TÌNH YÊU VÔ BỜ 18/c (Máu mủ gặp lại)

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Randy khóc hết nước mắt vẫn chưa tìm thấy mẹ | HTV HÁT CÂU CHUYỆN TÌNH | HCCT #2

Hành trình tìm mẹ của ca sĩ gốc Việt lai Mỹ

Thứ sáu, 3/8/2012 10:07 GMT+7
32 0 chia sẻ
Từ khi biết mình tồn tại trên cõi đời này, anh đã có cái tên Trần Quốc Tuấn và sống trong một cô nhi viện của nhà thờ.
Từ đầu năm 2012, nhiều người thấy bóng một chàng trai Mỹ đen có giọng ca buồn ảo não thấp thoáng khắp các đường phố Hà Nội, Quảng Nam, TP HCM để… tìm người mẹ ruột và cội nguồn bí ẩn của mình.
Chàng trai ấy là Randy, nổi lên từ năm 1992 trong làng giải trí cộng đồng người Việt ở Mỹ với giọng ca mộc, không trau chuốt như lời tự sự trào ra từ cõi lòng, khiến khán thính giả phải rơi nước mắt. Giọng ca của anh đã đưa ca khúc "Nó" chu du khắp cộng đồng người Việt trên thế giới, rồi theo con đường record đĩa lậu tràn về các miệt vườn sâu tận quê nhà Việt Nam. Giai đoạn đó, hầu như đi đâu người ta cũng nghe giọng anh nỉ non: "Thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ…".
Chuyến về Việt Nam lần này là chuyến thứ 4 trong hành trình tìm cội nguồn bí ẩn của Randy - ca sĩ mang hai dòng máu Mỹ - Việt. Chuyến đầu tiên vào năm 2007. Chuyến này, anh đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất đúng vào ngày giao thừa Tết Dương lịch 2011-2012.
randy-495273-1368248812_500x0.jpg
Ca sĩ Randy.
Từ khi bắt đầu nhận biết mình tồn tại trên cõi đời này, anh đã thấy mình mang tên Trần Quốc Tuấn và đang sống trong một cô nhi viện của nhà thờ. Như bao đứa trẻ mồ côi khác, anh sống những ngày ấu thơ vô ưu trong vòng tay thương yêu của những dì sơ. Mặc dù có cái tên Việt chính thức trong khai sinh là Trần Quốc Tuấn, sinh năm 1971 nhưng anh vẫn lờ mờ nhận ra gốc gác hai dòng máu Mỹ - Việt của mình qua lời nói của những người xung quanh: "Đó là thằng nhóc lai Mỹ đen".
Theo chính sách của Viện mồ côi, các dì sơ tìm cho anh một gia đình nhận làm con nuôi. Cuối năm 1975, một gia đình nông dân ở thôn 3, Cẩm Hà (nay là Thanh Hà), Hội An nhận nuôi anh. Người mẹ nuôi tên Nguyễn Thị Nữ và cha nuôi tên Nguyễn Húy. Họ có tất cả 7 người con gồm 5 trai 2 gái nhưng không hiểu sao, tất cả những người con trai trong gia đình này đều chết non. Họ xin nhận anh làm con nuôi để khỏa lấp nỗi đau mất con. Dù mang tiếng là con nuôi nhưng anh chỉ được phép gọi mẹ nuôi bằng "thím" và cha nuôi bằng "chú".
Thời điểm đó, đất nước đang trong giai đoạn phục hồi, nền kinh tế bị khủng hoảng do di chứng chiến tranh, nhiều gia đình khu vực nông thôn thiếu đói. Do cái nghèo cái khó bủa vây, bà mẹ nuôi phải lãnh bò về cho anh chăn thuê để kiếm thêm tiền gạo. Do mặc cảm thân phận con lai, anh mang ý nghĩ mình như một người ngoài hành tinh lạc loài giữa trái đất nên tự xa lánh mọi người, chui rúc vào rừng hoang, ruộng vắng, buồn một mình.
Đến năm 1983, khi nghe tin Chính phủ Mỹ có chính sách cho những gia đình nuôi con lai Mỹ ở Việt Nam nhập cư. Một gia đình người Hoa ở Hội An muốn nhập cư Mỹ nên đề nghị mẹ nuôi giao anh cho họ. Đổi lại, họ trao cho mẹ nuôi anh 3 cây vàng. Đang vật vã với cái nghèo, cái khổ, người mẹ nuôi đồng ý giao anh. Anh nhập hộ khẩu vào gia đình người Hoa này để hợp thức hóa thủ tục xin di trú vào Mỹ. Dù nhận làm con nuôi nhưng gia đình người Hoa nọ hoàn toàn không có chút thiện cảm nào với anh. Để chứng minh "công nuôi dưỡng", họ cho anh đi học.
Đến năm 1987, lại có nguồn tin cho biết chính phủ Mỹ bỏ chính sách nhập cư trẻ lai, gia đình người Hoa này cho rằng mình "đầu tư nhầm chỗ" nên không cho anh đi học nữa. Họ hoàn toàn bỏ mặc anh. Mang nỗi mặc cảm, tự ti thân phận anh lang thang đi tìm việc làm thuê để tự nuôi sống mình.
Anh xin vào một xưởng chế biến xì dầu để có cơm ăn, chỗ ở và nhận chút tiền lương. Năm 1987, cha nuôi anh bị chứng ung thư bộc phát. Lần đầu tiên đem món tiền làm thuê về thăm cha nuôi, anh rất hạnh phúc. Trong cơn đau, cha nuôi muốn được ăn tô bún bò. Anh dùng đồng tiền của mình đi mua bún bò cho ông. Ông vừa ăn vừa khóc vì sung sướng. Đang ăn, ông ho ra máu rồi qua đời.
Đến năm 1990, gia đình người Hoa tất tả đi tìm anh về vì có thông báo chính thức từ Đại sứ quán Mỹ. Anh cùng gia đình người Hoa này được sang California định cư.
Những tưởng chính phủ của "quê cha" sẽ dang tay chào đón giọt máu của những người "chết vì lá cờ Mỹ", không ngờ, họ chẳng đoái hoài gì đến thân phận của hơn 20.000 đứa trẻ lai ở chiến trường Việt Nam. Anh chỉ nhận được tấm "thẻ xanh" như những người lưu vong khác. Khi gia đình người Hoa đã đạt được mục đích, thì họ cũng chẳng thiết đoái hoài đến anh nữa.
Theo quy chế, hàng tháng Chính phủ Mỹ trợ cấp cho gia đình người Hoa đó một khoản tiền tính theo số đầu người. Họ sòng phẳng trao cho anh 220 USD. Anh phải trả 100 USD cho họ để được ngủ ở phòng khách, 80 USD còn lại cho tiền ăn.
Lạ khí hậu, anh đổ bệnh nhưng không ai chăm sóc. Nằm bẹp gí trong căn phòng khách cô đơn, nhớ về quê mẹ Việt Nam, anh khóc tủi thân một mình. Lạc lõng giữa đất Mỹ, anh lại muốn quay về quê mẹ nhưng không thể. Sau 7 tháng làm quen môi trường mới, anh tự mò mẫm đi làm hồ sơ xin nhập học. Nhờ bản tính hòa đồng, thân thiện anh có được nhiều bạn bè ở ngôi trường này.
Năm 1992, anh tham gia một cuộc thi karaoke có 80 thí sinh và đạt được giải khuyến khích. Phấn khích, anh tiếp tục tham gia cuộc thi hát karaoke được tổ chức ở quán cà phê Văn - California, lần này anh đã đoạt giải nhất với ca khúc "Lần đầu cũng là lần cuối". Giọng ca lạ, u buồn của anh đã thu hút sự chú ý của một nhạc sĩ (nay đã qua đời). Nhờ sự giới thiệu của nhạc sĩ ấy mà anh được Trung tâm Hải Âu ký hợp đồng mời hát. Trung tâm Hải Âu giao cho anh ca khúc "Nó". Lần đầu tiên thể hiện ca khúc này, anh cảm nhận được "thằng bé" mồ côi trong nhạc phẩm chính là thân phận thật của mình. Đồng cảm với ca khúc, anh đã hát như khóc than cho chính số phận con lai của mình. Những uất ức, buồn tủi ứ đọng từ thuở ấu thơ tràn hết qua giọng ca của anh. Những người lần đầu nghe anh hát đều rơi lệ thổn thức. Có người đã ôm lấy anh khóc òa.
Kiểu hát tự sự bằng giọng mộc, tự do phiêu, không cầu kỳ của anh đã khiến làng ca nhạc Việt ở hải ngoại có thêm màu sắc mới. Anh bắt đầu xuất hiện thường xuyên ở các sân khấu ca nhạc Việt ở Mỹ. Ở buổi hát nào anh cũng chạm đến tuyến lệ của người nghe.
Advertisement
Sau này, anh được một số ca sĩ có tên tuổi khác mời hát chung. Thời điểm vàng son, trung bình mỗi tháng anh thu nhập khoảng 20.000 USD. Đời anh rẽ sang trang mới, đầy ánh hào quang.
Không còn vật lộn với miếng ăn, chỗ ở nữa, anh có thời gian để nghĩ đến quá khứ của mình.
Câu hỏi "mẹ là ai ở quê nhà" bắt đầu trào dâng trong tâm khảm Randy. Những đêm cô đơn quạnh hiu, anh tưởng tượng mẹ ruột của mình là một bà lão mặc áo bà ba, tóc sương, hiền hậu. Cứ mỗi dịp đến ngày Mother's day, anh thèm được tặng quà cho mẹ như mọi người. Nỗi day dứt ấy xui khiến anh tự sáng tác một ca khúc về mẹ. "Cuộc đời tôi nơi đây, bước chân trên đường xa lạ. Dù là nơi quê cha, vẫn mang nhiều chua xót... Ôi nói sao cho vừa, bao nhớ nhung trong tim tràn dâng...".
Randy đến với nghiệp hát như một sự tình cờ của số phận. Anh không có chút kiến thức nhạc lý khi đã đăng quang trên sân khấu. Vì thế, ca khúc "Mẹ" của anh cũng chỉ nằm trong ý tưởng sáng tác. Anh quyết định đi học một lớp nhạc lý căn bản tại trường Golden West để có thể tự sáng tác. Đến năm 2000, anh mới hoàn chỉnh ca khúc "Mẹ". Ca khúc lập tức được nhiều người đón nhận, bởi nó được sáng tác bằng tất cả nỗi niềm khát khao của một đứa trẻ mồ côi.
Dù sống trên đất Mỹ, Randy chưa bao giờ có ý định tìm cha mình là ai, mặc dù, chuyện đó hoàn toàn không khó. Ở Mỹ, muốn tìm cha, anh chỉ việc đến Trung tâm lưu trữ hồ sơ lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam thử ADN là có kết quả. Nhưng anh không làm. Anh hận cuộc chiến tranh của quê cha đã tạo ra những nghịch cảnh ở quê mẹ. Anh căm ghét cái giả dối, đạo đức giả của chính phủ quê cha lúc bấy giờ, với ý nghĩ: "Họ thực hiện các chính sách đón con lai để kiếm phiếu bầu của cử tri chứ họ không hề đoái hoài đến số phận của những con người này".
Randy tâm sự trong anh chỉ có duy nhất tình yêu quê mẹ đã cưu mang đùm bọc anh từ thuở lọt lòng. Anh hướng lòng về quê mẹ trong những ca khúc buồn và tự hứa sẽ về Việt Nam tìm mẹ ruột.
Dấu tích ở viện mồ côi
Trở thành ca sĩ nổi tiếng, Randy đi diễn khắp các cộng đồng người Việt trên thế giới. Sau mỗi lần hát xong, anh luôn nhắn nhủ lời tìm mẹ với khán giả. Nhiều lần anh tự hỏi rồi tự trả lời với lương tâm mình: Điều tôi cần duy nhất trong đời này là chính thức một lần gặp mẹ, được cảm nhận tình cảm máu mủ ruột rà.
Năm 2007, sau nhiều lần thu xếp, anh quyết định về Việt Nam tìm về cội nguồn thật của mình.
Nơi đầu tiên anh tìm đến là nhà mẹ nuôi đã hơn 80 tuổi để hỏi thăm một số thông tin về gốc gác của mình. Lần theo thông tin này, Randy đến Viện mồ côi Thánh Tâm ở Đà Nẵng. Sơ Diệu Thới đặt trước mặt anh một quyển sổ ghi chép khá dày. Anh và sơ dò tìm suốt ngày mới tìm ra cái tên Trần Quốc Tuấn của mình. Theo ghi chép, anh sinh vào ngày 25/1/1971 tại Bệnh viện Hải Châu, Đà Nẵng. Một tháng sau, tức ngày 26/2/1971, chính mẹ ruột của anh mang anh đến gửi vào Viện. Tiếc rằng, tên mẹ ruột của anh không được ghi vào sổ. Bí mật này, có lẽ bà sơ ghi chép nắm giữ, nhưng bà đã qua đời. Cũng theo thông tin trong sổ ghi chép, ngày 15/11/1975, anh được giao cho người mẹ nuôi mà anh biết.
Sơ Diệu Thới phân tích, tất cả những đứa trẻ mồ côi không lai lịch, khi đến Viện đều được mang tên lót là "Bảo" và mang họ của người tiếp nhận. Riêng anh mang tên lót là "Quốc", chứng tỏ, khi vào Viện, anh đã có tên sẵn do chính mẹ ruột đặt cho. Điều đó mang cho anh chút hy vọng mong manh rằng mẹ đang sống đâu đó trên đất nước Việt Nam và anh vẫn còn có cơ hội tìm gặp mẹ. Nhưng những dòng chữ ít ỏi lưu trong sổ không hề có chỉ dấu nào để anh lần ra tông tích của bà. Randy bật khóc như đứa trẻ bị số phận đời chối bỏ. Anh còn khóc vì lần đầu tiên biết thân phận, gốc gác thật của mình.
Chân dung mẹ của Randy vẽ từ nhà ngoại cảm.
Chân dung mẹ của Randy vẽ từ nhà ngoại cảm.
Anh đi tìm nhà ngoại cảm Đoàn Việt Tiến với hy vọng mong manh. Nhà ngoại cảm cho biết, mẹ anh đã chết, đồng thời vẽ lại chân dung mẹ cho anh. Đi đâu anh cũng mang theo bức ảnh này. Nhà ngoại cảm hứa sẽ tìm mộ mẹ cho Randy. Nhưng trong tâm khảm mình, anh không tin mẹ đã chết. Chính sự khao khát về mẹ đến vô bờ như vậy nên mỗi lần về Việt Nam anh vẫn mòn mỏi kiếm tìm…
Sau 4 lần về Việt Nam, chuyến này, anh dự định ở lại 2 năm để tìm cho ra tông tích mẹ.
Randy chia sẻ: "Tôi vẫn tin rằng, khi giao tôi cho Viện cô nhi, mẹ tôi rất khổ đau. Có lẽ do áp lực gia đình, áp lực chiến tranh, mẹ tôi buộc lòng phải làm thế. Nếu mẹ nhẫn tâm, có thể mẹ bỏ tôi đâu đó ngoài đường. Mẹ mang tôi đến tận Viện cô nhi, tức là mẹ mong tôi được các sơ chăm sóc tốt, sống nên người".
Anh tự hào về dòng máu Việt trong huyết quản của mình, thế nên trong tất cả các sáng tác của mình, anh đều hướng về quê mẹ. Ca khúc "Ước gì cho quê hương" là nỗi lòng thật của anh dành cho quê mẹ: "Ước mơ ngày trở về quê mẹ hiền tôi thương nhớ. Đường làng cây đa đó có bao giờ tôi quên. Ta cùng nhau ước cho quê hương hết những nhọc nhằn, cho mọi người ta thương ta mến…".
Mới đây một bà cụ 72 tuổi đang sống ở Đồng Nai đã lên tiếng nhận Randy là con ruột bỏ rơi của mình với nhiều cơ sở cho rằng câu chuyện cuộc đời của anh tương đồng với đứa con lai bà gửi vào Viện mồ côi Thánh Tâm Đà Nẵng. Bận chuẩn bị chương trình ca nhạc tại Hà Nội, Randy vẫn chưa vào Nam để gặp mặt người phụ nữ này. "Cũng có thể không phải là con tôi, nhưng tôi vẫn muốn gặp Randy một lần để nói rằng nếu nỗi tủi thân của đứa con lai mồ côi là một thì nỗi tủi nhục, đau đớn của bà mẹ có con lai như tôi phải là 10. Hãy thông cảm và tha thứ cho những bà mẹ giống tôi", bà cụ chia sẻ.
An Ninh Thế Giới

                                                                      MẸ - Randy
 
Bài hát khiến lay động cả triệu trái tim

Khát khao đong đầy nước mắt trong hành trình tìm mẹ của ca sỹ gốc Việt Randy

Dân trí 47 năm tồn tại trong cuộc đời, từng đi qua không ít bão giông… nhưng ca sĩ Randy vẫn chưa bao giờ nguôi niềm khát khao được tìm lại mẹ. Nỗi khát khao ấy đong đầy nước mắt và cũng vợi vợi nỗi niềm.

“Cuộc sống đói rách bơ vơ... Mẹ ơi! con yêu mong chờ...”
Randy (tên thật là Trần Quốc Tuấn) là ca sĩ da màu duy nhất của Việt Nam hoạt động nghệ thuật ở hải ngoại. Từ những năm 90, ca khúc “Nó” mà Randy thể hiện đã từng khiến hàng triệu người nghe nhạc phải khắc khoải bởi đó là tiếng lòng của một đứa con luôn khát khao tình mẫu tử. Lời bài ca “Thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ. Tuổi ấu thơ đã mang nhiều âu lo... Cuộc sống đói rách bơ vơ, mẹ ơi con yêu mong chờ, bao giờ cho đến bao giờ...” như đã vô tình vận vào cuộc đời anh bao nhiêu năm qua.
Ca sỹ Randy thời trẻ. Ảnh: Youtube.
Ca sỹ Randy thời trẻ. Ảnh: Youtube.
Randy kể rằng, anh về Việt Nam để bắt đầu hành trình tìm mẹ ruột từ năm 2007. Tính đến nay đã 10 năm ròng rã nhưng anh vẫn chưa tìm được mẹ của mình. Năm 2010, khi anh về lại cô nhi viện Thánh Tâm ở Đà Nẵng, anh mới biết mình tên thật là Trần Quốc Tuấn, sinh ngày 25/1/1971. Cái cảm xúc của một người đàn ông ngoại tứ tuần mới biết mình là ai đã khiến anh khóc “tu tu” như một đứa trẻ.
“Randy về nước biểu diễn năm 2007 nhưng đến năm 2010 Randy mới về đến cô nhi viện Thánh Tâm. Phải mất một ngày cùng các sơ lật cuốn sổ ghi chép đã cũ kỹ Randy mới biết tên mình là Trần Quốc Tuấn, sinh ngày 25/1/1971 tại bệnh viện Paulo, nay là bệnh viện Hải Châu – Đà Nẵng. Randy đã ôm lấy cuốn sổ ghi chép với những tờ giấy úa màu đã nhoè nét mực ấy mà khóc không kìm lại được. Trong hồ sơ còn lưu tại cô nhi viện, Randy mới biết sau khi được 1 năm 1 tháng thì mình được đưa vào cô nhi viện Thánh Tâm. Và đến 15/11/1975 thì Randy được một người phụ nữ xin về làm con nuôi. Cho đến bây giờ, Randy vẫn không quên được cái cảm giác tìm ra thân phận của mình qua bao cơn nổi chìm của số phận...
Nam ca sỹ này cũng từng tâm sự với người viết rằng, những tưởng rời khỏi cô nhi viện Thánh Tâm về sống với gia đình mẹ nuôi, anh sẽ được lan truyền hơi ấm tình thương và một cuộc sống hạnh phúc. Nhưng số phận đã “trêu ngươi” khi 8 năm sống cùng người mẹ nuôi ở Cẩm Hà (Quảng Nam), anh đã phải hằn in trên thân thể không biết bao nhiêu vết thẹo của những trận đòn roi và cả những vết thương lòng không bao giờ nguôi ám ảnh.
Mặc dù, bây giờ, vết thương lòng trong quá khứ đã mờ phai. Anh đã học được cách tha thứ để những kỷ niệm cũ không đè nặng tâm can trong cuộc sống đời thường. Nhưng mỗi khi ai đó vô tình gợi chuyện, anh vẫn không thể kiểm soát được cơn nhói lòng đầy tủi hờn và nặng trĩu mà anh từng đi qua trong thuở ấu thơ.
Ký ức ấu thơ trong Randy là những nỗi ám ảnh kinh hoàng. Ảnh: TL.
Ký ức ấu thơ trong Randy là những nỗi ám ảnh kinh hoàng. Ảnh: TL.
Năm 1983, người mẹ đã nuôi bán Randy cho một gia đình người Hoa ở Hội An với giá 3 cây vàng. Anh cứ nghĩ, biến cố này sẽ giúp anh thoát khỏi “địa ngục trần gian” nhưng cuộc sống ở gia đình người Hoa của anh cũng chẳng khá hơn là mấy. Mãi sau này anh mới biết, hóa ra gia đình này “mua” anh về không phải để nhận làm con mà vì anh nằm trong diện “những đứa trẻ lai được trở về đất cha” nên nếu có anh họ sẽ hợp thức hóa được hộ khẩu để có cơ hội qua Mỹ.
Đến năm 1990, Randy cùng gia đình người Hoa được giải thủ tục qua Mỹ. Lúc ra đi, anh nghĩ mình sẽ không bao giờ trở về nữa bởi nơi anh được sinh ra và lớn lên có nhiều kỷ niệm buồn.
“Lúc rời khỏi đó, Randy cảm thấy hân hoan lắm, không muốn trở về để đối diện với những nỗi đau ám ảnh trong quá khứ. Nhưng sau này, khi lớn lên, Randy đã suy nghĩ khác đi. Nghĩ rằng, phải trở về mới tìm được mẹ nên bằng mọi giá Randy phải trở về”, Randy tâm sự.
"Tình phụ thân ai nỡ lòng chia sẻ, hỏi sao dòng đời lắm trái ngang?"
Nam ca sĩ cũng chia sẻ trong chương trình “Hát câu chuyện tình” rằng, trong suốt ngần đó năm khát khao tìm mẹ, anh đã mơ về mẹ không biết bao nhiêu lần. Những khát khao cháy bỏng tự đáy sâu tâm khảm đã khiến anh hình dung về mẹ với nhiều hình hài trong giấc mơ. Đó cũng là ngọn nguồn cảm hứng để anh đã viết những ca khúc về mẹ với lời lẽ thiết tha, nồng nàn, sâu lắng...
Randy đã lặn lội khắp mọi nơi trong 10 năm để tìm mẹ mà vẫn chưa tìm ra.
Randy đã lặn lội khắp mọi nơi trong 10 năm để tìm mẹ mà vẫn chưa tìm ra.
“Có một lần đang đi diễn ở bang Boston (Mỹ) Randy đã mơ mẹ mặc một bộ đồ trắng mắc màn cho Randy ngủ. Đó là giấc mơ đặc biệt nhất của Randy trong những ngày tháng chưa tìm thấy mẹ bởi giấc mơ đó khiến tôi cảm thấy ấm áp, hạnh phúc và ngọt ngào chưa bao giờ có”, Randy nói.
Nam ca sĩ bảo rằng, sau giấc mơ ấy, bao nỗi nhớ mong và khao khát được tìm thấy mẹ lại trỗi dậy trong anh mãnh liệt. Vì lẽ đó mà trong các bài hát anh viết về mẹ luôn có những màn đối đáp giữa mẹ và con. Anh vừa hỏi mẹ nhưng cũng đóng vai mẹ để tự giải đáp những điều mình khắc khoải.
“Có lần tôi nghĩ, nếu mình tìm được mẹ, chắc lúc đó mẹ đã lớn tuổi rồi. Vì thế, tôi mới viết một bài hát “Xin lỗi mẹ”. Lời bài hát là nỗi thiết tha tự đáy sâu tâm khảm của một người con thiếu vắng tình mẫu tử: “Mẹ đừng rời xa bỏ con mẹ ơi. Thiếu tình mẹ con biết sống sao đây. Trời phủ mây bóng tối sẽ giăng đầy. Và ngục tù đời cướp dần từng hơi thở. Mồ côi mẹ rồi khổ có ai hay”.
Randy thú nhận, anh đã khóc rất nhiều trong quãng thời gian chưa tìm thấy mẹ. Có người thấy anh khóc nhiều đã hỏi vì sao anh không đi tìm cha để nghe cha kể về mẹ. Và biết đâu qua những lời kể của cha anh sẽ có manh mối để dễ tìm ra mẹ hơn. Nhưng Randy cho rằng, bản thân anh vẫn nhớ đến cha và vẫn có một vài sáng tác về cha. Chẳng hạn: “Cha ơi cha! Cha ở phương nào, sao không về quê mẹ tìm con? Tình phụ thân ai nỡ lòng chia sẻ, hỏi sao dòng đời lắm trái ngang…” hoặc “Cha ra đi xa khuất chân trời... Con giận đời ghét nghĩa mồ côi”. Tuy nhiên, tự trong sâu thẳm nỗi lòng, anh vẫn nhớ về mẹ nhiều hơn vì lẽ đó anh viết tới 9 ca khúc dành cho người mẹ của mình.
Quyền Linh nghẹn ngào khi nghe Randy kể về hành trình tìm mẹ. Ảnh: Vũ Duy.
Quyền Linh nghẹn ngào khi nghe Randy kể về hành trình tìm mẹ. Ảnh: Vũ Duy.
Randy cho rằng, trong 10 lần về Việt Nam tìm mẹ, lần nào anh cũng tin là mình sẽ tìm ra mẹ. Nhưng sau nhiều lần thất bại, anh mới ngộ ra rằng, tất cả chỉ vì mình quá mong mỏi mà trái tim lại quặn lên nhiều hơn.
“Trong lần thứ 8 mới đây, Randy đã sôi sục lên vì có một người phụ nữ gọi điện cho Randy. Cô thương Randy vô cùng. Nghe người đó kể, Randy thấy có nhiều điều khá trùng hợp với hoàn cảnh của mình nên đã rất sung sướng. Nghe tin cô từ miền Trung vào TP.HCM để gặp Randy, Randy đã chạy từ quận 12 sang gặp cô. Khi gặp nhau, nghe cô tâm sự, trong lòng tôi dường như chắc nịch cô chính là mẹ mình. Tuy nhiên, sau khi thử AND thì kết quả lại không trùng huyết thống. Sau đó, tôi không muốn liên lạc với cô nữa…”, Randy nức nở.
Nghe những lời tâm sự của Randy, MC Quyền Linh cũng nghẹn ngào theo. Anh đã rất cố để có thể thốt ra được những lời an ủi nam ca sỹ và cầu mong anh sớm gọi được tiếng “Mẹ ơi!” sau bao năm khao khát, mòn mỏi…
Hà Tùng Long

Những con lai gốc Việt thổn thức tìm lại cha mẹ ruột

 

“Tôi là người Đức đang tha thiết tìm lại được bố đẻ của tôi là một người Việt Nam", Stephan Neubauner đăng lên mạng câu chuyện của mình. Bố ông là du học sinh VN ở Đông Đức, thời đó người VN không được phép yêu và có con với người Đức, vì thế ông đã thất lạc cha.

Chàng trai Đức thổn thức tìm cha
Những con lai gốc Việt thổn thức tìm lại cha mẹ ruột 1
Stephan Neubauer, một người Đức gốc Việt đã đăng lên mạng câu chuyện của mình để tìm kiếm người cha Việt Nam. “Tôi là người Đức đang tha thiết tìm lại được bố đẻ của tôi là một người Việt Nam. Tôi tên gọi Stephan; tên họ là Neubauer – tôi mang họ mẹ người Đức. Tôi được sinh ra năm 1982 tại thành phố Jena vùng Thueringen nước Đức, thời đó thuộc Đông Đức. Vì nhiều trắc trở, mẹ tôi không nuôi được tôi, trao tôi cho bà ngoại tôi nuôi từ khi tôi mới một tuổi. Bố tôi là một người Việt Nam.
Theo bà ngoại tôi kể lại, bố tôi thương tôi, muốn được nuôi tôi và mang về Việt Nam nuôi, nhưng ông đã không thể ra chính quyền nhận là bố đẻ ra tôi. Thời đó người Việt Nam không được phép yêu và có con với người Đức. Ai làm những việc đó bị đuổi học, đuổi làm và phải trở về Việt Nam ngay lập tức. Bố tôi kết thúc thời gian học tập và làm việc của ông tại Cộng hòa Dân chủ Đức năm 1984, rồi rời Đức về Việt Nam. Từ đó cho tới hôm nay không ai có thể liên lạc được với ông nữa.
Nay tôi gửi tin này tới các cơ quan truyền thông Việt Nam, xin các vị đăng tải rộng, may ra cha tôi đọc được và hồi âm cho tôi. Trong trường hợp xấu nhất, ông không còn sống nữa, tôi mong ai biết ông lúc sinh thời, tạo điều kiện cho tôi trao đổi để tôi tìm hiểu về cha tôi.
Mong muốn duy nhất của anh là tìm được thông tin về cha. Anh viết thổn thức: 'Nếu vì gia đình, con cái ở Việt Nam mà bố không muốn lập lại quan hệ với con, con hoàn toàn tôn trọng và chấp nhận điều này như một điều dễ hiểu, không có gì xấu xa. Chỉ cần bố lên tiếng cho biết để con chấm dứt cuộc đi tìm bố từ nhiều năm nay'.
Những con lai gốc Việt thổn thức tìm lại cha mẹ ruột 2
Bức hình người cha duy nhất mà anh Stephan còn giữ
Stephan không rõ bố tên là Trần Sang Sửu hay Trần Say Sửu hay Trần Duy Sửu. Anh cũng không rõ ngày tháng năm sinh của bố là ngày 28/4 hoặc 28/8, năm 1953 hoặc 1954. Bố anh học nghề và làm việc từ 1978 tới 1984 tại nhà máy VEB Carl Zeiss Jena, Xưởng Goeschwitz, ngành quang học chính xác (Optik).
"Hồi ở ký túc xá, bố tôi ở cùng một người Việt Nam tên là Dong (Đồng, Đông, Đổng, Dóng, Dòng…?). Hình như bố tôi có một người anh ruột đã học đại học hay cao đẳng tại thành phố Erfurt, CHDC Đức" anh viết.
Stephan để lại những dòng địa chỉ của mình:
- Stephan Neubauer, Telefon: 0049-17641101544
- Email: franzi_stephan@gmx.de
- Facebook: facebook.com/stephan.neubauer.581
Rapper người Mỹ gốc Việt tìm mẹ suốt 20 năm
Randy là một ca sĩ nổi tiếng người Mỹ gốc Việt. Ngay từ nhỏ, anh đã biết tên mình là Trần Quốc Tuấn. Anh được các sơ của cô nhi viện nuôi dưỡng, sau đó được nhận làm con nuôi.
Những con lai gốc Việt thổn thức tìm lại cha mẹ ruột 3
Chàng ca sĩ Randy đã miệt mài tìm mẹ suốt hơn 20 năm
Đến năm 1983, khi nghe tin Chính phủ Mỹ có chính sách cho những gia đình nuôi con lai Mỹ ở Việt Nam nhập cư. Một gia đình người Hoa ở Hội An muốn nhập cư Mỹ nên đề nghị mẹ nuôi giao anh cho họ nhận làm con nuôi. Đổi lại, họ trao cho mẹ nuôi anh 3 cây vàng. Người mẹ mất liên lạc với đứa con của mình từ khi ấy; còn cậu bé Randy sau này lại được chuyển làm con nuôi trong một gia đình gốc Hoa với mục đích giúp nhà cha mẹ nuôi cùng xuất cảnh sang Mỹ theo diện con lai. Khi đã sang được Mỹ, trái với hy vọng, cuộc sống của chàng trai gặp rất nhiều khó khăn gian khổ. Dòng đời đưa đẩy, Randy bén duyên với âm nhạc, nổi tiếng dần trong cộng đồng người Việt tại Mỹ.
Anh đi diễn khắp các cộng đồng người Việt trên thế giới. Mỗi lần hát xong, anh luôn nhắn nhủ lời tìm mẹ với khán giả. 'Điều tôi cần duy nhất trong đời này là chính thức một lần gặp mẹ, được cảm nhận tình cảm máu mủ ruột rà', anh tự nhủ.
Những con lai gốc Việt thổn thức tìm lại cha mẹ ruột 4
Randy gặp mặt một người phụ nữ cũng bị thất lạc con
Randy đã trở về Việt Nam nhiều lần và gặp một số bà mẹ bị thất lạc con nhưng vẫn chưa tìm thấy người mẹ ruột của mình. Dù vậy, Randy đã cảm nhận được tình yêu từ những người đồng bào mà anh mang trong mình nửa dòng máu.
Kiện tướng bóng ném người Đức hội ngộ người cha Việt
Năm 2011, Franziska Garcia – một kiện tướng trong đội tuyển bóng ném quốc gia ở Bayern, Đức đã gửi thư đến Thời báo Việt Đức với mong muốn tìm được cha ruột.
Những con lai gốc Việt thổn thức tìm lại cha mẹ ruột 5
Franziska Garcia
“Tôi tên là Franziska Garcia Almendaris, 27 tuổi, xưa kia sống ở Guben, tiểu bang Brandenburg, sau này chuyển tới Leverkusen. Cha đẻ tôi là người Việt. Trước đây tôi không hề biết gì về cha, kể cả ảnh cũng như tin tức. Cứ mỗi lần hỏi, mẹ tôi lại trả lời đơn giản, cha phải trở về Việt Nam. Năm nay, tôi 27 tuổi và đang cố gắng làm cho mình một giấy khai sinh với tên tuổi đúng người cha Việt của tôi, bởi tôi rất mong mỏi gặp mặt cha của mình. Liệu toà soạn có thể giúp tôi được không?”, lá thư viết.
Những con lai gốc Việt thổn thức tìm lại cha mẹ ruột 6
Cuộc đoàn tụ của cô gái Đức với cha và ông
Nhờ có chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”, sau hơn 1 năm tìm kiếm, cô đã được đoàn tụ cùng người cha và gia đình ở Việt Nam của mình.
Theo Người Đưa Tin

 
Sau Cuộc Chiến| Randy 2016  

Xuân Này Con Không Về

Có 3 con nhưng vẫn là "trai tân"

Có 3 con nhưng vẫn là "trai tân"

GiadinhNet - Cứ ngỡ, đánh đổi ngần đấy nỗi đau, ngần đấy sự mất mát… Randy sẽ được bù đắp bằng những tháng ngày hạnh phúc khi đã trở thành ca sĩ, khi có một mái ấm của riêng mình.

Nhưng, ba lần anh xây dựng gia đình thì đã có tới hai lần đổ vỡ. Bất hạnh cũ chưa vơi, nỗi đau mới lại chồng chất. Đớn đau, bế tắc, Randy càng khắc khoải hơn trong những câu hát tự sự về đời mình.
Sau đổ vỡ của hôn nhân, Randy đã vùi mình vào âm nhạc.
Hạnh phúc không trọn vẹn

Randy kể, từ năm 1992 đến 1995 là khoảng thời gian vàng son nhất trong sự nghiệp ca hát của anh. Anh được mời biểu diễn ở rất nhiều nơi, đi đến đâu anh cũng được đông đảo người yêu nhạc hâm mộ và ủng hộ. Thu nhập của anh thời đó không dưới khoảng 20.000 USD mỗi tháng. Chuyến xuất ngoại lưu diễn đầu tiên của anh là Australia và đó cũng là cơ duyên giúp anh bén duyên với người vợ đầu tiên.

Năm 1996, sau hai năm yêu nhau, anh quyết định chuyển qua Australia sống với mối tình đầu. Vợ của anh là một cô gái gốc Hoa, kém anh 2 tuổi, làm nghề bán hàng thuê. "Tôi mến cô ấy bởi cô ấy là một người thật thà, chân tình. Thực ra, hai đứa quen nhau từ năm 1993. Đến năm 1995 cô ấy qua Mỹ thăm và sống với tôi được khoảng 6 tháng thì trở về Australia. Đầu năm 1996 thì tôi qua Australia sống với cô ấy. Đó cũng là lí do tôi vắng mặt trên các sân khấu ca nhạc ở Mỹ trong thời gian này" - Randy tâm sự.

Thời gian đầu, khi mới bước vào cuộc sống hôn nhân, Randy như chìm trong cơn "mộng du" của hạnh phúc. Những kí ức kinh hoàng tuổi thơ nhanh chóng đi vào dĩ vãng, nhường chỗ cho yêu thương và hạnh phúc. Khi qua Australia, anh không hoạt động âm nhạc thường xuyên như ở Mỹ, bởi bà xã không muốn, tuy vậy thời kỳ này anh vẫn có những cống hiến về âm nhạc cho bà con Việt kiều tại đây.
Đến tháng 9/1996, bé trai Juston ra đời trong sự mong chờ của cả hai vợ chồng. Tuy nhiên, không lâu sau đó, do cái tôi trong mỗi người quá lớn khiến cuộc sống gia đình  thường xuyên rơi vào trạng thái "cơm không lành, canh không ngọt". Thêm vào đó, gia đình vợ anh cũng thường bàn ra, tán vào khiến khoảng cách giữa anh và vợ cứ lớn dần lên. Cuối cùng, không thể chấp nhận, tha thứ cho nhau được nữa hai người quyết định chia tay.
Buồn chán, Randy quay về Mỹ. Anh chia sẻ: "Chúng tôi có hàng ngàn lý do để yêu nhau thì cũng có hàng ngàn lý do để chia tay. Cô ấy có gia đình, tôi thì không. Gia đình cô ấy có nhiều tác động đến cô ấy. Trước đây, Juston mang họ Trần của tôi nhưng sau này mẹ Juston nói, nên đổi họ để thuận tiện cho Juston đến trường, vì cô ấy là người ký mọi giấy tờ. Tôi đồng ý bởi suy cho cùng chỉ đổi họ chứ không đổi máu".

Năm 2000, Randy gặp người vợ thứ hai tại một câu lạc bộ. Người này cũng là một người Mỹ gốc Hoa. Năm 2002, hai người quyết định về sống chung với nhau và đến 2004 thì bé gái Tuyết Nhi ra đời. Và mặc dù rất yêu nhau nhưng cuộc hôn nhân này lại đi vào vết xe cũ, gia đình người vợ đã không chấp nhận Randy. Những cuộc cãi cọ giữa hai người xảy ra thường xuyên hơn. Rồi khi không thể chịu đựng được nhau, lại "đường ai nấy đi". Sau này, khi mẹ Tuyết Nhi cảm thấy tiếc nuối bởi những ứng xử của gia đình mình thì mọi chuyện đã quá muộn.

"Ai chẳng mong có một mái ấm, nhất là với người từng trải qua nhiều mất mát như tôi. Thật lòng, tôi không muốn làm vợ con đau khổ nhưng hai vợ chồng sống với nhau mà suốt ngày cãi nhau sẽ không tốt cho con trẻ. Mỗi lần chia tay tôi đắn đo và suy nghĩ rất nhiều nhưng bỏ thì thương mà  vương thì tội. Tôi quyết định chia tay mà lòng như bị bao vết dao đâm" - Randy nói.

Sau hai lần đổ vỡ hôn nhân, Randy thấy mình đầy hụt hẫng. Anh vùi mình vào âm nhạc để quên đi nỗi niềm riêng. Nhiều người biết chuyện riêng của anh đã tìm đến chia sẻ và muốn giúp anh xóa bớt thương đau nhưng trái tim anh dường như đã chai sạn. Anh không thể mở lòng để yêu được một ai khác. Những ám ảnh hôn nhân đã quá khiếp hãi với Randy. Tuy nhiên, cuộc đời khó ai đoán trước được chữ "ngờ".
Randy bên cô con gái Tuyết Nhi

Chưa một lần làm chú rể

Cho đến một ngày, những đớn đau, khắc khoải ấy của Randy đã vô tình len lỏi vào được trái tim của một thiếu nữ. Phượng - tên người thiếu nữ gốc Hoa, kém Randy 16 tuổi đã quyết định mang trái tim của mình sưởi ấm cho anh, sau khi nghe hết những bản nhạc của anh trên mạng. Cuối cùng, hạnh phúc cũng đã "nẩy mầm" và nụ cười trở lại. Những giọt lệ buồn tan biến dần để nhường chỗ cho hy vọng về một ngày đoàn tụ không xa.

Randy đã cười rất nhiều khi kể về cuộc hôn nhân hiện tại. Trong suốt buổi trò chuyện, đây là lần đầu tiên nụ cười ngời lên trong cả ánh mắt lẫn giọng nói của Randy với ngập tràn hạnh phúc. Thậm chí, trong cách kể, cách chia sẻ... câu từ cũng được anh thể hiện rất "dí dỏm".

Âu cũng phải thôi. Một con người đã từng phải trải qua hàng nghìn ngày khổ đau sẽ không vui sao được khi có một mái ấm với vợ đẹp, con ngoan, gia đình thuận hòa. Niềm hạnh phúc đó đối với Randy đó là cả một trời may mắn. Tuy nó đến muộn màng nhưng lại giúp Randy thay đổi rất nhiều. Nó giúp anh có thêm nghị lực và lạc quan hơn để sống, để hát và để đi tìm mẹ.

Randy chia sẻ, anh đã từng hứa với lòng mình, sẽ không bao giờ xây dựng gia đình nữa để được toàn tâm toàn ý với âm nhạc sau thì "biến cố" mới lại xảy ra. Phượng, cô gái có nước da trắng hồng và đôi mắt long lanh, nói tiếng Huế lơ lớ đã làm những khối băng trong trái tim chàng ca sĩ da màu tan chảy. Một lần nữa, anh lại mở lòng đón nhận sự chăm sóc ân cần và những tình cảm chân tình của Phượng như định mệnh bắt anh phải thế.

"Trước khi đến với nhau, Phượng lên mạng tìm hiểu về tôi. Rồi thấy tôi hát bài "Sau cuộc chiến" cảm động quá cô ấy nhất định "cua" tôi. Cô ấy thua tôi 16 tuổi và là người gốc Thừa Thiên- Huế, nhà có tiệm làm nail (chăm sóc tay chân) ở Mỹ" - Randy hài hước kể.

Vợ chồng Randy hiện đã có một bé trai tên là Kendon (tên việt là Đăng Khoa) 9 tháng tuổi. Anh rất hài lòng với hôn nhân và cuộc sống hiện tại bởi cả hai vợ chồng khá tâm đầu ý hợp nên rất hiếm khi có chuyện cãi cọ, xung đột như những cuộc hôn nhân trước. Phượng là một người biết xin lỗi và cũng rất biết tha thứ. Cô quan tâm đến cuộc sống của Randy, đó là điều khiến anh hạnh phúc.

"Ðiều mà tôi thích nhất ở người phụ nữ là sự chịu đựng. Họ biết thông cảm để cuộc sống chung tốt đẹp hơn. Họ biết hiểu và biết tha thứ cho nhau ở những lỗi lầm vì không có ai là hoàn hảo cả. Tất nhiên, để cuộc sống yên ấm hơn tôi cũng phải bỏ bớt những thói quen bất lợi cho hôn nhân như hơn thua lời nói, rồi cái tôi đàn ông quá lớn".

Anh cũng thừa nhận, trong ba cuộc hôn nhân thì có thể nói cuộc hôn nhân đầu là quá vội nhưng anh không cảm thấy ân hận, tiếc nuối. Bởi anh quan niệm trong cuộc sống, mất cái này sẽ được cái kia. Ít ra, trong hai cuộc hôn nhân không trọn vẹn đó Randy cũng đã có những tháng ngày hạnh phúc và cũng có nhiều bài học hơn cho cuộc sống hôn nhân sau này. Cũng may, do ở nước ngoài, quan niệm "thoáng" hơn nên thi thoảng Randy vẫn có thể liên lạc với vợ cũ như những người bạn.

Với các con thì anh liên lạc thường xuyên: "Trong ba con thì Juston là giống tôi nhiều nhất. Cả ngoài hình lẫn tính cách đều rất giống. Juston nay đã 14 tuổi còn Tuyết Nhi cũng lên 6 tuổi. Bây giờ một tháng không được nói chuyện với các con là tôi không thể chịu được dù ở bất cứ đâu. Tôi đã trải qua một tuổi thơ không cha, không mẹ nên tôi hiểu được nỗi đau của các con, tôi không bao giờ thôi lo nghĩ và tìm cách bù đắp cho chúng".

Và mang tiếng là đã từng trải qua ba cuộc hôn nhân nhưng Randy thú thật là vẫn chưa một lần được làm chú rể bởi đơn giản "yêu thương nhau thì về sống với nhau, cưới hỏi chỉ là thủ tục". Có lẽ vì thế mà đôi lúc anh vẫn đùa với bạn bè rằng, nếu xét theo giấy tờ thì anh vẫn là "trai tân", vẫn còn có thể lấy được vợ mà không vi phạm pháp luật.
Vợ và con trai hiện tại của Randy

Làm cha mới thấu nỗi lòng của mẹ

Randy thú nhận, lúc còn nhỏ, chưa lập gia đình anh chưa hiểu được sự đời có những trái ngang, những nỗi khổ riêng mà mỗi người trong cuộc đời không ai tránh được. Nhưng giờ đã có gia đình, đã được làm bố, đã được chứng kiến vợ mình làm mẹ... Randy hiểu hơn những áp lực khó khăn mà một người mẹ phải trải qua. Bởi thế, khi nghĩ về người mẹ chưa một lần gặp mặt và người mẹ nuôi từng tàn ác với anh, những oán hận trong anh không nặng nề như trước. Nhất là với người mẹ đẻ chưa từng biết mặt, anh bỗng cảm thấy yêu thương và muốn được gặp, được nhìn thấy bà hơn bao giờ hết.

"Trong tôi vẫn luôn tin, chẳng có người mẹ nào lại tàn nhẫn đến mức vứt bỏ con mình ở vào thời điểm đó cả, nhưng có thể do chiến tranh hoặc áp lực gia đình mà mẹ buộc phải mang mình gửi vào cô nhi viện. Tôi không trách bà bởi tôi biết chắc bà cũng khổ tâm lắm khi buộc phải làm như thế".

Randy kể, thời mới nổi danh, anh rất muốn được về Việt Nam hát cho bà con quê hương Quảng Nam nghe, dù hồi đó, anh rất hay mặc cảm bởi màu da khác người của mình. Sự mặc cảm lớn đến mức: "Người ta không né mình thì mình cũng né người ta, trong tôi lúc nào cũng thường trực một nỗi tự ti, mặc cảm và càng lớn thì sự mặc cảm đó càng lớn". Thế nhưng lòng anh lúc nào cũng hướng về quê hương. Với anh khi chưa tìm được mẹ đẻ thì quê hương cũng chính là người mẹ mà anh hết mực yêu thương. Để rồi, sau 17 năm xa cách, khi lần đầu tiên được trở lại quê mẹ Randy cảm động đến nỗi phải chạy vào một góc khuất để khóc.

Cũng nhờ được trở lại mảnh đất xưa mà những trực cảm về người mẹ chưa một lần biết mặt trong anh cứ lớn dần. "Tôi có thể nghe lầm, có thể nhìn lầm nhưng trực cảm sâu xa trong tôi chắc chắn không thể lầm: mẹ tôi còn sống và bà ở đâu đó rất gần tôi" - Randy nói.

Và với những thông tin mà anh vừa tìm thấy ở cô nhi viện Thánh Tâm, trong đợt trở về Việt Nam sắp tới, Randy sẽ nhờ tới chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly" để họ giúp anh lần tìm manh mối về mẹ. Randy cũng chia sẻ rằng, chưa bao giờ nghĩ đến cảnh khi tìm thấy mẹ, mình sẽ như thế nào nhưng theo bản năng của một người con, chắc chắn khi gặp lại được mẹ, bao nhiêu tình thương anh sẽ dành hết cho bà.
Tôi là một độc giả trung thành của Báo GĐ&XH Cuối tuần.

Tôi đã rớt nước mắt khi đọc loạt bài về ca sỹ hải ngoại Randy. Từ lâu lắm rồi, tôi đã tình cờ được nghe ca khúc “Nó” do Randy trình bày và tôi cũng đã nghẹn ngào. Vì sao? Vì ca từ quá xúc động, vì cách thể hiện của Randy quá tuyệt vời... và vì một lý do thẳm sâu nữa: Tôi cũng là một đứa trẻ mồ côi giống Randy!

Tôi không biết mặt cha. Mẹ cũng bỏ ra đi khi tôi còn đang ẵm ngửa. Có mẹ mà cũng khác gì mồ côi. Bà ngoại nuôi tôi lớn khôn, lo cho tôi từng chút... nhưng tôi vẫn là đứa trẻ mồ côi. Mãi đến sau này khi tôi hơn 20 tuổi, mẹ tôi mới tìm về nhận lại đứa con trai mà bà từng hắt hủi, vứt bỏ.

Tôi giận mẹ ghê gớm, tôi nhớ những đêm nằm trong lòng bà ngoại mà thèm có mẹ đến phát cuồng, tôi khóc, tôi kêu gào khản cổ mà không thấy mẹ thưa. Mẹ đã bỏ tôi như bỏ một tấm áo cũ... Vậy mà bây giờ lại quay về tìm tôi...

Nhưng thời gian cũng giúp tôi nguôi ngoai phần nào, tôi hiểu ra rằng: Người ta có thể lựa chọn mọi thứ nhưng không thể lựa chọn được người sinh ra mình. Mẹ tôi dù thế nào cũng là người đã sinh ra tôi, cho tôi sự sống trên cõi đời này. Làm sao có thể sống mãi với lòng hận thù với chính người đã sinh ra ta.

Tôi đã tha thứ cho mẹ mặc dù lòng dạ vẫn ngổn ngang. Tôi nghe bài hát do Randy trình bày, biết về cuộc đời cay đắng, tủi hờn của anh và khóc... vì tôi cũng  đã từng chịu nỗi xót xa như Randy.

Tôi biết Randy trở về Việt Nam hát và tìm mẹ mình. Tôi muốn nhờ tác giả Hà Tùng Long nhắn lời chia sẻ của tôi đến với Randy: Nếu có thể, anh hãy liên lạc với Chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” của VTV.

Biết đâu, điều kỳ diệu lại xảy ra.

Tận đáy lòng, tôi luôn cầu mong Randy tìm được mẹ, cầu mong không có ai trên thế gian này chịu cảnh mồ côi như tôi đã từng chịu...
Hà Tùng Long

Cô gái ‘con lai’ và hành trình tự tìm được cha và nguồn gốc

Ngọc Lan/Người Việt

Mindy Millwee Nguyễn, cô gái lai tự thực hiện hành trình tìm kiếm người cha Mỹ của mình (Hình: Facebook Mindy Millwee Nguyễn)
OHAMA, Nebraska (NV) – “Tôi tìm được cha là nhờ chị Minh, cũng là con lai. Chị Minh tự đi tìm người cha Mỹ của chị, và giúp tôi tìm được cha của mình trong thời gian rất nhanh.”
Những thông tin đầu tiên chúng tôi có về “chị Minh” chỉ như vậy, qua lời của chị Nguyễn Thị Kim Nga, nhân vật chính trong bài “Ông người Mỹ, bà người Việt, và đứa con lai trùng phùng sau 48 năm.”
Chi tiết một người con lai không chỉ có thể tự đi tìm cha cho mình mà còn giúp nhiều con lai khác tìm được cha khiến tôi cảm thấy nể phục.
Không chỉ vậy, khi tiếp xúc, chuyện trò với chị Minh với mục đích hỏi cách thức “tìm cha” như thế nào để hướng dẫn lại cho nhiều độc giả trong hoàn cảnh tương tự đang chờ đợi để biết, thì câu chuyện của riêng chị quả thật cũng đáng để nhiều người cùng đọc để thấy mình được truyền cảm hứng như thế nào cho những điều tưởng chừng như tuyệt vọng.
Chị Minh tên đầy đủ là Mindy Millwee Nguyễn, hiện sống ở thành phố Ohama thuộc tiểu bang Nebraska.
Ly kỳ câu chuyện tự mình đi tìm nguồn gốc
Qua Mỹ theo diện con lai năm 1990, hành trang chuẩn bị cho chặng đường đi tìm cha của Minh chỉ vỏn vẹn có “Ba tên John, nghề nghiệp kỹ sư, làm cho hãng RMK.”
Nhưng, những thông tin đó không đủ để Hội Hồng Thập Tự giúp Minh tìm cha. Những thông tin đó cũng không khiến hãng RMK cung cấp thêm cho Minh bất cứ chi tiết cá nhân nào về cha cô bởi sự bảo mật riêng tư. “Nếu ba tôi từng là lính thì mọi chuyện sẽ dễ hơn, bởi bên Bộ Quốc Phòng họ sẽ giúp. Còn ba tôi chỉ là kỹ sư ký hợp đồng làm việc cho các đơn vị quốc phòng nên họ không giúp được,” Minh nói.
Tuy nhiên, người con gái từng lấy câu nói của bà ngoại “ngoại tin chắc rằng một ngày nào đó ba con sẽ về tìm con, ba con không bỏ con đâu” để làm nghị lực sống, vượt lên những nghiệt ngã, ngang trái của xã hội, vẫn không từ bỏ ý định phải tìm cho bằng được cha đẻ của mình, phải để ông được nhìn thấy con gái ông đã thành nhân và biết sống tốt như thế nào.
Không tìm được bằng cách này, Minh lần mò những cách khác, cho đến lúc hiểu về tính di truyền DNA là Minh lại chìm đắm trong hành trình tìm cha, từ việc lên Google tìm kiếm, ghi danh vào những nhóm cùng mục đích để san sẻ thông tin, học hỏi kinh nghiệm, rồi tự lên mạng tìm mua bộ dụng cụ thử DNA để làm và gửi mẫu đi. Chờ kết quả gửi về, và tìm hiểu cách đọc. Đó là chưa kể hãng này không cho kết quả trùng khớp nhiều thì lại phải chuyển qua hãng khác. Cứ thế trong suốt nửa năm với từng đêm mày mò với AncestryDNA, FamilytreeDNA.

Mindy Millwee Nguyễn cùng chồng và hai con. (Hình: Facebook Mindy Millwee Nguyễn)
Minh nhớ lại, “Khi tìm, tôi không may mắn có kết quả trùng khớp gần, mà tế bào di truyền của tôi lại khớp với ‘second cousin’ của ba tôi lận, nghĩa là người đó với tôi là chung ông bà sơ, tức ông bà sơ của tôi là ông bà cố của người đó.”
“Tôi nghĩ có lẽ Chúa giúp tôi vì khi kết quả thử DNA mà ‘match’ quá xa như vậy thì việc tìm không dễ, vậy mà  tôi lại làm được. Cứ nhẩm tính đời ông bà là mỗi người có 4 ông bà nội ngoại, đến đời ông bà cố là 8, đến ông bà sơ là 16. Trong đó có một nửa là nhánh bên mẹ là Việt Nam, thì còn lại 8 người Mỹ. Tôi phải lần tìm ra hết coi ông bà sơ của mình có bao nhiêu người con, rồi tôi lại ghi ra mỗi người con đó có gia đình là ai. Rồi con của họ là ai. Tôi mất 6 tháng, ngồi từng đêm để mày mò tìm kiếm như thế,” chị kể.
Nhưng Minh cho rằng chị “may mắn” bởi vì “khi đã xác định được ông bà cố của mình thì chỉ có trong vòng một ngày thôi là tôi tìm ra được ba của tôi.”
Chị giải thích, “Lý do là đến đời ông bà cố của tôi thì họ chỉ có hai người con trai là ông nội tôi và anh của ông nội. Khi tôi vào xem phần của anh ông nội thì thấy ông ấy không có con trai, chỉ có con gái, thế là tôi loại ra liền. Vậy tôi biết chắc người còn lại là ông bà nội của mình. Khi tôi vào danh sách ông bà nội của tôi thì thấy họ có hai người con trai và một con gái, trong đó có một người tên John, mà tôi biết ba tôi tên John.”
Niềm vui của người đến đích khiến Minh như ngạt thở.
Thế nhưng. Đời luôn có những chữ “nhưng” nghiệt ngã
“Khi tôi tìm vào tên John thì thấy ghi ‘chết.’ Tim tôi như vỡ vụn liền ngay lúc đó,” Minh kể lại khoảnh khắc đau đớn ngay lúc chạm đến đích mà mình đã lần theo từ mấy mươi năm qua.
Coi tiếp, Minh thấy thêm chi tiết cha cô mất năm 1975 vì tai nạn. “Khi đó tôi tin chắc 95% đây là cha của mình rồi,” người con gái kể lại bằng giọng nghèn nghẹn.
Theo gia phả đó, Minh có một người cô tên Melinda và một người chú tên Charle. Cô Melinda là nữ, có thể đã theo chồng đổi họ, Minh không thể lần tìm được. Nhưng với chú Charle thì Minh tìm kiếm và biết ông hiện đang ở đâu. Chị viết ngay cho ông một lá thư, gửi bảo đảm yêu cầu có người ký nhận.
Để rồi chị hiểu chuyện gì đã xảy ra, sau khi xâu chuỗi các dữ kiện.

Mindy Millwee Nguyễn tìm được người chú ruột của mình, ông Charle Millwee (Hình: Mindy Millwee Nguyễn cung cấp)
‘Ba mất vì tai nạn xe máy trong khi đi tìm tôi và mẹ tại Việt Nam’
Trong thư gửi cho người chú, Minh cho biết, chị được sanh ra vào năm 1968 từ mối tình của cha chị, ông John, một kỹ sư làm theo hợp đồng cho sân bay khi đó, và má chị, một người phụ nữ có sạp buôn bán trái cây cùng gia đình tại Sài Gòn.
Khi Minh được hơn 1 tuổi, tức năm 1969, ba chị cho biết ý định không muốn quay trở lại Việt Nam nữa khi hết hợp đồng với hãng, bởi chiến tranh càng lúc càng khắc nghiệt. Ông muốn mang mẹ con chị sang Mỹ cùng ông. Mẹ chị lại không muốn rời xứ sở với lý do người em trai của bà vừa mất, bà không thể để mẹ của bà ở lại Việt Nam một mình. Thế là hai người giận nhau.
Tuy nhiên, sau đó ông John đề nghị sẽ làm khai sanh cho đứa bé để ông cấp dưỡng nuôi con cho đến khi đứa bé được 18 tuổi thì muốn đi Mỹ hay ở Việt Nam là tùy.
Thoạt đầu mẹ chị đồng ý. Nhưng rồi bà lại nghĩ nếu lỡ như vậy ba bắt Minh đi luôn sang Mỹ thì sao. Nỗi lo lắng đó khiến bà bất an và quyết định ẵm Minh bỏ trốn.
Mẹ con chị mất liên lạc với ba cô từ đó, năm 1969.
Cũng trong lá thư, Minh kể cho chú Charle biết cách thức chị đã lần theo chuỗi DNA để tìm ra nguồn cội của mình như thế nào. Chị nói chị biết rằng ông bà nội chị có hai người con trai, trong đó 95% cô nghĩ người tên John là cha đẻ của chị đã chết, nhưng chị hy vọng 5% còn lại ông Charle là cha của mình.
Đếm từng ngày từ lúc lá thư gửi đi, lẽ ra đã phải có người nhận, lẽ ra phải có hồi âm. Nhưng sau hơn một tuần lễ trôi qua mọi thứ vẫn bặt tăm. Đây cũng là lúc Minh tìm ra được luôn cả nơi yên nghỉ của cha chị, tên ngôi trường ngày xưa ba chị từng cắp sách ở San Antonio tiểu bang Texas.
Nhiều câu hỏi thi nhau nảy nở trong đầu Minh, thậm chí có cả nỗi hoài nghi “Hay là chú Charle đã chết luôn rồi?”
Hoang mang. Nóng ruột. Và lớn hơn cả là nỗi khao khát của một đứa con muốn đặt chân đến nơi có người cha đang nằm xuống, Minh quyết định lái xe đi San Antonio. Dĩ nhiên, chồng và hai người con trai của Minh cũng tháp tùng chuyến đi tìm nguồn cội.
“Đầu tiên tôi đi thăm mộ ba tôi. Do đã tìm hiểu trước nên tôi biết mộ ba ở đâu, mộ ông bà nội, ông bà cố ở đâu, vì nghĩa trang đó toàn là dòng họ không à. Tôi đi vô trường trung học ngày xưa ba tôi học, và điểm cuối cùng là nhà chú Charle,” Minh kể.
Đến nơi, nhìn thấy “cả đống thơ để ngoài trước, trong đó có cả lá thư của tôi, lúc đó mới nghĩ là họ đi vacation nên không ai ở nhà hết.”
Tại đây, Minh viết thêm một lá thư tay cho biết chị đã tới nơi này.
Chị nhớ lại, “Khi đó hai thằng con tôi đứng mà run lắm, nó nói không biết người ta có nhìn mẹ không mà mẹ đi ngay đến nhà người ta như vậy. Tôi nói tôi không quan tâm đến việc người ta có nhận mình hay không, mục đích của tôi chỉ là đến xem chú còn sống hay chết mà thôi.”
Một tuần sau khi trở về nhà, Minh nhận được một cú điện thoại từ San Antoino gọi đến. Nhìn thấy số điện thoại, chị đoán ngay người gọi. Và “tự dưng tôi thấy run.”
Sau khi “A lô,” Minh nghe từ phía bên kia tiếng một người đàn ông nói, “I think I’m your uncle.” (Chú nghĩ chú là chú của con.)”
Niềm xúc động vỡ òa. Cô không nói được lời nào sau khi cố gắng hẹn với chú cho cô được gọi lại sau 10 phút nữa.
Và họ đã nhận ra nhau, là họ hàng, rất gần.
Câu chuyện từ phía người chú đã giúp Minh chắp nối lại được những hình ảnh sau cùng của cha cô.
Ra là, sau khi mẹ Minh bồng cô chạy trốn, cha cô đã mỗi ngày chạy xe Honda đến ngôi nhà cũ để tìm, để chờ đợi trong đau khổ – theo lời của người hàng xóm kể lại.
Và ông bị té xe Honda ở Việt Nam chỉ một tuần sau ngày mẹ Minh mang cô đi trốn.
Hãng nơi ông làm việc lập tức đưa ông trở lại Mỹ để điều trị. Dù vậy, não ông đã bị tổn thương, trí nhớ không bình thường nữa. Ông sống thêm được mấy năm, bị động kinh rồi chết.
“Theo lời chú, ba tôi không có vợ, nên xem như tôi là con duy nhất của ba,” Minh cho biết.
Theo lời Minh kể, mấy tuần sau cuộc điện thoại đó, vợ chồng chú Charle cùng vợ chồng cô Melinda qua Nebraska để gặp mặt đứa cháu “đích tôn” của họ Millwee.
“Giờ thì mọi người gọi nói chuyện hằng tuần. Tôi cũng có qua thăm gia đình cô chú. Chú tôi cũng không có con, thành ra coi như tôi là người mang họ cuối cùng của dòng họ Millwee từ đời ông cố tôi luôn, tại vì anh của ông nội không có con trai. Nếu tôi là con trai thì sẽ đổi họ để duy trì tiếp dòng họ nhưng tiếc rằng tôi là con gái,” Minh kể với nụ cười hạnh phúc.

Vợ chồng chị Mindy Millwee Nguyễn cùng vợ chồng người cô Melinda Millwee. (Hình: Facebook Mindy Millwee Nguyễn)
Mỗi người con lai đều có một câu chuyện rất hấp dẫn”
Đó là lời nhận xét của Minh khi chị cho tôi biết, ngoài việc tự tìm được nguồn gốc con lai của mình, chị còn giúp thêm mười mấy người khác và kết quả đến nay là có thêm bốn người bạn đi cùng nhà thờ với chị tìm được cha của họ.
Điều may mắn của Minh so với phần lớn những người con lai khác là chị được học hành đến nơi đến chốn.
Minh kể, sau 1975, bị buộc đi “kinh tế mới” mẹ chị ẵm chị trốn về quê ngoại ở Mỹ Tho.
“Giai đoạn đầu 1975 thì sợ lắm, ngoại không dám cho tôi đi học vì sợ trả thù con lai, ngoại giấu tôi trong nhà, không cho ra đường. Lúc đó mỗi lần ai tới là tôi phải chạy đi trốn. Sau mấy tháng thấy êm êm thì mình mới ‘trồi’ lên. Mà khi đó ngoại cạo đầu tôi trọc lóc vì tóc tôi màu vàng. Ngoại sợ vậy thôi chứ cái mặt tôi lai thì giấu đi đâu được,” Minh nhớ lại.
Tuổi thơ hồn nhiên, được đi học cũng thích được múa hát như bạn bè, “nhưng mỗi lần có mấy ông cấp trên xuống dự lễ thì thầy cô phải thế người khác, không cho tôi biểu diễn, vì thầy cô cũng sợ.”
“Nhiều lúc buồn vì bị kỳ thị, bị trêu chọc, tôi cũng muốn nghỉ học, nhưng may là nhờ có ngoại khuyến khích. Ngoại hay nói ‘con phải cố gắng, phải đi học, tại vì ngoại tin là ba con sẽ trở lại tìm con.’ Lời nói của ngoại cứ ở trong đầu tôi,” Minh tâm sự.
Phương châm sống mà bà ngoại truyền lại cho Minh là “con đi học với cộng sản thì con phải nghĩ giống như con ăn cơm với cá. Con phải biết lừa xương, thịt thì con nuốt, xương thì con nhả, chứ đừng nuốt hết. Họ dạy cái gì đúng thì nghe, dạy cái gì không đúng thì không có nghe, nhưng không cần trả lời, không cần đấu tranh gì hết. Nhưng con phải đi học.”
Minh nhận xét, “Ngoại là người rất thông minh, là người nâng đỡ tinh thần cho tôi suốt tuổi thơ.”
Chính vì vậy Minh cũng học được đến hết lớp 12 không để ý đến những ưu phiền, quên mất mình là con lai, cứ hồn nhiên hòa nhập vào cuộc sống, vào xã hội, cũng mang nhiều hoài vọng với ước mơ được trở thành cô giáo.
Cho đến khi nộp hồ sơ thi đại học, thực tế đã giáng thẳng vào cô thiếu nữ 18 tuổi cái tát đầu đời choáng váng đến tái tê.
“’Thành phần gia đình tốt, thành phần bản thân Mỹ ngụy’ tôi còn nhớ rất rõ những dòng chữ mà người ta ghi trong bản lý lịch của mình. Cầm tờ xác nhận của địa phương về nhà, tôi khóc như chưa bao giờ được khóc. Tôi tưởng như có thể đập nát ngôi nhà mình. Một điều gì đó tổn thương rất lớn trong lòng tôi. Lúc đó tôi trách mẹ tôi ‘tại sao mẹ đẻ con là con lai? Tại sao?’ Tôi nhớ tôi hét lên như vậy nhưng mẹ tôi chỉ ngồi khóc. Giờ nghĩ lại thấy thương mẹ tôi lắm. Nhưng lúc đó mình đâu có suy nghĩ được, mình bị xã hội ức chế thì chỉ còn biết về nhà bung ra,” Minh kể lại sự khắc nghiệt mà xã hội đã dành cho cô từ mấy mươi năm trước như vẫn còn hằn nguyên một lằn roi.
Khi đó, bà ngoại nghe lén đài VOA, BBC hằng đêm nên biết có chương trình con lai, chương trình H.O. Bà ngoại khuyên Minh nên tập trung lo học tiếng Anh để “đi Mỹ.”
Minh kể, “Thế là tôi lên Sài Gòn, ở trọ nhà người bà con, ban ngày đi làm, ban tối đi học thêm tiếng Anh ở những trung tâm ở Sài Gòn. Bắt đầu ổn định lại tinh thần mình. Bất cần mọi thứ và xa lánh bạn bè, không liên lạc với ai hết. Lúc đó chỉ tập trung hướng tới  tương lai mới cho mình, đi học Anh văn, học đánh máy, học những gì có thể đi Mỹ.”
Cuộc đời Minh thực sự bước sang trang mới khi cô đặt chân đến Mỹ năm 1990. Và, một lần nữa, mảnh đất ngày khiến cô cảm thấy yêu thương, gắn bó hơn khi cô tìm được nguồn gốc của mình vào cuối Tháng Bảy, 2016.
Hiện tại, Minh đang làm kế toán tại nhà phụ giúp chồng trong công việc điều hành một tiệm pizza. Chị có hai con trai đều đang học đại học.
Quan trọng hơn, Minh vẫn luôn sẵn lòng giúp đỡ những người con lai mà chị quen biết trong việc tìm kiếm lại nguồn gốc của họ, bởi, như cô nói, “Những người con lai tội nghiệp lắm. Chỉ vì hoàn cảnh, vì sự kỳ thị của xã hội mà đôi khi họ đã không được sống một cách đàng hoàng, tử tế. Nhưng tôi nghĩ, mỗi người con lai đều có một câu chuyện rất hấp dẫn. (Ngọc Lan/Người Việt)

  
Mỹ Hương Lê và câu chuyện tìm mẹ - 26/07/2015

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH