AN CHI GIẢI ĐÁP 31

 (ĐC sưu tầm trên NET)

“Grù” không phải là tiếng Việt

Bạn đọc: Báo Công an TP HCM ngày 16-4-2016 có đăng tại trang “Sáng tác” bài “Tiếng bồ câu “grù grù” ngoài cửa sổ” của Trương Thanh Thùy. Xin ông cho hỏi: “Grù grù” có phải là từ tượng thanh của tiếng Việt hay không? Nhân tiện xin ông cho biết những gì có liên quan mà ông cho là bạn đọc nên biết thêm? Xin cảm ơn ông. Tám Ít Chuyện (Bà Chiểu, TP HCM)

Học giả An Chi: Trước nhất, xin khẳng định rằng “grù grù” không phải là cách nghe và cách “ghi âm” riêng của Trương Thanh Thùy. Đây là một hiện tượng mà, tuy có lẽ chưa phải là đã xuất hiện “đều trời”, nhưng vẫn có thể nghe, thấy rất nhiều trong giới nuôi bồ câu và cu gáy, đặc biệt là cu gáy. Xin chỉ nêu vài dẫn chứng.
- “Nhà em có 2 con gáy nuôi non lên cùng bố mẹ được 1 năm rồi cả 2 con gáy rất đều sáng, trưa, chiều, tối cúc cù... cu cu. Khi em mang 2 con để sát lồng nhau thì chỉ có một con grù grù thôi, nó cúi mỏ gần chạm vào lót lồng” (Diễn đàn, ChimCanhViet.vn).
- “Ở Cần Thơ, đi uống ‘cà phê chim’ ít khi thấy cu gáy, thỉnh thoảng vẫn nghe tiếng grù grù trong chiếc lồng tre được phủ vải kín mít, hỏi ra mới biết đó là lồng chim cu gáy” (“Nuôi chim cu gáy”, Diễn đàn, K7 Đại học Cần Thơ).
V.v… và v.v...
Tuy xuất hiện với tần số không phải là thấp nhưng “grù grù” không phải là tiếng Việt, chỉ đơn giản là vì âm tiết tiếng Việt không có tổ hợp phụ âm đầu GR. Để diễn đạt tiếng kêu hoặc động tác kêu của bồ câu, cu gáy, Tây đến như tiếng Anh cũng không biết đến R nên chỉ ghi nhận “coo” cho tiếng kêu mang tính tượng thanh (onomatopoeia) của nó hoặc sử dụng động từ “to coo” cho việc phát ra tiếng kêu. Tiếng Pháp tuy có dùng đến R trong trường hợp này mà ghi nhận tiếng kêu của cu gáy, bồ câu là “rou-rou” nhưng thông dụng hơn thì vẫn phải nhờ đến C [k] mà ghi nhận “roucoul” hoặc “rou-cou” cho tiếng kêu còn động từ là “roucouler”. Cách ghi nhận tiếng kêu của động vật và động từ phỏng theo tiếng kêu của chúng trong ngôn ngữ nào cũng phụ thuộc vào hệ thống ngữ âm của ngôn ngữ đó chứ không phải theo kiểu của máy ghi âm. Động tác kêu của bồ câu trong tiếng Việt chỉ là “gù”, một từ mà phụ âm đầu chỉ là G chứ không phải GR.
Ta có thể khẳng định một cách chắc chắn là cái tai của người Việt trước kia cũng có thể nghe “grù grù” như giới chơi cu ngày nay nhưng sở dĩ họ không nói “grù”, mà chỉ nói “gù” là vì họ đã tuân theo đặc trưng của âm tiết tiếng Việt là nó không có phụ âm đầu GR. Chính vì thế nên họ mới ghi nhận tiếng Pháp “gramme” thành “gam”, “gris” thành “ [màu] ghi”. Dĩ nhiên là ta phải phân biệt trường hợp này với trường hợp mà tiếng Việt ghi nhận nhân danh, địa danh hoặc thuật ngữ mới của nước ngoài, đặc biệt là ở thời mà sự giao lưu quốc tế và việc học tập ngoại ngữ trong nước được đẩy mạnh và mở rộng hơn bao giờ hết, chẳng hạn “Gruzia” (tên quốc gia), “Greenland” (một hòn đảo tự trị thuộc Vương quốc Đan Mạch), “Greenwich” (thị trấn ở Đông Nam thủ đô London của Anh), “Gregory” (tên người), “Greta” (cách gọi thân mật của Margaret, tên phụ nữ), v.v... Còn “grù” hay là “gù” thì lại là chuyện kết quả của thính giác ghi nhận theo đặc điểm ngữ âm của tiếng Việt.
Ta cần chú ý rằng, tuy một số từ tượng thanh có được ghi nhận vào từ điển nhưng nhiều “từ” cùng loại chỉ có thể thích hợp với ngữ cảnh riêng của nó hoặc chỉ là kết quả của một sự ghi nhận chủ quan hoặc tùy hứng nên việc thu nhận nó để đưa vào ngôn ngữ toàn dân là một việc làm phải được cân nhắc thật cẩn thận.  Vậy chỉ có “gù” mới là tiếng Việt chứ “grù” thì không. “Gù” là một động từ mà ta còn có thể thấy trong từ tổ “gật gù”, một từ láy giả hiệu, mà nếu theo cách gọi khá thông dụng hồi nửa đầu thế kỷ XX thì sẽ là một từ tượng hình. Đây thực ra là một từ tổ đẳng lập do hai động từ “gật” và “gù” hợp thành, xuất phát từ tập tính sinh hoạt của một loài gia cầm là bồ câu và một loài chim kiểng là cu gáy. Đó là vừa gật [đầu] vừa gù. Ai không tin thì có thể tham khảo sự miêu tả dưới đây của dân chơi chim. 
- “Lúc đầu: Cục cúc cu... cu, cục cúc cu, cục cúc cu... cu... cụ, cục cúc cu... cụ... [sau vài lần như vậy thì nó vừa gật gù cái đầu vừa kêu (AC nhấn mạnh)]” (tungson, Chú cu gáy đầu tiên em nuôi).
- “Khi đến gần lồng, em nó kêu grù grù nhỏ chứ không gục gục đầu gù (AC nhấn mạnh) […..]” (ptd, Forum, Sinh vật cảnh Việt Nam).
- “Chim gù khi đã nói hết lời hơn lẽ thiệt với nhau bằng tiếng trận ở trên mà không anh nào chịu nhường anh nào cả thì phải bật ra tiếng gù thách thức, dọa nạt lẫn nhau: - gù: cù cu, cù cu, cù cu, cù cu [cứ hai tiếng gù cù cu là kèm theo một cái gật đầu (AC nhấn mạnh)]” (“Kinh nghiệm nuôi chim cu gáy”, Hội Chim cảnh, 21-2-2014). V.v… và v.v…
Cứ như trên thì, không còn nghi ngờ gì nữa, “gật gù” vốn là một từ tổ đẳng lập, trong đó “gù” là một động từ dùng để diễn tả động tác phát thành tiếng kêu của bồ câu hoặc cu gáy, thường là của con trống. Có lẽ vì không phải là dân chơi chim nên các từ điển gia, nói chung, chỉ thấy có mục đích tỏ tình trong động tác “gù” của bồ câu, chim gáy, mà không thấy được mục đích cảnh báo của con trống sở tại với con trống “ngoại xâm” nhằm bảo vệ lãnh địa.
Chẳng thế mà Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên (1967) đã giảng từ “gù” là “tiếng chim bồ câu và chim cu trống kêu lúc đến gần chim mái”. Còn Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học do Hoàng Phê chủ biên (2007) thì giảng là “[chim cu, bồ câu] kêu tiếng trầm và nhẹ [thường khi con đực (sic), con mái đến gần nhau]”. Để thấy chỗ thiếu sót của hai lời giảng trên đây, xin chép lại đoạn chót trong bài “Gác cu rừng - thú đam mê” của Quốc Dũng (Người lao động, 22-1-2011) để bạn và bạn đọc phán xét:
“Đi sâu vào rừng, chọn chỗ xong, ông Tám Chinh treo chiếc bẫy lục lên cây. Con mồi bên trong bẫy liên tục gáy vang như khích bác đối thủ và mời gọi bạn tình. Chẳng mấy chốc, một chú cu rừng lao tới đáp xuống bẫy gáy trả rồi nhào vô đá con mồi. Chiếc bẫy liền sập xuống, nhốt cả chú cu rừng vào trong […….]. Cu trống rất hung hăng, hiếu đá. Chỉ cần nghe tiếng một con cu lạ gáy trong lãnh địa là nó lập tức bay về đánh đuổi để bảo vệ lãnh địa và giành bạn tình”. 
Cứ như trên thì hiển nhiên là các từ điển gia của ta chỉ thấy có khía cạnh tỏ tình mà không hề biết đến khía cạnh chiến đấu để bảo vệ lãnh địa và tình yêu của cu gáy. Trở lại với từ tổ “gật gù”, chúng tôi xin khẳng định rằng, ở đây, “gù” tuyệt đối không phải là một tiếng đệm hoặc một âm tiết láy. Đây là một vị từ động (động từ) chính cống mà nghĩa đã từ từ lu mờ rồi mất hẳn - dĩ nhiên là chỉ trong phạm vi của hai tiếng “gật gù” - làm cho người sử dụng ngôn ngữ không còn “nghe thấy” tiếng “gù” của cu hoặc bồ câu để chỉ còn “nhìn thấy” có cái động tác “gật gật đầu” mà thôi, mà lại chủ yếu là của… con người. Chẳng thế mà từ điển Văn Tân chỉ giảng “gật gù” là “cúi nhẹ đầu rồi ngẩng lên nhiều lần liên tiếp, tỏ vẻ đắc ý” còn từ điển Hoàng Phê thì giảng là “gật nhẹ và nhiều lần, tỏ thái độ đồng tình, tán thưởng”.
Dĩ nhiên là An Chi không điên khùng mà đòi các từ điển gia phải trả lại cho chữ “gù” trong “gật gù” cái động tác kêu “grù grù” của cu hoặc bồ câu. Chúng tôi chỉ nhấn mạnh với các nhà Việt ngữ học và những ai yêu thích tiếng Việt rằng, nói chung, cái mà đa số các vị đã hoặc vẫn gọi là tiếng đệm hoặc tiếng láy thực chất vốn là những từ độc lập, nên dĩ nhiên là những từ vốn đã có nghĩa cụ thể. Liên quan đến vấn đề này, N.V Xtankêvich đã viết:
“Theo chúng tôi, ở trường hợp kết cấu song tiết đang có quan hệ với một từ đơn âm, kiểu như lạnh lùng có quan hệ với lạnh, thật khó nói rằng âm tiết còn lại là một âm tiết hoàn toàn vô nghĩa
[……]. Làm sao có thể tưởng tượng được, trong hoàn cảnh ngôn ngữ đơn lập, người ta lại có thể đem những vỏ ngữ âm hiếm hoi của ngôn ngữ dùng hoang phí vào những việc hoàn toàn không có lý do, không có mục đích như thế!” (Loại hình các ngôn ngữ, NXB Đại học và Trung học Chuyên nghiệp Hà Nội, 1982, tr.164-65). 
Và bà khẳng định:
“Trong tiếng Việt không phải chỉ tuyệt đại đa số trường hợp là hình vị có vỏ ngữ âm một âm tiết. Trường hợp âm tiết có ý nghĩa còn lớn hơn thế nhiều. Hầu như có thể nói rằng âm tiết nào cũng là hình vị” (Sđd, tr.169).  
Còn Cao Xuân Hạo thì chứng minh rằng tiếng (âm tiết) vừa là âm vị, vừa là hình vị, vừa là từ trong bài “Về cương vị ngôn ngữ học của «tiếng»” (Tiếng Việt - Mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa, NXB Giáo dục, 1998, tr.179-211) rồi kết luận:
“Cho nên một công trình nghiên cứu tiếng Việt mà không phản ánh được và không căn cứ vào những đặc tính loại hình học cơ bản có liên quan đến những điều đã trình bày trên đây thì khó lòng có cơ soi sáng thêm chút gì trong những vấn đề lý thuyết và thực hành của tiếng Việt và ngôn ngữ nói chung.
Cứ như lời của N.V Xtankêvich và Cao Xuân Hạo thì hiển nhiên là ta không thể phớt lờ từ nguyên học về từ của tiếng Việt mà lại “có cơ soi sáng thêm chút gì trong những vấn đề lý thuyết và thực hành của thứ tiếng này và ngôn ngữ nói chung”.

Nguồn:

Khán & Khám

Bạn đọc: Một người bạn có cho tôi biết người Hoa không nói “khám bệnh” mà nói “khán bệnh”. Xin ông vui lòng cho biết hai cách nói này có liên quan với nhau không. Xin cám ơn ông. Nguyễn Thành Đạt (Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Học giả An Chi : Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) do Hoàng Phê chủ biên - mà chúng tôi cho là thuộc loại có uy tín hiện nay - đã ghi cho động từ “khám” hai nghĩa: “1. lục soát, kiểm tra kỹ để tìm tang chứng của tội lỗi, của hành động phạm pháp; 2. xem xét để biết tình trạng sức khỏe, để biết bệnh trạng trong cơ thể”. Từ điển Vietlex giảng như thế nhưng lời giảng này chỉ thực sự thích hợp với công dụng của động từ “khám” trong tiếng Việt hiện đại chứ xét theo từ nguyên thì sự giải thích sẽ phải đi theo một hướng khác.
Nghĩa 1 của “khám” trong từ điển Vietlex chính là nghĩa của chữ “khám” [勘] trong tiếng Hán mà Mathews’ Chinese English Dictionary đã đối dịch là “to investigate officially” (điều tra chính thức [về phía nhà chức trách]). Nghĩa gốc này của chữ “khám” [勘] đã đi vào tiếng Việt thành nghĩa 1 của “khám” trong từ điển Vietlex. Với nghĩa này thì “khám” chỉ một hành động của nhà chức trách hoặc của kẻ được xem hoặc tự cho là có quyền để làm việc đó. Mà với nghĩa này thì “bệnh” (disease, sickness) không thể nào là đối tượng của việc “khám” được. Chính vì vậy nên Tàu mới không gọi việc thầy thuốc xem mạch định bệnh là “khám bệnh”, mà gọi là “khán bệnh” [看病]. Đây là một từ tổ động từ vẫn đang thông dụng.
Hiện nay, bên Trung Hoa đại lục đang lưu hành câu “Khán bệnh nan, khán bệnh quý” [看病難,看病貴], nghĩa là “Khám bệnh khó khăn, khám bệnh đắt tiền”. Theo báo chí thì thống kê cho thấy phân nửa dân số Trung Quốc có bệnh nhưng không đi khám bệnh và 26% những người phải nằm viện thì không chịu nhập viện. Chúng tôi muốn nêu rõ như thế chính là để nhấn mạnh rằng Tàu chỉ nói “khán bệnh” chứ không phải “khám bệnh”. Từ tổ đó còn được “định vị” một cách chắc chắn trong thành ngữ “thiết mạch khán bệnh” [切脈看病] (bắt mạch xem bệnh) nữa. Chúng tôi cũng xin lưu ý bạn và bạn đọc rằng, từ xưa, ta đã từng chịu ảnh hưởng và tiếp nhận kinh nghiệm của Tàu trong lĩnh vực y học cổ truyền cho nên nếu hai tiếng “khán bệnh” có đi vào tiếng Việt thì đây cũng chỉ là một hiện tượng bình thường mà thôi.
Nhưng do đâu mà “khán bệnh” lại trở thành “khám bệnh” trong tiếng Việt? Chúng tôi xin trả lời rằng đó là hệ quả của một sự “chế biến” theo tiếng ta và sự “chế biến” này xuất phát từ những sự cố ngôn ngữ mà thỉnh thoảng chúng tôi vẫn nói đến, là sự đan xen hình thức và sự lây nghĩa. “Khán” và “khám” là hai tiếng cận âm, có cùng phụ âm đầu KH, có cùng nguyên âm chính là A còn phụ âm cuối đều là những phụ âm mũi, chỉ khác nhau ở chỗ N là âm răng còn M là âm môi. Vậy là rất gần. Nhưng đây chưa phải là nguyên nhân chính của sự đan xen hình thức tuyệt đối (sự đan xen tương đối thì xuất hiện với những cấu trúc có hai tiếng hoặc hơn) từ “khán” thành “khám”.
Nguyên nhân chính là, giữa hai tiếng cận âm đang xét thì “khán” chỉ là một hình vị ràng buộc còn “khám” thì tự nó đã là một từ - nghĩa là một đơn vị có thể hành chức độc lập trong lời nói - nên “nặng ký” hơn “khán” và đã loại bỏ được nó. Nói cho rõ hơn thì trong sự “tranh chấp” giữa hai yếu tố ngôn ngữ dễ bị nhầm lẫn với nhau, phần thắng sẽ thuộc về yếu tố có tần suất cao hơn. “Khán” là một hình vị luôn luôn đi chung với “đài”, “giả”, “phòng”, v.v... thành những danh ngữ cố định “khán đài”, “khán giả”, “khán phòng”, v.v... nên người sử dụng ngôn ngữ bình thường thường không biết, hoặc ít nhất cũng không chú ý đến nghĩa riêng của nó. Họ không bao giờ dùng riêng nó để đặt câu. Ngược lại, họ có thể kết hợp động từ “khám” với từ, ngữ khác thành nhiều cấu trúc tự do trong lời ăn tiếng nói hằng ngày, như: - khám nhà; - khám người; - khám hành lý; - khám túi quần hắn thì thấy sợi dây chuyền hắn vừa giật của chị phụ nữ; - hồi đó Tây khám nhà ông nội tôi vì chúng nghi có giấu vũ khí của Việt Minh; - khám đáy vali thì phát hiện có ma túy; v.v... Nghĩa là một ngàn lẻ một cách …
Cho nên trong cuộc đối đầu giữa “khán” với “khám” trong ngữ vị từ gốc là “khán bệnh” thì “khám” đã đánh bật “khán”, nhất là vì trong khi  “khán bệnh” thì người thầy thuốc cũng có những động tác rờ rẫm, sờ sẫm, mò mẫm, gợi cho người sử dụng ngôn ngữ liên tưởng đến việc khám xét của nhân viên công quyền hoặc cơ quan chức năng. Đây chính là sự lây nghĩa từ “khám” sang “khán”.
Nhưng, như đã phân tích và khẳng định trên kia, nghĩa gốc của “khám” trong tiếng Việt chỉ là nghĩa 1 đã cho trong từ điển Vietlex và trong thực tế thì nghĩa này xuất phát từ nghĩa của chữ “khám” [勘] trong tiếng Hán, mà Mathews’ Chinese English Dictionary đã đối dịch thành “to investigate officially”. Và như cũng đã phân tích, với nghĩa này thì “bệnh” (disease, sickness) không thể là đối tượng của hành động “khám”. “Khán bệnh” đã trở thành “khám bệnh” chỉ là vì nguyên nhân đã phân tích chứ không phải là vì “khám” vốn đã có nghĩa 2, như đã cho trong từ điển Vietlex (và dĩ nhiên là cả trong nhiều quyển từ điển khác nữa). Nghĩa này chỉ xuất hiện sau khi “khám” đã đánh bật “khán” ra khỏi ngữ vị từ “khán bệnh” để biến cấu trúc này thành “khám bệnh” mà thôi. Vậy ta cũng không nên quan niệm rằng “khám bệnh” là một lối nói riêng của người Việt bằng cách dùng một cái nghĩa “phái sinh đặc biệt” của động từ “khám”.
Nguồn:

Khế là trái có khía

Tặng Nguyễn Thuý Anh, giảng viên tại University of Michigan, Ann Arbor.
 

Để tìm về từ nguyên của từ khế (tên một loài thực vật), có lẽ ta cũng nên khảo sát một số ngôn ngữ khác xem có gì có thể gợi ý cho hướng đi tìm của mình không.
Tên quả khế trong các ngôn ngữ Roman (Pháp: carambole; Ý: carambola; Tây Ban Nha: carambolo) đều bắt nguồn từ tiếng Bồ Đào Nha carambola, được ngôn ngữ này mượn từ tiếng Marathi karambal, mà có nguồn cho là có quan hệ từ nguyên với danh từ karmaphala của tiếng Sanskrit, có nghĩa là “khế” (trái cây). Nhưng danh từ Sanskrit chính thức có nghĩa là khế thì Dictionnaire sanskrit-français của N. Stchoupak, L. Nitti và L. Renou thì lại ghi là karmaraṅga và cho nghĩa rõ ràng bằng tên khoa học của cây khế là Averrhoa Carambola. Một vài thứ tiếng Slave quen thuộc, như tiếng Nga, tiếng Czech (Tiệp), cũng mượn từ cái mẫu “carambola”. Xem ra, chẳng có chi tiết nào có thể chỉ đường dẫn lối cho ta cả.
Nhưng có vẻ như các ngôn ngữ Germanic thì có đấy. Trong tiếng Anh, ngoài tên carambola, quả khế còn được gọi là starfruit, nghĩa là “quả (hình) ngôi sao” và cùng một cái mẫu tạo từ này, tiếng Đức là Sternfrucht, tiếng Đan Mạch là stjernefrugt, tiếng Thụy Điển là stjärnfrukt, tiếng Hà Lan là stervrucht. Dĩ nhiên là nếu để nguyên cả quả thì khó có thể thấy được hình ngôi sao một cách thuyết phục, trừ phi ta cắt nó ra thành lát. Chính hình những cánh sao đã khiến chúng tôi liên
Từ điển tiếng Việt của Trung tâm từ điển học (Vietlex) do Hoàng Phê chủ biên (Nxb Đà Nẵng - Vietlex, 2007) giảng khía là “đường rãnh nhỏ rạch trên bề mặt một vật”. Đây là một lời giảng sai. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của lại giảng kiểu nước đôi: “Đàng rỏng, đàng nổi lên mà làm ra đàng rỏng (Thường nói về vật bầu mình như trái khế).” Thì cũng không rõ. “Rỏng” là rỏng mà “nổi” là nổi, chứ không thể vừa rỏng vừa nổi. Ta có thể tìm thấy lời giảng rõ, hoặc đúng hơn, ở những quyển khác. Dictionarium Anamitico-Latinum của J. L. Taberd (Serampore, 1838) giảng “khía” là “margines et costæ rerum” (rìa và cạnh của đồ vật). Dictionnaire annamite-français của J.F.M. Génibrel đối dịch là “arête, côte, saillie” (cạnh, sườn, chỗ lồi). Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức (Khai Trí, Sài Gòn, 1970) đã giảng rành mạch: “Khía: (động từ) khứa, rạch thành đường lõm (…) // (danh từ) đường lồi lên. Lá có khía. Trái khế có năm khía. Bánh xe khía”. Các quyển từ điển kia sai vì đã lấy nghĩa của động từ khía mà giảng thành “rỏng” hoặc “đường rãnh nhỏ…” cho danh từ khía.
Chính sự liên tưởng đến danh từ “khía” của tiếng Việt đã đưa chúng tôi đến một sự liên tưởng khác: tên của quả khế trong tiếng Hán. Bên cạnh cái tên thông dụng là dương đào [楊桃] (cũng viết 洋桃), khế còn được gọi là ngũ liễm tử [五斂子], nghĩa là “quả năm múi”. Sách Nam phương thảo mộc trạng (dẫn theo Từ hải) chép: “Ngũ liễm tử đại như mộc qua, hoàng sắc; thượng hữu ngũ lăng, Nam nhân hô lăng vi liễm, cố dĩ vi danh (…)”, nghĩa là “quả khế lớn bằng quả mộc qua, màu vàng; quả có năm cạnh, người phương Nam gọi cạnh (lăng) là liễm, do đó mà lấy làm tên (…)”. Từ đây, ta có thể dùng một từ đồng nghĩa của cạnh là khía - đã đi chung với cạnh thành danh ngữ đẳng lập khía cạnh - mà nói rằng khế là quả có năm khía, như thí dụ đã cho trong Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức: Trái khế có năm khía. Hán tự có chữ 契 (hoặc 栔), mà âm Hán Việt là khế, có nghĩa là khắc… khía.
Với những gì đã phân tích trên đây, ta có thể khẳng định rằng khía là một điệp thức (doublet) của khế, y hệt như vìa trong phương ngữ Nam Bộ là điệp thức của về trong ngôn ngữ văn học và ngôn ngữ toàn dân. Mối quan hệ IA ↔ Ê ở đây cũng giống hệt như “bề” (trong “bề mặt”) ↔ “bìa” (trong “bìa sách, “bìa vở”, v.v...), đều do “bì” [皮] mà ra. “bì” có nghĩa gốc là da, rồi nghĩa phái sinh là mặt ngoài, bên ngoài.
Cứ như trên thì ta có cơ sở để khẳng định rằng “khế” là thứ quả có năm khía và rằng đây là một từ Hán Việt mà Hán tự là [契], [契], có nghĩa gốc là khắc, khía, khắc cho thành khía. Sự chuyển biến ngữ âm - từ vựng - ngữ pháp từ động từ “khế” sang danh từ “khía” cũng chẳng khác gì sự chuyển biến từ động từ “khắc” [刻] sang danh từ “khấc” ( = cái khía đã được khắc).
Nguồn:

Từ ANH đến INH và ÊNH

Bạn đọc: Tôi rất tâm đắc với chuyện cu Ghềnh hất cẳng cụ Gành mà các ngành chức năng cứ “êm ru bà rù” (NLM 510), cũng như chuyện Anh > Inh > Ênh (NLM 508). Vì vậy nên xin mạn phép hỏi thêm ông về quan hệ bà con giữa 3 vần này vì tôi lạm nghĩ ông còn “giấu tủ” nhiều chi tiết hay lắm. Vậy xin ông vui lòng “mở tủ” thêm… tôi rất cảm ơn.Tám Thiệt (cũng là dân Cù lao Phố)
 

Học giả An Chi: Xin lĩnh ý bạn mà nói thêm ba điều bốn chuyện như sau.
Trước nhất là về chữ “mạng” trong “cách mạng” mà ta có thể thấy biến thể ngữ âm “mệnh” trong “sinh mệnh”, “tuyệt mệnh”, “vận mệnh”, v.v… Chữ “mệnh” này, Hán tự là [命], vốn đọc là “mạnh” vì nó thuộc vận “ánh” [映] và đồng âm với chữ “mạnh” [孟] trong “Mạnh Tử”. Trước đây, ông Phạm Văn Đồng cũng thường nói “cách mạnh” thay vì “cách mạng”. Dĩ nhiên đây là một cách phát âm có cơ sở từ âm xưa của chữ “mệnh”. Trong Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức, chữ “mạnh” đã được chuyển chú về hai chữ “mạng” và “mệnh”. Đây cũng chính là chữ “mạnh” trong thành ngữ “mạnh ai [đứa nào, thằng nào, v.v…]  nấy…” của phương ngữ Nam Bộ, mà Từ điển phương ngữ Nam Bộ do Nguyễn Văn Ái chủ biên giảng là “Mặc, tự, tùy, riêng…” với thí dụ “Mạnh người nào người nấy làm”.
Có thể có ý kiến cho rằng, chữ “mạnh” này không liên quan đến “mạnh” là “mạng” vì đây là chữ “mạnh” trong “mạnh được yếu thua”. Đây là một cách hiểu chủ quan theo kiểu “trông mặt mà bắt hình dong” nên rất sai. Chẳng có lẽ khi người ta hô to câu “Mạnh ai nấy chạy” thì chỉ có những kẻ mạnh mới chạy còn người yếu không chạy? Thực ra, “mạnh” ở đây chính là “mạng” và “mạnh ai nấy lo” là “mạng của người nào thì người đó lo”. Chẳng qua là về lâu về dài, nghĩa gốc của chữ “mạnh” (là “mạng”) phai mờ dần và được mở rộng thành “phần, chuyện hay việc của từng người” nên người ta mới quên mất gia phả của nó đó thôi.
Chữ “bệnh” trong “bệnh nhân”, bệnh viện”, “trị bệnh”, v.v..., vốn đọc là “bạnh” vì cũng thuộc vận “ánh”. Trong Nam, bộ “tam sênh” gồm có miếng thịt luộc, con cua luộc và cái trứng luộc, thực chất là “hình thức rút gọn” của “tiểu tam sinh” [小三牲] là lợn, cá và gà. Chữ “sênh” này, Hán tự là [牲], vốn đọc là “sanh” vì nó thuộc vận “canh” [庚]. Chữ “sênh” [笙] chỉ một loại nhạc cụ, vốn cũng đọc là “sanh” vì cùng vần với chữ “sanh” [牲]. “Chênh vênh” chẳng qua là điệp thức của “tranh vanh” [峥嶸].
Chữ “nênh” trong câu “Chiếc bách buồn về phận nổi nênh” (tương truyền là của Hồ Xuân Hương) chẳng qua là điệp thức của chữ “nanh” [儜], ngày nay có thể bị đọc thành “ninh”, có nghĩa là yếu đuối, lâm vào tình thế khó khăn. Hai chữ “linh đinh” [伶仃] có nghĩa là cô đơn không nơi nương tựa, không có ai để nhờ vả, được dịch sang tiếng Anh là “left alone without help”, vốn đọc là “lanh đanh” vì đều thuộc vận “thanh” [青]. Đây chính là âm gốc của hai chữ “lênh đênh” trong ngữ đoạn “lênh đênh góc biển chân trời”. V.v… và v.v... Vậy ở đây, ta có ANH > ÊNH.
Nhưng, như đã thấy, ANH còn > INH nữa. Những chữ “kinh” [京], [驚], [荊] đều vốn đọc là “canh” vì thuộc vận “canh” [庚] và có thiết âm là “cử khanh thiết” [舉卿切]. Ba chữ quen thuộc là “minh” [明], [盟], [鳴] đều vốn đọc là “manh” vì cũng đều thuộc vận “canh” [庚]. Chữ “sinh” trong “học sinh”, “tuyển sinh”, “sinh sản”, v.v…, vốn đọc là “sanh”. Chữ “huynh” [兄], tương ứng với “brother” của tiếng Anh và “grand frère” của tiếng Pháp, vốn đọc là “hoanh” vì cũng thuộc vận “canh” [庚], rồi vì mất phụ âm đầu HO [hw] nên mới trở thành “anh” trong “anh em”. Chữ “khuynh” [傾] là nghiêng, có âm gốc là “khoanh” vì thuộc vận “thanh” [清]. Đây chính là chữ “khoanh” trong “khoanh tay”. Chữ “tinh” [腥] là hôi tanh vốn đọc là… “tanh”.
Đặc biệt, lâu nay người ta vẫn bàn về hiện tượng tên của Lễ Thành Hầu là “Cảnh” mà lại được ghi bằng chữ có âm đọc là “kính” [鏡]. Ý kiến khá phổ biến vẫn cho rằng đây là một cách đọc bất bình thường. Thực ra thì chẳng có gì là bất bình thường cả nếu ta biết rằng chữ “kính” [鏡] có âm gốc là “cánh” vì nó thuộc vận “ánh” [映]. Vậy họ tên thật của vị Thống suất là Nguyễn Hữu Cánh theo cách phát âm từ thời xửa thời xưa ở trong Nam.  Nhưng dân chúng thì tôn sùng ông vì công đức của ông quá lớn nên người ta mới né âm “Cánh” mà đọc thành “Cảnh” để tỏ lòng kính trọng. Vậy “Cảnh” là một hình thức kiêng húy đối với “Cánh” là tên cúng cơm của Lễ Thành hầu chứ chẳng có gì là bất bình thường ở đây.
Nguồn:

Lại chuyện cụ Gành và cu Ghềnh

Bạn đọc: Nhân chuyện “Gành - Ghềnh” trên Năng lượng Mới số 508, tôi xin hỏi bổ sung ý của ông An Chi về /anh/-/inh/-/ênh/, một hiện tượng khá thú vị về âm đọc của chữ 溋. Chữ này đọc âm Hán Việt là /doanh/, có âm nôm là /duềnh/ hoặc /dềnh/. Hình như văn Quan Đệ Tam có câu: “Trịnh giang biên dềnh/duềnh ngân lai láng Đôi vầng hồng soi rạng nam minh”. Và địa danh chữ “ghềnh” cũng nhiều lắm mà.

Học giả An Chi: Địa danh mang thành tố “Ghềnh” có nhiều hay không thì chúng tôi hy vọng bạn Lương Kiên Trinh sẽ cho dẫn chứng nhưng dù có nhiều đến đâu thì nó cũng không trực tiếp liên quan đến chuyện “Gành” mà chúng tôi đã bàn trên Năng lượng Mới số 508 vì chữ này thì lại thuộc về phạm trù địa danh ở Nam Bộ (mà chúng tôi sẽ nhắc lại ở phần dưới).
Bạn Lương Kiên Trinh đưa ra chữ [溋] và khẳng định rằng “chữ này (ý bạn là chỉ một chữ này thôi - AC) đọc âm Hán Việt là ‘doanh’, có âm nôm là ‘duềnh’ hoặc ‘dềnh’.” Thực ra, ở đây, ta có hai chữ [溋] khác nhau. Với hai âm “dềnh” và “duềnh” thì [溋] là một chữ Nôm còn với âm “doanh” thì nó lại là một chữ Hán. Với tính cách là một chữ Hán thì chữ [溋] bộ “thủy” này là chữ có sau và đồng dụng với chữ có trước nó là chữ [盈] thuộc bộ mãnh [皿], mà âm Hán Việt thông dụng hiện hành là “doanh” nhưng âm Hán Việt thư tịch chính tông thì lại là “dành” vì thiết âm của nó trong Quảng vận (đầu thế kỷ XI) là [以成切] “dĩ thành thiết” ( = D[ĩ] + [th]ÀNH). Vậy, về ngữ âm, ở đây ta có “doanh < dành” và “dành > doanh” [溋] có nghĩa là: đầy đủ; đầy tràn; dư thừa. Đây chính là chữ dành mà ta có thể thấy được trong các ngữ vị từ quen thuộc để dành, dành dụm (nghĩa là để dư ra phòng khi cần đến).
Cứ như chúng tôi đã khẳng định thì “dành” hiển nhiên là một từ Hán Việt thường dùng. “Dành” có một điệp thức hậu kỳ là “dềnh”, với nghĩa là dâng lên cao rồi tràn ra và nghĩa phái sinh là phình ra, nở ra như có thể thấy trong “dềnh dàng”. Vậy “dành” là âm Hán Việt gốc, chính thống còn “dềnh” là âm Hán Việt Việt hóa của chữ Hán [溋] do bạn Lương Kiên Trinh đưa ra. Chữ Hán này được dùng làm Nôm để ghi từ “duềnh” trong câu “Trịnh giang biên duềnh ngân lai láng” của bài “Quan đệ tam” do bạn Lương Kiên Trinh đưa ra. Chữ này mặc nhiên bị cho là phi Hán Việt và được Từ điển tiếng Việt của Vietlex do Hoàng Phê chủ biên giảng là “dòng nước tự nhiên”.
Thực ra thì “duềnh” còn có một nghĩa “rộng” hơn nghĩa và đây lại là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [瀛] mà âm Hán Việt thông dụng hiện đại là “doanh” nhưng âm Hán Việt thư tịch chính thống của nó cũng là “dành” vì trong Quảng vận thì nó thuộc tiểu vận do chữ [盈] đứng làm đầu vận, nghĩa là ba chữ [盈], [溋] và [瀛] đồng âm với nhau. Vậy âm gốc của chữ [瀛] cũng là “dành”, sau đó nó được thêm âm đệm [w] vào để trở thành một âm tiết tròn môi hóa là “doành”. Chỉ sau khi biến thành “doành” rồi thì nó mới có điệp thức hậu kỳ là “duềnh” vì, như đã nói trên Năng lượng Mới số 508, trong mối quan hệ ANH ↔ INH ↔ ÊNH thì chính ANH mới > (INH >) ÊNH. Và cũng chỉ sau khi trở thành một âm tiết tròn môi hoá thì “doành” mới chuyển từ thanh điệu 2 sang thanh điệu 1 để trở thành “doanh” mà làm âm Hán Việt hiện hành cho chữ [瀛], có nghĩa gốc là biển cả.
Chúng tôi muốn kể thêm một yếu tố Hán Việt khác cũng có âm hiện hành là “doanh”. Đó là chữ [籯] vốn cũng đọc là “dành” vì nó cùng một tiểu vận với chữ [盈] mà thiết âm là “dĩ thành thiết” trong Quảng vận. “Dành” [籯] có nghĩa là giỏ lớn đan bằng tre và đây là một yếu tố Hán Việt chính tông đang đảm nhiệm vai trò của một từ độc lập, tự do trong tiếng Việt hiện đại, mà từ điển Vietlex giảng là “đồ đựng đan khít bằng tre nứa, đáy phẳng, thành cao”, nhưng lại viết với GI- thành “giành”. Nếu ta theo nguyên tắc là chính tả của các yếu tô Hán Việt phải được ghi đúng với các âm vị gốc, đặc biệt là phụ âm đầu, thì chữ “giành” này phải bị cách cái mạng thành dành.
Thí dụ này và những thí dụ trên cộng với nhiều trường hợp mà chúng tôi từng nói đến ở những chỗ khác chẳng những cho phép mà còn đòi hỏi ta phải triệt để bác bỏ cái kiểu phân loại các yếu tố Việt gốc Hán do Vương Lực đặt ra, mà tiếc thay, hầu như tất cả các nhà Việt ngữ học người Việt Nam đều nói theo, kể cả Nguyễn Tài Cẩn.
Bây giờ xin trở lại với chuyện Cầu Gành bị đổi tên thành “Cầu Ghềnh”. Xin nhắc lại rằng trong quan hệ từ nguyên thì ANH là bậc ông bà, INH là bậc cha chú còn ÊNH chỉ thuộc hàng con cháu mà thôi. Và đây là chuyện địa danh mà trong lĩnh vực địa danh thì từ ngữ không thể được xử lý y hệt như trong ngôn ngữ thông thường. Ta không thể lấy biến thể ngữ âm của miền này mà thay thế cho yếu tố tương ứng của miền khác.
“Bình Quới” là một địa danh liên quan đến hoạt đông vui chơi và ẩm thực tại TP HCM hiện nay nhưng ta không thể sỗ sàng bỏ tên cúng cơm của nó để gọi nó là “Bình Quý”. Huyện Hóc Môn, TP HCM hiện nay có xã “Thới Tam Thôn” và xã “Tân Thới Nhì”; ta cũng không thể sỗ sàng cải tên hai xã đó thành “Thái Tam Thôn” và “Tân Thái Nhì”. TP HCM có quận “Bình Thạnh”; không biết có nhà báo nào nổi hứng mà gọi nó là quận “Bình Thịnh” hay không? Chúng tôi nghĩ là không. Thế mà tên cha sanh mẹ đẻ của người ta là Cầu Gành thì họ lại nhất loạt gọi là “Cầu Ghềnh” mà không thấy ngượng mồm lẹo lưỡi.
Trang “R.I.P cụ Gành!” trên Facebook đã nêu nhiều nguồn thư tịch cho thấy tên của chiếc cầu được nói đến xưa nay vẫn là Cầu Gành: Địa phương chí tỉnh Biên Hòa, Địa chí Đồng Nai (Tập 1 - Tổng quan), 55 năm Thành phố Biên Hoà (1930-1985), Biên - Hòa sử - lược toàn - biên, Lịch sử và văn hóa Cù lao Phố, Việt Nam - Đồng Nai trăm năm nhìn lại, Bên dòng sông Phố (thơ), Chuyện một người lính khố đỏ (Phạm Khải Tri) và Lược sử Cù lao Phố. Thư tịch, sử liệu rành rành như thế. Thế mà… Chuyện này trực tiếp liên quan đến trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Nai, Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đồng Nai và trên hết là Ủy ban Nhân dân Tỉnh Đồng Nai. Có lẽ nào các vị cứ bình chân như vại mà để cho báo chí biến Cụ Gành thành Cu Ghềnh? Xin có thơ: Thằng Ghềnh hất cẳng ông Gành; Thật là xấc xược mà các ngành đành ngó lơ…
Nguồn:

GHỀNH hay là GÀNH

Bạn đọc: Cây cầu trăm tuổi dài 223m trên sông Đồng Nai dẫn vào Cù lao Phố đã bị sà lan húc sập. Từ nhiều ngày nay, hầu như tất cả các phương tiện truyền thông đều gọi nó là cầu “Ghềnh”. Nhưng có chuyện rắc rối là từ xửa từ xưa, dân chúng trong vùng chỉ gọi nó là cầu Gành. Xin ông cho biết vậy thì tên chính xác của cây cầu xấu số này là “Ghềnh” hay “Gành”. Và giữa “gành” với “ghềnh” thì có quan hệ “bà con ngữ âm” gì với nhau hay không? Xin cảm ơn ông. Huỳnh Ngọc Bửu(Cù lao Phố, Đồng Nai)

Học giả An Chi: Trước nhất xin nói về quan hệ “bà con” giữa “ghềnh”  và  “gành”.  Họ  là  ruột thịt nhưng cụ Gành là bậc tiền bối còn thằng Ghềnh thì chỉ là đứa sinh  sau  đẻ  muộn.  Chuyện  này có thể thấy được qua mối quan hệ từ nguyên giữa các vần ANH ↔INH ↔ÊNH - mà chúng tôi từng nói đến trong đó ANH > INH > ÊNH. Xin nêu dẫn chứng đầu tiên là từ bệnh, thường thấy ở các từ tổ bệnh nhân, bệnh viện, khám bệnh, trị bệnh, v.v... trong tiếng Việt toàn dân và tiếng Việt văn học hiện đại. Đây hiển nhiên là một từ Hán Việt, ghi bằng chữ [病] mà âm Hán Việt hiện hành là bệnh nhưng  âm  gốc  của  nó thì lại là bạnhvì nó là một chữ thuộc vận “ánh” [映].
Âm bạnh của bệnh đã được ghi nhận trong Dictionarium  Annamiticum Lusitanum  et  Latinum (Từ  điển Việt Bồ La) của A. de Rhodes: “bạnh,  tât (sic) bạnh peste: pestis,  is”.  Cả peste của  tiếng Bồ  lẫn pestis của  tiếng  La  đều có  nghĩa  là  tật  bệnh  (không  kể những  nghĩa  khác).  Vậy bệnh, vốn đọc bạnh, là một hiện tượng ngữ âm dứt khoát không thể nào phủ nhận được. Sau đó, bạnh đã chuyển thành bịnh; rồi âm bịnh  đã được lưu dân đem vào Nam mà dùng cho mãi đến 1954 (khi người  Bắc  ồ  ạt  di  cư  vào  Nam sau Hiệp định Genève) trong khi ở ngoài Bắc thì từ lâu (dĩ nhiên là trước cả 1954), bịnh đã chuyển thành bệnh, là âm được dùng cho đến hiện nay. Việt Nam tự điển của Khai trí Tiến đức 1931 (lấy tiếng  miền  Bắc  làm  nền  tảng) vẫn còn ghi nhận bịnh như một mục phụ nhưng đánh giá sai rằng “[bịnh]  tức  là  chữ bệnh đọc  sai đi”. Thực ra thì bịnh là tiền thân của bệnh.
Cứ như trên thì bạnh là bậc ông bà, bịnhlà bậc cha chú còn bệnh thì  chỉ  là  hàng  con  cháu cho nên mới còn sống mà hiện diện trên đời trong khi bạnh đã nằm ở một tầng đất khảo cổ còn bịnh cũng đã nằm trong viện bảo tàng  của  ngôn  ngữ  văn  học  và ngôn ngữ toàn dân. Cứ như trên thì trong các điệp thức có các vần diễn tiến theo công thức ANH > INH > ÊNH, từ (hoặc hình vị) có vần  ANH  thuộc  bậc  ông  bà,  từ có vần INH thuộc hàng cha chú còn tử có vần ÊNH chỉ là bậc con cháu. Do đó, gànhlà bậc ông bà, ghìnhlà bậc cha chú còn ghềnh thì chỉ là hàng con cháu mà thôi. Gành là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [陘],  mà  âm  Hán  Việt  thông dụng  hiện  hành  là hình,  nhưng vốn đọc là hànhvì nó thuộc vận thanh[青]. Hành> gành, ở đây là H > G, thì cũng giống như: -hàm[函] > gồm(trong bao gồm);
-hào[嚎]  > gào (trong  gào thét);
 -hoạch[劃]  > gạch (trong gạch ngang, gạch chéo);
-hợp[合]  > gộp (trong  gộp chung); v.v...
Hành  >  hình  [陘]  là  chỗ gián  đoạn  trong  mạch  núi;  khi chuyển  thành gành trong  tiếng Việt thì mang nghĩa là “chỗ lòng sông thu hẹp và nông khiến cho dòng  nước  bị  dồn  lại  nên  chảy xiết”  (Từ điển  từ ngữ  Nam  Bộ của TS Huỳnh Công Tín). Ngày nay,  trong  tiếng  Việt  văn  học và tiếng Việt toàn dân thì nó đã biến  thành ghềnh (trong  thác ghềnh) nhưng trước đó thì nó là ghình như còn có thể thấy trong phương ngữ Nam Bộ: Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi.
(Nhiều  tác  giả  đã  không ý  thức  được  về  đặc  điểm  của phương ngữ nên đã tự động đổi ghình thành  “ghềnh”  nhưng “ghềnh”  thì  đâu  có  vần  “ngon lành” với “đinh” ở câu trên). Trở  lên  chúng  tôi  đã  nói về  diễn  tiến  “gành > ghình > ghềnh”,  để  qua  đó  mà  khẳng định  rằng gành là  bậc  ông  bà chứ ghềnh thì  chỉ  là  hàng  con cháu  mà  thôi. Gành là  một  cái tên  cúng  cơm  xưa  hàng  trăm năm  mà  dân  chúng  trong  vùng đã đặt cho cây cầu xấu số đã gãy đổ. Vậy các nhà báo, nhà truyền thông có nên sỗ sàng đổi tên của nó  thành  “Ghềnh”  hay  không? Xin mời các vị đọc đoạn sau đây trong  bài  “Cầu  Ghềnh  dấu  tích trăm năm” (Kỳ 1 - Ký ức trong chiếc  bàn  thiên  trăm  tuổi)  của Báo Tuổi trẻ online ngày 18-8-2011: “Giám  đốc  Bảo  tàng  tỉnh Đồng Nai Lưu Văn Du cho biết, qua  tìm  hiểu  người  dân  ở  cù lao  Phố  vẫn  gọi  là  “Gành”  chứ không  phải  “Ghềnh”.  “Ghềnh” có thể sau này người ta phát âm trại ra chứ dân cù lao dứt khoát gọi là “Gành”. Theo ông Du, ở dưới vùng hạ lưu của cầu Ghềnh có những gành đá nên người xưa có thể từ đó mà gọi là “Gành”. Tuy nhiên, đến nay “Gành” hay “Ghềnh” vẫn chưa tìm thấy một dữ liệu nào để khẳng định chuẩn xác”.
Ông Giám đốc Bảo tàng còn dè dặt khi nói “vẫn chưa tìm thấy một  dữ  liệu  nào  để  khẳng  định chuẩn xác” nhưng dữ liệu ở ngay cửa miệng của người dân chung quanh  chứ  ở  đâu.  Xin  hãy  đọc, cũng trong bài báo đã nêu:“Khi nghe chúng tôi hỏi gọi cầu  Gành  với  cầu  Ghềnh  thì  từ nào  chuẩn  xác,  vợ  chồng  ông Chín  (là  người  được  hỏi  han  -AC)  cười:  “Dân  cù  lao  hồi  xưa tới  giờ  gọi  cầu  Gành  không  à. Gành  là  gành  đá  nổi  lên  ở  gầncầu  thời  đó  nên  dân  mới  gọi như vậy. Nói với dân cù lao mà  gọi cầu Ghềnh thì người ta cười chết!”.
Ta nên nhớ rằng, ở đây, Gành không còn là danh từ chung nữa, mà là danh từ riêng, là địa danh.Đối với địa danh, nhân danh, ta không  thể  tự  tiện  hoặc  sỗ  sàng thay  thế  nó  bằng  biến  thể  ngữ âm (của nó). Quận 12, TP HCM, có  một  địa  danh  là  Chợ  Cầu.Biết  rằng  (từ)  Cầu  là  điệp  thức của (hình vị) Kiều nhưng chẳng có ai lố bịch mà gọi địa danh đó là  “Chợ  Kiều”.  Đôi  vợ  chồng nọ có hai đứa con, một trai, một gái. Họ đặt tên cho đứa con gái là Hoa còn đứa con trai là Huê. Ai  lại  không  biết  rằng,  Huê  là biến thể ngữ âm của Hoa ở trong Nam. Nhưng chúng tôi thách các nhà báo đến nhà này mà gọi Huê để cho con Hoa xuất hiện. Nếu họ làm được thì, noi gương BS Nguyễn Hy Vọng, chúng tôi sẽ đi lộn đầu xuống đất. Dĩ nhiên là con Hoa có thể xuất hiện. Nhưng để trả lời: “Dạ thưa nhà báo, bữa nay anh Huê của con không có ở nhà”.  
Nguồn:

Gông, cùm, xiềng, xích của ta không có dây mơ rễ má gì với cangue và chaîne của tiếng Tây

Mạng Tìm hiểu từ nguyên (Nguồn gốc từ ngữ/ Từ ngữ và lịch sử) ngày 30-8-2012 có đăng bài “Cùm lim, xích sắt” của Nguyễn Dư (Lyon, 5-2008), trong đó những ý kiến chính đều sai, rất sai.

Học giả An Chi: Đáng nói hơn nữa là tác giả còn dựa vào những cái sai của mình để phủ nhận đôi câu đối tương truyền là của Cao Bá Quát:
Một chiếc cùm lim chân có đế
Ba vòng xích sắt bước thì vương
Nói về nguồn gốc của hai từ “gông”, “cùm”, Nguyễn Dư viết:
“Cangue có liên hệ gì với cái gông, cái cùm?
Sưu tập Oger (1909) có tấm tranh  Đốt quăng tra tiền vẽ cái cangue đeo cổ dành cho đàn bà.
“Chữ Quăng của tên tranh nghĩa là gì? Quăng (chữ Hán, bộ Nhục) nghĩa là cánh tay. Quăng, tiếng Việt, nghĩa là ném mạnh và xa. Quăng bị người đàn ông đốt không phải là cánh tay, cũng không phải là vật gì bị ném ra xa. Quăng bị đốt là cái nia quàng vào cổ người đàn bà. Quăng chính là cái cangue dành cho đàn bà được Huard và Durand nói đến trên kia.
“Chữ Quăng của tên tranh không có nghĩa như chữ Hán, cũng không có nghĩa của tiếng Việt. Chữ Quăng được dùng để ghi âm từ cangue của tiếng Pháp. Tấm tranh Đốt quăng  tra tiền cho phép suy ra rằng người Pháp đã đưa từ cangue (hoặc đưa cả cái cangue?) vào Việt Nam.
“Bộ sưu tập Oger còn có tấm Cùm ngạch (vẽ bàn chân bị trói vào khúc tre của cái ngạch nhà). Hai tấm tranh là bằng chứng cho thấy vào khoảng đầu thế kỷ XX, từ cangue có lúc vẫn còn được phát âm là quăng, có lúc được Việt hóa thành cùm.
Còn cái gông?
Từ cangue (căng-gơ) có hai âm tiết, được Việt hóa theo hai ngả: căng trở thành cùm và gơ trở thành gông”.
Tranh  Đốt quăng  tra tiền
(trong bài của Nguyễn Dư).  
Trong quá trình trả lời cho bạn đọc, chúng tôi cũng đã có đôi ba lần phản bác ý kiến của tác giả Nguyễn Dư nhưng lần này thì ông Dư mới làm cho chúng tôi kinh ngạc nhất. Tiếng Tây đâu có vào tiếng ta một cách ba trợn ba trẹo như vậy được. Trước nhất, chúng tôi không biết ông Nguyễn Dư đã căn cứ vào sách, báo nào của Tây mà khẳng định rằng “vào khoảng đầu thế kỷ XX, từ cangue có lúc vẫn còn được phát âm là quăng”, mà lại được phiên âm bằng chữ quốc ngữ Việt Nam. Đây là biểu hiện của một sự tưởng tượng cực kỳ táo tợn mà chắc chắn không một người Pháp nào có thể chấp nhận được. Huống chi, cái chữ [肱] trong hình vẽ mà ông Dư đọc thành “quăng” theo nghĩa của “cangue” trong tiếng Pháp, thì không hề tồn tại trong tiếng Việt, như sẽ phân tích rõ ở một đoạn sau. Riêng gông và cùm thì lại là hai từ đã có mặt trong tiếng Việt trước khi Pháp xâm lược Việt Nam nên tất nhiên không có dây mơ rễ má gì với cangue của tiếng Pháp cả.
Căng (của cangue) không trở thành cùm vì cùm đã có mặt trong Dictionarium Annamitico Lusitanum et Latinum của A. de Rhodes in tại Roma năm 1651, trong dạng chính tả “cồm”, với hai thí dụ “cầm cồm” và “đóng cồm”. Ở thời điểm này thì cùm còn phát âm thành “cồm”, cũng như hùm thành “hồm”. Đến thời Dictionarium Anamitico Latinum của Pierre Pigneaux de Béhaine (1772-73) thì  cồm và hồm đã được phát âm và viết thành cùm, hùm. Còn gông thì cũng đã được ghi nhận trong từ điển của A. de Rhodes với hai thí dụ “cầm gông”, “đóng gông”, nghĩa là cũng đã tồn tại trong tiếng Việt ít nhất là 200 năm trước khi Pháp sang cướp nước ta. Thế mà Nguyễn Dư còn viết:
“Mọi người còn nhớ mấy câu ca dao:
- Gái có chồng như gông đeo cổ
Gái không chồng như phản gỗ long đanh...
- Cờ bạc là bác thằng bần,
Cửa nhà bán hết cho chân vào cùm”.
Với những câu ca dao trên thì cái “e” (air = dáng vẻ) xa xưa của nó cũng đã buộc nhà nghiên cứu phải thận trọng đặt vấn đề xem có thật là nó chỉ ra đời sau khi dân ta bị Pháp cai trị hay không. Đằng này… Đặc biệt Nguyễn Dư rất sai khi đọc cái chữ [肱] trong tranh vẽ của Sưu tập Oger 1909 thành “quăng” để mặc nhiên ghép nó vào từ loại danh từ rồi gán cho nó cái nghĩa của từ “cangue” ( = cùm). Thực ra thì khi chuẩn bị ấn hành bộ Sưu tập 1909 của Henri Oger  với tên đề ở bìa ngoài là Technique du peuple Annamite (Edition 2009/ Chủ biên: Olivier Tessier & Philippe Le Failler, EFEO [Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp]), người ta đã tra cứu để đọc một cách chính xác - mặc dù không tuyệt đối - các chữ Hán và chữ Nôm dùng để chú thích cho từng bức tranh. Chữ [肱] đã được đọc một cách chính xác thành “quanh” và 4 chữ Nôm trong hình là “đốt quanh tra tiền”, như đã in rõ ràng tại mục 205D, tr.252, Bảng phân tích của tập 1, cũng như tại dòng chú thích số 4, tờ 205 (là tờ có in bức tranh) của tập 2.
“Đốt quanh tra tiền” là một bức tranh giản dị phản ánh một trong hàng ngàn cảnh sinh hoạt thực tế của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX, trong đó có cảnh đứa bất lương khảo của bằng cách khoét lỗ giữa một cái nia rồi tròng vào cổ của nạn nhân mà đốt dần ở chung quanh để bắt ép người ta xì tiền cho nó. Làm gì có chuyện “căng trở thành cùm và gơ trở thành gông”. Hai chữ xích và xiềng cũng chung số phận với gông và cùm nên cũng được Nguyễn Dư ghép vào cái nguyên từ chaîne của tiếng Pháp. Tác giả này đã dẫn “Truyện Kiều” mà viết:
“Hoạn Thư sai Khuyển Ưng đến Lâm Chuy bắt Kiều, đem về Vô Tích.
Dọn thuyền lựa mặt gia nhân,
Hãy đem dây xích buộc chân nàng về”.
Thực ra “Truyện Kiều” là một tác phẩm cuối thế kỷ XVIII, đầu XIX còn tiếng Việt thì chỉ có thể mượn tiếng Pháp từ sau năm 1862 mà thôi. Tác giả đã phỏng đoán rằng “từ xích xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ XIX”. Thực ra, nó đã được ghi nhận trong từ điển 1651 của A. de Rhodes - nghĩa là trước niên đại mà Nguyễn Dư phỏng đoán ít nhất cũng là 200 năm - tại mục “xích con chó”, được giảng là “buộc chó bằng dây tre vặn lại, để chó đừng cắn dây”. Còn “xiềng” thì cũng đã được ghi nhận trong từ điển 1772-73 của Pigneaux de Béhaine nên tất nhiên cũng chẳng có dây mơ rễ má gì với chaîne của tiếng Pháp cả.
Cứ như trên thì từ nguyên của 4 từ “gông”, “cùm”, xiềng”, “xích” mà Nguyễn Dư đưa ra đều sai và việc ông dựa vào nó để phủ nhận đôi câu đối  tương truyền là của Cao Bá Quát là một việc làm cực kỳ chủ quan và võ đoán.
Nguồn:

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH