AN CHI GIẢI ĐÁP 32

 (ĐC sưu tầm trên NET)

Về những “chữ Việt gốc Pháp” trên sggdpost.com

Mục “Sài Gòn - Gia Định: Đất & Người” của mạng sggdpost.com có ba bài liên quan đến lĩnh vực từ nguyên do “Sưu Tầm” đưa lên ngày 9-12-2015 là “Chữ Việt gốc Pháp” (Bài 1), “Chữ Việt gốc Pháp TT” (Bài 2) và “Từ ngữ tiếng Việt gốc Pháp trong văn hóa ẩm thực” (Bài 3). Tại Bài 3, tác giả viết:

Trải qua hơn 400 năm giao lưu tiếp biến văn hóa, người Việt và người Pháp đã có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, đặc biệt là ngôn từ trong văn hóa ẩm thực”.    
Ta không biết tác giả xuất phát từ thời điểm nào mà khẳng định rằng sự “giao lưu tiếp biến văn hóa” giữa người Việt và người Pháp đã “trải qua hơn 400 năm”, trong đó có cả “văn hóa ẩm thực”. Tính từ thời điểm thực dân Pháp chiếm x
Trong 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ vào năm 1862 cho đến ngày 9-3-1945 là thời điểm chúng bị Nhật đảo chính, thời gian chỉ có 83 năm; dân ta vẫn “làm tròn số” mà nói “80 năm bị Pháp cai trị”. Ấy thế nhưng tác giả còn bạo gan bạo phổi nhắc lại con số “400”:
“Kết lại, dù được viết dưới dạng nào thì những món ăn mà người Pháp mang đến Việt Nam từ 400 năm trước ngày càng thông dụng và phổ biến hơn. Những thứ ấy đã dần ăn sâu vào tiềm thức của người Việt hiện đại như một thức đồ không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại đầy tiện nghi này.
Rồi tác giả này lại viết ẩu tiếp:
“Cà phê là chữ đọc thuần Việt xuất phát từ từ Café của tiếng Pháp. Người Sài Gòn xưa chuộng cà phê pha phin, kì thực phin là từ “filter” nghĩa là lọc”.
Đã “xuất phát từ từ café của tiếng Pháp” thì còn “thuần Việt” thế nào được? Mà từ “phin” trong “cà phê phin” cũng đâu có bắt nguồn từ “filter” vì đây là tiếng Ăng Lê còn “filtre” thì mới là tiếng Pháp. Nhìn tổng quát, trong 3 bài của “Sưu Tầm”, ta thấy lác đác vẫn có những cái sai, nặng, nhẹ khác nhau:
1. -“ cassé > cát-xê ”. 
“Cassé” với nghĩa là bể, vỡ, gãy, v.v... thì không đi vào tiếng Việt. Còn “cát-xê” với nghĩa là tiền thù lao cho nghệ sĩ thì lại do “cachet” mà ra.
2. -“douille > đuôi (bộ phận để gắn bóng đèn)”.
Nếu là bộ phận để gắn bóng đèn thì chính tả tiếng Việt phải là “đui”. 
3. -“houblon > hốt-bố (loài dây leo có quả để tạo mùi cho rượu bia)”. 
Cũng hoàn toàn sai vì “hốt bố” là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở từ ghi bằng hai chữ [忽布], mà âm Hán Việt là… “hốt bố”, dùng để phiên âm danh từ “hop” của tiếng Anh, trong đó âm tiết thứ hai (mà tiếng Bắc Kinh phát âm thành “bù” (ghi theo pinyin) dùng để thể hiện phụ âm cuối P (của “hop”), là một âm bật hơi (explosive). Còn chính danh từ “hop” ( = hốt bố) của tiếng Anh, mà hình thái trung đại là “hoppe” thì lại bắt nguồn từ tiếng Pháp cổ “hoppe”, có nghĩa là… hốt bố.
4. -“mangoustan > măng-cụt (quả)”.
“Măng cụt” của tiếng Việt là một từ mượn của tiếng Khmer “moongkhut” khi những lưu dân người Việt Nam vào đến miền Nam của Đàng Trong còn tiếng Pháp thì mượn từ “mangoustan” ở tiếng Bồ Đào Nha “mangustão”, mà từ Bồ Đào Nha này thì lại mượn ở tiếng Mã Lai “manggis[tan]”.
5. -“revers > rờ-ve (cú đánh ngược tay trong môn bóng bàn hay quần vợt). Suy cho cùng thì “rờ-ve” (cú đánh ngược tay) chỉ là một thuật ngữ thể thao, còn trong tiếng Việt văn học thì cũng từ “revers” của tiếng Pháp mà ra, lại  là cái “ve [áo]”.
6. -“roquette > rốc-kết (phi đạn tự bay đi)”. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, “rốc-kết” chưa xuất hiện trong tiếng Việt; phải đến thời chống Mỹ nó mới ra đời. Vậy đây là một từ Việt gốc Anh, bắt nguồn ở từ “rocket”.
7. -“savon > xà-bông, xà-phòng”
    “Xà bông” không do tiếng Pháp “savon” mà ra vì từ này được phiên âm từ tiếng Bồ Đào Nha “sabão”.
8. -“treuil > trơi (bánh xe có quấn dây cáp để nâng các vật nặng lên)”.
“Trơi” là một từ thật sự không thông dụng còn từ thông dụng trong tiếng Việt, phiên âm từ danh từ “treuil” của tiếng Pháp, lại là “tời”.
Làm từ nguyên không phải là “cáp đôi” hai từ của hai thứ tiếng khác nhau chỉ vì chúng vừa đồng nghĩa, vừa giống (hoặc na ná) nhau về mặt ngữ âm. Ta nên lấy câu “Tous les sosies ne sont pas des parents”của J. Vendryes làm phương châm; câu này có nghĩa là “Không phải tất cả những người giống nhau [như đúc] đều là bà con [với nhau]”. Vì chỉ “trông mặt mà bắt hình dung” nên tác giả của bài này đã cho rằng tiếng Việt “xôm tụ” là do tiếng Pháp “somptueux” mà ra trong khi bản thân “xôm” và “tụ” đã là những từ độc lập sẵn có của tiếng Việt (còn trong những từ đa âm tiết phiên âm từ tiếng Pháp thì các âm tiết [trong mỗi từ] đều vô nghĩa). Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức đã giảng:
“XÔM Rôm, bảnh, rình-rang: Ăn-mặc coi xôm; nói nghe xôm lắm.
xôm đám Ra vẻ hực-hỡ, đông người trong đám, trong cuộc lễ: Dọn xôm đám, làm xôm đám.
xôm tụ Lớn tụ, tụ bài đặt nhiều tiền: Đặt xôm tụ […] xôm trai X. Bảnh trai”.
Còn bản thân “tụ” thì cũng là một từ độc lập, như có thể thấy trong Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức:
“TỤ dt (bạc): Tiền mỗi tay em đặt ra trước khi tay cái chia bài (bài cào, dà-dách, phé): đôn tụ, xôm tụ.
tụ bài Chỗ và đống tiền đặt ra của một tay bài trong sòng: Tụ bài này hên (sic)
tụ đầu Đống tiền nằm ở trước, dầu bài (bài cào) mấy nút cũng ăn-thua được.
tụ đuôi Đống tiền nằm ở sau, phải tám nút trở lên mới đôn lên (nhập chung với tụ đầu)”.
Cứ như trên thì “xôm” và “tụ” là những từ độc lập: “xôm tụ” nằm trên trục đối vị với “xôm đám”, “xôm trai” còn “tụ” thì đứng làm trung tâm của các danh ngữ “tụ bài”, “tụ đầu”, “tụ đuôi”. Vậy “xôm” là một vị từ tĩnh (tính từ) còn “tụ” là một danh từ nên “xôm tụ” không có dây mơ rễ má gì với “somptueux” của tiếng Pháp cả. Giỏi tiếng Pháp mà không hiểu cho thấu chính tiếng Việt thì cũng khó mà thực sự chính xác khi làm về từ nguyên của từ tiếng Việt. Chính vì vậy nên tác giả đó mới hoàn toàn sai lầm khi cho rằng “teinte > teng (rỉ sét)”.
Thực ra “teng (rỉ sét)” là một điệp thức trong phương ngữ miền Nam của danh từ “tanh” trong phương ngữ miền Bắc. “Tanh” là một từ mà Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) do Hoàng Phê chủ biên không ghi nhận còn “teng” thì được Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức giảng đúng là “chất xanh ở đồng thau rỉ ra” nhưng lại ghi thiếu G cuối (nên đã viết thành “ten”). “Teinte” của tiếng Pháp chỉ nói về màu sắc, nước da còn cái “chất xanh ở đồng thau rỉ ra” thì tiếng Pháp lại gọi là “vert-de-gris”. Cũng vì không hiểu thấu được tiếng Việt nên tác giả đó mới khẳng định rằng từ “cartable” đã cho ra “chữ Cạc-táp, về sau biến thái thành cặp-táp rồi chỉ còn chữ Cặp”. Ở đây, ta có một hiện tượng rất tế nhị mà tác giả kia đã hiểu không thấu. “Cặp” trong “cặp sách” là một từ đã có sẵn từ xửa từ xưa trong tiếng Việt. Nguyễn Du không cần biết “cạc-táp” phiên âm từ “cartable” mà vẫn viết “Túi đàn, cặp sách đề huề dọn sang” (Truyện Kiều, câu 278). Cái nghĩa này của chữ “cặp” đã được Việt Nam tự điển của Khai trí Tiến đức giảng là “miếng gỗ vuông đóng hai cái quai gỗ để treo sách lên”. Trong Từ điển Truyện Kiều (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974), Đào Duy Anh giảng đó là “cái khung gồm hai thanh đứng để kẹp chồng sách ở giữa mà treo lên hay mang đi cho tiện”. Còn Từ điển từ cổ của Vương Lộc (NXB Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, 2001) thì giảng là “đồ dùng gồm một đế gỗ đóng vào hai khung gỗ, để đựng sách”. Gần đây hơn nữa, riêng cái chữ “cặp” cũng đã được Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học do Hoàng Phê chủ biên (NXB Đà Nẵng Vietlex, 2007) giảng là “đồ dùng để đựng sách thời trước, gồm một đế gỗ đóng vào hai khung gỗ”.
Rõ ràng là cái cặp sách đã tồn tại “bằng xương bằng thịt” hẳn hoi ở nước ta trước khi Pháp xâm lược Việt Nam và chính cái danh từ dùng để chỉ nó, là CẶP, đã đồng hóa âm tiết “cạc” trong “cạc-táp” (thành “cặp-táp”) chứ đâu có phải “bỗng dưng muốn khác” mà “cạc” đã trở thành “cặp”. Còn chuyện cái cặp từ hình thù xưa làm bằng tre, bằng gỗ, nay trở thành cái vật thường làm bằng da dùng để đựng sách vở, tài liệu, thì chỉ là chuyện thường tình trong quá trình chuyển biến ngữ nghĩa theo quỹ đạo của sự phát triển xã hội mà thôi.

Nguồn:

Lý do lý trấu

Bạn đọc: Xin ông cho biết nghĩa của cụm từ “lý do lý trấu”? “Lý trấu” là gì? Xin cảm ơn ông.
Nguyễn Sơn (Hà Nội)

Học giả An Chi: Tiếng Việt có một đặc trưng là để bác bỏ, thấp hơn thì để bày tỏ sự dị ứng của mình trước một hiện tượng, một vấn đề, một khái niệm nào và thấp nhất là để đùa tếu một cách dí dỏm, người ta thay thế cái từ diễn đạt khái niệm, vấn đề, hiện tượng đó bằng một từ đồng âm với nó để tạo ra một ngữ đoạn mà nội dung không còn liên quan gì đến hiện tượng, vấn đề hoặc khái niệm ban đầu nữa.
Trường hợp đầu tiên mà chúng tôi muốn nêu làm thí dụ là ba tiếng "tuyệt cú mèo", xuất hiện trong Nam từ trước 1975, được Từ điển từ ngữ Nam Bộ của TS Huỳnh Công Tín (NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009) giảng là "tuyệt vời, rất tuyệt, đạt đến mức coi như lý tưởng, không còn chê chỗ nào được nữa". Xuất phát điểm của quán ngữ này là danh ngữ "tuyệt cú" [絕句] của tiếng Hán, đã được nhiều nguồn thư tịch giảng là [绝句,又稱截句、断句,四句一首(…)] "tuyệt cú, hựu xưng tiệt cú, đoản cú, tứ cú nhất thủ" (tuyệt cú, cũng gọi [là] tiệt cú, đoản cú, mỗi bài bốn câu). Vậy "tuyệt cú" vốn là tên một thể thơ mà mỗi bài có bốn câu. Nhưng từ nguyên dân gian đã khiến nhiều người hiểu sai mà mặc nhiên cho rằng, nó có nghĩa là "câu [thơ] hay", rồi hiểu rộng ra là "hay", là "tuyệt". Và khi nó đã được mặc nhiên hiểu như thế này rồi thì người ta lại tếu táo mà đánh đồng chữ "cú" nghĩa là "câu" của nó với "cú" trong tên của một loài chim là loài "cú mèo". Thế là ta có ba tiếng "tuyệt cú mèo", như đã ghi nhận trong từ điển của TS Huỳnh Công Tín, cũng như trong Từ điển phương ngữ Nam Bộ do Nguyễn Văn Ái chủ biên (NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1994).
Xin nêu một thí dụ có xuất xứ là miền Bắc. Đó là thành ngữ "cậu ấm sứt vòi" mà Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên giảng là "từ dùng để mỉa mai con nhà quan đã sa sút (cũ)". Thực ra, nói một cách đơn giản thì "cậu ấm" vốn có nghĩa là con trai nhà quan được hưởng phúc ấm của cha ông; rồi nghĩa rộng là con trai nhà quan và nghĩa xấu là con trai được cha mẹ nuông chiều một cách quá lố. Trong "cậu ấm sứt vòi" thì người ta đã biến từ "ấm" của "cậu ấm" thành "ấm" là bình đựng nước mà gắn cho nó cái vòi đã sứt. Ấm mà đã sứt vòi thì… hết xài (nên mới ám chỉ con nhà quan đã sa sút). Có ý kiến cho rằng, "cậu ấm sứt vòi" là "cậu ấm sứt b...".
Hiểu như thế là không biết gì về lối nói đang bàn. Huống chi cái đó - nếu đúng là… nó - thì dai chứ có cứng và giòn như xương, như răng đâu mà... "sứt"!
"Phe" là một động từ mà từ điển Vietlex giảng là "làm việc mua đi bán lại bất cứ hàng hóa gì để kiếm lãi [hàm ý coi thường]". Đây là một từ Việt gốc Pháp, bắt nguồn ở danh từ "affaire", mà cái nghĩa hữu quan là công việc buôn bán. Ban đầu, từ này được các doanh nhân, trí thức, người biết tiếng Pháp, v.v..., phiên âm thành "áp-phe". Thời còn mồ ma thực dân Pháp, hai tiếng "áp-phe" chỉ có sắc thái trung hòa và dùng để chỉ những thương vụ ra… thương vụ nhưng về sau nó đã bị ngắt đầu, chỉ còn lại có tiếng "phe" (sẽ ghi là "phe1") để chỉ hành động mua bán ít quang minh chính đại, có khi chỉ diễn ra nơi đầu đường xó chợ hoặc trên những chuyến xe liên tỉnh, v.v... (nên từ điển Vietlex mới chú là "hàm ý coi thường"). "Phe1" có một từ đồng âm nay đã trở thành từ cổ (archaism). Từ "phe" cổ xưa này (sẽ ghi là "phe2") là một từ gần nghĩa với từ "phẩy" còn "phẩy" thì được từ điển Vietlex giảng là "cầm một vật mỏng, nhẹ đưa qua đưa lại để tạo ra gió hoặc để làm bay bụi trên bề mặt". Vì gần nghĩa nên "phe2" và "phẩy" mới được kết hợp với nhau để tạo thành từ tổ đẳng lập "phe2 phẩy", mà từ điển do Văn Tân chủ biên giảng là "đưa đi đưa lại một cách nhẹ nhàng, ung dung". Nhưng sau khi động từ "phe1" xuất hiện và hiện tượng "phe1" xuất hiện trong xã hội "rộ" hơn buổi đầu thì người ta lại "sáng tạo" ra từ tổ "phe1 phẩy", bằng cách thêm "phẩy", vốn chỉ đi chung với "phe2", vào sau "phe1" để chỉ hành động buôn bán bị quan niệm là không chính đáng, không nghiêm túc.
Trong "văn nghệ" thì "nghệ" là nghề; vậy nói nôm na thì "văn nghệ" là "nghề văn". Nhưng, để tếu táo, người ta đã cố ý hiểu lệch từ "nghệ" là nghề thành "nghệ" là một loại củ có thể dùng làm gia vị hoặc dược liệu để đưa một loại củ khác là "gừng" vào mà tạo nên tổ hợp từ "văn nghệ văn gừng". "Gừng" là một loài thực vật chẳng có dây mơ rễ má gì về ngữ nghĩa với "nghệ" là nghề, có nghĩa là nghề, nhưng chính vì thế nên mới góp phần gây cười và làm cho hiện tượng được nói đến mất đi cái vẻ nghiêm túc.
Trong "chính trị" thì "trị" chẳng có dây mơ rễ má gì với "chị" là một từ chỉ quan hệ thân tộc. Nhưng vì, nói chung, ở miền Bắc thì "trị" vốn có phụ âm đầu TR thường được phát âm thành "chị" với phụ âm đầu CH nên nhiều người mới đánh đồng nó với "chị" trong "anh chị" mà nói "chính trị chính em" để làm cho khái niệm "chính trị" mất đi vẻ nghiêm túc. Theo cảm nhận riêng của chúng tôi thì lối nói này ra đời từ những người hay ngại những buổi sinh hoạt hoặc học tập chính tri.
Cá nhân An Chi có bộ Chuyện Đông chuyện Tây 6 tập, mà chúng tôi có gửi tặng một bạn đồng môn ở Chasseloup-Laubat đã sống bên Pháp trên nửa thế kỷ. Có lần từ Pháp về Việt Nam, anh bạn đã hỏi chúng tôi một cách thân mật: "Ê, chừng nào toa mới cho in tập 7 bộ Chuyện đông chuyện đủ của toa vậy?". Chẳng là, ở đây, anh bạn đã cố ý đánh đồng từ "Đông" chỉ phương mặt trời mọc với tính từ "đông" có nghĩa là "gồm nhiều người" nên mới đưa từ "đủ" vào để trêu An Chi. Mà anh bạn còn nói thêm: "Phải có cả tập 7 mới đủ đó nha".
Với hai câu: "Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng" thì "nhị" hiển nhiên là bộ phận sinh sản của hoa và dùng để tả hoa sen trong đầm. Nhưng trong trường hợp sau đây - trường hợp này chỉ xuất hiện ở trong Nam - thì cũng cái từ "nhị" đó, chính nó, không còn trực tiếp nói về "hoa lá cành" nữa mà lại có tác dụng phủ định đối với vấn đề đã được nêu ra trước đó.
Sếp nói với nhân viên:
- Cậu phải hoàn thành bản kế hoạch trong vòng hai ngày.
Nhân viên:
- Nhưng hai ngày thì ít quá, thưa sếp…
Sếp:
- Không nhưng không nhị gì cả. Được thì làm; không được thì nghỉ.
"Nhưng" là một "kết từ biểu thị điều sắp nêu ra ngược lại với ý do điều vừa nói đến có thể gợi ra" (Từ điển tiếng Việt của Vietlex do Hoàng Phê chủ biên). Vậy "nhị" là bộ phận sinh sản của hoa thì liên quan gì đến "nhưng"? Thế mà có đấy. Trong Nam thì "nhưn" được phát âm thành "nhưng"; nói một cách khác, "nhưn" và "nhưng" là hai từ đồng âm. Ngài sếp kia đã thay kết từ "nhưng" bằng danh từ "nhưn" mà người trong Nam dùng đề chỉ cái mà người ngoài Bắc gọi là "nhân" (trong "nhân bánh bao", chẳng hạn). "Nhưn/nhân" và "nhị" đều có chung một đặc điểm là "vật nằm bên trong của một vật khác lớn hơn". Thế là ngài sếp kia đã "cáp đôi" "nhưn" với "nhị" mà tạo nên ngữ đoạn "không nhưn[g] không nhị" để bác bỏ sự viện cớ của nhân viên. Điều quan trọng cần chú ý là ở đây, hai từ được "cáp đôi" với nhau phải đồng nghĩa hoặc ít nhất phải có một nét nghĩa chung.
Cũng là với dụng ý bác bỏ mà bốn tiếng "lý do lý trấu" đã ra đời ở miền Bắc. Điểm đầu tiên chúng tôi muốn nói đến là, nói chung, ở miền Bắc thì "do" đồng âm với "gio", mà trong ngôn ngữ toàn dân là "tro", tức cái chất nhuyễn như bột, còn lại từ một vật đã bị đốt cháy. "Tro/gio", là một khái niệm có thể gợi ý cho ta liên tưởng đến "trấu", tức là vỏ thóc, có thể dùng để rấm bếp. Cứ như thế thì "tro/gio" và "trấu" là hai danh từ có một đặc điểm chung là đều liên quan đến công việc bếp núc. Và hai từ này cũng cùng có mặt trong thành ngữ "bòn tro đãi trấu". Người ta đã tận dụng những điều kiện đó mà đánh đồng "do" trong "lý do" với "gio" là "tro" rối "cáp đôi" nó với "trấu" thành "lý do lý trấu", mà ta thường thấy được dùng để bài bác, thấp nhất cũng là để tỏ thái độ không đồng tình, với cái lý do bị xem là không chính đáng, thấp nhất thì cũng là… vu vơ.
Nguồn:

Nói cho sướng miệng thì hay ho gì

Bạn đọc: Trên Facebook (FB) của Cá Vàng, Quang Nguyễn đã viết: “Cụ An Chi bảo rằng: Đến như cách phiên âm của Huình-Tịnh Paulus Của trong Đại Nam quốc âm tự vị thì ngay trong câu đang xét: “Sông Tương một dải nông sờ” một chữ dễ hơn là chữ “dải” cũng đã bị tác giả phiên sai thành “dãy”.
“Theo tôi, cụ An Chi chỉ nói cho sướng miệng mà thôi! Sao cụ lại không nghĩ đây là lỗi in ấn. Trong tự vị của cụ P.Của, mục từ  DẢI (trang 216 ) và mục từ DÃY (trang 217) được cụ P.Của phân biệt rất rõ ràng, có thấy lầm lẫn chỗ nào đâu? Đề cập đến cổ nhân mà không cẩn thận, dễ gây ra sự mạo phạm ngoài ý muốn! Xin hỏi ông An Chi có ý kiến gì về ý kiến của Quang Nguyễn. Xin cảm ơn ông.
Huỳnh Trọng Tín (Bà Chiểu, TP HCM)

Học giả An Chi: Nói cho sướng miệng thì hay ho gì. Vì thế nên chúng tôi mới trả lời cho bạn Quang Nguyễn (2-2-2016, trên FB của bạn Cá Vàng) như sau:
“Bạn Quang Nguyễn, người nghiên cứu nghiêm túc trọng cứ liệu xác thực chứ không nói cho sướng miệng. Nếu đó đúng là lỗi in ấn thì Huình-Tịnh Paulus Của đã cải chính trong phần “Đính ngoa” ở đầu Tome II”.
Bạn Quang Nguyễn không chấp nhận cách trả lời của chúng tôi nên đã viết tiếp (vẫn trên FB của bạn Cá Vàng):
“1- Vâng, tôi hoàn toàn đồng ý với cụ An Chi là: “Người nghiên cứu nghiêm túc trọng cứ liệu xác thực chứ không nói cho sướng miệng”. Vậy thì xin cụ làm ơn công bố ra cái chữ Nôm mà cụ P.Của đọc là DÃY trong câu “Sông Tương một dãy nung sừ” trích từ cuốn tự vị do chính cụ P. Của biên tập.
“2- Một bộ tự vị, tome I, năm 1895, 608 trang + tome II, năm 1896, 596 trang (theo bản in lại của Khai Trí [Saigon] 1974), do một mình cụ P.Của thực hiện mà bảo là không có sai sót trong mục đính ngoa thì quả là chuyện lạ!”.
Chúng tôi thì có ý kiến ngược hẳn với bạn Quang Nguyễn. Ta tuyệt đối không thể biện bạch rằng, vì bộ từ điển của Huình-Tịnh Paulus Của dày đến 1.204 trang nên nếu không có sai sót trong mục đính ngoa thì mới là chuyện lạ. Chơi tài tử thì được chứ làm học thuật nghiêm túc thì không. Chúng tôi chỉ căn cứ vào giấy trắng mực đen để nhận xét theo lệ thường mà thôi. Quyển Dictionarium Annamiticum, Lusitanum et Latinum (Từ điển Việt Bồ La) của A. de Rhodes cũng có nhiều sai sót về chính tả (chữ Việt - so với cách viết của chính tác giả) nên chính A. de Rhodes cũng đã phải làm một bảng “Đính chính” (Errata Dictionarij linguæ Annamiticæ corrige) dài hơn hai trang rưỡi dày đặc mà vẫn chưa nhặt ra hết những chỗ sai. Những chỗ sai sót này, chính A. de Rhodes phải chịu trách nhiệm chứ không phải là ai khác. Nhưng có vẻ như để thách thức, bạn Quang Nguyễn còn đề nghị chúng tôi “công bố ra cái chữ Nôm mà cụ P.Của đọc là DÃY trong câu “Sông Tương một dãy nung sừ”  trích từ cuốn tự vị do chính cụ P.Của biên tập”. Đây cũng là một kiểu thách thức kỳ lạ. Người phải trưng cái chữ Nôm “dãy” đó phải là Paulus Của chứ sao lại là An Chi. Để khẳng định cái sai của Paulus Của, An Chi chỉ căn cứ vào:
- Một là chữ “dải” trong hầu hết các bản Kiều quen thuộc, kể cả bản đã được khẳng định một cách chắc chắn là đã ra đời tại Nam Kỳ, do người Nam Kỳ biên tập. Đó là bản Duy Minh Thị 1872; bản này cũng in chữ “dải” hình thanh gồm có “mịch” [糸] và chữ “đái” [帶].
- Hai là nghĩa của chữ thứ 4 trong câu Kiều thứ 365 (để xem “dãy” hay là “dải” mới thích hợp). Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) do Hoàng Phê chủ biên giảng “dải” là “khoảng đất hay nước trong thiên nhiên dài, nhưng hẹp” còn “dãy” là “tập hợp gồm những vật cùng loại nối tiếp nhau, cái này cạnh cái kia”.
Cứ như trên thì chữ “dải” mới thích hợp để nói về con sông Tương chứ nhất định không thể là “dãy”. Đó là chúng tôi còn chưa nói đến hiện tượng sau đây. Nếu quan niệm rằng “nung sừ” là một từ tổ chính phụ (“sừ” thêm nghĩa cho “nung”) thì cái nghĩa đang xét phải được gắn với chữ “nung” nhưng ở đây nó lại được đưa vào mục “nung sừ”, một mục phụ của mục “sừ”. Còn nếu quan niệm rằng, đó là một từ tổ đẳng lập thì mục “nung sừ” phải được xếp theo chữ cái N tại mục “nung”. Nhưng ở đây thì lại không như thế. Việc làm không bình thường này của Paulus Của rất dễ gây cho nhà nghiên cứu cái ấn tượng rằng tác giả đã bê nguyên xi hai chữ “nông sờ” của câu Kiều thứ 365 mà ông đọc thành “nung sừ” để làm thành một mục từ cho quyển từ điển của mình.
Bạn Quang Nguyễn lại còn thách thức tiếp:
“Và có lẽ vì cũng nghĩ rằng sông Tương là một con sông lớn nên sau khi phiên hai tiếng đang xét thành “nung sừ” rồi thì nhà từ điển tất phải luận ra rằng đó là “mịt mù”, “mênh mông” cho thuận lý chăng?” (An Chi). Có thật cụ P. Của đã “LUẬN” về ý nghĩa của tiếng ghép NUNG SỪ hay không? Không thấy cụ An Chi đưa ra bằng chứng qua sách từ vị do cụ P.Của biên tập”.
Chúng tôi chỉ nói “có lẽ” chứ đâu có khẳng định nên cũng không cần phải “đưa ra bằng chứng qua sách từ vị do cụ P.Của biên tập”.
Cuối cùng, bạn Quang Nguyễn còn lập luận rằng theo Nguyễn Văn Y, “đặc điểm nổi bật của bộ Đại Nam quốc âm tự vị đối với người Việt ngày nay là nó chứa rất nhiều từ ngữ xưa, có thể rất thông dụng ở thế kỷ XIX, nhưng hiện nay chúng ta không còn nói, viết nữa.” Quang Nguyễn đã đưa thông tin như trên nhưng về nguyên tắc thì điều này tuyệt đối không cho phép bất cứ ai kết luận rằng “nung sừ” là một đơn vị từ vựng cổ của tiếng Việt cũng như Huình-Tịnh Paulus Của không bao giờ sai.
Nguồn:

'Bùi thị hý bút” nghĩa là gì?

Bạn đọc: Từ ngày 25-1 đến ngày 3-2-2016, Báo Tuổi trẻ đã đăng 10 kỳ tư liệu “Giải mã gốm Chu Đậu” của Thái Lộc - Trần Mai. Đặc biệt là kỳ 4 (28-1) đã cho người đọc biết hai luồng ý kiến đối nghịch về 4 chữ “Bùi thị hý bút” trên chiếc bình gốm Chu Đậu ở Bảo tàng Topkapi Saray (Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ). Căn cứ vào 4 chữ này (kết hợp với một số chứng cứ khác), ông Tăng Bá Hoành, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hải Dương là người đầu tiên lên tiếng chứng minh rằng, có một bà cụ tổ nghề gốm Chu Đậu tên là Bùi Thị Hý nhưng ý kiến đối nghịch thì cho rằng, “Bùi thị hý bút” chẳng qua là “họ Bùi vẽ chơi”. Còn chính hai tác giả của tư liệu thì kết luận: “Trong loạt bài viết này, chúng tôi đành phải hẹn với bạn đọc câu trả lời chữ “Hý” trên chiếc bình là tên riêng hay chơi/đùa trong một dịp khác. Bởi vì “một nửa sự thật không phải là sự thật” và những tư liệu hiện vật chúng tôi tiếp cận được còn có điểm đáng ngờ, chưa đủ khẳng định tính xác thực đến mức nào”. Xin ông An Chi cho biết ý kiến trong khi chờ đợi? Xin cảm ơn ông. Bùi Thế Nghi (Hải Dương)
 

Học giả An Chi: Trước khi kết luận thì, trong bài của mình, Thái Lộc - Trần Mai cũng đã ghi lại lời của ông Nguyễn Đình Chiến, nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam như sau:
"Những tư liệu (của ông Tăng Bá Hoành và những người có liên quan - AC) mang tính hư cấu, chúng tôi không tin. Tự dạng đầy đủ được tra trong từ điển là "họ Bùi vẽ chơi". Không thể ép lấy cái tượng trong tàu Cù Lao Chàm gán cho bà Bùi Thị Hý được!
bui thi hy but nghia la gi
Gốm Chu Đậu
"Tra kỹ tư liệu thu thập được, chúng tôi giật mình vì chữ "đại" trên cột trúc đài nét quá khác, mới và sắc so với nhiều chữ khác.
"Trong khi nhiều chữ viết khác bị phong hóa, mòn mờ theo thời gian thì nhiều chữ, gồm cả cụm "Bùi Thị Húy Hý" có nhiều nét khắc dựa trên sự lồi lõm của mặt đá đã bị phong hóa...". Cứ như trên thì những ý kiến mà ông Tăng Bá Hoành đại diện và là người chủ xướng thực sự không đáng tin chút nào nên chúng tôi cũng nghiêng về ý kiến của ông Nguyễn Đình Chiến. Nhưng nói như ông Chiến rằng "tự dạng đầy đủ được tra trong từ điển là «họ Bùi vẽ chơi»" thì cũng không xác đáng vì "hý bút" [戲筆] lại không có nghĩa là "vẽ chơi". "Vẽ chơi" thì hàm ý lạc quan còn "hý bút" có khi lại là để than thân trách phận, chẳng hạn trong bài thất ngôn của Dương Vạn Lý đời Tống mà tác giả đã dùng chính hai chữ "Hý bút" làm nhan đề (cho hai bài - đây là bài thứ nhất), nguyên văn như sau:
戲筆
野菊荒苔各鑄錢,
金黃銅綠兩爭妍。
天公支與窮詩客,
只買清愁不買田。
Phiên âm:
Hý bút
Dã cúc hoang đài các chú tiền
Kim Hoàng đồng lục lưỡng tranh nghiên
Thiên công chi dữ cùng thi khách
Chỉ mãi thanh sầu bất mãi điền
Tạm diễn nghĩa:
Cúc dại rêu hoang khéo đúc tiền
Vàng cúc xanh rêu khoe sắc chen
Ông trời cho khách thơ ngần ấy
Ruộng nào mua được chỉ mua phiền.
Trước cảnh túng quẫn của mình, nhìn những đóa cúc vàng và những đốm rêu xanh, Dương Vạn Lý liên tưởng đến hình dạng của những đồng tiền mà nghĩ rằng, ông trời ban cho mình (một khách thơ cùng túng) thứ tiền này thì chỉ gợi thêm sầu muộn (Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!) chứ nào giúp cho mình có được cuộc sống vật chất thoải mái.
Cứ như tâm sự của Dương Vạn Lý thì ta làm sao có thể giảng "hý bút" là "vẽ chơi" được. Huống chi, trong "vẽ chơi" thì "chơi" (nghĩa của chữ "hý") là trạng ngữ chỉ mục đích của động từ "vẽ" còn trong "hý bút" thì "hý" lại là động từ chính, là trung tâm. Ngữ đoạn vị từ "hý bút" nằm trên một trục đối vị (paradigmatic axis) với "các bút", "khai bút", "lộng bút", "phóng bút", v.v..., trong đó "các", "khai", "lộng", "phóng" đều là động từ chính. Vậy, "hý bút" không phải là "vẽ chơi" mà là "nghịch bút", "nghịch" với nghĩa trong "nghịch bùn", "nghịch đất", "nghịch lửa", nghịch nước", v.v...
Dĩ nhiên "nghịch bút" chỉ là nghĩa đen còn cái nghĩa "thuật ngữ" của nó là "dùng bút mà sáng tác thơ văn, tranh vẽ theo ngẫu hứng". Lại cứ như trên thì trong "Bùi thị hý bút", "Bùi thị" là đề còn "hý bút" là thuyết mà cũng cứ như thế thì "hý" dứt khoát không trực tiếp phụ thuộc vào "Bùi thị". "Hý bút" là một ngữ [đoạn] vị từ (verb phrase), một từ tổ độc lập, như còn có thể thấy trong nhiều ngữ cảnh khác nữa. Nó cũng thường được dùng làm tên của thi phẩm, họa phẩm, mà thí dụ đầu tiên là tên bài thơ của Dương Vạn Lý đã nêu ở trên. Cũng vào đời Tống, Trịnh Thanh Chi [鄭清之] có bài "Thụy khởi hý bút" [睡起戲筆]. Trần Hiến Chương [陳獻章] đời Minh có bài "Tân Sửu nguyên đán hý bút". Thời nay, Gia Tuấn [家俊] có một bài thất tuyệt nhan đề "Hý bút" [戏笔], sáng tác vào ngày
12-2-2015 tại tiệm trà Lão Ba [老爸] đường Dược Tiến [跃进], thành phố Tam Á. Trang "Tân Bạch thư phòng" [辛白书房] có "Gia phi ẩn hý bút" [咖啡瘾戏笔], nghĩa là "Nghịch bút về chứng nghiện cà phê". Trở lên là nói về thơ. Còn về hoạ thì gần đây, Từ Hoa Phong [徐华峰] có Từ Hoa Phong thiên mặc hý bút họa tập [徐华峰天墨戏笔画集] do Trung Quốc xã hội xuất bản xã ấn hành. Chu Linh [朱龄] có 10 bức "Thủy mặc hý bút" [水墨戏笔]. Lộng Mặc Đường chủ [弄墨堂主] có 3 bức "Thủy mặc hý bút [tam bức]". Tôn Minh [孙明] có bức "Hý bút hoa điểu tiểu phẩm" với ghi chú "Tôn Minh hý bút" [孙明戏笔].
Cấu trúc của "Tôn Minh hý bút" [孙明戏笔] cũng y chang như của "Bùi thị hý bút". Nếu thuận theo cách phân tích đầy chất sáng tạo của ông Tăng Bá Hoành thì ở đây ta sẽ có một họa gia tên là "Tôn Minh Hý". Và chúng tôi xin cung cấp thêm cho ông Hoành là ở Nam Sách còn có một bà nữa cũng tên "Hý" nhưng họ Trang, là Trang Thị Hý nữa. Số là, ngoài chiếc bình ở Bảo tàng Topkapi Saray (Thổ Nhĩ Kỳ), ta được biết là còn có một chiếc bình khác thuộc dòng gốm Chu Đậu cũng nổi tiếng không kém, được trưng bày tại cuộc triển lãm về nghệ thuật của Trung Quốc ở London (Anh) năm 1936. Chiếc bình này được nhắc đến tại mục "5. Việt Nam đào từ" [5. 越南陶瓷], trang 251 trong quyển "Trung ngoại đào từ bưu phiếu" [中外陶瓷邮票] của Nhâm Mẫn Cương - Ngụy Thanh Mai [任敏剛;魏清梅] do Thiểm Tây khoa học kỹ thuật xuất bản xã ấn hành năm 2002.
Trên chiếc bình này có 13 chữ liên quan đến vấn đề đang bàn là "Đại Hòa bát niên tượng nhân Nam Sách châu Trang thị hý bút" [大和八年匠人南策州装氏戏笔], nghĩa là "người thợ họ Trang châu Nam Sách nghịch bút - năm Đại Hòa thứ 8". Chiếc bình Topkapi Saray cũng có đúng 13 chữ và đó là "Thái Hòa bát niên tượng nhân Nam Sách châu Bùi thị hý bút", nghĩa là "người thợ họ Bùi châu Nam Sách nghịch bút - năm Thái Hòa thứ 8". Khác nhau ở họ của người thợ (Trang ≠ Bùi) và ở chữ đầu tiên của ngữ đoạn: Đại ≠ Thái. Chữ "đại" [大] trong "Trung ngoại đào từ bưu phiếu" chắc chắn là kết quả của một sự nhầm lẫn từ chữ "thái" [太] trong niên hiệu "Thái Hòa" (1443 - 1453) của Lê Nhân Tông. Ta có thể khẳng định điều này vì chính hai tác giả của nó đã xác định "Đại Hòa bát niên" (của Việt Nam) là "Cảnh Thái nguyên niên" nhà Minh, đều là năm 1450 dương lịch.
Thế là chỉ trong năm 1450, ta đã có hai chiếc bình gốm Chu Đậu đặc biệt: chiếc Topkapi Saray do "Bùi thị hý bút" và chiếc Luân Đôn do "Trang thị hý bút". Nếu theo cách hiểu của ông Tăng Bá Hoành thì ta còn phải tìm thêm bà Hý thứ hai là "Trang Thị Hý". Và chúng tôi mạo muội nghĩ rằng gốm Chu Đậu còn có rất nhiều nữ nghệ nhân tên "Hý" khác vì trong hàng trăm ngàn hiện vật Chu Đậu, chắc còn có những chiếc khác cũng mang trên mình nó cái công thức "[…] X thị hý bút" chứ lẽ nào lại tuyệt đối không có? Vậy xin kính đề nghị các vị chuyên gia cứ thử đảo tới đảo lui, đảo xuôi đảo ngược nhiều hiện vật Chu Đậu đặc biệt khác xem còn có những "bà Hý" nào nữa hay không.
Nguồn:

Chuyện tên của loài khỉ

Ngoài danh từ "khỉ", phương ngữ Nam Bộ còn có hai danh từ khác nữa dùng để chỉ loài động vật này là "khọn" và "mai".

Ngoài danh từ "khỉ", phương ngữ Nam Bộ còn có hai danh từ khác nữa dùng để chỉ loài động vật này là "khọn" và "mai".
Từ thuở nhỏ, nghĩa là cách đây chừng 70 năm, tại đất Gia Định, cá nhân An Chi đã có nghe dùng từ "mai" để chỉ loài khỉ. Nhưng để cho thuyết phục hơn, xin trích - mà xin phép ông để trích hơi… dài - lời của nhà phê bình văn học Đặng Tiến:
"Miệt Bạc Liêu, Cà Mau có câu hát, về sau phổ biến khắp miền Nam, rồi lan truyền khắp nước:
"Tháng ba cơm gói ra Hòn,
Muốn ăn trứng nhạn phải lòn Hang Mai"
Nhiều người không hiểu chính xác, cho rằng Hang Mai có nhiều hoa mai thơ mộng, hay nhiều rắn hổ mang tàn độc. Thật ra, "mai" tiếng địa phương có nghĩa là "khỉ". Hang Mai tức là "hang của loài khỉ". Phi Vân đã giải thích như vậy, ngay trang mở đầu cuốn phóng sự "Đồng Quê", giải thưởng Hội Khuyến học Cần Thơ năm 1943. Và ông ấy miêu tả căn cơ:
chuyen ten cua loai khi
"Kinh Hang Mai ở làng Khánh Lâm, Cà Mau bắt đầu từ kinh Biện Nhi trổ ra Tiểu Dừa ( ... ). Ở hai bên bờ người ta có thể gặp những con trúc, rái, kỳ đà, chồn, ong mật và vô số cá". Dĩ nhiên là nhiều khỉ. Từ điển phương ngữ Nam Bộ của Nguyễn Văn Ái, 1994, cũng có ghi chữ mai nghĩa là khỉ" (Chim Việt Cành Nam, "Chuyện Khỉ năm Thân", Orléans, Xuân Giáp Thân 2004).
Nhà thiền học Lý Việt Dũng, người gốc Bạc Liêu, cũng đã khẳng định với chúng tôi rằng, tại quê ông, hầu như người ta không dùng từ "khỉ", mà chỉ nói "mai" để gọi loài động vật này.
Một cái tên khác nữa dùng để gọi loài khỉ tại Nam Bộ là "khọn", như có thể thấy trong Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của:
"Khọn. n. Khỉ.
Con khọn. id.
Làm tuồng mặt con khọn. Làm mặt khỉ, tiếng mắng đứa hay làm mặt vúc vắc, nhăn nhíu khó coi.
Làm con khọn. id. Làm chẳng nên sự gì (tiếng mắng)".
Dictionnaire annamite-français của J.F.M. Génibrel cũng ghi:
"KHỌN. Con khọn, Singe, m. Làm như khọn, Imiter les gestes. Singer, a."
Đáng tiếc là trong phương ngữ Nam Bộ hiện nay, "khọn" đã trở thành một từ cổ. Có lẽ cũng vì thế nên nó không được ghi nhận trong Từ điển phương ngữ Nam Bộ (1994) do Nguyễn Văn Ái chủ biên và Từ điển từ ngữ Nam Bộ (2009) của TS Huỳnh Công Tín. Nó chỉ được ghi nhận một cách "vớt vát" trong Việt Nam tự điển (1970) của Lê Văn Đức, cũng có thể xem là một quyển từ điển lấy phương ngữ Nam Bộ làm nền tảng. Nhưng "khọn" sẽ không "chết mất xác" vì nó đã gắn chặt với "khỉ" trong từ tổ đẳng lập "khỉ khọn" dùng để chỉ tính nghịch ngợm của thiếu nhi, thiếu niên, mà cả từ điển Nguyễn Văn Ái lẫn từ điển Huỳnh Công Tín đều có ghi nhận.
Thế là tiếng Nam Bộ có hai từ riêng là "khọn" và "mai", dùng để chỉ khỉ mà nói chung người miền Bắc không biết đến. Rồi miền Bắc cũng có hai từ riêng dùng để chỉ loài động vật này là "tườu" và "bú dù", thường là tiếng dùng để chửi mắng, mà nói chung, nhiều người miền Nam cũng ít có cơ hội được biết đến.
Nhưng cũng là từ "khỉ" chung cho tiếng Việt toàn dân mà người miền Nam lại khai thác cái khía cạnh hay làm trò của khỉ mà lấy tên của nó làm ẩn dụ để chỉ trẻ con nghịch ngợm; chẳng những xài "đơn" với "khỉ" mà còn xài "kép" với từ tổ "khỉ khọn", như đã nói ở trên. Cái nhìn này của người Miền Nam lại giống với nhãn quan của người Quảng Đông khi họ dùng ba tiếng "mạ lấu chính" [馬驑精], đọc theo âm Hán Việt là "mã lưu tinh", để chỉ những đứa trẻ tinh nghịch. Trong tiếng Quảng Đông thì "mạ lấu" [馬驑] (mã lưu) là khỉ; người Quảng Đông không dùng hai tiếng "hầu tử" [猴子] như trong tiếng Bắc Kinh (mà nếu ghi âm theo kiểu pinyin thì sẽ là "hóu.zi"). Còn điểm chung của cả hai miền Nam, Bắc nước ta là dùng từ "khỉ" để diễn tả cái ý "không ra gì" (nhưng miền Nam thì có nhiều cách ghép đôi hơn như "khỉ cùi", "khỉ khô", "khỉ mốc"). Bình dân và thông dụng nhất cho cả hai miền có lẽ là quán ngữ "cái con khỉ" đi liền theo sau từ/ngữ chỉ khái niệm mà người nói muốn phủ nhận hoặc phản đối, chẳng hạn "Cười, cười cái con khỉ!", "Đẹp, đẹp cái con khỉ!", v.v…
Liên quan đến tên gọi của loài linh trưởng này, chúng tôi đã lần theo chữ nghĩa để đi tìm nguồn gốc của chính từ "khỉ" thì thấy đây quả là một vấn đề hóc búa. Đặng Tiến (Bđd) đã dè dặt khi viết:
"Không biết vì lý do gì và từ thời nào, trong tiếng Hán Việt, người ta phát âm chệch từ khỉ thành khởi (cũng như quý thành quới): ngày nay ta nói khởi nghĩa, khởi hành, nhưng các từ điển xưa ghi là khỉ hành, khỉ nghĩa. Trong khi đó, trong tiếng thuần Việt, thành ngữ dân gian vẫn nói: "Khỉ khô khỉ mốc, khỉ ho cò gáy, rung cây nhát khỉ [……..] Không rõ từ khỉ phát âm chệch thành khởi có liên quan gì đến tên loài động vật không".
Đặng Tiến là nhà phê bình văn học. Ông không làm từ nguyên nhưng khi nói về chuyện có liên quan đến từ nguyên thì ông rất dè dặt. Ngược lại, trong bài "Năm Thân nói chuyện khỉ" của Nguyễn-Phú-Thứ (Lyon - France) trên mạng ERCT, tác giả đã khẳng định:
"Năm Thân tức Khỉ cũng là Khởi, cho nên trong bàn dân thiên hạ cũng thường nhắc nhở luôn trong sinh hoạt xả hội hằng ngày […..]".
Nguyễn Phú Thứ đã khẳng định như trên nhưng ở đây thì "khỉ" dứt khoát không thể là "khởi" được. "Khỉ", tên của một loài động vật, là một yếu tố phi Hán Việt còn "khỉ" trong "khỉ hành", "khỉ nghĩa" - mà Đặng Tiến đã nêu - là một yếu tố Hán Việt. Chỉ có trong phạm vi Hán Viêt ta mới thấy có một số yếu tố vốn thuộc vần -I đã chuyển sang vần -ƠI, như:
–"hy" [稀] là hiếm, vốn thuộc vận (vtv) "vi" [微], mới chuyển thành (mct) "hơi", dùng để chỉ mức độ không cao của một trạng thái, một tính chất, v.v… (hơi mệt, hơi dày, hơi ngọt, v.v…);
–"ly" [離] là rời, lìa, v.v…, vtv "chi" [支], mct "lơi" trong "buông lơi", "lơi tay", "mời lơi", v.v...;
–"nghị" [議] là bàn luận, vtv 'chí" [寘], mct "ngợi" trong "ca ngợi", "ngợi khen", "nghĩ ngợi", v.v...;
–"phi" [披] là mở ra, banh ra, vtv "chi" [支], mct "phơi" trong "phơi phóng", "phơi thóc", v.v...
"Quý" > "quới", "khỉ" > "khởi" cũng là cùng cái lý đó. Và đó chính là cơ sở ngữ âm mà người ta đã căn cứ vào để chuyển hai chữ húy kiêng âm sau đây từ vần -I sang vần -ƠI: –"Lỵ" [利] húy của Lê Thái Tổ đã đọc thành (đđt) "Lợi";
–"Thì" [時] húy của Tự Đức đđt "Thời".
Nhưng trên đây chỉ là chuyện "nội bộ" của phạm vi Hán Việt chứ ngoài phạm vi này thì không có chuyện chuyển -I thành -ƠI. Mà trong thực tế thì trên cả nước Việt Nam, "[con] khỉ" cũng chẳng bao giờ bị người Việt gọi là "[con] khởi" cả. Chính vì vậy nên nói rằng "Khỉ cũng là Khởi" trong trường hợp này là đã khẳng định một điều hoàn toàn vô căn cứ. Trong quá trình đi tìm từ nguyên của các từ Việt gốc Hán, chúng tôi có ghi nhận một ứng viên cho nguyên từ (etymon) của "khỉ". Đó là chữ/từ "quỷ" [蛫] trong tiếng Hán mà Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993) đã cho nghĩa là "viên loại" [猿类], nghĩa là "loài vượn". Đây là một hình thanh tự mà nghĩa phù là "khuyển" [犭] còn thanh phù là "nguy" [危]. Về phụ âm đầu thì Q[w] của "quỷ", NG[w] của "nguy" và KH của "khỉ" đều là những âm cuối lưỡi cho nên mối tương quan về từ nguyên của chúng - nếu có - thì cũng là chuyện bình thường. Chúng tôi chỉ dè dặt có một điều là Q của "quỷ" và NG của "nguy" thì có [w], nghĩa là có yếu tố "tròn môi" còn KH của "khỉ" thì không. Vì sự dè dặt này mà chúng tôi chưa "duyệt" chữ/từ "quỷ" [蛫] làm nguyên từ của "khỉ" trong những trang ghi chép của mình. Làm từ nguyên thì không thể tào lao theo kiểu "thổ mộ là độc mã".
Nguồn:
Số Xuân 2016

Nói lái trong tiếng Pháp

Bạn đọc: Nếu tôi nhớ không nhầm thì trong hơn 20 năm nay, trả lời cho độc giả, ông đã vài lần giải thích về hiện tượng “nói lái”, kể cả trong tiếng Anh (spoonerism) nhưng trong tiếng Pháp thì hình như chưa, hoặc có nhưng chỉ phớt qua. Xin ông vui lòng nói rõ thêm? Cảm ơn ông. Lê Thành Khẩn (Ba Đình, Hà Nội

Học giả An Chi: "Nói lái", tiếng Pháp là "contrepèterie". Danh từ này đã được Le dictionnaire de linguistique et des sciences du langage trong Tủ sách Larousse định nghĩa là:
"La contrepèterie est une sorte de jeu ou un lapsus consistant à permuter certains éléments phoniques (syllabes ou phonèmes) de telle manière qu'on obtient un nouveau énoncé qui apparaisse comme une déformation burlesque du premier énoncé: Mon oncle perd courage devant les amas de patentes devient Mon oncle perd courage devant les appas de ma tante. Le terme de contrepèterie désigne aussi l'énoncé lui-même issu de cette déformation".
(Nói lái là một cách chơi [chữ] hoặc một sự nhịu [lưỡi] nhầm hoán vị một số yếu tố âm thanh (âm tiết hoặc âm vị) sao cho người ta có được một phát ngôn mới có vẻ như là một kiểu biến dạng tếu táo của phát ngôn gốc: Bác/chú/cậu tôi nản lòng trước những mớ môn bài trở thành Bác/chú/cậu tôi nản lòng trước những nét khêu gợi của bác[gái]/thím/mợ tôi. Thuật ngữ "contrepèterie" cũng chỉ chính phát ngôn xuất phát từ sự biến dạng đó).
Cũng như trong tiếng Việt và cả trong tiếng Anh, hiện tượng nói lái có khi chỉ là hậu quả của một sự nhịu lưỡi, nhưng nhiều khi lại là kết quả của một hành động ngôn ngữ nhằm mục đích chơi chữ. Chính vì mục đích chơi chữ nên Rabelais, tại chương XVI (Des moeurs & conditions de Panurge) của tác phẩm Pantagruel mới lái "femme folle de la messe" thành "femme molle de la fesse" mà viết về Panurge: "Il disait qu'il n'y avait qu'une antistrophe entre femme folle à la messe et femme molle à la fesse". "Femme folle de la messe" là "phụ nữ sùng lễ [nhà thờ]" còn "femme molle à la fesse" là "phụ nữ thờ ơ với chuyện chăn gối" ("mou/molle" là yếu đuối, nhu nhược; "fesse" là mông [đít]). Vậy ý của Panurge là "chỉ cần một sự nói lái ("antistrophe" là từ cũ để chỉ "contrepèterie") thì người phụ nữ sùng đạo sẽ trở thành người phụ nữ lãnh cảm". Thí dụ này được xem như là điển hình về hiện tượng nói lái trong tiếng Pháp.
Ở thời hiện đại, Jacques Prévert cũng được xem là nhà văn thích chơi chữ bằng thao tác nói lái. Tờ Le Canard enchaîné (Con vịt [bị] trói) cũng nổi tiếng về chuyện nói lái với chuyên mục "Sur l'album de la Comtesse" (Về album của bà Bá tước). Còn tại Việt Nam thì nhiều người biết tiếng Pháp sống vào thời Cách mạng Tháng Tám và cuộc Kháng chiến chống Pháp có thể biết chuyện tên của viên Cao ủy Thierry d'Argenlieu đã được lái thành "Tient lieu d'argenterie" (Thay cho đồ bạc). Chả là "đồ bạc" được dùng theo nghĩa bóng để chỉ số mề đai của y vì d'Argenlieu thuộc loại được nhiều mề đai nhất của hải quân Pháp.
Và chẳng cứ Việt Nam ta mới có "văn nghệ bình dân"; Tây cũng chẳng thua gì. Nhẹ nhàng nhất là những chuyện như: - "Femme déçue" (phụ nữ [bị] thất vọng) lái thành "dame fessue" (bà đít bự);
- "Ni fin ni cesse" (không ngừng không nghỉ) lái thành "ni sein ni fesse" (ngực lép mông xẹp [không vú không mông]); - "J'ai glissé dans la piscine" (tôi đã trượt trong bể bơi) lái thành "j'ai pissé dans la Glycine" (tôi đã tè trong [tòa nhà] Glycine [thuộc Hàng hải quốc gia của Pháp]);
- "Méfiez-vous des dons coûteux" (hãy dè chừng với những món quà đắt tiền) lái thành "méfiez-vous des cons douteux" (hãy dè chừng với những thằng ngốc đáng ngờ);
- "Adjudant, faites bisser l'appel!" (thượng sĩ, cho điểm danh lại đi) lái thành "adjudant, faites pisser la belle!" (thượng sĩ, cho người đẹp đi tè đi);
- "Ce sont toujours les bons qui nous quittent..." (thường là những người tốt bỏ ta mà đi) lái thành "ce sont toujours les cons qui nous bitent..." (thường là những thằng ngốc [lại] hiểu ta); - "En lisant Racine ou Molière, je tricotais des épaulières" (tôi đan những miếng che vai lúc đọc Racine hay Molìere) lái thành "en lisant Racine ou Molière, je tripotais des écolières" (tôi sờ soạng mấy cô nữ sinh lúc đọc Racine hay Molière); v.v... và v.v...
Xin chú ý là trong khi tiếng Việt thiên về lái vần thì tiếng Pháp lại thiên về lái phụ âm đầu (của âm tiết).
Nguồn:

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH