CÂU CHUYỆN TÌNH BÁO 338
(ĐC sưu tầm trên NET)
Dự án tuyệt mật giúp CIA vớt tàu ngầm Liên Xô năm 1974
Tỷ phú Howard Hughes cho tàu khai thác kim loại hiếm dưới đáy biển, nhưng đây chỉ là vỏ bọc của CIA cho kế hoạch trục vớt tàu ngầm Liên Xô.
Mục tiêu của Howard Hughes, ông trùm công nghiệp kiêm nhà sáng chế máy bay nổi tiếng của Mỹ, được cho là tìm kiếm và khai thác các "nốt mangan" nằm sâu dưới đáy đại dương.
Các "nốt mangan" này được hình thành từ những lớp đồng tâm chứa sắt và mangan hidroxit tập trung quanh lõi, được giới khoa học nghiên cứu và tranh luận về giá trị của chúng kể từ những năm 1960.
Chuyên gia đầu tiên chỉ ra tiềm năng kinh tế của các nốt mangan là John Mero, người mạnh dạn tuyên bố rằng chỉ cần khai thác 10% số nốt này dưới đại dương là đủ cung cấp kim loại cho một thế giới gồm 20 tỷ người trong vòng hàng nghìn năm. Sau khi nghe được điều này, Hughes đã cho chế tạo một con tàu khổng lồ, có tên USNS Hughes Glomar Explorer, và đưa nó ra giữa Thái Bình Dương để tiến hành khai thác nốt mangan dưới đáy biển.
Glomar Explorer được trang bị công nghệ lặn và khai thác tiên tiến, bao gồm một tháp khoan và những thiết bị khoan hiện đại nhất khi đó. Theo kế hoạch, con tàu sẽ lặn xuống gần 5 km dưới bề mặt đại dương để tìm kiếm khoáng sản quý.
Tuy nhiên, dự án không đơn giản như bề ngoài của nó. Ngay cả khi ý tưởng khai thác kết hạch mangan dường như táo bạo, đây không thực sự là lý do Glomar Explorer được đưa ra Thái Bình Dương. Mục đích thực sự của Glomar Explorer là tiến hành một dự án tuyệt mật cho Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), nhằm trục vớt K-129, tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân của Liên Xô bị mất tích.
Tháng 2/1968, khi đang trong chuyến tuần tra kéo dài 70 ngày tại Thái Bình Dương, K-129, tàu ngầm chạy bằng động cơ điện - diesel của Liên Xô, đột ngột mất liên lạc với sở chỉ huy và mất tích vào giữa tháng 3. Hải quân Liên Xô tiến hành tìm kiếm K-129 nhưng không thành công.
Trong khi đó, hải quân Mỹ đã định vị được xác của con tàu nằm cách Hawaii khoảng 90 hải lý về phía tây nam. Washington liền lập kế hoạch trục vớt con tàu cùng các đầu đạn hạt nhân và tài liệu mật mà nó mang theo.
"Hội đồng 40" gồm các đại diện từ Nhà Trắng, Cục Tình báo và Nghiên cứu (INR) trực thuộc Bộ Ngoại giao cùng nhiều cơ quan tình báo khác, được triệu tập nhằm xem xét tính khả thi của sứ mệnh trục vớt tàu ngầm Liên Xô.
Do đây là vấn đề vô cùng nhạy cảm, Mỹ quyết định giao cho CIA lên kế hoạch trục vớt một tài sản giá trị của đối thủ, ngay lúc Chiến tranh Lạnh ở thời kỳ đỉnh điểm. Nhận chỉ thị của Hội đồng 40, CIA tiến hành Dự án Azorian, chế tạo một con tàu đặc biệt để bí mật trục vớt và đưa tàu ngầm đắm của Liên Xô lên bờ.
Trong 6 năm, CIA tiến hành dự án chiếm K-129 với sự giúp đỡ của tỷ phú Hughes. Bề ngoài, Glomar Explorer trông như một con tàu khai thác đồ sộ bình thường. Tuy nhiên, điểm đặc biệt nằm ở cấu trúc bên trong, với phần đáy được thiết kế sao cho kéo được tàu ngầm dài hơn 100 m của Liên Xô lên và đặt vừa trong thân tàu, cùng sự hỗ trợ của một thiết bị ngàm giữ đặc biệt có thể hạ sâu xuống đáy biển, kẹp vào con tàu rồi kéo lên.
Dự án Azorian đầy tham vọng tiêu tốn tổng cộng khoảng 800 triệu USD của chính phủ Mỹ vào thời điểm đó. Washington hy vọng thu được các đầu đạn hạt nhân, sổ mật mã cùng những phương tiện liên lạc của hải quân Liên Xô, từ đó giành lợi thế trong trường hợp xung đột nổ ra.
Sau một số lần trì hoãn và gặp vướng mắc về vấn đề chi phí, Glomar Explorer cuối cùng cũng bắt đầu triển khai trục vớt vào ngày 4/7/1974. Tuy nhiên, kế hoạch không mang lại kết quả lý tưởng như mong muốn.
Sau ba tuần, Glomar bắt đầu nâng tàu ngầm K-129 khỏi đáy biển, tuy nhiên trong quá trình trục vớt, 2/3 thân tàu ngầm K-129 bị gãy rời và rơi trở lại đáy biển sâu.
William McAfee, quan chức INR phụ trách giám sát hoạt động trục vớt, kể rằng giây phút tàu K-129 được nâng lên khỏi đáy biển, tất cả mọi người trên tàu Glomar đều vô cùng hào hứng. Nhưng ngay sau đó, tàu Glomar bất ngờ chao đảo dữ dội.
Các chuyên gia không thể giữ K-129 ổn định trong ngàm giữ đặc biệt. Một trong những chiếc ngàm giữ bị gãy, khiến thân tàu ngầm rơi trở lại đáy đại dương. Các kỹ sư định tiếp tục trục vớt phần còn lại của chiếc tàu ngầm, nhưng phải ngừng lại khi nhận ra phần thân đó đã vỡ thành nhiều mảnh lúc va chạm với đáy biển.
"Chúng tôi quyết định thử lại", McAfee cho biết. "Tàu trục vớt đã sẵn sàng nhưng một thành viên thủy thủ đoàn trong khi say rượu đã tiết lộ về dự án tại một quán bar ở Bờ Tây. Sự việc đến tai báo chí và chương trình bị dừng".
Sau nhiều nỗ lực, Mỹ chỉ vớt được một phần thân tàu ngầm và thi thể 6 thủy thủ Liên Xô bên trong. Do phần thân tàu được trục vớt chứa hai ngư lôi hạt nhân, giới chức quyết định tuyên bố chiến dịch đã thành công một phần.
Tang lễ của các thủy thủ thiệt mạng được tổ chức trên biển, với quan tài làm bằng kim loại đặc biệt nhằm đề phòng nguy cơ thi thể đã bị nhiễm phóng xạ. Buổi lễ được quay phim lại và một bản sao được gửi cho chính phủ Nga vào năm 1992, sau đó chiếu cho thân nhân những người đã khuất.
Mục đích thực sự của Dự án Azorian được che giấu suốt thời gian dài dưới vỏ bọc khai thác khoáng sản, đủ lâu để CIA kết luận rằng kế hoạch sẽ không thành công. Sự thật được vạch trần trong bài báo đăng trên NYTimes năm 1975, khơi mào cuộc tranh luận gay gắt về nỗ lực giữ bí mật của CIA.
Gần 50 năm sau khi dự án Azorian được triển khai, câu chuyện mới được tiết lộ đầy đủ. Khi đó, nỗ lực khai thác các nốt mangan thực sự đã được tiến hành và giờ đây ngày càng phổ biến hơn, dựa vào tiềm năng của loại tài nguyên quý giá này. Cuối cùng, "vỏ bọc" ngụy trang cho một kế hoạch gián điệp lại trở thành nền tảng cho nghiên cứu đầy sức ảnh hưởng trong tương lai, giữa lúc tài nguyên ngày càng cạn kiệt.
- Chiếc tàu ngầm Liên Xô hai lần bị chìm
- Thảm kịch biến tàu ngầm Liên Xô thành nấm mồ titan rò rỉ phóng xạ dưới biển
- Cú va chạm giữa tàu ngầm hạt nhân Liên Xô và tàu sân bay Mỹ năm 1984
Ánh Ngọc (Theo Vintage News)
KGB đã đánh cắp tài liệu bí mật về tàu con thoi của Mỹ như thế nào?
Đã 32 năm ngày Liên Xô phóng thử nghiệm thành công tàu con thoi "Energia-Buran". Thành công này trước hết là nhờ kết quả làm việc không mệt mỏi của các nhà khoa học, kiến trúc sư và công nhân Xôviết trong suốt một thời gian dài. Tuy nhiên, vai trò không nhỏ trong sự ra đời của tàu con thoi Buran còn phải kể tới sự đóng góp của Cơ quan Tình báo Xôviết...
Bước ngoặt bất ngờ khi tốt nghiệp
Vartan Kasparov tốt nghiệp xuất sắc khoa phiên dịch Trường đại học Sư phạm Moskva và được đảm bảo chắc một suất nghiên cứu sinh. Khi cuộc họp phân công công tác vừa kết thúc, một người đàn ông tiến sát tới anh, đưa ra một tấm danh thiếp và nói: "Chúng tôi cần kiến thức và sự mưu trí của anh. Hãy gọi cho tôi vào 10 giờ sáng mai". Kasparov đã được chọn vào làm việc tại KGB một cách đơn giản như vậy.
Nhân viên mới nhờ thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh (và cả tiếng mẹ đẻ Armenia) được phân công vào Cục A (chuyên về thông tin, phân tích và dự đoán). Nhiệm vụ của Kasparov là phiên dịch và tổng hợp các tài liệu thuộc loại mật và tuyệt mật để làm báo cáo trình lên giới lãnh đạo của đất nước.
Nhiều tài liệu qua tay Kasparov xét đã được các quan chức cao cấp như Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Aleksey Kosygin, Ủy viên Bộ Chính trị và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Dmitri Ustinov và cả Tổng Bí thư Leonid Breznev lưu tâm.
Sau một thời gian công tác Kasparov được chuyển sang Cục C (nơi chuyên đào tạo các điệp viên) thuộc Tổng cục I của KGB.
Ngoài những kỹ năng nghiệp vụ, Kasparov còn được yêu cầu phải cấp tốc học thành thạo tiếng Italia. Sau khi hoàn tất khóa đào tạo, Kasparov thông báo cho gia đình có chuyến công tác nước ngoài dài hạn...
Từ chiếc cặp thất lạc
Các nhân viên của tập đoàn hóa quốc gia Enigma (phía nam Paris) rất nhanh chóng quen biết và có cảm tình với ông chủ quán ăn nhanh người Italia có tên Angelo Bevilavka (không ai khác chính là Vartan Kasparov). Tại đây, khách hàng có thể hài lòng với đủ loại đồ uống nóng lạnh, thực đơn đa dạng hài lòng hầu hết mọi đối tượng, thái độ phục vụ nhiệt tình và nhanh chóng v.v...
Ngoài ra, khách hàng còn nhận thấy tay chủ quán người Italia có khả năng nói tiếng Pháp rất thành thạo này còn là một cây tiếu lâm khiến bất cứ ai cũng có thể được tận hưởng những phút cười vui sảng khoái mỗi khi bước chân vào nhà hàng. Ông này còn rất thoải mái trong việc cho thiếu nợ, tất cả đều được ăn uống thoải mái và chi trả sau khi có tiền.
Angelo thậm chí dần dần còn kết thân được với nhiều người có sở thích chung là bóng đá. Một trong số này là Marcel Dufrew, chuyên gia tại một xí nghiệp của tập đoàn, kiêm huấn luyện viên đội bóng đá của Enigma – người sau một lần nhìn Angelo xử lý trái bóng đã đồng ý ghi tên ông này vào thành phần dự bị của đội bóng ở vị trí tiền vệ, làm cho một giấy phép ra vào xí nghiệp để thường xuyên tham gia luyện tập. Do sân bóng nằm trong phạm vi của xí nghiệp, nên Angelo giờ đây có thể ra vào thoải mái mỗi khi cần.
Có lần Dufrew yêu cầu Angelo thay thế một cầu thủ bị ốm trong một trận đấu giao hữu với đội bóng của tập đoàn xe hơi Reno. Vị chủ quán ban đầu đã từ chối, lấy lý do bận bịu công việc kinh doanh. Nhưng Angelo bất ngờ đổi ý, khi biết trong đội bóng còn có kỹ sư trẻ Jan-Marie Derozi, lúc đó đang là thủ môn của đội Enigma.
Vấn đề là Kasparov từ lâu đã để mắt tới Derozi. Nếu xét theo phong cách sinh hoạt, cũng như việc luôn đặt những đồ ăn và thức uống đắt tiền, Derozi rõ ràng là một kỹ sư thuộc thành phần lãnh đạo trong Enigma.
Còn một chi tiết nữa trong hành vi của Derozi khiến Angelo phải chú ý: viên kỹ sư này không bao giờ rời tay khỏi chiếc cặp da dày cộp mình mang theo. Ngay cả khi ngồi sau bàn ăn, hay ngồi ở quầy bar với ly rượu Martel ưa thích, chiếc cặp luôn được đặt trên đùi của Derozi. Như vậy, chiếc cặp rõ ràng có chứa những tài liệu rất quan trọng.
Vào buổi chiều ngay trước trận đấu giữa hai đội bóng Enigma và Reno. Dufrew vào quán uống rượu, càu nhàu về vấn đề tiền thưởng. "Hãy xem trường hợp của viên kỹ sư-thủ môn Jan-Marie Derozi! Theo đơn đặt hàng của người Mỹ, hắn đang nghiên cứu chế tạo những chi tiết và vật liệu siêu bí mật dành cho tàu vũ trụ và kiếm được hàng triệu USD nhờ việc đó... Hắn mang những tài liệu này trong cặp và thậm chí mang theo ngay cả khi vào toilet".
Ngày hôm sau, trước khi bước ra sân bóng, Angelo đã cố tình nán lại một lúc nữa ở phòng thay đồ. Mục đích là phải xác định được chính xác ngăn tủ nào của Derozi, và liệu anh ta có mang theo mình chiếc cặp hay không. Khi ra sân, Angelo biết chắc là Derozi không mang theo chiếc cặp bên mình. Như vậy, số tài liệu quý giá trên hoặc là chỉ nằm trong tủ thay đồ, hoặc là ở văn phòng của Derozi, nơi khả năng lấy được hầu như là không thể.
Vận may đã mỉm cười với Angelo vì viên kỹ sư vẫn mang chiếc cặp bên mình. Vào phút 20 của hiệp đấu thứ nhất, Angelo trượt ngã khi tranh bóng với tiền đạo đối phương và bị chảy máu chân. Với vẻ mặt đặc biệt đau đớn, ông chủ quán khập khiễng bước tới khu khán đài dành cho huấn luyện viên và cầu thủ dự bị của hai đội.
Angelo nói với Dufrew: "Dường như hôm nay tôi không gặp may. Đưa dùm tôi chìa khóa phòng thay đồ! Đừng quên sau trận đấu ghé vào chỗ tôi... Chúng ta cùng uống vì chiến thắng, cho dù có thua trong trận này!".
Và, sau trận bóng đá trên, không ai còn trông thấy mặt ông chủ quán người Italia nữa. Chiếc cặp của Derozi cũng không cánh mà bay. Trong cặp có chứa những tấm gốm và keo dán đặc biệt sử dụng trên lớp vỏ dành cho tàu con thoi.
Ngày 15/11/1988, tàu vũ trụ con thoi Buran của Liên Xô (có kết cấu gần giống với những tàu con thoi của Mỹ) đã thành công trong chuyến bay thử nghiệm đầu tiên. Trong sự ra đời của tàu con thoi Buran, chắc chắn có sự đóng góp rất quan trọng của điệp viên Vartan Kasparov.
Bốn đặc vụ CIA “chết đuối” khi theo dõi hoạt động của Trung Quốc ở Philippines
(NLĐO) - Yahoo News cho biết 4 đặc vụ CIA (cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ) được cho là chết đuối ngoài khơi bờ biển Philippines sau khi một cơn bão nhiệt đới đánh chìm tàu của họ năm 2008.
Theo Yahoo News hôm 22-9, 4 đặc vụ CIA lúc đó đang theo dõi hoạt động của Trung Quốc trong khu vực. Họ bao gồm Stephen Stanek, Michael Perich, Jamie McCormick và Daniel Meeks.
Bốn đặc vụ này đi tàu từ Malaysia đến một khu vực tranh chấp ở biển Đông để đặt thiết bị theo dõi ngụy trang thành tảng đá nhằm theo dõi tín hiệu điện tử của tàu Trung Quốc.
Tuy nhiên, cơn bão nhiệt đới Higos - được gọi là Pablo ở Philippines – đã đánh chìm con tàu dài 12 m chở 4 đặc vụ khiến tất cả được cho là thiệt mạng. Yahoo News cho biết thêm người thân của 4 đặc vụ không hay biết họ đang làm nhiệm vụ do thám.
Bão nhiệt đới Higos ngoài khơi bờ biển Philippines năm 2008. Ảnh: NOAA
Việc con tàu bị đánh chìm làm cho nhiệm vụ đặt thiết bị ngụy trang, sau đó đi tàu đến Nhật Bản của 4 đặc vụ không bao giờ được hoàn thành. Theo Yahoo News, con tàu do CIA bí mật sở hữu. Các đặc vụ trên tàu "sử dụng thiết bị lặn biển bán sẵn trên thị trường thay vì thiết bị do chính phủ Mỹ cung cấp".
Do tin vào dự báo bão Higos sẽ di chuyển ra khỏi khu vực mà họ hoạt động vào ngày 28-9-2008 nên nhóm tiếp tục nhiệm vụ. Không may là cơn bão không thay đổi đường đi, dẫn đến sự cố nói trên. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) đã rà soát khu vực theo yêu cầu của CIA nhưng không tìm thấy gì.
Một cựu thành viên của Cơ quan Hoạt động Đặc biệt Mỹ (SAD) nói với Yahoo News rằng con tàu có một đèn hiệu theo dõi của CIA, cho thấy nó biến mất trong cơn bão. CIA sau đó đưa người thân của 4 đặc vụ đến trụ sở chính ở Langley, bang Virginia – Mỹ để thông báo vụ việc.
Các sĩ quan CIA cũng đổ lỗi cho Giám đốc SAD thời điểm đó là Bob Kandra vì gây ra cái chết của 4 đặc vụ. Ông Bob bị cáo buộc "gây áp lực để các đặc vụ CIA chứng tỏ năng lực trong cuộc cạnh tranh với hải quân Mỹ".
Năm 2016, hải quân Trung Quốc từng phát hiện một máy bay không người lái (UAV) do Mỹ chế tạo ngoài khơi bờ biển Philippines. Bắc Kinh đồng ý bàn giao lại chiếc UAV sau khi Lầu Năm Góc nói đó là "hệ thống dùng để thu thập dữ liệu hải dương học".
Bê bối tình ái thời Chiến tranh Lạnh khiến bộ trưởng Anh và điệp viên Liên Xô “ngã ngựa”
Mạnh Kiên |
Khi gặp mặt cô gái 19 tuổi Christine Keeler, Bộ trưởng Chiến tranh Anh John Profumo có lẽ không bao giờ tưởng tượng rằng mối tình trong bóng tối giữa cả hai sẽ đưa họ vào một bước ngoặt.
Cuộc gặp bên hồ bơi
Trong hai ngày cuối tuần 8-9/7/1961, hai bữa tiệc tình cờ đã diễn ra bên trong tòa nhà Cliveden ở Buckinghamshire. Đầu tiên là cuộc gặp của những con người quyền lực nhất trong nền chính trị Anh, khi William Waldorf Astor II - một doanh nhân có ảnh hưởng và là chính trị gia đảng bảo thủ - tổ chức một bữa tiệc để vinh danh Tổng thống Pakistan Ayub Khan, người lên nắm quyền vào năm 1958.
Một bữa tiệc khác do Tử tước Astor chủ trì kém nổi bật hơn, nhưng vẫn có những gương mặt đầy hấp dẫn. Đáng chú ý là sự xuất hiện của bác sĩ nắn xương nổi tiếng Stephen Ward và người mẫu thoát y gợi cảm Christine Keeler.
Trong số các khách mời còn có một nhân vật khiến nhiều người để mắt, đó là Bộ trưởng Chiến tranh Anh John Profumo và vợ - nữ diễn viên nổi tiếng Valerie Hobson.
Khi cặp đôi xuất hiện bên hồ bơi, Christine Keeler đang có mặt ở đó trong tình trạng khỏa thân. "Một cô gái rất xinh đẹp và rất ngọt ngào", John Profumo tiết lộ ấn tượng đầu tiên của mình về cô gái tâm điểm của bữa tiệc nhiều năm sau đó.
Tại bữa tiệc bên hồ bơi, Christine Keeler, 19 tuổi, được giới thiệu với John Profumo khi cô che thân hình gợi cảm chỉ bằng một chiếc khăn tắm hững hờ, một cử chỉ chắc hẳn đã làm mê đắm chính trị gia 46 tuổi.
Chẳng bao lâu, Profumo phải lòng Keeler. Ông không hề biết rằng Christen Keeler đã trở thành mục tiêu của cơ quan tình báo MI5 của Anh.
Cô gái 19 tuổi
"Tôi mới mười bảy tuổi với hành trang là một trái tim nồng ấm khi đến London vào năm 1959, nơi tôi vô tình bước vào thế giới Chiến tranh Lạnh với những đội quân, điệp viên bí mật", Keeler kể lại trong cuốn tự truyện Bí mật và Dối trá, xuất bản vào năm 2002.
Khi đến London, Keeler làm vũ nữ thoát y tại Murray's Cabaret Club. Bác sĩ nắn xương Stephen Ward là người thường xuyên đến câu lạc bộ và nhanh chóng quyến rũ Christen, thuyết phục cô gái chuyển đến nơi ở của mình.
Keeler đã chuyển đến sống với Ward, nhưng cô luôn phủ nhận việc có quan hệ tình cảm với bác sĩ. "Anh ấy là người cố vấn cho tôi từ khi tôi vẫn chỉ là một thiếu nữ mới đến London. Tôi yêu anh ấy, nhưng chúng tôi chưa bao giờ là người yêu của nhau", Keeler viết về mối quan hệ giữa họ.
Stephen Ward là một nhân vật hấp dẫn. Những thành tựu trong y tế và nghệ thuật đã giúp ông kết giao được với nhiều người bạn quyền lực, bao gồm cả những nhân vật có ảnh hưởng nhất của nước Anh, qua đó giúp ông có chỗ đứng trong giới thượng lưu London.
Nhưng không dừng ở đó, Ward cũng sẵn sàng kết bạn với những người ở phía bên kia của "Bức màn sắt". Đặc biệt, Ward đã làm quen với Eugene Ivanov, một người Nga đang làm tùy viên hải quân tại Đại sứ quán Liên Xô ở London. Ivanov còn có một công việc bí mật hơn. Ông là một sĩ quan tình báo chìm của GRU, cơ quan tình báo Liên Xô.
Vào những năm 1960, Chiến tranh Lạnh đang ở thời kỳ đỉnh cao. Chính trường Anh rung chuyển bởi các vụ bê bối gián điệp nổi tiếng có liên quan đến các dấu ấn tình báo của Liên Xô ngay bên trong nội bộ nền chính trị Anh. Khi đó, cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba khiến hai phe gần như xung đột về mặt quân sự sắp xảy ra.
Trong tình hình căng thẳng gia tăng, MI5 - cơ quan phản gián nội địa của Anh - đã để mắt đến Ivanov. Các đặc vụ Anh coi nhân vật này là mục tiêu tiềm năng để lật tẩy. MI5 tìm đến bác sĩ Ward để nhờ cậy cô nàng Keeler tiếp cận Ivanov.
"Tôi đã trở thành một con tốt trong Chiến tranh Lạnh. Thật không may cho MI5, John Profumo đã xuất hiện ở phút cuối và phá hỏng kế hoạch của họ", Keeler kể lại khi được giao nhiệm vụ quyến rũ điệp viên Liên Xô.
Vụ bê bối
Keeler đang có mối quan hệ ngoài luồng với Bộ trưởng Chiến tranh Anh John Profumo nhưng lại được chỉ định ve vãn điệp viên Liên Xô Eugene Ivanov. Điều này đã khiến phía Anh lo ngại Profumo để lộ bí mật với người tình, qua đó đến tai của Ivanov.
Trong con mắt Keeler, điều đó chỉ giống như một sự nổi loạn bình thường của tuổi trẻ, nhưng trong mắt hai người đàn ông nói trên, đó là một sai lầm cấm kỵ không thể cứu vãn.
Diễn biến của câu chuyện đã dẫn đến một trong những cuộc chính biến lớn nhất trong lịch sử Chiến tranh Lạnh của Anh. Bộ trưởng Chiến tranh John Profumo bị cáo buộc gây phương hại đến bí mật quốc gia và bị cô lập.
Toàn bộ câu chuyện lẽ ra đã bị chôn vùi nếu không vì một tai nạn xảy đến với Keeler một năm sau đó. Một vụ nổ súng giữa hai người tình khác của Keeler đã khiến báo chí đào sâu dấu vết quá khứ của vũ nữ thoát y và cuối cùng mối tình tay ba với Profumo và Ivanov được tiết lộ.
Trong cuộc điều trần trước Hạ viện, John Profumo phủ nhận bất kỳ mối quan hệ không chính đáng nào giữa ông với Keeler. Tuy nhiên, không lâu sau, vụ việc bị phanh phui và Profumo thừa nhận mình đã nói dối Hạ viện. Ông từ chức Bộ trưởng Chiến tranh vào ngày 5/6/1963.
Sau đó, nội các của Thủ tướng Harold Macmillan cũng tan rã khi ông từ chức vào tháng 11/1963 với lý do sức khỏe và đảng Bảo thủ cũng thua trong cuộc bầu cử quốc gia năm 1964.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Chiến tranh và đảng Bảo thủ không phải là nạn nhân duy nhất trong vụ Profumo. Bác sĩ Stephen Ward bị buộc tội sống bằng tiền của gái mại dâm đã tự sát trước khi bản án được tuyên.
Eugene Ivanov cũng bị cấp trên trong cơ quan tình báo Liên Xô trừng phạt. Ông cũng không được khen thưởng xứng đáng so với những đóng góp trước đó. Ông được triệu hồi về Moscow vào tháng 12/1962, vài tháng trước khi vụ bê bối ngoại tình Profumo nổ ra.
Vấn đề của Ivanov là đã không báo cáo về mối quan hệ của mình với Keeler cho cấp trên cho đến khi vụ bê bối được phanh phui. Khi trở về Liên Xô, sự nghiệp tình báo của ông kết thúc và được bổ nhiệm trở lại Hạm đội Biển Đen.
Vào tháng 1/1994, điệp viên Liên Xô được tìm thấy đã chết trong căn hộ của mình ở Moscow ở tuổi 68. Ivanov được cho là đã cảm thấy tiếc nuối vì sự nghiệp đã không đi đúng hướng.
Về phần Christen Keeler, cô bị công chúng kỳ thị sau khi bị phanh phui bê bối tình ái với chính trị gia Anh và điệp viên Liên Xô trên báo chí, nhưng vẫn bảo vệ hành động của mình trong suốt cuộc đời.
"Tôi luôn phủ nhận việc làm gái mại dâm. Bạn có thể nghĩ rằng bạn biết về cuộc đời tôi vì bạn đã sống qua nó hoặc đã xem Scandal, bộ phim làm về tôi vài năm trước tại rạp chiếu phim hoặc khi nó được chiếu lại trên truyền hình. Tôi xin lỗi, nhưng bộ phim đó chỉ là cái nhìn thoáng qua về những điều thực sự diễn ra chứ không phải sóng ngầm bên dưới", Keeler biện luận.
Nhận xét
Đăng nhận xét