suối, tiếng thác chảy và tâm hồn của người M’nông.
Đồng bào M’nông có dàn cồng chiêng để cầu xin và giã bày với thần linh cũng như ứng xử với thiên nhiên, núi rừng. Đó cũng là của cải vật chất để phân biệt giữa người nghèo và kẻ giàu, là sức mạnh vô hình được người khác kính trọng.
Mỗi tộc người của vùng Tây Nguyên có mỗi cách đánh khác nhau để phân biệt giữa các dân tộc. Âm thanh của tiếng cồng mang đến cho người nghe nhiều cảm xúc rạo rực khiến mọi người tìm đến với nhau để chung vui.
Vào những ngày lễ hội với những vòng nhảy múa quanh đóng lửa và bình rượu cần, hoà với không gian ấy là tiếng cồng chiêng vang vọng khắp núi rừng.
Trong kho tàng văn học và văn hoá của Việt Nam thì sử thi của người M’nông có một giá trị văn hoá hết sức đặc biệt. Đó là một món ăn tinh thần không thể thiếu và còn được lưu giữ cho đến ngày nay. Sử thi M’nông được tạo từ hàng trăm câu văn có vần điệu và là một thể loại văn học truyền miệng có những câu chuyện mang đầm tính chất thần thoại về các hiện tượng của tự nhiên và những nhân vật lịch sử.
Hát và kể sử thi trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người M’nông. Có người nghệ nhân có thể nhớ đến hàng vạn câu sử thi, học còn có giọng hát hay và tiết tấu độc đáo để lưu truyền cho tới ngày nay.
Nghệ thuật hát kể sử thi rất thu hút khách du lịch đến nghe, đặc biệt vào mùa lễ hội. Tuy chưa có định hình rõ ràng nhưng nó có một ẩm hưởng và làn điệu mượt mà gắn liền với đời sống hằng ngày.
Nhạc cụ của người M’nông rất độc đáo về âm điệu cả chức năng. Âm nhạc là một phần không thể thiếu trong cuộc sống sinh hoạt cũng như lao động của người dân hằng ngày. Các nhạc cụ được làm bằng gỗ, tre nứa, sừng, vỏ bầu, đá,… Du làm bằng vật liệu gì nhưng những nhạc cụ ở đây rất là độc đáo. Họ dựa vào đôi ta để xác định được độ trầm bỗng của từng loại nhạc cụ. Mỗi loại nhạc cụ lại đi kèm với một câu chuyện và một hoàn cảnh khác nhau. Có loại thì dùng ở nương rẫy, có loại thì đánh trong lễ hội hoặc có loại chỉ dùng để bày tỏ tình yêu đôi lứa, có loại xua đuổi thú rừng, có loại lại dùng để giải trí,…

Đắk Nông là vùng đất hội tụ và giao thoa giữ nhiều nền văn hoá cả về vật chất lẫn tinh thần. Các lễ hội vẫn còn lưu giữ cho đến ngày nay như là lễ hội mừng lúa mới, lễ hội rượu cần, lễ hội trưởng thành,… Lễ hội đã tạo nên niềm hứng khởi và náo nức của con người và sức lan toả trong cộng đồng. Với quan niệm là vạn vật hữu linh thì đồng bào M’nông lại có những nghi lễ như là lễ vòng đời hay lễ nông nghiệp. Thông qua lễ hội đó để người dân tộc  M’nông cầu xin lên Yàng mang lại những điều tốt lành cho buôn làng. Tất cả đều tạo nên nhiều nét văn hoá truyền thống truyền lại từ ông cha ngày xưa với núi rừng Tây Nguyên

Dọc đường Trường Sơn - di tích quốc gia Đắk Nông

Theo tuyến đường lịch sử Trường Sơn – Hồ Chí Minh thì một số di tích được xếp vào hạng di tích quốc gia đặc biệt. Trong đó tỉnh Đắc Nông cũng có nhiều hạng mục được đưa vào di tích cấp quốc gia.

1, Di tích ngục Đắk Mil
Vào năm 1940, ngục Đắk Mil được thực dân Pháp xây dựng trong một khu rừng già thuộc huyện Đắk Mil. Nơi đây để giam giữ và đày ải nhiều chiến sĩ cách mạng và người dân yêu nước.
Nhà ngục này được thiết kế theo lối nhà sàn của đồng bào người Ê để gồm 9 gian nhà bằng gỗ, lợp mái tranh và có hàng rào gỗ chèn dây thép gai, 4 góc quanh nhà ngục có chòi canh 24/24.
Tháng 11/ 1941, đoàn tù đầu tiên bị đày vào ngục Đắk Mil gồm 45 tù binh chính trị được cho là nguy hiểm nhất tại tù Buôn Mê Thuột. Tại ngục Đắk Mil, các chiến sẽ cách mạng đã tổ chức vượt ngục thành công.
Cuối năm 1943, thực dân Pháp đã chuyển tất cả tù binh về ngục Buôn Mê Thuột và tuyên bố phá sản ngục Đắk Mil.

2, Di tích cách mạng căn cứ kháng chiến B4 – liên tỉnh IV
Đây là một khu căn cú của cách mạng và lực lượng kháng chiến liên tỉnh IV. Gồm hai khu căn cứ là phía Bắc Nậm Nùng và phía Nam Nậm Nùng.
Địa bàn hoạt động an toàn của các ban ngành trong tỉnh và của liên tỉnh. Đây là khu hành lang chiến lược vừa đưa sức người lẫn sức của từ hậu phương ra tiền tuyến. Là nơi nối giữa Tây Nguyên với miền Đông Nam bộ và miền Bắc với miền Nam. Và đây cũng là nơi đưa đón các đồng chí cách mạng lãnh đạo từ Trung ương và miền Nam để chỉ đạo kháng chiến và nổi dậy năm 1975.

3, Di tích lịch sử là địa điểm bắt liên lạc khai thông đường Hồ Chí Minh đến Đông Nam Bộ
Đây là địa điểm nối liền giữa hai khu vực chiến lược là Đông Nam Bộ và Nam Tây Nguyên. Khai thông được đường mòn Hồ Chí Minh là chấm dứt tình trạng hai miền Nam – Bắc bị chia cắt trong thời gian kháng chiến. Sự hình thành nên địa điểm này đã là một bước ngoặt to lớn đối với cách mạng của Việt Nam.

4, Di tích lịch sử lưu niệm N’Trang Gưh
Đây là địa điểm phần mộ của N’Trang Gưh, cánh đồng, buôn làng và căn cứ của nghĩa quân do N’Trang Gưh làm thủ lĩnh chống quân Xiêm năm 1884 đến 1887. Nay địa điểm này thuộc xã Buôn Choáh huyện Krông nô.
Tại đây vị thủ lĩnh này đã tập hợp hơn 600 thanh niên thuộc 20 buôn làng trong phạm vi sông Krông Ana và Krông Nô, sau đó đứng lên tiêu diệt quân Xiêm tại cánh đồng của làng Tur và làng Phok ở cuối thế kỷ thứ 19.
Vào năm 1900, N’Trang Gưh lại một lần nữa kêu gọi dân làng đứng lên khởi nghĩa chống Pháp. Dưới sự dìu dắt của vị lãnh đạo này thì cuộc khởi nghĩa đã dành nhiều chiến thắng vẻ vang làm chấn động toàn Đông Dương và giới cầm quyền của Pháp.

5, Danh thắng thác Đ’ray Sáp thượng
Thác này còn gọi là thác Gia Long thuộc huyện Krông Nô, là thác nằm ở dòng sông Sê rê Pok gắn với nhiều câu chuyện huyền thoại về tình yêu của nàng H’Mi. Nơi đây từng là nơi thực dân Pháp đã huy động dân phu, tù nhân ở nhà tù Buôn Mê Thuột lao dịch khổ nhọc dưới đòn roi tra tấn để xây dựng nên đoạn đường vòng cùng với chiếc cầu treo qua sông Ea Kông

Hệ thống hang động núi lửa tại Đắk Nông có giá trị cao về khoa học và du lịch

Thứ Ba, 30/12/2014 08:58
(Thethaovanhoa.vn) - Vừa qua, các nhà khoa học Nhật Bản cùng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã công bố thông tin ban đầu về một số hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á tại huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Đây là phát hiện lớn nhất về mặt khoa học và có giá trị về du lịch tại Tây Nguyên năm 2014.
Hệ thống hang động này nằm trong khu vực Rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp (huyện Krông Nô) từ xã Buôn Choah chạy dọc theo sông Sê Rê Pôk đến thác Đray Sáp có chiều dài 25 km. Trong hệ thống hang động này, có rất nhiều hang lớn nhỏ với kích thước và hình dạng khác nhau. Đến thời điểm hiện tại, các nhà khoa học đã nghiên cứu, khảo sát chi tiết được 3 hang trong khu vực này là các hang C7, C3, A1. Trong đó, C7 là hang núi lửa dạng ống với chiều dài hơn 1 km và đây là hang dung nham núi lửa lớn nhất Đông Nam Á. Các hang khác là, Hang C3 dài 594,4 mét, Hang A1 dài 456,7 mét, Hang Dơi 1 và Hang Dơi 2 dài 545m.
Các hang động núi lửa này có những nét đặc trưng và độc đáo riêng. Phần lớn các hang có hình ống; trong một số hang có ngã rẽ, một số ngã rẽ thông nhau tạo thành những vòng tròn. Các nhà khoa học phát hiện thấy một số động vật như: các loài dơi, rắn, ếch, ốc sên sinh sống trong những hang này. Trong hang động, có nhiều cấu trúc đặc trưng về hình dạng bề mặt đá Bazan đã phản ánh quá trình hoạt động núi lửa phun trào trên lục địa cách đây hàng triệu năm. Trong các hang được hình thành các ngấn nham thạch hằn lên vách đá, đã cho biết dòng chảy dung nham Bazan phun trào theo từng nhịp trong quá trình hoạt động của Macma. Theo các nhà khoa học Nhật Bản, loại hang núi lửa khu vực này thuộc dạng hiếm trên thế giới với những dòng thạch nhũ dung nham, những dấu vết của những phiến đá Bazan nằm ngang hoặc cuộn xoắn trên tường hang, thể hiện lượng dung nham phun trào núi lửa và hướng chảy của dòng dung nham. Sự có mặt của khuôn cây nham thạch ở phía trên hoặc bên trong hang đã chứng tỏ nơi này cách đây hàng triệu năm là một khu rừng. Khi núi lửa phun trào dòng dung nham và tiếp xúc với không khí, nguội dần và đông cứng, để lại trên thành hang những vệt hoa văn tự nhiên rất đẹp.
Trong hang, dấu vết “khuôn” của những thân cây gỗ có kích thước khác nhau và để lại dấu vết thạch nhũ trong cả những đoạn hang hình ống. Theo các nhà địa chất, nguyên nhân do dòng dung nham nóng chảy với nhiệt độ trên 1000 độ C khi cuốn qua những cây gỗ to, sẽ làm cháy thân cây từ ngoài vào trong, nhưng cháy không hết. Sau một thời gian, những thân cây này mục dần và tạo thành những đoạn hình ống.

Một hang trong hệ thống hang động núi lửa ở gần cụm thác Đray Sáp-Gia Long, huyện Krông Nô. Ảnh: Ngọc Tâm - Báo Đắk Nông
Anh Nguyễn Thanh Tùng sinh sống gần khu vực này từ những năm 80, là người đã từng tìm hiểu nhiều hang động nơi đây cho biết: "Những hang này có từ thời xa xưa, người dân bản địa gọi là hang Chư B'luk, những người thợ săn gọi là hang dơi vì trong hang rất nhiều dơi". Cũng theo anh Tùng, trong khu vực này anh đã đi và tìm thấy khoảng gần 100 hang lớn nhỏ, chiều dài các hang trên dưới 100m.
Ngoài những hang lớn do các nhà khoa học vừa công bố, khu vực này có nhiều hang nhỏ hơn, một số hang có nước sạch và trong vắt. Các cán bộ kiểm lâm rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp cũng như người dân đi rừng vẫn thường xuống đây lấy nước để sinh hoạt khi đi tuần tra kiểm soát rừng.
Nếu nói về phát triển du lịch, có lẽ thiên nhiên đã ưu đãi cho người dân địa phương khi quanh khu vực hệ thống hang động núi lửa (khoảng 2 km) là Khu du lịch thiên nhiên thác Đay Sáp (trong khu du lịch có thác Đray Sáp, thác Đray Nur và thác Gia Long) nổi tiếng tại Việt Nam, thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Ông Võ Văn Tâm, Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp cho biết: Việc các nhà khoa học Nhật Bản cùng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam xác định cơ sở ban đầu tại Khu du lịch Đray Sáp có một quần thể hang động núi lửa, là một tin vui. Bởi vì nơi đây đã được nhà nước công nhận khu du lịch cấp Quốc gia gồm 2 danh thắng là thác Đray Sáp và thác Gia Long. Từ thác Đray Sáp chạy dài đến núi lửa Chư B'Luk là một giàn đá Bazan xếp từng khối lớn với hình thù khác nhau chạy dài bên triền sông Sê-rê-pốc, tạo nên cảnh đẹp hoang sơ và thơ mộng. Việc phát hiện các hang động núi lửa này, sẽ tạo điều kiện cho địa phương trong tương lai phát triển mạnh ngành du lịch. Cũng theo ông Tâm, nếu ngành du lịch Đắk Nông có cách khai thác hợp lý thì đây cũng là một trong những thế mạnh để phát triển du lịch của tỉnh cũng như trong khu vực.
Đánh giá về phát hiện hang động núi lửa tại huyện Krông Nô, theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cùng với hang động núi lửa khu vực Krông Nô với các danh lam thắng cảnh và di sản thiên nhiên sẽ tạo ra điểm đến rất hấp dẫn cho du khách cũng như cho các nhà khoa học trong và ngoài nước. Nó mang lại ý nghĩa hết sức to lớn trong việc giải quyết việc làm cho người dân địa phương cũng như các dịch vụ khác, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, nhất là hộ nghèo trong khu vực, góp phần phát triển kinh tế trong những năm tiếp theo của tỉnh.
Cũng theo bà Lệ, thời gian tới tỉnh Đắk Nông sẽ cùng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, các Bộ, ngành liên quan xây dựng đề án trình Chính phủ quyết định và ghi nhận Đắk Nông là Công viên địa chất cấp quốc gia. Tỉnh Đắk Nông sẽ bổ sung hang động núi lửa vào quy hoạch phát triển du lịch để các địa phương cũng như các sở, ngành thống nhất quản lý và tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, bảo vệ di sản thiên nhiên này tốt hơn. Đắk Nông cũng sẽ xây dựng các chính sách tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng để thu hút đầu tư vào tỉnh.
Ngọc Minh- TTXVN

Các di tích, danh thắng được xếp hạng di tích quốc gia trên địa bàn Ðắk Nông

Cập nhật ngày: 02/01/2014 09:45
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09/12/2013 về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Theo đó, di tích lịch sử Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là một trong 14 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Tại tỉnh ta, mạng lưới đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn các huyện Chư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Tuy Đức gồm các nhánh đường thuộc 2 điểm Đắk Mil và Bu Prăng với tổng chiều dài khoảng 140 km như: đường Hồ Chí Minh Đông Trường Sơn đoạn Đắk Mil – Đắk Song; đường ngang Đắk Mil đi Ô Ran (Campuchia) về Lộc Ninh (năm 1973-1974); nhánh đường Hồ Chí Minh Bu Prăng đi Lộc Ninh năm 1974 và trọng điểm đánh phá ác liệt, ngăn chặn của không quân và bộ binh Mỹ - Ngụy ở khu vực Núi Lửa; Khu tập kết lực lượng từ miền Bắc vào năm 1965 đến 1975 và Cụm kho dự trữ chiến lược cho B2.
Ngoài di tích quốc gia đặc biệt trên thì tỉnh ta còn có 8 di tích quốc gia khác, bao gồm:
1. Di tích lịch sử cách mạng Ngục Đắk Mil
Di tích Ngục Đắk Mil
Ngục Đắk Mil do thực dân Pháp xây dựng vào đầu năm 1940 trong một khu rừng già thuộc huyện Đắk Mil (nay thuộc địa bàn thôn 9, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) để giam giữ, đày ải những người dân yêu nước và những chiến sĩ cách mạng Việt Nam.
Nhà ngục được thiết kế theo mô típ kiểu nhà dài (nhà sàn) của đồng bào Ê đê gồm 9 gian bằng gỗ, mái lợp tranh là hàng rào gỗ được chèn chặt bằng dây thép gai, 4 góc của nhà ngục có chòi canh gác 24/24.
Đầu tháng 11/1941, đoàn tù đầu tiên bị đày xuống ngục Đắk Mil gồm 45 tù chính trị được cho là nguy hiểm nhất đối với bọn cai ngục tại nhà đày Buôn Ma Thuột. Tại Ngục Đắk Mil, các chiến sĩ cách mạng đã tổ chức thành công 2 cuộc vượt ngục.
Cuối năm 1943, nhận thấy không thể đày ải tù cộng sản tại Ngục Đắk Mil được lâu hơn nữa, thực dân Pháp đã chuyển toàn bộ số tù ở Ngục Đắk Mil về nhà đày Buôn Ma Thuột và tuyên bố phá hủy Ngục Đắk Mil.
Ngày 17/5/2005, Ngục Đắk Mil được công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia theo quyết định số 11/2005/QĐ-BVHTT, của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch).
2. Di tích lịch sử cách mạng Căn cứ kháng chiến B4 – Liên tỉnh IV
Căn cứ kháng chiến B4 – Liên tỉnh IV là Căn cứ địa cách mạng của lực lượng kháng chiến (tỉnh Quảng Đức cũ) và lực lượng kháng chiến liên tỉnh IV trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1959 – 1975). Hình thành từ năm 1959, tại Bắc Nâm Nung, thuộc xã Nâm Nung (Krông Nô).
Gồm hai địa điểm: 1) Căn cứ phía Bắc Nâm Nung được hình thành trong giai đoạn 1959 – 1967, trên cơ sở các căn cứ đã có từ thời kháng chiến chống Pháp trải dài trên địa bàn xã Nâm Nung, huyện Krông Nô. 2) Căn cứ phía Nam Nâm Nung (1967 – 1975) thuộc xã Quảng Sơn (Đắk Glong).
Đây là địa bàn hoạt động an toàn của các cơ quan ban ngành Huyện ủy, Tỉnh ủy, Liên tỉnh; là hành lang chiến lược đưa sức người sức của từ hậu phương ra tiền tuyến, là bản lề nối Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ, miền Bắc với miền Nam; là nơi đưa, đón các đồng chí lãnh đạo từ Trung ương vào thành lập chủ lực Miền, để chỉ đạo cuộc tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Ngày 17/03/2005, được công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia theo quyết định số 10/2005/QĐ-BVHTT, của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch).
3. Di tích lịch sử các địa điểm về phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của đồng bào M’nông do N’Trang Lơng lãnh đạo
Các địa điểm ghi dấu sự đấu tranh kiên cường của đồng bào các dân tộc trên Cao nguyên M’nông, S’tiêng (Việt Nam) và Krachié (nay là Mondulkiri - Campuchia) trong hơn 1/4 thế kỷ oanh liệt (từ năm 1911 - 1935). Gồm: Bon Bu Nor – địa điểm N’Trang Lơng cùng nghĩa quân tổ chức lễ “kết minh” (trá hàng) tiêu diệt Henri Maitre cùng đoàn tùy tùng (1914) nay thuộc bon Bu Nor B, thôn 6, xã Đắk R’tíh, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông và đồn Bu Méra - Trung tâm cai trị và đàn áp đồng bào M’nông nay thuộc bon Bu Boong, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.
Ngày 27/08/2007, được công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia theo quyết định số 04/2007/QĐ-BVHTTDL, của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch.
4. Di tích lịch sử địa điểm bắt liên lạc khai thông đường Hồ Chí Minh – đoạn Nam Tây Nguyên đến Đông Nam Bộ
Địa điểm bắt liên lạc nối liền hai vùng đất chiến lược Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, khai thông đường mòn Bắc - Nam mang tên Bác ở cuối dãy Trường Sơn, chấm dứt tình trạng chiến trường bị chia cắt, nối miền Bắc XHCN với miền Nam ruột thịt, mở ra cho cách mạng Việt Nam bước vào giai đoạn lịch sử mới, tạo sức mạnh to lớn cho đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Gồm:
1) Địa điểm đội I đoàn B90 bắt liên lạc với đoàn C200 của miền Đông Nam Bộ tại vàm suối Đắk R'tíh và sông Đồng Nai, ngày 30/10/1960 (nay thuộc thôn Đồng Tiến, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa).
2) Địa điểm đội II Đoàn B90 đã bắt liên lạc được với tổ mở đường C270 tại cây số 4 xuyên qua Quốc lộ 14 hướng ngã ba Đắk Song đi Gia Nghĩa, ngày 4/11/1960 (nay thuộc thôn 8, xã Nam Bình, huyện Đắk Song).
Ngày 02/8/2011, được công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia theo quyết định số 2367/QĐ-BVHTTDL, của Bộ Văn hóa -  Thể thao & Du lịch.
5. Di tích lịch sử địa điểm lưu niệm N’Trang Gưh
Địa điểm lưu dấu phần mộ của N’Trang Gưh, buôn làng, cánh đồng và căn cứ địa của nghĩa quân do thủ lĩnh N’Trang Gưh lãnh đạo chống quân Xiêm năm 1884 - 1887 và thực dân Pháp năm 1900 – 1914 nay thuộc địa bàn xã Buôn Choáh (Krông Nô).
Tại đây, N’Trang Gưh đã kêu gọi tập hợp hơn 600 thanh niên thuộc 20 buôn trên lưu vực sông Krông Nô và Krông Ana đứng lên khởi nghĩa tiêu diệt toàn bộ quân Xiêm tại cánh đồng buôn Tur và buôn Phok vào cuối thế kỷ 19.
Năm 1900, một lần nữa N’Trang Gưh đã đứng lên tập hợp dân làng khởi nghĩa chống Pháp. Dưới sự lãnh đạo của N’Trang Gưh, cuộc khởi nghĩa kéo dài hơn một thập kỷ, giành được nhiều chiến công vẻ vang, gây chấn động toàn Đông Dương và giới cầm quyền Pháp.
Ngày 2/8/2011, được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử Quốc gia theo quyết định số 2366/QĐ-BVHTTDL, của Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch.
6. Địa điểm chiến thắng Đồi 722 – Đắk Sắk
Di tích lịch sử Đồi 722 Đắk Sắk
Địa điểm ghi dấu nhiều trận đánh ác liệt của lực lượng bộ đội chủ lực ta và quân, dân địa phương trong suốt chặng đường lịch sử từ năm 1968 đến 1975 nhằm tiêu hao sinh lực địch, đánh phá hệ thống đồn bốt đang án ngữ phá hoại đường Hồ Chí Minh trên chiến trường nam Tây Nguyên.
Địa điểm Đồi 722 - Đắk Sắk là một trại lực lượng đặc biệt Đức Lập (Camp Duc Lap) được Mỹ - Ngụy thiết lập năm 1965, cách trung tâm quận Đức Lập (tỉnh Quảng Đức cũ) khoảng 10 km về hướng đông (nay thuộc địa phận thôn Thổ Hoàng 4, xã Đắk Sắk, huyện Đắk Mil). Tại đây địch xây dựng các công sự kiên cố với 12 lớp hàng rào, bên trong là tường đất có ụ chiến đấu, hào sâu cắm chông, gài mìn. Lực lượng địch tại đây là 01 tiểu đoàn được trang bị quân trang vũ khí hiện đại.
Năm 1968, bộ đội chủ lực của ta phối hợp với quân và dân địa phương nổ súng tấn công quận lỵ Đức Lập và một loạt vị trí đóng quân của địch trên toàn tuyến Sapa, Đắk Lao và Đắk Sắk... đồng thời chặn đánh các cánh quân chi viện của địch. Đêm 24/8/1968, căn cứ trại lực lượng đặc biệt Đức Lập – nơi cố thủ cuối cùng của địch đã bị tiêu diệt, đại bộ phận quân chiếm đóng và hệ thống Ngụy quyền từ huyện đến xã tan rã, giải phóng hàng ngàn dân, bộ đội ta hoàn toàn làm chủ trận địa.
Ta chiếm đóng trại lực lượng đặc biệt Đức Lập được 3 đến 4 ngày thì địch huy động tổng lực quân đội từ Buôn Ma Thuột và các căn cứ quân sự đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Đức tiếp ứng, bao vây tấn công bất ngờ, chúng huy động máy bay B52, dùng hỏa tiễn, pháo 105mm, pháo 155mm, pháo 175mm, gài mìn Claymore và đại liên dội xuống trại lực lượng đặc biệt Đức Lập trong suốt hơn 3 ngày đêm.
Sau gần 10 ngày đêm chiến đấu, ta tiêu diệt hơn 1.300 tên địch; bắn hạ nhiều phương tiện chiến tranh và thu nhiều quân trang, vũ khí. Tuy nhiên, do thông tin chậm, lại chưa được chi viện lực lượng và tiếp tế lương thực kịp thời nên ta chỉ chống trả và cầm cự được trong 3 ngày. Trong trận chiến quyết tử đầy khốc liệt này, ta đã hy sinh hơn 200 đồng chí. Địch tái chiếm trại Đức Lập.
Địa điểm chiến thắng đồi 722 – Đắk Sắk được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia, theo Quyết định số 4063/QĐ-BVHTTDL ngày 24/10/2012.
7. Danh thắng thác Đray Sáp
Là một thác nước lớn trên dòng sông Sêrêpốk thuộc địa bàn xã Nam Đà (Krông Nô). Theo tiếng Êđê, Đray Sáp có nghĩa là "Thác khói", bởi lẽ dòng nước từ trên cao đổ xuống thung lũng tạo thành một khối lớn bụi nước bay là là như màn sương khói. Vào mùa mưa thác cao 12m, rộng 120m, và vào mùa khô thác cao 8 m, rộng khoảng 70-80m.
Đray Sáp là ngọn thác hùng vĩ vào bậc nhất Tây Nguyên. Ngày 3/8/1991, được công nhận là danh thắng cấp quốc gia theo Quyết định số 1371/QĐ- BVHTT, của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch).
8. Danh thắng thác Đ’ray Sáp thượng (thác Gia Long)
Thác thuộc xã Đắk Sôr (Krông Nô). Là thác nước nguồn nằm trên dòng sông Sêrêpốk gắn với sự tích tình yêu chung thủy của nàng H’Mi. Năm 1930 – 1933, thực dân Pháp đã huy động dân phu và tù nhân ở nhà Đày Buôn Ma Thuột lao dịch hết sức cực nhọc, gian khổ dưới đòn roi tra tấn, cực hình của chúng để xây dựng một đoạn đường vòng cung đi qua thác cùng với chiếc cầu treo qua sông Êa Kông.
Nằm giữa núi rừng, sông nước hùng vỹ, thác cao khoảng 8m, rộng khoảng 70m. Mùa khô lưu lượng nước sông vơi hẳn, tạo thành 9 ngọn thác lớn nhỏ. Khu rừng quanh thác ôm gọn hồ Tắm Tiên rộng khoảng 80m2 cùng với hệ sinh thái phong phú, thu hút đông đảo khách tham quan, nghỉ dưỡng. Ngày 4/1/1991, được công nhận là danh thắng cấp quốc gia theo Quyết định số 01/1999/QĐ- BVHTT, của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
T.B (t.h)

Các di tích lịch sử văn hoá của tỉnh Đăk Nông
Ngày cập nhật: 12/05/2014
Điểm nổi bật của văn hóa bản địa Đăk Nông là: văn hóa cồng chiêng, văn hóa mẫu hệ, văn hóa cộng đồng độc đáo, phong phú giàu bản sắt dân tộc cùng các di sản văn hóa phi vật thể như luật tục, các lễ hội, các tập tục sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt cộng đồng. Trên địa bàn tỉnh có nhiều di tích có giá trị như di tích lịch sử Bon Choah, Ngục Đăk Mil, Căn cứ cách mạng Nam Nung...
Sản vật đặc sắc:
Bộ đàn đá:
Là những tấm đá xit (SCHISTO) mà đồng bào gọi là đá chàm ó trọng lượng ước đoán từ 7-8 kg, đây là di tích khảo cổ học tiền sử, có niên đại trên 3500 năm. Là một trong những di tích khảo cổ có giá trị lịch sử khá lớn, sẽ giúp cho các nhà khoa học hiểu rỏ hơn về phong tục tập quán của các đồng bào dân tộc sinh sống trên cao nguyên M’Nông.

Chùa Pháp Hoa:
Chùa Pháp Hoa  nằm ngay ở thị xã Gia Nghĩa, chùa được xây dựng vào năm 1957 với hai phần là chính diện và tháp năm tầng. Kiến trúc ngôi chùa được mô phỏng theo kiến trúc nhà sàn tây Nguyên, và đồng thời xen lẩn với kiến trúc nhà vườn tạo nên khung cảnh yên tịnh cho các phật tử tu hành. Đây cũng là nơi tín ngưỡng tôn giáo được cấp ủy đảng và chính quyền đị phương công nhận.
        Bộ cồng chiêng M’Nông:
 Cồng chiêng là một trong những nét đặc trưng cho nền văn hóa Tây Nguyên. Đây còn là một loại hình nghệ thuật gắn bó với lịch sử văn hóa của các dân tộc người Tây nguyên  nói chung và Đăk Nông nói riêng…

Các di tích lịch sử ở Đắk Nông cần được bảo vệ

Di tích căn cứ kháng chiến Nâm Nung – Liên khu IV là nơi từng đặt trụ sở làm việc của các cơ quan “đầu não” tỉnh Quảng Đức cũ trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Hiện còn lưu giữ được những dấu tích như: nền nhà Văn phòng Tỉnh ủy B4 – Liên tỉnh IV, văn phòng Ban cán sự B4, địa điểm tổ chức Đại hội đảng bộ, giao thông hào chiến đấu, hầm trú ẩn… tất cả những dấu tích này đã được Bảo tàng tỉnh cắm mốc, cọc tiêu định vị, làm hàng rào bảo vệ. Nhưng trong một thời gian dài, các di tích không được quan tâm đúng mức nên một số hộ dân di cư tự do đã tự ý xâm lấn để lấy đất canh tác, thậm chí, nhiều cột mốc đã bị nhổ, hầm trú ẩn bị san bằng...
Trên địa bàn xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức có căn cứ của nghĩa quân N’Trang Lơng, dấu tích duy nhất còn lại chứng thực một thời oanh liệt trong kháng chiến chống Pháp của quân và dân M’nông trên đất Tây Nguyên. Căn cứ đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2007 cũng đang trong tình trạng bị xâm hại nghiêm trọng. Hệ thống đồn Bumera, nơi ghi dấu trận đánh của nghĩa quân tiêu diệt tên Hăng Ri Mết giờ chỉ còn lại sơ sài vài chiến hào, trong khi cổng đồn và những dấu tích như: nhà sàn, giếng nước, các loại cây ăn trái sót lại đã bị người dân “san phẳng” để làm nương rẫy. Ngôi mộ của Hăng Ri Mết cũng không được trùng tu, bảo vệ hiện có nhiều vết nứt…
Bà Ngô Thị Kim Cúc, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đắk Nông cho biết, Bảo tàng cũng như Sở Văn hóa – Thông tin và Du Lịch đã có nhiều văn bản đề nghị xử lý tình trạng nói trên, nhưng do sự thiếu kiên quyết của chính quyền địa phương và một số cấp, ngành chức năng nên việc xâm hại di tích tiếp tục kéo dài và mức độ ngày càng nghiêm trọng./.
Trần Hữu Hiếu - Lê Văn Thành 


10 món đặc sản ngon nổi tiếng của tỉnh Đắc Nông


Những đặc sản nổi tiếng như cà phê Đức Lập, khoai lang Tuy Đức, trái cây Đắk Glong, cá lăng sông Sêrêpốk, canh thụt đọt mây… mà du khách không nên bỏ lỡ khi có dịp đặt chân đến Đắc Nông.


1. Cà phê Đức Lập

Đức Lập là tên cũ của huyện lỵ Đắk Mil, một địa phương có đất đai, thổ nhưỡng rất phù hợp với cây cà phê. Hiện nay, Đắk Mil có diện tích cà phê lớn nhất của tỉnh. Do thuận lợi về tự nhiên; mặt khác, người dân địa phương đã có kinh nghiệm chăm sóc, thu hoạch, sơ chế… nên hạt cà phê Đắk Mil có chất lượng cao.
mon-an-dac-san-dac-nong-6
Thời gian qua, ngoài việc cung cấp nguồn nguyên liệu xuất khẩu, một số đơn vị đã đầu tư sản xuất cà phê bột mang thương hiệu Cà phê Đức Lập đã tạo ra dấu ấn riêng trên thị trường.

2. Khoai lang Tuy Đức

Nhiều năm nay, người tiêu dùng đã biết đến khoai lang Tuy Đức. Xuất xứ của sản phẩm này là từ những năm đầu mới thành lập tỉnh, người dân xã Đắk Búk So (huyện Đắk R’lấp nay thuộc địa bàn huyện Tuy Đức) đã đưa giống khoai lang Benzen có nguồn gốc từ Nhật Bản về trồng.
mon-an-dac-san-dac-nong-7
Do phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nên khoai lang ở Tuy Đức đạt năng suất cao, mang hương vị đặc trưng riêng: thơm ngon, bùi, ngọt, hàm lượng tinh bột và dinh dưỡng cao; được người tiêu dùng ưa chuộng, nhiều doanh nghiệp thu mua để sản xuất ra các mặt hàng như bánh, mứt, kẹo… và xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Singapore, Malaysia.

3. Trái cây Đắk Glong

Đắk Glong là địa phương có nhiều trang trại trồng cây ăn trái như cam, quýt, bơ, thanh long ruột đỏ, dưa, chuối… Theo thống kê, hiện toàn huyện đã có khoảng 1.000 ha cây ăn trái mang lại nguồn lợi lớn cho người dân. Những năm gần đây, nhiều người dân huyện Đắk Glong đã đưa giống ổi ứng dụng công nghệ cao vào trồng.
mon-an-dac-san-dac-nong-8
Đây là giống “ổi siêu sạch” với nhiều khâu chăm sóc cây được tiến hành một cách chặt chẽ đúng quy trình kỹ thuật, nhất là đảm bảo cách ly một cách tốt nhất với các loại thuốc như trừ sâu, bón lá… Khi trái ổi lớn bằng ngón chân cái, đã được bọc bằng bao xốp và bao ni lông để tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, tránh thuốc trừ sâu, thuốc cỏ, côn trùng hại quả…  Nhờ thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu vùng đất Đắk Glong nên ổi phát triển tốt, trái bóng đẹp, giòn, ngọt dịu và cho trái quanh năm.

4. Rượu cần

Bất kể lễ hội, lễ tết nào trong năm, người Tây Nguyên nói chung và người dân Đắk Nông nói riêng đều quây quần bên nhau bên ché rượu cần, say điệu cồng chiêng và nhảy múa dưới ánh lửa bập bùng. Rượu được cho một sản vật được Trời (Yang) sai thần linh mách bảo con người làm ra để cúng tế.
mon-an-dac-san-dac-nong
Người Tây Nguyên uống rượu bằng cần và chụm nhau vào uống chung trong một ché rượu mà không sợ mất vệ sinh. Cách làm ra loại rượu đặc trưng này cũng rất đơn giản. Người ta chỉ việc cho men vào cơm và ủ trong ché rượu trong khoảng 5-6 ngày thì thành rượu cần. Song cũng có những người thích hạ thổ đến hàng năm mới đem ra uống. Ở nhiều vùng khác nhau rượu cần còn có nhiều phiên bản khác như rượu kê, bo bo, mì, bắp…

5. Cá lăng sông Sêrêpốk

Sông Sêrêpốk chảy qua địa bàn huyện Krông Nô, Chư Jút là “xứ sở” của loài cá lăng đuôi đỏ. Đây là loài cá da trơn sinh sống ở nhiều nơi, nhưng có lẽ với môi trường sinh thái sông Sêrêpốk “đặc biệt” hơn, nên cá lăng ở đây có số lượng nhiều hơn, chất lượng cao hơn.
mon-an-dac-san-dac-nong-5
Cá lăng đuôi đỏ có thể làm được nhiều món ăn như nướng, om, làm chả, hấp, xào tỏi hay nấu cháo… món nào cũng ngon vì thịt cá lăng béo, có vị ngọt, giàu dinh dưỡng. Hiện nay, ngoài đánh bắt cá tự nhiên, người dân Chư Jút đã tổ chức nuôi theo phương thức lồng, bè để tạo ra sản phẩm hàng hóa.

6. Cơm lam

Trong miếng cơm lam, người ta có thể cảm nhận đầy đủ vị ngọt thơm của gạo dẻo lẫn trong mùi nứa nướng nồng hương. Mặc dầu được làm từ loại gạo dẻo hoặc gạo nếp nhưng khi dùng cơm lam, người ăn không hề biết ngán và dù có kèm với những món ăn khác như gà nướng, bò nướng thì mùi cơm lam vẫn không thể lẫn vào đâu được.
mon-an-dac-san-dac-nong-1
Để làm ra cơm lam, người ta đem ngâm gạo với một loại lá thơm qua đêm. Khi đem ra nướng, người ta cho gạo vào khoảng 2/3 ống nứa và cho nước suối vào. Để nút lại hai đầu, họ dùng lá chuối heo héo bịt lại ở hai đầu. Khi những ống nứa nổ tí tách bên lò than cũng là lúc những hạt gạo nở dần ra, bện lại với nhau thành khối kết dính chặt như nêm.

7. Canh thụt đọt mây

Đây là món ăn đặc sản của người M’nông, Mạ, phổ biến ở vùng phía nam tỉnh như Đắk R’lấp, Tuy Đức, Đắk Glong, Đắk Song, thị xã Gia Nghĩa, để đãi bạn bè, khách quý và dùng trong các lễ hội. Ngoài đọt mây, nguyên liệu nấu canh thụt còn gồm rau nhíp, măng, thịt hoặc cá suối, ít con mối và vài con dế dũi…
mon-an-dac-san-dac-nong-9
Tất cả nguyên liệu được cho vào ống lồ ô tươi, bịt kín đầu. Khi nấu, ống lồ ô phải để nghiêng trên lửa và quay tròn cho canh chín đều. Khi nấu vừa chín tới, người ta thường lấy đoạn dây mây có gai đâm vào trong ống cho các nguyên liệu nhừ nát, hòa quyện vào nhau. Khi đó, muối, ớt được bỏ vào, thụt đều, có thể bỏ thêm một ít rau thơm. Theo một số người thì món này có thể ví như một loại “thực phẩm chức năng” hỗ trợ đắc lực cho hệ tiêu hóa, tuần hoàn, bài tiết của người dùng.

8. Cà đắng

Cà đắng vốn là loại cà mọc dại. Sau được người dân đem về trồng và tạo ra một giống cà đắng ít đắng hơn. Cà có quả thon dài, trái có vằn dọc trắng xanh như trái dưa. Vị cà đắng đăng đắng như khổ qua rừng rất hấp dẫn. Người trong buôn thường dùng cà để nấu canh, kho cá khô hoặc kho tép. Món ăn nào cũng đặc trưng vị đắng, vị cay khiến ai ăn một lần cũng muốn dùng nữa.
mon-an-dac-san-dac-nong-3

9. Măng chua rừng

Trong những miếng ngon của rừng, măng chua cũng là một món ăn khoái khẩu của đồng bào dân tộc. Măng tươi giã dập với ớt rồi đem ủ trong chộ sành, khoảng hai tuần sau, măng chua đến độ vừa dùng. Miếng măng giòn tan, cả nước lẫn cái đều có vị chua, cay, đắng, ngọt. Măng chua nấu với cá trê, măng chua nấu gà khiến bạn ăn quên no…
mon-an-dac-san-dac-nong-4

10. Lẩu lá rừng

Đến với Tây Nguyên đại ngàn, ngoài thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ, con người thân thiện chắc chắn bạn sẽ còn cảm nhận được Tây Nguyên qua những chiếc lá. Mỗi loại lá đều được lựa chọn rất nghiêm ngặt, điều quan trọng nhất là chúng không có độc tố, không phản ứng lẫn nhau. Lẩu lá rừng chính là kinh nghiệm từ ngàn đời của đồng bào dân tộc bản địa được đúc kết. Mỗi loại lá đều chứa đựng trong mình những chất dinh dưỡng đặc biệt, có tác dụng tốt đối với sức khoẻ.
mon-an-dac-san-dac-nong-10
Cùng với các loại lá thì mắm thịt và nem thính được cuốn vào lá, vị cay cay nồng của lá tươi cộng với vị đậm của mắm thịt, vị khô của nem thính cho ta nhiều cảm giác rất lạ.
Thanh Xuân

Canh thụt, món ngon của người M’nông, Đắk Nông

TTDL

Trong các món ăn của đồng bào M’nông ở Đắk Nông nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung, đặc sắc nhất là những món được chế biến từ đọt mây. Người M’nông không chỉ sử dụng món này trong bữa ăn hàng ngày mà còn trân trọng thưởng thức trong những bữa tiệc lễ hội truyền thống.
Và hiện nay, món ăn này đã trở thành thực đơn được ưa thích của rất nhiều quán ăn, nhà hàng lớn trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông). Trong đó, món đọt mây xào cá hộp hay còn gọi là canh thụt, tuy đã được cải biến khá nhiều để thích hợp khẩu vị của nhiều người, nhưng vẫn giữ được vị ngọt, đắng, bùi đặc trưng của các loại rau rừng ở đây.
Theo anh Trần Quốc Thắng, đầu bếp của nhà hàng Hoàng Anh - một nhà hàng lớn trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa thì hiện nay, đọt mây được bày bán khá phổ biến trên địa bàn thị xã, do đồng bào hái trên rừng về. Để nấu được món ăn này, ngoài nguyên liệu chính là đọt mây và cá hộp còn cần thêm những nguyên liệu phụ như củ nén, lá bép (còn gọi là lá nhíp), ớt và các loại gia vị. Đọt mây được làm sạch, gọt lớp vỏ xù xì bên ngoài, chỉ lấy phần chồi non trắng ngần bên trong; sau đó, luộc sơ qua và chần lại bằng nước lạnh.
Lá bép cũng làm sạch và cắt nhỏ. Về cách chế biến, đầu tiên, củ nén được xào trước cho thơm, sau đó mới bỏ đọt mây và lá bép vào xào, cuối cùng cho cá hộp và gia vị vừa ăn. Món ăn này cần thêm một ít ớt xanh để tạo vị cay, thơm. Khi thưởng thức, thực khách sẽ cảm thấy mùi thơm của lá bép, vị cay của ớt, vị bùi, béo của đọt mây. Đặc biệt, khi ăn miếng đầu tiên, thực khách sẽ thấy có vị đắng của đọt mây tưởng như khó ăn, nhưng vị ngọt sẽ nhanh chóng lan tỏa, khiến muốn ăn thêm miếng nữa, và rồi đâm ghiền lúc nào không biết.
Theo nhiều già làng M’nông kể lại, món ăn này có từ rất xa xưa. Trước đây, khi mùa lễ hội đến hay vào dịp đón khách quý, các thiếu nữ M’nông thường phải lên rừng trước một ngày tìm nguyên liệu để làm canh thụt. Bây giờ ở nhiều nơi, dân đã bán những nguyên liệu này. Ít nhất có mười loại nguyên liệu được dùng để chế biến canh thụt, như da bò khô, lá nhíp, cà đắng, đọt mây, ớt xanh...
Có thể nói, những món ăn mang đậm hương vị của núi rừng Tây Nguyên đang tạo nên một trào lưu ẩm thực mới tại các nhà hàng, quán xá, đem lại cho thực khách một khẩu vị hoàn toàn mới lạ, khó quên./.

Cơm Lam Đắk Nông

Cơm Lam Đắk Nông
Người ăn có thể cảm nhận cả mùi nếp thơm lẫn hương rừng trong miếng cơm lam. Nó chắc mà lại dẻo, bùi mà không cứng, ăn không biết ngán. Nhiều khi không có thức ăn kèm, người ta vẫn thấy rất rõ cái vị đậm đà của nó.
Đặc sản của vùng đất bazan ấy được làm từ gạo nếp ngâm lẫn với lá thơm đêm trước, cho vào ống nứa non. Khi gạo đã đầy hai phần ba ống, người "đầu bếp" khéo léo đổ nước suối mát lạnh đựng trong những cái bầu khô đen bóng dốc vào từng ống một. Người ta tước những thẻ lá chuối già hườm hườm vàng đã tai tái héo bởi hơi nóng lửa hơ và bắt đầu vê từng cái nút cho từng ống nứa.
Những chiếc ống sau khi đã nạp đủ gạo và nước, được vùi vào bếp tro hồng. Tiếng những hạt lửa nhỏ nổ, tiếng nước reo li ti trong ống nghe thật ấm áp. Những hạt gạo dẻo bắt đầu giữ rịt lấy nhau, nước từ thành ống nứa ngấm dần vào từng hạt gạo....
Trong những ngày lễ hội, rượu ghè cột thành hàng, thịt nướng và muối ớt đã sẵn sàng. Những ống cơm lam cũng đã được bày ra. Mỗi người một ống, bốn ngón tay nhẹ nhành tách cái "nồi" lam ấy thành tư hoặc sáu vừa tầm cho một cái noãn cơm dẻo, đông kết nhô lên. Nó chắc mà lại dẻo, bùi mà không cứng, ăn không biết ngán.
Một số hình ảnh đẹp
 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH