TT & HĐ II - 18/g

                                          

                                    Đức Phật Thuyết Giảng Về Tánh Không Và Vô Ngã [1]

 
Đức Phật Thuyết Giảng Về Tánh Không Và Vô Ngã [2]

 

PHẦN II:     Nền tảng


" Triết học bắt đầu từ sự ngạc nhiên"
Arixtốt

“Chúng ta có thể mường tượng thế giới của thực tại như là một dòng nước ngầm; thế giới hiện tượng thì ở bề mặt; bên dưới nó chúng ta không nhìn thấy được. Các sự kiện ở tận đáy của dòng nước gây ra bọt và những xoáy nước ở bề mặt. Đó là những chuyển động bức xạ và năng lượng của cuộc sống chung của chúng ta, nó tác động tới các giác quan và do đó, kích thích trí óc chúng ta; ở bên dưới, dòng nước ngầm vẫn chảy”
(Sir James Jeans.)
 
“Triết học chân chính chỉ là triết học truyền đạt chính xác nhất tiếng nói của bản thân thế giới và được viết dưới những sự chỉ dẫn của thế giới” 
(Ph.Bêcơn)

“Tất cả mọi khoa học cần thiết hơn triết học, nhưng không một khoa học nào tốt hơn nó” 
(Arixtốt)

CHƯƠNG VII: TIÊN NGHIỆM


Tình yêu không phải ở đôi má hồng của người thiếu nữ mà ở trong mắt của kẻ si tình.
Immanuel Kant

"Nếu bạn muốn thành công, phải lấy lòng kiên trì làm bạn tốt, lấy kinh nghiệm làm tham mưu, lấy cẩn thận làm anh em, lấy hy vọng làm lính gác" 

 Thomas Edison
“Chúng ta có thể hoặc dùng lý lẽ để hạ gục ý kiến của người khác hoặc cứ để họ phát biểu những gì họ muốn. Chúng ta không thể xóa bỏ ý kiến bằng vũ lực, làm như vậy sẽ cản trở sự phát triển tự do và trí tuệ.”
Che Guevara

“Một người nếu bắt đầu từ khẳng định, anh ta tất sẽ kết thúc trong nghi vấn, nhưng nếu anh ta bắt đầu từ nghi vấn, anh ta đương nhiên kết thúc bằng khẳng định”
Fracis Bacon

“Văn hóa chính là hiểu những lời hay nhất và những tư tưởng tốt đẹp nhất mà mọi người trên thế giới đã từng nói và từng suy nghĩ”
Arnold

"Người kinh nghiệm phong phú đọc sách dùng hai mắt, một con mắt nhìn lời trên tờ giấy, một con mắt nhìn mặt sau tờ giấy"
Goethe

"Chìa khóa mở mọi cánh cửa khoa học đều là dấu chấm hỏi; phần lớn những phát hiện vĩ đại của chúng ta đều vậy, mà trí tuệ của cuộc sống thường quyết định ở chỗ khi gặp việc gì thì hỏi câu hỏi tại sao"
Balzac

"Học vấn không có quê hương, nhưng người có học phải có tổ quốc"
L.Pasteur

“Bản tính của ta chỉ có thể có những trực giác khả giác thôi, nghĩa là theo cách ta bị sự vật tác động vào, còn khả năng suy tưởng những đối tượng của trực giác thì lại là công việc của trí năng. Trong hai đặc tính này của tâm trí ta, không cái nào được coi là trọng hơn cái kia. Không có cảm năng, thì không có một đối tượng nào sẽ được ban cho ta, và không có trí năng thì không một đối tượng nào sẽ được ta suy tưởng. Thiếu nội dung, các ý tưởng sẽ rỗng tuếch và thiếu quan niệm thì các trực giác sẽ mù tịt”.
I. Kant

“Bạn ơi, lý thuyết thì xám xịt, còn cây đời mãi mãi xanh tươi.” Wolfgang Goethe

 
 
 
 
 
(tiếp theo)

***
Nhớ về thời thơ ấu, có một lần xem đấu bóng chuyền, chúng ta thấy ông trọng tài viết lên một cái bảng như thế này:
                           
 Hỏi ra mới biết đó là tỷ số của hai đội đang chơi và biểu thị bằng ký hiêu số là: 12:8 (Mười hai và tám).
Tại sao ông trọng tài không ghi rõ ra bằng ký hiệu số mà phải ghi như vậy? Tại vì ghi như thế sẽ không phải xóa đi viết lại mỗi khi một đội có thêm điểm và nếu biết “sử dụng” thì cũng rõ ràng và gọn, khó mà “ăn gian” được. Vô tình (?), như bây giờ chúng ta mới biết, cách ghi đó là biểu thị sự đếm theo chục 5, mỗi hình vuông gạch chéo là biểu thị một chục gồm năm đơn vị. Chúng ta có thể đọc lượng đơn vị của từng bên, lần lượt là: hai chục hai đơn vị và một chục ba đơn vị.
Hình vuông gạch chéo là một thực thể gồm 5 đơn vị (5 gạch chéo) tương tự như bàn tay có 5 ngón. Giữa chúng có mối liên quan bản chất nào không, hay sự xuất hiện của chúng có dựa trên một nguyên lý chung, dù xa xôi, nào không?
Một câu hỏi thực là nực cười! Nhưng biết đâu chừng lại không phải là phi nghĩa!
Tự Nhiên Tồn Tại là có lý hay phi lý, là vô nghĩa hay có nghĩa? Nếu không có quan sát và nhận thức về Nó thì Nó chẳng là gì cả; hoàn toàn vô hình. Khi “xuất hiện” trước quan sát và nhận thức, Nó là tất cả, vừa vô lý vừa có lý; vừa vô nghĩa vừa có nghĩa và trở nên  hữu tình.
Nhưng chỉ có Tự Nhiên Tồn Tại mới có cái “đặc ân” ấy một cách tuyệt đối, còn lại, tất cả những tồn tại, hiện hữu vì tuyệt đối phải nằm trong vòng tạo dựng nên phải có lý, có nghĩa và hữu tình một cách tuyệt đối đồng thời cũng lại chỉ tương đối thôi, tùy theo quan niệm, “sở thích” chủ quan của từng “cá thể” quan sát và nhận thức mà cũng vô lý, vô nghĩa và vô tình (vì cứ như thể từ trên trời rơi xuống, chẳng biết để làm gì, mà thờ ơ, chẳng chút “thị phi”). Đúng ra thì vĩnh viễn không bao giờ thấy được tồn tại nếu nó không hiện hữu. Một tồn tại được quan sát dù là trong phán đoán, suy tưởng thì có nghĩa là đồng thời cũng hiện hữu rồi. Khi đặt câu hỏi: “có ma không?” thì ma mặc nhiên tồn tại và đã hiện hữu, dù là trong não (người đặt câu hỏi) dưới dạng ý niệm. Không chú ý đến câu hỏi đó thì… thôi, có hay không kệ xác. Nhưng một người “quan tâm”, hỏi lại: “Thế ma là gì?”. Chắc chắn người hỏi đầu tiên sẽ mô tả được đại khái “hình hài” con ma vì nếu không có khái niệm “ma” thì đã không đưa ra được câu hỏi ấy. Người thứ hai, khi nghe mô tả xong thì ma đã hiện hữu trong đầu anh ta rồi. Và anh ta, một người đã “thấm nhuần” triết học duy vật biện chứng từ A tới Z sẽ thốt lên: “Phi lý hết sức, vô nghĩa hết sức. Đúng là chuyện tào lao!”. Thế nên mới nói: Không thể tưởng tượng được cái gì đó ở bên ngoài Tự Nhiên Tồn Tại , vì Nó là Tất cả, tuyệt đối đầy đủ!
Hướng tiến hóa thích nghi để làm xuất hiện con người là hoàn toàn xác định vì vậy mà hệ thống cảm giác của con người cũng mang tính đặc thù: cảm giác bằng mắt trở thành ưu tiên nổi trội. Từ đó mà chúng ta có một thói quen nhận định (không đúng) là chỉ có những sự vật hiện tượng trong thực tại được nhìn thấy bằng mắt mới được cho là hiện hữu. (Và hơn nữa còn cho rằng hiện hữu = tồn tại). Nhưng thực ra, nên quan niệm lại rằng nghe ngóng bằng tai, ngửi bằng mũi… cũng là quan sát và như thế, âm thanh nghe được bằng tai, mùi ngửi được bằng mũi, nhiệt cảm được bằng da… đều phải là những hiện hữu (và những hiện hữu đó phải là biểu hiện của những tồn tại, mặc dù không “thấy” được, không biết chúng như thế nào. Cho đến khi khám phá ra chúng thì chúng lại đương nhiên trở nên hiện hữu, thể hiện những tồn tại ở “dưới” nữa và lại không biết, là cái gì. Cái trò “bịt mắt bắt dê” đó làm cho nhận thức tò mò, hứng khởi “kinh khủng” !!!).
Phải công nhận rằng Kant là một nhà triết học trong hàng ngũ các nhà triết học kiệt xuất nhất của nhân loại. Ông là người đầu tiên trên thế giới xem xét mối quan hệ giữa nhận thức và thực tại một cách có hệ thống. Cốt lõi hay hạt nhân của toàn bộ hệ thống triết học vửa đồ sộ, vừa khó nắm bắt ấy chính là cuốn “Phê phán lý trí thuần túy” trong bộ ba cuốn: “Phê phán lý trí thuần túy”, “Phê phán lý trí thực tiễn” và “Phê phán khả năng phán đoán” của ông. Trước Kant, triết học cũng đã phân biệt được “thực tại đã qua nhận thức” và “thực tại vốn dĩ thế”. Tuy nhiên, vì chưa nhận thức được ý nghĩa có tầm quan trọng đặc biệt của sự phân định tất yếu ấy nên nó đã không được quan tâm đúng mức, thậm chí là còn mù mờ, dẫn đến những lầm lẫn, ngộ nhận đáng tiếc và có vẻ như bị lãng quên suốt một thời gian dài. Kant chính là người được Thượng Đế giao cho trọng trách phải “hồi ức” lại, phải đặt ra việc tìm hiểu mối quan hệ giữa nhận thức và thực tại lên tầm xứng đáng trong triết học. Muốn thế, cái trước tiên cần phải thực hiện là tìm hiểu một cách toàn diện sự nhận thức của con người, nghĩa là phải tìm cách nhận thức cho được chính bản thân sự nhận thức. Kant đã thực hiện được xuất sắc nhiệm vụ đó, và đó cũng chính là sự biểu hiện nét kiệt xuất, hơn người của Kant. (Tuy nhiên, nếu không có Kant này thì Thượng Đế cũng phải chọn Kant khác vì triết học đã phát triển đến độ chín muồi của nó thì trước sau gì, vấn đề “nhận thức về nhận thức” cũng phải được đặt ra để mà con người có thể tiếp tục bước đường nhận thức thế giới!).
Kant đã đề ra những câu hỏi cần phải giải thích, như lời Kant nói: “Lĩnh vực triết học qui về bốn câu hỏi này: 1- Tôi có thể tri thức gì? ; 2- Tôi phải làm gì? ; 3- Tôi có quyền hy vọng gì? ; 4- Con người là gì?”. Ông có nói thêm: “Tất cả chỉ là vấn đề con người, bởi vì ba câu hỏi đầu tiên qui về câu hỏi thứ bốn”.
Chúng ta thấy ngay: bốn câu hỏi trên thực ra chỉ là sự biến tướng không hoàn hảo của bốn câu hỏi: “Tôi là gì? Tôi từ đâu đến? Đến đây để làm gì? Và tôi đi về đâu?”, đã xuất hiện rất lâu trước Kant, bàng bạc đâu đó ở phương Đông thời cổ đại. Tựu trung thì cả hai cách hỏi ấy đều phải dẫn đến câu hỏi cơ bản đầu tiên và cũng là cuối cùng của triết học: “Tồn tại là gì?”. Điều lạ lùng là câu hỏi đó đã được trả lời từ buổi bình minh của triết học, đã từng được trả lời trong suốt quá trình nhận thức triết học và đến bây giờ vẫn chưa được trả lời thỏa đáng.
Và chúng ta cũng thấy ngay câu hỏi “Tôi có thể tri thức gì?” đã đặt dứt khoát vấn đề phải làm rõ mối quan hệ giữa nhận thức và thực tại lên bàn tròn “thời sự” của tranh luận triết học.
Veda - Upanishad đã phân định Tồn Tại và con người theo tên gọi là Brahman và Atman, đã quan niệm được Atman là bộ phận của Brahman, từ Brahman đến và trở về Brahman. Đạo Hoàng - Lão gọi Tồn Tại là Đạo và coi như nó đã được nhận thức một khi hiểu được cái nguyên lý duy nhất là nguyên lý tự nhiên trên nền tảng quan niệm âm dương. Phật giáo, “tiến bộ” hơn, đã “biết” phân nhận thức ra làm hai là nhận thức “trần tục” đầy mê lầm và nhận thức chân xác có được từ thiền ngộ trực giác, nhưng nếu xét rõ ra thì không mê lầm cũng hoang tưởng. (Xin nhớ rằng thiền chưa bao giờ là con đẻ của Phật giáo mà là của thuật dưỡng sinh có nguồn gốc từ Đạo gia! Linh cảm mách bảo chúng ta điều này vì cố tật hám danh không chỉ chúng ta mới có!). Phương Đông khơi nguồn được đến đó, còn phương Tây là “câu chuyện trong hang” của Platon. Tất cả đại khái là thế!.
Quá khứ chỉ có thế, nhưng thế cũng là đủ cho Kant, dù gián tiếp đi nữa, kế thừa. Một uyên bác kế thừa sẽ dẫn đến sáng tạo và ba cái đó hun đúc nên một kiệt xuất.
Lần đầu tiên, bản chất của nhận thức đã được Kant mổ xẻ một cách chi tiết, trình bày một cách có hệ thống, và theo ý kiến chúng ta là có tính khoa học thực sự.
Trong các tác phẩm của Kant, chúng ta thấy rất nhiều nhận định ban đầu thấm đẫm chân lý nhưng lại bị những nhận định chưa thỏa đáng hoặc thậm chí là lầm lẫn làm lu mờ đi (một cách rất đáng tiếc).
Khi bàn về nguồn gốc và khả năng của nhận thức, Kant đã làm hình thành nên một loạt khái niệm mới theo những thuật ngữ mà ông đặt ra.
Theo Kant, những năng lực nhận thức và các công cụ thể hiện năng lực ấy ở con người là cái đã có sẵn mang tính tiên thiên, và không bao giờ thay đổi. Ở đây, chúng ta thấy hiện diện thuật ngữ “tiên thiên” (hay có người còn gọi là “tiên nghiệm”). Theo Kant thì tiên thiên là cái có trước kinh nghiệm, nhờ vào đó mới có thể “xây dựng” nên kinh nghiệm và thể hiện như nhau ở mọi người, ở mọi trình độ học thức. Thuật ngữ này thực hiện những chức năng rất khác nhau trong triết học Kant. Ông viết: “Nghĩa tiên thiên vốn có ở mọi điều kiện trước kinh nghiệm (tức các chức năng nhìn nhận và lý trí không bắt nguồn từ kinh nghiệm mà qui định nó), cũng như vốn có ở các ý niệm theo nghĩa chân thực của chúng, như các nguyên tắc và định đề của lý tính”.
Kant cũng thừa nhận rằng điểm xuất phát duy nhất của các tri thức của con người là kinh nghiệm, là cảm giác. Kant cũng đã đúng khi ông phân biệt tri thức ra làm hai loại là “tri thức thường nghiệm” và “tri thức thực nghiệm” hay còn gọi là “tri thức bình dân” và “tri thức khoa học”. Tri thức bình dân, cũng theo Kant, là tri thức có được nhờ kinh nghiệm sống, nó có tính vụn vặt, bất tất và hạn hẹp; còn tri thức khoa học mới là tri thức đích thực, nó minh bạch, chắc chắn, mang tính phổ quát và tất yếu. Tuy nhiên theo thiển ý của chúng ta, Kant đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng, có tính chất cơ bản khi cho rằng tri thức khoa học chỉ dựa trên cái gọi là “những điều kiện tất yếu của kinh nghiệm” chứ không dựa trên kinh nghiệm, nghĩa là không phải từ kinh nghiệm mà có được và như vậy triết học này mang tính tiên thiên. Ông viết: “Như vậy, nếu một mệnh đề (tức một phán đoán) hàm nghĩa một tính chất tất yếu, thì chắc đó là một phán đoán tiên thiên. Thứ đến, không bao giờ kinh nghiệm có thể ban cho các phán đoán một tính chất phổ quát thực sự, mà chỉ là thứ phổ quát giả tỉ và tương đối như kiểu: qua những lần quan sát, chúng tôi không thấy một trường hợp ngoại trừ nào đối với định luật này”.
Thoạt nhìn, một cách trực giác, người ta rất dễ đồng thuận với Kant. Rõ ràng “ngôn ngữ” của khoa học mà điển hình là của toán học không thể nào có được từ cuộc sống đời thường; không thể quan sát thấy ở bất cứ đâu trong thiên nhiên những đường thẳng tuyệt đối (không có "bề dày"), những hình đều tuyệt đối cùng với những tính chất, những tương quan chặt chẽ giữa chúng với hình học Ơclít; một chất điểm (không có kích thước) chuyển động trong vật lý không thể là kết quả rút ra được từ kinh nghiệm “thường nghiệm”. Nói chung, “rất dễ” thấy rằng tri thức khoa học có được là nhờ vào năng lực trí tuệ “siêu nghiệm”, hoạt động trên cơ sở của “trực giác thuần túy”, do đó mà nó cũng có tính tiên nghiệm, vượt trên kinh nghiệm. Kant dùng thuật ngữ “siêu nghiệm” để hàm nghĩa là khả năng thuần túy như: “cảm giác siêu nghiệm”, “lý luận học siêu nghiệm”…; có ý rằng: đó là khả năng nhận biết được trước khi có cảm giác thực sự (?!). Về vấn đề làm sao có thể có “trực giác thuần túy”, Kant trả lời: “Nếu trực giác của ta là biểu tượng của những vật tự thân, thì ta có thể có trực giác thường nghiệm thôi, không thể có trực giác tiên thiên. Sự thực thế nào? Sự thực là chúng ta chỉ biết vạn vật theo phương diện chúng ảnh hưởng đến cảm giác của ta chứ ta không biết gì về bản tính tự thân của chúng”. Trực giác tiên thiên thì cũng có nghĩa như trực giác thuần túy. Khi bàn về toán học, Kant viết: “Cũng như toán học phải hình dung các quan niệm của nó bằng trực giác, thì toán học thuần túy cũng hình dung các quan niệm của nó bằng trực giác thuần túy, nghĩa là bằng cách kiến tạo nên chúng”. Những trích dẫn này lại làm xuất hiện một thuật ngữ mới nữa, đó là “vật tự thân” (hay cũng gọi là “vật tự nó”). Theo quan niệm của Kant, ở bên ngoài chúng ta có tồn tại những sự vật mà tự chúng thì ta hoàn toàn không hề biết một tý gì, nhưng chúng ta có thể cảm nhận được chúng dựa theo những ấn tượng mà chúng đã tạo nên trong ta khi tác động vào giác quan. Những sự vật ấy được Kant gọi là “vật tự thân”. Khi những vật tự thân tác động lên chúng ta, sẽ tạo nên trong ta những trạng thái, những ấn tượng và chính những trạng thái, những ấn tượng ấy là tiền đề, là điểm xuất phát cho mọi tri thức của chúng ta. (Quan niệm vật tự thân của Kant cũng gần với quan niệm của chúng ta về những tồn tại chưa hiện hữu; có thể hình dung rằng “vật tự nó” vĩ đại nhất, bao gồm toàn bộ “vật tự nó” chính là Tự Nhiên Tồn Tại!).
Thoạt nhìn dễ thấy thế, mà nếu nhìn kỹ cũng dễ thấy như Kant thấy vì tri thức khoa học đã ở rất xa cội nguồn sinh ra nó, đã là một nhà quí tộc có dòng dõi trâm anh thế phiệt trước đám “hạ tiện” là tri thức bình dân. Thậm chí còn được tôn xưng là Hoàng đế, Nữ hoàng!
(Còn tiếp)
--------------------------------------------------



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH