KÝ ỨC CHÓI LỌI 91/i

(ĐC sưu tầm trên NET)
                                       Hồi ký: Trung đoàn Một thời chiến trận 25 + 26 + 27

Một cuộc trở về - Bài 1: Nhân chứng cuối cùng

;
Thứ Tư, 21/08/2013, 08:13 [GMT+7]
Như lời hẹn, chúng tôi có mặt tại TP.Đà Nẵng để cùng cựu chiến binh Tiểu đoàn Đặc công 404 (D404 - Quân khu 5) và thân nhân trong hành trình trở lại Khâm Đức (Phước Sơn). Chuyến đi đã cho chúng tôi hiểu thêm về tình đồng chí, nghĩa đồng đội, giá trị tình cảm thiêng liêng của những người từng trải qua tháng năm chiến trường.
Trên hành trình về chiến trường xưa, ông Nguyễn Văn Việt - người duy nhất sống sót trong trận tập kích vào sân bay Khâm Đức nhiều lần bị co giật, lả người trong vòng tay đồng đội. Ảnh: NGUYÊN ĐOAN
Trên hành trình về chiến trường xưa, ông Nguyễn Văn Việt - người duy nhất sống sót trong trận tập kích vào sân bay Khâm Đức nhiều lần bị co giật, lả người trong vòng tay đồng đội. Ảnh: NGUYÊN ĐOAN
BÀI 1: NHÂN CHỨNG CUỐI CÙNG
Trong ký ức sâu thẳm của người cựu binh duy nhất sống sót sau trận đánh quyết tử ngày 5.8.1970 vào sân bay Khâm Đức vẫn chưa nguôi ám ảnh, day dứt về sự hy sinh bi tráng của 16 đồng đội.
Ký ức tháng 8
Chuyến xe đưa đoàn cựu binh D404 về thăm chiến trường xưa Khâm Đức tiếp tục lên đường sau điểm dừng Đà Nẵng. Trong đoàn, có người lần đầu tiên sau 43 năm, cũng có người đã là lần thứ hai, thứ ba cùng thân nhân của các đồng đội hy sinh tại Khâm Đức trở lại để tiếp tục công tác tìm kiếm, xác định vị trí hố chôn tập thể 16 liệt sĩ của tiểu đoàn. Lần trở lại này có một nhân vật đặc biệt, người lính đặc công duy nhất sống sót sau trận đánh quyết tử ngày 5.8.1970 - ông Nguyễn Văn Việt (65 tuổi, xã Việt Lập, Tân Yên, Bắc Giang). Bốn mươi ba năm đã trôi qua, bây giờ ông mới có điều kiện quay trở lại thắp nén nhang tưởng nhớ, tri ân những đồng đội đã hy sinh trong trận đánh mà đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt.
Hành trình từ tỉnh Bắc Giang vào chiến trường xưa Khâm Đức như dài hơn và cũng là sự thử thách khó khăn đối với cựu binh Nguyễn Văn Việt. Trên suốt hành trình, đồng đội đã thay phiên nhau túc trực chăm sóc mỗi khi ông lên cơn động kinh co giật, tím tái. Đã có lúc chúng tôi tưởng chừng như hành trình của đoàn sẽ phải gián đoạn. Những vết thương chiến tranh vô hình và cả hữu hình đã bào mòn sức khỏe của người cựu binh này đến cùng cực. Ấy vậy, khi xe vào đến địa phận thị trấn Khâm Đức, ông Việt như bừng tỉnh, trở nên hoạt bát, người khỏe hẳn ra. Đối với ông, trở lại Khâm Đức lần này cũng chính là trở về với quê hương thứ hai của mình, để được gần gũi hơn với những đồng đội, để ký ức có dịp sống lại với thời khắc bi tráng của 43 năm trước.
Tháng 7.1969, ông Việt nhập ngũ và được biên chế vào D404. Trận đánh quyết tử vào đêm ngày 4 rạng sáng 5.8.1970, ông Việt được giao nhiệm vụ cài bộc phá ống chốt giữ ở vị trí cửa mở, sẵn sàng đợi lệnh kích nổ mở đường thoát cho các đồng đội thâm nhập bên trong sân bay Khâm Đức. “Mười sáu đồng đội của tôi khi ấy còn rất trẻ, họ chỉ mới mười tám, đôi mươi. Theo kế hoạch, 16 người chia làm các tốp nhỏ đột nhập vào đánh khu chỉ huy, trận địa pháo, khu sân bay hòng làm tê liệt cứ điểm Khâm Đức. Trước khi xung trận, các anh đã tổ chức lễ truy điệu sống, tuyên thệ xác định hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ. Những ánh mắt kiên định của đồng đội khi ấy đến giờ vẫn còn ám ảnh trong tôi. Quá trình giao tranh ác liệt, tôi đã suýt ngất vì sức ép của bộc phá đánh bên trong. Anh em được lệnh rút lui nhưng máy bay địch phát hiện ra vị trí cửa mở nên tập trung hỏa lực bít lối thoát. Các anh đã chiến đấu quả cảm đến phút giây cuối cùng. Khi ấy tôi cũng bị thương nhưng nằm ở lớp rào ngoài nên được đồng đội đến cứu thoát” - giọng ông Việt u hoài.
“Họ đã chết cho tôi và mọi người được sống!”
Sau khi bị thương và được đưa về bệnh viện cứu chữa, cũng trong năm 1970, ông Việt được ra miền Bắc. Trận đánh đêm ngày 4 rạng sáng 5.8.1970 là trận đánh duy nhất trong đời binh nghiệp của ông. Nhưng trận đánh ấy cũng đủ khắc ghi nơi tiềm thức của ông về sự tàn phá khốc liệt, nỗi đau thương, mất mát ghê gớm của chiến tranh phi nghĩa. Rời quân ngũ trở về với đời thường, ông Việt chưa khi nào nguôi ngoai nỗi day dứt, ám ảnh về sự hy sinh bi tráng của 16 đồng đội ngay trước mắt, trong sự bất lực của bản thân ông. Họ còn quá trẻ, trẻ hơn tuổi của ông khi đó. Nếu không có chiến tranh nhất định tuổi thanh xuân của họ gắn với giảng đường đại học cùng những ước mơ, hoài bão lớn về tương lai. Nỗi day dứt dồn nén trở thành động lực thôi thúc ông quyết tâm vượt qua sự hành hạ của bệnh tật, đi hơn nghìn cây số về thăm chiến trường xưa Khâm Đức, để được tự tay thắp nén nhang tri ân các đồng đội. Đó cũng là cách giúp ông hóa giải phần nào những nỗi u hoài, day dứt như ông chia sẻ: “Họ đã chết cho tôi và mọi người được sống!”.
Vết tích chiến trường xưa đã thay đổi nhiều. Ông Việt chống dù lội bộ khắp mảnh đất của khu vực sân bay cũ, cố gắng lục lại trong trí nhớ của mình những khoảnh khắc của 43 năm trước để cùng đồng đội xác định vị trí trận địa pháo, điểm cửa mở nhằm xác định vị trí hố mộ chôn tập thể 16 thi thể đồng đội theo những tài liệu mới nhất do cựu binh Mỹ cung cấp. Nhìn bóng dáng lặng lẽ, lầm lũi của ông Việt, ông Phạm Công Hưởng - Trưởng ban Liên lạc D404 không khỏi xúc động. Ông Hưởng chia sẻ: “Cuộc sống của người cựu binh này hiện rất khó khăn. Rời quân ngũ với thương tích tỷ lệ 12% nhưng anh Việt không được hưởng bất kỳ chế độ nào. Mấy năm nay, vợ anh lại bị tai biến nằm một chỗ. Hai vợ chồng già, bệnh tật sống với các con nhưng hoàn cảnh các cháu đều túng bấn, vì vậy cuộc sống hai người luôn khốn khó”. Ông Hưởng còn cho biết, khi đón ông Việt đi cùng, đồng đội đã ra chợ mua cho đôi dép, bộ đồ quân ngũ mới để mặc cho tinh tươm. “Biết được hoàn cảnh khó khăn của anh Việt,  anh em cựu binh chúng tôi đã quyên góp giúp đỡ. Thời gian đến, chúng tôi sẽ cố gắng giúp anh làm hồ sơ để được hưởng chế độ theo quy định. Đây cũng chính là một việc nghĩa mà chúng tôi xác định cần phải làm bên cạnh việc đi tìm hài cốt các đồng đội đã hy sinh” - ông Hưởng tâm tình.
HÀN GIANG

Một cuộc trở về - Bài 2: Chuyện từ hai ngôi mộ

;
Thứ Năm, 22/08/2013, 08:50 [GMT+7]
Có một ngôi mộ ngày ngày được nhiều người đến viếng hương tưởng nhớ, nhưng chỉ là mộ gió. Bởi, ngôi mộ tập thể có hài cốt 16 liệt sĩ hy sinh trong trận đánh sân bay Khâm Đức vẫn còn nằm đâu đó giữa mung lung dấu tích xưa...
Chính quyền huyện Phước Sơn cùng các cựu binh D404 xem xét thực địa xác định vị trí hố chôn 16 liệt sĩ.
Chính quyền huyện Phước Sơn cùng các cựu binh D404 xem xét thực địa xác định vị trí hố chôn 16 liệt sĩ.
Bên ngôi mộ gió
Trong Nghĩa trang liệt sĩ huyện Phước Sơn có một ngôi mộ trên tấm bia đề: “Tập thể 16 liệt sĩ, họ tên chưa rõ”. Hình ảnh ngôi mộ gió trở thành nỗi ám ảnh các thân nhân liệt sĩ khi đến viếng hương nghĩa trang. Mỗi khi có dịp về Khâm Đức, đứng trước ngôi mộ gió ấy, những cựu binh D404 càng thêm trăn trở, day dứt khôn nguôi. Bởi, bao nhiêu nỗ lực, cố gắng tìm kiếm hài cốt đồng đội thời gian qua đều không có kết quả. Hôm nay, cựu binh D404 và thân nhân các liệt sĩ cùng tìm về thăm, nhưng cũng chỉ là viếng hương trước ngôi mộ gió.
Dù tâm lý đã chuẩn bị kỹ, nhưng lần đầu đứng trước ngôi mộ gió ở nghĩa trang, bà Nguyễn Thị Thanh Chương (60 tuổi, quận Lê Chân, TP.Hải Phòng) không cầm được nước mắt. Bà Chương xót thương cho anh trai là liệt sĩ Nguyễn Ánh Dương và đồng đội hy sinh khi còn quá trẻ. Tay run run thắp nén nhang lên ngôi mộ gió, giọng bà Chương nghẹn ngào gọi tên anh trai, cầu mong anh linh thiêng giúp bà và đồng đội sớm tìm thấy vị trí hố mộ chôn tập thể, tìm được hài cốt đưa về quê nhà an táng theo ước nguyện của cha mẹ lúc còn sống. Mấy tháng trước, sau khi xem đoạn phim về trận đánh tại chiến trường Khâm Đức (cung cấp bởi cựu binh Mỹ) do Trưởng ban Liên lạc D404 - ông Phạm Công Hưởng gửi, bà Chương đổ bệnh nằm liệt giường nửa tháng trời. Hình ảnh thi thể người lính đặc công trên đoạn phim cứ ám ảnh bà về hình dáng quen thuộc của anh trai. Bà mất nhiều thời gian lục lại các tấm ảnh cũ có hình ảnh của anh trai, rồi tham vấn ý kiến của người thân và bà con làng xóm để đối chứng với hình ảnh trên phim. Không gian phim là bối cảnh quá khốc liệt của chiến tranh nhưng bà Chương cảm thấy được an ủi, được ấm lòng khi mọi người cùng nhận định có một hình ảnh thi thể trong phim là anh trai bà - Nguyễn Ánh Dương.
Đứng lặng bên ngôi mộ gió, chị Phan Thị Giang (xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) rấm rứt khóc thương người cậu ruột - liệt sĩ Nguyễn Trọng Thế. Chị kể, ngày 15.7 vừa qua, cũng là lần đầu tiên gia đình chị được các bác cựu binh D404 tìm báo tin về đơn vị chiến đấu và nơi hy sinh của cậu Thế. Sau khi xem đoạn phim, cả gia đình chị đã vô cùng xúc động, ngậm ngùi thương cảm khi nhận ra thi thể cậu Thế trên phim - thi thể được quay rõ nhất, mặt hướng về phía ống kính máy quay. “Thời điểm đó, bà ngoại tôi đã 97 tuổi đang hôn mê sâu. Bên giường bệnh con cháu thì thầm báo tin về cậu Thế cho ngoại, đôi môi bà mấp máy, rồi ngoại mất. Vậy là sau hơn 43 năm chờ đợi, ngoại cũng đã nhận được thông tin xác thực về nơi cậu hy sinh. Với ngoại, đó là nguồn an ủi lớn ở những giây phút cuối đời, để bà yên lòng nhắm mắt” - chị Giang bùi ngùi.
Hé lộ vị trí hố mộ tập thể
Lần này trở lại Khâm Đức để tìm kiếm, xác định vị trí hố mộ chôn tập thể 16 liệt sĩ đặc công theo những tài liệu mới nhất, tin cậy nhất do cựu binh Mỹ cung cấp, các cựu binh D404 và thân nhân các liệt sĩ cùng thống nhất chọn ngày 5.8 hằng năm làm ngày tri ân, tưởng nhớ sự hy sinh anh dũng của các anh. Trong khói nhang trầm nghi ngút, đứng giữa trận địa pháo nằm cạnh đường băng năm xưa, những cựu binh đứng lặng yên như để lắng nghe tiếng nói đồng đội vọng về từ lòng đất. Cựu binh Lương Ngọc Chiến (Đống Đa, Hà Nội) hồi nhớ: Giữa tháng 7.1970, Mỹ ngụy mở cuộc càn quét lớn tái chiếm Khâm Đức. Ba ngày sau, địch đã lập nên cứ điểm Khâm Đức. Mệnh lệnh của quân khu là bằng mọi giá phải nhổ cho được chốt này, giáng đòn chí mạng vào ý đồ tái chiếm Khâm Đức của chúng. Tiểu đoàn Đặc công D404 cử một phân đội tập kích vào cơ quan đầu não của địch. Xác định đây là trận đánh vô cùng quan trọng, quyết tử để hoàn thành nhiệm vụ nên các đồng chí được chọn cử đi đánh đều là cán bộ, đảng viên, đoàn viên ưu tú là đối tượng cảm tình Đảng, có tinh thần dũng cảm, mưu trí, có nhiều kinh nghiệm trong chiến đấu. Trận đánh do đồng chí Tiểu đoàn phó Lê Quý Quỳnh trực tiếp chỉ huy. “Khi ấy tôi cùng vài anh em được tiểu đoàn giao nhiệm vụ giám sát tình hình máy bay địch lên xuống ở phía đông sân bay Khâm Đức để kịp thời báo cáo, lập kế hoạch cho trận đánh. Lúc xuất trận, chúng tôi chỉ biết động viên nhau bằng ánh mắt, mọi người thầm chúc các anh hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trở về với anh em đồng đội. Vậy mà…” - nói đến đây giọng ông Chiến nghẹn lại, mắt ngấn lệ.
Căn cứ theo tài liệu, các cựu binh D404 cùng chính quyền huyện Phước Sơn lần lượt xác định vị trí cửa mở, xác định ngọn núi được thể hiện trên tài liệu. Từ đó, mọi người cẩn trọng định vị 2 điểm được cho có khả năng là nơi hố mộ chôn tập thể 16 liệt sĩ đặc công. Theo hướng cửa mở, vị trí thứ nhất nằm về hướng đông và vị trí thứ hai nằm về hướng đông nam, khoảng cách giữa hai vị trí nằm trong phạm vi 30 - 70m. “Chúng tôi rất tin tưởng vào 2 vị trí vừa được xác định trên. Chúng tôi sẽ tích cực phối hợp với địa phương và các cơ quan chức năng thực hiện công tác khai quật theo quy định để tìm và quy tập hài cốt 16 đồng đội trong thời gian sớm nhất. Chỉ có tìm thấy được hài cốt các anh, chúng tôi mới phần nào bớt nỗi day dứt, trăn trở đã luôn thường trực trong tâm thức mình” - ông Phạm Công Hưởng chia sẻ. Ông Phạm Thế Quyền - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn khẳng định: “Địa phương đã và sẽ cố gắng làm hết sức mình để phối hợp tìm kiếm hài cốt của 16 liệt sĩ đặc công D404. Chúng tôi xác định đây là một trong những hành động tri ân thiết thực nhất đối với sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh cho độc lập, ấm no hôm nay”.
HÀN GIANG

Một cuộc trở về - Bài cuối: Ghi ở hậu cứ Đắk Pét

;
Thứ Sáu, 23/08/2013, 08:13 [GMT+7]
Mảnh đất Đắk Pét (huyện Đắk Glei, Kon Tum) là vùng hậu cứ thứ hai của Tiểu đoàn Đặc công D404 sau Khâm Đức. Những trận đánh tại Đắk Pét đã góp phần chia lửa cho chiến trường Quảng Nam, và gắn với nơi đây còn có câu chuyện tình của người lính đặc công sau 43 năm mới được kể.
Cựu binh D404 tặng quà cho mẹ con chị Y Niêu nhân cuộc gặp gỡ tại Đắk Pét. Ảnh: HÀN GIANG
Cựu binh D404 tặng quà cho mẹ con chị Y Niêu nhân cuộc gặp gỡ tại Đắk Pét. Ảnh: HÀN GIANG
Về Đắk Pét
Cứ điểm Đắk Pét là Chi khu quân sự địch, do Tiểu đoàn 88 Biệt động biên phòng khét tiếng thuộc Liên đoàn 22 Biệt động quân đóng giữ. Ngoài ra, chúng còn tổ chức nhiều trung đội thuộc các lực lượng bảo an, cảnh vệ, tình báo, nghĩa quân và 300 dân vệ cùng phòng giữ. Cứ điểm này được xây dựng với hệ thống hầm ngầm, lô cốt kiên cố; hỏa lực địch được bố trí liên hoàn trên các mảng đồi hình bát úp, trung tâm là một sân bay dã chiến và một bãi đáp trực thăng… Cuối năm 1971 đầu năm 1972, D404 được bổ sung quân số và trang bị đầy đủ vũ khí, đạn dược chuẩn bị đánh cứ điểm Đắk Pét. Thời gian này, Quân khu 5 điều động Tiểu đoàn K80 bộ binh và một số đơn vị hỏa lực, các đơn vị bộ đội huyện, cùng dân công hỏa tuyến phối hợp thành lập Mặt trận 159 do Thiếu tá Cao Liêm - làm Chỉ huy trưởng, mở chiến dịch đánh chiếm quận lỵ Đắk Pét.
Đêm 18.4.1972, ta đồng loạt nổ súng tấn công cứ điểm Đắk Pét. Trước hỏa lực mạnh của địch, ta chuyển sang đánh bao vây kéo dài gần 2 tháng, cắt đường tiếp tế lương thực, vũ khí từ các nơi cho cứ điểm Đắk Pét. Tuy ta không tiêu diệt được hoàn toàn cứ điểm Đắk Pét, song đã góp phần quan trọng cho chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh vào tháng 5.1972 và chia lửa cho chiến trường Quảng Nam lúc bấy giờ. Trong cuộc tấn công này, D404 có 67 chiến sĩ đặc công hy sinh, đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Đây cũng là một trong những trận chiến bi hùng, để lại dư âm oanh liệt về quá khứ anh hùng của Tiểu đoàn Đặc công D404.
Trong hành trình về với chiến trường xưa Đắk Pét, những cựu binh D404 đã đến dâng hương, đặt vòng hoa tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đắk Glei. Trời chiều Tây Nguyên u tịch, rất nhiều ngôi mộ liệt sĩ đã tìm được hài cốt nhưng trên bia mộ khắc ghi “Chưa xác định tên” khiến lòng người thêm chùng xuống. Trong những ngôi mộ không tên kia, có thể có hài cốt những người lính đặc công D404 và còn biết bao hài cốt các anh vẫn đang nằm trong lòng đất lạnh của xứ núi Đắk Pét đang mong đợi những người đồng đội đến tìm về. “Chúng tôi tuổi đã cao, sức khỏe không còn cho phép mình được lăn lộn khắp nơi để tìm kiếm hài cốt đồng đội. Nhưng còn đi lại được, còn một tia hy vọng tìm thấy hài cốt của đồng đội, chúng tôi sẽ nỗ lực tìm kiếm. Hằng năm chúng tôi cũng động viên nhau tổ chức những chuyến tìm về chiến trường xưa để thắp nén hương tri ân, tưởng nhớ đồng đội đã ngã xuống cho độc lập, ấm no hôm nay” - cựu binh Hoàng Duy Chúc chia sẻ.
Hạnh ngộ bất ngờ
Về với chuyến trường xưa Đắk Pét, có một kỷ niệm gắn với câu chuyện tình giữa người lính đặc công D404 với cô gái tên Y Dứt - làng Rooc Mẹc (xã Đắk Nhoong, Đắk Glei) 43 năm trước được các cựu binh D404 nhắc đến. Để rồi họ cùng tìm đến với giọt máu mà người đồng đội đã lưu lại trên mảnh đất này.
Thời chiến, những tháng mùa mưa của Tây Nguyên và theo yêu cầu nhiệm vụ, D404 hành quân về đóng ở hậu cứ Khâm Đức. Vào những tháng mùa khô, đơn vị lại hành quân về đóng ở Đắk Pét. Cô gái Y Dứt - Bí thư Chi đoàn thôn Rooc Mẹc ngày ấy đã phải lòng người lính đặc công Phạm Minh Văn (được dân làng Rooc Mẹc gọi bằng cái tên thân quen A Văn). Những ngày được giao nhiệm vụ ở lại bảo vệ hậu cứ Đắk Pét, do không kìm chế được tình cảm của mình nên Y Dứt và A Văn đã ăn ở với nhau như vợ chồng. Chuyện của họ rồi cũng bị người làng và đơn vị phát hiện khi cái bụng của Y Dứt ngày một lớn. Trưởng làng Rooc Mẹc bắt phạt Y Dứt và A Văn một con heo có đường kính thân bằng 4 nắm tay xếp chồng lên nhau, cùng nhiều muối và mì chính, nếu không chịu phạt sẽ bị đuổi khỏi làng. Dạo ấy, những người lính D404 đã phải một phen cuống cuồng chạy lo lễ nộp phạt cho người đồng đội. Năm 1972, sau khi sinh xong, A Dứt bồng con cùng D404 về đóng ở hậu cứ Khâm Đức, phục vụ công việc nuôi quân. Thời gian sau, Y Dứt lại bồng con quay về làng sinh sống, A Văn được điều động vào bộ đội chủ lực. Cũng từ đó, những người lính D404 mất liên lạc với Y Dứt...
Câu chuyện tình giữa A Văn và Y Dứt được gợi nhắc sau 40 năm trở nên thật buồn khi những cựu binh D404 được bà Y Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glei cho biết, Y Dứt và A Học - con trai của A Văn đã mất hơn 10 năm trước. Nhưng rồi mọi người cũng cảm thấy được an ủi khi biết vợ và con trai của A Học đang sinh sống tại làng Rooc Mẹc. Được sự giúp đỡ của bà Y Hoa, các cựu binh D404 đã có cuộc hạnh ngộ với con dâu và cháu nội của người đồng đội đã quá cố. Cựu binh Nguyễn Văn Thiệp xúc động nói: “Anh Văn đã mất, chúng tôi, những người đồng đội cùng đơn vị chiến đấu với anh cũng được xem như người thân trong gia đình. Hoàn cảnh đã không cho phép chúng tôi được gặp các cháu sớm hơn. Nhưng được gặp và biết hoàn cảnh hiện tại của các cháu, chúng tôi như cởi bỏ được tâm tư nặng trĩu suốt mấy mươi năm qua mỗi khi nghĩ về vợ và con anh của người đồng đội nơi mảnh đất chúng tôi từng chiến đấu”. Không khỏi bất ngờ và xúc động trước tình cảm của các cựu binh D404, Y Niêu - vợ A Học bày tỏ: “Con từng được nghe mẹ Y Dứt kể về các chú, các bác. Hôm nay, có dịp được gặp, được các chú các bác thăm hỏi động viên con thấy thật cảm kích. Chắc mẹ Y Dứt cũng sẽ rất vui”.
Đêm Đắk Pét, đêm cuối của hành trình về thăm chiến trường xưa dâng hương tri ân, tưởng nhớ các đồng đội, những cựu binh Tiểu đoàn Đặc công D404 vẫn chưa thể cho mình một giấc ngủ ngon!
HÀN GIANG

TRÍCH MỘT THỜI HOA LỬA

NHỔ NỐT ĐẮC PÉT
chien-truong-dakpet-1974_400
Ngày 3/4/1974, sau một thời gian chuẩn bị, ta tấn công tiêu diệt địch ở Kon Rốc, cách thị xã Kon Tum khoảng 40 km về phía đông, trên đường đi Quảng Ngãi. Trong lần đi chiến dịch này, tôi bất ngờ gặp thày Minh, quê Hà Nam, chủ nhiệm lớp 10B của tôi, hóa ra thày nhập ngũ sau tôi 2 năm. Nhìn thầy gùi cái nồi quân dụng to đùng, dáng hơi ngượng ngùng, tôi thấy thương thầy quá. Chả lẽ chiến tranh đã đến mức phải huy động cả những người thày giáo cấp ba, của vùng biên ải vốn còn đang đói chữ ấy ra trận. Vì hành quân ngược chiều nhau nên tôi chỉ kịp hỏi thăm thày vài câu. Không biết bây giờ người thày giáo chủ nhiệm ấy ra sao, ở đâu mà mấy lần về Cao Bằng dự kỷ niệm trường tôi đều không gặp.
chien-truong-dakpet-1974_500
     Vừa tham gia đánh Kon Rốc về, chúng tôi được lệnh lên đường đi trinh sát chuẩn bị đánh Đắc Pét. Căn cứ Đắc Pét là một tiền đồn biên phòng nằm gần biên giới Lào - Việt, giáp với quận Ba Tơ tỉnh Quảng Ngãi và cách thị xã  Kontum 80 cây số theo đường chim bay về hướng tây bắc, do tiểu đoàn 88 Biệt Động Quân Biên Phòng án ngữ trên quốc lộ 14. Những năm trước quân ta cũng đã vây đánh cứ điểm này nhưng chưa nhổ được.
Tổ trinh sát của chúng tôi lần này có thêm Phúc kế toán và Thanh trinh sát người Thanh Hóa mới bổ sung về C17. Thanh là một chàng trai cao, trắng, đập bóng chuyền tốt nhất đại đội và vẽ cảnh đồ tuyệt vời. Xem Thanh vẽ cảnh đồ căn cứ Đắk Pét từ trên núi cao hơn ngàn mét, cách cứ điểm 4000m mà tôi ngỡ như đang xem một bức tranh thủy mặc. Một hôm đi trinh sát, quanh quẩn thế nào mà chúng tôi nằm giữa bãi chông của địch gài đã lâu, mỗi cây chông như một lá lúa sắc lẹm, ẩn náu lẫn vào cỏ gianh rất khó phát hiện. May mà không ai việc gì, cả nhóm bình tĩnh và nhẹ nhàng thoát ra khỏi bãi chông một cách an toàn.
 Lần khác tôi được phân công tháp tùng thủ trưởng Thụy đi trinh sát, lúc này anh  đã là Chủ nhiệm trinh sát Pháo của E40. Trời thì nắng gay gắt, cỏ gianh sắc nhọn cọ rát ngứa khắp người, ở cự ly 800 mét, bằng mắt thường tôi nhìn rõ đồn Đắc Pét được bao bọc bởi cơ man lớp hàng rào kẽm gai. Trong đồn lính ngụy đi lại lố nhố. Thỉnh thoảng pháo địch lại bắn ra bất cứ nơi nào chúng nghi ngờ. Sau một ngày ém mình trên đồi gianh đo đạc, xác định tọa độ vị trí đồn địch và chọn trận địa pháo 85 ly của ta, đêm đó chúng tôi phải ngủ lại dưới một khe cạn um tùm lau lách. Tôi lên cơn thèm thuốc lá bèn châm lửa rít một hơi liền bị anh Thụy mắng và giải thích là hơi thuốc lá lạ có thể khiến bọn thám báo phát hiện nơi ta ẩn nấp. Lại thêm một bài học nữa cho nghề trinh sát. Cũng trong đợt chuẩn bị chiến trường đó, ở một hướng khác, nghe nói một chiến sĩ trinh sát của ta bị địch bắt, chúng cắt cổ mang về đồn lĩnh thưởng.
Trước khi ta nổ súng, một nhóm quay phim của Xưởng phim tài liệu Quân đội đã đến chụp ảnh và quay phim hầm chỉ huy của Trung đoàn. Tôi may mắn được có mặt trong sự kiện đó. Ảnh chụp có Chủ nhiệm Nguyễn Văn Thụy, trung đội trưởng kế toán Lê Xuân Hạnh và tôi, đang trong hầm chỉ huy  theo dõi căn cứ Đắc Pét qua khí tài quan trắc. Tiếc rằng tấm ảnh ấy đã bị cháy, khi  nhà tôi bị giặc đốt trong chiến tranh Biên giới tháng 2/1979.
Năm 2000 tôi có nhờ anh Hoa Đình Đạt, phóng viên quay phim Truyền hình Thanh niên, người đã từng quay cảnh Hạm đội Bảy của Mỹ bị pháo binh ta bắn cháy năm 1967, giúp tôi tìm lại thước phim quay trận Đăk Pét tháng 5/1974 đó. Năm 2002 anh Đạt mất vì nhiễm chất độc hóa học chiến trường, còn cuốn phim đó thì vẫn chưa thấy chiếu ở đâu cả. Có thể phóng viên đó đã hy sinh cùng thước phim về trận Đắc Pét.
Đêm trước của chiến dịch, chúng tôi tham gia kéo pháo 85 ly vào trận địa chiếm lĩnh, chỉ cách đồn địch 800 mét, đúng nơi anh Thụy và tôi đã chọn vị trí tọa độ bữa trước.  Đang kéo pháo bỗng đèn dù của địch thả sáng rực trời. Tất cả rạp mình trên đồi gianh, tay ghì chặt giây kéo không cho pháo tuột xuống dốc. Cảnh tượng ấy, không khác gì kéo pháo vào Điện Biên năm xưa. Đèn dù tắt, tiếng hô hai…ba… nào… rất khẽ, đủ để mọi người cùng lúc gồng lên kéo căng sợi dây trong tay, cứ thế bánh pháo nhích từng ly vào trận địa. Thế rồi địch trong đồn bắn pháo ra, sau tiếng nổ đoành trên không, cách mặt đất chừng vài ba mét, hàng ngàn chiếc đinh ba phân có cánh tròn bay phầm phập về bốn phía. Cậu Đức quê Nà Phía, Cao Bằng mới vào chiến trường, bị mảnh găm vào đùi kêu khóc hoảng hốt. Là cán bộ tiểu đội, tôi phải cõng cậu ta về tuyến sau cho y tá Đoàn băng bó cứu chữa.
Đúng 5 giờ sáng ngày 15/5/1974, các trận địa pháo binh của ta đồng loạt nổ súng. Trận này, Trung đoàn 40 sử dụng 2 khẩu 122 ly, 1 khẩu 85 ly bắn gián tiếp; 2 khẩu DD74 và 1 khẩu 85 bắn trực tiếp ở cự lý 2000 mét và 800 mét, chi viện E66 và E3 bộ binh và một phân đội xe tăng của E 273. Do pháo ta bắn ở cự ly gần nên chính xác tuyệt đối. Đặc biệt bên cao xạ 37 ly đặt từ trên núi cao ngàn mét cũng chúc nòng bắn xuống cứ điểm chỉ cao 400 mét gây cho địch hoảng sợ kinh hoàng. Chỉ vài giờ chiến đấu, quân ta nhanh chóng làm chủ căn cứ, 400 tên địch bị tiêu diệt hoàn toàn.
Sau trận này về, tôi được Trung Đoàn tặng Bằng khen, được kết nạp  Đảng và được phong chức vụ Tiểu đội trưởng trinh sát. Anh Lưu Thế Tấn là đảng viên nhận trách nhiệm theo dõi, giới thiệu tôi vào Đảng. Hôm ấy, nhân tiện được truy lĩnh tiêu chuẩn đường và lạc sau vài tháng đi chiến dịch về, tôi nhờ cậu Bách anh nuôi nấu một nồi kẹo lạc khao toàn đơn vị.
Năm 1997, trong một lần đi khảo sát xây dựng tuyến đường Hồ Chí Minh, bằng chiếc xe Zép cũ kỹ của Tổng đội TNXP Trường Sơn, tôi có dịp từ Đà Nẵng ngược lên Thạnh Mỹ, Phước Sơn, vượt đèo Lò So sang Kon Tum, gặp lại căn cứ Đắc Pét xưa. Vài năm sau, đường Hồ Chí Minh khơi thông, Đắc Pét và thị trấn Đăk Lây nay đã thay da đổi thịt.
Theo: Blog MỘT THỜI HOA  LỬA

Trận chiến đồi 875 Đắc Tô trong giáo khoa Mỹ

Chiến dịch Đắc Tô diễn ra từ ngày 3 đến 22-11-1967, được phía Mỹ xem là một trong những cuộc đụng độ nghiêm trọng nhất trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Về phía Mỹ, đây là chiến dịch mang tên Mác Ác-thơ (MacArthur), với các trận đánh trên các ngọn đồi 1338, 664, 830, 882 (nam và đông nam Đắc Tô)... và nhất là trận đánh tại đồi 875...

LTS: Chiến dịch Đắc Tô diễn ra từ ngày 3 đến 22-11-1967, được phía Mỹ xem là một trong những cuộc đụng độ nghiêm trọng nhất trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Về phía Mỹ, đây là chiến dịch mang tên Mác Ác-thơ (MacArthur), với các trận đánh trên các ngọn đồi 1338, 664, 830, 882 (nam và đông nam Đắc Tô)... và nhất là trận đánh tại đồi 875...   

Dưới đây là trang tư liệu của Đại học Đông Michigan (East Michigan University) thuộc Danh mục lịch sử chiến tranh (War History) viết về trận đánh đồi 875 dưới dạng sử biên niên. 

Lời dẫn
Hoa Kỳ và Việt Nam cộng hòa đã hiệp đồng tác chiến nhiều tháng nay để kiểm soát vùng được gọi là cao nguyên Trung phần. Quân đội Hoa Kỳ và quân đội Sài Gòn đồ rằng ngọn đồi có độ cao 875m này là điểm cao khống chế đối với những tuyến chính yếu được Bắc Việt sử dụng để vận chuyển hàng tiếp tế và hành quân. Rằng, nếu chiếm được đồi 875, có thể chặn được nguồn nhân lực, vật lực từ Bắc Việt được chuyển dọc theo đường biên giới vào Nam Việt Nam.
Chiến thuật của quân Mỹ
Kế hoạch tác chiến ban đầu là Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn không vận 173 sẽ tiến dần lên đỉnh theo đội hình tam giác. Không lực Mỹ sẽ yểm hộ cho bộ binh hành tiến bằng không kích nhằm tiêu diệt thật nhiều quân Bắc Việt (Quân Giải phóng), làm giảm sức đề kháng của đối phương đối với Tiểu đoàn 2.
Ngày 23-11-1967, lính thuộc Trung đoàn không vận 173 tiến lên đỉnh đồi 875, bên đường là xác lính Mỹ tử trận. Ảnh: Corbis
Diễn biến trận đánh
Ngày thứ nhất (19-11-1967)
Khi Tiểu đoàn 2 lên tới những sườn núi ven cao điểm 875, họ đã lọt vào hỏa lực dày đặc của đối phương, sử dụng súng bộ binh, RPG (B40), và lựu đạn. Cuộc chiến đấu diễn ra ở cự ly gần đến mức xảy ra giáp lá cà. Tiểu đoàn 2 quân Mỹ sẽ phải đánh nhau suốt gần 2 ngày tới, mới có viện binh đến.
Ngày thứ hai
Tiểu đoàn 4/173 Mỹ được không vận đến dãy đồi cạnh cao điểm 875, tiến lên hợp quân với Tiểu đoàn 2, lúc này đã chịu nhiều thương vong. Quân Tiểu đoàn 4 tiến trên con đường mòn rải đầy xác lính Mỹ và cả tử sĩ của đối phương.
Ngày thứ ba
Vừa rạng đông, quân Bắc Việt dùng súng cối bắn vào vị trí đóng quân của Mỹ. Quân Bắc Việt đã xây dựng từ trước một hệ thống hỏa lực với các tuyến bắn phối hợp tinh vi. Họ đã điều khiển hỏa lực để tạo ra một giải bắn có tác dụng thu hút sự chú ý của quân Mỹ, giúp cho một số bộ đội Việt Nam có thể bí mật luồn vào phía sau đội hình quân Mỹ đã ở trên đỉnh đồi. Chiến thuật nghi binh này sẽ còn phát huy hiệu quả trong suốt ngày thứ tư.
Ngày thứ tư
Buổi sáng lại bắt đầu với trình tự giống như ngày hôm trước, với hỏa lực súng cối và súng bộ binh của quân Bắc Việt.
Quân Mỹ nhận được lệnh trên cho phép rút khỏi đỉnh đồi tới một tọa độ cho trước, triển khai một vành đai phòng ngự tại đó, chờ viện binh đến.
Vì quân Mỹ trong hầm bị bao vây bởi quân Bắc Việt, họ không thể dự đoán liệu tình hình sẽ còn xấu đi tới mức nào. Một phi công Mỹ nhận lệnh của Chỉ huy không lưu (Air Control) tới ném bom đồi 875 ở tọa độ sao cho có thể quan sát được bom na-pan nổ.
Viên phi công bị đèn chiếu làm lóa mắt và đã chọn sai hướng tiếp cận khi bổ nhào xuống đồi 875.
Hướng tiếp cận do viên phi công Mỹ chọn sẽ khiến quả bom rơi vào vị trí mà Tiểu đoàn 2 và 4 Mỹ đang đứng chân.
Vì vậy, khi quả bom được ném xuống đã nổ đúng vào trận địa của quân Mỹ, quét sạch gần như toàn bộ sinh lực của Mỹ tại đó.
Tôm Ri-minh-tơn (Tom Remington), một lính Mỹ thuộc Tiểu đoàn 2 sợ rằng bom sẽ tiếp tục được ném xuống, đã điên cuồng vồ lấy một điện đài, gọi về căn cứ, thét lên: “Hãy dừng ngay những cái máy bay bỏ mẹ kia. Không được để chúng tiếp tục ném bom. Chúng đang giết hết chúng tôi ở đây”.
Những ai còn sống sót sau quả bom ném nhầm đã bồn chồn, lo lắng suốt cả đêm, lo quân Bắc Việt sẽ đến. Theo cựu binh Mỹ Rốc-ki, họ đã bàng hoàng khi cả đêm chờ thời khắc quân Bắc Việt tiến vào vị trí của Mỹ. Nếu điều này xảy ra, số lính Mỹ kẹt lại trên ngọn đồi sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn.
Ngày thứ năm (23-11-1967)
Buổi sáng hôm sau không khác gì nhiều so với những ngày hôm trước, khi quân Bắc Việt vẫn nổ những loạt súng bộ binh ngắn, Tình thế này vẫn làm dấy lên một câu hỏi, phải chăng họ (bộ đội Việt Nam) định chờ trời sáng, để tới diệt hết quân Mỹ, trước khi viện binh Mỹ đến kịp.
Những lính Mỹ còn sống sót sau trận đồi 875 đến hôm nay vẫn đang khắc khoải tự hỏi, vận may nào đã cứu họ thoát khỏi vòng tay tử thần đêm 22-11 ấy.
Viện binh Mỹ đến lúc đã gần trưa, để sơ tán những lính bị thương và thu gom xác lính Mỹ tử trận. Viện quân cũng có nhiệm vụ hoàn thành nốt các công việc mà Tiểu đoàn 2 và Tiểu đoàn 4 đã bắt đầu.
Trong khi đại quân Mỹ vô hiệu hóa một số hỏa điểm thưa thớt còn sót lại, những cuộc chạm súng lớn đã không xảy ra. Quân Bắc Việt đã rút về hậu cứ ở vùng ngã ba biên giới (Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia). Trận đánh trên đồi 875 đã mở đường cho cuộc chiến tranh giành các ngọn đồi trên khắp Tây Nguyên về sau.
Theo cựu binh Mỹ Ray Smít thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn thiết giáp 69, trong số 570 lính Mỹ tham chiến trên đồi 875 đã có 340 lính (đúng 60%) bị loại khỏi vòng chiến. Nhiều người khác bị thương.
Thời hậu chiến
Cho đến nay một số kênh truyền thông phương Tây vẫn đặt câu hỏi vì sao một loạt trận đánh lại dấy lên ở những ngọn đồi không đóng vai trò rõ rệt trên bản đồ chiến lược của Tướng Giáp.
Trong hồi ký “Tường trình của một quân nhân”, trang 280, tướng Oét-mo-len cho rằng lúc đó quân Mỹ đã đánh lui được quân địch ra khỏi những ngọn đồi này, rằng quân Bắc Việt không thu được gì (The enemy’s return was nil).
Nhưng học giả Mỹ cho rằng tướng Oét đã “bắn trượt” (missed the point). Theo Ét-uốt mớc-phi, trong Cuộc chiến trên những ngọn đồi (The Hill Fights. NXB Ballentine Books, 2003, tr. 235) “cho đến tháng giêng 1968 (trước chiến cuộc Tết Mậu Thân), nửa số lực lượng cơ động của Mỹ ở Nam Việt Nam đã bị hút ra khỏi các thành thị và vùng đồng bằng vào các hoạt động chiến đấu ở các vùng đồi núi biên cương”. Trong chiến dịch Đắc Tô, theo truyền thông phương Tây, đã có 16.000 lính Mỹ tham chiến chống lại 6000 quân Bắc Việt.
Truyền thông phương Tây không nghĩ rằng chiến dịch Đắc Tô của Quân Giải phóng chỉ thuần túy là đòn nghi binh. Theo hãng thông tấn AP (Mỹ), trong 21 ngày thực hiện chiến cuộc ở Đắc Tô tháng 11-1967, đã có ít nhất 285 lính Mỹ tử trận.
Lê Đỗ Huy (dịch)

TRUNG ĐOÀN - MỘT THỜI CHIẾN TRẬN: LỜI GIỚI THIỆU


Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với biết bao địa danh kiên cường của Tổ quốc, dải đất Trị Thiên một chiến trường đầy ác liệt, gian khổ và chói lọi vinh quang. Trải qua hàng chục năm chiến đấu quyết liệt, trên dải đất này đã hun đúc, đào luyện nên nhiều tập thể và cá nhân tiêu biểu xuất sắc, trong đó có Trung đoàn 3/ Sư đoàn 324 là một tập thể anh hùng; đồng chí Hồ Hữu Lạn là một cán bộ  chỉ huy chiến đấu xuất sắc.
Từ năm 1970 đến ngày cuộc kháng chiến chống Mỹ hoàn toàn thắng lợi, tôi đảm nhiệm cương vị Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu Trị Thiên, rồi Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 2. Chính trong thời kỳ đó, tôi biết đồng chí Hồ Hữu Lạn là Tiểu đoàn trưởng, rồi Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3/ Sư đoàn 324. Qua trực tiếp chỉ đạo, theo dõi quá trình tham gia chiến đấu, tôi nhận thấy đồng chí Lạn là một cán bộ chỉ huy chiến đấu dũng cảm, mưu trí, chủ động, sáng tạo, lập được nhiều chiến công. Bằng năng lực, phẩm chất và công tích trên từng nhiệm vụ, đồng chí Lạn luôn được cấp trên tin tưởng, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị quý trọng.
Đồng chí Hồ Hữu Lạn đã từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Lào, chiến trường Bắc Quảng Trị, chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) ở thành phố Huế. Trong Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào (1971), đồng chí Lạn là Tiểu doàn trưởng chỉ huy đơn vị đánh thắng nhiều trận, góp phần vào chiến thắng chung của Sư đoàn 324 cũng như của toàn Mặt trận. Năm 1972 trên cương vị là Trung đoàn phó, đồng chí Lạn đã cùng các đồng chí chỉ huy Trung đoàn 3 Sư đoàn 324, tổ chức chỉ huy đánh địch trên đường 12- Động Tranh thắng lớn. Đặc biệt là tháng 5 năm 1974, Trung đoàn 3/ Sư đoàn 324 được giao nhiệm vụ vào Tây Nguyên tham gia chiến dịch tiến công giải phóng Quận lỵ Đắc Pét (Kon Tum). Tiếp đến, từ tháng 7 đến tháng 12 năm 1974, Trung đoàn 3/ Sư đoàn 324/ Quân đoàn 2 phối hợp với Sư đoàn 304/ Quân đoàn 2 tiến công giải phóng Chi khu quân sự và Quận lỵ Thượng Đức (Quảng Nam). Rồi kiên cường phòng ngự bảo vệ vùng giải phóng Thượng Đức trước sự phản kích điên cuồng, quyết liệt của Sư đoàn dù quân ngụy. Trên cương vị là Trung đoàn trưởng, đồng chí Hồ Hữu Lạn đã có công lớn cùng tập thể Đảng ủy, Thủ trưởng Trung đoàn 3 chỉ huy đơn vị vượt qua mọi khó khăn, ác liệt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chiến công xuất sắc của Trung đoàn 3 mà đồng chí Lạn làm Trung đoàn trưởng trong Chiến dịch Đắc Pét và Chiến dịch Thượng Đức có ý nghĩa rất lớn cả về chiến thuật, chiến dịch trong bước phát triển mới của cuộc chiến - tạo đà, tạo thế, tạo tiền đề và tạo niềm tin vững chắc cho một thời kỳ mới - tiến tới giải phóng hoàn toàn Miền Nam.
Cuốn hồi ký “Trung đoàn - Một thời chiến trân” của đồng chí Hồ Hữu Lạn đã ghi lại những sự kiện, những trận chiến đấu, những chiến dịch mà đồng chí trực tiếp tham gia trong chiến tranh và những nhiệm vụ đồng chí đảm nhiệm sau này. Phần chủ yếu của hồi ký là kể về thời kỳ chiến đấu ở Trung đoàn 3/ Sư đoàn 324. Sự hồi tưởng của tác giả được tái hiện trung thực, sinh động về cuộc chiến đấu ngoan cường, mưu trí, sáng tạo trên chiến trường; những chiến công chói lọi cùng sự hy sinh to lớn của cán bộ, chiến sĩ ta. Qua nhiều Chiến dịch, nhiều sự kiện đã đi vào lịch sử. Với sự trải nghiệm phong phú và sự thể hiện chân thực của tác giả, cuốn hồi ký có nhiều tư liệu quí, rất cần cho công tác học tập nghiên cứu và huấn luyện trong các nhà trường và đơn vị quân đội.
 Bằng nhận thức và tình cảm sâu nặng của mình, viết cuốn hồi ký này, đồng chí Hồ Hữu Lạn đã trân trọng nâng niu những chiến công, những kỷ niệm đẹp đẽ của một thời trận mạc, tri ân những đồng đội một thời hoa lửa. Đây không còn là hoài niệm, cảm xúc của một người mà thông qua đó, người đọc - nhất là thế hệ trẻ - hiểu thêm về một thời kỳ lịch sử hào hùng của Quân đội ta, của Dân tộc ta.
Với tất cả những điều đó, tôi giới thiệu cuốn hồi ký “ Trung đoàn - Một thời chiến trận” của đồng chí Đại tá Hồ Hữu Lạn cùng bạn đọc.
Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 2011

                                                


LÊ KHẢ PHIÊU
Nguyên Tổng Bí thư BCHTW Đảng CSVN

Nguyên Chủ nhiệm TCCT Quân đội NDVN

Thành cổ Quảng Trị: Ký ức hào hùng một thời hoa lửa


VOV.VN - Thành cổ Quảng Trị là không gian thiêng liêng, là miền ký ức hào hùng và bi tráng của một thời hoa lửa.

Thành cổ Quảng Trị nằm ở trung tâm thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị, cách quốc lộ 1A 2km về phía Bắc, cách dòng sông Thạch Hãn 500m về phía đông.

Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” (Quốc sử quán Triều Nguyễn), toà thành Quảng Trị được xây dựng từ đầu thời vua Gia Long nhà Nguyễn, ở địa phận huyện Đăng Xương; năm thứ 8 dời đắp ở địa phận xã Thạch Hãn, huyện Hải Lăng. Năm Minh Mạng thứ 4, đắp bằng đất; đến năm Minh Mạng thứ 8 (năm 1827) thì được xây bằng gạch. Đây chính là toà thành còn lại những dấu tích cho đến ngày nay. Trong lịch sử thời phong kiến, thành Quảng Trị là là trung tâm chính trị, kinh tế, quân sự của tỉnh Quảng Trị, là tiền đồn quân sự quan trọng bảo vệ kinh đô Phú Xuân - Huế từ phía Bắc.

Lịch sử hiện đại đã ghi dấu ấn ở Thành cổ Quảng Trị bằng một cuộc chiến khốc liệt, bi hùng; đó là cuộc chiến Thành cổ vào mùa hè đỏ lửa năm 1972. 81 ngày đêm, với hàng trăm nghìn tấn đạn bom trút xuống, đã gần như san phẳng toà thành cổ cùng cả thị xã Quảng Trị. Hàng ngàn con người đã ngã xuống nơi đây vì Tổ quốc, cho sự nghiệp giải phóng, thống nhất đất nước.

Thành cổ Quảng Trị là một ngôi nhà chung, một nấm mồ chung của những chiến sỹ giải phóng. Quảng Trị có hàng chục nghĩa trang, nhưng có hai nghĩa trang không bia mộ, đó là Thành cổ và dòng sông Thạch Hãn.

Mặc dù bị bom đạn cày xới, phá hủy, song Thành cổ Quảng Trị vẫn là một trong những số rất ít thành cổ Việt Nam còn giữ được cấu trúc thành lũy rõ ràng với hệ thống tường thành, cổng thành, hào nước. Trong Thành cổ bây giờ ngăn ngắt màu xanh của cỏ cùng hàng ngàn cây dừa. Thành cổ trở thành đất tâm linh, và dòng Thạch Hãn cũng là dòng sông tâm linh. Nơi đây là không gian thiêng liêng, là miền ký ức hào hùng và bi tráng của một thời hoa lửa./.

thanh co quang tri: ky uc hao hung mot thoi hoa lua hinh 1
Thành cổ và thị xã Quảng Trị bên dòng sông Thạch Hãn, nhìn từ phía Tây Bắc (ảnh tư liệu)


thanh co quang tri: ky uc hao hung mot thoi hoa lua hinh 2
Góc thành cổ phía Nam với Tiền môn (cửa chính phía Nam) được phục dựng theo kiến trúc cũ


thanh co quang tri: ky uc hao hung mot thoi hoa lua hinh 3
Đài tưởng niệm trong thành cổ, nằm chính giữa thành, nhìn từ phía Nam


thanh co quang tri: ky uc hao hung mot thoi hoa lua hinh 4
Khu hành lễ ở đỉnh đài tưởng niệm với kiến trúc cổng mô phỏng mái đình truyền thống và cây “đèn thiên mệnh” thể hiện tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường. Ngọn đèn tỏa sáng là hào quang của cuộc chiến anh hùng


thanh co quang tri: ky uc hao hung mot thoi hoa lua hinh 5
Xung quanh bức tường khu hành lễ là những “tờ lịch” của 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972. Đây là ngày đầu tiên (28/6) của cuộc chiến


thanh co quang tri: ky uc hao hung mot thoi hoa lua hinh 6
Tưởng nhớ và tri ân những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì đất nước


thanh co quang tri: ky uc hao hung mot thoi hoa lua hinh 7
Bom đạn đã xóa đi tất cả. Trong thành cổ, tất cả bằng phẳng, mênh mông. Chỉ còn màu xanh đến nao lòng của cỏ, dưới đó là cả ngàn con người…


thanh co quang tri: ky uc hao hung mot thoi hoa lua hinh 8
Vòm cửa Bắc (cửa hậu), cửa thành duy nhất còn lại hình hài sau cuộc chiến


thanh co quang tri: ky uc hao hung mot thoi hoa lua hinh 9
Một đoạn tường thành đổ nát


thanh co quang tri: ky uc hao hung mot thoi hoa lua hinh 10
Bảo tàng Thành cổ được xây dựng ở trong thành, góc đông nam. Nơi đây lưu giữ những hình ảnh và hiện vật của cuộc chiến


thanh co quang tri: ky uc hao hung mot thoi hoa lua hinh 11
Những hình ảnh tái hiện cuộc chiến của các đơn vị quân giải phóng trong Bảo tàng Thành cổ


thanh co quang tri: ky uc hao hung mot thoi hoa lua hinh 12
Tái hiện cảnh chiến đấu và sinh hoạt trong cuộc chiến giữ thành cổ


thanh co quang tri: ky uc hao hung mot thoi hoa lua hinh 13
Một số vũ khí,di vật của liệt sỹ tìm được trong khu vực thành cổ


thanh co quang tri: ky uc hao hung mot thoi hoa lua hinh 14
Đài chứng tích “Sinh viên - chiến sỹ thành cổ Quảng Trị năm 1972”. Rất nhiều người lính thành cổ năm ấy đang là sinh viên các trường Đại học ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc


thanh co quang tri: ky uc hao hung mot thoi hoa lua hinh 15
Một góc cửa Tây, nhìn ra sông Thạch Hãn, bên ngoài cửa thành giờ đây có một tháp chuông, được hoàn thành năm 2007 trong dịp kỷ niệm 35 năm giải phóng Quảng Trị


thanh co quang tri: ky uc hao hung mot thoi hoa lua hinh 16
Cụm kiến trúc Nhà tưởng niệm và bến thả hoa, bờ Nam sông Thạch Hãn (thực chất là bờ Đông theo phương địa lý. Gọi bờ Nam - Bắc để phân định ranh giới hai miền trong lịch sử) được hoàn thành năm 2009


thanh co quang tri: ky uc hao hung mot thoi hoa lua hinh 17
Tấm bia đá khắc 4 câu thơ tri ân, tưởng niệm đồng đội của nhà thơ - chiến sỹ thành cổ Lê Bá Dương ở nhà tưởng niệm bờ Nam


thanh co quang tri: ky uc hao hung mot thoi hoa lua hinh 18
Ở bờ Bắc (bờ Tây theo phương địa lý), một kiến trúc tương tự được hoàn thành năm 2010


thanh co quang tri: ky uc hao hung mot thoi hoa lua hinh 19
Thả hoa và hoa đăng trên dòng Thạch Hãn tưởng niệm những liệt sỹ thành cổ hy sinh đã trở thành một nghi lễ truyền thống ở mảnh đất này.


thanh co quang tri: ky uc hao hung mot thoi hoa lua hinh 20
Hoàng hôn Thành cổ
CTV Hà Thành/VOV online

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH