Thứ Hai, 25 tháng 6, 2018

THIÊN NHIÊN HOANG DÃ 42

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Việt Nam - Phượng Hoàng từ tro tàn

Bài thơ Tre Việt Nam được khắc vào Bia thơ kỷ niệm

13/02/2017 18:59 GMT+7

TTO - Một tấm đá lớn khắc những vần thơ trong bài thơ nổi tiếng Tre Việt Nam cùng bút tích của tác giả - nhà thơ Nguyễn Duy - vừa được đặt tại khuôn viên công sở UBND phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa.

Tấm bia đá khắc bài thơ “Tre Việt Nam” của nhà thơ Nguyễn Duy, vừa được đặt tại công sở phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa - Ảnh: Hà Đồng.
Tấm bia đá khắc bài thơ Tre Việt Nam của nhà thơ Nguyễn Duy - Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Đây là công trình Bia thơ kỷ niệm của chính quyền, người dân phường Đông Vệ - quê hương nhà thơ Nguyễn Duy, nhằm tôn vinh sự nghiệp thơ ca của ông.
Tấm bia đá khắc bài thơ Tre Việt Nam màu xanh có chiều rộng 1m, cao 2,35m, nặng 1,7 tấn, hình búp măng có nguồn gốc từ quê ngoại nhà thơ Nguyễn Duy ở huyện Hà Trung (Thanh Hóa). Cạnh tấm bia được trồng một bụi tre.
Tên tuổi của nhà thơ Nguyễn Duy gắn liền với các bài thơ như: Cầu Bố, Đò Lèn, Hơi ấm ổ rơm, Ánh trăng... Nhưng có lẽ bài thơ Tre Việt Nam - tác phẩm đã được giải nhất cuộc thi thơ của tuần báo Văn nghệ năm 1972 - 1973, là bài thơ được nhiều thế hệ người Việt Nam trân quý, thuộc lòng.
Ông Nguyễn Việt Hùng - bí thư kiêm chủ tịch UBND phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) - cho biết bia đá được đặt trong khuôn viên công sở phường, như một thông điệp gửi gắm tới các thế hệ hôm nay và mai sau luôn mang trong từng suy nghĩ, từng việc làm của mình những phẩm chất truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam được Nguyễn Duy khái quát trong bài thơ Tre Việt Nam.                                                                                   
Tre Việt Nam
Tre xanh
Xanh tự bao giờ?
Chuyện ngày xưa... đã có bờ tre xanh 

Thân gầy guộc, lá mong manh
Mà sao nên lũy nên thành tre ơi?
Ở đâu tre cũng xanh tươi
Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu 

Có gì đâu, có gì đâu
Mỡ màu ít chắt dồn lâu hoá nhiều
Rễ siêng không ngại đất nghèo
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù
Vươn mình trong gió tre đu
Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành
Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh
Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm 

Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm
Thương nhau tre không ở riêng
Lũy thành từ đó mà nên hỡi người
Chẳng may thân gãy cành rơi
Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng
Nòi tre đâu chịu mọc cong
Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường
Lưng trần phơi nắng phơi sương
Có manh áo cộc tre nhường cho con 

Măng non là búp măng non
Đã mang dáng thẳng thân tròn của tre
Năm qua đi, tháng qua đi
Tre già măng mọc có gì lạ đâu 

Mai sau,
Mai sau,
Mai sau...
Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh

Nguyễn Duy
HÀ ĐỒNG

Ngỡ ngàng tre Việt!

23/06/2015 21:38

Cuộc đời tre, giá trị tre, hình ảnh tre… đã gắn bó hết sức thân thuộc với mỗi người chúng ta và đây cũng là loài có sức chịu đựng phi thường. Âu đó cũng là phẩm chất của người Việt: “Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm” (Nguyễn Duy)

Quê tôi ở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Từ xưa, 1 xã đã có đến 2 thôn chuyên nghề chẻ tre đan cót. Đến sau năm 1975, hàng trăm gia đình vẫn tiếp tục nghề này. Từ nghề đan cót, đan phên truyền thống, nhiều người dùng tre chế tác ra hàng chục mặt hàng gia dụng khác, đưa đi bán khắp nơi. Người quê tôi đa số biết đốn tre, đánh trối, chẻ nan và đan đát từ nhỏ. Họ sống dưới bóng râm của những lũy tre, sinh nhai bằng lợi tức làm ra từ tre nên thường vui vẻ tự xưng mình là “người Việt gốc... tre” khi có cháu con ngoài thành thị trở về thăm và trầm trồ nhìn họ biểu diễn tay nghề. Vì vậy, dù đi đâu, hình bóng cây tre vẫn luôn ám ảnh...
Người “bị tre ám”
Cố nhà thơ Thu Bồn là người đồng hương của chúng tôi. Thuở nhỏ, nhà ông ở khuất sau những lũy tre ven con sông Ngũ Giáp. Lớn lên, Thu Bồn đi kháng chiến và làm thơ. Tre là một hình ảnh luôn “ám” lấy ông. Tập thơ đầu tiên viết vào đầu những năm 1960, ông lấy tên là “Tre xanh”, lời lẽ dung dị mà giàu hình ảnh và cảm xúc: “Tôi bước đi dưới tre gió bồng chân sáo/ Đường hành quân những lần tre níu áo/Lòng bồi hồi rộn bóng tre xưa...”; hoặc: “Ông cha ta xưa trồng tre thành chiến lũy/Nên rừng chông đứng sẵn thế xung phong”.
Khi Thu Bồn nằm hầm bí mật và khao khát nhìn thấy bầu trời xanh thì qua lỗ thông hơi của căn hầm, thứ đầu tiên mà ông nhìn thấy cũng chính là 1 cành tre: “Nhìn qua lỗ nhỏ thấy cành tre non” (bài “Căn hầm bí mật của tôi”). Ngày hòa bình, ông vào ở tại quận 5, TP HCM. Dù đất sân không nhiều, ông vẫn trồng một khóm tre ngà trước cổng và thường ngày vẫn ngủ trên chiếc chõng tre nhỏ với tấm vạt giường láng mượt. Văn nghệ sĩ kháo nhau rằng ông quyết định dời nhà lên suối Lồ Ồ sau đó và sống đến cuối đời một phần cũng là từ tình yêu ban đầu ấy!

Lũy tre không chỉ che chở cho làng mà còn giúp con người làm ra nhiều vật dụng có ích
Lũy tre không chỉ che chở cho làng mà còn giúp con người làm ra nhiều vật dụng có ích
Chú họ tôi tên Thà, năm nay tuổi đã gần 70. Nhà chú Thà ở bên này sông Ngũ Giáp, giữa làng Thanh Quít (thị xã Điện Bàn). Chú không làm thơ và yêu tre như cách của Thu Bồn nhưng là 1 nghệ nhân về tre với tính tình kỳ lạ. Người bình thường trong làng hạ được một bụi tre khoảng vài chục cây phải mất nhiều ngày, còn chú chỉ trong 1 buổi. Có lần, chú hạ 60 cây tre chỉ trong 1 ngày bằng chính sự thông minh và hiểu được tính nết của loài cây này. Chú phát sạch gai dước gốc, dọn hết cành nhánh trên thân và ngọn trước khi đốn ở vị trí cách mặt đất khoảng gần 2 m và rút từng cây đã chặt ném ra khoảng đất trống bên cạnh trước sự ngạc nhiên của người làng.
Chẻ nan tre, đan đát…, chú cũng là quán quân. Nhưng cũng như mọi nghệ sĩ trên đời, chú có cái tật khó chịu khi bị ai đó phê bình. Một lần, chú mất mấy ngày đi chọn tre, chẻ nan và đan vừa xong chiếc ghe câu thì có khách quen trong làng vào. Người ấy khen hết lời song lại lỡ mồm chê một chi tiết nhỏ ở mũi ghe. Chú Thà liền vất điếu thuốc rồi cầm ngay cái rựa băm nát chiếc ghe và lẳng lặng bỏ vào giường nằm. Mấy hôm sau, chú lại tiếp tục đi tìm tre và đan chiếc ghe khác!
Lại có một anh bạn Việt kiều yêu... tre ở San Jose (Mỹ) về quê sau nhiều năm kiếm tiền bằng nghề làm báo, viết văn, tổ chức các chương trình giải trí bên ấy. Về tay không nhưng khi đi thì không biết bao nhiêu là thứ “hàng hóa” mà ngay cả người nhà quê cũng không thèm sờ tới: Vài cái rổ, rá; mấy chục ống tre lồ ô, rồi gáo múc nước bằng sọ dừa và chiếc chum sành.
Anh ta giải thích: “Mấy chục năm bên ấy mà vẫn không quên được những câu ca dao, hình bóng cây tre quê mình. Tôi vừa làm nhà xong và mua mấy thứ này sang để thiết kế ngay trong phòng khách một đường ống dẫn nước bằng tre đổ vào chum sành. Một tấm liếp tre đậy hững hờ trên miệng chum, trên ấy không thể không có vài cái rá, cái rổ tre. Bên cạnh là một gốc tre có cái mắc dài để móc chiếc gáo dừa. Hồi nhỏ ở quê, cảnh nhà tôi nó vậy...”.
Ba người yêu tre theo 3 cách thế khác nhau. Và ai cũng có cái lý của riêng mình!
Ẩn chứa bao điều thú vị
Theo Tổ chức Tre thế giới, loài cây này có 11 giá trị đặc trưng, trong đó có giá trị tiêu biểu là một hình tượng trong văn học, nghệ thuật.
Yêu tre nên phải mày mò tìm tre nhưng sau khi chạy quanh mỏi mệt, anh bạn Việt kiều lại quay về với cây tre Việt Nam và bất ngờ tìm thấy bao điều thú vị. Anh kể: “Chúng ta có một kho tàng văn học dân gian đồ sộ mà trong đó có đến hàng trăm câu ca dao, tục ngữ rất hay liên quan đến cây tre cùng cuộc sống của người Việt. Thương em vì cá trích ve/Vì rau muống luộc vì mè trộn măng; Khó nhất đốn tre/Khó nhì ve gái; Cha ơi đừng đánh con khờ/ Để con ra bụi con rờ mụt măng; Chẻ tre lựa cật đan nia/Có chồng con một khỏi chia gia tài; Gió đưa cây trúc ngã quỳ/Ba năm thủ tiết còn gì là xuân”...
Sau một lèo những câu ca dao, tục ngữ như vậy, cả người đọc và người nghe đều mướt mồ hôi. Để dứt lời bạn, tôi hỏi:
- Vậy cậu biết câu “Thương chồng nấu cháo măng le? Chồng ăn, chồng ngủ, chồng đè em ra” chưa?
Anh ta trố mắt nhìn tôi, rồi nói nhỏ:
- Thì ra tớ vẫn là “ếch ngồi đáy giếng” thôi. Té ra cậu cũng là “người Việt gốc… tre” à?!

2,5 tỉ người sống nhờ tre
Hiện nay, trên thế giới có hàng chục cơ quan, hiệp hội nghiên cứu về tre. Riêng ở Mỹ, Hiệp hội Tre nước này có trên 7.000 hội viên với các chi nhánh từ nhiều tiểu bang và hội viên từ 38 quốc gia khác. Châu Âu cũng có một tổ chức tương tự với chi nhánh ở nhiều nước trong khối EU. Hằng năm, có hàng chục hội nghị cấp quốc gia, quốc tế liên quan đến tre được tổ chức khắp thế giới.
Đây là loại thuộc họ cỏ (phân họ nguyên thủy của loài cỏ) với hơn 70 loài và 1.200 giống, có khả năng thích nghi rất rộng và hiện diện trên tất cả các châu lục. Mỗi năm, các sản vật làm bằng tre trên thế giới trị giá hơn 2,5 tỉ USD và giá trị trao đổi thương mại quốc tế khoảng 4,5 tỉ USD. Có khoảng 2,5 tỉ người hiện làm việc hoặc sống dựa vào tre như một nguồn tài nguyên thiên nhiên...

Kỳ tới: Trong ngôi nhà tre 100 tuổi
Bài và ảnh: TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

Cây tre mới là biểu tượng văn hóa Việt

- Có rất nhiều ý kiến đề xuất xung quanh việc chọn quốc hoa trong những ngày gần đây. Trong đó, cây tre là hình ảnh luôn gắn với quê hương đất nước vì thế rất phù hợp để trở thành biểu tượng văn hóa của người Việt Nam. 
Các tin liên quan
Hoa Cúc, quốc hoa của mùa Thu
Hoa lúa mới xứng là biểu tượng Quốc hoa?
Hoa nào làm quốc hoa cũng tốt cả
Tranh luận nóng về việc chọn Quốc hoa
Tại sao lại không chọn cây tre?
Dù có đến hơn 60% số người được hỏi đồng ý với phương án hoa Sen (theo kết quả điều tra dư luận của Bộ Văn hóa - Thể thao – Du lịch), tuy nhiên ai cũng biết Sen là quốc hoa của Ấn Độ, việc chọn một loại hoa đã trở thành biểu tượng cho tâm hồn, cốt cách của một nền văn hóa lớn như vậy dễ bị hiểu là “ăn theo”, “đạo ý tưởng”…
Những phương án khác thì bị chê không vì nhược điểm này thì nhược điểm nọ. Hoa Mai vàng chỉ phổ biến ở miền Nam, hoa Đào rực rỡ lại ưa cái rét miền Bắc. Hơn nữa Mai và Đào dù đẹp nhưng đều là những loài cây chỉ khoe sắc được vào một thời điểm nhất định trong năm.
Cây tre mới là biểu tượng văn hóa Việt 
Tại sao lại không chọn cây tre làm biểu tượng văn hóa Việt? Tre khắc phục được tất cả những nhược điểm trên, phổ biến ở khắp vùng miền trên cả nước, lại là bạn đồng hành thủy chung, can đảm của dân tộc từ thuở xa xưa khai hoang, dựng nước và giữ nước. Tre hóa thân thành thế giới văn hóa tre trúc quây quần thân thiết với đời người, in hình in bóng đậm đà vào văn hóa, thi ca, nhạc họa, vào sâu xa tâm thức con người Việt Nam. Thêm nữa, dù tre không phải là một loại hoa nhưng vẫn có thể là biểu tượng văn hóa Việt Nam giống như lá phong là biểu tượng của Canada.
Việt Nam là xứ nhiệt đới gió mùa nên “xanh muôn ngàn cây lá khác nhau” (Thép Mới). Từ núi cao cực Bắc tới sông nước Cà Mau, mỗi vùng sinh thái đều tươi xanh những loài thảo mộc, hoa trái đặc trưng. Nhưng thân thương xiết bao, khi đâu đâu cũng bốn mùa xanh những lũy tre tươi tốt. Từ Bắc chí Nam, trên núi trên đồi bạt ngàn tre nứa giang vầu… Đồng bằng thì làng quê nào cũng lũy tre bao bọc, bờ đê nào cũng tre xanh chắn sóng và ngăn lũ, nên sông quê "nước gương trong soi tóc những hàng tre" (Tế Hanh).
Nay giữa Ba Đình, hai hàng tre xanh bình yên mang hồn quê xứ sở muôn đời che mát giấc ngàn thu Lãnh tụ Hồ Chí Minh - Người tiêu biểu nhất cho giang sơn và văn hóa Việt Nam.
Tre là bạn đồng hành thủy chung, thân thiết của người từ thuở xa xưa gian lao suốt nhiều thế kỷ khai hoang mở đất để rồi dựng nước. Những làng xã định cư với lũy tre xanh bao bọc ngăn gió bão, từ ấy đã là đặc trưng không chỉ của không gian sinh tồn của làng, mà còn là đặc trưng văn hóa - thẩm mỹ riêng có của làng quê Việt Nam ta. Trong sâu xa tâm thức người Việt từ thuở ấy, đã bình yên và xanh mát bóng tre.
Tre theo người cùng một lúc làm nên cả văn hóa vật thể lẫn văn hóa phi vật thể cho xứ sở chúng ta. Kiến trúc ư? Thì nhà tranh tre nứa lá, với phên với liếp tre đan. Tiện nghi ư? Thì nào giường chõng, bàn ghế, tủ chạn... cho đến lắm thứ đồ ăn thức làm: Nong nia, dần sàng, thúng mủng, rổ rá, cối xay tre... Công cụ nhà nông ư? Thì đòn càn đòn xóc, quang gánh... Đi lại trên sông nước, đánh bắt cá ư? Thì thuyền nan, thuyền thúng, cần câu, vó bè, nơm, đó, dậm tre đan... Đồ chơi và nhạc cụ ư? Thì que khăng, que chuyền, cây đu, diều sáo, sáo, tiêu, khèn bè, đàn tơ rưng tre nứa, cả cây nêu ngày Tết và cột cờ lễ hội đình làng...
Đó là thời đất nước chưa phát triển như hiện nay. Ở thời hiện đại, từ tre và nhờ có tre, có nứa cùng với song, mây, mà nên nghề thủ công, mỹ nghệ với lắm thứ hàng hóa tre trúc song mây, với những làng nghề tre mây có tiếng nay được nâng niu như một dạng văn hóa phi vật thể.
 Hàng tre trúc, mây tre đan tinh xảo thời hội nhập đi ra thế giới, thu ngoại tệ và hơn thế, quảng bá hình ảnh Việt Nam.
Tre phản ánh cốt cách người Việt
Đến lượt con người lại nhận ra sự tương hợp kỳ lạ giữa phẩm chất của tre với cốt cách của chính mình, đến mức như là tri kỷ. Có thể kể đến áng văn tùy bút Cây tre Việt Nam của Thép Mới viết sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, và bài thơ Tre Việt Nam của Nguyễn Duy viết thời đánh Mỹ.
Tre "ăn ở với người, đời đời, kiếp kiếp", "sống có nhau, chết có nhau chung thủy". Tre "mộc mạc", "nhũn nhặn" mà nhẫn nại không chê đất cằn, sá gì sương gió. Tre "ngay thẳng, thủy chung, can đảm", giàu lòng vị tha, bao dung, đùm bọc. Tre "thanh cao, giản dị, chí khí như người". "Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm".
Có thể nói rằng cây tre là biểu tượng cho phẩm chất đặc sắc nhất của con người Việt Nam ta: đoàn kết, thủy chung, thanh cao, bất khuất. Là đức tính kiên cường ẩn tàng trong khả năng thích ứng dẻo bền vô hạn trước mọi tai họa thiên nhiên cũng như mọi biến thiên, bão táp và bi kịch lịch sử, cả do đến từ mọi phía lẫn do nội sinh, để trường tồn và phát triển.
Giống như cộng đồng người Việt, tre là lũy thép trước xâm lăng và bão lũ. Tre nhẫn nại chịu oằn mình, ngả rạp trước cuồng phong, bão lớn, để khi gió yên trời lặng lại vươn mình đứng thẳng thành lũy thành rừng, tre già măng mọc vô tận sinh sôi...
Tre xanh hiên ngang, nhũn nhặn, cứng cáp mà dẻo bền vô hạn nên xứng đáng là biểu tượng của cốt cách và các phẩm chất đặc sắc của con người và văn hóa Việt Nam ta.
Hà Quỳnh

Cây tre Việt Nam nét đẹp trong tâm hồn người Việt.

Trong số hơn 1200 loại tre khác nhau trên toàn cầu thì tại Việt Nam đã chiếm tới 1/3 tổng số, chúng ta có thể bắt gặp cây tre ở khắp nơi trên toàn cõi Việt Nam. Cây tre Việt Nam mọc thành lũy thành rừng, hình thành cả một biển tre xào xạc đón từng cơn gió ngàn tràn về. Còn nữa là bờ tre uốn khúc quanh co làm bạn cùng dòng sông trong xanh chảy dài. Rễ tre bám chặt bờ đất phì nhiêu, kiên cường như người vệ sĩ bám đất bám bờ ngăn chặn những cơn lũ hung dữ. Còn nữa là những xóm thôn làng mạc được che chở bao bọc bởi những lũy tre trùm bóng mát rượi, cây tre luôn sát cánh cùng với những người dân làng chắn gió che mưa, chứng kiến bao sự thiên biến của lịch sử.
cây tre Việt Nam
Cây tre gắn bó chặt chẽ với đời sống các mặt khác nhau của con người Việt Nam, từ ăn uống ẩm thực, đồ dùng sinh hoạt, xây dựng nhà cửa, đồ mỹ nghệ, nhạc cụ đến lĩnh vực văn học nghệ thuật, tre không chỉ đem lại sự tiện lợi phục vụ cho đời sống sinh hoạt mà đồng thời cũng đi vào tâm thức con người và trở thành thứ phù hiệu đặc trưng trong văn hóa Việt Nam.
điêu khắc tre ở Việt Nam
Văn hóa tre Việt Nam cũng được thể hiện khá đầy đủ trong những kiến trúc khác nhau với một đặc điểm chung là sử dụng các loại vật liệu bằng tre. Bởi do có tính năng chống nóng ẩm tốt, giá thành thấp, dẻo dai, tiện lợi trong vận chuyển và dễ dàng trong thi công mà tre đã trở thành một trong những vật liệu chủ yếu trong xây dựng truyền thống tại Việt Nam. Ngày nay, khi các loại vật liệu bê-tông cốt thép hiện đại đã trở nên phổ biến, nhà cửa được lợp dựng bằng tre ngày càng ít đi thì tre lại chuyển mình trở thành loại vật liệu mang tiêu chí văn hóa nghệ thuật truyền thống dùng cho những kiến trúc mang tính chủ đề như tiệm cà-phê, khách sạn, nhà hàng và gian trưng bày triển lãm v.v…
Đàn Tre Lắc Sáo Vỗ
Tre dẻo dai bền bỉ, có tính đàn hồi tốt và dễ hình thành tác dụng cộng hưởng, là loại vật liệu thiên nhiên lý tưởng dùng để chế tác nhạc cụ. Nhiều loại nhạc cụ tiêu biểu tại Việt Nam đều được gia công bằng vật liệu tre, mà trong đó cây đàn bầu là một ví dụ điển hình. Đàn bầu là nhạc cụ rất được cộng đồng người Kinh—dân tộc lớn nhất tại Việt Nam ưu ái. Vào giai đoạn đầu thì cây đàn bầu được tổ hợp bởi vài khúc tre, có hình kéo dài, phần dưới không có bệ, sợi dây kim loại được gắn chặt suốt từ đầu chí cuối cây đàn, còn một mặt khác thì xuyên qua chiếc hồ lô hình loa kèn rồi cắm lên đầu một phên tre ngay đầu cây đàn. Khi biểu diễn, người diễn tấu tay trái giữ lấy phên tre nhỏ để điều tiết âm lượng, tay phải dùng một tấm phên tre nhỏ gảy lên dây đàn phát ra âm thanh du dương êm ái ngân dài. Ngoài cây đàn bầu, Việt Nam còn có nhiều loại nhạc cụ khác cũng được gia công bằng vật liệu tre như đàn tre, đàn Tơ-rưng, đàn công, đàn nước v.v… đều có tiếng tăm trong và ngoài nước.
Đồ khắc tre cũng là sản phẩm mang nét đặc sắc trong nghệ thuật Việt Nam. Những người thợ khéo tay đã để lại những đồ án và chữ viết tinh tế trên vật liệu tre, những đồ án này bao gồm cây cỏ hoa lá và nhân vật, và nhất là những nhân vật nổi tiếng trong truyền thuyết dân gian và lịch sử, hết sức sinh động hấp dẫn, rất có giá trị về mặt thưởng thức và lưu trữ.
mây tre đan
Cây tre gắn bó chặt chẽ với sinh hoạt đời sống của con người Việt Nam và ngược lại trong quá trình lịch sử lâu dài này những người dân Việt Nam cũng đã sản sinh tình cảm đượm đà đối với cây tre. Đức tính bền bỉ ngoan cường, sự cống hiến vô tư thể hiện qua cây tre Việt Nam lại luôn là những nội dung tồn tại trong phẩm giá con người Việt Nam. Tại Việt Nam cũng xuất hiện một khối lượng đáng kể các tác phẩm thơ ca văn học ngợi ca cây tre, bài dân ca tiêu biểu “Cây trúc xinh” lại là một ví dụ điển hình về mặt này. Mặc dù thời đại không ngừng thay đổi, nhưng cây tre vẫn luôn là nội dung quan trọng trong sinh hoạt đời sống tại Việt Nam, và tre luôn ảnh hưởng tới lớp lớp các thế hệ Việt Nam. Và tình cảm của con người Việt Nam đối với hình ảnh cây tre Việt Nam lại như măng non mọc sau cơn mưa xuân không ngừng phát triển vươn lên hình thành cây tre cứng cáp vững vàng trong mưa gió.
Cây tre Việt Nam nét đẹp trong tâm hồn người Việt.
Theo Tạp Chí Hoa Sen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét