CÂU CHUYỆN TÂM LINH 149

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
CHUYỆN TÂM LINH CÓ THẬT ĐƯỢC GHI LẠI TẠI NGHĨA TRANG

Câu chuyện tâm linh tại nghĩa trang Trường Sơn

26/02/2017 | 22:57

Nhiều câu chuyện tưởng chừng chỉ là chuyện siêu nhiên mới có vậy mà ở nghĩa trang Trường Sơn - Quảng Trị thì đó là những câu chuyện thiêng có thật.

Những ngày mới lên nghĩa trang, đêm đêm nằm nghe thấy tiếng các anh linh liệt sĩ, cười đùa, rồi đàn hát những bài ca thời xưa, chị em ai nấy phát hoảng.


Và cũng chính nơi này, nhiều câu chuyện tưởng chừng chỉ là chuyện siêu nhiên mới có vậy mà ở nghĩa trang Trường Sơn - Quảng Trị này thì đó là những câu chuyện thiêng có thật.

nghĩa trang trường sơn 1

Nơi ghi dấu hồn thiêng

Chiều tháng 6 ở nghĩa trang Trường Sơn, giữa một màu trắng mênh mong chừng như vô tận, từng tâm linh thanh xuân, trinh nguyên cứ dội về nghe thiêng liêng vô cùng. Từng đoàn người tấp nập trên khắp nẻo đường của đất nước đã về đây đang kính cẩn nghiêng mình, kính viếng các anh hùng liệt sĩ, trong màu trắng hoa cúc và khói hương nghi ngút giữa núi rừng của đại ngàn Trường Sơn.

Ngay chính giữa đài Tổ Quốc ghi công, chúng tôi gặp đoàn khách đến từ Hải Phòng đang nghiêm trang làm lễ dâng hương cho các anh liệt sĩ, tất cả đều không cầm được nước mắt, và phía xa ở những quả đồi của nghĩa trang từng dòng người cứ lặng lẽ thắp lên phần mộ các anh những nén hương thơm với lòng tri ân vô tận.

Trong số ấy chị Trịnh Thị Thâm (Hải Phòng) cho biết: “Là thân nhân của hai liệt sĩ hy sinh tại chiến trường Quảng Tri, đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt, song khi đi đến các nghĩa trang ở tỉnh mình được hương khói chăm sóc hết sức chu đáo, điều đặc biệt hơn nửa bởi nghĩa trang Trường Sơn cũng là nơi có sông, có núi giao hoà như khúc nhạc hát ru giấc ngủ ngàn thu cho các anh trong lòng đất mẹ Quảng Trị”.

nghĩa trang trường sơn 2

Không riêng gì chị Thâm, mà còn có hàng vạn người khác khi đến đây hoặc đang ở trên mọi miền đất nước luôn hướng về đây để tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh thân mình cho sự nghiệp nước nhà.

Nghĩa trang Trường Sơn nằm ở dưới chân phía đông của dãy Trường Sơn, bên cạnh đường Hồ Chí Minh cách cầu Bến Tắt khoảng 400 m, được xây dựng tháng 10.1975, rộng 39,8 ha, trên khu vực đồi Bến Tắt, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường huyện Gio Linh nằm phía nam thượng nguồn sông Bến Hải, dòng sông với cầu Hiền Lương là chứng tích nỗi đau của đất nước bị chia cắt 2 miền ròng rã suốt 20 năm liền đánh Mỹ.

Hiện nghĩa trang là nơi yên nghỉ của 10.263 nghìn liệt sĩ của 64 tỉnh thành trong cả nước, mà phần lớn là các anh hùng liệt sĩ của đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn. Kể từ ngày xây dựng cho đến nay nghĩa trang Trường Sơn đã 3 lần nâng cấp và cải tạo.

Chuyện thiêng ở nghĩa trang Trường Sơn

Chúng tôi theo bác Hồ Tất Ái, trưởng ban quản trang lên trên phía đỉnh đồi để viếng hương hồn các anh. Tôi hỏi bác về những câu chuyện huyền bí, linh thiêng ở nghĩa trang mà bấy lâu nay tôi được nghe có đúng không?, bác Ái trả lời với giọng trầm: "Có chứ!".

Ngoài chuyện về 2 mạch ngước ngần tự nhiên nằm dưới chân đồi nghĩa trang, phun lên tạo thành một hồ nước trong xanh không bao giờ cạn và chuyện cây bồ đề không có người trông nhưng bỗng mọc ngay sau tượng đài, ôm lấy tượng đài che mát quanh năm đã tạo cho nghĩa trang Trường Sơn vốn trang nghiêm nay càng linh thiêng hơn. Nhưng theo bác Ái thì còn nhiều chuyện linh thiêng khác nữa.

Bác Ái từng là lính trinh sát đặc công. Đối với người chiến sĩ được rèn luyện vững vàng như bác thì chuyện sống chết, hoang đường không có gì đáng sợ. Sau mấy mươi năm được gần gủi với các anh, một kỷ niệm làm bác còn nhớ mãi.

“Đêm 14.11.2001 tôi và đồng chí Chủ tịch công đoàn cơ quan lên khu nghĩa trang thắp hương, chúng tôi thấy một người ngồi bên cạnh tượng đài. Chuyện thân nhân liệt sĩ lên nghĩa trang đêm hôm khuya khoắt cũng không phải là lạ. Tôi cứ nghĩ, có lẽ khách phương xa tới muộn. Dù sao tôi cũng đánh tiếng từ xa, không thấy người đó trả lời.

Tôi ngạc nhiên quá, đến gần hơn, cách khoảng chục mét, tôi lại cất tiếng chào hỏi. Người đó vẫn im lặng. Khi chúng tôi tới gần tượng đài còn cách khoảng vài mét, người đó đi lùi ra một đoạn. Tôi đốt hương, và nói: “Chúng tôi lên đây thắp hương và có vài lời với các anh hùng liệt sĩ, anh ở đâu tới vậy?”.

Phía bên kia đáp lại: 'Tôi cũng là liệt sĩ, ở nơi khác đến đây thăm anh em. Quả thật lúc đó tôi vã mồ hôi hột, còn anh Chủ tịch công đoàn thì châm cả lửa vào tay. Cả hai quay lại thì không thấy người ấy đâu nữa”.

nghĩa trang trường sơn 4

“Nhiều năm trước có một đoàn các Mẹ Việt Nam anh hùng ở ngoài Bắc vào thăm nghĩa trang, có một gia đình trong đoàn đi tìm mộ người thân, cả năm rồi không thấy. Hôm ấy, bác đi thắp hương ở các phần mộ, cũng là ngẫu nhiên. Bỗng thấy bác hét lên một tiếng rồi ngất đi, chúng tôi cứ tưởng bác bị cảm...

Thế nhưng khi tỉnh lại, bác bảo với chúng tôi đúng đây là phần mộ của người em mà bác đang tìm kiếm nhiều năm qua. Rồi nhiều trường hợp khác, chỉ biết con em mình hy sinh trong chiến tranh, không biết phần mộ ở đâu. Gia đình đã đi tìm nhiều năm mà không thấy. Vậy mà trong một chuyến đi cùng mấy đoàn khách thăm nghĩa trang, đốt hương xong, họ như có người cầm tay dẫn đường, đi vòng vèo tới mấy ngôi mộ ở tận xa thắp hương, nhìn lại mới biết là mộ người nhà mình”, bác Ái kể tiếp.

Anh em ở Ban quản lý nói khu ấy thiêng lắm. Ngày rằm, mùng một đến thắp hương tại đó, họ vẫn nghe thấy tiếng anh em liệt sĩ nói, cười, chào hỏi. Ở nơi linh thiêng này, lời hứa là rất quan trọng, điều gì đã hứa là phải làm.

“Một lần vào dịp cuối năm 2003, anh em ban quản lý nghĩa trang bàn nhau dự định chiều 26.12 âm lịch sẽ làm vài mâm cỗ, trước là thắp hương cúng các anh, chị, sau nữa là bữa cơm tất niên coi như động viên anh chị em trong cơ quan sau một năm làm lụng vất vả. Thế rồi nhiều đoàn lên thăm viếng, thành ra công việc bận quá, chưa tổ chức được. Đêm hôm ấy, và nhiều ngày sau, đêm nào các anh cũng gọi: 'Anh em đã hứa sao không làm?'... cứ nhắc đi nhắc lại nhiều lần”, bác Ái nhớ lại.

Chị Trần Thị Thê, công tác ở đây đã hơn 20 năm kể, thời kỳ đầu có hơn chục người, chủ yếu là chị em. Những ngày mới lên nghĩa trang, đêm đêm nằm nghe thấy tiếng các anh linh liệt sĩ, cười đùa, rồi đàn hát những bài ca thời xưa, chị em cũng hoảng. Hai ba người quây lại ngủ chung một giường. Rồi sáng sớm, nghe tiếng các anh tập thể dục, tiếng bước chân hành quân trong đội ngũ, tiếng hô chào cờ, tiếng hô khẩu hiệu. Các chị mới đầu rất sợ, nhưng sau nghĩ đến các liệt sĩ xả thân vì nước lại cảm thấy thương vô cùng, nên khi nào rảnh hay ngày lễ đều lên thắp hương viếng mộ.

nghĩa trang trường sơn 3

Chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm. Rừng trường Sơn đã xanh lại những cánh rừng, nơi những trận địa năm xưa giờ là làng bản đầm ấm, yên bình. Nhưng vẫn còn đó một nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trương Sơn – nơi yên nghỉ của hàng nghìn liệt sĩ.

Nghĩa trang Trường Sơn mãi mãi là một tượng đài thiêng liêng, bất tử, đó cũng là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam.

Liệt sĩ báo mộng và chuyện có thật 100% vẫn ngỡ như mơ

Mọi người đều ngỡ ngàng kinh ngạc khi thấy cô cháu dâu tính tình vốn nhút nhát bỗng đứng trang nghiêm, tay giơ lên trán, miệng hô “nghiêm” chào kiểu nhà binh trước phần mộ mới của người chú liệt sĩ vừa di dời từ Quảng Ngãi về quê. Hỏi, “An nghỉ ở đây, mộ xây thế này được chưa?”, thì cô cháu gật gật đầu cười tít.
Đất nước trải bao phen chiến tranh, hàng triệu người đã hy sinh trên khắp các chiến trường và hiện có biết bao phần mộ còn ẩn khuất nơi rừng sâu núi thẳm, những liệt sĩ may mắn hơn được quy tập về an nghỉ nơi nghĩa trang hương khói đàng hoàng thì cũng còn nhiều lắm trong tình trạng “vô danh”. 
Cũng bởi vậy đã có bao câu chuyện tìm mộ liệt sĩ ly kỳ, hư hư thực thực. Nhiều câu chuyện bảo đúng cũng được mà bảo là sai, “mộ cha không khóc đi khóc đống mối” cũng khó cãi lại. Lấy gì làm bằng cớ đây? Phải là nói có sách, mách có chứng. Giữa thời buổi khoa học công nghệ mà chỉ kể chuyện chiêm bao mộng mị thế nọ thế kia thì e dễ bị xem mắc chứng hoang tưởng, tâm thần.
Ấy vậy mà câu chuyện “giấc mơ” của ông Hà Quang Hinh, hiện đang cư ngụ tại số nhà 345, đường Nguyễn Trãi, phường Phú Khánh, thành phố Thái Bình, số điện thoại: 0912828693, qua giám định ADN đã khẳng định là đúng 100%.
 
 
 
1. Người anh liệt sĩ của ông Hinh tên là Hà Tất Thế, sinh năm 1951, quê quán: xã Song An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, nhập ngũ tháng 3.1969, đơn vị khi hy sinh: C2, D83 - Quảng Ngãi, QK5, ngày hy sinh 21.4.1971. Liệt sĩ Thế là con thứ tư trong gia đình có 8 anh em trai.
Mặc dù còn bố mẹ và các anh em đều có vợ con nhà cửa đề huề, nhưng ông Hinh vẫn xin với bố mẹ cho được thờ cúng người anh liệt sĩ. Rất có thể từ tấm lòng ấy mới có sự gặp gỡ về tâm linh này. Còn nhớ trong một giấc ngủ say khá dài, chừng nửa đêm về sáng thì ông Hinh gặp cơn mơ lạ lùng. Kể từ ngày anh trai hy sinh tới đêm ấy đã 36 năm, với 28 năm ông nhận việc thờ cúng mà chưa một lần ông mộng mị gì về người anh cả. Trong giấc mơ anh em gặp nhau cứ như đang sống. Cảnh gặp là ở một ngã ba đường. 
Ông Hinh mừng rỡ hỏi ông Thế một hồi. Rằng sao còn sống mà anh không về quê? Sao quần áo đóng thùng, giày mũ gọn gàng thế mà xanh tuya rông đâu không thắt? Và rằng, ở nhà người ta báo tử anh rồi, bố mẹ đang hưởng chế độ lương đấy, giờ biết anh còn sống là họ cắt chế độ, nhưng kệ, em cứ báo về cho bố mẹ mừng… 
Chừng ấy câu hỏi nhưng ông Thế vẫn lặng thinh, không nói năng gì. Chỉ tới câu hỏi cuối cùng này, “anh đã vợ con gì chưa, nhà ở đâu” thì ông anh mới quay đầu nhìn sang phía bên phải. Ông Hinh nhìn theo thấy một quả đồi thấp, phía chân đồi là khu ruộng trũng có hai người đang bừa với hai con trâu… 
Thế rồi ông choàng tỉnh giấc mơ. Vốn là người không tin chuyện ma tà quỷ quái bao giờ, cứ nghĩ chết là hết, việc thờ cúng chỉ là tập tục, có tính nhắc nhớ về tình thân thương máu mủ thôi. Ấy vậy mà giấc mơ đã khiến ông ăn không ngon, ngủ không yên được nữa. Có gì lay thức lòng dạ khôn nguôi. Chính cái chi tiết “thiếu chiếc xanh tuya rông” trên mình người anh, trong cơn mơ đã làm ông trăn trở, ngờ ngợ. 
Cái chi tiết đã làm ký ức trong ông thức dậy. Chả là, lúc còn đóng quân luyện tập ở Quảng Ninh ông Thế có về phép. Lần đó, trước khi trở lại đơn vị ông Thế tặng em trai chiếc xanh tuya rông. Chiếc xanh tuya rông kỷ niệm đó nay đã mất và nếu không có giấc mơ thì chính ông Hinh cũng quên nó lâu rồi. 
Hơn thế, giấc mơ còn cho ông Hinh nhớ lại mấy câu thơ người anh viết trong lá thư cuối cùng gửi về nhà: “Giờ giờ phút phút giây giây/ Ngóng trông ngóng đợi, đợi chờ thư cha/ Đêm này con ở nơi xa/ Nhận được lá thiếp ở nhà gửi lên/ Đọc thư con thấy vui thêm/ Cha mẹ vẫn khoẻ con thêm tin mừng/…Tạm biệt gia đình đi chiến đấu/ Bao giờ thống nhất sẽ về thăm”. Và cuối thư ghi thêm “Bố mẹ đừng gửi thư cho con nữa, vì không có hòm thư đâu. Con bắt đầu rời đất Bắc rồi”.
Quả phải có gì liên hệ, linh ứng mới nên việc lạ lùng như thế được chứ? Ông Hinh âm thầm với những nghi hồ, trăn trở một mình mất mấy hôm. Đến ngày ông kể giấc mơ với bà vợ và bảo “tôi phải đi tìm mộ bác Thế, bà ạ”, vợ ông tỏ ra đồng tình. Ông bèn tìm đến bạn chiến đấu cùng đơn vị xưa của người anh để hỏi thêm tin tức và được họ cho biết ông Thế hy sinh ở địa bàn huyện Mộ Đức hay Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Vậy là, vin vào hình ảnh giấc mơ, vào chút ít thông tin đó, ông Hinh rủ một người cháu trai - con ông anh thứ 3 - cùng vào cuộc hành trình tìm mộ người anh.
2. Ông Hinh cùng người cháu bắt xe khách đi thẳng vào Quảng Ngãi, sau tới huyện Mộ Đức, về xã Đức Tân, rồi lại qua xã Đức Minh. Từ địa bàn này chú cháu ông tìm tới mấy nghĩa trang liệt sĩ nhưng chưa thấy quang cảnh nơi nào giống cảnh trong giấc mơ. 
Ba ngày trọ ở Đức Tân tìm kiếm không kết quả, sang ngày thứ bốn ông bèn đi xuyên qua một cánh đồng rộng thì bất ngờ gặp một ngã ba, nhìn ngắm kỹ ông mới giật mình thấy nơi này y như hình ảnh giấc mơ hiện ra vậy. Kia, bên tay phải là một quả đồi thấp và nghĩa trang đặt ở đó, và kia nữa khu ruộng trũng đang có hai con trâu, so với giấc mơ chỉ thiếu hình ảnh hai người đi bừa… 
Ông Hinh kinh ngạc đến rụng rời cả chân tay. Thế là chú cháu ông đi ngay vào nghĩa trang thắp hương cho các phần mộ liệt sĩ. Ông bần thần kiếm phần mộ người anh, đếm nghĩa trang có 580 ngôi mộ thì có tới 2/3 là mộ chưa có danh tính liệt sĩ. Những phần mộ có bia ghi tên liệt sĩ, trớ trêu không thấy tên tuổi Hà Tất Thế đâu. Tuy vậy, gặp quang cảnh ấy trong ông đã nhiều phần thầm tin người anh mình đang an nghỉ ở đó rồi.
Khi đến Đức Minh - Mộ Đức hay ở bên Hành Thịnh - Nghĩa Hành ông Hinh tìm vào trọ nhà ông Trần Nở và ông Nguyễn Tấn Tự, cả hai ông Nở và Tự đều là quân của D83 cũ nên được hai ông rất nhiệt tình đưa đón, tạo điều kiện nơi ăn nghỉ, phương tiện xe máy đi lại. May mắn thêm, ông Tự còn cho ông Hinh số điện thoại của đại tá Tiến, hiện đang công tác ở Bộ Quốc phòng. 
Ông Hinh đã gọi điện nhờ anh Tiến truy tìm qua giấy tờ còn lưu ở bộ xem cụ thể địa điểm hy sinh của liệt sĩ, thì thông tin trở lại từ anh Tiến báo “liệt sĩ Hà Tất Thế hy sinh tại thôn An Ba, xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi”. Ôi, thật trùng khớp, đúng là địa điểm nghĩa trang mà chú cháu ông đang đứng. Không còn nghi ngờ gì nữa. Vấn đề còn lại chỉ là mộ phần cụ thể của người anh ruột đang nằm đâu trong hàng trăm ngôi mộ vô danh tính kia?
3. Những ngày sau đó ông Hinh tha thẩn qua lại hỏi han các nhà dân quanh các thôn gần đó xem có ai biết được gì cụ thể hơn về việc quy tập phần mộ các liệt sĩ vào nghĩa trang không, nhưng cũng không thu được kết quả gì thêm. Tới buổi chiều ngày thứ 7 ở Hành Thịnh, ông ra nghĩa trang, thắp hương tại lư hương trước lễ đài và lầm rầm khấn, lời lẽ thành thực như tâm sự và khẩn nài hương hồn người anh, rằng “đồng tiền mang theo đã cạn, quả thực anh đang nằm an nghỉ tại đây thì xin đêm nay về nhà ông Nguyễn Tấn Tự, nơi em ở trọ, báo mộng cho em biết mộ anh là ngôi nào, không có thì ngày mai em phải về Bắc…”. 
Thật màu nhiệm, đêm đó ông Hinh nằm mơ thấy một con chim xanh, to như một chiếc chăn bông bay từ phía đông nghĩa trang về phía tây. Tỉnh dậy ông thấy run sợ về hình ảnh con chim lạ lùng đó. Sáng ấy ông nói khó với ông Tự: “Anh ra nghĩa trang cùng em nhé, em sợ lắm. 
Ông Tự cười bảo, sợ gì giữa ban ngày ban mặt thế này”. Nói vậy nhưng ông Tự vẫn cùng chú cháu ông Hinh đi xe máy tới nghĩa trang. Buổi sáng sớm, khi cánh cổng chính và cánh phụ bên phải còn đóng, chỉ riêng cánh cổng phụ bên trái mở, hai chiếc xe máy lách cổng phóng vào tới chân bậc tam cấp trước lễ đài thì dừng lại. Ông Hinh được người cháu ngồi trước xe máy hích nhẹ tay, ra hiệu có một con chim sáo đen đang đậu ở lư hương. Khi ba người dựa xe xong thì con chim sáo đen bay rất nhẹ tới đậu xuống ngôi mộ thứ 3, hàng 2, khu B và mổ nhẹ xuống mặt mộ hai cái rồi cất cánh bay về hướng tây mất hút. Ông Hinh bèn đi lại ngôi mộ đó thắp hương, vẫn lời lẽ thật thà, nôm na ông khấn: “Chim đã báo vậy, phải đây là mộ của anh thì xin chứng nghiệm cho em bằng cách thử trứng. 
Em cắm chiếc đũa xuống mộ và đặt quả trứng lên đầu ngọn đũa, nếu đúng là anh thì hãy khiến quả trứng đỗ yên, bằng không thì cho trứng rơi xuống…”. Thế rồi ông lấy đôi đũa cùng 4 quả trứng mang theo ra. Quả đầu tiên ông thử, vừa đặt trứng lên đầu chiếc đũa thì quả trứng bỗng quay luôn một vòng mới đậu yên khiến cho ông giật mình, lùi lại, gần như suýt ngã ngửa. Thế rồi ông lần lượt thử đủ bốn lần trên hai chiếc đũa và cả bốn lần quả trứng vẫn đậu. Có lần ông còn để quả trứng ở nguyên trên đầu đũa nửa tiếng đồng hồ, ba người đi thắp hương cho đủ 580 ngôi mộ, khi về quả trứng vẫn đỗ yên trên đầu đũa.
Tới giờ phút ấy, riêng lòng ông Hinh đã tin chắc đó chính là phần mộ của anh trai mình. Ông trở ra Bắc mang theo tin mừng cho gia đình. Sự việc tưởng thế đã xong. Hai cụ thân sinh ra anh em ông, năm 2007 tuổi đã rất cao và các cụ đều mong được sớm đón hài cốt người con trai về quê. Nhưng việc không thể sớm thực hiện vì đa phần anh em nhà ông lại chưa thực tin. Ý kiến nhiều người nói chỉ tin khi có cơ sở khoa học, nghĩa là phải thử ADN. 
Xét ra ý kiến đó có lý. Nó sẽ giúp anh em ông tránh mọi hồ nghi, phiền phức sau này. Chỉ hiềm nỗi năm sau đó ông Hinh bỗng đổ bệnh, phải qua hai phen phẫu thuật và điều trị kéo dài. Tới năm 2010 cụ ông qua đời, cụ bà năm 2012 cũng ra đi. Trước khi mất các cụ vẫn đau đáu một niềm nhắn nhủ là phải đưa được hài cốt người con liệt sĩ về quê hương. Người bố còn nói dỗi “Chỉ tôi là đau đớn thôi. Tôi đang ăn đồng tiền xương máu của thằng liệt sĩ đấy!” Ông Hinh đã thay mặt anh em hứa với bố mẹ.
4. Lần thứ 2 ông Hinh cùng người cháu vào Quảng Ngãi cách lần đầu 4 năm. Đó là năm 2011. Và lần thứ 2 này, nguyên do xui nên cũng vẫn lại từ …giấc mơ. Ông mơ thấy mặt ngôi mộ bị sạt nghiêng đến độ không để được bát nước, khi vào thăm quả nhiên là vậy. Lần đó ông đã mời cô Cao Thị Hạnh - Phó chủ tịch xã Hành Thịnh - ra nghĩa trang xem xét và cùng chú cháu ông tu sửa phần mộ.
 Cũng trong lần thăm này ông làm đơn trình lên UBND xã Hành Thịnh cùng các cấp huyện, tỉnh, bộ, xin phép được mở ngôi mộ nghi là của liệt sĩ Hà Tất Thế để lấy mẫu xương liệt sĩ đi thử ADN. Đơn từ qua lại, tới ngày 02.8.2013 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ký giấy đồng ý cho phép lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ. Ngày 12.9.2013, ông Hinh vào khai mộ, lấy một miếng xương ống chân dài khoảng 2x2cm mang về Cục người có công, rồi từ cục này chuyển sang cho Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam làm xét nghiệm AND. 
Sau 3 tháng 1 ngày thấp thỏm đợi chờ, tới ngày 13.12.2013 gia đình ông nhận được giấy báo kết quả giám định ADN, số NCC622/CNSH, ngày 3.12.2013, xác định “mẫu hài cốt của phần mộ số 3, hàng 2, xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi và mẫu sinh phẩm của ông Hà Quang Hinh… là có liên quan huyết thống dòng mẹ…”. Giấy báo có chữ ký/con dấu của Viện trưởng Trương Nam Hải và Trưởng phòng phân tích Lê Quang Huấn.
Khỏi phải nói khi tiếp nhận giấy báo kết quả xét nghiệm ADN của Viện Hàn lâm khoa học, gia đình ông mừng đến mức nào. Riêng ông mang tờ giấy báo kết quả xét nghiệm ADN đó đặt lên ban thờ, thắp nén hương báo cho hương hồn bố mẹ biết mà không cầm được hai dòng nước mắt. Chưa bao giờ trong đời ông lại xúc động đến vậy. Một nỗi buồn đau xen cùng với niềm vui sướng. Ông đã thực hiện được lời hứa với bố mẹ mình. Sự thật 100% đấy mà đến nay nhiều lúc ông Hinh vẫn nghĩ như mơ.
Ngày 25.12.2013 đại gia đình cùng với các ban ngành xã Song An làm lễ tang đón rước hài cốt liệt sĩ Hà Tất Thế, sau 42 năm hy sinh trở về an nghỉ trên mảnh đất quê nhà, nơi nghĩa trang liệt sĩ xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
Cuộc hành trình đi tìm phần mộ người anh của ông Hà Quang Hinh, được khởi đầu qua một giấc mơ kỳ lạ đến kết quả xét nghiệm ADN chính xác, khoa học, quả là một câu chuyện giàu ý nghĩa thực tiễn, giúp cho chúng ta thêm một cơ sở quý giá để trải nghiệm, hiểu biết về những điều kỳ diệu và còn nhiều bí ẩn của cõi thế gian này.
Đỗ Trọng Khơi

 
Chú bộ đội nhập vào bác thợ xây kể chuyện sống động

Sự thật đằng sau clip 'liệt sĩ nhập vong đòi về nhà'

28 Thanh Niên Online
Sau khi xem clip ghi cảnh người đàn bà tự nhận là liệt sĩ “nhập vong” trách mình không tìm kiếm anh trai, bà Nguyễn Thị Nhuận (huyện An Dương, TP.Hải Phòng) đã lên tiếng bác bỏ.
Bà Nhuận và mẹ là cụ Tụng cho biết vẫn mong ngày tìm được liệt sĩ Mến
Ảnh Lê Tân
Clip trên được đưa lên mạng xã hội facebook vào ngày 21.7, trong đó ghi cảnh một người đàn bà khoảng hơn 50 tuổi vừa đi vừa khóc vừa gào thét “tôi tủi thân lắm,tôi buồn lắm” trong Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Trong clip, có tiếng của người đàn ông đi theo quay clip và hỏi “đâu đâu, anh nằm chỗ nào”. "Khe xanh” - người đàn bà đáp lại.
Do có nhiều người chạy theo để hỏi chuyện, người đàn bà kể trên "cho biết" mình là liệt sĩ quê ở TP.Hải Phòng và có em gái tên là Nguyễn Thị Nhuận ở ngụ thôn Mỹ Tranh, xã Nam Sơn, huyện An Dương, TP.Hải Phòng. Do em gái và gia đình không chịu đưa về, phải nằm ngoài đất trời nên rất buồn bã, tủi thân.
“Thông qua” người đàn bà được cho là "nhập vong", liệt sĩ tên Nguyễn Văn Mến, quê ở xã Nam Sơn, huyện An Dương, TP.Hải Phòng "cho biết" anh nằm ở quả đồi thứ nhất, giáp ranh giữa hai huyện Vĩnh Linh và huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị và chỉ cần em gái đồng ý đi tìm là sẽ chỉ chính xác vị trí đang nằm. Clip nhanh chóng được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội với mong muốn phần mộ của liệt sĩ sớm được gia đình tìm thấy.
Để làm rõ vụ việc, sáng 23.7, Thanh Niên đã tìm đến xã Nam Sơn, H.An Dương, TP.Hải Phòng và được giới thiệu đến nhà bà Nguyễn Thị Nhuận, tại thôn Mỹ Tranh. Tại đây, ông Bùi Văn Lợi (63 tuổi, chồng bà Nhuận) khẳng định gia đình có liệt sĩ Nguyễn Đức Mến, sinh năm 1952, nhập ngũ năm 1968 và được xác định là hy sinh năm 1972, nhưng chưa tìm thấy phần mộ.
liet-sy
Thông tin về liệt sĩ Nguyễn Đức Mến
Ảnh Lê Tân
Ông Lợi cho biết: “Mấy hôm nay có rất nhiều cuộc điện thoại gọi về hỏi han, chúc mừng gia đình đã tìm được mộ anh vợ tôi. Thật sự có phải vậy đâu vì clip trên không đúng sự thật”. Theo đó, người đàn bà “nhập vong” là bà Phạm Thị Nhưỡng (ngụ thị trấn Trới, huyện Hoàng Bồ, tỉnh Quảng Ninh), em dâu họ bà Nhuần. 
“Một số lần về nhà tôi cúng giỗ, bà Nhưỡng được xem giấy báo tử của anh Mến và có ý hướng nhà tôi đi tìm anh theo phương pháp ngoại cảm. Cách đây 1 năm, bà Nhưỡng từ Quảng Ninh về đến đầu ngõ thì khóc lóc, kể lể nói anh Mến nhập bảo đi tìm mộ ở Quảng Bình. Gia đình chúng tôi không tin lắm nhưng với niềm mong mỏi tìm thấy anh, chúng tôi vẫn chuẩn bị đồ đạc, tiền bạc để đi tìm cùng bà Nhưỡng. Nhưng một ngày trước khi đi tìm thì bà ấy lại bảo hủy chuyến đi. Lần này khi vừa xem clip là tôi biết bà ấy diễn rồi. Các địa điểm bà ấy nói ra là vô lý vì đồng đội anh Mến trở về, cho biết lần gặp gặp anh trước khi hy sinh là khi đơn vị anh ấy ở Tây Ninh. Vì vậy, nói anh Mến nằm ở Quảng Trị là không thuyết phục”, ông Lợi kể lại.
“Bà Nhưỡng là người mê tín, hay theo hầu đồng. Bà ấy tự ý nói anh Mến nhập vào người và trách móc chúng tôi không đi tìm là hết sức vô lý và bậy bạ, trong khi gia đình chúng tôi mong anh về từng giờ một”, bà Nhuận vừa nói vừa khóc.
 Ông Lợi cho biết, hôm 22.7, người quay clip bà Nhưỡng “nhập vong” đã liên lạc với gia đình và được cung cấp mọi thông tin liên quan. Trao đổi với Thanh Niên, anh Võ Văn Linh (ngụ tại TP.Đông Hà, Quảng Trị), tác giả clip nêu trên cho biết việc gặp bà Nhưỡng và quay clip là hoàn toàn vô tình. “Tôi đăng clip lên trang cá nhân vì mong người thân liệt sĩ có thể biết thêm thông tin để tìm kiếm chứ không có mục đích gì khác”, anh Linh nói và xác nhận anh đã liên lạc với gia đình bà Nhuận với mong muốn chia sẻ thông tin để tìm mộ liệt sĩ Mến. Ông Phạm Văn Tùng, trưởng thôn Mỹ Tranh, cho biết: “Là người nắm rõ chuyện nhà bà Nhuận, tôi khẳng định clip đó nói sai sự thật. Chúng tôi xác nhận gia đình chị Nhuận rất tích cực tìm kiếm các thông tin liệt sĩ để tìm anh Mến”.

Ly kì chuyện học sinh bị liệt sĩ nhập hồn ở Quảng Bình

camnhung |

Không đến lớp thì thôi, hễ khi đến lớp một số em học sinh lại "nhập đồng", tự xưng mình là "bộ đội" và muốn về quê…

Khoảng 2 tháng trở lại đây, tại Trường THPT Minh Hóa  huyện Minh Hóa tỉnh Quảng Bình xôn xao chuyện 3 em học sinh bị “nhập đồng”. Những lúc “lên đồng”, các em này thường tự xưng mình là “bộ đội” và trách móc rằng mình thường bị quấy rầy, bị giẫm đạp lên... thi thể.
Có những lần, trong lúc “lên đồng”, một trong số 3 học sinh trên còn nói rằng mình và “đồng đội” được chôn ngay trong sân vận động của nhà trường.
 
Sân vận động, nơi một số học sinh lúc bị “nhập đồng” nói có hài cốt liệt sĩ.
Em Đ.T.H.D, học sinh lớp 12 Trường THPT Minh Hóa, trong thời gian 2 tháng trở lại đây mỗi khi đến trường thường hay ngất xỉu hoặc có biểu hiện nói lảm nhảm. Có lần D xưng mình là liệt sĩ, tên Trần Văn Vam, quê ở xã Quảng Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Qua D liệt sĩ Vam cho biết mình rất muốn được trở về quê hương.
Sau khi biết thông tin, ngày 23/5, gia đình liệt sỹ Vam đã vào Quảng Bình, tìm đến Trường THPT Minh Hóa. Theo vị trí của em D chỉ, người nhà liệt sĩ Vam đào sâu khoảng 60cm thì phát hiện lớp đất màu đen, khác biệt so với xung quanh. Tuy nhiên, không tìm thấy xương cốt, không có bất cứ di vật nào có thể chứng minh đó là ngôi mộ liệt sĩ Vam. Trong khi đó, theo giấy báo tử thì liệt sĩ Vam hy sinh tại chiến trường phía Nam chứ không phải tại khu vực này.
Trường hợp thứ 2 là em Đ.T.Y bị liệt sĩ Cao Văn Hưng quê ở Thái Bình “nhập”. Liệt sĩ Hưng cũng nhờ em Y đưa mình về quê. Sau 3 lần bị “nhập” như vậy, gia đình em Y tra cứu trên mạng và được biết tên tuổi liệt sĩ Hưng là có thật. Gia đình em Y đã liên lạc với gia đình liệt sĩ Hưng, sau đó gia đình liệt sĩ Hưng đã vào trường để xác minh thông tin.
Tuy nhiên theo một số người dân sinh sống lâu năm xung quanh trường cho biết: Khu vực Trường THPT Minh Hóa trước đây là bệnh viện huyện (giai đoạn 1967-1969), không thể có chuyện chôn cất liệt sĩ ở đó. Tuy thời đó bệnh viện có cho chôn cất những bệnh nhân không may tử vong, nhưng địa điểm chôn là phía sau bệnh viện, nằm trên sườn đồi. Do vậy, thậm chí cả xương cốt người thường cũng không có, nói gì tới liệt sĩ. Theo người dân, khu vực sân vận động của Trường THPT Minh Hóa không phải là đất thổ cư, được san ủi, đào đắp mà có nên không thể có ngôi mộ nào ở đó.
Ông Đinh Cảnh Toàn, Trưởng phòng LĐ,TB&XH huyện Minh Hóa cho biết: Ngay sau khi có thông tin, UBND huyện Minh Hóa đã động viên các em ổn định tư tưởng để thi cử, còn về phía huyện, hiện tại chưa có cơ sở để xác minh khu vực này có hài cốt liệt sĩ hay không.
“Nếu có di vật chứng minh là hài cốt liệt sĩ, khi được cất bốc lên thì UBND huyện Minh Hóa sẽ tiến hành làm đúng các thủ tục theo quy định của Nhà nước”, ông Toàn cho biết.
Cẩm Nhung
Tổng hợp theo GĐ&XH

'Linh hồn chị Huyền mới nhập vào 1 cán bộ Nhà nước'

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải, các nhà ngoại cảm không thể gặp được linh hồn người đã mất, dự đoán sai là do không hợp “duyên”, bị nhiễu thông tin…

Liên quan đến vụ Thẩm mĩ viện Cát tường làm chết người phi tang xác nạn nhân ném xuống sông Hồng, đến thời điểm này gia đình vẫn chưa tìm thấy thi thể chị Lê Thị Thanh Huyền.
Có nhiều "nhà ngoại cảm" tìm đến gặp gia đình, mong muốn "nói chuyện" với linh hồn chị Huyền tại bờ sông Hồng. Tuy nhiên, kết quả tìm được vẫn bằng không. Cũng trong thời gian đó, hàng loạt sự kiện “vạch mặt” những người giả ngoại cảm lừa đảo thân nhân liệt sĩ gây “bão” trong dư luận. Không ít người đặt câu hỏi: “Tại sao các nhà ngoại cảm chân chính không đứng ra giúp đỡ tìm thi thể nạn nhân xấu số trong vụ Cát Tường để chứng minh khả năng?”
Đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi này, chúng tôi có cuộc trao đổi với Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải- Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người.

Giác Hải, chị Huyền, Cát Tường, linh hồn, nhập, thẩm mỹ
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải trao đổi về trường hợp nhà ngoại cảm không tiếp xúc với linh hồn đã mất.
Đối với những nhà ngoại cảm ra sông Hồng tìm thi thể chị Huyền, theo ông Hải nhận định đó là những nhà ngoại cảm không có tài năng thật, mắc bệnh hoang tưởng hoặc có thể bị linh hồn của người chết làm nhiễu thông tin, không tìm được thông tin chính xác.
“Qua nhiều năm nghiên cứu tôi cho rằng một nhà ngoại cảm gặp, nói chuyện được với linh hồn người đã mất là do duyên tức là mối quan hệ từ kiếp trước, so sự hợp sóng giữa hai con người (âm – dương).
Trong nhiều trường hợp mà tôi đã thực nghiệm khi tìm hài cốt liệt sĩ, nhà ngoại cảm nổi tiếng cũng không tìm được nhưng nhà ngoại cảm khác lại có duyên gặp gỡ với linh hồn liệt sĩ đó nên đã tìm ra”, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải giải thích thêm.
Theo ông, để nhà ngoại cảm có thể gặp gỡ, trò chuyện với linh hồn người chết thì ngoài “duyên” cần có nguyên tắc như sau: Tìm xác sau 49 ngày bởi lúc đó linh hồn mới biết mình đã chết nên mới có thể giao lưu được; việc nói chuyện với linh hồn phải diễn ra ở nơi linh hồn đó đã chết.
"Trong trường hợp tìm xác nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền, các nhà ngoại cảm cần tìm ở Thẩm mĩ viện Cát Tường chứ không phải ở bờ sông. Tuy nhiên việc liên hệ phía bên công an rất phức tạp", nhà nghiên cứu này nhấn mạnh.
Tiếp đó, ông đưa ra các trường hợp mà nhà ngoại cảm dự đoán sai là do nhiều nguyên nhân khách quan như nhiễu thông tin, hay do sự tin tưởng, đồng thuận của người thân đối với khả năng của nhà ngoại cảm trong việc tìm hài cốt, thi thể người chết…
“Cuối tháng 10, nhiều cộng tác viên của Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người khẳng định không thể tìm thấy xác chị Huyền dưới sông Hồng mà phi tang ở chỗ khác, có thể là thủ tiêu hoặc chôn ở đâu đó.
Cách đây không lâu, một cô cán bộ nhà nước đến tìm tôi và kể rằng cô có thể nói chuyện với linh hồn của chị Huyền. Cô cán bộ này để cho linh hồn chị Huyền nhập vào người trước sự chứng kiến của tôi và chồng cô ấy.
Linh hồn kể trong sự hoảng hốt, kêu khóc rằng cô chết oan và không được toàn thây nên không thể siêu thoát được. Đó là câu chuyện mà tôi chứng kiến và cô cán bộ nhà nước đó cũng không phải nhà ngoại cảm của Viện mà chỉ là người bình thường. Điều đó chứng tỏ rằng, việc giao lưu với linh hồn người chết phụ thuộc vào “duyên gặp gỡ” giữa hai con người”, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải nói thêm.
Với mong muốn giúp đỡ gia đình, rất đông đảo các nhà ngoại cảm đến chân cầu Thanh Trì để “giao lưu” với linh hồn chị Huyền. Thậm chí là những dự đoán, tin từ nhiều nhà ngoại cảm tứ phương vẫn thường gửi đến cho chồng nạn nhân nói địa điểm thi thể. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn không có kết quả gì.
(Theo Trí thức trẻ)

Đừng vội cho nhà ngoại cảm là lừa bịp

Tác giả sách "Hành trình 25 năm tìm hài cốt liệt sĩ của Phan Thị Bích Hằng" cho rằng nhà ngoại cảm là người chứ không phải là thánh, nên có thất bại là dễ hiểu.
Điều gì khiến anh thực hiện cuốn sách về nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng?
- Trước hết, tôi là người chuyên viết phóng sự. Phàm là người viết phóng sự thì bao giờ cũng săn tìm những đề tài mới, lạ và “độc”. Chuyện về nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng với khả năng đặc biệt và những cuộc tìm mộ ly kỳ, huyền hoặc đã “quyến rũ” tôi.
Khi theo chân chị tìm kiếm hài cốt, tận mắt chứng kiến khả năng đặc biệt của chị, cảm nhận rõ niềm hạnh phúc của những gia đình thân nhân liệt sĩ khi tìm thấy hài cốt của chồng, con, tôi vô cùng xúc động. Thấm thía sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ, tôi tâm nguyện phải làm gì đó để bù đắp phần nào mất mát của các anh, làm sao đưa hài cốt các anh về quê hương.
Kể từ đó, tôi luôn đồng hành với chị Bích Hằng và nhiều nhà ngoại cảm khác như chị Năm Nghĩa, anh Nguyễn Khắc Bảy… trong những cuộc tìm mộ.
Tôi viết cuốn sách này để bạn đọc hiểu đúng về công việc các nhà ngoại cảm đang làm, điều mà nhiều người còn bán tín, bán nghi, thậm chí riết róng tố cáo là lừa đảo, bịp bợm; sau là để dựng lại những trang sử hào hùng của cha anh.
Phan Thị Bích Hằng, nhà ngoại cảm
Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng.
Để thực hiện các bài báo về quá trình tìm hài cốt của Phan Thị Bích Hằng, anh tác nghiệp như thế nào?
- Cẩn trọng là một trong những phẩm chất cần thiết nhất của người làm phóng sự. Cẩn trọng khi quan sát, ghi chép, lấy tư liệu, phỏng vấn các nhân vật liên quan, ý kiến của các nhà khoa học và điều đặc biệt quan trọng, đó là kết quả xét nghiệm ADN. Khi viết về đề tài này, tôi không tiếc công sức, thời gian, tiền của. Vì việc tìm hài cốt liệt sĩ không đơn giản.
Có những vụ việc kéo dài nhiều tháng, nhiều năm. Tôi đã gặp hàng trăm nhân chứng, hàng chục nhà khoa học để thu thập tài liệu, chứng cứ, kiểm chứng… Tập phóng sự này và nhiều tập phóng sự trước đó, là kết quả của những chuyến khoác ba lô vượt rừng, ngược suối ấy của tôi.
Khi đã thu thập đủ tư liệu, chứng cứ thuyết phục, tôi bắt đầu nghiên cứu kỹ lưỡng rồi tìm tòi giọng điệu, chọn lọc chi tiết, sắp xếp bố cục… để làm sao chuyển tải một cách trọn vẹn, trung thực, hiệu quả đến bạn đọc. Từ đó, gửi thông điệp tốt đẹp, nhân văn về lòng biết ơn, tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc, bổn phận với những người đã hy sinh thân mình cho hòa bình, độc lập…
Phóng sự là một thể tài giao thoa giữa báo chí và văn học, cho nên, tôi nghĩ, bên cạnh việc chuyển tải thông tin, phóng sự cũng phải chuyên chở “Đạo”, chuyên chở những hiểu biết và thương yêu đến cho mọi người.
Những kỷ niệm nào anh nhớ nhất trong quá trình thực hiện các bài báo này?
- Kỷ niệm thì nhiều lắm. Nhưng ám ảnh tôi nhất là chuyến đi đầu tiên vào K’Nack, huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai tháng 3/2002 để tìm 500 hài cốt liệt sĩ đặc công. Một chặng đường dài 1.500 km từ Hà Nội. Tôi bật khóc khi nghe những người lính nay đã tóc bạc da mồi kể lại trận đánh năm xưa.
Khi đó, Mỹ - Ngụy xây dựng cụm cứ điểm tại K’Nak nhằm chặn đường giao liên của ta. Mùa xuân 1963, quân ta tấn công căn cứ địch. Bộ đội ta chiến đấu cực kỳ dũng cảm, dành được một số vị trí. Lô cốt cố thủ của địch bắn chặn quyết liệt. Quân ta thương vong gần hết. Xác của các chiến sĩ nằm la liệt trắng cả ven suối và chân đồi.
Lực lượng cứu thương và dân công hỏa tuyến cũng hy sinh hết nên không còn người cấp cứu và tải thương. Nếu tính cả lực lượng này, hơn 1.000 người đã để lại xương thịt ở trận đánh.
Sau chuyến đi ấy, tôi đã viết loạt phóng sự dài kỳ về hành trình tìm gần 500 hài cốt liệt sĩ ở Tây Nguyên. Tôi viết trong sự chấn động của cảm xúc, sự tức tưởi của nỗi đau. Ngay khi đăng kỳ 1, hàng ngàn cú điện thoại, hàng trăm bức thư và email của độc giả trong và ngoài nước đã gửi về cho chúng tôi bày tỏ niềm xúc động và cả những day dứt khôn nguôi.
Phan Thị Bích Hằng, nhà ngoại cảm
Nhà báo Hoàng Anh Sướng. Ảnh: NVCC
Cuốn sách viết về nhiều cuộc tìm hài cốt của Phan Thị Bích Hằng, anh có đồng hành, chứng kiến tất cả những lần đi tìm hài cốt ấy?
- Phần lớn những vụ việc tìm mộ của chị Bích Hằng viết trong cuốn sách này, tôi đều đồng hành cùng chị và chứng kiến. Song cũng có một số vụ, vì thực hiện trong một thời gian dài nên có những lúc, do bận công việc, tôi không đi cùng được. Những trường hợp ấy, tôi đều xin tư liệu từ Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người và phỏng vấn chị Hằng, phỏng vấn các nhân vật có liên quan.
Nhiều người cho rằng nhà ngoại cảm như Bích Hằng may mắn được trời phú cho những khả năng đặc biệt. Liệu họ có gặp những khó khăn gì khi đi tìm hài cốt liệt sĩ?
- Thật khó có thể kể hết những cuộc tìm mộ thành công của Phan Thị Bích Hằng mà các nhà khoa học, nghiên cứu đã ghi nhận, xác thực bằng xét nghiệm ADN. Có điều, chị Bích Hằng là một con người chứ không phải là một vị thánh nên không thể đòi hỏi phải tìm kiếm mộ thành công 100%.
Theo tôi, kết quả của một cuộc tìm mộ ngoại cảm, phụ thuộc vào 3 yếu tố. Thứ nhất là vong linh người mất, năng lượng sóng của họ có đủ mạnh để truyền thông tin nhiều, chính xác? Thứ hai, người đi tìm có tâm thực sự hướng đến người đã mất không, có tha thiết tìm được hài cốt người thân không? Thứ ba, nhà ngoại cảm, đóng vai trò trung gian như một trạm thu sóng. Họ có khả năng thực sự không? Sức khỏe, tâm lý lúc đi tìm hài cốt thế nào? Cho nên, khi cuộc tìm kiếm không thành công, chúng ta cần phải bình tĩnh xem xét xem vướng mắc, trục trặc ở yếu tố nào, không nên vội vã đổ lỗi, kết tội ngay cho nhà ngoại cảm là lừa bịp, là rởm.
Anh làm thế nào để cuốn sách của mình mang tính khoa học, báo chí, không sa vào mê tín như một số cuốn lấy mác là đề tài tâm linh khác?
- Đây là tập phóng sự nên tính trung thực tôi đặt lên hàng đầu. Những sự việc, hiện tượng tôi nêu trong bài viết đều đã được kiểm chứng, thực chứng. Nhiều chi tiết rất hay, hấp dẫn nhưng nếu không được kiểm chứng, tôi cũng không đưa vào bài viết. Tôi có may mắn là một Phật tử, tu tập thiền nhiều năm, nghiên cứu đạo Phật nguyên thủy nên tôi thường quán chiếu những hiện tượng tâm linh bằng tuệ giác, giáo lý nguyên thủy của đạo Phật.
Anh nghĩ sao về những ý kiến cho rằng Hoàng Anh Sướng thực hiện cuốn sách do nhận tiền từ Phan Thị Bích Hằng. Thậm chí có tin đồn rằng nhà ngoại cảm đã tặng anh hiện vật đắt giá để anh viết cuốn sách đó?
-Tôi là một Phật tử, trọng nghĩa khí và nhân cách. Hơn 20 năm làm báo, tôi chưa bao giờ để đồng tiền uốn cong ngòi bút. 15 năm đồng hành cùng nhiều nhà ngoại cảm, tôi chưa bao giờ nhận ở họ, dù chỉ một đồng. Tôi viết bằng cái tâm trong sáng.
Theo Zing

Sự thật về 8 liệt sĩ hang Tám Cô đang được sáng tỏ dần

Dân trí 45 năm đã qua đi sau ngày tảng đá nặng cả nghìn tấn chôn vùi và vĩnh viễn cướp đi mạng sống của 8 TNXP quê Hoằng Hóa (Thanh Hóa) khi tham gia mở Đường 20 - Quyết Thắng. Hàng chục năm qua, người thân của những liệt sĩ này vẫn mong mỏi được làm rõ 6 bộ hài cốt được tìm thấy sau này và ước nguyện đó có lẽ sắp thành hiện thực.
 >> Lấy mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ Hang Tám Cô để xét nghiệm ADN

Tâm nguyện hàng chục năm của thân nhân 8 liệt sĩ
Hai năm trước, tôi từng trở về quê hương và gặp những người thân của 8 liệt sĩ đã hy sinh tại hang Tám Cô (Bố Trạch- Quảng Bình) khi tham gia mở con đường huyết mạch nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
8 TNXP thuộc quân số của Đại đội 217, Ban Xây dựng 67, Đoàn 559 bao gồm: Trần Thị Tơ (SN 1954), Lê Thị Mai (SN 1952), Đỗ Thị Loan (SN 1952), Lê Thị Lương (SN 1953), Nguyễn Văn Huệ (SN 1952), Nguyễn Văn Phương (SN 1954), Nguyễn Mậu Kỹ (SN 1947) và Hoàng Văn Vụ (SN 1953).
Lần đó, tôi đã được gặp người mẹ duy nhất còn sống của liệt sĩ Lương là mẹ Lê Thị Ngoạn (xã Hoằng Thịnh). Một mắt mẹ Ngoạn đã mù lòa vì khóc thương con sau ngày nghe tin con gái hy sinh ở chiến trường.
Mẹ Ngoạn hy vọng trước lúc nhắm mắt được đưa hài cốt của con gái về quê
Mẹ Ngoạn hy vọng trước lúc nhắm mắt được đưa hài cốt của con gái về quê
Gặp tôi, mẹ kể câu chuyện về con gái nhưng trong mắt mẹ đã tắt niềm hy vọng được tìm thấy hài cốt của con. Mẹ bảo con mẹ ra đi vì Tổ quốc, mẹ không oán trách điều gì chỉ mong hài cốt của con được làm rõ. Vậy mà tâm nguyện ấy, mấy chục năm qua chưa thể thực hiện được.
Ngày còn khỏe, mẹ vẫn gõ cửa khắp cơ quan chức năng từ địa phương đến Trung ương nhưng niềm mong mỏi của mẹ sau chừng ấy năm gần như đã vụt tắt.
“Mẹ sống bằng này tuổi rồi, cũng đã vào được nơi con gái nằm lại thắp cho con nén hương là đã mãn nguyện, nhưng có một điều mẹ vẫn còn đau đáu trong lòng đó là năm 1996, họ khai quật hang, tìm thấy hai bộ hài cốt. Một bộ là của liệt sĩ Hoàng Văn Vụ thì đã rõ vì liệt sĩ theo công giáo nên có chiếc vòng đeo ở cổ.
Còn một bộ đã bị mùn, vì không rõ thế nào nên họ đã chia ra làm 7 phần rồi bỏ vào từng chiếc mộ gửi về quê. Lúc đầu mẹ mừng lắm vì con gái đã được đưa về quê hương. Nhưng một thời gian sau lại nghe thông báo tìm thấy sáu bộ hài cốt nữa. Tất cả được đưa về nghĩa trang Thọ Lộc (Quảng Bình). Vậy là hài cốt của con mẹ vẫn chưa được xác định” – mẹ Ngoạn ngậm ngùi cho biết.
Hang Tám Cô- nơi 8 TNXP đã hy sinh vào ngày 14/11/1972
Hang Tám Cô- nơi 8 TNXP đã hy sinh vào ngày 14/11/1972
“Việc đưa anh về quê hay ở nghĩa trang trong Quảng Bình cũng không còn quan trọng, một năm chúng tôi sẽ vào thăm anh, thắp nhang cho anh nhưng chỉ mong hài cốt của anh được xác định rõ ràng. Còn bộ hài cốt đã chia làm bảy phần trước đó thì trả về đúng cho họ chứ để như vậy xót xa lắm, tội nghiệp lắm” – ông Nguyễn Mậu Mật – em trai của liệt sĩ Kỹ tâm sự.
Niềm hy vọng lóe sáng
Lần trở lại này, gặp mẹ Ngoạn, mẹ vui lắm, có lẽ niềm tin, niềm hy vọng sẽ xác định đúng hài cốt của con gái đang rất lớn trong mẹ. Mẹ bảo rằng mấy chục năm qua mẹ chờ đợi trong vô vọng, lần này mẹ tin hài cốt con gái mẹ sẽ được xác định, rằng nếu hài cốt của con gái được tìm về thì mẹ có chết cũng nhắm mắt được rồi.
Trước mong muốn và nguyện vọng của thân nhân liệt sĩ hang Tám Cô, mới đây Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung đã chỉ đạo Cục Người có công, Sở LĐ-TB-XH hai tỉnh Thanh Hóa, Quảng Bình nhanh chóng tiến hành lấy mẫu sinh phẩm của 6 bộ hài cốt vô danh ở Nghĩa trang TNXP Thọ Lộc và mẫu sinh phẩm (là mẫu máu) của thân nhân liệt sĩ hang Tám Cô để xét nghiệm ADN sớm làm rõ nguyện vọng của thân nhân gia đình liệt sĩ.
Tiến hàng lấy mẫu sinh phẩm của thân nhân liệt sĩ hang Tám Cô để xét nghiệm ADN
Tiến hàng lấy mẫu sinh phẩm của thân nhân liệt sĩ hang Tám Cô để xét nghiệm ADN
Hiện nay, việc tiến hành lấy mẫu sinh phẩm 6 phần mộ vô danh tại Quảng Bình và mẫu máu thân nhân các liệt sĩ ở huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) đã xong, tuy nhiên có 1 trường hợp không lấy mẫu do không còn thân nhân, đó là trường hợp của liệt sĩ Nguyễn Văn Huệ (xã Hoằng Trường).
Ông Dương Văn Huệ, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, thời gian vừa qua Sở và gia đình các thân nhân đã có bước chuẩn bị chu đáo để tiến hành đầy đủ các quy trình tiến hành lấy mẫu sinh phẩm thân nhân các liệt sĩ. Đây cũng là dịp để tri ân thân nhân, gia đình các liệt sĩ tại hang Tám Cô, trả lại danh tính hài cốt cho các liệt sĩ mà nhiều năm qua chưa thể thực hiện được”.
Cũng theo ông Huệ sự hy sinh của 8 TNXP tại hang Tám Cô là đau thương mất mát lớn của huyện Hoằng Hóa nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung. Việc an táng hài cốt các liệt sĩ hy sinh tại hang Tám Cô diễn ra từ năm 1996 đến nay vẫn chưa được giải tỏa.
“Tỉnh Thanh Hóa sẽ tích cực phối hợp với tỉnh Quảng Bình bằng tinh thần, trách nhiệm cao nhất thực hiện việc xác định ADN để trả lại tên cho các liệt sĩ, làm rõ niềm mong mỏi của thân nhân các liệt sĩ nhiều năm qua” – ông Huệ nói.
Nguyễn Thùy

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH