CÂU CHUYỆN TÌNH BÁO 236
(ĐC sưu tầm trên NET)
Ảnh: RBTH
Những vũ khí của gián điệp phương Tây từng bị Liên Xô thu giữ
Điệp viên phương Tây mang theo nhiều thiết bị tinh vi, dễ che giấu trong quá trình hoạt động tại Liên Xô.
'Đội quân ma' giăng bẫy điệp viên phát xít Đức của Liên Xô
Chiến dịch Scherhorn thành công tới mức khi kết thúc Thế chiến II, Đức vẫn tưởng họ có một đội quân vũ trang hơn 2.000 người trên lãnh thổ Liên Xô.
Kế hoạch phản gián quy mô lớn đã khiến Đức mất hàng chục điệp viên. Ảnh: Bashny.
|
Năm 1941, điệp viên Alexander Demyanov của Bộ Dân ủy Nội vụ (NKVD), lực lượng cảnh sát mật của Liên Xô,
trong vai một kẻ đào ngũ đã phát hiện một mạng lưới gián điệp bí mật
của Đức ngay trong lòng Liên Xô, từ đó giúp Moscow lên kế hoạch xây dựng
một "đội quân ma" đánh lừa phát xít suốt nhiều năm, theo War History.
Demyanov đóng vai là một điệp viên hai mang, cung cấp thông tin
tình báo cho Đức từ trong lòng Liên Xô, áp dụng chiến thuật nghi binh
khiến hàng chục điệp viên Đức rơi vào bẫy. Từ kết quả này, nhà
lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin yêu cầu NKVD tiến hành chiến dịch phản
gián quy mô lớn có tên "Scherhorn" (mật danh khi đó là chiến dịch
Berezino) từ tháng 8/1944 đến tháng 5/1945.
Một "đội quân ma" do trung tướng Pavol Sudoplatov đứng đầu được thành lập, đóng quân tại một "trại lính Đức" ngay trong lòng Liên Xô để dụ đối phương điều điệp viên đến phối hợp hành động và hỗ trợ.
Mật vụ Liên Xô chọn trung tá Heinrich Scherhorn, tù binh Đức bị
bắt giữ vào tháng 6/1944, để đóng vai chỉ huy trại lính giả và duy trì
liên lạc với bộ chỉ huy Đức.
Tháng 8/1944, chiến dịch Berezino bắt đầu với việc Max (mật danh
của Demyanov) bắn tin cho tình báo Đức, nói rằng một nhóm vũ trang 2.500
thành viên của mạng lưới điệp viên Scherhorn đang bị Hồng quân Liên Xô
bao vây dọc sông Berezina.
Đại tá Đức Hans-Heninrich Worgitzsky nghi ngờ, đoán rằng đây là
hoạt động phản gián của Liên Xô. Tuy nhiên, sĩ quan Gehlen, liên lạc
viên tin tưởng Max, thúc giục ông này tiến hành kế hoạch giải cứu.
Otto Skorzeny, người đứng đầu đội cận vệ SS, đã cử một nhóm biệt kích Đức xâm nhập lãnh thổ Liên Xô bằng oanh tạc cơ Heinkel He 111 để thực hiện chiến dịch giải
cứu. Các binh sĩ Hồng quân Liên Xô mặc quân phục Đức đã đợi sẵn và dẫn
lực lượng này đến trại. Khi bước vào lều của Scherhorn, tất cả lính Đức
đều bị mật vụ NKVD bắt giữ.
Nhóm lính biệt kích bị ép tham gia chiến dịch phản gián, sau đó báo cáo
rằng nhiệm vụ đã thành công và cần thêm quân chi viện. Skorzeny nhanh
chóng điều thêm 3 đội đặc nhiệm đến hỗ trợ. Tất cả đều bị tóm gọn tại
địa điểm do điệp viên Liên Xô thông báo.
Otto Skorzeny giao nhiệm vụ cho biệt kích Đức đến giải cứu Scherhorn. Ảnh: Wikipedia.
|
Chiến dịch phản gián tiếp diễn cho đến khi phản ứng của Đức bắt đầu chậm
dần. NKVD chỉ thị cho Scherhorn liên lạc với Đức thông báo nhiệm vụ
giải cứu đã thành công, nhưng không thể trở về Đức do số lượng thương
vong leo thang. Đáp lại, bộ chỉ huy Đức thông báo đang điều máy bay đến
sơ tán những người bị thương và đưa họ đến sau phòng tuyến Đức. Hành
động này có nguy cơ làm phá sản kế hoạch của Liên Xô.
Để duy trì vỏ bọc, mật vụ NKVD dàn dựng một trận giao tranh nhỏ trong
đêm giữa lính của Scherhorn và Hồng quân Liên Xô khi các máy bay Đức
chuẩn bị hạ cánh. Trong lúc giao tranh hỗn loạn, đèn trên đường băng bị
tắt khiến cho máy bay Đức không thể hạ cánh. Nhờ đó bí mật về chiến dịch
này vẫn được duy trì.
Trong nhiều tháng, cả Gehlen và Skorzeny đã làm theo những gì Liên Xô
sắp đặt, khiến các chỉ huy Đức tin rằng 2.000 lính phe mình vẫn bị mắc
kẹt trong lãnh thổ đối phương. Skorzeny ra lệnh cho Scherhorn chia nhỏ
lực lượng đi qua Ba Lan để đến nơi an toàn. Tuy nhiên, kế hoạch này cũng
không thành công do Sudoplatov đã đập tan đường dây điệp viên hỗ trợ
của Đức ở Ba Lan.
Biện pháp hỗ trợ duy nhất quân Đức có thể làm là thả hàng tiếp tế và
lương thực cho nhóm vũ trang. Trong suốt chiến dịch, phát xít Đức đã
điều 39 chuyến bay cùng 12 điệp viên và 12 thiết bị liên lạc vô tuyến
đến hỗ trợ nhóm của Scherhorn. Số biệt kích Đức bị bắt lớn đến mức NKVD
có nguy cơ mất kiểm soát do chiến dịch leo thang vượt xa dự đoán. Dù
vậy, liên lạc vô tuyến giữa Đức và điệp viên Liên Xô vẫn diễn ra trong
nhiều tháng.
Cuối cùng, sự hỗ trợ của Đức cũng bắt đầu suy giảm. Tháng 1/1945, lực
lượng Đức vẫn ở cách xa đội quân của Scherhorn, trong khi không quân Đức
nhanh chóng cạn kiệt nguồn lực. Scherhorn lúc này vẫn tiếp tục gửi yêu
cầu giúp đỡ nhưng không có phản hồi.
Tháng 3/1945, Scherhorn được phát xít Đức vinh danh là anh hùng dân tộc
vì các nỗ lực khi bị giam cầm trong lãnh thổ Liên Xô, thậm chí ông ta
còn được trao Huân chương Hiệp sĩ.
Khi Thế chiến II đến hồi kết cũng là lúc chiến dịch phản gián của Liên Xô hạ màn. Cho
đến đầu tháng 5/1945, Đức vẫn duy trì liên lạc với Scherhorn, hy vọng
nhóm vũ trang hơn 2.000 lính của ông ta vẫn còn sống mà không hề biết
rằng đó là "đội quân ma" chưa từng tồn tại.
Duy Sơn
Chiến dịch dùng cà rốt giấu công nghệ radar của tình báo Anh
Để che giấu bí mật công nghệ radar trước phát xít Đức, tình báo Anh đã tung ra chiến dịch tuyên truyền về sức mạnh thần kỳ của củ cà rốt.
"Thị lực ban đêm có thể là vấn đề sống chết" - áp phích tuyên truyền cổ vũ việc ăn cà rốt của Anh trong Thế chiến II. Ảnh: Smithsonianmag.
|
Ngày nay, rất nhiều người tin rằng ăn thật nhiều cà rốt sẽ giúp
có đôi mắt sáng tinh tường. Quan niệm này có thể xuất phát từ một trong
những chiến dịch tuyên truyền thành công nhất của tình báo Anh về sức
mạnh thần kỳ của củ cà rốt, nhằm che giấu những bí mật quân sự góp phần
đánh bại phát xít Đức trong Thế chiến II, theo tạp chí Smithsonianmag.
Khoa học đã chứng minh cà rốt chứa lượng lớn vitamin A tốt cho
đôi mắt, nhưng không thể giúp người bình thường tăng thị lực. Tuy nhiên,
tình báo Anh đã khiến cho người dân cả nước lẫn kẻ thù phải tin rằng cà
rốt có thể giúp họ có đôi mắt "tinh như cú vọ" bằng chiến dịch tuyên
truyền tung hỏa mù của mình.
Trong chiến dịch Blitzkrieg năm 1940, không quân Đức tăng cường chiến
dịch không kích, lợi dụng đêm tối điều máy bay đánh bom các mục tiêu
quan trọng ở Anh. Để đối phó, chính phủ Anh quyết định cắt điện ở các
thành phố lớn vào ban đêm để máy bay Đức khó quan sát mục tiêu.
Trong chiến dịch này, Không quân Hoàng gia Anh (RAF) có thể đẩy lùi máy
bay Đức một phần là nhờ công nghệ radar bí mật mới có tên Radar Đánh
chặn Đường không (AI) lắp trên chiến đấu cơ từ năm 1939, có khả năng xác
định các oanh tạc cơ địch trước khi chúng tiếp cận eo biển Manche.
Để giữ bí mật về công nghệ radar rất quan trọng này, tình báo Anh quyết
định khiến người dân lẫn quân Đức tin rằng phi công của họ có thị lực
tuyệt vời có thể phát hiện máy bay địch từ xa, và tất cả là nhờ cà rốt.
Năm 1940, phi công tiêm kích đêm John Cunningham là người đầu tiên sử
dụng công nghệ radar AI bắn hạ một chiến đấu cơ Đức. Sau đó, phi công
này lập chiến công ấn tượng, diệt 20 máy bay địch, trong đó có 19 chiến
đấu cơ bị bắn hạ trong đêm. Bộ Thông tin Anh đã nói với báo giới rằng
các phi công của họ đạt được chiến công tuyệt vời như vậy là nhờ ăn rất
nhiều cà rốt để có thị lực hơn người.
Phi công John Cunningham được quảng bá là có thị lực ban đêm tuyệt vời nhờ ăn nhiều cà rốt. Ảnh: Telegraph
|
Mục đích của tình báo Anh khi tung ra thông tin trên là khiến các chiến
lược gia Đức mất thời gian tìm hiểu điều không có thực, theo John
Stolarczyk, giám đốc Bảo tàng Cà rốt Thế giới.
"Câu chuyện về việc phi công Anh có thị lực vượt trội nhờ ăn cà rốt ấn
tượng đến mức có tin cho rằng không quân Đức tin sái cổ và cũng bắt đầu
cho phi công của mình ăn nhiều cà rốt để đối phó với quân Anh",
Stolarczyk nói.
Trong khi đó, báo chí, đài phát thanh của Anh đều tuyên truyền rằng ăn
nhiều cà rốt sẽ giúp người dân nhìn đường tốt hơn ở khu vực thành phố bị
cắt điện khi đêm xuống. Các tờ quảng cáo với khẩu hiệu "Cà rốt tốt cho
sức khỏe và giúp bạn nhìn rõ trong đêm" xuất hiện ở mọi nơi.
Ngoài tác dụng che giấu công nghệ vũ khí, chiến dịch tuyên truyền này
còn góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực ở Anh trong thời
chiến. Khi tàu ngầm Đức phong tỏa các tàu tiếp tế lương thực ở ngoài khơi, nước Anh lâm vào tình trạng khan hiếm thực phẩm nghiêm trọng.
Để giải quyết cuộc khủng hoảng này, chính phủ Anh vận động người
dân quay sang sử dụng các loại rau củ quả dễ trồng, dễ kiếm, điển hình
như cà rốt. Chiến dịch tuyên truyền trên đã có tác động mạnh mẽ, khiến
người Anh thời kỳ đó "phát sốt" vì cà rốt.
"Đây là một cuộc chiến tranh lương thực. Việc ăn thêm rau củ
trong khẩu phần ăn giúp giảm bớt gánh nặng vận chuyển đường biển. Cuộc
chiến trên mặt trận nhà bếp không thể thắng lợi nếu không có sự hỗ trợ
từ khu vườn nhà. Dành một giờ ở vườn vẫn tốt hơn một giờ xếp hàng mua
thực phẩm", Lord Woolton, bộ trưởng Lương thực Anh, tuyên bố năm 1941.
Cũng trong năm này, Bộ Lương thực Anh phát động "Chiến dịch Trồng vườn
để Chiến thắng" qua các phim hoạt hình như "Tiến sĩ Cà rốt" và "Pete
Khoai tây" để khuyến khích người dân ăn nhiều rau củ tự trồng hơn. Cà
rốt được quảng cáo là chất tạo ngọt cho món tráng miệng khi nguồn cung
đường thiếu hụt trầm trọng.
Áp phích tuyên truyền về Pete Khoai tây và Tiến sĩ Cà rốt ở Anh năm 1941. Ảnh: Smithsonianmag
|
Chương trình "Mặt trận Nhà bếp" của đài BBC gợi ý các cách chế
biến thực đơn mới từ món cà rốt trở thành một trong những chương trình
phát thanh được yêu thích nhất thời kỳ đó. Theo Stolarczyk, chiến dịch
quảng bá về công dụng thần kỳ của cà rốt thành công tới mức nước Anh dư
thừa tới 100.000 tấn cà rốt vào năm 1942.
Duy Sơn
'Điệp viên ma' của Anh khiến phát xít Đức ngậm quả đắng
Chiến dịch nghi bình bằng một xác chết của tình báo Anh đã khiến quân Đức phán đoán sai hướng tấn công của quân Đồng minh và hứng chịu thất bại.
Một kế hoạch nghi binh tinh vi đã được tình báo Anh thực hiện nhằm đánh lừa phát xít Đức. Ảnh minh họa: BBC
|
Năm 1943, phe Đồng minh lên kế hoạch thực hiện chiến dịch Husky tấn công hòn đảo chiến lược Sicily ở Italy với hy vọng xoay chuyển cục diện chiến trường Thế chiến II. Để đảm bảo thành công cho chiến dịch, tình báo Anh đã tiến hành một chiến dịch nghi binh tinh vi để đánh lừa phát xít Đức, theo MysteriousUniverse.
Chiến dịch nghi binh mang tên "Thịt băm" được đề xuất,
nhằm cung cấp thông tin giả để phát xít Đức tưởng rằng quân Đồng minh sẽ
tấn công Hy Lạp và Sardinia chứ không phải đảo Sicily.
Đóng vai trò chính trong chiến dịch "Thịt băm" không phải là các điệp
viên Anh, mà là một xác chết. Tình báo Anh lên kế hoạch sử dụng thi thể
một người vô danh, cải trang thành "điệp viên" mang theo các tài liệu
"tối mật" về chiến dịch tấn công sắp tới của phe Đồng minh, và đưa tử
thi này đến tay người Đức.
Nghe có vẻ đơn giản nhưng đây thực ra là một kế hoạch hết sức công phu
và tỉ mỉ đến từng chi tiết để có thể qua mặt được tình báo Đức. Ban đầu,
người Anh định thả thi thể này từ trên máy bay xuống mục tiêu cùng một
chiếc dù không nguyên vẹn.
Tuy nhiên, ý tưởng này bị hủy bỏ vì họ lo ngại quân Đức sẽ nghi việc
quân Đồng minh liều lĩnh vận chuyển tài liệu quan trọng theo cách này
ngay trên lãnh thổ địch. Phương án được thống nhất là thi thể "điệp
viên" trên sẽ được thả trôi dạt vào bờ biển, như thể anh ta bị chết vì
hạ thân nhiệt sau khi rơi khỏi tàu.
Tình báo Anh lựa chọn một xác chết vô thừa nhận trong bệnh viện, hóa trang để anh ta trông giống người bị chết cóng trên biển. Bước
tiếp theo là tạo ra một hồ sơ giả cho xác chết sao cho chúng giống
thật, nhưng không quá chi tiết để ai đó cố gắng tìm ra chân tướng thực
sự.
Xác chết được hóa trang thành thiếu tá William "Bill" Martin của
thủy quân lục chiến hoàng gia Anh. Cấp bậc thiếu tá được lựa chọn bởi nó
không quá thấp để mang theo tài liệu tối mật, nhưng cũng không quá cao
để mọi người đều biết đến.
Thiếu tá Martin được tạo một hồ sơ mới rất ấn tượng, sinh năm
1907 ở Cardiff, xứ Wales, đính hôn với một cô gái tưởng tượng tên "Pam"
và luôn mang theo bức ảnh của cô trong túi mà trên thực tế là ảnh của nữ
nhân viên Nancy Jean Leslie tại MI5. Thậm chí, hai bức thư tình giả của
Pam và một hóa đơn mua nhẫn đính hôn còn được giấu trên thi thể.
Tinh vi hơn, người Anh còn bố trí thêm các đạo cụ khác như hai cuống vé
xem kịch, một vé xe bus đã qua sử dụng, một hóa đơn mua áo mới, một hóa
đơn nghỉ 4 đêm tại Câu lạc bộ Quân đội và Hải quân, và một thư ngân
hàng yêu cầu thanh toán khoản thấu chi 79,97 bảng, tất cả đều được in
với ngày tháng cận kề thời điểm Martin mất tích… Tình báo Anh đã dành
nhiều tháng để tạo dựng hồ sơ tỉ mỉ cho điệp viên hải quân "ma" này.
Điểm mấu chốt của toàn bộ kế hoạch này là những "tài liệu mật" trên xác
chết. Các tài liệu này là các bức thư giới thiệu thật, có các chữ ký
chính thức và một loạt các thông tin rất thực tế liên quan đến các vấn
đề nhạy cảm nhưng không đề cập trực tiếp đến việc tấn công Sicily. Tiếp
đến, chúng được bỏ vào trong một chiếc cặp để người Đức tin
rằng Martin đang mang theo tài liệu này bên mình. Chiếc cặp sau đó được
cột vào cổ tay của thiếu tá Martin bằng một sợi dây xích để chắc chắn
nó không bị trôi đi và sẽ được vớt cùng thi thể.
Các tài liệu, giấy tờ bên trong chiếc cặp Martin mang theo. Ảnh: BBC
|
Sau khi chuẩn bị thi thể và tạo dựng xong hồ sơ, Anh bắt tay vào thực hiện chiến dịch. Thi
thể Martin được đưa lên tàu ngầm HMS Seraph của Anh và đưa đến ngoài
khơi thị trấn Huelva ở bờ biển phía nam Tây Ban Nha, nơi các điệp viên
Đức đang hoạt động rất tích cực.
Thi thể sau đó được mặc áo phao và thả xuống biển cách bờ khoảng
1,6 km, một xuồng cao su cứu hộ cũng được thả xuống nước để tạo ấn tượng
Martin đã thực sự bị ngã xuống biển. Thậm chí, những ngày sau đó, các
báo còn đăng cáo phó về cái chết của Martin để bổ sung giả thuyết này.
Đến lúc này, vấn đề chỉ là đợi xem phát xít Đức có bị mắc mưu hay không.
Ngày 30/4/1943, một ngư dân phát hiện ra thi thể Martin và sau
gần một tuần căng thẳng chờ đợi của tình báo Anh, tài liệu giả cũng đến
được tay các chỉ huy Đức, những người hoàn toàn tin mọi thứ liên quan
đến xác chết này.
Các tin tức tình báo gửi về cho thấy kế hoạch đã thành công. Bất chấp việc nhiều chỉ huy Đức và trùm phát xít Mussolini của Italy tin rằng Sicily là mục tiêu sắp bị tấn công, Hitler và Bộ tư lệnh tối cao Đức quyết định điều 90.000 quân, gồm ba sư đoàn thiết giáp Panzer, tăng cường đến Hy Lạp, Sardinia và Corsica để đối phó với một chiến dịch quy mô lớn của quân Đồng minh.
Hải quân Italy rốt cuộc cũng chuyển hầu hết lực lượng của mình đến bờ
biển Hy Lạp để ngăn cuộc tấn công của quân Đồng minh, chỉ để lại một lực
lượng mỏng phòng thủ Sicily.
Chiến dịch nghi binh thành công đã tạo điều kiện cho quân Đồng minh dễ
dàng tấn công Sicily và đè bẹp sự kháng cự yếu ớt của địch ngày
9/7/1943. Ngay cả khi chiến dịch đánh chiếm Sicily diễn ra, quân Đức vẫn
cố thủ ở Sardinia và Hy Lạp suốt hơn hai tuần vì tin rằng trận Sicily
chỉ là đòn nghi binh cho một cuộc tấn công lớn hơn.
Quân Đồng minh đổ bộ tấn công đảo Sicily. Ảnh: History
|
Chiến dịch nghi binh này khiến Đức phải trả giá đắt và việc để mất Sicily là một thảm họa với họ. Sau
khi phe Đồng minh chiếm Sicily thành công và Mussolini bị lật đổ, Đức
buộc phải kết thúc chiến dịch tấn công Nga và chuyển sang phòng thủ
trước đà phản công mạnh mẽ của Hồng quân Liên Xô.
Chiến dịch "Thịt băm" được xem là cú lừa ngoạn mục nhất trong lịch sử
quân sự, đến mức sau này quân Đức từng có lần nắm được tài liệu thật về
một cuộc không kích của Đồng minh, nhưng không hề có biện pháp đối phó
vì nghĩ rằng đây lại là một chiêu nghi binh khác.
Duy Sơn
Chiến dịch tình báo Mỹ đánh cắp trực thăng vũ trang Liên Xô năm 1988
Tình báo Mỹ tiến hành chiến dịch tuyệt mật để đánh cắp một trực thăng Mi-25 do quân đội Libya bỏ lại trên lãnh thổ Chad.
Trực thăng CH-47 kéo chiếc Mi-25 về căn cứ Mỹ. Ảnh: US Army.
|
Trong thập niên 1980, Liên Xô từng bán nhiều loại vũ khí hiện đại cho
các quốc gia châu Phi và Trung Đông. Một trong những vũ khí được Mỹ chú ý
nhất là trực thăng tấn công đa năng Mi-25, mục tiêu của chiến dịch đánh
cắp mang tên "Mount Hope III", theo WATM.
Trong thời Chiến tranh Lạnh, Mi-24 và bản xuất khẩu Mi-25 là mẫu trực
thăng độc nhất vô nhị trên thế giới. Đây là loại trực thăng tấn công áp dụng thiết kế hoàn toàn mới, được trang bị nhiều vũ khí uy lực kết hợp với khả năng chở quân của trực thăng vận tải.
Điều này cho phép Mi-24/25 triển khai 8 binh sĩ được trang bị đầy đủ
tới chiến trường và yểm trợ hỏa lực cho họ, hoặc độc lập tác chiến như
một trực thăng tấn công thông thường. Trong khi đó, Mỹ phải đổ quân bằng
trực thăng UH-1 và yểm trợ lực lượng mặt đất bằng trực thăng tấn công
AH-1 Cobra.
Khi dòng Mi-24 được biên chế vào cuối thập niên 1970, tình báo Mỹ và
Anh tìm mọi cách để nghiên cứu mẫu trực thăng độc đáo của Liên Xô. Sự
hứng thú càng tăng cao khi những chiếc trực thăng này thể hiện được sức
mạnh trên chiến trường Afghanistan hay Ethiopia.
Tình báo phương Tây đặc biệt chú ý tới thiết kế hỗn hợp của Mi-24, nhằm
đánh giá nhu cầu phát triển và biên chế khí tài tương tự để khắc chế
trực thăng Liên Xô. Cơ hội xuất hiện khi quân đội Libya bỏ lại một chiếc
Mi-25 trên lãnh thổ Chad vào năm 1987.
Tháng 12/1986, Libya tấn công vào lãnh thổ Chad. Sau 9 tháng xung đột
dữ dội, lực lượng Chad đẩy lùi toàn bộ đối phương về bên kia biên giới.
Trong quá trình rút lui, quân đội Libya đã bỏ lại rất nhiều khí tài quân
sự được mua từ Liên Xô. Vũ khí quý giá nhất trong số này là một trực
thăng Mi-25 còn nguyên vẹn, nằm tại một sân bay cũ ở Ouadi Doum.
Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) nắm được thông tin về chiếc Mi-25
và nhanh chóng lên kế hoạch đánh cắp, đề phòng quân đội Libya tìm cách
thu hồi khí tài. Chính phủ Mỹ đàm phán với các lãnh đạo Chad và được
phép tiến hành chiến dịch chiếm trực thăng Mi-25. CIA cùng Lầu Năm Góc
lên kế hoạch đưa trực thăng về một cơ sở của Mỹ, sau đó tháo rời và phân
tích mọi chi tiết của chiếc Mi-25.
Chiến dịch được đặt tên "Mount Hope III" (Ngọn núi Hy vọng III). Mục
tiêu đầu tiên là tìm kiếm những phi công đủ giỏi và dũng cảm để thực
hiện nhiệm vụ nguy hiểm này. Lầu Năm Góc quyết định lựa chọn Trung đoàn Không vận Đặc nhiệm số 160 (160th SOAR), một trong những đơn vị trực thăng thiện chiến nhất của lục quân Mỹ.
Lộ trình của trực thăng CH-47 với hai điểm tiếp dầu dã chiến (FARP). Đồ họa: Blogspot.
|
Quá trình chuẩn bị bắt đầu từ tháng 4/1987 tại bang New Mexico, Mỹ. Khí
hậu sa mạc khô cằn tại khu vực này có nhiều nét tương đồng với Chad,
giúp các phi công làm quen với điều kiện tác chiến thực tế.
CIA ước tính khối lượng rỗng của chiếc Mi-25 vào khoảng 8 tấn, đòi hỏi
lục quân Mỹ phải chỉnh sửa trực thăng CH-47 Chinook để đủ sức tải. Quá
trình này bao gồm gia cố các móc chịu tải, điều chỉnh động cơ và hộp số
để tăng sức nâng, đồng thời kỹ thuật viên phải xác định vị trí treo
chiếc Mi-25 để không làm mất cân bằng.
Các đợt diễn tập diễn ra trong điều kiện đêm tối và tầm nhìn thấp, mô
phỏng chiến dịch trên sa mạc vào ban đêm. 6 thùng nước lớn được gắn dưới
trực thăng Chinook để mô phỏng sức nặng của Mi-25. Đội bay của Trung
đoàn 160 sau đó phải bay với khoảng cách tương đương hành trình thực tế,
đòi hỏi trực thăng CH-47 dừng hai lần để nạp nhiên liệu.
Sau lần thử nghiệm đầu tiên diễn ra trơn tru, lục quân Mỹ quyết định
diễn tập với khung máy bay tương đương chiếc Mi-25. Phi công Trung đoàn
160 tiếp tục thể hiện trình độ khi hoàn thành nhiệm vụ theo đúng kế
hoạch. Quá trình chuẩn bị kết thúc với sự hài lòng của CIA và Lầu Năm
Góc, cho thấy chiến dịch sẵn sàng được tiến hành.
Chiến dịch đánh cắp chớp nhoáng
Ngày 21/5/1988, lệnh thực thi chiến dịch Mount Hope III được Nhà Trắng
đưa ra. Trung đoàn 160 tháo rời hai trực thăng CH-47, đưa chúng lên vận
tải cơ chiến lược C-5 Galaxy để chuẩn bị xuất phát.
Lục quân Mỹ phải bố trí lực lượng trinh sát và do thám từ trước hai
tuần, đề phòng quân đội Libya tấn công sang lãnh thổ Chad nhằm thu hồi
trực thăng. Chính phủ Pháp cũng hỗ trợ bằng cách điều một đơn vị bộ binh
và các tiêm kích Mirage F.1 làm nhiệm vụ yểm trợ. Vận tải cơ C-130
Hercules cũng tham gia với vai trò tiếp dầu cho những chiếc Chinook sau
khi chúng đánh cắp được trực thăng Mi-25.
Lực lượng thực hiện chiến dịch đáp xuống sân bay Ndjamena, phía nam
Chad vào ngày 10/6. Chiến dịch Mount Hope III được khởi động ngay trong
ngày hôm sau.
Theo kế hoạch, phi đội Mỹ sẽ bay theo lộ trình dài 925 km trong đêm tối
và thu hồi trực thăng Mi-25 trước khi trời sáng. Nhóm tiền phương sẽ
tới Ouadi Doum trước để bảo đảm an toàn, sau đó đơn vị chủ lực mới xuất
hiện để mang trực thăng Libya về căn cứ.
Nhiệm vụ phải tiến hành một cách bí mật do lực lượng Libya vẫn hoạt
động ở cách đó chỉ vài km. Nếu bị phát hiện, một trận đánh lớn sẽ nổ ra,
trở thành sự cố mang tầm quốc tế với việc Mỹ tìm cách đánh cắp trang bị
quân sự của nước khác.
Chiếc Mi-25 được đưa lên vận tải cơ C-5 để mang về Mỹ. Ảnh: US Army.
|
Hoạt động đánh cắp trực thăng Mi-25 diễn ra một cách chớp nhoáng theo
đúng kế hoạch, tới mức quân đội Libya không hề biết chiếc trực thăng tấn
công đã biến mất. Vấn đề duy nhất là một cơn bão cát lớn bất ngờ xuất
hiện khi chiếc CH-47 mang chiến lợi phẩm đang quay lại căn cứ.
Phi công Chinook phải tăng tốc và bay trong điều kiện tầm nhìn gần bằng
không. Trực thăng Mỹ hạ cánh xuống Ndjamena ngay trước khi bão cát đổ
bộ. Tổ lái phải ngồi chờ hơn 20 phút để bão đi qua, trước khi tháo rời
cả chiếc CH-47 và Mi-25, đưa chúng lên vận tải cơ C-5 và trở về Mỹ sau
đó 36 giờ.
Mount Hope III kết thúc một cách chớp nhoáng, lực lượng Mỹ chỉ xuất
hiện trên đất Chad trong vòng 67 tiếng. Trực thăng Mi-25 được Mỹ nghiên
cứu kỹ lưỡng nhằm tìm ra điểm mạnh và điểm yếu, cũng như cách đối phó
trên chiến trường. Lầu Năm Góc cũng kết luận rằng quân đội Mỹ không cần
phát triển mẫu trực thăng hỗn hợp như Mi24/25, đồng thời duy trì học
thuyết sử dụng trực thăng vận tải và tấn công riêng biệt tới ngày nay.
Tử Quỳnh
Nhận xét
Đăng nhận xét