Thứ Năm, 16 tháng 1, 2020

TAI NẠN MÁY BAY 19

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Động cơ đã ngưng hoạt động, nhưng phi công vẫn bay qua đám mây núi lửa thành công

Tai nạn máy bay quân sự 32 năm trước - Kỳ 1: 285 mất tích

14 Thanh Niên Online
Câu chuyện 6 tháng sau, lại tiếp tục hé mở những bí ẩn về vụ tai nạn máy bay có nhiều nạn nhân nhất và thời gian tìm kiếm phát hiện lâu nhất Việt Nam, từ sau 1975.
Máy bay An-26 số hiệu 285 làm nhiệm vụ bay, trước khi gặp tai nạn
Ảnh tư liệu lữ đoàn 918
Lời tòa soạn: Cách đây 32 năm (ngày 16.9.1987), chiếc máy bay vận tải quân sự An-26 số hiệu 285 gặp tai nạn tại vùng rừng núi Bảo Lộc (Lâm Đồng). Ngay sau khi sự việc xảy ra, ngành chức năng đã khẩn trương cứu hộ cứu nạn, giải quyết hậu quả vụ việc. 32 năm sau vụ tai nạn, ngôi mộ tập thể của 62 nạn nhân vụ tai nạn máy bay đã được đưa vào Nghĩa trang liệt sĩ TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng).

Bặt vô âm tín

Sáng sớm ngày 16.9.1987, đại úy Vương Hữu Quý (lúc ấy 40 tuổi), Phó phi đội trưởng An-26 thuộc Trung đoàn Không quân vận tải 918, Quân chủng Không quân, nay là Lữ đoàn 918, Quân chủng Phòng không không quân (QC PKKQ) dậy sớm, tạm biệt vợ là Nguyễn Thị Hiển (lúc đó 34 tuổi, giáo viên trường cấp 2; nay là trường THCS) TT.Yên Viên, H.Gia Lâm, TP.Hà Nội để vào đơn vị ở sân bay Gia Lâm, thực hiện nhiệm vụ lái chính - cơ trưởng chuyến bay vận tải trên máy bay An-26 số hiệu 285, chặng bay Gia Lâm - Đà Nẵng - Tân Sơn Nhất.
Tai nạn máy bay quân sự 32 năm trước - Kỳ 1: 285 mất tích - ảnh 1
Di ảnh đại tá Võ Xuân Phong, Phó tham mưu trưởng mặt trận 579
Ảnh tư liệu gia đình
Ngồi với tôi, bà Nguyễn Thị Hiển (năm nay 66 tuổi) nghẹn ngào kể: “Ông ấy nhường đồ ăn sáng cho 3 đứa con lít nhít, để vào ăn trong đơn vị” và thẫn thờ: “Buổi trưa hôm ấy, ruột gan tôi nóng như lửa. Đến tối thì biết tin máy bay mất tích”....
Tai nạn máy bay quân sự 32 năm trước - Kỳ 1: 285 mất tích - ảnh 2
Di ảnh thiếu tá Nguyễn Công Toàn, trợ lý chính sách, Học viện lục quân Đà Lạt
Ảnh tư liệu gia đình
Trưa 16.9.1987, chị Võ Lan Phương khi đó 16 tuổi, đạp xe chở ba mình là đại tá Võ Xuân Phong (Phó tham mưu trưởng mặt trận 579) ra sân bay quân sự Đà Nẵng để đi máy bay vận tải quân sự vào TP.HCM họp tổng kết chiến dịch mùa khô.
Đại tá Phong mới từ chiến trường Campuchia về nước và tranh thủ ghé thăm gia đình, trước khi dự họp. Mãi gần trưa, chiếc máy bay An-26 số hiệu 285 cất cánh từ sân bay Gia Lâm, mới hạ xuống sân bay Đà Nẵng nhiều mây mù, đón đại tá Phong và vài cán bộ quân đội, bay vào TP.HCM. Từ lúc máy bay cất cánh, chị Phương cứ bồn chồn không yên. Buổi chiều tối, cả khu gia binh Quân khu 5 sững sờ khi nghe tin: “Máy bay 285 mất tích. Trong số những người trên máy bay, có 3 cán bộ thuộc Quân khu 5 mới lên từ Đà Nẵng lúc trưa 16.9. Đó là đại tá Võ Xuân Phong, trung tá Ngô Tấn Phước và thiếu tá Phùng Tấn Vạn”.
Tai nạn máy bay quân sự 32 năm trước - Kỳ 1: 285 mất tích - ảnh 3
Bà Phạm Thị Chỉnh kể lại câu chuyện với PV Thanh Niên
Ảnh: Đào Ngọc Thạch
“Chiều 16.9.1987, ruột gan tôi cũng cồn cào như lửa đốt. Buổi tối nghe mấy người trong đơn vị nói máy bay quân sự mất tích, không ngờ trên đó có chồng tôi”, bà Phạm Thị Chỉnh (64 tuổi, hiện đang ở P.9, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) kể vậy khi chúng tôi tìm đến hỏi về chồng bà - thiếu tá Nguyễn Công Toàn, trợ lý chính sách của Học viện lục quân Đà Lạt đi trên chuyến bay An-26 số hiệu 285 bay ngày 16.9.1987. Bà Chỉnh kể: Năm 1977, thiếu tá Nguyễn Công Toàn chuyển công tác từ Lữ đoàn đặc công 198 sang Học viện Lục quân Đà Lạt và đưa vợ từ Hoa Lư (Ninh Bình) vào làm việc ở Đoàn an điều dưỡng 198.
Ngày 14.8.1987, thiếu tá Toàn từ TP.Đà Lạt xuống TP.HCM ra công tác Hà Nội dài ngày bằng máy bay vận tải quân sự và khi vào cũng vẫn đi máy bay. Mãi không thấy chồng về, bà Chỉnh lên đơn vị hỏi nhưng mọi người đều lắc đầu. Vài tháng sau, chỉ huy đơn vị mới nói thật: “Chưa biết sống chết ra sao vì chưa tìm thấy máy bay vận tải”. “Hồi ấy, có lời dị nghị máy bay trốn ra nước ngoài. Tôi vừa ngóng tin chồng vừa phải chống chọi với tin đồn ông ấy vượt biên cùng máy bay. Đêm nào cũng nằm ôm 3 đứa con và khóc thầm gọi chồng trở về”, bà Phạm Thị Chỉnh kể.
Tai nạn máy bay quân sự 32 năm trước - Kỳ 1: 285 mất tích - ảnh 4
Bà Nguyễn Thị Hiển (trái), vợ phi công Vương Hữu Quý
Ảnh: Mai Thanh Hải
Tìm kiếm suốt ngày đêm
Đại tá Nguyễn Thế Cường, nguyên Phi đội trưởng phi đội, Lữ đoàn 918 rành rọt: “Thời điểm ấy, hàng không dân dụng không có nhiều máy bay nên việc chuyên chở Bắc - Nam chủ yếu do máy bay An-26 đảm nhiệm. Mỗi ngày, đều đặn có 3 - 5 chuyến từ sân bay Gia Lâm (Hà Nội) vào Tân Sơn Nhất (TP.HCM) và ngược lại. Sáng 16.9.1987, chuyến bay số hiệu 285 là chuyến bay đầu tiên từ Bắc vào Nam. Dự định sẽ hạ cánh Tân Sơn Nhất lúc 13 giờ, nhưng chờ mãi, khi chuyến thứ 3 đã hạ cánh, liên lạc với 285 không được, sở chỉ huy quân chủng báo động “285 mất tích”. Căn cứ vào thời điểm hạ độ cao, đơn vị tổ chức cho các máy bay An-26 bay đi tìm, nhiều nhất là khu vực An Lộc (Long Khánh, Đồng Nai). Trực thăng của trung đoàn 917 cũng bay tìm kiếm, nhưng bặt vô âm tín”.
Tai nạn máy bay quân sự 32 năm trước - Kỳ 1: 285 mất tích - ảnh 5
Đường mòn lên hiện trường máy bay rơi
Ảnh: Mai Thanh Hải
“Những ngày sau đó, chúng tôi sống trong tâm trạng rất nặng nề vì không thấy tin tức của An-26 số 285. Dư luận xã hội thì đồn thổi tổ bay điều khiển máy bay trốn đi nước ngoài. Cơ quan chức năng thì liên tục xuống làm việc. Mãi 6 tháng sau, cuối tháng 3.1989 khi người dân ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) phát hiện và bộ đội tìm đến hiện trường, mới chắc chắn tổ bay không vượt biên, không phản bội Tổ quốc”, đại tá Cường kể lại. (Còn tiếp)
Toàn bộ 62 người đi trên chuyến bay An-26 số hiệu 285 đều tử nạn. 6/62 người là dân sự, con em quân đội. 56 người là quân nhân, gồm: 7 sĩ quan mang cấp hàm đại tá (Bùi Ủy, Phó tham mưu trưởng quân chủng Hải quân; Võ Xuân Phong, Phó tham mưu trưởng mặt trận 579; Nguyễn Thanh Phan, Thanh tra quân đội; Nguyễn Anh Dũng, BCHQS tỉnh Thuận Hải (nay được tách thành tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận - PV); Nguyễn Đình Lợi, Tổng cục Hậu cần; Phan Quốc Tâm, Tổng cục Kỹ thuật; Vũ Chu Mộng, Học viện quân sự cấp cao). Số quân nhân còn lại mang hàm từ trung tá trở xuống đến thượng sĩ và 7 cán sự - công nhân viên quốc phòng. Trong 62 nạn nhân, có 15 nữ chủ yếu công tác tại các bệnh viện quân y. Thương tâm hơn, đại tá Nguyễn Thanh Phan (thanh tra quân đội) và vợ là bà Hoàng Thị Lương đi cùng chuyến bay 285 cùng tử nạn. Cũng trong chuyến bay này có chị Hoàng Thị Minh Hải (công nhân viên Quân chủng Hải quân) là con gái của chuẩn đô đốc Hoàng Hữu Thái, Phó tư lệnh Hải quân (giữ chức Phó đô đốc - tư lệnh Hải quân giai đoạn 1990 - 1994)…
7 quân nhân trong tổ bay An-26 của Lữ đoàn 918 gặp tai nạn ngày 16.9.1987, gồm: trung tá Đào Hữu Ngoan (SN 1936, trung đoàn trưởng, quê Tiên Lữ, Hưng Yên); đại úy Vương Hữu Quý (SN 1947, Phó phi đội trưởng An-26, quê Bích Sơn, Việt Yên, Bắc Giang); thượng úy Ngô Khắc Sự (SN 1962, lái phụ máy bay An-26, quê Hòa Nam, Ứng Hòa, Hà Nội); thượng úy Nguyễn Quốc Hòe (SN 1959, dẫn đường trên không An-26, quê Minh Đạo, Tiên Du, Bắc Ninh); thượng úy Nguyễn Ngọc Vân (SN 1959, dẫn đường trên không An-26, quê Trung Lương, TX.Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh); thượng úy Triệu Minh Sơn (SN 1960, Cơ giới trên không An-26, quê Phú Xuyên, Đại Từ, Thái Nguyên); trung úy Nguyễn Xuân Loan (SN 1959, Thông tin trên không An-26, quê ở Nguyệt Đức, Yên Lạc, Vĩnh Phúc)…
Máy bay An-26 số hiệu 285 gặp nạn ngày 16.9.1987 tại Lộc Châu (Bảo Lộc, Lâm Đồng), được sản xuất tại Liên Xô (cũ) với số xuất xưởng 11707, tháng 12.1981. Vào Việt Nam tháng 7.1982. Giờ hoạt động: 980/4.000 giờ. Số lần cất hạ cánh: 820 lần. (Đại tá Nguyễn Thanh Lâm, nguyên Giám đốc nhà máy A41, QC PKKQ)
 

Máy bay An-26 số hiệu 285 nằm trong lô cuối của loạt An-26 viện trợ cho Việt Nam

Tai nạn máy bay quân sự 32 năm trước - Kỳ 1: 285 mất tích - ảnh 6
Đầu năm 1987 là thời điểm không quân Việt Nam có lực lượng máy bay vận tải quân sự An-26 hùng hậu nhất với 48 chiếc và vài trăm phi công, nhân viên bay. Trong ảnh, máy bay An-26 xếp hàng dài tại sân bay Tân Sơn Nhất
Ảnh tư liệu lữ đoàn 918
Năm 1979, theo thỏa thuận giữa 2 nhà nước Liên Xô (cũ) và Việt Nam, Chính phủ Liên Xô viện trợ cho Quân chủng Không quân 1 trung đoàn máy bay vận tải quân sự An-26. Đây là loại máy bay vận tải tầm trung, chở được khoảng 50 hành khách, tốc độ bay 400 - 500 km/giờ, tầm bay khoảng 2.000 km; phù hợp với địa hình Việt Nam.
Đầu năm 1981, loạt máy bay An-26 đầu tiên do Liên Xô viện trợ đã về đến Việt Nam để lắp ráp, đưa vào sử dụng. Tháng 7.1981, Trung đoàn 918 tiếp nhận phi đội máy bay An-26 thứ 2, nâng tổng số lên 20 chiếc.
Trong năm 1982, thêm một số máy bay An-26 được chuyển từ Liên Xô sang Việt Nam và máy bay số 285 nằm trong số này. Ngay sau khi được đưa vào biên chế, 285 đã tham gia nhiệm vụ chiến đấu đầu tiên của trung đoàn bằng máy bay An-26 và sau đó là các chuyến bay tại tại chiến trường Campuchia, vận tải quân sự Bắc - Trung - Nam…
Máy bay An-26 số hiệu 285 nằm trong lô cuối của loạt An-26 viện trợ cho Việt Nam nên còn rất mới, thường được dùng làm “chuyên cơ” chở các lãnh đạo, đoàn khách quan trọng. Hai lái chính đều chuyển từ tiêm kích sang bay cánh quạt từ lâu, tích lũy rất nhiều giờ bay và kinh nghiệm. Chỉ có 2 nhân viên dẫn đường là đang kèm cặp nhau. (Đại tá Nguyễn Duy Lê, nguyên Trung đoàn trưởng 918)
 
Ngày 16.9.1987, trong khi thực hiện chuyến bay nhiệm vụ đường dài Gia Lâm - Tân Sơn Nhất, máy bay An-26 số 285 của tổ bay Vương Hữu Quý (lái chính), Đào Hữu Ngoan, quyền Trung đoàn trưởng (lái phụ) gặp tai nạn ở khu vực rừng núi tỉnh Lâm Đồng. Tổ bay và toàn bộ hành khách đi trên chuyến bay đều tử nạn. Đây là vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, trực tiếp ảnh hưởng tới sức chiến đấu của quân chủng Không quân và của trung đoàn, gây chấn động trong dư luận xã hội và không khí trong đơn vị. Do không sớm xác định được nguyên nhân tai nạn và vị trí máy bay rơi nên vụ tai nạn đã gây hậu quả về nhiều mặt và kéo dài nhiều tháng… (Nguồn: Lịch sử Lữ đoàn không quân 918)

Tai nạn máy bay quân sự 32 năm trước - Kỳ 2: Vừa tìm vừa canh Fulro

1 Thanh Niên Online
Ông K´Rim (SN 1952, ở xã Lộc Tân, Bảo Lâm, Lâm Đồng) là người đầu tiên nhận nguồn tin và lên núi Lẹp xác minh máy bay An-26 số hiệu 285 rơi.
Nhóm PV Thanh Niên và đồng bào thôn Đạ Nghịch (Lộc Châu, Bảo Lộc, Lâm Đồng) thắp hương tưởng niệm các nạn nhân, ngay trên đỉnh hòn đá khổng lồ
Ảnh: Mai Thanh Hải
Chúng tôi may mắn tìm gặp và được nghe thuật lại câu chuyện, trước khi ông mất, cuối tháng 8.2018.

Ngổn ngang núi Lẹp

Cuối tháng 3.1988, ông K´Rim lúc đó là đại úy, Phó chỉ huy trưởng quân sự H.Bảo Lộc (Lâm Đồng) nhận được tin từ nhóm thanh niên thôn Đạ Nghịch (Lộc Châu, Bảo Lộc, Lâm Đồng): “Trên núi Lẹp có cái giống như máy bay, xung quanh có nhiều người chết ngổn ngang”. “Ban đầu cứ nghĩ là máy bay Mỹ rơi hồi trước giải phóng. Nhưng khi lục lại điện cơ yếu của tỉnh mới giật mình: Có phải máy bay vận tải của ta mất tích cách đây nửa năm và Bộ Quốc phòng đã yêu cầu quân sự các địa phương tìm kiếm?”, ông K´Rim nhớ lại và kể: “Tôi lấy một tổ trinh sát trang bị đầy đủ vũ khí, hành quân lên địa điểm dân chỉ. Mất 1 ngày đêm mới tới nơi vì đó là khu vực rừng nguyên sinh trên đỉnh núi cao hơn 1.000 m rất khó tiếp cận. Xung quanh đấy lại rất nhiều bọn phản động Fulro”.
Tai nạn máy bay quân sự 32 năm trước - Kỳ 2: Vừa tìm vừa canh Fulro - ảnh 1
Thiếu tá K´Rim kể lại sự việc tìm thấy máy bay An-26 số 285 với PV Thanh Niên, trong lúc đang nằm điều trị bệnh hiểm nghèo tại bệnh viện Bình Dân (TP.HCM), tháng 5.2018
Ảnh: Mai Thanh Hải
“Kinh hoàng” là câu ông K´Rim thốt lên khi nói chuyện với chúng tôi. Chiếc máy bay đâm thẳng vào tảng đá to trên đỉnh, phần đuôi bị hất văng lên là còn nguyên vẹn và nằm cách tảng đá lớn, xa vài chục mét. Các mảnh vụn máy bay vung vãi, miếng to nhất khoảng chừng chiếc bàn. Nguyên vạt rừng xém lá vì máy bay sà xuống. Cả hẻm núi nơi máy bay lao xuống, vương vãi các mảnh thi thể và ngổn ngang đồ đạc vật dụng, giấy tờ sổ sách, bản đồ…
Tai nạn máy bay quân sự 32 năm trước - Kỳ 2: Vừa tìm vừa canh Fulro - ảnh 2
K´Woan phát cỏ trong khu vực người dân đi rừng lập bàn thờ cúng những nạn nhân máy bay An-26 số hiệu 285
Ảnh: Mai Thanh Hải
“Ở dưới hang sâu cạnh tảng đá to, rất nhiều thi thể nằm đó...”, ông K´Rim nói và lắc đầu: “Do trời tối có thể bị Fulro tập kích nên chúng tôi nhặt một số bộ phận máy bay, giấy tờ sổ sách gùi ra báo cáo cấp trên. Lúc ấy muốn tìm hộp đen mà không biết nó ra sao”. Xác thực của ông K´Rim cùng một số vật chứng, được Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng chuyển gấp về Bộ Quốc phòng. Lúc ấy, các đoàn công tác của Bộ tổng tham mưu, Quân chủng Không quân… mới tấp nập tìm đến TX.Bảo Lộc, lúc ấy còn hiu hắt.
Tai nạn máy bay quân sự 32 năm trước - Kỳ 2: Vừa tìm vừa canh Fulro - ảnh 3
Máy bay An-26 số hiệu 285 đã đâm vào tảng đá khổng lồ này trên núi Lẹp
Ảnh: Mai Thanh Hải

Vào hiện trường cùng nhân chứng sống

Từ câu chuyện của ông K´Rim, mới đây chúng tôi lên TP.Bảo Lộc và H.Bảo Lâm (Lâm Đồng) tìm gặp lại những người chứng kiến, tham gia cứu nạn. Nhân chứng đầu tiên chúng tôi gặp là ông K'Jeo, Bí thư chi bộ thôn 1 (xã Lộc Tân, H.Bảo Lâm), người trực tiếp tham gia cứu nạn, thu dọn hiện trường cùng lực lượng quân đội. Khi chúng tôi đặt vấn đề vào lại hiện trường, K'Jeo muốn lắm nhưng cũng chịu vì sức khỏe yếu, nên chỉ đường tìm đến anh K'Woan - người rành rẽ mọi con đường, hẻm đá trên núi Lẹp và biết chỗ máy bay quân sự An-26 số hiệu 285 rơi.
Tai nạn máy bay quân sự 32 năm trước - Kỳ 2: Vừa tìm vừa canh Fulro - ảnh 4
Tìm kiếm trên miệng hang dưới chân tảng đá máy bay đâm vào
Ảnh: Mai Thanh Hải
K'Woan (48 tuổi, người Châu Mạ ở thôn Đạ Nghịch, xã Lộc Châu, TP.Bảo Lộc), tò mò nhìn 3 chúng tôi: “Khó lắm, lại rắn rết, muỗi vắt. Bị làm sao không khiêng được đâu”. Thấy chúng tôi cương quyết, K'Woan đành gọi 2 người trong nhóm chuyên đi rừng của mình là K'Tiền (49 tuổi), K´Phúc (31 tuổi) đến bàn bạc kế hoạch vào hiện trường và chỉ K'Tiền: “32 năm trước, ông ấy trẻ nhất trong nhóm 7 người tìm trầm phát hiện ra máy bay”. Sau khi tính toán chi tiết thời gian, K'Woan nhắc: “Nghỉ trước 1 ngày lấy sức, để hôm sau đi nguyên ngày. Cương quyết không ngủ lại trong rừng. Thợ rừng còn không dám đấy”.
Sáng sớm hôm sau, 6 người chúng tôi ngồi trên 3 xe máy chuyên đi rừng, chạy từ nhà K´Woan qua lầy lội đồi thông, cỏ gianh, rừng trồng vào chân núi Lẹp. Sau khi giấu xe máy vào các bụi cây, 3 người thợ rừng Châu Mạ lôi ra bịch muối ăn, quết dày từ chân lên ngang đùi, giải thích: “Rừng già mùa mưa nên rất nhiều vắt. Đã có người bị vắt hút nhiều máu, kiệt sức và bị chết” và dặn đi dặn lại: “Tất cả phải đi gần nhau vì đường quanh co, hiểm trở, dễ lạc. Năm trước đã có người địa phương bị lạc và chết cả tháng mới thấy”.
Đi bộ từ 6 giờ sáng. Con dao dài trên tay 3 người thợ rừng loang loáng chặt cây phát cỏ lấy đường. Leo lên sườn đồi dốc, chui qua trảng cỏ tranh, lội ngang chân vượt suối, bíu vách đá trơn nhẫy, bíu lưng áo nhau trườn qua gốc cây rêu xanh mốc trong rừng âm u… 9 giờ sáng đến độ cao 880 m, K´Woan dừng lại ven mấy tảng đá to, chỉ lên trên: “Đồng bào mình thờ máy bay ở đây”. Ngẩng lên: Một bức tượng và mấy lọ cắm hoa rêu bám đầy, được dính chặt trên tảng đá bằng xi măng. 3 người dân tộc ngồi nhìn chúng tôi thắp hương, bảo: “Hồi trước, thi hài người rơi máy bay được bốc lên để đây”.
Từ chỗ bàn thờ tụt xuống khoảng 200 m là địa hình có tảng đá to nhô ra như mái nhà, che chắn cho phần bằng phẳng ngay dưới. K´Tiền chỉ: “Hồi ấy bộ đội vào đóng quân, ăn ngủ ở đây để quy tập hài cốt người đi máy bay” và dẫn chúng tôi vào phát cây, chỉ cho xem chỗ nấu cơm còn ám khói, cọc sắt làm nhà bạt hoen rỉ… Lên xuống vòng vèo chừng 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi được dẫn chui qua hang rộng, trèo lên những tảng đá to như mái nhà để vào khe núi, nơi máy bay An-26 số hiệu 285 đâm vào ngày 16.9.1987.
32 năm trôi qua, tảng đá to nhất trên đỉnh núi Lẹp cao chừng 30 m vẫn nguyên xi như trong tấm hình tư liệu tôi có. Từ tảng đá nhìn ra phía trước, vẫn thấy nguyên vạt rừng hướng Tây Bắc cây thấp bất thường, không mọc lên nổi. K´Tiền chỉ vạt rừng thấp bảo: “Thân máy bay làm gãy hết cây, dầu máy bay chảy xuống nên cây không lên đâu” và gượng nhẹ nhìn xuống hang sâu dưới chân tảng đá: “Người chết đổ hết xuống đây”.
Cả tiếng đồng hồ tìm kiếm mong gặp lại vài di vật, chúng tôi đành chịu thua vì cơn mưa rừng bất ngờ đổ xuống ào ạt. K´Woan kéo cả đoàn bò lên đỉnh tảng đá, che áo mưa để K´Tiền lấy trong chỗ đồ ăn mỗi thứ một chút, bày lên tờ báo: “Ai đi qua đây cũng phải cúng chút đồ ăn uống thì mới dễ xuống núi”. Tôi đốt bó hương, châm điếu thuốc, mở nắp chai nước đặt cạnh chiếc bánh mì, quả dưa leo, con cá khô, nửa bát cơm trắng… Tự dưng mưa tạnh ngắt, mây mù trên núi âm u kéo về. Cả đoàn, ai cũng gai lạnh.

32 năm vẫn sợ

Câu chuyện tìm thấy máy bay An-26 được K'Tiền dần kể lại trong hành trình vào ra hiện trường. Năm 1988, K'Tiền mới 17 tuổi và đi cùng 6 thanh niên trong thôn đi rừng tìm lâm sản. Một buổi trưa cuối tháng 3.1988, cả nhóm tới điểm cao nhất của núi Lẹp thì thấy một khoảng rừng bị bạt ngang tạo thành khoảng trống rất lớn. Ban đầu ai cũng nghĩ là dân tìm trầm hạ cây, nhưng khi leo lên hòn đá cao nhất, K´Tiền mới thấy cảnh tượng hãi hùng: Một “xe máy bay” (đó là lần đầu tiên K'Tiền thấy máy bay - PV) to khủng khiếp bị nát vụn khi đâm vào tảng đá. Đuôi máy bay bị búng bay ra xa ở phía trên của tảng đá còn phần đầu rớt xuống vực phía dưới tảng đá. Trên tảng đá có hàng chục thi thể.
Tai nạn máy bay quân sự 32 năm trước - Kỳ 2: Vừa tìm vừa canh Fulro - ảnh 5
Lễ truy điệu đại tá Võ Xuân Phong, Phó tham mưu trưởng mặt trận 579 hy sinh trong vụ tai nạn máy bay An-26 số hiệu 285
Ảnh tư liệu gia đình
“Thấy nhiều người chết, cả bọn sợ hãi cắt rừng về nhà. Hôm sau, anh K´Dẻo là người lớn nhất trong nhóm, lại là du kích thôn nên dẫn mấy người trong nhóm (K'Lô, K'Chối, K'Chim) ra báo xã. Tôi thì sợ quá, nằm nhà đến mấy ngày”, K'Tiền nói và cho hay: Ngoài xác người, xương cốt… tại hiện trường khi đó còn có một số vật dụng rơi vãi khắp nơi như cánh máy bay, khung sườn, lốp xe đạp, quần áo, giày dép, chăn màn, dây điện…
Tai nạn máy bay quân sự 32 năm trước - Kỳ 2: Vừa tìm vừa canh Fulro - ảnh 6
Học viện lục quân Đà Lạt tổ chức lễ truy điệu thiếu tá Nguyễn Công Toàn, tử nạn trong vụ tai nạn máy bay An-26 số hiệu 285
Ảnh tư liệu gia đình
K'Tiền tiết lộ thêm: Trước khi nhóm ông phát hiện, cũng có người đi đặt bẫy thú thấy máy bay rơi nhưng không dám báo chính quyền vì sợ mang “ma rừng” về nhà. Sau khi có tin báo, máy bay trực thăng bay vè vè suốt ngày và hàng trăm bộ đội, công an đổ về Lộc Châu thu nhặt, dọn dẹp hiện trường. Quân đội đã chọn địa điểm nằm cách hiện trường chừng 500 m để tập kết lực lượng, hậu cần và tập trung hài cốt trong hơn 1 tháng trời. Với K'Tiền, đến giờ vẫn không dám lên núi Lẹp, vì quá hoảng sợ… (Còn tiếp)
Sau vụ máy bay rơi, địa danh núi Lẹp ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) được đồng bào Châu Mạ đổi tên thành “đồi máy bay”; các ngã ba của cung đường dẫn tới hiện trường cũng có tên gọi “ngã ba máy bay 1 và 2” như để tưởng nhớ vụ tai nạn thảm khốc.
 
Vừa qua, qua sự phát hiện của 1 thanh niên người dân tộc thiểu số ở H.Báo Lộc (Lâm Đồng) các cơ quan quân sự của ta đã tìm thấy và thu lượm được xác máy bay cùng hài cốt và giấy tờ của những người bị nạn. Đây là chiếc máy bay An-26 mang số hiệu 285 rơi ngày 16.9.1987 trên đường bay Đà Nẵng - Tân Sơn Nhất, sau khi đâm vào 1 tảng đá rộng 20 m trên bình độ 900 ở tây bắc TX.Bảo Lộc 13 km vào lúc mây mù dày đặc, mưa to gió lớn. Sau vụ tai nạn này, các cơ quan quân sự đã tiến hành nhiều biện pháp tìm kiếm, nhưng không phát hiện được vì nơi máy bay rơi là khu vực núi non hiểm trở, ít người dân qua lại, lá rậm che khuất… (Báo Nhân dân số 12336, ra ngày 21.4.1988)

Hồi đó vì có nhiều tin hoang báo, chuyến bay lại có nhiều cán bộ cấp cao nên Quân chủng và Bộ Quốc phòng thành lập các đoàn điều tra tai nạn. Nhưng kết luận thì không được rõ, vì các chứng cứ không được thu thập đầy đủ. Đến khi tìm được vị trí máy bay gặp nạn thì đã hơn 6 tháng, nên cũng khó cho công tác điều tra tìm hiểu. Trong điều kiện các phương tiện kiểm tra khách quan đều thiếu và yếu, nên chỉ kết luận để phòng ngừa và lo cho các công tác chính sách… Tới giờ, tôi vẫn âm âm u u về vụ việc này…(Đại tá Nguyễn Duy Lê, nguyên trung đoàn trưởng 918, nguyên trưởng phòng quản lý điều hành bay, Quân chủng Phòng không - Không quân)

Tai nạn máy bay quân sự 32 năm trước - Kỳ 3: Thu dọn hiện trường như chiến đấu bên 'K'

0 Thanh Niên Online
'Hồi phát hiện địa điểm máy bay An-26, khu vực Bảo Lộc (Lâm Đồng) vẫn còn nhiều Fulro nên công tác cứu hộ cứu nạn, thu dọn hiện trường y như chiến đấu bên K', thiếu tá KRim, nguyên Phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự TX.Bảo Lộc (nay là TP.Bảo Lộc) kể.
Mảnh vỡ có in số hiệu 285 của máy bay An-26 gặp nạn
Ảnh tư liệu

Vừa quay phim vừa khóc

Tai nạn máy bay quân sự 32 năm trước - Kỳ 3: Thu dọn hiện trường như chiến đấu bên 'K' - ảnh 1
Ông Đặng Phước Ngọc kể lại chuyện vào hiện trường vụ máy bay rơi, cuối tháng 3.1988
Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Cuối tháng 3.1988, ông Đặng Phước Ngọc là phóng viên (PV) quay phim của Đài Phát thanh - Truyền hình (PTTH) Lâm Đồng. Hôm ấy đang ở nhà thì người của đài gọi ông đến cơ quan lấy máy quay M7 và lên xe quân sự đi “công tác bí mật”. Đến Ban chỉ huy quân sự (BCHQS) TX.Bảo Lộc, ông mới được thông báo “vào quay phim ghi hình hiện trường máy bay An-26 rơi”.
Tai nạn máy bay quân sự 32 năm trước - Kỳ 3: Thu dọn hiện trường như chiến đấu bên 'K' - ảnh 2
Đồng đội chia buồn với vợ con thiếu tá Nguyễn Công Toàn (nạn nhân đi trên chuyến bay An-26 số hiệu 285), tại lễ truy điệu do Học viện lục quân Đà Lạt tổ chức
Ảnh tư liệu
Chiều hôm đó, ông Ngọc được bộ đội dẫn vào rừng, nghỉ đêm giữa đường mòn. Gần trưa hôm sau lên đến đỉnh núi Lẹp (Lộc Châu, Bảo Lộc, Lâm Đồng), ông Ngọc phải trượt xuống khe núi nơi máy bay rơi. Đập vào mắt ông là hình ảnh phần đầu và thân máy bay nằm trong khe núi, phần đuôi bị hất văng lên đỉnh phiến đá to. Sau khi quay cận cảnh máy bay An-26 số hiệu 285, ông đến từng khu vực ghi lại toàn bộ hiện trường ngổn ngang những mảnh vỡ, thi thể và cả vật dụng cá nhân. “Trong hang sâu dưới tảng đá to có rất nhiều thi thể nhưng tôi không xuống được vì máy quay nặng”, ông Đăng Phước Ngọc rành mạch và nhớ: “Phải ra ngay trong đêm để nộp băng”.
Tai nạn máy bay quân sự 32 năm trước - Kỳ 3: Thu dọn hiện trường như chiến đấu bên 'K' - ảnh 3
Trung tướng Nguyễn Thế Bôn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (đầu tiên bìa phải) dẫn đầu đoàn tìm kiếm cứu nạn vào hiện trường vụ máy bay rơi, tháng 4.1988
Ảnh tư liệu
Buổi sáng ra đến trụ sở BCHQS TX.Bảo Lộc, ông Ngọc và người đồng bào dân tộc dẫn đường lại được đưa lên máy bay trực thăng để chỉ hiện trường quan sát và ghi hình từ trên cao. Xong việc, trực thăng hạ xuống TX.Bảo Lộc, đã thấy ông Phạm Tuân (lúc đó là thiếu tướng, Chủ nhiệm chính trị Quân chủng Không quân - QCKQ) cùng đợi sẵn.
Ông Phạm Tuân bảo: “Anh theo tôi lên máy bay ra Hà Nội để giao tư liệu” nhưng ông Ngọc lắc đầu: “Tôi được đài cử đi nên chỉ giao băng cho đài”. Những cuốn băng do ông Đặng Phước Ngọc quay hiện trường vụ tai nạn máy bay An-26 số hiệu 285, ngay lập tức được lãnh đạo Đài PTTH Lâm Đồng giao cho BCHQS tỉnh và chuyển ra Bộ Quốc phòng. “Người đồng bào dẫn đường cho chúng tôi tên là K´Dẻo. Anh ấy là người đi trong nhóm thanh niên làng Đạ Nghịch phát hiện máy bay rơi và về báo chính quyền. Trưa hôm ấy, K´Dẻo còn chỉ cho tôi quay từ trên xuống dưới cái hang có rất nhiều thi thể nằm dưới”, ông Ngọc hồi tưởng và lắc đầu: “Đã từng đi bộ đội đánh Fulro và lúc ấy đã 36 tuổi, nhưng chưa bao giờ thấy thảm khốc vậy. Tôi vừa bấm máy quay vừa khóc”.
Tai nạn máy bay quân sự 32 năm trước - Kỳ 3: Thu dọn hiện trường như chiến đấu bên 'K' - ảnh 4
Đoàn tìm kiếm cứu nạn của BTTM và QCKQ đầu tháng 4.1988. Hàng đứng có các sĩ quan cao cấp như trung tướng Nguyễn Thế Bôn (thứ 7 từ phải qua), thiếu tướng Phạm Ngọc Lan (thứ 4 từ phải qua), thiếu tướng Nguyễn Hồng Nhị (thứ 6 từ phải qua) và Chuẩn đô đốc Hoàng Hữu Thái, lúc ấy là Phó tư lệnh hải quân (thứ 10 từ phải qua). Đại úy K´Rim (người đầu tiên nhận tin báo và tiếp cận hiện trường máy bay rơi)ngồi hàng đầu, thứ 3 từ trái sang
Ảnh tư liệu

Đục số hiệu máy bay làm chứng

Trung tá Nguyễn Hồng Thái, cán bộ phòng Chính trị Lữ đoàn không quân 918 đến giờ vẫn nhớ quãng thời gian đầu tháng 4.1988, khi đó mới 24 tuổi là thượng úy, trợ lý bảo vệ an ninh của trung đoàn 918, cùng tham gia đoàn tìm kiếm cứu nạn của Bộ tổng tham mưu (BTTM) Quân đội nhân dân Việt Nam vào tận hiện trường máy bay An-26 số hiệu 285 gặp nạn.
Đoàn khoảng 40 người, do trung tướng Nguyễn Thế Bôn, Phó tổng tham mưu trưởng dẫn đầu, chia làm 2 nhóm: Các sĩ quan cao cấp của BTTM, QCKQ đi trực thăng từ Hà Nội vào TX.Bảo Lộc; nhóm đi ô tô từ TP.HCM lên, gồm đại diện các cơ quan của Bộ Quốc phòng phía Nam và một số cán bộ, nhân viên kỹ thuật trung đoàn 918. “Xuất phát từ TP.HCM sáng ngày 1.4.1988, tôi nhớ rất rõ bởi hôm ấy là ngày giỗ bố tôi”, trung tá Thái chắc chắn và hồi tưởng: “Xe chạy đến Định Quán (Đồng Nai) thì hỏng nên anh Thái phải vẫy các loại xe nhờ cho mọi người đi trước, sau đó mới lên Bảo Lộc. Hồi ấy, Fulro vẫn còn hoạt động mạnh ở Lâm Đồng, nên đèo Bảo Lộc bị cấm lưu thông từ 22 giờ tới sáng hôm sau, chỉ có xe Công an, quân đội có vũ trang được qua. Do khoác khẩu AK kèm 4 băng đạn nên chiếc xe chở anh Thái được ưu tiên cho qua và 3 giờ sáng 2.4, anh mới tới BCHQS TX.Bảo Lộc”.
Tai nạn máy bay quân sự 32 năm trước - Kỳ 3: Thu dọn hiện trường như chiến đấu bên 'K' - ảnh 5
Máy bay Mi-8 tham gia cứu nạn
Ảnh tư liệu
Ăn sáng xong, cả đoàn lên mấy chiếc xe hành quân vào chân núi và cuốc bộ dưới sự bảo vệ chặt chẽ của bộ đội địa phương. Lưng đeo ba lô nước uống, cơm nắm, trứng luộc, tay lăm lăm súng AK, thượng úy Thái đưa GS-TS Vũ Ngọc Thụ, Viện trưởng Pháp Y quân đội vào đến hiện trường đúng buổi trưa, cùng đoàn công tác. “Từ trên vách đá đã ngửi mùi tử khí nồng nặc dưới khe núi. Chúng tôi đu dây mây cả mấy chục mét xuống được hiện trường và chứng kiến cảnh hài cốt đang phân hủy nằm ngổn ngang cùng với các mảnh vỡ máy bay. Xem xét hiện trường cho thấy sau khi rơi, máy bay không bị cháy và đây cũng là lý do khiến các máy bay tìm kiếm không phát hiện ra. Khám nghiệm hiện trường xong, cả đoàn từ trung tướng cho đến chiến sĩ, chia nhau đi nhặt các phần hài cốt. Tôi cùng mấy chiến sĩ leo lên tảng đá to máy bay đâm vào để nhặt từng lọn tóc con gái còn dính trên đó”, trung tá Thái thuật lại rồi trầm giọng: “Tôi và các anh Thân Văn Thay (trung đội trưởng thiết bị hàng không), Nguyễn Văn Tùng (trung đội trưởng vô tuyến điện tử), Lê Văn Tiên (trung đội trưởng máy bay động cơ) được giao đục số hiệu 285 ở đuôi đứng máy bay, mang về báo cáo Bộ Quốc phòng để không bị nói làm giả hiện trường và dập tan dư luận đồn thổi máy bay trốn ra nước ngoài. Việc thu dọn hài cốt, xử lý hiện trường sau đó được giao cho Đại đội 3, Tiểu đoàn 5, Lữ đoàn 144 và cơ quan quân sự địa phương”. “Mấy ngày liền thu dọn dưới trời nắng nóng, mùi tử khí nồng nặc, sương mù, muỗi vắt… nhưng ai cũng cố gắng vì đó là đồng đội mình”, trung tá Thái nói.
Tai nạn máy bay quân sự 32 năm trước - Kỳ 3: Thu dọn hiện trường như chiến đấu bên 'K' - ảnh 6
Tiểu đội trinh sát của BCHQS TX. Bảo Lộc (Lâm Đồng) tham gia bảo vệ hiện trường và các cán bộ cấp cao làm nhiệm vụ cứu nạn
Ảnh tư liệu
Đại tá Nguyễn Duy Lê nhớ lại ngày 2.4.1988, ông là Phó trung đoàn trưởng - tham mưu trưởng 918 đi cùng đoàn của BTTM vào hiện trường máy bay rơi: “Hôm ấy có thiếu tướng Nguyễn Hồng Nhị (khi đó là Phó tư lệnh - tham mưu trưởng QCKQ) dẫn đầu đoàn. Khám nghiệm xong, cả anh Nhị, anh Lan (phi công Phạm Ngọc Lan, khi đó là đại tá - Cục trưởng Huấn luyện của QCKQ) thấy tôi đang cùng anh em thả cáp hàng của An-26 xuống hang sâu dưới tảng đá để đưa thi thể lên, cũng vào làm cùng. Khi rút ra khỏi hiện trường, đi được một đoạn, anh Nhị bảo tôi: “Cậu cùng anh em quay lại đục thêm cái số hiệu 285 ở thân máy bay mang về, để trưng bày cho người dân biết là không có chuyện phi công chúng ta lái máy bay trốn sang nước ngoài” và trầm ngâm: “Miếng số hiệu ấy to bằng cái bàn, chúng tôi đục mãi mới xong và vất vả lắm mới khiêng được ra bìa rừng...”. (Còn tiếp)
Vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng này phản ánh sự xem nhẹ công tác bảo đảm an toàn bay và đấu tranh phòng ngừa tai nạn bay, chưa thực sự coi trọng việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho phi công, nhân viên bay và các thành phần đảm bảo; chất lượng giáo dục chính trị trong công tác bảo đảm bay còn hạn chế…. Đây là bài học sâu sắc cho lãnh đạo chỉ huy trung đoàn trong tổ chức các hoạt động bay.
Nguồn: Lịch sử lữ đoàn không quân 918, thời kỳ 1975-2015
Sau vụ tai nạn bay 16.91987, tôi được Tư lệnh quân chủng Không quân bổ nhiệm làm quyền trung đoàn trưởng 918. Lúc này mình mới có 37 tuổi, chỉ có kinh nghiệm bay - chiến đấu chứ làm gì có có kinh nghiệm lãnh đạo. Đã thế lại còn tính cách của người Quảng Nam nói thẳng nói thật, không rủ rỉ khuyên nhủ được, nên quãng thời gian này, giờ mới thấy là vất vả nhất trong đời binh nghiệp. Hồi ấy máy bay nhiều, nhiệm vụ liên tục. Từ chi viện chiến trường Campuchia, bảo vệ Trường Sa sau sự kiện 14.3.1988 cho đến chở tiền mới in sau khi đổi… tất cả đều giao hết cho đơn vị đang choáng váng sau tai nạn máy bay thảm khốc. Đã thế, gia đình của nạn nhân suốt ngày đến… đòi người.
Đại tá Nguyễn Duy Lê, Trung đoàn trưởng 918 (từ 9.1988 - 9.1991)
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét