Thứ Tư, 9 tháng 9, 2020

"MÊ CÔNG KÝ SỰ" (ĐL)

 
Rong chơi cuối trời quên lãng - Khánh Ly

Cánh diều vàng 2018 vinh danh NSND Phạm Khắc và Nguyễn Thế Đoàn nhân dịp 66  năm Điện ảnh cách mạng Việt Nam - Hậu trường phim - Việt Giải Trí

"MÊ CÔNG KÝ SỰ"
(Tưởng nhớ NSND Phạm Khắc)

Mùa thu lá rụng, phải rồi
Ông vàng chưa úa mà rơi mới buồn!


Làm người tạc đá ghi non
Xông pha góp được một hòn sử xanh
Bôn ba vó ngựa tung hoành
Ông thành dũng sĩ, ông thành chiến công!


"Mê công ký sự" vừa xong
Vang lừng bỏ lại, ông dông suối vàng...


Cuộc đời, được vậy, là sang!
Trần Hạnh Thu
 
Hãy sống giùm tôi - Khánh Ly & Trịnh Công Sơn


9 Năm Ngày Mất NSND – AHLĐ Phạm Khắc 17-5 (2007-2016)
Người đi tìm chân dung dòng sông Mẹ


Từ rất lâu, người con của miền đất châu thổ Mê Kông ấy muốn đích thân đi tìm nơi đầu nguồn hùng vĩ của dòng sông Mẹ. Dòng sông đã bồi đắp màu mỡ cho một vùng châu thổ rộng lớn nuôi sống con người phía Nam Tổ quốc… Đó cũng là dòng sông mang nhiều kỷ niệm bồi đắp cho tâm hồn bao con người, tạo nguồn cảm hứng cho thi ca. Tổng đạo diễn của đoàn phim, là người con của vùng Phước Long, Giồng Trôm, Bến Tre – Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Khắc. Ông hồi hộp đến nghẹn ngào khi từ thượng nguồn xuôi về xứ sở, nơi ông sinh bên bờ Hàm Luông…  Ông nhẹ lòng biết mình đã trả được món nợ nghệ thuật với quê hương. Người đi lên nguồn tìm sông, sông vô tình sông trôi ra biển.
Chút tài hoa lần cuối ông trả nợ quê hương… Tài sản ông mang về cho mình ngoài 90 tập phim là hàng vạn bức ảnh ông chụp trong những chuyến đi tìm sông Mẹ. Cậu bé Phước năm xưa, khi đã là ông già tóc râu điểm bạc, lần đầu được khóc cùng xứ sở vì sung sướng gặp lại cội nguồn…
NSND-Pham-KhacNSND – AHLĐ Phạm Khắc.
MỘT NHÀ BÁO ANH HÙNG
Phạm Khắc tên thật là Phạm Tấn Phước. Vâng! Cái bút danh Phạm Khắc có lẽ đã che lấp cái tên mang nhiều hy vọng về phúc đức ở đời. Anh sinh năm 1939 tại Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Như nhiều thanh niên quê hương Nam bộ thành đồng, anh sớm tham gia cách mạng từ lúc chưa đầy tuổi 17. Hai mươi mốt tuổi anh vào bộ đội tiểu đoàn 514, là trung đội phó trinh sát bộ đội địa phương Mỹ Tho. 22 tuổi được kết nạp Đảng. 23 tuổi được giao làm Trưởng đoàn văn công tỉnh Mỹ Tho. Năm 1963, 24 tuổi, anh tốt nghiệp lớp báo chí và quay phim do Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam mở. Sau đó anh về công tác ở Phòng Điện ảnh Giải phóng, tác phẩm đầu tay là phim tài liệu Đại hội Mặt trận DTGP MN VN lần thứ hai. Năm 1964, anh tham gia làm phim Chiến thắng Cây Điệp, bộ phim đầu tiên về cuộc chiến đấu của quân dân đồng bằng sông Cửu Long đánh Mỹ và phim Trận Bình Giã (giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu năm 1965). Những năm từ 1965 đến 1968, anh có mặt trên nhiều địa bàn xung yếu trực tiếp quay những thước phim chiến tranh vô cùng quý giá như: Đồng Xoài rực lửa, Chiến thắng Tây Ninh, Chiến đấu trên đường phố Sài Gòn. Trong chiến dịch Tổng tiến công Mậu Thân 1968 anh bị thương lần thứ hai, dù vết thương khá nặng anh vẫn không rời tay máy ghi lại những cuộc chiến đấu ác liệt trên đường phố Sài Gòn, đặc biệt cảnh những cô nữ tự vệ Sài Gòn chiến đấu kiên cường. Anh đã quay được những thước phim không ai có, đó là trận Suối Đá ở Tây Ninh, nhà quay phim giấu mình trong bụi cây bí mật quay qua kẽ lá cảnh lính Mỹ hành quân ngay sát trước mặt. Trong trận Bình Giã năm 1965, Phạm Khắc đã đích thân lao lên (trước cả mấy anh em bộ đội) một xe bọc thép M113 rồi đứng trên nóc xe ấy quay cảnh chiến đấu giữa hai bên. Trận Đồng Xoài cũng là một phim Phạm Khắc đặc tả hình ảnh chiến đấu vô cùng dũng cảm của chiến sĩ ta khi giáp lá cà với địch bằng lưỡi lê. Trong những cảnh huống ấy, chỉ có những nhà báo dũng cảm và bản lĩnh nhất mới làm được. Nhà báo Đinh Phong nhận xét về người bạn, người đồng nghiệp thân quý Phạm Khắc: Điều cần nói trước tiên về Phạm Khắc, đó là một nhà quay phim dũng cảm, xông xáo, dám đối diện với những khó khăn ác liệt. Trong những trận đánh, bao giờ Phạm Khắc cũng xung phong lên trước, thậm chí lên trước cả đoàn quân xông trận để quay cảnh quân ta xung phong tiêu diệt địch. Có lần trận đánh chưa kết thúc, anh đã nhảy lên một chiếc xe tăng để tác nghiệp. Bỗng nghe có tiếng loẹt xoẹt trong xe, nhìn xuống phát hiện một tên địch đang chĩa súng bắn mình. Nhanh như cắt, anh ra tay trước hạ tên địch khi hắn chưa kịp bóp cò…
Tạm rời xa quê hương Nam bộ, ra Hà Nội để chuẩn bị sang Cuba học đạo diễn, nhà quay phim Phạm Khắc đã chứng kiến những ngày khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh trên bầu trời Hà Nội năm 1972. Trong trận Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm ở Hà Nội, Phạm Khắc là một trong ít người quay phim đã trực tiếp ghi lại được những thời khắc oanh liệt bậc nhất của quân dân thủ đô trong cuộc chiến với không lực Hoa Kỳ. Dưới tầm bom Mỹ, Phạm Khắc leo lên nóc một ngôi nhà Hà Nội quay cảnh máy bay Mỹ lao vào hủy diệt thủ đô. Những cảnh quay lửa đạn đỏ trời, cảnh Hà Nội chìm trong đổ nát Khâm Thiên. Và cạnh đó là cảnh máy bay Mỹ bị bắn hạ. Tất cả những cảnh quay ấy chỉ có thể thực hiện tại chỗ, trên bờ chiến hào, dưới tầm mưa bom bão đạn… Chỉ có lòng dũng cảm và tư thế của một nhà báo dày dạn chiến trường, mới đem lại cho anh ý chí mãnh liệt khi xung trận. Hình ảnh Phạm Khắc tiêu biểu cho một thời đại những người cầm máy, cầm bút làm báo chiến trường!
Song-Cuu-LongSông Cửu Long – Ảnh : gocchiase360.com
VÀ MỘT PHẠM KHẮC CỦA MÊ KÔNG KÝ SỰ
Mê Kông ký sự là bộ phim ký sự dài tập đầu tiên về một dòng sông vĩ đại chảy qua 6 quốc gia, lãnh thổ. Người chủ trương và chỉ huy thực hiện là nhà báo – Nghệ sĩ Nhân dân – Anh hùng lao động Phạm Khắc. Phim ký sự mang chất thám hiểm phiêu lưu văn học. Ý tưởng làm Mê Kông ký sự thật ra đã nung nấu từ lâu. Và khi vừa tuổi 60, Phạm Khắc quyết định phải thực hiện. Đây là một bộ phim ký sự đặc sắc có độ dài kỷ lục mà để thực hiện nó, đoàn phim phải đi qua nhiều vùng đất hiểm trở, heo hút nhất. Có lần anh tâm sự: “Mình làm nhiều phim tài liệu, ký sự thời chiến tranh, nhưng với Mê Kông ký sự thì mức độ gian khổ và hiểm nguy cũng ghê gớm không kém. Mấy anh em trong đoàn phim đã trải qua cuộc hành trình trên 3 năm với 14 chuyến đi qua 6 nước… Để làm xong bộ phim này đoàn đã bay mấy chục chuyến, vượt trên 40 ngàn cây số, rồi thì đi ô tô và cả bộ hành… Rồi anh hồi nhớ: “Khi ở độ cao 5.000 mét cả hai nhà quay phim đều ngất, nhà quay phim Việt Phước, con trai tôi có nước trong phổi nên phải ở lại dọc đường. Tình huống ấy đã đặt tôi trước những lựa chọn khó khăn: Bỏ cuộc trở về thì nào có ai trách. Nhưng rồi đam mê đã thắng. Tôi lên đường đi tiếp mang theo giằng xé trong lòng vì đứt ruột lo và thương con…”.
Thật vậy! Nếu không đam mê hết mình với việc làm phim, không có quyết tâm và cả lòng dũng cảm, con người ngoài 60 tuổi ấy còn mang trong mình bệnh huyết áp nữa, làm sao anh dám chinh phục những đỉnh cao trên 5.000 mét, nơi áp suất không khí loảng có thể gây ngộp thở và làm ngất xỉu bất cứ lúc nào vì thiếu… oxy. Đoàn làm phim đã có những chuyến đi mạo hiểm đôi khi như ngàn cân treo sợi tóc, qua bao núi cao vực thẳm, sông dài, ghềnh thác… Có lần anh bảo nếu bây giờ mà quay trở lại hành trình Mê Kông chắc không có đủ sức khỏe và tinh thần say mê để làm lại. Bù lại, mấy ai được một lần trong đời đặt chân lên tận cùng Mê Kông, trèo lên Tây Tạng – một trong những nóc nhà thế giới… để ngắm núi sông hùng vĩ cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp! Và nhất là được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, những bí ẩn văn hóa trên những triền sông xa xôi…
Chuyến đi làm phim có thể nói là “lịch sử” của Phạm Khắc kết thúc. Và Mê Kông ký sự đánh dấu mở đầu cho thể loại phim ký sự thám hiểm nhiều tập hoành tráng, cùng bộ sách ảnh hàng vạn bức về đất nước con người trên lưu vực của dòng sông vĩ đại Mê Kông…
Sau Mê Kông… Phạm Khắc đương muốn tiếp tục khám phá bí ẩn sông Hồng. Tiếc thay, anh chưa kịp lên đường thì số phận phía xa xôi đã gọi anh đi mãi.
Nhớ anh Phạm Khắc, những gì anh để lại cũng đủ ấm áp cho những người ở lại. Là một người làm báo, làm phim, anh đã tận hiến cho cuộc đời.
Tân Linh
(Tạp chí Văn hiến Việt Nam, 52 Hương Viên, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội)
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 401

 
PHIM TÀI LIỆU | Ký ức về NSND Phạm Khắc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét