TT & HĐ II - 17/d

 
Văn hóa Đông Sơn Nền văn hóa cổ Việt Nam Thời kỳ hoàng kim của nhà nước Văn Lang Âu Lạc | Lisuvina



PHẦN II: Nền tảng

" Triết học bắt đầu từ sự ngạc nhiên"
Arixtốt


“Chúng ta có thể mường tượng thế giới của thực tại như là một dòng nước ngầm; thế giới hiện tượng thì ở bề mặt; bên dưới nó chúng ta không nhìn thấy được. Các sự kiện ở tận đáy của dòng nước gây ra bọt và những xoáy nước ở bề mặt. Đó là những chuyển động bức xạ và năng lượng của cuộc sống chung của chúng ta, nó tác động tới các giác quan và do đó, kích thích trí óc chúng ta; ở bên dưới, dòng nước ngầm vẫn chảy”
(Sir James Jeans.)

“Triết học chân chính chỉ là triết học truyền đạt chính xác nhất tiếng nói của bản thân thế giới và được viết dưới những sự chỉ dẫn của thế giới” 
(Ph. Bêcơn)

“Tất cả mọi khoa học cần thiết hơn triết học, nhưng không một khoa học nào tốt hơn nó” 
(Arixtốt)

CHƯƠNG VI: QUI CĂN

"Hạnh phúc sinh ra trong đau khổ, đau khổ giấu mình trong hạnh phúc."
(Lão Tử)

"Phàm làm việc gì, làm điều gì, xử lý cái gì… cũng nên có giới hạn, vì “Vật cùng tắc biến”: đẩy sự vật đi đến đường cùng thì thế nào nó cũng biến hóa lại khác trước, có khi còn ngược lại với trước nữa. “Vật cực tắc phản”: đẩy sự việc đi đến cùng cực thì chắc chắn sẽ phản lại ngay. Quy luật là thế thôi."
(Lão Tử)

“Không có cái không phải là ta thì không có ta. Nhưng không có ta thì không thể hiện được sự biến hóa của tự nhiên. Như vậy, ta với tự nhiên thật mật thiết với nhau. Nhưng không ai biết được chủ tể của vũ trụ là gì”.
(Trang Tử)

“Cái mà thời trước người ta dùng thì có thể ngày nay bỏ đi; cái ngày nay bỏ đi thì có thể sau này sẽ dùng, dùng hay bỏ; điều đó không quyết định được là phải hay trái”.
(Liệt tử)






(Tiếp theo)

***
Nhưng vẫn chưa thể quay lại được vì vẫn còn nỗi băn khoăn rất lớn ám ảnh chúng ta.
Có cái gì đó làm cho chúng ta không thể tin được không có một sự trao đổi, giao lưu văn hóa nào mà lại đồng thời xuất hiện hầu như cùng lúc các nền văn minh cổ đại được. Không lý nào ngay ở thời tối sơ, tối cổ, người vượn và công cụ đồ đá của họ xuất hiện hầu như khắp nơi trên thế giới mà khảo cổ học đã cho thấy tính đồng nhất nhiều hơn là dị biệt, nghĩa là có nhiều nét chung, giống nhau hơn là nét riêng đặc thù; nghĩa là có một sự thống nhất nhất định về mặt sáng chế, văn minh, thế mà ở thời đại muộn hơn, các nền văn minh lại có thể xuất hiện hoàn toàn độc lập với nhau được.
Cần cho rằng các nền văn minh cổ đại phải có mối quan hệ nhân - quả nào đó với nhau, “học hỏi” lẫn nhau để cùng nhau đồng thời phát triển; tuy có thể là không liên tục và chậm chạp trong thời gian. Cũng có thể là nền văn minh “sớm hơn một chút” tạo tiền đề xuất hiện nền văn minh “muộn hơn một chút” và như vậy cần phải có một nền văn minh đầu tiên hoặc giả là một nền văn hóa cao đã manh nha một nền văn minh đích thực nhưng do điều kiện nào đó mà không (hoặc chưa) phát triển lên được, làm điểm tựa ban đầu cho những nền văn minh cổ đại, rực rỡ còn lưu trong sử xanh.
Nền văn minh gốc rễ đó, hay chúng ta tạm gọi là nền văn hóa "tiền" văn minh, có thể là ở đâu? Vì nhiều lý do, trong đó có lý do chủ quan, thiên vị, chúng ta chọn nơi đó là Đông Nam Á (nhưng không cá cược gì đâu nhé!).
Để mau chóng kết thúc cuộc “trò chuyện lạc đề” này, chúng ta không “bô lô ba la” gì thêm mà chỉ xin trích ra đây vài đoạn nữa trong cuốn “Lịch sử văn minh thế giới” (đã dẫn ở trên) để mọi người suy tư lan man cho vui:
“Đông Nam Á là một khu vực khá rộng, diện tích khoảng 4,5 triệu km2 trải ra trên một trái đất, từ 92o đến 140o kinh đông và từ khoảng 28o vĩ bắc chạy qua xích đạo đến khoảng 15o vĩ nam. (…)
(…)
(…)
Do điều kiện địa lý của mình, Đông Nam Á chịu ảnh hưởng chủ yếu của gió mùa, tạo nên hai mùa tương đối rõ rệt: mùa khô lạnh, mát và mùa mưa tương đối nóng và ẩm. Vì thế Đông Nam Á còn được gọi là khu vực “châu Âu gió mùa”. Nếu theo khái niệm này thì ranh giới địa lý khu vực Đông Nam Á còn bao gồm cả miền nam Trường giang và vùng Đông Bắc Ấn Độ nữa.
Chính gió mùa và khí hậu biển làm cho khí hậu vùng Đông Nam Á đáng lẽ có thể trở nên khô cằn như một số khu vực lục địa khác có cùng vĩ độ, nhưng nó đã trở nên xanh tốt và trù phú với những đô thị đông đúc và thịnh vượng như Kuala - Lampua, Xingapo, Giacacta… Gió mùa kèm theo những cơn mưa nhiệt đới đã cung cấp đủ nước cho con người dùng trong đời sống và sản xuất hàng năm, tạo nên những cánh rừng nhiệt đới phong phú về thảo mộc và chim muông. Đông Nam Á từ lâu đã trở thành quê hương của những cây gia vị, cây hương liệu đặc trưng như hồ tiêu, sa nhân, đậu khấu, hồi, quế, trầm hương… và cây lương thực đặc trưng là lúa nước. Theo một số nhà nghiên cứu thì cư dân Đông Nam Á có những nét chung thống nhất về mặt văn hóa, là vì cư dân ở đây có chung một nền văn hóa Nam Á, lấy sản xuất nông nghiệp lúa nước làm phương thức hoạt động kinh tế chính. Đông Nam Á được coi là “cái nôi” của cây lúa nước và là một trong năm trung tâm cây trồng lớn trên thế giới. Văn hóa Hòa Bình đã chứng minh cư dân ở đây đã thuần hóa nhiều giống lúa, thực vật khác nhau, xuất hiện nền nông nghiệp sơ khai với các loại cây trồng đặc biệt là các loại cây có củ và bầu bí, các cây họ đậu ở vùng thung lũng chân núi. Có nhà nghiên cứu còn cho rằng chủ nhân văn hóa Hòa bình là người biết trồng trọt đầu tiên trên thế giới; nền đại nông nghiệp ở đây có thể lên đến hơn một vạn năm TCN và vì thế “Đông Nam Á đã có một cuộc cách mạng nông nghiệp sớm nhất thế giới”. Đến thời đại đồ đồng, trong điều kiện của vùng nhiệt đới, cư dân Đông Nam Á đã bước sang kinh tế trồng lúa khô ở nương rẫy và lúa nước ở vùng thung lũng hẹp châu thổ. Cây lúa đầu tiên được thuần dưỡng ở vùng thung lũng hệ chân núi dần dần được chuyển xuống vùng châu thổ thích nghi với vùng ngập nước. Cùng với việc trồng lúa nước, người ta đã thuần dưỡng trâu bò làm sức kéo, xuất hiện các nghề thủ công, đặc biệt là nghề sông biển. Từ đó nông nghiệp trồng lúa nước đã trở thành cội nguồn, thành mẫu số chung của nền văn minh khu vực. Đó là một “nền văn minh có đủ sắc thái đồng bằng, biển, nửa đồi núi, nửa rừng với đủ các dạng kết cấu đan xen phức tạp… nhưng mẫu số chung là văn minh nông nghiệp trồng lúa nước, văn hóa xóm làng” (Trần Quốc Vượng - Cao Xuân thổ: Đông Nam Á, một nền văn hóa cổ xưa và đa dạng. Báo nhân dân ngày 1-10-1978).
Phải nói rằng gió mùa không chỉ đem lại thuận lợi cho con người mà những yếu tố tự nhiên vẫn tác động và tạo nên sự thất thường cho khí hậu trong vùng tuy với biên độ không lớn lắm. Mưa nhiệt đới trên địa bàn tự nhiên của khu vực làm thành những vùng nhỏ, xen kẽ giữa rừng nhiệt đới, đồi núi, bờ biển và đồng bằng, tạo nên những cảnh quan đa dạng. Thực tế đó khiến cho Đông Nam Á thiếu những không gian rộng cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên qui mô lớn, thiếu những điều kiện tự nhiên cho sự phát triển những kỹ thuật tinh tế, phức tạp. Ở đây không có những đồng bằng rộng lớn như vùng châu thổ sông Ấn, sông Hằng hay sông Hoàng Hà; cũng không có những đồng cỏ mênh mông như vùng thảo nguyên. Không gian sinh tồn ở đây tuy nhỏ hẹp nhưng lại rất phong phú, đa dạng; con người có thể khai thác ở thiên nhiên đủ loại thức ăn để sinh sống. Vì thế có người đã gọi Đông Nam Á là khu vực khai thác thức ăn theo phổ rộng. Những điều kiện đó rất thuận lợi cho cuộc sống của con người trong buổi đầu nhưng không khỏi không ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển của một nền kinh tế sản xuất lớn, tạo nên một khối lượng sản phẩm lớn trong những giai đoạn phát triển sau này của khu vực. (…)
(…)
Việc đi lại bằng thuyền ở vùng Đông Nam Á đã có từ thời rất xa xưa. Có thể nói cư dân Đông Nam Á đã biết đóng bè mảng và thuyền đi biển rất sớm. Dựa trên các tài liệu khảo cổ học, W. Solheime đã nhận định rằng kỹ thuật đi biển sớm nhất xuất hiện ở vùng duyên hải biển Xulu, giữa Minđanao, Boócnêô và Xêlêbơ khoảng 8000 - 9000 năm trước. Kỹ thuật hàng hải cổ đạt đến đỉnh cao vào khoảng thế kỷ V TCN khi những hình thuyền với cỡ dáng to lớn, kiểu cong mũi, cong lái được khắc trên nhiều trống đồng Đông Sơn. (…)
(…)
(…)
Có thể thấy rằng điều kiện tự nhiên của Đông Nam Á thuận lợi cho những bước đi đầu tiên của con người. Điều đó giải thích vì sao con người đã có mặt ở đây từ rất xa xưa. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều dấu vết của quá trình chuyển biến từ vượn thành người ở Đông Nam Á.
Cách đây không lâu người ta đã phát hiện được dấu vết hóa thạch từ vượn bậc cao Pondaung (Miama) có niên đại 40 triệu năm và vượn khổng lồ ở Indonesia sống cách đây khoảng 5 triệu năm. Đặc biệt, hóa thạch của người Pitêcaxtơrốp tìm thấy ở Giava có niên đại cách đây khoảng 2 triệu năm là dấu vết xưa nhất của giống người tối cổ ở Đông Nam Á. Di cốt, mảnh di cốt và những công cụ đồ đá của người tối cổ còn được tìm thấy ở nhiều nơi khác nhau trong khu vực như ở Việt Nam, Thái Lan, Philipin, Malayxia… Việc phát hiện chiếc sọ Người Tinh Khôn (Hômô Sapiêns) ở hang Nia (Saraoắc đảo Bóocnêô) với niên đại là 396.000 năm và một chỏm sọ Hômô Sapiêns trong hang Tabon (Philipin) có niên đại 30.500 năm đã cho thấy quá trình chuyển biến từ vượn thành người ở Đông Nam Á là trực tiếp và liên tục.
Cùng sinh tụ trên một khu vực địa lý, cư dân Đông Nam Á đã sáng tạo ra một nền văn hóa bản địa có cội nguồn chung từ thời tiền sử và sơ sử trước khi tiếp xúc với văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ. Quá trình phát triển liên tục của các nền văn hóa khảo cổ ở Đông Nam Á đã chứng tỏ điều đó.
Sau giai đoạn đồ đá cũ với những di chỉ nổi tiếng như núi Đọ, núi Quan Yên, Xuân Lộc (Việt Nam), Anya (Mianma), Pingnoi (Thái Lan), Tampan (Malaixia), Cabaloan (Philipin)… người ta vẫn thấy có sự phát triển liên tục từ đồ đá giữa đến sơ kỳ đồ sắt ở Đông Nam Á.
Điển hình của thời đại đồ đá giữa của khu vực là văn hóa Hòa Bình với loại hình công cụ đặc trưng là những viên cuội được ghè đẽo trên cả hai mặt, rìu đá cuội có lưỡng ở một đầu, chày nghiền…
Kỹ thuật chế tác đá Hòa Bình đã có mặt trên nhiều địa điểm ở Việt Nam, Lào, Cămpuchia, Thái Lan, Inđônêxia… Sự giống nhau của kỹ thuật chế tác đá thuộc văn hóa Hòa Bình đã khiến nhiều nhà nghiên cứu cho rằng văn hóa Hòa Bình là một nền văn hóa chung của cả Đông Nam Á. Vì thế một số người đã dùng khái niệm “phức hợp kỹ thuật Hòa Bình” để chỉ một truyền thống kỹ thuật ghè đẽo chung cho cả khu vực.
Đến thời đại đá mới, mặc dù có những con đường phát triển kỹ thuật khác nhau giữa Đông Nam Á lục địa và Hải Đảo mà có người đã gọi là những con đường hậu Hòa Bình, người ta vẫn không thể không thừa nhận sự đồng đều cơ bản về trình độ chế tác đá thời kỳ đá mới ở Việt Nam và các vùng khác của khu vực.
Ngay ở lớp trên của một số di chỉ thuộc văn hóa Hòa Bình, người ta đã tìm được những dụng cụ đá có mài lưỡi. Nhưng, những chiếc rìu mài lưỡi như thế đã được phát hiện chủ yếu trong các di chỉ thuộc văn hóa Bắc Sơn (Việt Nam). Rìu mài lưỡi kiểu Bắc Sơn còn được phát hiện ở Nia (Xaraoắc) với niên đại sớm hơn đôi chút, ở Guatêchin (Malaixia) với niên đại muộn hơn một chút, ở Bukít Talang (Xumatơra), Kendeng Lampu (Giava)… Niên đại của văn hóa Bắc Sơn là khoảng 10.000 - 6.000 năm cách ngày nay. Như thế rìu mài lưỡi Nia và Bắc Sơn cũng là những công cụ đá mài sớm nhất trên thế giới”.
Những đoạn trích lược trên đã đem đến cho chúng ta, những con dân hậu duệ xa lắc của vùng Đông Nam Á một cảm tưởng rằng : Nếu Châu Phi là cái nôi sinh ra loài người, thì Đông Nam Á là cái nôi của nền văn minh nhân loại.
Nhưng cảm tưởng thì… cứ tha hồ mà cảm tưởng thỏa thích vì chẳng có cảm tưởng nào thay thế được lịch sử.
Còn lịch sử, vẫn vô tư và im lặng. Nếu con người không lên tiếng thì vĩnh viễn chẳng bao giờ biết biện minh!

(Còn tiếp)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH