Thứ Ba, 22 tháng 9, 2020

TT & HĐ II - 17/m

                                       Chùa Một Cột (Diên Hựu tự) - thông điệp từ quá khứ


PHẦN II: Nền tảng

" Triết học bắt đầu từ sự ngạc nhiên"
Arixtốt


“Chúng ta có thể mường tượng thế giới của thực tại như là một dòng nước ngầm; thế giới hiện tượng thì ở bề mặt; bên dưới nó chúng ta không nhìn thấy được. Các sự kiện ở tận đáy của dòng nước gây ra bọt và những xoáy nước ở bề mặt. Đó là những chuyển động bức xạ và năng lượng của cuộc sống chung của chúng ta, nó tác động tới các giác quan và do đó, kích thích trí óc chúng ta; ở bên dưới, dòng nước ngầm vẫn chảy”
(Sir James Jeans.)

“Triết học chân chính chỉ là triết học truyền đạt chính xác nhất tiếng nói của bản thân thế giới và được viết dưới những sự chỉ dẫn của thế giới” 
(Ph. Bêcơn)

“Tất cả mọi khoa học cần thiết hơn triết học, nhưng không một khoa học nào tốt hơn nó” 
(Arixtốt)

CHƯƠNG VI: QUI CĂN

"Hạnh phúc sinh ra trong đau khổ, đau khổ giấu mình trong hạnh phúc."
(Lão Tử)

"Phàm làm việc gì, làm điều gì, xử lý cái gì… cũng nên có giới hạn, vì “Vật cùng tắc biến”: đẩy sự vật đi đến đường cùng thì thế nào nó cũng biến hóa lại khác trước, có khi còn ngược lại với trước nữa. “Vật cực tắc phản”: đẩy sự việc đi đến cùng cực thì chắc chắn sẽ phản lại ngay. Quy luật là thế thôi."
(Lão Tử)

“Không có cái không phải là ta thì không có ta. Nhưng không có ta thì không thể hiện được sự biến hóa của tự nhiên. Như vậy, ta với tự nhiên thật mật thiết với nhau. Nhưng không ai biết được chủ tể của vũ trụ là gì”.
(Trang Tử)

“Cái mà thời trước người ta dùng thì có thể ngày nay bỏ đi; cái ngày nay bỏ đi thì có thể sau này sẽ dùng, dùng hay bỏ; điều đó không quyết định được là phải hay trái”.
(Liệt tử)


 

 

(Tiếp theo)

***
Vẫn chưa ổn! Chúng ta có cảm giác như đã nuốt xong một miếng thịt gà nhưng bị mắc một mẩu xương trong họng.
Nói Hà Đồ là “bảng cửu chương” của thời tối cổ, nghe ra cũng dễ tin; nói Hà Đồ là thủy tổ của bàn tính Trung Hoa; kể cũng tin được nhưng gượng ép; còn nói Hà Đồ ra đời ở đầu nhà Chu thì thật là đáng nghi; và cuối cùng, nói Hà Đồ có nguồn gốc từ Lạc Thư thì e rằng mọi người sẽ lắc đầu nguầy nguậy, ghép chúng ta vào tội… “bố láo,bố toét”. Nhưng…?!
Đã là suy đoán thì không nên chắc chắn vì có thể đúng mà cũng có thể sai. Chúng ta thổ lộ ý kiến riêng của mình không phải để đi giành giật chân lý mà là muốn góp phần tìm ra chân lý với một tinh thần vui vẻ và một tâm hồn không gợn hư danh; đồng thời tin vào bản chất cao thượng của “tự do ngôn luận”, tin rằng cái thời đấu tố đầy đau thương qua lâu rồi và không bao giờ trở lại nữa.
Thật khó mà bảo lưu nhận định của chúng ta về sự ra đời cũng như nguồn gốc Hà Đồ, khi nó hoàn toàn đi ngược với quan niệm truyền thống, cho rằng Hà Đồ, Lạc Thư đều có trước đời Thương, hơn nữa Hà đồ có trước rồi mới đến Lạc Thư (chúng ta đã đề cập tới điều này). Có thuyết cho rằng Hà Đồ xuất hiện lần đầu tiên ở đời Phục Hi, còn Lạc Thư thì mãi khoảng một hai ngàn năm sau mới xuất hiện. Vào thời nhà Hạ, vua Vũ, trong khi trị thủy thấy một con rùa thần nổi lên trên sông Lạc, trên lưng hiện ra Lạc thư.
Ngoài thuyết đó, còn có thuyết (của Du Diễn đời Tống) cho rằng Hà Đồ và Lạc Thư cùng xuất hiện ở đời Phục Hi. Phục Hi dựa vào đó mà làm ra bát quái.
Nếu tin rằng “chữ giống hình con nòng nọc” khắc trên mai con rùa được “người Việt Thường” dâng cho vua Nghiêu, như sử sách Trung Hoa đã chép, chính là Lạc Thư thì coi như đó là một thuyết nữa nói về thời điểm xuất hiện đầu tiên của Lạc Thư.
Đã là truyền thuyết thì phải mang tính hoang đường nhưng không phải là không có một phần sự thật. Trong những thuyết vừa nhắc qua ở trên, thuyết nào chứa đựng nhiều sự thật nhất? Thuyết cuối cùng gây cho chúng ta một ấn tượng rất mạnh. Sự dâng, cống của nước nhỏ cho nước lớn, thời xưa, là chuyện thường tình, chuyện hàng năm. Cũng có khi hành động đó chỉ đơn thuần là bày tỏ tình hữu hảo trong quan hệ giao thương mà thôi. Chỉ khi những lần dâng hiến, cống nạp trở thành sự kiện độc đáo, đặc biệt mới được lưu truyền (trong thời phương tiện ghi chép còn nhiều khó khăn, chữ viết còn chưa hoàn thiện, nặng tính đồ họa) để sau này mới ghi vào sử xanh. Vậy, việc người Việt Thường dâng cống rùa cho vua Nghiêu phải là một sự kiện nổi tiếng của một thời, mang một ý nghĩa sâu sắc nào đó. Nhưng vì cái gì? Vì con rùa lớn khác thường chăng? Không phải! Một “thước” thời cổ bằng khoảng một gang tay thì “vuông non ba thước” chỉ khoảng 6 tấc ngày nay (60 cm). Con rùa to cỡ đó đâu phải là “lớn”! Có lẽ vì điều này: “Những “chữ giống hình con nòng nọc” khắc trên mai rùa, “ghi chuyện khi mở trời đất”. Nhưng rùa đó có sống nổi không khi bị khắc chữ trên mai? Chúng ta tưởng tượng: đó là một “hộp” đá tạc hình rùa, trên mai (và cả yếm nữa) được chạm trổ khéo léo những dấu tròn nổi và những gạch nối được khắc chìm (giống con nòng nọc!). Hình tượng dưới yếm thể hiện Vũ Trụ lúc hỗn mang; hình tượng trên mai biểu hiện Vũ Trụ đã phân định ra Trời, Đất. Hơn nữa, nếu mở hộp đá ra có thể bên trong còn chứa một viên ngọc bích tuyệt đẹp. Hộp đá đó, vừa chứa đựng ngọc quý, vừa chứa đựng phép đếm và tính toán theo đơn vị ngón tay trên cơ sở “hệ đếm” hai bàn tay, vừa chứa đựng một “câu chuyện” kỳ lạ về thuở “khai thiên lập địa” thì nó phải là một báu vật”.
Có thể ở thời cổ xưa, tổ tiên của chúng ta, nếu gọi theo tên nước thì là người Việt Thường, nếu gọi theo tên tộc thì là người Lạc Việt. Do vậy, pho sách quí bằng đá của người Lạc Việt dùng tặng cho vua Nghiêu được gọi là Lạc Thư.
Chúng ta tin điều trên hơn tin chuyện sông Hoàng Hà xuất hiện Long mã biếu Hà Đồ, sông Lạc (là nhánh của sông Hoàng Hà) nổi lên con rùa thần cống Lạc Thư. Thêm nữa, hình tượng Hà Đồ và Lạc Thư được thể hiện theo cách giống nhau: bằng những nhóm chấm tròn có số lượng giống nhau, đặt đối ứng nhau qua nhóm trung tâm là năm chấm tròn, thì sao cái gọi là “thư”, cái gọi là “đồ”. Sao không gọi là Hoàng Đồ - Lạc Đồ hay Hoàng Thư - Lạc Thư?
Chính vì sự giống nhau ấy mà chúng ta cho rằng giữa Hà Đồ và Lạc Thư phải có mối quan hệ kế thừa của nhau: cái này là tiền thân của cái kia hoặc ngược lại. Và như thế, nếu Lạc Thư ra đời ở nước Việt Thường thì Hà Đồ không thể ra đời bởi Phục Hi được vì chúng phải nằm trong một quá trình tư duy nhận thức nhất quán và tương đối “gần” nhau. Còn nếu muốn điều đó xảy ra với niềm tin Lạc Thư là của Lạc việt thì truyền thuyết về những huyền thoại: Bàn Cổ, Tam Hoàng, Phục Hi, Thần Nông (của dân tộc Trung Hoa), thần thoại bà Nữ Oa (chuyện “Nữ Oa vá trời”) của Trung Quốc và ông Đùng (chuyện “Thần trụ trời”) của Việt Nam phải là những sự tích chung của một giai đoạn cổ sử duy nhất của hai dân tộc Việt - Hoa. Về sau mới có sự phân ly thành hai dòng lịch sử độc lập và có thể giả định điều đó xảy ra vào suốt nửa đầu thời Hoàng Đế. Do nhiều nguyên nhân mà nguyên nhân chính, cơ bản là sự tăng trưởng đột biến về dân số làm cho sự dồi dào lương thực nhờ thời Thần Nông đem lại không còn nữa. Đói kém xuất hiện và trở thành nạn, làm nên loạn lạc, chiến tranh. Tình hình đó đã tạo ra những làn sóng du cư ồ ạt lên bắc (dọc theo sông Hoàng Hà, Dương Tử về phía thượng lưu), xuống nam (xuôi thuyền theo dọc bờ biển về phía Đông Nam Á). Tộc người Lạc Việt hình thành từ đó.
Còn một khả năng nữa là con rùa được dâng cho vua Nghiêu chỉ khắc một hình tượng trên mai thôi và đó là Hà Đồ. Trên cơ sở ấy mà đến thời nhà Hạ, vua Vũ đã suy diễn ra Lạc Thư. Nhưng sao không gọi hình tượng trên lưng rùa là Lạc Thư và hình tượng suy diễn ra của vua Vũ là Hà Đồ cho “thuận” với sự việc lịch sử hơn mà phải gọi ngược thế? Thái Nguyên Định (thời Nam Tống) là người nêu ý kiến rằng đã có sự lẫn lộn trong việc gọi tên hai hình tượng đó và cần phải sửa lại; gọi Hà Đồ là Lạc Thư và Lạc Thư là Hà Đồ mới đúng. Ý kiến nhận định đó được đưa ra trên cơ sở nào, đủ tin cậy không?
Vậy thì cái Lạc Thư ra đời thời nhà Hạ (nếu có như thế) là cái nào trong hai hình tượng Đồ - Thư của Khổng An Quốc (xem hình 17)? Vì chúng ta đã kết luận rằng trong hai cái đó, phải có một cái là tiền thân và cái kia là hậu bối nên cần phải xác định cho dứt khoát vai trò của từng cái. Nếu cho rằng Lạc Thư của Khổng An Quốc là tiền bối của Hà Đồ của ông ta thì từ đâu nó lại có cách sắp xếp có vẻ mất trật tự, không theo một nguyên tắc gọi là có nguồn gốc thực tiễn nào cả như thế để rồi “vô tình” mà lại đúng cách xếp của một ma phương chỉ để “ngạc nhiên cho vui” chứ chẳng có ích lợi gì cho cuộc sống hàng ngày; chẳng vì mục đích “sát sườn” nào? Mọi kết quả đều phải có nguyên nhân! Lạc Thư của Khổng An Quốc cũng vậy thôi! Rồi từ suy diễn nào để cái Lạc Thư ấy được sắp xếp điều chỉnh thành Hà Đồ của Khổng An Quốc? Chúng ta đã cố dương “mắt ếch” ra xăm soi mà cũng không thấy được một nguyên tắc giản dị, hợp lý, khả dĩ nào cả.
Như chúng ta đã lý giải, sự hình thành nên Hà Đồ của Khổng An Quốc là do nhu cầu về sự đếm, về sự tính toán xác định số lượng trong quá trình trồng trọt chăn nuôi, phân phối và trao đổi sản phẩm của cả một thời kỳ lịch sử. Sự xuất hiện cái Hà Đồ ấy vì thế cũng rất hồn nhiên, giản dị như “lẽ đời” là thế và chẳng có gì phải ầm ĩ. (Nếu bàn tay con người có 6 ngón thì sự thể sẽ khác đi, nhưng vẫn xuất hiện Hà Đồ. Có điều Hà Đồ này có nhóm trung tâm là 6 đơn vị. Từ đó sẽ không thể dùng Hà Đồ kiểu này để “chứng minh” cho những quan niệm âm dương, lưỡng nghi, tứ tượng, bát quái… đối với sinh thành biến hóa vũ trụ của triết học được nữa. Thậm chí nó có thể đưa đến một quan niệm mới, “sặc mùi” toán học (?) về Vũ Trụ. Lúc đó bàn tay 6 ngón mới là chuẩn chứ không phải bàn tay 5 ngón! Tự Nhiên Tồn Tại thật là linh diệu đến lạ thường!). Điều quan trọng nữa là từ cái Hà Đồ này và nhất là từ Hà Đồ hình 23/a, chúng ta có cảm giác dễ dàng suy ra một qui tắc chuyển hóa nó thành Lạc Thư của Khổng An Quốc. Và chính điều này cùng với việc cho rằng Lạc Thư có trước Hà Đồ đã đưa Thái Nguyên Định đến ý kiến đòi đổi lại cách gọi (mà chúng ta cho là sai lầm!) đối với Đồ - Thư chăng?
Nói ra như thế để chúng ta yên lòng quay về quan niệm mà chúng ta đã đề xuất (để tự thỏa mãn niềm tin của bản thân mình thôi!): Hà Đồ ra đời từ yêu cầu của cuộc sống! Chức năng ban đầu của nó là phục vụ cho quá trình đếm, tính toán và ghi nhớ, thay cho 10 ngón tay của hai bàn tay. Vì nó xuất hiện từ thực tiễn nhận thức của con người trước thiên nhiên và phù hợp hoàn toàn với thiên nhiên đó nên nhờ vào đặc tính tương tự của Tự Nhiên (Sự đa dạng xuất phát từ nền tảng duy nhất!), nên nó (và toán học nói chung) cũng phản ánh những thể hiện của thực tại khách quan, của cái môi trường mà nó hiện hữu trong đó, và đồng thời cũng bảo lưu trong lòng nó, trong một chừng mực nhất định những qui luật vận động, biến hóa cốt lõi nhất của mọi sự vật - hiện tượng. Quan sát trực giác và suy tư theo những hướng khác, con người cổ đại, đã đạt được những kết quả nhận thức đúng đắn ban đầu về sự vận hành, biến hóa của tự nhiên và phát hiện được rằng những kết quả nhận thức ấy cũng được Hà Đồ “mô tả một cách hoàn hảo”; vừa sinh động vừa trực quan. Đến đây Hà Đồ có thêm chức năng minh xác, diễn giải những ý niệm triết học đương thời. Các bậc hiền triết cổ đại đã dựa vào nó, rút từ nó ra những ý niệm mới, rồi lại thổi hồn vào nó, suy diễn ra hình tượng thứ hai gọi là Lạc Thư và lấy Đồ - Thư làm nguồn cảm hứng để giải thích quá trình “Khai thiên lập địa”, sự vận hành, biến hóa của thiên nhiên (người Lạc Việt), làm cội nguồn xuất phát của các triết thuyết âm dương, lưỡng nghi, bát quái, ngũ hành… (người Hoa Hạ).
Cũng vì vậy mà có thể thấy hình tượng Lạc Thư không thể hiện được tính ứng dụng toán học của nó mà chỉ mang nặng ý nghĩa triết học.
Khởi kỳ thủy, Đồ - Thư không có tên gọi riêng, chúng đơn thuần chỉ là hai “trang sách” của một cuốn “sách đá” mang tượng rùa của người Lạc Việt. Cuốn sách đó trở thành bất hủ dưới cái tên Lạc Thư (sách của người Lạc Việt) và dưới góc độ là một hộp đá được đẽo, khắc, chạm trổ công phu điêu luyện có chứa ngọc bích quí giá bên trong, nó trở thành một báu vật có một không hai.
Rất lâu về sau, một trong hai hình tượng đó (cái thể hiện “lồ lộ” ra bản chất toán học của nó) được “trưng dụng” để sáng tạo ra bàn tính. Tên gọi đầu tiên của bàn tính chính là Hà Đồ và như vậy cái hình tượng còn lại “chịu trách nhiệm” gánh vác cái tên chung của một thời vang bóng: Lạc Thư. Tên gọi Hà Đồ có thể xuất hiện vào đời Thương nhưng “hay hơn” là vào đầu đời Chu, nhưng xét ra thì cũng chẳng quan trọng gì đối với chúng ta nữa!
Nhưng vì sao khi đã sáng tạo được hai hình tượng Đồ - Thư rồi, đã có một triết thuyết về Trời Đất rồi, người Lạc Việt lại có vẻ như chựng lại, không có bước phát triển triết học tiếp theo như bên Trung Quốc cổ đại? Có thể rằng tổ tiên chúng ta đã phát triển nhận thức triết học theo hướng khác, có cốt lõi tương tự nhưng có nhiều nét khác biệt đặc thù, phù hợp với trời đất, xứ sở quê hương, hoặc có thể hướng khác ấy đã lầm lạc dẫn đến bế tắc và phải tiếp thu lại thành quả triết học từ Trung Hoa (lúc đó đã thể hiện nhiều quan niệm hợp lý, đúng đắn hơn). Lịch sử thế giới đã để lại không hiếm trường hợp như vậy. Chẳng hạn nền khoa học kỹ thuật phương Đông một thời rực rỡ rồi chựng lại, nhường chỗ cho phương Tây. Phương Tây ban đầu học hỏi, kế thừa phương Đông và với năng lực sáng tạo của mình đã tạo dựng nên một nền khoa học - kỹ thuật thật sự vĩ đại và đến lượt phương Đông phải học hỏi, tiếp thu. Thuận lẽ tự nhiên là như thế và cũng sẽ thuận lẽ tự nhiên: khi trình độ thông tin và lưu thông đạt đến đỉnh cao thì mọi phân định về vùng, lãnh thổ và thậm chí là ranh giới giữa các quốc gia sẽ trở nên mờ nhạt, con người bỗng gần gũi nhau hơn bao giờ hết. Nhưng trước hết phải xóa được lòng tham ích kỷ, tính trịch thượng hiếu chiến, và sự đố kỵ hận thù sắc tộc đi cái đã!
Cần nói thêm rằng lịch sử của dân tộc Việt Nam là lịch sử phải chịu biết bao nhiêu cuộc xâm lăng của phong kiến phương bắc và gần đây là cả ở những phương khác nữa. Sự đô hộ tàn nhẫn của ngoại bang cũng là một nguyên nhân làm mất đi rất nhiều dấu tích về thành tựu văn hóa của đất nước. Tuy nhiên trí tuệ xuất sắc của một thời ông cha chúng ta vẫn còn được lưu giữ tiềm tàng ở không ít những di tích bên đất nước Trung Hoa rộng lớn. Với một lịch sử mà khoảng phân nửa thời gian dành cho những cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm thì việc trên đất nước ta không có được những công trình đồ sộ như đền Ăngco (Campuchia), Kim Tự Tháp (Ai Cập)… là điều dĩ nhiên. Có lần, chúng ta đùa với nhau rằng: ông cha đã vì đánh giặc mà không còn đủ nhân tài, vật lực và thời gian nên xây dựng ngôi chùa chỉ tọa lạc trên… một cột (Chùa Một Cột). Hay thật đấy!
Không tạo dựng được những công trình kiến trúc hoành tráng, choáng ngợp để hậu thế được dịp “khoe” với năm châu bốn biển, nhưng đổi lại, tổ tiên ông cha ta đã làm nên những chiến tích vô cùng hiển hách, lẫy lừng; với một giang sơn không rộng, người không đông mà đánh tan được nhiều lực lượng xâm lược hùng mạnh, trong đó có những lực lượng hùng mạnh bậc nhất nhì thế giới đương thời, bảo toàn được đất nước, giống nòi đến ngày nay. Có thể coi những chiến công đó là những kiệt tác, những tượng đài kỳ vĩ mà tổ tiên ông cha ta buộc phải kiến tạo và đã kiến tạo được. Những chiến công ấy mang tính chính nghĩa cao độ, hơn hẳn những kiến trúc nhân tạo tốn khổng lồ máu xương phục vụ cho quyền lợi “vớ vẩn” , mù quáng của lũ đế vương đâu đó. Chúng ta có quyền tự hào và đừng quên niềm tự hào ấy trong suốt cuộc đời mình. Nhưng niềm tự hào ấy có được cũng là nhờ sự trả giá của biết bao nhiêu máu xương con người nên chúng ta tự hào thế là đủ, và không cần thêm một tự hào nào như thế nữa. Chúng ta hãy cầu nguyện cho quốc thái, dân an, thiên hạ thịnh bình! Và chúng ta, lũ con cháu hậu duệ ngày nay, trong sâu thẳm tiềm thức của mình, cảm thấy có lỗi với tổ tiên, khi mới "nứt mắt" ra, mới được hưởng thái bình một tý, đã vội tìm cách "mở mày mở mặt" với thiên hạ không phải bằng cách sáng tạo ra những công trình ý nghĩa, phục vụ cho sự phát triển của khoa học nhân loại, góp phần vào nhận thức đúng đắn thế giới, hoặc làm cho ngày càng dân giàu nước mạnh, mà bằng cách tốn biết bao nhiêu sức người sức của vào việc bồi đắp nên những công trình mang danh "kỷ lục" này nọ nhưng vô bổ, chỉ thấy xót xa hơn tự hào, vẽ vời nên những tượng đài vĩ đại, đồ sộ nhưng trơ trọi dưới nắng mưa và...vô dụng, không cảm giác được niềm vinh quang dân tộc mà chỉ thấy sự phù phiếm của tệ sùng bái cá nhân một thời và nỗi cô đơn như "...những tượng đồng phơi những lối mòn".
***
Hình tượng Hà Đồ - Lạc Thư là nhân tạo nhưng cũng có vẻ “thiên tạo”. Chúng trông như những thực thể sống động thực sự vì có cái trung tâm (điểm trọng tâm) tạo thế cân bằng cho một chuyển hóa không ngừng của nội tại. Tất nhiên là từ sự đếm và sự quan sát tính chu chuyển cân bằng của bốn mùa, trời đất mà hình thành nên những tập hợp các chấm và cách bài bố của Đồ - Thư. Nhưng hình thể con rùa cũng gợi ra những ý tưởng góp phần làm nên hình tượng của chúng. Nếu chịu khó quan sát kỹ, tận mắt một con rùa, chúng ta sẽ ngạc nhiên về sự “hao hao” giữa nó với Đồ - Thư và hình thể trời - đất. Phải chăng yếm rùa gợi ý sắp Hà Đồ theo hình vuông và cả con rùa gợi ý cho cách vẽ Lạc Thư. Quan niệm trời tròn đất vuông phải chăng là lấy từ “vóc dáng” con rùa: dưới là đất vuông như yếm rùa, trên là trời cong tròn úp xuống như mai rùa mà giữa trời và đất là sinh linh (thân rùa)?
Người Lạc Việt coi rùa như một linh vật, nâng rùa lên đến hàng ngũ các vị thần là từ những quan niệm nói trên chăng? Truyền thuyết rùa thần dâng Lạc Thư cũng từ đó mà ra chăng? Con rùa thần ấy tồn tại rất lâu trong tâm trí người Việt và đã từng xuất hiện thêm ít nhất là hai lần nữa, trong sự tích xây thành Cổ Loa và sự tích Hồ Hoàn Kiếm.
Người Việt Thường khi dâng rùa cho vua Nghiêu đã diễn giải nội dung của Lạc Thư và vua Nghiêu “qua hai, ba lần phiên dịch” mới sai người chép lấy và “gọi là Qui dịch”. “Qui dịch” ở đây có phải là khởi nguồn của thiên cổ kỳ thư Kinh dịch? Từ Qui dịch mà hình thành nên hai “sách” dịch là Qui tàng dịch, lấy hình tượng Hà Đồ làm cơ sở để xem xét diễn giải sự vận động, biến hóa, xoay vần của sự vật hiện tượng xảy ra trên mặt đất, và Liên Sơn dịch (xuất hiện vào thời nhà Hạ?), lấy hình tượng Lạc Thư làm cơ sở để nói về những hiện tượng thiên văn, về các sao chu chuyển trên bầu trời?
Rất có thể từ hình tượng Lạc Thư mà Văn Vương, Chu Công đã phát kiến ra bát quái. Sự kiện đó, cùng với những quan niệm mới, sâu rộng hơn về tự nhiên cũng như xã hội mà Qui tàng dịch và Liên sơn dịch dần dần được hợp nhất lại, điều chỉnh, bổ sung thêm mà thành ra Kinh dịch (vì ra đời ở thời Chu nên người ta còn gọi là Chu dịch).
Như vậy, chúng ta tạm kết luận rằng: Qui dịch là bản “dịch” của Lạc Thư, diễn giải nguyên lý sinh thành, biến hóa của vạn vật hiện tượng trong Vũ Trụ dựa vào hai hình tượng mà sau này được gọi là Hà Đồ, Lạc Thư. Nhờ chứa đựng những yếu tố hợp lý mà Qui dịch được nhanh chóng tiếp thu; trở thành cơ sở lý luận đầu tiên trong việc nhận thức thế giới khách quan của người Trung Hoa thời cổ sử. Cái cơ sở lý luận ban đầu ấy chuyển hóa, phát triển ngày một sâu sắc; phong phú hơn trong suốt chiều dài lịch sử, qua các thời Nghiêu, Thuấn, Hạ, Thương và đầu Chu. Điều hoàn toàn tự nhiên là từ Qui dịch, qua tiến trình ấy, đã phân thành những nhánh khác biệt tương đối so với nhau mà nguyên nhân là do sự phát triển nhận thức của mỗi người không còn nhất quán, không cùng chiều hướng so với nhau; là do yêu cầu khách quan khi tiến hành lý giải, nhận thức những lĩnh vực khác nhau, có tính đặc thù của tự nhiên. Có nhánh chuyên chú tâm vào thiên văn, tượng trời; có nhánh quay sang xã hội, con người; có nhánh “suy tư” trên sự chu chuyển của bốn mùa, mưa nắng; có nhánh đi theo hướng thuật số, bói toán (phán đoán, dự báo)… Tuy nhiên, tất cả các nhánh ấy, dù có nhiều sai biệt so với nhau và với nguồn gốc đến mấy chăng nữa thì vẫn phải lưu giữ được những quan niệm hợp lý, có tính nguyên lý tổng quát về tự nhiên của thuở ban đầu để làm nền tảng cho mình. Cái nguyên lý tổng quát ấy không biết từ đâu mà ra, không thể nắm bắt được, nhưng lại là một hiển nhiên, không thể phản bác được, không thể chối bỏ được, vì chối bỏ nó thì ngay lập tức không giải thích thỏa đáng được những hiện tượng xảy ra trong tự nhiên. Thế rồi phải đặt cho nó một cái tên, gắn cho nó một nhãn mác (điều này làm được!) để mà gọi, dù rằng không thể định nghĩa chính xác được nó vì nó có vẻ như là tất cả mà cũng không phải là cái gì cả. Có lẽ Lão Tử là người đầu tiên thấy được điều đó, đã hiểu được điều đó, đã đúc kết, kế thừa và nâng nó lên thành một biểu tượng không thể thấy được mà bàng bạc hiện ra ở khắp nơi, vừa có tính thực thể, vừa chỉ như nguyên lý, vừa là thế mà cũng không phải là thế, không biết gọi thế nào cho phải, vì gọi thế nào cũng không thỏa đáng, đành tạm gọi tên nó là “Đạo” vậy! Xây dựng được một biểu tượng phi thường như thế, đưa ra một khái niệm vượt ra ngoài tầm khả năng nhận thức đương thời (thậm chí là cả ngày nay!) như thế, thì quả thực, chỉ với ngần ấy thôi, phải bái Lão Tử thành đệ nhất thánh triết phương Đông!

(Hết chương XVII)
-----------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét