Thứ Năm, 11 tháng 1, 2018

BÍ ẨN ĐƯỜNG ĐỜI 137 (Trạng Lường Lương Thế Vinh)

(ĐC sưu tầm trên NET)

Trạng Lường Lương Thế Vinh và câu chuyện đo độ dày tờ giấy


Trạng Lường Lương Thế Vinh nổi tiếng với nhiều giai thoại cho thấy ông tài trí hơn người như câu đố cân voi, đo độ dày của một tờ giấy.
Trạng Lường Lương Thế Vinh là một trong những vị trạng nguyên nổi tiếng nhất trong lịch sử khoa cử nước ta.
Theo Danh nhân Hà Nội, Lương Thế Vinh sinh năm 1441 tại làng Cao Hương, huyện Thiên Bản, Trấn Sơn Nam (nay là thôn Cao Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định).
Thuở nhỏ, ông đã nổi tiếng học nhanh, sáng trí, sáng tạo trong việc học và chơi. Lần nọ, Vinh cùng bạn bè ngồi chơi dưới gốc cổ thụ. Cả bọn thách đố nhau đo chiều cao của cây.
Thay vì trèo lên cây như lời đề nghị của một người, Lương Thế Vinh lấy một cây gậy, đo chiều dài của nó rồi dựng gậy trên mặt đất, đo chiều dài bóng gậy. Sau đó, ông tiếp tục đo bóng cây. Tính nhẩm một lát, Vinh đưa ra kết quả.
Đám bạn không tin bèn dùng dây thừng đo lại, được kết quả đúng như của Vinh. Họ không khỏi thán phục.
Một lần khác, Khi Lương Thế Vinh cùng bạn chơi bóng, quả bưởi làm bóng rơi xuống hố. Cả bọn loay hoay, không làm thế nào lấy lên được. Ông nghĩ ra cách đổ nước vào hố để quả bưởi nổi lên.
Nhờ tài toán học, Lương Thế Vinh không ít lần giúp những người xung quanh giải quyết các vấn đề khó khăn. Có lần, ông đến một khúc sông, thấy mấy người đang tìm cách đo chiều rộng của con sông để bắc cầu. Hôm đó, nước sông rất to và chảy xiết, họ không thể bơi qua.
Trang Luong Luong The Vinh va cau chuyen do do day to giay hinh anh 1
Chân dung quan trạng Lương Thế Vinh. Đền thờ ông hiện đặt tại xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, Nam Định. 
Ông bèn đề nghị mọi người không bơi qua sông mà tìm cho ông mấy cái cọc. Ban đầu, mấy người này không tin nhưng khi thấy Vinh đóng cọc, ước lượng khoảng cách rồi tính nhẩm và công bố chiều rộng con sông, họ hoàn toàn thán phục tài năng của chàng trai trẻ.
Trên thực tế, Lương Thế Vinh sử dụng kiến thức về tam giác đồng dạng để tính khoảng cách giữa hai bờ sông.
Với tài trí hơn người, Lương Thế Vinh nhanh chóng nổi tiếng học giỏi khắp vùng Sơn Nam. Vì thế, người ta thường so sánh ông với Quách Đình Bảo, cũng là một người thông minh, đĩnh đạc trong vùng.
Cùng dùi mài kinh sử nhưng hai ông có phương pháp học hoàn toàn trái ngược nhau. Trong khi Bảo ngày đêm vùi đầu khổ luyện, Vinh lại chơi nhiều hơn học,
Tương truyền, trước kỳ thi Đình, Lương Thế Vinh sang làng của Quách Đình Bảo, định bàn chuyện cùng về kinh ứng thí. Khi nghỉ ngơi tại quán nước đầu làng, nghe người dân kể chuyện Bảo học quên ăn quên ngủ, ông quyết định quay về, thầm không tán thành cách học của Bảo.
Quả nhiên, năm 1463, dưới thời vua Lê Thánh Tông, Lương Thế Vinh đỗ trạng nguyên trong khi Quách Đình Bảo đỗ thám hoa. Khi đó, chàng trai làng Cao Hương mới 22 tuổi.
Là người quang minh, lỗi lạc lại tài trí, Vinh được triều đình trọng dụng. Ông giữ nhiều chức quan quan trọng trong Hàn lâm viện, đồng thời là một trong số 28 thành viên của hội thơ Tao Đàn do vua Lê Thánh Tông thành lập.
Tuy nhiên, đóng góp lớn nhất của ông cho nước nhà lại thuộc về lĩnh vực Toán học.
Theo Danh nhân đất Việt, khi sứ thần nhà Minh sang thăm nước ta, vua cử Lương Thế Vinh ra tiếp đón. Dù đã biết tiếng vị trạng nguyên, sứ thần vẫn tìm cách làm khó.
Trong một buổi đi chơi thuyền, ông ta thách đố quan trạng cân thử con voi nặng bao nhiêu. Vinh thản nhiên nhận lời rồi sai người dắt voi xuống thuyền, đánh dấu mức thuyền chìm trong nước. Xong xuôi, ông bảo dắt voi lên, chất đá xuống, nước ngập đến chỗ đánh dấu thì dừng.
Sau đó, ông cho người chia nhỏ số đá, cân lên và tính tổng. Kết quả khiến sứ thần phục lăn nhưng vẫn không bỏ ý định thử tài trạng. Ông ta xé một tờ giấy, yêu cầu Lương Thế Vinh đo độ dày của nó.
Trước tình huống khó xử này, ông vẫn ung dung nghĩ ra cách. Ông mượn viên sứ quyển sách, dùng thước đo độ dày cả quyển rồi chia với số trang để tính độ dày tờ giấy. Sứ thần nhà Minh hết sức bội phục trí tuệ linh hoạt của vị quan đất Việt.
Với tài năng toán học xuất sắc, Lương Thế Vinh được dân gian gọi là Trạng Lường. Ông cũng tổng kết kiến thức, viết nên cuốn Đại thành Toán pháp. Cuốn sách này được đưa vào chương trình thi cử suốt 450 năm trong lịch sử giáo dục Việt Nam.
Ông cũng nổi tiếng với tài văn thơ, đối đáp và rất vừa ý nhà vua. Năm 1496, Lương Thế Vinh qua đời. Vua Lê Thánh Tông rất thương tiếc bèn viết bài thơ khóc Trạng:
Chiếu thư thượng đế xuống đêm qua
Gióng khách chương đài kiếp tại nhà
Cẩm tú mấy hàng về động ngọc
Thánh hiền ba chén ướt hồn hoa
Khí thiên đã lại thu sơn nhạc
Danh lạ còn truyền để quốc gia
Khuất ngón tay than tài cái thế
Lấy ai làm Trạng nước Nam ta.

Nguyễn Sương tổng hợp

Tài ba Trạng Lường -  Lương Thế Vinh 
*
Trần Hồng Đức
Trạng nguyên Lương Thế Vinh là người chế ra bàn tính gẩy đầu tiên ở nước ta. Ông quê ở thôn Cao Hương, huyện Thiên Bản (nay là thôn Cao Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Ðịnh).
 
Năm 23 tuổi, ông đỗ Ðệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa Quý Mùi niên hiệu Quang Thuận 4 (1463) (*) đời Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Hàn lâm viện Thị giảng, Chưởng viện sự, Nhập thị kinh diên, Tri Sùng văn quán. Phàm các văn thơ, từ lệnh bang giao với nhà Minh đều do ông soạn thảo. Tiếng tăm lừng lẫy Trung nguyên. Sinh thời, không sách nào ông không đọc. Từ bé, Lương Thế Vinh nổi tiếng thần đồng, Vinh học rất mau thuộc, mau hiểu, mà chơi cũng rất tài tình. Cậu thích thả diều, câu cá, bẫy chim cùng với lũ trẻ chăn trâu. Diều của Vinh thường lên cao hơn, hình dáng cũng rất lạ, vừa giống "cánh thoi" lại vừa giống "cánh tiên", Vinh làm hẳn một bộ sáo diều to nhỏ bốn chiếc, khi diều thả lên, tiếng trầm xen lẫn tiếng bổng rất du dương vui tai, người lớn trẻ em cũng say mê lắng nghe.
Dân chúng ca ngợi Trạng nguyên Lương Thế Vinh và gọi ông là Trạng Lường vì ông không chỉ giỏi về văn học mà còn giỏi toán, ông đã có nhiều phát minh khoa học ứng dụng vào đời sống. Ông đã soạn cuốn "Ðại thành toán pháp". Mở đầu cuốn sách Lương Thế Vinh đề bài thơ khuyên mọi người học toán:
Trước thời biết cách thương lường,
Tính toán bình phân ở Cửu chương,
Thông hay mọi nhẽ điều vinh hiển,
Học lấy cho tinh giúp thánh vương!
Ông còn chế ra bàn tính gẩy, lúc đầu bằng đất rồi bằng trúc, sau làm bằng gỗ, sơn mầu khác nhau vừa đẹp, vừa dễ tính, dễ nhớ.
Một lần sứ nhà Minh là Chu Hy sang nước ta. Vua Lê Thánh Tông sai Lương Thế Vinh ra tiếp. Chu Hy nghe đồn nước Nam có ông trạng đã nổi tiếng văn chương, âm nhạc, mà còn tinh thông cả toán học nên có lần mới hỏi Lương Thế Vinh:
- Có phải ông làm ra sách "Ðại thành toán pháp", định thước đo ruộng đất, chế ra bàn tính của nước Nam đó không?
- Lương Thế Vinh đáp:
-- Dạ, đúng thế.
- Nhân có con voi rất to đang kéo gỗ trên sông. Chu Hy hỏi:
-- Trạng thử cân xem con voi kia nặng bao nhiêu!
-- Xin được!
Dứt lời, Vinh xăm xăm cầm cân đi cân con voi.
-- Tôi e chiếc cầu của ông quá nhỏ so với con voi đấy! - Chu Hy cười nói.
-- Thì chia nhỏ voi ra - Vinh thản nhiên trả lời.
-- Ông định mổ thịt voi à? Cho tôi xin miếng gan nhé!
Lương Thế Vinh tỉnh khô không đáp. Ðến bên sông, Trạng chỉ chiếc thuyền bỏ không, sai lính dắt voi xuống. Trạng cho lính lội xuống đánh dấu mép nước bên thuyền rồi dắt voi lên. 
Kế đó, Trạng ra lệnh đổ đá hộc xuống thuyền. Thuyền lại dằm xuống dần cho tới đúng dấu cũ thì ngừng đổ đá.
Thế rồi Trạng bắc cân lên cân đá. Trạng cho bảo sứ nhà Minh:
- Ông ra mà xem cân voi !
Sứ nhà Minh vẫn còn thử tài tiếp:
- Ông cũng giỏi đấy chứ! Tiếng đồn quả không ngoa! Ông đã cân được voi to, vậy ông có thể đo được tờ giấy này dày bao nhiêu không?
Sứ nói rồi xé một tờ giấy bản rất mỏng từ một cuốn sách dày đưa cho Lương Thế Vinh, Hy lại đưa luôn một chiếc thước.
Giấy thì mỏng mà ly chia ở thước lại quá thưa. 
Vinh nói:
- Ngài cho tôi mượn cuốn sách!
Sứ nhà Minh đưa ngay cuốn sách và hỏi kháy:
- Ông nghĩ sách có dạy cách đo chăng?
Lương Thế Vinh lấy thước đo bề dày cuốn sách, tính nhẩm một lát, rồi nói bề dày tờ giấy. Kết quả rất khớp với con số của sứ nhà Minh ghi sẵn ở nhà. 
Nhưng sứ nhà Minh nói:
- Ông đoán mò cũng giỏi đấy!
- Thưa không. Việc đo này rất dễ, ta chỉ cần đo bề dày cả cuốn sách, rồi chia đều cho số tờ. Việc đó có khó gì đâu!
Sứ nhà Minh ngửa mặt lên trời than:
- Nước Nam quả lắm người tài !
Thời ông sống người ta thường coi những người hát xướng là "xướng ca vô loài". Vậy mà Lương Thế Vinh làm quan to lại rất thích hát tuồng chèo, thi ca nhạc. Ông sáng tác nhiều mà còn trực tiếp biểu diễn nữa. Ông đã viết bộ sách "Hý phường phả lục". Ông cũng được vua Lê Thánh Tông giao cho cùng Thân Nhân Trung, Ðỗ Nhuận chế định ra các lễ nhạc của triều đình.Lúc về trí sĩ, ông vẫn thích la cà nơi thôn dã, thích hát ca.
(*) Khoa thi Quý Mùi (1463) lấy đỗ 44 Tiến sĩ.
Trần Hồng Đức

Các ông trạng ở Việt Nam


Giai thoại về LƯƠNG THẾ VINH (Trạng Lường)

THẦN ĐỒNG - THẦN CHÚ
Lương Thế Vinh (LTV) tên tự là Cảnh Nghị, tên hiệu là Thụy Hiền, ông sinh năm 1411 tại Cao Hương, huyện Thiên Bản (nay là huyện Vụ Bản - Hà Nam Ninh ).
Từ bé, Lương Thế Vinh đã nổi tiếng trong việc học, việc chơi. Vinh học rất mau thuộc, mau hiểu mà chơi cũng rất tài tình. Cậu rất thích thả diều, câu cá, bảy chim cùng với các trẻ chăn trậu. Nhưng diều của Vinh thường vẫn lên cao hơn, có hình dáng khác lạ. Không hẳn "cánh thoi" mà cũng không giống "cánh tiên". Vinh cắt một khúc dây mướp đã già cỗi, chẻ và vót mỏng thành một cái mang rồi căng trên một thanh tre mảnh uốn cong hình chữ U thành một cái "Ve". Buộc chiếc ve này lên diều rồi thả lên trời. Gió thổi, màng rung lên kêu ve ve nghe rất thích. Cậu còn làm hai, ba cái "ve" to nhỏ khác nhau buộc thành một bộ. Khi thả diều, tiếng trầm xen kẻ tiếng bổng rất du dương vui tai, người lớn cũng say mê lắng nghe. Cùng đi câu cá với bạn bè, nhưng bao giờ cậu cũng được nhiều cá hơn, cá to hơn. Nhìn chiếc bẫy người lớn bẫy chuột, cậu liền nghĩ ra chiếc bẫy nhỏ xíu để bẩy chim trả khá tinh vi làm người lớn phải ngạc nhiên, thán phục. Người thời đó gọi cậu là "thần đồng", tiếng dùng để chỉ những người giỏi như "thần" ở tuổi nhi đồng. Nhưng bọn trẻ chả hiểu "thần đồng " là gì. Chúng ngỡ TV hay câu cá, thả diều, bẫY chim, chăn trâu ngoài đồng nên người ta gọi là "thần" ở ngoài "đồng". Rồi một chuyện sau đây xảy ra, khiến bọn trẻ tưởng cậu là "thần thánh " thực sự. Hôm đó cậu đem một trái bưởi ra bãi tha ma (chỗ bạn bè thả trâu) làm quả bóng để các bạn cùng chơi. Bổng quả bưởi lăn xuống một trong những cái hố bên mép bãi người ta đào để ngăn trâu bò khỏi phá lúa. Cái hố rất hẹp lại rất sâu không xuống mà cũng không với tay lấy lên được. Bọn trẻ tưởNg thế là mất đồ chơi. Nhưng Lương Thế Vinh nghĩ một lát, rồi mới hớn hở rủ bạn ra chỗ nong nước bên ngòi mượn vài chiếc gầu giai đi múc nước đổ xuống hố. Bọn trẻ không hiểu Vinh làm thế để làm gì. Nhưng lát sau, thấy Vinh cúi xuống cầm quả bưởi lên, chúng rất sửng sốt phục tài Vinh. Từ đó, trẻ con trong làng truyền nhau rằng Lương Thế Vinh là thần, có một câu "thần chú" hay lắm, có thể gọi được những vật vô tri như quả bưởi lại với mình. Thực ra thì khi Vinh trèo cây hái bưởi bên bờ ao, sẩy tay cậu làm rơi quả bưởi xuống nước tưởng mất. Nhưng khi nhìn thấy bưởi nổi lên trên mặt ao. Vinh đã lấy cành che chòi vào và đem ra bãi chơi. Lúc quả bưởi lăn xuống hố, cậu đã chợt nhớ lại và nghĩ ra cách lấy nước đổ xuống cho bưởi nổi lên. Vốn thích thơ, ca hò, vè. Khom cúi xuống chờ bưởi, cậu vui miệng ứng khẩu đọc lẩm nhẩm: Bưởi ơi bưởi 
Nghe tao gọi 
Lên đi nào 
Đừng quên lối 
Đừng bỏ tao... 
Và bọn trẻ nghĩ răng Vinh đọc "thần chú ".
hết: Giai thoại về LƯƠNG THẾ VINH (Trạng Lường)

Mối tình đầu dang dở của Trạng Lường Lương Thế Vinh

Mối tình đầu dang dở của Trạng Lường
 - Chuyện tình duyên của Trạng Lường Lương Thế Vinh không mấy thuận lợi. Ông cũng có những tâm sự, trăn trở, muộn phiền khó lời diễn tả.
Vợ dìu chồng làm vế đối trả lời vua
Lương Thế Vinh xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Cao Hương, huyện Thiên Bản, phủ Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam (nay là làng Cao Phương, xã Liên Bảo thuộc huyện Vụ Bản, Nam Định), từ nhỏ đã nổi tiếng thần đồng, rất giỏi tính toán, không sách nào không đọc, am tường nhiều việc. Khi trưởng thành, ông lấy tên tự là Cảnh Nghị, hiệu là Thụy Hiên.
Năm Quý Mùi (1463) đời Lê Thánh Tông, triều đình mở khoa thi tuyển nhân tài, Lương Thế Vinh trảy kinh ứng thí. Với văn phong dồi dào, ý tứ sâu sắc, kiến thức rộng rãi nên bài thi của ông được chấm cao nhất, các quan phụ trách đọc quyển thi đã đánh giá bài thi của ông là “có học thức, xứng đáng đậu đầu”, còn vua Lê Thánh Tông khi xem bài thi của ông, phê dòng chữ khen ngợi: “Quyển này rõ ràng không hổ danh là một bài đối sách, văn càng đọc càng cảm thấy thích thú”, thế là Lương Thế Vinh đoạt danh hiệu Trạng nguyên, năm đó ông mới 22 tuổi.



Sau khi làm lễ vinh quy bái tổ, Lương Thế Vinh đã cưới con gái thầy học của mình để báo đáp công ơn dạy bảo; ít lâu sau ông về triều làm quan, ban đầu được vua giao trông nom công việc văn quán với chức Tri vinh văn quán, sau lại làm Hàn lâm thị thư chương viện, Chưởng viện sự, Nhập thị kinh diên, Thị thư Viện hàn lâm, kiêm Sùng văn quán Tú lâm cục Tư huấn... Các giấy tờ, thư từ giao thiệp với nhà Minh đều do ông soạn thảo. Khi hội Tao Đàn được thành lập, Lê Thánh Tông cho ông giữ chức Tao Đàn sái phu.
Về người phụ nữ may mắn trở thành phu nhân quan Trạng, ngoài một giai thoại được lưu truyền đến nay thì sử sách không cho biết chút nào về thân thế, gia cảnh, tên họ của bà là gì… Chuyện kể rằng một lần vua Lê Thánh Tông đi kinh lý vùng Sơn Nam có ghé thăm làng Cao Hương, quê của Lương Thế Vinh, lúc bấy giờ quan Trạng cũng đang theo hầu vua. Sau khi nghỉ ngơi một đêm, hôm sau vua đến vãn cảnh chùa làng. Khi đó, sư cụ đang ngồi tụng kinh, thấy nhà vua đến liền vội vã đứng dậy nghênh đón, trong cũng luống cuống sư cụ đánh rơi chiếc quạt xuống đất. Chú tiểu đứng hầu bên cạnh định cúi xuống nhặt, nhưng một viên quan tùy tòng của vua đã nhanh tay nhặt quạt đưa cho sư cụ. Vua Lê Thánh Tông trông thấy vậy, liền nảy ra một vế đối. Sau khi rời chùa, vua quan cùng nhau trò chuyện vui vẻ trong một bữa tiệc tại đình làng, trong lúc cao hứng, nhà vua đã ra vế đối thách các quan đối lại:
- Các khanh chắc còn nhớ việc tại ngôi chùa sáng nay, một đại thần đã nhặt giúp cho sư trụ trì chiếc quạt. Nay trẫm có vế đối như sau: “Ðường thượng tụng kinh sư sử sứ”.
Câu đối đó có nghĩa là: Trên bục tụng kinh sư khiến sứ, tức là nhà sư sai khiến được quan. Nội dung câu đối ra không khó, nhưng oái ăm ở ba chữ đồng âm liên tiếp nhau là sư, sử, sứ. Nó khiến các quan đều cau mày suy nghĩ để tìm ra câu thích hợp đối lại. Trạng nguyên Lương Thế Vinh cứ ung dung ngồi uống rượu chẳng nói năng gì, cũng dường như chẳng để tâm suy nghĩ về vế đối kia, ông vẫy tay ra hiệu gọi chú lính hầu của mình lại rỉ tai thì thầm mấy câu. Anh lính nghe xong thì chạy biến đi.
Vua Lê Thánh Tông thấy không ai nhanh chóng đối được bèn quay lại chỉ đích danh Lương Thế Vinh phải đối, nhưng ông chỉ cười trừ xin khất trong chốc lát. Một lúc sau vợ quan Trạng đến, ông lấy cớ uống rượu say quá xin phép vua cho vợ dìu mình về nhà nghỉ ngơi. Tưởng rằng một người có tài tài ứng đối như Lương Thế Vinh mà hôm nay cũng gặp thế bí đành phải đánh bài chuồn, nhà vua lấy làm đắc ý lắm, liền hỏi:
- Thế nào ái khanh? Ðối được hay không thì phải nói đã rồi hẵng về chứ?
Lương Thế Vinh gãi đầu, gãi tai rồi chắp tay ngập ngừng đáp:
- Dạ... muôn tâu thánh thượng, hạ thần đối rồi đấy ạ!
Vua và các quan lấy làm lạ, ngạc nhiên nhìn nhau không rõ quan Trạng đang đùa hay vì say rượu mà lú lẫn. Mọi người gạn hỏi mãi, Lương Thế Vinh mới chỉ tay vào người vợ đang dìu mình, mà đọc rằng:
- Ðình tiền túy tửu, phụ phù phu.
Vế đối lại của ông có nghĩa là: Trước sân say rượu, vợ dìu chồng. Trong vế đối cũng có ba chữ cuối đồng âm là phụ, phù, phu. Nhà vua tươi cười truyền lệnh thưởng rất hậu cho Lương Thế Vinh còn các quan đồng liêu cũng hết sức thán phục, nể trọng tài năng của ông.
Mối tình đầu dang dở
Là một người rất giỏi Nho học, sách nào cũng đọc, hiểu biết rộng, có tài năng trong lĩnh vực toán học, tôn giáo, âm nhạc…, Lương Thế Vinh chính là người soạn cuốn Đại thành toán pháp nổi tiếng, chế tạo ra bàn tính gẩy, là tác giả của Thích giáo khoa Phật kinh thập giới nói về 10 điều răn dạy của Đức Phật cùng cuốn Thiền môn giáo khoa. Ông còn tham gia soạn lễ nhạc triều đình, sáng tác âm nhạc, soạn cuốn Hý phường phả lục nói về nghệ thuật chèo như các khoán ước của phường chèo, kịch bản và diễn xuất, cách đánh trống chèo, phương pháp múa hát và đặc biệt nhất Lương Thế Vinh được coi là người đặt nền móng cho loại hình đặc sắc: múa rối nước.
Không chỉ giỏi thơ văn, tính toán, Lương Thế Vinh còn thích đến với những phường hát chèo, hỏi han về tích hát, về đàn sáo, và rất am hiểu lĩnh vực nghệ thuật này. Một lần vua cho vời phường chèo đến hát mừng xuân, Lương Thế Vinh cũng vui vẻ ngồi kéo nhị và tham gia một vai diễn. Loại hình nghệ thuật ca múa nhạc truyền thống có sức cuốn hút rất lớn với ông, tương truyền từ khi còn nhỏ, Lương Thế Vinh đã thích ngồi nghe cha mình thổi sáo, kéo nhị và xin được học bằng được. Với những buổi biểu diễn chèo, quanh vùng mỗi khi có tiếng trống chèo nổi lên là y như rằng Lương Thế Vinh có mặt, xem một cách say mê, thích thú và cũng từ những buổi xem chèo, mối tình đầu đã nảy nở trong trái tim con người mang trong mình chất lãng tử, mê ca hát và cuộc sống phóng khoáng, vui vẻ nơi thôn dã. Đúng như ca dao có câu:
Chẳng thèm ăn chả ăn nem
Thèm no cơm tẻ, thèm xem hát chèo.
Ở tuổi trưởng thành, cũng như thói quen vốn có, lần ấy nghe tiếng trống chèo giục giã, Lương Thế Vinh đã thấy rộn ràng trong người liền cùng bạn bè rủ nhau đi xem khi biết có một đoàn chèo đến diễn ở làng Si (nay thuộc xã Vĩnh Hảo, huyện Vụ Bản, Nam Định). Khi dân chúng trong vùng đã tập trung đông nghịt, buổi diễn sắp bắt đầu thì bỗng nhiên người kéo nhị không may bị cảm đột ngột, chưa có ai thay thế, tiếng xì xào bàn tán lao xao: Không có tiếng nhị thì làm sao mà diễn chèo được?.
Thế rồi, như số phận bày đặt, đúng lúc ấy Lương Thế Vinh đến, biết chuyện liền lách qua đám đông đến xin tình nguyện chơi đàn nhị thay cho nhạc công bị cảm. Không ít người xem hát hôm đó nhìn chàng trai với vẻ không tin tưởng, nhưng cũng có người biết tài của Lương Thế Vinh liền lên tiếng ủng hộ, người trùm trưởng của phường chèo không rõ sự tình ra sao nhưng rồi không còn cách nào khác, đành mời vào kéo đàn nhị giúp.

Tranh minh họa. 
Buổi diễn bắt đầu, người xem nhanh chóng bị chinh phục bởi tiếng đàn nhị thành thạo và điêu luyện, đây đó có tiếng khen tấm tắc vang lên. Trên chiếu chèo, tiếng nhị dường như cũng khiến các diễn viên thể hiện hay hơn, nhất là cô đào nhất diễn càng xuất sắc với giọng ca mượt mà, đằm thắm. Từ bất ngờ cho đến cảm phục, cô đào hát mà cũng là gửi gắm tình cảm cá nhân của mình:
Biển tình mênh mông, biển tình dâu bể
Sẽ nâng niu ai vững lái chồng chèo?
Và rồi cô hát điệu chức cẩm hồi văn, đôi mắt hướng ánh nhìn thắm thiết xao xuyến lạ lùng về chàng nhạc công đang say sưa kéo nhị:
Thiếp xin chàng đèn sách văn chương
Dầu hao thiếp rót
Bấc non thiếp ngắt
Ngọn đèn tàn thiếp khâu…
Sau khi buổi diễn kết thúc, cô đào đã chủ động đến gặp ngỏ lời cảm ơn Lương Thế Vinh. Tuy mới gặp mà dường như đã biết nhau từ lâu, hai người trò chuyện vui vẻ, quyến luyến. Bởi vậy mà ông có được một lần trong đời nói chuyện kề cận bên nàng. Biết Lương Thế Vinh sắp đi thi, dẫu rất có cảm tình với chàng nhưng cô đào không dám thổ lộ vì mình là phận gái ai làm chuyện “cọc đi tìm trâu”, cũng vì tình cảm sợ ảnh hưởng đến bước đường công danh của chàng, hơn nữa quan niệm Nho giáo khắt khe, những kẻ như mình là phận “xướng ca vô loài” hèn kém, sao sánh được mà đòi với cao với con người tài đức đó mà tương lai chắc chắn sẽ hiển đạt khi gặp hội rồng mây. Còn Lương Thế Vinh cũng mê mệt tiếng hát và nét duyên đằm thắm của cô đào, chàng đã đắm đuối nhìn như muốn ngỏ lời hẹn hò gặp gỡ, nhưng cô đào chỉ động viên chuyện học hành, thi cử không cho biết cả tên tuổi lẫn quê quán của mình… Hôm sau phường chèo rời đi diễn ở nơi khác, Lương Thế Vinh muốn đi tìm cô đào mà ông luôn nhớ nhưng không cách gì tìm được…
Thời gian thấm thoát trôi qua, Lương Thế Vinh đăng tên tham dự, đỗ Giải Nguyên trong kỳ thi Hương, rồi vượt qua kỳ thi Hội với danh hiệu Hội Nguyên, vào thi Đình, đoạt học vị Trạng Nguyên. Khi về vinh quy bái tổ, ông lấy con gái thầy học của mình khi cha mẹ hối thúc mau chóng yên bề gia thất, muốn tiểu đăng khoa cùng với đại đăng khoa, “song hỉ lâm môn”.
Truyền rằng để đón mừng quan Trạng, các quan lại và chức dịch địa phương cùng dân làng mở hội để khao vọng, có mời gánh chèo đến hát góp vui. Đinh mệnh thật trớ trêu, trong gánh chèo đó có cô đào năm xưa! Biết chuyện chàng trai kéo nhị ngày trước nay đã đỗ Trạng nguyên, lại vừa có vợ, cô đào thấy buồn tê tái, đêm đó cô đem tất cả tâm sự của mình gửi vào lời ca, cô hát hay đến mức rất nhiều người xúc động đến rơi nước mắt. Cũng trong đêm đó, tủi cho số phận hẩm hiu, cô đào để lại một bài thơ tuyệt mệnh rồi tự tử!. Hay tin dữ, Trạng nguyên Lương Thế Vinh vô cùng đau đớn xót thương, tự làm bài văn tế thống thiết bi ai, sau đó ông cho lập miếu thờ cô đào tại giáp Nhất của làng Cao Hương, dân làng gọi đó là miếu Ả Đào và thôn có ngôi miếu thì gọi là Đào thôn hoặc xóm Đầu.
Sau khi Lương Thế Vinh qua đời, nhớ ơn công đức của ông, dân làng đã lập đền thờ tôn ông làm phúc thần, thế là Cao Hương trước có miếu Ả Đào, nay có thêm đền thờ quan Trạng. Số phận không cho hai con người tài hoa đến được với nhau nhưng hẳn ở nơi suối vàng, chốn u linh huyền ảo họ sẽ ở bên nhau.
Bài thơ khước từ lương duyên
Ngoài mối tình buồn với cô đào nương, Lương Thế Vinh còn có một mối tình nữa nhưng quan hệ giữa hai người cũng không thể kết thành đôi bởi chính ông đã chủ động khước từ chuyện lương duyên này. Tương truyền sau khi đỗ thi Hương, Lương Thế Vinh về kinh đô Thăng Long ôn luyện thêm kinh sách, chờ ngày vào thi Hội. Nhiều cử nhân Nho học cũng tập trung rất đông, trong số những nho sinh, văn sĩ mới quen biết, có một người nhà ở Hàng Đào rất khâm phục danh tiếng của chàng thanh niên từng được mệnh danh là thần đồng làng Hương, anh tài đất Sơn Nam nên một mực mời về nhà mình.
Nhà người bạn mới này gia cảnh khá giả, anh ta có một người em gái tên là Thị Liệu nhan sắc xinh đẹp, được học hành chu đáo, biết làm thơ vẽ tranh nên có ý muốn gán ghép cho bạn. Qua đôi lần đi lại, gia đình cô gái rất ưng ý nhắm làm con rể, Thị Liệu cũng tỏ ý yêu thương thuận lòng, còn Lương Thế Vinh cũng có cảm tình với người đẹp.
Trước hôm vào thi Hội, Lương Thế Vinh đến từ biệt Thị Liệu để về quê lấy thêm tiền, gạo và cũng để thưa chuyện với cha mẹ tính chuyện mai mối đám này. Khi chia tay, cô gái không nói lời khích lệ mà đưa cho chàng một bài thơ không đề viết bằng chữ Hán:
Thủ huề lợi phủ thượng sơn lâm,
Nhất thất tiều phu nhật nhập thâm.
Yên hạ hoành đao từ bộ chí,
Phương môn môn nội hữu tình nhân.
Nghĩa là:
Tay cầm búa sắc vượt rừng sâu,
Một gã tiều phu chẳng đợi lâu.
Lưng giắt ngang đao thong thả bước,
Cửa vuông, trong cửa đón yêu nhau.
Đọc xong bài thơ, Lương Thế Vinh rất buồn, chàng hiểu ngay ý nghĩ của cô gái, nàng tỏ vẻ kiêu kỳ, hóa ra tình cảm có động cơ khác, chỉ say mê mình vì danh vọng, cô muốn nếu thi đỗ thì mới có chuyện tình duyên, chứ còn không thì đừng nghĩ đến nữa… Tình yêu toan tính đó thật khó mà bền lâu được, suy nghĩ chốc lát, Lương Thế Vinh viết một bài thơ tứ tuyệt họa lại gửi nàng:
Hà lao tâm lực nhập sơn lâm
Thế vấn xuân quang sắc thiểu thâm.
Bất dụng yên đao nguyên nhật chỉ,
Kinh sư bất thiểu hữu tình nhân.
Nghĩa là:
Cần chi vất vả tới rừng sâu,
Thử hỏi ngày xuân được bấy lâu?
Giữa hội chẳng cần đao dẫu quý
Kinh kỳ nào thiếu kẻ yêu nhau.
Qua bài thơ của mình, Lương Thế Vinh đã nói rõ quan điểm, với ông hôn nhân và tình yêu phải ở tình cảm chân thành, nếu yêu vì danh vì lợi thì không thể có hạnh phúc. Thế là từ đó, Lương Thế Vinh không bao giờ qua lại nhà cô gái đó nữa và rồi quên hẳn mối duyên tình này để lo cho chuyện thi cử, chuyện quan trường và gia đình.
Lê Thái Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét