Thứ Tư, 30 tháng 9, 2020

TT & HĐ II - 18/h

                                        

                                                              Bầu Trời Và Mặt Đất 


PHẦN II:     Nền tảng


" Triết học bắt đầu từ sự ngạc nhiên"
Arixtốt

“Chúng ta có thể mường tượng thế giới của thực tại như là một dòng nước ngầm; thế giới hiện tượng thì ở bề mặt; bên dưới nó chúng ta không nhìn thấy được. Các sự kiện ở tận đáy của dòng nước gây ra bọt và những xoáy nước ở bề mặt. Đó là những chuyển động bức xạ và năng lượng của cuộc sống chung của chúng ta, nó tác động tới các giác quan và do đó, kích thích trí óc chúng ta; ở bên dưới, dòng nước ngầm vẫn chảy”
(Sir James Jeans.)
 
“Triết học chân chính chỉ là triết học truyền đạt chính xác nhất tiếng nói của bản thân thế giới và được viết dưới những sự chỉ dẫn của thế giới” 
(Ph.Bêcơn)

“Tất cả mọi khoa học cần thiết hơn triết học, nhưng không một khoa học nào tốt hơn nó” 
(Arixtốt)

CHƯƠNG VII: TIÊN NGHIỆM


Tình yêu không phải ở đôi má hồng của người thiếu nữ mà ở trong mắt của kẻ si tình.
Immanuel Kant

"Nếu bạn muốn thành công, phải lấy lòng kiên trì làm bạn tốt, lấy kinh nghiệm làm tham mưu, lấy cẩn thận làm anh em, lấy hy vọng làm lính gác" 

 Thomas Edison
“Chúng ta có thể hoặc dùng lý lẽ để hạ gục ý kiến của người khác hoặc cứ để họ phát biểu những gì họ muốn. Chúng ta không thể xóa bỏ ý kiến bằng vũ lực, làm như vậy sẽ cản trở sự phát triển tự do và trí tuệ.”
Che Guevara

“Một người nếu bắt đầu từ khẳng định, anh ta tất sẽ kết thúc trong nghi vấn, nhưng nếu anh ta bắt đầu từ nghi vấn, anh ta đương nhiên kết thúc bằng khẳng định”
Fracis Bacon

“Văn hóa chính là hiểu những lời hay nhất và những tư tưởng tốt đẹp nhất mà mọi người trên thế giới đã từng nói và từng suy nghĩ”
Arnold

"Người kinh nghiệm phong phú đọc sách dùng hai mắt, một con mắt nhìn lời trên tờ giấy, một con mắt nhìn mặt sau tờ giấy"
Goethe

"Chìa khóa mở mọi cánh cửa khoa học đều là dấu chấm hỏi; phần lớn những phát hiện vĩ đại của chúng ta đều vậy, mà trí tuệ của cuộc sống thường quyết định ở chỗ khi gặp việc gì thì hỏi câu hỏi tại sao"
Balzac

"Học vấn không có quê hương, nhưng người có học phải có tổ quốc"
L.Pasteur

“Bản tính của ta chỉ có thể có những trực giác khả giác thôi, nghĩa là theo cách ta bị sự vật tác động vào, còn khả năng suy tưởng những đối tượng của trực giác thì lại là công việc của trí năng. Trong hai đặc tính này của tâm trí ta, không cái nào được coi là trọng hơn cái kia. Không có cảm năng, thì không có một đối tượng nào sẽ được ban cho ta, và không có trí năng thì không một đối tượng nào sẽ được ta suy tưởng. Thiếu nội dung, các ý tưởng sẽ rỗng tuếch và thiếu quan niệm thì các trực giác sẽ mù tịt”.
I. Kant

“Bạn ơi, lý thuyết thì xám xịt, còn cây đời mãi mãi xanh tươi.” Wolfgang Goethe

 
 
 
 
 
(tiếp theo)

Kant là nhà khoa học xuất sắc trước khi là nhà triết học kiệt xuất. Do đó Kant không đến nỗi hời hợt để đi đến quan niệm sai lầm như thế. Chắc rằng Kant đã suy tư rất nhiều trước hiện tượng đó và một uyên bác suy tư thì không thể… “đùa” được. Vậy thì tại sao? Có lẽ tiến trình nhận thức là một tất yếu lịch sử và ở thời đại của mình, Kant đã phải “chấp nhận” lối tư duy siêu hình, cứng nhắc mà chính Kant đã “vô tình” cởi mở cho Hêghen sau này tìm cách “chối bỏ”. (Chúng ta cho rằng, dù có cố chối bỏ thì cũng không bao giờ chối bỏ hoàn toàn được tính siêu hình trong tư duy nhận thức. Khả năng trí tuệ của con người, hay bất cứ “con” nào trong Vũ Trụ, dù siêu việt đến mấy chăng nữa thì cũng không thể tư duy lý luận về thực tại mà không “mổ xẻ” nó ra từng bộ phận, không bắt nó “tạm dừng” chuyển hóa lại để mà suy xét từng khía cạnh trong nhiều khía cạnh, từng mối quan hệ trong tổng thể mối quan hệ tác động đan xen, đồng thời. Như thế, đã là siêu hình rồi! Còn nếu cho như thế là không mang tính siêu hình thì kể cũng lạ! Thậm chí phải cho rằng siêu hình là đặc tính bản chất của tư duy, có nguồn cơn ngay từ sự cảm giác, biểu tượng. Tuy nhiên, nên thấy rằng phép siêu hình là phương thức không thể chối bỏ của tư duy nhưng không phải là kết quả của tư duy. Khi nhận thức đã đạt được thành quả rồi thì phải “nhìn” thành quả ấy một cách biện chứng, nghĩa là cố gắng nhìn sự vật đã qua nhận thức như nó chưa từng được nhận thức! Làm như vậy rất có thể lại dẫn đến… mù tịt, nhưng là sự “mù tịt thần thánh”).
Nói Kant phạm sai lầm cơ bản ngay từ bước khởi đầu xây dựng học thuyết triết học của mình không phải là chê Kant. Đối với chúng ta Kant vẫn luôn là nhà triết học lỗi lạc, không có Kant thì không có Hêghen, không có Hêghen thì không thể có Mác được. Còn nếu không có Mác? Không có Mác thì thế kỷ XX đã “nát bét” bởi chủ nghĩa tư bản và đế quốc với bản tính tham lam, vị kỷ một cách mù quáng, thiếu tình người. Nhưng lý luận của Mác vẫn còn nhiều điều phải xét lại, chưa phải là cái đích cuối cùng của triết học…
Chúng ta có quyền bêu riếu dĩ vãng không? Không! Chúng ta có quyền đánh giá lại quá khứ không? Có! Vì sao? Vì chúng ta thấy được nhiều điều mà quá khứ không thấy được! Tại sao, tại trí năng siêu nghiệm của chúng ta chăng? Không! À, mà cũng có! Trí năng siêu nghiệm của chúng ta cũng có được từ tiên thiên, nhưng là thứ tiên thiên có được từ sự thừa hưởng những hun đúc kinh nghiệm của thời cổ đại, của thời trước Kant, của bản thân Kant và của thời sau Kant; nghĩa là từ những tinh hoa, từ những đúng - sai trong lịch sử nhận thức. Trí năng ấy thực ra chỉ là siêu nghiệm đối với chúng ta thôi và chưa chắc đã là… lẽ phải! Nhưng trong trạng thái hoang tưởng (chúng ta luôn ở trạng thái ấy để tránh né khổ đau thường nhật, tìm vui chút chốn mông lung) chúng ta cứ nhận lẽ phải về mình. Ai ơi hãy tin đi, tự nhiên bao giờ cũng thể hiện ra tính phân biệt được đối với quan sát - nhận thức! Như vậy, Tự Nhiên cũng cho phép lựa chọn và buộc nhận thức phải lựa chọn nếu còn muốn… nhận thức. Nhờ vậy mà Aristốt  mới “chấp bút” ra được “lôgíc học”. Lôgíc học là một cấu trúc phản ánh sự thực khách quan nhưng mang tính qui ước chủ quan đầy những thị phi của con người cho nên cũng mang nặng tính siêu hình. Nó có nhiều ích lợi cho suy tư cá thể nhưng đôi khi vô nghĩa trên bàn tròn tranh luận. Siêu hình là một con dao hai lưỡi trước Tự Nhiên vô tình, không thị phi!
Vâng, chúng ta tự nhận lẽ phải về mình! Chúng ta có chính kiến. Một khi đã có chính kiến mà cam tâm từ bỏ nó một cách vô cớ thì buồn bã biết chừng nào! Chúng ta hãy cứ hồn nhiên bênh vực cho lẽ phải dù “phạm thượng”. Miễn sâu thẳm đáy lòng, chúng ta luôn ngưỡng mộ, kính phục và biết ơn quá khứ!.
Tạo sao lại cho rằng đó, cái quan niệm tri thức khoa học có phần nhờ tiên thiên, không do kinh nghiệm mà có, là sai lầm căn bản của Kant? Vì Kant đã “thần thánh hóa” trí năng (năng lực trí tuệ) của con người. Kant từng viết: “Tất cả mọi tri thức của ta bắt đầu với kinh nghiệm… Nhưng nói thế không có nghĩa là tri thức của ta hoàn toàn do kinh nghiệm; vì trong tri thức ta còn có phần trí năng không lệ thuộc vào kinh nghiệm”.
Câu đó hoàn toàn đúng nếu hiểu kinh nghiệm là kinh nghiệm “thường nhật” và trí năng là khả năng suy lý, sáng tạo trên cơ sở kinh nghiệm hay những thành tựu đạt được trước đó. Tuy nhiên nó trở thành sai lạc khi Kant, một cách siêu hình, bó hẹp khái niệm “kinh nghiệm” ở mức “bình dân thường nghiệm”, đồng thời đưa “trí năng” vượt khỏi sự “quản thúc” của “kinh nghiệm” một cách “duy tâm” để “hoàn toàn chỉ dựa trên tiên thiên và trên những quan niệm (?) mà thôi” (lời của Kant).
Từ đâu mà Kant có ý niệm về tiên thiên? Lại là từ một quan niệm cũng vừa đúng vừa sai của ông. Theo Kant, về nguyên tắc là không thể biết được thế giới vật tự nó. Nhờ có các giác quan mà con người cảm nhận được thế giới ấy ở mức độ giới hạn nào đó và theo cách nào đó mà thôi. Và cái thế giới vừa hạn chế vừa phi thực ấy được Kant gọi là thế giới khả giác hay “thế giới hiện tượng”. Ông viết: “Chúng ta không thể tri thức các hữu thể khả niệm kia nơi bản tính tự thân của chúng, nghĩa là không thể tri thức chúng một cách xác định, nhưng chúng ta có thể chấp nhận chúng trong tương quan của chúng đối với thế giới khả giác và dùng lý trí để đặt một liên hệ giữa chúng và thế giới giác quan”. Trong cái thế giới hiện tượng ấy, đến lượt trí năng lý tính, cùng với những quan niệm và trực giác thuần túy sẽ làm cái nhiệm vụ “phán đoán tổng hợp” để từ đó mà làm xuất hiện những “mệnh đề tổng hợp tiên thiên” có tính tất yếu và phổ quát. Những mệnh đề tổng hợp tiên thiên ấy chính là những biểu hiện của thế giới vật tự nó trong thế giới hiện tượng theo cách mà con người khả giác (do đó mà chưa đầy đủ?!). Kant cho rằng: “Bản tính vạn vật là sự hiện hữu của vạn vật xét như sự hiện hữu này được xác định bằng những định luật phổ quát. Bởi vì nếu danh từ bản tính có nghĩa là sự vật tự thân, thì chúng ta không thể biết gì về các vật đó dù là cách tiên thiên hay cách hậu nghiệm (nhờ kinh nghiệm)". Do đó, cũng là lời của Kant: “Chúng ta không có cách nào khác để nghiên cứu bản tính sự vật ngoài cách tìm biết những điều kiện và những định luật phổ quát (mặc dù chủ quan) nhờ đó mà ta có thể có tri thức về vạn vật, tức có thể có kinh nghiệm về sự vật”.
Về cái thế giới vật tự nó đã bị “phi thực hóa” và “biến dạng hóa” bởi cảm năng con người và thông qua cảm năng con người ấy, Kant nói rõ hơn: “Thế giới khả giác không là cái gì khác ngoài một chuỗi những hiện tượng được nối lại với nhau bằng những định luật phổ quát. Như vậy thế giới khả giác không có nền tảng vững chắc nơi chính mình nó: nó không phải là vật tự thân và nhất thiết đòi một cái gì đó làm nền tảng cho bản chất hiện tượng của nó”. Vì thế mà ông nhắn nhủ: “Chúng ta không nên tìm những định luật phổ quát của vật lý nơi thiên nhiên, nhờ kinh nghiệm; mà trái lại chúng ta chỉ nên tìm hiểu về tính chất vạn vật luôn phù hợp với các qui luật, và tìm hiểu điều này nơi những điều kiện của cảm giác và tri giác ta, tức những điều kiện làm cho có thể có kinh nghiệm”.
Với quan niệm như trên, dù vô tình hay hữu ý, dù là trong tiềm thức, Kant đã thừa nhận rằng Vũ Trụ này là cái gì tuyệt đối, là vật tự nó có tính tổng thể, bao gồm các vật tự nó; một vật tự thân có thật, có trước, có sẵn và “tự nó” một cách trật tự, ngăn nắp, và chí lý, làm nền tảng cho cái thế giới khả giác đầy biểu tượng làm nên những hiện tượng cùng với những định luật phổ quát mang tính đã có sẵn, có trước, nghĩa là tiên thiên (hay tiên nghiệm). Mặt khác cái thế giới khả giác đó là do cảm năng của con người mà có nên cái cảm năng ấy chỉ mang tính thường nghiệm thôi, thì làm sao giải thích được sự xuất hiện của những “mệnh đề tổng hợp tiên thiên” trong thế giới hiện tượng (thế giới của kinh nghiệm)? 
Để vượt qua “cơn tai biến”, Kant một cách hoàn toàn tự nhiên, phải mở rộng khái niệm cảm năng. Lúc này, cảm năng không chỉ là khả năng cảm giác thường nghiệm nữa mà còn được thêm một bộ phận gọi là khả năng “cảm giác siêu nghiệm” hay “cảm giác thuần túy” - có tính tiên nghiệm, có trước kinh nghiệm, không lệ thuộc vào kinh nghiệm và như vậy nghĩa là phải “tiên thiên”.
Khó mà tiếp cận được cảm giác thuần túy nếu Kant không “lôi” không gian và thời gian vào làm hai hình thái thể hiện của nó. Theo Kant, không gian là cảm năng thuần túy của ta đối với những sự vật ở ngoài ta; còn thời gian là cảm năng thuần túy của ta đối với những biến chuyển ở trong ta và ở ngoài ta. Không gian không phải là một quan niệm thường, do kinh nghiệm tác tạo nên. Nó là một biểu tượng tất yếu và tiên thiên; là điều kiện, là nền tảng tất cả các tri giác của ta về vạn vật (có thể tưởng tượng một Vũ Trụ không có gì hết nhưng không thể tưởng tượng một Vũ Trụ mà không có không gian!). Thời gian cũng tương tự, không phải là một quan niệm thường niệm mà là một biểu tượng tất yếu, tiên thiên (có thể quan niệm một Vũ Trụ không có biến cố gì hết nhưng không thể quan niệm trong Vũ Trụ lại không có sự “trôi qua” của thời gian).
Kant lý luận rằng nếu chỉ dựa vào cảm giác thường nghiệm thì con người chỉ mới cảm nhận được cái gì đó tồn tại mơ hồ, lộn xộn, phi hình hài, không đầu không cuối. Nhờ có cảm giác thuần túy thể hiện ra dưới hai hình thái tiên thiên, không gian và thời gian mà tất cả trở nên trật tự, rõ ràng, và xác định như ta vẫn đang thấy hàng ngày trong đời sống kinh nghiệm của mình. Và cái thế giới đã được làm “sáng tỏ” nhờ cảm giác thuần túy tiên thiên ấy cũng được gọi là thế giới hiện tượng.
Đưa ra khái niệm cảm giác thuần túy cùng với hai hình thái của nó là không gian và thời gian, Kant đã phạm thêm một sai lầm cơ bản nữa. Sai lầm này, cùng với sai lầm đã nêu ở trên đã làm lu mờ đi nhiều những nhận định triết học có tính chân lý của ông và đồng thời đã làm nên một học thuyết mà chính ông tự gọi là “duy tâm siêu nghiệm”; một học thuyết ẩn giấu bao biện và đầy thần bí.
(Còn tiếp)
----------------------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét