Thứ Ba, 1 tháng 9, 2020

TT & HĐ II - 16/a

                                                             Nguồn gốc sự sống

PHẦN II:     Nền tảng


" Triết học bắt đầu từ sự ngạc nhiên"
Arixtốt

“Chúng ta có thể mường tượng thế giới của thực tại như là một dòng nước ngầm; thế giới hiện tượng thì ở bề mặt; bên dưới nó chúng ta không nhìn thấy được. Các sự kiện ở tận đáy của dòng nước gây ra bọt và những xoáy nước ở bề mặt. Đó là những chuyển động bức xạ và năng lượng của cuộc sống chung của chúng ta, nó tác động tới các giác quan và do đó, kích thích trí óc chúng ta; ở bên dưới, dòng nước ngầm vẫn chảy”
(Sir James Jeans.)

“Triết học chân chính chỉ là triết học truyền đạt chính xác nhất tiếng nói của bản thân thế giới và được viết dưới những sự chỉ dẫn của thế giới”
(Ph.Bêcơn)

“Tất cả mọi khoa học cần thiết hơn triết học, nhưng không một khoa học nào tốt hơn nó”
(Arixtốt)
 

CHƯƠNG V: TƯƠNG ĐỒNG

“Các qui luật thường xuyên và bất biến, tác động tới tất cả mọi vận động, tất cả mọi biến đổi của các vật thể. Chính tự nhiên đặt ra một trật tự và một sự hài hòa bất di bất dịch trong vũ trụ, và vũ trụ thì tuy luôn luôn biến đổi trong những bộ phận của nó, nhưng bao giờ cũng là như thế trong toàn bộ của nó ”.
(Lamarck)

"Loại bỏ một sai lầm cũng tốt như, và thậm chí đôi lúc còn hơn là thiết lập một chân lý hay sự thật mới." 
(C. R. Darwin)


"Ngu dốt sinh ra sự quả quyết hơn là tri thức; chính những người biết ít chứ không phải những người biết nhiều mới quả quyết khẳng định vấn đề này hay vấn đề kia sẽ không bao giờ được khoa học giải đáp.".
(C. R. Darwin)


“Chúng ta vẫn còn chìm trong bóng tối về nguồn gốc của hầu hết các nhóm sinh vật chính. Chúng xuất hiện trong hồ sơ hóa thạch giống như Athena đã chui ra từ trong đầu của Thần Zeus - bùng nổ và háo hức, trái ngược với Darwin miêu tả về sự tiến hóa là kết quả do sự tích lũy dần dần của vô số biến thể siêu nhỏ...”.
(Jeffrey Schwartz)


“Chúng ta vẫn còn biết ít về mối quan hệ qua lại của vô số cá thể trên thế giới trong suốt nhiều giai đoạn địa chất đã qua. Mặc dù còn nhiều điều mơ hồ và sẽ còn mơ hồ lâu dài nữa, nhưng tôi vẫn tán thành một cách chắc chắn là, sau khi nghiên cứu thận trọng và phán xét vô tư những việc mà tôi có thể làm được, quan điểm, mà hầu hết các nhà tự nhiên học đều tán thành cũng như tôi trước đây đã tán thành – cho rằng các loài được sáng tạo ra một cách độc lập – là sai lầm. Tôi hoàn toàn tin chắc rằng các loài không phải là bất biến; nhưng những loài thuộc về cái được gọi là các chủng giống nhau là những hậu duệ trực hệ của những loài khác đã tuyệt chủng hoàn toàn, cũng tương tự như là những biến chủng đã được công nhận của bất cứ loài nào là hậu duệ của những loài đó. Hơn nữa, tôi tin chắc rằng Chọn lọc Tự nhiên là nguyên nhân chính nhưng không phải là nguyên nhân duy nhất của sự biến đổi.”
(C. R. Darwin)
                     




Từ trước đến nay, đã có biết bao nhiêu nghiên cứu, bao nhiêu sách nói về Âm Dương, Bát Quái cũng như Kinh Dịch. Nhiều học giả thấy ở đó nhiều điều kỳ lạ, huyền bí. Ngay cả các nhà khoa học danh tiếng cũng trầm trồ thán phục nhiều sự trùng hợp của Kinh Dịch với những vấn đề toán học, vật lý học, y học…
Nhờ có NTT mà chúng ta thấy rằng có được sự trùng hợp kỳ lạ đó vì Âm Dương, Bát Quái nói riêng và Kinh Dịch nói chung xuất hiện là có nguyên nhân trực tiếp, đầu tiên từ yêu cầu nhận thức thực tại khách quan của con người. Qua một quá trình nhận thức và nhận thức lại dài lâu thế giới tương phản, vận động theo nguyên lý lưỡng phân - lưỡng hợp, mà khái niệm Âm Dương xuất hiện. Trên cơ sở quan niệm Âm - Dương  về tự nhiên phải nói là dù thô sơ nhưng chính xác ấy mà cả một Vũ Trụ quan Kinh Dịch ra đời, giải thích khá “rành mạch” những hiện tượng biến đổi, xoay vần, xu thế tất yếu của những chu trình của tự nhiên cũng như của xã hội. Nó được nghiệm chứng vì trong nội dung của nó hàm chứa những nguyên lý phổ quát nhất của Tự Nhiên Tồn Tại. Chính vì lẽ đó mà có sự trùng hợp nhất định giữa Kinh Dịch và một số vấn đề của khoa học tự nhiên. Phải chăng đã từng có sự gặp gỡ trong lịch sử nhận thức thực tại giữa lý học Đông phương và lý học Tây phương?
Bây giờ chúng ta không còn ngạc nhiên về Kinh Dịch nữa nhưng sự khâm phục của chúng ta đối với thuyết âm dương - ngũ hành của Phương Đông cổ đại thì vẫn còn đó, thậm chí là càng khâm phục hơn!


Nguyên lý tổng hợp, tích hợp mà NTT nêu ra từ sự bới móc Kinh Dịch, dù không thể chấp nhận được ở tính sơ sài, thô mộc của nó, nhưng nó phần nào nói lên được tính nhất quán của mọi quá trình vận động của tự nhiên, dù sự biểu hiện của chúng có khác biệt đến đâu chăng nữa. Dù có thể là nhiền cành nhánh, nhưng nhiều cành nhánh của một cái cây thì bao giờ cũng qui về một thân, gốc và đều lưu giữ những tính chất cốt yếu của cái cây ấy.
Không phải chỉ có sự phân định âm - dương, thống nhất lưỡng nghi, mà cả sự tích hợp để hình thành tứ tượng, bát quái… đều thấy xuất hiện khắp nơi, mà rõ ràng nhất là trong… khoa học và đời sống. Các sách nghiên cứu Kinh Dịch đã nói rất nhiều về điều này. Nếu chúng ta liệt kê ra đây, e là… chán lắm. Vì vậy ở đây, chúng ta chỉ xin phép nói về một trường hợp mà có thể là chưa sách nào nói đến. Đó là dùng quan niệm âm - dương, lưỡng nghi và sự tích hợp để giải thích ba định luật của Menđen (Gregor Mendel) trong di truyền học.
Trước khi trình bày ba định luật của Menđen, chúng ta sẽ tìm hiểu một số khái niệm liên quan. Muốn thế, không có cách nào hay hơn là làm một cuộc “lược sử” ngành sinh vật học.
Sự sống trên Trái Đất này có nguồn gốc từ đâu? Theo quan niệm của triết học duy tồn thì dứt khoát từ Tự Nhiên Tồn Tại! Đó là một câu trả lời tuyệt đối chính xác nhưng...huề trớt, và đại loại cũng như câu trả lời của chàng rể nông dân nọ: “Trời sinh ra thế!”. Câu trả lời tương đối chính xác về nguồn gốc sự sống là, từ thế giới vô sinh (chứ không lẽ từ Thượng Đế à!?), và cũng tương đối… huề trớt nốt!
Các nhà khoa học ngày nay đã khẳng định rằng Trái Đất được hình thành cách đây khoảng 4,5 tỷ năm. Sau đó, vào khoảng 4 tỷ năm, Trái Đất đã bắt đầu có nước. Sự xuất hiện của nước đã làm cho điều kiện khí hậu của Trái Đất “dịu đi”, các quá trình nhiệt động trở nên hài hòa hẳn đi, tạo ra một môi trường đủ cho sự sống hình thành.. Từ những dữ liệu khảo cổ thu thập được và những tính toán, ước lượng khoa học, người ta cho rằng sự sống đã xuất hiện vào khoảng 3,5 tỷ năm trước.
Nhưng sự sống được hình thành như thế nào và nguyên nhân trực tiếp nào đã tạc hình sự sống thì cho đến nay, suy đoán vẫn hoàn suy đoán. Đã có rất nhiều giả thuyết về nguồn gốc sự sống. Mỗi giả thuyết đó đều có lý lẽ hợp lý và không hợp lý, đều được chứng thực trên một vài mặt nào đó từ thực nghiệm và khảo sát thiên nhiên. Nhưng vấn đề vẫn còn trên bàn tròn tranh luận, chưa ngã ngũ.
Nhà sinh hóa Alexandr Oparin, người được cả thế giới công nhận là người tiên phong trong việc nguyên cứu nguồn gốc sự sống, năm 1924 đã viết cuốn “Nguồn gốc sự sống”. Trong đó, ông cho rằng sự sống được hình thành qua ba giai đoạn: sản sinh chất hữu cơ; hình thành hợp chất axít amin và polimer; sự tổng hợp protein có chức năng thay thế. Sự tổng hợp protein tạo ra những hợp chất dẫn đến hình thành sự sống nguyên thủy, đầu tiên là các sinh vật nguyên bào và đơn bào. Sau đó, những dạng sống đầu tiên ấy tiến hóa theo hai hướng: một là khả năng tự dưỡng được tăng cường còn khả năng vận động bị yếu đi, hai là khả năng vận động được tăng cường còn khả năng tự dưỡng bị thoái hóa. Hướng thứ nhất làm hình thành nên các tảo thực vật đơn bào. Chúng trở thành nguồn gốc trực tiếp của thế giới thực vật. Hướng còn lại làm hình thành nên động vật nguyên sinh đơn bào và đây là nguồn gốc trực tiếp của thế giới động vật. 
278 × 370
Alexander Oparin
Sinh 2 tháng 3 năm 1894
Uglich, Đế quốc Nga
Mất 21 tháng 4, 1980 (86 tuổi)
Moskva, Liên Xô
Ngành Sinh học
Ông cùng với J. B. S. Haldane đã độc lập đưa ra 
giả thuyết cho rằng các hợp chất hữu cơ đơn giản
 đầu tiên trên Trái Đất có thể xuất hiện nhờ sự 
tổng hợp hóa học từ các chất vô cơ nhờ nguồn
 năng lượngsấm sét, tia tử ngoại, núi lửa,...
 
Giả thuyết của Alexandr Oparin còn cho rằng nước biển là thứ không thể thiếu được và đại dương được coi là cái nôi của sự sống. Nếu không có đại dương, ông nhấn mạnh, thì các chất hữu cơ khó có thể tồn tại và liên kết lại, tạo ra những đơn thể sống có khả năng tự phân đôi.
Thuyết sự sống bắt nguồn từ đại dương được rất nhiều người ủng hộ. Tuy nhiên, năm 1960, nhà hóa học Mỹ, Stephen Fox, lại đưa ra một giả thuyết khác về nguồn gốc sự sống. Theo ông thì nhiệt độ của Trái Đất ở thời kỳ đầu rất cao, nhờ thế mới có sự kết hợp các hợp chất hóa học đơn giản thành các hợp chất phức tạp. Để chứng minh điều này, ngay từ năm 1955, Fox đã tiến hành thí nghiệm, nâng hỗn hợp axít amin lên đến 200oC. Sau 3 giờ, hỗn hợp này hình thành nên các khuẩn liên cầu proteinoic, coi như các polypeptid nguyên thủy. Năm 1960, Fox tiến hành tiếp thí nghiệm: cho protein vào một dung dịch axít rồi nấu đến tan, sau đó để nguội. Dưới kính hiển vi, ông phát hiện thấy các thể cầu nhỏ rất giống vi khuẩn. Sau một số thao tác xử lý, chúng có thể phân đôi hoặc liên kết thành một chuỗi dài.
Giả thuyết về proteinoic của Fox đã phủ định giả thuyết sự sống bắt nguồn từ đại dương, do vậy được gọi là thuyết “Khởi nguồn lục địa”.
Sau đó là sự xuất hiện hàng loạt giả thuyết về nguồn gốc sự sống. Trong đó có hai thuyết trở nên nổi tiếng nhất đó là thuyết “núi lửa học” và thuyết “tha sinh học”. Thuyết “núi lửa học” cho rằng khi hoạt động, núi lửa đã sản sinh ra một lượng lớn các chuỗi axít phosphoric, lượng chất này chảy ra biển, trở thành nguồn gốc sự sống. Còn thuyết “tha sinh học” lại khẳng định rằng sự sống ở trái đất có nguồn gốc từ Vũ Trụ. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng trong các mẫu thiên thạch có chứa toàn bộ những yếu tố căn bản cần thiết để tạo nên sự sống…
Đến đây, chúng ta “trộm” trích cuốn sách “Giải mã sự sống” (không ghi tác giả là ai; Trần Thoại Lan dịch, NXB Trẻ năm 2003):
“Trong quá trình hình thành và phát triển của sự sống thì giai đoạn phức tạp nhất, có ý nghĩa quyết định nhất chính là các biến đổi của các thể đa phân tử để trở thành các tiền sinh chất. Quá trình chuyển hóa này đến nay vẫn chưa được các nhà khoa học làm rõ. Họ chỉ giải thích đơn giản rằng: “trải qua quá trình liên tục tương tác nhau trong thời gian dài” (…)
Ngày nay những mẫu hóa thạch đầu tiên vẫn còn được tìm thấy ở Nam Phi, đó là những mẫu hóa thạch hình cầu, hình trụ và chúng được xác định là đã có hơn 3, 5 tỷ năm. Sau đó, trải qua một thời gian dài tưởng như vô tận (khoảng 3 tỷ năm), sự sống gần như là một màu trắng không. Vậy trong suốt thời gian này ai thống trị Trái Đất? Và họ làm gì? Đây là những câu hỏi mà chúng ta không tài nào trả lời nổi. Cũng có thể những cá thể sống đơn giản đến mức không còn thể nào đơn giản hơn nữa đã khuấy động suốt ba tỷ năm đó để rồi cách nay 500 - 600 triệu năm, chúng mới biến đổi thành các vi sinh vật có cấu tạo tương đối phức tạp hoặc các loài tảo nguyên thủy.
(…)
Từ sự ra đời của các đơn bào xa xưa đến các cấu tạo sự sống phức tạp hơn, sau cùng là sự ra đời của tư duy loài người, là một cuộc trường chinh mà sự sống đã trải qua suốt 3 tỷ rưỡi năm. Vậy thì đâu là động lực thúc đẩy sinh vật biến hóa từ bậc thấp lên bậc cao? Nhiều thế kỷ qua, bao người đã khổ công để mong tìm cho ra câu giải đáp thích đáng, thế nhưng họ cũng đành bó tay. Mãi đến thế kỷ 19, một người Pháp tên là Georger Cuvier đã đưa ra luận điểm, đó là “Luận thiên tai biến”. Luận điểm này được mọi người miễn cưỡng chấp nhận. Theo đó, trên bề mặt Trái Đất đã từng xảy ra nhiều biến đổi lớn do phải trải qua nhiều thiên tai, và những thay đổi lớn lao này xảy ra trong tích tắc. Vì vậy mà đa số các sinh vật vốn đang sinh sống trên Trái Đất đều bị diệt vong do không kịp thích nghi, rồi sau đó những xác này thành các mẫu hóa thạch, và trong số các sinh vật còn sống sót hiếm hoi ấy có một số phát triển thành một nhóm sinh vật mới (…)
Trong nghiên cứu về lĩnh vực tiến hóa sinh vật thì phải kể đến Lamarck, một người thuộc trường phái đối nghịch hoàn toàn với ông Cuvier, và ông Lamarck được coi là người tiên phong vĩ đại về các thuyết tiến hóa. Ông phản đối “Luận thiên tai biến” mà chú trọng học thuyết “Sinh vật là tiến hóa”. Theo ông, lịch sử của sự sống từ xưa đến nay chưa hề một lần bị gián đoạn; ngược lại, dưới tác động của môi trường, các bộ phận; cơ quan được dùng đến thường xuyên trên cơ thể sinh vật càng ngày càng phát triển, còn những phần ít hoạt động thì dần dần bị thoái hóa rồi mất hẳn. Và đây chính là học thuyết mà Lamarck đã đeo đuổi và quảng bá đến cuối đời.
 
Jean-Baptiste Lamarck

Portrait of Jean-Baptiste Lamarck
Sinh 1 tháng 8, 1744
Bazentin, Picardy, Pháp
Mất 18 tháng 12, 1829 (85 tuổi)
Paris, France
Trong khi các cuộc tranh luận gay gắt diễn ra không ngơi nghỉ giữa các phái khác nhau về cơ chế diễn tiến của sự sống thì một nhân vật xuất chúng xuất hiện. Và chính nhân vật vĩ đại này đã kết thúc mọi tranh luận gay gắt trước đó bằng một học thuyết hết sức thuyết phục. Đó chính là Darwin, người Anh, sống ở thế kỷ XIX. Năm 1859, Darwin cho xuất bản cuốn “Nguồn gốc các loài” và liền sau đó quan niệm về cơ chế tiến hóa của các sinh vật đã được các giới công nhận. Vì vậy, thuyết tiến hóa sinh vật của Darwin được đánh giá là một trong ba phát hiện lớn của khoa học tự nhiên ở thế kỷ XIX.
Charles Darwin sinh ngày 12 tháng 2 năm 1809 tại Anh. Lúc bé ông chưa bộc lộ một năng khiếu nào cả, chỉ khi đến tuổi trưởng thành, do tính hiếu động và cũng do thích tìm hiểu những bí ẩn của giới tự nhiên nên ông may mắn phát hiện ra cơ chế của sự sống. Tháng 8 năm 1828, Darwin lên tàu khảo sát hải dương của hải quân Anh mang tên “Beagle” để đi vòng quanh thế giới, mục đích là thăm dò các tuyến đường mậu dịch; và chính sự kiện này đã thay đổi hoàn toàn chí hướng của ông.
 
Charles Robert Darwin

Ở tuổi 51, Charles Darwin xuất bản cuốn
Về nguồn gốc các loài.
Sinh 12 tháng 2, 1809
Mount House, Shrewsbury, Shropshire, Anh
Mất 19 tháng 4, 1882 (73 tuổi)
Down House, Kent, Anh
(…) Sau chuyến khảo sát vòng quanh Trái Đất ấy, ông đã đi đến một kết luận quan trọng: bất cứ loài nào, chỉ cần có một điều kiện bất kỳ hơn hẳn những loài khác thì loài đó sẽ có cơ hội tồn tại và tiếp tục sinh sôi nảy nở. Đây chính là luận điểm nổi tiếng: “Sự chọn lọc của tự nhiên”, và trong đó cái tinh túy của luận thuyết này chính là “Loài thích nghi thì sống”. Hơn 20 năm sau, trong quyển “Nguồn gốc các loài”, Darwin lại một lần nữa đưa ra một luận điểm khiến mọi người kinh ngạc: sự sống của mọi loài đều có cùng tổ tiên, bởi lẽ sự sống đều khởi nguồn từ các tế bào nguyên sinh, các sinh vật phát triển từ đơn giản đến phức tạp, từ bậc thấp lên bậc cao; các sinh vật luôn ở trong tình trạng đấu tranh sinh tồn trong suốt quá trình tiến hóa. (…)
(…)
Về sau, thuyết tiến hóa của ông không ngừng phát triển. Đầu thập niên 1940, hai nhà sinh học, Hordan, người Anh và Dobzhansky đã cùng nhau sáng lập “Thuyết tiến hóa hiện đại”.
Theo quan điểm của thuyết này thì hai ông đã bác bỏ ý kiến của Darwin cho rằng đơn vị căn bản trong quá trình tiến hóa của sinh vật là cá thể, hai ông cho rằng phải coi quần thể là đơn vị căn bản mới đúng. Bởi lẽ đột biến là tình trạng thích nghi của các loài, đột biến vừa là nguyên nhân động lực của tiến hóa, vừa là kết quả của tiến hóa. Và qui luật chọn lọc tự nhiên không phải thông qua một số cá thể ưu việt nào mà ngược lại, qui luật này căn cứ vào những cá thể đã hoàn toàn mất khả năng thích nghi với tự nhiên. Quả thật, thuyết tiến hóa hiện đại này đã giải thích được điều mà Darwin trước đây phải bó tay”.
 Còn theo Wikipedia thì:
"Vào thế kỉ thứ 4 trước Công nguyên, Aristotle đã trình bày dựa trên những điều mà con người thời đó biết được, ít nhất là ở châu Âu, rằng những vật thể sống phát sinh từ những vật thể không sống. Ví dụ như bọ chét và chuột phát sinh từ những đống rác cũ hay bột mì, những con giòi và ruồi trong thịt thối, rệp trong sương. Cuộc sống, nói ngắn gọn hơn, là bắt nguồn từ sự phát triển tự nhiên. Những nhà khoa học đầu thế kỉ 18 đã lật đổ những học thuyết của Aristotle, nhưng phải đến những thí nghiệm của Louis Pasteur vào năm 1862 người ta mới chắc chắn rằng một nơi đã được vô trùng thì sẽ vĩnh viễn không có bất cứ sinh vật nào phát sinh trong nó được nữa. Ngoài ra ông cũng cho rằng sự sống chỉ có thể phát sinh từ những cơ thể sống phức tạp khác. Những công trình của Pasteur có thể được tóm tắt trong một định luật mà ngày nay chính là nền tảng của thuyết tiến hóa hiện đại: Định luật phát sinh sinh vật (còn gọi là Định luật Tạo sinh): "Mọi cuộc sống đều bắt đầu từ trứng" (nguyên bản tiếng Latinh omne vivum ex ovo). Nghĩa là Muốn cho Darwin đúng thì Định luật Tạo sinh – một trong những định luật nền tảng và vững chắc nhất của sinh học – phải sai. 
Ngành khoa học sinh vật hiện đại đang phải đương đầu với một câu hỏi cao hơn: sự sống bắt nguồn "đầu tiên" ở đâu? Pasteur đã chứng minh rằng những sinh vật bậc cao không thể phát sinh một cách tự nhiên. Lý thuyết về tiến hóa của Charles Darwin đã đưa ra một cơ chế để giải thích điều này: sinh vật phải mất hàng ngàn năm để tiến hóa từ những dạng cơ bản, nhưng nó sẽ không mang những đặc điểm như lúc trước nữa, nhưng những sinh vật cơ bản ấy sẽ từ đâu ra? Darwin rất quan tâm đến vấn đề này. Trong một lá thư gửi cho Joseph Dalton Hooker ngày 1 tháng 2 năm 1871, Darwin đã cho rằng sự sống bắt nguồn từ "một cái hồ nước ấm áp có chứa đầy các loại muối ammonia và phosphate, ánh sáng, nhiệt độ, điện,... để các hợp chất protein có thể hình thành và trải qua những biến đổi phức tạp". Tiếp theo đó, Darwin tìm cách lí giải luận điểm của mình: "vào bấy giờ, những điều kiện như thế nếu tồn tại sẽ bị biến mất ngay lập tức, ngoại trừ trước khi tất cả các sinh vật sống được sinh ra". Nói một cách khác, sự khai sinh các dạng sống phức tạp có thể một phần nào ngăn cản sự tạo thành những hợp chất hữu cơ cơ bản trên Trái Đất, một điều kiện khiến cho việc đi tìm câu trả lời cho câu hỏi trên nằm trong phòng thí nghiệm.
Nhưng có lẽ, sơ hở cơ bản nhất và rõ ràng nhất của giả thuyết tiến hóa là điều mà Darwin đã từng thốt lên lo ngại: Số lượng các hình thái trung gian, đã từng tồn tại trên trái đất, phải là rất lớn. Vậy mà tại sao các nối kết trung gian này lại không thể được tìm thấy trong các lớp địa tầng? Đây có lẽ là sự phản đối rõ ràng và mạnh mẽ nhất có thể được nêu lên để chống lại giả thuyết của tôi.”.
Dù thế, chúng ta vẫn tin vào sự đúng đắn của giả thuyết tiến hóa. Có thể sự tồn tại những sơ hở đó là do đã bỏ qua nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành nguồn gốc các loài như thay đổi cực từ, phóng xạ...
Trong tác phẩm "Nguồn gốc loài người" củaG. N. Machusin có viết: "Như vậy, quê hương đầu tiên của con người được đặc trưng bởi kiến tạo tích cực, những đứt gãy (rift) vĩ đại của vỏ Trái Đất, hoạt động vũ bão của núi lửa, các thân quặng urani phong phú và có thể có những lò phản ứng urani tự nhiên. Các chuyên gia đã không tính đến những đặc điểm ấy và hơn nữa vai trò của chúng trong nguồn gốc loài người có thể là to lớn, bởi vì trong một phức hợp chúng tạo ra (trong khi những biến đổi về cấu tạo sinh học của tổ tiên con người đã bắt đầu xảy ra) sự tăng cao bức xạ, mà như các qui luật của di truyền học chứng minh là có ảnh hưởng một cách khá căn bản đến tính di truyền. Để hiểu được điều đó cần phải quay lại với di truyền học - chuyên nghiên cứu các qui luật di truyền và cơ chế của nó".
Cuối cùng, có thể là khi đã thành dạng người, sự tiến hóa về cấu trúc hình thể đã tương đối ổn định, nhường chỗ cho tiến hóa hệ thần kinh, cho tư duy trừu tượng không mang tính nổi trội, bộc lộ ra bên ngoài, nên khó mà phân biệt được các dạng tiến hóa trung gian.

(Còn tiếp)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét