TT & HĐ II - 17/a
LÝ THUYẾT HÀ ĐỒ VÀ LẠC THƯ
PHẦN II: Nền tảng
" Triết học bắt đầu từ sự ngạc nhiên"
Arixtốt
“Chúng
ta có thể mường tượng thế giới của thực tại như là một dòng nước ngầm;
thế giới hiện tượng thì ở bề mặt; bên dưới nó chúng ta không nhìn thấy
được. Các sự kiện ở tận đáy của dòng nước gây ra bọt và những xoáy nước ở
bề mặt. Đó là những chuyển động bức xạ và năng lượng của cuộc sống
chung của chúng ta, nó tác động tới các giác quan và do đó, kích thích
trí óc chúng ta; ở bên dưới, dòng nước ngầm vẫn chảy”
(Sir James Jeans.)
“Triết
học chân chính chỉ là triết học truyền đạt chính xác nhất tiếng nói của
bản thân thế giới và được viết dưới những sự chỉ dẫn của thế giới”
(Ph. Bêcơn)
“Tất cả mọi khoa học cần thiết hơn triết học, nhưng không một khoa học nào tốt hơn nó”
(Arixtốt)
CHƯƠNG VI: QUI CĂN
"Hạnh phúc sinh ra trong đau khổ, đau khổ giấu mình trong hạnh phúc."
(Lão Tử)
"Phàm làm việc gì, làm điều gì, xử lý cái gì… cũng nên có giới hạn, vì
“Vật cùng tắc biến”: đẩy sự vật đi đến đường cùng thì thế nào nó cũng
biến hóa lại khác trước, có khi còn ngược lại với trước nữa. “Vật cực
tắc phản”: đẩy sự việc đi đến cùng cực thì chắc chắn sẽ phản lại ngay.
Quy luật là thế thôi."
(Lão Tử)
“Không
có cái không phải là ta thì không có ta. Nhưng không có ta thì không
thể hiện được sự biến hóa của tự nhiên. Như vậy, ta với tự nhiên thật
mật thiết với nhau. Nhưng không ai biết được chủ tể của vũ trụ là gì”.
(Trang Tử)
“Cái mà thời trước người ta
dùng thì có thể ngày nay bỏ đi; cái ngày nay bỏ đi thì có thể sau này sẽ
dùng, dùng hay bỏ; điều đó không quyết định được là phải hay trái”.
(Liệt tử)
Nghe
lời NTT, chúng ta đã quay lại, đi theo ông ta, ngược hướng trên con
đường cũ và quan sát lại toàn bộ cảnh vật mà chúng ta đã từng quan sát
biết bao nhiêu lần. Nhờ có NTT mà nhiệt huyết của chúng ta lại hừng hực
tâm can và đôi mắt của chúng ta lại long lanh nhìn vạn vật - hiện tượng
như chưa từng được nhìn, lại đắm đuối mê si như chưa từng chán nản.
Thường,
khi quan tâm đến vấn đề nào đó, người ta thấy rất nhanh, thậm chí là
ngay lập tức những sự vật - hiện tượng có liên quan, xảy ra trước mắt
(được cho là những hiện hữu có tính trội) trong khi lại đui mù trước
nhiều sự vật hiện thực khác, không liên quan gì đến điều người ta đang
quan tâm, tuy chúng vẫn hiện hữu ngời ngời trước mũi họ.
Nhờ
có sự nhắc nhở của NTT mà lần quan sát này, không bao lâu, chúng ta đã
phát hiện được hai cái mà những lần quan sát trước chúng ta đã “ngó” tới
hàng trăm lần nhưng không thấy chúng. Hai cái đó chính là Hà Đồ và Lạc
Thư. Theo như đánh giá sau này của chúng ta thì chúng là hai báu vật của
nền văn minh cổ đại Trung Hoa (rất có thể sự xuất hiện đầu tiên của
chúng là ở miền đất phía nam Trung Quốc hay Việt Nam).
Trước
đây do quá chăm chăm lùng sục những thứ thể hiện ít nhiều ra âm dương,
ngũ hành và quên mất rằng nguồn gốc trực tiếp của một cái gì đó thì bao
giờ cũng là một cái khác chứ không phải nó, (chẳng hạn: nguồn gốc của
trứng gà nói chung là con gà chứ không phải trứng gà; nguồn gốc của con
gà nào đó nói riêng là trứng gà chứ không phải con gà), nên chúng ta chỉ
nhìn Hà Đồ, Lạc Thư như hai cái mũ cũ rích mà ai đó đã quẳng đi. Quả
thật là chúng rất giống hai cái mũ (tất nhiên là không phải mũ phớt của
dân Châu Âu rồi!). Hà Đồ giống cái mũ, không biết hồi đó gọi là mũ gì,
nhưng như những cái mũ mà ngày nay sinh viên ngành luật sư hay đội trong
ngày lễ tốt nghiệp, khi nhìn từ trên xuống. Lạc Thư thì rõ là mũ cánh
chuồn, có hai tua đằng sau, được nhìn cũng từ trên xuống. Chúng ta đã
luôn bỏ qua chúng, không một lần dừng mắt trước chúng để suy tư. Tội lỗi và ân hận
quá!
Bây
giờ thì khác rồi! Chúng ta đã nhìn thấy ở Hà Đồ và Lạc Thư có những
biểu hiện nào đó rất khác thường. Chúng ta ngẩng đầu lên tìm NTT để
thông báo cái cảm giác mơ hồ này nhưng chẳng thấy ông ta đâu cả. Lại "biến" đâu rồi! Thôi
kệ! cho dù có thể là ngô nghê và phạm thượng, chúng ta sẽ tự tìm hiểu và
đưa ra những giải thích, những nhận xét theo nhận thức của riêng mình,
rồi nếu thuận lợi, chúng ta sẽ tạo dựng luôn một hình tượng “thái cực đồ
thuyết” mới, cạnh tranh với cái của Chu Đôn Di (tên tự là Liêm Khê).
Xin một lần nữa cảm ơn NTT, nhưng không phải vì sự thông thái!
***
Ngày nay không
có bất cứ một ai trong chúng ta biết đích xác sự xuất hiện hình tượng Hà
Đồ và Lạc Thư là như thế nào nữa. Tất cả chỉ là truyền thuyết.
Nhưng chính bản
thân truyền thuyết lại mách bảo điều rất hệ trọng. Đó là: không phải bất
cứ một sự kiện về sinh hoạt và đời sống, về văn hóa và tư tưởng nào của
cái thời kỳ tối cổ xa vời ấy cũng đều được lưu giữ, truyền lại được đến
ngày nay, không những thế còn được lưu truyền dưới dạng truyền thuyết
và đượm sắc huyền thoại. Vì thế những gì “sống sót” được qua thời gian
mấy ngàn năm truyền khẩu để đến với ngày nay phải là những gì đủ đứng
hiện hữu phổ biến trong xã hội thời đó và như vậy đã từng hữu ích, có
giá trị sử dụng đặc biệt trong đời sống thực tiễn hoặc trong hoạt động
tinh thần nào đó. Đương thời, chúng cũng chỉ là những sự vật - hiện
tượng bình thường như bao sự vật - hiện tượng khác nhưng qua thời gian,
chúng dần nổi trội lên như là những công đức, tinh hoa, di sản của thế
hệ đi trước, được những thế hệ đi sau kế tục, nâng niu gìn giữ, truyền
khẩu trong dân gian với một tình cảm trân trọng, kính phục, yêu thương…
Và truyền thuyết hình thành nên từ đó. Có thể nói rằng truyền thuyết là
sự thật đã được huyền bí, thiêng liêng hóa. Thân thế và sự nghiệp của
Quỉ Cốc tiên sinh đã được hình thành nên như thế. Nguồn gốc của Hà Đồ -
Lạc Thư hẳn cũng được thêu dệt nên như thế.
Truyền thuyết kể
rằng Phục Hi có một con long mã (loài ngựa thần, hình thù như con rồng
mình xanh lục có vằn đỏ) xuất hiện trên sông Hoàng Hà, đội một bản đồ,
bản đồ đó là sách mệnh trời ban cho Phục Hi để trị thiên hạ, và được gọi
là Hà Đồ. Những đời sau, mỗi khi có thánh vương xuất hiện như đời vua
Nghiêu, vua Thuấn… đều được trời ban cho Hà Đồ. Cũng theo truyền thuyết
thì khi trị thủy ở sông Lạc (một nhánh của sông Hoàng Hà), vua Vũ thấy
một con rùa thần nổi lên, trên mai có những nét khắc (thư), nghĩ rằng
trời có ý ban cho mình bức đồ, ông liền phỏng theo, vẽ ra Lạc Thư.
Như vậy là Hà Đồ
xuất hiện trước. Một, hai ngàn năm sau, Lạc Thư mới xuất hiện (Theo Du
Diễn đời Tống thì Hà Đồ, Lạc Thư cùng xuất hiện trong thời Phục Hi.
Chúng ta có cảm giác thuyết này không đúng).
Trong Kinh Dịch,
ở thiên Hệ từ thương truyện, chương 11 cũng có chép: “… Ở sông Hà hiện
ra bức đồ, ở sông Lạc hiện ra trang chữ, thánh nhân phỏng theo” (“Hà
xuất Đồ, Lạc xuất Thư, Thánh nhân xuất chi). Có vẻ thực tế hơn, ở thiên
Hệ từ hạ truyện, chương 2 chép: “Ngày xưa họ Bào Hi (tức Phục Hi) cai
trị thiên hạ, ngẩng lên thì xem các hình tượng trên trời, cúi xuống thì
xem các phép tắc ở dưới đất, xem các văn vẻ của chim muông cùng những
thích nghi với trời đất (của từng miền), gần thì lấy thân mình, xa thì
lấy ở vật, rồi làm ra bát quái, để thông suốt với cái đức thần minh và
điều hòa cái tình của vạn vật”.
Nhưng đoạn trên
sao lại nói đến bát quái mà không phải là Hà Đồ? Hay Phục Hi vẽ ra Hà Đồ
rồi từ Hà Đồ mà suy ra bát quái? Nhìn vào Hà Đồ, dù có ở trạng thái
hoang tưởng cao độ đi nữa, chúng ta cũng đành chịu chết, không hiểu nổi
bằng cách nào mà có thể suy ra bát quái được.
Có điều lạ lùng
nữa là trên tất cả các di vật, di tích được giới khảo cổ xác định là
thuộc đời nhà Thương trở về trước, không hề thấy một biểu hiện nào về Hà
Đồ, Lạc Thư cũng như bát quái. Nhưng trong khi nghi ngờ về thời điểm
xuất hiện bát quái thì mọi người hầu như đều nhất trí rằng Hà Đồ có từ
thời Phục Hi. Phải chăng bát quái xuất hiện sau đời Thương và Hà Đồ, Lạc
Thư là những vật dụng gì đó rất thông dụng, bình thường, không đủ độ
bền để trở thành di tích di vật và chỉ được lưu vào sử xanh nhờ cần phải
nhớ để có thể sử dụng lại, để rồi đến một lúc, giá trị sử dụng của
chúng không còn nữa và dần dần trở thành lưu niệm huyền bí, linh thiêng?
Nếu có NTT ở đây
thì vì là người của triết học duy tồn, nên ông ta sẽ đưa ra luận điểm
thế này: hai nhân vật Phục Hi và Vũ nếu có thật, phải là những kiệt xuất
đi đầu trong công cuộc khai khẩn, kiến thiết, mưu sinh và có công lao
to lớn đối với nhân dân đương thời; nếu Hà Đồ, Lạc Thư là có thật và sự
thật là do hai ông vẽ ra thì phải coi Hà Đồ, Lạc Thư là sự đúc kết của
hai ông, trên cơ sở quan sát của bản thân về hiện thực và là thành quả
đạt được từ quá trình lao động sáng tạo không mệt mỏi của cả một cộng
đồng người(?!).
Luận điểm đó nghe rất bùi tai, làm chúng ta khoái chí, tán đồng luôn!
Là những người
yêu nước (khỏi cần bàn cãi!), chúng ta xin mạn phép trích từ cuốn “Lịch
sử tư tưởng Việt Nam” của tiến sĩ Huỳnh Công Bá, chắc cũng là một người
yêu nước (NXB Thuận Hóa, năm 2007), một đoạn ra đây:
“Tất cả các chi
tiết trong hai truyền thuyết về Hà Đồ và Lạc Thư đều là những chứng tích
về một nền nông nghiệp lúa nước. Địa điểm phát hiện ra chúng đều là nơi
sông nước, “Kẻ” mang chúng đều là những vật tổ điển hình của người Việt
(rồng, rùa). Sông “Lạc” có thể chỉ là một tên gọi biểu trưng xuất phát
từ một từ ngữ cổ nói lên tính chất sông nước (lạc = nác = nước), là địa
bàn cư trú của người Nam Á, Việt cổ. Bản thân nhân vật Phục Hi (Bào Hi),
cũng như Thần Nông, theo các nhà nghiên cứu đều có nguồn gốc từ phương
Nam. Việc trị thủy và con số 9 cũng rất đặc trưng cho miền Nam Á. Truyền
thuyết Lạc Thư còn gợi lại sự kiện ghi trong sử sách Trung Hoa rằng:
“Vào năm thứ 3 đời vua Nghiêu có người Việt thường ở phương Nam đến
chầu, phải qua 2 - 3 lần phiên dịch, dâng rùa lớn sống đã mấy nghìn năm,
vuông non ba thước, trên mai có khắc chữ giống hình con nòng nọc, ghi
chuyện từ khi mở trời đất. Vua Nghiêu sai chép lấy gọi là Quy Dịch”.
Truyền thuyết về
Hà Đồ khá phổ biến ở đời Chu, nhiều người tin. Chính Khổng Tử cũng tin
vì có lần ông than thở với đệ tử: “Chim phượng chẳng đến, bức đồ chẳng
hiện trên sông Hà, ta hết hi vọng rồi!” (Phượng điểu bất chí, hà bất
xuất đồ, ngộ dĩ hĩ phù!). Chim phụng và Hà Đồ mà xuất hiện là điềm thánh
vương ra đời. Khổng Tử không thấy hiện tượng đó, cho rằng thánh vương
không xuất hiện và do đó đạo của ông không sao thi hành được (Vì đạo của
ông, chỉ có thánh vương mới thấu triệt được cái vi diệu của nó. Khổng
Tử nghĩ vậy chăng?)
Hình 17 – Hình tượng Hà Đồ - Lạc Thư theo Khổng An Quốc
Hình Hà Đồ, Lạc
Thư dạng nguyên thủy ra sao, chưa ai thấy. Có lẽ ngay cả Khổng Tử, than
thở là thế nhưng cũng chưa thấy. Người ta nói chúng đã mất tích từ thế
kỷ thứ VII - TCN. Mãi tới thời Hán Vũ Đế (140-86), tức năm thế kỷ sau,
một người cháu đời thứ 12 của Khổng Tử là Khổng An Quốc, không biết căn
cứ vào đâu mà lập ra hai hình tượng đó, truyền cho đời sau. Khoảng mười
hai thế kỷ sau Khổng An Quốc, đến đời Tống Huy Tôn (1101-1125), hai hình
tượng đó mới được in trên sách (xem hình 17).
Trên hai hình
tượng đó, những chấm đen được qui ước là âm; những chấm trắng được qui
ước là dương, nghĩa là những tập hợp các chấm nào chẵn thì mang tính âm,
lẻ thì mang tính dương. Suy nghĩ như thế nào hay bắt nguồn từ điều gì
mà Khổng An Quốc lại qui ước như thế? Chịu, chúng ta không biết được
điều bí mật ấy vì không còn có thể hỏi Khổng An Quốc được nữa. Nếu tin
theo Khổng An Quốc thì phải công nhận khái niệm âm dương có trước hình
tượng Hà Đồ và Lạc Thư (gọi tắt là Đồ - Thư). Nhưng như đã biết, khái
niệm âm - dương không phải để chỉ tên những vật thể rời rạc nào đó như
chấm trắng, chấm đen mà nó vừa như một nguyên lý, vừa để chỉ hai mặt nào
đó của một sự vật, hay hai sự vật nào đó nằm trong một thể thống nhất,
đối ứng nhau, tác động lẫn nhau, cái này có thể chuyển hóa sang cái kia
và ngược lại. Khi nói trời là dương
thì đất là âm và nói đến trời thì phải nhớ đến đất; trong mối quan hệ
âm dương chúng luôn phải hiện hữu song đôi, đối ứng. Thêm nữa, để ký
hiện âm dương, chỉ thấy người ta dùng vạch đứt (), vạch liền (),
chứ chẳng thấy bất cứ đâu dùng ký hiệu chấm đen chấm trắng như ở Đồ -
Thư cả, và cách sắp xếp cũng như sự phân bố các chấm đen, trắng trong đó
có vẻ như chẳng ra “thể thống” lưỡng nghi gì cả.
Khảo cổ học đã
đi đến kết luận rằng ngay từ thời đại đồ đá, con người ở nhiều vùng trên
thế giới đã nhận biết được tính tương phản của tự nhiên, biểu hiện ra
như là sự lưỡng phân - lưỡng hợp. Đặc biệt là ở vùng phía Đông - Nam của
Châu Á, quan niệm lưỡng phân - lưỡng hợp trở nên nổi trội và được phát
triển ngày một sâu sắc. Thế nhưng từ quan niệm lưỡng phân - lưỡng hợp
chất phác đến quan niệm âm – dương, lưỡng nghi, hiểu như một nguyên lý
phổ biến về vận động và biến hóa của vạn vật - hiện tượng trong thiên
nhiên không thể là một sớm một chiều mà là quá trình dài lâu. Và theo tư
liệu khảo cổ thì tên gọi âm dương, lưỡng nghi xuất hiện sớm lắm cũng
chỉ có khả năng vào cuối thời Ân Thương - đầu thời Chu.
Hay Đồ - Thư xuất hiện trước sự xuất hiện của khái niệm âm dương và chúng chẳng có gì liên quan với nhau cả?
Thế thì Đồ - Thư
có liên quan gì tới sự xuất hiện của quan niệm ngũ hành không? Bằng cái
nhìn trực giác, chúng ta, may ra có thể thấy Hà Đồ như là một cá thể
được cấu tạo bởi 5 tập hợp các chấm. Nhưng như vậy đã đủ để hình dung ra
ngũ hành chưa? Đối với Lạc Thư thì thật càng khó nói.
Thú thực, Đồ -
Thư đã làm chúng ta liên tưởng đến những kiểu hình đại loại như đội hình
chiến đấu, cách bày binh bố trận, hình dạng pháo đài, thành quách gì
đó, hơn là những thứ huyễn hoặc như âm dương, ngũ hành.
Nhìn cái “mũ” mà
thấy được cả con trăn nuốt con voi thì đã quá tài rồi, từ Đồ - Thư nhìn
ra được âm dương ngũ hành “nuốt” toàn bộ vũ trụ quan thì có lẽ đến
Hoàng Tử Bé cũng phải “bó gối xin hàng”, huống gì chúng ta.
Vậy thì tại sao,
từ trước đến nay, nhiều học giả vẫn cứ một mực cho rằng Đồ - Thư là
xuất phát điểm của âm dương, ngũ hành? Chắc phải có lý do…
Thôi thì… không
còn cách nào khác, chúng ta sẽ tự mình làm một cuộc giải mã. Trước hết
chúng ta sẽ giải mã nguồn gốc Hà Đồ và tạm quên Lạc Thư đi vì nếu một
khi đã “dựng đứng” được sự tích về Hà Đồ thì sự tích về Lạc Thư chỉ còn
là một… cái búng tay.
Trước hết, chúng ta xin trích đoạn ra đây từ bài "Sơ lược về Hà Đồ – Lạc Thư" trên mạng:
(...).
Nhưng lịch sử lại một lần nữa mở ra một cuộc trêu ngươi, vào năm 1977 ở huyện Phụ Dương tỉnh An Huy khai quật mộ đôi Nhữ Âm Hầu đời Tây Hán được một cái “Thái Ất cửu cung chiêm bàn”, bên trong khay bàn này có khắc Lạc Thư đồ gần như hoàn toàn thống nhất và được nghiệm chứng với các ghi chép trong cổ tịch đời Tống cùng với các thuyết pháp của nó. Đây là một bằng chứng rành rành tuyên cáo kết thúc hoàn toàn các cuộc tranh luận chân ngụy của Hà Lạc 900 năm. Đến đây, xác lập được địa vị của Hà Lạc là nguồn gốc của văn hóa Trung Quốc".
"Hà Lạc từ đâu tới?
Theo thuyết pháp của các cổ tịch như “Thượng Thư” và “Lễ Ký” là Long Mã cõng Đồ và Thần Quy chở Thư, tức là Hà Đồ sớm nhất là cái hình hoa văn trên người con Long Mã ở sông Hoàng Hà, còn Lạc Thư thì là hoa văn trên mai của con Linh Quy ở sông Lạc Thủy. Hà Đồ với Lạc Thư đến với nhân gian và được người ta nhận thức như vậy đó. Cái kiểu truyền thuyết thần thoại ấy đúng là cách nói lừa gạt người ta, chứ thực ra Hà Đồ với Lạc Thư là đến từ thiên tượng của Thiên Văn học cổ đại, là sự trường kỳ quan sát thiên tượng rồi đúc kết ra, mà ghi chép lại cùng với nghiệm chứng các đồ hình phù hiệu, nói đúng hơn nữa, Hà Đồ chính là dựa vào những lúc ẩn hiện của Ngũ Tinh mà vẽ thành.
Ngũ Tinh ngày xưa được gọi là Ngũ Vĩ, chính là 5 khối hành tinh gần Địa Cầu nhất trong Thái Dương hệ. Thủy tinh viết Thần Tinh, Hỏa tinh viết Huỳnh Hoặc Tinh, Mộc tinh viết Tuế Tinh, Kinh tinh viết Thái Bạch Tinh, Thổ tinh viết Trấn Tinh, xem thêm trong nội dung của chương Thiên Văn Lịch Pháp để rõ hơn.
(...).
Các nhà Nho Dịch còn cho rằng, bởi vì số Sinh 1, 2, 3, 4, 5 là số cơ bản, cho nên số của tất cả các loại số đều có thể từ các số cơ bản này mà suy diễn ra. Năm cái số cơ bản này phân ra Âm Dương Cơ Ngẫu; với 1 3 5 là các số Dương, cộng với nhau lại là 9; còn 2 4 là các số Âm, cộng với nhau thành 6; cho nên Hào Dương trong Kinh Dịch dụng 9, Hào Âm dụng 6.
Ngoài ra còn có rất nhiều luận thuyết huyền ảo, tại đây không chép lại hết được".
(Còn tiếp)
Trước hết, chúng ta xin trích đoạn ra đây từ bài "Sơ lược về Hà Đồ – Lạc Thư" trên mạng:
"Hà Lạc là tên gọi tắt của
Hà Đồ và Lạc Thư, chúng có địa vị cực cao ở trong hệ thống lý luận của
Dịch học. Từ cổ chí kim, hết thảy những người nghiên cứu Dịch đều đầu tư
rất nhiều công sức vào để nghiên cứu Hà Lạc. Đúng là rất hứng thú, tuy
nhiên các cổ thư từ xưa như trong Hệ Từ của Chu Dịch thì có câu “Hà xuất
Đồ, Lạc xuất Thư, thánh nhân tắc chi”, ngoài ra các sách như “Thượng
Thư”, “Luận Ngữ”, “Dịch Vĩ”, “Đại đới lễ ký”, “Hán Thư”, “Hoài Nam Tử”,…
đều có ghi chép lại về Hà Đồ với Lạc Thư, nhưng mà Hà Đồ với Lạc Thư
làm nên Đồ Tượng là cái gì thì từ đời Tống trở về trước lại ít có người
hiểu được.
Đến đời nhà Tống, hai cái bức đồ đó sừng
sững mà xuất hiện ở trong nhân thế, tương truyền là theo Hoa Sơn đạo sĩ
Trần Đoàn cùng với đệ tử của ông ta ở đó truyền ra. Vì vậy sau đó liền
mở đầu cho cái gọi là “Đồ Thư tượng số Dịch” ở thời nhà Tống, đủ mọi
loại đồ tượng với đồ thuyết tới tấp diễn dịch xuất hiện, vậy thành ra
một loại phương pháp chỉnh lý Dịch của người đời Tống. Và như thế thời
Tống là thời đại thứ hai sau thời Hán có được đỉnh cao về Dịch học ở
trong lịch sử Trung Quốc. Đồ Thư phái tin chắc rằng Hà xuất Đồ, Lạc xuất
Thư, thánh nhân làm theo đó mà vẽ ra các quái. Nhưng mà Hà Đồ với Lạc
Thư trong lịch sử hàng trăm hàng ngàn năm ở trên trời sao lại không có
ghi chép gì về nó, thế nào mà lại đột nhiên sinh ra ở giữa trời rồi
giáng xuống đất nhủ thế nhỉ? Không thiếu gì người nghi ngờ mà chất vấn
như vậy, và cho rằng Hà Đồ Lạc Thư là do người đời sau bịa đặt, dó đó mà
giới Dịch học xảy ra đại luận chiến giữa phái Đồ Thư và phái Nghi Cổ
(nghi ngờ cái cổ xưa).
Trong phe Nghi Cổ không thiếu gì những danh nhân danh sĩ trong lịch
sử như Âu Dương Tu đời Tống, Trần Ứng Nhuận đời Nguyên, Lưu Liêm đời
Minh, Hoàng Tông Hi – Hoàng Tông Viêm – Mao Kỳ Linh đời Thanh, thời kỳ
Dân Quốc lại có những người như Cố Hiệt Cương,… những người này thậm chí
dành nửa cuối cuộc đời của mình để trước tác sách vở, lập thuyết, bác
bỏ quan điểm của phái Hà Lạc, phủ định sự tồn tại của Đồ Thư. Hai phái không ai chịu nghe ai, cứ công kích qua lại, ngày càng kịch
liệt, có thể hình dung như cái thế không đội trời chung vậy. Đại gia Âu
Dương Tu còn mô tả cái tình ý thống hận của phái Đồ Thư bằng câu “Đối
với người nói cái thuyết này, pháp luật cần phải đem chém đầu.(...).
Nhưng lịch sử lại một lần nữa mở ra một cuộc trêu ngươi, vào năm 1977 ở huyện Phụ Dương tỉnh An Huy khai quật mộ đôi Nhữ Âm Hầu đời Tây Hán được một cái “Thái Ất cửu cung chiêm bàn”, bên trong khay bàn này có khắc Lạc Thư đồ gần như hoàn toàn thống nhất và được nghiệm chứng với các ghi chép trong cổ tịch đời Tống cùng với các thuyết pháp của nó. Đây là một bằng chứng rành rành tuyên cáo kết thúc hoàn toàn các cuộc tranh luận chân ngụy của Hà Lạc 900 năm. Đến đây, xác lập được địa vị của Hà Lạc là nguồn gốc của văn hóa Trung Quốc".
"Hà Lạc từ đâu tới?
Theo thuyết pháp của các cổ tịch như “Thượng Thư” và “Lễ Ký” là Long Mã cõng Đồ và Thần Quy chở Thư, tức là Hà Đồ sớm nhất là cái hình hoa văn trên người con Long Mã ở sông Hoàng Hà, còn Lạc Thư thì là hoa văn trên mai của con Linh Quy ở sông Lạc Thủy. Hà Đồ với Lạc Thư đến với nhân gian và được người ta nhận thức như vậy đó. Cái kiểu truyền thuyết thần thoại ấy đúng là cách nói lừa gạt người ta, chứ thực ra Hà Đồ với Lạc Thư là đến từ thiên tượng của Thiên Văn học cổ đại, là sự trường kỳ quan sát thiên tượng rồi đúc kết ra, mà ghi chép lại cùng với nghiệm chứng các đồ hình phù hiệu, nói đúng hơn nữa, Hà Đồ chính là dựa vào những lúc ẩn hiện của Ngũ Tinh mà vẽ thành.
Ngũ Tinh ngày xưa được gọi là Ngũ Vĩ, chính là 5 khối hành tinh gần Địa Cầu nhất trong Thái Dương hệ. Thủy tinh viết Thần Tinh, Hỏa tinh viết Huỳnh Hoặc Tinh, Mộc tinh viết Tuế Tinh, Kinh tinh viết Thái Bạch Tinh, Thổ tinh viết Trấn Tinh, xem thêm trong nội dung của chương Thiên Văn Lịch Pháp để rõ hơn.
(...).
Các nhà Nho Dịch còn cho rằng, bởi vì số Sinh 1, 2, 3, 4, 5 là số cơ bản, cho nên số của tất cả các loại số đều có thể từ các số cơ bản này mà suy diễn ra. Năm cái số cơ bản này phân ra Âm Dương Cơ Ngẫu; với 1 3 5 là các số Dương, cộng với nhau lại là 9; còn 2 4 là các số Âm, cộng với nhau thành 6; cho nên Hào Dương trong Kinh Dịch dụng 9, Hào Âm dụng 6.
Ngoài ra còn có rất nhiều luận thuyết huyền ảo, tại đây không chép lại hết được".
(Còn tiếp)
Nhận xét
Đăng nhận xét