THIÊN ĐƯỜNG Ở ĐÂU? 4/a (Trên đất Úc)

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Việt kiều sướng thí mồ , ai cũng ham | cuộc sống Úc

Cuộc Hành Trình Đến Úc

28/07/200100:00:00(Xem: 4016)
Cuộc Hành Trình Đến Úc
Mùa đông lại đến, cảnh vật như chìm đắm trong mây mù ảm đạm, hai hàng cây bên đường trơ trọi cành khô, những lá chết đang vật mình tơi tả. Thời tiết giá lạnh. Đã ba hôm rồi trời vẫn chưa dứt cơn mưa. Cái lạnh như tràn vào căn nhà rộng đang thiếu bóng người thân. Cả nhà đều đi vắng, chỉ còn tôi. Ngồi tựa bên cửa sổ nhìn xuyên qua bầu trời đen thẫm, lắng nghe tiếng mưa rơi. Tự nhiên tôi cảm thấy lòng xao xuyến, nhớ quê hương Việt Nam năm nào cũng một ngày mưa to gió lớn, gia đình tôi đã âm thầm rời bỏ ngôi nhà êm ấm dấn thân vào một cuộc phiêu lưu đầy gian lao nguy hiểm, bao lần suýt bỏ mình trên biển cả.
Năm ấy cách nay đã lâu lắm nhưng vì là bước ngoặt quan trọng thay đổi cả cuộc đời nên tôi không thể nào quên...
Cũng như tất cả quân nhân và viên chức miền Nam trong chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Sau ngày 30 tháng tư năm 75, cha và chồng tôi cùng chịu chung số phận đi cải tạo. Mặc dù trước những ngày Sàigòn bị thất thủ gia đình tôi có điều kiện di tản vì tôi làm việc trong Tân Sơn Nhất. Nhưng lúc ấy tôi không liên lạc được với cha mẹ tôi, nên không biết tính mạng cha tôi ra sao, tôi không thể an tâm bỏ đi. Giờ đây thấy chồng phải chịu cảnh khổ sở tôi hết sức ân hận và quyết tìm đường trốn thoát CS. Chúng tôi vượt biên lần thứ nhất.
Chồng tôi liên lạc được với vài người bạn, khi họ báo tin có chuyến đi, phải rời nhà sáng sớm ngày mai. Chúng tôi đón xe đò xuống một tỉnh miền Tây, nghỉ tạm nhà một người bạn cùng đi chung trong lúc chồng tôi đi tìm chủ tàu. Đến 12 giờ khuya, anh trở lại và đưa gia đình chúng tôi xuống tàu. Đêm tối, trời mưa to gió lớn, tôi chẳng thấy gì, không biết đây là đâu, cứ lầm lũi theo chủ tàu hướng dẫn. Khi vào được trong tàu thì thấy rất đông đã sẵn sàng rồi. Có tất cả 45 người gồm lớn nhỏ. Tàu không lớn lắm nên chúng tôi phải ngồi bó gối lại để nhường chỗ cho trẻ con nằm.
Tàu bắt đầu rời sông, bên trong tàu hoàn toàn tối đen, không một ngọn đèn, chỉ có chủ tàu và thợ máy được dùng đèn bấm. Chủ tàu luôn nhắc nhở phải tuyệt đối im lặng, tất cả mọi người dường như không ai dám thở mạnh. Đang lúc tàu vượt qua trạm canh biên phòng, đứa con gái nhỏ của tôi vì quá sợ bóng tối bỗng khóc lên. Tôi hốt hoảng vội ôm chặt con vào lòng và bịt miệng lại. Cũng may, có lẽ đêm khuya lại mưa lớn nên công an biên phòng chắc ngủ say không nghe thấy, chúng tôi qua an toàn. Khi tàu ra được tới cửa biển, mọi người cùng thở phào nhẹ nhõm, rồi tàu nhẹ nhàng lướt sóng hướng ra hải phận quốc tế. Chúng tôi mừng rỡ thì thầm trò chuyện, chủ tàu cho biết chúng tôi có quyền nghỉ ngơi an giấc không còn phải hồi hộp nữa, chỉ cần ba ngày nữa là sẽ sang một vùng đất mới.
Qua hai ngày tàu chạy đều đặn hướng về phía một hòn đảo. Buổi tối đêm ấy tôi bước ra ngoài đứng trước mũi tàu định hóng gió cho bớt ngột ngạt. Nhìn lên bầu trời không một vì sao, nhìn xuống biển, trời và biển cùng một màu xanh thẳm (thường những chuyến vượt biên hay chọn những đêm không trăng tối trời để dễ bề trốn tránh trạm kiểm soát). Nhìn cảnh trời nước bao la ôi huyền bí làm sao. Tôi còn đang nhìn lên cố tìm vì sao Bắc Đẩu thì thình lình gió thổi mạnh, trời bắt đầu đổ hạt, tôi vội quay vào ôm các con lại. Rồi mưa lớn dần, gió thổi mạnh hơn, khoảng 10 phút sau sóng biển từ từ dâng lên cao. Bỗng nhiên một cơn sóng to như đang giận dữ gào thét đổ về phía hông tàu, làm tàu lắc lư, ngả nghiêng, rồi bất ngờ một làn sóng lớn ập vào. Lần đầu tiên thấy biển nổi trận cuồng phong tôi thấy con người thật nhỏ bé quá làm sao chống chọi nổi đây.
Thật vậy, nước tràn vô làm máy tàu không chạy được. Tất cả đều lo sợ và nhốn nháo lên vì sợ tàu có thể bị chìm. Trẻ con la khóc, phụ nữ kẻ thì lâm râm cầu Trời khấn Phật, người thì đọc kinh cầu Chúa Mẹ ban phép lành. Đàn ông bình tĩnh hơn, họ lo tát nước tìm phương cứu nguy. Người thợ máy tận lực sửa chữa máy tàu nhưng không kết quả. Lênh đênh một lúc lâu, chủ tàu quyết định để mặc tàu trôi theo chiều gió đẩy. Mặc dù đã đi được hơn nửa đoạn đường giờ bị bão đẩy ngược trở lại, càng ngày càng lùi dần. Sức bơi tay của các ông không thể vượt lên sức gió cản nên đành chấp nhận buông trôi. Vài người có kinh nghiệm đi biển cho rằng theo chiều gió này thì tàu sẽ quay về Việt Nam. Tất cả đồng ý trở về thà chịu ở tù để rồi tìm dịp khác còn hơn chết trên biển.
Ngày thứ ba, chúng tôi bắt đầu thấy đói, khát vì đồ ăn thức uống đã bị trộn lẫn với nước biển không dùng được. Trẻ con say sóng cộng với đói khát nằm la liệt. Chúng tôi phải dùng những tấm nylon căng ra để hứng nước mưa uống. Nước mắt rơi hòa lẫn với nước biển mặn đắng bờ môi và nghĩ rằng sự chết đang rình rập chúng tôi đâu đó.
Một đêm chúng tôi nhìn thấy dáng một chiếc tàu lớn ngoài khơi, cách chúng tôi khá xa. Chúng tôi xé chăn mền cột lên làm dấu hiệu cầu cứu, một số phụ nữ đứng trước mũi tàu cố gắng hét lên thật lớn, hy vọng tàu kia có thể nghe thấy và cứu vớt. Nhưng có lẽ vì chiếc tàu của chúng tôi quá nhỏ họ không thể nhìn thấy, hoặc là họ không muốn cứu... đã quay mũi đi về hướng khác để lại những tiếng kêu não nề tuyệt vọng trên biển rộng mênh mông. Nhìn con tàu khuất dạng chúng tôi chỉ còn chờ tử thần đến đón.
Lênh đênh như thế đến ngày thứ Năm thì tàu chúng tôi trôi trở lại biển Việt Nam, rồi từ từ vô sông. Lạ thay cũng gặp ngày mưa to như lúc khởi hành. May mắn không ai chết tuy mọi người đều kiệt sức.
Khi nhìn thấy bờ sông, tất cả đàn ông, đàn bà con gái độc thân, nhảy lên bờ tìm đường trốn. Còn lại vài người có con nhỏ không bỏ chạy được, trong đó có chồng tôi. Mặc dù tôi muốn anh chạy, nhưng tôi đã quá đuối sức và các con tôi gần ngất lịm, không đi được nữa. Tôi biết rằng nếu đàn ông bị bắt chắc chắn sẽ ở tù. Chúng tôi bị kẹt lại có hai người đàn ông, 2 bé trai và 5 phụ nữ. Chồng tôi cõng trên vai đứa nhỏ nhất, cặp nách đứa kế và tôi thì dìu đứa con gái 8 tuổi tay xách túi quần áo.
Chúng tôi lội theo bờ mương rạch tìm ra đất liền, gần suốt một buổi mà cứ loanh quanh ở đấy. Phần đói, khát, mệt, cuối cùng ngã quỵ giữa trời mưa không thể nào gượng nổi, cho đến khi công an biên phòng thấy bắt giải về đồn. Về tới đồn thì trời sẩm tối.
Tôi có giấu theo được ít vàng làm lộ phí, nhưng khi bị bắt thì họ đã khám xét và lấy hết không trừ một thứ gì ngoại trừ bộ quần áo ướt mặc trong người. Sáng hôm sau chúng tôi bị đưa về ty công an tỉnh. Tại đây, thêm một lần nữa chúng tôi bị hỏi cung về lý lịch cá nhân chi tiết về chuyến vượt biên, tên chủ tàu. Xong chúng tôi bị tống vào phòng giam, đàn ông ở riêng. Tôi và 3 con nhỏ và 5 phụ nữ ở chung phòng. Phòng giam hẹp lại đông người, đủ mọi thứ tội phạm, thiếu vệ sinh, làm các con tôi bệnh lại càng bệnh thêm. Mẹ con tôi được chia một khoảng xi măng vừa đủ để giăng một cái mùng, chúng tôi phải nằm co mới đủ chỗ. Đứa con nhỏ nhất 3 tuổi bị nước biển làm da bị sưng phồng như bị phỏng nay lại bị khô lại và lột ra nên rát nhức đau đớn, lại bị sốt vì cảm mà không có lấy một viên thuốc để uống. Nhìn con thơ nằm lăn lộn, rên siết lòng tôi đứt từng đoạn, nước mắt tôi tuôn tràn, tôi cảm thấy đau đớn như bị hàng ngàn mũi kim châm vào chính con tim mình.
Trong tù phần ăn mỗi bữa chỉ có một chén cho người lớn và nửa chén cho trẻ con. Tổng cộng bốn mẹ con tôi mỗi bữa lãnh được hai chén rưỡi cơm và nửa con ba khía mắm. Tôi phải nhịn đói uống nước cầm hơi để nhường cơm cho con mà con vẫn không đủ no. Một cô gái trẻ ở cùng phòng bị tội vượt biên đã hơn hai tháng, cô được người nhà tiếp tế, thấy mẹ con tôi đói cô liền nhường cho phần cơm của cô. Lúc đó một chén cơm nguội đối với chúng tôi thật vô cùng quý giá, hơn cả ngọc ngà châu báu.
Bốn ngày sau thì gia đình tôi biết tin nhờ những người chạy thoát về báo, sau đó đến thăm nuôi chúng tôi. Vì có con nhỏ nên tôi chỉ bị ở tù có hai tuần lễ là được thả cùng với hai người phụ nữ lớn tuổi khác. Ba cô gái trẻ và mấy người đàn ông cùng vượt biên với chúng tôi bị đưa đi lao động. Chồng tôi mãi tám tháng sau mới được về. Hai tuần lễ trong tù tôi cảm thấy như cả một thế kỷ, thật đúng là "nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại".
Vì khi ra đi tôi nhờ chị tôi trông nhà dùm, nên nhà cửa bình yên. Khi tôi được thả về, công an đến nhà tra xét, buộc tôi phải trả lời về sự vắng mặt của chồng tôi và cắt hộ khẩu của anh. Đến khi anh được thả về thì công an khu vực bắt anh phải đến trình diện mỗi tuần, phải đi làm thủy lợi mặc dù lúc đó anh không có hộ khẩu. Với sự quản chế khắt khe đó, anh nghĩ khó bề yên thân nên lại tính chuyện ra đi nữa.
Ít tháng sau cơ hội lại đến. Một người bạn đến tìm và rủ anh cùng đi. Bạn anh có tàu cần thêm người tin cậy phụ giúp. Thế là anh nhận lời. Riêng tôi, hình ảnh chết hụt và những ngày tù tội vừa qua hãy còn đậm nét trong lòng nên thú thực tôi không muốn đi nữa. Nhưng chồng tôi nói: "Phải đi hết gia đình. Có chết thì cùng chết". Vả lại bạn anh nói chuyến này tổ chức chu đáo vì bến bãi đã mua rồi.
Vượt biên lần thứ hai.
Chúng tôi rời nhà ra đi. Không hiểu sao có sự trùng hợp kỳ lạ, một cơn mưa trái mùa bất ngờ đổ xuống đúng vào lúc chúng tôi lên xe. Phải chăng đây là điềm xui xẻo. Chiều hôm ấy chúng tôi đến một làng quê ven sông gần giáp cửa biển. Tại đây tôi thấy có rất đông người, chia thành từng nhóm ở trong các nhà lân cận. Tất cả họ là khách vượt biên như chúng tôi. Chồng tôi và chủ tàu với một số người xuống trước.
Khoảng nửa đêm, những người còn lại được hướng dẫn xuống ghe nhỏ để ra tàu lớn. Khi ghe chuẩn bị tách bến, thình lình nhiều tiếng súng nổ vang, mọi người kinh hoàng chạy túa lên bờ tìm đường chạy trốn. Tôi xách túi hành lý và dắt 3 đứa con chạy theo. Trong đêm tối, hai bên bờ sông là rừng lau rậm rạp, một lúc không nhìn thấy gì, hai đứa con tôi rời tay mẹ và lạc mất. Đến khi nghe tiếng súng nổ sát trên đầu, đứa con nhỏ nhất đang bồng trên tay thét lên và rồi tôi té xuống, sau đó tôi bị công an bắt dẫn về đồn. Đến nơi tôi thấy lố nhố người, trong số đó có đứa con 5 tuổi của tôi, còn đứa con gái thì tôi chẳng thấy đâu. Vậy là con tôi đã đi lạc rồi! Tôi gào khóc xin thả ra để đi tìm con. Họ chẳng những không cho mà còn nạt nộ, mãi đến sáng, sau khi họ khám xét và tịch thu tất cả của cải mang theo của chúng tôi thì họ thả đàn bà con nít, còn đàn ông thì họ nhốt lại.
Đầu óc tôi giờ đây ngổn ngang trăm mối, con lạc nơi đâu" Chồng tôi ra sao" Cuối cùng tôi quyết định trở lại nơi bãi để tìm kiếm đứa con lạc. Tôi hỏi thăm thì được biết có một đứa nhỏ bị lạc và được người lái đò đem về nhà. Mừng quá, tôi vội chạy đi tìm người lái đò, tôi gặp lại con và hai mẹ con cùng òa khóc. Còn chồng tôi, sau khi những người ra sau bị bắt, chủ tàu biết đã bị phản bội nên vội vã nhổ neo. Chồng tôi không chịu đi vì không có vợ con. Chủ tàu bảo không thể chờ đợi được nữa, vì sẽ bị bắt hết. Khi tàu khởi hành, bất ngờ anh nhảy xuống sông lội vào bờ trở lại bến hỏi thăm tin tức. Hiểu được sự việc xảy ra, anh liền đón xe trở về nhà. Trưa hôm đó tôi cũng về đến nhà. Qua một đêm hãi hùng chẳng khác nào cơn ác mộng. Năm ngày sau tôi được tin chiếc tàu đã đến đảo Bidong. Tôi nghĩ phải chi chồng tôi đừng trở lại thì giờ đây anh thoát nạn rồi. Âu cũng là số mạng!
Lần thứ hai thất bại. Chúng tôi lại tiếp tục phiêu lưu thử thời vận. Một số người đi lần trước không được, liên kết lại với nhau tìm chủ tàu khác cũng đi tại địa phương đó, rồi cũng bị phản bội. Rồi cũng bị phản bội bị bắt, và bị gửi về công an trước. Nữ công an khám xét phụ nữ đã nhận ra tôi trừng mắt nói: "Cũng gặp bà này nữa, đi không được mà cứ đi hoài",. Bất giác tôi bật lên tiếng cười và không còn cảm thấy sợ gì cả. Lần này tôi ở tù một tuần lễ. Còn chồng tôi ở tù 3 tháng 20 ngày.
Sau ba lần thất bại anh không dám trở về nhà nữa, quyết định về quê một người bà con ẩn náu ở tận mũi Cà Mau với chí hướng cương quyết phải đi. Thời gian đó tôi sống ở nhà chịu trăm điều phiền lụy vì công an địa phương thẩm vấn, theo dõi muốn biết chồng tôi đang ở đâu" Tổ an ninh theo dõi những người lui tới nhà tôi. Trong hoàn cảnh như thế, tôi nhắn tin cho anh biết không thể nào đoàn tụ được. Cuối cùng anh cho biết hãy lo chuẩn bị một lần chót. Nếu không thành thì bỏ nhà cửa đi đến một nơi thật xa xôi sinh sống. Tôi âm thầm bán hết đồ đạc, tư trang còn lại, gom góp tiền bạc rồi cùng với người dì mua chiếc ghe để gia đình tổ chức đi. Sau sáu tháng sắp đặt, anh báo tin đến ngày khởi hành.
Gia đình tôi và đại gia đình người dì, tổng cộng 25 người lớn nhỏ. Lần này chúng tôi lo đầy đủ thức ăn, nước uống và những vật dụng cần thiết. Anh bà con tôi là dân vùng biển nên am tường, nơi nào có trạm kiểm soát, nơi nào cần trốn tránh... Anh tôi điều khiển chiếc tàu lớn với thành viên trong gia đình dì, phần chúng tôi ghe nhỏ riêng hẹn gặp nhau ở cửa sông lớn.
Chuyến đi này có em gái tôi phụ giúp đưa xuống tận bến đò vào một chiều mây đen vần vũ. Tôi lo ngại vì điềm trời mưa nên phân vân không muốn vô thuyền. Chồng tôi hối thúc xuống nhanh, em gái tôi thì sụt sùi nước mắt từ giã và chúc may mắn. Chúng tôi gạt lệ chia tay. Tôi còn nhớ trên đò anh chất đầy trái thơm, đầu đội nón lá giả làm dân đi buôn, các con tôi bị đẩy vào giữa rồi che kín lại. Ở xa nhìn vào chỉ thấy ghe chở khóm mà thôi. Khi qua trạm kiểm soát, công an nhìn thoáng qua rồi khoác tay cho đi.
Đêm đến chiếc đò ngang cập sát vào tàu lớn chuẩn bị nhảy lên, không may bị dòng nước mạnh đẩy ra, chiếc đò tròng trành rồi lật úp. Người anh họ vội nhảy xuống cứu con gái tôi, anh khác kéo tay thằng con trai, còn chồng tôi thì đỡ được tôi và đứa nhỏ. Bước đầu đã gặp không may, lên được tàu chúng tôi ướt hết nhưng hành lý được đưa lên tàu từ trước. Tàu di chuyển đến một khúc sông vắng để lấy nhiên liệu được giấu sẵn vì sợ bất trắc. Tàu bắt đầu ra khơi, còn một trạm canh cuối cùng, ai cũng nín thở hồi hộp, chỉ trừ có người anh họ là có vẻ bình tĩnh.
May mắn, chúng tôi qua cửa ải an lành. Sáng hôm sau ra đến cửa biển, chúng tôi nở nụ cười vui sướng và trò chuyện líu lo. Chưa được bao lâu thì niềm vui chợt tắt, chúng tôi thấy một chiếc tàu đánh cá treo cờ CSVN đang chạy đuổi theo. Khi tàu đánh cá đến gần, hai người Việt Nam bỏ dây qua chận kéo chúng tôi lại. Tất cả đồng thanh kêu lên: "Bị bắt nữa rồi!" Họ nhảy qua tàu chúng tôi, họ nói lớn:
- Có tiền bạc vòng vàng, hãy đưa cho chúng tôi thì được tiếp tục đi, bằng không chúng tôi kéo các anh trở về.
Chồng tôi nói nhỏ, ai có tiền Việt Nam thì đưa cho họ hết đi, ra đến đây rồi không cần nữa. Chúng tôi móc hết ra, đưa cho họ. Nhưng một người nói:
- Bây nhiêu đây không đủ tiền xăng nhớt đuổi theo các anh.
Dì tôi sợ họ kéo trở về sẽ bị tù mà đằng nào cũng mất hết nên lần mò trong người lấy ra một thỏi vàng đưa cho họ. Người thứ hai cầm lấy ngắm nghía như đánh giá về trọng lượng rồi đồng ý thả và chỉ hướng cho chúng tôi đi.
Sang ngày thứ hai tàu ra tới hải phận quốc tế. Bây giờ thì thật là hết sợ Việt Nam. Anh nói mọi người hãy ngủ để lấy lại sức sau mấy đêm vất vả vì lo âu, hy vọng ngày mai sẽ tới được Mã Lai.
Và đoạn đường gian nan chưa dứt. Một tai nạn kinh hoàng khác đến. Tối hôm đó chúng tôi thấy thấp thoáng từ xa 5 chiếc tàu khổng lồ đang chạy nhanh về phía chúng tôi. Thôi rồi, tàu hải tặc! Chúng tôi nghĩ vậy. Phen này thì chắc chắn là chết vì chúng tôi được nghe rất nhiều vì chuyện hải tặc cướp của, giết người, cưỡng hiếp man rợ.... Khi họ bao quanh chúng tôi, chúng tôi đồng loạt khóc rống lên, đàn bà vội lấy dầu nhớt bôi lên mặt và nằm sát xuống mạn tàu. Chúng lùa chúng tôi lên một trong 5 chiếc tàu của chúng, một số ở lại tàu lục soát lấy tất cả những gì có thể lấy được. Chúng bắt chúng tôi ngồi gom lại, một đứa ra dấu ý nói đừng sợ, chúng không làm gì hết chỉ lấy vàng, tiền mà thôi. Rồi chúng bắt đầu khám xét từng người. Dường như chúng đã quá quen việc khám xét, nên biết rõ nơi nào giấu tiền bạc. Một thằng trong bọn nhìn thằng cháu trai đội nón trên đầu, chúng giựt phăng xuống và xé toạc ra, không ngờ chị dâu tôi cuộn giấu 200 Mỹ kim lên lớp trong của vành nón mà nó biết được. Rồi chúng lại đạp bể nát khuôn hình của gia đình tôi lấy thêm được 200 đô nữa.
Gia đình dì tôi đi hết cả dâu rể, con cháu nên thu góp tài sản đổi thành tiền Mỹ và vàng mang theo bị chúng lấy sạch. Như có một phép lạ che chở, bọn chúng không làm hại ai, vì họ thực sự không phải là hải tặc, mà chỉ là dân đánh cá thuần túy muốn lấy tiền của thôi. Chúng tôi được bình an. Muôn vàn tạ ơn Thượng đế. Sau một lúc chúng thả chúng tôi trở lại tàu và bỏ đi. Nhưng khi chúng tôi chưa kịp hoàn hồn, còn đang run rẩy, bỗng nhiên một chiếc quay đầu lại, một nửa nhảy lên tàu chúng tôi. Chúng tôi sợ hãi chẳng hiểu chúng định làm gì. Hóa ra là chúng tiếc rẻ, trở lại kiểm soát thêm một lần nữa kỹ hơn. Nhưng chúng kiếm chẳng được thêm gì, chúng giận dữ quăng đồ đạc của chúng tôi xuống biển và trở về tàu, đẩy tàu chúng tôi ra khơi.
Chiếc tàu của chúng tôi giờ đây xơ xác như vừa trải qua một cơn bão tố, lòng ai nấy bàng hoàng chua xót, không ngăn nổi dòng lệ. Có lẽ lúc chúng quay lại quá mạnh nên tàu chúng tôi bị đụng vào đâu đó lủng một lỗ, nước biển lọt vào. Lại thêm một lần nữa thất kinh, họa vô đơn chí, chẳng lẽ mạng chúng tôi đã tận cùng rồi sao" Đàn ông ra sức lo tát nước và trám lỗ thủng. Sau cùng thì cũng tai qua.
Sang ngày thứ ba, buổi chiều thì tàu đến hải phận Mã Lai. Chúng tôi đến gần hỏi thăm và được hướng dẫn để đến đảo Bidong. Họ cho biết ở đó Việt Nam đông lắm. Chúng tôi cảm ơn và trực chỉ về phía đảo. Tàu tới đất liền vào khoảng 5 giờ chiều. Từ khi rời Việt Nam đến lúc lên bờ chỉ có mất 3 ngày 3 đêm mà chúng tôi đã trải qua không biết bao là sự kinh hoàng, cốt chỉ tìm hai chữ Tự Do. Bây giờ thì chúng tôi mới thật sự nghĩ mình còn sống. Hành trang của chúng tôi giờ đây là hai bàn tay trắng và bộ quần áo mặc trên người. Thế nhưng chúng tôi đã khóc ngon lành vì sung sướng. Giấc mơ đã thành sự thật, không có gì vui hơn. Chúng tôi được đồng bào trên đảo ra đón mừng, thăm hỏi. Ngày chúng tôi lên đảo, đúng dịp có phái đoàn Cao Ủy LHQ đến thăm. Nghe kể sơ qua sự việc xảy ra trên biển chúng tôi được đặc biệt ưu tiên phát cho mỗi người một bộ đồ mới ngay tại chỗ.
Và cũng được ưu tiên phỏng vấn. Phái đoàn Mỹ chấp nhận ngay cho định cư tại Hoa Kỳ, nhưng chồng tôi xin đi Úc và được phái đoàn Úc chấp thuận. Chúng tôi ở Bidong 25 ngày thì được chuyển sang đất liền chờ ngày đi định cư. Thời gian ở đảo một hôm tôi thấy có chiếc tàu vượt biên cập bến. Nhìn những người lên bờ đều có chung một nét mặt phảng phất ưu sầu sợ hãi. Hỏi ra mới biết họ gặp tàu hải tặc. Một cô gái trẻ nhìn dáng dấp tơi tả ủ dột, đôi mắt chan hòa đẫm lệ biểu lộ sự đau khổ tột cùng. Cô bị cưỡng hiếp trong khi người chồng mới cưới của cô bị đá văng xuống biển vì muốn bảo vệ cô.
Đêm đêm tôi thấy cô ngồi than khóc một mình trên bãi vắng rất thương tâm. Tôi cảm thấy xót xa và lo lắng cho tương lai của cô và thầm nghĩ không biết còn bao nhiêu thiếu nữ Việt Nam bị vùi dập tuổi thanh xuân trong tay bọn hải tặc" Rồi tôi thầm tạ ơn Thượng Đế đã che chở vì chúng tôi bị 5 chiếc tàu Thái Lan mà được bình an...
Gia đình tôi đến Úc vào một sáng mùa đông khi sương mù còn giăng kín cả không gian. Thấm thoát đã mười mấy năm rồi. Thời gian trôi nhanh với bao biến đổi nhưng tôi không bao giờ quên được những gì đã xẩy ra trong cuộc hành trình đó. Và cứ độ sang đông, ký ức tôi bừng sống lại hình ảnh vượt biên năm nào, nhất là vào những đêm mưa bão như hôm nay.
Bây giờ thì gia đình chúng tôi đã hoàn toàn an cư lạc nghiệp. Các con tôi đã hoàn thành con đường học vấn, đóng góp công sức vào xã hội, quê hương mới, nơi đã cưu mang đón nhận gia đình tôi. Tuy các con tôi lớn lên trên đất Úc nhưng tôi luôn luôn giáo dục chúng phải duy trì truyền thống người Việt. Phải sống đúng nghĩa một công dân Úc gốc Việt. Khi các con tôi còn ở tuổi đi học, trong mỗi buổi cơm chiều, gia đình chúng tôi quây quần bên bàn ăn, tôi thường kể lại câu chuyện vượt biên ngày xưa để làm sống lại tuổi thơ ấu của chúng. Tôi nhắc chúng phải biết ơn xứ sở này và cũng không được quên nguồn gốc của mình, là người Việt Nam. Và chúng tôi cũng không quên nhắc nhở cho chúng biết còn bao nhiêu người thân đang ở lại quê nhà, sống thiếu may mắn và khao khát tự do.
Tôi còn nhớ có một lần trong giờ học Anh ngữ, nhân buổi thảo luận về đề tài lý do tại sao bạn có mặt nơi đây" tôi đã thuật lại cuộc hành trình gian khổ của chúng tôi. Nghe xong, ai nấy đều ồ lên ngạc nhiên và họ không thể tưởng được rằng người tỵ nạn Việt Nam phải trả một giá quá đắt để đến được bến bờ tự do.
Phương Thảo - Vic

Người Việt ở Úc với câu hỏi “Cuộc sống ở Úc có dễ không” ?

Cuộc sống ở Úc có dễ không là một trong những thắc mắc của những người chưa từng sống ở Úc hoặc từng sống nhưng giờ đã về Việt Nam luôn mốn có câu trả lời. Tôi cũng vì câu hỏi này mà lặng lẽ quay lại Úc để tự hỏi xem khả năng thích nghi của mình giờ ra sao.

Cuộc sống ở Melbourne Australia

Một trong những thắc mắc của những người chưa từng sống ở Úc hoặc từng sống nhưng giờ đã về Việt Nam là Cuộc sống của người Việt mình ở Úc có dễ không. Tôi cũng vì câu hỏi này mà lặng lẽ quay lại Úc để tự hỏi xem khả năng thích nghi của mình giờ ra sao.
Khung cảnh chợ tấp nập ở Australia

Úc nằm top 10 quốc gia đắt đỏ bậc nhất thế giới nên cuộc sống ở đây không hề dễ dàng. Chi phí sinh hoạt cao nên bạn không thể lười biếng khi sống ở xứ này. Chi phí trung bình cho một người đơn thân vào khoảng 1600-2000 AUD/1 tháng. Cho gia đình, có khéo lắm cũng vào khoảng 4000-5000 AUD/1 tháng. Tuy nhiên chỉ cần có một công việc ổn định thì bạn không cần phải lo nghĩ. >>> Xem ngay mẹo mua sắm siêu tiết kiệm ở Úc.
Do chi phí đắt đỏ nên bảo hiểm là thứ không thể thiếu để phòng tránh các khoản chi bất ngờ. Bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe, bảo hiểm vật dụng hoặc nhà cửa và nếu lo xa hơn là bảo hiểm nhân thọ.
Bảng giá cá các loại tại một chợ ở Melbourne

Những thể loại bảo hiểm này không thể thiếu nếu bạn muốn có một cuộc sống ổn định, vô ưu, vô lo thật sự. Đây là sự khác biệt lớn nhất giữa các nước phát triển với các nước chậm phát triển: người giàu tính toán cho tương lai và phòng tránh tất cả rủi ro, người nghèo chạy ăn từng bữa và mất sạch khi có chuyện rủi ro.
Là một nước đa văn hóa, khi sống tại đây, bạn không cần lo về chuyện ăn uống. Như tôi muốn ăn sáng hủ tiếu, ăn trưa cơm sườn hay ăn tối bún bò đều được cả. Chỉ có điều phải cố gắng bán bảo hiểm để có tiền thưởng phục vụ cho cái tính ham ăn của mình. Trung bình một bữa ăn cho một người khoảng từ 12-15 AUD. Tuy nhiên nếu tự nấu ăn, chỉ tốn từ 50-100 AUD/tuần.
>> Nếu là du học sinh Úc, hãy xem ngay 8 cách để tiết kiệm cho du học sinh không bị cháy túi nào.

Kinh nghiệm cuộc sống tại Úc

Úc được thiên nhiên ưu đãi với nhiều phong cảnh hữu tình, sông núi lãng mạn. Thế nên đã ở đây thì phải tận dụng cơ hội chu du đây đó. Nếu muốn tiết kiệm khi đi thăm thú cảnh vật, bạn có thể nấu đồ ăn đem theo và sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Cuối tuần tụ tập bạn bè đàn đúm, nấu ăn, chơi thể thao hay đi bộ ngắm cảnh cũng là những cách vui ít tốn kém.
>> Xem ngay 10 địa điểm cắm trại tuyệt vời nhất nước Úc để có những ngày cuối tuần vui vẻ không quên nhé.
Những bài biển tuyệt vời ở Úc là cách nhiều người chọn để vui chơi

Cuộc sống ở Úc dễ hay khó cũng do mình. Nếu bạn nghĩ cuộc sống khó khăn thì nó sẽ khó khăn, nếu bạn nghĩ nó vui vẻ thì nó sẽ vui vẻ. Sống ở Úc không dễ nhưng nếu bạn vui vẻ, chịu khó học hỏi, làm việc siêng năng, vui chơi lành mạnh thì nơi đây sẽ cho bạn một sống rất tốt.
Sống ở một đất nước như Úc là một thách thức lớn đối với nhiều người, đặc biệt đối với những bạn trẻ lần đầu xa quê hương. Nhưng, nếu bạn chuẩn bị những kiến thức cùng với tham khảo những kinh nghiệm sống tại Úc của những người đã và đang sinh sống ở nước ngoài thì những thách thức ấy sẽ không còn là điều đáng lo ngại đối với bạn.
Tốt nhất các bạn nên có bằng lái xe hơi hợp pháp, có nhiều người nói rằng bạn sẽ không thể cảm nhận hết tinh thần của cuộc sống ở Úc nếu như bạn không lái xe hơi.
Úc là một đất nước rộng lớn với diện tích hơn 7 triệu cây số vuông, ngoài những thành phố là thủ phủ của bang như Perth, Sydney, Melbourne hay Brisbane… thì ở những thành phố khác dân cư sống rải rác vô cùng thưa thớt, vậy nên không dễ để bạn có thể sử dụng những phương tiện công cộng để đi tới những điểm đó.
Hãy chuẩn bị cho mình một tấm bằng lái xe ở Úc

Nếu biết lái xe và có xe, bạn sẽ dễ dàng đi du lịch với chi phí tiết kiệm, và vô cùng thuận tiện khi di chuyển để làm nhiều công việc khác nhau. Theo kinh nghiệm cá nhân của mình thì tốt nhất là các bạn hãy học lái xe một cách nghiêm túc (ở VN hay ở Úc) để đảm bảo an toàn cho cả bản thân và những người xung quanh.
>> Xem ngay Hướng dẫn chi tiết học lái xe và thi bằng lái xe tại Úc để kiếm được cho mình tấm bằng lái xe nào.
Cái quan trọng nữa là hãy kiếm cho mình một nghề chân tay. Nếu bạn muốn đến Úc với con đường đi du học tự túc hay theo diện Skilled Workers thì áp lực tài chính trong những ngày mới đặt chân đến nước Úc là rất lớn.
Bạn sẽ rất khó khăn để có thể kiếm được ngay một công việc ưng ý và phù hợp với chuyên ngành hay kinh nghiệm của bản thân. Theo kinh nghiệm sống ở Úc của nhiều anh chị em thì tốt nhất hãy học kỹ năng làm những công việc chân tay để bạn có thể kiếm ngay một công việc giúp giải tỏa tâm lý và áp lực. Đó có thể là pha chế, phục vụ nhà hàng, phụ bếp, làm móng chân – tay, dọn dẹp nhà cửa… >>> Xem ngay típ tìm việc làm thêm.
Cuộc sống ở Úc khó khăn lúc ban đầu, nhưng kinh nghiệm sống ở Úc của nhiều người thành công cho thấy cơ hội luôn dành cho những ai biết kiên nhẫn, chờ đợi và không chấp nhận bỏ cuộc.
Báo Alo Úc – Theo chia sẻ từ chị Lily Phan

Úc: Liệu cuộc sống của du học sinh có sung sướng như nhiều người đã nghĩ?

Nhiều người đã từng nghĩ rằng, được đi du học là được đi đến chốn thiên đường, bước vào cuộc sống xa hoa, có nhiều cơ hội để đổi đời, được ăn những món ăn lạ mà từ nhỏ đến lớn chưa từng có diễm phúc để hưởng, được đi mua sắm những món hàng sang trọng và đắt tiền khiến nhiều người ganh ghét. Liệu đi du học có được sướng như nhiều người đã lầm tưởng?
Tôi đi du học từ khi còn học lớp 8. Những ngày đầu sau khi nghe tin được ba mẹ cho phép đi du học, tôi đã mừng đến mất ngủ. Tôi năn nỉ ba mẹ cho mình đi du học chỉ vì một lí do đơn giản, tôi sợ trả bài miệng! Trước khi sang đây, tôi đã không hề cảm thấy sợ hãi vì sắp phải xa nhà, xa ba mẹ, xa anh chị và người thân, hoặc sợ phải gặp những người bản xứ, vì giao tiếp bằng tiếng Anh không phải là vấn đề của tôi. Nhưng sau khi đặt chân qua nơi ‘đất khách quê người’, tôi đã thật sự ‘ước gì cho thời gian trở lại’.
Screen Shot 2015-05-15 at 5.21.58 pm
Những ngày đầu tiên đặt chân đến nước Úc, tôi đã cảm thấy hụt hẫng và hối tiếc
Trường học và bạn cùng lớp quá đỗi khác lạ
Tôi còn nhớ những ngày đầu đi học high school bên Tây Úc, Perth, tôi có cảm giác như mình là sinh vật ngoài hành tinh, vì tôi là đứa châu Á đầu tiên của trường. Đi đâu, bạn bè ai cũng nhìn chằm chằm, chỉ trỏ, cười và thì thầm to nhỏ với nhau. Giờ ra chơi và ăn trưa, tôi chỉ thui thủi ngồi ôm ly nui xào phô mai mà tôi đã mua ở canteen mà ăn một mình ngay hành lang lớp học. Trong khi những người còn lại thì tụm năm tụm bảy ngồi nói chuyện và đùa giỡn với nhau ở sân trường. Tôi đã cố hoà nhập với mọi người bằng cách bắt chuyện, về vấn đề học tập, về cuộc sống, về thời trang, và những thứ khác. Nhưng họ chỉ trả lời xã giao cho có lệ, chứ không thực sự quan tâm những gì mình nói. Sau này, tôi mới nhận ra là Tây và châu Á chúng mình, rất khó nói chuyện với nhau vì cách họ suy nghĩ rất khác với mình.
Screen Shot 2015-05-15 at 5.24.01 pm
Woodvale Senior High School, nơi tôi đã học ở Perth
Screen Shot 2015-05-15 at 5.25.25 pm
Một góc chụp của Woodvale Senior High School
Đi du học, tuy lượng kiến thức được dạy ở trường không là bao, nhưng nhiệm vụ của mình là phải tự đọc sách hoặc research thêm ở nhà, có thể mượn sách trong thư viện hoặc nhờ Google cứu giúp để làm essay và assignment. Tuy nhiên, công việc nặng nhọc hơn sau khi tìm kiếm được thông tin mình cần là làm sao để chuyển hoá những gì mình tìm được, thành bài viết của chính mình, mà không bị phạm lỗi ‘plagarism’. Càng lớn, mình nhận ra là uni lại càng khó gấp bội so với high school, thầy cô chỉ truyền đạt lại thông tin cơ bản dựa theo lecture slides, hiếm khi nào có trong đề thi hoặc assignments. Để đạt được một cái Pass của một môn, mình phải nhiều đêm thức trắng , cố gắng đọc, và lượt thông tin qua mấy chục cuốn sách và trang web, mà phải là trang scholar, tối đa 5 năm xuất bản mới được đưa vào assignment mới ác. Bên đây không giống như Việt Nam mình, khi Fail một môn, mình không được thi lại, mà phải đóng tiền học lại môn đó, nhiều trường, một môn có thể hơn $5,000. Mồ hôi nước mắt coi như ‘đổ sông đổ biển’.
Screen Shot 2015-05-15 at 5.26.22 pm
Assignments và exam là nỗi ám ảnh của nhiều du học sinh
Thời gian là vàng là bạc, được ngủ đủ giấc là ngoài tầm với với nhiều người
Đi du học, thân ai nấy lo, nên biết sắp xếp thời gian của mình một cách hợp lí là điều rất cần thiết. Vì là thân ai nấy lo, nên tôi phải đi làm kiếm thêm tiền trả tiền học, tiền nhà, tiền ăn, tiền bills và còn nhiều thứ linh tinh khác (có những lúc tôi cũng không hiểu tiền bay đi đâu hết sạch, không một lí do, không một lời từ giã). Tôi thấy mình còn khá may mắn so với nhiều người khác. Tôi có nhiều thời gian giành cho gia đình, bạn bè, và cho bản thân. Tôi có một người bạn, học chung từ hồi năm nhất đại học, gần đây mới gặp lại vì tôi học trước những môn năm 3, nó thì học theo thứ tự từng môn. Gần đây mới gặp lại, nhìn nó như một con zombie ngoài đời thật. Lưng khòm, mắt quầng thăm ‘gấu trúc’, tóc bù xù, mặt bần thần, nói chung là không có sức sống. Nó kể là gần đây nó đi làm học việc ở xưởng bánh mì, từ 10h tối cho dến 8h sáng. Chỉ trả có $9/h, bị đì, bị chửi thậm tệ. Tan ca là nó đi thẳng lên trường học tiếp cho đến 2h trưa. Có ngày, phải học 2 môn liền, đến hơn 5h chiều mới học xong. Trong lớp học, nó lựa ghế ngồi đằng sau thằng bự con nhất lớp, để giáo viên không thấy nó ngồi ngủ. Nhiều khi lớp vắng vì mùa đông trời mưa và lạnh, nó đi ra student lounge nằm ngủ, dặn tôi chừng nào bà cô điểm danh thì điện thoại kêu nó vô. Còn thằng bạn khác của tôi, học chung hồi high school, nó bây giờ đi làm bartender ở city. Parking trên city dĩ nhiên là ‘cắt cổ’, nên nó đi làm bằng train. Có nhiều khi đi làm tới khuya, hơn 1h, train hết, bus cũng không, vì tiết kiệm tiền, nên nó đã không còn cách nào khác, phải ngủ lại ở Flinder Street Station, chờ tới sáng, có train mới đi về nhà được. Về tới nhà, không những không được nghỉ, nó phải thay đồ, chuẩn bị tập vở, lại phải đi học tiếp cho những môn buổi sáng. Lại một ngày mới bắt đầu.
Screen Shot 2015-05-15 at 5.29.03 pm
Đi du học có nghĩ là ngủ không đủ giấc
Tôi còn nhớ có lần, năm nhất học đại học, nửa năm đầu, tôi học RMIT ở Bundoora, từ nhà tôi lên campus phải mất 2 tiếng. Xui là, không biết ai sắp xếp thời khoá biểu, 4 ngày học, tôi có hết 3 ngày tới 6h chiều mới học xong. Về tới nhà đã hơn 8h tối, bụng thì đói rã rời, tôi ăn đại qua loa cho qua bữa, đi tắm rồi tiếp tục học bài và làm bài. Có ngày, tôi chỉ ăn toàn mì gói, có bữa có trứng, có bữa không. Còn những hôm chỉ đi học buổi sáng hoặc không đi học, thì tôi đi làm. Tôi thì may mắn hơn thằng bạn được chút xíu, $12/h, cuối ngày đồ ăn có dư thì được đem về, đem nhiêu cũng được. Nhưng ăn riết cũng ngán, nên tôi chỉ đem 1-2 hộp về, cho mấy người homeless trên city, rồi lại bắt train đi về nhà. Thời gian rãnh còn lại, chỉ đủ cho tôi điện thoại hỏi thăm ba mẹ, đi cafe với mấy tụi bạn được vài tiếng rồi lại đi về học bài. Nói chung, thời gian đối với du học sinh khá là quý hiếm, chỉ có ai biết quản lí thời gian, mới có thể quản lí được bản thân, mới có thể tồn tại được ở nơi ‘xứ lạ quê người’ này.
Screen Shot 2015-05-15 at 5.27.49 pm
Để có tiền trang trải, nhiều người phải cày 2-3 jobs
Du học là thèm đồ ăn ngoài vỉa hè ở Việt Nam
Có những lúc, nhìn tụi bạn ở Việt Nam up hình đi ăn với nhau, tới chỉ muốn nhấn nút Unfollow tụi nó cho bỏ ghét. Bên Melbourne này thì không sao, khi còn ở Perth, những món như bột chiên, bắp xào, cá viên chiên, bánh bao, hột vịt lộn xào me và những món khác, rất ư là quá xa vời. Vì ở với bà dì, tôi không được phép vào bếp để thử làm những món ấy, tôi chỉ có thể suốt ngày ăn 2-3 do bà nấu, lặp đi lặp lại. Nhiều khi ngán, tôi rủ anh tôi xuống city ăn thử mấy món khác. Nhưng chúng tôi chỉ có thể đi vào ngày Chủ Nhật. Nhưng city ở Perth khá nhỏ, phải nói là nhỏ hơn cả chợ St. Albans. Nên vòng đi quẩn lại cũng chỉ có mấy tiệm Nhật, Ấn Độ, Đài Loan và Việt (cực tệ, nên hai tụi tôi chỉ ăn một lần, lần đầu cũng như lần chót). May là hai tụi tôi chỉ ở có 1 năm rưỡi, rồi qua Melbourne ở chung với chị họ. Những món ăn dần được phong phú hơn. Melbourne thì khỏi phải nói, khá giống Sài Gòn, chỉ khác là không tụ tập bạn bè thường xuyên, vì ai cũng bận đi làm, đi học.
Đi du học là phải tập làm quen với cảm giác thèm đồ ăn vặt
Đi du học là phải tập làm quen với cảm giác thèm đồ ăn vặt
Du học, tuy cực, tuy khổ, nhưng giúp mình trưởng thành hơn
Nói đi thì cũng phải nói lại, tuy phải học nhiều hơn, tuy không có thời gian ngủ, hay giải trí, tuy phải đi làm suốt ngày, tuy bị phân biệt chủng tộc, tuy thèm đồ ăn do mẹ nấu, tuy thèm đồ ăn vặt, nhưng bù lại, những tháng ngày cực khổ đã giúp tôi trưởng thành hơn, thành một con người hoàn toàn khác. Đi du học đã rèn luyên tôi có ý thức hơn về việc sắp xếp thời gian, không để mỗi giây trôi qua một cách lãng phí; phải tự giác học hành mà không cần ba mẹ cầm cây roi đằng sau lưng; phải tự kiềm chế bản than vì tính tôi vốn dĩ ham vui, đang học, ai rủ đi chơi là đi liền, mặt dù hôm đó tôi phải nộp assignment. Đi du học, trường đời đã dạy cho tôi tính sống tự lập, tự lo cho bản thân, tự mình kiếm tiền trên những giọt mồ hôi của mình, chứ không sống bám vào cha mẹ. Chứ trước kia, cứ hết tiền là tôi lại xin ba mẹ, nhiều lúc tôi xài tiền một cách không thương tiếc, mua những thứ lãng xẹt, về thấy không đẹp, rồi quăng vào một góc phòng, tới mùa quăng rác thì đem đi vứt.
Đi du học đã giúp tôi làm mọi việc mà không cần nhờ vả đến ai
Đi du học đã giúp tôi làm mọi việc mà không cần nhờ vả đến ai
Tôi biết mình đã trưởng thành hơn, khi ba tôi điện thoại, hỏi tôi còn tiền không ba cho, tôi đã không ngần ngại trả lời ‘Dạ không, con còn tiền xài ba ơi!’. Không phải vì tôi đi cày ngày cày đêm như bao người khác, mà vì tôi đã học cách quản lí túi tiền của mình. Có những bữa, tôi chỉ ăn đúng 1 củ khoai lang, nướng lên, cắt làm 3, sáng; trưa và chiều. Một củ khoai cũng có thể giúp tôi sống qua ngày. Vì tôi vốn không cầu kì chuyện ăn uống. Nhiều khi đi shopping, thấy những bộ quần áo đẹp, lại đang on sale, chỉ $10/cái, hoặc rẻ hơn. Nhưng tôi đi tới đi lui, vào phòng thử đồ, rồi treo lại lên giá. Không phải vì tôi không thích mua sắm, nếu tôi là con nhà giàu, thì tôi đã trở thành ‘Shopping Queen’, mà vì tôi đã tập cách suy nghĩ, ‘Cái đó mình không cần tới’. Tôi đã nghe người ta nói (không nhớ ai nữa, lâu lắm rồi), ‘Để biết mình có thật sự cần một món đồ đó hay không, hãy quay trở lại sau 24 tiếng. Nếu mình vẫn còn cảm giác muốn mua, thì đó thật sự là món mình cần’.
Tôi đã biết cách kiếm chế bản thân, không tiêu xài phung phí như xưa
Tôi đã biết cách kiếm chế bản thân, không tiêu xài phung phí như xưa
Đi du học đã giúp mình đạt được những mục tiêu mà trước đây, tưởng chừng như không thể. Vì mình biết, đi du học, là mình phải có trách nhiệm đầy trên vai, phải học thật giỏi, phải tự lo được cho bản thân để không uổng công ba mẹ, và người thân đã đặt hết hy vọng vào mình, vì nhà mình không được giàu như những người khác, nên ba mẹ đã phải chạy đôn chạy đáo, mượn tiền họ hàng để phụ giúp mình đóng tiền học, và những chi phí lặt vặt khác.
Nói chung, việc đi du học chỉ có thể được tóm gọn trong một câu ‘Không đơn giản!!!’
Theo Vietucnews

  
CUỘC SỐNG ÚC | CHÊNH LỆCH THU NHẬP CỦA NGƯỜI LAO DỘNG Ở ÚC RA SAO

Người Việt tại Úc với những câu chuyện phía sau giấc mơ định cư xứ người

(www.Alouc.com) – Được sống và trở thành công dân Australia đến nay vẫn là mơ ước của biết bao người ở Việt Nam, nhưng phía sau giấc mơ xứ người đó là biết bao nỗi niềm.
Nhiều người tìm mọi cách để được sang định cư ở “xứ sở chuột túi” bằng các hình thức như du học, đầu tư kinh doanh, hôn nhân, người nhà bảo lãnh… Nhờ chính sách nhập cư được cho là không quá khó như nhiều nước phát triển khác, không ít người đã thực hiện được giấc mơ. Tuy nhiên, đối với phần đông, giấc mơ đó nhanh chóng tan như bong bóng xà phòng chỉ sau một thời gian ngắn sống ở Australia.
Không thể phủ nhận, Australia với nền kinh tế phát triển cùng thiên nhiên ưu đãi nên tạo cho người dân một cuộc sống trù phú, sung túc, hiện đại và dễ chịu. Khí hậu trong lành, sạch sẽ, an toàn, an sinh xã hội tốt, y tế tốt, một nền giáo dục nổi tiếng… Australia từ lâu đã là miền đất lành thu hút giới tỷ phú thế giới và là điểm đến mơ ước của dân di cư. Cuộc sống được hiểu theo đúng nghĩa đen của từ “hưởng thụ”. Nhưng từ đó là để dành cho giới thượng lưu giàu có, giới doanh nhân, những công chức thu nhập cao, chứ không dành cho những di dân có tay nghề thấp. 
Cộng đồng người Việt tại Australia cộng đồng di dân lớn thứ 6 ở Australia với trên 330.000 người. Những người Việt đầu tiên định cư ở Australia từ năm 1975, trong đó có nhiều sinh viên du học theo chương trình học bổng Colombo (gần 500 người). Những người này cùng số sinh viên sang làm thạc sỹ, tiến sỹ rồi được giữ lại công tác sau này được cho là những người Việt may mắn, thành công nhất vì họ vừa có tiếng Anh, có trình độ, bằng cấp chuyên môn, nghề nghiệp ổn định, lương cao. 
Còn lại, đa số là dân di tản, vượt biên sau năm 1975, những năm đầu thập niên 1980 và sau này là diện đoàn tụ gia đình, kinh doanh và sinh viên định cư lại dưới dạng lao động có tay nghề với những ngành nghề mà Australia cần. Australia rất thiếu những lao động chân tay như thợ mộc, thợ nề, thợ xây, thợ hàn, nấu ăn, làm bánh, làm tóc, đánh móng chân tay, rửa bát, giúp việc, hái quả, cắt cành cây…, Trong khi đó, người Việt lại thường làm những ngành nghề như vậy, lại cộng sẵn tính chăm chỉ, siêng năng, cần cù chịu khó, nên chẳng ai thất nghiệp khi sống ở đây.
Việc nhiều cộng với mức trả tối thiểu cho lao động 1 giờ là 17,5 AUD (khoảng 300.000 đồng), đối với lao động ở Việt Nam thì quả là thiên đường. Thế nhưng, sống ở một đất nước có mức sống cao với thu nhập bình quân đầu người tính theo GDP ở Australia là trên 56.000 USD/năm, cao thứ 10 thế giới theo tính toán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cuộc sống lao động chân tay của người Việt không dễ như nhiều người vẫn tưởng. Họ phải buôn bán, nhọc nhằn mưu sinh, oằn lưng từ sáng tới tối bởi kiếm tiền rất dễ nên ham và chủ yếu là để đủ trang trải cho các khoản sinh hoạt phí rất cao hàng ngày, những hóa đơn tiền nhà, điện, nước, xăng xe, thuế các loại, bảo hiểm nhà, xe, cầu đường…phải đóng theo tuần, tháng, năm.
Chị Hạnh, một Việt kiều ở khu Marrickville, Sydney 10 năm nay cho biết trung bình một gia đình 4 người (2 vợ chồng + 2 con) như nhà chị thì hai vợ chồng phải kiếm được trên 1.000 AUD/tuần (trên 17 triệu đồng) mới gọi là tạm đủ bởi riêng tiền thuê nhà đã mất 500-700AUD/tuần, chưa kể muốn kiếm thêm để gửi về cho người thân ở quê nhà. Thế nên ai cũng lao đi làm, ít nhất là một công việc khoảng 5-8 tiếng/ngày với thu nhập trung bình trên 100 AUD (1,7 triệu đồng). Có người nhận tới 2-3 công việc, kiếm được 200-300 AUD/ngày. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là họ bị vắt kiệt sức lực, về đến nhà chỉ muốn lăn ra ngủ, không có thời gian cho gia đình, bạn bè chứ chưa nói đến hưởng thụ cuộc sống. Cũng không có gì ngạc nhiên khi bạn nghe những chuyện như có người sang đây mấy chục năm mà không biết Cầu cảng, nhà hát Con sò nổi tiếng ở Sydney hình thù như thế nào, hay có người hoàn toàn không biết tiếng Anh bởi chỉ quanh quẩn sống, làm việc, ăn uống, vui chơi ở khu vực sinh sống của cộng đồng người Việt. 
Nhiều người Việt hay sinh viên sang đây làm những nghề lao động chân tay nhưng lại không được đào tạo hay có văn bằng chuyên môn, tiếng Anh không giỏi, nên ban đầu vì nhu cầu cần tiền để trang trải cuộc sống thường bị chủ là những người châu Á bóc lột về thời gian, trả tiền công thấp hơn nhiều so với mức tối thiểu quy định. 
Anh Hảo, quê Nam Định được người nhà bảo lãnh sang làm bốc vác cho một cửa hàng tạp hóa lớn ở Cabramatta, khu tập trung đông nhất cộng đồng người Việt ở Tây Sydney, cho biết mới sang được 3 tháng, công việc rất vất vả, mỗi ngày làm những 10 tiếng và mỗi tiếng chỉ được trả 10 AUD. Anh tâm sự dù vất vả và được trả thấp nhưng vẫn còn khá hơn nhiều so với ở quê nhà và hy vọng khi có thêm kinh nghiệm sẽ được chủ trả cao hơn. Để có tiền gửi về gia đình, anh phải ở thuê chung phòng với một người khác trong ngôi nhà của người bà con với giá 300AUD/tuần, ăn uống tiết kiệm…
Năm ngoái ở Melbourne, thành phố có đông người Việt thứ hai ở Australia sau Sydney, ầm ĩ chuyện du học sinh Việt Nam bị bóc lột với mức tiền công chỉ 9AUD/giờ khi đi làm thêm ở các nhà hàng, quán cà phê, cửa hàng rau quả… Chuyện đó là có thật, người trong cuộc hay bất cứ ai sống ở đó cũng biết tình trạng đó, nhưng họ đều phải chấp nhận bởi giờ “cầu nhiều hơn cung”, người tìm việc ngày càng nhiều, trong khi số việc làm mới không tăng mấy và để sống sót ở thành phố đắt đỏ như vậy, không thể một ngày không đi làm.  Đó là chưa kể vì giấc mơ định cư nơi xứ người mà biết bao người bị lừa tiền, bị bắt giữ, phải tù tội. Nhiều ông chủ, luật sư gốc Á nắm bắt tâm lý, mong muốn của người châu Á nên đã lợi dụng kẽ hở của Luật di trú nước sở tại để trục lợi, hứa hẹn bảo lãnh, ngầm buôn bán visa bất hợp pháp, lừa đảo góp vốn lập công ty hay kết hôn giả để được định cư, đưa vào làm chui ở các trang trại và cả những nhà trồng cần sa bí mật…
Biết vất vả thế, mạo hiểm thế, nhưng ai cũng đều cố gắng, nỗ lực với cái “tặc lưỡi” rằng vì thế hệ sau nên phải hy sinh, ai cũng hy vọng con cháu mình được sinh ra, lớn lên, được học hành ở môi trường này sẽ thành danh, hết vất vả.
Theo TTXVN

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH