Thứ Tư, 9 tháng 9, 2020

TT & HĐ II - 17/b

 
CỘI NGUỒN LÝ THUYẾT ÂM DƯƠNG NGŨ HÀNH TRONG LÝ HỌC ĐÔNG PHƯƠNG

PHẦN II: Nền tảng

" Triết học bắt đầu từ sự ngạc nhiên"
Arixtốt


“Chúng ta có thể mường tượng thế giới của thực tại như là một dòng nước ngầm; thế giới hiện tượng thì ở bề mặt; bên dưới nó chúng ta không nhìn thấy được. Các sự kiện ở tận đáy của dòng nước gây ra bọt và những xoáy nước ở bề mặt. Đó là những chuyển động bức xạ và năng lượng của cuộc sống chung của chúng ta, nó tác động tới các giác quan và do đó, kích thích trí óc chúng ta; ở bên dưới, dòng nước ngầm vẫn chảy”
(Sir James Jeans.)

“Triết học chân chính chỉ là triết học truyền đạt chính xác nhất tiếng nói của bản thân thế giới và được viết dưới những sự chỉ dẫn của thế giới” 
(Ph. Bêcơn)

“Tất cả mọi khoa học cần thiết hơn triết học, nhưng không một khoa học nào tốt hơn nó” 
(Arixtốt)

CHƯƠNG VI: QUI CĂN

"Hạnh phúc sinh ra trong đau khổ, đau khổ giấu mình trong hạnh phúc."
(Lão Tử)

"Phàm làm việc gì, làm điều gì, xử lý cái gì… cũng nên có giới hạn, vì “Vật cùng tắc biến”: đẩy sự vật đi đến đường cùng thì thế nào nó cũng biến hóa lại khác trước, có khi còn ngược lại với trước nữa. “Vật cực tắc phản”: đẩy sự việc đi đến cùng cực thì chắc chắn sẽ phản lại ngay. Quy luật là thế thôi."
(Lão Tử)

“Không có cái không phải là ta thì không có ta. Nhưng không có ta thì không thể hiện được sự biến hóa của tự nhiên. Như vậy, ta với tự nhiên thật mật thiết với nhau. Nhưng không ai biết được chủ tể của vũ trụ là gì”.
(Trang Tử)

“Cái mà thời trước người ta dùng thì có thể ngày nay bỏ đi; cái ngày nay bỏ đi thì có thể sau này sẽ dùng, dùng hay bỏ; điều đó không quyết định được là phải hay trái”.
(Liệt tử)




(Tiếp theo)

***
Tính bầy đàn thoát thai từ tính quần thể. Đối với loài người thì bầy đàn, nếu không phải là hình thái đầu tiên thì cũng là hạt nhân của  hình thái xã hội.
Thủy tổ của loài người nguyên thủy sống theo lối bầy đàn. Cuộc mưu sinh không phải lúc nào cũng dễ dàng, thậm chí là khó khăn thường trực. Bầy đàn là một hình thức cộng sinh hữu hiệu để bảo vệ từng cá thể nói riêng và duy trì giống loài nói chung. Muốn thế, giữa các cá thể trong bầy đàn phải thiết lập được mối quan hệ nhất định về thông tin đối với nhau trên cơ sở nghe, nhìn, phát thanh, dùng cử chỉ điệu bộ … để phân công, phối hợp hành động trong việc mưu sinh nhằm sống còn.
Sự liên tục “động não”, suy nghĩ khi quan sát và “rút kinh nghiệm” trong quá trình đấu tranh sinh tồn, trong săn bắt, hái lượm đã giúp sự trao đổi thông tin bằng “hoa chân múa tay”, bằng “hú hét” được hình thành và phát triển ngày càng hoàn thiện, các tín hiệu ngày càng đa dạng, phong phú, tinh tế. Đó cũng chính là manh nha của sự xuất hiện ra ngôn ngữ.
Rồi trong cái thuở hồng hoang ấy, vì chưa thể biết đến cái gọi là sản xuất lương thực, hay đơn giản là trồng trọt - chăn nuôi, nên bầy đàn người cứ thế lang thang kiếm ăn, “ra đi và trở về” theo mùa đơm bông kết trái của cây rừng, theo bước “thiên di” của muông thú…
Những sự kiện nói trên cùng với những sự kiện khác đại loại như thế (đòi hỏi lưu giữ thông tin, tín hiệu) đã thúc đẩy khả năng nhớ của con người nguyên thủy phát triển về mặt số lượng tín hiệu cũng như về độ lâu trong thời gian. Tuy nhiên, con người nguyên thủy với năm giác quan “yếu xìu”, đến một lúc nào đó sẽ không còn đủ sức đáp ứng nhu cầu về truyền tin cũng như lưu trữ tín hiệu nữa (nhiều quá, nhớ không nổi!). Để đáp ứng, họ chỉ còn cách dựa vào các vật thể có ở xung quanh, có trong môi trường sống, dùng các thứ như sỏi, đá, thân cây cháy (than)… để ra dấu, đánh dấu, vạch vẽ lên thân cây, mặt đất, vách đá… mà truyền thông tin cho nhau, mà lưu giữ. Có thể khẳng định, vừa nói vừa "khoa chân múa tay" là hình thức truyền thụ thông tin cho nhau giữa người với người đã được hình thành từ những ngày đầu tiên hình thành nên ngôn ngữ.
Sự hình thành của đồ họa, chữ viết cũng manh nha từ đó.
Chúng ta giải thích như trên, chưa biết đúng sai thế nào, nhưng nếu đúng thì có một thú vị là ngay trong thời hiện đại, bên cạnh những phương tiện truyền thông, lưu nhớ tiên tiến, chúng ta vẫn còn (phải) dùng cách cổ xưa của tổ tiên. Dù ngôn ngữ đã rất phong phú và tạm gọi là hoàn chỉnh, nhưng khi nói để diễn đạt điều gì đó, nhất là khi hùng biện, chúng ta vẫn lúc lắc, gật gù đầu, vẫn múa máy, chỉ trỏ tay và thậm chí là cả chân để phụ họa. Mấy ông trọng tài bóng đá và mấy ngài cảnh sát giao thông vẫn “khoái” dùng cách truyền tin cổ điển đó. Rõ nhất là nhiều người nói chuyện qua điện thoại, dù người đối thoại đang ở đâu xa lắc, vẫn gật gù múa may như thể ở trước mặt nhau vậy. Nếu chú tâm để ý thì hiện nay, đây đó trên thế giới, vẫn thường xảy ra hiện tượng các phương tiện truyền thông vô tuyến và hữu tuyến, hiện đại, bỗng trở nên mất tác dụng, ngôn ngữ cũng mất hiệu lực, lúc đó để có thể báo hiệu, trao đổi thông tin, con người không còn cách nào khác là phải trở về phương thức của thời đồ đá, thậm chí là đồ gỗ (chúng ta đoán rằng có thời kỳ này và nó phải có trước thời đồ đá, vì tính “có sẵn”, dễ sử dụng và cũng rất hiệu quả của cành nhánh, cây cối).
Công cuộc hành trình đi kiếm ăn của con người nguyên thủy làm bật ra trong não họ khái niệm đầu tiên của mọi khái niệm, đó là khái niệm “có”, với nghĩa như là sự hiện diện, đã xuất hiện (cái gì đó hoặc đối tượng để săn bắt hái lượm). Nhưng cái gì đó, đối tượng gì đó của săn bắt, hái lượm không phải lúc nào cũng sẵn, cũng xuất hiện. (Hình như sự đói khát và thiếu thốn thường trực là động lực chủ yếu của sự tiến hóa sinh vật? Nếu thế thì phải chăng sự no nê thừa mứa thường xuyên sẽ làm cho loài người thoái hóa, tuyệt diệt? May quá, “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” !!!?). Do đó con người nguyên thủy phải sáng tạo, phải qui ước một cử chỉ (âm thanh) nào đó khác với cử chỉ (âm thanh) biểu thị sự “có”, nhằm diễn đạt, báo hiệu cho nhau về sự không hiện diện, không xuất hiện và khái niệm “không có” nảy sinh.
Có - Không có là cặp khái niệm đầu tiên vừa giản dị nhất, vừa bao quát nhất, vừa là cốt lõi của hệ thống các cặp khái niệm tương phản mà loài người đã xây dựng được cho mình. Có hay không có, tồn tại hay không tồn tại đã là câu hỏi đầu tiên của triết học và trả lời cho thỏa đáng câu hỏi đó cũng chính là mục đích cuối cùng của triết học.
Cặp khái niệm Có - Không có ra đời đã dẫn đến sự ra đời của hàng loạt cặp khái niệm liên quan đến số lượng, lực lượng như: ít - nhiều, to - nhỏ, nặng - nhẹ, một - số đông; rồi ít hơn - nhiều hơn, to hơn - nhỏ hơn, nặng hơn - nhẹ hơn…
Việc cùng nhau săn bắt hái lượm đã dần đưa người nguyên thủy đến sự xác định lực lượng của đối tượng để phân công lao động cho phù hợp, nhằm đạt kết quả mong muốn; để khi thu gom thành quả, biết nhiều ít bao nhiêu mà chia chác, phân phối… Quá trình đoán nhận về số lượng, về lực lượng đối tượng săn bắt hái lượm; quá trình thu gom thành quả săn bắt, hái lượm và phân chia thành quả ấy trong bầy đàn đã làm cho nhu cầu về sự “cân, đong, đo, đếm” xuất hiện. Rất có thể hình thức “cân, đo, đong, đếm” thuở ban đầu của loài người, chúng ta tạm gọi, là hình thức “cân, đo, đong, đếm” trực giác; nghĩa là phải dùng đến các ngón tay, dấu khắc vạch, que cây, sỏi đá, con bò, vốc tay… để biểu thị tượng trưng, để so sánh. Chẳng hạn như ngày nay chúng ta nói đơn giản là có bốn trái táo, thì hồi đó có lẽ con người nói rằng có ngần ấy trái táo và đưa bốn ngón tay lên mà nếu nói thành văn là: có ngần ấy ngón tay trái táo (nếu không dùng ngón tay thì dùng dấu vạch và có ngần ấy vạch trái táo). Hoặc, nếu chúng ta nói con voi, nặng bằng ba con bò thì người nguyên thủy nói: con voi nặng bằng ngần này viên sỏi và họ chìa ba hòn sỏi ra, mà trước đó họ đã cho nhau biết ba hòn sỏi đó là “nói đến” ba con bò.
Chắc chắn rằng lửa chẳng phải là hiện tượng xa lạ gì đối với con người nguyên thủy nhưng việc biết đến thức ăn “chín” có thể lại là một sự tình cờ “thú vị”. Trên chặng đường kiếm ăn bất tận của mình, bầy đàn người nguyên thủy không phải một lần, không phải một thế hệ đứng trước một con thú bị quay chín do sét đánh; đứng trước một khu rừng đã cháy chẳng còn gì săn bắt hái lượm ngoài xác thú và cả hoa quả bị nướng chín và họ đã ăn. Cái đói buộc họ phải ăn! Lúc đầu là e dè, về sau là khoái chí; lúc đầu chưa quen nên chẳng ngon lành gì, về sau là khoái khẩu. Vì sao lại khoái khẩu? Không thể cho rằng vì thịt nướng thơm, đậm đà hơn. Lúc đầu, đối với họ, thịt chín chẳng có gì là hấp dẫn cả, ăn là vì tình thế; mùi máu thịt tươi mới làm cho họ “thích thú” vì đó là mùi “truyền thống” đã trở thành phản xạ vô điều kiện. Có lẽ sự khoái khẩu bắt nguồn từ một phát hiện đơn giản thế này: con thú bị nướng chín trở nên mềm, dễ lóc xương, dễ nhai. Cùng phát hiện đó là một phát hiện đặc biệt: thịt nướng chín, lâu bị thối rữa hơn thịt tươi nhiều. Chúng ta đồ rằng chính phát hiện này mới là nguyên nhân và quyết định đến việc dùng và duy trì lửa thường xuyên trong đời sống của con người nguyên thủy. Họ vẫn săn bắt và ăn thịt sống, phần dư thừa được tìm cách nướng chín, để giành ăn lần sau hoặc nhiều lần sau kế tiếp nhau. Dần dà, sự tiến hóa của hệ tiêu hóa làm cho ăn thịt nướng chín trở nên phù hợp với cơ thể, “chiếm chỗ” lối “ăn sống nuốt tươi” nhờ những ưu điểm nổi trội của nó. Nhưng muốn có hiện thực ấy, trước hết phải làm ra lửa. Nhưng nguyên nhân đầu tiên thúc đẩy con người tìm cách tạo ra lửa có thể là ở chỗ khác.
Làm ra lửa, không còn nghi ngờ gì nữa, là cả một quá trình học hỏi thiên nhiên; là biểu hiện đích thực của bộ não biết tư duy, vừa là phát kiến có tính thực nghiệm đầu tiên vừa là một trong những phát minh vĩ đại nhất của loài người thời tối cổ. Chúng ta ngồi đây trầm tư mặc tưởng, hình dung ra được những khuôn mặt nguyên thủy rạng rỡ và tự hào đến như thế nào khi ngọn lửa sáng tạo đầu tiên bừng cháy. Lúc đó chắc là họ đã nhảy múa, hò hét điên cuồng về một ngày mai ấm no, tươi sáng. Những linh hồn thuần phác ấy đã không thể thấy được mặt trái của ngọn lửa sáng tạo: đốt phá và thiêu tàn!
Việc tự tạo ra được lửa là điểm son báo hiệu hoạt động của não người vượt trội hẳn so với hoạt động của não thú và việc dùng lửa thường xuyên trong đời sống đã hỗ trợ đắc lực cho con người đi nhanh hơn trên con đường “định mệnh” của mình chứ bản thân lửa chẳng mang một ý nghĩa nào gọi là “bước ngoặt” hay cách mạng đối với con người như nhiều người quan niệm cả.

Có thể nói, nếu nước là yếu tố thiết yếu của sự sống sinh vật, thì lửa là yếu tố thiết yếu làm nên văn minh loài người.
Chúng ta lấy làm nghi ngờ nhận định sau đây, trích từ cuốn “Biên khảo về người tiền sử” của hai tác giả Trần Kim Thạch - Trần Hải Vân, NXB tổng hợp thành phố HCM, năm 2005:
“Với một ít bếp lửa tìm được trong các hang động, chúng ta thật khó xác định sự việc đã xảy ra như thế nào, nhưng chúng ta có thể quả quyết rằng việc dùng lửa đã đánh dấu nguồn gốc loài người.
Thật vậy, sau khi tìm và giữ được lửa, con người tiến hóa với một nhịp độ cao hơn trước. Muốn giữ lửa, con người phải tổ chức lại lối sống. Nó không thể bạ đâu ở đó. Dần dần họ chọn chỗ ở nhất định, có ít nhiều tiện nghi hơn. Chung quanh đống lửa để sưởi ấm hoặc nướng thức ăn, đoàn người càng đoàn kết chặt chẽ hơn, và trong lúc đó cảm thấy yên ổn, khỏi bị những cơn rét buốt cấu xé da thịt, khỏi bị thú dữ đe dọa, giết chóc, trí rảnh rang để suy tưởng. Khi một nhu cầu đã được thỏa mãn thì con người lại tìm cách thỏa mãn những nhu cầu khác, và cứ thế nó tiến lên. Lửa đã gây trong cuộc sống con người một cuộc cách mạng. Và khi đã nổ bùng rồi, cuộc cách mạng đó tiếp diễn không ngừng, không những ở các phương diện thể chất mà cả về tinh thần nữa. Nó thúc đẩy con người trong công cuộc chinh phục bất tận. Nhờ lửa, con người đã trở thành một con vật hành động có ý thức tức là con người làm việc. Và sự làm việc trở thành một động lực tiến hóa căn bản, vì không có nó, con người có thể rơi lại vào tình trạng thú vật.”
Ngày nay, khó hình dung được trong đời sống lại thiếu lửa, nhưng không phải vì thế mà cho rằng lửa có tác động quyết định tới sự hình thành nền văn minh nhân loại. Lửa chưa bao giờ đóng vai trò như một yếu tố quyết định cho sự tiến hóa và trong một chừng mực nhất định chỉ có thể được coi như một phương tiện hữu ích mà con người đã đương nhiên phát hiện ra trong bước đường chủ động thích nghi của mình. Nhờ có lửa, con người sống dễ chịu hơn nhưng đồng thời một số chức năng đề kháng của cơ thể cũng dần bị yếu đi và con người đã phải gắn bó với lửa cho đến tận ngày nay. Đó phải chăng là duyên tiền định?
Sự hình thành nền văn minh loài người là cả một quá trình tìm tòi, khám phá và sáng tạo của bầy đàn người nguyên thủy, xảy ra liên tục theo thời gian, có tính kế thừa, lưu truyền và “gạn đục khơi trong”. Nhưng việc xuất hiện ra một nền văn minh tập trung lại là bước đi có tính đột khởi, trong một điều kiện chín muồi nào đó, nhờ một phát hiện mới mang dấu ấn “thiên tài” nào đó. Chúng ta tin rằng loài người đã từng có một nền văn minh đầu tiên, duy nhất, đóng vai trò là nguồn gốc của mọi nền văn minh trong lịch sử. Nền văn minh đó ở đâu?
Điều kiện tiên quyết của một nền văn minh tập trung, hiển nhiên phải là sự định cư.
Định cư là lối sống ưu tiên, là nỗi “khát vọng” của toàn thể giới động vật chứ không riêng gì của con người. Ở bất cứ nơi nào, nếu xuất hiện điều kiện sống thuận lợi, nguồn thức ăn dồi dào đủ đáp ứng là xuất hiện ngay lối sống định cư. Chẳng có con vật nào “ngu dại” đến mức bỏ chỗ sẵn đầy thức ăn để lang thang đi kiếm ăn ở miền khác ít thức ăn hơn. Con người lại càng không thế. Lang thang đi kiếm ăn bao giờ cũng tốn công sức hơn là ngồi một chỗ ăn! Và như thế lang thang kiếm ăn vừa “mệt mỏi” hơn, vừa phải kiếm lượng thức ăn nhiều hơn vì cần phải ăn nhiều hơn. Du cư là phương thức sống chẳng đặng đừng!
Hình như cũng đã từng có một Vườn Địa Đàng dồi dào thức ăn như vậy. Adam và Eva đã từng định cư ở đó. Nhưng cây trái thì có mùa, muông thú thì có hạn, định cư được một thời gian không dài thì rồi Adam cùng bầu đoàn thê tử, chẳng cần ai đuổi cũng phải rời bỏ, ra đi, tiếp tục con đường “hoạn lộ” của kiếp du cư.
Hình thức định cư chẳng xa lạ gì. Chính cây cối là biểu hiện lối sống định cư triệt để nhất, chúng sống “chôn chân một chỗ”. Sự đơn giản về kiểu sống đã giúp chúng sống dẻo dai và trường thọ mà bất cứ loài động vật nào cũng “cầu ước”.
Như vậy, để định cư lâu dài được, con người nguyên thủy, cần phải có một nguồn thức ăn đáp ứng “quanh năm, suốt tháng”, trong khi hoa trái chỉ xuất hiện dù nhiều đi chăng nữa thì cũng chỉ có lúc, có mùa; trong khi thú vật lúc nhiều lúc ít; làm cho khi thừa mứa “đổ đi”, khi thì đằng đẵng chẳng có gì mà ăn. Do đó cần phải suy luận rằng nếu đơn thuần biết trồng trọt chăn nuôi thôi thì con người nguyên thủy cũng chưa thể định cư lâu dài và tạo thành một quần cư đủ lớn để tạo lập đời sống xã hội mà xuất hiện thành những trung tâm văn minh được.
Cần phải có một nguồn thức ăn dự trữ trong khi “mùa màng” hái lượm chưa tới, muông thú “trốn biệt” chưa về. Vậy thì nguồn thức ăn dự trữ đó kiếm ở đâu? Phải chăng là ở sự tìm cách bảo quản hoa trái dư dôi ra của mùa màng trước; phải chăng là ở sự chăn nuôi? Tất cả những cách ấy, nếu thực hiện được cũng chưa đủ để thỏa mãn cho một lực lượng người đủ lớn và may ra chỉ có thể làm xuất hiện lối sống bán định cư, nghĩa là du cư và định cư xen kẽ.
Chúng ta xin trích trong cuốn “Con người không thể đoán trước” của André Bourguignon, NXB văn hóa thông tin Hà Nội, năm 2004, một đoạn khá hay dù chúng ta không hoàn toàn đồng thuận:
“Xét theo lối cổ điển, từ Childe trở đi, người ta thường đối lập hai kiểu xã hội loài người với nhau, một bên là các xã hội săn bắt - hái lượm xưa nhất, một bên khác là các xã hội trồng trọt - chăn nuôi gần đây nhất. Việc chuyển từ kiểu xã hội này sang kiểu xã hội kia được đặt tên là “cuộc cách mạng đá mới”. Đối với các nhà nhân học, đó là giai đoạn chủ yếu trong lịch sử loài người, vì nó đánh dấu một sự gia tốc mãnh liệt của sự tiến hóa văn hóa. Cuộc cách mạng ấy xảy ra mới đây, vì con người đã từng trải qua hơn 99% thời gian lịch sử của nó bằng hái lượm, săn bắt và đánh cá. Trong một công trình đáng được coi như một cột mốc, A. Testart (1983) đã chấm dứt hẳn cách nhìn đơn giản ấy. Ông chỉ ra rằng việc chuyển từ kiểu xã hội này sang kiểu xã hội kia phức tạp hơn nhiều so với điều người ta tưởng, và nhất là ông đã chứng minh rằng sự biến đổi văn hóa to lớn không phải là việc phát minh ra nông nghiệp và chăn nuôi, mà là việc phát minh ra những phương pháp bảo quản và tích trữ các nguồn thực phẩm để có được một sự ổn định ở mức tối thiểu; vì một số người săn bắt - hái lượm có khả năng tích trữ thức ăn đã sống định cư (…)
Không có sự chuyển tiếp đột ngột từ xã hội này sang xã hội kia; người ta đã thấy được những hình thức văn hóa chuyển tiếp có thể gọi là “tiền nông nghiệp” và “tiền chăn nuôi” trong những thời tiền sử và cả ở thời đại hiện nay. Trên thực tế, người đã biết tới những khâu trung gian, mà tôi có thể nói theo lối ẩn dụ như những khâu nằm giữa động vật hoang dã và động vật nuôi trong nhà, giữa những thứ hạt hoang dại được hái về rất nhiều và những thứ ngũ cốc được trồng; chưa nói rằng tất cả các xã hội săn bắt - hái lượm đã nuôi gia súc như tuần lộc, ngựa và chó. Cuối cùng, sự ra đời của nông nghiệp và chăn nuôi đã không làm mất đi nhanh chóng việc khai thác các nguồn thực phẩm hoang dã. Như vậy, sự khác nhau căn bản không phải là giữa những người săn bắt - hái lượm và những người trồng trọt - chăn nuôi, mà là giữa những người săn bắt - hái lượm du cư và những người săn bắt - hái lượm định cư và biết tích trữ.
(…)
(…)
(…)
Về mặt lịch sử, có lẽ phải coi việc đánh cá và hái lượm các thứ hạt và quả có vỏ cứng (hồ đào, quả sồi…) làm nguồn tích trữ thức ăn, mà không phải là săn bắt vì những kết quả của nó rất mau hỏng và khó bảo quản. Nghề đánh cá chắc hẳn đã tồn tại trong mọi thời đại, nhưng những nền kinh tế chỉ dựa vào nó thì khá lâu về sau mới có. Tuy nhiên, vào thời giáp ranh giữa Đá cũ và Đá giữa, có lẽ vào khoảng 10.000 năm trước kỷ nguyên chúng ta, đã xuất hiện những xã hội ven biển của những người đánh cá, và có thể là chúng đã hoàn chỉnh được những phương pháp bảo quản cá bằng cách phơi khô, nếu không phải là hun khói. Còn việc hái lượm những hạt hoang dại, thì nó được xác nhận qua những thớt cối xay có cách đây từ 20.000 đến 50.000 năm và những lưỡi hái bằng silex có cách đây 13.000 năm ở Nubie.
Vì thế, cần phải nói tới “cuộc cách mạng Đá giữa” như Testart đề nghị, mà không phải là cuộc cách mạng Đá mới. Vào thời ấy, đã thực sự xuất hiện những xu hướng định cư. Đối với một số người, những xu hướng này xuất hiện trước đó nữa. Dù sao, vào thời Đá giữa mới thấy xuất hiện việc nuôi chó nhà và việc chế tạo cung tên. Thức ăn trở nên đa dạng hơn, công cụ tốt hơn, nhiều hơn và chuyên hơn. Có lẽ đó chính là lúc bắt đầu có những tập quán tích trữ thức ăn, cùng một thời với sự bành trướng nhân khẩu rất rõ. Tất cả những đảo lộn ấy xảy ra vào lúc Trái đất vẫn còn trải qua kỳ băng hà cuối cùng. Đồng thời, từ 8000 năm đến 10.000 năm trước Jésus - Christ (TCN), ở Cận đông đã xuất hiện những làng đầu tiên, những làng có “diện mạo natoufien”, đó là những bằng chứng đầu tiên không thể chối cãi được về sự định cư có trước nông nghiệp và chăn nuôi; cũng như về những bất bình đẳng xã hội mà các mô tả cho thấy rõ.
Bước ngoặt văn hóa vĩ đại trong lịch sử loài người, như vậy, là “hệ thống kỹ thuật - kinh tế dựa trên tích trữ thực phẩm”. Nó bắt đầu bằng việc buộc phải định cư và định cư có thể thực hiện được khi đã có một xã hội thu hoạch được nhiều nguồn lương thực theo thời vụ, đủ để thành thức ăn cơ sở và tích trữ những nguồn lương thực này ở qui mô lớn; dù xã hội đó có hoạt động nông nghiệp và chăn nuôi hay không. Vậy là định cư chính là điều kiện tiền đề cho sự tích lũy của cải vật chất.”
Nếu xu hướng của vận động là tiến tới cân bằng thì xu hướng của sự sống là tiến tới định cư. Tuy nhiên không thể có cân bằng tuyệt đối và như vậy, cũng không có định cư tuyệt đối. Trong cực tĩnh vẫn có động và trong cực động vẫn có tĩnh; trong âm có dương và trong dương có âm; đó phải chăng là qui luật tổng quát của Tự Nhiên để đảm bảo Tồn Tại (nhưng cũng có thể là chỉ là một hiện tượng tương đối phổ biến!!!). Trong du cư luôn hiển hiện định cư và trong định cư luôn thấp thoáng hình dáng của du cư. Nhưng nếu được chọn một trong hai lối sống ấy thì chúng ta tin rằng sự sống sẽ chọn định cư.
Những chất tiền đề làm nên sự sống hay tạm gọi là mầm mống của sự sống có thể được tổng hợp ở bất cứ đâu trên trái đất hay thậm chí là ở “rìa” Vũ Trụ, cũng có thể có những dạng sự sống sơ khai tương tựa như đơn bào, trong một điều kiện thích hợp của một môi trường có tính cục bộ, “thoáng qua” nào đấy, xuất hiện rồi biến đi, “không kịp sinh sản” hoặc sự sinh sản chỉ duy trì được qua vài ba thế hệ và gọi tạm là sự sống không sinh sản.Dạng sự sống này nếu gặp điều kiện mới thuận lợi cũng có thể trở thành nguồn gốc của sự sống phát triển ở đâu đó trong Vũ Trụ.
Nói như thế vì chúng ta không tin một cách cực đoan rằng chỉ có duy nhất một hình thức sự sống như ở Trái Đất. Chúng ta tin điều này: sự sống xuất hiện là tự nhiên, là tuân theo nguyên lý Tự Nhiên, là hợp Đạo lý, là chẳng có điều gì đặc biệt, thần bí hay kỳ diệu cả. Thế nhưng sự sống lại vẫn cứ là kỳ diệu! Sự xuất hiện tư duy trừu tượng đã làm nó trở nên huyền linh!
Vậy sự sống là gì? Muốn trả lời được câu hỏi đó, phải đặt nó vào trong một phạm vi qui ước nhất định, nếu không, sẽ xảy ra một cuộc “cãi vã” vĩ đại, vừa uyên bác thâm sâu, vừa ngớ ngẩn mù tịt. Người ta thường phân biệt sự sống với “sự không sống” nhờ ở tính sinh sản của nó mà hình thức sinh sản nguyên thủy, có tính nền tảng, cơ bản là sự phân bào: từ một cá thể phân đôi thành hai cá thể giống hệt nhau (nhưng không phải là không phân biệt được!). Nếu tính tự phân đôi đơn thuần như thế được cho là biểu hiện của sự sống thì cũng có thể cho rằng nhiễm sắc thể và cả những thể ở tầng dưới nữa cũng “sống”. Không những thế, một giọt nước cũng có vẻ như là một cơ thể sống vì trong những điều kiện phù hợp nó cũng “phát triển” và phân đôi thành hai giọt nước giống hệt nhau. Nhưng ai mà tin được giọt nước là sự sống? Hay là sự sống và sự không sống đều có tính phân đôi nhưng trong khi sự không sống “bị” phân đôi thì sự sống “tự” phân đôi? Tự thân vận động hay tự phân đôi xét cho cùng chỉ là qui ước, mang tính qui ước. Không có môi trường để trao đổi và tích tụ dưỡng chất thì “đố” tế bào tự phân đôi được đấy?!... Suy nghĩ quẩn quanh mãi như thế một hồi, nhất là trong trạng thái đã “nạp” vài ba ly rượu, chúng ta sẽ đi đến một “khám phá” đầy tự hào: sự sống là tồn tại và Tồn Tại là sự sống phi thường nhất mà chúng ta vẫn thường gọi theo cái tên khác, thiêng liêng hơn nhiều: Tự Nhiên!

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét