Thứ Năm, 28 tháng 6, 2018

LƯỚI TRỜI LỒNG LỘNG 1

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Dũng "Chim Xanh" Giang hồ gãy cánh

Dũng “chim xanh”- trùm giang hồ khiến cha uất ức đến chết

Khoát Nguyễn |
Dũng “chim xanh”- trùm giang hồ khiến cha uất ức đến chết

Dũng “chim  xanh”  là  tên  tướng  cướp  khét  tiếng những năm cuối  thế kỷ 20, đầu  thế kỷ 21  tại các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Ông trùm giang hồ từng cầm đầu một băng cướp tàn bạo, gieo rắc nỗi kinh hoàng cho những người dân lương thiện. Sau nhiều giai thoại, không ít người đã gọi y là bản sao của tướng cướp cô đơn Điền Khắc Kim. Tuy nhiên, số phận những người thân từng gắn bó với ông trùm Dũng “chim xanh” đang phải sống trong cảnh nghiệt ngã.
Tan nát gia đình
Người trong giang hồ kể lại, Nguyễn Chí Dũng, SN 1966, biệt hiệu Dũng “chim xanh”,  vừa có khả năng bắn súng bằng hai tay bách phát bách trúng, vừa có tài dùng dao kiếm “thần sầu”. Dũng được dân giang hồ tôn sùng cũng bởi một thân võ nghệ hơn người. 10 tuổi, hắn vác dao đuổi chém trọng thương đám thanh niên trong ấp chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ nhặt. Ở võ đường, gã được coi là nhân tài, đệ tử cưng của thầy, có thể nối nghiệp sư phụ xưng hùng xưng bá. Mù quáng đi theo vị võ sĩ xấu xa, Dũng bỏ ngoài tai mọi lời răn dạy làm người lương thiện của cha mẹ. Ước mơ của Dũng sau này là làm đại ca như ông thầy, phải có đàn em, kẻ hầu người hạ. Gia đình Dũng đã quyết định đi kinh tế mới về huyện Hớn Quảng (tỉnh Sông Bé cũ), mục đích là giúp Dũng “chim xanh” đoạn tuyệt với cái võ đường chuyên đẻ ra những tên tội phạm.
Vậy nhưng đến vùng đất mới, Dũng cũng không khiến cha mẹ yên tâm. 14 tuổi, Dũng  lập băng nhóm, dưới trướng có đến vài chục tên đàn em nhí. Để nuôi quân, Dũng phải đi trộm cắp, cướp giật. Những việc làm tội lỗi của con trai không qua mắt được ông Duyên (cha ruột Dũng). Dạo ấy mỗi lần Dũng về nhà, ông lại dốc hết tâm can khuyên nhủ. Nhẹ nhàng không được, ông phải dùng đến cả đòn roi. Nhưng cha càng cố công giáo dục, Dũng lại càng ngang bướng. Sau này vì cha mẹ quản lý gắt gao, hắn bỏ nhà đi biệt tăm, năm thì mười họa mới về thăm mẹ một lần. Bà Lê Thị Vui, mẹ Dũng, trú tại ấp 1, xã Tân Khai, huyện Hớn Quảng, tỉnh Bình Phước, kể lại: “Ngày Dũng bỏ đi, tôi đã khóc thương và mong con đến sưng đôi mắt. Ông nhà tôi cũng day dứt, hối hận vô cùng. Ông ấy vẫn tưởng vì mình đánh đập nên Dũng sinh lòng oán hận. Bởi thế nên sau cái đêm mưa gió nó bỏ đi, ông nhà tôi cũng dừng hết công việc, xuôi ngược tìm con”. Ba năm nặng nề trôi đi, vợ chồng bà Vui thấy dài như một thế kỷ. Còn Dũng thì ngược lại, chẳng hề quan tâm đến nỗi lo lắng của những người thân.
Rời nhà, hắn thấy bản thân chẳng khác nào được “tháo cũi sổ lồng”. Bỏ luôn băng nhóm cướp giật cũ, Dũng mò về võ đường năm xưa tìm sư phụ. Tại đây, Dũng được thầy dạy cho đủ mánh khóe bước chân vào giang hồ. Biệt tài bắn súng bằng hai tay cũng là “vốn liếng” vị võ sĩ này truyền lại cho gã.
Sau này khi trở về nhà, Dũng từng kể cho bà Vui chuyện được sư phụ lo lót cho làm vận động viên và võ sư taekwondo tại Trung tâm thể dục thể thao quận Tân Bình, TP HCM. Khoảng thời gian này, sư phụ Dũng bị tai nạn giao thông và qua đời. Từ đó, võ đường và băng nhóm của vị này cũng sớm tan rã. Rời võ đường, Dũng trở về nhà. Lần đầu gặp con sau hơn ba năm, bà Vui như vỡ òa niềm vui vì thấy Dũng cao lớn, vạm vỡ.
Sinh thời, Dũng luôn khiến mẹ phải sống trong nỗi buồn phiền. Chỉ một thời gian ngắn sau ngày trở về và “chém gió” với cha mẹ, Dũng đã sa chân vào con đường tội lỗi, gieo rắc nỗi kinh hoàng cho người dân lương thiện.
Dũng “chim xanh”- trùm giang hồ khét tiếng một thời.    Ảnh: TL
Phụ tình mẹ, Dũng “chim xanh” khiến cha uất ức đến chết
Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, Nguyễn Chí Dũng chưa bao giờ khiến bà Vui được thanh thản. Gặp người viết, bà Vui tâm sự: “Sinh con ra, tôi cũng mong nó trở thành người tốt, làm điều có ích cho xã hội. 9 đứa con của tôi thì hết 8 đứa biết khắc phục hoàn cảnh, nghe lời cha mẹ. Chỉ duy nhất thằng Dũng, hết bỏ nhà đi bụi rồi lại cướp bóc. Nhiều lần, tôi đã coi nó không phải con mình. Thế nhưng “máu chảy ruột mềm”, tôi vẫn không bỏ được nó”. Bà nhớ lại, chỉ có một lần duy nhất được vui vẻ, hy vọng khi Dũng trở về khoe đang làm diễn viên và cán bộ tại Trung tâm thể thao quận Tân Bình. Lần đó, Dũng còn hứa hẹn khi nào công việc ổn định, sẽ mở một võ đường riêng và đón cha mẹ xuống thành phố phụng dưỡng. Đêm nằm tâm sự với bà Vui, Dũng thủ thỉ: “Từ nhỏ con luôn khiến cha mẹ buồn phiền. Phần đời còn lại của hai người, con sẽ phụng dưỡng, báo đáp công ơn, chuộc hết những lầm lỗi năm xưa”.
Bà Vui kể về đứa con tội lỗi.    Ảnh: Khoát Nguyễn
Nhưng rồi những lời hứa hẹn ấy cũng nhanh chóng bị Dũng ném vào hư không. Năm 1985, bà Vui bàng hoàng nhận được tin Dũng bị CQCA bắt vì đột nhập vào một nhà dân ở quận Thủ Đức, TP HCM trộm tài sản. Thời điểm bị bắt, trên người Dũng còn có một khẩu súng Colt 45 và 7 viên đạn. Lần đầu tiên “xộ khám”, Dũng phải ngồi bóc lịch gần 4 năm. Ở quê nhà biết tin con trai, những hy vọng nhỏ nhoi vừa nhen lên của vợ chồng bà Vui bị dội một gáo nước lạnh. Cũng vì buồn phiền, ông Nguyễn Chí Duyên (cha Dũng) lâm bệnh nặng. Mỗi lần vợ đến bên giường chăm sóc, ông Duyên lại nghẹn ngào tự trách bản thân. Ông luôn nghĩ chuyện năm xưa Dũng bỏ đi là lỗi của mình. Mỗi khi khỏe lại, đôi chân không còn run rẩy, ông lại nằng nặc đòi đi tìm đứa con trai ương bướng về nhà. Nhìn chồng đau bệnh, luôn khắc khoải về Dũng, bà Vui xót xa khuyên: “Mình thương nó nhưng nó lại không chịu hiểu, có đi tìm nữa cũng không thấy. Hai thân già chúng ta phải giữ gìn sức khỏe chứ chẳng trông mong gì được đâu”.
Đến khi Dũng trở về, chưa kịp mừng vui thì cha mẹ hắn phải đón nhận tin xấu. Cú sốc quá lớn khiến ông Duyên không gượng được dậy nữa. Một chiều muộn đầu tháng 2 (tức sau ngày Dũng “xộ khám” chưa đầy ba tháng), ông Duyên lặng lẽ ra đi, mang theo nỗi buồn chất chứa về đứa con tù tội. Bà Vui kể, trước khi mất, chồng còn cố nắm lấy tay bà, giọng thều thào: “Tôi đi trước, các con đành nhờ bà vậy. Mấy đứa lấy chồng, lấy vợ, có cuộc sống ổn định rồi thì không nói, nhưng thằng Dũng là đứa khiến tôi không an tâm. Dũng gây ra tội lỗi gì thì cũng là con của vợ chồng mình. Nó thành ra như vậy lỗi do chúng ta không dưỡng dục đàng hoàng. Tôi đi rồi thì bà nhất định phải kéo nó về nẻo thiện”.
Những nỗi đau chồng chất ập đến khiến bà Vui tưởng chừng không thể trụ vững. Sau một trận ốm liệt giường, bà Vui phải cố gắng lắm mới gượng dậy nổi. Nghĩ đến lời trăng trối của chồng, bà tự hứa sẽ bằng mọi cách kéo Dũng ra khỏi vũng bùn tội lỗi. Bà Vui nhớ lại: “Lúc đó tôi nhẩm tính thời điểm Dũng mãn hạn tù thì cũng bước sang tuổi 23. Tôi nghĩ hay kiếm cho nó một mối, biết đâu khi lập gia đình Dũng sẽ nền tính lại”.
Nghĩ là làm, bà Vui sang nhà hàng xóm lựa lời ướm hỏi cô gái Nguyễn Thị Hiền. Trong ấp, Hiền nổi tiếng là thiếu nữ thùy mị, nết na. Hai gia đình cũng khá rất thân thiết với nhau. Hàng ngày, Hiền thường sang đỡ đần bà Vui những việc vặt trong nhà. Nhiều lần tỉ tê tâm sự, bà Vui ngỏ ý muốn cô làm con dâu. Sau khi đoạn tang chồng, bà đã mang trầu cau sang nhà thưa chuyện với mẹ Hiền, ngỏ ý muốn kết tình thông gia.
Khi chấp nhận trầu cau dạm hỏi của bà Vui, mẹ Hiền cũng hy vọng con rể tương lai sẽ thay đổi sau 4 năm “ăn cơm cân, mặc áo số”. Từ đó mỗi lần đi trại thăm Dũng, bà Vui thường kéo cả Hiền theo. Năm cuối cùng Dũng “chim xanh” thụ án, bà Vui tạo điều kiện cho hai người gặp mặt nhau. Thế nhưng trái với những gì mẹ mong muốn, Dũng một mực từ chối cuộc hôn nhân sắp đặt này. Hiền là người chịu nhiều tổn thương nhất. Cô vừa đau đớn vì Dũng không chấp nhận tình cảm, vừa ê chề khi ngày cưới đã ấn định còn bị hủy bỏ. Dù vẫn còn tình cảm với Dũng nhưng trước sức ép của người thân, cô đành phải đi tìm hạnh phúc khác.
Năm 1989, khi mới ra tù được 5 tháng, Dũng lại vác khẩu súng carbin đi cướp. CA huyện Bình Long, tỉnh Sông Bé (cũ, nay là tỉnh Bình Phước và Bình Dương) bắt về hành vi cướp tài sản. Dũng phải thụ án 24 tháng tù tại trại Bến Lớn, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, khiến bà Vui gần như tuyệt vọng.
theo Pháp luật Xã hội

Cú đấm hạ gục tướng cướp Dũng "chim xanh"!

02/06/2017 13:56

Từ phía sau, Đào Trọng Sơn vung cú đấm trời giáng vào mang tai, dùng cả thân mình ghì chặt Dũng. Dũng "chim xanh" đã bị khuất phục

Bên ly cà phê trong quán nhỏ xứ sen hồng, nơi anh đang giữ cương vị Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp, chúng tôi lại được nghe những ký ức oanh liệt, hào hùng của người lính tầm nã một thời.
1. Tham gia quản lý và làm công tác truy nã , Đại tá Đào Trọng Sơn đã trực tiếp bắt giữ nhiều đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm, như: Trần Thị Chắt, Nguyễn Khắc Trình, Nguyễn Chí Dũng, Trương Văn Cam (Năm Cam)... Lần bắt giữ nào cũng để lại dấu ấn khó phai. Trong đó, vụ truy bắt tướng cướp Nguyễn Chí Dũng (tự Dũng "chim xanh") những năm 1998-2001 có nhiều tình huống như trong phim kiếm hiệp. Ngày đó, Dũng "chim xanh" gây ra hàng loạt vụ cướp có vũ khí nóng trải rộng khu vực miền Đông Nam Bộ.
Tên cướp liều lĩnh, bên mình lúc nào cũng giắt khẩu súng Colt 45. Dũng cao lớn, tóc dài chấm gáy, khuôn mặt choắt và hốc mắt sâu hoắm. Hắn manh động, ngông cuồng, có tài bắn súng, luôn sẵn sàng chống trả...
Cú đấm hạ gục tướng cướp Dũng chim xanh! - Ảnh 1.
Những lần đi gây án, khẩu súng trong người của Dũng "chim xanh" luôn nạp đầy đạn để sẵn sàng "nhả" một khi gặp Công an.
Đào Trọng Sơn chong đèn thâu đêm nghiên cứu hồ sơ, tìm ra quy luật hoạt động và phương án truy lùng hung thủ. Ban chuyên án chú ý đến thông tin là đứa con 10 tuổi của Dũng, đã chuyển về TP HCM học nhưng không biết là học ở đâu, trường lớp nào. Các trinh sát được tung ra dò tìm tất cả các phòng giáo dục trên địa bàn thành phố nhưng không có manh mối.
Đào Trọng Sơn đến quận Gò Vấp, lần giở hàng nghìn hồ sơ, cuối cùng đứa con của Dũng "chim xanh" đã xuất hiện. Bám theo, Đào Trọng Sơn tìm được căn nhà trọ Dũng đang thuê ở cùng với vợ con. Suốt một tuần, anh cùng trinh sát mật phục, theo dõi, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để củng cố chắc chắn đối tượng chính là Dũng.
Nghiên cứu quy luật sinh hoạt của đối tượng, anh nắm được: sáng sớm Dũng thường chở con đi học. Trinh sát mật phục xung quanh các con đường gần nhà Dũng từ tờ mờ sáng. Khi cánh cửa vừa mở ra, Dũng đang đứng cạnh xe máy trước nhà đợi con, lập tức hai trinh sát áp sát quật đổ Dũng xuống đường. Dũng vẫn gồng mình lên chống cự hòng tẩu thoát.
Từ phía sau, Đào Trọng Sơn vung cú đấm trời giáng vào mang tai, dùng cả thân mình ghì chặt Dũng. Dũng "chim xanh" đã bị khuất phục. Cuộc vây bắt diễn ra nhanh gọn, ngay cả hàng xóm cũng không hề biết chuyện gì vừa xảy ra.
Những câu chuyện tầm nã của Đại tá Đào Trọng Sơn luôn lỳ kỳ, gay cấn, cuốn hút người nghe. Anh nhớ kỹ từng chi tiết, dù là nhỏ nhất. Tuy không nói ra, nhưng chúng tôi hiểu, trong 20 năm tầm nã xuyên biên giới, anh đã trải qua những thời khắc khốc liệt nhất trong cuộc đời binh nghiệp của mình. Đó là lằn ranh "sinh tử".
2. Năm 1989, tốt nghiệp Học viện Cảnh sát nhân dân, Đào Trọng Sơn được phân công làm “đặc nhiệm nhảy tàu” trên tuyến đường sắt Bắc - Nam (Phòng Đấu tranh trên tuyến giao thông, Phòng 4, Cục Cảnh sát hình sự. Ngày đó, Đào Trọng Sơn còn rất trẻ, mang trong mình đầy nhiệt huyết cống hiến.
Để thực hiện những pha nhảy tàu bắt cướp nhanh như chớp giữa lúc con tàu đang vun vút lao đi, Đào Trọng Sơn đã phải tôi luyện bền bỉ, kiên gan. Nếu sơ suất, thì chỉ trong tích tắc có thể rơi xuống vực sâu hoặc bị bánh tàu cuốn đi. Phải chọn vị trí nhảy trúng trọng tâm nhất, phải nhảy làm sao để khi chân tiếp đất là đứng im, giữ được thăng bằng. Nhảy bắt được tội phạm lại càng khó.
Ba năm “ẩn mình” theo bánh con tàu quay, thực hiện nhiều vụ nhảy tàu bắt cướp ngoạn mục, Đào Trọng Sơn đã được Trung ương Đoàn trao tặng Huy chương Tuổi trẻ dũng cảm. Với kinh nghiệm, trình độ truy bắt tội phạm, Đào Trọng Sơn lần lượt đảm nhận những nhiệm vụ gai góc ở các đơn vị “nóng” của Bộ Công an từ Hà Nội vào TP HCM.
Những năm 1995 -1997, từ miền Trung trở vào Bà Rịa - Vũng Tàu đã xảy ra nhiều vụ cướp có vũ khí nóng gây chấn động. Đã có 5 người đã thiệt mạng và một vài người bị trọng thương, xã hội bàng hoàng, bất an.
Sau một thời gian điều tra, công an nhận định, Đỗ Ngọc Khuê, sinh năm 1963, quê Thái Bình chính là kẻ cầm đầu. Tổng cục Cảnh sát lập chuyên án điều tra, Đào Trọng Sơn là một trong những trinh sát tham gia chuyên án.
Cú đấm hạ gục tướng cướp Dũng chim xanh! - Ảnh 2.
Đại tá Đào Trọng Sơn, người lính tầm nã dạn dày kinh nghiệm.
Hành trình truy bắt tướng cướp Đỗ Ngọc Khuê kéo dài mấy năm trời, tốn biết bao mồ hôi, công sức. Một nguồn tin cho biết: Khuê có một cô bồ đang sống ở TP HCM, làm nghề bán “vốn tự có”. Để tìm ra manh mối của Khuê, đêm về, Đào Trọng Sơn thường lang thang đến các khu vực có những cô gái đứng đường để dò hỏi. Đường Tú Xương, quận 3 là một trong những nơi quy tụ khá đông gái bán dâm.
Đào Trọng Sơn nắm rõ quy luật hoạt động, biết rõ tên tuổi, quê quán, lý lịch cuộc đời của từng cô gái. Qua đó, anh phát hiện Lý Thị B., người tình của tướng cướp Khuê. B. có gò má cao, da đồi mồi, xám xịt tàn nhang, nói chung là một cô gái nhan sắc kém. Đào Trọng Sơn nắm được thông tin, thỉnh thoảng Khuê có ra đường Tú Xương đón B. về nhà trọ ở quận 2.
Báo cáo với Ban chuyên án, cấp trên yêu cầu phải có hình ảnh của Lý Thị B. để xác minh. Khi trưng ảnh của B., mọi người sững sờ, hoài nghi vì cô bồ của tướng cướp... quá xấu.
Sơn giải thích: “Gọi là ân nghĩa thì không thể so sánh được. Ngày Khuê ở phương Bắc vào, không có công ăn việc làm, B. đã xả thân cưu mang vô điều kiện. Sau này đi ăn cướp, có nhiều tiền vàng, Khuê quay lại trả ơn, “gá nghĩa” luôn với cô gái này. Đó là luật riêng của thế giới giang hồ”.
Sau khi nghe các lý lẽ, lập luận chặt chẽ của Đào Trọng Sơn, Ban chuyên án quyết định hành động. Tổ trinh sát tìm đến căn nhà tại quận 2, bắt gặp đích thị tướng cướp Đỗ Ngọc Khuê. Một trinh sát đi cùng một công an xã tiến vào nhà. Thấy bóng dáng người lạ, Khuê “đánh hơi” được nguy hiểm, vọt nhanh ra phía sau trốn thoát bằng đường sông. Từ đó, Khuê biệt tích khỏi đất Sài Gòn. Ban chuyên án xác định tên tướng cướp sẽ không từ bỏ người tình Lý Thị B., thế nào cũng phải để lộ dấu vết.
Vào một ngày trời trong, nắng đẹp, Lý Thị B. lỉnh kỉnh giỏ xách ra bến xe miền Đông về thăm nhà ở Bình Thuận. Đào Trọng Sơn cùng anh em trong tổ tầm nã lặng lẽ bám phía sau. Để tránh bị lộ, số xe của B. được trinh sát báo về đầu mối Bình Thuận để anh em đón lõng ngay tại bến xe Phan Thiết. Khi xe cập bến, lần lượt các hành khách hối hả rời ghế nhưng vắng bặt bóng dáng của Lý Thị B..
Tổ truy bắt hoang mang. Cô ta đi đâu? Phải chăng B. biết mình bị theo dõi nên tẩu thoát giữa đường? Hỏi phụ xe thì được biết B. đã xuống ở Hàm Thuận Nam. Đến vị trí chỉ điểm, Đào Trọng Sơn nhanh chóng tiếp cận xe ôm. Một anh cho biết có chở người phụ nữ mang đặc điểm như mô tả về một địa điểm giáp biển, gần đồn biên phòng. Xác minh đầy đủ thông tin, biết rõ B. đang ở cùng Khuê tại một căn nhà lá nằm giữa cánh rừng sát bãi biển, tổ truy bắt liên hệ với đồn biên phòng để thực hiện nhiệm vụ.
Tướng cướp Đỗ Ngọc Khuê thuộc hàng sát thủ máu lạnh, gặp công an hay bất cứ ai truy đuổi là rút súng bắn ngay. Tổ trinh sát đưa ra phương án bắt bí mật bằng hình thức bao vây, đột kích bất ngờ nhưng phải chờ Lý Thị B. ra về, để tránh việc hắn dùng cô ta làm con tin.
Khi chỉ còn mình Khuê trong chòi, hàng chục người lặng lẽ bò trườn thật nhẹ nhàng di chuyển khép chặt vòng vây. Hoàng hôn buông xuống, sóng và gió biển rất mạnh. Khuê không hề nghe thấy tiếng bước chân của trinh sát. Một tiếng rầm thật mạnh, thật nhanh và dứt khoát, Khuê bị đè chặt xuống giường rồi bị đẩy ngay ra khỏi vị trí. Hắn quá bất ngờ, không kịp với khẩu súng đã lên đạn trên đầu giường.
Đây là phương án trinh sát đã xác định rõ trước khi tiếp cận một tướng cướp manh động, sẵn sàng chống trả bằng súng. Tra tay vào còng số 8, Khuê vẫn chưa tin mình bị bắt nhanh và bất ngờ đến vậy.
Nói về những cuộc chạm trán trực diện với tội phạm nguy hiểm, Đào Trọng Sơn bảo rằng, đời lính tầm nã khi gặp mục tiêu chỉ thấy máu lửa sôi sùng sục trong người. Việc đầu tiên là tìm cách ập vào bắt chứ chẳng có cảm giác sợ hãi hay rụt rè gì cả.

Theo Ngọc Hoa (An Ninh Thế Giới)

Ngày tàn của tướng cướp xuất quỷ nhập thần

Dù nổi tiếng trong giới giang hồ về sự tàn bạo nhưng Dũng “chim xanh” có một cuộc sống đời thường rất bình lặng và giản dị. Tài sản lớn cướp được, Dũng không bao giờ tiêu xài hoang phí để tránh gây sự chú ý.
Thậm chí Dũng còn là một người chồng, người cha rất mực thương yêu vợ con. Cái vỏ bọc hoàn hảo đó cùng với sự liều lĩnh ma mãnh khi đối đầu với công an đã giúp Dũng lọt lưới trong thời gian dài. Thế nhưng, lưới trời lồng lộng, tướng cướp khét tiếng cuối cùng vẫn sa lưới pháp luật.

Xuất quỷ nhập thần

Sau khi băng cướp của Dũng “chim xanh” làm mưa làm gió, gieo rắc kinh hoàng cho người dân trên khu vực rộng lớn, thông tin về hắn ngày càng lan truyền, khiến người dân nơm nớp lo sợ.
Họa sĩ Võ Tấn Thành (trái) và đại tá Phạm Ngọc Hiền - Phó viện trưởng Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an 
Họa sĩ Võ Tấn Thành (trái) và đại tá Phạm Ngọc Hiền - Phó viện trưởng Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an 

Tình hình trở nên phức tạp, Bộ Công an phải trực tiếp vào cuộc lập chuyên án mang bí số 501 CS. Tướng Nguyễn Việt Thành cùng ban chỉ đạo chuyên án đặt ra mục tiêu phấn đấu phá án chậm nhất là cuối tháng 7.2001, nên ngoài lực lượng trinh sát, điều tra, các lực lượng khác như cảnh sát bảo vệ, cảnh sát giao thông, công an huyện, công an xã... đồng loạt vào trận với quyết tâm rất cao, truy tìm đối tượng ở mọi ngõ ngách và tăng cường tuần tra kiểm soát nhằm phát hiện, bắt giữ hoặc tiêu diệt đối tượng. Thế nhưng, mọi cố gắng không mang lại kết quả. Tung tích của Dũng vẫn bặt tăm chim cá.

Khuya ngày 4.6.2001, khi đang chạy xe máy tuần tra trên đoạn quốc lộ 56 địa phận xã Xuân Thanh, huyện Long Khánh, hai trinh sát của Phòng CSHS Công an tỉnh Đồng Nai là Trần Văn Toàn và Hà Thanh Tuyên phát hiện có một chiếc xe tải đậu bên đường. Sau chiếc xe tải này có dựng một chiếc xe Dream và bên hông trái xe tải có một thanh niên đang đứng.

Thấy có nghi vấn nên khi vượt qua khoảng 50m, Toàn và Tuyên quay lại để kiểm tra nhưng chưa kịp tiếp cận thì bất ngờ tên thanh niên đứng ở bên hông xe tải nổ liên tiếp hai phát súng bắn thẳng về phía họ. Không bị trúng đạn, cũng không thể tiếp tục lao về phía trước, Toàn và Tuyên liền dừng xe lại, nổ súng bắn trả nhưng cũng không trúng đối tượng do trời tối. Đối tượng bắn tiếp mấy phát nữa rồi nhảy lên xe nổ máy bỏ chạy.

Hai trinh sát phóng xe đuổi theo nhưng không kịp. Khi các anh quay lại chỗ chiếc xe tải đậu thì nó cũng biến mất. Sau này, ban chuyên án nhận định đó chính là Dũng “chim xanh” nhưng bằng sự liều lĩnh và ma mãnh, Dũng đã dễ dàng trốn thoát.

Ngày 29.7.2001, trong khi tuần tra chống cướp giật trên quốc lộ 1A, trinh sát Võ Thành Công và Ngô Quang Hậu của Đội CSHS Công an huyện Bình Chánh (mặc đồ dân sự) phát hiện hai thanh niên chạy xe Dream có biểu hiện đáng nghi nên đuổi theo. Chạy đến gần ngã tư Tân Tạo, xe của đối tượng dừng lại. Công và Hậu cũng dừng xe lại, Công bước tới gần chiếc xe kia thì bất ngờ bị đối tượng rút súng ra bắn, sau đó lên xe tháo chạy.

Viên đạn làm thủng ống quần của Công, không gây thương tích cho anh, song do quá bất ngờ trước diễn tiến của sự việc, Công và Hậu không đuổi bắt được đối tượng. Kết quả giám định cho thấy vỏ đạn thu được tại hiện trường trùng với 7 vụ cướp trước đó trong chuyên án 501 CS, chứng tỏ đối tượng của chuyên án vẫn tiếp tục hoạt động. Một lần nữa ban chuyên án lại có hy vọng tìm ra dấu vết của Dũng “chim xanh”.

Tuy nhiên, việc lần tìm dấu vết của Dũng không phải đơn giản. Hàng chục nạn nhân bị cướp ở khu vực rộng lớn nhưng toàn xảy ra vào ban đêm nên không ai có thể nhận diện chính xác được tướng mạo của tên cướp hung hãn này. Ban chuyên án 501 CS đã phải thuê họa sĩ Võ Tấn Thành ở Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai phác thảo chân dung đối tượng theo mô tả của các nạn nhân.

Họa sĩ Thành - hiện trú tại TP.Biên Hòa - được biết đến như là trinh sát phá án bằng nét vẽ với biệt tài vẽ lại chân dung qua lời kể mà lại giống thật tới 80%. Ông chính là người đã phác thảo chân dung kẻ gây ra 58 vụ cướp, hiếp dâm, trộm cắp dọc quốc lộ 51, Biên Hòa, Vũng Tàu, góp phần giúp cơ quan công an nhanh chóng phá án, bắt được đối tượng là Phó Văn Chính (ngụ phường 7, quận Gò Vấp).

Theo lời họa sĩ Thành kể, lúc ấy trinh sát ban chuyên án đã lần lượt bố trí cho ông tiếp xúc với khoảng trên dưới 20 người, được xác định là nạn nhân của các vụ cướp táo bạo bằng súng. Những người này mô tả một trong những kẻ đã tấn công họ, có thể nói là cầm đầu băng cướp là người cao lớn, tóc dài. Những lời kể của các nạn nhân được họa sĩ ghi chép chi tiết, từ đó phác họa dần dần ra chân dung của kẻ gây án.

Ảnh vẽ xong đã được một số bị hại, nhân chứng nhận dạng, xác định giống đối tượng gây án tới 80% và giống ảnh của Dũng “chim xanh” mà trinh sát thu thập được. Sau nhiều lần chỉnh sửa, các nạn nhân được mời lên để nhận dạng hung thủ qua ảnh thì họ cũng đã phải thốt lên rằng “chính là hắn”.
Dũng “chim xanh” qua hình vẽ của họa sĩ Võ Tấn Thành (trái) và hình thật (phải) 
Dũng “chim xanh” qua hình vẽ của họa sĩ Võ Tấn Thành (trái) và hình thật (phải) 

Chỉ chờ có vậy, ban chuyên án đã lập tức rà soát lại hồ sơ các đối tượng nghi vấn để sàng lọc và cuối cùng, chân tướng kẻ cướp tàn độc cũng đã lộ rõ. Tướng Nguyễn Việt Thành triệu tập ban chỉ đạo chuyên án 501 CS họp đột xuất, đánh giá tình hình và bàn việc bắt Dũng “chim xanh”.

Một số người cho rằng cần phải tiếp tục xác minh bổ sung thêm vì tài liệu, chứng cứ còn “mỏng”, nếu bắt đối tượng ngay thì rất khó đấu tranh, khai thác trong khâu xét hỏi. Tuy nhiên, phần lớn các thành viên còn lại vẫn đưa ra quyết tâm phải bắt Dũng “chim xanh”. Lệnh bắt Dũng lập tức được phát đi. Dĩ nhiên, việc bắt hắn không đơn giản chút nào. Trong thời gian chuyên án đang được điều tra, hắn đã rời khỏi nơi cư trú.

Mất một thời gian, lực lượng điều tra chuyên án mới tìm ra được nơi ở mới của y và gia đình. Trung tá Đào Trọng Sơn - cán bộ C14B Bộ Công an - khi đó được giao nhiệm vụ trực tiếp truy bắt Dũng “chim xanh”. Chính anh phát hiện y có một con nhỏ khoảng 10 tuổi, học lớp 4.

Dũng chuyển chỗ ở chắc chắn phải xin chuyển trường cho con, Sơn tìm đến Phòng Giáo dục huyện Bình Long dò hỏi thì được biết Dũng có làm hồ sơ xin chuyển trường cho con về TP.HCM nhưng không ghi trường nào cụ thể. Sơn đến các phòng giáo dục trên địa bàn TP.HCM để tìm con của Dũng, từ đó lần ra nơi ở của y.


Tại Phòng Giáo dục quận Gò Vấp, Sơn tìm thấy hồ sơ con của Dũng đăng ký tại Trường tiểu học T. ở phường 17. Vợ chồng Dũng cùng bốn con thuê một căn nhà mặt tiền trên đường Trương Minh Giảng, P.17, Q.Gò Vấp. Dũng “chim xanh” sống ở đây rất... nghiêm chỉnh, không làm mích lòng ai và sáng nào cũng dậy sớm đưa con đi học.

Những người hàng xóm biết Dũng là người hiền lành và rất thương vợ con. Thế nhưng không ai biết trong vỏ bọc ấy là một kẻ máu lạnh hung hãn! Thiếu tướng Nguyễn Việt Thành và lãnh đạo ban chuyên án đồng ý với ý kiến đề xuất bất ngờ bắt Dũng “chim xanh” vào lúc sáng khi y từ nhà đi ra để tránh việc y có thể dùng vũ khí chống lại.


Việc bắt giữ phải cực kỳ nhanh gọn và chính xác để tránh rủi ro. Đặc biệt, nếu Dũng chở theo con nhỏ thì một người phải bảo vệ cho được cháu bé để tránh tai nạn cho cháu cũng như không để Dũng sử dụng cháu làm áp lực để tẩu thoát. Trong người Dũng luôn thủ sẵn hai khẩu K54 đạn lên nòng, đường phố lại đông người, nếu hành động sơ suất thì hậu quả thật khôn lường.

5 giờ sáng 15.10.2001, Trung tá Sơn cùng các trinh sát quần soọc, áo thun chạy tập thể dục, đánh cầu lông trên đường trước nhà Dũng. 6 giờ 15, Dũng mở cửa dắt xe ra đường. Sơn giơ cán vợt ra hiệu hành động. Dũng vừa dợm chân định bước vào trong dắt con ra thì hai trinh sát ập vào như cơn lốc quật ngã xuống đất.

Mặc dù bị tấn công bất ngờ nhưng với phản xạ của một võ sư, Dũng vùng dậy tìm đường thoát thân. Nhanh như cắt, Sơn lao vào tung cú đá như trời giáng vào mạn sườn Dũng, bồi thêm một cú đấm vào mang tai khiến tên tướng cướp đổ ập xuống như thân chuối. Sơn thò tay móc còng số 8 bập vào tay Dũng. Tướng cướp máu lạnh sa lưới...


Và những mưu ma chước quỷ

Dũng “chim xanh” định thần rồi cất tiếng: “Mấy anh bắt nhầm người rồi. Tôi có tội tình gì đâu mà bắt”. Việc khám xét nơi ở của Dũng “chim xanh” được thực hiện ngay, song không tìm thấy súng, đạn. Điều này khiến ban chuyên án cực kỳ băn khoăn vì chứng cứ không đủ để buộc tội Dũng.

Ít ai ngờ rằng Dũng "chim xanh" còn có một người vợ gian xảo không kém gì hắn. Vợ của Dũng là Phạm Thị Ngọc Thảo, biết rõ việc làm của chồng nhưng không mảy may suy nghĩ khi sống một cách sung sướng từ những đồng tiền bất lương.
Dũng “chim xanh” và đồng bọn 
Dũng “chim xanh” và đồng bọn 

Sau khi Dũng “chim xanh” bị bắt, để che giấu hành vi phạm tội của chồng, Phạm Thị Ngọc Thảo đào bọc đạn mà Dũng chôn ở nhà đem đi phi tang, đồng thời gọi điện thoại thông báo cho đám đàn em Dũng tìm cách xóa các dấu vết phạm tội liên quan đến chồng mình.

Chưa hết, Thảo còn nhờ đám đàn em tìm đến đến Trại tạm giam Bố Lá gặp Ba Long (Trần Bình Trường) đang bị giam ở đây, bảo Ba Long không được khai báo về khẩu súng mà Dũng “chim xanh” đã dùng để hăm dọa Ba Long vào cuối năm 1997...


Phần Dũng, sau khi xộ khám, biết sẽ bị các nạn nhân nhận ra tướng mạo mình nên liên tục xin cán bộ điều tra được cắt tóc... cho đỡ ngứa, mục đích là để không ai nhận ra mình. Tuy nhiên, sự gian xảo của hắn không qua mắt được các điều tra viên. Việc nhận dạng được tiến hành theo đúng quy định. Dũng “chim xanh” được xếp hàng chung với một số người khác.

Các trinh sát từng đụng mặt với Dũng khi được đưa lên nhận dạng đã phải thốt lên: Chính hắn! Một loạt các nạn nhân cũng khẳng định chính Dũng “chim xanh” là kẻ gây án. Không chỉ nhận dạng, họ còn nhận được giọng nói của Dũng “chim xanh” - chính là giọng của kẻ đã cầm súng quát tháo, ra lệnh cho họ trong hàng loạt vụ cướp. Dẫu vậy, Dũng vẫn không hé răng nửa lời. Hắn dư thừa sự lì lợm và điềm tĩnh để nghĩ ra một kế hoạch khác nham hiểm hơn nhiều nhằm thoát tội: tìm kẻ đóng thế!

Dũng “chim xanh” đã gãy cánh nhưng đồng bọn thân cận nhất của hắn là Phạm Văn Đỉnh vẫn chưa lọt lưới. Bằng cách nào đó, Dũng đã ra lệnh cho Đỉnh kiếm một người giống mình, tiếp tục gây ra các vụ cướp để đánh lạc hướng cơ quan điều tra. Vì vậy, trong thời gian Dũng nằm khám, một loạt các vụ cướp bằng súng chấn động vẫn diễn ra trên các địa bàn cũ.

Nhiều người trong chuyên án 501 CS có lúc đã phân vân, cho rằng đã bắt nhầm Dũng. Tuy nhiên, ban chỉ huy chuyên án vẫn kiên định trong việc khẳng định Dũng chính là nghi phạm số 1, đồng thời tiếp tục chỉ đạo mở rộng điều tra bắt giữ các tên cướp còn lại.


Vụ án phức tạp và có nguy cơ đi vào ngõ cụt. Trung tá Đào Trọng Sơn lại phải mất nhiều thời gian và công sức nghiên cứu phá án. Qua xác minh, Sơn phát hiện ra Phạm Văn Đỉnh. Đỉnh có thời gian thụ án ở trại giam của Bộ Công an về tội cướp tài sản nhưng sau đó vượt ngục, đang bị truy nã.

Sau khi trốn trại, Đỉnh gia nhập băng cướp Dũng “chim xanh” với vai trò “phó tướng”. Đỉnh và vợ con thuê nhà ở quận Tân Bình. Sau khi Dũng bị bắt, biết bị lộ Đỉnh chuyển nhà đi nơi khác nhưng vẫn cùng đàn em thực hiện các vụ cướp để giúp Dũng “chim xanh” đánh lừa cơ quan điều tra.


Tình cờ một lần ghé Công an P.15, Q.Tân Bình, Sơn nghe một cảnh sát khu vực kể chuyện ở nơi mình phụ trách có cặp vợ chồng mới chuyển tới nhưng không chịu đăng ký tạm trú. Sơn đưa tấm hình tên Đỉnh cho anh cảnh sát khu vực nhận dạng. Anh cảnh sát khu vực gật gù “hơi giống, nhưng tay này tóc ngắn còn ông kia tóc dài”. Linh cảm nghề nghiệp mách bảo Sơn phải tìm hiểu “ông tóc dài”. Sơn nhờ anh cảnh sát khu vực lấy cớ đi kiểm tra nhân khẩu để thăm dò tình hình.

Anh cảnh sát khu vực đến nhà hỏi “Tờ khai tạm trú hôm trước tôi đưa anh chị đã làm xong chưa?”, chị vợ nói chưa xong và giúi vào túi anh 200.000 đồng. Anh cảnh sát khu vực gọi điện về phường xin ý kiến, Sơn và lãnh đạo Công an P.15 chỉ đạo cho anh cảnh sát khu vực cứ nhận để gia chủ khỏi áy náy, đồng thời tìm cách mời vợ chồng họ lên phường. Anh cảnh sát khu vực quay vào nhà tươi cười: “Tí nữa ông xã về nói dán ảnh vào giấy tạm trú mang lên nộp”. 20 phút sau, hai vợ chồng chở nhau lên phường.

Người chồng đứng trước cổng chờ, còn người vợ vào trong nộp tờ khai. Liếc qua, Sơn xác định đó chính là Phạm Văn Đỉnh. Sơn lững thững đi ra cổng. Ngang qua người đàn ông đang đứng, bất thần Sơn quay lại hô to: “Đỉnh, anh bị bắt”. Tên Đỉnh hoảng hốt rú ga vọt đi nhưng Sơn xoay người tung cú đá ngang ngực khiến y văng xuống xe. Lập tức các trinh sát ùa ra đè sấp y xuống đất, Sơn rút còng khóa tay. Khám người y, Sơn không thấy có súng. Gặng hỏi, Đỉnh mới khai giấu trong khạp gạo.

Khám xét nhà Đỉnh, Sơn phát hiện khạp gạo có hai đáy, bên trên đựng gạo, bên dưới là hai khẩu K54, hàng trăm viên đạn và một còng số 8. Đến lúc này Sơn mới thở phào nhẹ nhõm. Mở rộng vụ án, trung tá Sơn cùng đồng đội bắt thêm 13 tên thuộc hạ của Dũng, trong đó có tên Lương Hoàng (Bình Dương), kẻ được Phạm Văn Đỉnh giao phó “sứ mệnh” đóng thế vai Dũng “chim xanh” đi cướp nhằm đánh lạc hướng công an. Băng cướp Dũng “chim xanh” khét tiếng một thời đã bị xóa sổ hoàn toàn.

Đỉnh bị bắt, những vụ cướp táo tợn lập tức không còn tái diễn. Như vậy là kế sách nham hiểm của Dũng “chim xanh” đã phá sản. Tuy nhiên, tên cướp khét tiếng vẫn không chịu khai nhận tội ác. Qua vài lần tiếp xúc, trung tá Sơn nhận ra rằng mặc dù rất hung ác nhưng Dũng rất thương vợ con. Sơn thuyết phục vợ Dũng vào trại giam thăm chồng, nhưng phải đóng kịch như vừa bị bắt. Vợ Dũng đồng ý.

Một buổi sáng, khi đi qua buồng giam nữ, Dũng bủn rủn tay chân khi thấy vợ mình đang mặc quần áo phạm nhân đứng bên ô cửa. Hắn suy sụp hoàn toàn vì nghĩ rằng tội ác của y đã làm liên lụy đến vợ con. Ngay sáng hôm đó, Dũng ngoan ngoãn khai hết tội ác của mình với mong muốn “đừng bắt vợ em”. Dũng “chim xanh” cùng đàn em Phạm Văn Đỉnh ngoan ngoãn khai nhận toàn bộ tội ác, trong đó có nhiều vụ trọng án: cướp của, giết người, hiếp dâm trẻ em...

Giữa năm 2004, tòa án hai cấp sơ và phúc thẩm tuyên phạt Nguyễn Chí Dũng và Phạm Văn Đỉnh mức án tử hình về các tội: hiếp dâm trẻ em, cướp tài sản, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng... 13 đàn em của Dũng bị tuyên phạt mức án từ tù treo đến 12 năm tù giam. Băng cướp tàn bạo khét tiếng Đông Nam bộ và tướng cướp gan lì, ma mãnh nổi tiếng với nhiều giai thoại chính thức bị khai tử.

Theo Dòng đời

Dũng chim xanh – Tướng cướp tàn độc múa kiếm như Ninza, bắn súng 2 tay, con quỷ trên đèo Rắn

Là võ sư taekwondo tam đẳng huyền đai, Dũng từng là diễn viên đóng thế trong các bộ phim võ thuật.


Tuy nhiên, những đồng tiền kiếm được bằng nghề chân chính không đủ để hấp dẫn hắn. Dũng đã sớm bước chân vào giới du đãng để rồi thành tên cướp tàn độc.
Con quỷ trên đèo Con Rắn
Dũng chim xanh tên thật là Nguyễn Chí Dũng ( SN 1966) ngụ ấp 1, xã Tân Khai, huyện Bình Long tỉnh Bình Phước.
Ngay từ khi còn nhỏ, Dũng đã theo một vị võ sĩ gần nhà để học võ. Hắn được xem như là nhân tài trong đám học trò của vị võ sư này. Nhưng trái với kì vọng của cha mẹ, cho hắn theo học võ để rèn luyện sức khỏe và giúp đỡ người khác thì Dũng lại nuôi nấu ý định muốn xưng hùng bá, làm đại ca, có kẻ hầu người hạ.
Dũng chim xanh
Dũng “chim xanh”. Ảnh: Tuổi trẻ
14 tuổi, Dũng lập băng nhóm, dưới trướng có đến vài chục tên đàn em nhí. Để nuôi quân, Dũng phải đi trộm cắp, cướp giật. Cha mẹ Dũng khuyên can thậm chí là dùng đòn roi để ngăn cản hắn sa chân vào con đường cướp giật nhưng Dũng đều bỏ ngoài tai. Sau này vì cha mẹ quản lý gắt gao, hắn bỏ nhà đi biệt tăm, năm thì mười họa mới về thăm cha mẹ một lần.
Năm 19 tuổi, Dũng đột nhập vào một nhà dân ở Thủ Đức, TP.HCM để trộm cắp. Công an bắt được, khám người Dũng thu một khẩu Colt 45 (của Mỹ) và 7 viên đạn. Lần đầu tiên “xộ khám” Dũng phải chịu hình phạt 4 năm tù.
Nghe tin con trai bị đi tù, người cha già ngã quỵ rồi không lâu sau lâm bệnh nặng. Cha của Dũng luôn day dứt vì mình đã để con bỏ nhà ra đi khiến hắn lâm vào tù đày. Ông hi vọng sau 4 năm tù con trai mình sẽ hối hận mà làm lại cuộc đời.
Nhưng không, cha của Dũng đã lầm. Ra tù được 5 tháng, Dũng lại bị công an huyện Bình Long, tỉnh Sông Bé (cũ) bắt về hành vi cướp tài sản. Dũng phải thụ án 24 tháng tại trại Bến Lớn. Tại đây, Dũng đánh người trong trại giam gây thương tích, nên tiếp tục ở trại đến tháng 10/1992 mới được ra. Đến đây hi vọng cho Dũng hoàn lương của đôi vợ chồng già gần như tuyệt vọng, bố Dũng vì quá uất ức đã qua đời. Trước lúc nhắm mắt xuôi tay, ông không khỏi khắc khoải về tương lai của đứa con trai nghiệp chướng.
Ra tù lần 2, Dũng “chim xanh” cùng với đồng bọn là Hoàng Ngọc Phương thực hiện nhiều vụ trộm xe máy, Phương bị CA bắt, còn Dũng bỏ trốn đến tháng 2/1996 thì bị bắt theo lệnh truy nã của CA huyện Bình Long tỉnh Sông Bé (cũ). Lần này hắn bị xử 18 tháng tù và ăn cơm trại giam tới cuối năm 1997 mới được thả.
Liên tiếp những ngày tháng mới lớn ăn cơm tù đã cho Dũng cái chất giang hồ, lì lợm và xảo quyệt hơn. Cuối năm 1997, Dũng ra tù về địa phương sống bằng nghề mua bán cây và chăn nuôi chim nhưng bị thua lỗ, nợ hơn 50 triệu đồng nên phải trốn về TP.HCM, tại đây hắn cùng một người tên Hải đi chở mướn thuốc lá lậu.
Đầu năm 1998, chán cảnh buôn lậu, Dũng lại mua vũ khí nóng để phạm tội. Lần này hắn kết hợp với một đồng đảng duy nhất là Phạm Văn Đỉnh để trực tiếp thực hiện các vụ cướp. Với phương tiện là chiếc Cup 81, Cup 82 lên đời và Dream, Dũng – Đỉnh đã là nỗi ám ảnh của người dân miền Đông Nam bộ và TP.HCM trong một thời gian dài. Từ xe máy, xe tải, tiệm vàng, những gia đình giàu có…đều có thể trở thành mục tiêu của chúng.
Vì học võ nghệ từ nhỏ, Dũng luyện được chiêu rất giống dân hình sự thực thụ là bắn súng được cả 2 tay, dùng dao và kiếm như nghệ sĩ múa. Cái tên Dũng “chim xanh” được đàn em đặt cho hắn vì Dũng ra tay nhanh như cắt, đặc biệt là nhiều thủ đoạn tinh quái trốn thoát vòng vây của công an.
Một lần đột nhập vào trụ sở Phòng CSGT tỉnh Tây Ninh, hắn lấy đi ba xe máy và 188 bộ hồ sơ đăng ký xe, lần khác đột nhập vào trụ sở Công an huyện Bình Long (Bình Phước) hắn lại lấy đi ba xe máy.
Những phi vụ ngoạn mục càng khiến tên tuổi Dũng “chim xanh” nổi như cồn, đến cuối thập niên 90 và đầu những năm 2000, Dũng đã tập hợp được dưới trướng 20 đệ tử đầu trộm đuôi cướp bắt đầu thực hiện những phi vụ táo bạo. Khi đó hắn thường chọn địa điểm nơi đèo con Rắn để thực hiện những phi vụ cướp táo bạo, gây bao nối ám ảnh cho người dân lương thiện làm ăn đi qua khu vực này.
Điển hình như vụ cướp xe chở vôi bột do anh Nguyễn Văn Tân (ngụ thị xã Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) điều khiển chạy đến đoạn đèo “Con Rắn” trên quốc lộ 56 vào năm 2001. Khi xe đang chạy trên đoạn đường thì bất ngờ Dũng cùng đồng bọn chạy xe Dream khống chế bắt dừng lại và dọa bắn.
Chiếc xe tải dừng lại và hai tên cướp leo lên hai bên ca-bin, một tên khống chế anh Tân còn Dũng dí nòng súng lạnh tanh vào đầu phụ xe Nguyễn Văn Tý lệnh mở nắp thùng dưới ghế ngồi rồi cướp túi xách tay của chị Nguyễn Thị Phụng, trong đó có 4,8 triệu đồng.
Cũng tại đèo Con Rắn, vào lúc 1h45 ngày 26/4/2001, ôtô BKS 79H… do anh Nguyễn Văn Bình (ngụ TP.Nha Trang) điều khiển đang chạy trên đường thì nhóm Dũng cũng yêu cầu dừng lại. Biết gặp nguy hiểm, anh Bình vẫn cho xa tiếp tục chạy thì hắn nã súng liên tục khiến vỡ kính xe. Nạn nhân quá kinh hãi buộc phải dừng xe lại. Trong vụ này, bọn cướp lấy được 3,8 triệu đồng.
Cướp đường chưa thỏa mãn, Dũng và đồng bọn bắt đầu nhắm vào mục tiêu là tiệm vàng, quán xá với thủ đoạn cực kỳ manh động. Tối 1/8/2001, Dũng “chim xanh” và Phạm Văn Đỉnh cướp giật túi xách của một người phụ nữ tại xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Chúng cướp được 2,5 triệu đồng, và giật luôn sợi dây chuyền vàng 18K nặng 2 lượng của nạn nhân đang đeo trên cổ.
Từ năm 1997 đến tháng 11/2001, Dũng “chim xanh” cùng đồng bọn đã thực hiện 55 vụ án gây chấn động xã hội, đặc biệt là khu vực Miền đông Nam bộ.
Trong 55 vụ án này có 26 vụ cướp, 4 vụ cướp giật, 23 vụ trộm, 1 vụ hiếp dâm trẻ em và 1 vụ giết người tại Bình Dương. Địa bàn hoạt động của băng cướp còn mở rộng ra các tỉnh thành khác như Đồng Nai, Bình Phước, Bà rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An, TP.HCM. Tài sản chúng cướp được trên 230 triệu đồng, 40,5 chỉ vàng 24K, 25 xe máy các loại, 188 bộ hồ sơ đăng ký xe mô tô.
Đây là những vụ án truy xét được, ngoài ra Dũng “chim xanh” và đồng bọn còn khai nhận thêm 24 vụ án khác, trong đó có 8 vụ cướp nhưng CQĐT chưa xác minh làm làm rõ được bởi nạn nhân của những vụ cướp này không tố cáo, CQĐT không có cơ sở để xác minh người bị hại, thời gian và định điểm gây án, không thu được tang chứng, vật chứng…
Trước tình hình đó, Tổng cục Cảnh sát chỉ đạo Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an (C14B) thành lập chuyên án triệt phá băng cướp táo tợn này.
Sa lưới
Hàng loạt quyết định khởi tố vụ án của công an các tỉnh thành được ký nhưng thủ phạm vẫn “chim tăm cá lặn”. Các chiến sĩ công an đã lần mò theo từng vỏ đạn, mô tả của các nạn nhân, cuối cùng ánh sáng được hé mở. Dựa trên lời khai của hơn 20 người bị hại, những nét phác thảo đầu tiên về chân dung tên tướng cướp dần hiện ra, kết hợp với tàng thư và các tài liệu trinh sát cho phép khẳng định: thủ phạm là Nguyễn Chí Dũng (Dũng “chim xanh”).
Trung tá Đào Trọng Sơn, cán bộ C14B (nay là phó phòng 4, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an), được giao nhiệm vụ truy bắt Dũng “chim xanh” trong thời gian sớm nhất.
Tiến hành vào điều tra, rà soát các thông tin có liên quan đến nghi phạm, cuối cùng các trinh sát đã truy ra được nơi ẩn nấp mới của Dũng trên đường Trương Minh Giảng P17 quận Gò Vấp TP.HCM.
Sau khi tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, xác minh rõ đối tượng nghi vấn chính là Dũng “chim xanh”, tên cướp máu lạnh hoạt động gây án kinh hoàng ở khu vực Miền đông Nam bộ lẻn về đây che giấu tung tích chờ qua cơn “bão dữ”, lãnh đạo Ban chuyên án 501 CS lên kế hoạch bắt Dũng “chim xanh” một cách bất ngờ, táo bạo, và đề xuất kế hoạch này lên lãnh đạo TCCS.
5 giờ sáng 15/10/2001, Trung tá Sơn cùng các trinh sát quần soọc, áo thun chạy tập thể dục, đánh cầu lông trên đường trước nhà Dũng. 6h15 cùng ngày, Dũng mở cửa dắt xe ra đường. Sơn giơ cán vợt ra hiệu hành động. Dũng vừa dợm chân định bước thì hai trinh sát ập vào như cơn lốc quật ngã xuống đất.
Mặc dù bị tấn công bất ngờ nhưng với phản xạ của một võ sư, Dũng vùng dậy tìm đường thoát thân. Nhanh như cắt, Sơn lao vào tung cú đá như trời giáng vào mạn sườn Dũng, bồi thêm một cú đấm vào mang tai khiến tên tướng cướp đổ ập xuống như thân chuối. Sơn thò tay móc còng số 8 bập vào tay Dũng. Tướng cướp máu lạnh sa lưới… Trước khi bị bắt hắn vẫn tỏ vẻ không hề biết chuyện gì đang xảy ra và liên tục kêu oan.
Dũng “chim xanh” và đồng bọn 
Dũng “chim xanh” và đồng bọn. Ảnh tư liệu
Biết thế nào rồi cũng có ngày bị công an sờ gáy, Dũng đã tính toán, dự liệu trước mọi phương án để hòng thoát thân. Trong tù nhưng hắn đã nghĩ cách để mình trở nên vô tội và đánh lạc hướng các trinh sát điều tra. Người đứng lên giúp hắn không ai khác chính là vợ hắn, chị ta tên là Phạm Thị Ngọc Thảo.
Ít ai ngờ rằng Dũng “chim xanh” còn có một người vợ gian xảo không kém gì hắn. Biết rõ việc làm của chồng nhưng Thảo không mảy may suy nghĩ khi sống một cách sung sướng từ những đồng tiền bất lương.
Sau khi Dũng “chim xanh” bị bắt, để che giấu hành vi phạm tội của chồng, Phạm Thị Ngọc Thảo đào bọc đạn mà Dũng chôn ở nhà đem đi phi tang, đồng thời gọi điện thoại thông báo cho đám đàn em Dũng tìm cách xóa các dấu vết phạm tội liên quan đến chồng mình.
Chưa hết, Thảo còn nhờ đám đàn em tìm đến đến Trại tạm giam Bố Lá gặp Ba Long (Trần Bình Trường) đang bị giam ở đây, bảo Ba Long không được khai báo về khẩu súng mà Dũng “chim xanh” đã dùng để hăm dọa Ba Long vào cuối năm 1997.
Bên ngoài, trên những cung đường Đông Nam bộ vẫn tiếp tục liên tiếp xảy ra hàng loạt các vụ cướp táo bạo như xưa. Người thay hắn tiếp tục gây án để đánh lạc hướng điều tra là Phạm Văn Đỉnh còn gọi là Hải (SN 1963 ngụ tại xã Thạnh Trị, huyện Mộc Hóa tỉnh Long An). Đỉnh tiếp tục đi cướp với thủ đoạn và phương thức hoạt động giống y Dũng “chim xanh”.
Phần Dũng, sau khi xộ khám, biết sẽ bị các nạn nhân nhận ra tướng mạo mình nên liên tục xin cán bộ điều tra được cắt tóc… cho đỡ ngứa, mục đích là để không ai nhận ra mình.
Tuy nhiên kế hoạch của hắn đều thất bại. Việc nhận dạng được tiến hành theo đúng quy định. Dũng “chim xanh” được xếp hàng chung với một số người khác. Các trinh sát cùng các nạn nhân từng đụng mặt với Dũng khi được đưa lên nhận dạng đã phải thốt lên: Chính hắn. Ngoài ra họ còn nhận ra chất giọng khàn khi ra lệnh cho đàn em của Dũng.
Không lâu sau tên Đỉnh bị bắt, những vụ cướp táo tợn lập tức không còn tái diễn. Như vậy là kế sách nham hiểm của Dũng “chim xanh” đã phá sản. Tuy nhiên, tên cướp khét tiếng vẫn không chịu khai nhận tội ác.
Qua vài lần tiếp xúc, trung tá Sơn nhận ra rằng mặc dù rất hung ác nhưng Dũng rất thương vợ con. Sơn thuyết phục vợ Dũng vào trại giam thăm chồng, nhưng phải đóng kịch như vừa bị bắt. Vợ Dũng đồng ý.
Một buổi sáng, khi đi qua buồng giam nữ, Dũng bủn rủn tay chân khi thấy vợ mình đang mặc quần áo phạm nhân đứng bên ô cửa. Hắn suy sụp hoàn toàn vì nghĩ rằng tội ác của y đã làm liên lụy đến vợ con. Ngay sáng hôm đó, Dũng ngoan ngoãn khai hết tội ác của mình với mong muốn “đừng bắt vợ em”. Dũng “chim xanh” cùng đàn em Phạm Văn Đỉnh ngoan ngoãn khai nhận toàn bộ tội ác, trong đó có nhiều vụ trọng án: cướp của, giết người, hiếp dâm trẻ em…
Ngày 30/6/2004, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã tuyên y án tử hình đối với Nguyễn Chí Dũng (Dũng “chim xanh”) và Phạm Văn Đỉnh về các tội “Hiếp dâm trẻ em”, “Cướp tài sản”, “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”.
Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt mức án từ 1 năm tù cho hưởng án treo đến 8 năm tù giam về các tội “Cướp tài sản”, “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”, “Mua bán trái phép vũ khí quân dụng”, “Không tố giác tội phạm”…

Theo Tin nhanh online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét