TT & HĐ II - 17/f

                                                      10 Phát Minh Vĩ Đại Trung Hoa 

PHẦN II: Nền tảng

" Triết học bắt đầu từ sự ngạc nhiên"
Arixtốt


“Chúng ta có thể mường tượng thế giới của thực tại như là một dòng nước ngầm; thế giới hiện tượng thì ở bề mặt; bên dưới nó chúng ta không nhìn thấy được. Các sự kiện ở tận đáy của dòng nước gây ra bọt và những xoáy nước ở bề mặt. Đó là những chuyển động bức xạ và năng lượng của cuộc sống chung của chúng ta, nó tác động tới các giác quan và do đó, kích thích trí óc chúng ta; ở bên dưới, dòng nước ngầm vẫn chảy”
(Sir James Jeans.)

“Triết học chân chính chỉ là triết học truyền đạt chính xác nhất tiếng nói của bản thân thế giới và được viết dưới những sự chỉ dẫn của thế giới” 
(Ph. Bêcơn)

“Tất cả mọi khoa học cần thiết hơn triết học, nhưng không một khoa học nào tốt hơn nó” 
(Arixtốt)

CHƯƠNG VI: QUI CĂN

"Hạnh phúc sinh ra trong đau khổ, đau khổ giấu mình trong hạnh phúc."
(Lão Tử)

"Phàm làm việc gì, làm điều gì, xử lý cái gì… cũng nên có giới hạn, vì “Vật cùng tắc biến”: đẩy sự vật đi đến đường cùng thì thế nào nó cũng biến hóa lại khác trước, có khi còn ngược lại với trước nữa. “Vật cực tắc phản”: đẩy sự việc đi đến cùng cực thì chắc chắn sẽ phản lại ngay. Quy luật là thế thôi."
(Lão Tử)

“Không có cái không phải là ta thì không có ta. Nhưng không có ta thì không thể hiện được sự biến hóa của tự nhiên. Như vậy, ta với tự nhiên thật mật thiết với nhau. Nhưng không ai biết được chủ tể của vũ trụ là gì”.
(Trang Tử)

“Cái mà thời trước người ta dùng thì có thể ngày nay bỏ đi; cái ngày nay bỏ đi thì có thể sau này sẽ dùng, dùng hay bỏ; điều đó không quyết định được là phải hay trái”.
(Liệt tử)






(Tiếp theo)

***
Mọi người đều biết. Trung Hoa cổ đại đã mang trong lòng nó một nền văn minh tiền sử, rực rỡ không kém bất cứ nền văn minh tiền sử nào. Ấy vậy mà ở phần trên, nó đã không một lần được nhắc tới. Phải chăng nền văn minh đó là tách biệt, không nằm trong tiến trình phát triển chung của nhân loại? Không phải thế! Loài người có một nguồn gốc chung, từ gốc chung ấy, trước đòi hỏi của đời sống mà phân tán, hình thành nên những cái riêng. Những cái riêng ấy, trên bước đường chủ động thích nghi lại giao hòa nên những cái chung và từ cái nền chung ấy lại xuất hiện ra những cái riêng… Cứ thế loài người vượt qua biết bao phong ba bão táp của thiên nhiên (và cả của chính mình dại dột gây ra!?), tiến lên một cách “đồng bộ” trở thành một lực lượng “vạm vỡ” của thiên nhiên, hay có thể gọi vui là “thiên nhiên nhân tạo”.
Xét ở góc độ văn minh cũng vậy. Thời đại đồ đá, loài người tối cổ ở đâu cũng biết dùng đá làm công cụ. Nhưng như thế không có nghĩa là vào một ngày “định mệnh”, tất cả mọi con người tối cổ đồng thời cầm cục đá lên sử dụng như một công cụ. Phải có một người đầu tiên rồi một bầy đàn người đầu tiên lấy đá làm công cụ hỗ trợ để kiếm ăn. Công cụ của nó “quá đã” nên được lan truyền nhanh chóng khắp loài người tối cổ và từ đó mà hình thành nên một nền văn minh chung của loài người lúc đó. Trên cơ sở nền tảng văn minh đó, một cách tương tự, lại xuất hiện đâu đó một điểm sáng văn minh mới, một mầm mống văn minh mới (chúng ta dùng từ “văn minh” ở đây là đã phá bỏ qui ước, nhưng thôi kệ, chúng ta coi như dùng qui ước khác, “khoáng đạt” hơn) để rồi từ đó hình thành một trình độ văn minh mới, một nền văn minh cổ đại của chung nhân loại. Nếu tiến trình phát triển văn minh nhân loại không như vậy thì làm sao các nhà nhân học có thể phân định được thời đại đồ đá cũ, thời đại đồ đá mới, thời đại đồ đồng…?
Còn ở góc độ văn hóa? Rất nhiều người hay lẫn lộn, nhầm lẫn hai khái niệm văn minh và văn hóa. Vì thế, họ vẫn cho rằng một xã hội văn minh hơn thì có văn hóa hơn và ngược lại, một xã hội có nền văn hóa cao hơn tất phải văn minh hơn. Đúng là hai khái niệm đó thường đi liền với nhau nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Theo chúng ta thì một xã hội văn minh hơn là một xã hội có nhận thức khoa học đúng đắn hơn, có trình độ sáng tạo tiên tiến hơn, đáp ứng nhu cầu cuộc sống cao hơn. Còn một xã hội văn hóa hơn là một xã hội giàu bản sắc cuộc sống hơn, giàu lòng nhân ái hơn, tôn vinh cuộc sống hơn, con người đối xử với con người tử tế hơn, vị tha hơn... Quê hương của bóng đá hiện đại là ở xứ sương mù (nước Anh). Hơn một thế kỷ sau, ngày nay có thể nói rằng ở đâu có con người thì ở đó có bóng đá. Có khi một vạn năm sau, con người khảo cổ lúc đó phát hiện ra khắp nơi trên thế giới, đâu đâu cũng có di tích của đôi giày bóng đá và xác những trái bóng để rồi họ đi đến kết luận rằng loài người thời chúng ta đã làm nên một nền văn hóa “bóng đá” cũng nên?!
Như vậy nền văn minh cổ đại Trung Hoa cũng phải nằm trong tiến trình phát triển văn minh chung, là con đẻ của (những) nền văn minh trước đó của loài người, là bộ phận của nền văn minh đương thời và cũng góp phần vào việc xây dựng nền văn minh ngày hôm nay. Tóm lại nếu không có nền văn minh của nhân loại làm nền tảng, nếu không có mối quan hệ qua lại, giao lưu đối với văn minh xung quanh, đối với bộ phận nhân loại “ngoài mình” thì dù thực tế cuộc sống có đòi hỏi bức bách đến mấy và con người “tại chỗ” có nỗ lực đến bao nhiêu chăng nữa thì Trung Hoa cũng không thể có một nền văn minh cổ đại rực rỡ với biết bao nhiêu thánh nhân, hiền tài, minh triết đến như thế được.
Phải chăng ở buổi đầu sơ sử, nền văn minh Trung Quốc đã bước những bước đi đầu tiên trên văn minh nền tảng của Nhân loại thời đó với hành trang là sự hội tụ của ba yếu tố: mầm mống văn minh Đông Nam Á, thông tin văn minh truyền tới từ Ấn Độ (có thể là vùng trung chuyển văn minh từ Ai Cập, Lưỡng Hà), và thành quả lao động sáng tạo của nhân dân bản địa?
Nói đến thành tựu đạt được về khoa học tự nhiên nói chung và về toán học nói riêng của thế giới cổ đại mà không đề cập đến thành tựu của Trung Hoa cổ đại, một bộ phận hợp thành của nó là không đầy đủ.
Thành tựu văn hóa của nền văn minh Trung Hoa cổ đại ngoài cái biểu hiện rực rỡ vốn có như những nền văn minh cổ đại khác trong một thời đại phát triển đột khởi của xã hội loài người, thì cùng với văn minh Ấn Độ cổ đại, nó còn có những thành tựu, những phát kiến xuất thần, thâm sâu, trở thành huyền bí qua bao thế kỷ mà giá trị của chúng đến tận hôm nay, dù mới chớm hé lộ, đã được toàn thế giới nghiêng mình, trầm trồ nể phục. Lý luận về cơ thể người cùng với những tác dụng thần hiệu của y học cổ truyền phương Đông, trong đó y học cổ truyền Trung Hoa đóng vai trò chủ đạo đã được nền y học hiện đại thừa nhận và ngày càng trở thành bộ phận không thể tách rời của nó. Vật lý hiện đại trong cơn khủng hoảng (có lẽ là cuối cùng) đã nhìn thấy những ý niệm gợi mở cho hướng đi mới của mình trong nhãn quan về tự nhiên của Phật học. Triết học phương Tây đã có thời “khinh khỉnh” với phương Đông, khăng khăng không thừa nhận phương Đông cũng có triết học (dù rằng thuở ban đầu, gốc rễ của nó là triết học Hi Lạp cổ đại, phải nhờ đến văn minh phương Đông để xây dựng nên những ý niệm triết học đầu tiên cho mình và vẫn luôn tiếp thu những ý tưởng triết học đặc sắc từ phương Đông cổ đại trong quá trình suy tư phát triển của mình), giờ đây đã trở nên “béo phì” vì hoảng loạn và bế tắc. Chỉ khi nào những tinh túy của triết học phương Tây hòa điệu với những tinh túy của triết học phương Đông (mà cụ thể là triết lý của Veda - Upanishad, Đạo Hoàng - Lão và những nhân tố có phần đích đáng của Phật học) để trở thành một cơ thể thống nhất thì khi đó loài người mới có được một nền triết học tuyệt đích! …
Ở phần trước, khi nói về sự đếm, chúng ta đã không một lần nhắc đến Trung Hoa cổ đại. Không phải vì quên, mà vì chúng ta muốn “tâm sự riêng” với “sự đếm” của người Trung Hoa cổ, trang đầu tiên của nền số học Trung Quốc trong một dịp khác. Dịp khác chính là lúc này đây! Chúng ta sẽ dòm ngó, chất vấn, suy đoán và thậm chí là “sáng tạo” ra những tình tiết mới để tìm đường quay về với câu chuyện Hà - Đồ, câu chuyện mà chúng ta đang quan tâm bậc nhất.
Thành tựu toán học cổ, trung đại Trung Quốc được cuốn “lịch sử văn minh thế giới” (đã dẫn) tóm lược như sau:
“Theo truyền thuyết, từ thời Hoàng Đế, người Trung Quốc  đã biết phép đếm lấy 10 làm cơ sở. Đến thời Tây Hán, ở Trung Quốc đã xuất hiện một tác phẩm toán học nhan đề “Chu bễ toán kinh”. Nội dung của sách này nói về lịch pháp, thiên văn, hình học (tam giác, tứ giác, ngũ giác), Số học (phân số, số thường)… Đặc biệt đây là tác phẩm toán học của Trung Quốc sớm nhất nói về quan hệ giữa ba cạnh của tam giác vuông giống như định lý Pitago.
Thời Đông Hán lại xuất hiện một tác phẩm quan trọng hơn gọi là “Cửu chương toán thuật”. Tác phẩm này chia thành 9 chương, trong đó chứa đựng các nội dung như bốn phép tính, phương pháp khai căn bậc hai và bậc ba, phương trình bậc nhất, số âm số dương, cách tính diện tích các hình, thể tích các hình khối, diện tích xung quanh và thể tích hình cầu, quan hệ giữa ba cạnh của tam giác vuông…
Đến thời Ngụy, Tấn, Nam Bắc Triều, Lưu Huy và Tổ Xung Chi là hai nhà toán học nổi tiếng nhất. Lưu Huy đã chú giải sách “Cửu chương toán thuật”. Ông tìm ra số pi bằng tỉ số 3927:1250=3,1416. Tổ Xung Chi (429-500) cũng chú thích “Cửu chương toán thuật”. Đặc biệt, ông là người sớm nhất thế giới tìm ra số pi rất chính xác gồm 7 số lẻ nằm giữa hai số 3,1415926 và 3,1415927.
Đời Đường, Trung Quốc cũng có nhiều nhà toán học có tên tuổi như nhà sư Nhất Hạnh đã nêu ra công thức phương trình bậc hai, Vương Hiếu Thông soạn sách “Tập cổ toán kinh” dùng phương trình bậc ba để giải quyết nhiều vấn đề toán học.
Thời Tống, Nguyên, Minh, Thanh lại càng có nhiều nhà toán học, trong số đó có Giả Hiếu, Thẩm Quát đời Tống có thể coi là những người tiêu biểu. Giả Hiếu đã tìm được phương pháp giải các phương trình bậc cao, Thẩm Quát đã nêu ra những ý kiến về cấp số, cách tính độ dài của cung và dây cung khi đã biết đường kính của vòng tròn và chiều cao của dây cung. Đặc biệt thời kỳ Tống, Nguyên, người Trung Quốc đã phát minh ra cái bàn tính, rất tiện lợi cho việc tính toán”.
Tất cả chỉ có thế, chẳng có gì gọi là đặc sắc cả, thậm chí là… buồn tẻ. Một thành tựu toán học gì mà quá đỗi bình thường, có vẻ như có những mặt còn mang tính lạc hậu nếu xét về mặt thời gian, so với thành tựu toán học của các dân tộc khác, của những nền văn minh cổ Ai Cập và Lưỡng Hà mà chúng ta đã từng đề cập tới…
Nói thế không có nghĩa là chúng ta phủ nhận tất cả, nhất là ở những lĩnh vực khác. Dù sao thì toán thuật cổ Trung Quốc (thời Tần trở về trước) cũng không rực rỡ như chính nền văn minh mà nó dự phần.
Nhưng có một cái rất độc đáo: đó là bàn tính!
Bàn tính là một dụng cụ bằng gỗ rất đơn sơ, dùng để thực hiện bốn phép tính cộng, trừ, nhân, chia số học rất thuận tiện. Cách đây không lâu, nó vẫn còn được sử dụng như một phương tiện tính toán hữu hiệu, một cách rộng rãi, phổ biến không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở những nước lân cận. Thuở học trò, bản thân chúng ta vẫn không những nhìn thấy nó mà còn trực tiếp làm ra nó (dù rất “ọp ẹp”) và được cô giáo chỉ cách sử dụng nữa. Bây giờ, ở nước ta hình như chẳng còn thấy bóng dáng bàn tính đâu, nhưng bên Trung Quốc, nghe nói vẫn còn thấy nó ở những tiệm thuốc bắc.

(Còn tiếp)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH