KÝ ỨC CHÓI LỌI 87

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Anh hùng đặc công Nguyễn Thanh Khối

Anh hùng thầm lặng

;
Thứ Ba, 19/07/2011, 01:05 [GMT+7]
Trong tâm khảm những người từng một thời chung lưng đấu cật ở Tiểu đoàn V16 đặc công tỉnh, Nguyễn Thanh Khối luôn là anh hùng, một anh hùng thầm lặng, với những câu chuyện mang đầy dấu ấn và kỳ tích...
alt
Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Khối chăm sóc vườn nhà.
Kỳ tích Nổng Cù
Đầu năm 1959, mới 15 tuổi Nguyễn Thanh Khối đã giữ chức Đội trưởng Đội công tác Kỳ Sanh (Tam Kỳ). Một hôm Khối cùng anh em xuống chợ Cà Đó, trong người vỏn vẹn chỉ có mỗi quả lựu đạn chày, vừa bước vào nhà bà Phong (cơ sở của ta) thì bị địch phục ngoài gốc rơm bắn chết 2 anh là Tài và Nọ. Mặc dù chúng đuổi theo bắn như mưa nhưng Khối vẫn lanh trí thoát hiểm. Khi đã củng cố tinh thần, Khối vận động thêm anh em trong xóm cùng lên vùng giải phóng bổ sung vào đội công tác. Kiên trì bám nắm cơ sở, sau nhiều đêm mai phục, Khối tóm gọn 2 tên đã bắn chết anh Tài, Nọ.
Tròn 18 tuổi, Khối được điều lên làm Trung đội trưởng Đơn vị V20 đặc công huyện Nam Tam Kỳ. Hồi nhỏ, nghèo khổ quá không có tiền ăn học nên Khối chưa hề biết chữ. Được đồng đội chỉ dẫn, trưa nào Khối cũng tập viết trên cát, trên lá chuối, rồi tập đánh vần. Kiên trì mãi, dần dần Khối biết đọc biết viết. Một hôm, đơn vị V20 phối hợp V14 bí mật ém quân trong nhà dân, rồi xuất quân vây đánh địch một trận tả tơi, bắt sống và tiêu diệt toàn bộ mâm hội đồng Kỳ Xuân. Liên tục giành được nhiều thành tích trong chiến đấu, cấp trên cho Khối đi học lớp trung đội trưởng, sau đó điều lên Đơn vị V16 đặc công tỉnh giữ chức vụ trung đội trưởng.
Tháng 6.1967, một đại đội Mỹ lết đi càn về đứng chân ở Nổng Cù, Kỳ Thịnh, xung quanh chúng bố trí giao thông hào, hầm cá nhân… Ban ngày Khối dùng ống nhòm quan sát thấy bọn địch gài mìn, đào công sự. Một hôm tối trời, Khối áp sát trận địa địch, cẩn thận rút hết kíp nổ ra, rồi chuyển mìn cờ-lây-mo vô sát, đặt xoay trở vô chiến hào của địch, lắp kíp nổ trở lại. Ông bình tĩnh đếm cả thảy 27 quả. Quay trở ra, hiệp đồng với anh em xong, ông bắt đầu khai hỏa bằng quả B40. Lập tức ở Tỉnh đường Quảng Tín địch bắn đèn sáng lên, quân địch báo động ra đứng hết trên chiến hào nhốn nháo quan sát. Đội hình ta giả bộ hô xung phong, tập trung AK bắn vào Nổng Cù. Chúng huênh hoang tưởng ta đã lọt thỏm vào trận địa mai phục nên bấm mìn định hướng. “Gậy ông đập lưng ông”, tất cả 27 quả mìn định hướng nã thẳng vào chỉ huy sở của chúng, Nổng Cù bốc cháy đỏ rực, toàn bộ đội hình địch tan vỡ. Ý đồ đứng chân thiết lập bàn đạp đánh phá lâu đài của chúng bị tan tành.
Dấu ấn Tà Cơn
Lần giở trang sử anh hùng của đặc công đất Quảng, ông Khối nhớ lại: “Tháng 8.1967, Liên đội V16 đặc công tỉnh được thành lập, do đồng chí Vĩnh làm liên đội trưởng, tôi làm liên đội phó. Trên giao nhiệm vụ cho đơn vị đánh tiểu đoàn địch ở Núi Cấm. Liên đội tôi tổ chức thành hai hướng, một hướng do đồng chí Vĩnh chỉ huy, hướng còn lại do tôi chỉ huy. Tôi chỉ huy anh em vào hết lớp rào cuối cùng thì bị lộ, nên lệnh cho anh em nổ súng đánh  luôn. Độ 5 phút sau, các lô cốt địch bắt đầu nã đạn. Tôi giật khẩu B40 của xạ thủ nã thẳng vào lô cốt địch. Bắn đến quả B40 thứ 12 thì tai tôi không còn nghe gì nữa, máu rướm chân lông, miệng ra máu nhưng tôi vẫn không rời vị trí chiến đấu. 12 lô cốt địch đã bị tiêu diệt, tôi trèo lên bực lô cốt bắn thẳng vào hầm ngầm, rồi bắn vào trận địa pháo 105. Kiểm tra thấy 4 ống bộc phá anh em mang vào nhưng còn nguyên, tôi đút luôn vô nòng pháo của chúng nổ phá tan tành. Tay đánh lựu đạn, miệng kêu hàng địch. Trận này ta tiêu diệt gọn 1 tiểu đoàn địch và 1 đại đội pháo 105; tôi và đồng chí Vĩnh bị thương nặng”.
alt
Tuổi trẻ hăng say luyện tập quân sự, tiếp bước truyền thống cha anh.
Tháng 9.1968, Nguyễn Thanh Khối được điều về làm Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 33, Trung đoàn 5 thuộc Mặt trận B5, đường 9. Sau thành tích chỉ huy đơn vị tiêu diệt 2 đại đội ngụy và 1 đại đội Mỹ trong công sự vững chắc ở điểm cao Đầu Mầu, Bộ Tư lệnh đặc công điều ông ra Tiểu đoàn 6 đặc công của Bộ và giao nhiệm vụ đi trinh sát, chuẩn bị đánh căn cứ Đông Hà và Ái Tử. Do chuẩn bị kỹ nên đơn vị ông tiến đánh Đông Hà thắng lợi giòn giã, rồi cơ động đánh vào Ái Tử làm cho khu dự trữ xăng dầu của địch cháy suốt 4 ngày đêm… Tháng 9.1972, địch mở chiến dịch Lam Sơn 719, chúng lấy Tà Cơn làm nơi dự trữ kho tàng. Lúc đó, địch đã cho một trung đoàn lên ngã ba Cu Bốc (giáp Lào) nhằm chặn đứng chi viện của ta từ Bắc vào.
Sư đoàn 2 của ta chặn đánh, địch co cụm lại nhưng máy bay và pháo vẫn bắn phá suốt ngày đêm gây khó khăn cho ta. Trên chỉ thị Bộ Tư lệnh đặc công phải đánh cho được sân bay Tà Cơn. Suốt hơn một tuần chuẩn bị nhưng quân ta không vào được vì biệt kích Mỹ quá nhiều. Chỉ huy đơn vị lại chưa có kinh nghiệm đánh Mỹ nên Bộ Tư lệnh quyết định điều Khối vào cùng chỉ huy chiến đấu. Mặc dù đang điều trị vết thương tại Viện 108 nhưng ông vẫn nhận nhiệm vụ. Đến được sông Bến Hải, Khối lao vào cùng anh em chuẩn bị trận đánh. Nắm được quy luật cứ 5 giờ chiều thì bọn địch từ trên cao điểm kéo xuống để đi về sân bay, ông bám theo, phát hiện chúng vừa đi về vừa cài mìn. Hôm sau, ông chỉ huy anh em tiếp cận được lớp rào thứ nhất, gỡ dẹp rất gọn mìn chúng cài để đồng đội yên tâm vào. Đến 10 giờ đêm, ông chỉ huy anh em vào được giữa sân bay nắm được sơ đồ bố trí lực lượng của địch và quay ra để về lập gấp phương án tác chiến báo về Bộ Tư lệnh.
Được lệnh của trên cho đánh ngay, đơn vị tổ chức 32 đồng chí, trang bị mỗi người 12 quả thủ pháo và 1 quả bộc phá 7kg. Chiều hôm sau, ông cùng anh em bám theo bọn biệt kích về đồn và lọt vào trong đồn. Đại đội trưởng Giỏi đánh ngay quả bộc phá vào hầm chỉ huy sở. Lập tức ông chỉ huy anh em tỏa ra các hướng đánh liên tiếp vào hầm chỉ huy thông tin và các hầm giặc lái, gặp đâu đánh đó. Bọn địch hoảng loạn, không kịp trở tay, chiến đấu trong vòng 30 phút thì chúng tê liệt. Ông Khối đánh một quả bộc phá trúng kho đạn rốc két của địch phát nổ làm rung chuyển cả sân bay Tà Cơn... Lửa khói ngùn ngụt phủ kín bầu trời, toàn bộ kho đạn, xăng dầu của địch chốc lát trở thành biển lửa, thiêu trụi toàn bộ sân bay Tà Cơn.
Về lại quê nhà
Tháng 5.1972, Nguyễn Thanh Khối được điều ra Bắc, rồi về Tiểu đoàn 6 thuộc Bộ Tư lệnh Đặc công để huấn luyện chuyên về đánh sân bay. Tháng 7.1972, ông được điều về làm Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 36, Đoàn 305. Đầu năm 1974, trên cho ông đi học văn hóa, rồi làm nhiệm vụ đặc biệt ở Thái Lan. Nước nhà độc lập, ông về làm Huyện đội phó Tam Kỳ. Cuối năm 1978, do vết thương tái phát, ông được trên cho nghỉ hưu.
Về lại quê nhà thôn 4, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, cựu binh Nguyễn Thanh Khối tích cực tham gia các phong trào, công tác địa phương, làm trưởng công an xã, trưởng ban kiểm soát hợp tác xã, rồi bí thư chi bộ thôn. Tuổi cao, ông vẫn tích cực làm tổ trưởng tổ đoàn kết, tham gia các hoạt động của tổ hòa giải, phong trào của cựu chiến binh, cũng là người trồng cây làm vườn giỏi. Từ năm 2001 đến nay, hằng năm gia đình ông đều được huyện cấp giấy chứng nhận làm vườn giỏi, gia đình văn hóa. Lần nào họp mặt Tiểu đoàn V16 đặc công tỉnh, đồng đội cũng yêu cầu ông làm hồ sơ đề nghị tuyên dương anh hùng. Mỗi lúc như thế ông chỉ cười và bảo: “Nhiều người còn xứng đáng hơn mình”.
THANH TƯỜNG
  
Anh hùng đặc công: Trận tiêu diệt cứ điểm Tà Cơn

Người chiến sĩ đặc công nổi danh của Đoàn 367 Anh hùng

Thứ Năm, 18/12/2014, 09:44:49
 

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Ngô Văn Lủi giữa đời thường.
NDĐT - Sinh ra trên đất lúa Thái Bình, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (Anh hùng LLVTND) Ngô Văn Lủi được biết đến là chiến sĩ đặc công mưu trí, quả cảm, bất chấp hiểm nguy tham gia nhiều trận đánh lớn, nhỏ tạo tiếng vang lớn trên chiến trường nước bạn Cam-pu-chia, góp phần vào chiến thắng vang dội chống đế quốc Mỹ tại ba nước Đông Dương.
Duyên nghiệp với đặc công
Cũng như bao lớp thanh niên địa phương lên đường chiến đấu theo tiếng gọi của Đảng, tháng 10-1968, khi vừa tròn 18 tuổi, Ngô Văn Lủi tình nguyện viết đơn nhập ngũ. Ước nguyện nung nấu được ra mặt trận sát cánh cùng đồng đội đánh đuổi giặc Mỹ xâm lược không thành hiện thực khi cấp trên điều động anh vào Trung đoàn 51 (lực lượng bộ đội địa phương) đóng ở Đông Các, huyện Đông Hưng (tỉnh Thái Bình).
Nhưng sau ba tháng huấn luyện, những tố chất bẩm sinh cùng “máu liều lĩnh” có sẵn trong con người anh đã bén duyên nhanh chóng với đơn vị đặc công. Tháng 12-1968, Lủi nhận nhiệm vụ tại tại Tiểu đoàn 6 (đặc công khô) đóng tại xã Đông Dư (Gia Lâm, Hà Nội). Tháng 4-1969, Ngô Văn Lủi tiếp tục được điều về tiểu đoàn 5 (đặc công nước) đóng tại huyện Thủy Nguyên (T.P Hải Phòng).
Cuối năm 1969, Ngô Văn Lủi đi B, mặt trận chính của anh là tại đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng chỉ nửa năm sau, anh lại được biên chế vào Đoàn đặc công 367 , chủ yếu gồm lực lượng cán bộ khung cấp tiểu đoàn ngành tình báo và hai tiểu đoàn chiến đấu của đặc công miền Đông Nam Bộ.
Khi đó, tình thế chiến tranh mở rộng trên cả ba nước Đông Dương và Đoàn đặc công 367 được nhận nhiệm vụ hết sức nặng nề và khó khăn trên nước bạn Cam-pu-chia, đó là mặt trận tại Thủ đô Pnôm Pênh.
Và cũng từ đây, cái tên “sát thủ đặc công” dành cho Ngô Văn Lủi đã nổi danh trên khắp chiến trường bởi sự táo bạo, ý chí quyết chiến, quyết thắng, không lùi bước trước mọi thử thách, thậm chí đánh đổi bằng cả tính mạng.
Những trận đánh làm nên tên tuổi người anh hùng
Để tạo thế bất ngờ và nhằm tiêu hao sinh lực địch, ngày 21-1-1971, Tiểu đoàn Z25 và D7, thuộc Đoàn đặc công 367 thực hiện đánh chiếm, phá hủy khí tài quân sự tại sân bay Pô chen tông, cách Thủ đô Phnôm Pênh khoảng 8km.
Lực lượng đặc công được điều động cho trận đánh này chỉ có 76 người, trong đó có Ngô Văn Lủi được chia làm sáu mũi tiến công. Phương châm đặt ra trước giờ xung trận là phải luồn sâu, ém sẵn ngay tại mục tiêu, đánh từ trong đánh ra, đánh nở hoa trong lòng địch.
Vì thế, mặc dù sân bay chỉ cách Phnôm Pênh vài cây số, nhưng các chiến sĩ đặc công phải di chuyển mất ba ngày mới tiếp cận được mục tiêu. Ban đêm đi, ban ngày ngụy trang, ém mình tại chỗ tránh sự theo dõi, phát hiện của đối phương.
Tổ chiến đấu của Ngô Văn Lủi có ba người, bắt đầu đột nhập vào sân đỗ máy bay lúc 2 giờ sáng, sau khi phải vượt qua một đường băng phụ, hồ sen và một hàng rào ngăn cách.
Các chiến sĩ đều mặc quần áo lót, ngụy trang bôi trát cơ thể bằng thuốc chuyên dụng, có dây lưng đeo vũ khí, với khối lượng bình quân trên dưới 20kg. Riêng Lủi mang trên người 25 thủ pháo, hai lựu đạn, một súng ngắn, một bộc phá lệnh.
Thời điểm này, hầu hết lực lượng của địch đang ngủ say, chỉ có số ít quân trực gác. Lợi dụng lúc địch sơ hở, mất cảnh giác, Lủi trườn, bò ẩn nấp vào gầm máy bay vận tải CH 47 đỗ trên sân bay, đầu quay ra ngoài. Sau đó, tiếp tục ôm bộc phá trốn trong nhà giặc lái, cài đặt hẹn giờ rồi quay ra ngoài sân đỗ máy bay.
Bộc phá nổ ở cự ly quá gần khiến Ngô Văn Lủi bất tỉnh trong chốc lát, khi tỉnh dậy thấy đầu chảy nhiều máu, thủng màng nhĩ tai nhưng anh đã tự băng bó vết thương rồi xông lên dùng thủ pháo đánh bồi vào hệ thống kho tàng, nơi nghỉ ngơi của địch và nhanh chóng phá máy bay trên đường băng quân sự.
Trận đánh sân bay Pô-chen-tông kết thúc lúc 5 giờ giờ sáng, ngày 21-1-1971, gây tiếng vang lớn khi chỉ sau ba giờ đồng hồ chiến đấu, 76 chiến sĩ đặc công đã tiêu diệt gần một nghìn tên địch, trong đó có 300 giặc lái và nhân viên kỹ thuật, 95 máy bay, 9 kho bom đạn, xăng dầu hậu cần, toàn bộ Sở chỉ huy quân chủng của địch bị phá hủy hoàn toàn.
Riêng tổ chiến đấu của Ngô Văn Lủi tiêu diệt được 300 giặc lái, 16 máy bay, trong đó Lủi phá hủy được 8 máy bay.
Với chiến công đặc biệt xuất sắc này, Ngô Văn Lủi đã được Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba.
Nhưng trận đánh đi vào lịch sử đối với Ngô Văn Lủi diễn ra ngày 15-10-1972. Lần này, mục tiêu tiến công là Tổng kho bom đạn Mông-ruôn, nằm cách thủ đô Phnôm Pênh khoảng 15 km.
Lực lượng của ta gồm 103 người của Tiểu đoàn 25 và Tiểu đoàn 10 pháo binh, thuộc Đoàn đặc công 367. Chúng ta tổ chức thành hai mũi, đánh bóc vỏ và một mũi đánh cảm tử gồm sáu người, trong đó có Ngô Văn Lủi.
Được cấp trên tín nhiệm vì trước đó, Lủi có đến hai năm đi trinh sát mục tiêu này nên nắm rõ mọi đường đi, ngóc ngách cũng như số lượng cụ thể của từng kho bom đạn.
Đúng 11 giờ đêm, lúc này có trăng sáng mờ mờ, Lủi cùng một chiến sĩ cảm tử cắt rào thép gai đột nhập vào hai kho bom loại 250kg đặt thuốc nổ khối lượng 5kg/kho, rồi rút ra ngoài lúc 1 giờ sáng hôm sau.
Hơn một tiếng sau, khối thuốc hẹn giờ nổ tung, mặt đất rung chuyển và Tổng kho bom đạn Mông-ruôn nhìn xa trông như một nấm lửa khổng lồ bốc lên không trung trong màn đêm yên tĩnh.
Trận này, gần 1.500 quân địch, tương đương một lữ đoàn bị tiêu diệt, Tổng kho bị phá hủy hoàn toàn, trong khi quân ta không có thiệt hại gì đáng kể.
Sau trận đánh Mông-ruôn, Ngô Văn Lủi được Chính phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng hai.
Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, ông Lủi tham gia đánh 10 trận lớn trên nước bạn Căm-pu-chia. Ông bảo rằng, khi đã xung trận thì không bao giờ lùi bước, ý chí tiến công luôn dồn nén trong người, dù biết rằng số mệnh rất mong manh trước bom rơi, đạn lạc giữa chiến trường cam go, ác liệt.
Đối với người chiến sĩ đặc công, sự hy sinh là thầm lặng. Cũng chính vì thế, ngay trước những trận đánh cảm tử, ông đều được tổ chức “làm lễ truy điệu” và hơn thế, trong thời gian dài tham gia quân đội gia đình cùng người thân cũng bặt vô âm tín, không biết ông đang ở đâu, làm gì, còn sống hay đã hy sinh.
Những chiến tích đặc biệt xuất sắc của Ngô Văn Lủi được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” do đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam ký quyết định trao tặng ngày 21-12-1973.
Hòa bình lập lại, người anh hùng quân đội đi học văn hóa, ngoại ngữ tại trường sĩ quan lục quân, rồi giữ nhiều cương vị trong lực lượng đặc công như Tiểu đoàn phó Trung đoàn 113 Đặc công đóng tại Mê Linh (Vĩnh Phú), Trung đoàn phó Đặc công nước đóng tại huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng)…
Năm 1999, Ngô Văn Lủi về nghỉ chế độ, nhưng nhiệt huyết cách mạng, tinh thần sẵn sàng cống hiến cho quê hương, đất nước vẫn không ngừng nghỉ. Ông vẫn lao vào làm việc, tham gia nhiều tổ chức xã hội ở địa phương nơi sinh sống. Hiện, ông là Trưởng ban liên lạc Hội bạn chiến đấu đặc công tỉnh Thái Bình có số hội viên lên tới hơn hai nghìn người. Ở khu dân cư số 6, phường Tiền Phong (TP Thái Bình) ông giữ cương vị Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận nhiều năm nay, được nhân dân tin yêu, mến phục.
Năm nay đã 65 tuổi, nhưng cứ 5 giờ sáng, bất kể trời mưa, rét, người ta vẫn thấy Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Ngô Văn Lủi trong vai trò là Trưởng Ban đại diện UNESCO Thái cực trường sinh tỉnh Thái Bình lặng thầm đạp xe ra sân tập, tuyên truyền và vận động hội viên sinh hoạt đều đặn để nâng cao sức khỏe, sống có ích cho xã hội.
Thời gian vẫn lặng lẽ trôi đi, tuổi xuân cũng không còn, nhưng đối với Ngô Văn Lủi dường như sức trẻ trong con người anh bộ đội Cụ Hồ năm xưa vẫn cháy mãi, tiếp thêm sức mạnh cho ông đi tiếp chặng đường còn lại của đời người.
Người anh hùng giữa đời thường - Đó là điều ông cảm thấy vui sướng nhất khi được nhân dân tôn vinh và nhắc nhớ!
Bài, ảnh: MAI TÚ

Phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho 29 cá nhân

Ngày 26/7/2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký Quyết định số 1092/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho đồng chí Nguyễn Đôn, nguyên Chính trị viên Đội du kích Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Quyết định số 1096/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho 28 đồng chí đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước gồm:

1- Đồng chí Trần Trọng Can, nguyên chiến sĩ Đại đội 12, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246, Sư đoàn 346, Quân khu 1;

2- Đồng chí Nguyễn Thị Nậy, nguyên Chính trị viên Đại đội 732, Đội 73, Thanh niên xung phong tỉnh Quảng Bình;

3- Đồng chí Trần Ngọc Trung (Trần Ngọc Sẵn), nguyên Trung đội trưởng, Đại đội 2, Tiểu đoàn đặc công 489 Đà Nẵng;

4- Đồng chí Nguyễn Văn Thành, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 (V25) Quảng Đà (nay là Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 971), thành phố Đà Nẵng;

5- Đồng chí Phan Hoan (Phan Kiên), nguyên Tư lệnh Mặt trận 4 Quảng Đà;

6- Đồng chí Nguyễn Trung Thu, nguyên Du kích xã Bình Dương (Thăng Bình, Quảng Nam);

7- Đồng chí Trần Văn Luyện (Trần Văn Minh), nguyên Phó Tư lệnh Mặt trận Chu Lai, kiêm Tiểu đoàn trưởng Đặc công 409, Quân khu 5;

8 – Đồng chí Trần Ngọc Ảnh, Tiểu đội trưởng trinh sát, Đại đội 2, Tiểu đoàn 70, Tỉnh đội Quảng Nam;

9- Đồng chí Nguyễn Thanh Khối, nguyên Đại đội trưởng V16 Đặc công, Tỉnh đội Quảng Nam;

10- Đồng chí Nguyễn Văn Dương (Nguyễn Văn Tám), nguyên Đội phó Đội vũ trang tuyên truyền huyện Duy Xuyên (Quảng Nam);

11- Đồng chí Trần Đình Tẩn (Nhân), nguyên Bí thư Đảng ủy kiêm Xã đội trưởng xã Xuyên Phú (nay là xã Duy Thu), huyện Duy Xuyên (Quảng Nam);

12- Đồng chí Võ Hồng Thân, nguyên Đội trưởng Đội công tác xã Kỳ Khương (nay là xã Tam Hiệp), huyện Núi Thành (Quảng Nam);

13- Đồng chí Hồ Thị Khuê, nguyên đội viên Đội công tác huyện Quế Sơn (Quảng Nam);

14- Đồng chí Lại Ngọc Ngợi, nguyên Trung đội trưởng, Đại đội 19 Công binh, Tỉnh đội Quảng Nam;

15- Đồng chí Trần Thị Cúc, nguyên Xã đội trưởng xã Bình Dương (Thăng Bình, Quảng Nam);

16- Đồng chí Mai Phước Liệu (Nguyễn Hồng Minh), nguyên Trung đội trưởng, Đại đội 1, Huyện đội Điện Bàn (Quảng Nam);

17- Đồng chí Đỗ Sa (Châu Sa), nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 70, Tỉnh đội Quảng Nam;

18- Đồng chí A lăng Bhuôch, nguyên dân công làng A Zứt, xã A Vương, huyện Hiên (nay là huyện Tây Giang), Quảng Nam;

19- Đồng chí Lê Y, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Xã đội trưởng xã Sơn Lãnh (nay là xã Quế Long), huyện Quế Sơn (Quảng Nam);

20- Đồng chí Hồ Chí Mân (Phạm Hùng), nguyên Huyện đội trưởng huyện Trà Bồng (nay là huyện Tây Trà), Quảng Ngãi;

21- Đồng chí Lê Thành Cượng, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn Đặc công 409, Quân khu 5;

22- Đồng chí Lê Bá Ước, nguyên Trung đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác;

23- Đồng chí Hoàng Minh Thắng (Quyết Thắng), nguyên Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Nam;

24- Đồng chí Trần Văn Lượng (Hồ Phúc Ngôn), nguyên Tiểu đoàn trưởng Đặc công 489 Đà Nẵng;

25- Đồng chí A Rất Blư, nguyên Huyện đội phó huyện Hiên (Quảng Nam);

26- Đồng chí Phan Trọng Bình (Vũ Văn Mậu), nguyên tù chính trị Côn Đảo, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa;

27- Đồng chí Trần Phi Hổ, nguyên Xã đội trưởng xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi (Cà Mau);

28- Đồng chí Lê Xã Hội, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 306, Trung đoàn 3, Sư đoàn 330, Quân khu 9.

Quốc Chính

Trận đánh không thể quên trên điểm cao 689

(Dân trí) – Có mặt tại Khe Sanh, Hướng Hóa vào những ngày đầu tháng 7 lịch sử, nơi đang sôi nổi kỷ niệm Chiến thắng Khe Sanh, tôi được nghe các cựu chiến binh kể lại nhiều câu chuyện cảm động về một trận đánh oanh liệt, hào hùng nhưng cũng nhiều mất mát.

Vượt đường sá xa xôi để đến Khe Sanh, đoàn Cựu chiến binh tỉnh Phú Thọ, thuộc Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246, Quân khu Việt Bắc (nay là Quân Khu 1) - những người trực tiếp tham gia trận đánh ác liệt 1968 giải phóng Hướng Hóa cách đây 45 năm trôi qua bồi hồi xúc động, lại có dịp quay trở về chiến trường xưa để thăm lại cứ điểm lịch sử, nơi ta và địch tranh giành nhau từng tấc đất, nơi những người đồng đội thân yêu của họ đã anh dũng hy sinh...
Thề tiêu diệt toàn bộ cứ điểm...
Trong suy nghĩ của Cựu chiến binh Nguyễn Đức Bình, nguyên Chỉ huy trận đánh cao điểm 689, vào ngày 7/7/1968, trận cuối cùng giải phóng Khe Sanh, Hướng Hóa vẫn chưa bao giờ phai nhạt. Về thăm lại chiến trường, những ký ức cứ sống dậy trong tâm trí ông như mới vừa xảy ra.
Ông Bình nhớ lại trận đánh ác liệt trên điểm cao  689
Ông Bình nhớ lại trận đánh ác liệt trên điểm cao  689

Ông Bình kể lại: Ngày 6/7, Tiểu đoàn 3 nhận được lệnh đánh vào cao điểm 689, lúc này địch đang thất thủ và tuyên bố rút quân khỏi Khe Sanh. Trước tình hình trên, Ban chỉ huy trận đánh nhận định Tà Cơn là cứ điểm trọng yếu của địch nên theo kế hoạch, quân ta sẽ đánh thọc vào đây nhằm bẽ gãy âm mưu của chúng. Tôi được giao trọng trách là Đại đội phó chỉ huy trận đánh. Thời điểm này, tuyến hàng rào điện tử của địch đã được ta mở từ ngày 28/6, gồm 9 hàng rào, mỗi tuyến cách nhau 5m. Vào trận đánh, địch sử dụng vũ khí tối tân cùng các phương tiện hiện đại, chúng ném lựu đạn qua các cửa ngõ. Trong tình thế đó chúng tôi quyết định xông lên tấn công kẻ thù. Trận đánh diễn ra hết sức ác liệt, Mỹ - Ngụy được tăng cường quân số lớn hơn ta gấp nhiều lần, chính vì vậy quân ta cũng bị tổn thất lớn, Tiểu đoàn 3, C10 và C11 bị hy sinh gần 300 người. Dù chênh lệch về quân số nhưng trong trận đánh này, quân ta cũng tiêu diệt được hơn 300 quân địch.
Khi chúng ta chiếm được 2/3 chiến trường, quân Mỹ phản công ở đồi B và đồi C. Đến đêm 7/7, địch đã thất thủ tại chiến trường Khe Sanh, thừa thắng quân ta xông lên chiếm toàn bộ căn cứ. Địch phải lên trực thăng rút khỏi căn cứ Tà Cơn. Ngày 9/7, Khe Sanh, Hướng Hóa sạch bóng quân thù, đây cũng là huyện đầu tiên của miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Khu di tích Tà Cơn - nơi sẽ được dựng lại thời kỳ ác liệt nhân kỷ niệm 45 năm chiến thắng Khe Sanh
Khu di tích Tà Cơn - nơi sẽ được dựng lại thời kỳ ác liệt nhân kỷ niệm 45 năm chiến thắng Khe Sanh
Đến bây giờ nhắc lại trận chiến ở điểm cao 689, ông Bình vẫn chưa quên được hình ảnh liệt sĩ Nguyễn Xuân Khoát. Trước lúc hy sinh, liệt sĩ Khoát đã móc túi lấy tiền đưa cho đồng đội nhờ nộp Đảng phí cho tổ chức Đảng. “Trước lúc anh Khoát ra đi, anh vẫn không quên nghĩa vụ của một người lính, người Đảng viên cách mạng” – giọng ông Bình trầm buồn.
Một kỷ niệm buồn khác khiến ông Bình day dứt, trong chận chiến ác liệt giữa ta và địch, anh Phương (một chiến sĩ của Tiểu đoàn 3) trong lúc xông trận đã bị địch bắn vào bụng. “Lúc đó, thân xác anh ấy ngả vào đầu tôi, máu me chảy khắp người... Thương tiếc cho những đồng đội đã ngã xuống, chúng tôi thề phải tiêu diệt toàn bộ cứ điểm của địch. Trước khi vào đây, tôi vẫn thường nằm mơ thấy anh”.
Ngược dòng ký ức
Giữa trưa nắng chói chang của miền Trung, những Cựu chiến binh thuộc Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246 trở lại cứ điểm Tà Cơn để thăm lại chiến trường một thời ác liệt. Những kỷ niệm năm nào lại sống dậy trong tâm trí của mỗi người.
Cựu chiến binh Tiểu đoàn 3 chụp ảnh lưu niệm với Phóng viên chiến trường Trần Duy Hinh
Cựu chiến binh Tiểu đoàn 3 chụp ảnh lưu niệm với Phóng viên chiến trường Trần Duy Hinh

Anh hùng LLVTND Nguyễn Hữu Quyền, xúc động nói: "Sau 45 năm, chúng tôi lại có dịp trở về Khe Sanh để dâng lên phần mộ các anh nén tâm nhang tưởng nhớ. Mỗi bước đi, chúng tôi nghe từng nhịp đập và hơi thở các anh, mong cho linh hồn các anh được yên nghỉ. Trong trận đánh tại điểm cao 689, ông Quyền đã lập nhiều thành tích và cũng là người được giao trọng trách phải cắm bằng được lá cờ giải phóng trên căn cứ Tà Cơn.
Anh hùng LLVTND Nguyễn Hữu Quyền kể lại chiến thắng Khe Sanh
Anh hùng LLVTND Nguyễn Hữu Quyền kể lại chiến thắng Khe Sanh

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi, Trưởng ban liên lạc, nguyên chiến sĩ “Tiểu đoàn K3 – Tam Đảo anh hùng” chưa thể quên được quá khứ hào hùng. Cái tên Tiểu đoàn K3 – Tam Đảo đã đi vào lịch sử với thắng lợi trong chiến dịch giải phóng Khe Sanh – đường 9, chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 - nơi ta và địch giành nhau từng tấc đất, mỗi m2 là biết bao xương máu của các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống. Nơi đây, các cán bộ, chiến sĩ đã nêu cao quyết tâm: “K3 – Tam Đảo còn thì Thành cổ Quảng Trị còn”. Suốt thời gian này, đơn vị của ông Hợi đã phải chịu biết bao tổn thất, phần lớn cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh.
Những dòng ký ức năm nào cứ hiện về trong tâm trí Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi
Những dòng ký ức năm nào cứ hiện về trong tâm trí Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi

Nhắc đến chiến thắng Khe Sanh, ông Hợi kể: Hồi đó, Khe Sanh được địch xem là “Điện Biên Phủ thứ 2” ở Việt Nam, có lúc địch tăng cường quân số lên vài nghìn người. Nhận được chỉ thị phải tiêu diệt địch ở Khe Sanh, đêm 28 rạng ngày 29/6/1968, Trung đội 1, Đại đội 10, Tiểu đoàn 3 của Anh hùng, liệt sĩ Phạm Ngọc Khánh đã phản công địch khắp mọi hướng. Trong trận này ta đã tiêu diệt được 114 tên địch, phá hủy 3 hầm ngầm. Tham gia chiến dịch này, Tiểu đoàn 3 Tam Đảo có 37 người, đã hy sinh 13 người, bị thương 6 người. Sau trận này, Đại đội 10, Tiểu đoàn 3 do anh Nguyễn Đức Bình chỉ huy đã mở một trận đánh quyết định, buộc địch phải rút lui khỏi Khe Sanh, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn.
Trong tâm trí của Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi, mảnh đất Quảng Trị đã ăn sâu vào máu thịt, nơi đây có rất nhiều đồng đội của ông đã ngã xuống. Đến bây giờ nhắc lại ông vẫn thấy nhói lòng. Những kỷ niệm về một thời kỳ ác liệt được ông đưa vào tập “Nhật ký Nguyễn Văn Hợi: Từ Khe Sanh đến Thành cổ Quảng Trị” ghi lại những khoảnh khắc ông cùng động đội chiến đấu trên chiến trường và những kỷ niệm khó quên.
Đăng Đức

"Chốt chặn, vây lấn" cứ điểm Tà Cơn

QĐND - Tháng 2-1968, khi ta làm chủ Khe Sanh, Huội San và cứ điểm Làng Vây, địch bị dồn vào thế bị động, đối phó lúng túng, buộc phải lùi về cố thủ chờ tăng viện, giải tỏa. Sư đoàn 304 và Sư đoàn 325 được Bộ tư lệnh mặt trận giao nhiệm vụ vây lấn cứ điểm Tà Cơn...

Tà Cơn là trung tâm phòng ngự của tập đoàn cứ điểm Khe Sanh, trên một khu vực rộng, địch tổ chức xây dựng hệ thống phòng thủ mạnh. Lực lượng địch có Trung đoàn 26 lính thủy đánh bộ Mỹ gồm 3 tiểu đoàn và được tăng cường thêm một tiểu đoàn của Trung đoàn 9 lính thủy đánh bộ. Ngoài lực lượng trong căn cứ còn được tăng cường thêm 1 tiểu đoàn pháo 155mm và 105mm, 1 đại đội xe tăng, 1 tiểu đoàn 37 biệt động, 1 đội thám báo 300 tên, giữa căn cứ là một sân bay hiện đại. Cụm cứ điểm gần một vạn quân, chủ yếu là lính thủy đánh bộ Mỹ, được coi là thiện chiến nhất, trang bị đầy đủ và hiện đại, bố phòng vững chắc.
Chiến sĩ Đại đội 8, Trung đoàn 9 tham gia vây lấn Tà Cơn. Ảnh tư liệu

 
Nhận nhiệm vụ vây lấn Tà Cơn, chỉ huy các sư đoàn ý thức được rằng: Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, việc tổ chức thế trận phòng ngự, vây lấn một tập đoàn cứ điểm lớn của quân viễn chinh Mỹ lần đầu tiên được đặt ra. Sau khi nhận nhiệm vụ, các đơn vị đã tiến hành xây dựng quyết tâm, làm công tác tư tưởng, phát động phong trào thi đua “giết giặc lập công”. Quán triệt tư tưởng chỉ đạo xây dựng thế trận phòng ngự kiên cường chốt chặn, vây lấn. Trước thực tiễn diễn biến của chiến trường, chủ trương của ta là: Kiên quyết đưa lực lượng vây lấn cứ điểm Tà Cơn triệt đường tiếp tế, buộc địch phải đưa lực lượng giải tỏa, từ đó các lực lượng phải kết hợp vây lấn với sẵn sàng tiêu diệt sinh lực địch khi chúng nống ra, chuẩn bị lực lượng để đánh viện nhỏ và lớn. Đến ngày 10-2-1968, các đơn vị đã tổ chức được 13 trận địa vây lấn xung quanh Tà Cơn, thành những mũi nhọn cắm sâu vào căn cứ địch. Đơn vị đã tiến hành tổ chức chốt chính, chốt phụ hợp thành thế chân kiềng, sẵn sàng diệt địch phản kích.
Những tiền đồn, lô cốt bảo vệ vòng ngoài của địch bị ta tập kích chủ yếu bằng bộc phá, lựu đạn, thủ pháo, gây thiệt hại cho lính thủy đánh bộ Mỹ. Từ thế trận vây lấn, ta liên tục nã đạn cối, bắn tỉa vào quân địch, đánh bật các cuộc phản kích của chúng. Kết hợp các hình thức tác chiến của bộ binh với pháo binh tiêu hao sinh lực địch, làm cho quân địch không tổ chức hoạt động bình thường được, phải sống chui rúc dưới hầm, mọi hoạt động trên mặt đất bị ta khống chế, làm chủ.
Bằng tinh thần chiến đấu mưu trí, dũng cảm, sáng tạo, hình thức chiến thuật phòng ngự kiên cường “chốt chặn, vây lấn” cứ điểm Tà Cơn, trong 50 ngày đêm, các đơn vị đã tiêu diệt lực lượng lớn quân địch, phá hủy rất nhiều vũ khí trang bị và kho tàng của chúng.
NHẬT VŨ

Di tích lịch sử Sân bay Tà Cơn

Thứ ba - 12/08/2014 08:03
Sân bay Tà Cơn là tên gọi để chỉ một cụm cứ điểm quân sự chiến lược của quân đội Mỹ trong những năm 1966 – 1968, là mắt xích quan trọng của tập đoàn cứ điểm Khe Sanh.
Di tích lịch sử Sân bay Tà Cơn - Ảnh: Hải Quang
Di tích lịch sử Sân bay Tà Cơn - Ảnh: Hải Quang
Ðịa danh này gắn với chiến dịch giải phóng Khe Sanh năm 1968. Hiện nay, di tích nằm trên địa phận thôn Hòa Thành, xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa; cách đường Trường Sơn (đường 14 nối từ Khe Sanh vào Hướng Lập) hơn 400m về hướng Ðông bắc; cách trung tâm huyện lỵ Hướng Hóa - Thị trấn Khe Sanh 3km về hướng Bắc. Di tích đã được Bộ VHTT xếp hạng quốc gia theo Quyết định số 236/QÐ-BVHTT ngày 12 tháng 12 năm 1986.
Sân bay Tà Cơn năm 1968 (Ảnh TL)
Khe Sanh là một thung lũng hình lòng chảo được bao bọc xung quanh bởi các núi đồi trên một cao nguyên ở độ cao 800m, rộng chừng 60ha. Ở vào vị trí gần biên giới lại án ngự quốc lộ 9 nối từ Ðông Hà/Việt Nam với Nam Lào, Khe Sanh có một vị thế chiến lược khá lợi hại về quân sự không chỉ trên chiến trường Quảng Trị mà còn cả khu vực Ðông Dương. Chính vì thế, giữa tháng 1/1964, sau khi sang nhận chức Tư lệnh quân đội Mỹ ở Việt Nam, tướng 4 sao Oétmôlen đã vội vã đáp máy bay ra Quảng Trị để thị sát vùng Khe Sanh, và ngay từ đầu, viên tướng Mỹ đã nhận ra ý nghĩa quan trọng của việc kiểm soát vùng đất này. Theo Oétmôlen, Mỹ có thể thiết lập ở Khe Sanh một tập đoàn cứ điểm quân sự như là một cái “chốt cứng”có tầm quan trọng đặc biệt trong chiến lược phòng ngự, ngăn chặn ở phía Tây bắc chiến trường Trị Thiên; một “cái neo” về phía Tây cho hệ thống phòng thủ chiến lược ở phía Nam khu phi quân sự; biến Khe Sanh thành một căn cứ tuần tra để ngăn chặn quân đối phương từ Lào sang theo đường số 9 và cũng là căn cứ cho các hoạt động biệt kích nhằm quấy nhiễu đối phương dọc biên giới Việt - Lào. Ðồng thời, sử dụng Khe Sanh thành một bàn đạp cho các cuộc hành quân càn quét trên bộ, xây dựng ở đây một sân bay cho các máy bay trinh sát của Mỹ cất cánh kiểm tra, tìm diệt bộ đội chủ lực của “Việt Cộng”, đánh phá, cắt đứt các tuyến đường mòn Hồ Chí Minh.
Từ năm 1965 trở đi, quân Mỹ liên tiếp dùng máy bay rải chất độc hóa học khai quang xuống miền núi Hướng Hóa; đồng thời tiến hành các cuộc càn quyét, tổ chức gom 5.000 dân đang làm ăn sinh sống hai bên trục đường 9 vào các khu tập trung Tà Cơn, Làng Vây. Ðầu năm 1966 Mỹ - ngụy thiết lập tuyến phòng thủ dọc đường 9 từ  Ðông Hà sang Lào bằng việc tăng cường quân Mỹ và quân ngụy cùng các binh khí, kỹ thuật để xây dựng các cứ điểm hỏa lực mạnh trên toàn tuyến hành lang chiến lược đường số 9 gồm: Ðông Hà, Cam Lộ, Tân Lâm, Ðầu Mầu, Ðakrông, Khe Sanh, Tà Cơn, Làng Vây, Huội San...Trong đó, tập đoàn cứ điểm Khe Sanh được coi là “cái bẫy chết người” chờ tiêu diệt “Cộng sản”. Cuối năm 1967, khoảng 6.000 lính thủy đánh bộ Mỹ đã kéo đến Khe Sanh.
Cụm cứ điểm Tà Cơn, nằm ở Bắc đường 9 được coi là khu trung tâm được xây dựng rất quy mô chạy dài 2km, rộng 1km, gồm nhiều tiểu cứ điểm với công sự kiên cố dày đặc và một sân bay cỡ lớn (sân bay Tà Cơn) dùng làm nơi cất và hạ cánh của các loại máy bay lên thẳng vũ trang, một số máy bay vận tải và phản lực chiến đấu. Sân bay có diện tích khoảng 10.000m2 nằm giữa căn cứ với một đường băng được lát bằng hàng ngàn tấn ri nhôm và ri sắt. Trong khu vực sân bay có trụ sở chỉ huy cứ điểm, đài chỉ huy sân bay, đài liên lạc...cùng hệ thống công sự phòng ngự dày đặc. Bảo vệ bên ngoài là một hàng rào dây kẽm gài bùng nhùng và những bãi mìn lớn...
Đường băng và một số hiện vật tại Sân bay Tà Cơn - Ảnh: Văn Dương
Với cách bố trí như vậy, sân bay Tà Cơn cùng các cao điểm kế cận đã hình thành nên một thế phòng ngự liên hoàn, cơ động, được Mỹ - ngụy coi là một vị trí “cứng” nhất trong cả hệ thống tập đoàn cứ điểm Khe Sanh. Tại đây có trung đoàn lính thủy đánh bộ số 26 của Mỹ, một tiểu đoàn pháo binh, một đại đội xe tăng và 8 đại đội lực lượng bảo an của ngụy đóng giữ, yểm trợ và chi viện khi lâm chiến. Bên cạnh đó là một loạt các căn cứ quân sự được xây dựng trên các cao điểm xung quanh như: 689, 682, 845, 832, 1009 (Ðộng Tri).
Ở phía Tây nam và Ðông nam Tà Cơn là quận lỵ hành chính Hướng Hóa và cứ điểm Làng Vây. Quân Mỹ thường xuyên có 4 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ, các lực lượng pháo binh, thiết giáp và lực lượng quân ngụy với khối lượng binh khí kỹ thuật và hậu cần to lớn. Ðó là chưa kể sự yểm trợ tối đa của các lực lượng pháo binh, không quân, kể cả những máy bay chiến lược B52 ở Hạm đội VII, đảo Guam.
Ðể đập tan những tham vọng ngông cuồng của Mỹ - ngụy, Chiến dịch đường 9 Khe Sanh được mở màn bằng trận đánh phục kích của bộ đội ta vào đoàn xe vận tải trên đoạn đường Tân Lâm, KLu ngày 13/1/1968, phá hủy 9 xe quân sự, diệt 100 tên Mỹ. Ngày 18/1 đánh địch ở cao điểm 845, 832, (khu vực Tà Cơn). Ðêm 20/1 lực lượng ta bất ngờ tấn công vào tập đoàn cứ điểm Khe Sanh mở đầu đợt 1 của chiến dịch giải phóng Khe Sanh. Ngày 21/1 tiêu diệt chi khu quân sự Hướng Hóa. Ngày 23/1 đánh chiếm Huội San và bắt đầu chiến dịch vây hãm Tà Cơn. Ðêm 7/2/1968, lực lượng vũ trang Hướng Hóa cùng trung đoàn 24 (sư 324) tấn công giải phóng Làng Vây.
Từ ngày 8/2/1968, lực lượng vũ trang ta bước vào đợt 2 của chiến dịch: tấn công vây hãm cứ điểm Tà Cơn. Với khẩu hiệu "biến Khe Sanh thành địa ngục trần gian của đế quốc Mỹ" và dùng chiến thuật "vây, lấn, tấn, phá, triệt đi đến tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm địch"; các tổ bắn tỉa tích cực hoạt động; pháo binh ta lúc bắn cấp tập, lúc bắn cầm canh làm cho lính Mỹ thường xuyên sống trong tính trạng căng thẳng. Ðịch phải dùng máy bay lên thẳng tiếp tế lương thực, nước sinh hoạt và vũ khí, đạn dược. Lính Mỹ hàng ngày bị giam chặt trong các hầm hào, lô cốt chật chội tại các cứ điểm không dám ra ngoài vì sợ bị bắn tỉa. Máy bay thả hàng tiếp tế cũng không vượt được lưới lửa phòng không của quân giải phóng. Tà Cơn thực sự trở thành chiếc “ghế điện” thành “nhà thương điên” đối với liên quân Mỹ - ngụy. Nỗi lo về một “Ðiện Biên Phủ thứ 2” ám ảnh Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ, buộc chúng phải ra lệnh mở chiến dịch ném bom rải thảm và đưa lực lượng lên giải cứu Khe Sanh. Tại Lầu Năm Góc, tổng thống Johnson chỉ thị cho tướng Taylo lập “phòng tình hình” để theo dõi chiến sự Khe Sanh, ra lệnh cho các tham mưu trưởng Mỹ cam kết phải giữ vững Khe Sanh bằng bất cứ giá nào.
Trước nguy cơ bị tiêu diệt, ngày 1/4/1968, Mỹ - ngụy tiến hành cuộc hành quân giải tỏa Khe Sanh của một sư đoàn kỵ binh không vận lấy tên “Ngựa bay”, kết hợp với cuộc hành quân “Lam Sơn 270” của một lữ đoàn dù dự bị chiến lược ngụy và một tiểu đoàn biệt động quân, gồm tất cả 17 tiểu đoàn (có 13 tiểu đoàn Mỹ). Quân chủ lực ta còn 9 tiểu đoàn đứng chân ở mặt trận Khe Sanh bước sang đợt 3 của chiến dịch, chuyển trọng tâm sang tiêu diệt quân chi viện, đồng thời tiếp tục vây hãm Tà Cơn. Sau 47 ngày đêm bị quân ta chặn đánh, quân chi viện không những không cứu được Khe Sanh mà làm cho vòng vây Khe Sanh ngày càng bị thít chặt. Ngày 26/6/1968, quân Mỹ buộc phải rút khỏi Khe Sanh.
 
Khách nước ngoài đến tham quan Sân bay Tà Cơn - Ảnh: Văn Dương
Quá trình vây hãm chặt, tiến công liên tục, rồi cuối cùng giành thắng lợi quyết định của quân và dân ta đã khiến cho hệ thống phòng thủ chiến lược hành lang đường 9 - trong đó có tập đoàn cứ điểm Khe Sanh mặc dù được xây dựng kiên cố, trang bị hỏa lực mạnh, quân số đông...vẫn phải chịu thất bại nhục nhã. Chiến thắng Tà Cơn góp phần to lớn vào thắng lợi vẻ vang của quân và dân ta ở mặt trận đường 9 Khe Sanh, đánh dấu sự bế tắc của Mỹ - ngụy trong thế phòng ngự chiến lược cũng như trình độ phát triển cao của quân giải phóng về chỉ đạo chiến lược, chiến thuật và tiến hành các chiến dịch tiến công quy mô lớn, dài ngày, hợp đồng binh chủng chặt chẽ...
Sau thất bại thảm hại năm 1968, từ năm 1969, Mỹ - Ngụy điên cuồng tập trung lực lượng tiến hành các cuộc càn quét lớn vào các vùng giải phóng của ta và tăng cường củng cố lại các căn cứ quân sự dọc đường 9. Ðầu năm 1971 Mỹ - ngụy mở cuộc hành quân “Lam sơn 719”, tiếp tục xây dựng Tà Cơn thành một căn cứ lớn (có cả sân bay quân sự) trong hệ thống các cứ điểm Khe Sanh nhằm hỗ trợ đắc lực cho mục đích “bóp nghẹt” hệ thống vận chuyển và cắt đứt con đường tiếp tế thứ 2 (Tây Trường Sơn) cho chiến trường miền Nam. Với mục tiêu đánh chiếm Sê Pôn, Sa Di, Mường Nòng, tiến vào Savanakhet rồi đánh xuống vùng A Sầu, A Lưới để mở đường cho quân Mỹ tiến sâu vào đất Lào; Mỹ - ngụy đã huy động hơn 3 ngàn quân ngụy Sài Gòn với 1.500 máy bay chiến đấu, hơn 800 máy bay lên thẳng, hơn 600 xe tăng thiết giáp và gần 300 khẩu đại bác để thực hiện cuộc hành quân và xem đây là một trận đánh quyết định nhằm đảo ngược tình thế chiến trường. Tuy nhiên, sau hơn một tháng giương oai, diễu võ, cuộc hành quân đã bị ta đánh bại. Căn cứ Tà Cơn thường xuyên bị pháo kích trước đó, đến đây cũng sụp đổ theo. Hơn một năm sau đó, khi quân và dân ta thực hiện cuộc tiến công chiến lược giải phóng Quảng Trị năm 1972 thì toàn bộ tuyến phòng thủ mạnh nhất của Mỹ - ngụy trên đường 9, trong đó có sân bay Tà Cơn bị bão lữa của quân giải phóng đập nát chỉ trong 5 ngày (30/3 - 3/4/1972), kết thúc vị trí và vai trò của các căn cứ quân sự cùng với những tham vọng ngông cuồng của quân đội Mỹ.
Đoàn famtrip do Tổng cục Du lịch tổ chức đến tham quan Sân bay Tà Cơn - Ảnh: Văn Dương
Từ năm 1998, công cuộc trùng tu, tôn tạo được bắt đầu nhưng do khó khăn về nhiều mặt nên chưa có gì đáng kể. Phải đến những năm từ 2002 trở đi thì việc tôn tạo di tích mới thực sự có được những chuyển động tích cực. Hiện nay, trong khuôn viên di tích sân bay Tà Cơn có một nhà Bảo tàng, một số hầm hào, công sự, đường băng đã được phục dựng lại cùng với các hiện vật thể khối lớn như máy bay, trực thăng, đại bác, xe tăng...được trưng bày để phục vụ nhu cầu tham quan du lịch của khách tham quan trong và ngoài nước. Sân bay Tà Cơn đã và đang trở thành một điểm tham quan thu hút ngày càng đông du khách tuyến du lịch DMZ.
Tác giả: Nguyễn Văn Dương

Sân bay Tà Cơn

(16 votes)
Sân bay Tà Cơn là tên gọi để chỉ một cụm cứ điểm quân sự chiến lược của quân đội Mỹ trong những năm 1966-1968, là cái lõi của tập đoàn cứ điểm Khe Sanh. Hiện nay đang trở thành một điểm di tích thu hút nhiều du khách đến tham quan trong tuyến tour du lịch DMZ
SÂN BAY TÀ CƠN
Tà Cơn, Tân Hợp, Hướng Hóa Quảng Trị, Việt Nam

Khu di tích Sân Bay Tà Cơn thuộc địa phận thôn Hòa Thành, xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa. Cách thị trấn Khe Sanh khoảng 5km, cách cửa khẩu Lao Bảo khoảng 20km về phía Tây Nam và cách thành phố Đông Hà khoảng 65km về phía Đông Bắc. Di tích đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng quốc gia theo Quyết định số 236/QĐ-BVHTT ngày 12/12/1986. Cụm cứ điểm này gắn liền với nhiều chiến tích trong chiến dịch giải phóng Khe Sanh năm 1968 và gắn với câu nói nổi tiếng chua chát của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James R. Schlesinger: “Tuy chúng ta đã ném cả danh dự nước Mỹ ra để giữ (Khe Sanh) và buộc hội đồng tham mưu trưởng liên quân cam kết bằng máu, nhưng cuối cùng cũng phải rút chạy”.

Khe Sanh nằm trên vùng cao nguyên gần biên giới Việt Nam – Lào, cắt tuyến vận chuyển đường mòn Hồ Chí Minh đồng thời ngự trị trên trục đường quốc lộ 9 nối từ Đông Hà đến Savannakhẹt nên có một vị trí chiến lược rất quan trọng.
Một vị trí đặc biệt trong chiến lược phòng ngự, ngăn chặn ở phía Tây - Bắc chiến trường Trị Thiên, một “cái mỏ neo” về phía Tây cho hệ thống phòng thủ chiến lược ở Nam Khu phi quân sự đồng thời là một căn cứ tuần tra để phong tỏa biên giới ngăn chặn đối phương từ Lào sang và cũng là căn cứ cho các hoạt động biệt kích nhằm “quấy nhiễu đối phương” dọc biên giới Việt – Lào. Khe Sanh được sử dụng như một bàn đạp cho các cuộc hành quân càn quét trên bộ, xây dựng ở đây một sân bay cho các máy bay trinh sát kiểm tra, tìm diệt bộ đội chủ lực của quân đội nhân dân Việt Nam, chỉ điểm cho các họat động đánh phá, ngăn chặn và cắt đứt các tuyến đường Hồ Chí Minh.

Căn cứ Khe Sanh được xác định là trung tâm của hệ thống hàng rào điện tử McNamara nên được Mỹ xây dựng một tập đoàn phòng ngự mạnh, liên hoàn, kiên cố nhất của Mỹ ở địa đầu miền Nam Việt Nam gồm các cứ điểm Làng Vây, Chi khu quân sự Hướng Hóa, cụm cứ điểm phòng ngự sân bay Tà Cơn. Cụm cứ điểm sân bay Tà Cơn được coi là cái lõi, là khu trung tâm được xây dựng rất quy mô chạy dài 2 km, rộng 1 km, gồm nhiều tiểu cứ điểm với công sự kiên cố, dày đặc và một sân bay cỡ lớn làm nơi cất, hạ cánh cho các loại máy bay vận tải quân sự hạng nặng như C130, C123, máy bay trực thăng chở quân và trực thăng vũ trang. Bên cạnh đó một loạt căn cứ quân sự được xây dựng trên các hướng, các điểm cao xung quanh như: Căn cứ biệt kích ở Làng Vây, điểm cao 689, 682, 845, 832, 1009 (Động Tri ) với khoảng 6.000 quân.
Qua nghiên cứu trinh sát tuyến phòng ngự vững chắc và những âm mưu của quân Mỹ Trung ương và Bộ Quốc phòng đã vạch ra kế hoạch và chiến lược năm tiến công. Cuộc tiến công Khe Sanh của quân ta chia làm 4 đợt:
Đợt thứ nhất từ ngày 20/1 - 7/2 Quân ta tiến công quận lỵ Hướng Hoá và cứ điểm Huội San, diệt cứ điểm Làng Vây, làm chủ đoạn đường 9 từ Cà Lu đến biên giới Việt - Lào.
Đợt thứ hai từ 8/2 – 31/3 phát triển lên vây lấn và pháo kích căn cứ Khe Sanh suốt 50 ngày đêm; bao vây Cồn Tiên, đánh một số trận ở hướng Đông Quốc lộ 1.
Đợt thứ 3 từ ngày 1/4 – 30/4 đánh quân Mỹ ứng cứu trong Chiến dịch Pegasus, giải toả, giữ vững các khu vực làng Khoai, Cu Bốc, các cao điểm 689 và 622, triệt phá giao thông trên Đường 9.
Và đợt cuối cùng là trận Sân Bay Tà Cơn từ 8/5 – 15/7 khôi phục thế vây tổng tấn công Tà Cơn, đánh quân Mỹ rút chạy khỏi Khe Sanh.
Chiến thắng Tà Cơn góp phần to lớn vào thắng lợi vẻ vang của quân và dân ta ở mặt trận đường 9 Khe Sanh, gắn chặt với cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968 góp phần quan trọng buộc Mỹ phải rút thang trút gánh nặng xuống chính quyền ngụy quân Sài Gòn, ngừng ném bom Miền Bắc ngồi vào vòng đàm phán Pari, khởi đầu một quá trình thất bại về chiến lược của Mỹ.
Thể hiện nghệ thuật chỉ đạo chiến lược, điều hành chiến tranh độc lập của Đảng, ý chí nghị lực sức mạnh của những người lính xung trận với niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng và sự đùm bọc tích cực tham gia chiến trận và lòng thủy chung của đồng bào miền tây Quảng Trị một lòng chung thủy với cách mạng với Bác Hồ.

Quangtri360.com
Chiến thắng Làng Vây – Khe Sanh, chiến thắng “Một Điện Biên Phủ thứ hai”
     Trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, chiến thắng đường 9 – Khe Sanh huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị xuân hè 1968 có một ý nghĩa rất quan trọng. Thắng lợi này đã tạo ra một bước phát triển mới cho sự nghiệp giải phòng miền Nam.
            Hướng Hóa là mảnh đất cửa ngõ miền Tây Quảng Trị. Từ bao đời nay, đường 9 – Khe Sanh còn gọi đường 9 – Nam Lào vì con đường này chạy thẳng sang vùng Nam Lào thông qua đèo Lao Bảo (nay là cửa khẩu quốc tế Lao Bảo) tới tỉnh Thakhet nằm sát bờ Đông của sông mẹ Mê Công (Nay có cầu bắt sang miền Đông Bắc Thái Lan để tới thủ đô BangKok).
            Theo sách “Ô Châu cận lục”, năm 1553 đã thấy ghi rừng Viên Kiều, rừng Cao Tuyền (tức Hướng Hóa ngày nay). Triều đình nhà Nguyễn trong quá trình cai trị đất nước đã chú ý đến Khe Sanh, một thung lũng hểm hóc nằm ở vị trí trung tâm của huyện Hướng Hóa là một châu có 15 tổng. Khi thực dân Pháp chiếm đóng Quảng Trị đã cắt 9 châu của huyện này sáp nhập vào tỉnh Savanakhet của Lào (cũng như đã cắt 18 tỉnh của Lào nhập vào đất Thái Lan, miền Đông Bắc ngày nay). Hướng Hóa chỉ còn 9 tổng cho đến ngày nay.
Vùng đất cổ này có nguồn gốc từ nguyên thủy, do hai dân tộc Vân Kiều và Pa Côsinh sống. Đến năm 1930, thực dân Pháp xây dựng con đường số 9 này để khai thông hai tỉnh Savanakhet và Quảng Trị, lập đồn điền trồng cà phê, bơ trên đất ba san, đóng đồn bót, dựng nhà tù Lao Bảo để giam nhốt khổ sai những người yêu nước và cộng sản. Năm 1941, Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ra đời. Ngày 25/8/1945 chính quyền cách mạng được thành lập.
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, Đảng bộ và nhân dân Định Hóa đã tích cực đóng góp sức người sức của, trong đó có đồng bào dân tộc Pa Cô là con cháu Bác Hồ, góp phần đưa cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi.
Sau Hiệp định Geneve (20/7/1954), Hướng Hóa cùng với Quảng Trị trở thành vùng địa đầu của miền Nam tiếp giáp với miền Bắc xã hội chủ nghĩa và vùng giải phóng Hạ Lào. Xác định Hướng Hóa là cửa ngõ của hành lang chiến lược cả nước, có con đường 9 là huyết mạch giao thông, Mỹ ngụy đã tập trung một lực lượng quân sự khá lớn ở đây cùng với bộ máy ngụy quyền hòng biến mảnh đất này thành vành đai trắng, ngăn chặn lực lượng cách mạng từ miền Bắc vào và từ Lào sang thông qua mạng lưới đường 559 Hồ Chí Minh.
Mỹ đã xây dựng đồn bót, công sự chiến đấu, cứ điểm quân sự chạy suốt chiều dài huyện Hướng Hóa, ném bom, rải chất độc háo học hủy diệt cây cối, sụ sống con người. Đế quốc Mỹ quyết tâm lập một “tuyến lửa” dọc đường 9 ngăn cách hậu phương với tiền tuyến của ta, trong đó nguy hiểm hơn đã thiết lập hàng rào điện tử Mac Namara (sáng kiến của tên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thời đó) dọc phía Bắc đường 9 , tức phía Nam vùng phi quân sự vĩ tuyến 17.
Huyện lỵ Khe Sanh của Hướng Hóa nằm trên cao nguyên đất đỏ Basan, nơi có đường 9 đi qua, cách biên giới Việt – Lào lối 20 Km (cửa khẩu Lao Bảo). Khi cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam phát triển mạnh, giới quân sự Mỹ phát hiện ra vị trí chiến lược quan trọng của Khe Sanh năm 1964, trong đó có tuyến đường chi viện chiến lược Trường Sơn – Hồ Chí Minh. Đế quốc Mỹ và chư hầu quyết định chọn Khe Sanh – Làng Vây – Tà Cơn tạo ra một thế trận tam giác liên hoàn bày sẵn như Điện Biên Phủ nhữ quân lực miền Bắc vào đây để tiêu diệt trong một trận bão lửa bằng hỏa lực của pháo binh và không quân.
Tháng 6/1966, ta quyết định mở mặt trận Đường 9 – Bắc Quảng Trị (Mặt trận B5), coi đây là một hướng tiến công nhằm tiêu hao, tiêu diệt địch đồng thời kéo một lực lớn quân Mỹ vào khu vực này tạo thuận lợi cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 ở khắp các tỉnh thành miền Nam. Việc ta mở mặt trận đường  9 – Khe Sanh đã nhanh chóng thu hút được một lực lượng lớn quân viễn chinh Mỹ từ Nam ra chiến trường này.
Đầu năm 1968, ở đây phía địch có khỏang 45.000 tên, trong đó có 28.000 lính Mỹ gồm ba trung đoàn Thủy quân lục chiến, 9 tiểu  đoàn  pháo binh và một đội cơ giới Mỹ. Về phái ta, ngoài lực lượng đang hoạt động tại chỗ bao gồm Sư đoàn 325, các Trung đoàn 1,2,3 thuộc Sư đoàn Bộ binh 324, 3 trung đoàn pháo binh, Bộ Quốc phòng còn điều các Sư đoàn bộ binh 304, 320. 2 trung đoàn pháo binh, một trung đoàn cao xạ, 5 đại đội đ8ạc công và đặc biệt có hai đại đội xe tăng thuộc Bộ tư lệnh Bộ binh chủng tăng – thiết giáp lần đầu tiên xung trận.
Tại Mặt trận đường 9 – Khe Sanh riêng pháo binh của ta đã đưa vào 210 khẩu và 9 dàn hoả tiễn BM14. Ngoài ra còn đưa vào 210 khẩu cối 82-120mm và DKZ. Đây là cuộc đọ sức có quy mô lớn giữa chủ lực ta và chủ lực tinh nhuệ nhất của Mỹ.
Ngày 20/1/1968, trước Tết Mậu Thân 10 ngày, quân ta nổ súng đánh Khe Sanh, chiếm quận lỵ Hướng Hóa nhanh chóng, đúng kế hoạch. Cùng lúc đó, ta tiến công địch ở các cao điểm 845, 950 áng ngữ phía tây bắc sân bay Tà Cơn. Tiến hành bao vây Tà Côn, Làng Vây, tiếp tục đưa quân xuống duyên hải cắt đứt tuyến vận tải của địch tử cảng Cửa Việt lên Đông Hà bằng chiến thắng“Bạch đằng trên sông Hiếu” cuối tháng 2/1968.
Trong thời gian này, quân ta tiến đánh và tiêu diệt quân Mỹ ở cứ điểm 832, 845, 950 chugn quan thung lũng Khe Sanh và vây chặt trung đòan 26 lính thủy đánh bộ Mỹ. Ba vị trí Làng Vây, Khe Sanh và phía tây Tà Cơn bị quân đánh chiếm. Ta làm chủ đường 9 – Khe Sanh một quãng dài. Bộ tham mưu quân đội Mỹ kêu gọi các lực lượng của họ không đề xảy ra một “Điện Biên Phủ thứ hai”. Thế nhưng diễn tiến các trận đánh chung quanh đường 9 – Khe Sanh và các căn cứ Làng Vây, Khe Sanh, Tà Cơn không khác với Điện Biên Phủ thời đánh Pháp.
Rạng sáng ngày 24/1/1968, Bộ tư lệnh Mặt trận quyết định sử dụng Đại đội 3 xe tăng phối hợp với trung đoàn Bộ binh 24 tiêu diệt một số cứ điểm dọc theo đường 9 – Khe Sanh ngay biên giới Việt – Lào. Cứ điểm Làng Vây cách thị trấn Khe Sanh 10 km là mắc xích quan trong trong cụm chiến lược Khe Sanh, đồng thới nó an ngữ đường 9 – Khe Sanh và địch có hai cứ điểm 320, 230 được bố trí phòng thủ rất chặt chẽ và gây khó khăn cho ta, có thường xuyên 350 lính biệt kích và hơn 30 lính Mỹ, là một cứ điểm mạnh trong hệ thống phòng thủ đường 9 – Khe Sanh. Để phá tan cứ điểm Làng Vây, ngoài lực lượng xe tăng ta còn có trung đoàn chủ lực 24 (sư đoàn 304), trung đoàn 101 của sư đoàn 325 và thêm một đại đội đặc công, một đại đội súng phun lửa va tăng lội nước PT76 của Liên Xô.
17 giờ ngày 6/2/1968, trận tấn công cứ điểm Làng Vây bắt đầu. Các đội xe tăng vượt biên giới và theo dòng Sêpôn áp sát Làng Vây, có 9 tăng tiến vào đường 9. Lực lượng địch gồm bộ binh, pháo binh phản ứng dữ dội từ nhiều hướng và tập trung hỏa lực nhằm bảo vệ Làng Vây.
Đúng 23 giờ 25 phút, sở chỉ huy của ta hạ lệnh tiến công Làng Vây và trận chiến rất ác liệt. Đến 3 giờ sáng ngày 7/2/1968 ta cơ bản làm chủ trận địa. Trận tiến công tiêu diệt Làng Vây là trận chiến đầu tiên hợp đồng binh chủng có xe tăng tham gia đã đem lại chiến thắng vẻ vang, góp phần phá vỡ một mảng lớn tuyến phòng thủ đường 9 của Mỹ ngụy, đã phối hợp kịp thời với các chiến trường trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân dân ta trong Tết Mậu Thân năm 1968.
Chiếm được Lang Vây và Hướng Hóa ta đã mở thông đường 9 – Khe Sanh. Sau đó, ta bao vây Khe Sanh và sân bay Tà Cơn. Quân Mỹ ngụy chống đỡ một cách tuyệt vọng nên sử dụng hết mọi phương tiện chiến tranh để đối phó cả trên không lẫn dưới đất.
Hơn 170 ngày đêm tiến công và vây hãm kiên cường, quân và dân ta đã cắm lá cờ chiến thắng lên trung tâm căn cứ Ta Cơn, quận lỵ Khe Sanh. Trong chiến dịch đường 9 - Khe Sanh, ta đã loại khỏi vòng chiến 11.900 tên địch, bắn rơi, bắn chay197 máy bay, phá hủy 78 xe và 46 khẩu pháo. Ta đã thu hút được một lực lượng lớn quân Mỹ chiếm ¼ quân Mỹ ở miền Nam, kiềm chân và tiêu diệt chúng để phối hợp với chiến trường miền Nam.
Cuộc chiến đấu ở Khe Sanh là một sự thách thức phi thường về ý chí quyết tâm, về tài trí và sức mạnh giữa quân đội nhân dân Biệt Nam,cán bộ và đồng bào các dân tộc Hướng Hóa với quân đội chính quy, hiện đại Mỹ mà kết quả là Mỹ phải chịu thua, rút chạy hoảng lọan khỏi Khe Sanh, làm cho cả thế giới như chứng kiến một câu chuyện thần kỳ. Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó đã đánh giá:”Cuộc thắng lợi của ta ở Khe Sanh tỏ rõ mưu lược và sức mạnh vô địch của dân quân và cán bộ ta, nó góp phần xứng đáng vào thắng lợi to lớn của miền Nam từ đầu xuân tới nay”.
Di tích Làng Vây (xe tăng chiến thắng)
Đường 9 - Khe Sanh ngày nay
(đoạn nối tỉnh Savanakhet (Lào) với Quảng Tri (Việt Nam)
 Sơ đồ trận đánh đường 9 - Khe Sanh
Di tích sân bay Tà Cơn (Nhà trưng bày và bãi trực thăng)
Tình nhân đạo: Cứu thương giải phóng cứu chữa tù binh Mỹ
Bài, ảnh : Vương Liêm

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH