Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2020

TT & HĐ II - 18/c

                                            Bí ẩn Sibyline: Cuốn sách tiên tri thời cổ đại 


PHẦN II:     Nền tảng


" Triết học bắt đầu từ sự ngạc nhiên"
Arixtốt

“Chúng ta có thể mường tượng thế giới của thực tại như là một dòng nước ngầm; thế giới hiện tượng thì ở bề mặt; bên dưới nó chúng ta không nhìn thấy được. Các sự kiện ở tận đáy của dòng nước gây ra bọt và những xoáy nước ở bề mặt. Đó là những chuyển động bức xạ và năng lượng của cuộc sống chung của chúng ta, nó tác động tới các giác quan và do đó, kích thích trí óc chúng ta; ở bên dưới, dòng nước ngầm vẫn chảy”
(Sir James Jeans.)
 
“Triết học chân chính chỉ là triết học truyền đạt chính xác nhất tiếng nói của bản thân thế giới và được viết dưới những sự chỉ dẫn của thế giới” 
(Ph.Bêcơn)

“Tất cả mọi khoa học cần thiết hơn triết học, nhưng không một khoa học nào tốt hơn nó” 
(Arixtốt)

CHƯƠNG VII: TIÊN NGHIỆM


Tình yêu không phải ở đôi má hồng của người thiếu nữ mà ở trong mắt của kẻ si tình.
Immanuel Kant

"Nếu bạn muốn thành công, phải lấy lòng kiên trì làm bạn tốt, lấy kinh nghiệm làm tham mưu, lấy cẩn thận làm anh em, lấy hy vọng làm lính gác" 

 Thomas Edison
“Chúng ta có thể hoặc dùng lý lẽ để hạ gục ý kiến của người khác hoặc cứ để họ phát biểu những gì họ muốn. Chúng ta không thể xóa bỏ ý kiến bằng vũ lực, làm như vậy sẽ cản trở sự phát triển tự do và trí tuệ.”
Che Guevara

“Một người nếu bắt đầu từ khẳng định, anh ta tất sẽ kết thúc trong nghi vấn, nhưng nếu anh ta bắt đầu từ nghi vấn, anh ta đương nhiên kết thúc bằng khẳng định”
Fracis Bacon

“Văn hóa chính là hiểu những lời hay nhất và những tư tưởng tốt đẹp nhất mà mọi người trên thế giới đã từng nói và từng suy nghĩ”
Arnold

"Người kinh nghiệm phong phú đọc sách dùng hai mắt, một con mắt nhìn lời trên tờ giấy, một con mắt nhìn mặt sau tờ giấy"
Goethe

"Chìa khóa mở mọi cánh cửa khoa học đều là dấu chấm hỏi; phần lớn những phát hiện vĩ đại của chúng ta đều vậy, mà trí tuệ của cuộc sống thường quyết định ở chỗ khi gặp việc gì thì hỏi câu hỏi tại sao"
Balzac

"Học vấn không có quê hương, nhưng người có học phải có tổ quốc"
L.Pasteur

“Bản tính của ta chỉ có thể có những trực giác khả giác thôi, nghĩa là theo cách ta bị sự vật tác động vào, còn khả năng suy tưởng những đối tượng của trực giác thì lại là công việc của trí năng. Trong hai đặc tính này của tâm trí ta, không cái nào được coi là trọng hơn cái kia. Không có cảm năng, thì không có một đối tượng nào sẽ được ban cho ta, và không có trí năng thì không một đối tượng nào sẽ được ta suy tưởng. Thiếu nội dung, các ý tưởng sẽ rỗng tuếch và thiếu quan niệm thì các trực giác sẽ mù tịt”.
I. Kant

“Bạn ơi, lý thuyết thì xám xịt, còn cây đời mãi mãi xanh tươi.” Wolfgang Goethe

 
 
 
 
 
(tiếp theo) 
 

***
Tác động - phản ứng (nói phản ánh cũng được thôi!), hay gọi một cách “cơ học hóa” là tác động tương hỗ, là một trong những thuộc tính cơ bản nhất của Tự Nhiên Tồn Tại. Thuộc tính đó sinh ra từ đâu? Nó bắt nguồn từ nguyên lý nhân - quả và cả từ bản chất vận động của Tự Nhiên Tồn Tại, thông qua cái giác vốn dĩ. “Công lao” vĩ đại nhất của nó là tạo dựng nên… tất cả. Nhờ có nó mà có sự phân định rõ ràng ra khách thể và chủ thể, mà có thực thể quan sát và thực thể bị quan sát. Con người phải chịu ơn nó “đời đời” vì nó đã làm cho con người quan sát được và có khả năng nhận thức được, đồng thời ban tặng cho con người “Thế giới khách quan” (một bộ phận to lớn của Tự Nhiên Tồn Tại) để mà quan sát, để mà nhận thức; để rồi dần dần “thấy” chính chân tướng của nó cũng như cảm giác được toàn bộ Tự Nhiên Tồn Tại!…
Sự phản ứng là căn nguyên của “giác”, làm cho sinh vật nói chung “cảm giác” được và ở động vật bậc cao là “trực giác” được. Trực giác là giác đã xuất hiện ý thức, đồng thời ý thức làm cho các cảm giác phân hóa thành đa dạng. Trực giác là tiền đề làm ra gián giác, gián giác là cảm giác nhờ tư duy trừu tượng trên cơ sở trực giác. Giữa chúng có mối liên hệ nhân quả đối với nhau, chuyển hóa nhau, lập thành một “hệ thống” gọi là cảm giác. Giác quan thứ sáu là trường hợp thăng hoa của gián giác, là kết quả của vận động thần kinh ở tầng vô thức, tiềm thức phản ánh lên tầng hữu thức.
Có thể cho rằng ở loài vật chỉ có trực giác còn ở loài người thì có cả trực giác và gián giác không? Thực là khó trả lời! Có lẽ không nên đồng nghĩa gián giác với cảm giác theo kinh nghiệm mà phải phân biệt thế này: kinh giác (cảm giác theo kinh nghiệm) là bộ phận của gián giác và là thể ở bậc thấp trong “hệ thống” các gián giác. Như vậy loài vật chỉ có trực giác và kinh giác thì mờ nhạt, còn con người thì “có đủ” các loại cảm giác? Tạm chấp nhận vậy thôi chứ không hẳn thế!
Nếu nói trực giác ở loài vật (nghĩa là không lẫn với “tạp niệm”?) là hình thức khởi đầu, sơ khai của cảm giác (sau "giác"?) thì cũng có thể nói cũng có sự "thức" ở loài vật (không phải ý niệm hay ý thức như ở loài người, đã thông qua sự suy nghĩ. Vậy thì "thức" là cái gì? (Không biết!) Là mầm mống, tạm gọi là dạng nguyên thủy của sự suy nghĩ (?), có tính chất tiền đề làm nên ý niệm (để từ đó mà nảy sinh ra khái niệm?). Hơn nữa, còn có thể nói "thức" (ở loài vật) là ý niệm câm nín mù quáng và khái niệm là ý thức (ở loài vật) đã biết nói, “sáng tỏ” nhờ nhận thức(?). Khi ý thức biết nói thì thú vật thành con người !!! Câu nói đó kể cũng tạm được cho là hay. Nhưng câu nói sau đây hay hơn: mất đi khái niệm, con người thành con vật, mất đi ý thức, con người không bằng con vật… đang thức. Con người khi ngủ say, ngất xỉu, hôn mê là tạm thời rời bỏ vai trò làm người; khi mộng mị, mê man, hoang tưởng là tạm thời rời bỏ thực tại, sống trong cõi phiêu bồng với những “kinh nghiệm” về cảm giác và suy tư còn tàng trữ trong tiềm thức. Lúc đó luật về tính trội tính lặn được phát huy để cõi phiêu bồng ấy trở thành như một miền cực lạc hoặc buồn thương, mất phương hướng.
Nếu nhận định trên là đúng thì mong mọi người đừng cố gắng tìm cách rời bỏ khái niệm vĩnh viễn, dù rằng là vượt lên trên nó, “siêu thoát” khỏi nó, vì như thế sẽ chẳng được lợi lộc gì, chẳng có thêm một “sáng kiến” gì mà lại rất chi là nguy hiểm. Khi cơ thể rã rời, đầu óc rối bời căng thẳng thì nên… đi chơi, thư giãn, nghỉ ngơi và cố mà ngủ cho được, nhưng có lẽ thực hành “thiền” là cách hữu hiệu nhất, có tác dụng tích cực trên nhiều mặt đối với tâm, sinh, lý. Khí công dưỡng sinh (trong đó có thiền) là một cứu cánh tuyệt vời đối với sức khỏe con người. Chúng ta khẳng định vì đã trải nghiệm!
Tác động - phản ứng là vốn dĩ thế vì thực ra không biết được cái đó là cái gì. Chỉ khi có khái niệm, nhận thức (con người) mới gán cho nó nhãn mác như thế để từ đó mà qui ước ra như thế, để rồi cũng chẳng phải như thế và cũng chẳng ai hiểu gì hết nếu không giải thích, nhưng càng giải thích lại càng khó hiểu vì chưa qua… "phiên dịch", mà "phiên dịch" xong rõ ràng rồi đôi khi vẫn cứ… mù tịt! Tự Nhiên Tồn Tại ngay từ đầu đã phô bày tất cả bản chất của nó ra trước mắt con người. Con người tưởng rằng đã thấy hết nhờ khái niệm và vì thế mà cũng mù lòa. Đó phải chăng là điều kỳ dị nhất của Tự Nhiên Tồn Tại?! Hay Tự Nhiên Tồn Tại “giở trò” đó là có ý khuyên: hãy nhìn kỹ đi, hãy thấy hết đi dù là trong màn sương mù lòa, rồi nhắm mắt lại suy tưởng để mà “biết” cái đã, sau đó linh giác sẽ đến và cho thấy tất cả một cách chân xác, “thấu suốt được cái tình của muôn vật”!
Linh giác? Đúng vậy, linh giác là cảm giác đạt mức cao độ, hơn nữa là gần tột độ (Tột độ sẽ không phản phục được mà đi tiếp vào… bệnh viện tâm thần, chung thân ở đó!) là đỉnh cao của tri giác (tri giác là đỉnh cao của gián giác; nhờ học sâu, biết rộng mới có được). Cần phân biệt linh giác (hay còn gọi là linh cảm) với siêu giác (hay còn gọi là siêu cảm). Trong nhiều trường hợp, những phản ứng ở tầng nào đó sâu hơn, thuộc vùng nền tảng (của sự sống), bình thường không thể cảm giác được, được tích hợp, kích hoạt mạnh mẽ do một nguyên nhân nào đấy (Chẳng hạn như sự tăng đột ngột các bức xạ phát ra từ tâm chấn động gây nên sóng thần) đến mức có thể trực giác được và đó là siêu giác. Về mặt nào đó, loài động vật hơn hẳn chúng ta về loại cảm giác này. Con chó có mũi thính hơn mũi con người gấp hàng triệu lần và đối với nó chỉ là chuyện bình thường nhưng đối với chúng ta, đó lại là một dạng siêu giác. Cũng phải thôi, được cái này phải mất cái kia, con người được trí thông minh (trên cả tuyệt vời rồi!) mà còn đòi có mũi nhậy như chó, hùng cường như hổ báo nữa..., có mà… loạn à?! Không, không! Vì đã loạn rồi nên phải nói: "có mà...điên loạn à!", mới đúng!
Thiền dưỡng sinh là con đường đi tìm lại siêu giác và nếu có căn duyên thì sẽ tìm thấy được phần nào đó. Không những thế, hơn con vật nữa, bằng thiền dưỡng sinh, con người còn có thể điều chỉnh được quá trình tác động - phản ứng ở một tầng sâu nào đó của cơ thể bằng lý trí.
Có thể giải thích tác dụng chữa bệnh của khí công, những công phá thượng thừa của võ công trên cơ sở của quan niệm vừa nêu không?
Ở con người bình thường, tuy hiếm hơn nhưng vẫn xuất hiện siêu giác. Thần giao cách cảm là một biểu hiện sự siêu giác. Ngoài ra, trạng thái lên đồng, nhìn thấy người cõi âm, nói chuyện với “vong”, tìm mộ từ xa… đều là những biểu hiện của siêu giác…(Rồi đây sẽ phải có một môn học thực sự có tính khoa học bàn về sự tồn tại của cái gọi là "linh hồn"!). Theo quan niệm của triết học duy tồn thì chúng ta cho rằng hiện tượng "ngoại cảm" và sự tồn tại của linh hồn là hoàn toàn có thật, không thể chối cãi được! Nhưng phải hiểu chúng theo nghĩa...tồn tại, nghĩa là linh hồn chỉ tồn tại thực sự với những linh hồn "sống" thực sự, những linh hồn biết..."ngoại cảm"!!!
Một khi siêu giác kết hợp được với linh giác, chúng sẽ cộng hưởng tạo nên một trạng thái cảm giác cao nhất của mọi loại cảm giác, đó là linh tri (hay còn gọi là tiên tri)???
Lần theo dấu “tiến hóa” của khái niệm, chúng ta cũng đến cái đích là linh tri. Khi ý thức “biết nói” thì nó trở thành khái niệm. Có thể phân định khái niệm thành hai loại tương đối là khái niệm được “thốt ra” từ trực giác và khái niệm được “lôi ra” từ gián giác. Loại khái niệm thứ nhất là “tên gọi”, là “nhãn mác” có được trực tiếp từ trực giác và chỉ thế, không giải thích nên chưa có nội hàm, không so sánh nên cũng chẳng có ngoại diên. Không suy diễn nên nó có tính đơn nhất rời rạc, không tính đếm nên nó có tính toàn thể, và… hết. Loại khái niệm đó được tạm gọi là khái niệm trực tiếp.
Xưa thật là xưa, vào thời mà con người chưa ra con người; còn nửa người nửa ngợm (nửa người nhiều hơn nửa ngợm!?), có lẽ cái đám người ngợm ấy chỉ “biết” nhìn sự vật một cách thuần túy trực giác. Họ “thông tin” cho nhau chỉ bằng hò hét và chỉ trỏ để hàm ý: đây, kia (ở đây, ở kia), này, đó (cái này, cái đó)… Sự hò hét, chỉ trỏ đó diễn ra, lặp đi lặp lại qua bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu thời gian không biết nữa. Chỉ biết rằng có những lúc hò đến độ gào thét, chỉ trỏ đến oải tay, lắc gật đến sái cổ, dậm chân đến độ thốn đầu gối, vặn vẹo thân mình đến nhừ xương mà kẻ nghe vẫn cứ ngơ ngơ ngác ngác, lầm lạc lung tung đến độ như… bị điếc. Có như thế là vì mắt của “đám người ấy” ngày một sáng tỏ, nhìn thấy ngày một nhiều, không chỉ thấy “đây, kia, này đó” mà còn “nhiều đây, nhiều kia, nhiều này, nhiều đó”. Trong khi thông tin vẫn chỉ có hò la, chỉ trỏ: “đây, kia, này, đó” thôi thì kẻ nghe làm sao mà biết được đây nào, kia nào, này nào, đó nào? Kẻ báo tin gào thét, múa may quay cuồng để cố “giải thích” đã đành, kẻ nhận tin cũng gào thét, múa may quay cuồng vì tức tối. Tình cảnh tức tối bức bách ấy đã làm cho bộ não “mủi lòng”, dần tỉnh ngộ, làm cho con người bật ra tiếng nói, biến cái nửa ngợm kia thành nửa người nốt. Từ đó cái đám “trẻ người non dạ” ấy thích thì cứ hò la gào thét nhưng không cần phải hò la gào thét một cách “ú ớ” để giải thích nữa vì đã có… khái niệm: này là (cái) cây, (con) lợn… đó là cây, lợn…, lợn này, lợn đó, cây này, cây đó… Và cũng từ đó con người báo tin cho nhau mạch lạc hơn, phong phú hơn rồi đến độ nói chuyện được với nhau.
Có thể đoán rằng hò hét thét gào trong kiếm ăn sinh tồn ở thời kỳ đó là những khúc ca bi tráng đầu tiên của con người về cuộc mưu sinh và sự múa may quay cuồng kèm theo đồng thời với sự hò hét gào thét đó là những vũ điệu nhiệt cuồng đầu tiên của nhân loại. Ít ra thì cũng là sự thể hiện đầu tiên của ngôn ngữ!
Khái niệm trực tiếp có tính tiền đề vì không thể định nghĩa. Đồng thời khái niệm trực tiếp cũng mang tính lịch sử vì theo sự phát triển của nhận thức, một khái niệm trực tiếp nào đó sẽ mất tích tiên đề đi, nhường chỗ cho những khái niệm “tinh vi” hơn đóng vai trò tiên đề mà dựa vào chúng, khái niệm ban đầu (đã mất tính tiên đề và như vậy sự “xuất thân” từ trực giác của nó cũng lu mờ đi) sẽ được định nghĩa. Thí dụ, khái niệm “cây”, lúc mới xuất hiện, là khái niệm trực tiếp. Nó không có định nghĩa. “Cây” là “cây”, thế thôi chứ không phải là bất cứ cái gì khác và do đó cũng không biết là cái gì. Khi có kẻ “hỏi” “cây là gì?” thì người ta chỉ có một cách “giải thích” duy nhất là dẫn kẻ đó đến cái cây và chỉ vào nó: “là đó đó!”; nghĩa là bằng cách trực quan.
Tính đa dạng của sự vật hiện tượng trong thiên nhiên buộc con người phải nhận thức ngày càng sâu rộng, rõ ràng hơn nữa, cụ thể hơn nữa. Đến một lúc nào đó, không thể “định nghĩa” bằng cách chỉ vào cái cây, bằng cách vạch vẽ trên đất đá (buổi tối ở giữa sa mạc chẳng hạn!) được nữa, mà câu trả lời “cây là cây” rõ ràng là mù tịt và dễ bị “nện cho một trận”, làm xuất hiện những khái niệm mới làm tiên đề, và cái cây sẽ được định nghĩa bằng ngôn ngữ trên cơ sở các khái niệm ấy. Lúc này, trước câu hỏi “cây là gì?”, câu trả lời sẽ đại loại là: “cây là một thân gỗ mọc từ đất, có cành, nhánh, lá và lâu lâu có cả hoa quả trên cành nhánh”. Khi đã được định nghĩa thì khái niệm cây đã không còn mang tính tiên đề nữa, giai đoạn ấy đã vĩnh viễn trở thành lịch sử (khi định nghĩa rừng là khu vực có nhiều cây thì dù khái niệm cây có mất tính tiền đề, nó vẫn còn tính cơ sở, tương tự như nếu khu rừng là một thực thể thì cây là đơn vị làm nên thực thể ấy!). Tất cả những khái niệm còn lại như: cành, nhánh gỗ, lá, hoa, quả, đến lượt chúng, đóng vai những khái niệm tiên đề.
Khái niệm tiên đề là khái niệm chưa qua nhận thức lý luận, chưa được hiểu một cách...có logic.
Những khái niệm nào (kể cả khái niệm trực giác) có được thông qua định nghĩa trên cơ sở các khái niệm tiên đề hoặc được coi là cơ sở, nghĩa là những khái niệm không cần và không thể “tận mắt chứng kiến” vẫn “thấy” được nhờ nhận thức, đều là những khái niệm gián giác(?).
Quá trình phát triển của nhận thức làm cho các khái niệm trực giác thuần túy chuyển hóa thành khái niệm gián giác (tuy vẫn giữ được cái gốc trực tiếp của nó), nhưng cũng đồng thời xuất hiện các khái niệm hình thành trên cơ sở các khái niệm gián giác khác. Trong loại khái niệm sau có một bộ phận (rất nhiều trong khoa học, triết học) gọi là khái niệm trừu tượng. Khái niệm trừu tượng là khái niệm được xây dựng nên từ phán đoán, suy lý… và cả hoang tưởng (!) nữa, thiếu hoặc hoàn toàn có tính biểu tượng không ổn định vì chưa hoặc không thể trực giác. Cuối cùng, ở nấc cao đó sẽ xuất hiện siêu niệm (cơ sở hình thành của nó và cũng là kết quả của nó, là linh giác). Xâu chuỗi các linh niệm lại sẽ làm nên linh tri, những lời tiên tri, những câu “sấm truyền”…
Thế còn “tiên đoán”? Tiên đoán là… lời đoán của “ông tiên”! Không phải! Đã là tiên thì cần gì đoán, nói một cái là trúng phóc ngay! Vậy tiên đoán chỉ có thể là siêu phán đoán và có nguồn gốc từ siêu giác.
Từ hồi nào tới giờ chúng ta đã phán đoán biết bao nhiêu rồi. Không biết có cái nào được gọi là tiên tri không nhỉ? Ồi dào ơi! Đừng có mà dở hơi dở hám ra đây! Tất cả chỉ là đoán mò từ quá trình hoang tưởng vì… dại (khờ) trên cơ sở những… hoang niệm của bộ não chứa đầy hoang giác(!).
Cũng vì đầy hoang giác như thế nên dù chúng ta đã học được rất nhiều từ “Lôgic học” truyền thống; dù “Lôgic học” vẫn là một phương tiện vô cùng hiệu quả trong rèn luyện tư duy, trong quá trình nhận thức thực tại, thì cũng vẫn cứ thấy trong đó nhiều quan niệm đã lỗi thời, cần phải điều chỉnh lại. Nhưng chúng ta không bao giờ làm công việc đó vì chúng ta bị “thiểu năng trí tuệ” (!), không có được sự sáng suốt tổng quát hóa và độ chín chắn cần thiết. Muốn giũa gọt một khối hoa cương đang đẹp đẽ hơn phải cực kỳ thận trọng, không lành nghề thì đừng có “sờ” đến nó, kẻo "lợn lành chữa thành lợn què", mắc tội với tiền nhân! Đối với “Lôgic học” cũng vậy, không đủ tài trí thì hãy để nó nguyên trạng vì nó vẫn đang có lý, vẫn đang đúng! Đúng không nào? Nếu đúng, cho xin tràng...vỗ tay!
Khốn nỗi, phi tò mò, bất thành con người và phi suy đoán bất thành khoa học!
 
(Còn tiếp)
---------------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét