Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2020

TT & HĐ II - 18/e

                                            

                               Nguồn gốc của loài người - Phim tài liệu khoa học - Thuyết minh

 

PHẦN II:     Nền tảng


" Triết học bắt đầu từ sự ngạc nhiên"
Arixtốt

“Chúng ta có thể mường tượng thế giới của thực tại như là một dòng nước ngầm; thế giới hiện tượng thì ở bề mặt; bên dưới nó chúng ta không nhìn thấy được. Các sự kiện ở tận đáy của dòng nước gây ra bọt và những xoáy nước ở bề mặt. Đó là những chuyển động bức xạ và năng lượng của cuộc sống chung của chúng ta, nó tác động tới các giác quan và do đó, kích thích trí óc chúng ta; ở bên dưới, dòng nước ngầm vẫn chảy”
(Sir James Jeans.)
 
“Triết học chân chính chỉ là triết học truyền đạt chính xác nhất tiếng nói của bản thân thế giới và được viết dưới những sự chỉ dẫn của thế giới” 
(Ph.Bêcơn)

“Tất cả mọi khoa học cần thiết hơn triết học, nhưng không một khoa học nào tốt hơn nó” 
(Arixtốt)

CHƯƠNG VII: TIÊN NGHIỆM


Tình yêu không phải ở đôi má hồng của người thiếu nữ mà ở trong mắt của kẻ si tình.
Immanuel Kant

"Nếu bạn muốn thành công, phải lấy lòng kiên trì làm bạn tốt, lấy kinh nghiệm làm tham mưu, lấy cẩn thận làm anh em, lấy hy vọng làm lính gác" 

 Thomas Edison
“Chúng ta có thể hoặc dùng lý lẽ để hạ gục ý kiến của người khác hoặc cứ để họ phát biểu những gì họ muốn. Chúng ta không thể xóa bỏ ý kiến bằng vũ lực, làm như vậy sẽ cản trở sự phát triển tự do và trí tuệ.”
Che Guevara

“Một người nếu bắt đầu từ khẳng định, anh ta tất sẽ kết thúc trong nghi vấn, nhưng nếu anh ta bắt đầu từ nghi vấn, anh ta đương nhiên kết thúc bằng khẳng định”
Fracis Bacon

“Văn hóa chính là hiểu những lời hay nhất và những tư tưởng tốt đẹp nhất mà mọi người trên thế giới đã từng nói và từng suy nghĩ”
Arnold

"Người kinh nghiệm phong phú đọc sách dùng hai mắt, một con mắt nhìn lời trên tờ giấy, một con mắt nhìn mặt sau tờ giấy"
Goethe

"Chìa khóa mở mọi cánh cửa khoa học đều là dấu chấm hỏi; phần lớn những phát hiện vĩ đại của chúng ta đều vậy, mà trí tuệ của cuộc sống thường quyết định ở chỗ khi gặp việc gì thì hỏi câu hỏi tại sao"
Balzac

"Học vấn không có quê hương, nhưng người có học phải có tổ quốc"
L.Pasteur

“Bản tính của ta chỉ có thể có những trực giác khả giác thôi, nghĩa là theo cách ta bị sự vật tác động vào, còn khả năng suy tưởng những đối tượng của trực giác thì lại là công việc của trí năng. Trong hai đặc tính này của tâm trí ta, không cái nào được coi là trọng hơn cái kia. Không có cảm năng, thì không có một đối tượng nào sẽ được ban cho ta, và không có trí năng thì không một đối tượng nào sẽ được ta suy tưởng. Thiếu nội dung, các ý tưởng sẽ rỗng tuếch và thiếu quan niệm thì các trực giác sẽ mù tịt”.
I. Kant

“Bạn ơi, lý thuyết thì xám xịt, còn cây đời mãi mãi xanh tươi.” Wolfgang Goethe

 

 

(tiếp theo) 
 
                                 ***

Nhắc đến Lạc Thư, chúng ta lại nhớ về nó. Chúng ta đã đột ngột bỏ nó trong khi duyên nợ với nó vẫn còn. Phản phục? Đúng, phải trở lại để giải quyết nốt những dở dang!
Nhưng trước khi trở lại, chúng ta nói thêm một chút nữa cho xong vấn đề ở đây kẻo lại gây ra thêm một dở dang nữa.
Đấu tranh sinh tồn để tiến hóa thích nghi là qui luật cơ bản tạo sinh ra muôn giống loài trong thế giới sinh vật. Nội dung của tiến hóa thích nghi sinh vật nôm na là kế thừa nền tảng cơ thể và cấu tạo sinh học có sẵn, theo thời gian củng cố, điều chỉnh những ưu việt đã có, hình thành những tố chất, những bộ phận chức năng mới nhằm phù hợp với môi trường sống mới, đảm bảo tốt hơn cho việc duy trì sống còn. Điều đó cho thấy có đa dạng, đa phương chiều tiến hóa. Không thể có loài hổ báo tiến hóa thành cá voi cá sấu, hay trâu bò tiến hóa thành hổ báo được. Trong đa phương chiều tiến hóa ấy, có một hướng tiến hóa làm xuất hiện loài người có suy nghĩ. Suy nghĩ từ đâu mà có? Từ sự nhớ lại! Có thể nói sự nhớ lại (tức hồi ức) là tiền đề của sự suy nghĩ. Không có hồi ức, sẽ không có tư duy trừu tượng, và như thế cũng không tồn tại loài người.
Tại sao con người thông minh hơn con vật? Vì con người biết suy nghĩ và...rút kinh nghiệm. Tại sao con người biết suy nghĩ? Vì có hồi ức để từ đó làm nên kinh nghiệm khái niệm và sự sáng tạo. Vì sao con người có kinh nghiệm? Nhờ vào cảm giác, hiểu biết và sự so sánh. Vì sao con người có cảm giác? Vì có hệ thần kinh vận động phải tuân theo luật tác động - phản ứng của tự nhiên theo hướng đảm bảo sống còn. Vì sao lại có luật đó? Vì có tồn tại và có "giác", sự được tạo dựng và đồng thời "đi" tạo dựng. Vì sao có quá trình đó? Vì có sự “cạnh tranh” được hiện hữu. Vì sao lại muốn hiện hữu? Vì tồn tại là có tính phân biệt được theo nguyên tắc trội - lặn (hay còn gọi là nguyên tắc âm - dương?),chiếm ưu thế trong sinh tồn. Vì sao tồn tại có tính ấy? Vì như thế mới có khả năng sống còn, mới tồn tại. Thế tồn tại? Là để tự nhiên. Còn Tự Nhiên? Là vốn dĩ thế. Vốn dĩ thế? Vâng, vốn dĩ thế, đó là...Tự Nhiên Tồn Tại. Thế thì vốn dĩ thế là gì? Là không thể có Hư Vô! Còn Hư Vô? Là cái không thể có ngay cả cái không có gì! Là chào thua, không thể trả lời được nữa! 
Thua rồi chứ gì? Đúng! Thế thì hỏi hướng khác: Con vật có cảm giác không? Có mà cũng không! Vậy thì nó có thể suy nghĩ hay đại loại cái gì đó tương tự? Không giám chắc, có thể mới có mầm mống của sự suy nghĩ! Nghĩa là chúng chưa có ý niệm? Đúng, vì cái gì đó đại loại tương tự như suy nghĩ thì chưa phải là thực suy nghĩ nên con vật chỉ có vẻ như “nghĩ”ngắn hạn thôi chứ chắc chắn là hầu như không có “suy” và nếu có thì cũng rất manh mún, mờ nhạt. Sao lạ thế? Đó là vấn đề trí nhớ. Con vật có trí nhớ là con người, con người không có trí nhớ là con vật. Này, nói thế mà cũng nói được à? Nói được chứ sao không! Đành rằng ở rất nhiều con vật có “cái sự nhớ” sinh học, đầy bản năng, rất siêu phàm, qua bao nhiêu năm tháng, “lang bạt kỳ hồ” khắp nơi vẫn “đến hẹn lại lên” qui cố hương để sinh sản (cá hồi, rùa biển…), thăm lại “mái nhà xưa” (những đàn chim thiên di). Nói đâu xa, ngay ở loài chó thôi, sau vài năm “gửi thân xứ người”, dù no đủ đến mấy vẫn không quên chủ cũ. Vì thế mà không lạ gì khi loài chó trở thành biểu tượng của lòng trung thành vô bờ. Nói chung, bình thường vẫn có sự nhớ ở loài vật, nếu không thì không thể giải thích hiện tượng có cảm giác ở chúng và cảm giác đó được phân biệt với những cảm giác khác, được “định dạng” trong suốt cuộc đời chúng. Vậy thì đâu có thể dùng trí nhớ để phân biệt người với con vật được? Nhưng rất rõ ràng là nếu bỗng dưng mất hẳn trí nhớ, chúng ta lập tức phải trở về với thế giới loài vật hoặc ở mức độ đỡ hơn là thành vừa người vừa ngợm (mà phần ngợm lấn áp phần người!). Để bảo lưu ý kiến của mình, chúng ta cho rằng ở loài vật vẫn tồn tại sự nhớ nhưng cái nhớ ấy chỉ ở dạng sơ khai của trí nhớ, là sự không quên một cách vô thức hoặc thiếu ý thức; như một ấn tượng có được từ cảm giác thuần túy trực giác và ở mức siêu việt, từ siêu giác thuần túy. Cái sự nhớ sơ khai, cái sự không quên nhưng chưa phải là trí nhớ ấy chỉ xuất hiện trong não bộ của loài vật khi các giác quan của chúng bị tác động trực tiếp (trực giác thuần túy) từ nguyên nhân bên ngoài hay cũng có thể có nguyên nhân từ các cơ quan nội tại và nói chung (vì có thể cũng có cá biệt) là tồn tại trong thời gian không lâu (phản xạ vô điều kiện kiểu “cơ học”, không cần phải thông qua bộ não được cho là một hiện tượng khác, không liên quan đến vấn đề ở đây) sau tác động. Nếu những tác động tương tự như vậy lặp đi lặp lại, sẽ tạo nên ấn tượng và được “khắc ghi” trong vô thức mà cũng có thể là tiềm thức con vật. Nó chẳng nhớ nhưng cũng không quên. Sau một thời gian, tác động giống thế xảy ra, nếu “khắc ghi” đó chưa mờ, ấn tượng sẽ xuất hiện trong não con vật. Việc thiết lập được phản xạ có điều kiện trên loài vật có thể là nhờ nguyên tắc này! Từ phản xạ có điều kiện, qua quá trình đấu tranh sinh tồn và tiến hóa - thích nghi, tạo lập nên phản xạ vô điều kiện ở loài vật "thiên di", làm chúng ta tưởng nhầm chúng có trí nhớ dai, kiểu "khắc cốt ghi xương"! Loài vật không có trí và nhớ chủ động, chỉ loài người mới có!
Chúng ta biết đau thì con vật cũng “biết” đau. Nhưng trong khi con vật chỉ thấy đau như một ấn tượng câm nín thì chúng ta vừa thấy như thế, vừa thấy như một khái niệm; trong khi loài vật không chủ động lưu nhớ ấn tượng ấy thì con người nhớ lại được cái quá trình bị đau ấy và vì thế mà “thấm thía” hơn con vật. Đàn chim thiên di không bao giờ “nhớ nhung” xứ sở, nhưng nó sẽ không quên đường về xứ sở khi bị tác động trực tiếp, theo chu kỳ nào đó của thiên nhiên. Còn con người khi “tha phương cầu thực” thì lại đau đáu một nỗi niềm “viễn xứ hoài cố hương” nhưng đôi khi lại không nhớ đường về. Sự hồi tưởng là một đặc ân mà cũng là hình phạt của Tạo Hóa trao cho con người, làm con người vì có nó mà cảm thấy hạnh phúc cũng như khổ đau. Nói thế chứ hỏi “đau” là gì, đố ai mà trả lời cho suông sẻ được. Cùng lắm cũng chỉ có thể trả lời: đau là một trong những ấn tượng có được nhờ cảm giác. Nhưng ấn tượng đó là gì thì chắc chắn là “cứng họng”! Điều đó dễ hiểu thôi: “đau” là một khái niệm trực tiếp, có tính tiên đề.
Như vậy, sự không quên hay sự nhớ sơ khai ở loài vật mang tính thụ động, rời rạc, mù quáng, bản năng; sự nhớ ở người cũng như thế nhưng hơn loài vật là còn thêm được tính chủ động, liên tục và khả năng lưu nhớ, tàng trữ vừa đủ lâu về thời gian, vừa đủ nhiều về số lượng các ấn tượng (rồi đến biểu tượng), tạo tiền đề cho sự hồi tưởng, liên tưởng xuất hiện để từ đó mà hình thành nên được những khái niệm (có vẻ như) không liên quan gì đến sự trực giác nữa (khái niệm trừu tượng) mà chỉ loài người mới có. Nói gọn lại, “nhớ” ở loài vật là sự không quên thụ động; “nhớ” ở người là sự nhớ chủ động, có “trí” đằng trước nên còn gọi là “trí nhớ”.
Trí nhớ ấy có được từ khi nào? Khi bắt đầu “biết” vạch vẽ để “đếm” đồng thời biết “đặt nhãn mác”, “gọi ra được” tên các sự vật - hiện tượng, trên cơ sở phân biệt, so sánh và qua đó mà xuất hiện sự hồi tưởng. Có thể nói trí nhớ xuất hiện trong thế giới sinh vật từ khi có loài người.
Xét một cách tổng thể thì mọi quá trình vận động, chuyển hóa, biến đổi trong Vũ Trụ là liên tục một cách tuyệt đối để không xuất hiện Hư Vô. Nhưng xét trong một phạm vi hẹp, một tầng nấc cụ thể, có hạn độ nào đó, với những khả năng quan sát nhất định, khả năng trực giác nhất định thì nhiều quá trình, chuyển hóa, biến đổi lại thể hiện ra một cách tương đối gián đoạn. Tuy nhiên, nếu xét vấn đề theo một quan niệm khác, trên một góc độ khác, chúng ta sẽ thấy rằng vì Tự Nhiên Tồn Tại muốn thể hiện được thì Nó phải được phân biệt đến “chân tơ kẽ tóc” nên tính gián đoạn có ý nghĩa tuyệt đối, trong khi tính liên tục lại chỉ mang ý nghĩa tương đối. Và xét đến cùng thì để vừa lòng “mọi nhà”, không còn cách nào khác, chúng ta phải dùng cách trả lời nước đôi: “Vậy mà không phải vậy, là cả hai mà cũng không phải cả hai”.
Tự Nhiên Tồn Tại là duy nhất và thống nhất, nhưng trước nhận thức, nó thể hiện ra như là hai cái trái ngược nhau, làm cho ngay từ buổi đầu nhận thức tới nay, triết học phương Đông “không biết Nó là cái gì”, còn triết học phương Tây phân thành hai lực lượng “đấu đá” nhau kịch liệt. Điều lạ lùng nhất là ai cũng trưng ra được những lý lẽ rất xác đáng, những “pho lập luận” toàn tập dày cộp chứa không phải là ít chân lý, châu ngọc trong đó.
Nêu vấn đề đó ra để thấy rằng dựa vào sự xuất hiện trí nhớ, nếu không thì là vạch vẽ, không nữa thì dựa vào ngôn ngữ, nếu không được nữa thì cuối cùng là dựa vào sự xuất hiện của chữ viết, dứt khoát chúng ta sẽ phân biệt được loài người với loài vật. Nhưng nếu xét theo một cách hiểu nào đó thì cũng không thể phân biệt dứt khoát được loài người với bộ phận còn lại của sự sống. Hơn nữa, xét trong quá trình tiến hóa liên tục thì không thể khẳng định chính xác được thời điểm loài người thoát thai khỏi thế giới động vật, dù khảo cổ học có thể phát hiện những di tích hóa thạch có vẻ thuyết phục đến mấy chăng nữa, vì đó là quá trình “tiến thoái lưỡng nan” dài lâu.
Có thể nguyên nhân bên ngoài là quan trọng, nhưng không mang tính quyết định mà chính nguyên nhân bên trong mới là trực tiếp và chủ yếu làm chuyển hóa từ vượn sang người. Sự mất đi các giống loài cũ và xuất hiện các giống loài mới là kết quả của quá trình tiến hóa thích nghi trước những biến đổi có tính chất bất thường của thời tiết, khí hậu và theo yêu cầu của cân bằng sinh thái. Lẽ tự nhiên, nếu tự do, sẽ có vô vàn cách thức thích nghi nhưng vì có sự ràng buộc của tổng thể nên chỉ có một số lượng giới hạn (dù rất nhiều) cách thức thích nghi phù hợp nhất được ưu tiên triển khai làm xuất hiện đa dạng giống loài. Tính kế thừa (hay di truyền) đã là nguyên nhân cho sự “hao hao”, không giống mặt này cũng giống mặt khác giữa một số lớn các giống loài và toàn bộ đều mang trong lòng chúng những biểu hiện về một nguồn gốc tổ tiên chung. Cũng vì phải theo yêu cầu của thích nghi, chịu sự ràng buộc của tổng thể mà sự xuất hiện đa dạng các giống loài không thể là tùy tiện. Thiên nhiên khó lòng dung nạp một con hổ có năm chân; một con voi muốn có thật nhiều chân thì phải biến thành con… rết; con trăn không có chân hóa ra lại tiện, bò vùn vụt, có thể dùng thân “bóp chết” một con hươu và cái miệng nó, bình thường thì nhỏ dễ thương thế nhưng nhờ có cấu tạo của bộ răng và dạ dày, khi “điên lên” nó có thể nuốt gọn một con voi (theo Hoàng Tử Bé!).
Ở một giai đoạn nào đó của sự tiến hóa, trong giới động vật kiếm ăn trên mặt đất sẽ xuất hiện một hướng sống thích nghi mới, đó là leo trèo hái quả thay vì đứng dưới chờ “sung rụng”. Nhiều loài chọn lối sống ấy để “hớt tay trên” những “đồ làm biếng”.Trong số đó có một loài là tổ tiên của loài vượn. Lúc đầu, nhờ thiên nhiên ưu đãi nên loài này cũng sống “tạm ổn”. Sự cân bằng sinh thái luôn luôn bị phá vỡ bởi sự bất thường của môi trường thiên nhiên và sự tăng trưởng dân cư của những giống loài tương đối có ưu thế hơn trong cạnh tranh để sinh tồn, và cũng luôn có xu thế đạt tới cân bằng nhờ sự phân bố lại trong thế giới sinh vật về lực lượng cũng như bằng con đường thoái hóa của giống loài không kịp biến đổi để thích nghi và một bộ phận tiến hóa, dần thích nghi được trong điều kiện mới.
Loài tổ tiên ấy trong điều kiện thức ăn (hoa quả) trên cây ngày càng khan hiếm trước số lượng “nhân khẩu” đã quá đông đảo có được từ thời kỳ “thịnh vượng” đã qua, chưa kể lực lượng cạnh tranh của giống loài khác sẽ phải xử sự như thế nào? Với “tướng tá” khá “kềnh càng” lỡ có được từ thời sống thường xuyên trên mặt đất, không thể bỗng chốc mà hóa ngay thành chim được. Chỉ còn hai hướng khả dĩ: “suy dinh dưỡng” và quay về lại với cuộc sống thường xuyên trên mặt đất. Hướng “suy dinh dưỡng”, đói khát làm một bộ phận tiêu vong, bộ phận kia hóa nhỏ lại để vừa “tiết kiệm” thức ăn, vừa có điều kiện hái được những quả mọc ở chót vót đầu cành, cạnh tranh với “đám” có dạng như sóc, thỏ… Hướng “qui cố hương”, vì đã thích nghi quá lâu với đời sống “đánh đu” trên cây nên cấu trúc cơ thể đã không còn phù hợp với cách đi bốn chân trên mặt đất nữa. Một bộ phận trong số đó “đành” tiêu vong. Bộ phận còn lại ăn tất cả những gì vớ được: trái cây, hoa cỏ, củ rễ, côn trùng… (và cả những loài thú nhỏ may ra bắt được?). Quá trình tiến hóa thích nghi lại phân bộ phận còn lại này thành những bộ phận nhỏ: có bộ phận lại gặp được điều kiện thuận lợi mới nên quay lại đời sống trên cây nhưng không thường xuyên, có bộ phận trú ngụ trên cây nhưng kiếm ăn ở dưới đất, có bộ phận “định cư” dưới gốc cây, loanh quanh kiếm ăn gần đó, luôn đấu tranh sinh tồn với muông thú nên trở thành “hộ pháp”… Nhưng có một bộ phận tiến hóa theo hướng “lạ hoắc”. Do gặp điều kiện khắc nghiệt hơn những bộ phận vừa nói, phải “trường chinh” lang thang đi kiếm ăn khắp khu rừng này đến khu rừng khác, trong khi phải “bồng bế” con cháu (con, cháu chúng do vẫn còn được di truyền những cách thức cơ bản của cuộc sống trên cây nên không thể mau chóng tự theo cha mẹ được (?)) và lý do quan trọng hơn cả là với cấu trúc cơ thể “nghều ngoào”, chỉ phù hợp với việc đu cành (cơ thể thường thẳng đứng so với mặt đất!) thì không thể “phi” nhanh như ngựa hoặc ít ra là như heo được, mà chỉ có thể là bò lồm cồm, cho nên một lựa chọn duy nhất đúng cho hướng tiến hóa thích nghi là đứng lên, đi bằng hai chân, lúc đầu chệch choạc một tý nhưng bù lại, đôi tay quá khỏe (vì từng đu cành) “cơ bắp cuồn cuộn” đã được giải phóng, trở thành vũ khí lợi hại “nghênh chiến” với cọp beo. Đây chính là thủy tổ trực tiếp của loài vượn người.
Loài thủy tổ ấy, với đôi tay “gang thép”, khi đã vững vàng trên đôi chân trải qua vạn dặm, đã không còn khiếp sợ trước mãnh thú; thậm chí họ đã trở thành “nỗi kinh hoàng” của chúng. Đặc biệt với đôi tay đã quen với cầm nắm (khi đu cành, hái quả), họ đã xé xác con vật bằng tay trước khi ăn thịt. Tiền đề cho việc sử dụng công cụ hỗ trợ đã sẵn sàng!
Sự biến đổi đột ngột của môi trường thiên nhiên do thiên tai có thể tiêu diệt một bộ phận hay thậm chí là tuyệt diệt toàn bộ sinh vật trên trái đất nhưng lại không có khả năng ảnh hưởng một cách quyết định tới xu thế của quá trình tiến hóa thích nghi sinh vật. Xu thế ấy có định mệnh của nó. Chính sự vận động nội tại của thế giới sinh vật đưa đến định mệnh đó; chính mối tương quan, sự tác động qua lại làm biến đổi chuyển hóa lẫn nhau giữa các lực lượng sinh vật trong một khu vực sinh thái nói riêng và trên toàn Trái Đất nói chung theo những qui luật hoàn toàn tự nhiên đã quyết định cái xu thế ấy.
Đã ở trong cùng một quá trình thích nghi tiến hóa, đã ở trong một cơ thể thích nghi tiến hóa với vai trò chủ đạo làm nên sự tiến hóa thích nghi thì bộ não không thể “tụt hậu”. Tùy theo hướng tiến hóa thích nghi mà bộ não phát triển một cách phù hợp. Nó có thể được tăng cường siêu giác hoặc tăng cường khả năng lưu giữ “thông tin” (về số lượng thông tin, độ dài thông tin, thời gian lưu giữ).
Với cấu trúc cơ thể đặc thù, với phương thức kiếm ăn săn bắt hái lượm theo bầy đàn, nhất là với bàn tay luôn “muốn” cầm nắm đã làm cho bộ não của loài thủy tổ của vượn người phát triển theo hướng thứ hai và đến khi có ngôn ngữ, chữ viết (hai phương tiện hỗ trợ đắc lực cho trí nhớ) thì bộ não đó đã mang tính đặc thù của não người và trở thành vô địch.
Như vậy, người mẹ thiên nhiên đã sinh thành nên bàn tay quen cầm nắm. Và bàn tay quen cầm nắm thời xa xăm cổ xưa ấy đã đẽo tạc nên loài người.
Cũng bàn tay ấy đã dẫn con người đến sự đếm để từ đó mà tiến thẳng, dứt khoát lên văn minh.
Chính nhờ đôi tay ấy mà có được Hà Đồ - Lạc Thư danh bất hư truyền làm cội nguồn cho một triết thuyết phương Đông đến ngày nay còn mê hoặc lòng người.
Nhưng tại sao bàn tay đó lại có đúng năm ngón? Vô tình hay tiền định?
Phải chăng đó là một bí ẩn vĩnh viễn?
(Còn tiếp)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét