Thứ Hai, 7 tháng 9, 2020

TT & HĐ II - 16/g

                                                 Cội nguồn thuyết Âm Dương Ngũ Hành

PHẦN II:     Nền tảng


" Triết học bắt đầu từ sự ngạc nhiên"
Arixtốt

“Chúng ta có thể mường tượng thế giới của thực tại như là một dòng nước ngầm; thế giới hiện tượng thì ở bề mặt; bên dưới nó chúng ta không nhìn thấy được. Các sự kiện ở tận đáy của dòng nước gây ra bọt và những xoáy nước ở bề mặt. Đó là những chuyển động bức xạ và năng lượng của cuộc sống chung của chúng ta, nó tác động tới các giác quan và do đó, kích thích trí óc chúng ta; ở bên dưới, dòng nước ngầm vẫn chảy”
(Sir James Jeans.)

“Triết học chân chính chỉ là triết học truyền đạt chính xác nhất tiếng nói của bản thân thế giới và được viết dưới những sự chỉ dẫn của thế giới”
(Ph.Bêcơn)

“Tất cả mọi khoa học cần thiết hơn triết học, nhưng không một khoa học nào tốt hơn nó”
(Arixtốt)
 

CHƯƠNG V: TƯƠNG ĐỒNG

“Các qui luật thường xuyên và bất biến, tác động tới tất cả mọi vận động, tất cả mọi biến đổi của các vật thể. Chính tự nhiên đặt ra một trật tự và một sự hài hòa bất di bất dịch trong vũ trụ, và vũ trụ thì tuy luôn luôn biến đổi trong những bộ phận của nó, nhưng bao giờ cũng là như thế trong toàn bộ của nó ”.
(Lamarck)

"Loại bỏ một sai lầm cũng tốt như, và thậm chí đôi lúc còn hơn là thiết lập một chân lý hay sự thật mới." 
(C. R. Darwin)

"Ngu dốt sinh ra sự quả quyết hơn là tri thức; chính những người biết ít chứ không phải những người biết nhiều mới quả quyết khẳng định vấn đề này hay vấn đề kia sẽ không bao giờ được khoa học giải đáp.".
(C. R. Darwin)

“Chúng ta vẫn còn chìm trong bóng tối về nguồn gốc của hầu hết các nhóm sinh vật chính. Chúng xuất hiện trong hồ sơ hóa thạch giống như Athena đã chui ra từ trong đầu của Thần Zeus - bùng nổ và háo hức, trái ngược với Darwin miêu tả về sự tiến hóa là kết quả do sự tích lũy dần dần của vô số biến thể siêu nhỏ...”. 

“Chúng ta vẫn còn biết ít về mối quan hệ qua lại của vô số cá thể trên thế giới trong suốt nhiều giai đoạn địa chất đã qua. Mặc dù còn nhiều điều mơ hồ và sẽ còn mơ hồ lâu dài nữa, nhưng tôi vẫn tán thành một cách chắc chắn là, sau khi nghiên cứu thận trọng và phán xét vô tư những việc mà tôi có thể làm được, quan điểm, mà hầu hết các nhà tự nhiên học đều tán thành cũng như tôi trước đây đã tán thành – cho rằng các loài được sáng tạo ra một cách độc lập – là sai lầm. Tôi hoàn toàn tin chắc rằng các loài không phải là bất biến; nhưng những loài thuộc về cái được gọi là các chủng giống nhau là những hậu duệ trực hệ của những loài khác đã tuyệt chủng hoàn toàn, cũng tương tự như là những biến chủng đã được công nhận của bất cứ loài nào là hậu duệ của những loài đó. Hơn nữa, tôi tin chắc rằng Chọn lọc Tự nhiên là nguyên nhân chính nhưng không phải là nguyên nhân duy nhất của sự biến đổi.” 
(C. R. Darwin)






(Tiếp theo)

***
Xuất hiện gần như đồng thời, nhưng có lẽ tiếp sau khái niệm Âm Dương, là khái niệm Ngũ Hành. Những khái niệm này có rất sớm, từ đời Ân Thương thuộc Trung Quốc cổ đại. Đến đời Chu, chúng ngày càng được mở rộng, được làm sâu sắc hơn, dần trở thành những quan niệm có ý nghĩa tiền đề cho học thuyết triết học Hoàng Lão ra đời mà theo ý kiến riêng của chúng ta thì đó là học thuyết hoàn chỉnh đầu tiên và cũng đúng đắn nhất về Tự Nhiên Tồn Tại của dân tộc Trung Hoa. Đến lượt thuyết Hoàng Lão, sau khi đã hình thành và nhờ vào cái nội dung cốt lõi vốn dĩ hợp lý của nó, nó đã tác động mạnh mẽ vào mọi mặt của đời sống, văn hóa xã hội, không trực tiếp thì cũng gián tiếp làm nên cao trào “bách gia chư tử” thời Đông Chu với bao nhiêu học thuyết và lẽ đương nhiên là có cả thuyết âm dương - bát quái và thuyết ngũ hành. Đối với hai thuyết sau, gọi là “thuyết” thì hơi quá. Có lẽ nên gọi chúng là những tiền học thuyết và ở trạng thái này, chúng là tiền bối của Hoàng Lão. Dù rằng không bắt nguồn từ thuyết Hoàng Lão nhưng nhờ có thuyết Hoàng Lão mà hai khái niệm Âm Dương và Ngũ Hành mới phát triển được đến “dáng dấp” của những học thuyết, ban đầu như là hai nhánh rẽ của một dòng sông. Chỉ khi hai nhánh đó hợp lại làm một thì mới thực sự hình thành nên một học thuyết gọi là thuyết Âm Dương - Ngũ Hành. 
Trâu Diễn, người nước Tề (cuối thời Chiến Quốc) kế thừa những tư tưởng và quan niệm của giai đoạn “Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua sáng”, theo nhiều nhà nghiên cứu, có thể đã là người đầu tiên xây dựng thuyết đó. Người kế tục Trâu Diễn là Đổng Trọng Thư (thời Tây Hán, năm 206 TCN - 26 SCN). Ông là người đề xuất ra cái gọi là tương sinh, tương khắc của Ngũ Hành và Ngũ Hành là từ Âm Dương sinh ra: “Khí của trời đất hợp lại làm một, chia ra là Âm và Dương, phân thành bốn mùa, liệt kê thành Ngũ Hành”.
Đổng Trọng Thư có lý khi giải thích thế giới tự nhiên vì ông theo quan niệm của Đạo Gia. Lúc đó, ông là nhà duy vật khách quan, đã thấy được bản chất tương phản của Tồn Tại. Chẳng hạn, ông nói: “Phàm vật tất có chỗ hợp. Hợp ắt phải có trên ắt phải có dưới… ắt phải có ngoài ắt phải có trong, có đẹp ắt phải có xấu… thế là đều có hợp. Âm là chỗ hợp của Dương… vật không cái gì không hợp, mà có hợp thì mỗi vật đều có đủ âm dương” hoặc: “Đạo trường cửu của trời là vật tương phản, không nổi lên cùng một lúc được, cho nên gọi là Một. Một mà không hai là vận hành của trời. Âm với dương là vật tương phản. Cho nên hoặc ra đi, hoặc trở về, hoặc bên phải, hoặc bên trái”.
(“Đạo trời không hai” – Phồn lộ, q. 12)
Đổng Trọng Thư
Nhà triết học
Đổng Trọng Thư là nhà triết học duy tâm thời Tây Hán, một
 đại diện tiêu biểu của Nho học. Tiểu sử của ông được ghi 
tại Sử ký, "Nho lâm liệt truyện"; Hán thư, "Đổng Trọng
 Thư truyện", Tân luân, "Bản tạo". Lúc Hán Vũ Đế 
(140 TCN -87 TCN) chọn người hiền lương có học vấn,
 ông lần lượt vâng chiếu ba lần trả lời đối sách, dâng vua
 bài Thiên nhân tam sách nổi tiếng. Vũ Đế đánh giá cao
 kiến nghị "bãi bỏ bách gia, độc tôn Nho học", rất mau
 chóng tiếp nhận ý kiến này, lại bổ nhiệm ông làm Tướng quốc
  cho Dịch vương ở Giang Đô. Sau này do ca ngợi những biến 
cố tai dị (sự trừng phạt của thiên nhiên đối với con người),
khuyên giải Vũ Đế vì đã giết hại đại thần thân cận, làm cho 
Vũ Đế phẫn nộ, ông bị cách chức và bị nhốt vào ngục. 
Sau khi được thả ra, ông giữ chức Tướng quốc của Giao
 Tây vương.  Wikipedia
Sinh: 179 Trước CN, Hành Thủy, Trung Quốc
Mất: 104 Trước CN, Trung Quốc

Nhưng khi Đổng Trọng Thư bàn về nhân sinh hành vi, xã hội (có lẽ bị ám ảnh bởi sự sụp đổ nhanh chóng của nhà Tần vì cai trị nặng về bạo lực) thì ông lại đứng về phía lập trường tư tưởng của Nho Gia, cho nên ông trở thành nhà duy tâm chủ quan; đưa ra nhiều quan niệm khiên cưỡng…
Dù sao đi nữa thì chúng ta cũng rất thích đoạn sau đây trong “Tất nhân thả trí” (Phồn lộ, quyển 8) của Đổng Trọng Thư:
“Không gì cần hơn là nhân ái. Không gì thiết yếu bằng trí tuệ. Nhân ái mà không trí tuệ thì yêu mà không phân biệt. Trí tuệ mà không nhân ái thì biết mà không làm. Cho nên Nhân là để yêu nhân loại, Trí là để trừ điều hại…”.
Khoảng 1000 năm sau, vào đời Tống, có Chu Đôn Di lập nên một học thuyết gọi là “Thái cực đồ thuyết”, mà xét nội dung thì không thể không cho rằng nó là sự đúc kết và hoàn thiện thêm thuyết âm dương - ngũ hành cũng như quan niệm về nhân sinh hành vi của Đổng Trọng Thư mà thôi. Để khỏi phải biện minh dài dòng, chúng ta chép ra đây toàn văn Thái cực đồ thuyết:
“Vô cực mà là thái cực. Thái cực động sinh dương, động đến cực độ thì tĩnh, tĩnh sinh âm; tĩnh đến cực độ thì lại động. Một động một tĩnh làm nên mối quan hệ tương hỗ tại gốc chung. Khi phân chia âm dương, lưỡng nghi thành lập. Dương biến âm hợp mà sinh ra Thủy, Hỏa, Mộc, Kim, Thổ. Năm khí đó sắp xếp thuận ứng với nhau thì bốn mùa vận hành. Ngũ hành hợp nhất vào âm dương, âm dương hợp nhất vào thái cực. Gốc của thái cực là vô cực. Ngũ hành sinh hóa đều có tính duy nhất. Cái chân thực của vô cực, cái tinh túy của âm dương và ngũ hành phối hợp một cách kỳ diệu và ngưng tụ lại. Đạo thuần động thành giống đực, đạo thuần tĩnh thành giống cái, hai nguyên khí giao cảm với nhau mà sinh hóa ra muôn vật. Muôn vật sinh hóa lẫn nhau và biến hóa vô cùng tận. Chỉ có người được cái ưu tú mà rất linh; hình thể đã sinh ra rồi thần linh phát hiện ra tri thức. Ngũ hành cảm ứng động tác mà phân biệt ra thiện ác, muôn sự việc xuất hiện ra. Thánh nhân là bậc người hoàn toàn lấy tiêu chuẩn trung chính, nhân nghĩa để xử sự. Con đường của bậc thánh chỉ có nhân nghĩa trung chính mà thôi. Các ngài lấy sự tĩnh làm chủ đích. Giữ lòng không ham muốn thì tĩnh. Như thế là thiết lập cái tuyệt đích của con người. Cho nên bậc thánh nhân cùng với trời đất hợp đức tính của mình, tinh thần sáng tỏ như mặt trăng mặt trời, hành động điều hòa như vận hành của thời tiết bốn mùa, cùng với quỉ thần hợp lành dữ. Người quân tử hay tu sửa mình thì lành, kẻ tiểu nhân làm trái đạo ấy thì dữ. Cho nên thiết dựng đạo lý trời đất thì có hai phương diện âm và dương, thiết lập đạo lý thiên nhiên tạo vật thì có hai tính cứng và mềm; thiết dựng đạo lý của nhân loại thì có đức nhân ái và nghĩa lý. Lại nói trở về nguồn khởi thủy và đển chung cục, cho nên biết được cái nghĩa sống chết. Lớn thay nghĩa lý Kinh Dịch, đây là tinh túy của nó vậy.”
(Chu Liêm Khê - Thái Cực đồ)
Như vậy, có thể cho rằng học thuyết âm dương - ngũ hành thuở ban đầu là sự gắn kết hai khái niệm âm dương và ngũ hành trên cơ sở triết học về tự nhiên của Đạo Gia nhằm cố gắng xây dựng thành một hệ thống nhất quán duy nhất giải thích thỏa đáng được căn nguyên của mọi hiện tượng trong thế giới khách quan. Về sau học thuyết ấy là sự cố gắng thống nhất cái cốt lõi hợp lý của quan niệm về tự nhiên của Đạo Gia và quan niệm về nhân sinh - xã hội của Nho Gia. Đó là bước đi mang tính tất yếu nhưng vừa đúng đắn vừa sai lầm.

                       Chu Đôn Di
Kết quả hình ảnh cho Chu Đôn Di
Triết gia
Chu Đôn Di là một triết gia của đời Tống, sinh ở Vĩnh Châu,
 tỉnh Hồ Nam. Tôn xưng là Chu Liêm Khê. Ông được xây
 dựng nền lý học lúc đời nhà Tống, và đã có công làm sống 
động lại đạo Nho. Ông cũng sửa lại những tư tưởng về 
Dịch học phái, và cho rằng trước Thái cực còn có Vô Cực. 
Ông dạy rằng người ta có thể học dùng khí-công theo những
 nguyên tắc của tự nhiên. Ông học với hai thầy Trình Di (程頤) 
và Trình Hạo (程顥). Ông viết quyển sách nổi tiếng như Thái cực đồ thuyết, Thông thư,
 và bài Ái liên thuyết, tức là thuyết yêu hoa sen.
  Wikipedia
Sinh: 1017, Hồ Nam, Trung Quốc
Mất: 1073, Giang Tây, Trung Quốc
Xảy ra tình hình ấy là vì hệ tư tưởng chính trị, quan niệm về đối nhân xử thế của Khổng Tử chỉ là sự đúc kết những kinh nghiệm hoạt động xã hội của quá khứ, chỉ là sự rút ra những bài học một cách hình thức từ những biến cố của lịch sử theo cách nhận thức của giai tầng trí thức đang hoang mang trước một thời cuộc “lạ lùng”. Câu “Vua cho ra vua, tôi cho ra tôi, cha cho ra cha, con cho ra con” của Khổng Tử đã là sự biểu hiện súc tích nhất những điều đó. Vì được xây dựng lên như thế nên toàn bộ quan niệm, hệ tư tưởng chính trị của Nho Gia bị “hổng chân”, mâu thuẫn, không thể đứng vững được. Tình thế buộc nó phải tìm kiếm cơ sở lý luận đủ vững làm bệ đỡ cho mình và nó đã nhìn thấy ở Đạo Gia những thiết yếu mang tính hợp lý “không thể chối cãi được”, rất cần thiết và có thể vay mượn được.
Nguyên nhân thứ hai là dù quan niệm về xã hội và nhân sinh của Lão Tử, có tính nhất quán cao độ với triết lý về Tự Nhiên (rất sâu sắc và xác đáng) của ông, là hợp tình hợp lý, thì có lẽ do chưa thấy được hết mối quan hệ (có thật) giữa chủ quan và khách quan, và cũng có thể một phần là do cái đặc thù gãy gọn, súc tích của ngôn ngữ Trung Hoa (nhất là ở thời kỳ còn hạn chế trong việc ghi chép) nên đã không được hiểu đúng nghĩa mà Lão Tử muốn gửi gắm và còn ít nhiều mang màu sắc tự nhiên chủ nghĩa.
Thời gian trôi đi, ngày nay, trước một nền văn minh toàn cầu tự do mua bán và tích trữ súng đạn, bom mìn; một nền văn minh tự do khai thác và vơ vét đến vô tội vạ tài nguyên thiên nhiên; một nền văn minh dung túng quá mức khổng lồ những lực lượng như quảng cáo, môi giới, quân đội; một nền văn minh kích thích, kêu gào tiêu dùng, hưởng thụ đến thái quá, làm phát sinh vô số bệnh tật; một nền văn minh ngập ngụa trong ô nhiễm và bị đe dọa bởi một tương lai khánh kiệt; chúng ta mới thấm thía được những nhắc nhở vừa dung dị vừa thâm sâu, cách đây những 2500 năm của Lão Tử, như:
“Danh tiếng với sinh mệnh cái nào quí? Sinh mệnh với của cải, cái nào quan trọng? Được danh lợi mà mất sinh mệnh, cái nào hại? Cho nên ham danh quá thì phải hao tổn nhiều, chứa của cải nhiều thì mất nhiều. Biết thế nào là đủ thì không nhục, biết lúc nào nên dừng thì không nguy mà có thể sống lâu được.”
“Họa không gì lớn bằng không biết thế nào là đủ, hại không gì bằng tham muốn cho được nhiều. Biết thế nào là đủ và thỏa mãn về cái đủ đó thì mới luôn luôn thấy đủ.”
Nhưng có lẽ nguyên nhân chủ yếu làm nảy sinh tình hình như đã nói, là hậu thế mới chỉ thấy được cái huyền bí hợp lý của khái niệm Đạo do Lão Tử đã dựng nên mà chưa thấy được ẩn chứa trong khái niệm Đạo ấy cái cảm nhận thiên tài của ông. Lão Tử đã tài tình phán đoán được sự tồn tại của một lực lượng vô cùng vĩ đại, vận động một cách vô cùng phi thường nhưng không thấy được, đóng vai trò nền tảng, chi phối mọi hoạt động, mọi sinh thành tử bại biến hóa của vạn vật hiện tượng trong hiện thực, trong cái thế giới khách quan mà con người quan sát được…; đó là Tự Nhiên: vạn vật từ đó mà ra và lại trở về đó.
Kết luận lại, chúng ta cho rằng mọi triết thuyết, mọi hệ tư tưởng của dân tộc Trung Hoa, dù sau này có hòa lẫn nhiều ý niệm ngoại lai đi chăng nữa, đều có giềng mối từ hai khái niệm Âm Dương và Ngũ Hành.
Thế thì Âm Dương, Ngũ Hành nảy sinh từ đâu? Tất nhiên là từ quá trình quan sát và nhận thức hiện thực rồi, nhưng cụ thể là như thế nào?
Chắc chắn là sẽ không bao giờ có thể trả lời được chính xác câu hỏi đó vì thời gian đã làm cho cái thời xa xăm tối cổ hóa thành một khu rừng u linh huyễn hoặc, mịt mờ sương khói. Tuy nhiên, một cách áng chừng, chúng ta cho rằng khái niệm Âm Dương và Ngũ Hành xuất phát từ lối sống phồn thực của cư dân Đông-Nam Á đã bước vào nền nông nghiệp nguyên thủy lúa nước, cũng như từ quan niệm lưỡng phân-lưỡng hợp của người Việt tối cổ-tổ tông chủ yếu của tộc người Hoa Hạ sau đó!...
Nhưng có cần thiết phải tốn công tốn sức để tìm kiếm nguồn gốc trực tiếp của Âm Dương, Ngũ Hành không và có thể kiếm chác được gì nếu làm điều đó? Có lẽ chẳng còn viên ngọc nào ở đó đâu, khi mà trước chúng ta, biết bao nhà khảo cứu đã cày đi xới lại loạn xạ cả lên mà chẳng thấy manh nha nào. Họ được trang bị chuyên môn đầy đủ mà còn phải “lè lưỡi” huống gì chúng ta, những kẻ chưa đáng được coi là nghiệp dư! Biết đâu đấy! Một ý nghĩ đã từng vụt lóe trong đầu chúng ta như tia chớp và đã khắc tạc vào não, lưu dấu không phai mờ: có thể nào quan niệm Âm - Dương, Ngũ Hành có nguồn gốc từ Hà Đồ - Lạc Thư và tất cả đều xuất phát từ ý niệm Trời Đất vận hành theo nguyên lý lưỡng phân - lưỡng hợp và phồn thực của người Việt tối cổ -trước là tổ tông của người Việt, sau cũng là tổ tông của người Hoa?
Ôm nặng nỗi niềm ấy, chúng ta đảo mắt nhìn quanh và quay sang, rảo bước theo phương chiều mới…
- Ê, mấy cha kia, việc gì mà phải “bỏ của chạy lấy người” như thế! Tưởng nào giờ mấy cha là những nhà bịa đặt, dựng chuyện bạt mạng nhất trên đời này, coi búa rìu dư luận như pha, thế mà, lại giở trò tự ti, hèn yếu, bỏ đi không kèn không trống như thế thì thật là lạ đời… Hãy quay lại đây ngay để không xúc phạm đến đội ngũ những người hoang tưởng! Hoang tưởng là thiêng liêng, hoang tưởng là bất diệt, hoang tưởng là vô địch!... Quay lại ngay!...
Ai mà lớn tiếng thế nhỉ? Ai mà la mắng chúng ta một cách “ngon lành”, trịch thượng như thế nhỉ? Chúng ta quay đầu lại định… Ối giời ơi, Nhà Thông Thái!...
Chúng ta bao giờ cũng có ý kính nể NTT. Và chúng ta trở lại. Có NTT, chúng ta thấy phấn chấn hẳn, tự tin hẳn và không còn chút bận tâm nào đến mối hiểm nguy có thể xảy ra bất cứ lúc nào bởi thị phi người đời nữa. Chúng ta phục NTT không phải vì tài năng, bởi nhiều khi ông ta chẳng thông thái tí nào, mà vì ông luôn là tấm gương sáng ngời về lòng dũng cảm. Đã nhiều lần chúng ta cố gắng học đòi cái tính cách can trường ấy mà không được. Sau này chúng ta mới hiểu vì sao, khi nghe được câu nói tuyệt đích của Napôlêông Bônapac: “Lòng can đảm là không thể bắt chước được, đó là một đức tính thoát ra ngoài vòng giả tạo.”
- Thưa NTT, quả thật lúc nãy chúng tôi đã cảm thấy vô cùng nao núng. Nãy giờ, sau khi trưng ra viên ngọc quí: mc2 = m0c2 + mv2, ông đi đâu? Cũng may, ông đã kịp thời xuất hiện trở lại như một đấng trượng phu làm chúng tôi lấy lại được bình tĩnh. Rất cảm ơn ông! Tuy nhiên, ông cũng đừng nên coi chúng tôi tệ hại như Phridrich Vinhem đệ tam, ông vua đớn hèn của nước Phổ bạc nhược, đến độ bị Napôlêông sỉ nhục: “Một ông vua nhơ nhuốc, một quốc gia nhơ nhuốc, một quân đội nhơ nhuốc, một cường quốc đã lừa dối người và không đáng tồn tại”. Ông hãy nhìn những chiến công mà chúng tôi đã gặt hái được trên quãng hành trình vừa qua để…
- Được rồi! Được rồi!...Xin thứ lỗi! Dù sao cũng phải nói: những cái mà các cha gọi là chiến công đó thực chất chỉ là hươu vượn tầm phào thì cũng phải thừa nhận rằng sự liều mạng của các cha đã làm cho tôi liên tưởng đến trận chiến lừng danh ở làng Lôđi, nước Ý, khi chiến sự đang diễn ra ác liệt ở đầu cầu thì Napôlêông, dẫn đầu một tiểu đoàn quân cận vệ, xông tới dưới làn mưa đạn.
- Thôi! Ông đừng có nhắc đến chiến tranh nữa, nghe khiếp quá!
- Tại các cha cả thôi! Đã ghê sợ chiến tranh mà còn mở miệng ra rả nói đến chiến công này nọ thì kể cũng nực cười!
Chúng ta bật cười thật:
- Ừ nhỉ, ông nói có lý đấy! Chúng tôi hơi bị hồ đồ… Thưa NTT, ông kêu chúng tôi quay lại và chúng tôi đã quay lại rồi đây. Giờ thì ý ông muốn gì?...
- Chẳng gì sất, chỉ muốn mấy cha theo tôi đi “mót cá”.
- Mót cá?! À...à!...
Và chúng ta nhớ lại tuổi thơ xưa. Hồi ấy, nghe tin ở đâu có tát ao bắt cá là chúng ta rủ nhau đến đó, chực chờ người ta bắt xong là chúng ta ào xuống mò lại gọi là mót cá. Thường thì chỉ kiếm được vài con cá nhỏ cỡ một hai ngón tay. Nhưng đôi khi cũng vớ được cá to, do hoảng sợ mà rút sâu trong bùn, mừng hết lớn. Ôi, dĩ vãng ơi, thương nhớ lắm!...
Tiếng NTT vang lên dõng dạc, đưa chúng ta về với hiện tại để lại bắt đầu lưu lạc trong… hoang tưởng:
-Nào, đi thôi anh em ơi! Cứ nghĩ rằng chúng ta hành động theo trời xui đất khiến để yên tâm mà… mò. Nếu may mắn, chúng ta sẽ vớ được những con cá đã hóa ngọc (chứ không phải hóa thạch!) mà chúng ta cần. Nhưng trước hết, chúng ta hãy luôn lưu nhớ, đừng bao giờ quên dù chỉ một giây lát, câu chuyện về cái mũ phớt!...
Đúng rồi! Một cái mũ phớt thì bao giờ cũng là một cái mũ phớt. Chỉ có những tâm hồn hoàn toàn tự nhiên (không phải tự do mà hơn cả tự do, tuyệt đối bị ràng buộc nhưng cũng tuyệt đối không bị lệ thuộc!!!) mới thấy nó còn là một con trăn nuốt trọn một con voi trong bụng.
(Hết chương XVI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét