Thứ Năm, 24 tháng 9, 2020

TT & HĐ II - 18/b

                                      "Giác quan thứ 6": Những câu chuyện rùng rợn có thật


PHẦN II:     Nền tảng


" Triết học bắt đầu từ sự ngạc nhiên"
Arixtốt

“Chúng ta có thể mường tượng thế giới của thực tại như là một dòng nước ngầm; thế giới hiện tượng thì ở bề mặt; bên dưới nó chúng ta không nhìn thấy được. Các sự kiện ở tận đáy của dòng nước gây ra bọt và những xoáy nước ở bề mặt. Đó là những chuyển động bức xạ và năng lượng của cuộc sống chung của chúng ta, nó tác động tới các giác quan và do đó, kích thích trí óc chúng ta; ở bên dưới, dòng nước ngầm vẫn chảy”
(Sir James Jeans.)
 
“Triết học chân chính chỉ là triết học truyền đạt chính xác nhất tiếng nói của bản thân thế giới và được viết dưới những sự chỉ dẫn của thế giới” 
(Ph.Bêcơn)

“Tất cả mọi khoa học cần thiết hơn triết học, nhưng không một khoa học nào tốt hơn nó” 
(Arixtốt)

CHƯƠNG VII: TIÊN NGHIỆM


Tình yêu không phải ở đôi má hồng của người thiếu nữ mà ở trong mắt của kẻ si tình.
Immanuel Kant

"Nếu bạn muốn thành công, phải lấy lòng kiên trì làm bạn tốt, lấy kinh nghiệm làm tham mưu, lấy cẩn thận làm anh em, lấy hy vọng làm lính gác" 

 Thomas Edison
“Chúng ta có thể hoặc dùng lý lẽ để hạ gục ý kiến của người khác hoặc cứ để họ phát biểu những gì họ muốn. Chúng ta không thể xóa bỏ ý kiến bằng vũ lực, làm như vậy sẽ cản trở sự phát triển tự do và trí tuệ.”
Che Guevara

“Một người nếu bắt đầu từ khẳng định, anh ta tất sẽ kết thúc trong nghi vấn, nhưng nếu anh ta bắt đầu từ nghi vấn, anh ta đương nhiên kết thúc bằng khẳng định”
Fracis Bacon

“Văn hóa chính là hiểu những lời hay nhất và những tư tưởng tốt đẹp nhất mà mọi người trên thế giới đã từng nói và từng suy nghĩ”
Arnold

"Người kinh nghiệm phong phú đọc sách dùng hai mắt, một con mắt nhìn lời trên tờ giấy, một con mắt nhìn mặt sau tờ giấy"
Goethe

"Chìa khóa mở mọi cánh cửa khoa học đều là dấu chấm hỏi; phần lớn những phát hiện vĩ đại của chúng ta đều vậy, mà trí tuệ của cuộc sống thường quyết định ở chỗ khi gặp việc gì thì hỏi câu hỏi tại sao"
Balzac

"Học vấn không có quê hương, nhưng người có học phải có tổ quốc"
L.Pasteur

“Bản tính của ta chỉ có thể có những trực giác khả giác thôi, nghĩa là theo cách ta bị sự vật tác động vào, còn khả năng suy tưởng những đối tượng của trực giác thì lại là công việc của trí năng. Trong hai đặc tính này của tâm trí ta, không cái nào được coi là trọng hơn cái kia. Không có cảm năng, thì không có một đối tượng nào sẽ được ban cho ta, và không có trí năng thì không một đối tượng nào sẽ được ta suy tưởng. Thiếu nội dung, các ý tưởng sẽ rỗng tuếch và thiếu quan niệm thì các trực giác sẽ mù tịt”.
I. Kant

“Bạn ơi, lý thuyết thì xám xịt, còn cây đời mãi mãi xanh tươi.” Wolfgang Goethe

 
 
 
(tiếp theo) 
 
 
                                                                             ***
Cơ chế tự chữa bệnh thực ra chỉ là một bộ phận của tổng thể vận động chuyển hóa của một cơ thể sống có ý thức mà não bộ là cơ quan trọng yếu, có ý nghĩa sống còn đối với cái tổng thể ấy. Do đó, nó cũng luôn tự ưu tiên bảo vệ mình (sự ngất xỉu, sự ngủ nghê, sự quên lãng và đôi khi là sự hôn mê “nông”)…
… Nhưng mà thôi! Nói cho hết ý tưởng đang ùn ùn kéo đến thì chẳng biết đến bao giờ mới xong, trong khi công việc “đồng áng” của chúng ta vẫn còn ngổn ngang quá. Mai đây, trong những lúc “nông nhàn”, nếu còn nhớ, chúng ta sẽ lại tiếp tục câu chuyện này. Còn bây giờ, chúng ta trở lại vấn đề cảm giác.
Phản ứng hữu thức của não bộ là kết quả của hàng loạt những tác động - phản ứng tuân theo luật Tự Nhiên. Có thể cho rằng phản ứng hữu thức của não bộ làm nên cảm giác hoặc chính là cảm giác của một cơ thể sống có ý thức.
Nói như thế cũng có nghĩa rằng “đành phải” thừa nhận những sinh vật có hệ thần kinh với một trung tâm điều khiển, trong một chừng mực nhất định đều phải được cho là có ý thức hoặc cái gì đó tương tự như ý thức; thậm chí là có cả quan niệm nữa. Sự trung thành của một con chó không thể cho là không có ý thức được. Một con chó khi bị đòn, la “ăng ẳng” rồi rên “ư ử”, lấm lét, cụp đuôi tìm chỗ trốn thì phải cho rằng nó biết đau, biết ấm ức, biết lo sợ và như thế phải cho rằng trong nó cũng xuất hiện cảm giác đau và quan niệm về “sự đau”, tuy mức độ có thể khác nhiều so với chúng ta.
Có lẽ đã đến lúc, để phân biệt giữa người và động vật, phải đưa ra những khái niệm mới như “nấc thang” cảm giác, “nấc thang” quan niệm, “nấc thang” ý thức hoặc “nấc thang” lý trí. Một con chó bị chủ đánh đau đến cùng cực và không còn lối thoát may ra mới cắn lại chủ nhưng có thể cắn bất cứ người lạ nào vào nhà dù có hù dọa nó, không thể không có lý trí ở “nấc thang” nào đó, dù thấp. Một con báo nằm rình chờ thời cơ thuận lợi để xông ra bắt mồi thì phải là sự thể hiện của ý thức, dù mờ nhạt.
Khi chúng ta nhìn thấy một vật có nghĩa là ánh sáng phát ra từ nó (do phản chiếu hoặc phát ra) đập vào mắt chúng ta, thông qua mắt mà tác động lên hệ thần kinh thị giác làm hình thành nên cảm giác “nhìn thấy”. Tuy nhiên vì nó là một bộ phận cơ thể, vì nền tảng của thị giác là cảm giác, tại mắt cũng tồn tại các đầu mối thần kinh không thuộc hệ thần kinh thị giác nên sự tác động bên ngoài nào lên mắt cũng làm cho não phát hiện, ngoài sự nhìn thấy, là những phản ứng vô thức và những cảm giác khác thị giác (như khô mắt, nhức mắt, chói mắt, rát mắt…), mà ở tình trạng mắt bình thường sẽ không phát hiện được.
Cảm giác nói chung và những hình thức biểu hiện cảm giác nói riêng là do quá trình tiến hóa sinh vật lâu dài mà có, cho nên dù rất mờ nhạt, khó nhận ra thì chắc chắn rằng chúng được sinh ra từ kinh nghiệm, từ sự đúc kết, theo đòi hỏi của thích nghi để sinh tồn.
Khi chỉ xét trong phạm vi cảm giác thôi thì đến lượt nó lại được phân định ra tương đối thành hai loại cảm giác trực tiếp và cảm giác theo kinh nghiệm. Cảm giác trực tiếp còn được gọi là trực giác, là loại cảm giác chỉ có được khi có tác động cụ thể, trực tiếp lên cơ thể từ bên ngoài. Còn cảm giác theo kinh nghiệm là loại cảm giác nảy sinh từ sự suy tưởng, phán đoán trên cơ sở kinh nghiệm đã “gặt hái” được, còn lưu nhớ được từ những lần trực giác đã từng xảy ra trong quá khứ. Ông bà ta nói: “miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời” là vì thế.(Sơ sơ thế thôi chứ thực ra là phải bàn luận như một môn khoa học sâu rộng thực sự!!!...).
Nếu không tin là có Chúa, thì phải tin là ý thức có nguồn gốc từ vật chất. Nhưng muốn tin như thế, phải thấy được cách thức nào hình thành nên ý thức từ vật chất. Muốn biết điều đó, cần phải bắt đầu từ nguồn gốc sự sống.
Trước hết cần hiểu, ý thức là gì?
Theo quan điểm của Mác - Ănghen thì: Ý thức là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan: Thể hiện rằng nội dung của ý thức do thế giới khách quan quy định. Ý thức là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan vì nó nằm trong bộ não con người. Ý thức là cái phản ánh thế giới khách quan nhưng nó là cái thuộc phạm vi chủ quan, là thực tại chủ quan. Ý thức không có tính vật chất, nó chỉ là hình ảnh tinh thần, gắn liền với hoạt động khái quát hóa, trừu tượng hóa, có định hướng, có lựa chọn. ý thức là sự phản ánh thế giới bởi bộ não con người. Mác từng nói: "Ý thức chẳng qua chỉ là vật chất được đem chuyển vào trong đầu óc con người và được cải biến đi trong đó".
Vật chất hun đúc nên những thực thể vô tri. Vật vô tri chắc chắn là không có ý thức nhưng cũng không thể gọi là vật vô giác. Theo quan niệm của chúng ta, thế giới này chỉ có Tồn Tại, không thể có Hư Vô. Nghĩa là vạn vật vô tri trong khi vận động để thể hiện sự tồn tại, phải vận động tuân theo những qui định của tự nhiên (những quy luật) sao cho chỉ có thể biến đổi trạng thái tồn tại hoặc chuyển sang dạng tồn tại khác chứ không thể Hư Vô đi. Muốn thế, vật vô tri phải có cái gọi là "giác", một thứ như sự "biết" sơ khai, tự phát, thụ động,là tiền đề của cảm giác.
Ở thế giới vô tri, vạn vật đều có giác để tuân theo nguyên lý "cố gắng" duy trì trạng thái tồn tại vốn dĩ của chúng. Với sự "cố gắng" ấy, trong những điều kiện chín muồi nào đó, sẽ hình thành nên "cảm", một thứ tinh tế hóa của giác, để từ đó hun đúc nên cảm giác. Khi cảm giác xuất hiện, thì cũng chính là đồng thời xuất hiện sự sống.
Trong thế giới vô tri, vạn vật đều có tính cố gắng duy trì tồn tại, thì vì cũng thuộc thế giới ấy nên sinh vật cũng có tính ấy. Nhưng sinh vật cũng hợp thành tương đối một thế giới riêng vì vậy tính ấy cũng có nét đặc thù nên gọi là "cố gắng sống còn". Mục đích nguyên thủy của cảm giác chính là "báo nguy" và định hướng cho sinh vật tìm cách duy trì tồn tại hay "cố gắng sống còn". Trong thiên nhiên hữu hạn, sự trái chiều của cố gắng sống còn và quy luật tăng - giảm lạm phát số lượng cá thể sinh vật khi gặp điều kiện môi trường thuận lợi hay bất lợi đã làm xuất hiện trong thế giới muôn loài quá trình đấu tranh sinh tồn và tiến hóa thích nghi. Quá trình tiến hóa thích nghi được thực hiện theo hai hướng cơ bản: hướng thứ nhất là hoàn thiện cấu trúc sinh học cơ thể cho phù hợp hơn với vận động và môi trường, hướng thứ hai là tăng cường và mở rộng khả năng cảm giác (đây là nguồn gốc của việc xuất hiện năm giác quan với xúc giác là giác quan nền tảng). Mục đích của hai hướng tiến hóa thích nghi ấy đều nhằm tăng cường thích ứng với môi trường, tăng cường khả năng tìm kiếm thứ ăn hoặc tránh né kẻ thù, tức là tăng cường sống còn.
Việc tăng cường cảm giác và hoàn thiện cấu trúc sinh học cơ thể sẽ dẫn tới làm xuất hiện hệ thần kinh trung ương và sự hồi ức. Hồi ức có tính chủ động, là cảm giác lại cảm giác đã qua mà không có đối tượng, là kết quả từ quá trình lâu dài của sự lặp đi lặp lại một cảm giác. Có thể nói hồi ức là bước đầu tiên của quá trình tiến hóa thích nghi theo định hướng tăng cường cảm giác làm xuất hiện ý thức, tức là làm xuất hiện tư duy trừu tượng. Lúc đầu là hồi ức (nhớ lại), đến tưởng tượng, rồi đến so sánh và lựa chọn (bước sơ khởi của sự biết, sáng tạo), đó là con đường hình thành nên ý thức.
Tóm lại, không có gì huyền bí, ý thức là kết quả trình đấu tranh sinh tồn và tiến hóa thích nghi. Tương tự như vậy, tình cảm cũng được hình thành nên chủ yếu từ sự đấu tranh xã hội để tìm kế mưu sinh (xã hội nào càng khó khăn trong mưu sinh thì tình cảm càng trở nên sâu sắc!). Và linh hồn được hun đúc nên từ đó.
Qua trên cũng thấy, tôn giáo phải dựa vào khoa học và theo khoa học nếu còn muốn bảo vệ niềm tin tín ngưỡng, còn khoa học muốn giữ vững niềm tin khoa học của mình và là chỗ dựa vững chắc cho nhận thức tự nhiên của loài người thì phải sáng suốt kiên định (nhưng không bảo thủ!), không lung lạc trước phủ dụ tôn giáo. 
Viết đến đây, không thể dừng được, chúng ta đành “Lỡ bước sang ngang” một chút để nói về Nguyễn Bính. Nguyễn Bính là nhà thơ Việt Nam mà phần thơ được sáng tác trong giai đoạn “tiền chiến” của ông đã làm cho chúng ta mê ly, cảm giác thật dạt dào. Hầu hết những bài thơ “thuở đó” của Nguyễn Bính, đọc nghe chẳng sang trọng, uyên thâm hay “siêu thoát” gì; nó “ê a” tự nhiên như hơi thở, nó gần gũi, hồn hậu, đằm thắm như cách nghĩ, cách nói của những thôn nữ ngây thơ, chất phác; nó mộc mạc, chân thành và đôi khi bông phèng “nhẹ tưng” như những chàng trai “chân quê”. Điều chúng ta hết sức tâm đắc là những vần điệu, câu chữ trong các bài thơ ấy có vẻ nhàm quá mà sao cứ nhớ, có vẻ tầm thường quá mà sao cứ thích thú, có vẻ như vụn vặt vô tình quá mà sao cứ rung động yêu thương.
Chỉ với gạo quê, tương mắm, rau đồng mà nấu được bữa thơm ngon đáo để; chỉ với những “con chữ”, “cái âm” nhặt nhạnh, hôi, mót đâu đó ở bờ ao, gốc rạ, đồng cạn, đồng sâu trong thôn giã mà bện kết được những khúc, những đoạn dung dị đến tuyệt cú, thì như thế, chúng ta tin rằng những bài thơ thời tiền chiến của nhà thơ Nguyễn Bính sẽ còn sống rất lâu trong lòng đại chúng, nhân gian, đến xa sau hậu thế một khi những ký ức về một vùng nông nghiệp lúa nước với cảnh làng quê đặc trưng: cây đa, bến nước, con đò - bờ đê, ao cá, ví hò, ca dao… vẫn còn được nâng niu, lưu giữ!
Thay vì thắp một nén nhang, chúng ta trích ngâm vài đoạn, tỏ lòng nhớ về Nguyễn Bính!
“Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm
Em mải tìm anh chả thiết xem
Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh
Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em.
Chờ mãi anh sang anh chả sang
Thế mà hôm nọ hát bên làng
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn
Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng!”
(Trích “Mưa xuân”)


“Hôm nay dưới bến xuôi đò
Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau
Anh đi đấy, anh về đâu?
Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm…”
(Trích “Không đề”)


“Nhà em có một giàn trầu
Nhà anh có một hàng cau liên phòng
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?”
(Trích “Tương Tư”)


“Cái ngày cô chưa có chồng
Đường gần tôi cứ đi vòng cho xa
Lối này lắm bưởi nhiều hoa …
(Đi vòng để được qua nhà đấy thôi)
Một hôm thấy cô cười cười
Tôi yêu yêu quá nhưng hơi mất lòng
Biết đâu rồi chả nói chòng:
“Làng này khối đứa phải lòng mình đây!”
Một năm đến lắm là ngày
Mùa thu mùa cốm vào ngay mùa hồng
Từ ngày cô đi lấy chồng
Gớm sao có một quãng đồng mà xa
Bờ rào cây bưởi không hoa
Qua bên nhà thấy bên nhà vắng teo
Lợn không nuôi, đặc ao bèo
Giầu không dây chẳng buồn leo vào giàn
Giếng thôi mưa ngập nước tràn
Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều”
(Bài “Qua nhà”)


“ Tình tôi là giọt thủy ngân
Dù nghiền chẳng nát dù lăn vẫn tròn
Tình cô là đóa hoa đơn
Bình minh nở để hoàng hôn mà tàn
Lòng tôi rối những tơ đàn
Cao vời những ước đầy toàn những mơ
Lòng cô chẳng có dây tơ
Ước sao đến thấp mà mơ đến nghèo!
Hồn tôi giếng ngọt trong veo
Trăng thu trong vắt biển chiều trong xanh
Hồn cô cát bụi kinh thành
Đa đoan vó ngựa chung tình bánh xe”
(Bài “Tình tôi”)


Bao giờ cũng thế, cứ mỗi lần đọc thơ tiền chiến của Nguyễn Bính, lòng chúng ta cứ man mác buồn. Tại nhà thơ hay tại chúng ta? Có lẽ tại cả hai! Nhà thơ là người buồn thứ nhất vì bản thân đã từng trực giác đau thương trong quá khứ, để rồi sau đó, vốn sẵn đa sầu đa cảm nên dễ bi hóa thân phận; để rồi với tâm trạng đã có “tỳ vết” ấy mà trước thực tại, để “ tức cảnh sinh tình” đượm hơi hướng tiếc nhớ, dằn vặt, ân hận, xót xa… và cứ thế mà… buồn thấm thía. (Có những nhà (gọi là) thơ cố “rặn” ra nỗi buồn (vì chỉ có những bài thơ buồn mới có thể trở thành bất tử!?) nhưng viết “ồn ào”, “sáng tạo” quá nên làm người đọc thấy… vui quá, hoặc… nổi điên!). Chúng ta là người buồn thứ hai vì cũng đã từng chịu nhiều vết thương lòng, đã từng nhiều lần có tâm trạng u sầu, chán nản nên dễ đồng cảm với nhà thơ và cũng cứ thế mà buồn theo, man mác!…
Nỗi buồn của Nguyễn Bính và nỗi buồn của chúng ta (bị “lây” bởi nỗi buồn Nguyễn Bính) chính là cảm giác theo (hay qua) kinh nghiệm. “Chơi dao lắm cũng có ngày đứt tay”, những ai chưa một lần đứt da rách thịt và không cảm giác lại được sự “đau thương” của đứt da rách thịt thì sẽ rất coi thường lời cảnh báo ấy vì… chả hiểu gì cả. “Có đi mưa mới biết lạnh”, “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ” là những câu có ý nghĩa tương tự.
Trong bài “Viếng hồn trinh nữ”, ở khổ thơ cuối cùng, Nguyễn Bính viết:
“Tôi với nàng tuy không biết nhau
Mà tôi thương tiếc bởi vì đâu?
(…)”
Bởi vì đâu? Vờ hỏi thế thôi chứ Nguyễn Bính biết và ông đã trả lời cặn kẽ bằng cả bài thơ đó rồi. Nhà thơ thương tiếc vì đã thấy đám tang của cô gái trinh trắng đó; vì đã cám cảnh mẹ cô:
“ Người mẹ già kia tuổi đã nhiều
Đã từng đau khổ biết bao nhiêu
Mà nay lại khóc thêm lần nữa
Nước mắt còn đâu buổi xế chiều”
của em cô:
“Những đứa em kia chưa khóc ai
Mà nay phải khóc một người rồi
Mà nay trên những môi non ấy
Chẳng được bao giờ gọi: Chị ơi!”
và của người yêu cô:
“Nàng đã qua đời để tối nay
Có chàng đi hứng gió heo may
Bên hồ để mặc mưa rơi rớt
Đếm mãi bâng quơ những dấu giày”
Tất cả những hoạt cảnh dù thực hay suy tưởng ấy đã tạo nên những cảm giác tang tóc, buồn bã, xót xa, thông cảm… và những cảm giác đó đã đúc thành nỗi thương tiếc.
Tại sao những hoạt cảnh mà nhà thơ “thấy” lại làm cho nhà thơ có nỗi niềm như vậy? Là tại trước đó nữa nhà thơ đã gặp những trường hợp tương tự và đã cảm nhận tương tự như vậy. Cuối cùng là bản thân nhà thơ trong một vài trường hợp đã trực giác được sự đau khổ của tang tóc, chia lìa và một vài trực giác ấy đã khắc sâu trong tâm khảm bản thân nhà thơ, trở thành những kinh nghiệm đầu tiên để từ đó, cùng với sự liên tưởng, phán đoán, suy diễn mà dần nảy nở những cảm giác nói trên. Những cảm giác đó là gián giác (chúng ta gọi cảm giác theo kinh nghiệm là cảm giác gián tiếp và để đối ứng với từ “trực giác”, chúng ta dùng từ “gián giác”, thay cho “cảm giác gián tiếp”). Tuy nhiên những gián giác càng lùi sâu vào dĩ vãng, càng chuyển hóa gần trực giác. Khi đã “chìm” vào tiềm thức, chúng trở thành những trực giác. Nói chung, không thể phân biệt được tuyệt đối giữa trực giác và gián giác mà chỉ có thể bằng cách tương đối, trong sự qui ước.
Dù sao thì cũng vẫn có thể nói sự từng trải của nhà thơ Nguyễn Bính đã làm nên bài thơ “Viếng hồn trinh nữ” và sự thương tiếc của ông trong trường hợp này là một gián giác (Xin nói nhỏ rằng nhận định này là của… Thầy Cãi. Chúng ta đừng cãi làm gì cho tốn sức! Mới nhắc đến tên ông ta thôi mà đã thấy… mệt rồi!).
Gián giác “thương tiếc” được hình thành nên từ những gián giác buồn bã, xót xa, ái ngại… mà lúc đó đã đóng vai trò như những trực giác. Chà! Nghe ra cũng khá bùi tai!.
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét