Chuyển đến nội dung chính

THƯỢNG VÀNG HẠ CÁM 7/c (Đồng den)

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Vì Sao "Đồng Đen" Có Giá Đắt Hơn Vàng Ở Việt Nam
 

Băng giang hồ miền Tây lừa bán đồng đen lĩnh hơn 134 năm tù

Lừa bán đồng đen để cướp tiền


Chiếc xe 7 chỗ vừa dừng lại bên đường thì một nhóm người bịt mặt đi trên ba xe máy lao đến dùng dao tấn công những người trên ôtô cướp 400 triệu đồng.
Theo hồ sơ vụ án, chiều 8/2/2014 trong lúc mọi người đang vui Tết thì ở ấp Tân Hiệp, xã Tân Lợi, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang xảy ra vụ cướp táo tợn.
Chiếc xe 7 chỗ vừa dừng lại bên đường thì một nhóm người bịt mặt đi trên ba xe máy lao đến dùng dao tấn công những người trên ôtô cướp 400 triệu đồng rồi tẩu thoát.
Lua ban dong den de cuop tien hinh anh 1
Một nạn nhân bị cướp tài sản thông qua việc lừa đảo mua bán đồng đen nhận lại số tiền bị cướp.
Từ lời khai của nhóm bị hại, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an An Giang bắt giữ Huỳnh Văn Dũng (38 tuổi, ở xã Châu Lăng, Tri Tôn, An Giang) và Huỳnh Thanh Liêm (36 tuổi, ở thị trấn Ba Chúc, Tri Tôn). Qua lời khai của 2 nghi can chủ mưu, công an lần lượt bắt giữ hơn chục người liên quan.
Kết quả điều tra cho thấy Dũng làm quen với ông Vy Liêm Định (ở phường Blao, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng). Dũng sắp đặt cho Liêm gặp ông Định để mua bán cục đồng đen  một kg giá 30.000 USD. Tưởng gặp mối bở, ông Định bàn bạc chuyện mua bán đồng đen với ông Lê Quang Tuấn (ngụ thị trấn Lạc Tánh, Tánh Linh, Bình Thuận) và ông Nguyễn Đức Anh Quân (kỹ thuật viên Công ty Vàng bạc đá quý Tân Bình, TP.HCM).
Ngày 6/2/2014 nhóm ông Định gồm 5 người đi ôtô đến xã Tân Lợi. Liêm yêu cầu: “Phải trưng ra 500 triệu đồng để chứng tỏ đủ khả năng mua mới cho xem hàng”.
Hai hôm sau tại điểm hẹn, theo giao ước nhóm khách chỉ để mình Phan Hoài Song Tuấn (vốn là công an viên thị trấn Gia Huynh, Tánh Linh, Bình Thuận) ngồi trên ôtô. Lên xe xem tiền xong, Liêm liền móc roi điện ra khống chế và giật túi tiền.
Cùng lúc đó, đồng bọn của Liêm ở gần đó lao đến dùng dao tấn công. Tuấn rút súng R90 mang theo chống trả nhưng đạn không nổ, bị dao đâm trúng phải bỏ chạy. Lê Văn Anh (tài xế đi cùng Tuấn) bị đâm một nhát vào bụng.
Ngoài Liêm, Dũng cùng 4 người trực tiếp tham gia vụ cướp này, một số nghi can liên quan khác cũng bị bắt do che giấu tội phạm, trong đó có Tống Hoàng Huy (40 tuổi, ngụ xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn).
Mở rộng vụ án, cơ quan điều tra còn “phăng” ra trước đó Huy cùng Nguyễn Văn Buôl và Trần Văn Um (ở Bình Sơn, Hòn Đất, Kiên Giang) dựng màn kịch lừa bán đồng đen để cướp 550 triệu đồng của ông Lê Văn Tuấn (ở xã Thừa Đức, Bình Đại, Bến Tre).
Sau khi Huy bị bắt giam, Um và Buôl bỏ trốn nhưng bị bắt theo lệnh truy nã. Thiếu tá Đặng Tư Thường, điều tra viên, cho biết Um từng có hai tiền án về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng qua lừa bán đồng đen.
Vừa mãn hạn tù vào đầu năm 2012, Um lại tiếp tục cấu kết với một số người khác để lừa đảo, cướp 500 triệu đồng của ông Huỳnh Văn Phúc (ngụ ở Thạnh Phú, Cờ Đỏ, Cần Thơ).
http://tuoitre.vn/tin/phap-luat/20150112/lua-ban-dong-den-de-cuop-tien/697728.html
Theo Đức Vịnh/Tuổi Trẻ

Xử nhóm lừa bán đồng đen, cướp 300 triệu đồng

28/09/2015 16:04

(NLĐO)- Để có tiền tiêu xài, Dũng bảo Liêm giả bán đồng đen nặng 2,7 kg và phải nhận cọc 500 triệu đồng để sau đó lừa lúc người mua sơ hở sẽ ra tay cướp tiền.

Ngày 28-9, TAND tỉnh An Giang mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án Huỳnh Thanh Liêm cùng đồng bọn lừa đảo, cướp tiền của người mua đồng đen về tội “Cướp tài sản”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Che giấu tội phạm” và “Không tố giác tội phạm”.

Huỳnh Thanh Liêm tỏ ra thành khẩn khi trả lời thẩm vấn.
Huỳnh Thanh Liêm tỏ ra thành khẩn khi trả lời thẩm vấn.
Theo cáo trạng, vào ngày 17-12-2013, Huỳnh Văn Dũng (SN 1976, tự "Dũng bến xe", "Dũng thẹo", ngụ tỉnh An Giang) được Neng (không rõ nhân thân) giới thiệu có 2 vợ chồng tìm mua đồng đen, đem theo rất nhiều tiền.
Dũng gặp Huỳnh Thanh Liêm (SN 1978, ngụ thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) bảo giả đang có đồng đen nặng 2,7 kg, bàn sẽ ra giá 30 triệu USD/kg, muốn mua phải đặt cọc trước 500 triệu đồng. Sau đó, nếu thấy người mua sơ hở thì Liêm giật tiền bỏ chạy.
Ngày 2-2-2014, Vy Liêm Định, Vũ Ngọc Thủy và Nguyễn Minh Tâm đến nhà Lê Quang Tuấn (ở thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận) để bàn chuyện đi mua đồng đen về bán lại kiếm lời.
Đến khoảng 8 giờ ngày 8-2-2014, nhóm này mang theo tiền đến gặp Liêm trước cửa nhà Chau Kim Nô (ở xã Tân Lợi, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) để thực hiện giao dịch. Do thấy khó giật được tiền nên Liêm điện thoại cho Dũng để rủ thêm Lê Văn Lành (SN 1983), Võ Văn Minh Tàng (SN 1989), Nguyễn Bội Ngọc (SN 1989), Lê Thanh Bình (SN 1980), Đỗ Văn Hỗ (SN 1994), Võ Văn Phèn (SN 1987) mang theo 4 con dao Thái Lan đến và mượn 1 roi điện.

Cả nhóm của Liêm đứng trước vành móng ngựa.
Cả nhóm của Liêm đứng trước vành móng ngựa.
Khi bên mua đến, Liêm yêu cầu chỉ Lê Quang Tuấn ở trên xe để cùng kiểm tra tiền mặt. Do quá nôn nóng nên sau khi thấy Phan Hoài Song Tuấn (đi cùng xe với Quang Tuấn) nhặt tiền đưa vào lại ba lô nên Liêm cùng đồng bọn khống chế, cướp tiền rồi lên xe máy tẩu thoát.
Dù trong ba lô chỉ cướp được chỉ có 300 triệu đồng nhưng cả bọn đã cùng chia nhau tiêu xài. Từ ngày 18-2 đến 28-2-2014, Liêm cùng đồng bọn bị khởi tố và bắt tạm giam.
Trước đó vào khoảng tháng 5-2011, Dũng từng tham gia lừa đảo bán đồng đen để chiếm đoạt 100 triệu đồng của 1 nạn nhân khác đến từ TP HCM.
Dự kiến HĐXX sẽ tuyên án vào ngày mai, 29-9.
T.Nốt

Vụ án cục đồng đen trị giá 150 triệu đô

Thứ Bảy, ngày 27/07/2013 18:10 PM (GMT+7)

Võ Văn Chiến và Phạm Thế Hùng lúc trước cũng là hai nạn nhân của một phi vụ lừa đảo mua đồng đen giả. Thay vì rút kinh nghiệm để không không bị lừa nữa thì hai người lại “tương kế tựu kế” trở thành kẻ lừa đảo khi cùng nhau lừa một người dân khác mua đồng đen giả để bòn rút tiền của họ.

90 triệu USD cho một ký đồng đen
Cuối tháng 6 vừa qua, CSĐT Công an TP.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang cho biết vừa bắt tạm giam hai đối tượng là Võ Văn Chiến (SN 1955, ngụ tại ấp Suối Lớn, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc) và Phạm Thế Hùng (SN 1976, ngụ tại ấp Vĩnh Đông, xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) để điều tra hành vi lừa đảo. Nạn nhân của Chiến và Hùng là bà Đặng Thị Kiểu (sinh năm 1964) ngụ tại xã Đông Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang.
Theo điều tra ban đầu, Chiến và Hùng từ tháng 6/2012 đến 3/2013, qua giới thiệu nên quen bà Kiểu. Với ý định ban đầu tiếp cận bà Kiểu để lừa đảo, hai đối tượng trên nhiều lần tỉ tê cho bà Kiểu biết có quen một người phụ nữ tên Tuyết ở Trà Vinh đang sở hữu một cục đồng đen nặng 1,1kg, và có giá là 90 triệu USD. Cả hai còn thêu dệt đã liên lạc với một công ty “phóng xạ hạt nhân” nào đó của Mỹ và được đồng ý mua lại với giá 150 triệu USD.
Với nội dung của câu chuyện trên Chiến và Hùng đã dụ được bà Kiểu tham gia vụ mua bán không có thật này để hòng bòn rút tiền của bà. Với số tiền lời chênh lệch lên đến hàng chục triệu USD, bà Kiểu như bị thôi miên trước số tiền quá lớn. Lúc này, Chiến và Hùng lại xưng danh mình là “tình báo” nên nắm được rất nhiều thông tin về tình hình mua bán đồng đen trong nước nên bà Kiểu càng tin “sái cổ”. Đến tháng 3/2013 số tiền mà chúng lấy từ bà Kiểu đã vượt qua con số 1,3 tỷ đồng. Để bà Kiểu yên tâm giao tiền, mỗi lần nhận tiền chúng đều ghi biên nhận cho bà và không quên dùng đủ mọi thủ đoạn để trấn an bà.
Vụ án cục đồng đen trị giá 150 triệu đô - 1
Phạm Thế Hùng, Võ Văn Chiến
Từ lúc quen biết hai đối tượng lừa đảo và ôm giấc mơ triệu đô, bà Kiểu đã gom góp tài sản của mình và mượn thêm rất nhiều từ những anh em trong gia đình để có thêm tiền “đặt cọc” mua đồng đen từ bọn lừa đảo. Gần một năm trôi qua mà chưa thấy đồng đen đâu, bà Kiểu sốt ruột thấy rõ, hỏi đến Hùng và Chiến thì cả hai luôn viện cớ là chưa cúng được cục đồng nên chưa mang đi được, khi thì chúng lại bảo một vị trụ trì đang cất giữ cục đồng này và chưa cho mang ra ngoài…
Sau nhiều lần hẹn không có điểm dừng, bà Kiểu sinh nghi liền bí mật tố cáo sự việc lên với công an TP.Rạch Giá. Sau đó, bà Kiều tiếp tục liên lạc với nhóm lừa đảo để đưa chúng vào tròng. Sau khi bị bắt, tại cơ quan công an, hai đối tượng Chiến và Hùng khai nhận ngoài bà Kiểu ra chúng còn lừa đảo được nhiều người dân khác với số tiền từ hàng chục triệu đến vài trăm triệu, thủ đoạn của chúng vẫn là dụ nạn nhân góp vốn mua đồng đen rồi bán lại để hưởng chênh lệch hàng chục triệu USD. Cơ quan CSĐT Công an TP.Rạch Giá hiện mở rộng điều tra hành vi lừa đảo của hai đối tượng Hùng và Chiến.
Tan cửa nát nhà vì giấc mơ đồng đen
Bà Đặng Thị Kiểu là nạn nhân của vụ lừa đảo trên và cũng chính là người đứng ra tố cáo. Nhiều năm nay bà Kiểu chuyển hộ khẩu thường trú từ huyện An Biên sang huyện An Minh tỉnh Kiên Giang để sinh sống. Nạn nhân từ trước đến nay sinh sống bằng nghề buôn bán thủy sản, bà đi khắp vùng và các tỉnh lân cận như Bạc Liêu, Cà Mau để thu mua thủy sản rồi mang lên TP.HCM bán lại. Công việc thuận lợi nên bà cũng để dành được kha khá tài sản nhưng sau vụ lừa đảo trên bà Kiểu rơi vào hoàn cảnh trắng tay.
Vụ án cục đồng đen trị giá 150 triệu đô - 2
Giá trị cao của đồng đen khiến một số người hám lợi bị lừa đảo.
Trao đổi với PV, bà Kiểu cho biết: “Gần một năm trước, tôi được một ông bạn giới thiệu làm quen với Hùng và Chiến, hai người này ăn mặc lịch sự và sang trọng lắm. Chúng nói với tôi là đang làm nghề tình báo gì đó và đang hoạt động ở địa bàn các tỉnh ĐBSCL, tôi tin tưởng chúng và không một chút nào nghi ngờ cả, ai ngờ chúng là kẻ lừa đảo”.
Sau khi làm quen với bà Kiểu, Hùng và Chiến mới bắt đầu kế hoạch lừa đảo. Trong những lần trò chuyện với bà, chúng thường kể chuyện có quen một người sở hữu 1,1kg đồng đen đang muốn bán với giá 90 triệu USD. Ngoài ra chúng còn thêu dệt nên những chức năng thần thánh cũng như giá trị vô giá của đồng đen như: Nếu để cục đồng đen gần thủy tinh thì sẽ bị vỡ, không bị nung chảy, đồng đen là kim loại đem lại nhiều may mắn cho người sở hữu nó… tất cả những điều Chiến và Hùng nói đều khiến cho bà Kiểu và những nạn nhân khác tin là thật và như bị mê hoặc bởi khối kim loại quý và món tiền hàng chục triệu USD lợi nhuận nên nhiều người bất chấp rủi ro để hùn vốn mua bán với Hùng và Chiến. Họ đâu biết rằng những đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình đang được Hùng và Chiến dùng để tiêu xài, mua sắm, ăn nhậu như những vị đại gia.
Để có đủ tiền đưa cho hai đối tượng Chiến và Hùng, bà Kiểu ngoài vét hết tài sản của mình còn vay mượn thêm của anh chị em trong gia đình, bà cho biết: “Tôi thật sự đã bị chúng lừa, lúc đầu tôi chưa tin lắm nên lên tận Bình Dương để dò hỏi một công ty chuyên mua đồng đen, họ nói đồng đen có thật và họ sẽ mua với bất cứ giá nào. Thấy mọi chuyện chắc ăn như thế tôi mới quyết định đưa tiền cho chúng. Tiền để dành không đủ tôi lại mượn sổ đỏ đất đai, nhà cửa của anh chị em trong nhà để vay tiền đưa cho chúng, bây giờ tôi không biết phải ăn nói sao với người thân của mình đây nữa”.
Ông Đặng Văn Năm, ngụ ấp Tây Sơn 1, xã Đông Yên, (An Minh, Kiên Giang) là anh trai của bà Kiểu cho em gái mình mượn sổ đỏ thế chấp 15 công đất ruộng vay 150 triệu đồng đưa cho Chiến và Hùng. Bà Lê Thị Ánh, vợ của ông Năm than thở: “Gia đình tôi nghèo khó hơn mấy anh chị em khác của ông Năm rất nhiều, biết cô Kiểu bị lừa, vợ chồng tôi cũng thông cảm lắm, bây giờ tôi chỉ mong có tiền để lấy lại sổ đỏ về cho yên tâm sinh sống”.
Ngoài vợ chồng ông Năm, những người thân của bà Kiểu hầu hết đều cho bà Kiểu vay vốn. Nặng nhất là ông Đặng Văn Phụng với 450 triệu đồng, ngoài ra còn có ông Đặng Văn Du 200 triệu đồng, Đặng Văn Quang 250 triệu đồng, Đặng Thị Phượng 180 triệu đồng… Mới đây bà Phượng qua đời do bệnh ung thư, đứa con của bà là Nguyễn Thị Trúc Giang phải “gánh” phần nợ của mẹ mình. Sổ đỏ thế chấp ở ngân hàng, đóng lãi hoài không chịu nổi nên Giang đành bán 4,5 công ruộng mới có tiền trả và để không phải đóng lãi ngân hàng.
Trao đổi với PV, bà Kiểu hối hận cho biết: “Không ngờ tôi là người kinh doanh buôn bán mà lại bị chúng lừa tức tưởi thế này. Tổng cộng tôi đã 18 lần đưa tiền cho bọn chúng với số tiền là 1,3 tỷ đồng rồi. Mỗi lần tôi giao tiền, bàn bạc công chuyện thì chi phí đi lại, ăn ở khách sạn tôi đều phải lo cho chúng. Thấy chúng cứ hẹn nay hẹn may, tôi nóng ruột hối thúc thì chúng lẩn tránh, tôi biết là mình bị lừa rồi”. Bà Kiểu hiện đang lâm vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn khi nợ nần bủa vây, lãi mẹ lãi con thi nhau đẻ, vốn làm ăn cũng không còn, khả năng không chi trả nổi nợ.
Nghiêm trọng hơn là kể từ ngày Chiến và Hùng bị bắt, thì một số người nhận là người quen, anh em của Chiến và Hùng liên tục gọi điện đến để đe dọa bà Kiểu khiến cho bà sống trong cảnh nơm nớp lo sợ. Trao đổi với PV - Thượng tá Phan Bửu Đường, Trưởng công an TP. Rạch Giá, Kiên Giang - cho biết hiện vụ việc đang được điều tra và làm rõ.
Trong thời gian sớm nhất sẽ đưa các đối tượng ra khởi tố về tội danh “Lừa đảo”. Đồng thời vị trưởng công an cho biết đây cũng là một bài học đắt giá cho người dân không hiểu biết, bị sức mạnh đồng tiền hấp dẫn trở thành miếng mồi ngon cho bọn tội phạm lừa đảo.
Theo Bạch Lang (Dòng Đời)

Điều tra vụ lừa bán 'lư hương đồng đen giá triệu đô'

2 Thanh Niên Online
Chiều 12.1, Phòng Cảnh sát điều tra về tội phạm trật tự xã hội (PC 45) Công an tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức đối chất để làm rõ vụ việc 'lừa bán lư hương đồng đen giá triệu đô' 
Chiếc lư hương 'đồng đen' mua với giá 1 triệu đồng nặng gần 4 kg, được 'bán' với giá 10 triệu USD/kg
Ảnh: Lâm Viên
Liên quan đến vụ án này, Công an Lâm Đồng vừa khởi tố 3 bị can để điều tra về hành vi "lừa đảo, chiếm đoạt tài sản", gồm: Nguyễn Thị Thu Vân (51 tuổi, ngụ xã Gia Hiệp, H.Di Linh, Lâm Đồng); Cấn Văn Tình (44 tuổi, ngụ xã Cần Kiệm, H.Thạch Thất, Hà Nội); Trần Nhựt (71 tuổi, ngụ Ninh Hòa, Khánh Hòa).
Công an Lâm Đồng đã bắt tạm giam 3 tháng đối với bà Vân, ông Tình, riêng ông Nhựt được tại ngoại do tuổi cao, sức yếu.
Trước đó, vào tháng 11.2016, Công an Lâm Đồng tiếp nhận đơn của ông Phùng Bá Trực (Q.1, TP.HCM) và ông Nguyễn Văn Lành (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) tố cáo bà Nguyễn Thị Thu Vân có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền.
Qua điều tra bước đầu, vào tháng 5.2015, thông qua mối quan hệ thông gia (con bà Vân lập gia đình với cháu của ông Trực), bà Vân nói với ông Trực mình muốn bán một lư hương bằng đồng đen nặng gần 4 kg, bán với giá 10 triệu USD/kg.
Tại cơ quan điều tra, bà Vân cho biết mình mua lư hương bằng kim loại màu đen với giá chỉ 1 triệu đồng, rồi chụp hình gửi qua mạng cho ông Trực xem. Sau khi thỏa thuận việc mua bán, ông Trực chuyển tiền cọc cho bà Vân nhiều đợt tổng cộng hơn 300 triệu đồng.
Khi bà Vân hối thúc ông Trực giao thêm tiền thì ông Trực yêu cầu phải tận mắt xem hàng mới giao thêm tiền. Bà Vân nhờ ông Nhựt vào vai chủ hàng để trao đổi trực tiếp với ông Trực. Ông Nhựt đưa ra nhiều lý do chưa thể cho ông Trực xem lư hương đồng đen. Nghi ngờ bị lừa, ông Trực làm đơn tố cáo đến cơ quan chức năng.
Trong quá trình điều tra, bà Vân khai nhận với thủ đoạn tương tự, vào năm 2011, bà Vân phối hợp với ông Tình để lừa bán lư hương "đồng đen", chiếm đoạt của ông Nguyễn Văn Lành số tiền 355 triệu đồng.

Chặn đứng vụ lừa đảo mua bán đồng đen trị giá hơn 2.000 tỷ đồng

28-07-2012 - 22:13 PM | Kim loại
Chặn đứng vụ lừa đảo mua bán đồng đen trị giá hơn 2.000 tỷ đồng

Đồng đen có thật hay không và công hiệu cũng như giá trị thực của nó ra sao vẫn còn là một bí ẩn nhưng đã từ lâu có rất nhiều lời đồn thổi xem đồng đen là một báu vật.


Ngày 27/7, Đội phòng chống lừa đảo trộm cắp (Đội 4, PC45, Công an TP Hồ Chí Minh) lập hồ sơ xử lý 10 đối tượng nằm trong băng nhóm chuyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn mua bán đồng đen.
Bọn chúng gồm Thái Văn Tuấn (36 tuổi; Giám đốc Công ty cổ phần Kim loại đá quý Ngô Trần trụ sở đặt tại phường 5, quận 8), Bùi Ngọc Nga (37 tuổi, vợ Tuấn), Hồ Quang Minh (28 tuổi, cháu Nga), Kiều Đức Thịnh (38 tuổi), Lê Anh Nguyên (39 tuổi), Mang Klong (34 tuổi, cùng quê quán Bình Thuận), Chi Oanh (27 tuổi), Ya Moi (17 tuổi), Ya Lik (19 tuổi) và Ya Liêng (39 tuổi, cùng quê quán Lâm Đồng).
Mặc dù cho đến nay, đồng đen có thật hay không và công hiệu cũng như giá trị thực của nó ra sao vẫn còn là một bí ẩn nhưng đã từ lâu, trong dân gian có rất nhiều lời đồn thổi xem đồng đen là một báu vật có thật và đầy linh nghiệm, có giá trị hơn bất kỳ loại tài sản nào.
Nằm trong nhóm người có niềm tin tuyệt đối đó là ông N.H.Bạch (52 tuổi), ngụ tại huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Thế nên trong gần 20 năm qua, mỗi khi nghe có ai cần bán cục đồng đen, dù xa hay gần, dù tốn kém bao nhiêu tiền bạc, ông Bạch cũng quyết tâm tìm đến. Nếu thật thì ông sẽ đặt cọc mua và tìm mối để bán lại kiếm lời. Theo ông, chỉ cần một lần mai mối thành công thì có ăn xài ba đời cũng chưa hết. Biết ông Bạch quá mê muội, Thái Văn Tuấn câu kết cùng Lê Anh Nguyên và các đối tượng nói trên để đưa ông Bạch vào bẫy…
Khoảng giữa năm 2011, Lê Anh Nguyên bắn tin với ông Bạch là có một nhóm người dân tộc thiểu số ở huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) có "con hàng" (từ dùng ám chỉ đồng đen) nặng 4,3kg thật 100%. Tất nhiên ông Bạch tìm đến ngay và được Nguyên giới thiệu gặp Ya Liêng là chủ nhân của "con hàng". Sau vài lần thử, ông Bạch tin chắc đây chính là thứ mà mình đã đi tìm bấy lâu nay. Ông Bạch hỏi giá bao nhiêu, Ya Liêng chắc nịch 660 tỷ đồng. Ông Bạch "Ok" và hẹn sẽ liên hệ lại sau.
Theo kịch bản mà Tuấn và Nguyên vạch ra, khi ông Bạch lân la tìm mối để bán lại thì lập tức Thái Văn Tuấn xuất hiện. Tuấn đã đồng ý mua với giá 100 triệu USD (tương đương hơn 2.000 tỷ đồng) và yêu cầu được xem hàng tại TP Hồ Chí Minh. Ngay tức tốc, ông Bạch điện thoại cho Ya Liêng yêu cầu mang "con hàng" xuống để chờ giao dịch.
Khi nhóm của Ya Liêng đến nơi ông Bạch bố trí cho nghỉ tại khách sạn T.B nằm trên đường Nguyễn Trãi, quận 5 và yêu cầu Nguyên canh giữ nhóm người này để chờ đến khi Tuấn đến xem hàng. Do món lợi thu được từ phi vụ này là hơn 1.300 tỷ đồng nên ông Bạch hứa khi thành công sẽ chi tiền cò cho Nguyên là 100 tỷ đồng.
Sáng 24/7, ông Bạch hẹn với nhóm của Tuấn đến quán cà phê Cát Đằng nằm trên đường Trần Hưng Đạo (quận 5) để bàn bạc phương thức mua bán. Theo yêu cầu của ông Bạch nếu như Tuấn có thiện chí mua "con hàng" thì phải đặt cọc trước 2 tỷ đồng, nếu không mua thì mất tiền cọc. Ngược lại Thái Văn Tuấn yêu cầu ông Bạch cũng phải đặt tiền bảo chứng 200 triệu đồng. Nếu như không có hàng hoặc hàng giả thì ông Bạch phải mất số tiền này. Hai bên ký hợp đồng và bỏ 2,2 tỷ đồng vào vali.
Liền sau đó một người trong nhóm của Tuấn điện thoại thông báo để Nguyên cùng đồng bọn rút khỏi khách sạn (vì mục đích của chúng là chiếm đoạt số tiền 200 triệu đồng mà ông Bạch ký quỹ). Tuy nhiên, cùng thời điểm này, hai mũi trinh sát của Đội 4 ập vào quán cà phê Cát Đằng và khách sạn T.B. bắt giữ các đối tượng và đưa về trụ sở Công an làm việc. Tang vật thu giữ gồm 1 chiếc va li bên trong có 2,2 tỷ đồng, 1 bình ắc quy, một cuộn dây điện, 2 con dao, một bình tăng áp cùng một… cục nhựa màu đen mà chúng sử dụng làm đồng đen để lừa gạt.
Tại cơ quan Công an, Tuấn, Nguyên cùng đồng bọn thừa nhận bằng thủ đoạn tương tự như vậy chúng đã lừa của khá nhiều người (hiện tại xác định được 3 bị hại) chiếm đoạt hàng tỷ đồng thông qua thủ đoạn yêu cầu chi tiền thử đồng đen và tiền ký quỹ. Hiện Đội 4 đang tiến hành điều tra mở rộng vụ án. Ai là nạn nhân của nhóm lừa đảo này liên hệ Đội 4 (ĐT 08.38387224) để cung cấp thông tin.
Theo Phương Tuyền
CAND

hangnt

Đồng đen và những trò lừa đảo

21:20 21/05/2009

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC14) CATP HCM vừa triệt phá vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản có liên quan đến... đồng đen (có người còn gọi là đá thiên thạch). Vậy đồng đen và đá thiên thạch như thế nào mà khiến nhiều người phải bỏ ra hàng tỉ đồng để sở hữu nó?

Công nghệ "chế tác" đồng đen và những cú lừa bạc tỉ

“Gian thương” thừa nhận những cục đồng đen trị giá tiền tỉ được chế tác một cách khá đơn giản. Bọn chúng ra chợ mua chì lá về để vào lon sữa đã sử dụng đun cho chảy ra rồi khoét một lỗ dưới đất đổ xuống hoặc đổ vào sọ dừa, bên trên bôi trơn bằng lớp mỡ và sáp đèn cầy… Khi đã tạo ra sản phẩm, bọn chúng chỉ việc tung tin về những khả năng kì bí, cũng như giá trị của đồng đen để dẫn dụ các nạn nhân hám lợi vào bẫy rồi lừa bạc tỉ.
Ngày 1/11, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45), Công an tỉnh An Giang cho biết, đã có kết luận điều tra ban đầu về 2 vụ án lừa đảo mua bán đồng đen, trị giá hàng chục tỉ đồng trên địa bàn huyện Châu Thành và huyện biên giới Tịnh Biên (An Giang).
Liên quan đến vụ án, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam 6 đối tượng, gồm: Trần Văn Nghĩa (tự Bé Năm, 50 tuổi), Nguyễn Văn Hùng (37 tuổi), Nguyễn Văn Hoàng (41 tuổi), Nguyễn Văn Lái (41 tuổi), Trần Văn Bé (45 tuổi, tất cả cùng ngụ An Giang) và Hồ Văn Thống (36 tuổi, ngụ Kiên Giang) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hiện vụ án đang được điều tra mở rộng và truy xét các đối tượng có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.
Dính cú lừa ngoạn mục… vì hám tiền
Thiếu tá Nguyễn Thanh Hùng, Đội trưởng Đội Điều tra án xâm phạm sở hữu và các tội phạm khác, Phòng PC45 Công an tỉnh An Giang cho biết: "Để đưa các nạn nhân vào bẫy, các đối tượng dựng lên khá công phu gồm có người mua, người bán, người trung gian tạo thành một đường dây khép kín nhằm tạo lòng tin của "con mồi" để lừa đảo, chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng".
Cục đồng đen trị giá tiền tỉ mà bọn chúng mang đi lừa đảo, được giám định là chì "nguyên chất".
Trong vụ lừa bán đồng đen cho anh Lâm Văn Tân (26 tuổi, ngụ Bình Phước) với giá 10 tỉ đồng, nhóm đối tượng do Lý Hồng Tâm cầm đầu đã thực hiện một màn kịch khá hoàn hảo. Trước khi thực hiện kế hoạch, bọn chúng phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người. Tâm "chủ xị" giữ nhiệm vụ "chế tác" đồng đen, chuẩn bị các dụng cụ thử gồm: kính, hộp quẹt gas, ống nhiệt kế và diêm quẹt đã bị biến dạng. Hùng và Hoàng có trách nhiệm lừa tráo đổi các dụng cụ thử đồng đen khi có người đến mua, còn Nghĩa làm trung gian mua bán.
Thông qua các mối quan hệ, nhóm của Tâm đã liên lạc với anh Tân rao bán đồng đen với giá 10 tỉ đồng. Theo kế hoạch, bọn chúng "điều" nạn nhân từ TP Hồ Chí Minh xuống huyện Châu Thành (An Giang) để thử đồng đen và thỏa thuận giá cả. Tại đây, bọn chúng cũng yêu cầu, chỉ có một mình nạn nhân được vào xem hàng và phải để bọn chúng kiểm tra các dụng cụ thử mà nạn nhân mang theo. Lấy lý do đồng đen là vật linh thiêng nên trong quá trình thử, bọn chúng yêu cầu nạn nhân phải cúng lạy, tạo cơ hội cho đồng bọn đánh tráo các dụng cụ thử bị biến dạng.
Khi thấy các dụng cụ bị biến dạng (đã bị tráo đổi), nên anh Tân tin thật và đồng ý mua cục "đồng đen" với giá 10 tỉ đồng, đặt cọc trước cho bọn chúng 400 triệu đồng. Tưởng trúng cú đậm, vì trước khi xuống xem hàng, anh Tân đã gặp một khách hàng ở TP Hồ Chí Minh (do bọn chúng đóng giả), đồng ý mua cục đồng đen với giá 25 tỉ.
Nhận tiền từ nạn nhân, bọn chúng đã nhanh chân bỏ trốn và chia chác số tiền vừa chiếm đoạt. Còn nạn nhân thì không thể liên lạc được với vị "khách sộp", có nhu cầu mua đồng đen. Biết bị lừa, nạn nhân đã đến cơ quan Công an trình báo sự việc, qua truy xét Phòng PC45 Công an tỉnh An Giang đã bắt giữ Hùng, Hoàng và Nghĩa về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Một số đối tượng vụ án.
Với thủ đoạn tương tự, các đối tượng Hồ Văn Thống, Nguyễn Văn Lái và Trần Văn Bé đã chiếm đoạt của ông Huỳnh Văn Phúc (43 tuổi, ngụ TP Cần Thơ) với số tiền 500 triệu đồng khi giao dịch mua bán đồng đen. Trước khi giăng bẫy nạn nhân, Hồ Văn Thống giới thiệu với ông Phúc là có mối làm ăn mua bán đồng đen thu lợi nhuận rất cao, chỉ cần một cú giao dịch sẽ kiếm được tiền tỉ. Thống "nổ banh xác" mặt hàng đồng đen trên thị trường rất dễ bán và biết có một Giám đốc Công ty sưu tầm đổ cổ ở TP Hồ Chí Minh đồng ý mua với giá 5 tỉ đồng.
Để nạn nhân tin tưởng, Thống cũng huyễn hoặc chỉ cho nạn nhân cách thử đồng đen, bằng cách dùng miếng kính và diêm quẹt để gần cục đồng đen nếu kính bị vỡ, nứt, diêm quẹt bị hư là đồng đen thật. Không chút hoài nghi, chiều ngày 20/3, ông Phúc nhờ Thống hẹn gặp Lái và Bé, để thử đồng đen. Như kịch bản, lúc thử đồng đen, Lái và Bé kêu ông Phúc đứng cách xa khoảng 100m, để tránh những mảnh kính bị vỡ vì sức mạnh huyền bí của đồng đen, tạo điều kiện cho bọn chúng tráo đổi các dụng cụ thử.
Thử hàng xong, ông Phúc đồng ý mua cục đồng đen với giá 2,5 tỉ đồng và đưa trước cho bọn chúng 500 triệu đồng. Nhận tiền xong, Lái và Bé đã đánh bài chuồn, tẩu thoát khỏi hiện trường. Khi phát hiện bị lừa, ông Phúc đã tri hô người dân bắt giữ được Bé đang trên đường bỏ trốn. Còn Lái và Thống cũng bị cơ quan điều tra bắt ngay sau đó, thu hồi 430 triệu đồng hoàn trả cho nạn nhân.
Chế tác đồng đen… bằng chì lá
Tại cơ quan điều tra, bọn chúng thừa nhận những cục đồng đen trị giá tiền tỉ được chế tác một cách khá đơn giản. Bọn chúng ra chợ mua chì lá về để vào lon sữa đã sử dụng đun cho chảy ra rồi khoét một lỗ dưới đất đổ xuống hoặc đổ vào sọ dừa, bên trên bôi trơn bằng lớp mỡ và sáp đèn cầy.
Sau đó, đậy nắp sọ dừa lại chờ nguội chì sẽ đông thành cục tròn rồi lấy cưa sắt loại nhỏ mài giũa lại cho nhẵn bóng và lấy viết mực lông màu xanh bôi lên là xong. Khi đã tạo ra sản phẩm, bọn chúng chỉ việc tung tin về những khả năng kì bí, cũng như giá trị của đồng đen để dẫn dụ các nạn nhân hám lợi vào bẫy.
Thiếu tá Dương Tư Thường, Đội phó Đội Điều tra án xâm phạm sở hữu và các tội phạm khác, Phòng PC45 Công an tỉnh An Giang khuyến cáo, những vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức mua bán đồng đen giả sẽ vẫn còn tiếp diễn nếu xã hội vẫn còn những người có nhu cầu muốn sở hữu thứ được cho là huyền bí này

Lừa bán thiên thạch rởm 300 tỷ đồng cho đại gia Sài Gòn

Nhóm người khoe có đá thiên thạch nặng gần 5 kg tìm đủ cách lừa bán cho đại gia ở TP HCM với giá 300 tỷ đồng.



Ngày 4/7, Công an Khánh Hòa tạm giữ Phan Thành Dư (39 tuổi), Lê Anh Nguyên (44 tuổi) cùng các đồng phạm để điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo điều tra ban đầu, Dư làm thuê cho ông Bùi Văn Sang (66 tuổi, ở TP HCM), biết đại gia là người giàu có, rất mê thiên thạch. Mỗi khi hay tin nơi nào có nguồn hàng, đại gia đều tìm mua.
Dư bàn với bạn là Lê Anh Nguyên lập kế hoạch để lừa. Khi nghe Dư khoe biết một gia đình dân tộc thiểu số sở hữu cục thiên thạch nặng gần 5 kg, bán giá 300 tỷ đồng, đại gia liền yêu cầu đưa đến mua bán lại kiếm lời.
Để ông này tin, Nguyên gọi một số người dân tộc thiểu số ở Bình Thuận, Lâm Đồng giả đóng vai người sở hữu đá quý, mang mẫu thiên thạch cho đối tác kiểm chứng. 
lua-ban-thien-thach-rom-300-ty-dong-cho-dai-gia-sai-gon
Hai nghi can tại công an. Ảnh: X.N
Ngày 23/6, nhóm lừa đảo đến gặp ông Sang tại quán cà phê ở huyện Diên Khánh, Khánh Hòa. Tại đây, chúng dùng tấm kính đặt sát hộp được cho là thiên thạch trong 5 phút thì tấm kính tự rạn nứt, vỡ từng miếng li ti.
Ông Sang tin tưởng đấy là thiên thạch thật, liền đồng ý mua, rồi đưa cho chúng 1,3 tỷ để đặt cọc, khi nhận "đá trời" sẽ giao đủ tiền.
Tới chiều, ông Sang gặp Nguyên, yêu cầu để người bạn đi cùng kiểm tra hàng lần nữa. Bất ngờ, Nguyên giật giỏ xách đựng hộp thiên thạch, nhảy lên xe đồng phạm phóng đi.
Gần 900 triệu cùng nhiều tang vật thu hồi nhóm lừa đảo. Ảnh: X.N
Gần 900 triệu cùng nhiều tang vật thu hồi từ nhóm lừa đảo. Ảnh: X.N
Vào cuộc điều tra, Công an Khánh Hòa lần lượt bắt giữ nhóm lừa đảo, thu hồi gần 900 triệu đồng. Bước đầu Nguyên khai sau khi nhận tiền từ ông Sang đã chia cho nhóm người đóng giả chủ đá thiên thạch 200 triệu đồng.
Xuân Ngọc

Bí hiểm 'làng đồng đen' và những cú lừa rúng động dư luận


(VTC News) - Đồng đen là gì và tại sao người ta lại cứ bị lừa như vậy, dường như vẫn chưa có lời giải đáp rõ ràng?


Người phụ nữ ở Hải Dương khẳng định món đồ bà sở hữu là đồng đen. Ảnh Đào Thanh Tuy
Người phụ nữ ở Hải Dương khẳng định món đồ bà sở hữu là đồng đen. Ảnh Đào Thanh Tuy

Kỳ 2: Ngôi làng có nhiều cao thủ buôn… đồng đen

Thái Sơn (Thái Thụy, Thái Bình) là vùng đất nổi tiếng với những vụ buôn đồng đen đầy sự huyền bí.

Đứng ngoài cánh đồng, qua những lũy tre bát ngát, vẫn nhìn thấy ngôi nhà khang trang của Nguyễn H. Cánh cửa sắt của ngôi nhà khóa im ỉm. Ông hàng xóm bảo: "Vợ H. đi làm đồng, còn H. biệt tăm có khi vài năm trời không thấy mặt, một là ngồi tù, hai là anh ta lại đi buôn đồng đen rồi".

Thực tế, H. đang phải ngồi tù vì đóng vai chủ trò trong vụ vụ lừa đảo cục thiên thạch "trị giá" nhiều tỉ đồng ở Ninh Bình.


Ngôi nhà của Nguyễn H., ông trùm buôn đồng đen một thời ở xã Thái Sơn 
Ngôi nhà của Nguyễn H., ông trùm buôn đồng đen một thời ở xã Thái Sơn 

Ngồi quán ăn sáng, quán nước, chỗ mấy chị hóng mát rỗi việc, hỏi chuyện đồng đen, người ta kể rất hồn nhiên, rành mạch. Dường như người dân ở cái làng này coi việc các đối tượng đi buôn đồng đen như là một nghề kiếm sống, chẳng có gì xấu xa cả.

Theo lời kể của những bô lão sống lâu năm ở làng Thanh Phần, ngôi làng tập trung rất nhiều các đối tượng chuyên sống bằng "nghề" lừa đảo đồng đen thì "nghề" này có lịch sử từ một câu chuyện truyền miệng.

Chuyện rằng, xưa kia, trong làng có một người đàn bà từng làm vú nuôi cho vua (vua nào thì không ai biết). Khi già, cáo lão về quê sinh sống, đức vua yêu mến nên tặng cho chiếc cối giã trầu. Gia đình, dòng họ coi món quà đó là niềm tự hào của dòng họ nên giữ gìn rất cẩn thận, truyền lại cho nhiều đời sau như báu vật.

Để cả họ, cả làng được chiêm ngưỡng báu vật, gia đình đã sắm chiếc tủ kính để trưng bày chiếc cối giã trầu đó. Tuy nhiên, một hiện tượng lạ diễn ra, khi vừa đặt chiếc cối giã trầu đó vào tủ, đột nhiên gương rạn rồi vỡ nát. Đặt bao nhiêu gương kính vào cạnh chiếc cối đó cũng đều rạn vỡ ngay.

Nhiều người hiểu biết về đồ cổ đã tìm đến xem và đều khẳng định chiếc cối giã trầu đó là đồng đen (?!).

Từ câu chuyện hư hư thực thực đó mà cái từ đồng đen đã gắn với ngôi làng này và người lắm tiền nhiều của lại ham chơi đồ lạ ở khắp nơi đổ về làng Thanh Phần cũng như những làng xung quanh để tìm mua đồng đen.


Làng Thanh Phần 
Làng Thanh Phần 

Những năm cuối thập kỷ 70, suốt thập kỷ 80, và đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, ngày nào cũng vậy, xe lớn xe bé (rất nhiều xe mang biển Lào), người Tây, người Tàu, người Lào, người Thái rầm rập kéo về làng đông như trẩy hội.

Ông Phạm Sĩ Khoa kể, hồi còn học phổ thông, năm 1978, có một ông Tây người cao lớn, râu rậm, da đỏ như gà chọi thuê nhà ở xã Thái Hà rồi ngày nào cũng lái ôtô đến làng Thanh Phần xem đồng đen, thử hàng. Cần mẫn xem xét, thử hàng tỉ mỉ suốt một tháng trời lão Tây mới quyết định mua.

Vụ mua bán diễn ra tại miếu Tây nằm cuối làng Thanh Phần. Tuy nhiên, vụ mua bán chưa kịp diễn ra thì cả làng trở nên nhốn nháo, công an còi hụ khắp nơi, các đối tượng lừa đảo cũng mạnh ai nấy chạy. Vụ ấy, cả làng đồn ầm lên rằng, người ta thu được một bao tải tiền, mà toàn là đô la.

Đấy là vụ lừa đảo đồng đen đầu tiên ở làng Thanh Phần và có lẽ cũng là đầu tiên ở nước ta mà người dân nơi đây biết đến, kể lại rất rành mạch.

Người chủ trò cầm trịch nhóm lừa đảo này là ông Nguyễn Văn K. Sau này, người ta phong cho ông K. là ông tổ của "nghề" buôn đồng đen không những của làng Thanh Phần mà của giới lừa đảo đồng đen cả nước, mặc dù sau vụ lừa đảo tai tiếng ấy không thấy ông "tái xuất giang hồ nữa".

Tuy nhiên, vụ lừa đảo đồng đen nổi tiếng và ầm ĩ cả nước lại là vụ diễn ra năm 1981, khi nạn nhân là Bùi Xuân Hải, hay còn gọi là Hải "đồ cổ", một nhân vật giàu có khét tiếng của Hải Phòng thời bấy giờ. Ngày đó, ông Hải có biệt danh Hải "đồ cổ" vì ông ta là chuyên gia sưu tầm, buôn bán đồ cổ nổi tiếng cả nước.

Nghe nói một số đối tượng ở Thái Sơn có tượng đồng đen, Bùi Xuân Hải đã vác 1,7 kg vàng nguyên chất tìm đến mua. Tuy nhiên, vụ mua bán trên địa bàn xã Thụy Chính chưa kịp diễn ra thì nhóm lừa đảo đã tổ chức cướp sạch sẽ số vàng của Hải "đồ cổ".


Vua đồ cổ Bùi Xuân Hải, người mất cả gia sản vì dính vào vụ án mua 'đồng đen'
Vua đồ cổ Bùi Xuân Hải, người mất cả gia sản vì dính vào vụ án mua 'đồng đen'

Công an Hải Phòng và Thái Bình vào cuộc ráo riết suốt một thời gian dài mới khám phá được đường dây siêu lừa này. Bùi Xuân Hải là đối tượng thứ 29 bị mất sạch tiền bạc vì ham của nợ đồng đen.

Nói về sự thăng trầm của "nghề" lừa đảo đồng đen ở ngôi làng này, có thể chia làm ba giai đoạn: Giai đoạn lừa đảo tại làng và trong địa bàn tỉnh diễn ra từ năm 1978 đến khoảng 1985; giai đoạn lừa đảo ở các vùng biên giới và bên Lào, Campuchia diễn ra từ khoảng 1985 đến cuối thập kỷ 90 thế kỷ trước; Từ đầu năm 2000 đến nay tình trạng lừa đảo đồng đen có vẻ chững lại, song vẫn âm thâm diễn ra ở khắp đất nước.

Thủ đoạn của những nhóm lừa đảo ngày càng tinh vi hơn. Ngoài mặt hàng đồng đen thì chục năm nay đã xuất hiện những thứ giả nữa là thiên thạch và ngọc minh châu, cùng một số loại đồ cổ có giá trị mà dân chơi ham mê sưu tầm.

Hùng Đặng

Chuyện ly kỳ về "kho báu đồng đen" ở ngôi chùa cổ

Chủ Nhật, ngày 27/04/2014 19:00 PM (GMT+7)

Khi đào móng xây chùa và tiến hành đóng xà, sư thầy Thích Minh Quang bất ngờ gặp vật cản dưới lòng đất ở độ sâu 3m.

Thấy vậy, vị sư vội dùng xẻng khơi lên thì phát hiện một chiếc ấm đựng nước màu đen óng. Tiếp tục đào, sư Minh Quang lại tìm thấy một cặp gà trống đúc màu đen. Chưa dừng lại ở đó, những ngày sau, sư Quang lại phát hiện thêm một tượng Phật cổ với thiết kế rất lạ. Theo vị sư trụ trì này, nhóm cổ vật đều màu đen, rất nặng và không hề có hiện tượng gỉ sét. Nhiều luồng dư luận nghi hoặc, lão sư ông đang sở hữu một kho báu đồng đen.
Đào móng xây chùa phát hiện cổ vật
Minh Quang Tự, ngôi chùa ở vùng ngoại ô TP. HCM thuộc phường Tân Tạo (Q. Tân Phú), nhiều năm nay mang trong mình bí mật khiến giới săn lùng cổ vật thèm thuồng. Theo đó, vị sư trụ trì Minh Quang Tự đang sở hữu một kho báu đồng đen, thứ kim loại xưa nay vẫn được dân gian truyền miệng là có giá trị quý hơn vàng. Người ta còn rỉ tai nhau, nếu ai đó chỉ cần sở hữu được một phần trong số cổ vật của “kho báu” này và đem bán đi thì sẽ giàu to. Từ đây, Minh Quang Tự đã phải đối mặt với  nhiều cuộc “viếng thăm” của dân buôn đồ cổ, khách thập phương hiếu kỳ và cả phường đạo tặc.
Trở lại ngôi chùa tìm hiểu sự thực về kho báu này, chúng tôi được sư thầy Thích Minh Quang (74 tuổi), người nổi tiếng trong vùng với những chuyến từ thiện cho người nghèo, cưu mang những phận đời cơ nhỡ, cho biết: “Minh Quang Tự tính đến nay mới xây dựng được tròn 24 năm. Nơi đây, sư thầy mở giảng đường nói chuyện Phật pháp, làm nơi tu tập và nhiều năm qua hành nghề bấm huyệt chữa bệnh miễn phí cho người dân".
Chuyện ly kỳ về "kho báu đồng đen" ở ngôi chùa cổ - 1
Sư thầy Minh Quang cho rằng, ông có cơ duyên với số cổ vật. Ảnh TG
Theo sư thầy Minh Quang, chùa không ẩn chứa những câu chuyện kỳ bí như lâu nay người ta vẫn đồn thổi, ngoại trừ một số cổ vật bằng kim loại rất lạ đang lưu giữ, bảo vệ. Sư Minh Quang tin rằng, đây không phải là sự ngẫu nhiên mà giữa người và cổ vật có căn duyên nào đó. Trước khi vào câu chuyện, vị sư trụ trì kể cho chúng tôi nghe về quá khứ vất vả trước khi đến với ngôi chùa hiện tại. Tuổi thơ bất hạnh, 2 tuổi mồ côi cha mẹ. Năm 9 tuổi, cậu bé mồ côi quyết định xuất gia. Đến năm 1965, sư Minh Quang từ Đồng Tháp lên Sài Gòn, tu tại chùa Tuyền Lâm (Q.6). Tại đây, sư Minh Quang học thêm kỹ thuật bấm huyệt để sau này có cơ hội chữa bệnh cho người nghèo. Năm 1992, lúc này đã 50 tuổi, sư thầy Minh Quang quyết định rời nơi tu tập, xin về vùng Tân Tạo ngoại thành Sài Gòn để lập tịnh thất làm nơi chữa bệnh từ thiện. Quyết định này cũng chính là căn duyên giúp sư thầy Minh Quang tìm được số cổ vật kỳ lạ.
Theo sư thầy, những ngày mới khai hoang lập chùa, cả vùng đất này chỉ là đồng ruộng mênh mông ngập nước, phủ đầy lau sậy. Một mình sư thầy ngày đêm đào móng, đóng xà làm nền dựng chùa. Khi đào một đường móng sâu được khoảng 3m, sư thầy quyết định dùng cọc đóng xà chống lún. Mọi thứ vẫn diễn ra bình thường cho đến khi một chiếc cọc bị khựng lại. Lúc đó, sư thầy lấy hết sức bình sinh nện nhưng vẫn không ăn thua. Chiếc cọc không tiến thêm được phân nào khiến sư thầy có cảm giác nó bị một vật gì đó cản lại.
Thấy lạ, sư thầy dùng xẻng đào lên xem thì phát hiện một vật như cái ấm đựng nước màu đen. Sư thầy mang đi rửa sạch thì thấy bề mặt thêm nhẵn bóng và dưới ánh mặt trời, chiếc cổ vật hiện lên dòng chữ Nho, dịch ra là Minh Mạng Vương. Với hiểu biết của mình, sư thầy đoán rằng đây là cổ vật thời vua Minh Mạng để lại (?!). Đang bận bịu với việc dựng chùa, sư thầy tạm bỏ chiếc ấm sang một bên và tiếp tục đóng cọc thì lại gặp vật cản. Lần này, vật được sư thầy moi lên là một cặp gà trống màu đen óng, trông oai phong ngạo nghễ. Nhìn trực quan có thể thấy, chất liệu của cái tích và cặp gà không khác nhau. Chưa hết ngạc nhiên, khi đóng cọc tiếp, sư ông lại gặp một vật khác, lần này là một pho tượng Phật được đúc khá lạ. Bắt gặp liên tiếp những cổ vật từ lòng đất, sư thầy Minh Quang không khỏi nghi vấn, bản thân có mối duyên nào đó với người xưa. Sư thầy quyết định dừng tay, rửa sạch số cổ vật trên mang vào thất cất giữ cẩn thận.
Nghi vấn về “kho báu đồng đen”
Sư thầy Minh Quang kể, sau khi tình cờ bắt được những cổ vật trên, sư không bắt gặp thêm những cổ vật nào nữa mà chỉ có ít đồ sành sứ. Chuyện tưởng như chỉ dừng lại ở đó, sư thầy không ngờ lời đồn thổi mình bắt được kho “báu đồng đen” bị lan truyền. Những ngày sau đó, rất nhiều người đã đổ xô đến tịnh thất để xem. Trong đó, không ít tay săn đồ cổ tìm đến gạ mua nhưng sư thầy Minh Quang nhất định không bán. Những tay sừng sỏ trong giới chơi đồ cổ, sau khi xem qua số cổ vật trong tịnh thất trầm trồ cho rằng, tất cả đều được cổ nhân đúc rất tinh vi, mang nhiều dụng ý. Có lẽ vì chúng màu đen, lại không phải nhôm hoặc sắt… nên người ta đồn đoán là đồng đen.
Chuyện ly kỳ về "kho báu đồng đen" ở ngôi chùa cổ - 2
Chiếc tích, cặp gà và tượng Phật cổ. Ảnh TG
Theo sư Minh Quang, chiếc ấm cao khoảng 11cm, nặng 700gram, thân bình khắc cảnh sông nước ôm quanh ngôi cổ tự nằm trên sóng gió lồng lộng. Họa tiết đơn sơ nhưng có thần uy, gợi cho người thưởng lãm cảm giác an lành, vững chãi. Cặp gà trống cao khoảng 24cm, mỗi con nặng 1,1kg, đuôi uốn cong, dáng đứng ngạo nghễ, ngực ưỡn về phía trước. Mào răng cưa dựng đứng, mỏ uy nghi, mắt có thần. Dưới chân, mỗi con gà đều đứng lên những đồng tiền với họa tiết sắc sảo, cùng với đó là 2 chữ “Sanh Tài” bằng chữ Nho. Điều này cho thấy, nghệ nhân đúc chúng không những có dụng ý mà còn tay nghề rất cao. Sư  thầy Minh Quang cho hay, đây là cặp gà mà bản thân ông rất tâm đắc, bởi chiếu theo tuổi thì sư Minh Quang sinh năm Ất Dậu, việc xây chùa gặp tượng gà ứng với tuổi nên đây có thể coi là điềm lành, cơ duyên hiếm có trong đời.
Bức tượng Phật cũng kỳ bí không kém, theo sư Minh Quang, tượng cao khoảng 12cm, nặng 450gram. Phật ngồi ở thế kiết già, hai tay nâng bình cam lộ, gương mặt thiền định vô ưu, đầu đội lọng hình con rắn thần 7 đầu. Bên trên là một tượng Phật nhỏ, có 8 vị La Hán làm tòa cho Đức Phật ngồi thiền, nhìn như những đài sen. Góc sau của đài tượng là 2 con sư tử ứng với truyền thuyết sư tử hống của đức Phật. Toàn thân pho tượng gõ nhẹ chỗ nào cũng phát ra âm thanh. Càng gõ dần lên trên âm thanh càng vang, trong như tiếng chuông.
Trước những lời đồn đoán đây là những cổ vật quý hiếm hay kho báu đồng đen, sư thầy đều cho là hoàn toàn không có cơ sở. Sư Minh Quang khẳng định, số cổ vật trên hiện đang được lưu giữ và bảo quản cẩn thận tại chùa. Dù chúng có là đồng đen hay chất liệu quý hiếm nào đó thì nhà chùa cũng không bán, đổi. Vị sư thầy trụ trì cho biết thêm, vào những ngày lễ nhà chùa mới đem những cổ vật ấy cho Phật tử thưởng lãm. Cho đến nay, đã hơn 2 thập niên kể từ ngày phát hiện số cổ vật này, vẫn không ai biết đích xác chúng được làm bằng chất liệu gì. Có lẽ vì thế, “kho báu đồng đen” trong ngôi chùa vẫn là một câu chuyện kỳ bí, gợi sự tò mò không ngớt cho người dân trong vùng.
Đồng đen chỉ là huyền thoại?
Ông Lại Hồng Thanh (Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản, Tổng cục Địa chất và khoáng sản VN) cho biết, đồng đen là một từ dân dã, dùng để chỉ một thứ kim loại do con người luyện nên. Còn một chuyên gia của Viện Khoa học Công nghệ mỏ luyện kim cho biết, theo tài liệu nước ngoài, từ cổ xưa con người đã luyện ra đồng đen từ quặng. Đồng đen có màu đen, chứa nhiều kim loại quý (như vàng, bạc, thiếc...). Sự huyền bí của đồng đen chủ yếu do con người đồn thổi nên. Chuyên gia này cho biết, đồng đen khi tách hết các tạp chất thì ra đồng đỏ đẹp. Đồng đen có nhiệt độ nóng chảy thấp (trong khi nhiệt độ nóng chảy của đồng nguyên chất lên tới trên 1.200 độ C), dễ đầy khuôn nên người xưa có thể nấu và đúc tượng được bằng phương tiện thủ công, thậm chí dùng củi lửa để nấu đồng. Tuy nhiên, ông này cũng thừa nhận “chưa bao giờ thấy đồng đen”.
Theo Linh Nguyễn – Hàn Phong (Gia đình & Xã hội)

Bắt vụ lừa đảo “mua bán đồng đen giả” qui mô lớn

TP- Bọn lừa đảo đã dùng chì nấu thành cục, bôi đen lừa bán nhiều người. Mỗi cục rao bán từ 1 tỷ đến 5 tỷ đồng, vậy mà nhiều người đã bị lừa trong mấy năm qua.
Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội CA tỉnh Kiên Giang vừa phá một vụ án “lừa đảo đồng đen” qui mô lớn. Điều đáng nói đối tượng lừa đảo là những người dân tộc trình độ học vấn cao nhất chỉ lớp 5, thậm chí nhiều bị can còn mù chữ.
Bọn lừa đảo đã dùng chì nấu thành cục, bôi đen lừa bán nhiều người, mỗi cục rao bán từ 1 tỷ đến 5 tỷ đồng, vậy mà nhiều người đã bị lừa trong mấy năm qua.
Cầm đầu trong đường dây lừa đảo này là vợ chồng Danh Đang (còn gọi Đào Đen, SN1969) và Thị út (còn gọi Thị Hiền, 1969) cùng Danh Gìn (còn gọi Danh Hùng, 1976), Danh Viên (còn gọi Danh Duyên, 1951), đều ở huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) và Châu Khonl (1960) ngụ tại ấp An Lợi, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn (An Giang).
Bọn chúng đã hoạt động trong nhiều năm qua, lừa đảo không chỉ ở địa bàn tỉnh Kiên Giang, Cần Thơ, An Giang mà còn đi lừa tận TPHCM. Thủ đoạn của bọn chúng là lân la làm quen với những gia đình khá giả, có “máu mặt” giả bộ bắn tin  đại loại:
Có cục đồng đen quí giá là báu vật từ bao đời nay của gia tộc cần bán, hay có cục đồng đen trộm cắp trong ngôi chùa cổ từ hồi chiến tranh… Nếu khách đồng ý thì ra giá bán từ 1 tỷ đến 5 tỷ đồng, tùy cục lớn cục bé.
Sau khi đã gây được niềm tin với “con mồi”, bọn chúng “nhá hàng” và yêu cầu đặt cọc. Có trường hợp ở Bình Chánh (TPHCM) đặt cọc cả 20 cây vàng, hay như ông Nguyễn Hữu Ơn, phường Vĩnh Quang (TP Rạch Giá, Kiên Giang) bị lừa hơn 100 triệu đồng.
Đại úy Danh Ngọc Thu, Đội trưởng đội phòng ngừa tuyến địa bàn và tệ nạn xã hội phòng PC 14 nói: Bọn lừa đảo cũng không biết đồng đen là như thế nào và đều là người dân tộc Khmer, phần lớn đều mù chữ.
Ngay cả những cục gọi là “đồng đen” được chúng nấu từ chì cũng rất đơn giản, không có một sự gia công trau truốt nào. Có cục như cục đá, nặng mấy ký, sau khi đổ khuôn xong, chúng lấy bút lông màu đen, đỏ và dùng keo dán mũ loại 525 bôi lên.
Khi thử “đồng đen” thì dùng 2 cái bật lửa gas, một cái thật, một cái bơm nước lã vào. Cái bật lửa thật được bật cháy lên khi để xa cục đồng đen, và khi đưa cục “đồng đen” lên bàn thì chúng “nhanh tay nhanh mắt” lấy chiếc hộp quẹt nước lạnh bật và nói: Các ông (bà) thấy không, bật lửa để gần cục “đồng đen thật” bật bao nhiêu cũng không bao giờ phát lửa… 
Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Thượng tá Nguyễn Hoàng Vũ, trưởng phòng CSĐT PC14, CA tỉnh Kiên Giang  cho biết: Đến nay đã ra lệnh bắt tạm giam 5/9 đối tượng trong đường dây lừa đảo chuyên nghiệp nguy hiểm này.
Số tiền, vàng lừa đảo theo khai nhận ban đầu (chủ yếu đặt cọc) lên đến trên 500 triệu đồng. Tuy nhiên theo chúng tôi biết thì vẫn còn nhiều nạn nhân khác nữa, nhưng vì lí do nào đó họ chưa trình báo với cơ quan điều tra. Rất mong những người bị hại tiếp tục đến tố cáo, khai báo, hợp tác với cơ quan công an để tiếp tục phanh phui tội phạm.
Hãy đến trình báo với chúng tôi theo địa chỉ:
Cơ quan GSĐT tỉnh Kiên Giang, số 507, đường Nguyễn Chí Thanh, TP rạch Giá, điện thoại: 077.863513.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH